Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nghe Tiếng Gà Xuân

29/01/201304:31(Xem: 4063)
Nghe Tiếng Gà Xuân

hoa_mai_6
NGHE TIẾNG GÀ XUÂN

TN. Tịnh Quang

Không biết tết có tự lúc nào, mỗi khi xuân về tết đến, lòng tôi chợt nao nao… dư âm tiếng gà xuân đâu đây vẫn còn văng vẳng bên tai như ru tôi vào giấc mộng an bình.

Nhớ những ngày cuối năm, khi làn gió đông se thắt, hai cây mai cong queo trước sân nhà tôi kết nụ, lúc này mọi người trong làng đều tất bật sửa sang nhà cửa, đầu đường rộn ràng những câu chào hỏi và chuyên trò về việc làm ăn và cưới hỏi vào năm mới. Chợ Côi và chợ Đưới bày bán đủ thứ đồ tết, đặc biệt hoa Cúc và hoa Vạn thọ vàng rực cả chợ từ sáng đến chiều. Quanh làng, đâu đâu cũng thấy tràn ngập niềm thôi thúc vì xuân.

Tôi hỏi:

-Còn bao lâu nữa mới tới tết hở mẹ?

Mẹ bảo:

-Hăm chín ngày nữa.

Thế là tôi ngóng xuân và đếm tết vào từng ngày; lòng thầm vui vì sắp đến ngày nghỉ học, được ăn mứt, hạt dưa, bánh tét, bánh chân, được mẹ may áo quần mới để mặc đi lễ chùa đầu năm, được lì xì, rồi cùng mấy đứa bạn hàng xóm đến đình làng để đánh Cờ Oi, chơi bài Tới, bài Tiến Lên… vào chiều mồng một, mồng hai tết.

Cứ mỗi sáng thức dậy vừa bước xuống giường, chưa kịp súc miệng rửa mặt là tôi vồn vã hỏi mẹ:

- có phải còn 28 (27, 26…10, 9…1) ngày nữa là tết phải không me?

Mẹ kiên nhẫn trả lời:

- Ừ.

Không gì hồi hộp bằng 30, ngày cận tết; mọi người trong làng ùn ra chợ, ra đường; không khí rộn rã, nô nức của dân làng khiến cho mùa xuân càng thêm nhiều ý vị. Nhớ năm nào đó, vừa ăn cơm chiều 30 mươi xong, tôi hớn hở mặc trước bộ đồ vải xẹt Lào (thay vì sáng mồng một mới được mặc) với màu đỏ chói mà mẹ vừa may xong, cổ áo thắt nơ xanh lá cây, tay áo và lai quần viền ven trắng, và mang đôi guốc gỗ cũng vừa mới mua có màu xanh nước biển, trên quai guốc có gắn bông hồng bằng vải lụa vàng rất xinh. Tôi hãnh diện với áo quần mới, với đôi guốc mới, và đi ỏng qua ẻo lại, không quên xách túi tiền lẻ của mẹ giao phó vào làng phát cho người già neo đơn và người tật bệnh theo lời mẹ dặn: rằng làm phúc cuối năm để sang năm hưởng phước.

Mới 7:00 giờ chiều, mẹ bảo chị em chúng tôi đi ngủ sớm để khuya mẹ gọi dậy đón Giao thừa. Tôi lên giường nằm mà mắt không thể nào nhắm được. Nhìn ra sau vườn qua lỗ hỏng của bức tường gỗ, tôi thấy những tàu lá chuối đu đưa theo gió mà hình dung những cánh buồm đang trôi trên những con sóng đen của đại dương và chờ đợi ánh bình minh bên chân trời hắt hiu thăm thẳm; thi thoảng một vài cơn gió lướt nhanh khiến cho những tàu lá bật lên bật xuống ẩn hiện ánh sáng của những ngọn đèn cầy đu đưa của nhà hàng xóm ở sau nương nhà tôi. Lòng cảm thấy nôn nao, tôi bước xuống giường và đi ra sân. Bóng đèn dầu ở bàn thờ trước hiên nhà tôi đã bị gió tạt qua tạt lại đen thui. Nhìn bóng đèn của hai nhà cạnh bên cũng không khác gì mình. Một lúc, mẹ tôi chong thêm một cây đèn sáp lớn, ánh sáng của nó lưng tưng nhảy nhót trước gió thật là vui mắt; càng vui hơn khi thấy nhà nào cũng mở toang cửa, bên trong ánh sáng liu riu, vài ba cái bóng người chao qua đảo lại trong nhà kia. Thoang thoảng mùi nhang trầm đâu đó loang trong không gian thơm phức, trời đất như nồng nàn hơn lúc nào cả.

