Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kỷ Yếu Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Đức Niệm (1937-2003)

28/01/202108:10(Xem: 7207)
Kỷ Yếu Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Đức Niệm (1937-2003)
ky yeu tuong niem ht duc niem
TƯỞNG NIỆM
HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỨC NIỆM
(1937-2003)
P.L.2548-2005
 
----o0o----
 
Tiểu sử
HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỨC NIỆM
 
            I-THÂN THẾ
            Hòa thượng họ Hồ, húy Đắc Kế, Pháp danh Nguyên Công, tự Đức Niệm, bút hiệu Thiền Đức, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ bốn mươi bốn, sinh năm Đinh Sửu (1937) tại làng Thanh Lương, phủ Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận, nay là xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
            Nhờ túc duyên tiền kiếp, nên mặc dù không ai khích lệ thúc đẩy, Ngài vẫn một mình cố công tìm đường hướng về với đạo lý giác ngộ. Khởi đầu, Ngài xin xuất gia với Hòa Thượng Thích Minh Đạo tại chùa Long Quang, Phan Rí năm 13 tuổi. Sau đó, trên đường tầm sư học đạo, Ngài cầu học với Hòa thượng Trí Thắng chùa Thiên Hưng và Hòa Thượng Viện chủ chùa Trùng Khánh ở Phan Rang, Hòa Thượng Thiện Hòa ở chùa Ấn Quang, Sàigòn, và Hòa Thượng Trí Thủ ở Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang. Vào năm 1962, Ngài tốt nghiệp Cao Đẳng Phật giáo tại Phật Học Đường Nam Việt chùa Ấn Quang Sàigòn. Song song với Phật học, Ngài cũng chú tâm đến thế học. Sauk hi tốt nghiệp cử nhân Văn khoa Đại Học Vạn Hạnh năm 1966, Ngài được học bổng du học Đài Loan năm 1969. Tại đây, Ngài đỗ Cao học năm 1972 và Tiến sĩ Quốc gia về Văn Triết Học năm 1978.
            Năm 1979, đáp lời mời của Hòa thượng Thích Thiên Ân, Viện trưởng Viện Đại Học Đông Phương, Ngài rời Đài Loan đến Los Angeles, Hoa Kỳ, đóng góp cho công cuộc truyền bá đạo pháp và văn hóa truyền thống của dân tộc trên đất mới này. Trong khi còn đi học ở trong nước cũng như sau khi hoàn tất chương trình học vấn ở hải ngoại, đời của Ngài là một chuỗi dài hoạt động không ngừng cho đến khi lâm trọng bệnh không thể nào hoạt động được nữa.
            II-HOẰNG PHÁP LỢI SANH
            Từ năm 1966 đến 1969 trước khi đi du học, thể theo lời mời của Giáo Hội, Ngài đảm nhiệm:
                        -Hiệu trưởng trường Trung học Bồ Đề quận Chợ Mới tỉnh Long Xuyên;
                        -Chánh Đại Diện Giáo hội Phật giáo tỉnh Gia Định;
                        -Chánh thư ký Phật Học Vụ, Giáo Hội PGVNTN
                        -Giám Đốc Trường Trung Học Bồ Đề tỉnh Bình Dương
            Năm 1978, trong khi còn du học ở Đài Loan, trước thảm nạn của đồng bào vượt biển, Ngài được đồng bào và sinh viên Việt Nam mời đảm nhiệm:
                        -Chủ tịch Hội Cứu Trợ Thuyền Nhân Vượt Biển Tỵ Nạn (tại Đài Loan)
            Năm 1979, thể theo lời mời của Hòa Thượng Thiên Ân, Ngài sang Hoa Kỳ với chức vụ:
                        -Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Đông Phương kiêm Giám Đốc Phật Học Viện Quốc Tế.
            Tại đây và ngay trong thời gian đầu, Ngài đã xúc tiến thành lập ấn quán Ananda để in kinh sách Phật giáo, bắt đầu đi thuyết pháp và lập đạo tràng khắp nơi.
            Tháng 6 năm 1981, Ngài chính thức tạo lập cơ sở Phật Học Viện Quốc Tế để đào tạo tăng tài, truyền bá chánh pháp, bảo tồn và phát triển niềm tin vào truyền thống văn hóa dân tộc.
            Năm 1983, quan tâm đặc biệt cho tương lai của Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại, trong đó giới luật là căn bản, Ngài đã tổ chức lần đầu tiên ở hải ngoại Đại Giới Đàn Thiện Hòa với đúng như nghi thức truyền thống thiền môn.
            Năm 1988, đáp ứng với  tình hình Phật sự lúc bấy giờ, Ngài đảm nhiệm chức vụ:
                        -Chủ tịch Điều Hành  Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ;
            Năm 1992, khâm thừa  giáo chỉ Viện Tăng Thống của Giáo Hội ở trong nước, Ngài đã cộng  tác toàn tâm toàn lực với chư Tôn đức Tăng Ni và cư sĩ để thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ và sau đó được cung thỉnh giữ  chức vụ:
                        Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại  Diện
            Một cách tổng  quát, nhờ được phước duyên nhiều năm than gần tu học với các bậc cao tăng thạc đức Việt Nam cũng như Trung Hoa, Hòa Thượng Đức Niệm lúc nào cũng  chú trọng vấn đề tu học, hoằng pháp và đào tạo tăng tài. Bất cứ ai đến Phật Học Viện ít nhiều cũng đều cảm nhận sắc thái đạo phong tu học, lục hòa, thanh tịnh trong chốn thiền môn. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, thuở khởi đầu, cảnh trí Phật Hoc Viện thật hoang sơ và xa cách cộng đồng người Việt. Nhiều Phật tử lo ngại tương lai của Viện vì chẳng khác nào “ cọp rời rừng, cá bỏ nước”. Nhưng Ngài vẫn thản nhiên trấn an: “ Giới luật còn là đạo pháp còn. Giới luật trang nghiêm là hoàn cảnh trang nghiêm. Giới đức có năng lực hoán cải hoàn cảnh.” Phật Học  Viện ngày nay đã khác xưa nhiều.
            III-GÓP PHẦN BẢO TỒN NỀN VĂN HỌC PHẬT GIÁO VIỆT NAM Ở HẢI NGOẠI
            Tuy luôn luôn bận rộn với những công tác Phật sự của Giáo Hội, giảng dạy đồ chúng và thuyết pháp khắp nơi, Hòa Thượng Đức Niệm vẫn luôn luôn quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa truyền thống của dân tộc ở xứ người mà chính yếu là nền văn học Phật giáo Việt Nam được chuyên chở qua kinh điển, sách báo Phật giáo bằng chữ Việt. Do đó, ròng rã suốt 20 năm qua, Ngài đã thực hiện các  công tác ấn hành kinh sách, xuất bản các tập san định kỳ, dịch thuật và biên soạn Kinh, Luật, Luận.
            1-Ấn hành kinh sách: Đáp ứng với tình trạng thiếu kinh sách Việt ngữ để tu học một cách nghiêm trọng cho cộng đồng Phật tử khắp nơi ở hải ngoại, đặc biệt trong giai đoạn chưa có sự giao lưu giưa Việt Nam và thế giới bên ngoài, cơ sở ấn hành Phật Học Viện Quốc Tế đã kịp thời in và phát hành nhiều kinh sách Phật giáo. Tính cho đến nay, đã có khoảng 235 kinh sách đủ loại đã được in và phát hành.
            2-Xuất bản các tập san định kỳ: Nhằm phổ biến tin tức và giáo lý đến các cộng đồng Phật tử Việt Nam sống rải rác khắp nơi trên thế giới, Hòa Thượng Đức Niệm đã liên tục cho xuất bản các tập san định kỳ mà danh xưng tùy hoàn cảnh tổ chức của sinh hoạt Giáo Hội có khác nhưng nội dung vẫn trước sau như một.Liên tục từ năm 1980 đến năm 2000, đã có những tập san như sau:
                        1-/ Tập san Phật Học Viện Quốc Tế ( từ năm 1980 đến 1984)
                        2-/ Tập san Phật Học ( từ năm 1985 đến 1988)
                        3-/ Tập san Phật Giáo Thống Nhất ( từ năm 1988 đến 1993)
                        4-/ Tập san Phật Giáo Hải Ngoại ( từ năm 1994 đến 2000)
            3-Dịch thuật và biên soạn:Ngoài những bài viết đăng trên các tập san Phật giáo, Hòa Thượng Đức Niệm còn dịch thuật và biên soạn những Kinh, Luật,Luận để Tăng Ni và Phật tử có tài liệu tu học và nghiên cứu, tham khảo:
            - Phật Pháp Yếu Nghĩa (Biên soạn-1988)
            - Câu Xá Luận Cương Yếu ( Dịch- 1985)
            - Kinh Bảo Tích Giảng Giải (Dịch và giải – 1986)
            - Tại Gia Bồ Tát Giới ( Soạn dịch – 1989 )
            - Lược Truyện Tiền Thân Đức Phật ( Soạn dịch – 1988 )
            - Tịnh Độ Đại Thừa Tư Tưởng Luận ( Soạn dịch – 1989 )
            - Kinh Thắng Man Giảng Giải 
( Dịch giải – 1990 )
            - Phương Pháp Cải Đổi Vận Mạng 
( Soạn dịch – 1991)
            - Pháp Ngữ Lục 
( Biên soạn – 1991) xem sách này

            - Kinh A Nan Vấn Phật Cát Hung ( Dịch giải – 1994)
            - Kinh Kim Cang Bát Nhã Giảng luận ( Dịch – 1997)
            - Tâm Kinh Yếu Giải ( Dịch – 1998)
            - Thiện Tài Cầu Đạo ( Dịch – 1998)
            - Người Muôn Thuở ( Sáng tác – 1996)
            - Những Mùa Vu Lan (Sáng tác – 1996)
            - Cho Trọn Mùa Xuân ( Sáng tác – 1996)
            - Nghi Thức Hồng Danh Sám Hối ( Soạn – 1990)
            Tóm lại, kể từ khi đến Hoa Kỳ, suốt 20 năm qua, bên cạnh những hoạt động để kiện toàn Giáo Hội, Hòa Thượng Đức Niệm đã kiên tâm trì chí thực hiện tâm nguyện: ấn hành kinh sách, xuất bản tập san, dạy dỗ tăng chúng, duy trì nếp sống thiền môn, trước tác dịch thuật, hoằng pháp khắp nơi, tạo dựng đạo tràng, bảo truyền văn hóa dân tộc. Hiện nay, Ngài đã tạo  cho Phật Học Viện có một thư viện phong phú bao gồm Đại Tạng Kinh cùng nhiều loại kinh sách báo chí bằng Anh, Hán và Việt ngữ.
            Xác than tứ đại của Ngài theo luật vô thường đạ không còn nữa, như những xây dựng, đóng góp của Ngài cho Phật giáo Việt Nam Hải Ngoại, cho nền văn học Phật giáo Việt Nam khi định cư xứ người sẽ tồn tại mãi mãi.
            Hải Ngoại Tại Hoa Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Kỳ Ban Tổ Chức Tang Lễ 
 

TƯỞNG NIỆM
HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỨC NIỆM

(1937-2003)

P.L.2548-2005

 

----o0o----

 

Trích Lục Nhật Ký

 

Ngày 6 tháng 9 năm 1979 (15-7 Kỷ Mùi)

            Hôm nay, ngày lễ Vu Lan, ngày rằm tháng bảy, ngày mà mọi người con Phật đều hướng vọng tưởng nhớ đến tổ tiên cha mẹ.

            Đây là lần đầu tiên, trên đất Hoa Kỳ, mình cảm niệm lễ Vu Lan. Đã 10 mùa Vu Lan cách xa quê hương. Ngày xưa, khi còn ở nhà nói đến Vu Lan, là bao nguồn tâm cảm hướng về quá khứ với bao nhiêu hình ảnh trong long. Nhất là hình ảnh nhớ cha mẹ. Ngày xưa, khi còn nhỏ chưa giảng dạy được thì mình nghe các bậc Thầy, các bậc đàn anh giảng đến Vu Lan, trong long cảm xúc muôn vàn.

            Nay ngày lễ Vu Lan, chính mình giảng về ý nghĩa đó. Khi giảng, mình đã cảm động và mọi người nghe mình giảng cũng cảm động vô cùng.

            Vâng, ngày xưa ngài Mục Kiền Liên nhớ mẹ và độ mẹ. Ngày nay, đã có ai chưa? Trong đó, mình tự hỏi lại mình nữa.

            Hôm nay đầu tay quyển nhật ký này, để kỷ niệm Vu Lan trên đất khách Hoa Kỳ này.

Jan 16-84

Hoằng Pháp Trong Băng Tuyết

Không gian hoa tuyết nhẹ bay

Bóng người Tăng sĩ về đây đón mừng

Người về gây lại mùa xuân

Pháp âm vang vọng tưởng chừng thời xưa

Xa gần mầu nhiệm pháp mưa

Niềm vui pháp hội cũng vừa khai đoan

Tuyết rơi khắp mọi nẻo đường

Cành cây hoa tuyết đón mừng người xưa.

Jan 19-84

Trên Đường Hoằng Pháp

Trên đường hoằng pháp lắm chông gai

Chướng cảnh nghịch duyên mấy chẳng nài

Trót nguyện dâng đời cho đạo pháp

Chung lòng cùng nguyện chẳng mấy ai

Đã nguyện làm trưởng tử Như Lai

Khốn nguy gian khổ chẳng thở dài

Nhớ xưa Phật dạy Pháp nhẫn nhục

Mang đạo hoằng truyền chốn trần ai.

Đã nguyện làm sứ giả Như Lai

Bốn phương hoằng pháp suốt hôm mai

Lòng thành dâng trọn về đức Phật

Ánh đạo từ bi khắp muôn loài

Đã nguyện làm tăng sĩ bốn phương

Mang đạo từ bi khắp nẻo đường

Thế nhân trầm thống ta còn nguyện

Pháp nhiệm mầu xoa dịu vết thương.

Nov.6-85

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

            Hôm nay mình lại hoàn tất sự chỉnh trang Phật điện. Nghĩa là đã hơn 4 năm mới lại chỉnh trang Phật điện. Từ ngày dọn về đến nay chưa có một lần nào chỉnh trang mà chỉ trải màn tạm bợ. Nay đã đến lúc, mình đi Fresno làm lễ Quán Thế Âm, nhân tiện nhờ Bác Khoát đến Phật Học Viện đóng ván chỉnh trang lại bàn Phật.

            Thật lòng muốn làm một điện Phật trang nghiêm, nhưng chưa được phép. Muốn phụng thờ Phật nhưý muốn theo lý tưởng mình mong đợi từ lâu, nhưng đã hơn bốn năm rồi mà chưa thực hiện được.

            Hôm nay thầy Thiện Nghị đã về lại Montreal hơn nữa tháng, sau hơn 1 tháng Thầy ở Phật Học Viện dạy cho các chú. Thời gian Thầy sống ở đây vui lắm.

10-12-86

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

            Đây là một điều ngoài ý muốn của mình. Điều ngoài ý muốn này là nhập quốc tịch Mỹ. Đã bao lần đắn đo không muốn làm chuyện này. Vì làm là cảm thấy xấu hổ làm sao. Tại sao mình có quốc gia mà phải đi nhập quốc tịch kẻ khác, nhất là tăng sĩ thì giải thoát, bốn phương trời rảo bước. Nhưng sự thật thì không phải như mình tưởng. Vì mỗi lần đi ngoại quốc thì phải làm thủ tục khổ cực quá. Bởi vì nếu không nhập tịch thì  hóa ra là người mất nước, người không có quốc gia, nên chẳng ai cho vào nước họ. Vì vậy, không cách nào hơn phải đành.Ngày hôm nay 10/12/86 mình phải chịu nhập tịch nước Mỹ.

            Vào hội trường thiên hạ phất  cờ mừng được vào quốc tịch. Có họ hàng thân quyến của những người vào quốc tịch đi theo giống như ngày xưa các ông cha bà mẹ đưa con đi thi tú tài. Họ tỏ ra vui mừng được vào quốc tịch. Riêng mình thì thấy lòng buồn rười rượi. Mình không thấy hãnh diện chút nào, chẳng những không hãnh diện mà còn cảm thấy xót xa nữa. Vậy mà có những người còn quốc gia mà vẫn muốn chạy chọt vào quốc tịch Mỹ. Thật là lạ.

Cảm Tác Tâm Sự

Nhân dịp lễ An vị Phật và lễ Thành Đạo chùa Quang Minh mới ở Chicago Jan 4-1987

Chicago đó có ai về Quang Minh tự?

Cho xin nhắn lời tâm sự ta đây

Ta chỉ là những áng mây bay

Dừng chân lại trong những ngày hoằng pháp

Ta đến đi như gió thoảng cành trúc

Như nước hồ chẳng lưu bóng nhạn qua

Khắp bốn phương trời nhơn loại chờ ta

Đem chánh pháp vị tha khắp mọi ngả

Trưởng tữ Như Lai sứ mạng cao cả

Thức tỉnh quần sanh khắp cõi Ta Bà

Tam giới luân hồi nhà lửa sớm ra

Kìa cõi tịnh đầy hương hoa giải thoát

Hỡi người ơi! Ánh đạo vàng bát ngát

Bóng từ dung thuyền Bát Nhã chờ kia.

27-11-89

Kính lạy đức Từ Phụ Thế Tôn

            Nghe thiên hạ về thăm Việt Nam, lòng cũng thấy bâng khuâng. Muốn quên hết tất cả để cho cõi lòng rộng mở. Muốn quên để đem tâm trải rộng, nơi nào cũng là nhà, quốc gia nào cũng là nước, dân tộc nào cũng là đồng bào, Phật tử nào cũng là bà con. Nhưng tình quê hương vẫn gợn mây thương nhớ:

Hướng Vọng Quê Hương

Ước ao về lại quê hương

Cho lòng đỡ xót, cho tâm đỡ sầu

Tháng năm trằn trọc đêm thâu

Quê hương mờ mịt , còn đâu những ngày

Thôi ta tỉnh giấc từ đây

Quê hương ta ước trời Tây kia mà

Trời Tây đức Phật Di Đà

Tháng năm đoài đoạn chờ ta hướng về

Nguyện cho nhân loại đang mê

Cùng ta chánh niệm hướng về Tây phương

Ta nguyền trở lại mở đường

Để cho nhân thế bớt vương vấn đời

Sống trong ánh đạo sáng ngời

Thánh hiền Bồ Tát là người bạn tu

Pháp âm đức Phật Di Đà

Tâm thanh cảnh tịnh chan hòa hào quang

12 June 91

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

            Hôm nay thản nhiên không vui không buồn, nhưng cảm thấy rõ rang trong người quá suy nhược. Đầu óc không được tránh kiện thoải mái, sau khi đọc chú giải Tỳ Ni. Điều này đủ thấy sức khỏe con người đang đi xuống quá rõ rệt.

            Cái khỏe mạnh của cơ thể, cái đầu óc minh mẫn, cái tinh thần phấn khởi đã qua. Thời trai tráng khỏe mạnh đã lui dần nhường chỗ cho suy tàn hiện ra. Ôi! Hơn 50 năm trên đời trôi qua cái vèo, ta chưa làm được gì cả. Ân cha mẹ, cơm đàn na, ơn sư trưởng, công đức của Phật, tất cả 4 ơn nặng ta thấy suốt đời hành đạo của ta chưa xứng đáng chút nào. Dù ngày đêm cố gắng tu học không ngừng mà vẫn thấy không thấm vào đâu với ân sâu nghĩa nặng tứ trọng ân mà mình đã thọ.

            Lòng không còn ham muốn gì nữa. Chỉ mong làm sao có kẻ hậu học đủ năng lực để trao lại sự nghiệp hoằng pháp này đặng có thì giờ tịnh tu hầu tạo chút tư lương trên đường về Cực Lạc. Đã bao năm lặn lội học hành. Đã bao tháng ngày hoằng pháp đó đây, nguyện in kinh, đào tạo tăng tài, hoằng pháp và gây dựng cơ sở thực hiện, tuy không mãn nguyện, nhưng đều có.

Cõi trần thế, đến đâu rồi cũng thế

Cũng con người,cũng đất đá gồ ghề

Cũng ái ân danh lợi đủ trăm bề

Cười đắc thắng, não nề khi thua thất

Phủ phàng thay khi cảnh tử biệt sanh ly

Cái xuân xanh lặng lẽ ra đi

Đông giá buốt tàn phai rình rập đến.

Oct.8-92

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

            Hôm nay lòng cảm thấy nhẹ, sau 3 ngày đại hội 25, 26, 27, Sept .-92 thành công  rực rở, đây là đại hội Phật Giáo lớn nhất từ suốt 17 năm qua. Đại hội vui vẻ, quy tụ được đông đảo chư tăng và nhiều thành phần cư sĩ trí thức từ khắp nơi về dự đại hội. Thật là mãn nguyện sau bao năm hy vọng đại hội thống nhất P.G.V.N tại Hoa Kỳ.

            Tâm nguyện của mình chỉ thích làm một tăng sĩ sống trong một tăng đoàn hòa họp thanh tịnh để phục vụ đạo, chứ không muốn có một chức gì cả. Nhưng cuối cùng với lời nói tha thiết của Hòa thượng Hộ Giác, nên phải nhận chức Chánh Thư Ký Hội Đồng Đại Diện để cho mọi người, mọi việc êm xuôi nề nếp.

            Dù cho có chức phận hay không, lòng mình cũng hướng về đạo pháp dân tộc để phục vụ. Phục vụ với cõi lòng thanh tịnh tinh tiến.

Dec.6-1992

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

            Hôm nay Phật Học Viện Quốc Tế lại được phước duyên nghinh đón chư tăng ni bốn phương vân tập về đây để hội họp lần đầu tiên sau đại hội khoáng đại thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ vào ngày 25, 26, 27 tháng 9 năm 1992 tại San Jose, California. Hôm nay là phiên họp đầu tiên để thong qua các nội quy của các hội đồng giáo hội cũng được diễn ra tại Phật Học Viện vào các ngày 4, 5, 6 tháng 12 năm 1992 đồng thời tấn phong các Hội đồng giáo hội.

            Đúng vào lúc 11 giờ sáng Chủ Nhật ngày 6 tháng 12 năm 92 toàn thể chư tăng ni vân tập bảo điện hiện diện đông  đảo Phật tử, lễ tấn phong được long trọng cử hành và trao ấn tín. Tiếp theo tấn phong các hội đồng giáo hội gồm có Hội đồng Giám Luật, Hội đồng Giám sát, Hội đồng Điều Hành và Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại diện.

            Lễ tấn phong vô cùng trang nghiêm trọng thể, tuy không rầm rộ, nhưng vô cùng thiêng liêng và cũng là lần đầu tiên được trang trọng cử hành sau 17 năm người dân Việt và Phật giáo Việt Nam hiện diện sinh hoạt truyền bá tại nơi đây.

            Như vậy năm nay Phật Học Viện Quốc Tế đã cung nghinh chư tăng có tánh cách lịch sử đến 4 lần. Ấy là 2 lần họp vận động bầu ban tổ chức thống nhất Phật giáo. Lễ truy niệm phát tang của cố đại lão Hòa thượng Đôn Hậu và ngày 6-12-92 lễ tấn phong các hội đồng giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ và lễ suy tôn 4 vị lên ngôi pháp vị Hòa thượng. Kết quả theo tâm nguyện hành đạo của mình vậy.

June 23-93

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

            Trời hôm nay im gió nóng. Mùa Phật Đản năm nay cũng nóng. Tuy nhiên lòng mình đã thanh thản đi nhiều, không còn hồi họp lo âu, không còn sầu muộn như những năm trước. Có thể nói từ năm 1990, tức là từ ngày làm xong chánh  điện, giảng đường, tàng kinh cát khánh  thành đến nay, bao nhiêu nỗi buồn phiền lo âu đều trút sạch. Ngoại chướng nội ma đều tan biến. Suốt 10 năm cay đắng mây mù, giờ đây trăng sáng, bình minh về. Tuy nhiên cảnh đời bên ngoài lắm nỗi:

Ta đã biết cuộc đời là mộng huyễn

Là ái ân danh lợi dệt thành

Là thị phi dục lạc đua tranh

Ta cầu đạo thuở đầu xanh lòng trong trắng

Với tình đời ta chưa hề vướng bận

Cũng chưa từng lặn hụp chốn phồn hoa

Thuở thiếu thời đã quyết chí xuất gia

Theo hạnh Phật  sống đời vị tha giải thoát

Danh lợi ái tình thảy là rơm rác

Kiếp người một thoáng trôi qua

Nay nhìn lại hình sắc đã yếu già

Còn đâu nữa những ngày qua đầy hương sắc

Ôi! Kiếp người chỉ dài trong gang tất

Quỷ vô thường đến bắt chẳng hẹn thời

Người trần thế mãi mê muội ăn chơi

Vũng dục vọng mãi lội bơi chìm đắm

Thấy người đời ta âm thầm thương cảm

Nguyện gắng tu để cứu vớt trầm luân

Để cho đời vơi nhẹ nỗi gian truant

Chèo thuyền Bát Nhã đầy trăng sáng ngời

Vớt người chìm đắm chơi vơi

Cùng về bến giác thảnh thơi an nhàn.

July 17-93

Thế nhơn lắm rộn rang

Lòng người lắm hoang mang

Ánh từ bi xuất hiện

Đem cho đời bình an

Đêm dài đầy tăm tối

Bao kiếp người lạc lối

Đạo pháp truyền hải đăng

Hởi người ơi hướng tới

Ôi luyến tiếc làm chi

Thế gian có ra gì

Ái ân danh lợi huyễn

Đường giải thoát ta đi

Sắc không trong cõi mộng

Thong dong chẳng bận lòng

Đến đi như gió thoảng

Trăng sáng trời mênh mông.

            Bốn bài thơ trên đây cảm tác trong mùa an cư kiết hạ năm Quý Dậu 1993. Một mùa hè êm ả thanh thản ít gặp trong đời. Lần đầu tiên vào hạ đúng mức và nghiêm chỉnh mà từ trước đến giờ tuy đã bao chục lần kiết hạ nhưng chưa được không khí này.

24-8-93

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

            Một mùa hạ êm đềm thoải mái trong tinh thần tu tập. Suốt mười mấy năm, năm nay mới thật sự sống về thời ở chùa Ấn Quang trước 1963. Năm nay mới đúng quy cũ truyền thống kiết hạ từ sau lễ Phật Đản 16-6-93 đến 22-8-93. Khi ra ngoài, quá đường kinh hành, thân bái sám mỗi buổi sáng lúc 7 giờ 45. Cuộc sống ổn định, sự tu hành thanh tịnh. Và đây là dịp để tạo cho các huynh đệ tu hành sống theo thiền môn quy cũ. Tuy chưa tròn ba tháng an cư, nhưng thật sự vô cùng lợi lạc. Tinh thần nhẹ nhàng, mới cảm được ý nghĩa của sự tu hành, mới cảm nhận được sự thanh tịnh giải thoát. Vì hoàn cảnh học hành của các huynh đệ mà phải xả hạ tự tứ sớm. Từ ngày qua Mỹ đến nay, đây là một mùa an cư thoải mái nhất vậy.

16-3-94

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

            Đây là lần đầu tiên đại diện Giáo Hội các châu vân tập về Phật Học Viện Quốc Tế họp để bàn thảo những Phật sự quan trọng về hiện tình Phật giáo và đất nước. Âu châu có T.T.Minh Tâm; Canada có T.T.Thiện Tâm và phái đoàn; Nhật Bổn có Đại Đức Minh Lễ; Hoa Kỳ có Hội Đồng Đại Diện và Điều Hành .Riêng Úc châu vắng mặt.

            Cuộc họp mặt dưới hình thức hội nghị thật là thân mật, cởi mở. Bao điều quan trọng trước tình hình P.G.bao việc thuận nghịch trong sứ mạng hoằng pháp, bao nỗi ưu tư Phật sự của những ngày sắp đến đều được trình bày thảo luận. Cuộc họp một ngày mà phiả kéo dài thêm đến một ngày rưỡi mới xong. Mọi người đều thoải mái trong tinh thần phụng sự, trong nhất trí đoàn kết, trong lý tưởng phụng sự đạo pháp và dân tộc. Đây là lần đầu tiên suốt 19 năm tỵ nạn ly hương, Phật giác các Châu mới gặp mặt nhau có tánh cách đại diện, đại thể, đại đoàn kết.

Mùa an cư 95 Ất Hợi

Cõi Lòng Thênh Thang

Ngoài vườn đàn sóc nhảy

Trên cành chim hót bay

Hoa vườn tươi thắm nở

Cực Lạc chính là đây.

Lòng ta nhẹ thênh thang

Tự tại giữa thề gian

Thịnh suy nào vướng bận

Thảnh thơi cảnh niết bàn.

Ai bảo đời khổ lụy

Ai bào thế nhân suy

Vô minh tích lủy cả

Cuộc đời vướng lâm nguy.

Kẻ dại cảnh thiền môn

Người khôn chốn đô hội

Dại buông xả chẳng buồn lặn lội

Khôn kiếm tìm mõi óc mệt tim

Ta vui trong cảnh thiền viên

Phong linh đua gió, hương thiền nhẹ bay

Lòng ta bát ngát trời Tây

Thân không vướn bận cả ngày lẫn đêm.

Nov. 9-95

Trăng Bản Thể

Khuya nay tôi nhìn trăng

Lòng lắng động băn khoăn

Tâm chan hòa vũ trụ

Không giống như mọi lần.

Trăng khuya rằm tháng chin

Tịnh sáng khắp mười phương

Vạn vật trong tịch tỉnh

Không bóng hình vấn vương.

Đêm nay trăng sáng quá

Lòng tôi ôi bao la

Đã từ vô chung thỉ

Nay chợt thấy cái ta.

Ôi ! Trăng tròn tâm sáng

Lòng bát ngát vô ưu

Hồi quang ngàn vạn kỷ

Bỗng chốc thoát ngục tù.

Vũ trụ tràn sáng trăng

Ta đã ngắm bao lần

Bừng lên tâm bản thể

Bặt mây ngàn băn khoăn.

            Đêm rằm tháng chín Ất Hợi, trời đẹp trăng sáng, đêm khuya một mình nhìn trăng cảm tác. Trên tịnh thất ngắm trăng.

27-12-95

Kính lạy đức Thế Tôn Tự Phụ

            Đặc biệt năm nay đến hết tháng 12 rồi mà trời vẫn không gió, ít lạnh, khí hậu trung bình tốt, nên cơ thể thấy an nhàn không bịnh hoạn. Cảnh chùa thanh tịnh, tăng chúng hòa vui.

Đem hết tâm tư về đức Phật

Để lòng thanh thản kiếp nhân sanh

Từ đây vắng bặt điều hơn thiệt

Cõi lòng bừng sáng đuốc tâm linh.

Quả thật lòng cảm thấy nhẹ nhàng thảnh thơi không còn lo nghĩ gì nhiều nữa.

26-2-96

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

            Trước Tết nghe tin T.T.Thiện Trì bệnh tai biến mạch máu não làm mình xúc động, có cái gì không được vui. Mới tuần trước gặp nhau vui vui cười cười mà tuần này đã xảy ra sự bất hạnh. Đến Sacramento vào nhà thương, nhìn thầy mà đau vô vàn. Phật nói vô thường quả là chí lý. Có gì Phật nói sai đâu? Nhìn thầy Thiện Trì mà lòng xót xa vô ngần rồi nghĩ đến thân này là mộng huyễn, cuộc đời là giả tạm mà tự sách tấn:

Có bao giờ tôi tự hỏi tôi

Để nhìn thế sự thật tuyệt vời

Tôi cùng vạn vật đều thanh thản

Buồn lòng bởi kiếp chấp đó thôi.

Có bao giờ ta tự vấn ta

Thế sự thăng trầm bởi tâm ra

Mê tâm ái chấp sanh phiền lụy

Buông thả lòng vui cảnh bao la.

Ta đến rồi đi trong cõi trần

Mây bay gió thoảng chẳng băng khoăn

Trăng sáng khắp cùng càn khôn đấy

Đi đến tam thiên đã mấy lần.

Tôi biết tôi chẳng thật tôi đâu

Mà sao thao thức những đêm thâu

Phải chăng chưa trọn lòng buông xả

Hành đạo đến nay đã bạc đầu.

Sáu mươi năm trong cõi Ta bà

Ấu thời đã quyết chí xuất gia

Bốn phương cầu đạo không thừa thiếu

Đỉnh núi Linh Sơn trăng sáng lòa.

Mar 15-96

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

            Mấy tuần qua mưa liên tục, cũng khá lạnh, hôm nay trời nắng ấm, gió nhẹ cảm thấy như gíó xuân quê nhà của những ngày xưa cũ:

Thanh Lương đó , có ai về quê cũ?

Xin nhắn lời thăm hỏi xóm làng tôi

Mấy mươi năm rảo bước trên đường đời

Đầu đã bạc,lòng nhớ ơn quê mẹ

Gió đồng ruộng hòa sóng biển vỗ nhẹ

Dân làng tôi vui vẻ sống hiền hòa

Tiếng chuông chùa hôm sớm vẫn ngân nga

Lời cầu nguyện lan xa trong vô tận

Ngôi chùa cổ vẫn hiền lành trầm lặng

Dân làng tôi đồng ánh với tháng năm.

May 1-96

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

            Hổm rày trời nóng, lòng cảm thấy mệt mỏi với tiết trời từ xuân chuyển sang hạ và bắt đầu vào mùa hè, cũng là mở màn mùa Phật đản.

Sáng nay trời mát lắm ai ơi!

Mát cả thân tâm, mát cõi đời

Thế sự vô thường ta chẳng vướng

Cõi lòng phơi phới nụ cười tươi.

Trời xuân rạng rỡ ánh bình minh

Vạn vật cười vui như biểu tình

Ai bảo muôn loài không bản thể

Ngộ vui Phật tánh, mê phàm tình.

Thế sự vô thường có chi đâu

Mà sao nhân loại tranh dành nhau

Ta đến cõi đời như quán trọ

Đến đi tự tại chẳng truy cầu.

Ánh vàng rạng chiếu khắp muôn phương

Vạn loại mừng vui đã thấy đường

Vạn loại từ đây về định hướng

Não phiền , khiếp sợ chẳng còn vương.

Tết Tây 1996

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

            Trãi dòng đời năm tháng, nay tuổi đã 61, sống khắp nơi và tiếp xúc đủ hạng người, nhìn rõ sự vật , giáo lý đức Phật đã nung đúc tạo cho kiến thức nhận xét chính xác mình, người, vạn vật, và cuộc đời. Bây giờ tự tại trong tịnh thất, chẳng còn vướng bận thịnh suy, hơn thiệt. Tất cả là giả huyển. Nhìn rõ và thể nhập giả huyển của vạn vật bằng tâm chứ không bằng ngôn ngữ văn tự.

Xuân về lòng những xót thương

Thiên tai, nhân họa, vô lường khổ dân

Cúi đầu khấn nguyện thánh thần

Hộ trì dân Việt Lý Trần ngày xưa.

Xuân đến lòng  tôi thêm não nề

Tuyết rơi hoa rụng gợi tình quê

Nước non chìm đắm trong đau khổ

Cơ cực dân lành khắp thôn quê.

Bao giờ mới dứt việc trần duyên

Xuân đến, lời khuyên  gởi bạn hiền

Thế sự miên man dòng thác lũ

Cửa thiền, kinh kệ dứt ưu phiền

Trăng sáng vườn tâm tự bản lai

Phật ta vốn một chẳng phải hai

Luân lưu vạn nẽo vì bất giác

Huỳnh hoa bừng nở,huệ tâm khai.

Trăng sáng trần gian sáng tự tâm

Nhận ra mình mới biết mê lầm

Nổi trôi sáu nẻo chưa từng nghĩ

Thân huyển, tâm phàm được mấy năm.

Ngày nay đầu đã tuyết băng

Huyển thân tứ đại già lần chẳng hay

Kiếp người nghiêng bóng về tây

Công hầu khanh tướng cũng ngày tàn phai

Sắc thân kiều diễm đâu hoài

Cái thân bất tịnh có gì hoài công

Hoàng hôn xuống tận chân trời

Xa xa đồng vọng những lời  thở than

Kiếp người theo bóng thời gian

Chúng sanh vô định lang thang luân hồi

Sáu đường ba nẻo nổi trôi

Sắc tình danh lợi cuốn lôi kiếp người

Sầu thương lấp cả tiếng cười

Hỏi ai đã tỉnh những lời Phật xưa?

            Trên đây là những bài thơ, mà có phải thật là thơ hay không? Ngồi trên tịnh thất nhìn hoàng hôn xuống, nhìn trăng lên xuyên qua cửa sổ, tự lòng lưu lộ ghi lại nơi đây. Lòng lưu lộ thế nào thì ghi lại thế ấy cho nó chân chất đúng như dòng tâm thức.

Sáng nay tôi bộ hành

Nhìn bầu trời trong xanh

Bặt không vờn niệm khởi

Ôi!Thật là an lành!

Thong dong lòng phơi phới

Tôi bổng quên dòng đời

Ta bà hay Cực lạc

Sao an nhiên dạo chơi?

Núi rừng cây cỏ xanh

Nào có khác với mình

Đại đồng chung bản thể

Lưu lộ muôn vạn hình.

Vạn pháp nào thỉ chung

Xuất phát tự nơi lòng

Duyên sanh như bóng nguyệt

Luống công ai cầu mong.

Thành Đạo Bính Tý 96

Nam Mô A Di Đà Phật

            Lễ Thành đạo năm nay trời ấm, nắng đẹp tuy trước đó một ngày trời lạnh u ám mưa. Đặc biệt năm nay lễ Thích  Ca Thành Đạo lại cũng là lễ cầu siêu H.T Thích Pháp Tri, Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo viên tịch tại Việt Nam vào rằm tháng 10 năm Bính tý. Do vậy mà chư tăng trong giáo hội đều vân tập về làm lễ tại Phật Học Viện khá đông đủ. Buổi lễ được cử hành vào lúc 2 giờ 30 chiều Chủ Nhật ngày 19-1-96 nhằm 11-Chạp Bính tý. Lần đầu  tiên viện làm lễ buổi chiều nên người tham dự khoảng vài trăm không đông đảo như buổi sáng. Thành đạo mà nghĩ đến phần mình tu sao gần 45 năm rồi mà chẳng thấy chi, mặc dù cố gắng không ngừng, tuy nhiên cũng thấy có chút thanh thoát khi trên tịnh thất nhìn trời cao đất rộng:

Một sáng bình minh tôi đứng trông

Đất trời cao rộng thật mênh mông

Xa xa núi biếc im không nói

Ngây ngất niềm vui ngập cả lòng.

Trời đất ngàn xưa vẫn như nay

Không tăng không giảm chẳng vơi đầy

Bản lai các pháp thường tịch diệt

Trăng sáng vườn tâm tự xưa nay.

Ta đang ngây ngất giữa không gian

Thế sự thịnh suy ta chẳng màng

Tâm trí thảnh thơi đầy an lạc

Thong dong ta tắm ánh đạo vàng.

Trời đất còn, không, chẳng bận tâm

Thịnh suy đắc thất chẳng còn lầm

Thế sự rộn ràng mặc thế sự

Phật quang sáng tỏ tự chân tâm.

Ai bảo rằng ta chẳng nhớ thương

Nhớ dân nhớ nước nhớ quê hương

Tâm thành dâng trọn lời khấn nguyện

Dân Việt an vui với ruộng vườn.

Vô tâm chẳng bận sự đời

Vườn chùa thanh thản dạo chơi một mình

Lá hoa chim hót ta nhìn

Muôn loài đồng thể hữu tình với ta

Thong dong trong cõi ta bà

Trần duyên rũ sạch từ xa xưa rồi.

May 7-97

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

Hôm nay sắp đến mùa Phật đản, lòng cảm thấy thanh thản an lành:

Mặc cho thế sự lao xao

Ta thong dong giữa ba đào cuồng phong

Thế nhân chìm nổi bao lần

Giai do tham vọng trôi lăn luân hồi

Mây bay lãng đãng ngang trời

Lòng ta tĩnh lặng sáng ngời trăng thu

Chân như hiển hiện đỉnh đầu

Chân tâm thường tại chẳng đi đâu tìm

Tâm là vạn vật khởi duyên

Chân tâm thanh tịnh đa đoan sạch trần.

Mùa An Cư Đinh Sửu 1997

Suốt mấy mươi năm trong cõi đời

Đọc kinh, tìm sách, học khắp nơi

Cấp bằng cao thấp không chi thiếu

Xét lại cho cùng chỉ trò chơi!

Trăng Với Ta

Nhìn trăng sáng lòng ta lâng lâng nhẹ

Cảm thấy mình đồng thể với trăng sao

Tâm tư ta trải rộng biết là bao

Vũ trụ với ta hòa đồng một thể

Nhân ngã thánh phàm cùng trong tâm biển

Giây phút nầy vũ trụ cũng là ta.

Xuân Mậu Dần 1998

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

            Tết năm nay đêm giao thừa nhằm ngày thứ Ba và ngày mùng một thứ Tư.Trời tốt, người đi chùa khá đông. Chùa yên ổn không đốt pháo. Sau ngày mùng một trời bắt đầu mưa gió, cảnh buồn, cảm nhận xuân trần gian quả là giả tạm. Nhất là với kẻ tha hương thì niềm chua xót nơi lòng:

Xuân đến làm tôi thêm bạc đầu

Khiến người vong quốc nặng lòng đau

Thế gian bày tiệc vui chè chén

Trầm lặng thiền môn tôi nguyện cầu.

Cầu cho đất nước thái bình

Cơm no áo ấm dân lành bớt than

Trẻ già một dạ hân hoan

Trong nhà ngoài ngỏ tiếng vang hát cười .

Xuân đến thành tâm chúc mọi người

Bình an gia đạo trọn xuân tươi

Vui xuân Di Lặc tròn năm tháng

Tràn ngập lòng xuân khắp mọi người.

Xuân đến mà lòng chẳng thấy vui

Áo mới người đi nói nói cười

Thoáng hiện đâu đây lời than khổ

Cửa thiền đường vẫn trọn xuân tươi.

Rằm Thượng Nguyên 98

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

            Năm nay Rằm Thượng nguyên tại Chicago trời đẹp lạ, không  tuyết, nắng ấm, đây là lần đầu tiên suốt mười mấy năm đến Chicago hoằng pháp. Phật tử đông đảo,cảnh chùa thanh tịnh, đại lễ trang nghiêm. Trên máy bay trở về lại Phật Học Viện , nhìn trời mây bao la, lòng cảm thấy bâng khuâng, làm bài thơ tình mẹ mà nước mắt chảy, xúc động vô cùng. Nỗi niềm thươn mẹ đã chìm sâu cõi lòng, nay như trổi dậy trên máy bay giữa không trung trên đường từ Chicaga về PHV:

Lòng Mẹ

Mẹ già nuôi cả đàn con

Hai sương một nắng hao mòn tấm thân

Cơm ngon mẹ nhịn con ăn

Áo bông mẹ vá để thân con lành

Bây giờ con đã thành danh

Để cho cha mẹ năm canh mỏi mõi mòn.

Một đời mẹ trọn cho con

Áo cơm vật lạ có còn thiếu chi

Giờ đây mẹ có còn gì

Lưng còm tóc bạc nhiều khi khóc ròng.

Con ơi những ngóng cùng trông

Héo hon mẹ đợi mẹ trông tin lành

Nhiều đêm thức suốt năm canh

Cầu trời khấn Phật con mình bình yên.

Cảm Niệm Phật Đản Mậu Dần 98

Hôm nay trong ánh bình minh

Hào quang rạng chiếu chúng sinh vui mừng

Thế Tôn xuất hiện cõi trần

Hân hoan đến mấy tầng không nhạc trời

Hoa Đàm rộn nở nụ cười

Trần gian chào đón một người siêu nhân

Không gian rực sáng vầng trăng

Trần gian pháp vũ khiến đời thăng hoa

Bốn phương nhân loại âu ca

Từ bi hỷ xả chan hòa nguồn vui.

Sực Tỉnh

Đêm nay mơ trăng sao

Lòng ta nhớ thuở nào

Niệm vô minh vừa khởi

Rồi lụy kiếp lao đao

Suốt ba cõi sáu đường

Thăng trầm lắm tang thương

Một bình minh rực sáng

Bóng từ dung soi đường

Từ đấy bớt đau thương

Ta cất bước lên đường

Trong hào quang mát dịu

An lạc đạo tình  thương.

Pháp âm màu vi diệu

Hồn thoát tục cao siêu

Mười phương Phật Bồ tát

Hiện trước mắt thật nhiều.

Chùa Tôi

Trầm lặng chùa quê cảnh đơn sơ

Chuông ngân vang vọng trong sương mờ

Cọi người lữ thứ chân dừng bước

Lời kinh cầu nguyện tỉnh giấc mơ.

Sáng sáng đàn chim rộn líu lo

Chào nhau tạm biệt kiếm ngày no

Hoàng hôn hội ngộ chim mừng hót

Ngày đã qua rồi trút âu lo.

Vườn chùa hoa trái nở quanh năm

Dưới bóng tùng xanh thảnh thơi nằm

Ngắm cảnh đất trời, nhìn tự tánh

Trăng xuyên kẻ lá, một trời tâm.

Ta  sống hồn nhiên trong cảnh tỉnh

Sớm hôm kinh kệ mái hiên chùa

Chuông ngân mỏ nhịp lòng thanh thoát

Chẳng bận trần duyên chuyện hơn thua.

Cảnh thiền thanh tịnh suốt tháng năm

Thế sự vần xoay nỗi thăng trầm

Bặc dứt duyên trần, trong cảnh tỉnh

Lòng ta rỗng tuếch, ngộ chân tâm.

                        Một sáng vườn chùa, Mậu Dần 98

An cư 15-6-98

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

            Cũng như mọi năm, năm nay kiết giới an cư. Nhưng có trể khoảng 2 tuần vì: 1/ năm nhuần 2 tháng năm; 2/ Phật sự đa đoan: 3/ Thời tiết năm nay mùa lạnh đến tháng này vẫn còn. Vì El Nino tạo nên những trận mưa, những nơi khác tạo nên hạn hán. Tự thấy  cuộc đời ngày một trở nên bất trắc.

            Dù hoàn cảnh thế nào, vẫn y như hàng năm an cư kiết hạ. Tu vẫn là vấn đề hàng  đầu. Mặc dầu sống trên xứ Mỹ, Phật giáo phôi thai, ở xứ này, nhưng ta vẫn giữ nề nếp tu hành theo thiền môn quy cũ. Vẫn nguyện mãi mãi sống trong cảnh thanh bần an tĩnh, và chỉ ước mong cuộc sống thế thôi.

July 7-98

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

            Sáng hôm nay trời trong sáng mát lạnh. Nghe chim hót trong ánh ban mai, lòng cảm thấy thoải mái lạ lùng, như bừng sáng trong tâm một điều gì thanh thoát khó tả, cảnh sống thật là an lành, cảm nghe như lòng phẳng lặng hòa hợp với đất trời:

Suốt mấy mươi năm nghiên cứu kinh

Giờ đây suốt thấy bản tâm linh

Thì ra chẳng phải chuyện nghiên cứu

Mà phải dụng công quán tâm mình.

Xuân Kỷ Mão 1999

Hai mươi năm tôi đến Hoa Kỳ

Vui buồn ngọt đắng chẳng thiếu chi

Tình đời đen trắng đà thấu rõ

Còn mất giờ đây chẳng tiếc gì.

Xuân đến làm chi những nhớ thương

Nhớ con đường nhỏ nhớ quê hương

Nhớ chuông chùa cũ ngân hôm sớm

Sáng tối bà con vui ruộng vườn.

Xuân đến làm tôi nhớ thuở nào

Cái thời làm điệu ở chùa xưa

Vườn rau  tưới nước vui đồng ruộng

Sáng tối kệ kinh vui biết bao.

Rồi có mùa xuân bom đạn rơi

Thị thành làng mạc phơi xác người

Dân lành ngơ ngác mùa xuân ấy

Khói lửa đạn bôm chôn tiếng cười.

Ta Về

Ta về miền thôn dả

Tháng ngày vui trăng sao

Mặc người đời vội vả

Ta thong dong biết bao.

Ta rõ đời huyển mộng

Không dại khờ bôn ba

Đem thời gian kiếp sống

Hòa vũ trụ bao la.

Ta nhìn tuyết nhẹ bay

Hoa trắng đầy cành cây

Tuyết sao tinh khiết quá

Trần gian uế thế này.

Phật xuất trần trọn kiếp

Trải phép mầu vạn thiên

Mà chúng sanh sáu nẽo

Vẫn đắm chìm triền miên.

Thôi người ơi đừng tiếc

Tất cả chỉ não phiền

Lòng ta đã buông xả

Dứt sạch mọi trần duyên.

Phật Đản

Thương chúng sanh Phật đà xuất thế

Cõi trần gian mộng huyển não phiền

Mà chúng sanh say đắm triền miên

Pháp vi diệu giảng truyền chẳng dứt.

Biển trần thế thuyền từ qua lại

Đức tù bi đang đẩy mái chèo

Thuyền đầy trăng vắng bóng người theo

Mời gọi mãi cạn hơi khô tiếng.

Phật Bồ tát đời đời đại nguyện

Cõi trần ai truyền dạy pháp mầu

Chúng sanh nghiệp lụy kiếp dày sâu

Thưa thớt kẻ hồi đầu bến giác.

Đức từ bi nặng lòng chua xót

Hóa thân như tuyết bốn phương trời

Độ muôn loài ba cõi khắp nơi

Đường giải thoát muôn đời khai mở.

Đường giải thoát thênh thang rộng mở

Đấng  từ bi trãi rộng đôi tay

Hởi người ơi! Tỉnh giấc đắm say

Khắp ba cõi mừng ngày Phật đản.

25-3-99

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

            Hôm nay đi nhổ răng về, cũng đau nhức máu mủ ghê tởm như bao lần  trước. Nhưng lần này trong cơn đau nhứt chợt nghĩ đến vô thường  tạm bợ, khổ đau bất  tịnh của kiếp người mà đức Phật  gọi là bất xứng ý. Theo dòng tâm thức suy tư thâm sâu về thân phận kiếp người, tự nhiên tràn dâng dòng  thơ “ Nhổ răng”:

Răng ơi! Ta chào mi

Đến lúc ngươi biệt ly

Làm ta đau nhứt quá

Chẳng còn tiếc nuối gì.

Ngươi còn ở với ta

Là hàm răng ngọc ngà

Người đời thường khen ngắm

Rồi cũng phải liệng xa.

Thân người nào khác thế

Tàn tạ theo thời gian

Dù trao chốt đến mấy

Rồi cũng phải suy tàn.

Thế sự vô thường đó

Cổ kim có khác gì

Thương người đời say đắm

Rốt cuộc rồi còn chi.

Kiếp Người

Mùa an cư Kỷ mão 99

Ta đến đây hai bàn tay trắng

Mang tiếng khóc cao ngất chào đời

Rồi ngày tháng được ru trong nôi

Lớn khôn trong đôi tay của mẹ.

Rồi cuộc đời dạy ta khôn dại

Theo tháng năm ta mãi bôn ba

Chẳng mấy khi thực sống với ta

Vôthường đến vẫn còn chưa ngộ !

Trên biển đời thuyền từ cứu độ

Thuyền đầy trăng bến đổ vắng người

Pháp âm còn vang vọng khắp nơi

Đường giải thoát vắng người cất bước.

Đức Từ tôn dẫn đường phía trước

Theo gót Ngài chẳng được mấy người

Chúng sanh mê dục lạc cõi đời

Chẳng tâm chí tìm  nơi giải thoát.

Hởi người ơi hướng về bến  giác

Lìa sông mê thoát kiếp luân hồi

Thoát ly dòng sanh tử nổi trôi

Hòa bản thể muôn đời an lạc.

30-3-99

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

            Lúc này cảm thấy mình yếu dần, ăn uống cũng chẳng còn ngon như mọi năm, đầu có cũng không còn khỏe sáng như ngày trước. Tinh thần thân thể thấy giảm sút rõ rệt. Răng cũng  đau nhức nhổ lần gần hết. Quả thấy cái già chết nó đã rõ ràng. Hồi tưởng cách đây 9 năm đi chiêm bái Phật tích Ấn Độ thấy cảnh khổ  của 4 tướng sanh già bệnh chết mà cảm tác:

Tôi chiêm bái Phật tích

Ở xứ Ấn Độ nghèo

Ba ngàn năm thuở trước

Giờ chẳng khác bao nhiêu.

Người xưa vì cứu khổ

Vứt bỏ đời đế vương

Xuất  gia tìm đạo cả

Mang cho đời tình  thương.

Đời thiếu vắng tình thương

Nên tạo khổ vô lường

Dày xéo nhau kiếp sống

Lòng chẳng gợn tiếc thương.

Người đời muốn an vui

Lòng tham sân không nguôi

Nguồn hạnh phúc vắng bóng.

Đời sống thêm thụt lùi.

Bóng từ dung ngời sáng

Pháp âm vẫn còn vang

Ling sơn ngàn thuở trước

Tỏa chiếu ánh đạo vàng.

Trần gian tỉnh giấc mộng

Trở về với  tâm không

Ngập tràn nguồn an lạc

Hạnh phúc chẳng cầu mong.

July 19-99

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

Hôm nay trăng tỏa sáng trần gian

Tâm thức nghìn xưa bỗng rực vàng

Tâm thức mở toang tràn vũ trụ

Trần gian rực sáng ánh hào quang.

Gió quyện hương rừng chuông nhẹ ngân

Suối reo chim hót hiện toàn chân

Vạn vật mang cùng chung bản thể

Đất trời mây nước lộ pháp thân.

Phật tánh hiển bày khắp hàm linh

Hòa khai chim hót rộn trên cành

Nông phu cày ruộng mục đồng hát

Bản thể đạo đồng khắp chúng sanh.

Trầm hương quyện tỏa khắp không gian

Nhịp mỏ lời kinh vượt ba ngàn

Pháp giới mười phương tròn một niệm

Pháp thân bàng bạc cả trần gian.

Hơn sáu mươi năm trong cõi đời

Bôn ba tìm học hỏi khắp nơi

Đông tây kim cổ văn thơ triết

Bằng cấp thấp cao cũng một thời.

Cuối cùng tất cả chỉ là phù du

Hạnh phúc muôn đời chỉ có tu

Hỷ xả vị tha đường giải thoát

Thuyền từ bát nhã kẻ chân tu.

Chiêm Bái Linh Thứu Sơn

Vượt không gian ngàn trùng về Linh Thứu

Trời bình minh thanh thản bóng sương mờ

Từng bước đi theo nhịp thở trong mơ

Linh Sơn hội đang chờ người tâm chí.

Linh Thứu đảnh ngàn năm vẫn như thị

Bóng từ dung dĩ vãng vẫn còn đây

Khắp không gian hoa trời thoảng nhẹ bay

Pháp vi diệu vẫn ngày ngày bất tận.

Thoảng hương đưa tiếng pháp âm đồng vọng

Lớp lớp người con Phật vịng Thứu sơn

Khắp không gian pháp hội hiện chập chờn

Mây ngũ sắc quyện ngàn muôn thánh chúng.

Linh Thứu đảnh Phật nêu hoa hàm tiếu

Ca Diếp cười đại chúng vẫn ngác ngơ

Lời vô ngôn muôn thuở chẳng phai mờ

Ngát hương tuệ đạo thiền ngày rạng tỏ.

Linh Thứu đó pháp âm còn vang rõ

Đức từ tôn ngự tọa giảng pháp mầu

Pháp hội Linh Sơn nào khác xưa đâu

Nhiệm mầu quá lòng cảm sâu ngây ngất.

Chiêm Bái Câu Thi Na

Câu Thi Na vào một chiều lá đổ

Rừng Ta La song thọ thoảng u buồn

Phật Niết Bàn muôn vạn chúng lệ tuôn

Tịch tỉnh quá khơi nguồn tâm xúc động.

Trời Đế Thích chẳng màng ngôi Thiên đế

Nhạc thiên đình thường lệ bặt âm thanh

Khắp trần gian như rơi cảnh tối tăm

Thôi khổ lắm kẻ lầm đường ai cứu.

Chính nơi đây vào một chiều gió lộng

Ca Diếp cầu được thấy bóng từ dung

Bỗng kim quan hiển lộ đôi bàn chân

Chúng xụp lạy tâm thần đầy thổn thức.

Đức Đạo sư từ hòa lời khuyên nhủ

Trần gian này huyển mộng khổ làm gì

Pháp ta truyền các con gắng nhớ ghi

Tinh tiến mãi đi trọn đường an lạc.

Giờ trà tỳ lửa thiêng cháy phừng phực

Kim thân thành xá lợi chiếu mười phương

Khắp trời người rơi lệ nỗi buồn thương

Đức từ phụ dẫn đường nay khuất bóng.

Nơi trà tỳ bỗng hào quang rực sáng

Từ mười phương Phật Bồ tát giáng lâm

Đồng vang lên pháp vị diệu thanh âm

Hoa trời rãi thành tâm dâng cúng Phật.

Đời huyển mộng khác chi bọt biển song

Cái hình hài tứ đại giả họp nên

Khắp thế gian vạn vật có chi bền

Người trần thế vô minh tạo lắm nghiệp.

Đức Thế Tôn đem hết lòng tha thiết

Ngài giảng truyền diệu pháp mở tuệ tâm

Khiến chúng sanh giác ngộ thoát mê lầm

Đồng thể nhập Bồ đề vô thượng giác.

Nov. 27-2000

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

            Ngày xưa bận học bận thi mà mỗi đêm viết được nhật ký. Ngày nay không học không thi mà không thường xuyên viết nhật ký như xưa, dù vẫn biết rõ yếu kém như vậy, mà vẫn không làm được như xưa. Điều này đủ thấy sức khỏe yếu kém, sự hăng say không còn như xưa. Tuy nhiên vể đường tu, về trao dồi tâm tánh, về quán sâu tâm thức thì chínchắn rõ ràng hơn. Nghĩa là không lãng phí, không  bỏ quên, không dễ dãi với mình, không để thời  gian luống qua, nhàn rỗi vô ích.

            Tuy không phải là nhà thơ, nhưng hồn bộc phát một cách tự nhiên và cảm thấy lòng nhẹ nhàng, ghi ra đây để tự kiểm thảo mức độ trược thanh của dòng tâm thức:

Thân Giả Họp

Thân cát bụi trả về với  cát bụi

Cõi trần gian rong ruỗi để mà chi

Rồi ngày kia ta đâu có còn gì

Khi ta đến với lúc đi nào có khác?

Xa Quê Tôi

Xa quê tôi nhớ chuông chùa

Nhớ lời kinh sáng nhớ mùa đản sanh

Quê tôi gió mát trăng thanh

Chuông chùa hôm sớm dân lành sống vui

Tháng năm vườn ruộng thế thôi

Cuộc đời hưng phế đầy vơi bao lần

Đêm về vui với ánh trăng

Cổ kim thế sự bao lần diễn ra.

Hoàng Hôn

Hoàng hôn lưu lại ánh hồng

Trần gian bao kẻ cõilòng nao nao

Cuộc đời lắm nổi buồn đau

Chuông chùa vơi nhẹ biết bao tâm hồn.

Hoàng hôn tâm dạ bồn chồn

Nhớ quê nhớ nước gợi hồn non sông

Kiếp người bao nổi long đong

Tha hương trọn kiếp trên dòng tử sanh.

Hoàng hôn nhộn nhịp yến oanh

Gọi nhau về tổ trên cành lao xao

Nền trời ẩn hiện ngàn sao

Khắp trong vũ trụ biết bao ngân hà.

Lời Kinh

Ta bà thế giới hằng sa

Chuông chùa cầu nguyện vọng ra ba ngàn

Hồn ai lưu lạc lang thang

Lời kinh cầu nguyện nguyện mang hồn về

An vui dưới bóng Bồ đề

Pháp âm vi diệu tiêu mê ngộ bày

Dứt đường sanh tử từ đây

Thênh thang tự tại mây bay trên trời.

Thời Gian

Xuân về Đông lặn không lời

Để cho xuân trọn nụ cuời muôn hoa

Xuân sang tô điểm Ta bà

Vơi đi kiếp sống trần sa não phiền.

Dec. 6-2000

Đêm nay ngắm trăng sao

Bỗng thấy tự kiếp nào

Tâm ta cùng tâm Phật

Nào có khác gì nhau.

Mà sao ta khổ lụy

Nguyên do bởi vì đâu

Phải chăng khởi vọng niệm

Sáu nẻo đằm chìm sâu.

Giờ đây biết hồi đầu

Tắm mình trong biển pháp

Thắm nhuần vị giải thoát

Rửa sạch ba nghiệp sâu.

Ôi lòng thanh thoát quá

Hòa vũ trụ bao la

Mười phương Phật pháp giới

Hòa điệu với lòng ta.

Người cần ta, ta đến

Người chẳng cần , ta đi

Đến đi như gió thoảng

Lòng chẳng vướng bận gì.

Ưa ghét là gốc não phiền

Dứt ưa tuyệt ghét là duyên Bồ đề

Tham sân là gốc si mê

Tuyệt tham sân dứt sớm về chân tâm.

Tuổi đời chưa bao nhiêu

Mặt hiện nét nhăn nhiều

Trần gian lắm phiền phức

Nên sống đời cao siêu.

Nguyện Cầu

Chấp tay nguyện Phật mười phương

Con nguyền mở rộng tình thương muôn loài

Hôm nay quỳ trước Phật đài

Con nguyền theo gót chân ngài gắng tu

Thế gian mộng huyển chi đâu

Kiếp người tạm bợ có lâu bao giờ

Lợi danh hấp dẫn kẻ khờ

Con đường giác ngộ đón chờ người khôn

Tai ương sanh tử dập dồn

Mà người đời vẫn chưa khôn tỉnh đời

Thế tôn giảng pháp cạn lời

Khô hơi rát miệng người đời vẫn mê

Hơn thua danh lợi khen chê

Ái ân dục lạc chưa hề đủ nơi

Pháp âm truyền giảng đời đời

Thuyền từ Bát nhã vắng người bước lên

Bồ đề tâm nguyện vững bền

Đến ngày đạt đạo ngồi trên sen vàng

Nguyện vào trong cõi thế gian

Dắt người trần thế vượt sang cõi lành.

Chân Tâm Thể Hiện

Hôm nay trời đẹp như mơ

Lòng tôi dào dạc lời thơ đạo thiền

Với tôi thơ chẳng có duyên

Hoát nhiên thể hiện một miền chân tâm

Bản lai sáng ánh trăng rằm

Nơi tôi thể hiện bản tâm muôn đời

Pháp thân thể hiện khắp nơi

Cùng trong vạn loại sáng ngời hào quang

Chẳng còn nhân ngã luận bàn

Tâm tôi tràn ngập hào quang chân thường.

Đến Bồ Đề Đạo Tràng

Nguyền theo gót đức Thích Ca thuở trước

Vượt chướng duyên cất bước đến đạo tràng

Đem tình thương trải rộng khắp nhân gian

Để trần thế huy hoàng thành tịnh độ.

Đường giải thoát ôi thênh thang rộng mở

Ánh đạo vàng muôn thuở hãy còn đây

Hởi người ơi mau tỉnh giấc đắm say

Đấng từ phụ đang đưa tay hướng đạo.

Vui Cảnh Phật Học Viện

Ta về với cảnh chùa đây

Sáng kinh chiều kệ những ngày thản nhiên

Rủ bao thế sự ưu phiền

Trăng thanh gió mát bình yên tâm hồn

Thế nhân hơn thiệt dại khôn

Âu là vọng tưởng sắc không có gì

Lòng ta hòa nhập vô vi

Pháp thân vũ trụ có gì khác đâu

Tâm ta thể nhập đạo mầu

Tánh không Bát nhã từ lâu nơi lòng

Thế nhân dong ruỗi tây đông

Não phiền chồng chất khó mong an lành

Lòng ta trải rộng trời xanh

Đêm về ta ngắm ánh trăng nhiệm mầu

Sự đời rũ sạch từ lâu

An nhiên tự tại tâm làu làu thong

Bình minh rạng rỡ ánh hồng

Lòng ta thể nhập sắc không diệu huyền.

Niệm Phật

Lòng tôi rũ sạch từ lâu

Tâm tâm niệm niệm với câu Di Đà

Tiêu trừ ngiệp chướng hằng sa

Chân tâm thể hiện thoát ra luân hồi.

Hoàng hôn ngã bóng chân trời

Thời gian kiếp sống con người bớt đi

Đời người ngẩm lại được gì

Trắng tay chẳng khác như khi ra đời.

Tình Quê

Ra đi những nhớ cùng thương

Thanh Lương làng nhỏ vấn vương nơi lòng

Trước làng ruộng muối mênh mông

Sau làng sóng vỗ biển đông gió nồm

Dân làng chất phát sớm hôm

Ruộng vườn than củi nông thôn hiền hòa

Trẻ già chẳng biết xa hoa

Ăn no mặc chắc thờ cha mẹ hiền

Lên chùa lạy Phật kết duyên

Chuông ngân hôm sớm như khuyên dân lành

Đêm về dưới ánh trăng thanh

Cùng nhau kể chuyện tâm tình ngày qua

Tình quê chất phát đậm đà

Bên nhau sớm tối chan hòa tình quê

Jan 1-2001

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

            Thế là một năm đã trôi qua, thiên niên kỷ thứ 3 lại bắt đầu, con lại thêm một tuổi nữa, già bệnh chất chồng thêm và mạng sống lại rút ngắn. Giờ đây con đã 65 tuổi, tuổi Đinh Sữu, tự hỏi đã làm được gì chưa đối với bản thân và lợi ích tha nhân?

            Xuất gia từ thuở 13, hầu hạ các bậc thầy tương đối đạo hạnh, thân gần cầu học với các bậc thạc đức cao tăng, lòng quyết chí tu học không ngừng nghỉ mõi mệt. Học từ tiểu học cho đến tiến sĩ. Tu từ thuở làm điệu cho đến nay được giáo hội tấn phong lên Hoà thượng . Phụng sự đạo pháp thì không từ nan một nhiệm vụ nào. Tính ra chẳng thiếu trách nhiệm đối với đạo pháp, chẳng để thời gian luống qua vô ích và tinh tấn không ngừng. Về đường tu không lúc nào giải đải, hoằng pháp không tỏ ra mõi mệt, nơi nào chúng sanh cần thì đến, chúng sanh hết cần thì an vui tự tại ra đi, không tiếc nuối lưu luyến.

            Đặc biệt càng về già càng sáng tỏ đường tu, phương pháp tu, không nặng tình ân nghĩa, không dính mắc phân biệt hơn thua, biết tỉnh thức trong nếp sống, không vướng mắc trong lợi danh, tâm không nổi những gợn sóng trần cảnh cuốn lôi. Suốt một năm, ngồi kiểm lại bản thân, tự giám sát kiểm thảo không thấy đến nổi nào. Đây là điều an ủi, làm món ăn tinh thần cho đời sống của hành giả Đức Niệm theo gót chân Phật.

12-2-2000

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

            Lần này, sau khi làm lễ Rằm Thượng Nguyên, liền đi Đài Loan. Kỳ đi này thành công tốt đẹp, gặp lại Quả Như pháp sư, sau hơn 20 năm mới gặp lại, bao nhiêu xúc động ân tình. Thầy rước tôi về chùa và ở đây cho đến ngày 10-3-2001 mới về lại Mỹ. Lần này thỉnh tượng Phật và làm các hoa văn thầy tặng cho tất cả 158 vạn Đài Loan gần 50 ngàn đồng Mỹ kim, thầy làm tôi cảm động rơi lệ.

            Ở chùa Ngọc Phật của thầy, mỗi sáng nào cũng đi trèo núi, gần 1 tháng sống an nhàn thanh thản êm đềm. Lần này ăn uống, thầy hết mực giúp đỡ mọi phương tiện. Đặc biệt thời khóa tu ở đây thật chu đáo. Có thể nói kỳ đi nầy đầy an vui mãn nguyện hơn kỳ nào.

Dưới đây là những bài thơ làm khi ở chùa Ngọc Phật ở Đài Loan:

Phật Tại Tâm

Bao giờ thấy được tự tâm

Là thấy được Phật nơi lòng chẳng xa

Bằng không kiếp kiếp hằng sa

Trôi lăn sáu nẻo khó ra luân hồi.

Tu là tìm lại bản tâm

Thấy tâm tức Phật chẳng lầm đường tu

Đa văn tài trí lắm mưu

Đắm trong biển thức dễ tu khó thành.

Chừng nào không đắm lợi danh

Là thoát được kiếp chúng sanh luân hồi

Thông minh tài trí hơn người

Kém bồi tâm đức trò chơi ích gì ?

Thế gian mộng huyễn có chi

Đời người chẳng khác đường mây chiều tà

Vô thường khắp nẻo Ta bà

Kiếp người danh lợi chẳng qua bọt bèo.

Khôn thì tìm Phật nương theo

Dại thì đuổi bắt bọt bèo lợi danh

Kiếp người quá đổi mong manh

Sớm nên tỉnh ngộ để thanh tịnh lòng.

Kiếp Luân Hồi

Mây bay về đâu sao chẳng nói

Ta hỏi bao lần mây lặng thinh

Có những hoàng hôn mây tạm nghỉ

Phút giây này lại hóa nên hình.

Người sẽ về đâu người chẳng biết

Mặc tình trôi nổi kiếp điêu linh

Trong thoáng thời gian thuở nào đó

Thay hình đổi lớp kiếp chúng sinh.

Nước sông cuồn cuộn về biển cả

Cuốn trôi hoa lá kiếp điêu linh

Phù sa lớp lớp theo dòng nước

Cổ lai nhân loại vẫn vô tình.

Ta hướng thuyền đời về bến giác

Giả từ bao kiếp chốn tử sinh

Kêu gọi hồn ai mau tỉnh dậy

Về đây tắm ánh đạo an lành.

