Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4- Con người hạnh phúc

15/01/201109:29(Xem: 6410)
4- Con người hạnh phúc

THẨM MỸ MÙA XUÂN

Thích Thông Huệ

4- CON NGƯỜI HẠNH PHÚC

Những ngày đầu năm, Phật tử đến chùa lễ lạy cúng dường Tam Bảo, gặp gỡ nhau và cầu chúc nhau an lạc, hạnh phúc. Nhưng thế nào là hạnh phúc đích thực, và tìm hạnh phúc ấy ở đâu? Đây là một bí quyết, một nghệ thuật sống, là kết quả của công phu tu hành mà mỗi người Phật tử chúng ta cần hiểu rõ.

Trong nhà Phật, hình tượng biểu trưng cho hạnh phúc chân thật muôn đời, là hình tượng của Bồ-tát Di Lặc. Ngày vía Bồ-tát là ngày mùng một tết, ngày đầu của một năm. Trong ngày này, mọi người tạm quên những lo âu phiền muộn, hướng đến một năm mới với hy vọng thành công hơn, sung sướng hơn năm cũ đã qua. Nhưng đó chỉ là niềm vui và hy vọng mong manh trong mấy ngày Tết, sau đó trở lại tất bật với cuộc sống đời thường. Riêng Ngài, toàn thân và đặc biệt là vẻ mặt luôn biểu lộ một niềm hỷ lạc vô biên, với nụ cười luôn tươi tắn, rạng rỡ; khiến ai đến chiêm bái cũng cảm nhận rằng, Ngài quả thật là một người hạnh phúc.

Bồ-tát Di Lặc, Trung Hoa dịch là Từ Thị, còn có tên là Bồ-tát A-Dật-Đa (Vô Năng Thắng). Theo truyền thuyết, Ngài tên Từ Thị vì lúc thân mẫu mang thai Ngài, bà phát khởi tâm từ, nguyện ăn chay trường để tránh sát sanh. Có thuyết cho rằng, do Ngài tu Tứ vô lượng tâm (Từ-Bi-Hỷ-Xả), nên có tên Từ Thị; và vì Ngài tu hạnh này viên mãn không ai sánh bằng, nên được tôn xưng là Vô Năng Thắng. Thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế, Ngài thị hiện làm con trong một gia đình Bà-la-môn truyền thống ở miền Nam Ấn, sau khi gặp Đức Phật và xin xuất gia. Đây là một nhân vật lịch sử.

Một hóa thân khác của Bồ-tát Di Lặc là Bố Đại Hòa thượng. Hòa thượng xuất hiện tỉnh Minh Châu ở Trung Hoa, thế kỷ thứ X, vào đời Ngũ Đại, vì Ngài thường lang thang khắp chốn, hành tung bất định. Ngài thường vác một bao bố to trên vai, gặp ai cũng ngửa tay xin. Những gì xin được, Ngài đều cho vào bao, sau đó tập họp đám trẻ, phân phát lại cho chúng.

Tương truyền, có khi Ngài thi triển thần thông: Những món từ tay Ngài lấy từ trong bao ra thì toàn bánh kẹo tiền bạc, nhưng kẻ khác lôi ra thì lại là rắn rít cóc nhái. Một lần, Hòa thượng Thảo Đường gặp Ngài, biết Ngài là bậc Thánh Tăng nên hỏi: “Thế nào là đại ý Phật pháp?”. Đang vác bao trên vai, Ngài liệng bao xuống, đứng yên. Hòa thượng Hỏi tiếp: “Chỉ có thế, hay còn con đường nào tiến lên nữa?”. Ngài vác bao lên, đi thẳng. Đây chính là thủ thuật Trực chỉ nhân tâm, cơ phong trong nhà Thiền.

Khi sắp tịch, Ngài ngồi an nhiên nói bài kệ:

Di Lặc chơn Di Lặc
Hóa thân thiên bách ức
Thời thời thị thời nhơn
Thời nhơn giai bất thức.

Tạm dịch:

Di Lặc thật Di Lặc
Hóa thân trăm ngàn ức
Thị hiện giáo hóa người
Người đời không ai biết.