Đến chừng 9:00 giờ tối, tôi giúp mẹ chuẩn bị hương quả, bánh mức, xôi chè và thức ăn đặt ở bàn thờ để rước ông bà. Sau đó, mẹ mặt áo dài xanh ngồi lần chuỗi trước bàn thờ Phật, tôi ngồi sau lưng mẹ, lắng nghe tiếng thì thầm của mẹ…tiếng nhỏ lắm, nhưng cũng đủ cho tôi nghe được danh hiệu Quan Thế Âm Bồ tát...Cứ chừng khoảng mười tiếng niệm là mẹ chắp tay cúi đầu xuống đất lạy Phật, tôi cũng bắt chước mẹ lạy Phật. Xong thời niệm Phật mẹ qua bàn thờ ba và ông bà thắp nhang và khấn rằng: “Ba ngày tết, mời các vị về nhà vui tết cùng con cháu và phò hộ cho chúng nó mạnh khỏe, đừng ốm đau…”

Tôi ngước mắt nhìn lên di ảnh của ba, của ông bà nội ngoại như lung linh theo lời ước nguyện của mẹ. Ngọn đèn cầy trên bàn linh nhỏ xiu, dù không đủ sáng và ấm trong đêm 30 của miền Trung, trong lòng tôi chợt ấm lên một cách lạ thường với cảm giác rằng người thân của tôi đang đoàn tụ trong giây phút đó, dù bên ngoài cơn gió giao thời vẫn rít lên trên nhưng cành phi lao già tuổi.

Xong lễ khấn, tôi giúp mẹ sửa soạn mâm trái cây và lư nhang cúng giữa trời, treo lại tràng pháo Tống trước mái hiên vừa rơi xuống đất vì bị gió đánh gãy đứt dây. Tràng pháo của nhà tôi rất dài, gần chấm xuống đất, có màu đỏ thẫm giống như bức màn sáo treo ở cửa nhà của Bảy Chú Lùn trong quyển sách tập đọc lớp bốn của tôi. Nhà của bác Tư Chèo và bà Thơm Mối ở kế bên nhà tôi cũng treo pháo đỏ như nhà tôi, nhưng tràng pháo của họ nhỏ hơn và ngắn hơn, dù đã móc trên bụi tre rậm bên hông nhà mà cũng bị gió thổi tới tấp, bay phấp phơi; tôi cứ trông theo mà lòng lắt lư lo sợ rằng chúng sẽ rơi mất. Loay hoay một lúc, tôi chợt thấy tất cả sân nhà xung quanh sáng lên, nhà con Bòn và thằng Lượm học cùng lớp ở bên kia sông nhà tôi cũng sáng lên, rồi cả làng sáng lên như trăng khuya 21, rồi nhiều bóng người lững thững nhấp nhô trong ánh sáng huyền diệu ấy. Mẹ nói sắp đến Giao thừa, và bảo tội gọi tất cả chị em thức dậy.

Thằng Chó Lớn và Chó Don em tôi khóc rú lên không chịu thức. Chỉ có tôi, thằng Cu Anh, chị Cả cùng mẹ tôi chuẩn bị đón giao thừa. Ba chị em tội ngồi trệt trước ngạch cửa nhà và dòm qua lũ trẻ hàng xóm nhà kế bên, chúng nó cũng ngồi chao vao trước ngạch cửa nhà như chúng tôi; chỉ có những người lớn đi lui đi tới làm gì đó trước sân nhà. Chốc chốc, chị Cả tôi nóng lòng hỏi mẹ:

- Còn bao lâu nữa mới đốt pháo hở mẹ?