July 9-2001

            Năm nay như mọi năm vẫn an cư kiết hạ. Đặc biệt là năm nay an cư trong bận rộn. Xe ủi đất san bằng để làm chỗ đậu xe theo hoạ đồ làm chánh điện mới.Tuy bên ngoài làm việc rần rộ mà bên trong vẫn thanh tịnh theo nghi quy tu học không chễnh mảng. Tháng bảy năm nay làm rất nhiều việc. Lợp lại toàn diện 2 nhà tăng xá và tỉnh tâm đường. Mọi việc làm đều trôi chảy tốt đẹp. Tất cả việc cần làm đều làm tất cả. Đã sanh ra đời , hiến thân cho đạo pháp, vận dụng tất cả khả năng phương tiện làm hết mọi việc cần làm để cho người tiếp tục được an tâm tu tập. Riêng mình cũng được an lòng vãng sanh.

            Thế là tâm nguyện hoằng pháp, đào tạo tăng ni, in kinh sách, xây dựng cơ sở mỗi mỗi đều thực hiện. Tuy không trọn vẹn nhưng đều có kết quả khả dĩ không thất vọng.

26-7-2001

            Đến tuổi 65 bao nhêu suy nhược xuất hiện, sự tráng kiện con người sa sút rõ rệt. Muốn làm công việc như xưa, nhưng đành thúc thủ đứng nhìn. Thấy những thanh niên đem tuổi trẻ lãng phí ăn chơi lười nhát qua ngày thật là uổng. Mình từ thuở lên 10 đến nay 65 chưa bao giờ có thì giờ để đi chơi lang thang, lãng phí thì giờ. Khi còn nhỏ còn ở nhà vừa đi học, vừa hái củi bán muối để gia đình cơm áo, bởi vì trong thời chiến loạn binh đao tản cư vào rừng cửa nhà tan nát. Khi vào chùa tu thì chùa nghèo, vừa học vừa đi đào khoai, nấu cơm, tưới nước, làm ruộng, làm rẩy, chăn ngựa, theo nước ruộng cấy mạ tác nước đủ thứ cực nhọc của việc  nông nghiệp đồng ánh. Dù hoàn cảnh nào cũng không rời quyển kinh. Do đó mà thuộc Di Đà, Hồng Danh, Phổ Môn, Sa Di, Oai Nghi, Tỳ Ni, Cảnh Sách v.v. và tất cả nghi thức căn bản về nghi lễ của một nhà tu Phật cần thiết để ứng phú đạo tràng.

            Nhìn lại các đệ tử xuất gia với mình sống trong cảnh cơm no áo ấm đủ điều mà vẫn không vững chí rồi rời chùa về tục, trong đó có Q.N.mà thầy gửi lòng thương:

Ngày xưa con đứng nơi đây

Ngắm nhìn đức Phật con say đạo mầu

Bây giờ thanh thoát còn đâu

Đắm mùi dục lạc chìm sâu luân hồi

Rồi đây con sẽ nổi trôi

Ba đường sáu nẽo không thôi não phiền

Mong con sớm được thiện duyên

Trở về cảnh Phật bình an tâm hồn.

Oct-24-2001

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

Những ngày lại đây, con thấy trong người trở lại bình thường khỏe, nhưng chụp film cho thấy trong gan có bướu? Bướu hay màn, nó đã chiếm ¾ của gan. Nhưng cảm thấy bình thường , không đau, không mất ăn mất ngủ, không có triệu chứng gì bất thường. Bây giờ chỉ còn nhờ oai lực của Phật Bồ tát gia hộ. Lòng con tất thản nhiên, không có chút bận tâm ưu tư lo sợ gì cả. Bởi đã hiểu rõ lẽ vô thường, sanh tử sự đại, cần giải thoát giác ngộ mới là điều cốt yếu của người xuất gia. Chỉ mong ngôi chánh điện sớm được hoàn thành.

            Xây chùa ! Xây chùa là cả vấn đề phiền phức, nhất là ở xứ Mỹ này. Không chỉ khó khăn về tiền bạc không thôi, mà còn khó khăn về phép tắc, khó khăn về thợ. Cho nên ở cái xứ này càng dính mắc thêm điều gì, càng bày thêm điều gì là càng lo lắng, ưu tư, phiền muộn nhiều.

            Đây là lần đầu tiên đích thân làm chùa .Mấy lần trước cũng phiền phức, nhưng lần này thấm hơn. Đêm đêm nguyện cầu Tam bảo thiện thần gia hộ sớm được hoàn thành, nhnưg vẫn còn, vẫn gặp nhiều chướng ngại không như ý muốn của mình. Tuy làm việc Phật pháp cũng không tránh khỏi bất như ý. Ta bà, Ta bà khổ !!!

April 6-2002

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

            Từ đầu năm đến nay, vẫn trên giường bệnh, sức khỏe không cho phép viết, sáng tác hay đọc như thuở nào trước khi đau. Nhưng bù đắp lại chính do trận bệnh thập tử nhất sanh này, mà con tỉnh ngộ một cách xâu xa về lời Phật dạy “khổ”, mà nhất là “bệnh khổ, già khổ”. Chính hai thứ này hiện nay tôi đang mang trên thân. Chính do trận bệnh này mà con thể ngộ được lý vô thường, “hữu thân hữu khổ” và cũng chính do trận bệnh này mà con buông xả tất cả, xoay lại tìm sự thật chính mình. Hơn sáu mươi năm qua với những gì gọi là thành đạt ngày nay nhìn lại chỉ là giấc mộng. Tất cả đều như huyển như hóa có đáng gì đâu để mà bám víu, nắm giữ. Chính lúc này là lúc nhìn rõ sự thật việc đời mà nhất là nhìn rõ lại thân phận kiếp người, thấu rõ chính bản thân. Hôm nay thầy Pháp Ấn đến đọc lại bài thơ mình làm cách đây mười mấy năm, chính mình quên mà Pháp Ấn nhớ, xin ghi ra đây:

Đời Tăng Sĩ  

Là Tăng sĩ bốn phương trời rảo bước

Không nhà riêng không ràng buốc tình đời

Đem từ bi trang trải khắp nơi nơi

Cho nhân thế với đi bao sầu hận.

Là Tăng sĩ nguyện lao mình vào chiến trận

Thắng tham sân si mạn độc thù

Nên cao đèn chân lý khuyến đồng tu

Cho nhân thế sạch hận thù tăm tối.

Là Tăng sĩ nguyện đem mình mở lối

Hướng quần sanh thẳng đến quả bồ đề

Đời ngũ trược nguyện vào trước độ mê

Cho nhân loại sớm quay về bờ giác.

Là Tăng sĩ nguyện sống đời đạm bạc

Trọn cõi lòng cho giác ngộ lợi tha

Hoa từ bi rạng rỡ khắp Ta bà

Cõi trần thế nhạc hương hoa giải thoát.

12-6-2002

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

            Hôm nay chúng con kiết giới an cư. Trời vẫn còn mát dịu, lòng cảm thấy thoải mái. Mặc dù bận rộn Phật sự, nhưng năm nào chúng con cũng y theo lời Phật dạy kiết hạ an cư. Nhất là năm nay, con mắc phải trọng bệnh ung thư, sức khỏe còn yếu kém lắm, nhưng con vẫn tập trung tăng chúng về Phật Học Viện kiết giới an cư như mọi năm. Mùa an cư kiết hạ đến lòng con cảm thấy phơi phới lạ lung. Mặc dù bệnh , nhưng tinh thần sảng khoái lắm. Dù cho mưa nắng đến đâu, giới luật, lời Phật dạy con vẫn cẩn trọng giữ gìn. Ngưỡng mong chư Phật từ bi chứng giám.

Nov.9-2002

Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

            Hôm nay trời vẫn tiếp tục mưa, tuy không nặng hột, nhưng liên tục suốt ngày đêm, có thể nói là mở đầu cho mùa mưa bằng trận mưa lớn ít thấy trong những năm qua.

            Trời mưa suốt ngày đêm đem lại sự tươi mát cho cỏ cây muôn loài người vật. Suốt năm không có mưa, cho nên mưa đối với Nam Cali là nguồn vui đáp lại sự ước ao của đa số người vật.

            Trời mưa rỉ rả, bầu trời u ám suốt ngày, nhưng người tôi vẫn bình thường, tuy mang trọng bệnh, nhưng không bị ảnh hưởng thời tiết gì mấy. Thân bệnh nhưng tâm không bệnh. Bởi rõ lẽ vô thường, khổ không, có thân là có bệnh. Luận Bảo Vương Tam Muội, Phật dạy “ Lấy bệnh khổ là thuốc thần” Có thân mà không bệnh hoạn thì dễ sanh dục vọng tự hào.

            * Thủ bút của Cố Hòa Thượng khi viết những giòng cuối cùng của tập nhật ký ngày 9-11-2002, hơi khó đọc vì tay cầm bút đã khó khăn.

 

 

 

Phần II
|Diễn Văn, Điếu Văn,
Cảm Tạ Của Ban Tổ Chứ
c  

 

 

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HẢI NGOẠI TẠI HOA KỲ VĂN PHÒNG II VIỆN HÓA ĐẠO HỘI ĐỒNG ĐIỀU HÀNH

BAN TỔ CHỨC TANG LỄ

DIỄN VĂN

của Hòa Thượng Thích Hộ Giác

            Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành kiêm Trưởng Ban Tổ Chức Tang Lễ

(đọc trong lễ Cung Tiễn Kim Quan Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm Ngày 29-3-2003)

Kính bạch Chư Tôn Hòa Thượng, Chứng Minh,

Kính bạch chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni

Kính thưa quý vị quan khách

Kính thưa toàn thể Phật tử

            Trước tiên thay mặt Giáo Hội và Ban Tổ Chức Tang lễ, chúng tôi xin thành kính cảm tạ chư tôn giáo phẩm chứng minh, chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni, quý vị đại diện các tôn giáo, quý vỹ quan khách và toàn thể Phật tử đã đến đây để cầu nguyện, tưởng niệm, cung tiến Giác linh Hòa Thượng Thích Đức Niệm Cao Đăng Phật Quốc và tham dự lễ trà tỳ Kim quan của Ngài.

            Gần 50 năm hoằng pháp lợi sanh, Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm đã hiến dâng đời mình cho sự nghiệp Phật giáo, không từ nan một trách nhiệm nào dù nhỏ hay lớn.Và ở cương vị nào, Cố Hòa Thượng cũng chu toàn trách nhiệm với tất cả sự tận tụy và khiêm cung của mình.

            Trước hết, Cố Hòa Thượng quan tâm đặc biệt đến việc “ tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức.” Chính từ mối quan tâm này, Ngài đã rất chú trọng đến việc tiếp tăng độ chúng, và trên hết, đã tổ chức lần đầu tiên ở hải ngoại một Đại Giới Đàn theo đúng quy củ thiền môn. Đó là Đại Giới  Đàn Thiện  Hòa được tổ chức năm 1983 với mục đích tiếp nối truyền thống thọ giới, đắc giới để duy trì mạng mạch đạo pháp.

            Thứ đến, trong cuộc đời hành đạo, Cố Hòa Thượng theo đúng phương châm “ hoằng pháp thị gia vụ”. Ngài làm bất kỳ việc gì cũng không ngoài mục đích truyền đạt những lời dạy của Đức Phật đến với mọi người và càng nhiều người càng tốt. Từ dịch kinh, viết sách đến xuất bản các tạp chí Phật  học: Từ diễn giảng, thuyết pháp, xây dựng cơ sở giáo hội đến việc ấn hàng kinh sách.

            Sau cùng, một trong những điểm nổi bật của cố Hòa Thượng là tinh thần trách nhiệm. Trách nhiệm với  Giáo Hội và Thầy Tổ bên nhà: trách nhiệm với Giáo Hội và Tăng Ni, Phật tử ở hải ngoại. Thể hiện tinh thần trách nhiệm đó là sự hoan hỹ và tận tụy trong tất cả những Phật sự quan trọng được Giáo  Hội ủy nhiệm mà điển hình là trong tiến trình thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ và trong Phật sự tổ chức Đại Hội kỳ 8 của Giáo Hội trong nước tại hải ngoại.

            Kính bạch quý Ngài

            Kính thưa quý liệt vị

            Vẫn biết sự ra đi của Cố Hòa Thượng là thuận theolẽ vô thường sinh diệt. Nhưng chúng ta cũng không tránh được sự thương tiếc, ngậm ngùi. Ngài ra đi là một mất mát lớn cho môn đồ pháp quyến, cho Giáo Hội và cho sự phát triển của Phật Giáo Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, để không làm thương tổn bản hoài và  tâm nguyện của Cố Hòa Thượng và cũng để biểu lộ lòng thương tiếc, tôn kính đúng theo chánh pháp, chúng ta hãy noi theo những hạnh nguyện và tiếp tục những Phật sự của Ngài. Một cách cụ thể, chúng ta sẽ cố gắng thực hiện ba điều ước nguyện của Ngài để lại trong Lời Từ Biệt:

            -thứ nhất, tích cực những nỗ lực giúp đưa Phật giáo trong nước vượt thoát cơn Pháp nạn hiện nay để góp phần xây dựng Đất nước và dân tộc được tự do, thịnh vượng;

            -thứ hai, huynh đệ Tăng Ni luôn luôn sống Lục Hòa và xứng đáng là rường cột của Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại trong tương lai;

            -thứ ba, tất cả Phật tử chúng ta tinh tấn tu hành, tinh tấn làm việc thiện và tích cực giáo hóa gia đình sống theo chánh pháp.

            Thực hiện được những điều đó, chúng ta phần nào bù đắp được sự mất mát lớn lao do sự ra đi của Cố Hòa Thượng để lại.

            Chúng ta hãy thành tâm cầu nguyện để cung tiến Giác ling Cố Hòa Thượng Cao Đăng Phật Quốc.

            Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới

            Đại Từ Đại Bi Tiếp dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT VIỆN TĂNG THỐNG

                                                KHẨN ĐIỆN PHÂN ƯU

            Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa khấp báo cho tôi biết tin buồn Hòa thượng THÍCH ĐỨC NIỆM, Chánh Văn phòng Hội đồng Đại diện, Văn phòng II Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ, sau một thời gian lâm trọng bệnh đã xả báo an tường, thâu thần thị tịch tại Phật Học Viện Quốc tế, thành phố Los Angeles, bang California, Hoa Kỳ, ngày 19 tháng 2 năm lịch Quý Mùi.

            Tôi vô cùng thương tiếc một vị Trưởng tử của Như Lai đã ra đi trong khi Phật Pháp đang cần kẻ xiển dương đắc lực. Hòa thượng dời nước xuất dương du học rất sớm, đến khi thành đạt vẫn một lòng gây dựng cơ sở cho Giáo hội nơi hải ngoại, ấn hành kinh sách lưu truyền hạt giống bồ đề. Ngoài ra , Hòa thượng còn kiên trì chia sẻ mọi chướng duyên với Thầy Tổ nơi quê nhà, dốc lòng dấn thân trong công  cuộc giải trừ Pháp nạn, gây duyên hòa hợp trong Tăng chúng để cùng tiến bước.

            Sự ra đi của Hòa thượng là một mất mát lớn cho Cộng đồng Phật giáo, nhưng đồng thời dựng lên tấm gương sáng cho Pháp hữu và đàn hậu học noi theo.

            Nhân danh Hội đồng Lưỡng viện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi chân thành gửi lời phân ưu đến Văn phòng II Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ cùng môn đồ Pháp quyến, và nguyện cầu cho Giác linh Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

                                                            Việt Nam,P.L.2546,ngày 21.3.2003

                                                            Thay mặt Hội đồng Lưỡng viện

                                                            Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất,

                                                            Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống

                                                            Tỳ kheo THÍCH HUYỀN QUANG

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MƯU NI PHẬT

Kính bạch chư tôn Hòa -Thượng,

Chư Thượng -Tọa, Đại-Đức Tăng Ni

Cùng chư vị Phật tử,

Ba pháp-ấn: vô thường, khổ, vô ngã, luôn luôn được đức Thích-Tôn giảng dạy. Trong thực tế, nhận thấy, nhìn thấy và ý thức rõ, quả thực ba pháp ấn ấy đã làm cho chúng sinh phải quan sát không ít.

Hòa -Thượng Thích Đức Niệm, là một vị xuất gia lúc tuổi còn trẻ. Hòa -Thượng là một học-tăng có chí tu học, cầu tiến. Qua những nơi Tổ-Đình, Phật-Học-Đường Ấn Quang , Viện Đại-Học Vạn Hạnh, trường Đại-Học tại Taiwan, Hòa- Thượng đã đạt được những học vị của đời và đạo, đáng quý.

Hòa -Thượng đã dấn thân trong việc giáo dục và hoằng pháp. Cơ sở Phật học được tạo dựng, Tăng Ni được đào tạo, kinh sách được lưu hành. Các Phật sự ấy, tuy chưa được gọi là lớn lao, nhưng trong hoàn cảnh xa quê, công đức ấy cũng thực đáng tán than.

Vô thường, lão bệnh, không ai tránh khỏi. Hòa -Thượng lâm trọng bệnh, đem lại nhiều đau đớn cho sắc thân. Nhưng khi nghiệp báo hoàn mãn, Hòa-Thượng đã an nhiên thị -tịch, nhằm ngày kỷ niệm Bồ Tát Quán Thế Âm: 19 tháng Hai năm Quý Mùi (21.03.2003), hưởng  thọ 67 tuổi.

Hòa -Thượng viên tịch, để lại sự thương tiếc cho nhiều người vắng đi một hình bóng hoằng pháp, lợi sinh của Phật-giáo.

Trước hào quang, Tam Bảo, đại chúng cùng tôi, thành thực phân ưu cùng Giáo-Hội Thống Nhất, cùng môn đồ, pháp quyến và nhất tâm cầu nguyện Giác-linh Hòa -Thượng “Sa-Bà báo mãn, Cực -Lạc hoa khai. Sinh tử băng tiêu, chân –thân tự-tại”, pháp giới chúng sinh đồng thành Phật đạo.

                        NAM MÔ TIẾP DẪN ĐẠO-SƯ A-DI-ĐÀ PHẬT

            THƯỢNG THỦ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI

                        Trưởng-Lão Hòa-Thượng Thích –Tâm-Châu điếu niệm

                                                            ĐIÊU VĂN

            của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ -Văn Phòng II Viện Hóa Đạo (do T.T.Thích Tín Nghĩa tuyên đọc trọng lễ Cung Tiễn Kim Quan Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm ngày 29-03-2003)

            Nam mô Tây phương Cực lạc thế giới Đại bi Tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật,

            Nam mô Tây thiên Đông độ Việt Nam quá khứ chư vị truyền giáo truyền giới Khai sơn tương thừa lịch đại Tổ sư,

            Nam mô Phật học viện Quốc tế Đường thượng tự Lâm tế Chánh tong tứ thập tứ thế thượng Nguyên hạ Công tự Đức Niệm, hiệu Thiền Đức Giác linh Hòa thượng tọa tiền,

            Ngưỡng bạch Giác linh Hòa thượng, thượng Nguyên hạ Công, tự Đức Niệm, hiệu Thiền Đức, Chánh Văn phòng Hội đồng Đại diện Giáo Hội Phật giáo Việt nam Thống nhất Hải ngoại Hoa Kỳ- Văn phòng II Viện Hóa Đạo- Khai sáng Phật học viện Quốc tế.

            Kính bạch Giác linh,

            Thế là từ nay, mỗi khi vọng tưởng đến Ngài, thì:

            Đèn tuệ còn soi, ngờ đâu phút chốc đuốc từ chuyển hướng,

            Mây lành còn phủ, ai ngờ giây lát gió tạt về Tây.

            Than ôi!

            Vô thường lão bệnh bất dữ nhân kỳ, triêu tồn tịch vong, sát na dị thế, giáo hội bồi hồi thương tiếc, môn đồ lạc long bơ vơ. Giờ đây, trước phút giây thiên thu vĩnh biệt, Tăng ni Thiện tín, vắng bậc cao tăng chân tu thực học.

            Toàn  thể Giáo hội chúng tôi bàng hoàng xúc động, trước linh đài xin bày tỏ lòng thành, ngưỡng mong Giác linh Hòa thượng tọa tiền chứng giám.

            Kính bạch giác linh Hòa thượng,

            Vẫn biết giác tánh thường minh, chơn như thường tại, siêu việt có không, chẳng hề sanh diệt, vì bổn nguyện độ sanh, Ngài đã mượn huyễn thân để truyền thừa Phật pháp, vận chuyển thuyền từ vớt kẻ trầm luân.

            Khi đến đã không ngại gian truant, nên lúc đi cũng nhẹ nhàng xả bỏ. Tuy nhiên, nhớ tích xưa, khi đức Thế tôn song lâm thị tịch, thì ngài Tôn giả A-nan bàng hoàng rơi lệ. May có ngài A-nậu-lâu-đà đưa tay giác tỉnh.

            Với sức vô thường nhanh chóng, mới ngày nào đó từ dung rạng rỡ mà bây giờ thân hóa Tây phương.

            Huống nay:

            Nhơn tâm mạc trắc, Thánh quả xa vời.

            Phật pháp nhiễu thương, rừng tùng thưa dần những bậc đống lương, long tượng.

            Phật học viện Quốc tế bây giờ biết nương ai lèo lái,

            Đàn hậu học xuất gia biết nhờ ai dẫn lối đưa đường.

            Văn phòng Hội đồng Đại diện của giáo hội, đồng sự pháp lữ lấy ai hôm sớm đổi trao Phật sự chung lo.

            Nhớ lại năm xưa, tuổi ấu thơ tụ khí nơi hương đãng Thanh Lương, phủ Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận nhà họ Hồ Đắc, Ngài đã từ bỏ thế phục bạch y sớm tìm đường giải thoát.

            Chùa Long Quang, Trùng Khánh-Phan Rang, cùng học đường Ấn Quang-Nam Việt, Học Viện Hải Đức-Nha Trang; đã từng theo học các ngài Thiện Hoa, Thiện Hòa, Trí Thủ, để sớm hôm chuyên trì kinh luật, được chư Tôn đức nuôi tâm luyện chí.

            Học đạo kinh điển tinh thong, đã tốt nghiệp Cao đẳng Phật Học đường Ấn Quang –Nam Việt,

            Rồi thế học Cử nhân Đại học Vạn Hạnh đến Cao học Tiến sĩ Quốc Gia Văn Chương Triết Học tại Đài Loan,

            Đã từng nắm giữ:

            -Hiệu trưởng Bồ-đề Long Xuyên

            -Chánh đại diện giáo hội Gia Định,

            -Chánh thư ký Phật học vụ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất,

            -Giám đốc Bồ-đề Bình Dương,

            -Chủ tịch Cứu trợ thuyền nhân.

            -Phó viện Trưởng Đại học Đông Phương, sáng lập kiêm Giám đốc Phật Học Viện Quốc Tế, để xiển dương giới luật.

            Ngài đứng ra khai Đại giới đàn Thiện Hòa đầu tiên tại hải ngoại 1983, rồi Chánh văn phòng Hội đồng Đại diện, Trưởng ban Tổ chức Đại hội Khoáng Đại VIII lịch sử 1995 do giáo hội Mẹ giao phó; dù bất cứ chức vụ nào Ngài cũng đã tận tâm tận lực, luôn luôn hướng đến Tăng đoàn, tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức.

            Một lòng chung lo Phật sự góp sức dựng xây Giáo Hội vuông tròn. Mong cho đàn hậu tấn chuyên trì giới đạo, cố tâm xây dựng Chánh pháp xứ người; xua đuổi quần tà mong đúng hướng tôn phong, để đạo mầu tỏa rạng.

            Thế rồi cơn bệnh ngặt nghèo đã đưa thể xác của Ngài  vào cơn hoại diệt.

            Thân lâm trọng bệnh, mà tâm vẫn an nhiên, luôn giữ nụ cười trên môi, nhất tâm niệm Phật để cho thất chúng yên vui tịnh đạo.

            Giờ phút xả báo thân vẫn giữ oai nghi tế hạnh vuông tròn; tỏ lòng thấy tánh chánh chơn, ung dung tự tại.

            Thất chúng thấy Ngài bái phục.

            Cao cả thay Đức Niệm Cao Tăng!

            Thế nhưng,

            Việc đã đến, phải đến vô sở nại hà.

            Than ôi!

            Đạo tràng gió tạt từ đây,

            Pháp hội khói tan huệ cự.

            Giờ nầy,

            Tăng Ni xứ xứ đau buồn,

            Thiện tín nơi nơi thương tiếc.

            Thậm chí tòng bá lệ rơi,

            Đến nỗi trượng thất tẻ lạnh,

            Trống chuông buồn trỗi.

            Thật quyền bối rối,

            Tàng hiển bàng hoàng,

            Người chia tay Giáo hội Tăng đoàn,

            Người rẽ bước Niết bàn Phật quốc.

            Tuy vậy,

            Hương hoa đàm vẫn còn phảng phất,

            Hồn cỏ húy luống những mơ màng.

            Hoặc giả chơn tánh thường an,

            Hóa thân biến dịch,

            Nên Người đã theo thầy họ Thích, quay dép Tây thiên,

            Từ chúng nhà Thiền, treo bình Đông độ.

            Và, trước tình cảnh biệt ly nầy,

            Trước Linh đài bày tỏ đạo tình,

            Trên Bảo tọa mặc nhiên hỷ xả.

            Kính bạch Tân tịch Hòa thượng Đức Niệm Giác linh,

            Chúng tôi thiết nghĩ:

            Biết bao giờ thấy Phật tánh vân hà?

            Biết mấy thuở thấy Tổ cầm hoa?

            Và, như Người đã biết:

            Sanh tử Niết bàn bất dị,

            Bồ đề phiền não vô thù.

            Chỉ tiếc rằng: Nhất niệm thiên thu,

            Xin mong được nhiều đời tái ngộ trong tình pháp lữ.

            Than ôi!

            Ngậm ngùi thương tiếc một giây phút mà gói trọn thiên thu.

            Trước khi Ngài ra đi vạn dặm, báo thân Ngài yên nghỉ như nhiên.

            Chúng tôi cùng môn đồ tứ chúng đốt nén tâm hương, dâng lên với tất cả lòng thành khấn nguyện.

            Đem hết tâm nguyện tự độ hóa tha, đồng lao cọng khổ để cho Giáo hội từ Quốc nội đến Quốc ngoại mãi mãi tuyên dương, lợi lạc quần sanh cho đạo mầu của đức Từ phụ được thăng hoa khắp tam thiên giới.

            Đức tỏa muôn phương tâm tức Phật

            Niệm gom một mối Phật tức tâm

            Khứ lai-xuất nhập hằng tự tại

            Ta bà-Lạc cảnh vọng huyền âm.

            Ngưỡng vọng Giác linh Hòa thượng thùy từ chứng giám.

            Nam mô Chứng minh Sư Bồ tát Ma ha tát.

ĐIẾU VĂN của GHPGVNTNHN TẠI ÚC ĐẠI LỢI-TTL

Do Thượng-Tọa Thích Bảo Lạc Tổng Thư Ký Thay mặt Giáo-Hôi Tuyên đọc trước Áng Tiền Giác –Linh

Ngưỡng Bạch Giác Linh Hòa Thượng ! Thượng Đức Hạ Niệm Chứng  Giám !

Kính bạch chư tôn Hòa -Thượng, Thượng-Tọa, Đại-Đức Tăng, Ni và Môn Đồ Pháp quyến tại Hoa Kỳ và hiện diện trước Áng Tiền Kim Quang Giác Linh:

Chúng Tôi, Giáo Hội Phật  Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Úc-Đại-Lợi-Tân Tây Lan cùng toàn thể Tăng Ni Phật Tử đồng nhất tâm thành kỉnh Ai Điếu:

NAM MÔ TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔN TỨ THẬP TỨ THẾ KHAI SƠN ĐƯỜNG THƯỢNG PHẬT HỌC VIỆN QUỐC TẾ HÚY NGUYÊN CÔNG, HIỆU THÍCH THƯỢNG ĐỨC HẠ NIỆM HÒA THƯỢNG GIÁC LINH !

ĐỨC NIỆM HÒA THƯỢNG!

Từ nơi quê xa hải ngoại, Giáo Hội Úc Châu chúng tôi kính tưởng nhớ đến Hòa Thượng, đồng tâm ai điếu:

Túc kiếp tằng vi tăng lữ, kim sanh ấu tuế xuất gia, thập tam viễn tục ly hương, chí trượng tầm sư học đạo.(Kiếp trước ngài là thầy, Nay tuổi bé xuất gia, Mười ba rời cha mẹ, Chí lớn tìm thầy học đạo.).

Trông ngài pháp tướng đẹp trang nghiêm

Pháp thân tướng hảo đẹp trang nghiêm.

Lời dạy nghe sao ý diệu mềm

Giáo đạo tùng tha ý ẩn tiềm.

Kinh in đủ loại hơn ngàn sách

Ấn kinh đa chủng thiên dư sách.

Pháp đề cho đời đức vạn kim

Phổ lợi quần sanh vạn diệu kim.

Tài năng trước tác văn hay giỏi

Trước tác biệt tài năng tư chuẩn

Viết nói hòa hài tợ gấm thêu

Ngôn văn từ thuận lý hòa miên

Cớ sao ngài vội qui tây sớm!

Như hà bất tại qui tây tảo.

Gánh nặng hoằng dương đẫm lệ buồn

Trọng đảm hoằng dương lưỡng lệ kiên.

Anh em tăng lữ lòng cô quạnh

Kim thời tăng lữ như cô lộ.

Tiễn ngài thượng ngự cõi bảo liên

Nguyện cầu Hòa-Thượng thượng bảo liên.

NAM MÔ TIẾP DẪN Đạo Sư A DI Đà Phật thùy từ tiếp dẫn…

Chúng tôi kính dâng Giác linh Hòa Thượng câu đối nguyện rằng:

1.Nhập thất chuyên tu, niệm A Di Đà Vô Lượng Thọ, Dự tri thời, siêu cửu phẩm, trực đáo tây phương.

2.Ly ư trược hạnh, Lễ Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn, lâm mạng chung, tọa bảo liên cao đăng Phật độ.

Tăng Ni Tứ chúng Úc Châu đồng kính bái.

                                                Melbourne,VL 4882.Ngày 24/2/Q-mùi, (Ta-lịch26.3.03)

                                                HT Thích Huyền-Tôn thay lời đại chúng kỉnh bút.

                                    NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

                        HT. Thích Huyền-Tôn Thành Viên Hội Đồng Chứng Minh

            Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Úc-Đại-Lợi-TTL

Kính Gởi: Lời Cảm Niệm Điếu-Văn Tấu đến Cố Hòa-Thượng ĐỨC hạ NIỆM vị Pháp Hữu quí kính của Tôi và lời chia buồn đến với Ban Tổ Chức Tang Lễ và Chư Môn Đồ Pháp Quyến.

Kính bạch Giác Linh Hòa- Thượng Thượng ĐỨC hạ NIỆM, Xin Hòa -Thượng Chứng Tri đôi lời Ai ĐIẾU mộc mạc của lão huynh từng là người bạn Giáo-Sư thuở trước:

-NGHE TIN NGÀI VIÊN TỊCH!-TÊ TÁI NỬA MẢNH HỒN !

-CÕI ĐỜI NHƯ TAN RÃ ! –TRĂNG SÁNG NGỠ HOÀNG HÔN !

-NGÀI ĐI VỀ VIÊN TỊCH,-“LÀ VỀ VỚI TỪ TÔN” !

Giác Linh ƠI !!!

Vô thường thị mộng hư hư uyển

Vạn chuyển lung linh ứng Niết Bàn

Chơn Như bất nhiễm Chơn Như hiện

Ta Bà thế giới biến Liên Bang.

Và xin kỉnh nhớ về hai chữ ĐỨC NIỆM :

(Đức tải tinh thong Tam Thiên Giáo)

(Niệm hoài lý Vạn Pháp Môn)

                        Thành kính CẦU NGUYỆN: “CAO ĐĂNG THƯỢNG PHẨM”

                                                Úc Châu Ngày 24 Tháng 2 Quí Mùi. VL.4882.

            ĐIẾU VĂN Của Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh Hội trưởng Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn tại Đài Loan

Kính thưa Giác linh Hòa thượng thượng Đức hạ Niệm,

Viện Trưởng Phật Học Viện Quốc Tế,

Chủ nhiệm tạp chí Phật giáo hải ngoại

            Chúng tôi vô cùng thương tiếc khi nhận được tin từ Mỹ cho biết Hòa Thượng vừa viên tịch vào ngày 21.3.2003, tại Phật Học Viện Quốc Tế Mỹ quốc.

            Hòa Thượng cùng tôi là chỗ bạn đạo từ năm mươi năm qua, bắt đầu từ lúc cùng tu học tại Phật học đường Nam Việt (chùa Ấn Quang) năm 1952, cho đến khi đất nước chia hai miền Nam Bắc. Thuở giao thời mỗi học Tăng trong chúng ta đều tìm phương thức tạo dựng một tương lai được thích hợp với thời thế để hoằng dương Chánh pháp. Hòa Thượng vào học tại Phật Học Viện Nha Trang, còn tôi học tại Sàigòn, cùng đồng cam cộng khổ trong pháp nạn 1963, cùng mãn cử nhân, sau đó được học bổng, và cùng nhau lên một chuyến bay sang Đài Loan du học, đã tiếp nhận bao nhiêu nghịch cảnh, biết bao kỷ niệm vui buồn.

            Sau  khi tốt nghiệp, Hòa Thượng đi Mỹ, và hoằng hóa Phật pháp tại Hoa Kỳ. Còn tôi vẫn lưu lại Đài Loan dạy học và xúc tiến công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh thành chữ Việt. Về sau, chúng ta cũng thường lui tới với nhau, thường thảo luận về vấn đề làm như thế nào đế hoằng dương Chánh pháp, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ vào năm 1988. Sau đó thành lập văn phòng II Viện hóa đạo, Hòa Thượng tích cực với sứ mạng hoằng truyền Chánh pháp, còn lo ấn hành kinh sách, dịch thuật kinh điển và xuất bản các tạp chí định kỳ để tuyên dương Phật pháp tại hải ngoại, cũng như Hòa Thượng đã giúp tôi về kinh phí dịch Đại Tạng Kinh thành chữ Việt.

            Mới bốn tháng trước đây, nhân dịp đến Mỹ, chúng ta còn hàn huyên về tiền đồ Phật giáo từ nước nhà đến Âu Mỹ, khi trở về Đài Loan không bao lâu thì nghe tin Hòa Thượng đã viên tịch. Tôi vô cùng bồi hồi và xúc động khi nghĩ đến Hòa Thượng, một bậc xuất gia hiện thân của giới luật và đức tính viên dung.

            Những tưởng trên bưóc đường phụng sự đạo, phụng sự chúng sanh, Hòa Thượng còn có thể đóng góp nhiều hơn nữa để làm bóng cây che mát cho Tăng Ni cũng như Phật tử Việt Nam tại hải ngoại, nào ngờ đâu lẽ vô thường sinh diệt, Hòa Thượng đã viên tịch. Sự ra đi của Hòa Thượng là sự mất mát to lớn của Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại này, chúng tôi làm sao tìm lại được  hình bóng đạo phong khả kính, công đức cao dày của một bậc cao tăng cả cuộc đời vì đạo pháp và phục vụ chúng sanh.

            Thế nhưng dù thời gian có qua đi, không gian có biến dịch, công đức và đạo nghiệp của Hòa Thượng suốt đời hiến thân  cho giáo pháp, phục vụ cho chúng sanh, sẽ còn mãi mãi trong tâm tư, ký ức của người con Phật, trong trang sử muôn màu của Phật giáo Việt Nam.

            Hôm nay, trong giờ phút ngàn thu vĩnh biệt này, chúng  tôi xin thấp nén tâm hương tưởng niệm và kính nguyện Giác linh Hòa THượng Đức Niệm.Xả báo thân chứng nhập Pháp thân, Siêu tịnh độ không rời uế độ, gia hộ cho chúng tôi là những người bạn đạo, đồng sự pháp lữ đại thừa Chánh pháp, đầy đủ nghị lực sức gia trì để hoàn thành công tác Phật sự.

            Nguyện cầu Giác linh của Hòa Thượng hãy an nghĩ nơi cõi Niết bàn, từ bi quảng độ thông dung mọi miền, Pháp thân ấy sẽ tự tại và lồng lộng tựa hư không, sẽ sống mãi trong lòng Pháp lữ.

Cuối cùng xin kính nguyện:

                                    Linh sơn nghĩa cũ tình xưa,

                                    Ta bà tịnh độ say sưa pháp mầu,

                                    Kiếp sau xin nhớ nguyện đầu,

                                    Xây tình pháp lữ nhịp cầu tâm giao,

                                    Đời nay đến những đời sau,

                                    Tùy duyên hóa độ thông dong nhiệm mầu.

                                                            Xin bái biệt Hòa Thượng Đài Loan ngày 28/3/03

                        LỜI CẢM TẠ CỦA BAN TỔ CHỨC TANG LỄ

                                    Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

Ngưỡng bạch Chư Tôn Giáo Phẩm chứng minh

Ngưỡng bạch chư tôn Hòa Thượng, chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni

Kính thưa quý vị đại diện các tôn giáo và quý vị quan khách

Kính thưa quý đồng hương và toàn thể Phật tử

            Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm, Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ- Văn Phòng II Viện Hóa Đạo –sau một thời gian lâm trọng bệnh, đã thuận thế vô thường, thâu thần viên tịch ngày 21 tháng 3 năm 2003,nhằm ngày Khánh đản Đức Quán Thế Âm 19 tháng 2 Quý Mùi.

            Tang lễ Cố Hòa Thượng đã được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ và môn đồ pháp quyến tổ chức trang nghiêm trọng thể từ ngày 23 tháng 3 năm 2003 đến hôm nay.

            Tang lễ đã được sự tham dự, cầu nguyện, phúng viếng, gởi điện văn phân ưu của hầu hết các tổ chức Giáo hội Phật giáo, các tự viện, Niệm Phật Đường, các hội đoàn Phật giáo khắp nơi trên thế giới cũng như đại diện các tôn  giáo và các đoàn thể quần chúng.

            Trước khi cung tiễn Kim quan Cố Hòa Thượng đến nơi trà tỳ và hoàn mãn tang lễ , thay mặt Ban Tổ Chức và môn đồ pháp quyến, thế quyến, chúng con xin thành kính cảm tạ và tri ân chư tôn Giáo phẩm chứng minh, chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni trong các tổ chức Giáo Hội của Phật Giáo Việt Nam khắp nơi;

            Chúng tôi chân thành cảm tạ và tri ân Ban Quản Trị các tổ chức và hội đoàn Phật Giáo Việt Nam khắp nơi;

            Chúng tôi chân thành cảm tạ và tri ân quý vị đại diện các tôn giáo bạn, quý vị đại diện các tổ chức hội đoàn Người Việt khắp nơi;

            Chúng tôi chân thành cảm tạ và tri ân các cơ quan truyền thanh, truyền hình, báo chí đã loan tin đầy đủ và nhanh chóng các tin tức liên quan đến tang lễ.

            Chúng tôi chân thành cảm tạ và tri ân quý vị thân hào nhân sĩ trong cộng đồng quý vị đồng hương, và toàn thể Phật tử đã cầu nguyện, phúng viếng và phân ưu.

            Trong suốt thời gian tổ chức tang lễ, chắc chắn có nhiều thiếu sót, Ban Tổ Chức chúng tôi thành tâm xin lỗi và cúi xin chư tôn đức Tăng Ni, quý vị quan khách , quý vị đồng hương và toàn thể Phật tử niệm tình hoan hỷ tha thứ.

Nam Mô Thường Hoan hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát.

                                                                                    BAN TỔ CHỨC TANG LỄ

                                               

 

 

Phần III-Thơ Văn Tưởng Niệm     

 

 

                                                NGƯỜI BẠN KHÓ QUÊN

                                                                        Thích Thắng Hoan

            Đức Phật đã dạy bảo đừng quay về dĩ vãng, những kỷ niệm vui buồn chôn dưới bụi thời gian. Nhưng hôm nay con kính lạy đấng Từ Tôn cầu xin sám hối trước khi đặt bút ghi lại những hình ảnh thân thương của Người Bạn Khó Quên, đó chính là những kỷ niệm thâm giao với cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm.

            Trong Kinh Pháp Hoa, Phẩm Thọ Học Vô Học Nhơn Ký có giải thích “ Duyên Nhân Phật Tánh”. Theo Kinh này, Duyên Nhân Phật Tánh có thân và sơ, nghĩa là Phật tánh có chỗ quan hệ gần và có chỗ quan hệ xa. Phật Tánh của cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm và bần đạo có lẽ từ vô lượng kiếp về trước quanhệ khắng khít vô cùng, cho nên tâm hồn hai người gắn bó với nhau trên cuộc hành trình đạo hạnh, khởi điểm từ dưới mái học đường bên trời quê hương, trải qua bao vật đổi sao dời và cuối cùng chia tay nhau vĩnh viễn nơi xứ lạ quê người để Ngài trở về bên kia thế giới an vui tịnh lạc.

            Cũng vì quan hệ buộc chặt với nhau qua Duyên Nhân Phật tánh, cố Hòa Thượng và bần đạo ra đời hai vị trí khác xa, một người khởi điểm từ Bình Thuận, nơi núi đồi heo hút, sỏi đá khô cằn, còn một người xuất thân từ Cần Thơ , nơi đồng ruộng mênh mông. Cữu Long nước ngọt, cả hai gặp nhau và sống chung với nhau dưới mái học đường Ấn Quang Sàigòn vào năm 1953. Ở đây hai tâm hồn dung thông với nhau trong cùng chí hướng đều chọn đạo Phật làm lý tưởng và nguyện suốt đời hiến thân cho đạo pháp. Đến năm 1962, cả hai tốt nghiệp Cao Đẳng Phật Học Ấn Quang, cùng tuyên thệ trước Chánh Điện Phật Học Đường dưới sự chứng minh của cố Giám Đốc Hòa Thượng Thích Thiện Hòa và cố Đốc Học Hòa Thượng Thích Thiện Hoa với hạnh nguyện của Bồ Tát: “Đạo cần ta đến, chúng sanh cần ta đi, không nệ gian lao, không từ khó nhọc”.Từ đó Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm được đề cử làm Hiệu  Trưởng  Trường Trung Học Bồ Đề Long Xuyên, bần đạo được bổ nhiệm làm Đốc Học Trung Đẳng Phật Học Viện Biên Hòa, hai người cùng dấn thân vào đời để làm bổn phận của sứ giả Như Lai.

            Lên đường nhập thế với hoài niệm:

                        “Thảnh thơi một gánh quảy an nhiên,

                        Phủi sạch trần ai bao chướng duyên

                        Thay áo tình yêu choàng áo đạo,

                        Tẩy tâm ô trược hiện tâm thiền

                        Đắp xây chánh niệm qua bờ  giác

                        Hóa độ quần mê thoát nẻo phiền,

                        Soi sáng phù du sanh tử kiếp,

                        Triền khai diệu pháp hướng chân nguyên.”

                                                                        (Thắng Hoan Thi Tập)

            Cố Hòa Thượng và bần đạo bắt đầu đi vào lối rẽ, mỗi người một ngã và mang theo bên mình cẩm nang Tứ Nhiếp Pháp làm kim chỉ nam cho cuộc hành trình. Cố Hòa Thượng có nhiều phước báo hơn bần đạo, may mắn gặp những hoàn cảnh thuận duyên chung quanh hổ trợ được du học nước ngoài để tiến thân. Ngược lại bần đạo suốt cuộc đời toàn đi trên lộ trình nghịch cảnh trái ngang và tiến thân trên giòng đời nước ngược, có phải chăng kiếp trước mình đã tuyên thệ trọn đời tu luyện pháp môn Bồ Tát Nghịch Hạnh để thành chí nguyện, cho nên tiền trình Truyền Đăng tục Diệm phủ đầy chông gai cay đắng, thế mà mình vẫn thấy an lạc và tự tại trong những bước chân đi.

            Không ngờ quả đất tròn, sau biến cố 75, cố Hòa Thượng và bần đạo lại có duyên hội ngộ, nhưng không phải gặp nhau trên mảnh đất quê hương thân yêu nơi chôn nhau cắt rún mà gặp nhau trên vùng đất xa lạ của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Cả hai người hợp tác với các bậc Tôn Túc đạo hạnh khác, cùng nhau lèo lái cổ xe chánh pháp ngoại với danh nghĩa Giáo Hội Phật  Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ Văn Phòng II Viện  Hóa Đạo, đem ánh sáng trí tuệ, đem chất liệu từ bi của Đức Từ Phụ Thế Tôn để soi sáng, để thoa dịu tận cùng của khổ đau cuộc đời, hóa  giải Pháp Nạn và Quốc Nạn tại quê nhà, đồng  thời nối kết mạng mạch giống nòi Lạc Việt khắp năm châu bốn biển hợp thành một mối thân  thương.

            Trên con đường hành đạo ở xứ lạ quê người, cố  Hòa Thượng Thích Đức Niệm đã tròn hạnh nguyện, đã viên thành đạo quả, cho nên Ngài:

                                    “Trần duyên nay đã dứt,

                                    Từ giả cõi vô minh,

                                    Sáng soi đèn trí  tuệ,

                                    Bờ  giác ngộ đăng trình.”  

                                                            (Thắng Hoan Thi Tập)

            Riêng bần đạo nợ còn mang, nghiệp còn nhiều, đành phải độc hành “ Bôn ba đời ảo mộng, thân gầy mang thời gian” để làm tròn  sứ mạng của  Trưởng Tử Như Lai trên khoảng đời còn lại mà kẻ xuất gia nặng gánh cưu mang.

            Hôm nay ngồi cô đơn dưới bầu trời thu gợi cảm của thành phố đầm lầy nước động thuộc Tiểu Bang Lousiana:

                                    “Thu về với gió heo may,

                                    Lá vàng tan tác rơi đầy cả sân.”

            Bần đạo bất chợt nhớ đến cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm liền đặt bút ghi lại một vài cảm nghĩ thân thương gọi là chút tình tri kỷ để tưởng niệm Người Bạn Khó Quên  đã từng cùng với mình xông pha khắp nẻo đường trần, bể dâu mấy chặng , gian truân mấy lần.

                                                                        Thích Thắng Hoan cẩn bút  

                                                            New Orleans ngày 19 tháng 10 năm 2004

Những Năm Chung Sống Hoạt Động Phật Sự Với Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm

                                                                                    Thích Trí Chơn

            Thời gian trôi qua thật là nhanh, cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm viên tịch ngày 21 tháng 03 năm 2003 ( nhằm ngày 19 tháng 02 năm Quý Mùi). Mới đó đến nay mà đã hơn một năm rưỡi rồi. Thực tôi không ngờ Hòa Thượng lại xả bỏ huyển thân về cõi Phật trước tôi như vậy, bởi nhìn qua bề ngoài thể xác thì Hòa Thượng trông có vẻ khỏe mạnh hơn tôi nhiều. Hòa Thượng to lớn mập mạp, còn tôi thì gầy ốm bằng nửa thân xác của thầy thôi. Khi Hòa Thượng  còn sống, tôi hay nói đùa rằng: “Không biết ai sẽ ra đi trước đây, thầy hay tôi?” và Hòa Thượng cười nói: “ Thế nào tôi cũng về cõi Phật trước thầy, dáng người xương xương, da mặt hiện đồi mồi nhiều như thầy sống dai lắm, ít nhất cũng hơn trăm tuổi đó nghe”. Năm ngoái (2003), Hòa Thượng Đức Niệm viên tịch lúc 67 tuổi, kém thua tôi ba tuổi.

            Hôm nay ngồi viết bài này để góp mặt trong tập kỷ yếu ngày tang lễ 29/03/2003 của cố Hòa Thượng Đức Niệm, lòng tôi không khỏi cảm thấy rất buồn, và thương tiếc thầy, một pháp hữu mà tôi đã chung sống tại Phật Học Viện Quốc Tế (PHVQT) trong gần 18 năm. Sống gần gũi nhau một thời gian lâu dài như vậy mà không có chuyện gì trái ý mất lòng xảy ra thì không phải là chuyện dễ ; nếu tôi và Hòa Thượng không thông cảm, hiểu biết, thành thực yêu thương và kính  trọng lẫn nhau. Bí quyết giúp tôi sống hòa hợp vui vẻ với Hòa Thượng được nhiều năm là không bao giờ tôi làm bất cứ điều gì mà Hòa Thượng không thích, và ngược lại Hòa Thượng cũng cư xử đối với tôi như vậy; đúng theo tinh thần của câu châm ngôn: “Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Tôi thường nói đùa với Hòa Thượng rằng: “ Chắc tiền kiếp tôi với  thầy có duyên nợ với nhau, bởi lẽ trước đây tôi không có quen biết gì thầy hết, mà sau này lại gặp gỡ, chung sống với nhau lâu dài trong tinh thần tương kính, tương thuận còn hơn anh em ruột thịt”.

            Từ Ấn Độ, cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân bảo lãnh tôi sang Hoa Kỳ vào tháng 09 năm 1977, còn Hòa Thượng Đức Niệm rời Đài Loan qua Mỹ năm 1979. Lúc bấy giờ, Hòa Thượng Đức Niệm ở tại Đại Học Đông Phương của Hòa Thượng Thiên Ân, số 920 S. New Hampshire Ave.(Los Angeles), còn tôi đang trụ trì chùa Vạn Hạnh, San Diego. Trong thời gian này, tôi và Hòa Thượng vẫn thường liên lạc giúp đỡ nhau trong mọi Phật sự. Thỉnh thoảng  vào dịp lễ Phật Đản, Vu Lan và Quán Thế Âm, tôi hay mời H.T. xuống Vạn Hạnh chứng minh, thuyết giảng. Đôi lúc Hòa Thượng ở lại vài ba ngày để dạy giáo lý và hướng dẫn các Phật tử tu thiền. Tháng 06 năm 1981, sau khi chính thức thành lập Phật Học Viện Quốc Tế để đào tạo tăng tài, Hòa Thượng mời tôi tham gia Ban Giám Đốc Phật Học Viện đặc trách về tu thư. Tháng 09 năm 1983, lần đầu tiên Phật Học Viện đặc trách về tu thư. Tháng 09 năm 1983, lần đầu tiên Phật Học Viện tổ chức đại giới đàn Thiện Hòa, Hòa Thượng cung thỉnh tôi làm đệ tứ tôn chứng.

            Khoảng cuối tháng 07 năm 1984, tôi lên đường sang Tích Lan ( Sri Lanka) tham dự Đại Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới ( The World Fellowship of Buddhists), tổ chức lần thứ 14 , từ ngày 01 đến 07 tháng 08 năm 1984 tại Colombo. Sau đại hội tôi có chương trình viếng thăm, tìm hiểu sinh hoạt Phật Giáo tại một số quốc gia Á Châu: Đài Loan, Nhật Bản, Mã Lai, Thái Lan, Hồng Kông và Tân Gia Ba v.v. Thời gian hơn hai tháng đến thăm Đài Loan, tôi ở lại Giảng Đường Linh Sơn của Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh ở Đài Bắc (Taipei). Cuối năm 1984, Hòa Thượng Đức Niệm, trên đường đi Hán Thành (Seoul) , Nam Hàn hoằng pháp, Hòa Thượng đã ghé đến Đài Bắc ( Taipei) đến Linh Sơn Giảng Đường để thăm tôi và Hòa Thượng Tịnh Hạnh. Nhân dịp này, Hòa Thượng ngỏ ý mời tôi về Phật Học Viện Quốc Tế hợp tác để cùng Hòa Thượng chung lo Phật sự. Hòa Thượng nói : “ Thầy có khả năng Anh Văn, nên soạn dịch một số sách Phật Giáo in song ngữ Anh-Việt để giúp các Phật tử trẻ không rành tiếng Việt, có thể học hỏi giáo lý bằng tiếng Anh. Tôi sẽ giúp thầy ấn hành các dịch phẩm đó” . Tôi trả lời: “ Cám ơn thầy. Nhưng phải chờ đến khoảng tháng 05 sang năm (1985), tôi mới trở về Mỹ, vì chương trình tôi còn qua Nhật ba bốn tháng nữa để tham quan các chùa và nghiên cứu về sinh hoạt Phật giáo tại đó”.

            Sau  khi hoàn tất công việc tìm hiểu Phật Giáo tại Nhật, ngày 29 tháng 05 năm, 1985, từ Đông Kinh (Tokyo) tôi đáp máy bay trở về Mỹ, đến phi trường Los Angeles vào buổi tối. Các Phật tử ra đón tôi về ở tại Phật Học Viện Quốc Tế. Lúc bấy giờ, Phật Học Viện là một ngôi nhà đầu tiên Hòa Thượng mua ở số 9250 đường Columbus, North Hills, với điện Phật rất nhỏ, khi làm lễ chỉ chứa được vài ba chục người chứ không rộng lớn , khang trang đẹp đẽ như tân chánh điện xây cất mới hiện nay. Lúc ấy , phòng tôi ở sát cạnh đối diện với phòng của Hòa Thượng.Kể từ đó, tôi bắt đầu hợp tác, sát cánh chung lo Phật sự với Hòa Thượng. Những năm 1985-1987, vào các ngày lễ Phật Đản, Vu Lan và Giao Thừa (Tết) v.v.. Phật Học Viện tổ chức, Hòa Thượng thường mời tôi cùng tham dự. Thỉnh thoảng Hòa Thượng bận đi xa hoằng pháp, vắng mặt vài tuần lễ, Hòa Thượng nhờ tôi ở nhà làm lễ cầu an, cầu siêu và thuyết giảng cho Phật tử mỗi cuối tuần.Nhằm phổ biết  giáo lý, thông tin Phật sự, Phật Học Viện cho  ấn hành tập san Phật Học, và Hòa Thượng yêu cầu tôi viết  bài.Phật Học số 2, Phật Đản Ất Sửu (1985), tôi đóng góp bài: “Đại Lễ Phật Đản 2529 (1985) tại Nhật Bản” và Phật Học số 3, Vu Lan Ất Sửu, bài “Đại Lễ Vu Lan tại Nhật Bản”. Tiếp theo Phật Học số 4 tôi khởi đầu đăng bài “ Thành Ca Tỳ La Vệ, quê hương của đức Phật” trong loạt bài tôi viết về “ Lịch sử các Thánh Tích Phật Giáo tại Ấn Độ”, và liên tục đóng góp bài cho tập san Phật  Học những số kế tiếp đến số 10, Xuân Mậu Thìn (1988) thì đình bản.

            Năm 1988, nhằm đáp ứng nhu cầu Phật sự lúc  bấy giờ, Hòa Thượng và tôi cùng với quý Thượng Tọa Thích Tín Nghĩa, cố Thượng Tọa Thích Thiện Thanh, Thượng Tọa Thích Nguyên Trí, Thượng Tọa Thích Nguyên An, và Thượng  Tọa Thích Nguyên Đạt, lần đầu tiên đứng ra tổ chức đại hội thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) tại Hoa Kỳ. Hòa Thượng Đức Niệm đảm nhiệm chức vụ Chủ Tịch và tôi Phó Chủ Tịch, đặc trách văn hóa. Để phổ biến tin tức, chủ trương, đường lối sinh hoạt Phật sự của Giáo Hội, tập san Phật Giáo Thống Nhất (PGTN) số 1, kỷ niệm Phật Đản Mậu Thìn(1988) được ấn  hành với  Hòa Thượng làm chủ nhiệm và tôi đảm trách chủ bút. Do lời yêu cầu của Hòa Thượng trong số này, tôi đóng góp bài viết về: “ Câu Thi Na, nơi đức Phật nhập Niết Bàn”. Tiếp theo Phật Giáo Thống Nhất từ số 2, Vu Lan Mậu Thìn (1988) đến số 12, Xuân Nhâm Thân (1992), tôi đều gởi bài đăng: “Thành Xá Vệ với chùa Kỳ Viên” và “ Thành Vương Xá”, Phật Giáo Thống Nhất ra đến số 13 thì đình bản.

            Cuối tháng 9 năm 1992, hưởng ứng lời kêu gọi của cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư Ký kiêm Xử Lý Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong nước, Hòa Thượng và tôi cùng đông đảo chư tôn đức khác đứng ra vận động tổ chức một đại hội thống nhất Phật Giáo Việt Nam tại San Jose, bắc California để thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ, và Hòa Thượng đảm trách chức vụ Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện, còn tôi phó chủ tịch ngoại vụ của Giáo Hội. Nhằm thông tin các cuộc vận động tranh đấu cho nhân quyền ,tự do tôn giáo và phục hoạt Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất truyền thống quốc nội, Hòa Thượng và tôi cùng với một số cư sĩ Phật tử trí thức cho ấn hành tạp chí Phật Giáo Hải Ngoại (PGHN).Theo lời yêu cầu của Hòa Thượng, PGHN số ra mắt Xuân Giáp Tuất (1994), tôi khởi sự cho đăng Chương 1 cuốn sách “ Cuộc Du Hành Sang Lạp Tát (Lhasa) của Tây Tạng”, phóng tác theo tác phẩm “ To Lhasa and beyond” dịch từ nguyên bản tiếng Ý Đại Lợi “ A Lhasa E Oltre” của Giuseppe Tucci. Tôi liên tục cho đăng tác phẩm này vào PGHN những số kế tiếp từ số 2, Mừng Phật Đản 2538 (1994) đến số 19, Xuân Canh Thìn (2000). Sau  đó, vì lý do thiếu nhân sự và sức khỏe của hòa thượng, nên tạp chí PGHN tạm đình bản.

            Điều đặc biệt tôi muốn nói là suốt những năm dài chung sống, hòa thượng là một pháp hữu quý hiếm, không những đã an ủi, chia xẻ với tôi trong lúc vui buồn, thăng trầm vinh nhục của đời Tăng sĩ, mà hòa thượng đã khích lệ, sách tấn cho tôi rất nhiều trong sự tu tập, nhất là trong công việc sáng tác, dịch thuật. Năm 1987,hòa thượng đã khuyến khích, viết lời giới thiệu, và giúp tôi ấn hành dịch phẩm đầu tiên là cuốn “ Phật Giáo Vấn Đáp” (The Buddhist Catechism) in song ngữ Anh-Việt của một học giả Phật tử Hoa Kỳ, ông Henry S.Olcott. Năm 1990 Phật Học Viện Quốc Tế tái bản cuốn sách này. Sau đó, cũng nhờ Hòa Thượng khích lệ mà tôi đã soạn, in thêm nhiều dịch phẩm khác như: 1) Con Đường Dẫn Đến Chân Hạnh Phúc ( The Blueprint of Happiness), xuất bản năm 1991; 2) Phật Giáo Yếu Lược ( Buddhism In A Nutshell), năm 1992; 3) Cuộc Đời Đức Phật ( The Story Of Buddha), năm 1994 và 4) Loàng Thương Yêu Sự Sống ( The Love Of Life), tập 1, năm 2001. v.v..

            Hôm nay, ngồi viết những trang kỷ yếu tang lễ cố Hòa Thượng Đức Niệm để tưởng nhớ đến một pháp hữu mà tôi vô cùng mến kính, đã từng chung sống gần 18 năm qua, cộng tác và làm việc Phật sự trải qua ba giáo hội: Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ ( thành lập năm 1976), Giáo  Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ (1988) và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ, Văn Phòng II Viện Hóa Đạo (1992). Giờ đây thầy đã đivề cõi Phật, an vui tự tại , tôi còn nặng nghiệp trần gian, vẫn tiếp tục cuộc đời Tăng sĩ, vào mỗi cuối tuần, rày đây mai đó, hoằng hóa du phương. Mặc dù hiện nay hình hài thân xác tôi không còn sống gần gũi thầy, nhưng tâm tư tôi lúc nào cũng tưởng nhớ đến thầy, và luôn luôn nguyện cầu  chư Phật, Bồ Tát tiếp độ giác linh thầy cao đăng Phật quốc.

                                                                                                            A Di Đà Phật

                                    Những Người Muôn Năm Cũ  

                                                                        Thích Minh Tâm

            Phật sự dồn dập: Phật sự điạ phương cũng như Phật sự của  Giáo Hội. Cứ như thế mà không để ý đến thời gian đã nhanh chóng trôi qua. Thắm thoát sắp đến ngày Đại tường của Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm. Dường như tiếng động càng lớn thì sau đó, sự im lặng càng sâu.Sâu đến nổi sự im lặng đó trở thành một loại tiếng động, vang dội trong tâm trí con người, tạo thành những dấu hỏi lớn.Ngoài đời thì những bậc vĩ nhân, anh hùng, liệt nữ  mà cuộc đời của họ đã khuấy động lịch sử tạo những thay đổi và tiến bộ cho xã hội và con người. Trong đạo thì những bậc cao tăng, thạc đức mà sự nghiệp hoằng hóa và đức hạnh của các Ngài đã tác động làm chuyển đổi nếp sống của không biết bao nhiêu người trải qua nhiều thế hệ mà trực tiếp là những môn đồ pháp quyến. Rồi sau đó, không trừ một ai, tất cả đều nằm xuống. Im lặng.

            Nhớ mang máng ở đâu đó có một bài thơ tưởng đến “Ông đồ già”…mỗi năm hoa đào nở, lại nhớ ông đồ già, nghiên mực, tờ giấy đỏ, bên phố đông người qua…Hình ảnh quen thuộc này cứ lập lại mỗi năm, mỗi năm. Nhưng ngày nay không còn nữa. Vẫn hoa đào nở rộ, vẫn đường phố có đông người qua lại.Mà không thấy hình ảnh ông đồ ngồi “bán chữ” .Người nhớ hình ảnh cũ bâng khuâng đặt câu hỏi:

                                                Những người muôn năm cũ

                                                Hồn ở đâu bây giờ ?

            Tự nhiên , hết sức tự nhiên ! Ai cũng có thể đặt ra câu hỏi đó. Vua, quan, sĩ, thứ người muôn  nước ( Tú Xương, chữ “sĩ” ở đây cũng có thể bao gồm cả tu sĩ !) ai ai gặp cảnh ngộ tương phản trong cuộc đời cũng đều đặt ra câu hỏi đó:

            -Những người đã sống, đã đóng góp công sức trước đây, rồi họ mất đi, theo lẽ vô thường. Bây giờ họ ở đâu, họ sinh hoạt thế nào? Có còn liên hệ gì với người hiện tại không ?

            Theo tín ngưỡng dân gian, khi mất đi là sum họp với “thế giới ông bà” cho nên dung  chữ “ theo ông theo bà” . Và cứ hàng năm vào ngày kỵ, giỗ, tết nhứt hay rằm tháng bảy, họ tách khỏi “khối ông bà”  trở về “thăm” để thấy con cháu cúng bái, nghe con cháu kể lể, cầu xin…ông bà cha mẹ chứng cho tấc dạ lòng thành cây hương, chén nước và luôn luôn phò hộ  cho đám con cháu…làm ăn tấn phát, tai qua nạn khỏi…v.v.

                                                Trông ra ngọn cỏ lá cây

                                                Thấy hiu hiu gió, thì hay chị về.

                                                                                                (Kiều)

            Còn với người Phật tử thì sao ? Nhất là những Phật tử có quy y Tam bảo, đã có phần nào tu tập và đã làm những việc phước đức khi còn sống ? Bây giờ họ ở đâu ? Có còn liên hệ gì với người hiện tại ?

            Dĩ nhiên có rất nhiều câu trả lời. Trong đó có câu: đã vảng sanh Cực Lạc rồi. Tức sinh về làm “công dân” nước Cực Lạc (Cực Lạc Quốc) của Đức Phật A Di Đà. Tu tập với thánh chúng bồ tát…(Bồ tát bất thối vi bạn lữ)… Nhưng vì thế giới Cực Lạc quá xa ( cách thế giới chúng ta hàng thập vạn ức Phật độ) phương tiện truyền  thông hiện  đại vẫn chưa có thể thiết lậpliên lạc…nên ít ai biết được tin tức cập nhựt như thế nào, trừ Ba bộ Kinh ( Tịnh độ tam kinh).

            Còn nếu chưa sinh được về nước Cực lạc thì họ ở đâu ?

            Tìm mãi mới gặp Một kinh trong hệ thống A Hàm nói về chuyện này. Xin kể ra đây để làm món quà nhỏ( có lẽ còn nhiều kinh khác có đề cập đến vấn đề này nhưng tôi chưa có nhân duyên đọc tới. Nếu có vị nào tìm được thấy lý thú hơn, xin chỉ dạy thêm).

            Đó là Kinh Xà ni Sa ( Janavasabha-suttata) Kinh số 18 trong tập 2 của Kinh Trường Bộ. Bản dịch chữ Hán cũng có tên giống nhau. Kinh Xà ni Sa thuộc bộ Trường A Hàm tập 1, Kinh số 4.

            Đã gọi là Kinh “Trường” Bộ cho nên kể lể rất dài dòng, xin mạn phép được rút gọn cho dễ nắm bắt những ý chính.

            Khi Đức Phật còn tại thế ( 25 thế kỷ trước), có ngài A Nan làm thị giả. Một hôm, A Nan nghĩ rằng : Đức Thế Tôn thường hay tuyên bố về vấn đề tái sinh của những tín đồ đã từ trần , đã mệnh chung trong các bộ lạc xung quanh như bộ lạc Kasi, Kosala, Vajji, Malla…Vị này sinh ra tại chỗ này, vị kia sinh ra tại chỗ kia.Có vị đã đoạn trừ Năm hạ phần kiết sử nên được hóa sanh về thiên giới( cõi trời) từ đó nhập Niết Bàn không còn trở lại đời này nữa…Có vị đoạn trừ Ba phần Kiết sử (tham sân si giảm thiểu) chứng quả Nhất lai nên  chỉ trở lại đời này Một lần nữa thôi…

            Rồi, tôn giả A Nan nghĩ tiếp: Nhưng còn ở xứ Ma Kiệt Đà ( Magadha một tiểu quốc,miền bắc Ấn độ nơi Đức Phật thành đạo) có rất nhiều tín đồ thuần thành đã từ trần; Những vị này đều có lòng tin sâu xa chắc chắn đối với Tam Bảo, tu tập theo Chánh pháp .Nhưng Đức Thế Tôn không nói gì về sự từ trần và tái sanh của họ. Trong số này có Vua Tần-Bà-sa-La (Bimbisàra) xứ Ma Kiệt Đà, một vị vua đã sống như Pháp, dùng Chánh pháp để trị nước có lòng thương tưởng đến các vị Bà la môn, gia chủ cùng dân chúng khắp nơi…Nhưng sau khi vua Tân Bà sa la băng hà, cũng chưa thấy Đức Thế Tôn nói gì về sự từ trần và tái sinh của nhà vua…

            Nghĩ như vậy rồi, Tôn giả A Nan đến hầu Phật đảnh lễ Ngài rồi tác bạch như trên. Đức Thế Tôn, sau khi nghe tác bạch xong, đi vào thành khất thực. Về, thọ trai, ngồi thiền định tư duy,chú lực toàn tâm suy tưởng đến các tín đồ đã qua đời ở Ma-Kiệt-Đa: “Ta sẽ tìm ra chỗ thọ sanh của họ và đời sống của họ như thế nào?”

            Lúc ấy có một vị Dạ xoa (yakkha) hình tướng oai nghiêm rực  rỡ hiện ra:

            -Bạch đức Thế Tôn, con tên là Janavasabha ! Ngài có nghe ai có tên này chưa ?...

            -Bạch đức Thế Tôn,con là Bimbisara (Tần bà sa la) đây. Nay là  lần thứ 7,con được sanh vào dòng họ vua Vesavana ( Tỳ sa môn Thiên vương- trong cõi Tứ Thiên Vương -Lục Dục thiên) Con chết đi trong điạ vị làm vua ở nhơn gian nay được sanh trên thiên giới ( cõi trời) … con không còn đọa lạc vào ác thú, con trở thành bậc Nhất lai ( chỉ sanh lại cõi đời một lần nữa).

            Đức Phật dạy:

            -Thật hy hữu thay, hiền giả Da xoa Xà-xi sa (Janavasabha). Do nguyên nhân gì hiền giả tự biết mình đạt được địa vị cao thượng thù thắng như vậy ?

            -Bạch đức Thế Tôn, con không làm gì khác ngoài tu tập theo giáo lý của đức Thế Tôn.Từ khi con nhật hướng quy y Tam Bảo, con đã tu tập, thực hành theo Chánh pháp,không còn đọa lạc vào ác thú và đã trở thành bậc Nhất lai…

            Hôm nay, con đang di làm nhiệm vụ trên cõi thiên. Giữa đường, con nhận ra đức Thế Tôn đang chú lực toàn tâm suy tưởng đến các tín đồ từ trần ở Ma Kiệt Đà: bâygiờ họ  ở đâu, vận mạng của họ thế nào ? Liền đó, Bạch Đức Thế Tôn, con suy nghĩ ta sẽ đến yết kiến, đảnhlễ đức Thế Tôn và sẽ đến yết liến, đảnh lễ đức Thế Tôn và sẽ đề cập đến hai vấn đề (thọ sanh và vận mệnh) mà đức Thế tôn đã chú tâm…

            Tiếp đó, Kinh Xà ni Sa kể về đời sống chư thiên ở cõi trời Đao Lợi ( Tam Thập Tam Thiền) trong những ngày rằm Bồ tát rồi Phạm thiên rực rỡ hiện ra đảnh lễ tán dương công đức giáo hóa của đức Thế Tôn ở trong cõi Ta Bà này và những phương pháp tu tập để rồi sau khi mạng chung được sanh về thế giới chư thiên. Trên, từ Tha hóa tự tại thiên, Đâu Suất đà thiên cho đến Tứ thiên Vương thiên,Càn Thát bà …

            Và những vị nào đã thực hành theo giáo pháp của đức Thế Tôn ( Tứ Niệm Xứ, Tứ thần túc, Bảy pháp định…) sau khi mất, sanh thiên giới đều là những vị hình có tướng đoan nghiêm, quang sắc thù thắng…

            Rồi sau cùng, Kinh Xà ni Sa kết luận: tất cả những vị hóa sanh ( về thiên giới) được Chánh pháp hướng dẫn, có hơn hai trăm bốn mươi vạn cư sĩ ở Ma Kiệt Đà đã từ trần đều diệt trừ ba Kiết sử, chứng quả Dự lưu, không còn đọa vào ác thú,chắc chắn được chánh giác…

            Đó là những ý chính của Kinh Xà ni Sa trong hệ thống Trường bộ của Đại Tạng Pali Nam Tông và Kinh Xà ni Sa thuộc Trường A Hàm tập 1, Kinh số 4 (Hán Tạng: Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh ( tập 1, trang 34-A Hàm Bộ) cũng đại để có ý nghĩa nêu lên như vậy.

