Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Một Số Tư Tưởng Phật Giáo Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa

25/06/202004:55(Xem: 4415)
Một Số Tư Tưởng Phật Giáo Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa


phat thien dinh

MỘT SỐ TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO

TRONG TAM QUỐC DIỄN NGHĨA

 

Thích Hạnh Phẩm

 

 

Lời thưa của người viếtThầy tôi là Giáo Thọ về môn Lịch Sử Phật Giáo và Cổ Đại Hán Ngữ   trường Cao- Trung Phật Học Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu. Thầy có trí nhớ rất tốt, ngoài lĩnh vực chuyên môn thì hầu như “bỏ túi” nhiều bộ tiểu thuyết Lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc như Đông Chu Liệt Quốc, Hán Sở Tranh Hùng, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử .v.v…Và đây là những viên kẹo tinh thần mà Thầy tôi thường thưởng cho huynh đệ chúng tôi trong lúc làm việc. Tưởng chừng những câu chuyện đó đã trôi vào dĩ vãng theo những năm tháng đầy biến động của cuộc đời, nhưng thật kỳ diệu tất cả dường như đều được sắp xếp lại gọn gàng trong ký ức của tôi như những món quà tâm linh và cùng lớn dần với dòng đời. Thời gian qua, thế giới đang oằn mình giữa cơn đại dịch Covid-19. Cảm nhận bản thân nhỏ nhoi hẩm hiu của chính mình giống như cánh bèo trôi trên mặt nước giữa cơn sóng vô thường, nên tôi cứ tập sống an vui và xem đây cũng như những biến động tất yếu của cõi đời. Ngoài những thời tụng kinh góp phần cầu nguyện cho dịch bệnh mau tận tiêu trừ, đây là khoảng thời gian bản thân được nghỉ ngơi sau nhiều năm làm việc, tôi như được trở về tuổi thơ hành Điệu, bên mái chùa quê, bên cạnh Thầy và huynh đệ. Bài viết này cũng được ra đời trong tâm cảnh đó, nếu có được chút duyên lành nào, con nguyện xin được cúng dường các bậc Ân Sư đã hy sinh suốt cả cuộc đời để cho những mầm xanh của Đạo Pháp được đâm chồi.

 

A-   TỔNG QUAN:

 

Triều đình nhà Hán có hai triều đại: Tiền Hán và Hậu Hán. Tiền Hán do Lưu Bang sáng lập năm 202 TTL[i], Hán vương Lưu Bang chính thức lên ngôi Hoàng đế, tức là Hán Cao Tổ (niên biểu triều Hán ghi năm đầu là năm 206 TT), khi Lưu Bang xưng là Hán vương). Hán Cao Tổ đóng đô ở Lạc Dương, sau lại dời về Trường An (nay là Tây An, Thiểm Tây). Từ đó, suốt 210 năm, đô thành của nhà Hán đều ở Trường An. Lịch sử gọi thời kỳ này là Tây Hán hay Tiền Hán (202 TTL - 08 STL).[ii] Hậu Hán do Hán Quang Vũ Đế đã có công bình định, thống nhất lại Trung Quốc sau thời gian dài loạn lạc, chiến tranh. Hán Quang Vũ Đế đóng đô ở Lạc Dương. Để phân biệt với triều Hán do Lưu Bang sáng lập đóng đô ở Trường An gọi là Tây Hán, lịch sử gọi vương triều này là Đông Hán hoặc Hậu Hán (25- 220)[iii].

Hán Hiến Đế là vị Hoàng đế cuối cùng của triều đại lừng danh Hán triều, Ông lên ngôi khi nhà Hán đã suy yếu trầm trọng. Ông liên tiếp bị Đổng TrácLý ThôiQuách Dĩ và Tào Tháo khống chế, dùng làm bù nhìn để thực thi quyền lực của bản thân họ. Hán triều kết thúc vào năm 220[iv].Đây như khởi điểm cho thời kỳ Tam Quốc[v]. Gồm có: 1) Ngụy do Tào Phi soán ngôi từ Hán Hiến Đế năm 220 và kết thúc vào năm 265 khi Tào Hoán bị Tư Mã Viêm truất phế. 2) Nhà Thục hay còn gọi Thục Hán do Lưu Bị có ý khôi phục triều đình nhà Hán từ năm 220 kết thúc vào năm 263 do Lưu Thiền đầu hàng Tào Ngụy, đến đây xem như triều đình nhà Hán sụp đổ hoàn toàn. 3) Đông Ngô do Tôn Quyền khai sáng vào năm 220 và kết thúc 280 do Tôn Hạo đầu hàng nhà Tấn. Đây cũng là năm được xem kết thúc thời đại Tam Quốc.

