Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chén Trà Ngày Xuân

21/01/201109:45(Xem: 4660)
Chén Trà Ngày Xuân



chen tra tao kheCHÉN TRÀ NGÀY XUÂN
Thích Viên Giác

Ngày xuân mà thiếu trà là thiếu hương vị đậm đà của xuân. Người xưa coi trà như lẽ sống, người nay cũng lấy trà làm bạn tri âm. Một người bạn hiền, một khung cảnh ấm áp, thư thái nâng chén trà ngon, cho nhau một chút tình đời ý đạo, còn gì thú vị hơn!

Trà là thức uống có từ rất xưa, gắn liền với đời sống con người Á Đông, nhất là người Việt Nam. Trà có mặt trong đời sống của ta từ khi ta sinh ra cho đến khi từ giã cõi đời (người chết được liệm bằng trà), trà như là một phần tất yếu của đời sống.

Uống trà là một tập quán, tập tục của người Việt Nam, từ hình thức uống đơn giản và thông dụng cho đến thực hiện nghi thức cúng tế đều có sự góp mặt của trà. Phải nói rằng, vai trò và tác dụng của trà trong đời sống của con người Việt Nam rất lớn.

Ngoài việc uống trà như là ăn cơm uống nước hàng ngày, trà còn có vai trò cao hơn là đem lại an lạc, thư giãn sau những giờ phút lao động mệt nhọc, căng thẳng. Uống trà để lấy lại thăng bằng tâm lý, cơ hội thưởng thức một thú vui; ở mức độ thấp gọi là giải trí, mức cao hơn là tập cho tâm hồn thanh cao, an tĩnh. Như vậy, uống trà đã trở thành nghệ thuật cao.

Nghệ thuật uống trà khá cầu kỳ và phức tạp, nó hình thành nghi thức uống trà như nghi thức của tôn giáo, có hẳn một lý thuyết về trà qua tác phẩm Trà kinh, một nghi thức uống trà gọi là Trà đạo. Có kinh, có đạo đó là tính chất tôn giáo của trà.

Nguồn gốc cây trà có từ xa xưa, nhiều huyền thoại bao quanh sự xuất hiện của cây trà, cho thấy người ta ưu ái cây trà như thế nào. Trà, theo huyền thoại, do Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, một hôm ngài không muốn bị sự buồn ngủ chi phối khi ngồi thiền nên đã cắt hai mí mắt vứt xuống đất, ở chỗ đó mọc lên cây trà. Huyền thoại tuy không đáng tin, nhưng điều đó nói lên một thực tế rằng, những người đầu tiên dùng trà là các thiền sư, mục đích là làm cho tâm trí được bình thản và chống lại sự buồn ngủ khi ngồi thiền. Mặt khác, nghệ thuật uống trà xuất phát từ chùa chiền và các thiền sư, các đạo gia.

Nghệ thuật uống trà thịnh hành từ thời nhà Đường, là thời đại thịnh vượng nhất của Trung Hoa, nhất là về mặt thi ca, văn học nghệ thuật, trong đó nghệ thuật uống trà cùng phát triển. Lục Vũ, tác giả của Trà kinh, được coi là Trà thần, ông là một cư sĩ ở trong chùa. Sau này, nghệ thuật uống trà truyền sang Nhật Bản gọi là Trà đạo. Thời bấy giờ, nghệ thuật trà sánh vai với các nghệ thuật khác như cầm, kỳ, thi, họa. Trà được coi là cao hơn tửu (rượu) và kỳ (cờ) vì phẩm chất thanh cao của nó.

Theo Trà kinh, nghệ thuật thưởng thức trà phải hội đủ 9 yếu tố:

1. Phải chế lấy trà.
2. Phải có khả năng chọn lựa loại trà và hương vị trà.
3. Phải có đầy đủ dụng cụ.
4. Phải sửa soạn lửa củi cho đúng cách.
5. Phải có nước pha trà thích hợp.
6. Phải sấy cho đúng cách.
7. Phải tán trà cho tốt.
8. Phải pha trà một cách khéo léo.
9. Phải uống trà đúng cách.