            Còn đối với kinh điển thuộc hệ Bắc Tông Đại thừa, ít thấy tường thuật cụ thể chi tiết, trừ kinh A Di Đà, một trong Ba bộ kinh quan trọng của pháp môn tu Tịnh độ.

            Nhưng kinh A Di Đà thuộc về loại kinh “vô vấn tự thuyết” không có ai hỏi mà Đức Phật tự thuyết minh, một khi Đức Phật nhận thấy đã đầy đủ nhân duyên vì “hạnh phúc cho chúng sanh, an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người”, Ngài liền chi dạy đệ tử pháp môn tu, dẫu rằng pháp môn ấy đối với thế gian rất khó , rất khó tin.

            “…Vị nhứt thiết thế gian thuyết thử nan tín chi pháp thị vi thậm nan…”

            Đúng vậy, kinh điển thuộc hệ bắc tong đòi hỏi một sức mạnh tin tưởng ( tín lực) một quyết tâm kiên cố bền bỉ ( tấn lực) mà không đòi hỏi những  giải thích chi li lại là vô nghĩa, cục bộ tùy thời làm mất ý nghĩa thâm sâu, bao quát, vượt thời gian và không gian của kinh điển. Bởi lẽ Kinh Đại Thừa Bắc Tông hầu hết đều là những ẩn  dụ, những bức tranh chấm phá một vài nét mà mục đích chính không phải nói đến những nét tô đậm trong bức tranh. Vẽ mây nảy trăng. Ý tại ngôn ngoại. Muốn vẽ trăng, người họa sĩ tài ba chỉ cần vẽ mây có vầng sáng. Thế là người đủ lý trí nghiệm ra có mặt trăng tròn đầy ẩn hiện phía sau.

            Bởi vậy, càng giải thích chi li các chi tiết trong kinh điển Đại thừa nhiều khi càng lìa xa ý chính của kinh. Cho nên đòi hỏi kinh điển Đại thừa diễn tả rõ ràng mạch lạc. chi tiết là một đòi hỏi có vẻ hạn chế, cục bộ.

            Kinh A Di Đà nói riêng, và tất cả kinh điển Đại thừa Bắc tông nói chung đều được nhìn theo nhãn quan như thế, mới nhận ra được những thế giới mầu nhiệm bao la, những trùng trùng sự thật mà một nhãn quan phiền não, cục bộ khó có thể trực nhận được.

            Hiểu như thế rồi thì không có gì ngạc nhiên khi đi tìm bóng dáng, tông tích các vị từ giả cõi tạm thế gian này qua kinh điển, hành trạng, gần như vô vọng, hoài công. Mà nhiều khi còn bị quở trách.

            Chẳng hạn trong kinh Pháp Bảo Đàn, các môn đồ buồn khóc khi biết Lục Tổ sắp từ giả thế gian.Lục Tổ quở:

            -Nay các người buồn khóc là vì lo cho ai ? Nếu lo cho ta không biết chỗ đi thì ta đã tự biết chỗ đi rồi. Nếu ta không biết chỗ đi thì ta chẳng báo tin cho các ngươi hay trước. Các ngươi buồn khóc là vì chẳng biết chỗ ta đi đến. Cái pháp tánh vốn không sanh diệt khứ lai…

            Đại lão Hòa Thượng Hư Vân khi tuổi thọ 120, bạn hữu, đồ chúng vui mừng định tổ chức sinh nhựt mừng đại thọ.Ngài can ngăn:

            …Nghiệp xưa đốc thúc, chìm nổi như song ba đào. Một làn gió nhẹ thổi đến, thân này tan thành tro bụi.Chưa liễu ngộ được gì, niệm niệm thẹn thùng xấu hổ vì hư danh. Trăm năm khổ nhọc nếm bụi trần trong cơn mộng huyễn, thì cớ gì phải lưu luyến. Lại nữa, có sanh tức phải có tử. Người trí sớm tỉnh ngộ, nhất tâm tu hành như cứu lữa cháy trên đầu, có thì giờ đâu mà bày biện vui mừng như người thế tục!.

            Ngài ung dung tự tại viên tịch, sau khi dặn dò đồ chúng cố gắng tu hành, vì “ mạng mạch Phật pháp mà giữ gìn Tổ đức Thanh quy, vì Tam bảo mà giữ chặt chiếc đại y!...

            Dường như càng cố tâm đi tìm tông tích, dấu vết của “những người muôn năm cũ”, nhất là những bậc tu hành sống đạo, liểu đạo thì càng gặp phải những hình ảnh tự nhiên hững hờ như mây bay, gió thoảng. Bởi lẽ suốt cuộc đời của các ngài ( hay nhiều đời về trước cũng có thể nhiều đời về sau) gắn liền với mạng mạch Phật pháp, với tổ đức tông phong. Bao giờ hình ảnh đó còn sinh hoạt sống động tức pháp thân của các ngài còn hiển hiện trên thế gian này. Khỏi phải đi tìm đâu cho xa xuôi !

                                                                                    THÍCH MINH TÂM

                                                Tưởng Nhớ Thầy

                                                                                    Nguyễn Hữu Vinh

            Đài Bắc trời mưa như trời Đài Bắc 30 năm trước.

            Xuống chuyến xe bus số 21, tới trạm đường Kimmen, băng qua đường Roosevelt, vào con hẻm nhỏ, đi ngang hiệu tạo hóa, cười chào với con bé Hoàng Kim Mãn đang đứng bán hàng, quẹo bên trái là về tới phòng trọ …

            -Thầy ơi Thầy …ơi !

            -…À Vinh hả, xuống liền đây kêu chi ồn ào quá, người ta quở cho coi…

            -Vinh nầy, chiều ghé qua phòng chơi, cho hai con bé Chung Tường nói chuyện cho vui, chớ không tụi nó buồn lắm, chắc cũng lại khóc nữa rồi! Ờ, để Thầy kêu con bé ở phòng bên cạnh dạo Piano cho mà nghe, nó đàn giỏi lắm…

            -Trời Đài Bắc bây giờ nóng quá, coi chừng cứ chơi banh xong, rồi cứ uống nước đá lạnh vào cho nhiều, lại cảm cho mà coi…

            -Xài chi mà dữ quá vậy, đây Thầy còn 500 đồng xài đỡ, đừng vì kẹt mà làm bậy nghe con!... Biết mà, tụi con nhậu quá, coi chừng Chung ,Tường nó la cho mà biết…

            -Đi với Thầy ra ngoài bưu điện, ở đó có máy lạnh, mình tới ngồi học chùa, mát lắm. Mấy đứa nhân viên ở đó đều biết Thầy, không sao đâu. Ra ngoài lo học đi, chớ cái mớ chữ Tàu của con lẹt đẹt quá, làm sao vào học đại học cho nổi!...

            -Vinh à, con bé Kim Mãn bán tạp hóa đó Thầy thấy nó dễ thương lắm đó, thích không ? Thích thì Thầy nói  giùm cho…

            -Ừ, ngoài chữ  Hán ra con còn phải học thêm chữ  Nôm nữa mới được, để sau này tìm hiểu thêm về văn học Việt Nam, nhưng con phải giỏi chữ Hán trước…Để xem, đây là luận án tiến của Thầy đây, Thầy tặng cho con, con đọc cho biết…

            -Thầy viết xong thư cho bộ Giáo Dục rồi, theo mẫu đó mà viết để thi vào Cao Học đi, mau lên…

            Mỗi lần trở lại Đài Bắc, Thầy ơi, hình bóng Thầy cũng như mới hôm qua, cứ như điệp khúc quay đi quay lại mãi trong tâm trí. Thầy cười từ  tốn, nói năng nhẹ nhàng, con làm sao quên được ! Ba mươi năm trước những hình bóng đó vẫn còn nguyên, ba mươi năm sau Thầy vẫn còn như sống lại nơi đây…trong con hẽm đường Kimmen này. Ba mươi năm sau, con bé Hoàng Kim Mãn bây giờ đã thành một bà mẹ hai con, vẫn còn đó, vẫn còn hỏi thăm đến Thầy luôn. Những lúc tạt ngang lại con hẽm đó, bưu điện kia vẫn còn như xưa, con trở về lối cũ, đi lại trên những con đường kỷ niệm đó mà lòng cứ nhớ miên man đến hình bóng của Thầy, của bạn bè năm cũ…À, Thầy Đức Niệm ở trên lầu hai kia, trước phòng của Chung, Tường…

            Hai mươi lăm năm trước Thầy rời xa chúng con qua Mỹ hoằng dương Phật pháp. Còn con thì ở lại tiếp tục việc học hành. Rồi thì không gian cách trở, thời gian trôi qua, nhưng con có bao gờ quên được những lời nhắc nhở, dạy bảo của Thầy. Đây này, cuốn luận án Tiến Sĩ Văn Chương Trung Quốc của Thầy vẫn còn nằm đây, hai cuốn lận mà, con đã đọc đi đọc lại cả chục lần. Mặc dầu con học khoa học nhưng may mắn được  Thầy  chỉ bảo, bây giờ con đã biết đọc  chữ Nôm rồi. Thầy ơi! Ờ mà “ Văn chương thời Lý của  nước ta đâu có thua gì văn chương Tàu” Thầy nhỉ! Con vẫn nhớ hoài lời Thầy nói “Đọc đi, đọc để biết mà hãnh diện mình là người Việt Nam con ạ”. Mấy năm trước Thầy với Tường qua thăm lại Đài Loan, Thầy biết không,con đã lặn lội lái xe hơn ba tiếng đồng hồ tìm đến Lư Hiên nơi Thầy nghỉ tạm, thế mà vẫn không gặp được Thầy. Con nao nức mong gặp lại Thầy để khoe rằng, con cũng đã hiểu được những gì Thầy viết trong cuốn luận án Tiến Sĩ Văn Chương “So sánh văn học giữa đời Lý của Việt Nam với văn học Trung Quốc” của Thầy rồi Thầy ơi, con mong gặp lại Thầy để nghe Thầy nói “Ừ, con vậy mà khá đó”.Nhưng tiếc thay, duyên số không còn. Khi Thầy sang thăm Đài Loan lần thứ hai, con lại lặn lội lên Lư Hiên hai lần nhưng vẫn cứ không gặp được Thầy. Con trở lại lần hẹn thứ ba, thì chỉ thấy bà chủ Lư Hiên trả lại trái táo con dâng Thầy hôm nọ với lời nhắn là Thầy cám ơn, Thầy chỉ nhận gói trà, còn trái táo Thầy nói để lại cho con ăn, vì Thầy đau tiểu đường không ăn được, và cũng vì Thầy phải về lại Mỹ sớm !

            Thầy ơi, Thầy đã về cảnh Phật thật rồi sao?!!!

            Hôm nay, con xin nghỉ buổi dạy trên trường Đại Học Đài Loan, con tạt lên lại trường đại học Trung Chính, về thăm lại căn phòng nơi mà thầy đã miệt mài cho mảnh bằng văn chương Trung Quốc, mà lòng  buồn rười rượi. Thôi Thầy ơi, con phải trở về lại phố xá Đài Bắc…xuống chuyến xe bus số 21, tới trạm đường Kimmen, băng qua đường Roosevelt, vào con hẽm nhỏ, đi ngang hiệu tạp hóa cười chào với con bé Hoàng Kim Mãn đang đứng bán hàng, quẹo bên trái là về tới phòng trọ…Thầy ơi Thầy…Thầy ơi! Thầy ơi…Thầy ơi!!!

                                                            HUƠNG ĐẠO HẠNH

                                                                                    Tâm Huy-Huỳnh Kim Quang

            Lúc người viết còn ở Việt Nam thì đã nghe quý Thầy nói đến Thượng Tọa Đức  Niệm và Phật Học Viện Quốc Tế. Nhưng phải đợi đến khi người viết vượt biên vào Mã Lai, rồi chuyển sang Phi Luật Tân thì mới có dịp  để biết thêm về Phật  Học Viện  Quốc Tế và Thượng Tọa Đức Niệm qua những kinh sách và báo chí từ Hoa Kỳ gởi sang.

            Vào đầu thầp niên 90 , lúc ngưòi viết cùng gia đình về định cư ở miền Nam California sau mấy năm sống ở New York lạnh lẽo tuyết giá đến sanh bệnh, thì mới có cơ hội thật sự để đến viếng Phật Học Viện Quốc Tế và đảnh lễ Hòa Thượng Thích Đức Niệm. Cái hình ảnh mà người viết vẫn còn nhớ mãi khi lần đầu tiên đến Phật Học Viện Quốc Tế là hình ảnh quý Thầy trẻ ngồi nghe Hòa Thượng Thích Đức Niệm giảng dạy Phật Pháp dưới gốc cây ở trước sân chùa.Hình ảnh đó gợi lên trong đầu óc người viết cái khung cảnh sống đơn sơ mộc mạc nhưng thắm thiết tình thầy trò và hòa nhập vào thế giới thiên nhiên của những chốn Thiền môn ở Việt Nam ngày nào.

            Cuối năm 1992, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ được thành lập, Hòa Thượng Thích Đức Niệm được Đại Hội suy cử vào chức vị Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện, cơ quan lãnh đạo tối cao của Giáo Hội về Giới hạnh và chính sách,. Hòa Thượng Thích Đức Niệm là một trong những vị thành viên sáng lập của Giáo Hội, cho nên Ngài đã tận tụy hy sinh cho Giáo Hội đến giờ phút cuối của cuộc đời. Người viết nhớ những lần Đại Hội Thường Niên và Khoáng Đại của Giáo Hội, đặc biệt là Đại Hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất kỳ VIII, Giáo Hội đều ủy thác cho Hòa Thượng Thích Đức Niệm làm Trưởng Ban Tổ Chức để điều hành Phật sự. Tất cả Đại Hội ấy đều thành tựu viên mãn. Trong những lần Đại Hội này, người viết có dịp chứng kiến hình ảnh một Hòa Thượng Thích Đức Niệm với tánh tình điềm đạm, dáng vóc uy nghiêm, ít nói mà lời lẽ thì trầm dịu thong thả cà từ ái, đúng là biểu tượng phẩm đức của hàng Tăng Bảo.

            Sau  khi GHPGVNTNHNHK/VPIIVHD hình thành và hoạt động, Giáo Hội thấy cần phải có một cơ quan truyền thông báo chí để truyền bá giáo pháp Phật đà, phổ biến tin tức hành hoạt, đường lối và lập trường của Giáo Hội, cho nên tạp chí Phật Giáo Hải Ngoại đã ra đời. Hòa Thượng Thích Đức Niệm đã được Giáo Hội thỉnh cử làm Chủ Nhiệm, Giáo sư Quảng Thành làm Chủ Bút. Từ đó, người viết lại có duyên lành để gần gũi với Hòa Thượng hơn trong các công tác của tờ báo. Được cái phước duyên cộng sự với Hòa Thượng rồi mới cảm nhận được một cách sâu sắc và thật sự về phẩm đức của một bậc Thầy đúng nghĩa. Hằng tháng, trước thời hạn ra báo vài tuần, Hòa Thượng đều giọ điện thoại thăm hỏi, khuyến khích viết bài. Trong những lần điện thoại như vậy, người viết cảm nhận được cái đức khoan dung , từ ái, vui vẻ, đôi khi pha một chút dí dỏm rất thân tình của Hòa Thượng. Có buổi tối nọ, sau khi chuông điện thoại reo, người viết bắt điện thoại lên:

            -Hello!

            -Có đạo hữu Tâm Huy ở nhà không, tôi là thầy Đức Niệm đây.

            -Dạ bạch Hòa Thượng, con đây, con là Tâm Huy đây

            -Ủa, sao bửa nay, giọng của đạo hữu Tâm Huy nghe trẻ trung quá làm tôi tưởng là người khác!

            Một chút vui đùa như vậy có thể giải tỏa bao nhiêu cực nhọc, căng thẳng của một ngày làm việc dài. Rồi sau đó Hòa Thượng ân cần thăm hỏi đời sống và sinh hoạt gia đình. Hòa Thượng đã đem kinh nghiệm sống cả đời để khuyên bảo và dạy dỗ, người viết học hỏi rất nhiều điều hữu ích.

            Hòa Thượng thường dạy rằng: “ Bây giờ còn trẻ thì nên cố gắng làm việc, nhất là đầu tư vào việc nghiên cứu, viết lách để góp phần vào công cuộc xiển dương Chánh Pháp, làm lợi lạc cho mọi người. Đừng đế đến tuổi già sức yếu như tôi sẽ không còn có sức đâu mà làm, dù cho mình có muốn cũng không được.”

            Nghe như vậy người viết liền thưa: “ Bạch Hòa Thượng , con thấy Hòa Thượng bây giờ làm việc còn nhiều hơn chúng con nữa đó, chứ đâu có phải già cả gì.”

            Hòa Thượng dạy: “Đạo hữu nói cho tôi vui thôi, chứ tôi còn làm được bao nhiêu  việc. So với ngày xưa, còn trẻ, thì nay đã thấy khác biệt nhau lắm. Mai mốt đạo hữu già rồi sẽ cảm được điều tôi nói hôm nay. Bây giờ lớp tuổi của tôi đã già rồi, cho nên mọi việc phải nhờ mấy anh em trẻ.”

            Thật ra Hòa Thượng vì đức độ khiêm cung mà dạy vậy, chứ nếu khách quan mà nhìn thì Hòa Thượng là vị Tăng đã xây dựng thành công cơ đồ Phật Pháp tại Hoa Kỳ. Thứ nhất, về đào tạo Tăng Ni trẻ, thì Hòa Thượng là người đã dạy dỗ thành công nhiều vị đệ tử xuất gia mà  hiện nay đang gánh vác Phật sự ở khắp nơi. Đây là điều rất khó làm tại hải ngoại, vì có rất ít tuổi trẻ muốn xuất gia, và sau khi xuất gia thì cũng không còn bao nhiêu vị tiếp tục giữ được sơ tâm xuất gia của mình cho đến khi trưởng thành. Thứ hai là về cơ sở thì Phật Học Quốc Tế là một trong những cơ sở có tầm vóc của Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Điều quan trọng là cơ sở này thật sự mang lại những lợi lạc cụ thể cho việc hướng dẫn tu học cho quần chúng Phật tử. Những khóa tu tập thường kỳ như tụng kinh hằng tuần, Bát Quan Trai,v.v. được thực hiện đều đặn và số lượng quần chúng Phật tử tham dự rất đông đảo.

            Những ngày cuối cùng của Hòa Thượng, người viết vì không muốn làm bận lòng Hòa Thượng, muốn để Hòa Thượng tịnh dưỡng về cõi Phật, nên chỉ thành tâm cầu nguyện Chư Phật gia bị cho Hòa Thượng khi xả báo thân liền sanh về Cực Lạc, mà không đến hầu thăm Ngài. Hôm lễ tang của Hòa Thượng, nhìn quang cảnh chư Tăng Ni và quần chúng Phật tử đến cung tiễn Giác Linh ngài vào cõi Tịnh lạc thật đông đảo, người viết thầm nghĩ rằng đấy chính là cái biểu tượng rõ và sáng nhất về thành tựu của đời sống phẩm hạnh, của sự hy hiến cho Phật Pháp, hóa độ cho quần sinh trong suốt cuộc đời Ngài. Công đức ấy sẽ góp phần làm cho Phật Giáo Việt Nam ngày một phát triển tại hải ngoại.

                        Kính lễ Giác Linh Hòa Thượng California,những ngày tạ ơn, 2004

                                                            Ơn Giáo Dưỡng

                                                                        Quảng Tâm-Lý Mỹ Hương

            Nam Mô A Di Đà Phật

            Ngưỡng Bạch Giác Linh Thầy,

            Ba năm trước đây, sau khi cả cha mẹ qua đời, con gần như tuyệt vọng cho sự bất hạnh của mình, con cảm thấy lạc long bơ vơ và bầu trời tình thương hoàn toàn biến mất. Nhưng rồi do một nhân duyên tiền kiếp nào đó, con tìm đến với đạo Phật, đến với Phật Học Viện Quốc Tế, và có cơ duyên được diện kiến Thầy. Thầy đã giúp cho con nhận chân được sự vô thường, huyễn mộng của cuộc đời, của vũ trụ nhân sinh: vạn vật đều biến đổi để rồi dần dần hoại diệt. Con đã hưởng được một sự an lạc, thanh tịnh trong chốn già lam- một cảm giác mà con chưa từng bao giờ cảm nhận được khi còn ở với cha mẹ mặc dù con được gia đình thương yêu và nuông chìu tưởng như không một đứa trẻ nào diễm phúc như vậy.

            Những ngày tết đầu tiên không có mẹ con buồn lắm,nên thường đến chùa với sư cô. Thầy biết con thích được ở chùa, sớm chiều theo các thầy tụng kinh niệm Phật, làm công quả hồi hướng cho cha mẹ nên thầy bảo với sư cô cho phép con ở lại chùa vào những ngày tết, ngày lễ hay những khi mãn khóa học. Sau những bữa ăn ngon thầy thường bảo “ con ở chùa có thích không? Ở với mẹ đâu được ăn ngon như vậy ,phải không?” Sau những buổi thuyết pháp đầu tiên mà con được nghe, thầy thường thăm hỏi “ con nghe có hiểu không, có buồn ngủ không, thầy giảng con có thâu thập được không?”

            Bạch thầy: Những ngày tháng học đạo  gần thầy, thật sự con đã được ăn những món ăn tinh thần vô giá mà như thầy đã nói “ở với mẹ đâu được ăn ngon như vậy”. Con đã bắt đầu nếm được mùi  vị giải thoát từ giáo pháp của đức Phật qua những bài thuyết giảng của thầy, và từ những ngày ở tại chùa để tập  học hạnh xuất gia. Thầy đã không ngại dìu dắt con từng bước trở về với đạo Phật, khơi dậy cho con tìm về với bản tâm chân thật, thanh  tịnh của mình. Thầy là người đầu tiên tạo cho con có  ý nguyện xuất gia giải thoát. Thầy đã từ tốn dạy bảo cho con mọi điều, từ cách xưng hô với các bạn đồng tu cho đến giúp con ý kiến trong những việc ở trường, việc tu tập. Thầy dạy con dành thời gian quán sát lại tâm mình khi việc học ở trường làm cho con quá bận rộn đến nỗi có thể xa rời đạo. Qua mỗi cử chỉ, mỗi hành động và  đời sống giản dị của thầy con học được rất nhiều về giá trị của sự an vui tự tại trong đời sống xuất gia của một bậc chân tu thật học.

            Con còn nhớ vào mùa An Cư Kiết Hạ năm 2001, con ở lại chùa tùng hạ với quý thầy như một chuẩn ni và được giao việc trai soạn chuẩn bị quá đường mỗi ngày. Như thường lệ, mỗi buổi sáng con vào thỉnh ý thầy trước khinấu những món ăn cúng quá đường. Con không biết luật nghi ở chùa nên tự nhiên đi thẳng vào phòng làm việc  của thầy và tự tiện lớn tiếng thưa hỏi. Thầy đã từ tốn, nghiêm nghị bảo: “ Khi con ở chùa thầy muốn dạy cho con những oai nghi phép tắc để khi đi đến đâu hay tới chùa khác con biết mà làm.” Thầy bảo con chắp tay lại, quỳ xuống và tác bạch từng lời từng câu lập lại sau thầy. Con không quen chắp tay thưa hỏi và oai nghi cử chỉ vụng về thì thầy lại dạy “ con cứ tập tưởng tượng một cái cây nào đó là thầy, tập riết rồi con sẽ quen. Hồi xưa thầy cũng thường tập thuyết pháp cho mấy cái cây nghe vậy đó. Trong chùa này có thiếu gì cây, con cứ chọn một chỗ nào đó mà tập.” Những câu nói như nửa đùa, nửa thật với nét hiền hòa của một bà mẹ, và nghiêm nghị của một người cha, thầy đã dần dần  giúp con vững niềm tin vào giáo Pháp nhiệm mầu của đức Phật. Trong Mùa An cư, thầy bắt đầu phát bệnh và phải đi bác sĩ thường xuyên, thầy và cùng đại chúng kinh hành niệm Phật. Những ngày sau này thầy bị bệnh rất mệt mọi, con đến chùa xin gặp thầy hỏi những việc “không đi tới đâu”, hoặc là thỉnh thầy sửa bản thảo những bài viết của con trong mùa Kiết Hạ năm rồi, thầy vẫn hoan hỉ, kiên nhẫn ngồi lắng nghe con trình bày và xin thưa hỏi.

            Bạch thầy, chương trình đại học của con sắp hoàn tất cà con sẽ xuất gia như lời hứa với thầy, nhưng thầy lại hồi quy Cực Lạc Tây Phương quá sớm. Nếu không có thầy dìu dắt và giúp con nuôi dưỡng Tâm Bồ Đề trong những bài pháp nhũ giản dị của thầy thì con đã phải dỡ dang cả việc đời lẫn việc đạo rồi. Ngày con xuất thế tục gia sẽ không có thầy chứng minh, con sẽ không còn nhận được sự chỉ bảo của thầy nữa, nhưng giáo pháp của đức Phật là món quà quý báu nhất mà con được thừa hưởng từ thầy. Mặc dù cha mẹ qua đời nhưng nỗi mất mát của con đã được thay thế bằng pháp Phật tuyệt dịu, với sự dạy bảo trong hai năm gần cuối cuộc đời của một bậc ân sư khả kính, giàu lòng từ bi, đầy đủ trí tuệ và có một sự khiêm nhường nhẫn nhục tuyệt vời mà con có nhân duyên gần gũi, và học hỏi.

            Thầy đã tuân theo qui luật vô thường, sanh,già,bệnh,chết của cuộc đời mà từ bỏ xác thân tứ đại, trở về đất Phật.

            Con nguyện cầu Thầy sớm mau đạt Phật thừa, hoàn lai Ta Bà tiếp tục hạnh nguyện độ sanh. Nguyện Giác Linh Thầy chứng minh cho những lời bộc bạch chân thành của con. Nguyện cho con Bồ Đề Tâm kiên cố, bước theo con đường giải thoát, “thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ” mà thầy đã thay Phật mà dẫn dắt con trong bước đường đầu chập chững bước chân vào đạo.

Nam Mô Tâp Phương Cực Lạc Thế Giới

Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

                                                                        California, ngày 8 tháng 4 năm 2003

                                                                        Phật tử Quảng Tâm-Lý Mỹ Hương

                                                                                                Kính Bái

                                                            XA THẦY

                                                                        Tịnh Tâm

Sáng hôm nay thức dậy

Trời ảm đạm vô cùng

Hỏi vì sao như thế ?

Bình minh tợ hoàng hôn.

Năm ngoái cũng ngày này

Trời ảm đạm nhiều mây

Hỏi vì sao như thế ?

Bởi Thầy về cõi Tây.

Rồi đây sẽ thế nào ?

Cuộc đời như chiêm bao

Gần Thầy tâm an lạc

Xa Thầy nỗi niềm đau.

Tụ hội rồi chia ly

Vô thường có hẹn gì

Chiều nay còn thưa thỉnh

Sớm mai Thầy đã đi.

Nguyện Thầy ở nơi cao

Gia hộ lớp người sau

Hoằng dương ngời pháp Phật

Cho đời bớt khổ đau.

            Một buổi sáng sau thời công phu khuya, 19-2 Giáp Thân

                                    MỘT CON NGƯỜI MỘT QUÊ HƯƠNG

                                                                                                Nguyên Siêu

            Mùa Thu đang về nơi Phật Học Viện Quốc Tế, lác đác một vài chiếc lá đổi màu  điểm trên những tàn cây bóng mát trong khuôn viên Tự Viện, cùng những tiếng chim ríu rít buổi sáng hôm nay hội tụ về từ khắp các phương trời xa lạ. Tất cả cảnh vật nơi đây như còn nhắc nhớ, ghi dấu nhiều kỷ niệm của bậc Thầy khả kính, đã hiến trọn cuộc đời cho công hạnh độ sinh làm lợi Đạo ích Đời. Một bậc Thầy của nhiều thế hệ, đã hy sinh để bồi đắp xây dựng lớp người kế thừa giềng mối Đạo.

            Nếu ai đã từng viếng thăm cảnh trí Phật Học Viện hẳn cũng không quên được hình bóng Thầy nơi Chánh Điện, Tổ Đường cho đến Điện Các Quan Âm… sân trước lối sau như còn lưu giữ hình bóng Thầy một cách thâm nghiêm, cẩn mật. Từng mỗi bước chân Thiền hành, từng lời tụng kinh như còn vang vọng nơi Chánh Điện; từng giờ giảng dạy Kinh, Luật, Luận cho hàng đệ tử xuất gia còn lưu giữ nơi giảng đường, từng lời giảng Pháp khuyến tu cho hành nam nữ cư sỹ Phật tử còn luân lưu trong tâm tưởng mọi người con Phật. Tất cả hãy còn đó, còn như lời Thầy đã dạy: “ Sau  khi tôi xả bỏ báo thân về nơi cõi Phật , quý Thầy hỏa thiêu tôi, lấy tro bón từng gốc cây, cọng cỏ trong vườn Phật Học Viện để có chút phần tươi tốt  cho loài thảo mộc.”

            Lời nói đó đã không phai lạt trong tâm tư của mọi  người; của loài cỏ cây sỏi đá mà còn trĩu nặng hơn nữa để ghi ơn công đức tạo dựng ngàn đời cho lý tưởng độ sinh, cho tương lai của đàn hậu học.

            Chí nguyện của Thầy ròng rã một đời chuyên tâm tu học để thành danh đạt đức, góp phần kiến tạo ngôi nhà Phật giáo Việt Nam nơi quê hương. Đem giáo pháp thậm tâm của Chư Phật mà hoằng truyền, tạo nhiều thắng duyên cho những ai nghiên tầm kinh điển, chiêm nghiệm Phật ngôn, Tổ Ấn mà tiến tu trên lộ trình thượng cầu hạ hóa.

            Công hạnh của Thầy là  tiếp chúng độ Tăng, trao truyền tất cả tâm huyết của một bậc Ân Sư cho hành đệ tử, mong sao có được nếp sống Thiền môn, Thanh quy Bách Trượng, là nếp sống gương mẫu cho hàng đệ tử Xuất gia và cho đến bây giờ, dù Thầy đã vắng bóng, nhưng người Trưởng tử của Thầy vẫn duy trì nếp sống Đạo một cách nghiêm túc. Ấy chính là bổn phận, trách nhiệm của một bậc Thầy nghĩ về tương lai mà hướng tâm xây dựng lớp người kế thừa để xiển dương Giáo nghĩa, Tổ Ấn trùng quang, thắp sáng ngọn đèn chánh pháp rạng ngời suốt một dòng lịch sử Phật Việt, hơn hai ngàn năm trên đất Tổ.

            Nơi đây, xứ lạ quê người, Thầy đã gầy dựng  cơ đồ cho các thế hệ: Thế hệ đã qua; thế hệ đang thừa hành và thế hệ mai sau noi gương Thầy mà hành xử đúng theo chánh pháp, bằng  đôi tay mở rộng, bằng tấm lòng bao dung, bằng con tim độ lượng, chân chánh, bằng trí tuệ siêu nhiên trên con đường Bồ Tát Đạo.Và cũng nơi đây, bằng tâm huyết của một con  người, Thầy đã suốt đời tận tụy giáo dục, hoàn thiện, nâng niu chăm sóc từng cánh lá, nhành cây, từng tâm hồn son trẻ, từng cái sơ tâm học đạo của những con người cầu làm Phật. Thầy đã ban bố cho tất cả và để rồi một sớm tinh sương khi mọi người còn yên giấc, Thầy tách bước ra đi về nơi cõi Phật an nhiên tự tại, dù cho thân xác có đau đớn, mỏi mòn nhưng tâm nguyện Thầy đạ viên mãn. Vì những gì đáng độ Thầy đã độ, những  gì đáng gởi trao, Thầy đã gởi trao cho người kế thừa, giữa cuộc phế hưng, thăng trầm biến động mà lòng Thầy bất động.

            Sáng nay con thuyền đưa Thầy ra biển để Thầy hòa nhập vào vũ trụ đại thể, tan biến vào thiên nhiên, núi đồi, trăng nước, mây ngàn, biển xanh, cát trắng. Tất cả đều chào đón Thầy trong niềm kính cẩn thiêng liêng.

            Từng đợt sóng nhấp nhô vỗ vào ghềnh đá, từng lượn nước xanh dội vào mạn thuyền, từng cơn gió nhẹ thì thầm hòa quyện như từng lời kinh siêu độ trên mặt đại dương muôn trùng gợn sóng. Thầy đã phiêu diêu cất bước về cõi Vô Sanh.

                                                                                                Nguyên Siêu

                                                            Ghi Nhớ Ơn Thầy

                                                                                    T.N.Như Hoa

            Năm con 12 tuổi, Thầy về thăm quê nhà và hỏi con có muốn theo Thầy hay không? Cuộc sống của con thay đổi từ đó, khi con chịu rời nhà theo Thầy vào chùa. Thầy dắt con sang chùa Từ Nghiêm, gởi cho Sư Bà Vĩnh Bửu, vị Ân sư thế độ xuất gia. Thầy sợ con còn nhỏ, không kham nổi nếp sống chùa chiền và nhớ nhà, nhớ chị em, nên thỉnh thoảng từ Ấn Quang Thầy sang thăm con vuốt đầu an ủi. Nhờ sự dìu dắt của Thầy, con quen dần với sinh hoạt Ni viện, lớn lên đủ tuổi xuất gia thọ giới. Thầy đối với con vừa thay thế cha mẹ, vừa là vị Thầy hướng đạo, khơi mở nẻo giải thoát.

            Con được tu học trong môi trường thuận lợi, trước ở Từ Nghiêm sau ở Dược Sư, nơi nào cũng là chỗ đào tạo. Con biết mình có đủ phước duyên, khi trong gia đình có người thân xuất gia, đi trước một bước đường và soi sáng cho con. Mỗi khi con thăm Thầy, Thầy thường kể chuyện tu học của mình, để làm gương cho con, và cũng là cách bộc lộ thân tình. Con thấy Thầy không bỏ phí thì giờ, cần kiệm, kham khổ.Là học tăng Ấn Quang, tự lập thân để vươn lên, thực hiện chí nguyện thành tựu học vấn và trang nghiêm đạo đức để làm bậc mô phạm,làm bậc Thầy hướng dẫn. Thầy không nệ hà các việc nhỏ như gánh nước, bỏ báo để có tiền trả học phí. Thầy đạp chiếc xe cũ kỹ đến các giảng đường Đại học, hồn nhiên thâu thập kiến thức. Thầy từ tốn trong chiếc áo đà đơn giản, đi dạy học các trường lớp Phật pháp, vươn mình lên như cành sen vô nhiễm mà vẫn để ý chu đáo dìu dắt con. Được đi theo con đường của Thầy, con thấy an ổn và tin tưởng, mỗi việc làm của Thầy là tấm gương cho con noi theo, khắc kỷ tự thân và vun bồi hướng thượng.

            Khi Thầy sang Đài Loan du học, dù ở xứ người xa lạ, sanh hoạt còn khó khăn hơn  ở quê nhà . Thầy cũng có ý định đem con sang để học hỏi, mở rộng tầm nhìn. Con cảm động trước sự lo lắng của Thầy, dù ở gần hay ở xa, Thầy đều quan tâm đến, muốn  cho con được tiến mãi. Thư Thầy viết về kể chuyện học ngôn ngữ Quan Thoại, Thầy tập đi chợ mua đồ trả giá, nói chuyện thường  xuyên từ giới bình dân đến trí thức, để rèn luyện khả năng đối thoại. Thầy viết bài đăng tạp chí thâm nhập văn hóa của một nền văn minh lớn Đông phương. Con hình dung tất cả sự nỗ lực của Thầy tiến tới không ngừng, vì muốn làm việc hữu ích rộng độ chúng sanh. Con cũng mong ngóng ngày Thầy hoàn tất việc học , trở về nước để con được thăm viếng, lo lắng chút gì đó cho Thầy. Nhưng rồi Thầy sang Mỹ làm Phật sự, hy vọng của con được gần gũi bên Thầy khó thực hiện.Tuy vậy con dấn thân hành đạo cũng chính là điều Thầy vui mừng khích lệ. Thầy hỗ trợ cho con mọi công tác từ thiện và giáo dục. Bản thân Thầy vẫn cần kiệm, Thầy dạy con rằng: những phương tiện có được để giúp người, thực hiện lòng từ, cũng là do phước đức tu tập, con không nên phung phí. Tấm lòng từ của Thầy  đối với con như trận mưa nhuần thấm, không bỏ qua chi tiết nhỏ. Nhờ vậy con  học hỏi được nhiều, và cũng trọn vẹn  rất nhiều công tác, điều mà không phải dễ thành tựu.

            Con những tưởng mình còn phước duyên lâu dài, được có Thầy bảo ban trong từng giai đoạn khó khăn. Được có Thầy như một chỗ hướng về thân quý, dù không gặp nhưng nghe tiếng Thầy qua điện thoại để con thưa chuyện mỗi khi cần thiết, hoặc chỉ cần nghe Thầy gọi con ơi! Thầy muốn làm việc này, việc kia, hoặc Thầy hỏi thăm bên quê nhà, Thầy chú ý thực hiện việc gì. Từng năm qua, con quen nghe tiếng Thầy, đọc thư Thầy để biết ý Thầy, con mong được thực hiện phần nào cho Thầy vui, thấy con không đến nổi vô ích.

            Con không biết Thầy mang trọng bệnh. Lúc chúng con hay được là Thầy cũng sắp xếp công việc gần xong. Con lo lắng tìm thuốc gởi qua Thầy uống, mong bịnh Thầy thuyên giảm. Con làm mọi việc lành như Phật dạy để hồi hướng về Thầy. Con cầu nguyện sức khỏe Thầy ổn định, căn bịnh ngừng một chỗ, cho chúng con được niềm vui mừng tuổi thọ của Thầy trụ thế.

            Con sang Mỹ thăm Thầy lần đầu, các vị đi đón ở phi trường nhận ra con ngay vì con rất giống Thầy. Biết bao xúc động trong con, mừng mà cũng lo, Thầy ốm quá, sức khỏe như cố gượng. Rồi tết con lại trở về lo việc chùa.

            Con sang Mỹ lần thứ hai, ở lại lâu hơn bên Thầy, săn sóc những món ăn Thầy thích, những việc làm Thầy vui bây giờ trong từng ngày.Con đi trong khung cảnh Phật Học Viện Quốc Tế, không  giám nghĩ xa hơn. Việc làm một đời của Thầy có nhiều phương diện lợi ích rộng lớn. Người nối chí  Thầy đế tiếp tục chắc chắn Thầy có dặn dò.

            Trời Việt Nam còn có những ngày mát mẻ, nhưng tin Thầy viên tịch đến như một nỗi bức xúc. Con thắp nén tâm hương  ở đây, mong tấc lòng chí thành vượt ngoài khoảng cách. Đại sự một đời tạm khép lại, công hạnh vun trồng để nẩy mầm tiếp tục tương lai. Con khóc trong Lễ Truy Niệm Thầy và chư tôn giáo phẩm, các vị đồng hàng với Thầy ngày xưa ở Ấn Quang cũng ngậm ngùi. Một lần ra đi giả biệt chùa cũ không ngờ chẳng gặp lại. Con xin kính ghi đôi dòng tưởng niệm, chốn pháp thân muôn thuở Thầy hiện bóng mây lành.

                                                ĐỐT NÉN HƯƠNG NÀY

Thành kính dâng lên Giác Linh Hòa Thượng Thích Đức Niệm

                                                            Nguyễn Thị Kim Chung &Nguyễn Chiêu Tường

Anh S.,

            Mới đó mà đã gần đến ngày giỗ đầu một năm của Thầy Đức  Niệm. Tụi em ngồi viết thư này mà lòng bùi ngùi nhớ đến những kỷ niệm thân xưa cùng Thầy.

            Thầy đã vĩnh viễn ra đi vào ngày lễ vía Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, ngày 19 tháng 2 năm Quý Mùi (21 tháng 3 năm 2003) như anh đã  biết. Cũng như bao nhiêu người đệ tử thân thương có mặt ở Chùa hôm thứ sáu ấy, tụi em đến chùa để được đồng niệm Phật lần cuối cùng với Thầy và để ngậm ngùi thương tiếc nói lời vĩnh biệt cùng Thầy trong giờ phút Thầy từ giã cõi đời nầy !

            Gần 30 năm sinh hoạt với Thầy để khi tiễn biệt Thầy, tụi em cảm thấy như mất đi một phần rất lớn cuộc đời của chính mình. Kỷ niệm 30 năm trước ở Đài Loan vẫn còn đậm nét. Ngơ ngác trong nhóm 25 du học sinh đến Đài Loan vào một ngày cuối đông năm 1973 là hai cô gái nhỏ gốc Nha Trang và Châu Đốc.Tụi em lúc ấy trông bé bỏng dễ thương và quê kệch ghê anh nhỉ? Lần đầu tiên tụi em gặp Thầy Đức Niệm (còn được gọi là Thầy Di Lặc) là ở sứ quán Việt Nam, qua sự giới thiệu của cô Lãnh Sự Ngô Thị Liên-Hoa, Đệ Nhất Tham Vụ Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Đài Bắc. Thấy những sinh viên mới đến, chân ướt chân ráo nơi xứ người, lại không biết một câu tiếng Tàu nào, Thầy dắt đi tìm nhà trọ, vừa làm thông dịch viên, vừa hướng dẫn phong tục của người Đài Loan.May mắn sao có hai phòng trống ngay trong căn nhà Thầy đang ở-Thầy HN dọn vào túc xá Đại Học Đài Loan nên  nhường phòng cho tụi em, còn anh Chiếu và Vũ thì được ở phòng trên lầu bốn. Cùng lúc ấy Vinh, Cừ, cũng như hầu hết các sinh viên đại học và mấy anh cao học trong nhóm tụi em cũng mướn được phòng trong những nhà cùng khu xóm Kim Môn. Và thế là cả nhóm đều có cơ hội gần gủi Thầy luôn!

            Rồi những buổi tối đứng hóng mát ở lan can, chia nhau nồi chè đậu hay cái bánh sinh nhật cùng Thầy và những người đồng nhà trọ…tụi em được bao bọc với tràn đầy tình thương nên cũng nguôi đi phần nào nỗi nhớ nhà nơi xa xứ. Những ngày  cuối tuần theo Thầy đi đến Quốc lập Đài Loan Chính Trị Đại Học, xuống Trung  Hưng, trạm cuối cùng chuyến xe buýt là trường của Thầy. Tụi em tung tăng đánh vũ cầu, đùa vui với nắng với gió. Rồi loay hoay nấu ăn với những dụng  cụ bếp núc tìm được: con dao nhỏ cùn day lâu lâu phải liếc dưới đáy chén cơm mới đủ bén để xắt, cái thớt là hóc mặt bàn lau sạch. Không có bếp nên tụi em hay làm món bò bía chay. Món cuốn đạm bạc nhưng tốn nhiều thì giờ xắt thái từng củ cà rốt, đậu phụ; rồi nước chấm thì pha bằng xì dầu chanh ớt. Vụng về mà được Thầy an ủi khen ngon quá là ngon. Mỗi khi có lễ lớn lại được theo Thầy đến các chùa, trước là lễ Phật sau đó được thưởn thức nhiều món chay cầu kỳ và lạ mắt. Tụi em thích nhất là chùa Sư nữ vùng Đạm Thủy; chùa ở bên kia sông, ngay bờ suối nhỏ, vừa đẹp vừa yên tĩnh; quý sư cô lại có tài nấu nhiều món chay ngon tuyệt vời; tụi em lần nào đến cũng được đãi ăn rất ngon mà Ni sư trụ trì còn thương tình biếu cho nhiều thức ăn mang về Đài Bắc nữa.

            Vẫn không quên được lúc dọn xuống Đài Nam, Thầy trên đường đi Cao Hùng hành hương đã cho ngừng cả xe buýt đông người ở cổng trường đại học Thành Công để vào túc xá gọi cho tụi em đi theo. Đầy ngạc nhiên và thích thú, tụi em vơ vội mấy bộ áo quần thu xếp hành trang theo Thầy và Thầy HN đi hành hương ở chùa Phật Quang Sơn và nhiều chùa khác ở Cao Hùng…

            Sau  khi sống gần và biết Thầy nhiều hơn, tụi em mới rõ rằng biệt danh Thầy Di Lặc mà nhóm người Việt ở Đài Loan gọi Thầy Đức Niệm lúc ấy không hẳn chỉ vì Thầy hay cười rất vui vẻ như Phật Di Lặc,mà còn do công hạnh từ bi hỉ xả của Thầy. Chắc anh còn nhớ mấy câu thơ Thầy thường hay ngâm nga thuở đó ?

                                    “Người có lỗi lầm tat ha thứ

                                    Khoan dung đại độ tánh ôn hòa

                                    Đã không buồn tức mà yên tĩnh

                                    Mở rộng lòng thương sống vị tha”

                                    “Ta oán giận người, người không đau

                                    Mà tâm ta nổi sóng ba đào                               

                                    Nhiều đêm buồn tức ,ta không ngủ

                                    Ta tự giam mình giữa vực sâu”

            Cuộc sống vui tươi, vô tư lự bị xáo trộn sau ngày 30 tháng tư năm 1975. Em sang Mỹ đoàn tụ với anh B. Chung sau vài năm cũng rời Đài Loan di dân sang Canada. Thầy sau đó cũng sang Mỹ hoằng pháp ở L.A. nên em lại có duyên học đạo với Thầy.

            Mấy năm đầu ở Mỹ, Thầy quá ư chật vật, phòng làm việc, phòng khách, phòng ăn kiêm phòng ngủ của Thầy là một phòng bé tí teo trên lầu hai ở một túc xá của đại học Đông Phương trên đường New Hampshire, gần Korea Town ở thành phố Los Angeles. Chánh điện thì rất ấm cúng, được thiết kế bên trong phòng khách của căn nhà kế cận. Không biết vì do chánh điện nhỏ hay do vì lòng tin dõng mãnh của những người trẻ tuổi mà lúc ấy tụi em thấy tượng Phật Bổn Sư rất là vĩ đại. À! Anh có biết Thầy cũng có nhà in không? Nhà in của Thầy đặt trong phòng đậu xe (garage) của một căn nhà khác cũng nằm trên đường New Hampshire.

            Và cứ mỗi cuối tuần, nhóm sinh viên khoảng sáu, bảy đứa tụi em lại đến giúo Thầy. Những năm ấy nhóm tụi em cũng túng vì làm dân tị nạn ở Mỹ, vừa đi học, vừa đi làm. Thầy dù có bằng tiến sĩ, song là thầy tu sống đời thanh  tịnh, hy sinh cuộc đời để nỗ lực cố gắng phục vụ Phật pháp và đồng bào nên cũng nghèo xác xơ như tụi em vậy. Mấy thầy trò thường ăn mì gói, ít có dịp ăn cơm, vậy mà vì vui nên mì ăn hoài mà vẫn thấy ngon. Tuần nào có  gia đình cô Diệu Chơn ở Freson đến thì vui hơn nữa vì ngoài sự góp mặt của năm , bảy người gia đình và bạn hữu, cô còn mang đến rất nhiều rau cải. Thế là bao nhiêu thầy trò ngồi chen chúc chật cả phòng để cùng ăn bánh tráng gói rau sống chấm nước tương. Gần chỗ Thầy ở lúc đó có một quán ăn nấu canh chua chay kiểu Thái Lan rất tuyệt; lâu lâu hễ có gia đình cô Diệu Hải hay có phật tử phát tâm mua canh chua về cúng dường Thầy hay mời Thầy đi ăn thỉ tụi em cũng được phần ăn…ké!Những thời gian hồn nhiên và những buổi ăn vui vẻ ấy tưởng như mới đây mà tính ra đã hơn một phần tư thế kỷ rồi. Thầy nay đã về cõi Phật, nhóm sinh viên trẻ ngày trước này là những phật tử sắp sỉ năm mươi. Biết bao nhiêu thì giờ tâm huyết Thầy đã dành giảng dạy từ bài kinh, bản kệ, cho đến cách lễ Phật, tụng kinh, đánh chuông và gõ mõ, mà chẳng đứa nào phát tâm xuất gia nổi, giỏi lắm  thì cũng chỉ phát được một lời đại nguyện như Võ Tắc Thiên Hoàng Thái Hậu ngày nào sau khi chứng ngộ từng nguyện ước mà thôi:

                                                “Vô thượng thâm thâm vi diệu pháp

                                                Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ

                                                Ngã kim kiến văn đắc thọ trì

                                                Nguyện giải Như Lai chơn thiệt nghĩa”

            Khoảng năm 1982, Thầy thành lập Phật Học Viện Quốc Tế ở vùng North Hills xa xôi hẻo lánh. Buổi ban đầu Chùa chỉ là một căn nhà bé tí tị mà lại có rất đông Tăng Ni sinh và Phật tử. Chùa vì mới lập nên kém tài chính, đến độ Sư cô Quảng Tâm sau khi đã xuất gia mà phải tiếp tục đi làm thêm vài năm để giúp ngân quỹ nhà chùa. Trong những nmă đầu ở thành phố nầy, tuy rằng Thầy cứ phải chạy nợ hàng thánh để trả tiền nhà mà Thầy vẫn cố gắng tổ chức được Đại Giới Đàn Thiện Hòa và in lại được rất nhiều kinh sách, trong đó có cả bộ Kinh Hoa Nghiêm. Bởi thế Thầy hay nói “ Phật độ” là đúng lắm phải không anh?

            Đời sống Thầy rất bình dị nên phật tử rất yêu kính Thầy. Thầy cùng ăn cơm với các huynh đệ và phật tử nên hôm nào Thầy an chao thì phật tử cũng ăn chao; nhưng thường việc ăn uống ở chùa rất thoải mái vì đệ tử Thầy ai cũng học được phần nào tánh từ bi đại lượng của Thầy.Anh có biết ban nhà trù của Thầy ở PHVQT đặc biệt có tiếng là rộng  rãi không ? Ở đó thức ăn luôn dồi dào; có thể không được sang cả lắm nhưng lúc nào nhà trù cũng muốn đãi cho mọi người được gắp “ cong đũa” . Thầy ít nói, trầm lặng, rất hiền hòa, song cần mẫn và quán xuyến thì số một phải không anh? Tụi em thấy Thầy luôn bận rộn, khi giảng dạy, khi đọc sách, viết sách, khi nghiên cứu phiên dịch kinh luật, khi làm cỏ ngoài sân, khi làm công việc trong Chùa, chẳng thấy Thầy rảng rỗi bao giờ. Vậy mà Thầy lúc nào cũng sẳn sàng để dành thì giờ  cho đệ tử và phật  tử. Mỗi khi thầy  tụi em quá mải mê chạy đua với đời sống vật chất mà giải đãi việc  tu dưỡng tánh thiện, từ bi và hỷ xả thì Thầy lại nhắc đến  bài kệ của ngài Vạn Hạnh thiền sư để nhẹ nhàng nhắc nhở chúng em phải luôn tỉnh thức sự giả tạm, sự vô thường của cuộc đời để có ý niệm rõ rệt về cuộc sống hiện tại thì đời sống mới có ý nghĩa.

                                                “Thân như điện ảnh , hữu hoàn vô

                                                Vạn mộc xuân vinh ,thu hựu khơ

                                                Nhậm vận thịnh suy, vô bổ úy

                                                Thịnh suy như lộ, thảo đầu phô”

            Bao nhiêu năm qua, Thầy đã hướng dẫn, dìu dắt tụi em những  bước đi vững chắc trên đường đạo cũng như đường đời. Những lời khuyên dạy của Thầy đã giúp tụi em vượt qua được những non cao và hố sâu chìm nổi của cuộc đời. Thầy thể hiện bậc Thầy cao cả trong tâm tụi em. Thầy thể hiện trí tuệ của người cha và tình thương  yêu  vô hạn  của người mẹ lo lắng, đùm bọc, dạy dỗ tụi em. Chúng em không được ở vào thời Phật tại thế nhưng qua hình ảnh của Thầy như cây cổ thụ cao to đã luôn che chở cho tụi em trú mưa tránh nắng, giúp chúng em duy trì niềm tin và lý tưởng, vậy mà chưa một lần chúng em bày tỏ với Thầy. “ Linh tại ngã, bất linh tại ngã”, ở cõi niết bàn chắc hẳn Thầy đang mỉm cười hoan hỷ chứng cho lòng thành của tụi em, phải không anh?

            Dẫu nay Thầy không còn trên cõi đời nữa, nhưng những lời răn nhủ của Thầy cũng như chính hình ảnh và tâm niệm của Thầy vẫn sống mãi trong lòng tụi em. Mỗi lần nghĩ nhớ đến Thầy, đốt nén hương lòng tưởng niệm, tụi em lại nghe như đâu đây còn văng vẳng tiếng Thầy sang sảng ngân  nga:

                                                “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

                                                Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

                                                Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

                                                Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.

                                                            Nguyễn Thị Kim Chung & Nguyễn Chiêu Tường

                                                                        Hai đứa đệ tử bên Tàu của Thầy

                                                Hai Lối Đi Về

                                                                        Thích Bảo Lạc

            Qua hai lần đến Hoa Kỳ dự lễ tưởng niệm Hòa thượng Đức Niệm viên tịch năm 2003 và đầu tháng 3 năm 2004, nhân ngày lễ tiểu tường, tôi muốn lưu một ít dòng về việc ra đi có chọn lựa của Thầy như món quà vọng  bái một bậc đàn anh, từ bên kia bờ Thái Bình Dương- Úc quốc. Viết bằng mối đạo tình Linh Sơn cốt nhục, như một thử thách cuộc hành trình hiện thế của tôi và của chư pháp lữ đang hành hoạt giữa cuộc thế phù trầm hôm nay.

            *Nghĩ Về Lễ Tang:

            Có thể có những cái nhìn cuộclễ qua nhiều khía cạnh khác nhau, tôi vẫn hình dung được đôi điều cũng muốn chia xẻ, hẳn không chuyên chở được hết ý tình như quý vị nghĩ, nên đây chỉ là cái nhìn ở mặt này mà có thể chưa quán chiếu được mặt khác, như được ghi nhận:

            1-Như ngày hội lớn: Để ý quan sát hội trường nơi đặt kim quan, từ khung cảnh chung quanh đến khách phúng viếng, từ chư Tăng ni đến Phật tử, từ lời niệm Phật chào nhau đến những nụ  cười hoan hỷ trên gương mặt mọi người, tôi có cảm nghĩ đây là một ngày hội lớn hơn là một tang lễ. Vì các bậc chư tôn trưởng lão tại nhiều nơi đều cómặt và nhất là tại Hoa Kỳ, Canada, Úc, Á, quý thầy, quý sư cô đều đến góp mặt nguyện cầu với tinh thần tự phát của người sứ giả. Thật là đẹp, trang nghiêm cao quí và thật hết sức đạo tình. Chỉ có những dịp câu hội như thế này hàng chúng trung tôn mới xích lại gần nhau, trao cho nhau những kinh nghiệm quý báu, thăm hỏi nhau và chia xẻ với nhau những khó khăn trên bước đường hành đạo. Mọi việc nơi trú xứ đều gác lại, chư vị đến với nhau  chung cùng mục đích-dự tang lễ-nên không thầy trở ngại công việc Phật sự hằng ngày nơi điạ phương. Chừng ấy những yếu tố chủ khách quan cũng đủ tạo nên khung cảnh huy hoàng như không còn mối dị biệt mà mang ý nghĩa thiêng liêng tang lễ của một bậc cao tăng đức độ.

            2-Cây kiểng chịu tang: Những cây kiểng  trong vườn chùa Phật Học Viện đều được quấn khăn tang vàng chịu tang một người đã luôn luôn chăm sóc làm đẹp  cảnh quang ngôi chùa. Những cây bong kiểng này dưới bàn tay tươi mát tưới nước, bón phân, cắt xén của Người; giờ đây Người không còn nữa, chúng như có một khoảng trống, vì không được chăm sóc nữa, loài thảo mộc cũng cảm được chỗ trống vắng cũng như môn đồ pháp quyến cảm nhận vậy. Ngược lại, sự hiện  diện đông đủ của chư Tăng là cả một niềm vui lớn, chia xẻ việc mất mát sự ra đi của Hòa thượng tân viên tịch. Vì tới đây mọi người đều hòa chung niềm vui cùng đại chúng. Thật là hiếm hoi, thân thương, hòa hợp, nhịp nhàng như làm cho không ai trong môn đồ cảm thấy mìnhmất đi một bậc đạo phong khả kính mà tất cả hòa quyện nhau dưới mái chùa ấm áp để nhiếp tâm cầu nguyện.

            Có những câu chuyện kể người chủ nhà vừa mới lìa đời là cây cảnh trong sân vườn kéo úa, tiêu điều theo người mà lúc nhỏ tôi được nghe. Giờ đây tôi có dịp hình dung lại câu chuyện xưa đang hiện ra trước mắt.

            3-Ý thức vô thường: Sự viên tịch an tường của Hòa thượng Thích Đức Niệm tháng 3 năm 2003 ( nhằm ngày vía bồ tát Quán Âm) nhắc nhở chúng ta bài học vô thường  đang chờ đến phiên mình để mà lo liệu trước. Còn nhớ tháng 9 năm 2002, chúng tôi có tới thăm Hòa thượng bịnh, tuy yếu Thầy vẫn cố gắng mặc hầu vàng tiếp phái đoàn 5 vị gồm: Hòa thượng Thích Minh Tâm, Hòa thượng Thích Chánh Lạc, Thượng tọa Thích Tính Nghĩa, Thượng tọa Thích Như Định và tôi ( Thích Bảo Lạc). Sau  khi thăm hỏi xong, chúng tôi chào Thầy ra về, Thầy lưu lại chụp hình lưu niệm. Trong lúc đang chụp hình Thầy nói: Khi tôi đi xin quý Thầy tụng cho tôi ba biến chú Vãng Sanh cầu siêu. Nghe như vậy chúng tôi  ai nấy đều ngậm ngùi rơm rớm nước mắt. Dĩ nhiên nước mắt có thể để khóc chính mình rằng cái chết không  chờ đợi ai và rằng đây là lần gặp gỡ Hòa thượng cuối cùng, cũng là để từ giả Thầy luôn!

            Quả thật đúng vậy, cách hơn 5 tháng sau vào ngày 19 tháng 2 năm Quí Mùi (21-3-2003) Hòa thượng đã thuận thế vô thường viên tịch giữa lúc chư tăng ni của Viện đang túc trực trợ niệm danh hiệu A Di Đà Phật không dứt từ lúc Hòa thượng trút hơi thở cuối cùng cho đến khi tang lễ hoàn tất.

            *Lễ Tiểu Tường:

            Vào đúng một năm sau ngày Hòa thượng viên tịch , tôi cũng được đủ cơ duyên đến tham dự lễ tưởng niệm Thầy vào ngày lễ vía đức Quán Thế Âm Bồ Tát, tổ chức sớm trước hai ngày vào Chủ Nhật, 7 tháng 3 năm 2004 ( 17 tháng 2 Giáp Thân). Thật tôi không ngờ, quý bậc tôn túc Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni cũng lại có mặt như lần trước. Tuy không đầy đủ bằng, nhưng quý Hòa thượng cao niên bậc đàn anh Hòa thượng ChánhVăn Phòng Đại Diện đều có mặt. Đây là món quà vô giá đầy ắp tình pháp lữ không phai mờ trong lòng mọi người, cũng khó tìm được ở đâu hơn mối đạo tình gắn bó giữa hàng tăng già với Hòa thượng Thích Đức Niệm. Có phải chăng những bậc thầy lần lượt xã báo thân ra đi để lại cho chúng ta thêm gánh nặng đôi vai bên đời bên đạo phải chu toàn trách nhiệm! Trách nhiệm hàng trưởng tử Như Lai trong công cuộc xiển dương chánh pháp, hầu báo đáp công ơn thầy tổ và hồng ân Tam bảo trong muôn một.

            Nối chí nguyện Thầy, hàng môn đệ trong dịp lễ tiểu tường phát tâm đóng góp ba Phật sự khiêm tốn như sau:

            1-An cư kiết hạ: Thỉnh nguyện Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ- Văn Phòng II Viện  Hóa Đạo, được tổ chức an cư kiết hạ mùa hạ năm nay (2004) tại Phật Học Viện Quốc Tế. Thư thỉnh nguyện đề ngày 2 tháng 4 của Đại đức Thích Minh Chí, trụ trì Phật Học Viện Quốc Tế gởi Hòa thượng Thích Nguyên An, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự, đã được Hội Đồng Điều Hành chấp thuận thỉnh nguyện chính đáng này. Lễ an cư kiết hạ bắt đầu ngày 22 tháng 6 và kết thúc ngày 28 tháng 6 năm 2004, do Tổng Vụ Tăng Sự điều động tại Phật Học Viện Quốc Tế.

Đây là bước khởi đâu nhen nhúm không khí tu học cho tăng ni sinh của Viện, ngõ hầu un đúc tinh thần lục hòa, trách nhiệm của huynh đệ Phật Học Viện Quốc Tế hơn một năm sau ngày bậc tôn sư vắng bóng; và đồng thời Giáo Hội cũng sách tấn chư tăng ni có thì giờ tịnh tu sau những tháng ngày làm việc Phật sự bận rộn. Việc làm vừa thuận duyên cho các huynh đệ Phật Học Viện, vừa thích ứng đường hướng phát triển nhiều mặt, nhất là về giáo dục tu học trau dồi kiến thức rèn luyện nội lực hành Thích tử, nên Hội Đồng Điều Hành hiệp cùng Tổng Vụ Tăng Sự rất tùy hỷ để trường  hạ năm nay tiến hành như tâm nguyện chung được thành tựu.

            2-Cúng dường Pháp bảo: Cũng trong tâm nguyện báo đáp ân sư, nhân dịp lễ tiểu tường Hòa thượng, môn đồ pháp quyến Phật Học Viện phát tâm ấn tống 4 tập (quyển) kinh Đại Bát Nhã Tập 1,2,3,4 của dịch giả cố Hòa thượng Thích Trí Nghiêm. Bộ kinh này đã được ấn hành năm 1999 tại Việt Nam in thành 24 cuốn, chưa được giảo chính. Nay bộ kinh đã hoàn  chỉnh do Hòa thượng Thích Quảng Độ nhuận sắc và Hội Ấn hành Đại Tạng Kinh điều chỉnh lại khuôn khổ, mẫu chữ và rút lại còn 12 quyển. Mỗi quyển dày trên 1000 trang, in ấn mỹ thuật trang nhã để cúng dường chư tôn đức để vào tạng pháp bảo của quý tự viện cho việc nghiên cứu hành trì. Tám (8) tập còn lại lần lượt sẽ được ấn hành do chư tôn đức khác và quý đạo hữu nhiệt thành phát tâm cúng dường tịnh tài cho việc hoàn thành bộ kinh Đại thừa đồ sộ 600 quyển hệ Bát Nhã này sẽ hoàn tất dự trù trong vòng 2 năm,tính từ năm 2004.

            Ngoài việc báo đáp ân đức cao dày do thầy giáo dưỡng nên vóc hình được như ngày nay, hàng môn đệ cố Hòa thượng Thích Đức Niệm cũng để truy niệm công đức phiên dịch suốt 8 năm bộ kinh Đại Bát Nhã ( từ 1972-1980) vĩ đại của cố Hòa thượng Thích Trí Nghiêm, cho hành hậu bối thừa hưởng di sản tinh thần đồ sộ vô giá này.

            Ngưỡng nguyện hồng ân chư Phật phóng quang tiếp dẫn dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 44, thượng Đức hạ Niệm, hiệu Thiền Đức Hòa thượng; và dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 43, thượng Trí hạ Nghiêm, hiệu Truyền Lai nhị tôn Hòa thượng giác linh thùy từ chứng giám.

            3-Đường hướng duy trì và phát triển Phật Học Viện: Sau  khi lễ tiểu tường hoàn mãn, vào tối Chủ Nhật ngày 7 tháng 3 năm 2004, một cuộc họp đạo tình gữa Hòa thượng Thích Minh Tâm, y chỉ sư, Hòa thượng Thích Thắng Hoan, giáo thọ, Hòa thượng Thích Bảo Lạc, giáo thọ, Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa, cố vấn chỉ đạo và quý huynh đệ thường trú tại viện cũng như đa số ra làm Phật sự các nơi để được học hỏi, chia xẻ kinh nghiệm Phật sự.

            Khung cảnh buổi họp thật là ấm cúng thân mật giữa tình thầy trò và huynh đệ. Trên chư tôn Hòa thượng mỗi người một vẻ tạo cho sinh khí mỗi lúc một dễ chịu, thân thương, sau khi mỗi huynh đệ của Viện bày tỏ được tất cả tâm tư cũng như ước nguyện của mình, sau một năm kể từ khi ân sư vắng bóng; cũng như khi đề cập tới đường hướng phát triển trong tương lai của Phật Học Viện. Chư tôn Hòa thượng chứng minh phiên họp ai cũng một lòng thương đàn hậu bối hảo tâm xuất gia, và đều tán than hiếu hạnh của các huynh đệ là đệ tử của cố Hòa thượng Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện. Trong những ngày tháng tới, Phật Học Viện Quốc Tế đã và sẽ cung thỉnh hai thành phần ban giáo thọ:

            -Giáo thọ đoản kỳ: Hòa thượng Thích Thắng Hoan, Hòa thượng Thích Trí Chơn, Hòa thượng Thích Huyền Dung, Hòa thượng Thích Bảo Lạc, Thượng tọa Thích Như Điển, Thượng tọa Thích Viên Lý, Thượng tọa Thích Nguyên Siêu, Thượng tọa Thích Minh Dung v.v…đã hoan hỷ hứa khả mỗi năm từ một tuần đến một tháng về Phật Học Viện trực tiếp phụ trách Kinh ,Luật, Luận cho Tăng ni của Viện nói riêng và chư Tăng ni nói chung cần cầu học hỏi giáo điển.

            -Giáo thọ thường trú tại viện 1 năm, 3 năm hay lâu hơn. Nhưng đây cũng chỉ là ước nguyện, còn có thỏa đáp được ước nguyện hay không lại tùy thuộc vào thuận duyên và cầu lực gia trì của ân sư và Tam bảo dẫn đường chỉ lối. Bởi lẽ, nơi môi trường hải ngoại, Giáo hội thiếu thốn nhân sự quá nhiều, nên trong thời điểm hiện tại cũng khó mà cung ứng nhu cầu có được một vị giáo thọ thường trú tại bổn Viện. Mặc dù lớp Tăng Ni trẻ nương tựa hành trì, nên phải đề bạt để Giáo hội tìm cách đáp ứng, khi điều kiện nhân sự cho phép và hoàn cảnh có thể khả thi.

            Nhìn vóc dáng quý Ngài trong buổi lễ thật hết sức trang nghiêm longtrọng như món quà vô giá trọn đầy tình pháp lữ không phai mờ trong lòng người con Phật vượt khỏi biên giới ngoài không gian và thời gian. Mối đạo tình này giữa chư pháp lữ với Hòa thượng Đức Niệm, cũng khó tìm trong xã hội văn minh vật chất hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, tình người lỏng lẻo, tha hóa, bị bào mòn bởi những ảo ảnh phù du của cuộc sống, làm cho con người như bị hụt hẩng, sa đọa, tuột dốc, quá đà không kềm hãm lại được nữa. Có phải chăng những bậc đạo sư hành đạo như những vì sao xẹt ngang qua rồi chợt tắt mà Hòa thượng Viện chủ Phật Học Viện Quốc Tế, cũng quí Hòa thượng Thiện Siêu, Hòa thượng Thanh Kiểm, Hòa thượng Đức Nhuận, Hòa thượng Trí Nghiêm…và gần nhất là sự ra đi quá đột ngột của Sư bà Thích Nữ Trí Hải. Một bậc ni lưu tài đức song toàn trong hành ni giới mà chắc rằng từ nay sẽ khó có người thứ hai sánh kịp, như còn lưu lại dấu ấn vàng son làm ngọn đèn soi sáng thế gian đem thanh bình, an lạc đến xã hội loài người.

            Tưởng cũng nên nhặt ra lời sách tấn của cố Hòa thượng Viện Chủ PHVQT làm bài học tu thân sau: “ Người tu học Phật thường mắc phải bịnh cầu lý quên sự, hoặc trọng sự khinh lý, rồi đưa đến thiên chấp. Lại thường mang tâm bệnh bước đầu đến với đạo thì nhiệt tình tinh tấn, sau dần giải đãi, đối với đạo ngày càng xa. Do vậy, lý đạo khó có cơ thể nhập. Phần nhiều tin Phật thiếu tin thần thiết tha cầu học hiểu giáo lý,lại yếu kém thành tâm thực hành tu tập, nên về sau chỉ còn hình danh Phật tử, mà thực chất tâm tình đã vơi cạn nhạt dần với đạo tự bao giờ !” (Lời tựa sách Thiện Tài Cầu Đạo, H.T. Thích Đức Niệm, PHVQT ấn hành năm 1998)

            Lời sách tấn của cố Hòa thượng Thích Đức Niệm vô cùng thống thiết đối với người đệ tử Phật thiếu học hỏi và thiếu tu tập chắc hẳn con đường đạo bị chểnh mảng bê tha không tránh khỏi.

            Nơi Niết bàn tịnh cảnh nhìn thấy các đệ tử thân thương của Hòa thượng đang nỗ lực tinh tấn noi chí nguyện Thầy trong công việc học hỏi hành trì và dưới sự che chở của hàng tăng già thạc đức cho hàng hậu duệ từng bước tiến lên theo gương người đi trước, chắc Hòa thượng hẳn ung dung tự tại giữa hai lối đi về trong cõi thường lạc.