Tam Quốc Diễn Nghĩa[vi]tên đầy đủ là Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa, là một tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung[vii] viết vào thế kỷ XIV. Tác phẩm này được liệt vào Tứ Đại Kỳ Thư[viii] - Bốn kiệt tác văn học cổ đại Trung Quốc - Tam Quốc Diễn Nghĩa đã làm say mê hàng triệu đọc giả trên thế giới. Tuy điểm chính diễn tả bối cảnh trong giai đoạn của thời kỳ hỗn loạn Tam Quốc Ngụy - Thục - Ngô (220280) của Trung Quốc thời bấy giờ nhưng có lẽ nỗi niềm chính của tác giả muốn thay thế mong ước của người dân là cần có một bậc Minh Quân để kinh bang tế thế, đem đến hòa bình thạnh trị cho đất nước. Tam Quốc Diễn Nghĩa như một viên ngọc lấp lánh trong bầu trời Văn học và tùy theo sở học, hoàn cảnh mà mỗi đọc giả có chiều hướng cảm nhận tư duy và hiểu ở nhiều góc cạnh khác nhau. Trên đại thể Tam Quốc Diễn Nghĩa luôn đề cao lòng trung cang nghĩa khí, ca ngợi những đức tính hòa hiếu, cao cả cho đời, phê phán hôn quân, gian thần và nhất là gần như có một sự nuối tiếc về một triều đại huy hoàng đã diệt vong. Đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa ta thấy tác giả thật là một thiên tài, bao gồm ở nhiều phương diện khác nhau. Dù ở phương diện nào cũng đưa lên cái đỉnh điểm của tuyệt học: binh pháp, bốc dịch, phong thủy, tôn giáo… mỗi cái đều mang những sắc thái đặc biệt.

Phật Giáo được bắt đầu ở Trung Quốc như được khởi điểm từ câu chuyện nằm mộng thấy người vàng có hào quang của Hán Minh Đế. Sau khi nằm mộng,Vua kể lại cho quần thần nghe nhưng không ai hiểu được, nhân lúc đó có Thái y Phó Nghị dâng lời tâu người vàng đó là Phật ở Thiên Trúc. Hán Minh Đế lệnh cho hai đại thần là Thái Âm và Thái Cảnh chịu trách nhiệm lo việc này. Năm 67 (Đinh Mão - Phật Lịch 611)[ix], niên hiệu Vĩnh Bình thứ 10 đời Hán Minh Đế, hai quan Thái Âm và Thái Cảnh thỉnh được hai Ngài Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan, dùng ngựa trắng chở một tượng Phật và Kinh 42 Chương từ Tây Vực về Lạc Dương. Năm 68 (Bính Thìn - PL612), Hán Minh Đế hạ lệnh xây chùa Bạch Mã ở phía tây thành Lạc Dương. Phật Giáo Trung Quốc như được hình thành[x].

Học thuyết Lão Trang và  Khổng Mạnh đóng một vai trò vô cùng quan trọng, chi phối gần như toàn bộ đời sống văn hóa tư tưởng triết học của toàn bộ các triều đình nhà Hán đến Tam Quốc. Bên cạnh đó còn có vô số những tập tục, hủ tục…tác giả cũng đề cập như những phản ánh về nội tâm, văn hóa ứng xử của con người thời bấy giờ.Đặc biệt học thuyết Lão Trang được giới bình dân bấy giờ hưởng ứng tôn trọng một cách mạnh mẽ.Thế nhưng tư tưởng cao siêu đầy tính nhân bản của Lão Trang nhanh chóng bị biến tướng do những thành phần tham cầu danh lợi. Cụ thể từ triều đình Tiền Hán - Hậu Hán đều có những ảnh hưởng tệ hại này.Các quan nịnh bợ vua bằng những phương thuốc trường sinh bất lão, nhưng linh dược công hiệu như thuốc tiên.Điều tệ hại là tất cả những chiêu bài này đa phần đều núp dưới hình bóng của Lão Trang.

