Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

21_Bậc Thầy của những vị thầy

08/10/202310:59(Xem: 6625)
21_Bậc Thầy của những vị thầy

Bậc Thầy của những vị thầy


Bài viết của Cư Sĩ Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến
Do Phật tử Diệu Danh diễn đọc





Cách đây hơn hai mươi năm, vào khoảng cuối thiên niên kỷ trước, tôi có dịp gặp và trò chuyện với thầy Tuệ Sỹ lần đầu tiên. Tôi cùng đi với Đỗ Quốc Bảo, đến thăm thầy khi ấy đang ở trên một căn gác trong khuôn viên chùa Quảng Hương Già Lam. Lúc ấy thầy vẫn là nhân vật quan trọng được nhiều sự “ưu ái bảo vệ”, nên khi vừa đến khu vực cổng chùa chúng tôi đã dễ dàng nhận thấy một số người mặc thường phục nhìn chúng tôi bằng những cặp mắt dò xét hơi khó chịu.

Nói là đến thăm thầy, nhưng thật ra chuyến đi của chúng tôi còn có mục đích khác. Vào thời điểm đó, Đỗ Quốc Bảo đang giúp thầy một số kiến thức trong việc sử dụng Microsoft Word trên máy điện toán. Anh đã thiết lập sẵn một số các mẫu định dạng (style) trong Word, phù hợp với việc trình bày các sách nghiên cứu, vốn thường có nhiều chữ Phạn, chữ Hán. Đỗ Quốc Bảo đã hướng dẫn thầy cách áp dụng các mẫu định dạng này để tạo văn bản có tính nhất quán và phù hợp với các chuẩn mực học thuật. Song song theo đó, Đỗ Quốc Bảo cũng giúp thầy trong việc nhập chữ Hán trên máy điện toán qua phần mềm Song Kiều. Công việc hướng dẫn chưa thực sự hoàn tất và Đỗ Quốc Bảo đang sắp phải rời Việt Nam sang Đức. Vì vậy, anh không yên tâm nên muốn đưa tôi đến gặp thầy để “bàn giao” công việc và nhờ tôi lưu ý giúp thầy nếu có phát sinh bất ổn nào trong lúc vắng mặt anh.

Thầy tiếp chúng tôi trong một gian phòng nhỏ. Chúng tôi trò chuyện về nhiều vấn đề và được mời ở lại dùng cơm trưa. Thời gian tiếp xúc không lâu nhưng thầy đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng cũng như những bài học mà mãi đến nay tôi vẫn còn ghi nhớ. Trong lúc trò chuyện, khi nhắc đến một chú thích trong sách cần làm rõ, thầy đứng lên đi thẳng đến kệ sách và lấy ra một quyển, rồi mở ra ngay đúng trang sách đang được đề cập đến. Dáng vẻ thầy ung dung và tự tin cho thấy thầy biết chắc chắn về quyển sách đang nằm ở đó cũng như trang sách nào cần giở ra, không có vẻ gì như người phải tìm kiếm. Về sau này tôi mới biết đó là một trong những khả năng biểu lộ trí nhớ siêu tuyệt của thầy mà rất nhiều người khi làm việc chung với thầy đều biết đến.

Nhưng điều gây ấn tượng nhất đối với tôi là sự cẩn trọng gần như tuyệt đối của thầy, một điều cực kỳ quan trọng ở người làm công việc nghiên cứu. Mặc dù thầy đề cập đến vấn đề đang thảo luận một cách rất chi tiết, chứng tỏ thầy nhớ rất kỹ về sự việc, nhưng thầy vẫn tìm mở ra nguồn tư liệu gốc để kiểm chứng lại một cách chắc chắn nhất, không hoàn toàn dựa vào trí nhớ của mình. Trong hơn hai mươi năm làm công việc biên tập và hiệu đính, tôi nhận ra hầu hết các tác giả, dịch giả đều mắc phải sai lầm do căn bệnh chủ quan khi dựa vào trí nhớ mà không kiểm chứng. Một người uyên bác, thông tuệ như thầy mà còn tuân thủ nguyên tắc cẩn trọng như vậy, quả thật xứng đáng là một tấm gương để chúng ta noi theo. Sự cẩn trọng của tôi trong công việc biên khảo từ nhiều năm qua có một phần chính là nhờ học hỏi được nơi thầy.