                                                                        Thích Bảo Lạc

                                                            Hoa Kỳ ngày 7 tháng 3 năm 2004

                                                Tưởng Niệm Ân Sư  

                                                                                    Tỳ kheo ni Thích Diệu Tánh

            Rằm tháng 8 năm nay (Giáp Thân-2004) tôi về Phật Học Viện để tham dự khóa học Phật Pháp dành riêng cho Tăng Ni do chư Tăng  giảng dạy, gồm có: H.T. Thắng Hoan dạy Duy Thức; T.T.Thái Siêu dạy Yết Ma Yếu Chỉ; T.T. Nguyên Siêu dạy Kinh Viên Giác.Riêng T.T. Phương Trượng chùa Viên Giác Thích Như Điển ở Đức quốc, đảm trách hai tuần giảng dạy về Đại Thừa Khởi Tín Luận, Trụ Trì và Hoằng Pháp cũng như cách hành xử Lục Hòa trong đời sống Tăng đoàn. Ngoài ra Thượng Tọa Như Điển còn dành thời giờ để thuyết pháp cho Phật tử mỗi tối thứ Bảy và sáng Chủ nhật sau thời Hồng Danh Sám Hối hằng tuần của Phật Học Viện, mỗi thời 2 tiếng nghe giảng pháp, Phật tử ra về trong lòng phấn khởi hoan hỷ.

            Qua suốt hai tuần lễ tu học với những Giáo Thọ Sư, mỗi vị có một lối giảng dạy riêng và chuyên  chở nhiều ý nghĩa sâu xa hầu như muốn gởi gấm những chân tình đến các đàn hậu học hiểu được hoài bảo của mình, làm cho huynh đệ chúng tôi bùi ngùi tưởng nhớ đến hình bóng của bậc Tôn Sư mà dường như vẫn còn phảng phất đâu đây.

            Ngày vía Đức Quán Thế Âm 19-2 tới đây (Ất Dậu- 2005) là tròn hai năm Thầy chúng tôi viên tịch.Nay hồi tưởng lại những ân đức giáo dưỡng và hạnh nguyện độ sanh trên bước đường hoằng pháp của bậc Tôn Sư mà trong suốt 20 năm tôi đã có nhân duyên theo Thầy xuất gia  học đạo.

            Mùa Phật Đản 2526-1982, Thầy đã đến tham dự Đại lễ Khánh Thành chùa Tam Bảo tại Montréal, Canada, và tôi đã gặp Thầy từ nhân duyên đó. Ba tháng sau, tôi qua Mỹ và đến Phật Học Viện nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu, cũng là ngày xuất gia của Sư Cô Quảng Tâm, chú Minh Đức, chú Minh Tuấn.Lễ xuất gia nầy đã tạo cho tôi một nhân duyên thù thắng cho chí nguyện xuất gia của tôi sau nầy.

            Lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là trở thành một vị Tăng sĩ, với lòng cảm kích nên xin Thầy cho được phát tâm thọ Tam quy Ngũ giới. Bắt đầu từ ngày đó, tôi trở thành Phật tử với pháp danh Diệu Tánh.

            Trong hai tháng lưu trú tại Viện, tôi được nghe giảng dạy về Lý vô thường, Nhân quả  và nghiệp báo, Hạnh nguyện và công đức của người xuất gia v.v Suốt thời gian nầy tôi cảm thấy lòng mình thật là an lạc, giải thoát làm sao. Tôi cũng được  biết thêm tâm nguyện, hoài bảo của Tôn Sư thành lập Phật Học  Viện với mục  đích đào tào những vị  xuất gia, những người Phật tử trung kiên  một nơi để nghiên cứu giáo lý, văn hóa và tu tập pháp của Đức Phật cho hàng Tăng, tín đồ.

            Tâm  nguyện như vậy, nhưng với hoàn cảnh tị nạn, lòng người hoang mang thiếu nơi nương tựa từ vật chất lẫn tinh thần. Tôn Sư khởi hành bằng niềm tin và tâm thành với sự cố gắng từng bước, vượt qua mọi khó khăn trước mắt, khắc phục mọi chướng ngại để hoàn thành sứ mạng, thành lập Phật Học Viện theo đường hướng mà Thầy đã vạch ra.

            Cơ sở Phật Học Viện tuy còn chật hẹp nghèo khó, nhưng đã có chiều hướng phát triển, mặc dù lúc bấy giờ mới chỉ có ba vị xuất gia và sáu vị đang tập sự, nhưng cũng ghi dấu đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam tị nạn là đào tạo người xuất gia nơi đất mới của xứ Hoa Kỳ, nhất là trong xã hội văn minh máy móc đầy cám dỗ, là nơi nươn tựa tinh thần của những người Phật tử có nơi tu học Phật Pháp. Thầy cũng đã lập nhà in ấn quán Ananda, in lại những Kinh sách Việt ngữ để phổ biến cho những người Phật tử ly hương, mang cho họ niềm an ủi tinh thần.

            Trước khi về lại Canada, tôi trình xin Thầy cho tôi được tiến thêm một bước nữa trên con đường học đạo giác ngộ giải thoát, đó là xin được xuất gia.

            Thầy dạy rằng: “ Ngày nào con trở lại Hoa Kỳ, Thầy sẽ chấp thuận cho con xuất gia với sáu vị kia, nếu con học thuộc Lăng Nghiêm, Di Đà, Phổ Môn và Luật Sa Di”. Nghe Thầy nói thế, lòng tôi vui mừng khôn xiết, biết rằng Thầy đã hứa khả cho tôi.

            Đêm trước ngày rời Mỹ về lại Canada, tôi xin Thầy thọ Bồ Tát Giới, hầu trong  những ngày xa Thầy, tôi lấy đó làm hành trang để giữ chí nguyện trở lại Phật Học Viện xuất gia làm người Tăng sĩ.

            Khi trở về Canada, những dư âm giảng dạy trầm hùng của Thầy và phong cách giải thoát của một vị tu sĩ làm tôi cảm thấy như có được một sức mạnh tinh thần, vì thấy rằng mình đã tìm ra hướng đi cho đời mình, nhận chân được ý nghĩa lý tưởng con đường mà mình đã quyết tâm chọn và mong ngày sớm trở lại.

            Sau một tháng, qua điện thoại, tôi trình với  Thầy rằng, tôi đã học thuộc xong kinh luật như Thầy dạy và muốn được xuất gia.

            Phật Đản 2527-1983, tôi trở lại Phật Học Viện quyết tâm “Hủy hình thủ chí tiết, cắt ái từ sở thân, xuất gia hoằng thánh đạo, thệ độ nhất thế nhân”.

            Đầu Thu, vào những ngày 2,3,4 tháng 9 năm 1983.Dù đứng trước nhiều khó khăn trở ngại, nhưngThầy vẫn khắc phục với tấm lòng nhiệt tâm vì đạo, trong tâm nguyện hoằng pháp lợi sanh, xây dựng niềm tin thêm vững chắc cho đàn hậu tấn, Thầy đã tổ chức lễ Đại Giới Đàn Thiện Hòa, trong vườn thiền Phật Học Viện Quốc Tế.Ngài đã thành tâm cung thỉnh chư Tôn đức Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng già khắp nơi như Pháp, Đức, Úc, Canada và Đài Loan về chứng minh.

            Các Ngài cũng cùng chung một niềm thao thức, nghĩ đến bổn phận trưởng tử Như Lai của mình “ tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”, hoan hỷ vân tập về Phật Học Viện để tham dự Đại Giới Đàn truyền trao giới pháp cho hành giới tử tại gia và xuất gia.

            Đức Phật dạy:” Giới Luật là thọ mạng của Phật Pháp”. Trước giờ nhập Niết Bàn, đức Phật còn ân cần tha thiết căn dặn: “Này các đệ tử, sau khi ta Niết Bàn rồi, các con hãy lấy Giới Luật làm Thầy, dù cho ta có ở đời suốt ngàn vạn năm đi nữa, mà các con không nghiêm chỉnh tôn trọng giữ gìn giới pháp, thì tuy xác thể có gần ta, nhưng tinh thần đã xa ta, xa Đạo ta lắm rồi. Giới Luật còn là Đạo Pháp còn”.

            Lễ đăng đàn của Tam sư, Thất chứng đã diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm thanh tịnh. Giới đàn Tỳ Kheo, Thức Xoa Ma Na, Sa Di, Sa Di Ni, Bồ Tát Giới và Ngũ Giới được truyền trao. Những giới tử đã cung kính, chí thành nhận lãnh giới tướng mà ba vị Đàn Đầu Hòa Thượng, Yết Ma, Giáo Thọ A-Xà-Lê Sư đã trao cho họ. Riêng tôi thị thọ Sa Di Ni giới.

            Giới là chiếc thuyền, nhằm đưa hành giả sang sông. Giới là chất liệu thanh lương trong cuộc sống tu hành, một hàng rào nhằm ngăn chận tội lỗi.

            Thực hiện Đại Giới ĐànThiện Hòa tại Phật Học Viện là một việc làm có ý nghĩa trọng đại. Trọng đại không phải vì tổ chức quy mô, đông đảo giới tử, mà trọng đại vì ý nghĩa của nó muốn nói đến sự quan tâm đặc biệt cho tương lai Phật giáo Việt Nam hải ngoại, trong đó Giới Luật là căn bản.

            Đại Giới Đàn tuy diễn ra 3,4 ngày, nhưng đã khắc ghi sâu , đậm nét vào tâm tư của những giới tử, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong đời sống tu học về cả hai phương diện nội tâm và ngoại cảnh.

            Những ngày tháng tiếp nối trôi qua, tuy sống trong thanh đạm, thiếu thốn, ( những chú Sa Di lúc bấy giờ phải ngủ trên tấm ván gỗ trong garage, vừa là nhà in Ấn Quán Ananda, bụi bậm, nóng nực, thỉnh thoảng ban đêm có những chú chuột tới chọc phá ngậm vào ngón chân của các chú), nhưng Thầy trò chúng tôi nhẫn nhục vui sống trong cảnh thanh đạm, nhưng thanh thản giải thoát. Dẫu cho tốt hay xấu, dở hay hay, thăng hay trầm, vinh hay nhục, đời người Tăng sĩ chỉ có một con đường duy nhất đã chọn lựa, đó là con đường đi đến sự giải thoát cho mình và người hữu duyên.

            Ngoài giờ tu học ra, Tăng sinh Phật Học Viện sống trong nếp sống của Thiền môn quy cũ, phải cuốc đất trồng rau, làm tương, in kinh sách để bù đắp phần nào vào chỗ yếu kém tài chánh của Viện.

            Buổi sáng sau thời  gian công phu, tĩnh tọa xong, mỗi người một trái táo và một ly nước lạnh, đó là điểm tâm của chúng  tôi. Trưa 12 giờ thọ trai, cơm rau tương đạm bạc, đây là bữa ăn chính trong ngày. Chiều 6 giờ Thầy trò chúng tôi dùng cháo  trắng, cháo đậu v.v… Tối 8 giờ là thời khóa Tịnh Độ. Nếp sống giản dị nâu song thanh đạm với tháng năm.

            Mỗi tuần, ngoài việc theo học các trường Trung Đại học công lập, Tăng sinh phải học chương trình Phật Pháp của Viện. Mỗi sáng Chủ Nhật lúc 6 giờ trời còn mờ sương, có lễ Hồng Danh Sám Hối; 8 giờ Thầy giảng kinh cho quý Phật tử. Ngoài ta nơi nào cần thuyết pháp , làm Chùa, lập Hội, nếu cần sự tiếp sức của Phật Học Viện, Thầy chưa bao giờ từ nan. Thầy bảo: “ Nơi nào cần, Thầy sẽ đến. Hết cần thầy sẽ đi. Đến đi như gió thoảng cành trúc, nhạn qua mặt hồ, không có ý đồ thanh thế lợi danh, không vướng bận ân tình thân sơ. Cánh cửa Phật Học Viện luôn luôn rộng mở đón tiếp những hoa sen lòng chớm nở, với tâm thành chánh tín cầu đạo giác ngộ.

            Thuyết giảng đó đây, những công tác Phật sự của Giáo Hội, giảng dạy hướng dẫn đồ chúng Phật Học Viện, những công tác từ thiện xã hội, dù bận Phật sự đa đoan, Thầy vẫn luôn luôn quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa truyền  thống của Dân tộc nơi xứ người, mà chính yếu là nền văn học Phật Giáo Việt Nam được nhìn thấy qua kinh điển, sách báo Phật giáo bằng chữ Việt. Do đó ròng rã suốt 24 năm qua, Thầy đã thực hiện các công tác ấn hành Kinh Sách, xuất bản các Tập San định kỳ, dịch thuật các tác phẩm và biên soạn Kinh, Luật, Luận.

            Thế rồi sự vô thường không hẹn mà đến, không ai không tránh khỏi sanh lão bệnh tử, nó cũng không ngoại lệ đối với Thầy của chúng tôi. Thầy đã thâu thần thị tịch vào năm 67 tuổi, đúng vào ngày vía Quán Thế Âm 19-2-Quý Mùi(21-03-2003) tại Phật Học Viện Quốc Tế. Xác thân tứ đại của Ngài theo luật vô thường đã không còn nữa.

            Dù thấu hiểu lẽ vô thường, nhưng những người đệ tử chúng tôi cũng không thể không buồn thương tiếc nhớ khi vị Tôn Sư vĩnh viễn ra đi. Riêng tôi, tôi luôn luôn tự nhũ lòng  rằng, hãy biến đổi lòng buồn thương tiếc nhớ thành hăng say phục vụ Đạo Pháp, vì suốt cuộc đời của Tôn Sư đã sống và làm như thế. Tôi tự nguyện dâng trọn đời mình cho lý tưởng lợi sanh, như vậy mới được một phần nào báo đền ơn cha, nghĩa mẹ, công giáo dưỡng của Thầy Tổ trong muôn một.

                                    “Ơn giáo dưỡng một đời nên Huệ Mạng,

                                    Nghĩa Ân Sư muôn thuở khó đáp đền”.

                                                                        Đệ tử, Tỳ kheo ni Thích Diệu Tánh

                                    Kính Dâng Giác Linh Sư Ông

                                                                        Ni chúng Vĩnh Phước

Nam Mô A Di Đà Phật

Kính nguyện Giác linh Sư ông

            Nghe tin Sư ông viên tịch, chúng con như lặng đi để nén những giọt nước mắt thầm lặng chảy vào bên trong. Dẫu biết rằng đó là điều không sao tránh khỏi nhưng chúng con vẫn thấy nghẹn ngào. Không nói không rằng, mỗi người nhẹ bước lên chánh  điện, kẻ khiêng bàn, người chưng trái cây, để dâng lên bàn thờ, nơi an trí di ảnh của Sư Ông. Đối trước di ảnh, chúng con thầm quán tưởng nhục thân Sư Ông đang “an nghỉ” tại Phật Học Viện Quốc Tế:

            Người nằm đó Phật Học Viện ,nơi người khai sáng

            Người nghỉ yên, nơi Người đã bắt đầu

            Xưa Người thường mặc bộ áo quần nâu

            Nay giản dị ra đi màu sắc trắng

            Ngọn suối một đời tinh khiết

            Nay kết tinh thành xá lợi tinh trong

            Con đi qua như qua suối tinh thần

            Nén tiếng khóc để lòng con tưởng nhớ.

            Đối với Sư Ông, chúng con tuy “văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình”, những gì chúng con biết về Sư Ông là qua những bộ kinh sách mà Sư Ông đã viết hay dịch thuật, trước tác và qua những lần Thầy chúng con kể về ân đức cao vời của Người. Những gì hiện tại chúng con đang có như nơi ăn, chốn ở, phương tiện học hành đều nhờ sự trợ duyên rất nhiều của Sư Ông. Trong lặng lẽ, Sư Ông là gốc trầm thơm nơi núi sâu, để mùi hương của nó lan tỏa khắp chốn thâm sơn. Người là chiếc cột âm thầm chống  đỡ ngôi nhà Phật Pháp nơi đất khách quê người. Trong từng hơi thở người những mong Phật Pháp được thăng hoa nơi xứ khách. Người đã sống như vậy và ra đi như thế. Lời di huấn cuối cùng của Sư Ông là bài pháp vô giá cho Môn đồ pháp quyến nói riêng và Tăng Ni Phật Tử nói chung. Những ai nghe trọn lời di huấn ấy đều không khỏi nức nở nghẹn ngào, họ càng cảm phục đức khiêm cung cao cả của Sư Ông, một vị Tăng suốt cuộc đời quên mình hy sinh cho đạo pháp mà chẳng bao giờ nghĩ đến công lao của chính mình. Sư Ông Chí cao, Nguyện lớn, Tâm hùng vẫn bằng lòng trú ngụ trong một xác thân khiêm tốn, nơi đời sống hằng ngày đạm bạc, một trái tim luôn thao thức tìm cơ duyên để phụng sự đạo pháp và dân tộc. Tất cả những kinh sách mà Người đã biên soạn, dịch thuật hay trước tác cũng là để chuyên chở cho lý tưởng phụng sự nhân thế bằng con đường Phật, khiến cho hạt giống  bồ đề nảy sinh trong tâm bao người con hướng đạo và làm cho vườn hoa đạo pháp ngày càng tỏa ngát mùi hương.

            “Thầy là bóng cây che mát chúng con

            Thầy là ánh sáng dăt dìu lòng son

            Thầy là con thuyền thanh lương đưa chúng con đến bờ thơm hương

            Thầy theo hạnh nguyện pháp vương mang gương lành sáng soi mười phương”.

            Từ lúc biết Sư Ông thực sự ra đi, Thầy chúng con đã nén bao nỗi đau lòng, nuốt nước mắt để lo tổ chức Lễ Truy Điệu và rổi Người đã bậc khóc khi đọc tiểu sử của Sư Ông trước hơn hai trăm chư tôn đức đang ngồi chứng minh buổi lễ, khiến ai cũng nghẹn ngào.

            Kính bạch Giác linh Sư Ông

            Từ lâu chúng con những âm thầm mơ ước được một lần yết kiến để vấn an sức khỏe Sư Ông, mơ ước một lần Sư Ông trở về Việt Nam thăm lại quê hương và viếng thăm Thầy trò chúng con. Đến bây giờ con đã biết chắc Sư Ông sẽ không bao giờ trở về với chúng con nữa. Giờ đây Người đã “xả báo thân nhi chứng chơn thân, ly uế độ hườn quy tịnh độ”, Người đang ngự trên thượng phẩm thượng sanh, cảnh giới của Đức Phật A Di Đà. Chúng con xin thành tâm chắp tay bái biệt Người; xin Người hãy hườn quy Ta Bà để tiếp tục cứu độ chúng con. Dù Sư Ông đã vắng bóng nơi cõi Diêm Phù nhưng hình ảnh và ân đức của Người sẽ còn sáng mãi trong chúng con và trong tất cả chúng sanh.

            Nơi đất Việt xa xôi, chúng con xin chắp tay cúi đầu vọng bái Giác linh Sư Ông, ngưỡng nguyện mười phương chư Phật phóng quang tiếp độ Sư Ông cao đăng Phật quốc.

                                    Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật Ni chúng Vĩnh Phước

                                                            Nhớ Thầy

                                                                                    Thích Quảng Thiện

            Ý thức mơ hồ đầu tiên đến với tôi là ánh sáng, ánh sáng tỏa khắp căn phòng. Nhưng tôi không có một thắc mắc nào. Chỉ như thế rồi tôi tiếp tục chìm vào cơn mê. Không biết bao lâu sau đó, tôi tỉnh lại, lờ mờ thấy giường và mọi vật xung quanh có vẻ ngăn nắp, trật tự. Nhưng trước khi tôi có một ý thức để phân  biệt  rõ ràng thì tôi lại tiếp tục chìm vào cơn mê. Không biết đến lần tỉnh dậy thứ mấy thì tôi mới mơ hồ có cái ý thức thắc mắc mình đang ở đâu đây và tại sao trong đầu mù mịt thế này. Và cũng chỉ như vậy, tôi lại thiếp đi vào giấc ngủ triền miên do ảnh hưởng của thuốc mê. Cứ như vậy đó, tôi ngủ suốt ngày suốt đêm cho đến hơn ba tuần lễ mới tỉnh dậy, ý thức mới bắt đầu làm việc, có thể liên kết được chuyện trước chuyện sau, dù vẫn còn lờ mờ. Khi đó, qua những câu chuyện của các Phật tử nói với nhau lúc đến thăm  tôi, mới biết rằng mình được  đưa vào bệnh viện và tôi cảm thấy buồn, buồn là làm sao không thấy có thầy, sư huynh, sư đệ, sư tỷ đến với tôi…Trong hơn ba tuần lễ lúc mê lúc tỉnh, thực ra mê nhiều hơn tỉnh đó, có vẻ như tôi sống nhiều với những giấc mơ, phần lớn là những gì đã xãy ra trong cuộc đời của tôi.

            Buổi sáng 5 giờ chuông reo thức dậy, không ai bảo ai nhưng tất cả đều tập trung tại bảo điện cùng nhau tụng công phu khuya. Xong rồi ai về phòng nấy, có thể nói đó là giờ phút rãnh rỗi ai làm gì cũng được. Có người tập thể dục, có người lấy sách ra đọc, có người làm bài vở trên trường chưa làm xong. Riêng với Sư phụ, tôi để ý , bao giờ cũng vậy cả không sai một ly, sau khi cởi y hầu, Thầy mở cửa sổ của tịnh thất và xuống lầu, vào phòng tắm mang vớ mang giầy rồi đi bộ, ngày nào cũng như ngày nào, chỉ có thứ Bảy và Chủ Nhật là khác lệ, Thứ bảy , không tụng kinh buổi sáng, nhưng mọi huynh đệ đều lấy Phật Học Phổ Thông học thuộc cái bài mà mình phải học để tập thuyết giảng. Bài rất là dài, mọi người đều phải cố gắng cho thuộc, trình bày cho thật rành rẽ mạch lạc, quan trọng nhứt là giọng nói phải rõ ràng khúc chiết, chỗ nào cần nhấn mạnh. Đã bao nhiêu lần Sư phụ đã nghe, đã biết và ngay cả có thể nhớ từng lời nói, hành động của người diễn giảng, nhưng Sư phụ vẫn luôn luôn nghe, nghiêm chỉnh chứ không mỏi mệt,rất sinh động. Đôi khi người  giảng quên mất một câu, một bài kệ, nếu cần nhắc thì Ngài nhắc, nếu không cần  thì lướt qua cũng được. Chứ không mỏi mệt như chúng  tôi, chỉ cần nghe chừng một lần là chán nản không muốn nghe nữa. Sư phụ dạy và nghe như vậy đến bốn mươi năm không mệt mỏi, vì sao vậy? Vì từ trong thâm tâm.Ngài muốn chúng tôi biết tu, biết học, hiểu Phật Pháp và có thể giảng Phật Pháp cho người khác, chứ không phải thổi kèn thì nghe kèn, đánh trống thì nghe trống. Sư phụ rất ít nói, khi nói thì nói những  điều quan trọng. Mỗi lần Thầy nói là chúng tôi lắng nghe, và tâm tư tình cảm của chúng  tôi như tươi mát, thay đổi theo từng lời nói của Thầy.Cuối mỗi buổi tập giảng, Thầy thường nhắc nhở cho chúng tôi từng cái ưu khuyết điểm bằng lời nói rất êm dịu, ngọt ngào nhưng thâm sâu của Thầy…

            Và Chủ Nhật, lúc nào  cũng vậy, đúng 6 giờ, khi chúng  tôi cũng như các Phật tử đã tề tựu đầy đủ trước chánh  điện thì Thầy ra để bắt đầu khóa lạy Hồng danh sám hối. Lễ sám hối xong, nghỉ một lúc, đúng 8 giờ thí Thầy thuyết pháp. Bằng giọng nói rõ ràng, lời nói bình dị dễ hiểu, những thời thuyết pháp của Sư phụ bao giờ cũng đi đến kết luận khuyên mọi người hiểu  rõ tính vô thường, lý nhân quả của cuộc đời để đừng đam mê cuộc sống dục lạc mà nên nhanh chóng tiến tu đạo nghiệp, kẻo không kịp…

            Những ngày Sư phụ đi hoằng pháp, ở nhà huynh đệ chúng tôi cũng kinh kệ, cũng tiếp khách, cũng làm việc như bình thường nhưng sao nghe trong lòng thiếu vắng làm sao ấy; đến khi Thầy về, tuy chưa gặp Thầy mà mọi người đã vui và thấy ấm  trong lòng…

            Từ nhỏ, tôi thường theo mẹ lên chùa, một ngôi chùa nhỏ gần nhà ở Vạn Giả, huyện Ninh Hòa, gần Nha Trang.Lớn hơn, chắc từ khoảng 11 hay 12 tuổi trở lên, tôi đã có thể thường xuyên đi chùa một mình để tụng kinh, giúp việc lặt vặt trong chùa. Nhiều lúc, cả hai thầy trong chùa có Phật sự đi vắng hết, tôi ở lại đêm để thắp nhang, đóng chuông và trông nom chùa. Tôi đã thích không khí và khung cảnh thiền môn ngày từ khi đó. Nhưng cái  duyên đưa tôi vào cửa Phật, trở thành một tu sĩ, phải đợi đến sau này khi tôi theo gia đình sang định cư tại Mỹ ở Simi Valley thuộc Los Angeles, California.Nơi tôi  ở không có chùa. Một hôm, lúc bấy giờ tôi 23 tuổi và đang học College, tình cờ tôi thấy được một quyển sách hay báo, trong đó có điạ chỉ của Phật Học Viện Quốc Tế, không xa nơi tôi ở lắm. Tôi liền lái xe tìm đến. Lần  này , tôi chỉ gặp được sư cô tri khách và biết rằng Thầy đang đi hoằng pháp. Khoảng 2 tuần sau đó, tôi lại tìm đến. Lần này, sư cô tri khách hướng dẫn tôi đi gặp Thầy. Cử chỉ từ tốn, phong thái thanh thoát, cách nói chuyện và những lời khuyên nhủ của Thầy khiến tôi như thấy được đâu là cuộc  sống mà tôi thực sự mong muốn. Tôi ngỏ ý xin xuất gia, Thầy hoan hỷ tùy thuận, nhưng khuyên tôi nên suy nghĩ chin chắn. Ngày hôm sau, sau khi để lại một bức thư cho mẹ và anh  chị em, tôi nhờ đứa em kế lái xe đưa tôi đến Phật Học Viện để bắt đầu một cuộc sống mới…

            Thầy làm cái gì cũng nhẹ nhàng từ tốn, từ cách đi đứng nằm ngồi, cử chỉ ăn uống đến những động tác đóng cửa mở cửa, tưới cây làm vườn. Thầy cũng thường kể những tấm gương đạo hạnh cao quý của những bậc tôn túc mà Thầy đã có dịp thân cận học hỏi. Những điều này đã tác động và ảnh hưởng chúng tôi không ít. Tôi có một trách nhiệm là mở đèn trong sân Viện mỗi chiều tối. Đèn thì nhiều và mỗi cái có công- tắc riêng. Thỉnh thoảng tôi quên. Những lúc như thế, tình cờ tôi thấy Sư phụ lặng lẽ mở hết cái này đến cái khác mà không là rầy hoặc kêu bảo người khác làm. Thấy như thế tôi hối hận và tự nhủ đừng để xãy ra như thế nữa…

            Những giấc mơ với những sinh hoạt trong quá khứ như vậy cứ tiếp diễn trong suốt hơn 3 tuần lễ. Đến khi tỉnh hẳn, tôi mới biết mình bị tai nạn, bị chấn thương trầm trọng trên đầu, được đưa vào bệnh viện. Các huynh đệ, sư tỷ và Phật tử của chùa đã đến thăm tôi thường xuyên, đứng bên giường niệm Phật để tâm thức tôi nghe và cầu nguyện Đức Quán Thế Âm gia hộ cho tôi sớm bình phục. Ngoài ra, tôi cũng được biết hằng đêm huynh đệ và gia đình tôi tụng Sám Dược Sư tại chùa để cầu nguyện cho tôi.

            Tôi cũng biết rằng trong khi tôi nằm mê man trên giường bệnh, Sư phụ trở bệnh nặng, phải đưa vào cùng một bệnh viện với tôi, nhưng khác lầu, Ngài được điều trị ở lầu ba còn tôi thì nằm ở lầu một. Dĩ nhiên tôi không hay biết và do đó, cũng không thể đi thăm viếng và chăm sóc cho Thầy. Sau này nghĩ lại, tôi cảm thấy rất là tiếc. Thầy có hiểu cho con không?

            Sau một thời  gian điều trị, qua cơn nguy hiểm nhất thời có thể lấy đi sinh mệnh, Sư phụ được đưa về chùa để tỉnh dưỡng.Dù vết thương nơi gan vẫn tiếp tục hành hạ và càng ngày càng hủy hoại sức khoẻ, nhưng Thầy, vẫn bình thản chịu đựng. Hàng ngày, nếu không có gió nhiều, Thầy mặc áo ấm, đội mủ len và đi bộ trong sân Viện, vừa đi vừa niệm Phật. Những lúc không ra được bên ngoài, Thầy  đi bộ trong Tổ đường hoặc ngồi trên bồ đoàn niệm Phật. Thầy luôn luôn giữ được sự tinh tấn và nghiêm túc như thế cho đến lúc xác thân tứ đại suy kiệt và Thầy đã thuận theo lẽ vô thường của cuộc đời, thị tịch đúng vào ngày khánh đản của Đức Quán Thế Âm, 19 tháng 2 năm Quý Mùi.

            Sư phụ mất đi, tôi choáng váng như mất đi một điểm tựa chính trong cuộc sống tu hành của mình. Nhưng dần dần nghĩ lại, tôi vẫn thấy còn  đó và còn mãi mãi cho mình noi theo, tấm gương đạo hạnh, tinh tấn, nghiêm túc về giới luật cũng như hạnh nguyện độ sanh của Ngài.

                                                                                    Thích Quảng Thiện

 

-Thơ Văn Tưởng Niệm     

 

 

                                                Khóc Thầy

                                                                                    Diệu Thanh

Còn đâu nữa mỗi lần đưa rước

Rước Thầy về thuyết pháp giảng kinh

Đưa Thầy đi Cali miền nắng ấm

Phật Học Viện là nơi Thầy an trụ

Nuôi Tăng ni để đào tạo lớp sau

In kinh sách để hoằng dương chánh pháp

Hạng nguyện Thầy cao cả biết là bao

Con thương kính vô vàn thương kính

Nay Thầy đi con thương tiếc vô cùng

Giáo hội mất một cao tăng đức độ

Riêng chúng con mất Sư phụ hiền hòa

Con đau lắm Thầy ơi con đau lắm

Giờ phút nầy con biết nới gì đây!

Con chỉ biết cúi đầu niệm Phật

Cầu cho Thầy về với Phật Di Đà

Miền Cực lạc Thầy an vui đi nhé

Nơi trần thế con nhớ lời Thầy dặn

Phải siêng năng tinh tấn tu hành

Cầu  giác ngộ để giúp người và hộ đạo

Thôi vĩnh biệt ngàn thu vĩnh biệt

Chào tạ từ con kính chúc Thầy đi.

                                                Diệu Thanh Kính Bái

                                                Chicago,ngày 23-3-2003

 

                                                Ngọn Gió Cuối Thu

                                                                        Thích Như Điển

            Ca dao xứ Huế có câu:

                        “Trăm năm trước thì ta chẳng có

                        Trăm năm sau có cũng như không

                        Cuộc đời sắc sắc không không

                        Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi”.

            Đúng là như thế! Vì cái gì của ngày hôm qua, chẳng phải là của ngày hôm nay và cái gì của ngày hôm nay, sang ngày mai sẽ còn nhiều sự thay đổi nữa. Do vậy cuộc đời nầy có có không không là thế đó.

            Đứng trong khuôn viên Phật Học Viện Quốc Tế tại North Hills ngày hôm nay (2004), so với hơn 20 năm về trước, tôi thấy khác xa nhau nhiều lắm. Trong đó có niềm vui lẫn nỗi buồn xen lẫn. Vui vì ngày nay khuôn mặt  của Phật Học Viện đã đổi khác rất nhiều, đẹp hơn, xanh hơn và khung cảnh chung quanh chùa toát lên một vẻ thoát tục; những cây ăn trái như vươn cao mãi lên tận trời xanh; những đóa hoa nhiều màu sắc đã tô điểm cho viện thành ngôi Già Lam thật yên tĩnh trong không gian động của vùng thung lũng nầy.

            Xót xa và một chút buồn đã len lỏi vào hồn  tôi, như gợi nhớ về một bậc Tôn Sư khả kính, bây giờ không còn hiện hữu nơi cõi thế này nữa. Đó là cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm, người đã khai sơn ra Viện này.Ngài đã vĩnh viễn ra đi vào cuối tháng 3 năm 2003 vừa qua. Thấm thoát mà cũng sắp đến ngày Đại Tường rồi. Đúng là thời gian chẳng đợi chờ ai cả.

            Tôi gặp Ngài từ năm 1979/80 khi Ngài từ Đài Loan sang Hoa Kỳ; nhưng thật ra khi ở Nhật từ năm 1972 tôi đã có được liên lạc với Ngài  từ thuở ấy. Cái thuở mà tôi vẫn còn là một Tăng sinh du họa ở xứ Phù Tang. Còn Ngài cũng là người đang cặm cụi để chuẩn bị cho luận án Tiến Sĩ ra trường của mình tại Đài Loan nơi xứ lạ quê người ấy.

            Tôi đã gặp cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân,Viện trưởng Viện Đại Học Đông Phương và đã hầu chuyện  cùng Hòa Thượng Thích Đức Niệm bên chung trà tại trung tâm Quốc Tế Thiền Viện tại Los Angeles. Năm 79 khi Hòa Thượng Thích Thiên Ân còn tại thế, Hòa Thượng Thích Đức Niệm cũng đã góp công sức vào, như là một Phó viện trưởng của viện Đại Học Đông Phương. Sau khi Hòa Thượng Thích Thiên Ân viên tịch năm 1980 thì Hòa Thượng Thích Đức Niệm đã dời về nơi  hiện tại, mà suốt hơn 20 năm qua, Ngài đã ra công tô bồi vun đắp cho nơi này để trở thành một trung tâm đào tạo Tăng tài cũng như xuất bản kinh sách rất nhiều loại, để cung ứng cho nhu cầu học Phật của chư Tăng và Phật tử khắp nơi. Thật là một việc làm mà khó có ai có thể thực hiện được như thế.

            Năm rồi(2003) Hòa Thượng viên tịch, tôi đã không đến đưa đám được. Vì lẽ có nhiều Phật sự đã đề ra trước tại Âu Châu và năm nay nhân chuyến hoằng pháp tại Hoa Kỳ trong tháng 4 vừa qua, tôi có ghé thăm Viện và đảnh lễ giác linh Hòa Thượng, lại gặp được Hòa Thượng Thích Minh Tâm và Hòa Thượng Thích Bảo Lạc ở đây, sau khi dự tuần Tiểu Tường. Quý Ngài và anh  em Tăng Ni trong viện có ý muốn có những buổi học cho Tăng chúng trong Viện được tiếp tục như khi Hòa Thượng còn tại thế; nên tôi đã nhận liền và thế là năm nay (2004) có 2 lần sang Mỹ.Lần thứ 2 nầy được sắp xếp vào ngày 27 tháng 9 đến ngày 15 tháng 10 năm 2004. Đề tài mà tôi đã hướng dẫn cho Tăng Ni là: Đại Thừa Khởi Tín Luận, Yết Ma Chỉ Nam, huấn luyện trụ trì và diễn giảng. Còn đề tài mà tôi thuyết giảng cho các Phật tử tại gia vào 2 cái cuối tuần gồm 4 buổi giảng là Quy Nguyên Trực Chỉ. Đã có 17 vị tại Viện và các nơi về tham gia tu học trong suốt 2 tuần lễ qua, không khí thật vui tươi hoan hỷ. Giờ đây ngự trên liên tòa, chắc rằng Giác linh của Hòa Thượng sẽ hoan hỷ. Vì khi nhìn xuống thầy đệ tử của mình đang thực hành di huấn đã để lại. Đó là “tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”.

            Trong khi giảng, tôi đã có đề cập đến những kỷ niệm của tôi đã có với cố Hòa Thượng để học chúng Tăng Ni nghe và tưởng niệm về tôn sư của mình. Đó là một câu chuyện như bao nhiêu câu chuyện của thiền môn thuở trước.

            Một hôm Hòa Thượng bảo tôi rằng: “ Thầy Như Điển có biết không! Ngày xưa khi mới vô chùa, Thầy tôi giao cho tôi cái chuông và cái mõ. Bây giờ sau bao nhiêu năm sách đèn để học xong học vị Tiến Sĩ, rồi tôi cũng trở về vị trí của mình. Đó là cái mõ và cái chuông mà thôi!” Quả thật là như vậy. Đời người Tăng sĩ, cái trí tuệ mới là sự nghiệp, chứ đâu phải bằng cấp là sự nghiệp. Do vậy chuông mõ vẫn đi đầu, cho nên người xưa đã ví:

                        “Muốn đi tu công phu chưa có

                        Muốn lên chùa chuông mõ cũng không”.

Nếu người đi tu mà hành trình chuông mõ không có thì không thể nào đi vào cõi đạo được. Vì vậy chuông và mõ vẫn là 2 pháp khí quan trọng của nhà Thiền.

            Ngày xưa , cách đây 40 năm về trước. Năm ấy (1964) khi tôi mới vào chùa, xuất gia học đạo. Thầy tôi bảo: Con hãy mua sách vở để đi học. Tôi trả lời rằng: Bạch Thầy đi tu rồi, còn phải đi học để làm gì? ,Thầy tôi gõ yêu lên đầu một cái rồi bỏ đi. Lúc ấy  tôi tròn 15 tuổi.

            Thời gian qua , tôi nhờ câu niệm Phật và tiếng kinh lời kệ mà học hành rất tiến bộ v àvì thế,tôi rất hãnh diện về thành quả của mình. Thế rồi Thầy tôi bảo: “ Dẫu cho ông có bao nhiêu cái bằng của nhân. Tiến Sĩ cũng không bằng một bài kinh Bát Nhã” Tôi nghe lúc ấy cũng hơi bất đồng với Thầy, nên đã thưa lại rằng tại sao lại như vậy?

            Thầy bảo: Ông hãy nhìn xem, khi ông đến nhà Phật tử đưa cái bằng Tiến Sĩ ra, đâu có ai cho ông ăn được một bữa cơm nào, nhưng nếu ông tụng được một bài kinh Bát Nhã cho nhà họ, thì ông sẽ có cơm ăn liền”.Tôi thấy có lý: nên không giám hỏi tiếp nữa.

            Mấy mươi năm sau, đã tu, đã học, đã làm Phật sự đó đây, cử nhân tôi đã có, học vị Tiến Sĩ thì chưa, nhưng tôi đã cảm nhận được điều đó là chí lý. Nhưng khi dạy học trò, đệ tử thì tôi luôn nói như thế nầy:

            “ Sự học nó không làm cho người  tu giải thoát được; nhưng nếu muốn mở cánh cửa giải thoát kia thì không thể thiếu sự tu và sự học được”. Đó là thời buổi bây giờ. Vì ngoại giao, vì tiếp xúc với đời; nên bằng cấp, sự học nó chỉ là phương tiện mà thôi, chứ quyết không phải là mục đích. Nhiều người bảo tôi là xem trọng bằngcấp, nhưng thực tế  thì tôi quý những người có tu và có học; nếu không như thế, thì Phật giáo tương lai sẽ tiến về đâu?

            Nhớ lại lời cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm đã nói bên trên cũng giống như vậy thôi. Học cái gì, tu cái gì, thì cái chuông cái mõ đối với người tu vẫn là điều quan trọng hơn những bằng cấp khác. Điều ấy Hòa Thượng đã chứng thực.

            Sau  khi Hòa Thượng vắng bóng, học viện trở nên trống vắng. Tôi về đây mấy ngày đầu thấy lòng mình se thắt lạ thường. Vì tôi biết rằng: Ai rồi một ngày nào đó cũng phải ra đi thôi. Mấy ai biết  được rằng: cuộc sống này vốn vô thường và sự vô thường ấy có bỏ sót một ai đâu. Tôi đứng nhìn những cây nhãn sây trái, những quả lựu màu đỏ ối. Rồi những cây hồng cho ra những quả mọng chín, ngọt lịm nơi môi khi thưởng thức. Những trái thanh long v.v. công ấy ai vun bồi và cây ấy ai tưới nước, mà thế hệ thứ hai ở đây ngày nay đã gặt được quả? Vì vậy cho nên:

                        “Ẩm thủy truy nguyên=Uống nước nhớ nguồn”

                        Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”…

Là bổn phận của những người đi sau phải nhớ ơn vậy.

            Khi lên chánh điện Phật Học Viện Quốc Tế, tôi thấy một câu thật có ý nghĩa được treo trên tường như sau:

                        “Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng

                        Nghĩa ân sư muôn thuở khó đáp đền”.

Hai câu này thật quá hay. Ơn giáo dưỡng đối với nghĩa ân sư. Một đời nên huệ mạng đối với muôn thuở khó đáp đền. Quả là tuyệt diệu. Người xuất gia không có gia đình riêng; nhưng chúng ta có một đại gia đình. Đó là cộng đồng Tăng lữ. Chúng ta sống trong pháp Lục Hòa và cái đức chúng ầy như biển cả mênh mông vô tận.

            Tôi đứng từ trên bảng, nhìn xuống phía dưới, thấy mặt mày rạng rỡ của Tăng Ni khi hiểu bài, và cũng đọc được nơi tâm họ, khi thấy họ buồn vời vợi với những giọt nước mắt lăn tròn trên má. Đó là lúc nhắc lại hình bóng của Tôn Sư. Đúng là: “Làm con muốn báo ơn cha mẹ, nhưng giờ đây cha mẹ không còn nữa”.

            Thông thường là thế, những gì người ta đang có  trong tay, người ta ít trân quý, để khi bị mất  đi rồi thì giá trị ấy mới vô song, không có  gì sánh kịp.

            Sau gần 2 tuần, quý Tăng Ni học với Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, Thượng Tọa Thái Siêu, Thượng Tọa Nguyên Siêu và tôi hướng dẫn; vào ngày  cuối, có một giờ tâm sự cũng như nói lên cảm tưởng của mình.

Bao nhiêu tiếng nói tri ân, cảm niệm những  tấm lòng đến Thầy Giám Viện, đến các vị giảng sư. Còn có thêm những tiếng nói thổn thức từ cõi lòng của những đứa con đã mồ côi sư phụ.Ngày xưa người ta bảo:

                        “Còn cha gót đỏ như son
                          Mai kia cha chết gót con đen sì”

            Rất đúng với trường hợp và hoàn cảnh nầy. Tôi thấy họ, những người đệ tử của Hòa Thượng bây giờ có những giọt nước mắt cảm thông hơn, yêu thương nhau hơn trong  tình  huynh đệ pháp lữ. Tình Linh Sơn cốt nhục. Quả thật là phép Phật nhiệm mầu. Xin Giác Linh Thầy hãy về đây chứng giám.

            Tôi cũng bị cảm động lây, mắt tôi cũng tự nhiên cay xé và không  chờ đợi, những giọt nước mắt đã lăn tròn trên 2 gò má. Tôi thật sự xúc động. Tôi cũng mong rằng những sợi dây liên kết thiêng liêng ấy sẽ xâu lại thành sợi dài, để kết nối sự yêu thương, đùm bọc trong huynh đệ với nhau khi tôn sư vắng bóng, thì dẫu cho có ở cõi nào đi nữa, Giác Linh Hòa Thượng cũng hoan hỷ vô cùng.

Sau hơn 2 giờ tâm sự như thế vào ngày 11 tháng 10 năm 2004 tại phòng học, tất cả học chúng rời phòng học, ra sân rồi về phòng riêng. Bỗng nhiên tôi thấy trời đất đổi thay; gió thổi xào xạc, nhưng chỉ riêng trong vườn chùa của học viện mà  thôi. Dường như Thầy đã về đây để chứng giám những gì mà đệ tử của Thầy đã thành tâm sám hối và ngưỡng vọng về giác linh Hòa Thượng.

            Tôi  hơi lạnh  người, vì khung cảnh về đêm; nhưng tôi cũng tin là điều ấy có thật. Bởi lẽ trời hôm đó trong lắm; nhưng tại sao lại có gió mạnh, mà gió ấy chỉ xảy ra chỉ tại một  chỗ, đó là Phật Học Viện Quốc Tế. Chắc rằng giác linh Thầy đã về để chứng  giám cho lòng thành của những người đệ tử vậy.

            Nghe đâu hôm lễ cung tiến kim quan của Hòa Thượng cũng như thế. Quý Thầy trong Ban Tang Lễ đã dựng lều để dự định sáng mai đưa kim quan ra đó để an trí cho rộng rãi hơn. Thế nhưng đêm về gió lộng, khiến cho lều bay hết cả. Điều ấy có nghĩa là tâm niệm của  Hòa Thượng muốn được  viếng thăm chánh điện của chùa lần cuối. Nhất là từ sau khi xây xong (2003) đến nay, vì bệnh duyên nên Hòa Thượng đã không có dịp lên lễ Phật, cũng như dẫn lễ cho chư Tăng và Phật tử như lúc bình sinh. Cuối cùng rồi ước nguyện của Hòa Thượng cũng đã được thành tựu.

            Sau khi thiêu, theo lời di chúc, thân cát bụi của Hòa Thượng, đã được rãi vào lòng của biển cả. Thế là hết một đời. Những  gì của đất, gió, lửa xin trả về cho đất, nước , gió, lửa vậy. Đến và đi vô ngại giải thoát như vậy, thật là tự tại của một nhà tu, mà nhà tu ấy không lấy danh lợi hay học vị của mình để đi độ sanh, mà chỉ lấy lòng từ bi và trí tuệ để đi chuyển hóa nhân sinh đây đó trên khắp nẻo luân hồi nầy.

            Ngọn gió thu đã đổi chiều, hiu hiu thổi đến. Những lá dâu vàng rực đã lìa cành, rơi rụng khắp sân cỏ của chùa, dệt nên những  tấm thảm chen lẫn màu xanh vàng, như một giải lụa có nhiều màu sắc, đẹp tuyệt vời. Ngọn gió càng ngày càng thổi mạnh làm  cho nhiều loại lá trên các thân cây bắt đầu đổi màu, để rồi rơi rụng khắp đó đây. Như để tô điểm thêm cho khuôn viên của Phật Học Viện, vốn đã nên thơ rồi, lại càng đẹp hơn nữa bên ánh sáng mùa thu đã dịu bớt đi sau một mùa hè rực rỡ và chính những cơn gió thu ấy cũng đang mang đến sự mát dịu cho biết bao nhiêu tâm hồn hướng thượng tại nơi đây.

            Trước giác linh Thầy, tôi đã thầm khấn nguyện là mong Hòa Thượng gia hộ cho Phật Học  viện Quốc Tế ngày càng thêm phát triển và đồ chúng nơi đây , xuất gia cũng như  tại gia, lúc nào cũng như lúc nào phải biết thương yêu nhau hơn theo tinh thần Lục Hòa,như bài kinh thường tụng vào giờ ngọ trước khi chư Tăng thọ thực, thì quả là đáng quý, đáng ghi nhớ biết là dường bao !

            Mùa thu, vốn là mùa đẹp nhất của thi nhân, mùa của sự tưởng niệm và cũng là mùa  của những người đang mất cha hay mẹ. Ở đây quý Thầy, Cô tại Viện cũng đã mất đi một bậc Thầy khả kính. Nhưng trong sự mất mát ấy quý vị hãy còn rất nhiều. Đó là một lối để đi về theo hạnh nguyện độ sanh của Sư Phụ mình.

            Kỷ yếu sắp thành hình để đánh dấu ngày Đại Tường của Hòa Thượng, chúng tôi bậc hậu học, xin đốt nén tâm hương để dâng lên Ngài và cầu nguyện cho giác linh Ngài cao đăng thượng phẩm. Cùng lúc xin dâng cảm nghĩ thô thiển này lên Hòa Thượng và kính nguyện Hòa Thượng thùy từ chứng giám cho.

                                                                        Thích Như Điển

                        Viết xong vào một sáng cuối thu tại Phật Học Viện Quốc Tế (12-10-2004)

                                                Tỳ Kheo Quê Mùa

                                                                                    Thích Quảng Điền

            Hồi đó, những ngày đầu mới vào cửa Phật, tôi thường hay chạy giỡn nô đùa. Dường như bất cứ chuyện gì cũng có thể làm cho tôi bật cười được cả.

            Mấy điệu nhỏ thức dậy công phu khuya gục lên gục xuống tụng thần chú Lăng Nghiêm chữ còn chữ mất, lộn xộn làm cho Sư chú Minh D. gõ mõ kiểu nào cũng không đều nhịp, bực quá, chú liệng dùi chuông xuống chỗ mấy Điệu.Mấy Điệu giật mình hoảng vía, hết ngủ gục, tụng lên om sòm. Thế là sáng hôm ấy chúng tôi kể cho nhau nghe chuyện hồi khuya, ai nấy ôm bụng mà cười. Chú Minh C.tụng kinh líu lưỡi chữ này ra chữ kia, Sư cô Diệu T. xướng lộn giọng tụng cầu siêu thành ra vọng cổ v.v.. nhiều lắm và chuyện nào cũng vui cả.

            Thật ra, khi xuất  gia tôi cũng đã 20 tuổi rồi, đâu còn nhỏ gì nữa. Vậy mà ngộ lắm, hình như hễ làm Điệu thì tự nhiên giống như con nít. Lúc ấy tôi chỉ biết : tụng kinh, học kinh, niệm Phật, trực nhật, hành đường, quét lá, vậy thôi. Tôi không lo lắng, nghỉ ngơi gì hết, dù trời sập tôi cũng không lo không sợ. Nói vậy, chứ mà sợ Sư phụ lắm. Hễ Thầy kêu lên một tiếng là xếp ra liền. Lần nọ, tôi giỡn vui quá, chạy băng ngang qua chánh điện mà cũng không để ý, không hay biết  gì cả. Tôi bị Thầy bắt gặp. Thầy không rầy về việc này mà lại nói: “ Con xếp mền chưa ngay” Tôi liền xá Thầy rồi trở về phòng để xếp mền lại. Nhưng mền đã rất ngay ngắn, thẳng thóm. Tôi chợt ngờ lại, Thầy còn đứng ngoài chánh  điện, chưa vào phòng mình mà, làm sao biết được mền mình xếp ngay hay không? Tôi suy nghĩ hoài mà cũng không thông.Vì vậy, suốt ngày hôm ấy tôi không chạy giỡn mà cứ suy nghĩ mãi câu nói của Thầy. Sáng hôm sau, tôi chịu hết nổi, đi ngay vào tịnh thất định hỏi Thầy cho rõ mọi việc vì rõ ràng Thầy chưa vào phòng mình và mình đã xếp mền rất ngay sao Thầy lại nói không. Tôi vừa bước chân vào tịnh thất, chưa kịp đảnh lễ, chưa kịp thưa hỏi gì cả thì Thầy đã nói; “ Trọn ngày hôm qua  con xếp mền rất ngay ngắn”. Tôi giật mình, và chợt hiểu ra, Thầy mượn chiếc mền xếp không ngay để nói lên thân tâm mình còn động quá, cứ mãi nô đùa đến nỗi chạy ngang qua chánh điện mà không biết. Tôi không còn nói được gì và cũng không cần phải nói gì nữa vì tôi đã hiểu rồi. Tôi bèn đảnh lễ Thầy và lui ra, lòng cảm thấy lâng lâng nhẹ nhỏm  vô cùng.

            Lời Thầy bình dị nhưng dường như có lúc chứa đầy mật ngữ trong ấy. Vài hôm sau, có Phật tử Minh H. đến viện làm công quả. Tôi đem việc trên kể cho chú nghe. Chú cười và nói rằng: “ Tại chú  mới vào viện nên  chưa biết, chứ tôi thì biết. Thầy tuy nói lời giản dị, nhưng mình phải suy nghĩ kỹ mới hiểu. Hình như Thầy muốn mình phải suy nghĩ để hiểu ý của Thầy. Nhiều năm trước, lúc ấn quán Ananda của viện còn hoạt động, cả gia đình tôi thường hay về viện giúp Thầy xếp giấy đóng kinh sách. Khi ấy, Thầy ươm rất nhiều vạn thọ. Một hôm, Thầy bảo với má tôi: “ Phật tử Diệu H. cần bao nhiêu cây vạn thọ, Thầy tặng cho”.Má tôi thưa ‘Mô Phật.bạch Thầy, cho con xin 80 cây’. Thầy nói ’80 cây à’. Thôi 100 cây nhé’. Má tôi lại trả lời: ‘Dạ 80 cây thôi’ cây đủ rồi. Thầy lại nói: ‘Vạn thọ mà 100 cây nhé’. Má tôi trả lời: ‘Dạ 80 cây thôi’

            Lúc đó , má tôi không hiểu ý Thầy. Khi về đến nhà, má tôi mới suy nghĩ; Thầy muốn tặng mình vạn thọ. Mình xin 80 cây, sao Thầy cứ bảo mình lấy 100 cây hoài. Một hồi , má tôi chợt hiểu, thì ra Thầy muốn chúc má tôi sống lâu 100 tuổi mà má tôi không chịu nhận. Má tôi nói: biết vậy. lúc đó má nhận 100 cây, bây giờ nghĩ lại tiếc quá”.

            Cuộc sống của Thầy vô cùng giản dị. Quần áo của Thầy có khi vá 5 vá 7. Không phải Thầy không có quần áo lành lặn để mặc, nhưng Thầy muốn dùng cho đến khi hết vá được mới thôi. Mỗi lần chúng tôi thưa hỏi Thầy về việc này , Thầy  chỉ nói: “ Tín thí khó tiêu”. Có khi Thầy dạy chúng tôi: “ Các con phải biết tiếc  của Tam Bảo đừng có xài phung phí. Chuyện gì cần xài, đáng xài thì mới xài, không cần thì thôi; của đàn –na tín thì rất khó tiêu, nếu phung phí thì dù sống giữa thành phố cũng không có mì gói để ăn; kiếp sau phải mang lông đội sừng để đền trả cho thí chủ”.

            Đã có nhiều lần Phật tử không ngờ được Thầy làm việc vô cùng vất vả. Nhiều người nghĩ rằng làm Thượng tọa hay là Hòa thượng thì không cần làm gì cả. Kỳ thật, không phải như vậy. Làm lớn phải lao nhọc lắm, không lao thân thì lao tâm, không lao tâm thì lao thân. Thầy tôi thì kiêm cả hai thứ. Phải rồi, bởi lẽ, càng làm lớn thì bổn phận càng nhiều. Danh càng cao thì việc làm càng vất vả để tương xứng với cái danh ấy,nếu không thì chỉ là hư danh. Thầy thường dạy như vậy.

            Ngoài giờ dịch kinh, soạn sách, giáo dưỡng huynh đệ chúng tôi. Thầy còn để nhiều thời giờ chăm lo vườn tượt, cây cối ở Tịnh viên xanh tươi hữu tình. Tịnh viên tuy nhỏ, nhưng ai bước  vào đây, nhất là vào những ngày nắng ấm, ngồi dưới những băng ghế đá, đứng dưới những tàng  cây tươi mát, sẽ cảm nhận một cảnh thiên nhiên thanh tịnh vô cùng an lạc. Tất cả đều do bàn tay và sự hướng dẫn của Thầy tạo nên.

            Có một lần nọ, Thầy bận quần ống cao ống thấp, áo bà ba ngắn tay đã bạc màu, đầu đội chiếc nón lá tưa vành, chân mang đôi dày cũ kỷ, quá date, đến nổi chắc không thể tìm đâu ra được ngoài viện bảo tàng, mồ hôi nhễ nhại, đào đất trồng cây tỉa nhánh ngoài vườn. Có hai Phật tử tuổi ngoài thất tuần dẫn theo con cháu về chùa lễ Phật. Nhìn thấy Thầy ông bà không biết , hỏi:

-Thưa bác, bác đến chùa làm công quả hả?

-A Di Đà Phật, dạ phải. Thầy đáp.

-Làm công quả siêng năng như bác phước vô lượng đó.

-Dạ

-Bác qua Mỹ được mấy năm rồi?

-Dạ cũng lâu rồi.

-Bác đi theo diện gì vậy? HO phải không?

-Dạ NHÂN ĐẠO.

-Bác được mấy cháu rồi?

-Dạ cũng đông.

-Sao bác không đợi chiều hãy làm, bây giờ trời nắng gắt quá.

-Dạ , tôi quen rồi.

-Bác làm công quả ở chùa này chắc lâu lắm phải không?

-Dạ phải , cũng mấy chục năm rồi.

-Ồ! Vậy à. Chắc bác quen thân với thầy Đức Niệm lắm hả?

-Dạ, tôi thân với Thầy lắm.

-Vợ chồng chúng tôi nghe băng Thầy thuyết pháp thôi chứ chưa từng biết mặt. Nghe nói Thầy xuất thân từ chùa Ấn Quang. Tôi quen nhiều Thầy ở Ấn Quang lắm, nhưng chư Tăng đông quá, tôi chưa có dịp được tiếp xúc với Thầy Đức Niệm. Hôm nay, nhân dịp lên chùa lễ Phật, chúng tôi cũng muốn gặp đế vấn an Thầy. Thôi chào bác nhe.

-A Di Đà Phật.

Hai vị Phật tử ấy và con cháu lạy Đức Quán Âm lộ thiên, lạy Phật A Di Đà ( tượng cũ), lúc bấy giờ chưa có tượng ngài Di Lặc lộ thiên, rồi đi vào chánh điện. Hai bác lễ Phật xong thưa với Sư cô tri khách:

-Thưa Sư cô, gia đình chúng con hôm nay về chùa trước lễ Phật, sau là vấn an Thầy. Hôm nay Thầy có ở chùa không?

-Dạ có. Ủa , hình như hai bác gặp Thầy rồi mà.

-Dạ thưa chưa.

-Hình như trước khi hai bác vào đây, hai bác có thưa chuyện với Thầy rồi mà?

-Nãy giờ chúng con chỉ gặp bác làm vườn  thôi, chưa gặp Thầy nào cả.

Sư cô cười:

-Bác làm vườn nào đâu, chính là Thầy đó.

-Mô Phật. Trời ơi! Tội lỗi quá! Hồi nãy giờ con gọi Thầy bằng bác không hà.

Hai bác vội vã ra vườn xin sám hối:

-Bạch Thầy, chúng con xin sám hối. Hồi nãy thưa chuyện với Thầy mà tại Thầy đội nón, con không biết; con tưởng là Phật tử đến chùa làm công quả.

-Dạ, có sao đâu. Bác làm vườn hay Thầy Đức Niệm cũng đều làm công quả như nhau

Nói xong, Thầy  cười và thân mật tiếp chuyện với hai bác Phật tử cùng các cháu.

            Thầy tôi như vậy đó. Ai muốn gọi Thầy sao cũng được. Ai tưởng Thầy thế nào cũng tốt. Thầy vẫn là Thầy: vẫn bình  thường, mộc mạc, chịu đựng, vẫn với những câu nói giản dị nhưng chứa đầy đạo vị, vẫn khiêm tốn như tự hiệu của Thầy: Tỳ Kheo Quê Mùa.

                                                            Khể thủ Tỳ kheo Thích Quảng Điền

                                                            California, trời chuyển lạnh, 2004

            NHỮNG KỶ NIỆM VỚI HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỨC NIỆM

                                                                                                Thích Tín Nghĩa

            Riêng tặng quý thầy đệ tử của cố Hòa thượng như thầy Minh Chí (đương kim Giám viện PHVQT, thầy Minh Quang (hiện đang theo học chương trình Tiến sĩ tại Đại học đường FL.), thầy Quảng Độ, thầy Quảng Thiện, thầy Quảng Đình và thầy Quảng Đạo- cùng Sư cô Thích nữ Diệu Tánh- Quý đệ tử: Diệu Hải, Diệu Hậu, Quảng Huệ, Chơn Quang, Minh Kiến, Thanh Chánh, Phước Hảo, và một số đạo hữu đã tùng học với Hòa thượng trên hai chục năm.

            Tôi đến định cư Hoa Kỳ vào ngày 19 tháng 09 năm 1979. Hòa thượng Thích Đức Niệm đến trước tôi độ hai ba tháng gì đó. Những vị cómặt và làm việc với Giáo hội lúc bấy giờ gồm có quý Ngài; Thiên Ân, Mãn Giác, Trí Chơn, Đức Niệm, Thiện Thanh, Nguyên Đạt, Tịnh Từ, Trí Đức và tôi ( Tín Nghĩa). Đây là nói về Giáo hội tại miền Nam, nói đúng hơn là tiểu bang California và một vài tiểu bang phụ cận, còn vùng Hoa Thịnh Đốn và phụ cận, lúc đó Pháp sư Giác Đức đang lo cho chùa Giác Hoàng, tôi không được rõ là có bao nhiêu vị.

            Bây giờ, tôi chỉ đi vào sự liên hệ giữa tôi và Hòa thượng Thích Đức Niệm. Chú Tánh Thiện đón tôi  từ phi trường về chùa Việt Nam. Tôi được bảo lãnh là do hai ngài Thiên Ân và Mãn Giác. Đến chùa đúng sáu giờ tối cùng ngày. Nghỉ ngơi một đêm. Trưa mai, ngài Thiên Ân đi dạy học về, trước giờ thọ trai, ngài nói chuyện rất vui vẻ và niềm nở làm sao. Ngài bảo:

            -Bây giờ  Giáo hội bảo trợ thầy qua đây, trả ơn hai chúng tôi bằng cách  đi làm Phật sự .

            Tôi chỉ dạ và mỉm cười . Hòa thượng Mãn Giác nói tiếp:

            -Ở Denver, họ đang cần Tín Nghĩa nhiều lắm. Ở đó đang thiếu vị lãnh đạo Tinh thần và Trú trì.

            Tôi cũng  cười và vâng vâng dạ dạ vậy thôi, vì mới đến Mỹ chưa được hai ngày. Giờ cơm đã đến, ngoài cổng có một vị tu sĩ trong chiếc áo nâu bạc thếch, ung dung đi vào chùa rất tự nhiên. Mới bước lên khỏi cầu thang, Hòa thượng Thiên Ân vừa cười vừa giới thiệu cho tôi:

            -Đây là Thượng tọa Đức Niệm, tôi mới thầy qua làm Phó Viện trưởng Đại Học Đông Phương, bữa nào khỏe mời thầy ( tức là tôi) ghé thăm Đại học cho biết.

            Tôi cũng dạ, đồng thời quay qua thầy Đức Niệm, tôi chấp tay cuối chào và cùng vào bàn ăn. Cơm nước xong tôi hàn huyên với thầy Đức Niệm khá lâu, rồi thầy xin kiếu để về nghỉ trưa. Thầy bảo:

            -Trưa nào tôi cũng phải nghỉ một chút mới làm việc cho ban chiều và tới khuya, không nghỉ cũng được.

            Nói xong, thầy từ từ bước xuống cầu thang. Tôi cũng không biết là thầy ở đâu nữa, vì quá mới nên cái gì cũng xa lạ hết.

            Cứ thế, ngày nào Thầy cũng qua ăn cơm trưa, còn tôi thì được mấy người  trong đó có anh Hồng Quang chở đi chơi cho biết đó đây. Chủ nhật đầu, tôi nói chuyện với đồng bào Phật tử chùa Việt Nam, rồi sinh hoạt với Gia đình Phật tử Long hoa; Chủ Nhật kế, được ngài Trí Chơn lên đón bằng xe Bus để về nói chuyện và thăm đồng bào Phật tử chùa Vạn hạnh vùng San Diego. Ngài Trí Chơn rất chân tình và niềm nở đối với tôi, khi mời tôi về thăm  chùa Vạn Hạnh, mặc dầu Thầy và tôi chỉ biết nhau lờ mờ hồi còn ở quê nhà, trên ba mươi năm. Chúng tôi đều là môn phái Tây Thiên, thuộc dòng Liễu Quán, trên nguyên tắc, Thầy là vai vế chú bác trong đạo.

            Được mười tám hôm, tôi lên đường nhận lãnh nhiệm vụ mới. Trước khi đi, ngài Mãn Giác có đãi một bữa ăn thịnh soạn. Thầy Đức Niệm thì chúc mừng cho tôi. Tôi cũng có theo Thầy một hai lần đến nơi mà Thầy thường nghỉ và làm việc. Thấy mà tội, mang danh Phó viện Trưởng, ở cái phòng chỉ một chổ ngủ, một cái bếp cỏn con dùng nấu nước pha trà. Còn nhà máy in là một cái Garage cũ được tạm chỉnh trang lại để dùng in kinh sách. Điều đáng chú ý là số kinh sách cung ứng từ năm 1979 cho đến năm 1983 khắp đó đây đến những chùa ở hải ngoại và các trại tị nạn đa phần đều từ nơi này mà có.

            Ngày từ giã, ra phi trường tiễn tôi có ngài Thiên Ân và ngài Đức Niệm. Ra đến phi trường LAX, ngài Thiên Ân bảo:

            -Thầy là người đặc biệt mà tôi tiễn đưa ra tận phi trường. Tôi chưa đưa tiễn ai bao giờ.

            Thầy Đức Niệm nói thêm:

            -Hòa thượng nói đúng.

            Riêng , ngài Mãn Giác thì hướng dẫn tôi lên tận Denver, tiểu bang Colorado để bổ nhiệm với chức vụ Lãnh đạo tinh thần Cộng đồng Phật giáo kiêm Trú trì chùa Việt nam ở đây. Phải nói rằng : Khi tôi lên Denver, hai vị gọi điện thoại hỏi thăm đủ điều cũng như khuyến khích làm Phật sự là Thầy Mãn Giác và Thầy Đức Niệm. Có lẽ vấn đế làm việc  ở xã hội mới chưa quen thuộc cũng như tâm đạo của hàng Cư sĩ tại hải ngoại từ 1975 đến ngày tôi rời Denver chưa thuần nhất, chưa nhuần nhuyễn, sự tu học và tin vào Phật pháp cũng chưa vững chắc lắm; cứ xem vị Tu sĩ như chúng tôi là một ông từ giữ chùa không hơn không kém. Vả lại, vốn liếng sinh ngữ để nghe điện thoại hoặc đi đường cũng không có được một chữ,nên  tôi phải trở về Los Angeles để có cơ duyên đi học Anh ngữ. Tôi cộng tác với Thầy Đức Niệm từ đó.

            Tôi lái xe hai ngày hai đêm về tận chùa Việt nam, vào chào Thầy Mãn Giác và rồi ra xe về trụ sở Phật học viện Quốc tế. Ngủ một đêm, sáng dậy tôi và thầy Đức Niệm nói chuyện hơi dài, Thầy bỏ buổi học Anh văn.

            Thầy nói:

            -Thầy về đây làm việc với tôi. Chỗ ngủ nghỉ cùng phòng ốc, bếp núc để nấu nướng thì không được thoải mái cho lắm; nếu thầy ngủ ở phòng nầy, tôi qua chánh điện tạm thờ Phật để ngủ. Hai chúng ta nương nhau làm Phật sự.

            Tôi nói:

            -Thầy yên tâm, Thầy cứ ngủ đây. Tôi qua bên đó. Trường hợp ai bị đau ốm, thì ngủ tại phòng nầy. Còn từ nay về sau, chúng ta tự túc nấu ăn. Buổi sáng Thầy đi học, tôi ở nhà nấu cơm và đóng kinh sách. Chiều Thầy lo nhà in, nấu cơm chiều, tôi đi học Anh văn ban tối.

            Phật sự ngày một thêm nhiều. Thầy Đức Niệm còn bổn phận phải lên Fresno để giảng pháp mỗi một nửa tháng. Tôi thì xuống giảng và truyền giới Bát Quan trai cho hàng Phật tử mỗi tháng một lần tại Trung tâm Phật giáo Huệ Quang tức chùa Huệ Quang bây giờ của Thượng tọa Minh Mẫn ở đường Bishop.

            Tuy tôi làm việc và ăn ở với Thầy ĐứcNiệm, nhưng , mỗi nửa tháng tôi đều qua chùa Việt nam để cùng hàng Phật tử nơi đây làm lễ lạy Sám hối .

            Sự sinh hoạt ngày một đa dạng. Hàng Phật tử ngày một thêm đông, nên thầy Đức Niệm và tôi đều bỏ học và bắt đầu cho chương trình mới là : vừa tiếp tục in kinh sách, vừa tìm đất hoặc nhà để kiến tạo cơ sở cơ sở thực sự cho Phật Học Viện Quốc Tế.

            Những ngày chúng tôi ở tại Los Angeles, tiền bạc rất eo hẹp. Tôi mua một chiếc xe mới từ Denver đem về, nợ nần chưa trả hết. Mỗi tháng Thầy cho $140.00 để phụ trả tiền xe. Những lúc túng thiếu, tôi thưa với Thầy là:

            -Thầy đế Tín Nghĩa xuống với anh Lê Viết Tấn ở Irvine, xin cắt cỏ một tuần hai ngày, trả xong xe là tôi sẽ nghỉ cắt cỏ, nhưng, dù thế nào tôi cũng phải chu tất công tác đóng kinh sách, Thầy đừng lo.

            Thầy nói:

            Tui mới vừa học xong, bên Tàu qua đây chân ướt, chân ráo, chẳng có gì trong tay ngoài mảnh bằng. Vả lại, bằng cấp ở Tàu đâu có xài gì được cho xã hội Tây phương này. Thầy cũng vừa từ trại tỵ nạn qua, cho nên hoàn cảnh nầy hai chúng ta đều thiếu thốn thốn, ráng cùng nhau đều chịu thiếu thốn. Có lòng thí chư Phật, Bồ tát cũng  thương, cũng gia hộ cho chúng ta, không sao đâu?