Nhờ bài kệ này mà người sau biết Ngài là hóa thân của Bồ-tát Di Lặc. Từ đó, người ta dùng hình ảnh Bố Đại Hòa Thượng để vẽ hoặc tạc tượng Bồ-tát. Ngày nay, chúng ta thấy các chùa thường thờ Bồ-tát theo bốn kiểu dáng, mỗi kiểu đều có ý nghĩa riêng: Thứ nhất, dáng Ngài đứng dang chân, hai tay giơ lên trời, miệng cười to, vẻ mặt rạng rỡ. Kiểu này biểu hiện nội dung sung mãn hạnh phúc, mình và toàn thể pháp giới hòa nhập thành một thể nhất như.

Kiểu dáng thứ hai, Ngài đứng vác một bao to trên vai, là hình ảnh Hòa thượng Bố Đại, tu Bồ-tát nghịch hạnh. Kiểu thứ ba, Ngài đứng với chiếc bao to dưới chân, gợi nhớ câu trả lời vô ngôn khi Hòa thượng Thảo Đường hỏi về đại ý Phật pháp. Thứ tư, là kiểu mẫu thường thấy nhất, Ngài ngồi thoải mái, vô cùng hoan hỉ với năm sáu đứa bé vây quanh, đứa chọc tay vào mắt, vào miệng, đứa chọc vào tai, vào bụng... Đây là một bài học lớn cho công phu tu hành.

Nhưng dù thể hiện Ngài theo kiểu dáng nào, ta vẫn nhận ra Ngài nhờ những nét nổi bật và độc đáo: Người mập đến nỗi không thấy cổ, mặt tròn đầy, miệng cười rộng đến mép tai; đặc biệt là cách ăn mặc thật thoải mái: chiếc quần rộng thùng thình, áo ngắn không cài khuy để lộ bộ ngực vạm vỡ và cái bụng to tròn.

Theo lẽ thường, người xuất gia tu hành thanh tịnh, trước nhất phải biểu hiện oai nghi tế hạnh từ dáng vẻ bên ngoài, để người khác xem đó là mẫu mực. Ở đây, hình tượng Bồ-tát Di Lặc lại hoàn toàn trái ngược, khiến nhiều người lần đầu đến chùa, có thể cảm thấy lạ lùng. Chúng ta phải hiểu những ý nghĩa sâu xa, siêu tục ẩn chứa trong hình thức thường tục ấy như thế nào?

Nhà Thiền có câu: “Trung vô tận tạng, hữu hoa hữu nguyệt hữu lâu đài”. Trong kho vô tận có chứa đầy đủ, nào hoa nào trăng, nào đền đài cung điện. Bụng của Bồ-tát Di Lặc là kho Như Lai tạng vô tận, trong đó muôn pháp được hình thành. Bụng to cũng có nghĩa là dung chứa, độ lượng với tất cả mọi người, mọi hoàn cảnh; còn tượng trưng hạnh tri túc, sống yên phận nghèo mà vui với đạo.

Bỏ bao bố xuống đất tượng trưng sự buông xả hoàn toàn cả căn, trần và thức, không còn chấp trước, không còn gì mắc buộc ràng. “Buông tất cả thì được tất cả”. Khi không còn chấp vào thân - tâm - cảnh, không còn chạy theo các pháp duyên sinh hư giả thì Phật pháp hiện tiền, toàn thể vũ trụ đều với mình hòa điệu. Đây chính là đại ý Phật pháp, là yếu chỉ Thiền tông, là bí quyết của hạnh phúc chân thật muôn đời.

Từ tự tánh lặng lẽ mà hằng tri, phát khởi diệu dụng nhiêu ích chúng sinh, biểu hiện bằng cử chỉ vác bao lên vai, đi tiếp. Đói ăn mệt ngủ, Bồ-tát tự do tự tại trong sinh hoạt thường nhật, hoàn toàn thong dong với mọi thăng trầm thịnh suy của cuộc sống. Đó là con đường tiến lên, trả lời câu hỏi thứ hai của Hòa thượng Thảo Đường.