Nỗ lực học hỏi về các kỹ thuật mới để sử dụng phần mềm trên máy điện toán của thầy cũng thật đáng kinh ngạc. Rất nhiều người tôi quen biết, khi ở vào độ tuổi của thầy rất ngại học hỏi thêm những điều liên quan đến công nghệ. Họ chấp nhận làm việc với môi trường và những phương tiện quen thuộc cũ, dù biết rằng việc sử dụng công nghệ sẽ giúp cho công việc được nhanh chóng và hiệu quả hơn nhiều. Điều đó chỉ đơn giản là vì họ không vượt qua được những khó khăn ban đầu. Thầy Tuệ Sỹ thì rất khác. Thầy nhận thức rất rõ những lợi thế của các phương tiện hiện đại và chấp nhận học hỏi. Và thầy học rất nhanh. Đỗ Quốc Bảo đã quá lo xa khi “giao việc” cho tôi, bởi trong thực tế thầy không cần đến sự hỗ trợ của tôi lần nào cả. Chỉ mãi về sau này, khi giúp thầy xây dựng website Hương Tích Phật Việt thì tôi mới phải đi về vài ba lần để chỉ dẫn cách sử dụng, nhưng lúc đó đã có một vài em sinh viên giúp thầy công việc này. Trong những lần gặp gỡ hiếm hoi đó, tôi cũng đã có lần nghỉ đêm lại Thư quán Hương Tích để rồi được uống trà cùng thầy buổi sáng. Tất cả đều là những kỷ niệm đẹp mà tôi luôn ghi nhớ.

Năm 2009, sau khi xuất bản bản Việt dịch và chú giải kinh Đại Bát Niết-bàn, tôi gửi biếu Hòa thượng Trí Quang, Hòa thượng Trí Tịnh và thầy Tuệ Sỹ mỗi người một bộ. Phiên bản đầu tiên đó được in đầy đủ cả phần Hán văn và chú âm với độ dày tổng cộng hơn 4.500 trang, được phân chia thành 8 tập. Một thời gian sau, có dịp gặp thầy, tôi không ngờ là thầy đã đọc và ân cần trao đổi với tôi về bản dịch ấy. Thầy bảo tôi, phương pháp anh làm như vậy là tốt lắm. Tôi biết là thầy đang đề cập đến những điều tôi trình bày ở phần Dẫn nhập. Rồi thầy vui vẻ nói thêm: “Anh nên cố gắng học thêm tiếng Phạn. Điều đó sẽ hỗ trợ tốt hơn cho công việc.”


on tue sy-57
Tác giả Nguyễn Minh Tiến và Ôn Tuệ Sỹ



Tôi biết lời thầy dạy rất chí lý, nhưng thú thật tôi tự xét mình và biết là không kham nổi. Nếu chỉ học để biết qua loa thì không thành vấn đề, nhưng “học cho ra học” thì tôi biết chắc loại ngôn ngữ “cõi trời” này không thể thông thạo một cách nhanh chóng được. Trong thực tế, anh bạn Đỗ Quốc Bảo của tôi đã phải lăn lộn hết mình trong hai mươi năm qua, đến giờ mới có thể lên bục giảng để giảng dạy ngôn ngữ này. Tôi thì quả thật không đủ “vốn liếng” để theo đuổi như vậy. Vì thế, tuy vẫn không quên lời thầy dạy nhưng với mức độ làm việc đều đặn như những năm qua, tôi cũng đành “hẹn lại kiếp sau” với giấc mơ về Phạn ngữ.