            Tuy Thầy nói và an ủi thế, nhưng, những lúc không có tiền in kinh sách, Thầy cho các chùa thỉnh luôn những chuông mõ lớn, tượng Phật lớn để có tiền mà tiếp tục theo hạnh nguyện. Tượng Phật lớn nhất hiện giờ đang thờ tại chùa Liên Hoa ở Canada, do cố đạo hữu Trịnh Minh Cầu làm Hội trưởng nguyên là của thầy Đức Niệm. Chính bản thân chúng tôi lo đóng thùng và gởi đi. Hàng Phật tử ở Fresno thấy Thầy không có phương tiện, họ quyên góp nhau được chú đỉnh mua chiếc xe cũ với giá $1,800.00, Thầy cũng bán và đưa vào chuyện in ấn kinh sách. Phật tử lấy làm ngạc nhiên, liền thưa hỏi:

            -Sao Thượng tọa bán xe, lấy  gì để đi lại khi cần?

            Thầy cười, rồi nói;

            -Qúy vị nên biết đức Phật dạy rằng: trong các vấn đề bố thí, thì bố thí Pháp là quan trọng hơn hết. Riêng Thầy thì sao cũng được. Khi cần lắm thì nhờ Phật tử nào đó có phương tiện, cùng lắm thì đi xe Bus, miễn sao có kinh sách cho hàng Phật tử trì tụng là tốt rồi,…

            Có nhiều lúc Thầy nhường lại những  bộ y-hậu, pháp cũ tốt  cho quý thầy để lấy tiền in kinh sách. Thầy chủ trương hoằng truyền Chánh pháp và đào tạo Tăng tài lên hàng đầu.

            Sau một thời gian tìm kiếm, tức là  điạ điểm Phật  Học  Viện bây giờ, hạ tuần tháng ba năm 1982, chúng tôi dời từ Los Angeles để về đây. Ngôi nhà mấy phòng dùng để cho bốn hoặc năm người ở thì tốt, dùng làm  nơi tu học cho  quần chúng Phật tử thì không  thể được. Mọi sinh hoạt  trong khiêm  tốn, nhưng vẫn gặp khó khăn với lối xóm, vì toàn là người Mỹ da trắng. Những lễ lớn như Phật đản, Vu lan thì phải thuê mướn  hội trường của  trường bên cạnh. Số Phật tử đến sinh hoạt mỗi lúc một đông. Trong những Phật tử thân quen, thương tình khuyên bảo con cháu của họ rằng:

            -Nếu , những nhà chung quanh Phật Học  Viện, cái nào bán thì các con mua lấy, vừa gần với gia đình, vừa giúp cho Thầy Đức  Niệm khỏi bị kiện cáo lôi thôi.

            Ý kiến rất hay, nên một số Phật tử dù ở xa Phật học viện cả một giờ lái xe cũng lên mua nhà gần viện. Nhờ vậy mà Thầy đã không gặp khó khăn mà lại thuận duyên khi phát  triển cơ sở.

            Trong tình đạo gắn bó giữa tôi và Thầy thì rất nhiều kỷ niệm từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Nhưng có hai  chuyện  đáng  ghi nhớ nhất  trong hai chúng tôi, tuy không mấy đặc sắc, thế mà mỗi lần nhắc lại là cả hai cùng ôm bụng cười. Nhơn đây tôi cũng ghi lại vài dòng  để gọi là làm lưu niệm cho cuộc đời hành đạo xứ Hoa Kỳ.

            Số là: Khi cơ sở mới đưa lên vùng này, chúng điệu chưa có, duy nhất có chú Ân Hạnh, đệ tử của Hòa thượng Thiên Ân cùng trú xứ. Chú nầy vì có bệnh nên kinh điển chẳng thông  thuộc là bao, chỉ biết  tụng kinh ngắn, đánh chuông và làm công quả lặt vặt như nấu ăn, gói kinh sách để gởi đi cho những nơi cần đến, hoặc tiếp bổn đạo dẫn vào lễ Phật trước khi gặp quý thầy, hoặc trông chừng nhà  cửa.

            Chuyện thứ nhất: Số là hai  chúng tôi, một ngày như mọi ngày, lo quét dọn vườn tược, trồng cây này bới cây kia, vun quén những luống rau mới trrồng, sứa sang ngôi nhà mới mua này, những gì của thế gian biến thành cảnh thiền môn thanh tịnh. Công việc chỉ có vậy mà ngày nào cũng như ngày nào mất gần 10 tiếng  đồng hồ. Có khi chỉ tụng kinh ban sáng, tối lại chỉ niệm Phật chứ không đủ thì giờ. Sáng sớm tụng kinh xong, cả hai chúng tôi ra vườn làm say sưa quên cả ăn uống và cứ tưởng là có chú Ân Hạnh bên trong, nên chẳng để ý gì cho bữa cơm trưa. Đến khi mệt liền đi vào nhà để chuẩn bị ăn cơm trưa, nào ngờ chú đi gởi sách bị lạc đường, không biết đường về. Chúng tôi kiếm thức ăn chẳng có. Thế rồi, hai chúng tôi chấp nhận ăn mì  gói với rau đã trồng sẵn. Bữa ăn ngon lành làm sao, chúng tôi mỗi người ăn hết  bốn gói mì và cộng thêm rau sống. Ăn uống xong là hai giờ chiều, rồi đi ngủ và ngủ li bì cho đến ba giờ sáng hôm sau. Cả hai đều khát nước không thể tả và no luôn gần như cả ngày kế. Cho nên mỗi khi nói đến chuyện ăn mì gói là đều cười ngất và cũng không thể nào ăn hai gói rưỡi chứ nói gì đến bốn gói như dạo ấy.

            Chuyện thứ hai: Nhà mua xong, trả nợ đưọc tám tháng. Kinh tế bắt đầu eo hẹp. Tiền nhà tháng kế tiếp không tài nào có đủ. Hỏi mượn quanh thì ai cũng bảo là đang kẹt. Số tiền thiếu độ ba trăm Mỹ kim. Túng thế,liền khui thùng phước sương. Tay Thầy bưng thùng tiền thì nghe tiếng kêu toàn lẻng kẻng, nên cả hai nhìn nhau, rồi tôi liền ra cửa trước để trông chừng khách khứa ra vào, Thầy mang thùng phước sương vào phòng để đếm tiền cắc. Gần một tiếng đồng hồ, Thầy đi ra với khuôn mặt vui và nói: Dư rồi thầy Tín Nghĩa ơi, đừng lo! Và cả hai cùng cười.

            Cá nhân tôi thì không nói, nhưng, tôi cười và tội cho thân phận của Thầy, một người có học vị thật sự với văn bằng Tiến sĩ, lại chơn tu, giới thể châu viên; thế mà khi ra làm Phật sự cũng không phải là chuyện dễ dàng.

            Có cơ sở xong, Thầy và tôi nghĩ ngay đến vấn đề đào tạo Tăng tài. Chúng điệu bắt đầu có khoảng năm đến bảy vị, Thầy làm Giám đốc, tôi làm Giáo thọ Tăng ni sinh của Viện. Chương trình tu học ở đây tiến đều, đặc biệt là phần kinh luật ở đây rất khá. Khi thọ giới, Giới tử tụng luật tiểu Trường hàng thuộc lòng đến độ hàng Thập sư và Tuyên luật sư phải tấm tắt khen. Tháng ba năm 1982, Thầy đi Âu châu cũng như các chùa tại địa phương để thăm và cung thỉnh chư tôn đức vào những ngôi vị Thập sư, chuẩn bị cho Đại Giới Đàn đầu tiên, lớn nhất tại hải ngoại, được khai thị tại Phật Học Viện Quốc Tế. Đại giới đàn mang tên vị Cao Tăng Thiện Hòa, Thầy làm Chánh chủ đàn, tôi làm Trưởng ban điều hành kiêm Công văn ( Hiện Kỷ yếu còn lưu lại tại Viện).

            Cũng trong bổn phận và trách nhiệm hoằng truyền Chánh pháp, cũng như phát triển cơ sở, tôi đến vùng Dallas, tiểu bang Texas để vận động thành lập Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại vào tháng 10-1983, Thầy đã cố vấn và tận tình giúp đỡ về mọi mặt. Thầy đã từng hy sinh quyền lợi của phần mình để giúp cho Từ Đàm Hải Ngoại trong những khó khăn lúc ban đầu về mặt tài chánh. Từ đây, tôi và Thầy đều có cùng một trách nhiệm riêng mà đường lối sinh hoạt thì hỗ tương cho nhau. Những công tác Phật sự chính như thành lập Giáo hội hoặc những đại lễ Phật đản, Vu lan đều có nhau. Phải thành thật mà nhìn nhận một điều, kể từ khi thầy Đức Niệm có mặt tại hải ngoại, không một Phật sự nào mà Thầy bỏ sót, đặc biệt là đường hướng của Giáo hội. Thầy đóng góp một cách tích cực từ vật chất đến tinh thần và đóng góp tối đa. Tôi còn nhớ mãi lần đầu tiên  Thầy đến thuyết giảng  và Chứng minh Đại lễ Phật đản năm 1984 tại Tổ đình Từ Đàm Hải Ngoại. Lúc ấy, Từ Đàm chỉ là một ngôi nhà cũ, không có phòng ngủ, không có phòng tắm. Tôi phải gởi Thầy đến một nhà Phật tử để ngủ qua đêm và có phương tiện cho bản thân. Thầy chỉ ngủ một đêm, qua đêm sau, Thầy ở lại với tôi và chấp nhận chịu mọi sự thiếu  thốn  như tôi. Thầy phải ngủ dưới thảm không có nệm,không có nước nóng, không buồng tắm; tôi rất ái ngại, nhưng Thầy rất hoan hỷ và Thầy còn nói:

            -Tôi chịu đựng quen rồi. Nhờ sự chịu đựng đó mà những năm tôi học ở bên Tàu, khỏi nấu nướng mới có thì giờ theo học chương trình Cao học và Tiến sĩ.

            Theo tôi nghĩ: Có lẽ Thầy thương hoàn cảnh của tôi lúc ấy thì phải, nên Thầy nói ra như vậy để tôi yên lòng hoặc Thầy an ủi để tôi có nghị lực một phần nào mà tiến tu và dõng mãnh mà lo cho ngôi nhà Phật pháp thì đúng hơn. Tôi không thấy một vẻ gì buồn hiện lên nơi khuôn mặt hiền hậu và phúc đức ấy. Cũng may, mùa Phật đản và Vu lan đều là mùa hạ, khí trời của vùng Texas nóng nhiều hơn lạnh.

            Hạnh nguyện độ sanh và trách nhiệm với Phật pháp đang trên đà hạnh thông Thầy thọ bệnh.

            Vào trung tuần tháng 12-2001, vừa đi tụng kinh công phu sáng xong, tay bưng tách trà đi quanh để nhìn cây cảnh, tiếng chuông điện thoại lại reo lên, tôi nhấc ống nghe, đầu dây nói tiếng của Sư cô Diệu Tánh báo cho hay là:

            -Thầy con vừa mới vào bệnh viện, con tin cho thầy hay để thầy cầu nguyện cho Thầy con.

            - Hai thầy trò nói chuyện với nhau chưa được mấy phút, Sư cô xin gác máy để lo những chuyện cần  thiết trước khi vào chăm sóc cho thầy Đức Niệm tại bệnh viện.

            Tôi biết Thầy bệnh từ lâu rồi, nhưng , những tưởng là được gặp thầy, gặp thuốc. Tôi gọi điện thoại cho anh Bùi Ngọc Đường để hỏi thăm bệnh tình của Thầy ra sao.

Anh trả lời:

            -Thấy Thầy tuần trước có hơi mệt, nhưng vì tuần này có mấy việc cần làm cho bản tin của Ban Bảo trợ phiên dịch Pháp tạng Việt nam nên tôi chưa lên viện được . Có chi chút nữa tôi chạy lên xem, về gọi cho Thầy hay sau.

            -Như vậy, anh vẫn chưa biết Thầy đi bệnh viện?

            -Dạ, chưa.

            -Bây chừ , anh theo dõi tin tức,có gì anh gọi cho tui hay với. Có lẽ,tui cũng sắp đặt và về với Thầy vài ngày.

            Thế rồi, tôi quyết định lấy vé và bay về Phật học viện Quốc tế để biết rõ tình cảnh ra sao. Anh Đường đến phi trường Burbank chở thẳng tôi vào tận bệnh viện. Vừa bước vào là Thầy đã cảm động và cả hai đều chảy nước mắt. Chúng tôi không chịu đựng được và sợ Thầy quá xúc động làm cho mệt thêm, nên chúng tôi tìm cách ra ngoài một lát. Bốn mươi lăm phút sau, chúng tôi đi vào ngồi bên cạnh Thầy gần hai tiếng đồng hồ; sau đó, về viện. Tôi ở lại được mấy hôm, thấy Thầy có vẻ khá, tôi xin trở lại Từ đàm. Khi tôi rời khỏi bệnh viện thì Thượng tọa Tịnh Từ lái xe từ Tu viện Kim sơn ghé thăm.

            Bác sĩ quyết định mổ cái bướu trong gan, nhưng , Thầy từ chối và chỉ chữa bằng thuốc. Bệnh tình thuyên giảm, Thầy trở lại Viện, tiếp tục dưỡng bệnh. Bệnh tạm khá, tôi qua thăm và ở lại gần cả tuần. Trong lần này, tôi thưa Thầy nên  tổ chức giỗ Tổ Liễu Quán (đây là lần giỗ Tổ thứ hai tại Hoa Kỳ, lần đầu tại Từ đàm Hải ngoại), vì không thể lên chùa của Thầy Vân Đàm ở Falls, Church, tiểu bang Virginia được. Lý do, lúc nầy vấn đề khủng bố đang xảy ra trầm trọng, sự di chuyển khó khăn và có phần nguy hiểm. Và trong ngày Giỗ Tổ, Thầy tổ chức luôn Đại lễ an vị chư tôn tượng Phật và Bồ tát tại Tân chánh điện mới rất trọng thể và đông đảo quần chúng Phật tử, mặc dầu mới hoàn tất chương trình xây cất được ba phần tư công tác.

            Tôi và Thầy hay trao đổi cho nhau những tâm tình Phật sữ của Viện, của Từ Đàm và của Giáo hội.

            Tôi biết Thầy có bệng Tiểu đường, đi đâu, Thầy cũng lè kè những bình thuốc do đệ tử chưng nấu hẳn hoi để mang theo mỗi khi đi diễn giảng các hội Phật giáo xa xôi khắp Hoa kỳ và Canada. Không một đơn vị nào dù là trong hay ngoài Giáo hội, dù là nhỏ hay lớn, một khi đã cung thỉnh Thầy về thuyết giảng, chứng minh mà Thầy không tận tình trong nhiệm vụ Sứ giả Như llai, của một bậc Sư trưởng, một nhà dìu dắt đầy chân tình và tận tụy. Đi đến đâu, Thầy cũng khuyến tấn đàn hậu học dù xuất gia hay tại gia, phát tâm tu học, hướng về con đường mà Giáo hội từ ngàn xưa đã gầy dựng, xiển dương và duy trì.

            Hình ảnh của Thầy đi đến đâu là ban rãi tình thương đến đó. Những ai đã được gặp Thầy một lần, thì bằng mọi cách cũng tìm về Phật Học Viện để xin cận kề học hỏi.

            Những lần Đại hội sơ khởi để thành lập Giáo hội, hay là sau khi đã được hình thành, nếu chọn Phật Học Viện làm nơi hội họp, thì Thầy lo lắng và phục vụ hết mình từ vật chất đến tinh thần. Thầy nghe chư Tăng cung tựu là Thầy vui vẻ, giống như mở hội chính trong lòng. Thầy tận tình chăm sóc, hỏi han từng vị một, cho dù Tăng hay Ni, lớn hay nhỏ. Riêng mối thâm tình keo sơn giữa Hòa thượng Hộ Giác và Thầy nối dài từ quê nhà ra hải ngoại thì không nói.

            Thầy đã cư xử, đối đãi với chư tôn đức, dù sơ giao hay thâm giao, thường hay nhường chỗ nằm nghỉ thường nhật của mình cho các vị lớn trong đó có hai vị thường lấy làm cảm động và hay tâm sự với tôi: đó là Hòa thượng Thắng Hoan và thầy Thiện Trì.

            Hai vị, mỗi khi trà đàm với tôi, đều nói:

            -Ông cũ Đức Niệm cứ nhường chỗ nằm của cụ để mình ngủ nghỉ, thấy ngại quá. Chúng tôi từ chối.

            Nhưng Thầy nói:

            -Quý Ngài về đây thành tâm chung lo Phật sự và hết lòng xây dựng Giáo hội, xiễn dương Chánh pháp, phục vụ quốc gia dân tộc là quý lắm rồi. Chúng tôi phục vụ các ngài có sao đâu. Miễn sao các ngài hoan hỷ.

            Kể từ khi Thầy lâm trọng bệnh gần một năm rồi, cách một hoặc hai tháng, tôi lại về với Thầy một lần và mỗi lần như thế cả tuần lễ. Những lúc Thầy có sực khỏe tương đối, tôi cùng Thầy thường hay đi bách bộ có khi thì trong vườn thiền của Phật Học Viện, có khi đi xa hơn ra ngoài đường phố để tâm sự với nhau về những  Phật sự đã làm trong những ngày sống đời xa xứ. Thầy thường bảo:

            -Nếu tôi được bình phục, bằng mọi cách, tôi sẽ tạo dựng một cơ sở tương đối khá lớn hơn Phật Học Viện hiện nay để cúng dường cho Giáo hội làm cơ sở, văn phòng sinh hoạt được tốt và thuận duyên hơn. Những Đại lễ mà đặc biệt là Phật đản, Đại hội,v.v …cũng dễ dàng cho Giáo hội.

            Nghe Thầy nói, tôi lấy làm cảm động và hồi tưởng lại những ngày đầu, chư tôn đức Tăng Ni, không phân biệt tông phái, môn phái, đã vâng Giáo chỉ của đức Tăng Thống Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu, về dự phiên họp đầu tiên để thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ- Làm lễ Tưởng niệm cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu-Đại hội Thường niên Một, nhiệm kỳ I-Đại hội Khoáng đại Tám do Giáo hội Mẹ phó thác đều cử hành tại Phật Học Viện.

            Những chi phí căn bản cho những Đại lễ hoặc Đại hội, tuy nói là Giáo Hội lo liệu, nhưng thật ra, Thầy gánh vác tất cả. Chính tờ báo Phật giáo Thống nhất cũng vậy. Điều nầy, tôi biết rõ và rất rõ. Và, chư tôn Thiền đức đều thấy.

            Cơn bệnh trầm trọng của Thầy khoảng hơn một năm lại tái phát. Thầy vừa vào bệnh viện lần thứ hai chưa được hai hôm thì tôi đã có mặt bên giường bệnh cùng Thầy. Tôi cầm tay Thầy và nói những câu chuyện vui để cho Thầy có thể quên đi cái đau và quên đi một phần nhỏ lo lắng trong cái lo lắng bao la mà cuộc đời Thầy đang gắn bó với Đạo pháp và Quê hương.

            Thân bệnh mà tâm không bệnh. Thầy vẫn cố gắng dạy đồ chúng và vẫn hướng dẫn thợ thuyền làm cho xong chương trình xây cất Tân chánh điện cũng như dựng các tôn tượng Phật A Di Đà và Di Lặc trong khuôn viên của Viện. Thầy rất mong được chứng kiến và được tự thân dự lễ An vị.

            Bệnh tình tái phát khá trầm trọng. Thầy vào bệnh viện trở lại trước tết Quý mùi. Chư Tôn Giáo Phẩm và hàng Phật tử rất lo ngại. Tăng chúng của Viện cũng như anh Đường báo cho tôi biết là Hòa Thượng bệnh nặng lắm. Bác sĩ bảo chỉ vài ngày nữa.

            Tôi thưa với anh Đường:

            -Bây giờ chỉ biết cầu nguyện. Ngoài tha lực của Phật thì không cách nào hơn. Chúng ta  mong cầu làm sao để Hòa thượng qua khỏi đêm Giao thừa là quý rồi.

            Anh Đường nói:

            -Tôi cũng mong như vậy.

            Tôi thành  tâm cầu nguyện trước Phật đài; đồng thời, tôi cũng sắp đặt việc chùa và thưa trước với Phật tử của Từ đàm là:

            -Hòa thượng Đức Niệm có thể hầu Phật bất cứ lúc nào. Thầy mua sẵn vé trong tay. Nếu Ngài đi ngoài Tết thì quý. Giá như Ngài đi trong tết thì quý vị theo Sư cô Trú trì mà chu tất mọi việc. Thầy phải qua Phật Học Viện để lo liệu.

            Hàng Phật tử của Từ Đàm chỉ biết y giáo phụng hành.

            Qua khỏi tết, rồi qua khỏi rằm Thượng nguyên Quý mùi, lòng tôi mừng khấp khởi. Mua vé về với Thầy và ở lại gần tuần. Trong rằm tháng hai, tôi hướng dẫn đồ chúng của Phật học viện lạy Thù ân, sám hối và tụnh Lương hoàng Sám pháp để hồi hướng cho Thầy. Trước khi tụng, tôi thưa với Thấy rằng:

            -Nếu , trong ngày Rằm này, Thầy xả bỏ báo thân để về với Phật thì tốt, nhưng nếu Thầy nhắn nhủ và thị hiện điều gì thì đến ngày 19 tháng hai, vía Bồ tát Quán Thế Âm, Thầy hầu Phật cũng được.

            Thầy cười vui vẻ.

            Hằng ngày, tụnh kinh bái sám cầu nguyện cho Thầy, nhưng cũng trực tiếp sám hối cho chính mình và ở luôn bên Thầy cho đến giờ thầy ra đi.

            Cách ngày vía Quán Thế Âm, thấy thần sắc của Thầy vui và khỏe hẳn ra, tôi định đổi vé trở lại Dallas để làm lễ. Vé chưa kịp đổi thì chiều ngày 17, Thầy có vẻ như yếu và muốn ra đi, tôi mặc áo và ngồi suốt bên Thầy. Thầy bảo thì thào;

            -Mặc áo hậu và đỡ tôi ngồi dậy cho trang nghiêm để nghe chư Tăng hộ niệm.

            Thầy ngồi rất nghiêm trang, vừa nghe chư Tăng hộ niệm vừa đưa mắt nhìn từng vị một. Trong đêm 17 âm lịch nầy, có một lúc Thầy bảo:

            -Cho Thầy ăn uống một tí gì đi.

            Cô Diệu Tánh lấy muỗng đút cho Thầy ăn chút bánh bông Lan và uống nước ngọt.

            Trong lúc đang ăn, tôi hỏi:

            -Sao Hòa thượng ăn thấy ngon không?

            Thầy cười và gật đầu. Tôi nghiêng tai nghe Thầy nói:

            -Ngon.

            Tôi cười to và Đại chúng cùng cười lên. Lúc ấy, ai nấy đều thấy cõi lòng của mình vui chi lạ. Và, hình như không thấy ở nơi Thầy có một cử chỉ đau nhứt nào. Khuôn mặt hiền hậu, dễ thương.

            Có lẽ, những giây phút rtong đêm 17, là ngọn lửa bùng cháy rực lên lần cuối trước khi vĩnh viễn không còn được cháy sáng nữa. Suốt ngày 18, Thầy yếu dần nhưng vẫn tỉnh thức. Tôi và anh Đường cứ theo dõi và chuẩn bị mọi thứ để sẵn sang công bố.

            Trong ngày 18 âm lịch, đúng 11 giờ, Hòa thượng Mãn Giác, từ chùa Việt Nam lên Phật Học Viện để gặp Thầy lần cuối cùng. Rất dể thương trong những giây phút gặp gỡ giữa Hòa thượng Mãn Giác và Hòa thượng Đức Niệm. Hòa thượng đến rất bất ngờ, làm tôi cũng bối rối. Tôi cho gọi môn đồ của Viện, y hậu chỉnh tề, đảnh lễ Hòa thượng Mãn Giác, trước khi đưa Ngài vào thăm. Tôi hướng dẫn Hòa thượng Mãn Giác vào bên giường, Hòa thượng Đức Niệm, chấp tay xá và ngài Mãn Giác nói:

            -Nghe thầy bị đau, thầy ni lên thăm.

            Tôi đưa tay nắm tay Hòa thượng Mãn Giác để lên tay của Hòa thượng Đức Niệm. Tay trong tay và bốn mắt nhìn nhau, không ai nói với ai câu nào. Hòa thượng Mãn Giác thì nước mắt lưng tròng, Hòa thượng Đức Niệm thì niệm Phật thì thào qua hơi thở không được đều lắm.

            Sau gần một giờ thăm viếng, tôi tiễn đưa Hòa thượng Mãn Giác r axe. Trước khi ra về, Hòa thượng có nhắn nhũ dạy bảo cho môn đồ của Viện những điều rất chân tình.

            Tôi lại trở vào và bắt ghế ngồi bên cạnh Thầy, miệng niệm Phật, mắt đưa về khuôn mặt của Thầy để theo dõi từng phút, từng giây. Hơi thở của Thầy khi dài, khi ngắn, khi thì thông suốt, khi thì mệt nhọc. Hai mắt bắt đầu nhắm nghiền lại. Chốc chốc lại hé ra như muốn nhìn hay nói lên một điều mà không thể làm được. Chúng tôi cũng chỉ biết niệm Phật và nhìn trở lại.

            Vào khoảng hai giờ rưỡi chiều, ngày 18, Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Châu từ Los Angeles lên thăm. Hòa thượng, đến đột ngột và tôi cũng bối rối, nhưng tất cả đều thông cảm cho nhau. Hòa thượng theo tôi vào tận giường của Thầy để thăm. Hòa thượng Tâm Châu nhìn và niệm Phật, đồng thời, Ngài bảo:

            -Thôi thì hết duyên độ sinh thì về với Phật.

            Hòa thượng nói đến đó, và liên hồi niệm Phật độ hai mươi phút, ngài từ giã trước khi ra về, ngài còn nói thêm:

            -Có Tín Nghĩa ở đây thì tôi yên tâm. Bây giờ tôi về trở lại trên Los. Có gì Thượng tọa cho tôi hay.

            Tôi dạ và tiễn Hòa thượng lên xe, rồi cũng quay trở lại với Thầy.

            Cái dễ thương đặc biệt của hai Hòa thượng là: Vị nào cũng gọi điện thoại trước khi lên Viện thăm Thầy, nhưng, không được. Vì trong giây phút sau cùng nầy quá sức bối rối, cho nên không ai nhận điện thoại hoặc điện thoại bận. Thế nhưng, nhị vị Hòa thượng vẫn bảo thị giả lấy xe chở đi. Hai Ngài cũng có chung một ý nghĩ như nhau là :

            -Con cứ chở Thầy lên thăm Hòa thượng Đức Niệm đi. Nếu không vào thăm được, đứng ngoài phòng nhìn vào, Thầy cũng đủ yên tâm lắm rồi.

            Bởi thế, khi có các vị vào cho tôi hay là có Hòa thượng lên, tôi chạy ra là các Ngài đã ngồi đợi bên ngoài rồi.

            Gần tám giờ tối, đêm 18, tôi cho gọi hết đồ chúng và cung thỉnh nhị vị Hòa thượng Trí Chơn, Huyền Dung cùng vào và đồng thanh niệm Phật. Câu Nam Mô A Di Đà Phật vang lên cả gian phòng. Không ai nói năng gì chỉ chuyên một lòng niệm Phật và chăm chú vào Thầy. Hơi thở dồn nhanh dần và có những lúc như dứt khoảng. Tôi, thầy Minh Chí, Sư cô Diệu Tánh đồng ghé vào tai Thầy để nói:

            -Hôm nay là ngày 19 tháng hai, vía Bồ tát Quán Thế Âm, Thầy về với Phật là rất tốt.

            Nhị vị Hòa thượng thức suốt đêm hôm đó. Đồng hồ vưa điểm hai giờ sáng, của ngày vía, Thầy trút hơi thở và vĩnh viễn xả bỏ tấm thân nhỏ bé vô thường để về cảnh giới thường tịch trong tiếng niệm Phật của Đại chúng.

            Tôi đã trực diện từ đầu đến cuối sự ra đi thanh thản của Thầy. Thoải mái, an nhiên, hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi cơn bệnh trầm trọng của Thầy. Tôi rất cảm phục. Tuy thế, lòng tôi vẫn đau buồn thương tiếc. Để gói lại những sự liên hệ giữa tôi và Thầy, tôi có những câu thơ mộc mạc gởi đến Thầy:

                        Chúc Thầy thanh thản, an nhiên,

                        Tây phương Thánh cảnh là miền an vui,

                        Thầy nay mây trắng lưng trời,

                        Còn tôi ở lại, đầy vơi hồng trần.

                        Di Đà trì niệm chuyên cần,

                        Mong ngày tái ngộ tri âm cùng Thầy.

            Đám tang của Thầy được Giáo hội tổ chức trọng thể. Đây là đám tang lớn nhất xưa nay tại hải ngoại kể từ khi có làn sóng vượt biển 1975.

                                                                        Tỳ Kheo THÍCH TÍN NGHĨA

                        TƯỞNG NIỆM CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỨC NIỆM

                                                                                                Trần Quang Thuận

                                                            Không nói mà nói

                                                            Nói mà không nói

            Mỗi lần qua Phật Học Viện Quốc Tế tôi thường đến trước di ảnh của Hòa Thượng Đức Niệm đặt trên bàn thờ ở Tổ đường để đảnh lễ vị khai sơn Chùa, hồi tưởng lại những ngày Ngài còn sống trên trần thế, với những cái vui cái buồn của thế gian, cái âu lo khắc khoải, cái âm thầm hoan hỷ về Phật Giáo thăng trầm biến thiên; hồi tưởng lại những ngày đầu tiên cùng ngài ngồi trước thềm nhà Ananda, Quốc Tế Thiền Viện,Los Angeles, bàn việc thành lập Phật Học Viện Quốc Tế.Ngày tháng trôi qua như tên bắn, bao nhiêu vật đổi sao dời.

            Giờ đây nhìn di ảnh ngài điềm nhiên tự tại,lẳng lặng như chứa chấp những gì muốn nói mà không nói, hay không nói những điều muốn nói, giống như độ nào, trong chuyến hành hương Ấn Độ cách đây gần 15 năm. Hòa Thượng đứng nhìn di tích điêu tàn của ngục thất giam vua Tần Bà Ta La tại ngoại ô thành Vương Xá. Lúc ấy Hòa THượng cũng không nói một lời, mặt trầm ngâm, thể hiện nỗi buồn nhân thế. Tại đây vào thời xa xưa, Phật đã vì bà Vi Đề Hy, hoàng hậu của vua Tần Ba Ta La và mẫu hậu của vua A Xà Thế nói Kinh A Di Đà, tả cảnh Tây Phương Cực Lạc… Không biết lúc đó Hòa Thượng có nghĩ đến số phận của ngôi chùa Nhật Bản ở Little Tokyo, Los Angeles, ngôi chùa thành lập cách đây 100 năm, tiếp nối và truyền thừa dòng Tịnh Độ của Nhật Bản cách đây 780 năm, có thể sống còn trên mảnh đất mới Hoa Kỳ hay không, mà theo thống kê, số người Nhật theo Phật Giáo, theo Tịnh Độ Tông ngày càng ít. Thống kê thực hiện vào năm 1998-2000 cho ta thấy 37.4% số người tuổi từ 65 trở lên theo Phật Giáo, 35.7% theo Cơ Đốc Giáo, 7% theo các tôn giáo khác, 20 % không theo tôn giáo nào, trong khi thanh niên thuộc hạng tuổi từ 18 đến 29, chỉ 10.7% theo Phật Giáo, 21.5 % theo Cơ Đốc ,32.1% theo các tôn giáo khác, 35.7% không theo tôn giáo nào . Với thời cực thịnh đầu thập niên 1960, chùa có 20 đội thể thao, có tổ chức thanh thiếu niên Phật Tử, có những khóa học Phật Pháp. Giờ đây những đội thể thao, có tổ chức thanh thiếu niên Phật Tử, những lớp học Phật Pháp đã vắng bóng, số người dự lễ hàng tuần không quá 100, so với trước đây hàng nghìn người. Sự im lặng của Hòa Thượng, còn sấm sét hơn tiếng rống của sư tử trong rừng hoang.

            Trước khi lên đường trong chuyến hoằng hóa cuối cùng, đức Thế Tôn ngự tại Núi Linh Thứu ở thành Vương Xá, thủ đô của nước Ma Kiệt Đà, ngày nay là tiểu bang Bihar của Ấn Độ. Núi Linh Thứu cao. Đầu núi nhô ra như đầu của con chim ưng, bao tỏa khu rừng rậm bao la. Đức Phật đặt chân nơi đây, dù chưa nói một lời, đã chuyển hóa được A Xà Thế, trở thành người hộ pháp đắc lực. Tại đây đức Phật đã nói Kinh Vô Lượng Nghĩa, nhập Vô Lượng Nghĩa Xứ Định, giảng thuyết kinh Pháp Hoa, khai thị tri kiến Phật, cho chúng sinh biết đức Như Lai không rời thế gian. Ngài đắc đạo là do quán sát thế gian pháp. Lìa bỏ thế gian thì tu hành không thể thành tựu. Trên núi hiện nay còn có di tích chỗ Phật ngồi thuyết pháp, hang động của các đại đệ tử. Tại nơi này cách đây gần 15 năm Hòa Thượng Đức Niệm đã đảnh lễ pháp tọa của đức Như Lai, im lặng chấp tay thành kính, hướng đến đức Thế Tôn. Hòa Thượng muốn tâm sự gì với Phật? Lời lẽ có đủ sức chuyên chở ước mơ, kỳ vọng của Hòa Thượng?

            Sau một thời gian cư trú tại Núi Linh Thứu, Phật và hàng thánh chúng đi đến Ambalathika, Nalanda, nơi sau này một trung tâm Phật Giáo nổi tiếng, một trường đại học Phật Giáo vang danh thế giới, nơi dung chứa trên 10,000 tăng sinh tu học trong đó có Đường Tam Tạng được thành lập, nhưng giờ đây chỉ còn những đống gạch vụn, Hòa Thượng âm thầm đứng nhìn nền của thư viện mà quân Hồi phải mất ba ngày đốt cháy trước sự hoan hô của hàng nghìn vạn quân chiến thắng. Người ta sung sướng, vui mừng trong sự khổ đau của người khác. Hòa Thượng hồi tưởng lại lời nói của Quận Công Wellington sau trận chiến Waterloo, khi nhìn cảnh chết choc điêu tàn sau trận đánh lừng danh: “ Nothing except a battle lost can be half as melancholy as a battle won…” Chiến tranh để lại nỗi buồn tê tái cho kẻ thắng trận cũng như người chiến bại.

            Từ Nalanda Phật và hàng thánh chúng đi đến Pataligama , Nadika, Vesali. Vesali là nơi sinh của Mahavira, là trung tâm của Kỳ Na Giáo, vừa bị hạn hán, dân chúng đói khổ và chết chóc  rất nhiều. Nghe tin Phật đến, Mahali, bạn của vua Tần Ba Ta La, đại diện cho dân Vajjins, ra thành đón tiếp. Phật và 500 Tỳ kheo vừa bước chân vào thành Vesali thì một trận mưa rào đổ xuống, một điềm lành và là một món quà tặng cho dân chúng thành Vesali.

            Sau mùa kiết hạ an cư,Phật và hàng thánh chúng từ giả Vesali trên đường đến Kusirana. Đến sông Kakuttha, Phật xuống sông để tắm. Tắm xong,Phật lên bờ, đi về một vườn xoài gần đó, báo cho A Nan biết bữa cơm do Cunda cúng dường là bữa cơm cuối cùng. Sau thời gian nghỉ ngơi Phật đi qua bên kia sông Hirannavati để đi vào rừng cây Sala của bộ tộc Mala. Rừng cây này nằm giữa ngã ba đi vào thành phố Kusinara. Trời đã xế chiều nhưng khí trời oi ả, Anuruddha đứng bên cạnh Phật quạt hầu, Phật hỏi A Nan vào khuyên nhủ và nói bài pháp cuối cùng mà sau này gọi là Kinh Đại Bát Niết Bàn. Nói xong Ngài từ từ nhắm mắt. Đại địa rung động, hoa Sala rụng xuống như mưa. Đức Phật đã nhập niết bàn.

            Thành phố Kusinara chiều này sao mà cô tịch. Không một bóng người qua lại. Từ ngôi nhà trọ bên này đường, Hòa Thượng Đức Niệm và phái đoàn hành hương hướng nhìn tháp Phật, rào rạt niềm xúc cảm, muốn khóc, muốn nói mà khóc không lên tiếng, nói không lên lời, tại sao Phật nhập niết bàn, tại sao số phận của chúng con qua hẩm hiu, tại sao Phật không ở lại với hàng chúng sinh đang còn quằn quại trong biển sinh tử luân hồi?

            Hòa Thượng có biết không, những người đệ tử của Hòa Thượng, những người mến mộ Hòa Thượng giờ đây cũng cùng một tâm sự, cũng than thân trách phận.

                        Tuy hai mà một.

                        Tuy một mà hai.

            Hôm đó Phật Học Viện Quốc Tế đứng ra tổ chức đón tiếp đại diện các tôn giáo bạn trong phong trào vận động đòi tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Cố Hòa Thượng nhân danh Viện Chủ, Giám Đốc Phật Học Viện Quốc Tế và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ, tỏ lời chào mừng và cám ơn quan khách. Hòa Thượng nhấn mạnh vận mệnh Phật Giáo đi đôi với vận mệnh dân tộc trong tiến trình dựng nước và giữ nước, để đi đến kết luận Dân Tộc và Đạo Pháp là một. Đại diện các tôn giáo ngồi lắng nghe đạo lý tuy hai mà một , tuy một mà hai của Phật Giáo đối với dân tộc Việt.

            Sau buổi gặp gỡ, mạn đàm, Phật Học Viện Quốc Tế đãi đại diện các tôn giáo và quan khách một bữa cơm chay thân mật. Ngồi cạnh vị đại diện Cơ Đốc Giáo tôi hỏi cảm tưởng của vị ấy về lời phát biểu của Hòa Thượng Viện Chủ, vị ấy khéo léo cho biết Phật Giáo, trong dòng sinh mệnh Việt Nam, đã đóng góp lớn. Tôi hỏi vị ấycó thoải mái không khi phải dùng hai đôi đũa, một đôi dùng để và cơm và một đôi dùng để gắp đồ ăn. Vị ấy cho biết hơi bỡ ngỡ lúc đầu. Tôi nói nếu dùng lâu rồi sẽ quen, sẽ rất tự nhiên, sẽ thấy tuy hai đôi đũa mà giống như một đôi, không khác gì Dân Tộc và Đạo Pháp, nói nhiều lần sẽ thấy tự nhiên không có gì trở ngại, không chê, không khen , không thành kiến, không độc tôn, giống như Hòa Thượng đã nói, đã phát biểu mà vẫn bình dị, khiêm cung, tận tâm, phục vụ.

            Vào Mùa Tạ Ơn, Giáo Hội Thống Nhất Tin Lành, the United Church of Christ dự định phát động chương trình quảng cáo toàn quốc trên hệ thống truyền hình, mở cửa, dang tay đón tiếp mọi thanh niên nam nữ đồng tình luyến ái. Lời nhắn nhủ rất giản dị: “ Chúa không từ bỏ bất kỳ người nào, vì vậy Giáo Hội đón nhận tất cả.” Nhưng các đài truyền hình không nhận lời quảng cáo nói trên, vì cho rằng lời quảng cáo ấy sẽ gây nên nhiều sự chống đối v.v…

            Thế giới ngày càng phức tạp. Tại sao không giản dị nó đi, tại sao không tuy hai mà một, tuy một mà hai?

                        Tuy có mà không.

                        Tuy không mà có.

            Trong chuyến hành hương Ấn Độ cách đây gần 15 năm, phái đoàn Việt Nam do cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm cầm đầu, được hai vị sư Tích Lan ở Calcutta và Bồ Đề Đạo Tràng thay phiên túc trực, hướng dẫn đi chiêm bái khắp nơi. Giờ phút chia tay thật hết sức cảm động. Cảm động ở chỗ giản dị của nó. Hòa Thượng chấp tay từ giã, hai vị sư Tích Lan cũng chấp tay từ giã như không có chuyện gì xảy ra.

            Về Mỹ một thời gian nghe tin vị sư Tích Lan sắp sửa trùng tu chùa ở Bồ Đề Đạo Tràng, Hòa Thượng gởi tiền cúng dường, âm thầm và giản dị như không có chuyện gì xảy ra. Vị sư Tích Lan trẻ tuổi giờ đây đến Hoa Kỳ tu học,nghe tin Hòa Thượng viên tịch, đến đảnh lễ di ảnh để trên bàn thờ, dấu vết cuối cùng còn lại Hòa Thượng, không mồ, không tháp, cát bụi trở về với cát bụi, nắm tro tàn đã rải xuống biển Thái Bình Dương, hòa với nước, với sóng. Cuộc đời tuy có mà không, nhưng trong cái không ấy có vô lượng cái có, cái có thường hằng của thể tánh Như Lai, hiện tượng và thể tánh hòa thành một.

            Không cần di ảnh, tôi vẫn có thể hình dung một cách rõ ràng hình bóng Ngài, tôi vẫn cảm thấy ngài ở bên cạnh, hiền hòa, dung dị, vừa khuyến khích đường tu , vừa ân cần trò chuyện…

                                                            Tưởng Niệm

                                                                                    T.N.Như Đức

            Con xin phép trở về quá khứ, những ngày Thầy còn dạy Ni trường Dược Sư, những ngày rất bình yên của chúng con.

            Lớp học nằm một bên sân, cạnh cây Sapôchê già cỗi, gốc to sù sì đen bóng, một cái giếng đậy miệng cẩn thận, mấy hàng bông vui vẻ đơm hoa lá rì rầm. Những bộ bàn ghế học trò lên  nước có thể soi mặt được vì ngày nào cũng có người ngồi, áo lam nhật bình hay áo tràng rộng, quét mãi trên mấy mặt bàn ghế. Ở đó chúng con để những trang qua khứ của mình trong cái hộp bằng vàng, mỗi lần nhờ kỷ niệm , giở ra cẩn trọng.

            Thầy dạy môn Sử Phật Giáo Việt Nam. Con nhớ hình ảnh Thầy rất vui, luôn tạo không khí sinh động cho môn học vốn đã hứng thú. Khi Thầy nói đến các vị thiền sư một thời giúp vua giúp nước, Thầy cũng muốn gởi tâm huyết của mình, muốn nhắn nhủ chúng con. Hoài bảo của Thầy, là chúng con phải học giỏi, tu giỏi để có thể làm việc được, gọi là tiếp nối trang sử rực rỡ của người xưa. Hồi đó chúng con chỉ cảm nhận, nhưng còn thói quen ham chơi, và đôi lúc Thầy cũng phải thấy tội nghiệp khi có đứa vừa dứt câu niệm Phật…đã ngủ .Trả bài thuộc lòng với Thầy, đôi lúc phải thông minh khi Thầy hỏi những câu ngoài bài. Một vị Thầy trẻ, năng động, có nhiều nguyện ước cần thực  hiện, gởi những điều kỳ vọng của mình khi dạy các vấn đề liên quan đến mạch sử quê hương.

            Con hay bị lôi kéo theo trí tưởng . Cuộc đời của các vị Cao Tăng thời kỳ đầu tiên mở nước, có nhiều hành tung khó hiểu. Có vị ở ẩn non cao, cất am trong mây, vui với chim rừng vượn khỉ. Có vị vào ra chốn triều đình, danh lợi chức quyền trọng vọng. Có vị đầy huyền thuật, dời núi thâu đường, trị bịnh vua quan. Các Ngài hiện diện bên cuộc đời thường, chung một niềm lo nước nhà, hòa mình với mong ước của dân, đôi lúc chì là mong có mưa thuận gió hòa để cày bừa gặt hái. Chỉ hé lộ cái siêu nhiên của mình lúc sắp ra đi, việc cần làm đã làm xong, gởi cho môn đồ một cành mai y nhiên sân trước. Con vừa kính phục mà cũng thấy khó đoán định, đâu là cách sống thật.

            Bài học Sử Phật Giáo là điều chúng con khắc khoải, như hoài vọng của người tu sĩ hôm nay. Khi con gặp lại Thầy, ở Los mùa hạ năm 2002, Thầy chừng như chứng nghiệm đầy đủ. Tuy vậy,Thầy hiền từ điềm nhiên hỏi thăm công việc chúng con, tỏ vẻ hoan hỷ và khuyến khích, bảo nên gắng làm Phật sự trong khi còn có thể. Thầy cũng có nói về bịnh  của Thầy, như là chuyện phải bịnh, phải trị liệu, kiên nhẫn với mình. Thầy không nói  chuyện lâu được, và con cứ xót xa trong tâm. Khi Thầy vô phòng nghỉ rồi, con dạo quanh vườn chùa, khuôn viên êm ả thanh tịnh, biết bao công lao chăm sóc của Thầy để dựng lại hồn dân tộc trên nước người.

            Kính bạch Thầy, con nghe tin Thầy viên tịch, trong ngày vía đức Bồ Tát Quán Thế Âm, bùi ngùi hướng về phương trời xa kính lễ. Thế giới vật chất có cách trở nhưng gần gũi với chúng con, là hình ảnh Thầy dạy học ngày xưa, là những  điều tâm nguyện mà Thầy luôn nhắc nhở. Nghĩ về cuộc đời của Thầy, về lẽ vô thường sanh diệt, nhân duyên của thân, nhân duyên của thời đại. Con như được mở mắt ra. Con hết thắc mắc vọng  tưởng về các bài học Sử. Không cần phải tìm xa xôi. Thầy chính là cách sống, cách suy tư làm việc của các bậc Tăng sĩ Việt Nam. Tùy thời, tùy hoàn cảnh, phù hợp với nhịp sống quanh mình, làm hết khả năng của mình, luôn nghĩ đến an lạc cho chúng sanh. Mọi thứ đều biến chuyển, hôm nay không phải ngày xưa nên không thể đem khuôn mẫu nào để áp đặt. Thầy hiện diện trong từng ấy năm, để lại cho chúng con một tấm gương rất thật, lời dạy và việc làm của Thầy chỉ cốt vẽ cho chúng con đường phải đi tới. Tu học trong ý thức Phật Đà, nhớ mình là người sống ở đời nhưng cũng là bậc xuất thế.

                                                            Con kính xin dâng Thầy đôi lời thô thiển.

                                                                                                T.N.Như Đức

                                                Hoài Niệm Ân Sư

                                                                                    Quảng Tịnh

                                    Lòng từ bi độ tận chúng sanh

                                    Trí sáng suốt giải tan phiền não.

            Đó là hạnh nguyện của chư Phật, Bồ Tát và cũng là hạnh nguyện của Hòa Thượng ân sư thượng Đức hạ Niệm.

            Vâng, hạnh nguyện của Ngài đó! Phước duyên cho tôi được làm đệ tử y chỉ của Ngài vào một ngày đầu thu của năm 2000 sau khi tôi đến nước Mỹ được 20 tháng, mà tôi nghĩ rằng nhân duyên Thầy trò có lẽ từ kiếp nào còn sót lại trong đời nầy cho tôi được trọn vẹn. Thật vậy, thời gian quá ngắn ngủi đối với tôi, chưa tròn ba năm, nhưng ân nghĩa của Ngài như đã gói trọn tất cả cho cuộc hành trình mà tôi đang đi tới.

            Nhớ lại buổi chiều đầu tiên đến Phật Học Viện chờ đợi trong sự lo sợ miên man ( chiều hôm ấy Ngài đi khám bệnh) dù trước đó tôi đã gặp Ngài và chính Ngài đã làm hồ sơ bảo lãnh khi tôi còn ở trại tỵ nạn Thái Lan vào những năm 1990-1996. Tối đến Ngài về cho gọi tôi  vào, sau khi đảnh lễ vấn an và xin được y chỉ, hỏi han đôi điều Ngài hoan hỷ nhận tôi làm đệ tử và có ý định sẽ đưa tôi qua Đài Loan du học sau khi tôi có quốc tịch vì Ngài đã tu học tại đó suốt thời gian 13 năm, với đức độ bao dung của Ngài tôi cảm thấy an tâm như được rưới nước cam lồ sau cơn nắng cháy.

            Sau đó, Ngài bổ xứ tôi đến Chùa Phật Quang tại tiểu bang Oregon để hướng dẫn Phật  tử, tôi bắt đầu hành trang cho sứ mạng trong lo sợ.(Vì suốt 17 năm tu học tôi làm việc dưới sự chỉ thị của Thầy tổ mà đây là lần đầu tôi phải độc hành) Ngài biết sự lo âu của tôi nên luôn an ủi và hổ trợ tinh thần tôi qua điện thoại hằng ngày sau khi làm lễ nhập tự trù trì. Ngài thường nói chuyện với tôi bằng tiếng Quan thoại mà tôi biết rằng Ngài rất thích. Trong thời gian này Ngài giáo huấn tôi rất nhiều cũng như hướng dẫn cách làm việc bằng sự kể lại kinh nghiệm trong cuộc đời tu tập của ngài. Nhiều lúc hầu chuyện tôi cũng hay khóc, vì nơi xứ lạ quê người một mình trong mái chùa hiu quạnh chung quanh là những tang cây cổ thụ âm u. Ngài thường an ủi tôi qua những vần thơ:

                                    Đời Tăng sĩ bốn phương rảo bước,

                                    Không nhà riêng không ràng buộc tình  đời.

                                    Đem từ bi trang trải khắp nơi nơi,

                                    Cho nhân thế vơi đi bao sầu hận

                                    Là Tăng sĩ nguyện lao mình vào chiến trận,

                                    Thắng tham, sân ,si, mạn độc thù.

                                    Nêu cao đèn chân lý khuyến đồng tu,

                                    Cho nhân thế sạch hận thù tăm tối,

                                    Là Tăng sĩ nguyện đem mình mở lối…

            Và Ngài kết thúc với giọng cười thông cảm tôi thấy nhẹ đi sự buồn tủi. Nhưng hình như Ngài luôn khắc khoải ưu tư cho giáo hội cũng như giới Tăng Ni trong tương lai vì mỗi khi tôi hầu chuyện Ngài thường nhắc đến và khuyến tấn tôi tu tập để giúp đạo giúp đời. Với tôi Ngài như tang cây cổ thụ che mát mà tôi chỉ là chồi non mới chớm nở. sau bảy tháng làm việc, vì sức khỏe không thích hợp nơi xứ lạnh Ngài cho tôi trở lại Cali và cho phép về San Jose mở đạo tràng để làm Phật sự cũng với danh hiệu Phật Quang Tự mà Ngài giải thích: “ Ngoài ý nghĩa ánh sáng của Phật nhưng Thầy dùng chữ đầu của Phật Học Viện và Quang Minh cho con đó”, từ con dấu, văn thư cho đến pháp tự của tôi mỗi mỗi Ngài đều giải thích chỉ dạy rõ ràng. Tôi thầm nghĩ Ngài muốn nhắc nhở tôi trong việc tu hành cũng như sự liên kết của chúng tôi sau khi Ngài vắng bóng.

            Từ đó, tôi thường xuyên về Tổ đình vấn an sức khỏe Ngài nhưng không sao tránh được sự xúc động khi thấy vóc dáng Ngài suy mòn dần, mà lòng bi mẫn không hề giảm stú. Trong huynh đệ chúng tôi đôi khi không tránh được những lỗi lầm nhưng Ngài luôn rộng lòng tha thứ. Cho dù sức đã mõi hơi đã tàn nhưng Ngài vẫn cố gắng dạy cho chúng tôi những buổi học cuối cùng. Hình ảnh ấy là gương sáng cho hàng đệ tử chúng tôi. Nhiều lần Ngài gặn hỏi tôi: “ Con cần gì sư phụ sẽ lo cho con, tôi chỉ trả lời: con không cần gì cả con chỉ cần Sư Phụ bình phục sức khỏe mà thôi…!Ngài nhìn tôi với ánh mắt hiền hòa thấu hiểu, dù tôi chỉ là đệ tử sau nầy nhưng Ngài xem tôi như chúng xuất gia của Ngài. Tôi nhớ mãi nhân ngày vía Quan Thế Âm tháng 9 năm Canh Thìn, sau buổi lễ bạch Phật cho tôi nhập chúng nơi chánh điện tạm tại giảng đường (chánh điện mới đang xây) Ngài bảo tôi hãy gọi Ngài là Sư Phụ như huynh đệ ở đây và thường nói với chúng tôi trong những lần họp chúng; “ Với cương vị là Thầy của các con nhưng vừa là cha là mẹ và cũng là bạn của các con nữa”. Ôi! Lời nói ấy sao mà thân tình quá luôn đậm nét trong tôi , nếu không có tấm lòng quảng đại thì làm sao thốt lên được những lời nầy? Do vậy, những nỗi vui buồn tôi đều tâm sự thỉnh ý Ngài. Tôi ít nhiều cũng học được nơi Ngài về thân giáo cũng như khẩu giáo “ nhẫn nhục chịu đựng”. Sự từ hòa ưu ái của Ngài đã giúp tôi thêm phần nghị lực, tôi như thay đổi hẳn trở thành một con người mới vì ngày xưa với “Thầy Tổ” tôi cũng là một “nghịch tử” sân si chấp ngã và phiền não dẫy đầy.

            Ngày tháng qua dần, đầu năm Quý Mùi (2003) tôi về khánh tuế vấn an như thường lệ. Trên giường bệnh nhìn thấy thân tứ đại Ngài sắp tan rã, tôi xót xa đảnh lễ và quỳ bên cạnh với những dòng lệ tuôn trào, Ngài nhìn tôi vẫn ánh mắt từ hòa với nụ cười yếu ớt thều thào nói: Thầy tưởng không còn gặp con nữa và dạy tôi rằng: “ Sau nầy dù Thầy đã viên tịch con nên nhớ đây là Tổ đình phải về cùng huynh đệ và thăm Thầy nha con.” Lời nói này tôi đã gặp lại trong giấc mơ sau ngày chung thất.Những lời Ngài nói càng làm cho tôi khóc nhiều hơn vì biết đó là lời vĩnh biệt, Ngài sắp rời bỏ chúng tôi trong cõi trần ô trược này,chúng tôi đang sống trong bầu trời u tịch. Sau hai ngày tôi lại về lo Phật sự tại San Jose trong nỗi buồn khôn tả.

            Những ngày cuối đời Ngài tôi trở lại luôn bên giường bệnh cùng chư Tôn đức, huynh đệ niệm Phật cầu nguyện và Ngài đã an nhiên ra đi với hạnh nguyện đại từ đại bi của đức Quán Thế Âm Bồ Tát vào ngày 19 tháng hai năm Quý Mùi ( vía Quán Thế Âm). Chư Tôn đức khắp nơi vân tập về lo đám tang lễ của Ngài. Sự mất mát không chỉ riêng cho hàng đệ tử xuất gia, tại gia chúng tôi mà giáo hội từ đây cũng mất đi người bạn đồng hành cùng chung chí hướng, biết bao người rơi lệ tiếc nuối, khóc thương, Ngài đã thật sự vĩnh biệt tất cả để trở về cõi tịch tịnh, bỏ lại chúng tôi như những trẻ mồ côi trong tháng ngày trống vắng. Thời gian lặng lẽ trôi qua, cát bụi trả về với cát bụi. Tro cốt Ngài dạt dào trôi theo dòng nước trở về biển cả mênh mông…!

            Theo di giáo của Ngài trước khi viên tịch, chúng tôi xin y chỉ với Hòa Thượng Khánh Anh thượng Minh hạ Tâm tại Pháp quốc.Lễ y chỉ được cử hành trước ngày di quan Ngài, có lẽ Ngài rất hoan hỷ với sự tuân chỉ của huynh đệ chúng tôi. Nhờ ơn đức Ngài để lại, Hòa Thượng y chỉ cùng chư tôn đức luôn quan tâm, từ bi thương xót thường về Phật Học Viện hướng dẫn, giảng dạy trong những khóa học, giúp chúng tôi vơi đi sự lạc long bơ vơ. Chúng tôi nguyện cùng nhau nỗ lực tinh tấn trên bước đường tu học để được báo đáp ân Ngài trong muôn một.

            Hạnh đã tròn, nguyện đã mãn, Ngài đã đem hết  tâm lực cả cuộc đời phụng sự cho nhân loại, tổ đình giờ đây còn lưu lại biết bao dấu tích của Ngài, thân giả huyển của Ngài không còn nữa nhưng âm vang còn vọng mãi đó đây.

            Riêng tôi, mỗi khi về lại Tổ đình thắp nén tâm hương quý trước di ảnh Ngài hồi tưởng lại những tháng ngày qua lời Ngài dạy bảo như còn văng vẳng bên tai. Dẫu biết rằng thân là cát bụi, hư không hoàn trả hư không, nhưng trong tôi bóng hình Ngài luôn hiện hữu!

                        Hòa lòng nhân ái tìm chân lý,

                        Thượng cầu Phật quả độ phàm nhân,

                        Đức hạnh cao sâu xứng bậc Thầy,

                        Niệm tình đồ chúng rộng từ bi,

                        Ân Thầy, cha mẹ đà hiếu trọn,

                        Sư thung dung thẳng tiến liên đài.

            Nguyện cầu giác linh Ngài thượng phẩm thượng sanh, chứng đắc vô sanh pháp nhẫn thể nhập đại nguyện, hoàn lai Ta bà phổ độ chúng sanh như bổn nguyện.

            Ngưỡng nguyện giác linh Sư Phụ nơi liên đài chứng giám hằng gia hộ cho huynh đệ chúng con cùng nhau vững bước trên con đường tu tập, phụng sự chúng sanh, báo Phật ân đức như hạnh nguyện của Sư Phụ.

            Nam Mô Giác linh Hòa Thượng ân sư thượng Đức hạ Niệm thùy từ chứng giám.

                                                            Đệ tử Quảng Tịnh .Thành tâm khấu bái.

                                                            Phật Quang, ngày xuân nhớ Thầy. (2004)

                                                Tưởng Nhớ Thầy

                                                                        Hồ Hương Lộc

Nhìn theo gió núi mây ngàn

Lá hoa cây suối miên man nhớ Thầy

Tưởng  chừng giọt lệ vơi đầy

Sắc Không tự tại tiếng Thầy âm vang

Đường về Phật quả thênh thang

Hóa sanh thị hiện cứu ngànsinh linh

Tháng ngày phụng thỉnh tâm kinh

Độ sinh hạnh nguyện tử sinh sá gì

Hương hoa trầm quả uy nghi

Lọng phang trướng liễn đường thi tiễn Thầy

Thời gian ngừng lại ở đây

Thiên thu khoảnh khắc giờ nầy trăm năm

Chữ tu hòa quyện chữ tâm

Bóng Thầy tỏa sáng trăng rằm muôn nơi.

                                    Phật Học Viện Quốc Tế-Ngày tiễn đưa Thầy

                                                Hình Bóng Ân Sư

                                                                        Càn Mộc

            Mỗi tối, huynh đệ chúng tôi thay phiên nhau vào xoa bóp Sư phụ.Trên 20 năm bị bệnh tiểu đường,bây giờ đã chuyển tới gan, ung thư, chứng nào cũng nan y cả, Ngài đều nhẫn chịu chẳng buồn than. Những chứng bệnh này đã làm cho Sư phụ ốm yếu hẳn ra, đứng đi khó khăn, mặc dù lúc nào Ngài cũng hết sức cố gắng. Chính vì phải nằm nhiều trên giường bệnh nên tứ chi thân thể của Sư phụ thường hay bị nhức mỏi; nếu không được xoa bóp thì Ngài sẽ nhức mỏi không thể ngủ được, và như vậy, bệnh vốn đã nặng lại càng nặng thêm. Vì vậy, dù Sư phụ chẳng kêu, chẳng bảo ai phải lo cho mình, mà huynh đệ chúng tôi và vài Phật tử như chú Từ Vân, Chơn Quang, Quảng Nguyện và chú Nguyên Long tự thay phiên nhau xoa bóp. Riên tôi vì bận Phật sự nên không được xoa bóp hằng đêm cho Sư phụ mà 3,4 đêm mới qua tịnh thất xoa bóp một lần.

            Tôi còn nhớ rất rõ, vài tháng trước khi Sư phụ viên tịch, có đêm nọ, tôi và chú Quảng Nguyện đang xoa bóp cho Sư phụ. Sư phụ đang nhắm mắt, bổng mở ra nói rất  rõ:

-Nãy giờ Thầy thấy thế giới Cực Lạc, đẹp quá!

-Bạch Thầy, Thầy thấy gì ? Tôi hỏi.

-Thầy thấy rất nhiều hoa sen rực rỡ màu sắc, ở trong nhiều hồ thiệt lớn, thiệt sáng, thiệt đẹp.

-Bạch Thầy, Thầy có thấy đức Phật A Di Đà không?

-Thầy, nhưng  chỉ thấy Phật đứng ở đằng xa.

Tôi nghe Thầy nói như vậy, mừng quá, tôi nhìn chú Quảng Nguyện nói: Chú có nghe Sư phụ nói không, Sư phụ thấy cõi Cực Lạc đó.

Chú Quảng Nguyện cười nói: Thưa Thầy, chắc tại Sư phụ đau quá nên nói sảng đó. Tôi không đồng ý: Nói sảng à ? Đâu có. Tôi nghe Sư phụ nói rõ ràng lắm mà.Chú nói tiếp: Dạ không. Sư phụ nói sảng đó. Để con thử cho Thầy coi. Nói xong, tay Chú chỉ tôi, thưa cùng Sư phụ:

-Bạch Sư phụ, Sư phụ có biết Thầy nầy là ai không?

-Sao không biết.Minh Chí chứ ai.

-Còn con là ai?

-Quảng Nguyện chứ ai. Bộ con tưởng Thầy bị mê nên nói sảng sao? Thầy còn tỉnh táo lắm, có mê đâu mà nói sảng.

Biết được Sư phụ hoàn toàn tỉnh táo kể cho chúng tôi nghe chuyện Ngài thấy cõi Cực Lạc, thấy Phật, hào quang, ao liên trì v.v …tôi mừng lắm vì đón nhận được “ Tin Tức Trời Tây” chính là mục đích của tất cả những người tu theo Pháp Môn Tịnh Độ.

            Đọc những sách kể về cuộc đời của các bậc cao tăng tự tại với sự sống chết. Tôi rất ngưỡng mộ quý Ngài. Nhưng dù sao, đó cũng chỉ là chuyện kể lại, có những lần Sư phụ phải kêu lên khi y tá chích những mũi kim thật lớn vào người. Tôi hiểu và vô cùng thông cảm, dù sao thì cũng là thân người; cái thân tứ đại làm sao tránh khỏi sự đau đớn trước khi chúng phân ly. Chính Ngài Giới  Hiền, một cao tăng đắc đạo, Thầy dạy Phật Pháp cho Ngài Huyền Trang, bị bệnh nghiệp hành đau chịu không nổi còn muốn tự tử. Nhờ có phước duyên đã được Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền báo mộng cho biết đó là nghiệp báo sát sanh của kiếp trước đáng lẽ phải đọa tam đồ, nhưng nhờ tinh tấn tu hành mà chuyển thành quả báo nhẹ trong hiện tại. Chư Bồ Tát cho Ngài biết ba năm sau sẽ có một vị Tăng tên Huyền Trang ở Đại Đường đến cầu học Phật Pháp với Ngài, vì vậy cần nên sống để trả quả báo nhẹ hiện tại và dạy Phật Pháp cho Ngài Huyền Trang. Điều quan trọng mà tôi muốn biết là tâm của Sư phụ tôi có “đau” không. Và để tự mình mắt thấy tai nghe mà không cần xuyên qua sự kể lại của sách vở, tôi đã trực tiếp hỏi Sư phụ những câu hỏi mà dường như không một người đệ tử ngoan nào lại dám hỏi Thầy mình như vậy.

Một hôm, đang lúc xoa bóp, tôi hỏi:

-Bạch Thầy, Thầy có sợ chết không?

-Làm sao mà sợ chết. Thầy còn cầu nguyện đi sớm để khỏi làm khổ các con. Các con thấy Thầy nằm trên giường tưởng là Thầy lúc nào cũng ngủ sao?Nhiều đêm Thầy thức niệm Phật tới 3,4 giờ sáng. Thầy cầu nguyện Phật gia hộ cho Thầy được đi sớm. Thầy không muốn vì Thầy mà các con bị khổ lây.

-Bạch Thầy, Thầy có luyến tiếc gì không?

-Thầy có cái gì đâu mà luyến tiếc. Đâu có cái gì là của Thầy.

-Bạch Thầy, nếu Thầy không luyến tiếc sao hồi trưa, lúc đi bộ mệt Thầy không ngồi nghĩ mà lại xoay ghế vào ngồi nhìn chánh điện mới.

-Chánh Điện thật sự chưa hoàn tất. Đã lâu rồi, Thầy không biết công việc xây cất tiến hành ra sao, nên Thầy nhìn kỹ để cân nhắc Phật sự cho mấy đứa con. Cái thân giữ còn không được, tiếc cái chùa để làm gì.

            Thầy trả lời rất chậm rãi, hiền hòa, điềm đạm, không lộ vẻ buồn bực nào khi đệ tử xuất gia thân tín hỏi mình như vậy.

            Sau này, nhân lúc nhớ Thầy, tôi cảm tác bài thơ sau đây:

                        Dìu dịu mặt hồ bóng nhạn bay

                        Suốt đời vì đạo lòng không phai

                        19 tháng 2 trời Tây gọi

                        Thầy về “ Quê Cũ” nhập Thánh Thai.

                        Tịnh thất ngày nay vắng bóng Thầy

                        Tùng xanh ngơ ngác bên rèm mây

                        Trúc biếc nghiêng mình vào hong cửa

                        Hình bóng Ân Sư thoáng đâu đây.

                        Vườn Thiền thao thức dáng thầy “Quê” [1]

                        Sớm chiều chăm sóc bận muôn bề

                        Kiến tạo cảnh chùa cho bá tánh

                        Vào đất Già Lam thoát u mê.

                        Trống vắng lòng con nhớ đến Thầy

                        Tùng xanh trúc biếc vẫn còn đây

                        Cánh nhạn ngày xưa giờ đâu nhỉ

                        Mặt hồ in bóng áng mây bay.

                                                Buổi sáng mùa đông nhớ đến Thầy

                                                                                    Càn Mộc

                                                Thầy Đi Như Ước Nguyện

                                                                                    Thích Quảng Định

            Năm đó,nhân đi lễ Vu Lan và nghe giảng tại chùa Bát Nhã ở Santa Ana, tình cờ một Phật tử khi biết tôi ở vùng Los Angeles nên cho tôi địa chỉ của Phật Học Viện Quốc Tế và khuyên tôi nếu có dịp nên đến đây. Tôi liền lái xe tìm đến, đúng vào dịp Viện đang tổ chức Đại Lễ Vu Lan. Hồi còn ở Việt Nam, tôi cũng thường theo Bà hoặc mẹ đi chùa Ấn Quang vào các ngày vía, đặc biệt là các lễ lớn như Vu Lan, Phật Đản.Nhưng có lẽ đây là lễ Vu Lan có ý nghĩa nhất vì nó đã tạo sự chuyển biến lớn cho cuộc đời của tôi. Lần đó, cũng như thường lệ, trước khi cử hành lễ cầu nguyện mùa Vu Lan, Sư phụ nói về ý nghĩa lễ Vu Lan và công ơn của cha mẹ, đặc biệt là mẹ. Lời sư phụ bình dị, đơn giản nhưng hàm súc và tạo nhiều ấn tượng sâu sắc. Hôm đó tôi rất xúc động với những lời Ngài giảng. Kể từ đó, tôi cảm thấy có diễm phúc kết được thiện duyên với Sư phụ và thường xuyên lui tới Phật Học Viện tụng kinh, nghe giảng và làm công quả. Đặc biệt nơi Sư phụ là, dù thuyết pháp trong chánh điện hay nói chuyện bình thường khi ở ngoài, ngay cả trong những lúc vui đùa, Ngài vẫn cho thấy một sự rõ ràng, quyết tâm là con người phải tu hành để giải thoát, phải sớm lìa bỏ dục lạc, phải biết rằng được gặp chánh pháp là một đại hạnh, đừng để vuột đi, rất uổng phí. Sư phụ thường kể chuyện con rùa mù dưới đáy đại dương, một ngàn năm mới trồi lên mặt biển một lần. Trên mặt biển có một tấm gỗ đang nổi trôi và giữa tấm gỗ có một cái lỗ nhỏ vừa đủ cho cái đầu con rùa. Thử hỏi đến bao giờ mới có được cơ may khi con rùa mù một ngàn năm mới nổi lên mặt biển và đầu của nó chui qua được cái lỗ nhỏ của tấm gỗ? Phải nói là hy hữu nếu không nói là khó có thể xãy ra. Mang được thân người, gặp được Phật pháp cũng khó như vậy. Do đó, Thầy luôn luôn khuyên mọi người nên tu kẻo không kịp và tốt nhất, nếu có thể là xuất gia. Tôi đã xin Sư phụ chính thức xuất gia sau một năm gặp và nghe Ngài khuyên giảng.

