Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Xuân sinh hạ trưởng...

15/02/201114:58(Xem: 4831)
Xuân sinh hạ trưởng...

GỌI NẮNG XUÂN VỀ
Nguyên Minh

Xuân sinh hạ trưởng...

Xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng: mùa xuân là mùa sinh sản, mùa hạ tăng trưởng, mùa thu thâu rút lại, mùa đông ẩn tàng, chất chứa... Đó là quy luật vận hành khái quát nhất của sự sống trong thiên nhiên. Khi quan sát thế giới tự nhiên, từ hàng ngàn năm qua con người đã nhận ra được quy luật này và sớm biết vận dụng vào đời sống để có được những hiệu quả tốt nhất trong lao động sản xuất cũng như tổ chức đời sống.

Mùa xuân là mùa sinh sản chính trong năm. Khí hậu mùa xuân nói chung là ôn hòa, ấm áp. Gió mưa điều hòa, mặt trời cung cấp đủ lượng ánh nắng cần thiết để cây cối đâm chồi nảy lộc, chim muông cầm thú đều sinh sản dễ dàng... Mùa xuân là mùa nở hoa của đa số các loại thảo mộc, từ những loài hoa dại nơi hoang dã cho đến những vườn hoa kiêu kỳ được con người dày công chăm sóc, đa phần đều chờ đợi mùa xuân để đua nhau nở rộ. Cho dù chúng ta thường chỉ lưu tâm đến những loài hoa khoe sắc đẹp như cúc, mai, mẫu đơn, thược dược... nhưng trong thực tế thì cả đến những loài cây cỏ vô danh cũng luôn góp phần trong bức tranh xuân.

Tuy vậy, ngắm hoa vui xuân dường như chỉ là việc riêng của con người. Đối với thiên nhiên thì nhiệm vụ chính của muôn loài hoa không phải là để làm đẹp thêm hương sắc đất trời, mà chính là để khai sinh ra một thế hệ mới tiếp nối sự sống. Hoa nở là để kết thành quả, cho dù đó chỉ là loại quả dại chẳng ai biết đến hay những trái cây thơm ngọt có thể nuôi dưỡng con người. Phần lớn trong số đó đều được khởi sinh từ những bông hoa xinh đẹp nở rộ lúc xuân về. Vì vậy, mùa xuân được xem là mùa sinh sản chính của muôn loài thực vật.

Đối với các loài động vật tuy có phần khác biệt hơn, vì sự sinh sản có thể được phân bổ vào một vài mùa khác trong năm, nhưng mùa xuân nhìn chung vẫn là mùa sinh sản mạnh nhất. Đó là vì hầu hết các điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản đều tập trung vào mùa xuân. Khí hậu ấm áp, ôn hòa, nguồn thức ăn dồi dào cộng thêm với sinh lực tràn trề sau một mùa đông nghỉ ngơi không phải hoạt động nhiều... Những điều kiện này chi phối hầu hết các loài chim muông cầm thú và thúc đẩy chúng sinh sản mạnh mẽ nhất vào mùa xuân.

Riêng với con người chúng ta, mùa xuân là mùa đặc biệt mang lại sức sống mới, cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong sự chuyển vận tự nhiên của vạn vật, con người chịu những ảnh hưởng vừa trực tiếp lẫn gián tiếp, cả khách quan lẫn chủ quan khi xuân về.

Về mặt khách quan, những điều kiện khí hậu lý tưởng của mùa xuân giúp con người trở nên mạnh mẽ, dồi dào sức sống hơn. Nắng xuân ấm áp bao giờ cũng là nguồn sinh lực kỳ diệu giúp ta quên đi những tháng ngày nhọc nhằn mệt mỏi, vất vả bon chen trong suốt một năm dài... Cho dù ta có đạt được thành công hay nếm mùi thất bại, cho dù công việc trong năm qua có thuận lợi suôn sẻ hay đầy dẫy khó khăn thì trải qua một năm dài tất bật, mấy ai trong chúng ta lại không cảm thấy mỏi mệt, xuống sức? Vì thế, mùa xuân chính là thời điểm thích hợp để chúng ta dừng lại đôi chút, nghỉ ngơi và tiếp thêm năng lượng, thêm nguồn động lực mới cho sự tiếp bước trên chặng đường sắp tới.