Chính vì thế, ngay từ khi du nhập vào Trung quốc, Phật Giáo cũng bị những Đạo sĩ tham danh lợi này ganh tỵ, hiềm khích. Một cuộc so tài phân định cao thấp vào ngày rằm tháng giêng năm Tân Mùi (Năm 71 - PL 615), đạo sĩ Đỗ Thiện Tín cùng với hơn 600 đạo sĩ dâng sớ lên vua để đốt kinh Phật Giáo và Đạo Giáo nhằm phân định sự hơn thua của đôi bên. Vua Hán Minh Đế đồng ý, có quần thần và đông đảo dân chúng chứng kiến.Rốt cuộc kinh sách của Đạo Giáo bị thiêu rụi.Từ đó càng khẳng định uy tín và đức độ tài năng của hai Ngài Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan[xi].Sự kiện này không phải trong thời Tam Quốc nhưng cũng có thể nói lên những tư tưởng biến thái của Lão Giáo là những người có thế lực trong triều đình.

Một chặng đường gần hai thế kỷ từ khi du nhập đến thời Tam Quốc.Phật giáo tuy có bị nhiều thế lực ngăn cản[xii] nhưng từng bước hòa nhập vào xã hội.

Trong thời Tam Quốc có rất nhiều vị Cao Tăng đến để hoằng pháp, xây chùa, phiên dịch... Năm 222 Ngài Đàm-ma-ca-la (Dharma-Kala), người Ấn Độ. Năm 223 Ngài Trúc Luật Viêm, Ngài Chi Khiêm… Tương truyền rằng vào năm Xích Ô (238-251), mẹ của Ngô Tôn Quyền phá bỏ nhà riêng mà xây thành chùa Thông Huyền tại Bắc Thành, tỉnh Giang Tô.[xiii] Trong giai đoạn này có một sự kiện nổi bật, theo nhiều tài liệu lịch sử thì Thiền Sư Khương Tăng Hội từ Việt Nam tới Kiến Nghiệp kinh đô nước Ngô năm 247, nghĩa là năm thứ 10 của niên hiệu Xích Ô[xiv], Ngài được Ngô Tôn Quyền giúp xây dựng trung tâm hoằng pháp Kiến Sơ (nay là Giang Tô), tổ chức giới đàn, và độ người xuất gia. Đây là lần đầu tiên tại Trung Quốc người bản xứ được phép xuất gia để thành sa môn. Chính vì thế Phật Giáo đã có những ảnh hưởng nhất định đến xứ sở này.Đặc biệt là vua quan và giai cấp hào tộc thời này[xv].Trong bài viết này, xin được đề cập đến vài tư tưởng về Phật giáo mà đã được tác giả thể hiện qua tác phẩm. Tuy nhiên, ở đây cũng mang ý kiến chủ quan của người viết, vì hiện tại cũng chưa tìm được những y cứ xác chứng cụ thể đế chứng minh tác giả La Quán Trung đã có từng nghiên cứu hay tu học Phật pháp trong lúc còn sinh tiền. Kính mong chư vị Thiện tri thức chỉ giáo.

 

B-    NỘI DUNG:

 

1-     Cái Chết của Vu Thần Tiên - Thần Thông không qua nghiệp lực[xvi]:

 

Khi nói đến thần thông đa phần ai cũng nghĩ đến một năng lực siêu nhiên, vượt khỏi khả năng của một con người bình thường.Trong Phật giáo, điều quan trọng nhất là sự chứng đắc, lậu tận tất cả những phiền não kiết sử, giải thoát hệ lụy sanh tử chứ không phải thần thông. Dù thần thông là năng lực tất yếu đi theo sự chứng đắc. Chính vì thế, thần thông không được đức Thích Tôn khuyến khích đệ tử Ngài dùng đến với nhiều lý do khác nhau. Tùy theo sự tu tập mà cấp độ thần thông cũng có sự khác biệt. Chứng đắc a-la-hán có lục thông. Các vị Tu tiên như những vị Thầy của Thái Tử Tất-đạt-đa lúc chưa thành chánh giác vẫn có được ngũ thông[xvii].