Vấn đề chủng loại trà cũng rất phong phú, nó cũng liên quan đến nghệ thuật thưởng thức trà. Có những loại trà nổi danh trong lịch sử được ghi chép lại như trà Long Tĩnh ở Triết Giang, trà Mông Đỉnh ở Tứ Xuyên… Càng ngày càng có nhiều loại trà nổi tiếng, không chỉ ở Trung Quốc mà ở Việt Nam ta cũng có nhiều loại trà đặc biệt được nhiều người ưa chuộng như trà móc câu, trà ướp sen, trà lài hoặc trà không ướp… thuộc các địa danh Bắc Thái, Thái Nguyên, Bảo Lộc…

Những loại trà nổi danh cũng có những huyền thoại thú vị như trà Mông Đỉnh ở Tứ Xuyên đã đi vào văn học Phật giáo. Trong nghi lễ tiến cúng các hương linh, nghi dâng trà có bài kệ:

Dương Tử giang tâm thủy
Mông Sơn đỉnh thượng trà

Hương linh tam ẩm liễu

Tảo sinh pháp vương gia

Tạm dịch:

Nước dòng sông Dương Tử
Chế bình trà Mông Sơn

Hương linh ba lần uống

Sinh qua cõi Phật liền

Tuy hơi cường điệu, nhưng muốn nói rằng một tách trà ngon đúng điệu sẽ làm cho tâm hồn vơi đi những muộn phiền, tâm hồn sẽ thanh tịnh và đạt được trạng thái siêu thoát.

Về nghệ thuật pha trà và uống trà, Trà kinh và các sách bàn về nghệ thuật pha tra, thưởng thức trà khá phức tạp, tựu trung có năm yếu tố căn bản để có được một tách trà ngon:

1. Trà ngon, 2. Biết pha chế, 3. Thời gian và không gian, 4. Tâm trạng, 5. Bạn bè.

1. Trà ngon:

Tùy theo khẩu vị để mua loại trà có ướp hay không ướp. Nếu ướp như trà sen ở Huế (sen trắng) là tuyệt vời. Trà một lá, hai lá, ba lá. Một lá là ngon nhất. Phải biết bảo quản, đừng để hở gió, ẩm mốc.

2. Biết pha chế:

a. Trà cụ: Bình và tách trà bằng đất nung hay sứ, không dùng kim loại và thủy tinh, gồm có: Bình, tách (một chén lớn và các chén nhỏ) thìa gỗ hay tre để lấy trà, khay trà (thêm trà thuyền), bình đựng trà. Tất cả đều phải sạch sẽ (nhưng không rửa bằng xà phòng) bày sẵn ở trên bàn. Ấm trà được mở nắp lật ngửa trên bàn hay trên dĩa để không bị dơ.

b. Tự mình pha chế trà: Khác với uống rượu có người hầu rượu, đối với trà thì tự mình sắp đặt bình tách, tự mình pha trà. Điều này nói lên cái lý khắc kỷ vô ngã, không kiêu kỳ cao sang, làm cho trà và tâm mình trở nên thanh khiết. Mỗi động tác chuẩn bị đều được kiểm soát, tỉnh thức và nhẹ nhàng.

c. Lấy nước sôi đổ vào bình trà và các tách trà cho nóng đều, xong đổ nước ra (thở vào thở ra 3 hơi).

d. Lấy thìa gỗ xúc trà bỏ vào bình, lấy nước sôi đổ vào chút ít để rửa trà và đổ ra ngay khi trà chưa kịp ngấm.

e. Rót nước sôi vào (nước khoảng 90o) nhẹ nhàng đậy nắp lại (thở 3 hơi).

Nếu pha với nước sôi chưa đủ độ (80o) thì hương trà chưa bốc. Nước nóng già quá thì hương bốc mạnh nhưng không bền, không có hậu; nấu vừa sôi lấy xuống ngay, sẽ nguội bớt còn khoảng 90o-93o là tốt.

g. Rót trà khoảng 2/3 bình ra chén lớn, chừa lại 1/3 để làm nước cốt dùng cho lần hai. Rót trà từ chén lớn ra chén nhỏ (thở 3 hơi). Nâng tách trà lên thưởng thức hoặc mời khách. Một ấm trà không nên pha quá hai lần.

3. Thời gian và không gian:

Uống trà vào lúc nào ở đâu? Người xưa nói: “Bán dạ tam bôi tửu, bình minh nhất trản trà” (Đêm về ba cốc rượu, sáng sớm một chén trà). Vậy, vào buổi sáng trước khi đi làm, thưởng thức một bình trà rất sảng khoái. Buổi chiều sau khi làm việc, thanh thản uống một hai chén trà cũng tốt. Vấn đề nơi chốn thì trong phòng hay ngoài sân, trong vườn đều tốt, chỉ cần sạch sẽ thoáng mát và yên tĩnh.