Đối với sự chuyển mình chung của vạn vật trong lúc xuân về, con người tất nhiên cũng không phải là ngoại lệ. Muôn hoa khoe sắc, cây cỏ đâm chồi nảy lộc, mầm lá xanh tươi, cho đến chim muông rộn ràng cất tiếng... tất cả những điều đó cùng hòa quyện với nhau để hình thành cả một trời xuân mới, trong đó con người cũng rạo rực theo nhịp sống của muôn loài mà bừng dậy sức sống xuân.

Và có một điều rất rõ ràng tuy không hề được người xưa ghi chép lại. Đó là, con người hẳn đã thuận theo sự chuyển vận của mùa vụ trong năm mà hình thành những tập tục liên quan đến mùa xuân. Trong những xã hội nông nghiệp xa xưa, sự rảnh rang sau mùa thu hoạch, nhu cầu nghỉ ngơi hồi sức cũng như nguồn lương thực dồi dào vừa kiếm được chắc chắn đã là những điều kiện thuận tiện thúc đẩy con người nghĩ đến việc tổ chức những lễ hội, những cuộc vui chơi tập thể cũng như biết bao tập tục vui xuân khác.

Và điều đó từ lâu đã dần dần trở thành một yếu tố chủ quan tác động đến xã hội loài người. Cứ mỗi độ xuân sang Tết đến thì tất cả mọi người đều cảm thấy hân hoan náo nức, trong lòng rộn lên bao ý tưởng lạc quan, vui vẻ yêu đời. Mỗi một tập tục của ngày xuân đều góp phần khích lệ cho niềm vui của mỗi người đều thêm phần phấn khích, để rồi tất cả những niềm vui riêng lẻ đó cùng hòa quyện với nhau và bừng lên trong một bầu không khí ấm áp của mùa xuân đất trời và mùa xuân theo quy ước của con người... Nhờ vậy mà tất cả mọi người trong từng gia đình cho đến từng cộng đồng làng xã, xóm thôn... thảy đều hòa chung một nhịp sôi động và vui tươi, khiến cho ai nấy như đều quên hết mọi nhọc nhằn, buồn bực và trong tâm hồn cảm thấy như đang trào dâng một sức sống mới, một nguồn sinh lực mới...

Thuận theo với tự nhiên, con người cũng góp phần làm cho sự sinh trưởng trong mùa xuân càng thêm mạnh mẽ hơn. Không chỉ thưởng xuân bằng các loài hoa đẹp sẵn có trong tự nhiên, con người còn tác động để có những loài hoa nở theo ý thích của mình, với những màu sắc, chủng loại được nhiều người ưa chuộng và còn làm cho chúng phải nở rộ đúng vào thời điểm thích hợp nhất... Có thể nói, con người đã góp phần làm thay đổi thế giới tự nhiên theo với mong muốn, sở thích của mình.

Tuy nhiên, những thay đổi do con người góp phần tạo ra không phải bao giờ cũng là tốt đẹp hoặc vô hại. Nếu chúng ta chỉ trồng thêm nhiều hoa kiểng, lai tạo nhiều giống hoa mới xinh đẹp hơn, hoặc tính toán ngày giờ và tác động bằng sự chăm sóc thích hợp để các loài hoa trồng luôn nở rộ vào đúng những ngày Tết... thì vấn đề quả thật chẳng có gì đáng nói.

Nhưng con người không chỉ ngắm hoa đón Tết vui xuân, mà còn có nhu cầu “ăn ngon mặc đẹp” trong những ngày Tết. Rủi thay, nếu như chúng ta “mặc đẹp” thì cũng chẳng làm hại đến ai, nhưng sự “ăn ngon” thì lại có khác! Để phục vụ cho nhu cầu ăn uống trong “ba ngày Tết” của chúng ta, con số sinh mạng bị giết hại dường như thật khó lòng đếm xuể!

Việc giết hại loài vật để thỏa mãn nhu cầu “ăn ngon” của con người vốn dĩ từ lâu đã trở thành một sự việc rất bình thường, đến nỗi dường như chẳng còn mấy ai quan tâm đến việc xét lại. Thế nhưng, sự giết hại trong những ngày xuân đã trở thành một kiểu giết hại “tập thể” với số lượng sinh mạng lên đến những con số khủng khiếp thì quả thật không còn là vấn đề bình thường nữa!