Vu Cát trong Tam Quốc Diễn Nghĩa được tôn xưng là một vị tu hành có nhiều năng lực phi thường, được nhiều người tôn trọng, từ những người bình thường dân dã, cho đến những quan lại triều đình, đến độ Ông được nhiều người tôn xưng là Vu Thần Tiên. Trong một buổi họp mặt với bá quan văn võ, Tôn Sách thấy nhiều người lãng đi, không tập trung vào chính sự, và lát sau lại thấy nhốn nháo hẳn lên.Tôn Sách bèn đến xem thấy các quan xúm lại để nhìn Vu Cát với thái độ rất tôn kính.Sách nổi giận, sai người bắt Vu Cát đến để hạch hỏi và cho đó là hạng người mê hoặc quần chúng.Sách bèn ra lệnh giết đi, quần thần xúm lại van xin để tha Cát nhưng Sách nhất định không nghe.Có người thưa với Sách rằng Cát có những năng lực phi thường có thể hô phong hoán vũ, cầu đảo mưa hạn. Nhân lúc ấy Giang Đông đang hạn hán nên nhờ Vu Cát cầu mưa, nếu  như cầu được thì tha, nếu cầu không được thì chém cũng chưa muộn. Sách đồng ý, lập đàn cho Cát cầu mưa. Cát nhìn lên trời mà than rằng: “Ta vì tình thương mà giúp đỡ dân chúng cầu mưa, ta sẽ làm cho mưa nhiều cho dân chúng nhờ nhưng chắc chắn ta không thể nào thoát khỏi cái chết”. Quả thật như vậy, trời đang nắng hạn lâu ngày, nhưng ngay sau khi Cát cầu mưa thi một trận mưa to trút xuống, mọi người đều mừng rỡ vô cùng. Họ mừng vì được thoát khỏi cơn hạn hán, và mừng Vu Cát sẽ không bị hành hình. Thế nhưng Vu Cát vẫn bị Sách sai quân lính đem đi chém đầu ngay sau đó.

Đọc đến đây, ắt hẳn có nhiều người sẽ thắc mắc rằng: Tại sao Vu Cát có những phép cao siêu như vậy mà không thể thoát được Tôn Sách chém đầu. Ở đây, chúng ta tạm thời không đi sâu vào những góc khuất của chính trị, của toan tính hơn thua cạnh tranh khốc liệt chốn vương triều mà chỉ nhìn ở góc độ của Nghiệp[xviii] thì đây cũng là một dạng Dị Thục Nghiệp.Vu Cát có thần thông nhưng chưa phải là một vị đã lậu tận hết nghiệp lực, vì vậy không thể nào tránh khỏi định nghiệp của chính mình. Và chúng ta còn có biết đâu trong vòng luân hồi của nhân quả, Vu Cát và Tôn Sách có những oán thù sâu nặng mà đời này quả ấy đã chín mùi nên Vu Cát phải trả nghiệp như thế. Phật cũng đã dạy những điều tương tự trong kinh điển từ Nguyên Thủy đến Đại Thừa, nghiệp lực đóng một vài trò vô cùng then chốt trong đời sống của con người.Nếu năng lực tu hành chưa đủ thì dù có thần thông trốn ở đâu cũng không thể thoát được.Trong Phật Giáo hình ảnh của Ngài Mục Kiền Liên cũng là một minh chứng cho vấn đề thần thông không qua nghiệp lực.Dù rằng được xem như là thần thông đệ nhất trong hàng Thập Đại Đệ Tử của Đức Thế Tôn nhưng vẫn trả cho nghiệp cũ. Có nhiều lý giải cho rằng sự viên tịch của Ngài Mục Kiền Liên chỉ la sự thị hiện, nhưng dù ở phương diện nào cũng là một sự cảnh tỉnh cho hàng đệ tử Phật không được đặt thần thông vào việcthen chốt của sự tu hành. Để khẳng định điều này Đức Thế Tôn đã dạy trong kinh Pháp Cú kệ thứ 127:

Không trên trời, giữa biển,

Không lánh vào động núi,

Không chỗ nào trên đời,

Trốn được quả ác nghiệt.”

 

2-     Tích Lũy Nghiệp- Cận Tử nghiệp:

 

Trong Bộ Kỳ Thư này, La Quán Trung đưa ra nhiều nhân vật quan trọng thời bấy giờ nhưng đều chịu sự tác động của Cận Tử nghiệp một cách đáng sợ. Những trường hợp của Tôn Sách, Tào Tháo, Hạ Hầu Đôn … đều có những biểu hiện cận tử nghiệp tương tợ nhau, trước khi chết đều thấy những người bị họ sát hại về đòi mạng. Cụ thể sau khi Tôn Sách ra lệnh giết Vu Cát thì không lâu thì Sách cũng lâm trọng bệnh mà chết, trước khi chết ông nhìn thấy chỗ nào cũng có Vu Cát về hăm dọa, đòi giết ông.