            Sau  khi nhập chúng, tôi có dịp thấy và học nhiều hơn nếp sống đơn giản, tinh tấn và luôn luôn duy trì thanh quy cổ kình trong chốn thiền môn của Sư phụ. Sống giữa một đất nước nổi tiếng là giàu có, vật chất và tiếnn bộ nhất thế giới mà áo quần thường ngày trong chùa của Ngài nhiều khi vá năm vá bảy, sinh hoạt của riêng Sư phụ cũng như của Tăng chúng trong chùa,Ngài cố gắng duy trì như cách đây trên nửa thế kỷ tại những ngôi chùa xưa. Sư phụ vẫn ăn chung với chúng mãi cho đến khi Ngài bị bệnh nặng. Tuy lớn tuổi,nhưng Sư phụ vẫn thường mặc áo mang giầy ra vườn làm việc với các huynh đệ chúng tôi. Tôi hiểu qua lối sống của Sư phụ, Ngài muốn dạy cho chúng tôi biết rằng “ tín thí nan tiêu”. phải tiết kiệm và tinh tấn tu học, tinh tấn làm việc, tinh tấn phụng sự để không bị tổn đức và xứng đáng với sự cúng dường của tín thí.Trên hết, lối sống đơn giản, bình dị, tinh tấn làm việc cũng như tu học là phương thức hữu hiệu để thúc liễm thân tâm của những người quyết tâm muốn tìm cầu sự giải thoát. Sư phụ không thích ngồi nói chuyện phiếm vừa mất thì giờ vừa dễ loạn tâm, ngoại trừ phải xã giao khi tiếp khách. Giờ giấc của Ngài, ngoài việc tu niệm, là dịch kinh, viết sách, đọc sách, dạy Tăng chúng và làm vườn, tưới cây…

            Tôi cũng quý phục và học hỏi phong cách tiếp xử của Sư phụ. Đối với Phật tử, bất luận họ là ai, già hay trẻ, Ngài luôn luôn niềm nở, vái chào thăm hỏi. Đối với chư tôn đức, cách tiếp xử của Sư phụ đặc biệt biểu lộ sự quý trọng. Ngay đối với chúng Tăng thuộc hàng hậu học, Ngài cũng khiêm cung, vui vẻ và ân cần tiếp chuyện. Như để hướng dẫn và nêu những gương sáng cho huynh đệ chúng tôi noi theo, Sư phụ thường dẫn chứng những thân giáo, khẩu giáo và ý giáo của các bậc tôn túc mà Ngài đã có thiện duyên thân cận, học hỏi.Ngài luôn luôn nhấn mạnh và thường xuyên nhắc lại “ Giới luật còn, Phật pháp còn”.Về cách ứng xử khi đi làm Phật sự, Sư phụ dãy bảo chúng tôi, đại khái: ở đời, ai cũng muốn tranh thắng, tranh hơn, từ đó, gây ra hận thù, đố kỵ, đánh phá,chiến tranh…Để Phật sự được dễ dàng, các con nên tập thua người thay vì muốn thắng, muốn hơn người. Được như thế là mình tránh được những cơn sóng hận thù, đố kỵ, đánh phá…và như thế ,một cách âm thầm, không cần phải đối phó,mình đã vượt thắng được nhiều nghịch cảnh chướng duyên và quan trọng hơn, mình đã tự thắng được chính mình, một sự chiến thắng ít người làm được.

            Nhưng trên hết, điều mà ảnh hưởng sâu sắc, vững mạnh đến tâm nguyện xuất gia của tôi cũng như của tất cả huynh đệ là nội tâm của Sư phụ. Nội tâm của Ngài được thể hiện ra bên ngoài là sự kiên định, thâm tín Tam Bảo. Mọi hoạt động và sinh hoạt của Ngài đều quy hướng vào sự tôn kính chư Phật, hoằng truyền chánh pháp và đền đáp thâm ân của Thầy Tổ. Ngài xây dựng, thiết trí các tôn tượng của chư Phật và Bồ Tát, Ngài diễn giảng, viết dịch và ấn hành kinh sách, Ngài thường xuyên nhắc đến Thầy Tổ…tất cả luôn luôn biểu lộ sự chí thành, tha thiết, hăng say, tinh tấn không mỏi mệt.

            Không biết là một sự ngẫu nhiên trùng hợp hay Sư phụ có thiện ý quyết định: ngày thế phát cho tôi nhập chúng nhằm ngày vía Đức Quán Thế Âm Bồ Tát; rồi tiếp đến, ngày cho tôi thọ Sa Di cũng như sau đó ngày thọ Tỳ Kheo đều đúng vào dịp vía Quán Thế Ấm. Ngay đến sự vô thường, sau bao năm chống chọi với chứng bệnh nan y, Sư phụ đã xả bỏ báo thân đúng vào ngày vía Đức Quán Thế Âm.

            Thật tình tôi không xúc động lắm khi Sư phụ vĩnh viễn ra đi vì nghĩ rằng Ngài đã giải thoát được cái thân tứ đại già yếu,bệnh hoạn. Tôi chỉ tiếc rằng mình đã thật sự không còn nữa một vị Tôn sư để làm nơi nương tựa trên bước đường tu học và hành đạo. Từ thâm tâm, bên cạnh sự tiếc nuối, tôi có niềm an lạc vì Ngài viên tịch đúng vào ngày vía Đức Quán Âm, tôi nghĩ đó là ngày Sư phụ ước nguyện và chọn lựa. Mặt khác, đó cũng là ngày mà Sư phụ có dụng ý cho chúng tôi thọ giới để được sức gia trì của một vị Bồ Tát thường được tượng trưng như một người mẹ hiền mà tôi đã nghe giảng lúc mới bước chân đến Phật Học Viện diện kiến Ngài lần đầu.

                                                            Khóc Thầy

                                                                                    Thích Nữ Đức Thường

                        “Ơn giáo dưỡng một  đời nên huệ mạng

                        Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”.

            Thật vậy, ơn nghĩa thầy tổ sâu nặng, Thầy cho ta giới thân huệ mạng, nhờ Thầy mà ta được xuất gia học đạo, được đầu tròn áo vuông, nương nhờ cửa Phật, sớm kệ chiều kinh, tìm về nẽo Chơn Như giác tánh. Ôi , ơn nghĩa ấy thật khó đáp đền.

            Nhớ lại khi xưa tôi có nhân duyên được biết Thầy từ thời kỳ tranh đấu Phật Giáo khoảng 1963 ở Sàigòn, rồi khi đất nước Việt Nam thay ngôi đổi chủ năm 1975. Lúc ấy người dân Sài Gòn khắp nơi loạn lạc vì sợ bổn mạnh khó được yên, nên ai cũng tìm đường trốn chạy. Năm 1980, tôi cùng gia đình vượt biên sang Mỹ quốc. Tôi tìm Thầy khắp nơi nhưng không gặp, mãi đến cuối năm 1982 tôi mới gặp lại Thầy ở tiểu bang California.

            Ngày đó tôi đến Phật Học Viện Quốc Tế, gặp lại Thầy trong niềm vui mừng không sao tả xiếc, vì đã gần hai mươi mấy năm Thầy trò xa cách giờ mới gặp lại nhau nên không tránh khỏi sự xúc động, bao nhiêu kỷ niệm xa xưa chợt ùa về trong lòng tôi như mới hôm nào.

            Sau đó tôi nhắc lại khi xưa ở Việt Nam Thầy bảo tôi rằng “ Cô có tướng xuất  gia làm người tu hành được, vậy hãy xuất gia đi”. Nhưng cái gì cũng phải đủ nhân đủ duyên mới thành tựu, lúc Thầy bảo như thế trong lòng tôi còn nhiều lo âu, vì đàn con dại khờ. Lúc ấy tôi thưa cùng Thầy: “ Khi nào con xuất gia được xin Thầy tế độ cho con”. Thầy đã hoan hỷ hứa khả. Rồi thời gian trôi qua và trôi mãi như dòng đời bất tận , nay gặp lại Thầy thì dòng đời tôi dừng hẳn ở lại từ đây.

            Vào một ngày đẹp trời trong mùa Phật Đản 1983, Thầy làm lễ thế phát xuất gia cho tôi, sau đó ba ngày được Thầy cho thọ giới Sa di ni ở tại Phật Học Viện Quốc Tế. Nhưng tôi không đủ phước duyên hầu hạ họi hỏi nơi Thầy. Tôi xuất gia thọ giới với Thầy mà ở trú xứ khác, lâu lâu tôi đến thăm Thầy và ở lại Viện một vài ngày thôi rồi lại xa Thầy.Mấy năm sau cùng của đời Thầy, tôi thường lui tới thăm nom nhiều hơn, nhưng thật buồn thay, tôi thì tuổi già sức yếu nên không thể chăm sóc hầu hạ Thầy cho trọn nghĩa Thầy trò, điều đó Thầy cũng hiểu và thông cảm. Lúc nào Thầy cũng khuyên tôi rằng, Cô già rồi nên cố gắng niệm Phật, và mỗi lần đến thăm , Thầy luôn ân cần nhắc nhở như thế.

            Có lần Thầy trò nhắc lại chuyện xưa khi còn ở Ấn Quang, tôi lúc ấy là một Phật tử luôn đứng chung với quý Thầy trong chiến hào, hết lòng tranh đấu cho Phật giáo.Những lúc xuống đường tuyệt thực, tôi luôn theo sát bên quý Thầy để ủng hộ cùng đòi quyền tự do cho Phật giáo. Tôi đội từng thúng rau vượt qua rào cảnh sát để lén trao qua cửa hậu của nhà Phật tử thông qua sân chùa Ấn Quang cho quý Thầy đang bị phong tỏa bên trong. Những lúc như thế có khi xảy ra kéo dài cả tuần lễ làm quý Thầy trong chùa không có thức ăn…những lúc khó khăn gian khổ như vậy mà tình thầy trò ôi sao mà gần gủi và thân thương làm sao ! Bây giờ nhắc lại những ngày tháng ấy Thầy trò cười ra nước mắt.

            Tình nghĩa Thầy với đệ tử cũng như cha mẹ với con cái, cha mẹ thì luôn lo chăm sóc cho con và con thì nương vào bóng của cha mẹ. Cha mẹ dắt dìu từng bước chân con trẻ, Thầy thì hướng dẫn cho đệ tử đi vào cửa đạo, tìm đường giải thoát khổ đau. Thầy là người thây thế Đức Phật soi sáng con đường trí huệ thênh thang, cho con lời dạy chân tình và tạo điều kiện nào để phù hợp với căn cơ của đệ tử, cho đệ tử tu tập đạt sự an lạc ngay trong cuộc  sống này. Ôi , nói đến ơn giáo dưỡng của Thầy thì như bể rộng sông dài không bao giờ kể hết.

            Rồi một ngày trời buồn ảm đạm, Thầy trút hơi thở cuối cùng trở về an nghĩ cõi Niết Bàn như hạc vàng vỗ cánh bay xa! Thầy ra đi vội vã trong lúc tuổi của Thầy chưa đến đổi già, đáng lẽ Thầy phải ở lại với chúng con vài chục năm nữa để đàn con của Thầy kịp lớn khôn trong giáo pháp. Thầy ra đi bỏ lại đàn con hơn 20 vị như nhạn lạc bầy. Ôi! Thầy ra đi để lại nơi Phật Học Viện nầy một khoảng trống vô cùng. Bây giờ những ngày trở lại nơi đây cảnh cũ còn đây nhưng không tìm đâu ra hình bóng Thầy nữa! Tôi đi lại trong vườn chùa, trong phòng học, phòng ở của chư Tăng và đến phòng Thầy khi xưa, hình bóng Thầy lại hiện về trong lòng tôi và hình ảnh ấy còn in đậm khắp nơi trong khuôn viên của Phật Học Viện Quốc Tế.

            Nhìn những tủ đựng sách đầy ấp và thứ tự, trong đó biết bao là công lao khó nhọc của Thầy còn để lại cho hậu thế. Chúng con từ đây phải nương vào sách vở, vào lời dạy của Thầy còn chứa đựng trong đó. Đến nhìn vào căn phòng khi xưa, Thầy hay ngồi tả kinh trên chiếc nghễ gỗ mà trên án thư luôn luôn có vài quyển kinh dày, bây giờ căn phòng thật trống trãi quá! Tôi buồn bã bước vòng ra phía khu vườn sau nơi hòn non bộ có Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, nơi nầy khi xưa thầy còn khỏe mạnh. Thầy cùng chúng Tăng đã tạo ra, và những khi nhàn rỗi Thầy thường ra đứng đây xem đàn cá vàng nhởn nhơ trong nước để quên đi sự mệt nhọc sau những giờ làm việc. Đi đến nữa là Tàng Kinh Các, kho chứa kinh sách Thầy thường lui tới xem xét chăm sóc. Bên cạnh đó là những gốc cây lựu đầy trái sum xê, cây nhãn, đào lông, hồng giònv.v.. tất cả đều là dấu tích của Thầy đã tạo ra.Không nơi đâu mà không in hình bóng của Thầy.

            Nhưng không hình ảnh nào in sâu trong tôi bằng hình ảnh của Thầy khi xưa ở Ấn Quang. Thầy thường đi chiếc xe đạp cọc cạch cũ kỷ. Vậy mà nơi đâu Thầy cũng đạp xe tới để giảng pháp, dạy học , làm bổn phận “ Như Lai Sứ Giả”.Hình ảnh một Thầy mộc mạc ấy nhưng đầy ấp chữ nghĩa và tình người sâu đậm trong lòng. Tôi nhớ Thầy thích món bánh chưng và chả lụa, nhưng sau này do bệnh tiểu đường nên Thầy kiêng cử. Tuy vậy, mỗi lần đến thăm Thầy tôi cũng không quên mang theo những thứ ấy để dâng Thầy.

            Nếu nói về Thầy thì tôi còn nhiều kỷ niệm và đầy ân nghĩa không sao nói hết trong một vài trang giấy nầy, nhưng để góp vài dòng vào lưu niệm trong tập Kỷ Yếu để nhớ về Thầy nên tôi mạo muội viết lên niềm tưởng nhớ ân sư, mà nghĩa ân sư thì muôn thuở vẫn trong lòng tôi. Tôi nguyện trong đời tu hành của tôi nếu có được chút công đức nào, xin nguyện dâng lên cúng dường hồi hướng Giác linh Thầy được tự tại nơi cõi Niết Bàn.

                                                                        Đệ tử, Thích Nữ Đức Thường

                                                                        Thành tâm khấp bái

                                                            my Master

                                                                                    Chơn Quang

            My first memory of my Master, the Venerable Dr. Thich Duc Niem, was in 1983. I was only a child. My parents took my brother, sister, and I to the temple for the weekly sermon. While my mother was inside chanting Buddhist sutras, my siblings and I slept in the car. My father, on the other hand, usually wandered around the garden and rarely did he participated in the sermons.

            The scene I just described was in stark contrast to those years when my family and I were in Viet Nam. In Viet Nam, I could easily immerse myself into the temple. It was grand: the red pillars were high and large, engraving of dragons swirling around the pillars made it feel majestic and mystique, ample statues of Buddahas and Bodhisattvas provided warm sanctuary for worshippiers, and the architecture was uniquely Vietnamese with its curvy roof-top. In essence, temples in Viet Nam had that religious atmosphere in which I felt comfortable being there, chanting Sutras, listening to Dharma Talk, or playing with other children. In 1983, that religious atmosphere was not present in America. The reason was simple.

            My family and I were refugees. As newly arrived immigrants, we were anxious to start our life anew. America provided us an opportunity to acquire a meaningful education and a more stable and prosperous career. More importantly, America offered us freedom. However, America could not provide us a place of worship. We were Buddhists living in a new land where the majority of the population fofflowed the Christian faith. We needed a place of worship where a religious leader was able to speak our language, understand our religious beliefs, and relate to our hardships as newly arrived immigrants. My Master, in his capacity, filled that void for my family and many other Vietnamese refugees who were searching for a place of worship.

            He converted a four-bedroom home into a Buddhist monastery. The newly established organization was named Phat Hoc Vien Quoc Te (Institue of International Buddhist Studies). Even though it was small, our temple was cozy and warm. And on one Sunday afternoon in 1983, my Master gave me an apple. He then gently rubbed my head and said softly, “Be a good boy ok? (con ngoan nha)” This was my first memory of my beloved Master.

            I have many fond and heart-felt memories of him, particularly within the past five years. He was a man of great virtues. I will describe two of those virtues to share with the reader and provide a glimpse as to why so many people around the globe respect and admire him.

            In Decemeber 2001, my Master was diagnosed with a mass in his liver. Both of his doctos, the Gastroenterologist and the Oncologist suspected he may have liver cancer. The only way to confirm if he had the disease was to perform a liver biopsy, where a Radiologist insert a small and olng needle into the right-side of his abdomen and extract a tissue from the liver. The tissue would then be sent to the lab for tests to confirm whether the result was benign or malignant.

            The liver biopsy failed miserably. Before the Radiologist could get the result, my Master suffered internal bleeded from the procedure. The doctors and nurses rushed him to the Intensive Car Unit (ICU). His blood pressure, oxygen level, and pulse were abnormal, all cause by the bleeding. My Master was in extreme pain, particularly from the chest down to his abdominal area. A deep breath or a subtle body movement would cause him great discomfort, and he was given pain medication accordingly.

            One morning, I came to visit him at the ICU. It was three days after the liver biopsy. My Master’s condition was listed as critical, but “stable”. He had an oxygen tube in his nose, IVs in his veins, and a tube inserted into his body to withdraw the excess bleeding. My Master was laying upward on his bed. He looked very pale and in his fragile voice he asked me, “Have you had breakfast?” and “did you sleep well last night?”

            In normal circumstances, these two questions may sound mundane. I can not recall how many times my friends, teachers, and family members have asked my these same questions, but never did “Have you had breakfast?” and “did you sleep well last night?” sounded so deeply meaningful. The questions were thoughtful. They were simple and unpretentious. They were heart-warming.

            The story I just described is one example of my Master’s virtues. He was a considerate and kind human being. He thought for the benefit of others before he considered his own well-being. He respected those above him and was humble towards those below him. And above all, he was genuine.

            In Februaury 2002, my Master sent a delegation to do charitable work in Viet Nam. Along Highway 1, the delegation went through provinces and districts from south to north Viet Nam. They visited hospitals, ceners for the disabled and the elderly, and elementary schools to donate money, food and medicine. My Master’s disciple and successor, the Venerable Thich Minh Chi, headed the delegation.

            Upon his return to America, Venerable Minh Chi decriched to my Master about the trip and the living condistion in Viet Nam. It was heart-rending. Homes in the countryside were old and dilapidated. Over the years, the roofs and walls made from cocnut palms began to decay. These homes could not withstand the tropical heat not the torrential rain. Standing inside the house one can thus see the sun light bursting through the cracks of the walls and roofs; and during raining season, the bear floor inside these homes become wet and muddy.

            Children, ages 10 to 14 years old had to quit school and work to earn a living. They helped their parents by supporting themselves. From morning to dawn, these children sold lottery tickets, soft drinks, and candy, etc. to ease the financial burden on their parents. Elderly people, in their fifty’s and sixty’s, sold lottery tickets just to get by. Indeed poverty knows no boundary and does not discrimante against anyone based on age or gender.

            That evening, I came into my Master’s bedroom to give hime his daily medication. It was quite. He was laying on his bed and seem to be thinking about something. I greeted him and before I could say anyting else, my Master broke down in tears. He asked himself, “What did the people in Viet Nam do to endure such sufferings? For a brief moment, I stood by his bedside frozen. I did not know what to say or how to react. I finally gave him a pice of tissue paper and knelt by his bedside. A few seconds passed by and the room was quiet again.

            It was beyond me to think that someone who had liver cancer and dying to be so sympathetic to other people’s misery. My Master knew there was no cure for his disease. Yet, he was still genuinely concerned about the other people’s well-being; people he never knew or met. He regarded these strangers as if they were his next-of-kin, his teachers, his colleagues, his disciples.

            During the last six months of his life, my Master bear a lot of physical sufferings from his disease. Never once did he turned those pain into anger, whether he was at home, at the doctor’s office, or at the hospital. He realized that it was his karma, and he endured it without resentment. During this time span, all of us took care of our Master as best we can to keep him physically and mentally comfortable because he spent most of his life helping others feel comfortable, both mentally and spiritually. It was only befitting that we provide the best possible care so that our Master was able to depart this world peacefully. On March 21st, my Master took his last breath as he was surrounded by disciple, relatives, and colleagues, all reciting the Buddha’s name and praying for him.

            Since his passing, there is not one day that goes by in which I do not think about him. All I have now are loving memories of my Master. Although he is no longer with us, my Mster’s legacies live on. The monastery he created, the Zen garden he planted, the many disciples he trained, and the dozens of books he had writted are all a manifestation of his legacies.

            Everyday, each morning and before bed-time, I stand in front of his altar. Placing both my hands together in front of my chest, I solemnly said to him, “Nam Mo A Di Da Phat. Kinh Bach Su Phu, con xin danh le Su Phu.”[2]  

                                                                                    Respectfully,

                                                            Chon Quang ,North hills,California May 24,2003

                                                Tấm Lòng Của Thầy

                                                                                    Thích Minh Chí

            Đêm ấy, trời Cali lạnh lắm. Gió tây bắc thổi về làm ngã những chậu kiểng ngoài sân Viện. Tay con kéo vali, chân đi run run, run vì gió lạnh hay run vì tâm tư đang tưởng tượng kính thương đến một thân xác gầy yếu của một vị Thầy đã dày công giáo dưỡng con trên suốt mười năm, giờ đêy đang lâm trọng bệnh, sẵn sang đợi ngày về với Phật.

            Từ Chicago gọi điện thoại về vấn an Sư phụ, nghe tiếng Thầy đứt quảng trên điện thoại, lòng con đau buốt, vội vả thu xếp Phật sự tại chùa Quang Minh về thăm. Bước vào tịnh thất nơi Thầy đang dưỡng bệnh, con rón rén quỳ xuống bên giường bệnh, chắp tay thưa: “ Nam Mô A Di Đà Phật. Bạch Thầy, con là Minh Chí về vấn an sức khỏe của Thầy.”

            Thầy mở mắt đáp tiếng rất nhỏ, nhưng giọng nói rất rõ ràng: “ A Di Đà Phật. Con mới về hả? Trời gió lạnh như vậy sao con không bận áo ấm, bệnh rồi làm sao?” Con nghẹn ngào không biết đáp lời ra sao, nên ấp úng..dạ …dạ…

            Tấm lòng của Thầy là như vậy đó. Dù thân đang mang trọng bệnh mà vẫn cứ lo lắng sức khỏe của chúng con.

            Thầy như một người cha, dạy bảo khuyên răn chúng con đủ mọi điều; từ cung cách ăn nói xưng hô, chắp tay, cúi đầu, quỳ lạy, cho đến học kinh, tập diễn giảng v.v…Những lần dạy kinh cho chúng con, Thầy đem hết tâm tư ra để dạy. Lớp học dành riêng cho chúng xuất gia lúc đông nhất là 12 người.Có khi rơi rớt chỉ còn lại bốn huynh đệ, Thầy đều dạy như nhau. Phòng học là một  gian phòng đơn sơ giản dị vừa là nơi tiếp khách cũng là chỗ thầy gieo giống Phật vào tâm thức chúng con. Những ngày tháng ấy con thật sự an lạc biết là bao. Chỉ biết đi học ở trường, về Viện học kinh, tụng kinh, nghe pháp làm công quả,chỉ thế thôi, không vướng bận chi cả. Tuần nào cũng vậy, mỗi sáng Chủ Nhật, sau thời Sám Hối Hồng Danh là thời pháp của Thầy, sáng thứ Hai , tối thứ Ba, thứ Tư, thứ Sáu học  kinh, sáng thứ Bảy tập giảng, và tối thứ Bảy lại được học kinh một lần nữa. Mỗi lần học khoảng một tiếng đồng hồ. Lần nào cũng thế, cứ mỗi lần giảng kinh xong, Thầy đều kể chuyện về cuộc  sống của các bậc cao đức, nhiều khi kể về cuộc đời tu hành và kinh nghiệm của Thầy  cho chúng con làm gương noi theo. Lớp học vô cùng ấm cúng, nó vừa chan chứa tình thầy trò lại đậm đà tình phụ tử.

            Con mất cha khi còn bé. Lúc lên chin, mười tuổi đi chơi nhà bè bạn, thấy mỗi lần Ba của chúng đi làm về là ôm chúng vào lòng như bắt được của báu. Nhìn thấy chúng bạn được Cha chúng ôm như vậy, con tuy chưa biết tủi thân là gì, nhưng tự nhiên thấy lòng buồn vô hạn vì biết rằng mình đâu có Ba để được Ba ôm vào lòng như thế.

            Khi con vào Phật Học Viện xuất gia, tự nhiên con lại có được một người Cha, dù là Cha tinh thần, nhưng Thầy đã dùng lòng từ bi khiến con tìm lại được sự ấm áp của tình phụ tử, những gì con đã mất khi còn bé.

            Nhớ có một lần, Thầy Tâm Quang mới dịch quyển sách đầu tay nên xin Thầy  cho xuất bản quyển sách ấy gấp. Thầy cần người đánh máy quyển sách “ Mối Tình Vương Giả Bất Diệt Của Vua Sety”( sau này đã được đổi tên là Ba Ngàn Năm Một Kiếp Luân Hồi).Lúc bấy giờ Sư cô Diệu Tánh quá bận việc, con phát tâm đánh mày, dù chỉ gõ từng ngón mà trong một tuần đã hoàn tất quyển sách dày mấy trăm trang. Thầy biết quyển sách đã được đánh máy xong, mừng quá, Thầy ôm con vào lòng, vuốt đầu con và nói: “ Con ráng tu nghe”. Lúc ấy con vui vô cùng, nhưng vì đã lớn ( 20 tuổi), nên con  lại tỏ ra ngượng ngùng mắc cở. Thầy hiểu ý nên từ đó về sau không bao giờ ôm con vào lòng nữa. Sau này, đôi lúc con hối tiếc những  giây phút ấy; biết vậy,lúc trước con cứ đứng im, đừng ngượng ngùng để đón nhận tình thương chân thật từ một người cha hoàn toàn không quan hệ huyết thống.

            Những lúc con lỗi lầm, bấm gan vào xin Thầy cho con sám hối, bụng nghĩ lần này chắc Thầy sẽ cho một trận tơi bời. Nào ngờ , lần nào cũng như lần nấy, Thầy đều nói: “ Con biết lỗi,sám hối là tốt rồi. Sau này nhớ đừng phạm nữa”. Ngược lại , có khi phạm phải những lỗi lầm nhỏ,con nghĩ thôi tự biết được rồi khỏi cần sám hối thì Thầy lại kêu đến quở cho một trận nên thân. Thầy sẵn sang tha thứ lỗi lầm cho các đệ tử biết sám hối dù tội ấy lớn đến đâu.Nhưng lại thẳng thắn quở phạt những người không biết sám hối dù người ấy chỉ phạm một lỗi nhỏ.

            Tấm lòng của Thầy là tấm lòng vị tha, rộng mở thu nhiếp tất cả chúng sanh không bị hạn hẹp bởi tình bà con quyến thuộc. Thầy đã dạy chúng con: “ Nếu các con biết mở rộng cõi lòng để phát nguyện độ hết chúng sanh thì tự nhiên trong đó đã có cha mẹ, anh em, bà con quyến thuộc của mình rồi. Ngược lại, mình ích kỷ nhỏ nhoi chỉ muốn lo cho mình, cho bà con mình thì ở nhà tu tại gia cũng được đâu cần xuất gia. Người xuất gia phải có chí nguyện lớn hơn,phải thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Thầy thường dạy chúng con, “Ở đời ai cũng muốn thắng, không ai muốn thua, các con cứ tập thua đi, bởi vì thua người tức là thắng được lòng mình”.Lúc hành đạo ở chùa Quang Minh, con đã dán câu này trên vách trước bàn làm việc của con để như có Thầy luôn luôn đang nhắc nhở. Mỗi lần gặp phải chướng duyên, con nhìn lên lời dạy ấy, nhờ vậy, mà con đã vượt qua được nhiều chông  gai trong thời gian hoằng pháp tại đây.

            Thầy đã xa chúng con nhưng hình bóng và lời dạy của Thầy vẫn còn in sâu đậm trong tâm khảm của chúng con. Những lời dạy của Thầy sẽ là hành trang theo mãi bên con để luôn luôn soi sáng sách tấn con trên bước đường dài trở về nguồn cội.

            Đêm nay, trời trở lạnh, gió Tây bắc lại thổi về làm nghiêng ngã những chậu kiểng ngoài sân Viện. Con bước vào tịnh thất của Thầy, cảnh vật nơi đây vẫn còn giữ nguyên vẹn như khi Thầy còn tại thế: cái bàn, cái ghế quen thuộc mà Thầy vẫn từng ngồi dịch kinh viết sách, cái giường Thầy nằm dưỡng bệnh, tất cả vẫn còn đó chỉ thiếu hình dáng của Thầy. Con xúc động vô cùng. Gió lùa qua khung cửa sổ làm con lạnh buốt người. Bỗng nhiên, con như nghe lại câu nói của Thầy: “ Trời gió lạnh như vậy sao con không bận áo ấm,bệnh rồi sao?”

            Nam Mô A Di Đà Phật. Bạch Thầy, con sẽ bận áo ấm.Nhưng con biết rằng không có chiếc áo ấm nào trên thế gian này ấm bằng tấm lòng của Thầy.

                                                            Con nhớ Thầy quá, Thầy ơi!

                                                Phật Học Viện Quốc Tế Ngày 5 tháng 2, 2004

                                                                        Đệ tử kính bái

                                                            Tỳ kheo Thích Minh Chí

            Ai Điếu Của Đệ Tử Tỳ Kheo Thích Tâm Quang Đọc Trong Tang Lễ Sư Phụ

                                                                                                Thích Tâm Quang

Nam Mô Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo, Tác Đại Chứng Minh.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Tác Đại Chứng Minh.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Ngưỡng Bạch Chư Tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni.

Ngưỡng Bạch Giác Linh Sư Phụ thùy từ chứng giám,

            Đệ tử Tỳ kheo Thích Tâm Quang, đại diện chư Phật tử chùa Tam Bảo Fresno và Hội Phật Giáo Việt Nam Vùng Central Valley California quỳ trước Kim Quan ai điếu Hòa Thượng Bổn Sư lời tâm sự sau cùng để tiễn đưa Thầy trở về Cảnh Giới Tịch Tịnh Niết Bàn. Từ nay chúng con đành mất đi một bậc Thầy khả kính, một đạo sư cương kỷ.

            Kính bạch Thầy, nhớ lại thuở nào Thầy kể những gian nan khổ hạnh trong cuộc đời tu học của Thầy, khi làm chú điệu, khi là sinh viên nghèo nàn phải xin cơm của một ngôi Chùa tại Đài Loan để ăn và mỗi đêm phải trốn trong thư viện để học. Thế mà Thầy chịu đựng được và thành công.

            Sau  khi tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Đài Loan, Thầy được cố Hòa Thượng Thiên Ân mời về hoằng pháp tại Hoa Kỳ. Bước đầu Thầy sống khổ hạnh, cải đổi một nhà để xe chật hẹp thành nơi ấn hành kinh sách, vốn là mục tiêu hàng đầu của Thầy.

            Trong một chuyến đi hoằng pháp tại chùa Kim Quang Sacramento nhân mùa an cư năm 1979, Thầy ghé thăm đồng bào Phật tử tại Fresno trong đó có con. Thật vậy, “ hữu duyên vạn dặm còn tận mặt, vô duyên gặp mặt vẫn cách lòng”.

            Vào thời gian đó , thấy Thầy cần có phương tiện di chuyển, chúng con có mua cúng Thầy một chiếc xe hơi cũ và tập cho Thầy lái xe, nhưng Thầy đã đem đi đổi với giá khiêm tốn để thực hiện việc phát hành kinh sách. Thầy cho biết đối với Thầy kinh sách còn quý hơn chiếc xe. Từ đó con càng cảm kích Thầy nhiều hơn. Rồi Thầy trò gặp nhiều lần, được nghe Thầy giảng dạy, thấm nhuần giáo lý, con đã trở thành đệ tử của Thầy và xuất gia học đạo, theo gương Thầy dạy: dịch kinh sách để lại cho đời. Con cũng theo đó mà góp phần nhỏ nhoi trong việc hoằng pháp. Đó cũng là nhờ sự chỉ dạy và độngviên của Thầy, nhờ công ơn sâu đậm như trời biển của Thầy mà con có ngày hôm nay, một lần nữa con xin đội ơn giác linh Thầy.

            Mô Phật, Bạch Thầy, chúng con nghe được sự truyền bá chánh pháp khắp nơi của Thầy khiến chúng con cũng lấy làm hãnh diện vì mỗi lời pháp của Thầy là sự giải thoát tràn đầy đối với những người con Phật.

            Sau một thời gian Thầy lâm chứng bệnh ngặt nghèo, sức khỏe của Thầy có phần giảm sút, dù vậy Thầy vẫn kiên trì làm Phật sự lợi lạc quần sanh, quyết tâm đi cho trọn con đường phụng sự đạo pháp và dân tộc. Chùa Tam Bảo Fresno, Chùa Quang Minh Chicago, Phật Học Viện Quốc Tế được tạo dựng nên ngày càng khang trang, các kinh sách quý đều được phát hành nhờ công lao của Thầy trong khi bệnh của Thầy ngày  càng nghiêm trọng.

            Sau nhiều lần điều trị tại bệnh viện, rồi về, những tưởng Thầy đã qua cơn bệnh, nào ngờ lực bất tùng tâm, bầu thuốc thánh không chuyển đổi được sự vô thường, chén linh đơn sao chữa được bệnh nan y.Rồi Thầy thu thần thị tịch nhân ngày vía Quán Thế Âm Bồ Tát 19 Tháng Hai năm Quý Mùi.

            Than ôi! Sữa pháp mất rồi, lòng con đói mãi, chư Tôn Đức Tăng Ni, Thiện Nam Tín Nữ Phật tử đang thương tiếc Thầy, thầm khóc gọi Thầy Ơi, Thầy Ơi !

            Bạch Thầy, trên suốt đoạn đường còn lại của chúng con, làm sao tìm lại được một bậc Thầy khả kính đây, chư huynh đệ chúng con biết đi đâu tìm được sư phụ để báo đền công ơn tế độ, chúng con chỉ còn biết theo lời dạy của Thầy lúc còn tại thế mà y giáo phụng hành thôi.

            Bạch Thầy, chúng con đau buồn thì cũng có, tủi lệ cũng không khỏi, nhưng chúng con còn được hãnh diện là tiếng thơm của Thầy vẫn còn vang động trên cõi trần thế này. Cái hạnh phúc thứ hai cho chúng con là được sự bảo bọc, sự thương cảm của Giáo hội, của chư Tôn Đức, Tăng, Ni, cùng những người con Phật của Ban Tổ Chức Tang Lễ dành cho. Chúng con xin cảm niệm công đức quý Ngài.

            Tình nghĩa thầy trò kể sao cho hết được.

            Thôi thì, nơi thế giới niết bàn, xin Thầy hãy thong dong tự tại và thầm gia hộ cho chúng con, cho nhân loại đều được an lạc trong tâm tư, hỷ xả trong đời sống, hạnh phúc trong gia đạo, thành tựu trong việc làm và được về cõi Phật khi vởi bỏ xác thân này.

Xin Vĩnh Biệt Thầy!

Nam Mô Đường Thượng Từ Lâm Tế Chánh Tông tứ Thập Tứ Thế, Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện, Khai sáng Phật Học Viện Quốc Tế, Húy Thượng Nguyên Hạ Công tự Đức Niệm, hiệu Thiền Đức, giác linh Hòa Thượng Bổn Sư tọa tiền chứng

                                                                        Đệ tử Tỳ kheo Thích Tâm Quang

                                                Nhìn Người Từ Xa

                                                                                    Quảng Thành

            Nhân biên tập cuốn “Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Đức Niệm”,tôi được Thầy Minh Chí,người thừa kế điều hành Phật Học Viện Quốc Tế, gợi ý có thể đăng một số thơ văn trích từ Nhật Ký của Cố Hòa Thượng. Thoạt đầu, tôi hơi ngần ngại, vì thông thường, nhật ký là những gì được ghi lại từ những suy tư, cảm niệm cá nhân trong cuộc sống, có nhiều nét riêng tư không nên công bố. Nhưng sau khi đọc xong, tôi vừa ngạc nhiên xúc động vừa cảm thấy tâm hồn hoan hỷ và an lạc.

            Ngoại trừ một đôi lần, một số trường hợp, ghi lại những sự kiện sinh hoạt nội bộ tăng chúng của Viện, không có gì đặc biệt, hầu hết những trang nhật ký của Cố Hòa Thượng ghi lại những tâm tư, cảm niệm, hoài bảo của một người quyết tâm tìm đường giải thoát cho mình và tha thiết với nhiệm vụ hoằng pháp độ sinh của một trưởng tử Như lai. Qua những trang nhật ký của Cố Hòa Thượng, môn đồ và đàn hậu học sẽ cảm nhận được và nhìn thấy rõ hơn tâm nguyện và hành trạng của Thầy và từ đó cảm thấy như được sách tấn, khuyên nhủ, hướng dẫn trên con đường tu học và hành đạo.

            Đó là lý do tôi và Thầy Minh Chí cùng đồng ý đăng thơ văn trích từ Nhật ký của Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm. Và phần này, chúng tôi sắp xếp vào chương Tiểu sử, hành trạng và hình ảnh nhằm biểu lộ rõ hơn con người, tâm tư và chí nguyện của Thầy ( mà không sắp xếp như một phần Phụ lục).

            Khi biết Thầy có để lại nhật ký, quả thật tôi ngạc nhiên. Có lẽ còn nhiều người khác cũng ngạc nhiên như tôi. Trong cuốc tiếp xúc thường ngày, ai cũng thấy Thầy bình dị, chất phác, nhiều khi còn có vẻ “ quê mùa” nữa, đúng như bút hiệu “ Tỳ kheo quê mùa” mà Thầy thích xử dụng. Một người như vậy, tôi vẫn có thói quen đánh giá, không phải là mẫu người cầm bút,nhất là cầm bút viết nhật ký. Dĩ nhiên thói quen đánh giá” coi mặt mà bắt hình dong” của tôi đã sai, và trên thực tế tôi đã sai nhiều lần. Thực ra, tôi đã biết-không những biết mà còn có một ấn tượng sâu đậm-rằng Thầy là một người trầm lặng, rất ít nói.Trong những kỳ Đại Hội của Giáo Hội, một ngày, hai ngày, thậm chí ba ngày, Thầy không nói một lời nào, ngoại trừ khi rất cần thiết hoặc được đích danh mời cho biết ý kiến riêng của Ngài. Đã có nhiều lần, sau những buổi họp hoặc kỳ họp kéo dài, quý Thầy đồng sự pháp lữ của Ngài hỏi đùa: “ Sao Thầy giỏi vậy, suốt mấy ngày không nói mà không chán hoặc buồn ngủ sao”? Ngài chỉ cười: “ Thì quý Thầy nói đủ và hay quá rồi” ! Tuy không nói, nhưng Thầy hiểu rõ nội dung và luôn theo sát những diễn tiến của những vấn đề đang được thảo luận với một tư thế ngồi họp nghiêm túc, tinh tấn không hề tỏ vẻ giải đải. Đúng ra tôi đã có thể biết rằng một người trầm lặng có một cuộc sống nội tâm phong phú, nếu không nói ra được bằng lời nói thì họ phải “ nói ra” bằng cây bút. Nhưng có lẽ tôi bị con người bình dị, chất phác, “quê mùa” của Thầy che khuất nên tôi mới ngạc nhiên khi biết Ngài viết Nhật ký.

            Ai đã từng viết Nhật ký đều biết rằng sự khó nhất của công việc này là phải viết thường xuyên và lâu dài. Nhật ký của Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm trong cuộc đời hoằng pháp tại Hoa Kỳ được bắt đầu từ ngày 6 tháng 9 năm 1979 và chấm dứt vào ngày 9 tháng 11 năm 2002, tổng cộng trên 23 năm. Tôi không đọc được Nhật ký được viết khi còn ở Việt Nam và Đài Loan, nhưng đọc những  giòng Thầy viết ngày 27-11-2000, lúc đã lâm trọng bệnh , thì cũng biết thói quen viết nhật ký của Ngài:

            “Ngày xưa bận học thi mà mỗi đêm viết được nhật ký. Ngày nay không học không thi mà không thường xuyên viết nhật ký như xưa, dù vẫn biết rõ yếu kém như vậy, mà vẫn không làm được như xưa. Điều này đủ thấy được sức khỏe yếu kém, sự hăng say không còn như xưa. Tuy nhiên về đường tu, về trao đổi tâm tánh, về quán sâu tâm thức thì chin chắn rõ ràng hơn. Nghĩa là không lãng phí, không bỏ quên, không dễ dãi với mình, không để thời gian luống qua, nhàn rỗi vô ích…”

            Thầy chấm dứt viết nhật ký trước ngày viên tịch hơn bốn tháng khi không thể ngồi và cầm bút được nữa.Nhưng trong thời gian này, tinh thần vẫn trong sáng, thanh thản, an lạc như được ghi lại trong những giòng cuối cùng của tập Nhật ký đề ngày 9 tháng 11 năm 2002:

            “Hôm nay trời vẫn tiếp tục mưa, tuy không nặng hột, nhưng liên tục suốt ngày đêm, có thể nói là mở đầu cho mùa mưa bằng trận mưa lớn ít thấy trong những năm qua. Trời mưa suốt ngày đêm đem lại sự tươi mát cho cỏ cây muôn loài người vật. Suốt năm  không có mưa, cho nên mưa đối với Nam Cali là nguồn vui đáp lại sự ước ao của đa số người vật. Trời mưa rỉ rả, bầu trời u ám suốt ngày, nhưng người tôi vẫn bình thường, tuy mang trọng bệnh, nhưng không bị ảnh hưởng thời tiết gì mấy. Thân bệnh nhưng tâm không bệnh. Bởi rõ lẽ vô thường, khổ không, có thân là có bệnh.Luận Bảo Vương Tam Muội, Phật dạy “ Lấy bệnh khổ là thuốc thần”. Có thân mà không bệnh hoạn thì dễ sanh dục vọng tự hào.”

            Tuy thân mang trọng bệnh và trên thực tế thì chỉ hơn bốn tháng sau, Thầy viên tịch, nhưng lúc bấy giờ, từ giường bệnh, nhìn bầu trời u ám với cơn mưa rỉ rả suốt ngày đêm, không những không bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh ảm đạm , không bị chi phối bởi cơn bệnh nan y khó qua khỏi, mà ngược lại. Ngài vẫn “thấy” được sự tươi mát  mà cơn mưa sẽ đem đến cho cỏ cây muôn loài người vật cũng như đó là nguồn vui đáp lại sự ước ao của đa số người vật.Bệnh đã không ảnh hưởng đến tâm trong sáng, thanh thản của Thầy mà còn sách tấn Ngài chiêm nghiệm lời Phật dạy: “ Lấy bệnh khổ làm thuốc thần”.

            Không dễ dãi với chính mình,luôn hướng tâm đến mục tiêu giải thoát,luôn nặng lòng với trách nhiệm, đó là những nét nổi bật trong nhật ký của Thầy. Dường như đó là phương pháp Ngài dùng để nhiếp tâm và tự sách tấn trên con đường tiến tu đạo nghiệp.

            Trước ngày viết những giòng chữ cuối cùng trên đây hơn 23 năm, khi mới đến Hoa Kỳ để bắt đầu cuộc đời hoằng pháp, Ngài đã “ tự hỏi lại mình” khi khai bút viết Nhật ký ngày 6 tháng 9 năm 1979:

            “ Hôm nay , ngày lễ Vu Lan, ngày rằm tháng bảy, ngày mà mọi người con Phật đều hướng vọng tưởng nhớ đến tổ tiên cha mẹ.

            Đây là lần đầu tiên, trên đất Hoa Kỳ, mình cảm niệm lễ Vu Lan. Đã 10 mùa Vu Lan cách xa quê hương. Ngày xưa, khi còn ở nhà nói đến Vu Lan, là bao nguồn tâm tư hướng về quá khứ với bao nhiêu hình ảnh trong lòng. Nhất là hình ảnh nhớ cha mẹ. Ngày xưa, khi mình còn nhỏ chưa giảng dạy được, thì mình nghe các bậc Thầy, các bậc đàn anh giảng đến Vu Lan, tronglòng cảm xúc muôn vàn.

            Nay ngày lễ Vu Lan, chính mình giảng về ý nghĩa đó. Khi giảng, mình đã cảm động và mọi người nghe mình giảng cũng cảm động vô cùng.

            Vâng , ngày xưa ngài Mục Kiền Liên nhớ mẹ và độ mẹ. Ngày nay, đã có ai chưa? Trong đó, mình tự hỏi lại mình nữa.

            Hôm nay đầu  tay quyển nhật ký này, để kỷ niệm Vu Lan trên đất khách Hoa Kỳ này.”

            Khi đã ở Hoa Kỳ được 12 năm, những công việc hoằng pháp như in kinh, đào tạo tăng tài, xây dựng cơ sở cho quần chúng tu niệm đã thực hiện được khá nhiều, nhưng nghĩ đến thân bệnh không cho phép làm được nhiều hơn, Thầy cảm thấy không xứng đáng với những ơn sâu đã thọ, như được ghi trong trang nhật ký đề ngày 12 tháng 6 năm 1991:

            “…Cái khỏe mạnh của cơ thể, cái đầu óc minh mẫn, cái tinh thần phấn khởi đã qua. Thời trai tráng khỏe mạnh đã lui dần nhường chỗ cho suy tàn hiện ra. Ôi!Hơn 50 năm trên đời trôi qua cái vèo, ta chưa làm được gì cả. Ơn cha mẹ, cơm đàn na, ơn sư trưởng , công đức của Phật, tất cả 4 ơn nặng ta thấy suốt đời hành đạo của ta chưa xứng đáng chút nào. Dù ngày đêm cố gắng tu học không ngừng mà vẫn không thấm vào đâu với ơn sâu nghĩa nặng tứ trọng ân mà mình đã thọ.

            Lòng không còn ham muốn gì nữa. Chỉ mong làm sao có kẻ hậu học đủ năng lực để trao lại sự nghiệp hoằng pháp này đặng có thì giờ tịnh tu hầu tạo chút tư lương trên đường về Cực Lạc …”

            Cũng một tâm tư tự vấn, tự trách, chưa bằng lòng với sự cố gắng của mình như ý của đoạn thơ sau đây trong một bài thơ 5 đoạn được viết ngày 26 tháng 2 năm 1996:

            “Tôi biết rằng tôi chẳng thật đâu,

            Mà sao thao thức những đêm thâu

            Phải chăng chưa trọn lòng buông xả

            Hành đạo đến nay đã bạc đầu…”

            Một dịp khác, nhân Lễ Thành Đạo năm Bính Tý, 1996, sau khi nhắc lại một vài nté về ngày lễ, Thầy cũng tự nhận xét để tự cảnh giác chính mình:

            “Lễ Thành Đạo năm nay trời nắng ấm, nắng đẹp tuy trước đó một ngày trời lạnh u ám mưa. Đặcbiệt năm nay lễ Thích Ca Thành Đạo lại cũng là lễ cầu siêu Hòa Thượng Thích Pháp Tri, Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo viên tịch tại Việt Nam vào rằm tháng 10 năm Bính Tý. Do vậy mà chư tăng trong giáo hội đều vân tập về làm lễ tại Phật Học Viện khá đông đủ. Buổi lễ được cử hành vàolúc 2g30 chiều Chủ Nhật ngày 19 tháng 1 năm 1996 nhằm 11 tháng Chạp Bính Tý. Lần đầu tiên viện làm lễ buổi chiều nên người tham dự khoảng vài trăm không đông đảo như buổi sáng. Thành Đạo mà nghĩ đến phần mình tu sao gần 45 năm rồi mà chẳng thấy chi, mặc dù cố gắng không ngừng, tuy nhiên cũng thấy có chút thanh thoát khi trên tịnh thất nhìn trời cao đất rộng”.

            Những lời tự vấn, tự trách trên đây cũng là lý do đã khiến tôi ngạc nhiên xúc động. Phải tha thiết và sống thường trực ngày đêm với mục tiêu giải thoát đến như thế nào mới viết ra những giòng chữ hàm chứa sự thống hối như vậy. Không biết những người khác như thế nào, riêng tôi, dù đã có nhiều dịp suy nghĩ và nói đến đức hiếu hạnh của ngài Mục Kiền Liên, suy nghĩ và nói đến bốn ơn lớn trong đời mà mình đã thọ nhận, cũng như suy nghĩ và nói đến mục đích giải thoát sinh tử, đặc biệt mỗi khi đọc tụng Tứ hoằng thệ nguyện và bài tựa chú Lăng Nghiêm tôi cũng cảm thấy lòng mình rung động, nhưng chưa bao giờ tôi có những câu tự vấn, tự trách như Thầy. Cứ mỗi lần đọc những giòng chữ thống hối trên đây của Thầy, tôi đều nghĩ đến bài văn khuyên Phát Bồ Đề Tâm của Ngài Thật Hiền ( hiệu là Tỉnh Am) mà Hòa Thượng Trí Quang đã dịch từ lâu. Bài văn này được mở đầu như sau:

            “Thật Hiền tôi, một kẻ xuất gia phàm phu, đã bất tiếu lại ngu hèn, khóc mà lạy, khấn thiết khuyến cáo đại chúng hiện tiền, cũng như nam nữ có đức tinh thuần thành trong thì vị lai. Xin quý vị thương  xót, gia tâm một chút mà nghe và xét cho.

            Tôi từng nghe, cửa chính yếu để nhập đạo thì sự phát tâm đứng đầu, việc khẩn cấp để tu hành thì sự lập nguyện đứng trước. Nguyện lập thì chúng sanh độ nổi, tâm phát thì Phật đạo thành được. Cái tâm quảng đại không phát, cái nguyện kiên cố chẳng lập, thì dẫu trãi qua đời kiếpnhiều như cát bụi, cũng y nhiên vẫn ở trong phạm vi luân hồi…”

            Bài văn hàm chứa sự tha thiết, đến độ thống thiết, đã làm rung động và đã từng nuôi lớn sơ tâm xuất gia của bao nhiêu thế hệ Tăng Ni Đông phương, đặc biệt ở Trung Hoa và Việt Nam từ hơn bốn thế kỷ nay, đến nổi Bành Tế Thanh, người đã thu thập ấn hành tập Tỉnh Am Pháp sư ngữ lục đã viết: “đọc bài văn ấy không lúc nào tôi khỏi đổ mồ hôi, khỏi rơi nước mắt…”

            Sở dĩ tôi thường liên tưởng đến bài văn khuyên phát Bồ Đề Tâm của ngài Thật Hiền mỗi khi đọc những giòng nhật ký tự vấn, tự trách của Thầy vì tôi thấy trong đó sự tha thiết chí thành của cai tâm nguyện không mong gì hơn là sự giải thoát của Thầy. Tôi nghĩ chắc chắn rằng  , bên cạnh những túc duyên được gieo trồng từ nhiều đời trước, bản hoài giải thoát của Thầy cũng đã nuôi lớn với tâm nguyện rộng lớn, kiên cố Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh của Ngài Thật Hiền. Do đó, không chỉ mong cầu sự giải thoát cho mình, Thầy còn thấy đó là lý tưởng, là con đường duy nhất  cho mọi người khác. Khi còn sanh tiền, Thầy có một đặc tánh mà nhiều người biết. Đó là thường khuyên mọi người nên xuất gia, từ thanh thiếu niên cho đến những vị đã lớn tuổi; từ những người thân trong thế quyến cho đến những Phật tử quen biết trên đường hành đạo. Khi thấy ai đã có đủ thiện duyên gần gủi với chùa, với Phật, được tụng kinh, nghe Pháp nhưng sau đó lơ là, giải đải: Hoặc những  vị đã có đủ túc duyên phát tâm xuất gia nhưng giữa đường thối chí, bỏ chùa về đời, Thầy rất đau buồn như chính bản thân mình đã đánh mất một cơ duyên quý báu. Thầy đã viết như sau trong ngày 26-7-2001:

            “Đến tuổi 65 bao nhiêu suy nhược xuất hiện, sự tránh kiện của con người sa sút rõ rệt. Muốn làm công việc như xưa, nhưng đành thúc thủ đứng nhìn. Thấy những thanh niên đem tuổi trẻ lãng phí ăn chơi lười nhát qua ngày thật là uổng.Mình tử thuở lên 10 tuổi đến nay 65 chưa bao giờ có thì giờ để đi chơi lang thang, lãng phí thì giờ. Khi còn nhỏ, còn ở nhà, vừa đi học, vừa hái củi bán muối để gia đình cơm áo, bởi vì trong thời chiến loạn binh đao tản cư vào rừng cửa nhà tan nát. Khi vào chùa tu thì chùa nghèo, vừa học vừa đi đào khoai, nấu cơm, tưới nước, làm ruộng , làm rẩy, chăn ngựa, theo nước ruộng cấy mạ, tát nước đủ thứ cực nhọc của việc nông nghiệp đồng áng. Dù hoàn cảnh nào cũng không rời quyển kinh. Do đó mà thuộc Di Đà, Hồng Danh, Phổ Môn, Sa Di, Oai Nghi, Tỳ Ni, Cảnh Sách…và tất cả nghi thức căn bản về nghi lễ của một nhà tu Phật cần thiết để ứng phú đạo tràng.

            Nhìn lại các đệ tử xuất gia với mình sống trong cảnh cơm no áo ấm đủ điều mà vẫn không vững chí rồi rời chùa về tục, trong đó có Q.N mà thầy gửi lòng thương:

                        Ngày xưa con đứng nơi đây,

                        Ngắm nhìn đức Phật con say đạo mầu

                        Bây giờ thánh thoát còn đâu

                        Đắm mùi dục lạc chìm sâu luân hồi

                        Rồi đây con sẽ nổi trôi

                        Ba đường sáu nẻo không thôi não phiền

                        Mong con sớm được thiện  duyên

                        Trở về cảnh Phật bình yên tâm hồn

            Sau  khi Thầy viên tịch gần một năm, tôi có dịp được đọc một bức thư của Thầy gởi cho bà chị lớn còn ở Việt Nam.Bức thư được viết và gởi năm 1997, nghĩa là khoảng gần 6 năm trước ngày Thầy viên tịch. Hiện tôi không có bức thư trước mắt, nhưng tôi còn nhớ đại ý Thầy viết: “ Bây giờ chị già rồi, các cháu cũng đã lớn và có gia đình, Hãy thu xếp chuyện nhà để vào chùa tu. Đừng quyến luyến lắm với chuyện con cháu. Chuyện sinh tử không còn bao xa, chị hãy làm một chút  gì để có thể về với Phật. Nếu chị đồng ý, tôi sẽ thu xếp mọi chuyện cần thiết để chị có thể vào chùa.” Lời lẽ trong thư bình dị, nhưng chứa đựng sự ân cần, quan tâm, lo lắng đồi với một người chị ruột thịt hơn 30 năm chưa có dịp gặp lại, và đặc biệt cũng cho thấy đối với Thầy, vấn đề giải thoát sinh tử là vấn đề trọng đại nhất. Cho đến ngày Thầy ra đi, bà chị của Thầy vẫn chưa vào chùa tu được mặc dù bà vẫn thường xuyên đến chùa làm công quả. Thầy quan tâm và cố gắng khuyên nhưng cũng biết rằng mỗi người có một duyên nghiệp riêng, không phải muốn là được.Với liên hệ quyến thuộc, Thầy chỉ có thể và cũng chỉ muốn giúp đến như vậy mà thôi. Cuối năm 2000, tôi có dịp về thăm Việt Nam. Trước khi đi, tôi đến thăm để xem Thầy có cần gởi gì về cho ai ở Việt Nam không. Nghe tôi sắp đi. Thầy gởi một ít tịnh tài về cúng dường một số quý thầy. Riêng với gia đình, Thầy chỉ gởi lời thăm và ân cần nhắc nhở mọi người nên tinh tấn trong việc đi chùa và làm việc thiện. Thầy cũng nói nhờ nhắn lại, rằng tiền bạc của thập phương cúng dường Tam Bảo để làm Phật sự, Thầy không muốn gởi về giúp gia đình ,vì làm như vậy sẽ tổn đức. Nói là giúp nhưng thật sự sẽ làm hại. Tiêu xài của đàn na tính thí, nếu không đủ phước đủ đức, như trong kinh đã dạy, phải mang long đội sừng để trả. Thầy  thường dạy tăng chúng trong chùa” tín thí, nan tiêu”, phải rất cẩn thận và tiết kiệm. Nghe Thầy nói, tôi hiểu. Nhưng tôi cũng trình bày hoàn cảnh khó khăn, đông con cháu của hai gia đình người chị và người em gái của Thầy. Sau  khi đắn đo cân nhắc, Thầy đồng ý nhờ tôi đem về cho hai gia đình, mỗi gia đình 100 Mỹ kim. Sự đắn đo cân nhắc khiến tôi thật xúc động. Hơn 25 thế kỷ sau  khi Đức Phật nhập diệt mà giới luật của Ngài vẫn còn được gìn giữ trân trọng. Tôi liên tưởng đến việc trước mỗi bữa ăn, Phật dạy những người xuất gia phải quán tưởng năm điều mà có lẽ điều quan trọng nhất là xem xét đức hạnh của mình có đầy đủ hay không để xứng đáng nhận được thực phẩm cúng dường. Tôi có cảm nghĩ, dường như từng giây, từng phút, trong từng hành vi ngôn ngữ, Thầy đều có nghĩ đến tội phước, nhân quả và làm thế nào để được giải thoát , không những riêng  cho mình mà còn cho người mà trước tiên là những người gần gủi,quen biết, tử đệ. Có lẽ cũng trong ý nghĩa này mà Thầy di chúc cho môn đồ phải cúng lại cho Giáo Hội để làm Phật sự tất cả số tiền phúng điếu trong dịp tang lễ của Thầy.

            Khác với sự đắn đo cân nhắc khi giúp cho người thân trong gia đình, Thầy không ngại tổn phí, nếu sự tổn phí đó giúp ích cho công việc hoằng pháp lợi sanh. Tại Việt Nam, hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn xuất phát từ kinh tế và xã hội, Thầy đã giúp một số chương trình có tính cách từ thiện xã hội, giáo dục, trùng tu chùa chiền, nhưng đặc biết nhất là ấn tống kinh sách. Theo Ni sư Như Hoa ở Việt Nam cho biết, Thầy đã cho ấn tống để gởi biếu khắp ba miền Nam, Trung, Bắc 10 ngàn bộ kinh Pháp hoa, 10 ngàn quyển kinh nhật tụng, 500 bộ Phật Học Phổ Thông, 5000 quyển kinh Dược sư, 5000 quyển Lương Hoàng Sám, 5000 quyển Thủy Sám, 5000 quyển Địa Tạng…

            Riêng về giới luật, Thầy đặc biệt quan tâm đến những sinh hoạt hành trì luật nghi do Phật và chư Tổ đức truyền lại nhằm nhiếp phục thân tâm, trao đổi giới đức mà quan trọng nhất là tổ chức và tham dự những mùa an cư. Thầy đã viết trong nhật ký ngày 24 tháng 8 năm 1993:

            “ Một mùa hạ êm đềm thoải mái trong tinh thần tu tập. Suốt mười mấy năm, năm nay mới thật sự sống về thời ở chùa Ấn Quang trước 1963. Năm nay mới đúng quy cũ truyền thống kiết hạ từ sau lễ Phật Đản 16-6-93 đến 22-8-93. Khi ra ngoài, quá đường kinh hành, thân bái sám mỗi buổi sáng lúc 7 giờ 45. Cuộc sống ổn định, sự tu hành thanh tịnh. Và đây là dịp để tạo cho các huynh đệ tu hành sống theo thiền môn quy cũ. Tuy chưa tròn ba tháng an cư, nhưng thật sự vô cùng lợi lạc. Tinh thần nhẹ nhàng, mới cảm được ý nghĩa của sự tu hành, mới cảm nhận được sự thanh tịnh giải thoát. Vì hoàn cảnh học hành của các huynh đệ mà phải xả hạ tự tứ sớm. Từ ngày qua Mỹ đến nay, đây là một mùa an cư thoải mái nhất vậy.”

            Môĩ năm Thầy đều tổ chức an cư. Mùa an cư cuối cùng trong cuộc đời tu hành của Thầy được diễn ra trong tháng 6 năm 2002, khoảng nữa năm trước khi viên tịch. Thầy viết như sau trong ngày 12-6-2002:

            “Kính lạy đức Thế Tôn Từ Phụ

            Hôm nay chúng con kiết giới an cư. Trời vẫn còn mát dịu, lòng cảm thấy thoải mái. Mặc dù bận rộn Phật sự, nhưng năm nào chúng con  cũng y theo lời Phật dạy kiết hạ an cư. Nhất là năm nay, con mắc phải trọng bệnh ung thư, sức khỏe còn yếu kém lắm, nhưng con vẫn tập trung tăng chúng về Phật Học Viện kiết giới an cư như mọi năm. Mùa an cư kiết hạ đến lòng con cảm thấy phơi phới lạ lung. Mặc dù bệnh. Nhưng tinh thần sảng khoái lắm . Dù cho mưa nắng đến đâu , giới luật, lời Phật dạy con vẫn cẩn trọng giữ gìn. Ngưỡng mong chư Phật từ bi chứng giám.”

            Từ đầu đến cuối đời, Thầy vẫn chân thành thiết tha với giới luật nhằm thực hiện hạnh nguyện hoằng pháp độ sinh. Chính qua những giòng nhật ký này, tôi mới hiểu rõ thêm những Phật sự Thầy đã thực hiện, đặc biệt tại sao phải tổ chức Đại giới đàn Thiện Hòa tháng 9 năm 1983. Dù mới đến Hoa Kỳ khoảng 4 năm, mọi phương tiện vật chất từ cơ sở, nhân sự đến tài chánh còn rất thiếu thốn, Thầy đã nghĩ ngay đến việc gìn giữmạng mạch Phật pháp mà yếu tố quan trọng hàng đầu là giới luật. Giới luật còn, Phật pháp còn. Chính do tâm nguyện thiết tha chân thành của Thầy mà chư tôn đức giáo phẩm Tăng Ni và Phật tử hết lòng hậu thuẩn giúp đỡ Thầy tổ chức thành công Đại giới đàn đầu tiên ở hải ngoại đúng theo truyền thống thiền môn quy củ trong tinh thần tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức.

            Thầy ý thức rất rõ từng việc mình làm. Không phải tình cờ, đụng đâu làm đó. Tất cả đều nhắm đến mục đích tạo chút tư lương trên đường về cực lạc , như Thầy vẫn thường nói. Hơn một năm trước ngày viên tịch, Thầy thấy những việc cần làm đã được thực hiện nên cảm thấy an lòng vãng sanh như đã viết trong ngày 9 tháng 7 năm 2001:

            “ Năm nay như mọi năm vẫn an cư kiết hạ. Đặc biệt là năm nay an cư trong bận rộn. Xe ủi đất bang bằng để làm chổ đậu xe theo họa đồ làm chánh điện mới. Tuy bên ngoài làm việc rần rộ mà bên trong vẫn thanh tịnh theo nghi quy tu học không chễnh mảng. Tháng Bảy năm nay làm rất nhiều việc. Lợp lại toàn diện hai nhà Tăng xá và tỉnh tâm đường. Mọi việc làm đều trôi chảy tốt đẹp. Tất cả việc cần làm đều làm tất cả. Đã sanh ra đời,hiến thân cho đạo pháp, vận dụng tất cả khả năng phưong tiện làm hết mọi việc cần làm để cho ngưòi tiếp tục được an tâm tu tập. Riêng mình cũng được an lòng vãng sanh.

            Thế là tâm nguyện hoằng pháp, đào tạo tăng ni, in kinh sách, xây dựng cơ sở mỗi mỗi đều thực hiện. Tuy không trọn vẹn nhưng đều có kết quả khả dĩ không thất vọng.”

            Lúc nào cũng tâm tâm niệm niệm nghiêm trì giới luật, nhưng không phải vì thế mà xa lánh cuộc đời vốn nhiều điên đảo thị phi. Thầy vẫn hòa mình vào để có thể thực hiện hạnh nguyện hoằng pháp độ sinh, học theo hạnh “ ngũ trược ác thế thệ tiên nhập” mà trong một đoạn thơ Thầy làm trước đây rất lâu đã diễn tả:

            “ Là Tăng sĩ nguyện đem mình mở lối

            Hướng quần sanh thẳng đến quả Bồ đề

            Đời ngũ trược vào trước độ mê

            Cho nhân loại sớm quay về bờ Giác”

            Thầy có một đặc tánh mà những người thân cận đều thấy , đó là “ hòa nhi bất đồng”- hòa mà không giống- Thầy hòa mình vào để làm việc, nhưng mỗi người có mỗi hạnh nguyện riêng, phần Thầy, Thầy vẫn giữ bản nguyện của Thầy.

            Ngạn ngữ của Pháp có câu: chiếc áo không làm nên thầy tu. Tôi cũng quan niệm rằng không phải mang được hình thức thầy tu là tức khắc thành Phật, thành thánh. Bên trong của cái vỏ ngoài mới là giá trị chân thật. Giá trị chân thật của người xuất gia như ngài Thật Hiền đã nói là phải phát tâm lập nguyện. Tâm phải rộng lớn, nguyện phải sâu bền. Tâm nguyện của người xuất gia không gì khác hơn là trên cầu được thành Phật, dưới nguyện độ chúng sanh. Tâm nguyện đó phải được nuôi dưỡng liên tục, không gián đoạn. Đọc những giòng chữ lúc nào cũng tha thiết với mục tiêu giải thoát, độ sinh trong nhật ký của Thầy, phối hợp với những Phật sự Thầy đã thực hiện, tôi cảm thấy phấn khởi an lạc. Bởi vì giữa thời đại và trong một xã hội văn minh vật chất nhiều dục lạc lôi cuốn, chân giả khó phân, còn có được những người như Thầy mà cuộc đời và hành trạng làm cho nhiều người khác phát khởi được tín tâm, hướng về chánh pháp. Riêng tôi, nhờ hồi tưởng những gì Thầy đã làm và đọc được tâm nguyện của Thầy qua những trang nhật ký, tôi cảm thấy như tôi hiểu đạonhiều hơn những gì tôi đã học, đã đọc và đã biết. Tôi phát khỏi được thiện niệm, thiện tâm. Thốt nhiên tôi cảm thấy tôi mang ơn Thầy. Và không biết đích xác từ giây phút nào, tôi cảm thấy Thầy là vị ân sư của tôi.

            Khi Thầy còn sanh tiền, tôi thường đến thăm Phật Học Viện của Thầy, nhưng tôi không để ý lắm cây cảnh chung quanh. Từ ngày Thầy viên tịch, tôi cũng thường đến đây do một vài Phật sự. Những khi rỗi rãnh, có nhiều dịp đi xung quanh, tôi mới chợt thấy ra cây cảnh đã in đậm dấu vết và chí nguyện của Thầy. Cây cảnh đã giúp tâm hồn Thầy gần với thiên nhiên, nhưng chính tâm nguyện của Thầy đã nuôi lớn cây cảnh. Qua những khóm trúc, những cây tùng, những cây Bồ đề vươn cao và tất cả những tang cây xanh tươi khác đang tỏa bóng mát, tôi thấy ngôi chánh điện mới, những tượng Phật, con đường thiền hành…

            Tôi nhớ đã đọc được đâu đó rằng, nhìn núi mà đứng gần thì chỉ thầy được một lùm cây, một hóc đá chứ không thấy được trọn vẹn cảnh trí thâm u, hùng tráng của toàn bọ ngọn núi. Với một khoảng cách không gian, thời gian, tâm lý…tôi đã nhìn Thầy đầy đủ hơn trước đây, trong đó có hình ảnh một vị ân sư của tôi.

                                                                                    Quảng Thành

 


 

[1] Thầy thường khiêm nhường tự xưng mình là Tỳ Kheo Quê Mùa.

[2] These two lines may be loosely translated as, “Namo Amitabha Buddha. Dear Master, I prostrate before you with the utmost respect and sincerity.”

 

Phần IV-Tư Liệu Tang Lễ  

 ---o0o---

 

 

 

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HẢI NGOẠI TẠI HOA KỲ

                                    PHẬT HỌC VIỆN QUỐC TẾ

                        9250 Columbus Ave,North Hills,CA91343

                                                Tel.(818)893-5317

                        Lời Tác Bạch Của Môn Đồ Pháp Quyến

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

            Kính bạch chư tôn đức giáo phẩm, Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni,

            Kính bạch HT Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHN-HK/VNIIVHĐ

Chúng con, toàn thể môn đồ pháp quyến, hôm nay có duyên sự xin đầu thành đảnh lễ tác bạch.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Ngưỡng bạch Đại Tăng,

Chúng con trộm nghe:

            Đức Phật xuất hưng

            Tự có ngày niết bàn thị hiện.

            Tôn sư nhập diệt

            Đâu không tận lực báo đáp thâm ân.

            Hòa Thượng, Tôn sư của chúng con thượng Đức hạ Niệm, sau gần 70 năm hoằng hóa độ sinh, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức; hạnh đã tròn, nguyện đã mãn, thuận thế vô thường thâu thần thị tịch đúng ngày vía của đức bồ tát đại bi Quán Thế Âm.

            Khi còn sinh tiền, Thầy chúng con có dạy: Sau  khi Thầy chúng con viên tịch, mọi sự liên quan đến Tang lễ cần nhờ đến sự hướng dẫn giúp đỡ của Giáo Hội; vâng theo lời dạy của Hòa Thượng bổn sư, chúng con thành tâm đảnh lễ thỉnh cầu Giáo Hội bi mẫn giúp đỡ để Tang lễ của Hòa thượng bổn sư chúng con được thập phần viên mãn.

            Để đền đáp công ơn giáo dưỡng tác thành thâm trọng của bậc ân sư đạo hạnh khả kính, chúng con nguyện làm tất cả nhựng gì khả năng có thể dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội để lời dạy của Thầy chúng con được biến thành hiện thực. Cúi xin Đại Tăng thùy từ hứa khả để chúng con được ân triêm công đức.

            Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát tác đại chứng minh.

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HẢI NGOẠI TẠI HOA KỲ VĂN PHÒNG II VIỆN HÓA ĐẠO

                                                HỘI ĐỒNG ĐIỀU HÀNH

                                                BAN TỔ CHỨC TANG LỄ

                                    9250 Columbus Ave.North Hills, CA 91343

                                    Tel.(818)893-5317 Fax (818)892-7686

                                                            CÁO PHÓ

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất  Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ- Văn Phòng II Viện Hóa Đạo và Môn Đồ Pháp Quyến thành kính báo tin đến chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng ni, quý vị lãnh đạo các tổ chức, hội đoàn Phật giáo và toàn thể Phật tử:

                                    Hòa Thượng THÍCH ĐỨC NIỆM

                                    Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện

            Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ

                                                Văn Phòng II Viện Hóa Đạo

Đã thuận thế vô thường, thâu thần viên tịch tại Phật Học Viện Quốc Tế, thành phố North Hills, Tiểu bang California, Hoa Kỳ vào lúc 1 giờ sáng ngày 21 tháng 3 năm 2003 nhằm ngày 19 tháng 2 năm Quý Mùi, thế thọ 67, lạp thọ 47.