4. Tâm trạng:

Uống trà lúc tâm tư rối bời, lo lắng, sợ sệt hay hưng phấn, náo nhiệt đều không đúng. Tâm lý phải trầm ổn, thư thái và tỉnh thức. Sự cảm nhận hương vị một tách trà liên quan rất chặt chẽ với tâm trạng. Thiền sư Nhất Hạnh có bài kệ uống trà rất hay:

Chén trà trong hai tay,
Chánh niệm nâng tròn đầy,

Thân và tâm an trú,

Bây giờ và ở đây.

Một cảm xúc trọn vẹn là cảm xúc toàn diện thống nhất giữa tâm thân và hoàn cảnh. Một giây phút ngưng đọng vắng mặt mọi tư duy, đối chiếu, phân biệt, thất tình, lục dục… Một cảm giác siêu thoát có tác dụng nuôi dưỡng thân tâm. Hoặc như bài thơ của thi sĩ Quảng Từ Vân:

Hương trà quyện cả non sông,
Nước trong xanh biếc thấy dòng tử sinh,

Không thời gian gánh nghĩa tình,

Mây qua trăng tỏ thấy mình còn đây.

Một cái nhìn trọn vẹn là một cái nhìn thấy rõ các mối quan hệ của tách trà với con người, vũ trụ, thiên nhiên, uống trà như uống cả vũ trụ.

Tuy nhiên, trong một hoàn cảnh đặc biệt, tâm trạng não nề, trà cũng làm cho người ta say như rượu:

Vị trà pha nước mắt,

Tỏa mùi hương quanh đây,

Bạn bè giờ xa khuất,

Quê hương như bóng mây,

Cồn cào trong gan ruột,

Chén trà làm ta say.

(Mạc Đình Phương)

Trà, vừa có tác dụng thư giãn, thanh tĩnh tâm vừa có tác dụng làm vơi đi nỗi buồn đè nặng lên tâm tư của con người.

5. Bạn bè đối ẩm:

Nếu có bạn bè thì phải là bạn đồng cảm, đồng điệu có thể chia sẻ với nhau những vấn đề riêng tư mà không còn sự tự vệ nào. Khi đông người thưởng thức thì cần có người phục vụ, phải là người được tập luyện, tránh thô kệch, vụng về làm mất đi nhã hứng thưởng thức trà.

Trong đời sống hiện đại, con người phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng về mọi mặt của xã hội. Sự đấu tranh, cạnh tranh sẽ tạo nên những áp lực, nhiều căng thẳng làm mất thăng bằng tâm sinh lý đưa đến bệnh tật, stress. Tìm cho mình cơ hội để thư giãn tinh thần là điều cần thiết. Thưởng thức trà là cơ hội trong tầm tay của mọi người.

Qua thưởng thức trà, như là một nghệ thuật thư giãn, sẽ đưa đến cho ta một sự hưởng thụ nhẹ nhàng, thú vui thanh nhã, làm quân bình đời sống tinh thần và sinh hoạt đời thường, nâng cao chất lượng và ý nghĩa sống cho con người. Được vậy, ngày nào cũng là xuân như Mãn Giác thiền sư:

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một cành mai

Thích Viên Giác
(Giác Ngộ xuân Mậu Tý)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/02/2015(Xem: 5944)
Thế là đã hơn 16 năm rồi tôi chưa về quê hương ăn Tết. Xuân và hoa vẫn tưng bừng ở đó mà người ra đi đã mất chỗ ở quê hương! Tôi chưa hưởng lại không khí rộn ràng, đầm ấm của những ngày Tết ở quê nhà; mỗi lần nhớ đến lòng tôi xôn xao vừa ngậm ngùi, chạnh nghĩ về quê xưa mà lòng se sắt nhớ!
06/02/2015(Xem: 5573)
Năm Mùi lại sắp đến và ta thường hỏi là tại sao tên gọi là Mùi, không là dê, dương hay vị ...? Phần này đưa ra vài cách nhìn hầu giải thích phần nào các lý do dẫn đến hiện tượng trên. Ngôn ngữ con người biến đổi theo thời gian (âm cổ và âm hiện đại) và không gian (phương ngữ, thổ ngữ, ngữ hệ), thành ra phần này sẽ bàn về các dữ kiện minh xác kết quả trên. Đây cũng là mục đích chính của loạt bài "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp", phần này tiếp theo bài "Nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp – Mùi/Vị - *mjei – Dê (phần 15)". Các bài viết sau nhưng cùng một chủ đề sẽ đánh số với mẫu tự A, B, C… Hi vọng loạt bài này gợi ý và tạo thêm động lực cho người đọc tìm hiểu thêm về tiếng Việt và những liên hệ ngôn ngữ thật thú vị. Các chữ viết tắt trong bài này là LM (Linh Mục), BK (Bắc Kinh),
05/02/2015(Xem: 7220)
Như thường khi, vào những dịp cuối năm với bề bộn lo toan ngày tết mới, tất cả ai ai cũng đều chăm chú vào từng tờ lịch phía dưới của ngày âm lịch mà thường khi ngươi ta ít khi chú ý đến ngoại trừ phải tính các ngày giỗ, thôi nôi hay tang chế.v…v…
05/02/2015(Xem: 6176)
Tết. Một chữ thôi mà sao cũng đủ làm cái cớ lớn để tôi bâng khuâng quá chừng. Tôi đã sống qua chừng đó năm tháng rồi sao? Vậy là tôi sẽ không còn đủ thời gian để tận mắt chứng kiến bao điều sẽ xảy ra trên hành tinh này với những buồn vui khó nói trước...
05/02/2015(Xem: 5964)
Dê sống hoang giã 50.000 năm trước tại: Á Châu, Âu Châu và Phi Châu trên đồi núi nên gọi là wild goat/ Wildziegen. Dê có thân hình dài từ 1,2 đến 1,6m, đuôi dài 15-20 cm, cao từ 0,7 m đến 1m, trọng lượng tùy theo dê đực hay dê cái nặng từ 25 kilô đến 100 kilô. Khoảng 8000 -10.000 trước CN thì loài người bắt dê về thuần hóa thành gia súc như: gà, chó, heo, ngựa, trâu, bò.
05/02/2015(Xem: 3871)
Hằng năm, cứ vào lệ thường đêm giao thừa, thầy trò chúng ta thường tụng kinh phúc chúc an lành cho nhân loại, cho đất nước Việt Nam, cho chư thiên, thọ thần, cho tất cả ân nhân, thí chủ, cho chư Phật tử gần xa và cho cả chúng ta một năm mới tốt lành hơn, an vui hơn.
04/02/2015(Xem: 22273)
Ước vọng của con người luôn là những gì tốt đẹp, sung túc và dài lâu, cần phải đạt được trong một tương lai gần nhất. Nói cách thực tế theo quán tính của người bình phàm, thì đó là hạnh phúc (phước), thịnh vượng (lộc), sống lâu (thọ). Với các chính trị gia, và những nhà đấu tranh cho dân tộc, cho đất nước, thì đó là tự do, dân chủ, nhân quyền. Với đạo gia thì đó là giải thoát, giác ngộ, và niết-bàn.
03/02/2015(Xem: 5973)
Xuân về nở nụ chứa chan. Lòng vui rộn rã như đang tự tình. Phiêu linh một chút hòa bình. Cầm tay thiên hạ nói mình rất thương.
03/02/2015(Xem: 5800)
Xuân tràn đầy sức sống Hạt tinh tấn đâm chồi Hoa khiêm cung bi trí Tưới tẩm mầm Thánh nhân. Mỗi ngày hoa đều nở Cúng dường ngôi Tam bảo Tô điểm đạo và đời Xuân phước tuệ trang nghiêm. (Thích Nữ Giới Hương)
02/02/2015(Xem: 10306)
Vào thuở thịnh Đường, Lục tổ Huệ Năng ( 慧 能 638-713 ) sau khi đắc pháp với Ngũ tổ Hoằng Nhẫn ( 弘忍) và được truyền Y bát, nghe theo lời dạy của sư phụ phải ở ẩn một thời gian rồi sau mới ứng cơ giáo hóa. Ngài được Ngũ tổ đưa đến bến Cửu giang rồi chèo đò qua sông đi về phương nam, đến thôn Tào Hầu (曹候村), phủ Thiều Châu (韶州府) nương náu trong một am tranh. Lưu Chí Lược 刘志略 là một nhà Nho chưa biết ngài kế thừa Tổ vị, thấy ngài tu khổ hạnh khiêm cung, bèn hết lòng hộ trì. Ông có một người cô ruột là Thiền ni Vô Tận Tạng (無盡藏比丘尼) không rõ ngày sanh, chỉ biết bà mất vào năm 676 sau TL. Lúc ấy Lục tổ 38 tuổi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567