Tôi không có nhiều duyên may gần gũi thầy và những lần thăm viếng, hầu chuyện cùng thầy cũng không nhiều lắm. Tuy nhiên, những bậc đàn anh được thầy quan tâm và có nhiều cơ duyên tiếp xúc làm việc với thầy như các anh Nguyễn Hiền, Văn Công Tuấn, Đỗ Hồng Ngọc... thì với tôi đều thân thiết. Nhờ vậy, tôi được biết thêm rất nhiều về thầy qua chính những vị này. Anh Văn Công Tuấn kể cho tôi nghe nhiều mẩu chuyện về thầy trong suốt những năm anh từng học và làm việc ở Đại học Vạn Hạnh, khi anh hãy còn là “thanh niên Tuấn” và thầy là “chú Sỹ”. Khi anh Nguyễn Hiền cất công sưu tập các bài viết của thầy và cả những bài viết về thầy để làm tuyển tập “Tuệ Sỹ - Viên Ngọc Quý” thì chính tôi là người may mắn được đọc sửa bản thảo trước khi in. Hơn thế nữa, tập sách này lại được chính Nhà xuất bản Liên Phật Hội của chúng tôi tại California phát hành qua hệ thống POD toàn cầu. Anh Đỗ Hồng Ngọc thì thỉnh thoảng vẫn gửi bài cho tôi đọc, đôi khi có những bài anh viết về thầy. Và mới đây nhất, anh khoe hình lúc đến thăm thầy, tuy đã lộ rõ vẻ yếu ớt vì bệnh tình nhưng khuôn mặt vẫn tươi cười rạng rỡ và cặp mắt tinh anh vẫn không khác với ngày nào.

Nói đến thầy Tuệ Sỹ, những ai đã được gặp thầy hẳn đều không quên được đôi mắt tinh anh đặc biệt của thầy. Thầy có một thân hình nhỏ nhắn và thậm chí là hơi gầy, khuôn mặt cũng gầy gò, hơi khắc khổ, nhưng đôi mắt thì như vượt ra ngoài những dáng vẻ thông thường đó. Trong hố mắt sâu thẳm là hai đồng tử sáng quắc linh hoạt và như chiếu ra những tia sáng xuyên thấu mọi điều. Mặc dù vậy, tôi chưa bao giờ cảm nhận sự nghiêm khắc trong tia nhìn của thầy, mà ngược lại luôn cảm thấy rất nhiều tình cảm thương yêu, ấm áp. Phải chăng chính từ nơi tuệ giác phi thường và tâm từ bi rộng mở của thầy đã lưu xuất ra một ánh mắt nhìn đặc biệt đến như thế!

Và nói về trí tuệ của thầy thì quả thật khó có người theo kịp. Từ lúc còn là “chú Sỹ” trên giảng đường Đại học Vạn Hạnh - và tất nhiên là vị giáo sư Đại học trẻ tuổi nhất lúc đó - thầy đã có nhiều tác phẩm được lưu hành và nổi tiếng. Và cho đến gần đây là công trình Thanh văn tạng mà Hội Đồng Hoằng Pháp vừa xuất bản, một công trình mang tầm thế kỷ mà chính thầy là “cây cột chống trời” đã làm nên kỳ tích. Tất nhiên chúng ta không phủ nhận những nỗ lực và công sức đóng góp của rất nhiều người để công việc được tốt đẹp như đã thấy, nhưng ý tôi muốn nói ở đây là vai trò chính yếu mang tính quyết định của thầy. Khi sức khỏe thầy suy yếu như hiện nay, dường như có một nỗi lo chung mà anh em chúng tôi mỗi khi trò chuyện cùng nhau đều bàn đến. Đó là không biết rồi đây ai sẽ đủ sức thay thế đảm nhận được những vai trò mà thầy đã từng gánh vác.

Mối nhân duyên gần đây nhất giữa tôi với thầy là khi tôi hoàn tất bản dịch và chú giải sách Tây vực ký, trùng dịch công trình của Hòa thượng Thích Như Điển đã xuất bản từ năm 2004. Mặc dù lúc đó sức khỏe của thầy cũng không tốt lắm, nhưng thầy vẫn cố gắng viết lời giới thiệu cho tập sách này. Anh Văn Công Tuấn kể với tôi là có những đoạn trong bài thầy đã viết ngay trên giường bệnh. Khi nghe anh kể như vậy, tôi đã hết sức cảm động và chợt nhớ lại những phút giây được ở bên thầy. Tôi cảm nhận được dù khi tôi đang ở bên cạnh thầy hay đã đi rất xa thì trong tâm lượng của thầy, sự thương yêu và quan tâm khích lệ đối với hàng hậu học chúng tôi dường như vẫn không bao giờ suy giảm cả.