Sự buông xả đến tột cùng mọi vọng chấp dính mắc còn được biểu trưng bằng một hình ảnh sống động và đầy ấn tượng: nét cười Di Lặc bên cạnh sáu đứa bé chọc phá vây quanh, nhắc nhở một Hòa thượng Bố Đại ngày xưa vui đùa cùng đám trẻ. Sáu đứa bé cũng là sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Khi sáu căn của ta tiếp xúc với sáu trần, thường khởi ý niệm phân biệt đẹp, xấu, hay, dở; đẹp thì thích, muốn chiếm làm của riêng (tham), xấu thì ghét giận (sân).

Từ đó tạo nghiệp, mãi luân hồi trong Tam giới; đây chính là nỗi khổ lớn nhất, dai dẳng nhất của chúng sinh. Bồ-tát thì không như thế, Ngài thấu triệt bản chất duyên sinh vô ngã của tất cả các pháp, biết chúng do thức biến hiện, do tâm sanh khởi, nên tự tánh của chúng là không. Tự tánh không nhưng duyên hợp nên tạm có. Do siêu vượt ngã chấp và pháp chấp nên Ngài hoàn toàn vô tâm khi đối duyên xúc cảnh, ở trong trần mà an nhiên tự tại trước bao biến động của trần. Vì thế, nụ cười của Ngài vô cùng hồn nhiên, vô cùng tươi tắn, biểu hiện một đời sống nội tâm sung mãn. Có thể nói, nụ cười Di Lặc là mùa Xuân miên viễn, là tâm Xuân bất diệt, là chất Xuân mãi mãi tuôn trào.

Như vậy, tu hành không có nghĩa là “Bế lục căn, ngăn lục thức, dứt lục trần”; không phải xa lánh chốn phàm tục, trốn tránh hơi thở của thế gian. Chỉ cần quán triệt lý vô ngã, nhận rõ các pháp không thật có, hành giả không cần diệt Căn - Trần - Thức mà vẫn an nhiên đối với trần cảnh. Hạnh phúc thật ra rất bình thường, không phải ở một thế giới nào xa xôi hay ở một tương lai nào mù mịt.

Khi tâm ta an trú trong hiện tại, nhận ra được sự hiện hữu nhiệm mầu thường tại ngay trong dòng lưu chuyển sinh diệt của các pháp, ta sẽ thấy rõ rằng: hạnh phúc đích thực chỉ có ở tại đây và bây giờ! Điều này có nghĩa, nếu buông xả tột cùng mọi vọng chấp, mọi ý niệm phân biệt hai bên, để tâm ta hoàn toàn rỗng rang thanh tịnh, thì chơn thường sẽ hiển hiện từ cái vô thường, sự vĩnh cửu nằm ngay trong sinh diệt. Đây là tinh thần của câu kệ nổi tiếng “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” (Đối cảnh không tâm chớ hỏi Thiền), trong bài phú Cư trần lạc đạo của Sơ Tổ Trúc Lâm.

Một điều khác, có khi nào chúng ta thắc mắc: Bồ-tát Di Lặc thật là ai? Là Từ Thị, A-Dật-Đa, Bố Đại, là vị Bồ-tát đang ở cung Phạm Vương cõi trời Đâu Suất?

Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt
Vạn lý vô vân vạn lý thiên.

Tạm dịch:

Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện
Muôn dặm không mây muôn dặm trời.

Trăng trên trời chỉ có một, nhưng nơi nào có nước là có bóng trăng. Một hiện ra nhiều, nhiều quy thú về một. Nhứt tức nhứt thiết, nhứt thiết tức nhứt. Pháp thân thanh tịnh không hai, nhưng tùy duyên mà các bậc giác ngộ thể hiện nhiều ứng hóa thân, khiến muôn loài chúng sinh được nhiều lợi lạc. Hòa thượng Bố Đại hay vị Tỳ-kheo thời Phật tại thế là ứng hóa thân của Bồ-tát Di Lặc, còn báo thân của Ngài hiện đang ở cung trời Đâu Suất. Ngài là vị Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ, nghĩa là chỉ thị hiện nơi cõi Ta-bà một lần nữa rồi thành Phật, như Đức Bổn Sư của chúng ta. Vì thế, chúng ta gọi Ngài là vị Phật đương lai (Đương lai hạ sanh Di Lặc Tôn Phật).

