Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sự Tích Bánh Chưng và Bánh Dầy

22/01/201408:41(Xem: 10882)
Sự Tích Bánh Chưng và Bánh Dầy

banh_chung
Sự Tích Bánh Chưng và Bánh Dầy

Ngày đó vua Hùng trị vì đất nước. Vua tuổi đã già, ngồi trên ngai vàng đằng đẵng đã bao nhiêu năm. Thấy sức khỏe của mình ngày một suy, vua có ý định chọn một người nối ngôi. Các bà vợ của vua sinh được cả thảy hai mươi người con trai. Họ đều khôn lớn cả. Vua nghĩ: - "Kể về tài cũng có nhiều đứa trội. Nhưng chính vì thế mà cần phải lựa chọn cẩn thận. Nhất là phải làm thế nào cho chúng nó không tranh giành nhau". Đây là điều vua thường bận tâm nhất. Cuối cùng, nhờ có viên quan hầu bàn kế, vua mới quyết định mở một cuộc thi để căn cứ vào đó mà kén chọn.
Vua Hùng bèn cho hội họp tất cả các hoàng tử lại. Khi họ đã về đông đủ, vua bảo:
- Cha biết mình đã gần đất xa trời. Cha muốn truyền ngôi cho một trong các con. Bây giờ mỗi con cố kiếm hoặc làm một món ăn lạ để cúng tổ tiên. Ai có món ăn ngon vừa ý ta thì ta sẽ chọn người ấy.

Nghe vua cha phán bảo thế, bọn hoàng tử thi nhau cho người đi khắp mọi nơi để tìm thức ăn quý. Họ lần mò thôi thì trên ngàn dưới biển không sót nơi nào. Bất kỳ thứ gì nghe nói là ngon và lạ họ đều cố tìm bằng được.
banh_chung_3
Trong số hai mươi hai hoàng tử có Liêu là hoàng tử thứ mười tám. Vì thuở nhỏ mồ côi mẹ nên Liêu từng sống những ngày cô đơn. Trong khi các hoàng tử khác chạy vạy đi tìm vật lạ, thì Liêu nằm khểnh ở nhà. Chả có ai giúp đỡ chàng trong việc này. Chỉ còn ba ngày nữa là đến kỳ hạn thi mà Liêu vẫn chưa có gì. Đêm ấy Liêu nằm gác tay lên trán nhớ lại tất cả những bữa ăn ngon xưa này chàng đã được tới dự. Liêu suy nghĩ mãi và ngủ quên lúc nào không biết. Liêu mơ mơ màng màng thấy mình cùng với hai mươi mốt anh em khác đang làm bánh thi. Mỗi người có một gian nhà nhỏ mà vua cha đã sai làm sẵn ở đám hội. Liêu chưa biết nên bắt đầu bằng việc gì thì bỗng có một vị thần nữ từ trên trời bay xuống giúp chàng làm bánh. Nữ thần bảo: "To lớn trong thiên hạ không gì bằng trời đất, còn quý báu nhất trần gian không gì quý bằng gạo. Ta đừng làm nhiều, chỉ hai thứ bánh có ý nghĩa là đủ. Hãy nhặt hộ cho tôi chỗ nếp này, rồi đi kiếm cho tôi ít đậu". Tự nhiên Liêu thấy thần lần lượt lấy ra những tàu lá rộng và xanh. Thần vừa gói vừa giảng giải: - "Bánh này tượng trưng đất. Đất có cây, có đồng ruộng núi rừng thì màu cũng phải xanh xanh hình phải vuông vắn. Trong bánh phải bỏ thịt, bỏ đỗ để lấy ý nghĩa đất chở cầm thú cỏ cây... Rồi đem thứ nếp thơm đồ lên cho dẻo, giã ra làm thứ bánh tượng trưng trời: màu phải trắng, hình phải tròn và khum khum như vòm trời..."