-Lễ nhập Kim Quan cử hành vào lúc 12 giờ trưa ngày chủ nhật 23.3.2003 ( 21.2 Quý Mùi) tại Phật Học Viện Quốc Tế;

-Kim Quan được tôn trí tại Phật Học Viện Quốc Tế từ ngày chủ nhật 23.3.2003 đến sáng thứ bảy 29.3.2003;

-Lễ Cung Tiễn Kim Quan được cử hành vào lúc 10 giờ sáng thứ bảy ngày 29.3.2003 tại Phật Học Viện Quốc Tế;

-Lễ Trà Tỳ được cử hành vào lúc 12 giờ trưa thứ bảy ngày 29.3.2003 tại Nghĩa Trang Forest Lawn Memorial Park

số 1712 Glendale Ave., Glendale, CA 91205 điện thoại (800) 204-3131

                                                            Nay Cáo Phó

                                    North Hills, ngày 21 tháng 3 năm 2003

                                    Trưởng Ban Tổ Chức Tang Lễ

                                    Hòa Thượng Thích Hộ Giác

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HẢI NGOẠI TẠI HOA KỲ

VIETNAMESE AMERICAN UNIFIED BUDDHIST CONGRESS IN THE UNITED STATES OF AMERICA

                                    Văn Phòng II Viện Hóa Đạo

                                    HỘI ĐỒNG ĐIỀU HÀNH

                        424 Ramona Avenue,Monterey Park.CA 91754.USA

                        TEL(626)288-5359.FAX (626)572-8741

                        Website: www.ghpgvntn.org  Email: [email protected]

                                                            Số: 0398?HĐĐH/VPIIVHĐ/HT

                                                THÔNG TƯ

            Kính gởi: Chư tôn đức giáo phẩm Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni.

            Quý Tự Viện, Tịnh Xá, Niệm Phật Đường, cơ sở đơn vị của Giáo Hội.

            Trích yếu:v/v tổ chức Lễ Tưởng Nguyện và tham dự Lễ Trà Tỳ của HT Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện.

            Kính bạch chư tôn đức,

            Kính thưa quý đạo hữu,

            Hòa Thượng Thích Đức Niệm, Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ Văn Phòng II Viện Hóa Đạo thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 44, sau gần 70 năm hành hóa đã xã bỏ báo thân lúc 1 giờ sáng ngày 21 tháng 3 năm 2003 nhằm ngày tháng đản của đức Bồ Tát đại bi Quán Thế Âm, trụ thế 67, lạp thọ 47.

            Để tưởng niệm công hạnh sâu dày của một bậc thạc đức giáo phẩm đã tận hiến cuộc đời cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, kính yêu cầu các cấp Giáo Hội hoan hỷ thực hiện hai Phật sự sau:

1-Tùy theo hoàn cảnh, điều kiện tổ chức Lễ Tưởng Nguyện cố Hòa Thượng Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện nơi địa phương sở tại.

2-Quang lâm tham dự Lễ cầu nguyện và Trà Tỳ được cử hành lúc 8 giờ 15 phút sáng Thứ Bảy, ngày 29 tháng 3 năm 2003 nhằm ngày 27 tháng 02 năm Quý Mùi tại Phật Viện Quốc Tế, 9250 Columbus Ave.North Hills,Ca 91343. Điện thoại (818)893-5317.

            Thực hiện hai công tác trên sẽ không chỉ nói lên tinh thần trách nhiệm mà còn thể hiện đạo tình cao quý của chúng ta đối bậc tôn túc đạo hạnh khả kính.

                                                                                    Nay thông tư,

                                                                        San Gabriel, ngày 24.3.2003

                                                                        Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành

                                                                        Hòa Thượng Thích Hộ Giác

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HẢI NGOẠI TẠI HOA KỲ

                                                VĂN PHÒNG II VIỆN HÓA ĐẠO

                                                            HỘI ĐỒNG ĐIỀU HÀNH

                                                BAN TỔ CHỨC TANG LỄ

                                    CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỨC NIỆM

                                                Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện

                        Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ

                                                Văn Phòng II Viện Hóa Đạo

Chứng Minh:

-HT Thích Tâm Châu, Thượng Thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới

-HT Thích Mãn Giác, Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ

-HT Thích Hộ Giác, Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHN-HK

-HT Thích Thuyền Ấn, Nguyên Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp, Viện Hóa Đạo GHPGVNTN.

-HT Thích Giác Nhiên, Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới

Ban Tổ Chức:

Trưởng Ban:

-HT Thích Hộ Giác, Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHN-HK

Phó Trưởng Ban:

-HT Thích Chánh Lạc, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHN-HK

-HT Thích Thắng Hoan, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHN-HK

-HT Thích Minh Tâm, Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Âu Châu

-HT Thích Trí Chơn, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHN-HK

-HT Thích Huyền Dung, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Sát GHPGVNTNHN-HK

-HT Thích Minh Thông, Tổng Thư Ký Giáo  Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ

-HT Thích Nguyên Đạt, Phó Chủ Tịch Giáo Hội Thiền Tông Liễu Quán Hoa Kỳ

-HT Thích Chơn Thành, Phó Tăng Thống GHPG Liên Tông tại Hoa Kỳ

-HT Thích Hạnh Đạo, Viện Chủ Chùa Phổ Đà

-HT Thích Nguyên Lai, Viện Chủ Chùa Hồng Danh

-HT Thích Giác Lượng, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHN-HK

-TT Thích Bảo Lạc, Đại Diện GHPGVNTN Hải Ngoại Tại Úc Châu

-Pháp Sư Thích Giác Đức, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN-HK

-TT Thích Thiện Tâm, Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHN Canada

Phụ Tá Trưởng Ban:

-TT Thích Tín Nghĩa, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sĩ GHPGVNTNHN-HK

-TT Thích Nguyên An, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự GHPGVNTNHN-HK

-TT Thích Chơn Trí , Chánh Đại Diện Miền Vạn Hạnh GHPGVNTNHN-HK

-ĐĐ Thích Minh Chí, Giám Viện Phật Học Viện Quốc Tế

Tổng Thư Ký:

-TT Thích Viên Lý, Tổng Thư Ký Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHN-HK

Phụ Tá Tổng Thư Ký:

-Đh Trần Quang Thuận

-Đh Bùi Ngọc Đường

-Đh Huỳnh Tấn Lê

-Đh Huỳnh Kim Quang

-Đh Vĩnh Hảo

Xướng Ngôn Viên:

-TT Thích Nguyên Siêu

-TT Thích Vân Đàm

-ĐĐ Thích Nhật Trí

-Đh Huỳnh Tấn Lê

Thủ Quỹ:

-Sư Bà Thích Nữ Nguyên Thanh

-Ni Sư Thích Nữ Tịnh Thường

-Sư Cô Thích Nữ Huệ Nghiêm

-Đh Quảng Huệ

Ban Kinh Sư:

-TT Thích Tín Nghĩa

-ĐĐ Thích Pháp Chơn

-ĐĐ Thích Nguyên Chơn

-ĐĐ Thích Nguyên Hạnh

-ĐĐ Thích Giải Ngộ

-ĐĐThích Giải Minh

-ĐĐ Thích Giải Đức

-ĐĐ Thích Tịnh Mãn

-ĐĐ Thích Quảng Phước

Tiểu Ban Nghi Lễ:

-TT Thích Tín Nghĩa

-TT Thích Nguyên Trí

-TT Thích Đồng Chánh

-TT Thích Thông Đạt

Tiểu Ban Tiếp Lễ :

-TT Thích Minh Dung

-TT Thích Tâm Quang

-ĐĐ Thích Tâm Phước

-Sư Cô Quảng Tịnh

-Đh Quảng Huệ

Tiểu Ban Hầu Kim Quan và Hương Đăng

-TT Thích Nguyên Trí

-ĐĐ Thích Quảng Thể

-ĐĐ Thích Quảng Đạo

-ĐĐ Thích Quảng Định

-Đh Minh Kiến và môn đồ pháp quyến

Tiểu Ban Vận Chuyển

-Đh Thanh Chánh

-Đh Phước Hảo

-Đh Minh Thuận

-Đh Minh Chánh

Tiểu Ban Xe Hoa:

-TT Thích Nguyên Siêu

-TT Thích Nguyên Trí

-Đh Huỳnh Tấn Lê

-Đh Tạ Xuân Bình

Tiểu Ban Tiếp Tân:

-TT Thích Viên Thành

-TT Thích Nguyên An

-TT Thích Huyền Việt

-TT Thích Đồng Trí

-ĐĐ Quảng Độ

-Sư Cô Quảng Tâm

-Sư Cô Diệu Tánh

Tiểu Ban Trang Trí:

-TT Thích Quảng Thanh

-TT Thích Nguyên Siêu

-Đh Đặng Văn Chương

Tiểu Ban Trai Soạn:

-ĐĐ Minh Chí và Phật tử PHVQT

Tiểu Ban Cư Trú:

-ĐĐ Minh Chí

-ĐĐ Quảng Thiện

-ĐĐ Quảng Định

Tiểu Ban Trật Tự:

-Vụ Gia Đình Phật Tử GHPGVNTNHN-HK

-Gia Đình Phật Tử Miền Quảng Đức

Tiểu Ban Y Tế:

-Dược sĩ Diệu Linh

Tiểu Ban Phim Ảnh:

-Đh Quảng Thiện

-Đh Quảng Nguyện

Tiểu Ban Nội Sự:

-Đh Từ Vân

-Đh Chơn Quang

-Đh Nguyên Long

-Đh Đức Phước

-Đh Đức Tiến

-Đh Minh Trí

-Đh Diệu Đắc

-Đh Quảng Tâm ( Mỹ Hương)

-Đh Diệu Mỹ

-Và toàn thể Phật tử Phật Học Viện Quốc Tế

                                                                        Ban Tổ Chức Tang Lễ

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT  HẢI NGOẠI TẠI HOA KỲ

                                    VĂN PHÒNG II VIỆN HÓA ĐẠO

                                                HỘI ĐỒNG ĐIỀU HÀNH

                                                BAN TỔ CHỨC TANG LỄ

                                    9250 Columbus Ave., North Hills. CA 91343

                                    Tel.(818)893-5317 Fax (818)892-7686

                                                Chương Trình Tang Lễ

                                    HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỨC NIỆM

                        Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện – GHPGVNTNHN-HK

                                                Văn Phòng II Viện Hóa Đạo

Chủ Nhật ngày 23.3.2003 (21.2 Quý Mùi)

12 giờ trưa:

-Thỉnh nhục thân nhập Kim Quan ( có chương trình riêng)

-Lễ phát tang thọ phục

-Thăm viếng và luân phiên tụng niệm

Từ thứ hai ngày 24.3.2003 đến thứ năm 27.3.2003

8 giờ sáng: Lễ Tiến Trà

9 giờ đến 11 giờ sáng : Lễ viếng và luân phiên tụng niệm

11 giờ 30 sáng: Cúng Ngọ và Tiến Giác Linh

1 giờ chiếu đến 8 giờ tối: Lễ Viếng và luân phiên tụng niệm

Thứ sáu ngày 28.3.2003

8 giờ sáng: Lễ Tiến Trà

10 giờ sáng: Lễ thỉnh giác linh yết Phật

11giờ 30 sáng: Cúng ngọ và Tiến giác linh

1 đến 5 giờ chiều: Lễ viếng và luân phiên tụng niệm

5 giờ chiều: Lễ thỉnh giác linh yết tổ

6 giờ chiều: Nhiễu quan

8 giờ tối: Lễ Truy Niệm công đức

Thứ bảy ngày 29.3.2003

8 giờ sáng: Lễ Tiến Trà

8 giờ 30 sáng: Lễ viếng

10 giờ sáng: Lễ Di Quan

12 giờ trưa: Lễ Trà Tỳ ( có chương trình riêng)

                                                BAN TỔ CHỨC TANG LỄ

                                    CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỨC NIỆM

                                                Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện

                        Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ

                                                Văn Phòng II Viện Hóa Đạo

                                                            CHƯƠNG TRÌNH

                                                LỄ NHẬP KIM QUAN VÀ THỌ TANG

                        Chủ Nhật, ngày 23 tháng 3 năm 2003 tại Phật Học Viện Quốc Tế

09:00 AM:

-Môn đồ pháp quyến tác bạch

-Cung an chức sự Ban Tổ Chức Tang Lễ

10:00 AM:

-Cung đón nhục thân từ Nhà Quàn về

11:00 AM:

-Cung nghinh chư tôn giáo đức giáo phẩm Tăng Ni quang lâm bảo điện

-Cử ba hồi chuông trống Bát nhã

-Lễ niêm hương bạch Phật

11:30 AM: -Lễ chính thức

            -Nghi thức truyền thống

            -Hòa thượng sám chủ cử tán

            -Ban kinh sư và chư tôn đức đồng hòa

            -Hòa Thượng sám chủ tẩy trần kim quan

            -Đại chúng đồng tụng Đại Bi và Thập chú

            -Hòa Thượng sám chủ cử tán tiếp dẫn nhục thân vào kim quan

            -Đại chúng đồng niệm tiếp dẫn

            -Ai niệm của môn đồ pháp quyến

            -Lễ thọ tang

            -Hòa Thượng sám chủ cử tán

            -Kinh sư hầu lễ

            -Đạo niệm của Hòa Thượng Thượng Thủ

            -Lễ chấm dứt

01:00 PM: - Thọ trai

                                                BAN TỔ CHỨC TANG LỄ

                                    CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỨC NIỆM

                                                Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện

                        Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhật Hải Ngoại tại Hoa Kỳ

                                                            Văn Phòng II Viện Hóa Đạo

                                                            CHƯƠNG TRÌNH

                                    LỄ CUNG TIỄN KIM QUAN ĐẾN NƠI TRÁ TỲ

                                                Thứ Bảy ngày 29 tháng 3 năm 2003

08:00 AM: Phật tử tập trung vào chánh điện

08:15 AM: Cung thỉnh chư tôn đức Giáo phẩm Tăng Ni quang lâm bảo điện

            -ba hồi chuông trống Bát Nhã

            -Giới thiệu thành phần tham dự

            -Diễn văn của Hòa Thượng Trưởng Ban Tổ Chức

            -Tuyên đọc tiểu sử của cố Hòa Thượng Chánh Văn Phòng

            -Tuyên đọc điện văn phân ưu của Đạo lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN.

            -Điếu văn, cảm niệm của Đại diện Giáo Hội các Châu và Canada

            -Đọc điện văn phân ưu của các tổ chức Giáo Hội, tự viện…

            -Đọc điếu văn của Giáo Hội PGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ

            -Lời cảm tạ của Ban Tổ Chức

            -Lễ triệt linh sàn ( nghi thức truyền thống)

            -Tuyên đọc Lời Từ Biệt

10:00AM : Cung tiễn kim quan ( theo đồ hình) đến nơi trà tỳ.

11:00 AM; Lễ trà tỳ ( tại nghĩa trang Forest Lawn Memorial Park, Glendale)

01:00 AM: Thỉnh Giác linh an vị Tổ đường.

02:00AM: Lễ hoàn mãn.

Đồ Hình Cung Tiễn Kim Quan Cố Hòa Thượng từ Bảo Điện ra  xe …

1.Khay hương đèn thỉnh lễ

2.Bảo chúng dẫn thỉnh

3.Phang, bê, tích, lọng

4.Hội Đồng chư tôn Hòa Thượng chứng minh

5.Hòa Thượng Sám Chủ

6.Ban Kinh Sư

7.Chư tôn đức Tăng

8.Lư hương

9.Trưởng tử thỉnh y bát của cố Hòa Thượng

10.Di ảnh cố Hòa Thượng

11.Kim Quan

12.Môn đồ pháp quyến

13.Chư tôn đức Ni

14. Quý Thiện Nam Tín Nữ Phật Tử

Đồ hình đoàn xe cung tiễn kim quan đến nơi trà tỳ

1.Đoàn xe hướng dẫn trật tự, nhân viên an ninh (20 chiếc Honda)

2.Xe hoa đức Phật A Di Đà

3.Đoàn xe chở 5 vị Hòa Thượng chứng minh ( 5 chiếc)

4.Xe Hòa Thượng Sám Chủ

5.Đoàn xe chư tôn đức Hòa Thượng, Thượng Tọa( 5 chiếc limousine, mỗi chiếc có khả năng chở 10 vị )

6.Mini-bus chở chư tôn Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, bảo chúng dẫn thỉnh và phang, bê, tích, lọng ( 2 chiếc, mỗi chiếc có khả năng chở 20 vị )

7.Xe hoa chở di ảnh cố Hòa Thượng

8. Xe kim quan

9. Đoàn xe chở môn đồ pháp quyến ( 5 chiếc mini-van)

10. Đoàn xe chở chư tôn đức Ni 9 5 chiếc mi ni - van)

11. Đoàn xe Phật tử tháp tùng cung tiễn kim quan đến nơi trà tỳ ( 110 chiếc)

12. Đoàn xe chở phái đoàn các nơi ( 3 xe bus)

THƯ , ĐIỆN THƯ PHÂN ƯU

(trính nội dung)

1-Ba pháp-ấn: vô thường, khổ, vô ngã, luôn luôn được đức Thích-Tôn giảng dạy.Trong thực tế, nhận thấy, nhìn thấy và ý thức rõ, quả thực ba pháp-ấn đã làm cho chúng sinh phải quan sát không ít.

            Hòa Thượng Thích Đức Niệm, là một vị xuất gia lúc tuổi còn trẻ. Hòa Thượng là một học tăng có chí tu học, cầu tiến. Qua những nơi Tổ Đình, Phật Học Đường Ấn Quang, Viện Đại Học Vạn Hạnh, trường Đại Học tại Taiwan, Hòa Thượng đã đạt được những học vị của đời và đạo, đáng quý.

            Hòa Thượng đã dấn thân trong việc giáo dục và hoằng pháp. Cơ sở Phật học được tạo dựng, Tăng Ni được đào tạo, kinh sách được lưu hành. Các Phật sự ấy, tuy chưa được  gọi là lớn lao, nhưng trong hoàn cảnh xa quê, công đức ấy cũng thực đáng tán thán.

Vô thường, lão bệnh, không ai tránh khỏi. Hòa Thượng lâm trọng bệnh, đem lại nhiều đau đớn cho sắc thân. Nhưng khi nghiệp báo đã hoàn mãn, Hòa Thượng đã an nhiên thị tịch, nhằm kỷ niệm Bồ Tát Quán Thế Âm: 19 tháng Hai năm Quý Mùi ( 21-03-2003), hưởng thọ 67 tuổi.

            Hòa Thượng viên tịch, để lại sự thương tiếc cho nhiều người và vắng đi một hình bóng hoằng pháp, lợi sinh của Phật giáo.

Trước hào quang Tam Bảo, đại chúng cùng tôi , thành thực phân ưu cùng Giáo Hội Thống Nhất, cùng môn đồ, pháp quyến và nhất tâm cầu nguyện Giác linh Hòa Thượng “ Sa-Bà báo mãn, Cực -lạc hoa khai. Sinh tử băng tiêu, chân thân tự tại”, pháp giới chúng sinh đồng thành Phật đạo.

                                    NAM MÔ TIẾP DẪN ĐẠO SƯ A-DI –ĐÀ PHẬT

                                                Thượng Thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới

                                                Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu  điếu niệm

2-Thay mặt Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Úc Đại Lợi- Tân Tây Lan chúng tôi chơn thành phân ưu cùng Hòa Thượng- quí Giáo hội và toàn thể môn nhơn pháp quyến của Hòa Thượng Chánh Văn Phòng.

            Thuận thế vô thường, Hòa thượng Thích Đức Niệm đã xả nhục thân . Sinh thời Ngài là bậc có tri kiến quảng đại, tinh thần phụng sự Phật pháp không bao giờ biết mệt mỏi. Phật giáo Việt nam hải ngoại đã thật sự mất đi một bậc chơn tăng được nhiều giới kính ngưỡng. Nhân cách hành động của Hòa thượng là tấm gương hy sinh, soi sáng niềm tin của nhiều thế hệ thanh niên tăng sau này.

            Thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Úc Đại Lợi- Tân Tây Lan, chúng tôi thành tâm cung tiễn Giác linh Hòa Thượng an nhiên vào cảnh giới Niết Bàn Chơn Tịnh

                                                                        Hòa Thượng Thích Phước Huệ

                        Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Úc Đại Lợi- Tân Tây Lan

3-Tăng,Ni, tín đồ Phật tử Linh Sơn Thế Giới được ai tín Hòa Thượng Thích Đức Niệm, Giám Đốc Phật Học Viện Quốc Tế, Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ, đã vãng sanh ngày 21 tháng 3 , năm 2003, tại Ca-li, Hoa Kỳ.

            Sự ra đi của Hòa Thượng Đức Niệm là một tổn thất lớn cho Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ nói riêng, và cộng đồng Phật giáo Thế giới nói chung.

            Chân thành chia buồn cùng Môn đồ Pháp quyến, nguyện cầu Giác linh Hòa Thượng cao đăng quả phẩm.

            Giáo Hội Phật Giáo Linh Sơn Thế Giới Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống

                                                            Sa môn Thích Tịnh Hạnh

4-Nhân danh Tổng Hội Trưởng và toàn thể Tăng Tín đồ tại Canada, chân thành cầu nguyện Giác linh Hòa Thượng Thích Đức Niệm được an tường giải thoát.

                                                Tổng Hội Trưởng GHPGVNTN Canada

                                                Hòa Thượng Thích Thiện Nghị

5-Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi- Tân Tây Lan thành kính đảng lễ Giác Linh cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm, Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện GHPGVNTNHN-HK, một bậc cao tăng tài đức, nhà biên soạn Phật học kiêm ưu, vị lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Việt nam hải ngoại. Thành thật phân ưu cùng Văn phòng II Viện Hóa Đạo, Môn đồ Pháp quyến Phật Học Viện Quốc Tế tại Hoa Kỳ.

            Hội Đồng Điều Hành Toàn thể Tăng Ni, tín đồ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam TNHN Úc Đại Lợi- Tân Tây Lan.

6-Thế là hóa duyên trần thế của Hòa Thượng đã mãn. Trong 67 năm của cuộc sống thế trần và hơn 47 năm lập công, lập hạnh, lập đức, lập phước,lập nguyện để lại cho đời sau và cho Giáo Hội, Hòa Thượng đã thị hiện độ sanh không mỏi mệt; bất cứ nơi nào cần, cố Hòa Thượng đều hiện diện; nơi nào khó, Hòa Thượng lại hiện thân để nâng đỡ, dắt dìu.

Năm 1983 Đại Giới Đàn Thiện Hòa đầu tiên tại ngoại quốc được tổ chức tại Phật Học Viện Quốc Tế, Hòa Thượng đã tạo không biết bao nhiêu cơ hội cho giới xuất gia và tại gia thọ trì giới pháp, rồi xuất bản kinhsách, đăng đàn thuyết pháp độ sanh và những công  việc điều hành của Giáo Hội, Hòa Thượng cũng không chối từ, mãi cho đến ngày mang trọng bệnh.

            Bên trời tây, trong GHPGVNTN Âu Châu cũng đã có nhiều Chư Tăng và Phật tử ghé sang Phật Học Viện Quốc Tế để thăm viếng trong lúc Ngài còn lâm trọng bệnh; thiết nghĩ rằng nay mai Hòa Thượng sớm bình phục; nhưng nay thì Hòa Thượng đã vĩnh viễn ra đi, để lại bao tiếc thương cho trần thế và Giáo Hội.

            Xin đại diện cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu, chúng con ( chúng tôi) xin có đôi hàng tiễn biệt Cố Giác Linh Hòa Thượng và cầu nguyện cho Hòa Thượng được siêu thăng nơi Tịnh cảnh, nhẹ gánh vân du nơi cõi Phật và đời đời bên Đức Từ Phụ A Di- Đà.

TM.Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương và Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Âu Châu

                                                                                                Tổng Thư Ký,

                                                                                                Thích Như Điển

7-Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại mất đi một bậc nhân tài đạo đức vẹn toàn, tánh tình kín đáo nhẹ nhàng, suốt cuộc đời vì sự tôn vinh của Đạo pháp và sự hưng thịnh của dân tộc. Môn đồ hiếu quyến mất đi một bậc thầy khiêm cung khả kính.

            Kính lạy Giác linh Hòa Thượng, chúng con không được tháp tùng cùng Hòa Thượng Thích Minh Tâm, chủ tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN tại Âu Châu, qua Hoa Kỳ tiễn đưa Hòa Thượng lần cuối cùng.

            Xin chấp tay nguyện cầu Đức Từ Phụ A Di- Đà tiếp độ Hòa Thượng trực vãn Tây Phương, sớm hồi nhập Ta bà hóa độ chúng sanh.

                        NAM MÔ TIẾP DẪN ĐẠO SƯ A DI ĐÀ-PHẬT

            Chúng tôi xin chia buồn cùng Hòa Thượng Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ, Văn phòng II Viện Hóa Đạo, cùng môn đồ hiếu quyến Phật Học Viện Quốc Tế

                        T.M Chư tăng ni trực thuộc GHPGVNTN Âu Châu Tổng vụ Tăng Sự

                                                                        Tỳ kheo Thích Tánh Thiệt

8-Chúng tôi là Thích Chí Tín cùng Chư Tăng chùa Sắc Tứ Long Sơn Cổ Tự, Nha Trang, Khánh Hòa, cùng Ban Phiên Dịch “ Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam” vừa được tin Hòa Thượng Thích Đức Niệm viên tịch. Chúng tôi thành tâm cầu nguyện Giác linh Hòa Thượng Ta Bà Ấn Hoại, Tịnh Độ Văn Thành và chia buồn cùng chư Tăng Ni hải ngoại, cũng như thiện nam tín nữ cùng môn đồ pháp quyến. Chúng tôi cảm niệm:

                        Ngài Đức Niệm (Hoa Kỳ) Viên Tịch

                        Hiện trên đường chấn tích Tây quy

                        Để rồi hồi nhập Ta Bà

                        Tùy duyên hóa độ hằng sa phàm tình

                                                            Chúng tôi đồng kính bái

                                    Trụ trì Thích Chí Tín và Chư Tăng Chùa Long Sơn

                                    Ban Phiên Dịch “ Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam”

                                                Thích Chí Tín- Thích Đỗng Minh

9-Chúng tôi là Cựu Học Tăng Phật  Học Viện Trung Phần, chùa Hải Đức Nha Trang, vừa được tin Hòa Thượng Thích Đức Niệm cùng là cựu học tăng với chúng tôi viên tịch. Chúng tôi thành tâm cầu nguyện Giác linh Hòa Thượng Cao Đăng Phật Quốc và chia buồn cùng môn đồ pháp quyến của Phật Học Viện Quốc Tế. Chúng tôi cảm nhiệm:

                        Phật Học Viện Trung Phần Hải Đức

                        Cựu Học Tăng vừa được tin buồn

                        Là Thầy Đức Niệm Tây Quy

                        Nguyện cầu sớm nhập Ta Bà độ sanh

                                                                        Đại diện Cựu Học Tăng:

                                                            Tu sĩ Thích Đỗng Minh – Cư sĩ Thiện Đức

10-Tăng Ni, Phật tử tín đồ Kim Liên Bửu Tự tại Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa thành kính tưởng niệm Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm:

                                    ĐẠO NGHIỆP VIÊN THÀNH

                                                Hòa Thượng Thích Tuệ Hải và môn đồ kính bái tạ

11-Trước sự mất mát lớn lao chung này cho chư Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tại hải ngoại và quốc nội, Cộng Đồng Việt Nam California thật vô cùng xúc động và tiếc thương. Hàng trăm ngàn đồng hương tỵ nạn sống lưu vong cũng như hàng triệu người trong nước vẫn không quên hình ảnh, dáng đi và những thuyết pháp của cố Hòa Thượng trong những thập niên 60-70 tại quê Mẹ Việt Nam.

            Sinh Ký Tử Qui, thay mặt cho Ban Đại Diện Cộng Đồng Việt Nam Miền Nam California, Tôi, Nguyễn Thành Trạng, Chủ tịch Cộng Đồng xin thành kính chia buồn sự mất mát này đến môn đồ pháp quyến của Ngài. Nguyện cầu Giác linh Hòa Thượng Cao Đăng Phật Quốc, Hồi Nhập Ta Bà, Hóa Độ Chúng Sanh, trợ giúp cho quê hương Việt Nam chúng con sớm được Hòa Bình và Nhân Bản. Mọi người được tự do tu học trong Chánh Pháp của Đức Như Lai.

                                                Nam Mô A Di Đà-Phật

                                                Thành Kính Phân Ưu

                                                            Cộng Đồng Việt Nam Miền Nam California

                                                            Chủ tịch: Nguyễn Thành Trạng

                                                            Phó Chủ tịch NV: Trần Thế Ngữ

                                                            Phó Chủ tịch NG.V: Nguyễn Mai Ly

                                                            Tổng Thư Ký: Trần Đắc Phú

                                                            Kế Hoạch: Joseph Đỗ Vinh

12-Đây là một sự mất mát lớn lao cho Giáo Hội cũng như hàng môn nhơn pháp quyến và Phật Giáo đồ tại Hải ngoại.

            Chúng con thành tâm vọng bái. Thượng chúc Giác Linh Hòa Thượng Cao Đăng Phật Quốc và thành kính phân ưu cùng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ cũng như môn đồ pháp quyến.

                        Chư Tăng cùng Phật Tử Đạo Tràng Bửu Quang Wichita-Kansas

13-Được tin Hòa Thượng thượng Đức hạ Niệm đã viên tịch. Chúng con thành kính đảnh lễ giác linh Hòa Thượng, đồng thời chia buồn cùng môn đồ pháp quyến.

Nguyện cầu Giác linh Hòa Thượng Cao Đăng Phật Quốc

                                                Chùa Thiền Tôn, Vancouver B.C.Canada

                                                            Tỳ khưu Thích Nguyên Tịnh

14- Kính đảnh lễ Tân Viên Tịch Thích Đức Niệm Hòa Thượng Giác Linh

                                                KHỨ LAI NHƯ THỊ

                        Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất  Hải Ngoại Tại Canada

15-Thay mặt Ban lãnh đạo- Hội đồng Pháp sự Tịnh nghiệp Liên hữu chúng tôi chơn thành phân ưu cùng Hòa Thượng- quí Giáo hội và chư môn nhơn pháp quyến của Hòa Thượng Chánh Văn Phòng; đồng thời nhứt tâm cầu nguyện Giác linh Hòa Thượng Cao Đăng Phật Quốc

Thành Kính Phân Ưu

                                                            Hòa Thượng Thích Phước Bổn

                                                            Hội chủ Tịnh nghiệp Liên hữu

16-Chúng con, toàn thể Huynh trưởng và Đoàn sinh các cấp Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ, Miền Quảng Đức nhất tâm đê đầu đảnh lễ nguyện cầu Giác linh Hòa Thượng CAO ĐĂNG PHẬT QUỐC, VIÊN MÃN PHÁP THÂN, HỒI NHẬP TA BÀ, ĐỘ TẬN CHÚNG SINH, VIÊN CHỨNG BỒ ĐỀ.

Ngưỡng mong Giác linh Hòa Thượng Từ Bi chứng giám.

                        Toàn thể Huynh trưởng và Đoàn sinh GĐPT Miền Quảng Đức

                                                                                                Đồng bái niệm

17-Tăng, Ni, tín đồ Phật tử Linh Sơn Mỹ Châu được ai tin Hòa Thượng Thích Đức Niệm, Giám Đốc Phật Học Viện Quốc Tế, Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ, đã vãng sanh ngày 21 tháng 3 năm 2003 tại Cali, Hoa Kỳ.

            Sự ra đi của Hòa Thượng thượng Đức hạ Niệm là một tổn thất lớn cho Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ nói riêng , và Cộng Đồng Phật Giáo Thế Giới nói chung.

                                                Giáo Hội Phật Giáo Linh Sơn Mỹ Châu

                                                            Phó Viện Trưởng Viện Chỉ Đạo

                                                                        TK Thích Trí Hải

18-Dù ở quê nhà, chúng tôi vẫn lưu tâm đến sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại. Hòa Thượng đã góp phần to lớn vào sự nghiệp truyền bá chánh pháp, đào tạo Tăng tài, ấn tống pháp bảo, mở mang nhiều đạo tràng, hoan hỷ nhận lời thỉnh cầu thuyết pháp giảng kinh ở khắp mọi nơi đem lại an vui lợi ích cho con người. Đặc biệt nơi quê hương của chúng ta, cuộc sống của một bộ phận đồng bào còn nhiều khó khăn, Hòa Thượng với lòng bi mẫn đã ra tay cứu giúp biết bao mảnh đời bất hạnh, sưởi ấm biết bao tâm hồn đang sống trong cơ cực lầm than. Ngài xứng danh được bốn chúng tôn thờ, đáng bậc bá gia trọng vọng.

            Hôm nay, Hòa Thượng không còn hiện hữu nơi cõi đời uế trược, nhưng công đức và đạo hạnh của ngài vẫn mãi sáng soi, làm tấm gương cho hậu học noi theo, tiến bước trên con đường hành Bồ Tát đạo.

            Anh  em chúng tôi cũng xin vọng  bái linh đài. Ngưỡng nguyện giác linh Hòa Thượng quả chứng vô sanh, hồi nhập Ta bà hóa độ quần sinh

                                                Tổ đình VĨNH NGHIÊM ( Việt Nam)

                                                            Thích Thanh Phong

                                                            Thích Trí Chơn

19-Thay mặt chư Tăng Ni và Phật tử Ban Từ Thiện Xã hội Tịnh Xá Trung Tâm, Q.Bình Thạnh, Tp HCM, VN kính gởi đến Đại Đức và quý môn đồ pháp quyến lời THÀNH KÍNH PHÂN ƯU. Đồng thời, xin nhất tâm cầu nguyện Phật lực gia hộ:

                                                Giác linh Hòa Thượng thượng Đức hạ Niệm

                        CAO ĐĂNG PHẬT QUỐC, THƯỜNG TRỤ NIẾT BÀN

                                    Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

                                                            TM Tăng Ni và Phật tử Ban TTXH-TXTT

                                                            Thượng Tọa Thích Giác Toàn

20-Chúng con Ban Trị Sự Chùa Phổ Minh xin thay mặt cho tất cả nam nữ Phật tử thành thật phân ưu với Giáo Hội. Nguyện cầu giác linh Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm CAO ĐĂNG PHẬT QUỐC.

                        Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

                        T.M Ban Trị Sự Chùa Phổ Minh Hội Phật Giáo Việt Nam Arkansas

                                                            Phó Hội Trưởng Nội Vụ

                                                Nguyên Hiền- Nguyễn T. Hồng

21-Được tin Hòa Thượng Bổn Sư của Thượng Tọa Trụ Trì Chùa Linh Sơn Clinton Township, Michigan đã thâu thần viên tịch, chúng con thành viên Ban Hộ Trì Tam Bảo và toàn thể Phật tử chùa Linh Sơn và vùng phụ cận, kính gởi điện văn phân ưu này đến chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni thuộc Phật Học Viện Quốc Tế, thành kính nguyện cầu Giác linh Hòa Thượng Cao Đăng Phật Quốc. Đồng kính nguyện cầu Tam Bảo gia hộ cho chư Tôn Đức cùng môn đồ pháp quyến Phước Trí Nhị Nghiêm, Thân Tâm An Lạc.

                        T.M. Ban Hộ Trì Tam Bảo Chùa Linh Sơn Clinton TWP

                                                Phó Hội Trưởng: Phạm Văn Ruôi

22-Hòa Thượng là hàng Long Tượng của Phật giáo Việt Nam nói chung và của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ nói riêng. Sự ra đi của Hòa Thượng là một mất mát lớn cho toàn thể Phật giáo đồ. Riêng phần chúng con từ đây sẽ thiếu vắng hình bóng một vị ân sư đã từng ban cho chúng con những bài pháp nhủ quí giá hướng dẫn chúng con trên bước đường tu học. Chúng con xin nguyện cầu Giác Linh Hòa Thượng sớm cao đăng Phật quốc, chứng nhập Niết Bàn.

Nam Mô An Dưỡng Quốc Cực Lạc Thế Giới A Di Đà Phật

                        Thay Mặt Đoàn Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam Orlando, Florida

                                                            Nguyên Thạnh Nguyễn Mậu Hưng

23-Sự ra đi của Hòa Thượng là một đại tang cho toàn thể Phật giáo đồ nói chung và là một mất mát lớn lao cho Phật tử chùa long Vân chúng con nói riêng. Toàn thể Phật tử chùa Long Vân chúng con xin nguyện cầu Giác linh Hòa Thượng Hoạch Đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, Chứng Nhập Niết  Bàn.

                        Nam Mô An Dưỡng Quốc Cực Lạc Thế Giới A Di Đà-Phật

                                                            Thay Mặt Ban Trị Sự Chùa Long Vân

                                                            Nhật Quang Phạm Ngọc Cửu

24-Thay mặt cho các cấp trị sự và đồng đạo Phật Giáo Hòa Hảo, với tư cách Hội Trưởng Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo, và với tư cách một thành viên của Chủ tịch đoàn Hội Đồng Điều Hợp Hội Liên Hiệp PG-PGHH, tôi xin kính cẩn gởi Điện văn này chuyển trình đến Hòa Thượng Chủ tịch cùng toàn thể quý chư Tôn Đức và Phật tử những lời chia buồn thành khẩn và trân trọng nhất của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo…Hòa Thượng Thích Đức Niệm viên tịch là về với Phật trên cõi Niết Bàn Cực Lạc, nhưng đối với chúng tôi thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cũng như đối với chúng tôi thuộc Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo, sự vắng thiếu Hòa Thượng Thích Đức Niệm trong sinh hoạt phụng sự hàng ngày của chúng ta chắc chắn sẽ là một sự thiếu thốn và mất mát to lớn không có gì bù đắp được về tình cảm, cũng như về lý trí và về thực tế …

                                                                                    Lê Phước Sang

                                                Hội Trưởng Hội Đồng Trị Sự Trung Ương GHPGHH

                                    Thành viên Chủ tịch đoàn HDDH Hội Liên Hiệp PG-PGHH

25-Thay mặt Cao Đài Hải Ngoại và chư Tín Hửu Cao Đài kính gởi lời phân ưu cùng Quí Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại và Môn đồ Pháp quyến của Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm.

            Chúng tôi cũng thành tâm bày tỏ lòng kính mến công đức và nguyện cầu cho Giác linh Cố Hòa Thượng nhe nhàng siêu thoát an nghỉ nơi Miền Lạc Quốc.

                                                                        Cao Đài Giáo Hải Ngoại

                                                            Hội Đồng Chức Sắc và Niên Trưởng

                                                Chú Trưởng: Giáo hữu Ngọc Sách Thanh

26-Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ và Chương Trình Phát Thanh Hương Sen xin thành kính phân ưu cùng Chư Đại Tăng , môn đồ pháp quyến và nguyện cầu Giác Linh Hòa Thượng sớm CAO ĐĂNG PHẬT QUỐC.

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

                                                Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ

27-Chư Tăng, Ni, và Phật tử Tu Viện Pháp Vương vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, thành kính đảnh lễ và nhất tâm cầu nguyện Giác Linh Hòa Thượng thượng Đức hạ Niệm Cao Đăng Phật Quốc. TA BÀ ẤN HOẠI TỊNH ĐỘ VĂN THÀNH

                                                                                                Khể thủ,

                                                                                    Tỷ kheo Thích Vân Đàm

28-Chúng con tăng, tín đồ thuộc Tu Viện Huyền Không, Montreal,Canada xin thành kính đảnh lễ Hòa Thượng .Kính nguyện Giác Linh Hòa Thượng CAO ĐĂNG PHẬT QUỐC.

                                                                                                Kính bái,

                                                Thay mặt tăng, tín đồ Tu Viện Huyền Không,Montreal

                                                                        Tỳ kheo Thích Minh Thông

29- Tăng Đoàn, Ban Quản Trị và toàn thể Phật tử Hội Phật Giáo Mỹ Châu chùa Hoa Nghiêm xin thành kính chia buồn với Tăng Đoàn và Phật tử Phật Học Viện Quốc Tế trước sự mất mát to lớn này.Nguyện cầu Giác linh Hòa Thượng Thích Đức Niệm CAO ĐĂNG PHẬT QUỐC

                                                                        Tỳ lheo Thích Kiến Khai,

                                                Trù trì Chùa Hoa Nghiêm( Fort Belvoir,VA)

                        Toàn thể Ban Quan Trị và Phật tử Hội Phật Giáo Mỹ Châu

30-Chúng con toàn thể Phật tử Chùa Phổ Quang Salt Lake City, Utah và vùng phụ cận xin thành kính phân ưu cùng Giáo Hội và Phật Học Viện Quốc Tế trước sự thuận thế vô thường xả báo thân của Hòa Thượng Thích Đức Niệm.

            Kính cầu nguyện giác linh Cố Hòa Thượng CAO ĐĂNG PHẬT QUỐC.

            Nam Mô Tiếp Dẫn đạo sư A Di Đà Phật

                                                                        Chùa Phổ Quang

                                                                        Salt Lake City, Utah

31-Chúng con, Phật tử Tây Úc và Thiền Tự Tuệ Căn thành kính nguyện Giác linh Hòa Thượng quả được vô sanh, nhân tròn chánh giác, thường trụ Niết Bàn, chẳng lìa uế độ.Thị hiện nơi cõi Ta-bà mà  thường ở cõi thường chân. chuyển thân bốn đại bất an, thành tựu pháp thể tịnh lạc.

            Nguyện cho: Hiếu đồ bốn chúng, giác tâm tròn đủ, duyên lành cùng hưởng, chánh pháp cùng tu. Một niệm không sanh, an  nhiên giải thoát, cùng chúng sanh khắp trong pháp giới, kẻ mất người còn đồng thành Phật đạo.

                                                                        Thích Nữ Huệ Căn

                                                            Thiền Đường Tuệ Căn, Tây Úc

32-Phòng Tông Tin Phật Giáo Quốc Tế, Cơ quan Thông tin và Phát ngôn của Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, vô cùng đau buồn được tin Hòa Thượng Thích Đức Niệm, Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện , Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Hoa Kỳ, Văn phòng II Viện Hóa Đạo, vừa thâu thần viên tịch tại Phật Học Viện Quốc Tế, thành phố Noth Hills, bang California, Hoa Kỳ.

            Xin thành kính phân ưu chư Đại Tăng, Môn đồ Pháp quyến và nguyện cầu Giác linh Hòa Thượng Cao Đăng Phật Quốc.

                                    Giám Đốc Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế

                        Kiêm Chủ tịch Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam

                                                                                    Võ Văn Ái

33-Chúng con, Ni chúng và Phật tử Hội Phật Giáo Quán Âm, Pháp quốc, nhất tâm cầu nguyện Giác Linh Hòa Thượng, trực vãng lạc bang, nhiên hậu hồi nhập Sa-Bà, phân thân Hóa độ. Đồng thời, Hội Phật Giáo Quán Âm Paris xin thành kính phân ưu cùng môn đồ hiếu quyến.

                                                            TL. Ni Sư Thích Nữ Diệu Minh

                                                Chánh Hội Trưởng Hội Phật Giáo Quán Âm

                                                                                    J.L. Đức Tiến

                                                                                    Tổng Thư Ký

34-Chúng con chư Tăng và Phật tử Trung Tâm Phật Giáo Chiếu Kiến đê đầu đảnh lễ Hòa Thượng, thượng chúc Giác Linh Ngài Cao Đăng Phật Quốc. Thành tâm chia buồn cùng Chư Tôn Đức và Môn Đồ Pháp Quyến. Chúc quý vị vững tâm tu học để Phật Học Viện Quốc Tế luôn luôn phát triển, nối tiếp công hạnh của Hòa Thượng và duy trì đạo mạch.

                                                            Trụ Trì Trung Tâm Phật Giáo Chiếu Kiến

                                                                        Tỳ Kheo: Thích Thiện Chí

35-Chư Tăng Ni Phật tử Tu Viện Hộ Pháp tại thủ đô Little Sài Gòn , thành kính chia buồn sự mất mát này đến Môn Đồ Pháp Quyến của Ngài. Nguyện cầu Giác linh Hòa Thượng Cao Đăng Phật Quốc, hồi nhập Ta Bà hóa độ chúng sanh, trỡ giúp cho quê hương Việt Nam chúng con sớm có ngày thanh bình và tự do tu học trong Chánh pháp của đức Như Lai.

            Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

                                                                        Thượng Tọa Thích Tuệ Uy,

Chủ Tịch Đoàn Truyền Giáo Tăng Ni Việt Nam Tại Hoa Kỳ

                                                Viện Trưởng Tu Viện Hộ Pháp

36-Chúng con là Ban Trị Sự và toàn thể Phật tử Chùa Từ Ân rất đau lòng và thương tiếc khi hay tin Hòa Thượng Thích Đức Niệm, Viện Trưởng Viện Phật Học Quốc Tế, Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện GHPGVNTNHN tại Hoa Kỳ vừa viên tịch. Đây là một sự mất mát lớn đối với chúng con nói riêng và toàn thể Phật tử nói chung.

            Chúng con nguyện cầu Hồng Ân Tam Bảo độ trì cho Giác Linh Hòa Thượng được sớm Cao Đăng Phật Quốc.

                                    T/M Ban Trị Sự Chùa Từ Ân Hội PGVN Louisville, Kentucky

                                                                                                            Hội Trưởng,

                                                                                                Tâm Lộc-Lê Lợi

37-Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật tử Miền Khuông Việt xin thành kính nhất tâm đồng bái tạ Ân sư và cùng chia xẻ nỗi thương đau đến cùng hàng Chư Tôn Giáo Phẩm Giáo Hội.

            Nguyện cầu Giác Linh Hòa Thượng sớm Cao Đăng Phật Quốc.

            Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A-Di-Đà Phật.

                                                            Ban Hướng Dẫn GĐPT Miền Khuông Việt

                                                                                                            Trưởng Ban

                                                                                    TRÍ HẢI Ngô Thị Quỳnh Lâm

38-Thành kính Nguyện Cầu Giác Linh Hòa Thượng thượng Đức hạ Niệm sớm được Cao Đăng Phật Quốc.

            Phật Giáo đã mất đi một vị Cao Tăng , suốt đời phụng sự cho Đạo pháp, phổ độ lợi lạc chúng sinh. Nhưng luật vô thường không ai tránh khỏi. Và Giác Linh Hòa  Thượng đã về cõi Phật.

            Thành Kính Đảnh Lễ Giác Linh Hòa Thượng.

                                                                        Trụ trì Chùa Kim Quang Pháp Quốc

                                                                        Tỳ Kheo Thích Minh Định

39-Chúng con cùng toàn thể Phật tử Chùa Quan Âm thành kính phân ưu lên Chư Tôn Đức Giáo Phẩm Tăng , Ni và Môn Đồ Pháp Quyến. Cầu nguyện Tây Phương Tam Thánh, thùy từ phóng quang tiếp độ Giác Linh Cố Hòa Thượng, thượng Đức hạ Niệm, Quả đăng Thượng Phẩm, Nhân chứng Nhị Nghiêm, thường trụ An Dưỡng, bất ly Uế Độ, phân thân vô số, độ tận chúng sanh, đồng sanh Cực lạc, đồng thành Chánh Giác.

            Đệ tử chúng con thành kính đảnh lễ Giác linh cố Hòa Thượng.

                                                                        TL.TT.Thích Huệ Sơn

                        Trụ Trì Chùa Quan Âm(đang điều trị bệnh tại Washington DC.)

                                                                        Cư sĩ Túc Lộc

                                                Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Hội Đồng Sáng Lập

40-Trước hết, chúng con xin thay mặt chư ni đạo tràng Vĩnh Phước nhất tâm cầu nguyện Giác Linh Sư Phụ được Cao Đăng Phật Quốc, Đắc Vô Sanh Nhẫn, Hồi Nhập Ta Bà Hóa Độ Chúng Sanh.

            Con và đại chúng cũng chia xẻ sự khó khăn mà Thầy cùng chư vị Tăng Ni phải đam đang giánh vác. Rất tiếc là không đủ duyên qua cùng quý Thầy chung lo tang lễ để đáp đền công ơn Sư Phụ đã tái tạo giới thân huệ mạng chúng ta.

            Nơi đạo tràng Vĩnh Phước, con cũng thiết bàn thờ thỉnh Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni làm lễ Truy Niệm trước ngày hỏa tang Sư Phụ và cúng dường trai tăng để hồi hướng công đức lên Sư Phụ.

                                                Chùa Vĩnh Phước, Sài Gòn- Việt Nam

                                                            Thích Nữ Như Hoa

41-Chúng con tuy không được phước duyên gặp Sư Ông, nhưng có được cuộc sống tu học yên ổn hôm nay cũng nhờ ơn Sư Ông quá nhiều, không biết lấy chi đến đáp, chỉ biết kính nguyện Giác Linh Sư Ông Cao Đăng Thượng Phẩm, Quả Chứng Vô Sanh.

                                                Chùa Vĩnh Phước, Sài Gòn- Việt Nam

                                                            Thích Nữ Huệ Trí

42-Toàn thể Phật tử thuộc Hội Phật Giáo Việt Nam tại Grand Island, Nebraska, Niệm Phật Đường Giải Thoát vô cùng kính tiếc đã mất đi một vị chân tu khả kính, đồng thời là một thiệt thòi lớn lao cho Phật Giáo Việt Nam nói chung.

            Chúng con đồng thời ngưỡng nguyện Tân Giác Linh Hòa Thượng Thượng Phẩm Thượng Sanh.

                        Hội Phật Giáo Việt Nam Island, Nebraka Niệm Phật Đường Giải Thoát

                                                                                                Hội Trưởng

                                                                                    Nguyên Cát-Nguyễn Ngưu

43-Chúng tôi rất xúc động được tin Hòa Thượng Thích Đức Niệm đã thuận thế vô thường, thâu thần viên tịch tại Phật Học Viện Quốc Tế.

            Hòa Thượng ra đi là một sự mất mát lớn lao cho Giáo Hội cũng như các Phật tử. Chúng tôi đã cử hành lễ cầu siêu tại chùa Liên Hoa.

                                                Hội Phật Giáo Việt Nam Tại Canada Chùa Liên Hoa

                                                                                                Hội Trưởng

                                                                                    Phúc Đức, Đặng Văn Dục

44-Chúng con, Thiện Xuân Inna Malkhanova và Thiện Mẫn, Hội Trưởng và Phó Hội Trưởng Hội Phật Giáo Thảo Đường ở Mạc Tư Khoa, nước Nga, chỉ vừa mới nhận được tin Hòa Thượng Thích Đức Niệm đã thuận thế vô thường, thâu thần viên tịch tại Phật Học Viện Quốc Tế.

            Chúng con vô cùng thương tiếc và tưởng nhớ công đức của Hòa Thượng đối với việc truyền bá Phật Pháp cho chúng sinh. Chúng con xin thay mặt toàn thể các đạo hữu Nga và Việt Nam trong Hội Phật Giáo Thảo Đường, thành kính dâng lên Hòa Thượng và Chư Tôn Đức lời phân ưu của chúng con.

            Các Phật tử chúng con ở Mạc Tư Khoa, nước Nga, xin thành tâm đảnh lễ Giác Linh Hòa Thượng và xin nguyện cầu Giác Linh Hòa Thượng sớm siêu thoát về cõi Tây Phương Cực Lạc.

                                                                        Ngày 19 tháng 4 năm 2003

                                                TM. Hội Phật Giáo Thảo Đường, Mạc Tư Khoa, nước Nga

                                                                        Hội Trưởng và Phó Hội Trưởng

                                                Thiện Xuân Inna Malkhanova và Thiện Mẫn

Vòng Hoa

1-Tảo Đăng Giác Ngạn

                                    Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ

2-Nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Chư Tăng Phật tử chùa Bảo Quang

3-Nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Toàn thể Phật tử niệm Phật Đường Phật Quang San Jose

4-Nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Ban Hướng Đạo và toàn thể gia đình Phật tử miền Thiện Hòa

5-Thành kính đảnh lễ giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Chư tăng ni miền bắc California

6-Ngưỡng nguyện giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Chư tăng ni miền Vạn Hạnh

7-Ngưỡng nguyện giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Chư tăng và Phật tử chùa Pháp Vân Pomona

8-Thành kính nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Đệ tử Thích Nữ Đức Thường kính bái

9-Ngưỡng nguyện giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thỉ Việt Nam Hải Ngoại

10-Kính nguyện giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Gia Đình Chơn Đức và Gia Đình Chơn Thường

11-Cầu nguyện giác linh Hòa Thượng Viện Chủ Phật Học Viện Quốc Tế cao đăng Phật quốc.

            Hiện hoá Sa bà duyên ký tất

            Vãng sanh Cực Lạc ngự liên hoa.

                                    Chư tăng ni và Phật tử chùa Quán Thế Âm Việt Nam Orange County và chùa Quảng Đức San Jose

12-Cầu nguyện giác linh Hòa Thượng Viện Chủ Phật Học Viện Quốc Tế cao đăng Phật quốc.

                                    Chư tăng ni và Phật tử chùa Quán Âm Hương Tích Los Angeles, Hương Tích Santa Ana, Chùa Trúc Lâm Yên Tử, Pháp Hoa, Phổ Hiền kính viếng.

13-Ngưỡng nguyện giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Vụ Gia Đình Phật tử và Ban Hướng Dẫn 5 miền

14-Nhất tâm nguyện cầu giác linh Hòa Thượng thể chứng vô sanh.

                                    GHPGVNTHHN-HK Văn Phòng II Viện Hóa Đạo

15-Nhất tâm nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Phật tử Thanh Chánh-Phước Hảo Minh Nghĩa-Huệ Tấn và gia đình

16-Kính viếng giác linh Hòa Thượng Thích Đức Niệm cao đăng Phật quốc.

                                    Bà Quả phụ Đỗ Mậu và gia đình

17-Thành kính cầu nguyện Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Trụ trì và tứ chúng chùa An Lạc San Jose

18- Thành kính cầu nguyện giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Vương Bình pháp danh Tâm Duyên, Tiêu Thị Chia pháp danh Diệu Hường, Lâm Q.Quang, Vương Thị Nguyệt

19-Vãng Sanh Tịnh Độ         

                                    Cựu Ban Giám Đốc Phật Học Đường Ấn Quang Hòa Thượng Thích Huyền Dung

20-Vảng Sanh Tịnh Độ

                                    Chủ Tịch và thành viên Hội Đồng Giám Sát GPHGVNTNHN tại Hoa Kỳ HT Thích Huyền Dung.

21-Cầu nguyện cố giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Diệu Trí và gia đình

22-Thành kính cầu nguyện giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Thiện Bửu, Diệu Thanh & Các con

23-Cầu nguyện Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Gia đình Minh Kiến&gia đình Xuân Nguyễn

24-Cầu nguyện Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Diệu Hoa và Gia đình

25-Thành kính cầu nguyện Trưởng môn cao đăng Phật quốc.

                                    Hải Ngoại Liễu Quán Pháp Phái

26-Vô cùng thương tiếc Hòa Thượng Bổn sư.

                                    Đệ tử Phật Học Viện Quốc Tế

27-Thành kính cầu nguyện giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật Quốc.

                                    Giáo Hội Phật Giáo Linh Sơn tại Châu Mỹ

28-Thành kính đảnh lễ giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Chư tăng ni miền Bắc California

29-Nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    BHDTU Gia đình Phật tử Việt Nam Hoa Kỳ và 4 miền

30-Nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Cộng đồng Việt Nam tại California

31-Xin nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Các chùa Xá lợi-ADi Đà Long Thiền-Phật Bửu-TT.Pháp Như và chư Ni Orange và Los Angeles

32-Nguyện cầu Hòa Thượng cao đăng Phật Quốc

                                    Gia đình Minh Thuận-Thiền Từ

33-Thành kính nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Nguyên Cầm và gia đình

34-Thành kính nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Gia đình Chơn Lạc

35-Thành kính Phân Ưu.

                                    Chánh Phủ Lâm Thời Việt Nam Tự Do

36-Thành kính nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Chùa Linh Sơn Detroit Michigan

37-Thành tâm cầu nguyện Hòa Thượng thượng Đức hạ Niệmcao đăng Phật quốc.

                                    Tỳ kheo Thích Chân Tôn và toàn thể Phật tử chùa Việt Nam Phoenix, Arizona

38-Thành kính cầu nguyện Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Gia đình Phước Lạc

39-Nguyện cầu Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Quảng Trọng và gia đình

40-Nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Ban Hướng Dẫn và toàn thể Gia đình Phật tử miền Tịnh Khiết

41-Kính điếu Hòa Thượng Thích Đức Niệm cao đăng Phật quốc.

                                    Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ

42-Nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Nha Tuyên Úy Phật Giáo Chánh Phủ Việt Nam Tự Do và chùa Hộ Pháp

43-Nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Phật tử chùa Linh Sơn Quan Âm Chicago

44Thành thật điều niệm giác linh cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm cao đăng Phật quốc

                                    Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới Trưởng lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu.

45-Vô cùng thương tiếc Hòa Thượng thượng Đức hạ Niệm nguyện cầu giác linh ngài cao đăng Phật quốc.

                                    Đại đức Trụ trì và Phật tử chùa Quang Minh Chicago

46-Thành kính đảnh lễ giác linh Hòa Thượng thượng Đức hạ Niệm viện chủ Phật Học Viện Quốc Tế cao đăng Phật quốc.

                                    Chư tăng ni miền Bắc California

47-Thành kính đảnh lễ giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Chùa Phổ Hiền Kansas City

48-Vô cùng thương tiếc Hòa thượng Giám Đốc Phật Học Viện.

                                    Chùa Quang Minh San Diego

49-Nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Phước Huệ Đạo Tràng, Hoa Kỳ

50-Vãng Sanh Tịnh Độ

                                    Nhóm Thiền sinh Phật Quang Thiền Viện, Reseda

51-Kính điếu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc

                                    Chư Tăng ni Phật tử chùa Vĩnh Nghiêm

52-Nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc

                                    Pháp Duyên Tịnh Xá

53-Nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Giáo Hội PGVN Thống Nhất Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan

54-Nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Phật tử Diệu Ni-Minh Huy

55-Nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc

                                    Giao Điểm

56-Nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc

                                    Chư tăng chùa Quang Nghiêm và Ni viện Đức Viên

57-Nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Bửu Quang Đạo Tràng

58-Thành kính cầu nguyện Giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc

                                    Trụ Trì và Tứ chúng San Jose

59-Ngưỡng nguyện giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Chùa Dược Sư

60-Nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Liễu Quán các phái

61-Nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Phật tử chùa Phật Đà và Tu Viện Pháp Vương

62-Thành kính phân ưu.

                                    Hoàng thân Bửu Chánh và Phan Liên Hoàng tộc VN

63-Nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Sư cô Huệ Thiện và Phật tử Hương Nghiêm Tự

64-Kính nguyện giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Ban Quản Trị chùa Phật Bảo Chicago

65-Nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Gia đình Phật tử miền Quảng Đức

Trướng, Liễn Phúng Niệm

1-Nam Mô A Di Đà Phật

                                                                        Quán Âm Tự

                                    Phật giáo Trung Tâm Việt Nam Tự đồng kính niệm

2-Hóa Duyên Viên Mãn

                                    Ban bảo trợ phiên dịch pháp tạng Việt Nam kính bái

3-Công Viên Quả Mãn

                                    Mạnh Xuân Quý Mùi Tổ đình Phổ Đà Santa Ana kính bái

4-Thánh Sở Xưng Tán

                                    Quý Mùi trọng xuân An Lạc Tự Viện chủ hiệp đại chúng đồng kính bái

5-Hội Mãn Tây Quy

                                    Chơn Thành Trần Văn Cữu Hoàng Ngọc Phan YếnLoan hiệp bảo quyến đồng kính bái

6-Tuệ Đăng Thường Chiếu

Mỹ quốc Việt Nam Phật giáo Thống Nhất giáo hội thượng Đức hạ Niệm Đại Sư tân viên tịch

                                    Pháp Duyên Tịnh Xá viện chủ hiệp Tăng ni Phật tử đồng kính vãn

7-Đạo Thọ Cao Hiển

Quý Mùi niên trọng xuân

Mỹ quốc Việt nam Phật giáo Thống Nhất giáo hội thượng Đức hạ Niệm Đại sư tân viên tịch

                                    Hương Nghiêm Tự Viện Chủ hiệp Phật tử đồng kính bái

8-Ta Bà Thị Hiện Cư Trần Khách

Tịnh Độ Liên Đài Hóa Thượng Nhân

Mỹ quốc Hải Ngoại Việt Nam Phật giáo Thống Nhất giáo hội Quốc Tế Phật Học Viện viện trưởng Hòa Thượng tân viên  tịch

                                    Việt Nam Hoa Kỳ quốc Đông Hưng Tổ Đình Tăng Ni Phật tử đồng kính bái

9-Tân Tận Hỏa Diệt

Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện GHPGVNTNHN tại Hoa Kỳ Văn Phòng II Viện Hóa Đạo

                                    Phật lịch 2546-Tăng ni tín đồ Phật giáo Bắc California bái vãn

10-Tịch Diệt Vi Lạc

Quý Mùi niên trọng xuân

Mỹ quốc Việt Nam Thống Nhất giáo hội thượng Đức hạ Niệm Hòa thượng tân viên tịch

                                    Việt Nam Phật giáo Thống Nhất giáo hội Tăng Sự Tổng Vụ đồng kính vãn

11-Tạc Dạ Chi Mai

Giám Đốc Phật Học Viện Quốc Tế

Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện

                                    Tổng vụ Cư Sĩ và Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại đồng kính bái niệm

12-Tịch Diệt Phi Diệt

Mỹ quốc Quốc Tế Phật Học Viện

 khai sơn Viện trưởng Thích Đức Niệm Hòa Thượng cao vãng

                                    Úc Châu Việt Nam Phật giáo Thống Nhất giáo hội Điều Hành Hội Đồng kính phụng

13-Đa Phương Thị Hiện

Mỹ Châu giáo hội đại diện Hội đồng

Chánh Văn Phòng Thích Đức Niệm Hòa Thượng tân viên tịch Hòa Thượng từ giám

                                    Văn Hóa Tổng vụ vụ trưởng Thích Nguyên Siêu bái vãn

14-Hòa Quang Đồng Trần

Phật lịch nhị ngũ tứ lục

Quý Mùi nhị nguyệt thập cửu nhật vãng sanh

                                    Mỹ Châu Việt Nam Phật giáo Thống Nhất giáo hội Hải Ngoại Hóa Đạo Viện Giám Sát Hội Đồng Thích Huyền Dung Hòa Thượng kính phụng

15-Hành Siêu Giới Ngoại

Thích Đức Niệm Hòa Thượng giác linh liên tọa

                                    Diệu Pháp tự Thích Viên Lý dữ đại chúng Phật tử đồng kính vãn

16-Vô Khứ Vô Lai Thường Tự Tại

                                    Tứ chúng đạo tràng Mai Thôn kính lễ

17-Ứng Thân Vô Lượng

Thích Đức Niệm đại sư giác linh liên tọa

                                    Việt Nam Phật giáo Thống Nhất giáo hội Hóa Đạo Viện Đệ nhị Phân hội đồng kính vãn

18-Khứ Lai Như Thị

Mỹ quốc Việt Nam Phật giáo Thống Nhất giáo hội

thượng Đức hạ Niệm Hòa Thượng tân viên tịch

                                    Gia Nã Đại Việt Nam Phật giáo Thống Nhất giáo  hội Hội Đồng Điều Hành đồng kính vãn

19-Tát Thủ Hoàn Gia

Thích Đức Niệm Đại Sư Giác Linh Liên Tọa

                                    Việt Nam Phật giáo Thống Nhất giáo hội Hoằng Pháp Tổng vụ

                                                                        Thích Chánh Lạc kính vãn

20-Hoạch Vô Sanh Nhẫn

Quý Mùi trọng xuân

Mỹ quốc Việt Nam Phật giáo Thống Nhất giáo hội

thượng Đức hạ Niệm Đại sư tân viên tịch

                                    Âu Châu Việt Nam Phật Giáo Tổng giáo hội Điều Hành Hội Đồng đồng kính vãn

21-Thừa Nguyện Tái Lai

Đức Noệm Lão Hòa Thượng viên tịch

                                    Đài Loan Linh Sơn giảng đường trú trì Tịnh Hạnh kính vãn

22-Thượng Phẩm Thượng Sanh

Phật lịch nhị ngũ tứ lục tuế

Quý Mùi niên nhị nguyệt thập ngũ nhật

Mỹ Châu Quốc Tế Phật Học Viện khai sơn viện trưởng

thượng Nguyên hạ Công hiệu Thích Đức Niệm Hòa Thượng tân viên tịch

                                    Đại Nhật Như Lai tự

23-Vô Sanh Pháp Nhẫn

Kính lễ Hòa Thượng thượng Đức hạ Niệm giác linh

                                    Mạnh xuân Quý Mùi chùa Trí Phước tăng tín đồ kính bái

24-Nhất Thừa Vô Thượng

Phật lịch nhị tứ ngũ lục nhị nguyệt thập cửu nhật

Quốc Tế Phật Học Viện khai sơn viện trưởng

Thích Đức Niệm Hòa Thượng viên tịch

                                    Mỹ Châu giáo hội Thanh Niên Tổng Vụ Vụ Trưởng hiệp gia đình Huệ Quang kính bái

25-Vạn Đức Lưu Phương

                                    Mạnh Xuân Quý Mùi Tăng tín đồ chùa Huệ Quang kính bái

26-Cao Đăng Phật Quốc

Đức Trọng Từ Nguyên Bi Phổ Ba Pháp Giới

Niệm Thiết Tín Thâm Hành Chuyển Đáo Liên Đài

Khấp nguyện giác linh Hòa Thượng Thích Đức Niệm

                                    Quý Mùi niên nhị nguyệt thập cữu nhật.

                        Chư tăng và Phật tử Cổ Lâm Tự đồng kính bái

27-Giọt Nước Cam Lồ Vừa Rơi Xuống

Tấm Thân Như Huyễn Bổng Thong Dong.

Mạnh xuân Quý Mùi

Kính điếu giác linh H.T Thích Đức Niệm

                                    Sa môn: Thích Tâm Châu, Thích Mãn Giác, Thích Thanh Cát, Thích Minh Thông, Thích Chơn Thành, Thích Hạnh Đạo, Thích Phước Thuận, Thích Nữ Diệu Từ

28-Xã Báo An Tường

                                    Các Tự Viện và Hội Cư Sĩ Phật Giáo vùng Orange County kính bái

29-Thượng Phẩm Thượng Sanh

                                    Thượng tọa Thích Thông Đạt Chùa Đại Nhật Như Lai

30-Tịch Diệt Phi Diệt

                                    Đạo Tràng Pháp Hoa chùa Thích Ca Đa Bảo

31-Cõi Ta Bà Vắng Bóng Đấng Từ Ân

Nơi Tịnh Độ Hóa Sanh Trang Thượng Thiện

                                    Chân Không thiền viện Hawaìi An Lạc Viện Oxnard Viện chủ & tăng ni kính bái

Sổ Tang Lưu Niệm

1-Nhất tâm cầu nguyện Giác linh cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm cao đăng Phật quốc.

                                                                                                Thích Tâm Châu

2-Cầu nguyện Giác linh H.T Đức Niệm cao đăng Phật quốc

                                                                                                Thích Minh Thông

                                    Tổng Thư Ký GHPGVN tại Hoa Kỳ

3-Nguyện cầu giác linh cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm cao đăng Phật quốc.

                                    Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

                                                                                                Thích Trí Chơn

4-Nguyện cầu giác linh cố Hòa Thượng cao đăng Phật quốc

                                    Chúng con Tăng Ni Phật tử chùa Phật tổ

                                                                                                T. Thiện Long

5-Kính nguyện giác linh cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm vãng sanh Cực Lạc quốc

                                                                                                Thích Hộ Giác

6-Kính nguyện cầu Giác linh ân sư cố Hòa thượng Thích Đức Niệm Thượng Phẩm Thượng sanh.

                                    Chư Tăng Ni Phật tử 36 vị Tu Viện Hộ Pháp Thích Tuệ Uy, Thích Tuệ Nghiêm, Thích Tuệ Minh,Thích Tuệ Chiếu, Thích Nữ Tuệ Từ, hai chú tiểu, ông Nguyễn Thành Trạng chủ tịch nam cali và quý Phật tử

7-Kính chúc Hòa thượng nhẹ gót tiêu diêu.

Tuy nhiên:

Phật Học Viện còn đây, Môn đồ cần dìu dắt.Hòa thượng ra về chi quá vội.Chánh Văn Phòng còn đó, Thiện tín cần tu học, chúng tôi ở lại tính sao đây.

Toàn thể Tứ chúng Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại tại Irving, Dallas-Texas đồng cúi đầu đảnh lễ trước tôn nhan của Ngài. Nguyện Giác linh Ngài Tọa Bồ Đề tòa viên mãn.

                                                                                                Pháp đệ Thích Tín Nghĩa

8-Mây trắng thong dong

                                                                                                Thích Mãn Giác

9-Ngưỡng nguyện Giác linh cố Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

                                    Thích Chơn Trí-Saccapanno Bhikkhu Chùa Pháp Vân-Pomona

10-Cảnh in chân Ngài

Liên Đài hoa nở

Chư tăng tiễn ngài

Về với Như Lai.

                                                                                                Thích Nguyên Lai

11-Chúc Hòa Thượng sư huynh thong dong về đảnh lễ Đức A Di Đà Phật

                                                                                                Thích Chơn Thành

12-Tôi lấy làm hoan hỷ

Chúc thầy về ngự Liên Hoa

Thân ta nào kể nay hà

Về miền Tây Trúc Độ mà chúng sanh.

                                                                                                Mến thầy có nhiều kỷ niệm

                                                                                                Thích Thiện Hương

13-Thân chúc Hòa thượng an tọa trên đài Thượng Phẩm Thượng Sanh và hoan hỹ hoàn lai Ta Bà để độ thoát chúng sanh ra khỏi bể khổ luân hồi.

