Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mai Vàng Chốn Yên Tử

22/01/201112:19(Xem: 3841)
Mai Vàng Chốn Yên Tử
hoa mai 12

MAI VÀNG CHỐN YÊN TỬ
Lê Hải


Cây mai vàng Yên Tử tượng trưng cho tinh thần bền bỉ, vượt lên mọi khó khăn theo truyền thống Thiền môn mà các hoà thượng đã dày công vun xới và phát triển hệ phái Trúc Lâm Yên Tử. Vì vậy rừng mai cổ Yên Tử phải được gìn giữ, bảo tồn...

Mai, lan, cúc, trúc được người đời tôn là tứ quý và được coi là biểu tượng của bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mai vàng là một loài hoa đẹp cao quý chỉ nở mỗi năm một lần đúng vào dịp xuân về.

Với người dân nước Việt, hoa mai đã trở thành sứ giả biểu tượng cho mùa xuân ở vùng đất phương Nam. Thế nhưng ít ai biết rằng ở Quảng Ninh cũng có rất nhiều loài mai, đặc biệt phải kể đến cây mai vàng Yên Tử. Mai Yên Tử có sức sống mãnh liệt, thuộc họ mai vàng có tên khoa học là OCHNACEAE. Các cụ xưa thường gọi giống mai vàng là Kim liên mộc, còn người dân địa phương thì gọi là Mai ký đá.

Cây mai ký đá thường có rễ len lỏi ở các khe đá. Mai vàng Yên Tử sống thành quần thể rừng, ước định trên 800 năm tuổi. Có thể rừng mai cổ này được hình thành từ khi vua Trần Nhân Tông sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, các vị tu thiền đã tự tay trồng và chăm sóc. Mai Yên Tử có điểm khác biệt với các loài mai khác là lá non của nó lúc nào cũng xanh mướt chứ không nhuộm sắc tím, vàng như các giống mai khác.

Yên Tử từ lâu đã nổi tiếng là chốn “non thiêng” và mọi người quan tâm nhiều tới Yên Tử không chỉ vì quy mô, kiến trúc đặc biệt mà chính bởi Yên Tử vốn là một trong những trung tâm Phật giáo Việt Nam. Cũng là hữu duyên khi tôi được trò chuyện với sư thầy Thích Quang Huệ tại chùa Lân (Yên Tử) để được hiểu thêm về giáo lý của đạo Phật và dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Bảy trăm năm qua, Yên Tử nổi danh là phúc địa, gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp phi thường của Đức Hoàng đế anh hùng Trần Nhân Tông, sau hai lần lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thắng lợi (1385-1288), đã từ bỏ ngai vàng về tu tại Yên Sơn, sáng lập ra phái Thiền Trúc Lâm, xây dựng nơi đây trở thành một trung tâm văn hoá, kinh đô Phật giáo của Đại Việt và Người trở thành Đức Phật của Việt Nam. Chợt nhớ đến những câu thơ viết về Người:

Để lại sau lưng cả cung điện vàng son
Những châu báu ngọc ngà, những cung tần mỹ nữ

Ta đến với rừng thiêng Yên Tử

Gió trăng ơi xin hãy đón ta về...

Và tự lúc nào, câu chuyện lại xoay quanh về cây mai vàng Yên Tử. Theo lời sư thầy Quang Huệ, Sơ Tổ khi xưa đã dạy các đệ tử: Hãy buông bỏ hết những cái không buông bỏ được thì chính là cây mai vàng Yên Tử. Qua đó, Điều Ngự Giác Hoàng muốn ám chỉ đến hành giả, chỉ tu thành chính quả khi đã rũ bỏ được mọi vướng luỵ, nhưng điều cao quý nhất không thể nào rũ bỏ được chính là tâm thiền của mỗi nhà sư. Tâm thiền đó được ví như tinh thần, cốt cách của cây mai vàng Yên Tử.

Vẻ đẹp của mai và là vẻ đẹp thanh khiết cao quý, màu vàng tượng trưng cho sự vinh hiển cao sang. Theo thuyết ngũ hành, thì màu vàng thuộc hành Thổ, nằm ở vị trí trung tâm của bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Màu vàng cũng là màu biểu tượng cho nòi giống Việt. Hương của hoa mai còn được gọi là “lãnh hương” bởi trời càng lạnh, hoa càng toả hương thơm. Bất chợt hiểu thêm một chút về hai câu thơ của thiền sư Mãn Giác:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

(Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, hiên trước một nhành mai).

Xuân đến - xuân đi, những ngày xuân trôi qua, nhìn những cánh hoa rơi lìa khỏi thân cành như nhắc nhở dòng thời gian đến - đi, hoa nở - hoa tàn, tóc xanh - tóc bạc. Vòng đời luân chuyển, mọi việc trên đời đều vô thường. Ai cũng đến đi, ai cũng trẻ già, đã là thế nhân làm sao thoát khỏi vòng sinh tử, làm sao thoát được tâm tư khổ luỵ của kiếp người. Lúc được thì vui, khi mất thì buồn. Lúc gần gũi thì hạnh phúc, khi biệt ly thì đau khổ...

Dù vẫn biết, thiền sư Mãn Giác có ý nhắn dạy thế nhân về quy luật vận hành tất yếu của thiên nhiên và vòng tử sinh luân hồi của kiếp người. Nhưng mùa xuân đã qua, tưởng hoa đã rụng hết mà nhà sư vẫn thấy một nhành mai nở muộn lúc xuân tàn? Có thể nhành mai mà thiền sư đã trông thấy chỉ là trong tâm thiền, nhành mai đó chính là biểu tượng cát tường của đời sống.