Như trên đã nói, niềm vui và sức sống vào mùa xuân của con người vốn đã khởi đầu từ sự thuận theo tự nhiên. Vạn vật chuyển mình tràn dâng sức sống nên con người cũng thuận theo đó mà háo hức đón xuân, xôn xao vui Tết... Nhưng rồi chỉ vì để có thêm niềm vui từ những bữa ăn ngon, con người đã bắt đầu có những hành vi, quyết định đi ngược lại với tự nhiên. Trong khi vạn vật đều tưng bừng sức sống, muôn loài đua nhau sinh sản tiếp nối giống nòi, thì con người chỉ vì thỏa mãn sự vui thích của mình mà ra tay giết hại vô số sinh mạng, hoàn toàn không còn là thuận theo tự nhiên nữa!

Hơn thế nữa, hiện nay việc giết hại sinh mạng đã được “hiện đại hóa” đến mức thật đáng sợ. Nhiều lò giết mổ với quy mô lớn có thể giết đến hàng chục ngàn gà vịt mỗi ngày. Một lò giết mổ với quy mô trung bình cũng có thể “giải quyết gọn” khoảng từ 350 đến 500 con gà chỉ trong 1 giờ! Ngay cả với những con vật to lớn như trâu bò, một gia đình làm nghề giết mổ “thủ công” vào những ngày gần Tết có khi cũng giết đến hàng chục con! Trong một làng nhỏ có đến vài chục lò mổ như vậy, nên số bò bị giết tập trung tại “làng nghề” này lên đến vài trăm con là chuyện bình thường trong dịp Tết. Chỉ là chút thức ăn kẹp giữa hai đầu đũa bé tí mà khi nhìn ra toàn cảnh hẳn mỗi chúng ta không thể nào không giật mình kinh sợ!

Những năm gần đây, các nghiên cứu khoa học đã ngày càng làm rõ hơn những tác hại của việc ăn thịt. Từ những bệnh tật vặt vãnh trong đường tiêu hóa cho đến những cảnh báo kinh hoàng về nguy cơ ung thư hay nhiều chứng bệnh chết người khác do dịch bệnh đang lan tràn trong những con vật bị giết thịt. Mặc dù còn có một vài khác biệt nơi các công trình nghiên cứu độc lập khác nhau, nhưng những điểm chung nhất được đưa ra cũng đã đủ để chúng ta phải lưu ý. Chẳng hạn, nguy cơ mắc bệnh ung thư được xác nhận là giảm đến 11% ở những người không ăn thịt. Ngược lại, nguy cơ ung thư sẽ gia tăng đáng kể ở những người có thói quen ăn nhiều thịt và ít rau xanh. Đặc biệt, nếu thường ăn thịt nướng thì nguy cơ này có thể tăng lên đến 47% so với tỷ lệ thông thường. Đối với đa số con người hiện nay, có vẻ như việc ăn thịt chính là đang tự mình chuốc lấy bệnh khổ và đe dọa tính mạng của chính mình. Điều này phải chăng cũng là hoàn toàn phù hợp với quy luật về nhân quả mà đức Phật đã dạy?

Những thông tin nói trên không còn là điều mới lạ, bởi chúng đã được phổ biến quá rộng rãi trong cộng đồng xã hội. Trước sự cảnh báo đáng tin cậy của các nhà khoa học, phần lớn những người Âu Mỹ đang dần dần thay đổi quan niệm cũng như thói quen ăn uống của họ. Các nhà hàng chay được phát triển khắp nơi vì số lượng thực khách ngày càng gia tăng. Người ta từ bỏ việc ăn thịt, hay ít ra cũng là tiết giảm dần, không chỉ vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn là vì đang ngày càng nhận rõ sai lầm của việc hình thành cũng như duy trì thói quen ăn thịt từ xưa nay.

Có lẽ đó cũng là những dấu hiệu đáng mừng và báo trước những thay đổi tốt đẹp hơn trong tương lai, cho dù hiện nay thì thực trạng của vấn đề vẫn đang gợi cho chúng ta nhiều điều đáng suy nghĩ. Trong khi sự sống của muôn loài được khơi dậy và nuôi dưỡng một cách mạnh mẽ trong lúc xuân về, thì chỉ riêng con người đang đi ngược lại cái quy luật “xuân sinh, hạ trưởng...” vốn đã tồn tại trong tự nhiên từ bao đời qua.