Như chủ động sắp xếp của tác giả, Tào Tháo một vai phản diện vô cùng đặc sắc. Đoạn kết của Tào Tháo không bi tráng như Quan Công nhưng cũng đã nói lên được hết tình chất của một con người như Tào suốt cả cuộc đơi toàn làm chuyện ác. Việc tìm cây xây điện Kiến Thủy cũng nói lên một sự tích lũy nghiệp đưa đến Cận Tử nghiệp của Tháo.Có người báo có cây lớn nhưng vì sợ là cây Thần nên không chặt được.Tháo không tin, dẫn vài trăm kỵ đến trước cửa đền, xuống ngựa, ngẩng mặt lên xem thấy cây lá xum xuê sát đến mây xanh, thẳng tuột không có một chà chạnh nào. Tháo sai chặt xuống. Có mấy ông cụ già lại kêu rằng: - Cây này đã mấy trăm năm nay, có thần thiêng lắm, không chặt được đâu. Tháo nổi giận mắng rằng: - Ta bình sinh trải dưới khắp gầm trời hơn bốn mươi năm nay, trên từ thiên tử, dưới đến thứ dân, ai cũng phải sợ, yêu thần nào dám trái ý ta? Nói xong, liền rút gươm ra chặt mấy nhát, thì thấy có tiếng kêu sang sảng, máu chảy ròng ròng ở thân cây. Tháo sợ hãi, quẳng gươm lên ngựa, về cung. Canh hai đêm hôm ấy, Tháo nằm không yên, đương ngồi ở trong điện ngả mình xuống ghế ngủ gà, bỗng thấy một người xõa tóc, tay cầm thanh kiếm, mình mặc áo thâm, đến trỏ vào mặt thét mắng rằng: - Ta là thần ở cây gỗ lê đây! Mày làm đền Kiến Thủy, sắp muốn cướp ngôi nhà Hán, dám đến chặt cây thần của ta! Ta biết số mày sắp hết, nên đến giết mày đây! Tháo giật mình vội hô lớn: - Võ sĩ đâu cả, chúng bay? Tháo kêu chưa dứt lời, người ấy cầm gươm toan chém Tháo một nhát.Tháo hét to một tiếng, giật mình tỉnh dậy, thấy đầu nhức như búa bổ, không sao chịu được. Và cũng căn bệnh này, Tháo đã giết chết Hoa Đà như một oan nghiệt và đầy tiếc nuối của người đời.[xix] Lúc Tháo sắp chết, luôn mộng thấy những oan hồn mà mình giết như: Phục Hoàng Hậu, Đổng quý phi, Phục Hoàn, Đổng Thừa, hai hoàng tử…đến để đòi mạng.

Những nhân vật mới vừa đề cập là những người hiện đời có uy quyền thế lực, gian hùng, xảo quyệt, khuynh đảo trong vương triều nhưng vẫn bất lực trước cái chết và đặc biệt trước khi chết tâm thức vô cùng rối loạn.

Phật dạy những biểu hiện của lúc gần lâm chung đó là Cận Tử Nghiệp. Cận Tử Nghiệp như sự đúc kết của Tích Lũy nghiệp.Vì trong chuỗi dài của sự sống, con người tích lũy quá nhiều nghiệp trong cuộc sống đời thường.Những tích lũy ấy bao gồm cả Thiện Nghiệp và Ác nghiệp.Trường hợp của Tháo đó cũng là sự kết tập tích lũy những ác nghiệp quá nhiều trong quá khứ.Chúng ta không biết thực hư chuyện Thần cây đến đòi giết Tháo, nhưng đó cũng là hình ảnh nói lên nghiệp ác của Tháo tạo quá nhiều, đến lúc quả ác đã trổ.Từ đó cận tử nghiệp của Tháo phải chịu những vì ác trong đời đã tạo ra.

Chính vì thế trong cuộc sống, Đức Thế Tôn đã dạy cho đệ tử của Ngài cố gắng giữ gìn trai giới sống tốt, thiện lành để có những hành nghiệp tốt trong cuộc sống mà không cần bận tâm lo lắng khi cận tử nghiệp đến thế nào. Vì nếu như trong cuộc sống con người tạo nhiều thiện nghiệp, có nghĩa là tích lũy được nhiều nghiệp lành thì khi gần lâm chung nhưng nghiệp lành biểu hiện lành, và Cận Tử Nghiệp cũng biểu hiện như thế.

Khi Phật còn tại thế, có lần Ngài Ma Ha Nam hỏi Phật:

- “Bạch Thế Tôn, con giữ tròn năm giới và tinh tấn tu hành các pháp Phật dạy, như vậy nếu con ra đường lỡ như bị tai nạn chết liền tại chỗ, thì đời sau con sẽ sanh về đâu?