Kể về mai vàng Yên Tử, bà Lê Chinh Thuần, một trong những Phật tử thuần thành bảo vệ rừng mai cổ, cho biết: "Rừng Đại lão mai vàng Yên Tử này rất linh thiêng, bởi đây chính là nơi các thiền sư đã từng ở. Với tâm thành dâng lên Sư Tổ thiền viện, nhóm Phật tử Minh Thành Tuệ đã làm lễ xin hạt ở rừng Đại lão mai vàng về ươm thành cây để trồng ở chùa Vân Tiêu, Bảo Sái, Hoa Yên...

Đến nay, một số cây mai đã phát triển tốt, khai hoa kết nụ làm đẹp thêm chốn non thiêng trong mùa lễ hội. Trơ gan cùng tuế nguyệt, giữa sương tuyết lạnh lùng, mai vẫn âm thầm đơm hương và đến thời khắc dẫu gió xuân chưa về, mai vẫn khai hoa.

Cây mai vàng Yên Tử tượng trưng cho tinh thần bền bỉ, vượt lên mọi khó khăn theo truyền thống Thiền môn mà các hoà thượng đã dày công vun xới và phát triển hệ phái Trúc Lâm Yên Tử. Vì vậy rừng mai cổ Yên Tử phải được gìn giữ, bảo tồn...”.

Lặng ngắm nhìn những thân mai khẳng khiu, thanh thoát mà không yếu đuối; mạnh mẽ, cương trực mà không hề thô kệch và ngắm những nụ mai vàng cứng cáp đang nhú lên trong giá lạnh để chuẩn bị khai hoa đón mùa xuân tới, tôi mới phần nào hiểu được tại sao mai vàng lại chiếm một vị trí quan trọng trong thơ ca cổ đến vậy.

Tạm biệt Yên Tử vào một ngày cuối đông, nghe tiếng chuông chùa ngân nga, nhịp nhàng hoà theo với gió để rồi tan dần trong sương chiều bảng lảng và nghe tiếng Mô Phật thay cho lời chào tạm biệt của các thiền sư vừa hiền hoà, vừa thanh thoát, thấy tâm mình nhẹ nhàng hơn...

Lê Hải

(PhatTuVietNam)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/02/2011(Xem: 9666)
Gọi nắng xuân về là thắp lên ngọn đèn trí tuệ trong mỗi chúng ta để tự mình thấy được những nguyên nhân đích thực của khổ đau và hạnh phúc.
15/02/2011(Xem: 10598)
Năm hết Tết tới, xin kính mời quí vị và các bạn theo dõi cuộc hội thoại của các huynh trưởng trẻ quen thuộc A,B,C xoay quanh vấn đề mùa Xuân.
09/02/2011(Xem: 4700)
Trên thế giới có tất cả 24 loài mai thuộc họ mai, tức là chi họ Ochna (Ochnaceae) khác với loài mai mơ gần giống như hoa đào.
09/02/2011(Xem: 4346)
Mùa xuân là tặng phẩm của đất trời, bởi khi mùa xuân tới cây cỏ đơm hoa, mọi loài sinh sôi nẩy nở. Và mùa xuân cũng là tặng phẩm của lòng người...
09/02/2011(Xem: 7821)
Trao nhau lời chúc thân thương Nghe niềm xuân trải xanh đường cỏ non Tình thương hơi thở thon von Nối vòng tay giáp vòng tròn từ tâm.
06/02/2011(Xem: 3936)
Theo tư tưởng Phật giáo phát triển, đức Phật Di Lặc xuất hiện ra đời vào ngày mới đầu năm – ngày Mùng Một Tết, đặc biệt là giờ phút giao thừa an lạc, linh thiêng và vui vẻ.
04/02/2011(Xem: 4459)
Theo tư tưởng Phật giáo phát triển, đức Phật Di Lặc xuất hiện ra đời vào ngày mới đầu năm – ngày Mùng Một Tết, đặc biệt là giờ phút giao thừa an lạc, linh thiêng và vui vẻ.
03/02/2011(Xem: 7367)
Bài thơ xuân trong cửa thiền được nhiều người biết đến nhất, có thể nói là bài "Cáo tật thị chúng" của Mãn Giác, một thiền sư Việt Nam thế kỷ thứ XI...
02/02/2011(Xem: 5096)
Tam thập niên lai tầm kiếm khách Kỉ hồi lạc diệp kỉ sưu chi Tự tùng nhứt kiến đào hoa hậu Trực chí như kim bất cánh nghi Dịch: Kiếm khách bao năm mãi đợi chờ Từng mùa lá đổ vẫn trăng mơ Một phen chợt thấy hoa đào nở Nghi sạch tiêu tan, sáng không ngờ.
02/02/2011(Xem: 4167)
Mai là một loài hoa đặc biệt chỉ khoe sắc thắm khi tiết trời quang đãng và ấm áp. Vì thế, nó được dân tộc Việt nam yêu quí như một người bạn thân thiết, không thể thiếu vào dịp lễ hội Tết cổ truyền của dân tộc . Ngoài nét đặc biệt đó ra, nó còn là một biểu tượng của sự vươn dậy sau giấc ngủ co mình trong những ngày tháng ảm đạm và giá rét của Thu Đông.Khi nhìn thấy sắc vàng tươi thắm của hoa mai người ta còn liên tưởng rằng, nó đồng hành với mùa xuân vào dịp xuân sắp đến, đang đến hay mới đến. Mang lại vui tươi, hạnh phúc, mai mắn, dồi dào, thịnh vượng,sức khoẻ, trẻ trung…
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com