Tỉnh dậy, Liêu bắt đầu làm bánh y như trong giấc mộng.
Ngày các hoàng tử đưa món ăn về dự thi là một ngày náo nhiệt ở Phong Châu. Người đông nghìn nghịt. Dân chúng mọi miền đều náo nức về dự một cái Tết tưng bừng ít có: mở đầu bằng cuộc thi các món ăn và kết thúc bằng lễ đăng quang của vua mới. Đúng vào lúc mặt trời mọc thì vua Hùng đi kiệu đến làm lễ gia tiên. Chiêng trống cờ quạt tưng bừng rộn tai nhức mắt mọi người. Tất cả đều ngong ngóng trông chờ lúc các vị giám khảo bình giá các món ăn.
banh_chung_5
Và giờ phút mong đợi đã đến. Tất cả những món "nem công, chả phượng, tay gấu, gan tê v.v..." của các hoàng tử đều không bằng hai thứ bánh quê mùa của Liêu. Khi mọi người thoạt nhìn thấy cỗ của chàng số đông đều lắc đầu bĩu môi, vẻ chê bai hiện ra nét mặt. Nhưng sau khi nếm xong, họ bỗng đổi hẳn thái độ, không ai không gật gù tán thưởng. Ông Lạc tướng xoa tay: - "Đây là một thứ hương vị khác thường làm từ những cái tầm thường". Riêng vua Hùng rất lấy làm ngạc nhiên về miếng bánh lạ vừa ăn. Nhà vua lật lên lật xuống ngắm nghía kỹ càng những tấm bánh khác chưa bóc. Vua cho đòi Liêu điện, hỏi cách thức làm bánh thế nào. Hoàng tử cứ thưa tâu lên, không quên nhắc lại giấc mộng lạ của mình.

Quá trưa hôm ấy, vua Hùng trịnh trọng ban bố kết quả với các con: Hoàng tử thứ mười tám được giải nhất và sẽ được truyền ngôi. Vua cầm hai thứ bánh giơ lên cho mọi người xem và nói rõ cái căn cớ khiến cho mình chọn nó đứng đầu các thứ cỗ. Vua nói:
- Nó chẳng những ngon và quý mà còn mang nhiều ý nghĩa đặc biệt: nó bày tỏ lòng hiếu thảo của người con, tôn trọng cha mẹ như trời đất, nó chứa đầy một tấm tình quê hương ruộng đồng. Nó rất dễ làm vì làm bằng những hạt ngọc quý nhất trong những hạt ngọc của Trời Đất, nhưng mà những hạt ngọc ấy mọi người đều từ làm ra được. Phải là người có tài mới nghĩ được một loại bánh như vậy...
banh_chung_6
Từ đó thành tục lệ hàng năm cứ đến ngày Tết, mọi người đều làm hai thứ bánh đó và gọi là bánh chưng bánh dầy để thờ cúng gia tiên. Hoàng tử Liêu sau được làm vua, mang hiệu là Tiết Liêu Vương, tức là Hùng Vương thứ mười bảy. Lần đó có nhiều hoàng tử hỏng thi sinh ra ganh ghét, ác cảm với Lang Liêu. Cho nên sau khi vua cha mất, người nào người ấy giữ chặt lấy đất của mình. Họ làm hàng rào gỗ xung quanh vùng mình ở để làm kế cố thủ, có ý tranh nhau với Tiết Liêu Vương[1].



[1] Theo Lĩnh-nam chích quái.


banh_chung_2


Tìm thấy lá bánh chưng thời Lang Liêu

Việc phát hiện từng hạt lúa nếp, mảnh chõ khảo cổ và giờ đây cả những chiếc lá dong còn khá nguyên vẹn in hình trong chiếc nồi đồng thời Đông Sơn Âu Lạc đã giúp chúng ta vén dần màn khói huyền thoại về sự tích Lang Liêu và bánh chưng, bánh giầy để nhận chân lịch sử dân tộc từ hai, ba ngàn năm trước. TT&VH xin giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á.