Trong bối cảnh vui tươi của dịp xuân về, nếu mỗi người chúng ta đều biết dừng lại để chiêm nghiệm đôi chút về những ý nghĩa thực sự của mùa xuân, biết tôn trọng sự sống và không tự phong cho mình cái vị trí độc tôn giữ quyền sinh sát đối với muôn loài, để rồi từ đó thay đổi đôi chút trong khẩu phần ăn của “ba ngày Tết”, thì chắc chắn điều đó sẽ góp phần giải cứu và giữ lại mạng sống cho rất nhiều con vật đáng thương vô tội.

Thế giới này vốn luôn tồn tại trong sự tương quan. Sự tồn tại của mỗi một sự vật đều là nguyên nhân tồn tại của những sự vật khác có liên quan, và sự mất đi của mỗi một sự vật cũng là nguyên nhân khiến cho một số sự vật liên quan khác sẽ mất đi. Tuy nhiên, để thấy được mối tương quan này một cách đúng thật như nó đang hiện hữu, chúng ta cần phải tĩnh tâm suy xét, quán chiếu. Và dưới ánh sáng của sự quán chiếu, ta sẽ thấy được rằng mỗi một miếng thịt trong bữa ăn hằng ngày của ta đều đến từ con dao mổ của người đồ tể, từ việc giết hại một con vật nào đó... Và nếu ta vẫn thấy điều này là hoàn toàn bình thường, thì liệu đôi đũa ngà xinh đẹp mà ta đang sử dụng trong bữa ăn đó có khác gì với lưỡi dao khát máu của người đao phủ?

Khi nhận ra như thế, chúng ta cũng đồng thời sẽ nhận ra một sự thật rằng: chỉ cần mỗi chúng ta chịu tăng thêm một phần rau cải trong bữa ăn thường ngày, giảm bớt đi một phần thịt cá, thì chắc chắn ở đâu đó cũng sẽ bớt đi một số những con vật vô tội bị giết hại, hay nói khác hơn là sẽ có một số sinh mạng được cứu sống!

Hơn thế nữa, việc “tăng rau giảm thịt” trong bữa ăn hằng ngày hiện nay vẫn đang là lời khuyên của hầu hết các chuyên gia dinh dưỡng. Vì thế, việc làm như vậy chẳng những mang đầy ý nghĩa từ bi thương xót muôn loài, mà đồng thời cũng là một quyết định sáng suốt để bảo vệ sức khỏe và tăng thêm tuổi thọ.

Người Việt từ xưa nay vẫn thường quan niệm một cách đơn giản rằng: “Ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão.” Mặc dù đơn giản là thế, nhưng chân lý này vẫn luôn được thừa nhận trong xã hội. Hơn thế nữa, nó còn được xem như một quan điểm sống, một tiêu chí để định hướng cho mọi hành vi, tư tưởng. Nói cách khác, người Việt tin chắc rằng, nếu sống hiền lành lương thiện thì chắc chắn sẽ luôn gặp những điều tốt lành trong đời sống. Và ngược lại, nếu thường gây ra những tổn hại cho người khác thì cuối cùng chính bản thân mình cũng sẽ phải gánh chịu những tai ách, khổ nạn.

Thật ra, quan niệm này chính là sự đơn giản hóa lý nhân quả trong đạo Phật. Nhưng đức Phật dạy lý nhân quả còn bao gồm cả những chuẩn mực để phân định thiện ác, tốt xấu. Theo đó, nếu chúng ta thường xuyên gây nghiệp giết hại, làm tổn hại đến sự sống thì điều đó chắc chắn sẽ mang lại cho ta những khổ đau tương ứng. Ngược lại, nếu chúng ta biết tôn trọng sự sống, thường giúp đỡ và bảo vệ sự sống của muôn loài thì nhất định ta sẽ loại bỏ được phần lớn những khổ đau trong cuộc đời, nhất là những khổ đau có liên quan đến hành vi giết hại.

Hiểu được điều này, chúng ta sẽ thấy rằng khổ đau hay hạnh phúc cũng đều do chính ta quyết định. Khi chúng ta còn tiếp tục gây ra khổ não đớn đau cho loài vật chỉ để thỏa mãn thói quen ăn uống của mình, thì việc ta còn phải gánh chịu khổ đau cũng là điều tất yếu. Và chỉ cần ta từ bỏ dần dần sự giết hại, sống hòa hợp hơn với muôn loài trong tự nhiên thì chắc chắn những khổ đau của ta cũng sẽ dần dần giảm thiểu cho đến lúc không còn nữa.