Mẹ bình thản:

-Sắp rồi…

…Một âm thanh bất chợt nổ tách…tách...ở làng trên phát ra, tất cả chúng tôi đứng dậy, mẹ bảo đứng ra xa tràng pháo. Nhanh tay, me rút que diêm quẹt lửa châm vào ngòi pháo….những tia lửa xẹt ra, rồi một tiếng nổ ‘đùng’ to lớn; chúng tôi nhảy tửng lên vui mừng và dùng hai tay bịt tai và la lớn, lũ trẻ nhà kế bên cũng bịt lỗ tai và la lớn nhưng vẫn không át được tiếng pháo Giao thừa. Những tiếng nổ vang trời tiếp theo cứ đùng…đùng…đùng…liên hồi như xé toạc màn đêm. Rồi tiếng pháo nổ đùng …đùng… của nhà kế bên, tiếng pháo nổ đùng .. đùng… của nhà kia nhà nọ, làng trên làng dưới cùng nhau nổ vang sáng rực cả bầu trời tạo thành hàng vạn ngôi sao lấp la lấp lánh. Chừng mười phút sau, lúc tiếng pháo Giao thừa đón mừng năm mới đã im phắc là tiếng ba hồi chuông trống Bát Nhã của chùa Đông Hồ vang lừng; trong làn khói hương nghi ngút, mọi người đều chắp tay và thầm nguyện ân Tam bảo phò trì cho năm mới… Khi hồi chuông trống vừa dứt, nhà nhà tắt đèn tắt nến đi ngủ, ngổn ngang xác pháo rãi đỏ ngập sân nhà.

Sau giờ đón Giao thừa, chị em tôi đều leo lên giường ngủ tiếp. Riêng tôi được nằm chung với mẹ, tôi thấy mẹ cứ tráo mắc nhìn vào khoảng không. Ngạc nhiên, tôi hỏi:

-Mẹ không nhắm mắt ngủ? mẹ không mệt hả?

-Mẹ chờ nghe tiếng gà gáy.

-Nghe tiếng gà để làm chi hả mẹ?

-Để biết rằng năm ni làng mình được mùa hay mất mùa. Nếu sau giờ Giao thừa mà chó sủa trước thì năm ni làng mình mất mùa và sẽ có ăn trộm. Còn nếu làng mình năm ni được mùa, vui vẻ ấm no thì có điềm gà gáy trước.

-Ai nói với mẹ rứa?

- Đó là tục tin lâu đời của ông bà và của làng mình.

-Thiệt hả mẹ?

-Ừ.

Tôi nhìn ra ngoài sân, không thấy gì cả, ngoài bức màn đen khổng lồ đang ôm choàng cả không gian tĩnh mịch. Tôi bắt chước mẹ nhìn lên trần nhà, lắng lòng chời đợi…để nghe tiếng gà gáy chứ không phải tiếng chó sủa hay tru. Không gì để nghe cả… ngay cả tiếng con ễnh ương bì bõm sau bờ ao hằng đêm cũng im ru, chỉ còn tiếng gió rất nhẹ vi vu trên rặng cây cao niên sau hiên nhà. Vạn vật im lìm như đang chìm vào giấc ngủ mê say.

Meo….meo…, con mèo Mun nhà tôi đi theo con mèo cái nhà ông Giò ba ngày nay, bất chợt trở về ré lên trong đêm. Tôi thúc vào tay mẹ và nói:

- Mẹ ơi năm ni mèo kêu trước, coi chừng nghèo đó!

-Đừng nói tầm bậy, con mèo kêu chỉ có nhà mình nghe, không phải là điềm báo của cả làng.

Mẹ tôi nói với vẻ mặt nghiêm khắc hơn.

Tôi im lặng chờ đợi tiếp…Thời khắc trôi qua lúc này đối với tôi sao mà chậm quá! Tôi lăn qua lăn lại một hồi rồi mệt lử, và trong khi sắp đi vào cõi mộng bỗng tiếng gà khuya từ xa vọng lại: Ò …ó…o…o…

Giật mình, tôi thấy mẹ vùng dậy và thở phào nhẹ nhõm. Vẻ mặt tươi vui, mẹ bước xuống giường và đến bàn Phật, bàn linh thắp hương vái lạy và khẽ nói: “Năm ni vui rồi…”

Không biết làng trên thì sao, làng tôi hình như năm nào sau lễ đón Giao thừa một lúc là tiếng gà khuya vang lên, chỉ một tiếng gà khởi đầu, báo hiệu niềm tin và hy vọng về một năm mới yên lành nơi miền thôn dã. Tương lại đơn giản được hẹn ước bằng tiếng gà xuân khoác trên những cánh đồng với hai mùa mưa nắng hài hòa.