Những kinh nói về sự đản sanh của Ngài là kinh Di Lặc thượng sanh, kinh Di Lặc hạ sanh, kinh Di Lặc bổn nguyện, đều do chính kim khẩu Đức Phật Thích Ca thuyết giảng. Theo tinh thần của kinh, lúc thời mạt pháp của Phật Thích Ca chấm dứt và trải qua hết Tiểu tam tai cùng Đại tam tai, Bồ-tát Di Lặc sẽ đản sanh nơi cõi Ta-bà, thành đạo dưới cội cây Long Hoa, khởi đầu thời kỳ chánh pháp mới.

Tiểu tam tai gồm ba nạn, xảy ra đồng thời hoặc lần lượt theo sau, khiến loài người chịu nhiều thống khổ, bệnh đau, chết chóc: Ôn dịch tai là bệnh tật thời khí độc hại hoành hành, đặc biệt hiện nay đang có chiều hướng gia tăng về số người bệnh và mức độ trầm trọng của các bệnh nan y như: Ung thư, HIV/AIDS, viêm gan siêu vi, Sốt rét... làm tử vong hàng triệu người mỗi năm. Cơ cẩn tai là thiên tai, là môi trường ô nhiễm, là đất đai cạn kiệt màu mỡ.

Tâm người không ôn hòa, tàn phá thiên nhiên, đảo lộn cân bằng sinh thái, kết hợp với sự bùng nổ dân số nên gây nạn đói trầm trọng ở các nước thuộc thế giới thứ ba. Nước nghèo thì đói kém, nước giàu lại muốn thống lĩnh toàn cầu, từ đó xem thường đạo đức và quyền lợi con người. Đây là ngòi nổ của Đao binh tai. Những hình ảnh chúng ta thường thấy mỗi ngày, nếu theo dõi chương trình thời sự thế giới, là những biểu hiện trung thực và đau thương nhất của loài người, dù mới trải qua Tiểu tam tai ấy mà thôi.

Đến giai đoạn của Đại tam tai, sự tàn phá hủy diệt còn ghê gớm hơn nhiều. Thứ nhất là Phong tai, cuồng phong bão tố dữ dội cùng khắp. Hiện nay ở nơi này, nơi kia thỉnh thoảng ta đã nghe tin về những cơn lốc mạnh tàn phá cả một vùng rộng lớn. Hai kiếp tai kia là Thủy tai và Hỏa tai, hậu quả của nền công nghệ phát triển, làm trái đất nóng dần lên (hỏa tai). Băng tan ở hai cực trái đất thấp (thủy tai). Loài người bị tiêu diệt hàng loạt do những tai nạn khủng khiếp như thế, chỉ còn lại một số ít. Khi đã đến tận cùng của thời kỳ kiếp giảm, lại bắt đầu thời kỳ kiếp tăng, tuổi thọ con người tăng dần. Trong kinh, Đức Phật xác định rằng, khi tuổi thọ con người đạt đến sáu vạn bốn ngàn tuổi, Đức Di Lặc mới ra đời.

Như vậy, khi chánh pháp của Đức Phật trước không còn lưu truyền trong nhân gian, loài người chịu nhiều thảm họa khủng khiếp đến tột cùng, không ai còn nghe nhắc đến tiếng Phật, lúc ấy mới có một vị Phật sau ra đời. Không có cơ sở nào để lại tin rằng Đức Di Lặc sắp đản sinh. Phật tử chúng ta cần thận trọng để không bị mê hoặc bởi những tà thuyết mê tín. Chúng ta đang ở thời kỳ kiếp giảm, tuổi thọ không dài nhưng nhờ vậy mà có nhiều cơ hội thấy rõ lý vô thường giả hợp.