Xuân sinh, hạ trưởng... là quy luật tự nhiên để muôn loài tiếp nối nhau tồn tại, từ thế hệ này sang thế hệ khác... Con người vốn cũng không nằm ngoài dòng chảy sinh tồn của vạn vật, nếu ta có thể thuận theo lẽ sinh trưởng đó mà không làm điều ngược lại, không gieo rắc tang tóc đến cho muôn loài, thì chắc chắn sự sống của chính ta cũng sẽ được hạnh phúc và lâu bền, không phải gánh chịu biết bao điều đau khổ.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/01/2023(Xem: 2319)
Câu Đôi Xuân Quý Mão 2023
15/01/2023(Xem: 1986)
Tích lủy căn lành gieo đức nhân Ngày đem tinh tấn đoạn tham sân Công phu thiền tọa chăm hôm sớm Gạn lọc buồn lo, sáng cõi tâm. (Thơ Lộc Xuân Quý Mão 2023 của Thích Chúc Hiền)
15/01/2023(Xem: 1655)
Sáng 23 tháng Chạp, tôi lồm cồm thức dậy khi chuông đồng hồ reo lên 5 giờ 30 phút, sau khi vệ sinh mặt mũi cho tỉnh táo, tôi mở tủ tìm cái áo khoác rồi xúng xính đi xuống phố vì Trời còn khá lạnh, Mẹ thức dậy từ rất sớm, ghi cho tôi một tờ giấy để tôi đi mua một số đồ cúng, hôm nay là ngày đưa ông Táo về Trời.
15/01/2023(Xem: 1368)
Bên trời Nam vạn vật đang thay đổi Để đón chào nàng Xuân mới sắp về Xóm làng phố thị đường quê Trong lòng ai cũng tràn trề niềm vui
14/01/2023(Xem: 2290)
Chỉ tuần lễ nữa là Giao thừa ngưỡng cửa Năm này khoảng cách ngắn, giữa Tết Ta…Tây Thông lệ … trường học công sở nhiều người đang holiday Du lịch trong những ngày này … …………có nhiều gia đình Phật tử Việt! Chùa chiền mỗi châu khác nhau về thời tiết Riêng Úc Châu mùa hè ….ngại cơn nóng hoành hành Trên 36 độ …thực phẩm cung cấp an toàn Đến tay khách thập phương vãng lai thăm viếng?
14/01/2023(Xem: 1810)
Nầy hai ông Táo Nhà tôi Hành trang chuẩn bị xong rồi hay chưa Truyền thông đâu phải chuyện đùa Nói sai ảnh hưởng tới Chùa tới Sư Hai ông hãy đọc từ từ Tròn vành rõ chữ ý như tôi bàn Hành trình chắc lắm gian nan Đi trong Tịnh độ, lang thang tiêu đời
14/01/2023(Xem: 1798)
Người ơi tết có nhớ quê Nhớ hương mai rộ đường về lối xưa Có còn nhớ mứt hạt dưa Nhớ mùi bánh tét ban trưa ru hồn Quê hương chuyện mất việc còn Tình thân người có mõi mòn trong nhau Sắc xuân đang đổi da màu Vườn chùa khóm cúc nhớ nhau quê nhà
14/01/2023(Xem: 3338)
Hội Cao Niên Á Mỹ trao quà Xuân Quý Mão 2023 cho người vô gia cư tại Cali, Hoa Kỳ
11/01/2023(Xem: 2119)
Gần ngày đón Tết, ôi nhớ thương Thời tiết nơi đây giống quê hương Chút gì giao hưởng…trong vạn vật Xoay vần đi, đến quá nhanh …dường Dù mươi ngày nữa .. chưa háo hức Hải ngoại nhịp sống…cứ bình thường Thăng trầm theo đuổi từng năm tháng
10/01/2023(Xem: 3357)
Tết quê nhà muôn màu hoa khoe sắc Nào mai vàng, nào cúc đoá vàng tươi Nào ly ly, nào thược dược hồng đào … Nào bánh mứt, cùng trái cây đủ loại …
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]