Bây giờ làng tôi có còn đón xuân với tiếng pháo tưng bừng như xưa không? Có còn lắng nghe tiếng gà khuya sau phút Giao thừa im ắng ấy? Tiếng gà xuân hôm nao đã êm đềm đi vào ký ức tuổi thơ của tôi, vẳng nghe đâu đây chốn quê xưa thanh bình êm ả.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/01/2022(Xem: 4421)
Từng trạm thời gian năm tháng qua Đón Xuân ! Ai chẳng nhớ Quê nhà ? Lòng dâng Ước Nguyện. Xuân An Lạc Xuân trải Niềm Vui. khắp cỏ hoa Nhặt Lá Bồ Đề. Xuân Vạn Kỷ Khơi Nguồn Hy Vọng. Địa Cầu Ta Có ngàn cánh Én bay về Hội Ca Khúc Thanh Bình Tiếng Quốc Ca.
13/01/2022(Xem: 3393)
Cọp là loài động vật hoang dã, thường sống ở các vùng rừng núi Việt Nam và các nước khác thuộc vùng Nam Á và Đông Nam Á. Ngoài tên cọp, loài thú nầy còn có nhiều tên gọi khác như, hùm, hổ, ông ba mươi, dần ( tên được dùng trong cách tính năm âm lịch ) …. Tuy hình thể cọp nhỏ hơn một số động vật khác, như voi, trâu….Nhưng động tác của cọp lanh lẹ, hình dáng cân đối, trên thân lại bao phủ bộ lông màu vàng với những vằn đen khiến thân hình cọp càng thêm đẹp đẽ. Những đặc điểm ấy tạo cho hổ có dáng đi oai phong, bệ vệ. Cọp còn có sức mạnh uy vủ khiến các loài vật khác ở chốn rừng sâu phải khiếp sợ. Có lẽ vì lý do đó mà con người đã tặng cho hổ danh hiệu là “ Chúa sơn lâm”.
13/01/2022(Xem: 5306)
Một năm 2021 Dương Lịch sắp trôi qua và năm Tân Sửu cũng sắp hết, thế giới chịu đựng suy sụp trên mọi lãnh vực, từ kinh tế, chính trị, giáo dục, tâm sinh lý…cho đến những cảm giác tiêu cực đoanh vây, khiến nhân tâm rơi vào thế bị động và cứ đợi chờ niềm hy vọng là; chấm dứt nạn dịch nhiễm Covid-19. Đặc biệt, quê hương Việt Nam, trải qua cơn khủng hoảng nhiều tháng kéo dài, tại thành phố Sài Gòn và các vùng phụ cận, luôn xuất hiện những thảm trạng bi thương đau khổ, sanh ly tử biệt trong nhiều gia đình, bởi nhiễm dịch Covid-19 biến chủng Delta. Kèm theo sự thiếu thốn thực phẩm, vì bị phong toả nghiêm ngặt. Bên cạnh dịch nhiễm, nhiều quốc gia phải gánh chịu thêm nhiều thảm hoạ khác do thiên tai quái ác tàn phá tài sản và cảnh vật cũng như cướp đi nhiều nhân mạng.
13/01/2022(Xem: 2769)
Chỉ còn vài tuần nữa thôi thì Tết sẽ đến với cộng đồng Việt ở hải ngoại. Ngày Tết luôn là một ngày mang nhiều ý nghĩa, kỷ niệm và gợi nhớ cho mỗi chúng ta nơi quê hương thứ hai này. Đạo Phật và ngày Tết ở chung cùng đã mấy ngàn năm qua. Cho nên dù ở bất cứ nơi nào, cộng đồng Phật giáo và ngôi chùa đều thể hiện những nét đẹp truyền thống của ngày Tết. Đã hai năm qua, vì đại dịch mà mọi sinh hoạt của Phật giáo Hoa Kỳ bị hạn chế. Cầu xin năm nay được sáng sủa hơn. Giáo Hội xin tất cả chúng ta dành một phút hướng nguyện về đại dịch trong giờ lễ cử hành Giao Thừa.
12/01/2022(Xem: 1888)
Một mùa Xuân nữa lại đến rồi Ta xa Quê nhà bao Tết trôi Xuân qua Xuân đến mòn năm tháng Tuổi đời chồng chất nhớ nhung ôi!..
11/01/2022(Xem: 5308)