Cách đây mấy tuần, Đỗ Quốc Bảo từ Đức sang California để thuyết trình tại lễ khai giảng trường Đại học Phật giáo Sakya Buddha University và gặp tôi cũng đến thuyết trình ở đó. Chúng tôi có dịp gặp lại nhau sau gần hai mươi năm và lại có dịp nhắc chuyện về thầy. Tôi bất chợt nhận ra một điều là cho dù không ai nghĩ đến, nhưng sự hiện diện của thầy trong cuộc đời này dường như đã trở thành một chất keo gắn kết anh em chúng tôi, những người cư sĩ thuộc thế hệ đi sau, vẫn đang cố gắng tiếp tục đóng góp cho nền Phật học nước nhà. Đó là vì tất cả chúng tôi không ai bảo ai nhưng đều thật lòng kính phục thầy, đều xem thầy là vị thầy chung, là tấm gương sáng để chúng tôi noi theo trong suốt cuộc đời mình.

Với sự giác ngộ siêu việt thế gian, Đức Phật từng được xưng tán là Bậc thánh của các vị thánh. Ngày nay, với sự thông tuệ và đạo hạnh sáng ngời của thầy, tôi nghĩ sẽ không quá lời khi xưng tán thầy là Bậc thầy của những vị thầy. Và nói thật lòng thì đối với riêng tôi, thầy quả là bậc thầy vượt trên tất cả những vị thầy mà tôi đã từng được biết.

Quế Minh Đường (Westminster), California
Tiết Trung thu Quý Mão - 2023
Nguyễn Minh Tiến