                                                                                    Thân chúc(chữ ký đọc không rõ)

14-Thành kính đảnh lễ , Ngưỡng nguyện Hòa thượng tân viên tịch thượng Đức, hạ Niệm cao đăng Phật quốc.

                                                                                                Thành kính,

                                                                                                Thích Phước Sơn

15-Thành kính cầu nguyện giác linh Hòa thượng Thích Đức Niệm siêu sanh Lạc Quốc A-Di Đà.

                                                                                                Thành kính,

                                                                                                Thích Tánh Quang

16-Kính dâng giác linh cố H.T thượng Nguyên hạ Công lời cầu nguyện giác linh cao đăng Phật quốc.

                                                                                                Thích Giác Lượng

17-Thành kính cầu nguyện giác linh Hòa thượng Thích Đức Niệm siêu sanh Lạc quốc.

                                                            Chủ tịch cộng đồng Việt Nam nam California

                                                                                                Nguyễn Thành Trạng

18-Tiếc thay Hòa thượng ra đi

Bao người ở lại sầu bi đoạn trường

Cầu Ngài về cõi Tây Phương

Ngự an vĩnh viễn miên trường thiên thu.

                                                                                                Thích Giác Nhiên

19-Kính bạch giác linh Hòa thượng Thích Đức Niệm nhã giám.

Ngài và Thắng Hoan này,chúng ta cùng xuất thân từ học đường Ấn Quang,ra nước ngoài cùng chung một con đường lý tưởng Đạo Pháp. Giờ đây báo thân Ngài đã mãn, nhiệm vụ Đạo Pháp Ngài đã tròn, Ngài trở về bản quốc an nhiên tự tại. Còn Thắng Hoan này ở lại cô đơn, độc hành trên con đường phụng sự Đạo Pháp, thiếu bạn tri âm đồng hành, biết sao đây, đành cam tâm nhận chịu. Thắng Hoan cầu nguyện giác linh Ngài sớm lên ngôi Chánh Giác, nơi Niết Bàn Phương Tây và xin Ngài gia hộ Thắng Hoan sớm hoàn thành sứ mạnh còn lại của mình.

                                                                                                Thắng Hoan cẩn bút

20-Kính cầu nguyện giác linh H.T.thượng Đức hạ Niệm cao đăng Phật quốc. An vui nơi miền tịnh cảnh.

                                                Tăng chúng và Phật tử chùa Cổ Lâm, Seattle,WA.

                                                                                                Đồng kính bái.

                                                                                                T.Nguyên An

21-Nam mô A Di Đà Phật

Đại chúng Tu Viện Kim Sơn Bắc Caif, thành kính đảnh lễ cung tiến giác linh cố Hòa thượng, thượng Đức hạ Niệm, Giám đốc Phật Học Viện Quốc Tế, Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện Giáo Hội P.G.Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ, Văn Phòng II Viện Hóa Đạo cao đăng Phật quốc.

Thành kính phân ưu đến quý Giáo hội và chư Tăng, Ni môn đồ pháp quyến. Nguyện chúc quý Giáo hội và môn đồ pháp quyến Phật sự chuyển pháp luân vạn sự như ý, phước trí viên dung.

                                                                                    Kỉnh lễ,

                                                                        Thích Tịnh Từ

22-Thành kính đảnh lễ Giác linh Hòa thượng thượng Nguyên hạ Công tự Đức Niệm, Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện GHPGVNTNHN tại Hoa Kỳ.

            Nguyện cầu chư Phật tiếp độ Giác linh Hòa thượng trực vãng Tây phương, hồi nhập Ta bà tiếp độ chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Chân thành chia buồn cùng môn đồ và pháp quyến.

                                                                                                Tỳ kheo Thích Phước Thuận

23-Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam mô A Di Đà Phật.

Đệ tử chúng con Tỳ kheo Thích Tâm Quang thành tâm kính nguyện giác linh Hòa thượng thượng Đức hạ Niệm cao đăng Phật quốc.

                                                                                                Khế thủ,

                                                                                    Đệ tử Tỳ kheo Thích Tâm Quang

24-Nhập bất thối địa

Như thị đại nguyện.

                                                                                                Thích Bảo Lạc

25-Cung kính đảnh lễ Hòa thượng Thích Đức Niệm- Bậc cao tăng thạc học đã trọn đời hoằng dương đạo pháp, phụng sự giáo hội, tiếp dẫn hậu lai

Kiền thỉnh Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

                                                                                                Sa môn Thích Quảng Ba

                        Tu Viện Nguyên Thiều, Sydney-Tu Viện Vạn Hạnh Canberra, Australia.

26-Thay mặt Tăng Ni và nam nữ Phật tử đạo tràng chùa Quang Nghiêm,Stockton, nhất tâm đảnh lễ giác linh Hòa thượng Thượng phẩm thượng sanh, hồi nhập Ta bà tuyên dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh. Chúng con hành lậu học không sao quên được tấm gương sáng của Ngài suốt đời hy hiến cho Chánh Pháp. Nguyện noi theo gương Ngài trên đường tu học.

                                                                                                Kính bái,

                                                                                                Thích Minh Đạt

27-Chúng con chư Ni và Phật tử chùa Xá Lợi thành phố Rosemead, CA 91770-Thành kính cầu nguyện Giác linh Hòa thượng thượng Đức hạ Niệm , cố viện chủ Phật Học Viện Quốc Tế thuộc thành phố North Hills.

Cầu nguyện Giác linh Hòa thượng thượng Đức hạ Niệm cao đăng Phật quốc.

                                                                                                Kính lễ

                                                                                    Tỳ kheo ni Thích Như Nguyện

                                                                                                Viện chủ chùa Xá Lợi

28-Chùa Long Thiền chúng con vô cùng thương tiếc khi biết tin vắng bóng Hòa thượng.

                                                                                                Con,

                                                                                    Thích Nữ Thanh Hà

29-Chúng con chư Ni chùa Phật Bửu và Pháp Như thành kính cầu nguyện giác linh cố Hòa thượng thượng Đức hạ Niệm cao đăng Phật quốc, hồi nhập Ta Bà tế độ quần sanh. Nam mô A Di Đà Phật.

                                                                                                Kính bái,

                                                                        Thích Nữ Minh Phước, chùa Phật Bửu

                                                                        Thích Nữ Như Định, Pháp Như Tịnh Thất

30-Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh.

Chúng con , Ni chúng và Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện Phật tử chùa A Di Đà (thành phố Westminster) vô cùng xúc động khi nghe tin Hòa thượng thượng Đức hạ Niệm đã vãng sinh Phật quốc. Công đức Hòa thượng Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện đối với Đạo pháp thực vô lượng vô biên. Chúng con xin đê đầu đảnh lễ và kính nguyện chư Phật tiếp độ giác linh cố Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

                                                                        Thành kính đảnh lễ,

                                                                        Thích Nữ Như Ngọc Chùa A Di Đà

31-Nam mô A Di Đà Phật.

Kính bạch giác linh Hòa thượng Ân sư,

Đệ tử chúng con ngưỡng nguyện giác linh Thầy cao đăng Phật quốc, thể nhập đại nguyện hoàn lai Ta bà phổ độ chúng sanh như bổn nguyện.

            Thầy là cội bồ đề che mát.

            Chúng con là những chồi non.

Giờ đây:

            Thầy tự tại cõi Liên đài.

            Còn con ở lại lặn vào rừng sâu.

                                                                                                Khế thủ,

                                                                                    Đệ tử Thích Nữ Quảng Tịnh

32-Kính bạch giác linh cố Hòa thượng

Chúng con cúi đầu đảnh lễ ngưỡng nguyện giác linh Hòa thượng cao đăng Phật quốc. Ngài thùy từ gia hộ đệ tử hành hậu học tinh tấn tu hành.

                                                                                                T. Hạnh Huê

33-Nam mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

Hòa thượng Thích Đức Niệm kính thương. Thế là huynh đệ mình sẽ cách xa một thời gian. Một ngày nào đây mình sẽ gặp nhau , lần gặp này mới là vĩnh viễn. Còn bây giờ chỉ là tạm thời thôi. Tuy một thời gian ngắn, nhưng rất nhiều kỷ niệm; giờ này pháp đệ ngồi viết đôi dòng lưu niệm để kỷ niệm ngày Sư Huynh tạm giã từ trần thế; rất mong ngày tái ngộ.

                                                                                                Kính bút,

                                                                                    Pháp đệ Thích Nguyên Trí

34-Nam mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

Ngưỡng bái bạch giác linh Hòa thượng!

Con nhớ đến thiền sư Mãn Giác đã nói:

            “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận.

            Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.

Dù rằng tâm đoàn của GHPGVNTN Hải Ngoại tại Hoa Kỳ đã vắng đi báo thân của Ngài, nhưng con luôn tin rằng trong mỗi trái tim của hàng tăng lữ cũng như toàn thể tín đồ Phật giáo mãi in đậm hình  bóng Ngài trong suốt quãng đời hóa đạo lợi tha của Ngài! ! Giờ đây Kim Quan Ngài còn hiện thế; nhưng con tin rằng Giác linh của Ngài tự tại nơi cõi Lạc Bang.

                                                                        Ngưỡng mong giác linh Ngài chứng tri

                                                                                    T.N.Diệu Quang

35-Nam mô Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

Ngưỡng bạch giác linh Hòa thượng.

Chúng con Tăng, Ni, Phật tử thuộc các tự viện: Phật Bảo Tự Washington D.C. Như lai Thiền Tự, Như Lai Thiền Viện San Diego, Chùa Liên Hoa Olympia, và Tịnh xá Minh Đăng Quang thành phố Spokane tiểu bang Washington đồng nhất tâm nhất niệm kính bái Hòa thượng với tất cả lòng biết ơn và thương quí. Dù biết tứ đại bổn không, ngũ uẩn vô chủ, pháp tánh của chư tôn giả thường trụ trong pháp thể Thường Tịch Quang của mười phương ba đời chư Phật. Chúng con vẫn không ngăn được dòng lệ nghẹn ngào khi hay tin Hòa thượng vội xả báo thân trong khi đạo pháp và dân tộc đang trông cậy nơi tài đức và hạnh nguyện cao cả của Ngài.

                                    Nam mô Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo.

                                                                                    Kính bái,

                                                                        Tỳ kheo Minh Tuyên

36-Cao đăng Phật Quốc

                                                                                    Ven.Dr.Thích Ân Huệ

37-Nam mô A Di Đà Phật.

Ngưỡng bạch giác linh Hòa thượng Chánh Văn Phòng H. Đ. Đ.D.Thích Đức Niệm. Với tâm thành, gia đình chúng con nguyện xin Hòa thượng trọn vẹn an lạc trong ánh hào quang của chư Phật và tiếp nối bước chân hoằng pháp của Ngài trong tinh thần Đại từ đại bi của đức A Di Đà.

                                    Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

                                                                        Tâm Bảo Nguyễn Trọng Nho

                                                                        Hằng Minh Phạm Vân Bằng cùng gia đình

38-Nhất tâm đảnh lễ cầu nguyện Giác linh Hòa thượng thể chứng nhị nghiêm, hồi nhập Ta Bà, phân thân hóa độ.

                                                                        Chùa Diệu Pháp& Tu Viện Bảo Pháp

                                                                        Thích Viên Lý khể thủ

39-Nam mô tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật.

Nhất tâm nguyện cầu chư Phật tiếp dẫn Giác linh Hòa thượng- thượng Đức Hạ Niệm cao đăng Phật quốc.

                                                                        Phổ Đà Tự, trọng xuân Quý mùi.

                                                                        Thích Hành Đạo

40-Nam mô A Di Đà Phật.

Tổ đình Đông Hưng Việt Nam và VA.Beach, VA, chúng con thành kính đảnh lễ Giác Linh Hòa thượng Viện Trưởng Phật Học Viện Quốc Tế. Hoài niệm ân sư.

            Cõi Ta bà vắng bóng đấng từ ân,

            Nơi Tịnh độ hóa sanh trang thượng thiện.

                                                                                    Thành kính đảnh lễ

                                                                                    Đệ tử Thích Thông Kinh

41-Nam mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Tứ Thế húy Thượng Nguyên hạ Công hiệu Thiền Đức tự Đức Niệm chi giác linh. Nguyện Tam bảo trợ lực Giác linh cố Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

                                                                                    Toàn Tăng tín đồ Viên Thông tự

                                                                                    Tỳ kheo Thích Thông Niệm

42-Nam Mô A Di Đà Phật.

Toàn thể Tăng ni Phật tử chùa Quan Âm Orange County, Garden Grove thành kính phân ưu cùng GHPGVNTNHN và môn đồ pháp quyến. Nguyện cầu Giác linh HT Thích Đức Niệm cao đăng Phật quốc hoàn đáo Ta bà hoằng pháp lợi sanh.

                                    Nam mô A  Di Đà Phật.

                                                                                    Kính bút,

                                                                                    T. Đạo Quang

43-Nam mô A Di Đà Phật.

Toàn thể Phật tử chùa Hương Tích Los Angeles thành kính phân ưu cùng môn đồ pháp quyến và Ban tổ chức tang lễ cố Hòa thượng Thích Đức Niệm Phật Học Viện Quốc Tế.

                                                                                    Chùa Hương Tích

                                                                                    H.T.Thích Thiện Viên

44-Chư nam nữ Phật tử chùa Trúc Lâm Yên Tử Santa Ana kính nguyện cầu cố giác linh HT Thích Đức Niệm cao đăng Phật quốc.

                                                                                    Chùa Trúc Lâm Yên Tử

                                                                                    Thích Minh Nguyện

45-Kính Giác linh cố Hòa thượng thượng Đức hạ Niệm:

            Vô thường thị thường.

                                                                                    Chùa Hương Tích (Santa Ana)

                                                                                    Thích Nhật Minh

46-Chúng con toàn thể Tăng sinh Trung tâm Văn Hóa Phật Giáo Liễu Quán tại San Jose đồng thành kính cầu nguyện Giác linh Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

Thích Pháp Chơn, Thích Ngộ Định, Thích Tịnh Mãn, Thích Quảng Phước, Thích Phổ Tín

47-Chúng con chư tăng chùa Pháp Hoa vô cùng kính thương Giác linh Hòa thượng thượng Đức hạ Niệm. Kính nguyện Giác linh Ngài cao đăng Phật quốc.

                                                                        Tỳ kheo Thích Phước Sung

48-Chúng con tăng chúng và chư Phật tử chùa Phổ Hiền thành phố Monterey Park, Cali thành kính nguyện cầu Giác linh Hòa thượng Viện Trưởng Phật Học Viện quốc Tế cao đăng Phật quốc.

                                                Nam Mô A Di Đà Phật

                                                                                    Tỳ kheo Thích Duy Tín

49-Nam Mô A Di Đà Phật.

            Hóa thân dĩ mãn,

            Lạc quốc hoa khai,

            Pháp tánh Thường quang,

            Chơn linh bất diệt,

            Trụ Ta bà, nhi hóa đạo,

            Hồi tịnh độ biển vô sanh.

Nguyện cầu Giác linh Hòa thượng thượng Đức hạ Niệm cao đăng Phật quốc.

                                                                                    Kính bái,

                                                                        Hương Nghiêm tự,

                                                                        Thích nữ Huệ Thiện

50-Nam Mô Tiếp Dẫn đạo Sư A Di Đà Phật.

Thành kính đảnh lễ Giác linh Hòa thượng cao đăng Phật quốc, hồi nhập Ta bà, hóa độ chúng sanh, đồng thành chánh giác.

                                                                        Tăng tín đồ Phật tử chùa Phật Đà,

                                                                        Tu Viện Pháp Vương

                                                                        Tỳ kheo Thích Nguyên Siêu

51-Kỉnh đệ lên cố Hòa thượng nỗi lòng thương tiếc đau xót của đệ tử.

                                                                        Cựu Trung Tướng Tôn Thất Đính

52-“Hiện hóa Sa bà duyên ký tất,

Vãng sanh Cực Lạc ngự liên hoa”

Thành kính tưởng niệm Giác linh Hòa thượng thượng Đức hạ Niệm cao đăng Phật quốc.

                        Chùa Quán Thế Âm Việt Nam Orang County chùa Quảng Đức San Jose,

                                                                                                Tỳ kheo Thích Giác Nguyên

53-Nam Mô A Di Đà Phật.

Chí Năng và Ni Sư Viên Thanh, Viên Quang cùng toàn thể Phật tử chùa Vạn Hạnh thành phố Albuquerque bang New Mexico kính lễ dâng hương cúng dường Giác linh Hòa thượng thượng Đức hạ Niệm, Viện Trưởng Phật Học Viện Quốc Tế tại Hoa Kỳ, Chánh Văn Phòng GHPGVNTN tại Mỹ. Duy nguyện pháp thân biến khắp mười phương cõi gia hộ chúng con tu hành viên mãn noi gương thầy tổ viên thành Phật sự.

                                    Nam mô Chứng Minh Sư Bồ Tát.

                                                                                                Thành tâm kính lễ,

                                                                        Chí Năng, Viên Thanh, Viên Quang

Và toàn thể tín đồ Phật tử chùa Vạn Hạnh NM 

54-Chúng con cùng Phật tử chùa Kim Quang và Phật tử chùa Từ Hiếu Buffalo, New York cung kính đảnh lễ cầu nguyện cố Đại Lão Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

                                                                                                Kính lễ,

                                                                        TM chùa Kim Quang Sacto, CA

                                                                        TM chùa Từ Hiếu Buffalo, NY

                                                                        Tỳ kheo Thích Thiện Duyên

55-Nam Mô A Di Đà Phật.

Đại diện Tăng chúng Tịnh Luật Tư, Texas và Tường Quang tự Santa Ana chí thành đảnh lễ Hòa thượng, và nguyện noi gương Hòa thượng tinh tấn tu hành, phổ độ chúng sanh.

                                                                        Tỳ kheo Thích Pháp Quang

                                                                        Tỳ kheo Thích Pháp Chánh,

                                                                        Ni sư Thích Nữ Chúc Phước

56-Cao đăng Phật Quốc

                                                                                    Ven.Zaw Ti Ka

                                                                        430 S. Euclid St.Santa Ana, CA 92704.

57-Đại diện Hòa thượng Thích Chơn Điền toạ chủ chùa Quan Âm Houston, Texas; Thượng tọa Thích Nguyên Hạnh viện chủ chùa Việt Nam Houston, Texas xin kính nguyện Giác linh Hòa thượng thượng Nguyên hạ Công tự Đức Niệm cao đăng Phật quốc.

                                                                        Kính thay mặt

                                                            Thích Giải Ngộ, Thích Giải Minh

58-Về đây cung tiễn Giác linh,

Thong dong giác lộ bình minh Ngài về…

Con xin kính nguyện Giác linh Hòa thượng cao đăng Phật quốc, hồi nhập Ta bà, độ tận chúng sinh, mãn bồ đề nguyện. Cũng xin chia xẻ cùng GH và toàn thể môn đồ Pháp quyến.

                                    Nam mô Thường Tịch Quang tịnh độ A Di Đà Như Lai.

                                                                                                Khể thủ,

                                                                                    Tỳ kheo Thích Nhật Trí

59-Thay Mặt HĐĐH-GHPGVNTNHN-Canada.

Bạch Giác linh Hòa thượng.

Cúi đầu đảnh lễ Giác linh Hòa thượng.

            Con, Thiện Tâm hôm nay về hầu bên linh quan Hòa thượng để lắng lòng thổn thức những kỷ niệm mà con có phúc duyên được hạnh ngộ bên Hòa thượng trong những ngày Hòa thượng còn hiện tiền. Thật là một mất mát lớn lao trong con khi hay tin Ngài đã đi về cõi Phật. Hình dung lại những ngày Hòa thượng còn sanh tiền, những công hạnh của Ngài quả là tấm gương sáng chói cho hàng lậu học như chúng con, từ thân, khẩu và ý giáo. Đặc biệt là sự dấn thân đứng ra thành lập GHPGVNTN trong bối cảnh hết sức khó khăn lúc bấy giờ, nhưng ngài đã chấp nhận mọi thử thách chỉ mong sao cho giáo hội quê nhà được sớm thoát khỏi pháp nạn và tăng ni Phật tử hải ngoại còn có hướng quay về. Công việc còn dang dở mà ngài đã lâm trọng bệnh để rồi tấm lòng hoài vọng của ngài vẫn mong mỏi ở đàn hậu học vẫn còn nặng ở tấm lòng ngài cho đến giờ phút ra đi. Tuy vẫn biết “ khứ lai như thị” nhưng một gnôi sao bắc đẩu đã lặn ở trời tây cũng làm cho chúng con một mối ưu tu và tiếc nuối không nhỏ.

                                                                                                Kính bái,

                                                                                                Thiện Tâm

60-Kính lạy Giác linh Hòa thượng.

Con Tỳ kheo ni cúi đầu đảnh lễ Giác linh Hòa thượng, Con hôm nay về trước kim quan thành kính đảnh lễ tiễn đưa ngài về Tây Phương.

                                    Con Tỳ kheo Nguyên Thanh Viện chủ Chùa An Lạc, San Jose

61-Con thành kính đảnh lễ và cầu nguyện Giác linh Hòa thượng thượng Đức hạ Niệm thượng phẩm thượng sanh, cao đăng Phật quốc.

                                                                                    Tỳ kheo Thích Thông Đạt

                                                                        chùa Đại Phật Như Lai tại San Jose, Hoa Kỳ

62-Nam Mô A Di Đà Phật.

Con thành kính đảnh lễ Giác linh Hòa thượng thượng Đức hạ Niệm.

Giác linh thực chứng Bồ đề,

Thân tâm tự tại Thầy về Lạc Bang.

                                                                                                Kính lễ thầy,

                                                                                                Sakya Trí Huệ,

                                                                        Trung Tâm Vạn Hạnh, Virginia, Hoa Kỳ

63-Kính nguyện hồng ân Tam bảo hằng gia hộ Giác linh cố Hòa thượng Thích Đức Niệm sớm siêu thăng Phật quốc.

                                                                                                Kính niệm,

                                                                                                T.K. Thiện Dũng

64-Thành kính phân ưu cùng quý Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt Hải Ngoại và thành tâm nguyện cầu Giác linh cố Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

                                                                                                GS Nguyễn Thành Long,

                                                            Phó Hội trưởng BTSTU Hải Ngoại Giáo Hội PGHH

                                                                                                GS Nguyễn Thanh Giàu,

                                                Phụ tá Hội Trưởng BTSTU Hải Ngoại Giáo Hội PGHH

65-Nguyện oai lực tam Bảo tiếp độ Giác linh Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

                                                                                                Con,

                                                                                    Thích Huyền Việt

66-Thân xác hẹp mà hồn trùm vũ trụ,

Trái tim đau nhưng thương cả loài ngưòi,

Trên văn đàn cặm cụi mãi không rơi,

Ném chua xót phổ truyền hoa chơn lý.

Thành kính tiễn Giác linh Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

                                                                                                Con,

                                                                                    Sa Môn Giác Sĩ

                                                                                    Tịnh Xá Giác Lý

67-Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

Con thành tâm cầu nguyện Giác linh Hòa thượng Viện chủ cao đăng Phật quốc.

                                                                                    Phần hương khể thủ,

                                                                        Tỳ kheo Tâm Phước-Viên Minh

                                                                        Chùa Quốc Thanh, San Jose, CA

68-Kính bái Giác Linh Hòa Thượng.

            Trời North Hills mây buốn giăng mắc,

            Phật Học Viện Quốc Tế đượm màu tang,

            Phật sự chưa thành thầy vĩnh biệt ra đi,

            Đàn hậu bối chúng con không còn ai dìu dắt.

Hình ảnh từ hòa của Hòa thượng làm sao chúng con quên được, đức hạnh của ngài là ngọn đuốc soi rọi chúng con

            Gót cỏ còn vương, dáng từ thường tại.

Lòng thương tiếc không nguôi, chúng con kính đôi dòng lưu bút, cầu giác linh Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

                                                                                                Kính bái,

            Đại diện chư Tăng Ni Phật tử chùa Phổ đà và Tu Viện Phổ Đà sơn tại Ottawa

                                                                                    Tỳ kheo Thích Bổn Đạt

69-Thành kính phân ưu

            Chánh Trị Sự Hà Vũ Băng đầu phòng văn Châu Đạo California Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh

                                                                                    Du Miên, Hà Vũ Băng

70-Thành kính phân ưu cùng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thông Nhất Hải Ngoại, quý vị Hòa thượng, Tăng Ni Phật tử Việt Nam. Nguyện cầu hương hồn Hòa thượng tiêu diêu miền Cực Lạc.

                                                                                    Luật sư Phạm Văn Phổ,

                                    Chủ Tịch Cộng Đồng Công Giáo VN miền Tây Nam Hoa Kỳ

71-Thành kính phân ưu cùng với Viện Phật Học Quốc Tế, quý Tăng Ni nơi đây. Cầu nguyện cho thầy được về cõi A Di Đà, siêu thoát vĩnh cữu.

                                                                                    Lisa Lan Doan và Đức Năng Vũ

72-Chúng con thành kính nguyện cầu Giác linh Hòa thượng Thích Đức Niệm sớm vãng sanh về miền Phật quốc.

                                                                                                            Ái Cầm, Thái Tú Hạp

                                                                                                Tuần Báo Sài gòn times

73-Kính cẩn tiễn đưa Hòa thượng cao đăng Phật quốc. Con luôn ghi nhớ mãi lời giáo huấn của Hòa thượng và xin y giáo phụng hành

                                                                                                Môn đồ Nguyên Tánh

74-Thành kính đảnh lễ Giác linh cố Hòa thượng và cầu nguyện Ngài cao đăng Phật quốc.

                                                                                                Hội Cư Sĩ Orange County

                                                                                                            Nguyên Lượng

75-Kính bạch Giác linh thầy, lúc thầy còn tại thế con không đủ túc duyên đến đảnh lễ thầy- Điều nầy con rất tiếc.

                                                                                                            Kính bái,

                                                                                                            Ngọc Ẩn

75-Thành kính tiễn đưa Giác linh Hòa thượng, nguyện cầu Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

                                                            Niệm Phật Đường Duyên Giác& Liễu Quán TV

                                                                                                Tỳ kheo Thích Nhật Huệ

76-thành kính tiễn đưa Giác linh Hòa thượng , nguyện cầu Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

                                                                        Phái đoàn Tổng Hội Cư Sĩ và Chùa Bát Nhã

77-Thành kính tiễn đưa giác linh Hòa thượng, nguyện cầu Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

                                                                                                            Gia đình Phạm

78-Thành kính nguyện cầu cho  Giác linh Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

                                                                                                            Mật Nghiêm

79-Chúng con toàn thể gia đình họ Phạm-Đào thành kính phân ưu. Nguyện cầu cho Giác linh Hòa thượng được cao đăng Phật quốc.

                                                                                    B.S Phạm Nguyên Lương

                                                                                    Bích Ty & các con

80-Chúng con toàn thể gia đình họ Lê Nguyễn nguyện cầu cho giác linh Hòa thượng được cao đăng Phật quốc.

                                                                        Gia đình Lê Nguyễn pd Thanh Bảo

81-Chúng con thành kính phân ưu. Nguyện cầu giác linh Hòa thượng được cao đăng Phật quốc.

                                                                        Gia đình  họ Đinh Phan

82-Gia đình chúng con là Đặng Ngoan thành thật phân ưu và cầu nguyện giác linh thầy được cao đăng Phật quốc.

                                                                        Gia đình Diệu Tràng

83-Xin thành kính phân ưu và cầu nguyện cho Giác Linh Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

                                                Nam Mô A Di Đà Phật

                                                            Chơn Minh, Diệu Nghĩa, Diệu Khai, Diệu Trúc

84-Chúng con thành kính cầu mong Hòa thượng sớm được cao đăng Phật quốc.

                                                            Gia đình Nguyễn Phương Minh và Lê Thúy Bàn

85-Gia đình chúng con cầu chúc giác linh Hòa thượng cao đăng Phật quốc, trở lại Ta bà phổ độ chúng sinh.

                                                                                    Gia đình Trần Thế Minh

86-Chúng con thành kính chúc Hòa thượng sớm được cao đăng Phật quốc.

                                                                        Nguyễn Tuấn dật-Nguyễn Thị Giang

87-Chúng con nguyện cầu thầy sớm phiêu diêu miền Cực Lạc.

                                                                        Gia đình Phạm Đăng Cơ

88- Chúng con thành kính cầu nguyện thầy sớm phiêu diêu nơi miền Cực Lạc.

                                                                        Gia đình Hà Văn Tại

89-Nam mô A Di Đà Phật

Chúng con thành kính cầu nguyện pháp linh của thầy sớm cao đăng Phật quốc.

                                                                        GĐ. Trần V .Dự

90-cầu nguyện Hòa thượng sớm được cao thăng mười cõi Phật.

                                                                        Gia đình Nguyễn Đình Phước

91-Con xin được đưa tiễn Thầy về nơi miền Cực Lạc, niết bàn.

                                                                        Michelle Nguyễn

92-Thành tâm kính viếng: Hoa khai kiến Phật.

                                                            Ban Điều Hành Chùa Dược Sư

                                                Ban Giáo Viên Hội Phụ Huynh Học Sinh và

                                    Liên Đoàn gia đình Phật tử Chánh Pháp chùa Dược Sư.

93-Cầu chúc Hòa thượng sớm diêu sanh Phật quốc.

                                                                        Gia đình Lý Đãi

94-Gia đình con xin chia buồn với nhà chùa, các Thầy và Sư cô. Gia đình rất buồn đã mất một Thầy quý mến.

                                                                        Hang Carroll

95-Con xin đại diện gia đình chia buồn cùng Môn đồ Pháp quyến, cầu xin Giác linh Hòa thượng được cao đăng Phật quốc.

                                                                        Phước Minh

96-Thành kính đảnh lễ Giác linh cố Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

                                                                        Cư sĩ Tâm Huệ ( Hòa Thái)

97-Con là con trai của ông Châu Kim Đính, con xin đại diện gia đình chia buồn cùng Môn đồ Pháp quyến. Kính nguyện Giác linh thầy Thích Đức Niệm cao đăng Phật quốc.

                                                                        Châu Quang Nghiêm

98-Ngưỡng nguyện Giác linh Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

                                                                        Vụ GĐPT/GHPGVNTNHN/HK

99-Cảm niệm công đức của Hòa thượng trong việc hoằng dương Chánh Pháp ở Hải Ngoại. Giao Điểm nguyện theo bước chân Ngài.

                                    Phái đoàn Giao Điểm Foudation và Tạp Chí Giao Điểm.

                        Nguyên Hiển Trần Tiễn Huyến- Hồng Quang- Phan Mạnh Lương

            Hướng Tuệ Trần Quý Nhu-Nguyễn Kha-Đỗ Hữu Tài -Nguyễn Văn Hóa-Lê Bá Khiếu-Vũ Hữu Đệ-Nguyễn Hữu Hùng

100-Thành kính phân ưu

                                                            Cụ bà Đỗ Mậu và toàn thể gia đình

101-Thành kính phân ưu.

                                                                        Ông bà Nguyễn Tri Phương

102-Nguyện cầu Sư phụ cao đăng Phật quốc.

                                                                        Nguyễn Thị Kim Chi

                                                                        Pd. Ngân Ngọc

103-Con xin kính chúc Hòa thượng sớm siêu đăng Phật quốc.

                                                                                    Chơn Tịnh Tâm

104-Con xin kính chúc Hòa thượng Thích Đức Niệm sớm được siêu thoát về miền Cực Lạc.

                                                                                    Diệu Phương

105-Kính báo biệt ân sư. Mong thầy sớm hoàn lai ta bà phổ độ chúng sanh.

                                                Diệu Ngọc, Quảng Huệ, Quảng Tâm ( Lý Mỹ Hương)

106-Một tin mà lòng buồn, và cảm thấy mất mát trong tâm tư.

                                                                        Lý Kim, Trần Hữu Thời

107-Thành kính phân ưu.

                                                                                    Thiện Sĩ

108-Thanh Quang và gia đình chia buồn

109-Thành kính phân ưu

                                                                        B.S.Sam Huỳnh và gia đình

110- Thành kính phân ưu.

                                                Đệ tử Minh Hạnh, Diệu Hoa, Minh Quang và Nhật Huy

111-Kính cầu nguyện Hòa thượng siêu thăng miền Cực Lạc.

                                                                        Đệ tử thành kính, Chơn Đức

112-Chúng con kính chúc Giác linh Hòa thượng sớm phiêu diêu miền Cực Lạc.

                                                                        Gia đình Nguyễn Thanh Quang- Thùy Linh

113-Chúng con thành kính cầu nguyện Hòa thượng Chưởng môn cao đăng Phật quốc.

                                                Diệu Hường, Tâm Duyên, Minh Quang, Nghiêm Hằng

114-Ngưỡng nguyện Giác linh Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

                                                                                    Đồng kính bái niệm

                                    Phái đoàn Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN tại Hoa Kỳ,

                        Phái đoàn Ban Hướng Dẫn miền Quảng Đức và các đơn vị trực thuộc,

Phái đoàn Ái Hữu Vĩnh Nghiêm,

                                    Phái đoàn Trung Tâm Tu Học Thích Quảng Đức

                                    Phái đoàn Đoàn Cựu Huynh Trưởng Giác Hoàng,

                                    Phái đoàn Cựu Huynh Trưởng Truyền Thống Orange County

115-Cầu nguyện Giác linh Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

                                                Phật tử chùa Từ Ân, Ottawa, Canada

116-Cầu nguyện bổn sư vãng sanh Cực Lạc.

                                                Nam mô A Đi Đà Phật.

                                                                                                Đệ tử Diệu Minh

117-Vô cùng kính tiếc Hòa  thượng đã viên tịch.

                                                                        Nguyễn Thị Duật pd.Diệu Thiện

118-Vô cùng thương tiếc Hòa thượng Thích Đức Niệm.

                                                                                                Diệu Giá

119-Vô cùng thương tiếc Hòa thượng.

                                                                        Đỗ Ngọc Bích (CSV VĐH Vạn Hạnh)

120-Vô cùng thương tiếc Hòa thượng nguyện cầu Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

                                                                        Lâm Thị Anh Tranh

121-Vô cùng thương tiếc.

                                    Thân Trọng Nhân & Yến(Hội Ái Hữu CSVVĐH Vạn Hạnh)

122-Biết nói gì đây, thương tiếc Thầy. Nguyện cầu Thầy sớm được siêu thăng nơi Cực Lạc.

                                                                        Thanh Lê &Diệu Văn (Ái Hữu Vạn Hạnh)

123-Vô cùng thương tiếc Hòa thượng , nhất tâm đê đầu đảnh lễ nguyện cầu Giác linh Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

            Thành kính phân ưu,Gia quyến Đỗ Thị Viên pd, Diệu Hạnh, Bùi Minh Trang pd.Phước Hằng

124-Thành kính phân ưu.

                                                                        Phái đoàn Phật tử chùa Quang Minh

                                                Minh Thành, Diệu Phước, Tánh Thiện, Diệu Thanh

125-Gia đình con cám ơn tất cả những gì Thầy đã dạy cho các con trong suốt 22 năm nay. Gia đình con kính chúc Thầy sớm về với Phật.

            Gia đình Bảo Hòa & Kim Thanh các cháu Thảo Vi, Quý Long và Diệu Hiền

126-Nguyện cầu từ phụ A Di Đà tiếp dẫn Hòa thượng Thích Đức Niệm vãng sanh Cực Lạc.

            Quảng Nguyệt & Nguyên Tâm và tất cả Phật tử chùa Viên Thông Long Beach.

127-Thành tâm cầu nguyện Hòa thượng Đức Niệm vãng sanh Cực Lạc quốc.

                                                                                                Kính thương tiếc,

                                                                                    Hồ Hương Lộc pd.Nguyên Minh

128-Thành tâm cầu Hòa thượng Thích Đức Niệm được siêu thăng về miền Phật quốc.

                                                                        Trương Tú Nga pd.Diệu Hạnh, Đỗ Minh

129-Các con thành tâm cầu nguyện Hòa thượng được cao đăng Phật quốc.

                                                Nam mô A Di Đà Phật

                                                                        Phật tử Thanh Hữu, Thanh Dung

130-Con từ Texas nghe tin buồn ghé thăm Ngài. Cầu Thập Phương chư Phật tiếp dẫn Ngài vãng sanh Cực Lạc quốc.

                                                Nam mô A Di Đà Phật

                                                                        Thanh Quang Ngũ Quang Thái

131-Thành tâm cầu nguyện Hòa thượng Thích Đức Niệm sớm về cõi Phật.

                                                                                    Thành tâm khấn nguyện,

                                                                        Gia đình Trần Larry& Trần Kimberly

132-Vô cùng tiếc thương vị  Hòa thượng đầy ân hậu với Phật tử, dày công tu học, uyên bác Phật Pháp đã vội rời chúng sinh về cõi Phật. Nguyện cầu Phật tổ độ trì cho cố Hòa thượng Thích Đức Niệm được sớm siêu thoát cao đăng Phật quốc.

                                                                        Gia đình Lê Khắc Lý pd.Như Tâm

133-Nguyện cầu chư Phật mười phương độ trì cho giác linh thầy đạt thành ý nguyện, sớm cao đăng Phật quốc.

                                                                        Nguyễn  Thanh Huy pd. Quảng Trà

134-Vô cùng tiếc thương và xin chân thành khấn nguyện.

                                                                        Gia đình Christina Nguyễn

135-Vô cùng thương tiếc và kính mến Thầy đã giúp Phật tử chúng con.

                                                                        Gia đình Mai Thanh Hồng

136-Thương tiếc Thầy, người đỡ đầu cho việc xây dựng chùa Tam Bảo, Fresno.

                                                                        Phật tử Đỗ H. Dụng và gia đình, San Diego

137-Chân thành thương tiếc.

                                                                        Gia đình Đỗ Hữu Chí

138-Thương tiếc Thầy và cầu mong giác linh Thầy sớm về cõi Phật

                                                                        Gia đình Đỗ Hữu Tâm

139-Cầu mong giác linh Thầy về cõi Phật.

                                                                        Đệ tử Đỗ Thị Lệ Hằng

140-Cầu mong Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn giác linh Thầy về cõi Phật.

                                                                        Đệ tử Minh Chánh và gia đình

141-Đệ tử đã theo gót chân Thầy Đức Niệm hơn hai mươi năm nay, từ khi mà ngôi Phật Học Viện Quốc Tế còn rất sơ khai chỉ có luống rau, luống khoai sinh sống để thờ Phật. Thầy ơi nay Thầy đã về nước Phật. Nhớ câu “Nhất đán vô thường vạn sự không” mà Thầy thường nói, thường nêu lên; bây giờ Thầy về với Phật rồi, con đứng trước cửa chùa này mà lòng bâng khuâng quá, vái bốn phương Trời mơ màng thấy bóng Thầy đang lẫn với từng mây. Thầy ơi! Thật là siêu thoát. Nhớ mãi lời Thầy nói như báo trước khi con hỏi: Thưa Thầy: Chùa làm sắp xong rồi thì còn gì nữa đây?

Thầy trả lời: Chùa xong rồi thì tôi cũng xong.

Bây giờ thì…xong thật.

                                                                                    Vương Nguyên

142-Gia đình chúng con: Thanh Chánh & Diệu Tiến cùng Phước, Đức, Thủy, Vũ, Thảo, Ekky vô cùng thương tiếc, chúng con thành tâm cầu nguyện. Sư phụ được cao đăng Phật quốc. Chúng con Phước, Đức, Thủy, Vũ, Thảo, sẽ ráng học hành thật giỏi và thực hành theo những lời của Sư phụ đã dạy bảo tụi con để khỏi phụ lòng Sư phụ giáo huấn thương yêu.

                                                Nam mô A Di Đà Phật

                                                                                                Con,

                                                                                    Thủy ( Diệu Lưu)

                                                                                                Kính bái

143-Chúng con Thắng Tín, Thanh Hoàng, Thúy, Thanh Hiền kính bái.

144-Chúng con Đạt Vũ, Lan, Thanh kính bái.

145-Chúng con Tram Nguyen và các con dâu , rễ cháu kính bái

146-Chúng con Diệu Thảo và gia đình xin thành tâm khấn nguyện kính bái.

147-Thành kính nguyện cầu Giác linh Thầy cao đăng Phật quốc.

                                                                                                Kính bái,

                                                                                    Chúng con Tâm Hợp và gia đình

148-Thành kính nguyện cầu Sư phụ cao đăng Phật quốc.

                                                Nam mô A Di Đà Phật

                                                                        Chúng con, Minh Kiến và gia đình

149-Chúng con thành kính nguyện cầu Hòa thượng Thích Đức Niệm vãng sanh Cực Lạc.

                                                                                                Ái Cầm-Thái Tú Hạp

                                                                                                Saigon Times

150-Thành kính nguyện cầu Hòa thượng Thích Đức Niệm vãng sanh Cực Lạc.

                                                                        Bà Đỗ Thị Khang-cháu Đỗ Doãn Vũ

                                                                        Ông bà Trần Đăng Khôi, Đỗ Thược

151-Chúng con thành tâm nguyện cầu Hòa thượng vãng sanh An Lạc quốc.

                                                                        Đệ tử Diệu Hiếu Chicago

                                                                                                Kính bái,

152-Chúng con Phước Tâm và Diệu Sương, Minh Định thành kính nguyện cầu Thầy vãng sanh Cực Lạc.

                                                                        Lê Văn Bằng, Trịnh Thanh Mai và các con

153-Chúng con thành kính phân ưu.

                                                                        Liên Đoàn Phật tử VN tại Hoa Kỳ

                                                ( Liên Đoàn Huynh Trưởng Truyền Thống GĐPT/VN)

154- Chúng con nguyện cầu giác linh Sư ông cao đăng Phật quốc.

                                                                        phái đoàn chùa “Phổ Đà”Santa Ana

155-Chúng con Ban bảo Trợ và gia đình Phật tử Phổ Quang ( Utah) xin thành tâm cầu nguyện giác linh Hòa thượng Thích Đức Niệm vãng sanh Cực Lạc quốc.

                                                                        Đại diện Minh Nghĩa Phan Văn Tề

156-Chúng con đê đầu đảng lễ,nguyện cầu Giác linh Hòa thượng Thích Đức Niệm vãng sanh Cực Lạc quốc.

                                                                        Đỗ Thị Ngọc Diệp pd.Phúc Cần

157-Chúng con nhóm Phật tử Sacramenti thành kính đê đầu đảnh lễ giác linh Hòa thượng. Nguyện Hòa thượng nhẹ gót về cõi Tây Phương Cực Lạc. Nguyện chúng con hết đời nầy được tái ngộ Hòa thượng ở Cực Lạc quốc.

                                                Nam mô A Di Đà Phật.

                                                                                                            Kính bái,

                                                                                                Nhật Long Bình

158-Cung kính đê đầu đảnh lễ thành tâm cầu nguyện Giác linh Hòa thượng Thích Đức Niệm vãng sanh miền Cực Lạc.

                        Gia đình Nhật Hạnh (Võ Đình Tấn) và Nhật Anh (Lương Thị Minh Trâm)

159-Thành tâm cầu nguyện Thầy Đức Niệm vãng sanh về thế giới Cực Lạc A Di Đà Phật.

                                                            Gia đình Tâm Hạnh ( Huỳnh Hớn Vinh )

160-Chúng con nguyện cầu giác linh Hòa thượng Thích Đức Niệm vãng sanh Cực Lạc.

                                                            Gia đình Hoa Si Nguyen Ri

161-Chúng con nguyện cầu giác linh Hòa thượng Thích Đức Niệm hoạch đắc vô sanh pháp nhẫn, chứng nhập niết bàn.

                                                Nam mô A Di Đà Phật.

                                                            Gia đình Nguyên Phương và Liêu Toàn

162-Chúng con thành tâm cầu nguyện Hòa thượng Thích Đức Niệm vãng sanh thế giới Cực Lạc A Di Đà Phật.

                                                            Gia đình Nguyên Nga

163-Kính xin đê đầu đảnh lễ và thành tâm cầu nguyện Hòa thượng Thích Đức Niệm cao đăng Phật quốc.

                        Ban hướng dẫn GĐPT miền Liễu Quán, GĐPT Vạn Hạnh-Stockton

164-Kính xin đê đầu đảnh lễ giác linh cố Hòa thượng. Ngưỡng nguyện chư Phật mười phương tiếp dẫn cố Hòa thượng vãng sanh Cực Lạc quốc.

                                                            Gia đình Phật tử ở Minnesota:

                                                Tâm Đạo, Diệu Trung, Diệu Liên, Đức Minh, Đức Trí

165-Lạy Phật cầu gia hộ giác linh của Thầy mau siêu thoát về cõi Phật.

                                                            Lê Tặng Sanh và gia đình

166-Kính lễ bái Tôn sư.

                                                                        Phật tử Nguyễn Đức Viên.

                                                            Trung tâm Liễu Quán Thừa Thiên Huế

167-Gia đình chúng con đến tiễn đưa linh cữu cố Hòa thượng đến nơi an nghĩ.

                                                Tâm Hướng, Tâm Tịnh, Diệu Thủy từ Chicago,Illinois

168-Được tin trễ Thầy đã viên tịch. Nay đệ tử cầu nguyện Thầy được về cõi đức A Di Đà như mong muốn.

                                                Phật tử Trần Quang Thiệt pd.Minh Quang

169-Kính chúc Hòa thượng Thích Đức Niệm sớm được siêu thoát về miền Cực Lạc.

                                                Gia đình Diệp Thị Hoài pd.Diệu Phương

170-Nguyện ngã lâm dục mạng chung thời

Tận trừ nhứt thiết chư chướng ngại

Diện kiến bỉ Phật A Di Đà

Tức đắc vãnh sanh An Lạc quốc.

                                                                                                Kính bái,

                                                                                    Bồ Tát Giới Tâm Diệu

            Đại Lễ Cung Tiễn Kim Quan và Trà Tỳ Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm

                                    Nguyễn Trung Tín-Nhật Báo Người Việt ngày 30-3-2003

            North Hills: Hơn 250 Tăng-Ni từ khắp nơi trên thế giới như : Úc Châu, Âu Châu, Canada, Đài Loan và khắp các Tiểu bang của Hoa Kỳ đã vân tập về Phật Học Viện Quốc Tế thành phố North Hills thuộc Quận hạt Los Angeles, tiểu bang California để tham dự Đại lễ Cung Tiễn Kim Quan và Trà Tỳ Nhục Thân Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm, Nguyên Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ, Văn Phòng 2 Viện Hóa Đạo vào lúc 8 giờ 30 phút sáng ngày thứ bảy 29 tháng 3 năm 2003.

            Suốt dọc 3 con đường bao bọc Phật Học Viện Quốc Tế đã không còn một chỗ đâu xe. Cảnh sát phải phong tỏa hoàn toàn con đường chính mang tên Columbus đi vào nơi đây từ lúc 8:45. Nhiều người phải đậu xe rất xa để đi bộ vào.

            Trong Chánh điện của Phật Học Viện Quốc Tế chỉ có một số rất ít Cư sĩ và khoảng 15 huynh trưởng Gia Đình Phật tử. Phần đông còn lại phải đứng trong lều phía ngoài.

            Ngay giữa bàn thờ Phật là Kim Quan của Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm được phủ khăn vàng và hoa tươi màu vàng, phía trước là di ảnh và Y-Bát của Ngài. Chung quang tường chánh điện là hàng trăm vòng hoa, liễn đối ( không kể phía ngoài lều vải cũng quá nhiều hoa tươi và liễn đối).Khoảng 25 vị Tăng – Ni là Môn Đồ và Pháp Quyến của Cố Hòa Thượng quỳ ngay hàng trước Kim Quan. Dọc theo hai bên tường là Chư Tôn Giáo Phẩm từ các nơi xa về.

            Trong hàng  ghế Chứng Minh chúng tôi nhận thấy có : Hòa Thượng Thích Mãn Giác: Hội Chủ Tổng Hội PGVN tại Hoa Kỳ. Hòa Thượng Thích Hộ Giác: Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Hải Ngoại, Văn Phòng 2 Viện Hóa Đạo. Hòa Thượng Thích Thuyền Ấn Nguyên Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp Viện Hóa Đạo GHPGVNTN. Hòa Thượng Thích Giác Nhiên: Pháp Chủ GHPG Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam. Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh ( từ Đài Loan).

            Ngoài ra Hòa Thượng Thích Tâm Châu Thượng Thủ GHPGVN Trên Thế Giới cũng là vị Chứng Minh trong tang lễ nhưng vì Phật sự quan trọng tại nơi khác nên đã không có mặt được. Nhưng trong lễ Nhập Kim Quan ( 23-3-2003 HT cũng đã đến tham dự và đã ở lại chia xẻ với quý Môn Đồ Pháp Quyến gần trọn ngày).

            Ngoài Hòa Thượng Thích Hộ Giác là Trưởng Ban Tổ Chức Tang Lễ còn có khoảng 12 vị Hòa Thượng khác trong chức vụ Phó Trưởng Ban và một hệ thống gồm 18 tiểu ban phụ trách lên đến hơn 70 vị Tăng Ni cùng Cư sĩ.

            Riêng tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ như: Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN tại Hoa kỳ, BHĐ Miền Quảng Đức, Hội Ái Hữu Vĩnh Nghiêm, các Đoàn Cựu Huynh Trưởng, Đại diện hầu hết các đơn vị GĐPT vùng Nam Cali, các huynh trưởng cao niên đều có mặt từ rất sớm sắp thành 4 hàng dài trước sân chùa. Tất cả đã đến tham dự với y phục đại lễ của GĐPT với số lượng lên tới hơn 100  người không kể một số anh em khác có nhiệm vụ giúp ban tổ chức hướng dẫn xe, người từ bên ngoài đường của Phật Học Viện Quốc Tế với cảnh sát LAPD.

            Khoảng 500 đồng hương Phật tử chiếm trong căn lều cùng Tăng xá bên phải Chánh điện hướng về nơi đặt Kim Quan của Hòa Thượng vì không thể nào bước vào bên trong được. Sau  khi Thượng tọa Thích Tín Nghĩa và Thượng tọa Thích Nguyên Siêu giới thiệu Chư Tôn Đức tham dự, Hòa Thượng Thích Hộ Giác trong tư cách Trưởng Ban Tổ Chức Tang Lễ đã đọc diễn văn tán thán công đức của cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm mà trong đó nổi bật nhất là sự nghiệp đào tạo Tăng Ni cũng như soạn dịch Kinh sách Phật giáo.

            Tiếp theo sau, Hòa Thượng Thích Thắng Hoan đã tuyên đọc tiểu sử Hòa Thượng Thích Đức Niệm. Trong đó đã nhắc đến quảng đời tu học của Hòa Thượng cùng với rất nhiều tên những tác phẩm Phật Học và những Tập san mà Hòa Thượng Thích Đức Niệm đã biên soạn hay chủ trì.( Chúng tôi đã có đăng nguyên văn bản tiểu sử này vào các số báo trước).

            Hòa Thượng Thích Mãn Giác: Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ dầu rất yếu cũng đã xúc động nói về những giây phút sau cùng khi Ngài đến thăm Hòa Thượng Đức Niệm cách đây không lâu trong khi Hòa Thượng Đức Niệm đang lâm trọng bệnh. Nhưng theo Hòa Thượng Mãn Giác,thì dầu vậy Hòa Thượng Đức Niệm vẫn canh cánh âu lo cho tiền đồ của Phật Giáo nhất là vấn đề đào tạo Tăng-Ni hậu bối. Tiếp theo lời Hòa Thượng Mãn Giác, Hòa Thượng Thích Giác Nhiên ( Pháp Chủ GH Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới) cũng đã lên máy vi âm đọc lời từ biệt. Theo Hòa Thượng Giác Nhiên thì Ngài là một vị giảng sư lỗi lạc hiếm có của Phật Giáo Việt Nam mà tôi ( Hòa Thượng Giác Nhiên) đã có dịp biết được.

            Cuối cùng vì không đủ thì giờ để từng vị lên đọc lời từ biệt theo chương trình dự trù nên hai vị Thượng Tọa xướng ngôn phải cáo lỗi trong đó chúng tôi nghe nhắc đến tên của nhiều vị gởi điếu văn từ xa về như Thượng Tọa Thích Quảng Ba, Thích Bảo Lạc, Cựu Trung Tướng Tôn Thất Đính .v..v…Hòa Thượng Thích Trí Chơn đã trích đọc một số điện văn từ các nơi khắp thế giới gởi về phân ưu trong đó có cả điện thư của Hòa Thượng Thích Huyền Quang ( thay mặt Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN. Xử lý Viện Tăng Thống) Hòa Thượng Thích Đổng Minh và Hòa Thượng Thích Chí Tín (Đại diện Phật Tử ngôi chùa Sắc Tứ Cổ Tự tại Nha Trang- Việt Nam. Phụ trách Ban phiên dịch “ Pháp Tạng Phật Giáo VN).Các điện văn của nhiều Giáo hội tại nhiều Tiểu Bang  trên Hoa Kỳ. Ngoài ra chúng tôi cũng nghe được nhiều điện thư của các đoàn thể, tôn giáo bạn. Được biết có hơn 300 vòng hoa, trướng liễn điếu niệm.

            Tiếp theo sau tất cả gần 30 vị đệ tử xuất gia mang khăn tang vàng cùng quỳ xuống hướng lòng về kim quan của ân sư của mình để nghe Đại Đức Thích Minh Chí đại diện môn đồ và pháp quyến đọc bài ai niệm.

            Sau đó toàn thể Chư Tăng Ni thuộc VP II Viện Hóa Đạo cùng đứng lên để nghe Thượng Tọa Thích Tín Nghĩa tuyên đọc Điếu văn của Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ.

            Với sự thương mến của Hòa Thượng Thích Đức Niệm lúc sanh tiền đối với tố chức Gia Đình Phật Tử nên Ban Tang Lễ đã dành một đặc ân thật quan trọng cho tổ chức có hàng chục ngàn đoàn viên này. Đó là nghi lễ gắn nơ tang cho Đại Kỳ Sen Trắng của Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hải Ngoại do 5 anh chị đại diện rước vào trước Kim Quan của cố Hòa Thượng.

            Hòa Thượng Thích Hộ Giác Trưởng Ban Tang Lễ đã gắn băng tang vàng lên Đại Kỳ Hoa Sen Trắng của GĐPT tại Hoa Kỳ tượng trưng sự chịu tang của mấy chục ngàn đoàn viện GĐPT trên khắp thế giới.

            Hòa Thượng Thích Minh Tâm ( Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN tại Âu Châu đã tuyên đọc “ Lời Từ Biệt” của Hòa Thượng Thích Đức Niệm viết ngày 10 tháng 1 năm 2003 trong khi Hòa Thượng biết sức khỏe mình đã quá yếu. Trong lá thư từ biệt này Hòa Thượng đã nhấn mạnh đến 3 điều quan trọng.

            1/Đối với Chư Tôn Đức lãnh đạo các Giáo Hội tại hải ngoại. Tôi thành tâm cầu nguyện Tam Bảo gi ahộ cho quý Ngài thân tâm thường an lạc, Phật sự viện thành, tiếp tục nỗ lực giúp đưa Phật giáo trong nước vượt thoát cơn pháp nạn hiện nay để góp phần xây dựng đất nước được tự do, thịnh vượng.

            2/Đối với Huynh Đệ Tăng Ni, tôi thiết tha kêu goi quý vị phát huy sơ tâm xuất gia, lấy giới luật làm đầu cố hàn gắn những rạn  nứt do bất đồng quan điểm để luôn sống trong Lục Hòa để xứng đáng là rường cột của Phật Giáo VN ở hải ngoại trong tương lai.

            3/Đối với Phật tử, cầu nguyện tất cả quý vị tâm Bồ Đề không thối chuyển, tinh tấn một đời tu hành, một đời làm việc thiện và tích  cực giáo hóa gia đình sống theo chánh pháp.

            Và trước khi chấm dứt bản di chúc ngắn gọn Hòa Thượng đã cảm tạ Chư Tăng Ni , Phật tử đã tích cực giúp Hòa Thượng trong khi hoằng pháp đồng thời Ngài cũng ngỏ lời xin lỗi nếu có những gì bất ý như ý với mọi người.

            Trong bản văn từ biệt ngắn Hòa Thượng đã không đề cập gì đến bản thân cũng như tất cả sự nghiệp riêng của mình.

            Trước khi Hòa Thượng Thích Mãn Giác chủ tọa lễ “ Triệt Linh Sàng” để đưa đến địa điểm trà tỳ, Giáo sư Bùi Ngọc Đường đã thay mặt ban Tang lễ cùng môn đồ pháp quyến đọc lời cảm tạ của ban tổ chức.

            Sau lễ Triệt Linh Sàng, Kim Quan Hòa Thượng Thích Đức Niệm đã được di chuyển trên một đoạn đường ngắn trước cổng chùa giữa hàng trăm Tăng Ni Phật tử, GĐPT, Đại diện các Hội đoàn và Tôn giáo trước khi chuyển Kim Quan lên xe tang để di chuyển đến phòng thiêu của nghĩa trang Forest Lawn Memorial Park thuộc thành phố Glendale.

            Theo cảnh sát hộ tống đoàn xe thì đã có hơn 150 xe theo Kim Quan của Hòa Thượng Thích Đức Niệm đến nghĩa trang Forest Lawn để dự lễ trà tỳ.

            Mặc dù sân chùa Phật Học Viện Quốc Tế không đủ chỗ cho số lượng người quá đông nhưng tất cả người tham dự đã tỏ ra rất tự giác nên buổi lễ không hề bị một xáo trộn nhỏ nào.

            Với vị trí quan trọng cũng như lòng thương mến của Chư Tăng Ni và Phật Tử bên Ban Tang Lễ  đã lưu giữ nhục thân Hòa Thượng đến gần 7 ngày. Không kể hôm 23-3-2003 là lễ nhập Kim Quan có sự hiện  diện của cả ba vị Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu, Thích Mãn Giác, Thích Hộ Giác đều được cung thỉnh đứng vai Chứng minh và Chủ sám cùng hàng trăm Tăng Ni Phật Tử.

            Riêng đêm Tưởng Niệm thứ sáu 28 tháng 3 cũng đã có hàng trăm chư Tôn Giáo Phẩm và đồng bào Phật tử đến tham dự và kéo dài từ 8 giờ đến hơn 11 giờ đêm mới giải tán, trong đó mọi người đã thân tình kể cho nhau nghe về những kỷ niệm vui buốn trong cuộc đời hành đạo với  vị cao tăng này.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/01/2022(Xem: 7435)
Dân tộc Việt Nam học và hành theo giáo lý Phật thuyết trên dưới hai nghìn năm trước khi Pháp sư Huyền Trang quy Phật cũng trên sáu thế kỷ, tuy vậy cho đến nay chúng đệ tử Phật, xuất gia cũng như tại gia, biết đến công hạnh của Ngài rất ít, và cũng biết rất ít di sản Kinh Luận của Ngài cho Phật tử Việt nam học và hiểu giáo pháp của Đức Thế Tôn một cách chân chính để hành trì chân chính. Bản dịch Đại Đường Tây vực ký của Hòa Thượng Như Điển với sự đóng góp của Cư sĩ Nguyễn Minh Tiến bổ túc cho sự thiếu sót này. Từ những hiểu biết để thán phục, kính ngưỡng một Con Người vĩ đại, hãn hữu, trong lịch sử văn minh tiến bộ của nhân loại, một vị Cao Tăng thạc đức, với nghị lực phi thường, tín tâm bất hoại nơi giáo lý giải thoát, một thân đơn độc quyết vượt qua sa mạc nóng cháy mênh mông để tìm đến tận nguồn suối Thánh ngôn rồi thỉnh về cho dân tộc mình cùng thừa hưởng nguồn pháp lạc. Không chỉ cho dân tộc mình mà cho tất cả những ai mong cầu giải thoát chân chính.
04/01/2022(Xem: 8358)
Không hiểu sao mỗi khi nhớ về những sự kiện của năm 1963 lòng con bổng chùng lại, bồi hồi xúc động về quá khứ những năm đen tối xảy đến gia đình con và một niềm cảm xúc khó tả dâng lên...nhất là với giọng đọc của Thầy khi trình bày sơ lược tiểu sử Đức Ngài HT Thích Trí Quang ( một sưu tầm tài liệu tuyệt vời của Giảng Sư dựa trên “ Trí Quang tự truyện “ đã được đọc tại chùa Pháp Bảo ngày 12/11/2019 nhân buổi lễ tưởng niệm sự ra đi của bậc đại danh tăng HT Thích Trí Quang và khi online cho đến nay đã có hơn 45000 lượt xem). Và trước khi trình pháp lại những gì đã đươc nghe và đi sâu vào chi tiết bài giới thiệu Bộ Pháp Ảnh Lục cùng lời cáo bạch của chính Đức Ngài HT Thích Trí Quang về bộ sách này, kính trich đoạn vài dòng trong tiểu sử sơ lược của HT Thích Trí Quang do Thầy soạn thảo mà con tâm đắc nhất về;
04/01/2022(Xem: 7129)
Trên đất nước ta, rừng núi nào cũng có cọp, nhưng không phải vô cớ mà đâu đâu cũng truyền tụng CỌP KHÁNH HÒA, MA BÌNH THUẬN. Tỉnh Bình Thuận có nhiều ma hay không thì không rõ, nhưng tại tỉnh Khánh Hòa, xưa kia cọp rất nhiều. Điều đó, người xưa, nay đều có ghi chép lại. Trong sách Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí (1) của Thượng Thư Bộ Binh Lê Quang Định soạn xong vào năm 1806 và dâng lên vua Gia Long (1802-1820), tổng cộng 10 quyển chép tay, trong đó quyển II, III và IV có tên là Phần Dịch Lộ, chép phần đường trạm, đường chính từ Kinh đô Huế đến các dinh trấn, gồm cả đường bộ lẫn đường thủy. Đoạn đường ghi chép về ĐƯỜNG TRẠM DINH BÌNH HÒA (2) phải qua 11 trạm dịch với đoạn đường bộ đo được 71.506 tầm (gần 132 km)
04/01/2022(Xem: 6016)
Ngoài tên “thường gọi” là Cọp, là Hổ, tiếng Hán Việt là Dần, cọp còn có tên là Khái, là Kễnh, Ba Cụt (cọp ba chân), Ba Ngoe (cọp ba móng), Ông Chằng hay Ông Kẹ, Ông Dài, Ông Thầy (cọp thành tinh). Dựa vào tiếng gầm của cọp, cọp còn có tên gọi là Hầm, là Hùm, dựa vào sắc màu của da là Gấm, là Mun ... Ở Nam Bộ cò gọi cọp là Ông Cả, vì sợ cọp quấy phá, lập miếu thờ, tôn cọp lên hàng Hương Cả là chức cao nhất trong Ban Hội Tề của làng xã Nam Bộ thời xưa. Cọp cũng được con người gọi lệch đi là Ông Ba Mươi. Con số ba mươi này có nhiều cách giải thích: - Cọp sống trung bình trong khoảng ba mươi năm. - Cọp đi ba mươi bước là quên hết mọi thù oán. - Xưa, triều đình đặt giải, ai giết được cọp thì được thưởng ba mươi đồng, một món tiền thưởng khá lớn hồi đó. - Tuy nhiên, cũng có thời, ai bắt, giết cọp phải bị phạt ba mươi roi, vì cho rằng cọp là tướng nhà Trời, sao dám xúc phạm (?). Ngày nay, cọp là loài vật quý hiếm, có trong sách Đỏ, ai giết, bắt loài thú này không những bị phạt tiền mà còn ở
30/12/2021(Xem: 6958)
Tối ngày 11/02 âm lịch (03/03/2012), vào lúc 10 giờ tối, lúc đó tôi niệm Phật ở dưới hai cái thất mà phía trên là phòng của Sư Ông. Khi khóa lễ vừa xong, bỗng nghe (thấy) tiếng của đầu gậy dọng xuống nền phát ra từ phòng của Sư Ông. Lúc đó tôi vội vàng chạy lên, vừa thấy tôi, Ông liền bảo: “Lấy cái đồng hồ để lên đầu giường cho Sư Ông và lấy cái bảng có bài Kệ Niệm Phật xuống” (trong phòng Sư Ông có treo cái bảng bài Kệ Niệm Phật). Khi lấy xuống Sư Ông liền chỉ vào hai câu: Niệm lực được tương tục, đúng nghĩa chấp trì danh, rồi Sư Ông liền chỉ vào mình mà ra hiệu, ý Sư Ông nói đã được đến đây, sau khi ngồi hồi lâu Sư Ông lên giường nghỉ tiếp.
25/12/2021(Xem: 5266)
Cảo San đường Tuệ Nguyên Đại Tông sư (고산당 혜원대종사, 杲山堂 慧元大宗師) sinh ngày 8 tháng 12 năm 1933 tại huyện Ulju, Ulsan, một thành phố nằm ở phía đông nam Hàn Quốc, giáp với biển Nhật Bản. Ngài vốn sinh trưởng trong tộc phả danh gia vọng tộc, phụ thân Họ Ngô (해주오씨, 海州吳氏), Haeju, Bắc Triều Tiên và tộc phả của mẫu thân họ Park (밀양박씨, 密陽朴氏), Miryang, Gyeongsangnam-do, Hàn Quốc. Năm lên 7 tuổi, Ngài được sự giáo huấn của người cha kính yêu tuyệt vời, cụ đã dạy các bộ sách Luận ngữ, Mạnh Tử, Thích Độ, Đại Học, Tứ Thư và học trường tiểu học phổ thông. Vào tháng 3 năm Ất Dậu (1945), khi được 13 tuổi, Bồ đề tâm khai phát để làm tiền đề cho Bát Nhã đơm bông, Ngài đảnh lễ Đại Thiền sư Đông San Tuệ Nhật (동산혜일대선사, 東山慧日大禪師, 1890-1965) cầu xin xuất gia tu học Phật pháp. Thật là “Đàm hoa nhất hiện” khi những sợi tóc não phiền rơi rụng theo từng nhát kéo đong đưa. Tháng 3 năm 1948, Ngài được Hòa thượng Bản sư truyền thụ giới Sa di tại Tổ đình Phạm Ngư Tự (범어사, 梵魚寺), Geumjeong-gu, Busan, Hàn Qu
23/12/2021(Xem: 3954)
Chánh Điện của một ngôi Chùa tại xứ Đức, cách đây hơn 40 năm về trước; nơi có ghi hai câu đối: "Viên thành đạo nghiệp Tây Âu quốc. Giác ngộ chúng sanh đạo lý truyền", bây giờ lại được trang hoàng thật trang nghiêm và rực rỡ với các loại hoa. Đặc biệt nhất vẫn là những chậu cây Trạng Nguyên nhỏ to đủ kiểu, nổi bật nhất vẫn là những chiếc lá đỏ phía trên phủ lên những chiếc lá xanh bên dưới. Ai đã có ý tưởng mang những cây Nhất Phẩm Hồng, có nguồn gốc ở miền Nam Mexico và Trung Mỹ vào đây? Và theo phong thủy, loại cây này mang đến sự thành công, đỗ đạt và may mắn.
10/12/2021(Xem: 8466)
Bản dịch này cũng đã đăng tải trong các số báo đặc san Pháp Bảo, từ số 2, tháng 5 năm 1982 và còn tiếp tục đăng tải cho đến nay. Loạt bài đăng trong báo sẽ được chấm dứt trong vài kỳ báo nữa, vì các phần sau tuy cần thiết đối với người muốn nghiên cứu, nhưng lại trở nên khô khan với người ít quan tâm tới sử liệu Phật Giáo. Đó là lý do quý vị chỉ tìm thấy bản dịch được đầy đủ chỉ có trong sách này. Trong khi dịch tác phẩm, cũng như trong khoảng thời gian còn tòng học tại Nhật Bản, chúng tôi tự nghĩ: không hiểu sao Phật giáo đã du nhập vảo Việt Nam từ thế kỷ thứ 2, thứ 3 mà mãi cho tới nay vẫn chưa có được những cuốn sách ghi đầy đủ các chi tiết như bộ “Các tông phái Phật Giáo Nhật Bản” mà quý vị đang có trong tay. Điều mong mỏi của chúng tôi là Phật Giáo Việt Nam trong tương lai cố sao tránh bớt vấp phải những thiếu sót tư liệu như trong quá khứ dài hơn 1500 năm lịch sử truyền thừa! Để có thể thực hiện được điều này, cần đòi hỏi giới Tăng Già phải đi tiên phong trong việc trước t
09/12/2021(Xem: 22754)
Cách đây vài ngày đọc trên một tờ báo tại Sydney , khi nói về chủng thể Omicron vừa phát tán và lây lan do xuất phát từ các nước Nam Phi , tôi chợt mỉm cười khi đọc được câu này " Chúng ta đã học từ nạn đại dịch một điều rằng : Đừng nên hy vọng một điều gì , vì chắc chắn điều mình hy vọng ấy sẽ chỉ là THẤT VỌNG " If there’s one thing COVID has taught us , it is to expect nothing, except disappointment . What it comes to that COVID really delivers
08/12/2021(Xem: 4600)
Già San Đường Trí Quán Đại Tông Sư, vị đại học giả, vị Luật sư, Thiền sư nổi tiếng, vị Tổng vụ trưởng xuất sắc trong việc quản lý các vấn đề hành chính Phật giáo. Ngài được ca tụng lảu thông Tam tạng giáo điển, lý sự viên dung. Già San Đường Trí Quán Đại Tông Sư (가산당 지관대종사, 伽山堂 智冠大宗師, 1932-2012) tục danh Lý Hải Bằng (이해붕, 李海鵬), theo tộc phả tên Chung Bằng (종붕, 鍾鵬), Tổng vụ Viện trưởng Thiền phái Tào Khê đời thứ 32, Phật giáo Hàn Quốc, hiệu Già Sơn đường Trí Quán Đại tông sư (가산당지관대종사, 伽山堂智冠大宗師), sinh ngày 14/6/1932 (05/11/Nhâm Thân), nguyên quán làng Cheonghae-myeon, huyện Gyeongju, tỉnh Gyeongsangbuk-do, Đại Hàn. Phụ thân của Ngài là cụ ông Lý Khuê Bạch (이규백, 李圭白) và Hiền mẫu của Ngài là cụ bà Kim Tiên Y (김선이, 金先伊). Gia đình truyền thống Phật giáo lâu đời, kính tin Tam bảo.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]