Mẹ tôi mất rồi, nhưng không bao giờ tôi quên những câu chuyện cổ tích “Ngày xửa ngày xưa”, mẹ kể mỗi lần trước khi đi ngủ. Thuở đó tôi rất có ấn tượng với câu chuyện Lang Liêu, nhờ tài làm bánh chưng, bánh giầy mà được vua Hùng chọn làm người kế nghiệp.

Khi lớn lên, trở thành một nhà khảo cổ, tôi lại may mắn khai quật được những hạt lúa nếp cổ và cả những mảnh chõ đồ xôi thời Lang Liêu nữa. Những phát hiện đó càng thôi thúc tôi tìm kiếm những chứng cứ khảo cổ học cho câu truyện cổ tích mà dường như nó chỉ biến thành sự thực trong giấc mơ của trẻ thơ, mỗi đêm nghe mẹ thủ thỉ kể chuyện.

Trống đồng Đông Sơn và mảng lúa nếp nương râu in trong lòng trống

Từ dấu vết lúa nếp

Trên quan điểm khoa học, thì câu chuyện Lang Liêu làm bánh vẫn chỉ là huyền thoại. Huyền thoại luôn như những màn khói bao trùm mỗi không gian sinh tồn tộc người. Nhưng cũng tồn tại một nguyên lý khoa học của chuyên ngành nghiên cứu văn hóa dân gian, đó là “không có lửa thì không có khói”.Màn khói huyền thoại tuy không phải là sử liệu thật, nhưng bao giờ nó cũng bắt nguồn từ một sự thực lịch sử nào đó. Đó chính là cái lõi “lửa” đã tạo nên màn khói huyền thọai đó.

Nói đến bánh chưng, bánh giầy cũng tức là nói về việc sử dụng lúa nếp từ rất sớm của người Việt cổ. Quả thực, muộn nhất là từ 3500 năm trước, lúa trồng (Oriza Sativa)có dạng hạt bầu (large form) giống lúa nếp dính (gloutinous rice) đã tìm thấy phổ biến ở nhiều di tích khảo cổ học Việt Nam.

Đến thời kỳ phát triển rực rỡ của văn hóa Đông Sơn, nền văn hóa đại diện cho phát triển đỉnh cao của văn minh Văn Lang - Âu Lạc gắn với các đời Hùng Vương và An Dương Vương thì lúa nếp đã trở thành một nguồn lương thực phổ biến, đặt nền móng cho tập tục dùng lúa nếp như một loại hình thức ăn lễ nghi dành cho tổ tiên và thần thánh của người Việt và nhiều dân tộc anh em sống trên đất nước Việt Nam hiện nay.

Ngoài dạng lúa nếp hạt bầu râu ngắn các nhà khảo cổ học còn ghi nhận dấu in lúa nếp nương râu dài trong lòng một trống đồng Đông Sơn khai quật được ở miền tây Thanh Hóa. Trên nền tảng văn hóa có thực đó, sự tích Lang Liêu và bánh chưng đã ra đời.

Đến dấu vết chiếc lá dong trên nồi đồng cổ

Việc các nhà khảo cổ của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á vừa phát hiện dấu in của một chiếc lá dong còn nguyên vẹn và tươi tắn càng làm “tươi” thêm sự thực bánh chưng từ trên 2000 năm nay.

Hình dưới đây là nguyên trạng phát hiện khảo cổ học thú vị nói trên. Đó là một chiếc nồi đồng khai quật được ở làng Vực (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) thuộc phong cách Đông Sơn Âu Lạc có thể định tuổi vào khoảng thế kỷ 1-2 trước Công nguyên. Trong lòng chiếc nồi đó in dấu rất nhiều lá dong ở tình trạng lót nồi. Đó là những hình lá dong nằm phẳng ở tư thế nguyên chiếc bao quanh đáy và cạnh nồi. Nhờ ô xuýt đồng từ lớp gỉ của nồi mà chiếc lá được giữ nguyên trạng, thậm chí có màu xanh như những chiếc lá còn tươi.