Cọp, Sư tử là biểu tượng của chúa sơn lâm. Tiếng rống của Sư tử chúa, làm muôn thú khép mình khiếp sợ, được nhiếp phục trước uy lực dũng mãnh. Tiếng “Sư tử hống” là tuyên bố dứt khoát, chỉ có giáo pháp của Đức Phật, mới chuyển hóa được vô minh, mới đủ năng lực huyền nhiệm nhiếp phục được Sư tử, Cọp và làm tốt đẹp, thức tỉnh được cuộc đời. Nên năm Dần nói chuyện Cọp quy y, để thấy giá trị thù thắng, nhiệm mầu của Phật Pháp, hầu vững niềm tin trên đường TU. Nhân đây cũng chân thành kính chúc toàn thể mạnh khỏe, uy dũng như cọp, trong sạch, lợi ích ở từng tâm niệm, lời nói, việc làm, để cùng nhau hưởng được những điều cát tường như ý, nhiếp phục muôn loài, đồng thành Phật đạo)
10/01/2022(Xem: 2060)
Cuộc đời như một giấc mơ Trăm năm nào khác bàn cờ đổi thay Trần gian sống tạm qua ngày Đông qua Xuân đến nào hay biết gì Sinh ra tay trắng có chi Đến khi nhắm mắt chẳng gì mang theo
10/01/2022(Xem: 5550)
Năm 2021 khép lại nhưng đã để lại cho thế giới vết thương chưa lành, thiên tai, dịch bệnh, xung đột, bạo động bao trùm khắp mọi nơi, biến năm này không thể nào quên trong lịch sử loài người, nhất là đại nạn mang tên covid-19 với các biến thể Delta, Omicron tiếp tục làm đảo lộn đời sống và khiến cho nền kinh tế toàn cầu chao đảo. Như mọi người đều biết trong hai năm qua, đại dịch đã hoành hành khốc liệt trên khắp hoàn vũ, nhiều nơi bị phong tỏa, mọi sinh hoạt đều ngưng trệ, nhất là hơn 5 triệu nhân mạng trên thế giới đã ra đi vĩnh viễn.
04/01/2022(Xem: 5106)
Trên đất nước ta, rừng núi nào cũng có cọp, nhưng không phải vô cớ mà đâu đâu cũng truyền tụng CỌP KHÁNH HÒA, MA BÌNH THUẬN. Tỉnh Bình Thuận có nhiều ma hay không thì không rõ, nhưng tại tỉnh Khánh Hòa, xưa kia cọp rất nhiều. Điều đó, người xưa, nay đều có ghi chép lại. Trong sách Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí (1) của Thượng Thư Bộ Binh Lê Quang Định soạn xong vào năm 1806 và dâng lên vua Gia Long (1802-1820), tổng cộng 10 quyển chép tay, trong đó quyển II, III và IV có tên là Phần Dịch Lộ, chép phần đường trạm, đường chính từ Kinh đô Huế đến các dinh trấn, gồm cả đường bộ lẫn đường thủy. Đoạn đường ghi chép về ĐƯỜNG TRẠM DINH BÌNH HÒA (2) phải qua 11 trạm dịch với đoạn đường bộ đo được 71.506 tầm (gần 132 km)
04/01/2022(Xem: 4123)
Ngoài tên “thường gọi” là Cọp, là Hổ, tiếng Hán Việt là Dần, cọp còn có tên là Khái, là Kễnh, Ba Cụt (cọp ba chân), Ba Ngoe (cọp ba móng), Ông Chằng hay Ông Kẹ, Ông Dài, Ông Thầy (cọp thành tinh). Dựa vào tiếng gầm của cọp, cọp còn có tên gọi là Hầm, là Hùm, dựa vào sắc màu của da là Gấm, là Mun ... Ở Nam Bộ cò gọi cọp là Ông Cả, vì sợ cọp quấy phá, lập miếu thờ, tôn cọp lên hàng Hương Cả là chức cao nhất trong Ban Hội Tề của làng xã Nam Bộ thời xưa. Cọp cũng được con người gọi lệch đi là Ông Ba Mươi. Con số ba mươi này có nhiều cách giải thích: - Cọp sống trung bình trong khoảng ba mươi năm. - Cọp đi ba mươi bước là quên hết mọi thù oán. - Xưa, triều đình đặt giải, ai giết được cọp thì được thưởng ba mươi đồng, một món tiền thưởng khá lớn hồi đó. - Tuy nhiên, cũng có thời, ai bắt, giết cọp phải bị phạt ba mươi roi, vì cho rằng cọp là tướng nhà Trời, sao dám xúc phạm (?). Ngày nay, cọp là loài vật quý hiếm, có trong sách Đỏ, ai giết, bắt loài thú này không những bị phạt tiền mà còn ở
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567