Bạn bè, người thân quanh ta sớm còn tối đã mất, bản thân ta cũng nay đau mai mạnh, từ đó ta dễ thức tỉnh, tinh tấn tu hành. Tuy trong đời mạt pháp, nhưng ta vẫn còn được nghe giáo lý cao siêu uyên áo, phải biết là duyên may ngàn năm một thuở. Do đó, ta phải trân quý thời gian còn lại của đời mình để thúc liễm thân tâm, tịnh tu ba nghiệp. Theo gương Bồ-tát Di Lặc, chúng ta buông xả mọi vọng chấp vướng nhiễm vào trần cảnh, có cái nhìn bao dung và tấm lòng rộng mở cho tất cả mọi người. Ta hãy tìm Ngài ở ngay con người xác thịt của mình, bằng cách tinh tấn tu hạnh Từ Bi Hỷ Xả như Ngài.

Nhân ngày đầu Xuân, chúng ta thành tâm đảnh lễ Đức Bồ-tát Di Lặc, cũng nên thành tâm chúc nhau sống trong hạnh phúc chân thật dù đang mang thân phận làm người. Bởi vì, khi tâm ta không còn chấp ngã chấp pháp, không còn dính mắc buộc ràng, thì ở đâu không là Niết-bàn, bao giờ không là mùa xuân bất tận?