Phục nguyên chiếc lá còn nguyên vẹn nhất, ta thấy nó có độ dài khoảng trên 30cm rộng khoảng 15cm. So sánh độ lớn và cấu trúc nhánh lá có thể nhận biết được lá thuộc họ dong riềng(Cannaceae).Loài này được xem như một dạng cây bản địa mọc hoang dại và được ươm trồng từ nhiều ngàn năm nay ở Việt Nam và Đông Nam Á cổ đại. Cho đến nay, cây dong riềng vẫn được coi như một loại cây cho bột, cho lá dễ trồng, năng suất cao, có thể giúp xóa đói giảm nghèo ở nhiều vùng dân tộc miền núi nước ta.

Việc sử dụng lá dong riềng trong các nhóm cư dân tiền sử săn bắt hái lượm ở Đông Nam Á cổ đại hẳn không có gì xa lạ. Tuy nhiên, việc phát hiện bằng chứng thật của lá dong riềng trong khung cảnh khảo cổ học giúp khẳng định niên đại muộn nhất của việc sử dụng lá dong riềng trong đời sống bếp núc quý tộc ở Việt Nam là từ khoảng thế kỷ thứ 1-2 trước Công nguyên.


Lúa nếp khai quật ở khu mộ táng Đông Sơn Động Xá (Hưng Yên)
Lúa hạt dài và lúa nếp hạt tròn khai quật được ở hang Xóm Trại (Hòa Bình).

Tổ chức lễ hội nấu bánh chưng kiểu cổ

Cảm giác của tôi thật bồi hồi không sao kể xiết khi lần đầu gặp một hiện tượng khảo cổ kỳ thú đến như vậy. Vốn là một người làm công tác khảo cổ học và nghiên cứu các văn hóa cổ truyền, sau mỗi lần đặt lại mảnh nồi đồng còn in hình lá dong trở lại tủ kính của Bảo tàng Phạm Huy Thông tôi như lại thấy hình ảnh Lang Liêu đang ở rất gần.

Từ phát hiện khảo cổ về lá dong, năm nay, chi nhánh của Bảo tàng Phạm Huy Thông đặt tại thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) đang tiến hành một lễ hội cổ truyền nội bộ, nằm trong nội dung nghiên cứu về truyền thống làm bánh chưng của người Việt cổ. Lễ hội đã bắt đầu từ sau lễ Ông Công - Ông Táo với việc cắt lá từ những cây dong riềng trên vùng núi cao Đồi Thung - Thượng Tiến ở Kim Bôi (Hòa Bình), chuẩn bị lúa nếp từ Mường Vang (Lạc Sơn, Hòa Bình) và Mộc Châu (Sơn La), thịt lợn Mường và nước lá mùi từ tỉnh Hòa Bình. Một chiếc vạc đồng bốn quai đời nhà Lang ở tỉnh Hòa Bình cũng được sử dụng để nấu bánh. Những chiếc bánh đầu tiên sẽ được dâng lên các Vua Hùng và Lang Liêu để ghi nhận công đức của người xưa.

Công bố lá dong ngàn năm và lễ hội nấu bánh chưng

Sau mấy ngày tổ chức cho bà con người Mường đi thu cắt lá dong rừng trong Khu bảo tồn quốc gia Thượng Tiến (Kim Bôi, Hòa Bình), rồi chuẩn bị ngâm gạo và đỗ, rửa, hong khô lá dong tại Bảo tàng Phạm Huy Thông, khu 4 phường Yên Giang thị xã Quảng Yên; ngày 7/2 tới (tức 27 Tết) sẽ có nhiều hoạt động thú vị.


Vết in chiếc lá dong bên trong nồi đồng Đông Sơnvà nguyên trạng phóng đại của nó.
Chương trình như sau: sáng: Thịt lợn và tổ chức gói bánh (chị em phụ nữ Yên Giang, Quảng Yên); Công bố phát hiện lá dong và lúa nếp thuộc văn hóa Đông Sơn (thời Hùng Vương) (TS Nguyễn Việt); Bình luận về sự tích Lang Liêu (GS Lê Văn Lan, GS.TS Ngô Đức Thịnh). Chiều và tối : Luộc bánh trong sanh đồng Mường bốn quai, giới thiệu tắm gội nước lá mùi Việt Mường và ngâm thuốc bắc kiểu Mông - Dao. Đêm : Dỡ bánh và dâng bánh chưng lễ tạ đất trời và mẹ Âu Cơ. Kết thúc chương trình. 