Giới thiệu tập thơ Giấc Mơ Trường Sơn của Thầy Tuệ Sỹ qua các giọng ngâm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/06/2020(Xem: 10714)
Sau 26 năm lưu đày biệt xứ với 2 bản án Chung thân của người tù trải qua hơn một phần tư thế kỷ, tôi trở về từ cõi chết được bình an, trong sự chào đón hân hoan vui mừng của mọi người thân ruột thịt cốt nhục gia đình của quý chư Tôn Đức Pháp quyến. Đặc biệt các Tổ chức Nhân quyền LHQ, Hội Ân xá Quốc tế, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam tại Hải ngoại, Phòng Thông tin Phật Giáo Quốc tế tại Paris, các Đài Truyền thông Quốc tế loan tải phổ biến tin vui. Nhiều đồng bào Phật Tử xa gần trong và ngoài nước, đã gửi điện thư, điện thoại, đến đất Bạc nơi mái tranh nghèo tôi đang tạm trú,
02/06/2020(Xem: 10719)
THƯ TÒA SOẠN, trang 2 ¨ TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 4 ¨ BIỆN TRUNG BIÊN LUẬN TỤNG THÍCH, t.t. (HT. Thích Thắng Hoan), trang 9 ¨ THÔNG ĐIỆP CỦA SỰ HẠNH PHÚC (ĐNT Tín Nghĩa), trang 12 ¨ TỬ SINH, TỰ TÌNH KHÚC (thơ Ns. Hạnh Đạt), trang 13 ¨ TÀI SẢN SẼ MẤT, TẠO PHƯỚC THÌ CÒN (Quảng Tánh), trang 14 ¨ TÂM THƯ CẦU NGUYỆN BỆNH DỊCH CORONA VŨ HÁN CHẤM DỨT (HT. Thích Tín Nghĩa), trang 15 ¨ CHÚC NGUYỆN THƯ PHẬT ĐẢN 2564 (TK. Thích Tuệ Sỹ), trang 16 ¨ THỌ GIỚI (HT. Thích Huệ Hưng), trang 18 ¨ SAU MÙA GIÓ LOẠN (thơ Mặc Phương Tử), trang 23 ¨ CHÙA CỔ THIÊN TỨ... (Tâm Không Vĩnh Hữu), trang 24
31/05/2020(Xem: 4698)
-Các con biết đây là gì không? Đây là chiếc Gối Gỗ của Sư Ông. Bốn huynh đệ chúng tôi trố mắt nhìn nhau, lần đầu tiên trong đời mới thấy chiếc gối gỗ. Thì ra, món đồ Sư Phụ để trên bàn thờ mấy năm qua được bọc vải vàng là cái Gối Gỗ của Sư Ông, chúng tôi nhiều lần thắc mắc nhưng không ai biết được đấy là gì, cũng không dám hỏi Sư Phụ. Tôi còn nhớ như in buổi chiều khi hay tin Sư Ông viên tịch, Thầy trò đang ngoài ruộng lúa chuẩn bị cho vụ mùa. Thầy vội vã về chùa để ra quê cho kịp chuyến xe tối. Hạnh Trí nhanh nhẹn chuẩn bị cho Thầy bộ Y, mấy bộ quần áo và vài gói mì lá Bồ Đề bỏ vào trong cái túi đãi đã bạc màu. Hạnh Tú thì tranh thủ dắt chiếc xe đạp ra ngoài trong tư thế đưa Thầy ra quốc lộ. Hạnh Lưu nhanh tay lo cho Thầy mấy trái bắp luộc để lót dạ trên đường. Thầy đi chỉ dặn dò mấy con ở chùa nhớ công phu bái sám đều đặn, công việc nặng thì nhờ quý bác Phật tử giúp giùm.
29/05/2020(Xem: 3852)
Hôm nay ngày Đại Tường Sư Ông, Sau thời công phu sáng, trước Giác Linh đài, chí thành đảnh lễ, không gian như lắng yên, tĩnh lặng…tất cả nhìn tôn ảnh của Sư Ông với tất cả niềm kính cẩn thiêng liêng, trên bàn thờ những đóa sen hồng đang nở, hòa với những ngọn nến thật huyền diệu lung linh… - Tâm hả con, vào nhanh đi. Tiểu Tâm bối rối cả người té ra là …, Chú sợ quá, quỳ xuống lạy Hòa thượng trong tiếng khóc nức nở trong nỗi niềm vừa lo âu và hối hận. Hòa Thượng lấy tay xoa lên đầu chú, vuốt cái chõm tóc dài đang ướt và nắm tay chú nhẹ nhàng từ tốn bảo: - Con thay quần áo nhanh đi, ước hết rồi, hơ ấm, lạy Phật, rồi ngủ đi con!
27/05/2020(Xem: 5648)
Hoa Lan vốn là loài hoa đẹp vừa kiêu sa thanh thoát, tuổi thọ cao (thường trụ trong chậu những sáu tháng), hương thơm nhẹ nhàng được bao người trân quí dùng làm quà tặng nhau hay chưng tại các đại sảnh, trang thờ, phòng khách... Nhưng Hoa Lan ở đây, tôi muốn viết về là bút hiệu của cô bạn văn tên thật là Lan Hương ( hương của hoa lan), cái tên đúng là có sự an bài của định mệnh.
10/05/2020(Xem: 4335)