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/01/2023(Xem: 1883)
Rächer, đó là tên con mèo của con gái tôi, tháng này vào năm ngoái nó đã về với gia đình tôi ở được một năm. Nó thật dễ thương, ngày đầu khi con gái tôi mang về nhà cho tôi, mở cái lồng ra nó rụt rè nhìn khắp quanh nhà, không một tiếng meo meo, trông thật tội nghiệp. Nhìn nó thương làm sao, chắc giờ phút đó nó đang buồn và hoang mang vì nơi chốn xa lạ này. Tôi nhè nhẹ vuốt nó, lông nó đen mượt, óng ả, tôi nhỏ nhẹ nói với nó. „em, em đừng sợ nha, mẹ thương em, về đây chơi với mẹ“. Mà lạ thật, không hiểu tại sao nhìn nó tôi thương nó quá, đêm đó nó đi quanh hết phòng này qua phòng khác kêu meo meo.. chắc rằng nó nhớ nhà cũ. Rồi chỉ một đêm thôi, đêm sau nó không còn gọi meo nữa, chắc em cũng biết phải ở lại đây, vì căn nhà kia đã giao lại cho người khác. Tôi gọi nó bằng em, nó hiểu.
09/01/2023(Xem: 2554)
Năm nhuận là gì? Năm nhuận là năm có 366 ngày trong Dương lịch và 13 tháng theo âm lịch theo chu kỳ 4 năm Dương lịch lại có một năm nhuận. Vì sao có năm nhuận? Khi trái đất quay quanh một vòng xung quanh mặt trời sẽ mất 365 ngày và 6 giờ. Một năm không nhuận sẽ có 365 ngày và thừa 6 giờ nên 4 năm sẽ thừa 24 giờ nên sẽ có năm nhuận. Để năm âm lịch vừa được một tuần trăng vừa không xô lệch với thời tiết của 4 mùa thì 3 năm âm lịch người ta phải cho thêm một tháng để năm âm lịch và dương lịch không sai nhau quá nhiều. Tuy nhiên, năm dương lịch vẫn nhanh hơn âm lịch nên người ta đã lấy 19 năm lại có một lần cách 2 năm thêm một tháng nhuận.
08/01/2023(Xem: 2661)
Ai níu được cánh thời gian mùa ấy Có là đây, mà Không cũng là đây Hỏi lòng mình sao lại trắng như Mây Một cõi Lạ! Mấy dòng Thơ u tịch ... Dường như trong đáy suối nguồn tịch tịnh ! Một nguồn Thơ tươi mát, một dòng Trăng Ai tìm Khôi Nguyên! Vĩnh Cửu! Thường Hằng Tôi tìm tôi, Suối Mây Hồng êm ả ...
08/01/2023(Xem: 3055)
Quý Mão, con mèo… Chúng ta đang tới gần Tết Nguyên Đán 2023. Nếu có ai hỏi rằng thế giới có sáng tác văn học nào thơ mộng về mèo hay không. Không, chúng ta không có ý nói gì về những chuyện đời thường lãng mạn hay tiểu tam hay tiểu tứ gì hết. Chúng ta chỉ muốn nói về một cõi thơ mộng y hệt như thời của Cha Rồng và Mẹ Tiên. Có đấy chứ, có một truyện về một cô mèo tam thể của một chàng họa sĩ Nhật Bản trong một thời nào xa xưa lắm, khi người ta chưa xài Tây lịch. Và truyện do một nhà văn Hoa Kỳ kể lại.
07/01/2023(Xem: 3496)
Tết đến rồi xuân đang ở đâu đây Mai trước ngõ nở bông vàng rực rỡ Câu đối ai treo mực đen giấy đỏ Bếp lửa hồng mẹ nấu bánh chưng xanh
06/01/2023(Xem: 1768)
Trở lại hoa vờn chạm sắc xuân, Mây ngàn cõng lạnh ánh hồng vân. Nhìn quen nõn lá như bao bận. Thấy rõ cành mai tựa mấy lần,
05/01/2023(Xem: 5925)
THƯ TÒA SOẠN, trang 2 CẢM NIỆM VỀ XUÂN, MỪNG XUÂN.. (thơ Thắng Hoan), trang 4 MÙA XUÂN VẠN THỤ KHAI HOA (Nguyễn Thế Đăng), trang 5 ĐÔI LỜI TÂM SỰ (thơ ĐNT Tín Nghĩa), trang 7 THÔNG BẠCH TẾT QUÝ MÃO – 2023 (Hội Đồng Giáo Phẩm), trang 8 THƯ CHÚC XUÂN QUÝ MÃO – 2023 (Hội Đồng Điều Hành), trang 9 THƯ CHÚC TẾT (HT. Thích Nguyên Trí), trang 10 NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN HÓA PHẬT GIÁO TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM (HT. Thích Thắng Hoan), trang 11 NHỮNG NƠI MÀ NGƯỜI TU NÊN BỎ ĐI VÀ NÊN Ở LẠI (Quảng Tánh), trang 14 THÔNG TƯ PHẬT ĐẢN LẦN THỨ 2647 (HT. Thích Tín Nghĩa), trang 15
05/01/2023(Xem: 2424)
Tích Niêm Hoa Vi Tiếu kể rằng một hôm trên núi Linh Thứu, Đức Thế Tôn lặng lẽ đưa lên một cành hoa. Đại chúng ngơ ngác không hiểu, duy ngài Ma Ha Ca Diếp mỉm cười. Đức Phật nói: “Ta có Chánh pháp vô thượng, Niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, bất lập văn tự, truyền ngoài giáo pháp, nay trao cho Ca Diếp.” Tích này không được ghi trong các Kinh Phật thuộc Tạng Pali và Tạng A Hàm, có thể vì vài thế kỷ sau mới có văn tự để viết và lúc đó không ai còn nhớ, và cũng có thể quý ngài đời sau nghĩ ra tích này để giải thích một số điểm cốt tủy trong Phật pháp và cũng để làm chỗ y cứ cho Thiền Tông.
04/01/2023(Xem: 2388)
Khi tuyết trắng xóa phủ đầy miền đất Bắc Mỹ và những cơn gió đông rét mướt tràn xuống miền nam của Bắc Bán Cầu cũng là lúc Tết truyền thống Việt Nam đang về với hàng triệu trái tim và gia đình người Việt tha hương. Thay mặt Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNHK, tôi xin kính gửi đến chư tôn Thiền Đức Tăng, Ni và quý đồng hương Phật tử lời chúc mừng năm mới Quý Mão 2023 phước huệ trang nghiêm, thân tâm thường lạc và vạn sự kiết tường.
01/01/2023(Xem: 1846)
Xuân về trên ngọn cỏ non Cành mai mới nở hãy còn đọng sương Rừng chiều thấp thoáng tà dương Thiền Tăng xuống núi tìm phương cứu đời. Vận hành của thời gian bốn mùa xuân hạ thu đông, dòng đời mãi trôi không ngừng nghỉ, một năm lại hết. Sau buổi đông tàn, vạn vật cỏ cây lại trở mình, cành non bắt đầu kết nụ trổ hoa, chim muông ca hát líu lo dưới trời nắng ấm, như vẫy tay chào tạm biệt cái lạnh của mùa đông và đón mừng mùa xuân thắm tươi giữa đất trời.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]