TS Nguyễn Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/01/2025(Xem: 199)
Bản tin Mừng Xuân Ất Tỵ 2025 của Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu
02/01/2025(Xem: 335)
Từ thời tiền sử, đã có ý thức về con người, vũ trụ! Năng lực siêu phàm của con người … tạo dựng nền văn minh Và sự luân hồi tuần hoàn của mọi sinh vật là bất tận hành trình Mà nhịp thời gian thay đổi đều theo chu kỳ thống nhất !
01/01/2025(Xem: 97)
Xuân Ất Tỵ 2025 đang trở về với người con Phật trong và ngoài Úc Châu. Trên góc nhìn người học Phật, chúng ta thấy rằng thế nào mới là mùa xuân thực sự? Người đời khi có niềm vui thì cho rằng có mùa xuân, dù cho mùa xuân đó thoáng qua trong ba ngày tết, hay 3 tháng mùa xuân. “Trì nhật giang san lệ, Xuân phong hoa thảo hương” (Xuân về non nước đẹp tươi, Gió đưa hương ngát muôn loài cỏ hoa) [thơ của Đỗ Phủ] Xuân của thi nhân có cái nhìn lung linh ảo diệu như thế, nhưng nó sẽ thoáng qua và cuối cùng đọng lại một chút dư hương của cuối mùa, để rồi tiếc nuối, nhớ thương hay giận hờn oán trách: “Tôi có chờ đâu, có đợi đâu Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?” (Thơ của Chế Lan Viên)
01/01/2025(Xem: 445)
Ngày đầu năm mới, chút rạo rực với bao điều từng mơ ước! Dự định tương lai tuy hoạch sẵn trong đầu Cảm giác được chăm sóc ngạc nhiên vẫn hằn sâu Hứa hẹn sự mầu nhiệm, kỳ diệu luôn hiện hữu!
17/12/2024(Xem: 393)
Tháng 12, những ngày cuối năm, khi những tờ lịch đã mỏng dần và ngoài Trời mang chút không khí se lạnh cùng một vài cơn mưa còn sót lại, thời tiết đã bắt đầu giao mùa, lòng người cũng trở nên thâm trầm lắng đọng cho những suy nghĩ về một năm sắp sửa trôi qua! Những gì đang chất chứa trong lòng bạn? Có phải những lo toan về thu nhập cuối năm, những kế hoạch về quê, sửa sang nhà cửa, những chuyến du lịch mua sắm và những dự định còn sót lại? Mỗi người đều bắt đầu chạy đua để hoàn thành những mục tiêu cho bản thân mình.
13/10/2024(Xem: 1275)
Thiệp Xuân Ất Tỵ 2025 của Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu
19/02/2024(Xem: 3059)
Bình an luôn là sự quan tâm của mỗi người, cho dù họ sống ở phương Tây, phương Đông. Chính vì thế câu đối Tết ở VN thường dùng hai chữ Bình An, “ Tân niên hạnh phúc, bình an tiến Xuân Nhật vinh hoa phú quý lai “ Cũng như người viết rất tâm ý khi chúc Tết với câu: “Niên niên như ý xuân Tuế tuế bình an nhật”
19/02/2024(Xem: 3445)
Giác tính muôn xưa vẫn tịch thường Xuống trần, quang rạng một vầng dương Soi lòng khô mục, bung hoa lộc Chiếu óc trơ lì, biết hiểu thương Tăm tối nghe kinh, trăng dọi bóng U mê học pháp, nước mài gương Mắt mù, mò mẫm tìm chân thực Thân tật, lần dò gặp cố hương
17/02/2024(Xem: 3135)
Chùa Pháp Vân (Toronto, Canada) Mừng Xuân Giáp Thìn 2024
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]