Cả tuần lễ nay Chùa Linh Thứu như có sức sống của một cành cây đang đâm chồi nẩy lộc, khác hẳn với những tháng ngày cửa đóng then cài vì dịch Corona. Thí chủ nào muốn cúng dường gạo sữa, hoa quả chỉ dám nhấn chuông rồi lặng lẽ để phẩm vật trước cửa Chùa. Không thể nào thực hiện được hạnh nguyện cúng dường ba nghiệp thanh tịnh của Bồ Tát Phổ Hiền, nhưng tấm lòng nhớ đến Tam Bảo như thế cũng đáng được tán thán! Chùa trở nên sống động nhờ ý tưởng độc đáo của Sư Bà Linh Thứu, phải làm một cái gì hữu ích cho xứ sở mình đang sống để trả ơn cho họ trong cơn đại dịch. Sư Bà huy động tất cả các Phật tử có tay nghề may vá, kêu gọi họ may khẩu trang đem đến Chùa quyên tặng và các Sư Cô của Chùa cũng phải ngày đêm may cắt làm sao cho đủ số. Ít nhất phải đến con số 3000 chiếc khẩu trang ân tình Sư Bà mới dám triệu Ngoại Vụ của Chùa đi làm việc. Sư Bà muốn mời một vị khách quý của Chùa đến nhận món quà ấy, ông Thị Trưởng của quận Spandau nơi chùa Linh Thứu sinh hoạt.
01/05/2020(Xem: 12857)
Ngày 25 tháng 10 âm lịch năm 1967, Ngài ngồi thiền trong động Di Lặc, núi Củu Tiên, dãy Quế Lạc, Công xá Thượng Đông, Huyện Đức Hóa, Tỉnh Phước Kiến, đột nhiên được Bồ Tát QUÁN-THẾ-ÂM tiếp dẫn đi khiến mất cả tông tích. Lúc ấy, Pháp Sư được dẫn đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, tham quan các cảnh giới 9 phẩm hoa sen. Thời gian dường như chừng 1 ngày 1 đêm, nhưng khi về đến nhân gian đã là ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch năm 1973 (đi từ 25/10 âm lịch 1967) chạy ra đã trên 6 năm 5 tháng trôi qua. Thoạt nghe thì như là vượt ra tri thức thường tình, khó mà lý giải được. Có câu nói "trên trời 1 ngày, dưới này vài năm" là vậy, cũng bởi không gian của vũ trụ không giống nhau, khái niệm thời gian cũng khác, người có chút ít hiểu biết về Phật học, tất lý nhận ra được.
30/04/2020(Xem: 5064)
Hãy mau mau buông bỏ mọi mê lầm ngay tại đây và ngay bây giờ. Xin giới thiệu với độc giả hoàn cảnh ra đời của bài này. Tác giả là nhân viên làm việc trong một nhà tù thuộc tiểu bang Victoria. Trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19, mọi người dân đều phải chấp hành lệnh của chính phủ tiểu bang và liên bang để giữ gìn an toàn sức khỏe cho cộng đồng. Không được tụ tập trên mười người và phải giữ giản cách xã hội (cách nhau hơn một sải tay). Vì phải làm lễ cầu siêu cho một tù nhân vừa qua đời sau hơn hai năm mang nhiều thứ bệnh trong hoàn cảnh đặc biệt này cho nên chúng tôi chọn cái đề tựa như trên.
27/04/2020(Xem: 3498)
Ra khỏi bến xe Vinh, xe rẽ về ngả Thanh Chương. Hàng cây hai bên đường như lui dần, biến vào trong đám bụi đất đỏ phía sau xe. Sáng sớm trời còn mờ sương. Hơi lạnh từ các hốc núi tỏa ra lãng đãng tan vào không khí. Gió mát dịu, tôi khoan khoái ngả người vào thành ghế phía sau lơ đãng nhìn những đám mây xám lơ lửng trong bầu trời âm u. Dường như có một chút ánh sáng ửng hồng ở phương xa, bên kia ngọn đồi trước mặt. Xe tiến tới. Ánh sáng như thật gần rồi sáng bẵng. Mặt trời đã bắt đầu ló dạng. Người trong xe như trở mình sau một cơn ngáy ngủ. Họ lấm lét nhìn tôi soi mói như nhìn một quái vật từ cung trăng rớt xuống. Chắc là tôi lạ lắm. Tôi nghĩ vậy. Mái tóc ngắn, chiếc áo bà ba bó sát thân hình, chiếc quần đen hàng vải ú, nhưng dáng người ốm ốm, cao cao, tôi không giấu được tôi là người miền Nam vừa đến. - Chị ra Bắc thăm bà con đấy hẳn? Người đàn bà ngồi bên cạnh hỏi tôi. Tôi quay lại mỉm cười rồi gật đầu dạ nhỏ.
27/04/2020(Xem: 3015)
Năm tôi mười hai tuổi, tôi đã biết mộng mơ. Nhưng tôi không mơ công tử đẹp trai con nhà giàu học giỏi hay các chàng bạch diện thư sinh mặt hoa da phấn mà tôi mơ hình ảnh thiếu nữ áo dài xanh (màu xanh nước biển), có đôi găng tay trắng, ở cổ áo gắn hai đầu rồng nho nhỏ, xinh xinh, huy hiệu của tiếp viên phi hành hàng không Air Việt Nam.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]