Khi đó đức Phật đưa tay lên, nghiêng sang một bên và nói:

- Như cây nghiêng như vầy, khi cưa nó sẽ ngã về đâu?

Ma Ha Nam trả lời:

- Nếu cây nghiêng chiều nào, khi cưa nó sẽ ngã theo chiều ấy.

- Cũng vậy, ông đang tu pháp nào, đang gây tạo nghiệp gì thì khi chết sẽ đi theo đường đó”.

 Tất cả những điều này đều nói lên chung một quan điểm, con người muốn được thanh thản lúc lìa khỏi cuộc đời không gì khác hơn là ngay trong đời này làm những điều lành, chính những điều lành tạo nên sự tịnh lạc bên trong khi tất cả tứ đại chuẩn bị phân tán. Vì lúc còn khỏe mạnh, sáu thức đầu có thể tạm thời làm chủ được nhưng khi con người sắp lìa đời thì mọi thứ cũng đã đến giai đoạn phân tán thì tinh thần đâu còn làm chủ được nữa.Điều này chưa nói đến những ác nghiệp đã đến lúc sanh khởi.

Phật dạy, Cận Tử nghiệp đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình tái sanh của con người. Chính vì vậy, trong Phật Giáo hộ niệm cho người lúc lúc lâm chung là điều cần thiết. Vấn đề hộ niệm này cũng được có từ thời khi Phật còn tại thế. Hộ niệm cho người lâm chung không phải là cầu xin, mục đích chính là nhằm khơi dậy những điều thiện lành đã từng làm trong suốt cả kiếp người, để nhờ những quả lành đó làm nhân cho cuộc sống tương lai. Cụ thể Trưởng Giả Cấp Cô Độc bị bệnh lúc sắp lâm chung, quán sát nhân duyên, Đức Thế Tôn đã mời Ngài Xá-lợi-phất đến thuyết pháp cho vị thí chủ uy đức này. Đến nơi, Ngài Xá-lợi-phất khuyên Trưởng giả Cấp-cô-độc nhớ lại những thiện sự trong đời đã làm và tùy hỉ những điều đó.Cận tử nghiệp của một vị đã từng làm những Phật sự vang dội như vậy đã giúp cho Cấp Cô độc sanh tâm hoan hỷ và được dự phần trong hàng Thánh[xx].

Một người có tích lũy nghiệp tốt thì sự ra đi chẳng hề sợ hãi dù không có địa vị danh vọng gì của thế gian. Trường hợp Tào Tháo, mặc dù đang có quyền lực trong tay nhưng  khi gần chết vẫn còn sợ lo lắng đủ điều từ triều chính đến việc cá nhân. Thậm chí còn sai đắp bảy mươi hai cái mả bỏ không ở ngoài thành Giảng Võ, phủ Chương Đức, để cho người ta không biết mả mình táng ở chỗ nào, có ý sợ bị đào mất mả, vì quá nhiều kẻ thù.Một kẻ làm ác tạo nghiệp chỉ để lại bao nhiêu nỗi oán ghét của hậu thế mà thôi.

 

3-Nghiệp Quyết Định Thọ Mạng- Cầu Nguyện Không Tăng Được Tuổi Thọ:

 

Hai nhân vật xin được bàn đến cho vấn đề này đó là Khổng Minh và Tào Tháo.Một Khổng Minh thiên tài bất lực trước vận nước mà cũng đành bất lực trước vận mênh của chính mình.Khi biết mạng số mình không còn sống được bao lâu nữa ông bèn lập đàn cầu nguyện.Đàn tràng được thiết lập rất trang nghiêm. Theo lời của Gia Cát lượng căn dặn Khương Duy thì đàn tràng phải được cầu nguyện trong thời gian là bảy ngày và phải thắp 7 ngọn đèn lớn, rồi có quân sĩ 49 người cầm 49 ngọn đèn nhỏ, trong đó có ngọn đèn chủ là vô cùng quan trọng[xxi]. Trong suốt thời gian ấy, phải được thắp sáng liên tục, nếu như ngọn đèn chủ tắt thì có nghĩa như sự cầu thọ không thành tựu. Nếu như cầu phước thành tựu thì Khổng Minh sẽ được sống thêm 12 năm nữa.Chỉ còn một đêm nữa là xong, nhưng bất trắc quân đội của Ngụy tấn công.Trong tình thế khẩn cấp ấy, Ngụy Diên chạy nhanh vào cấp báo không để ý gì đến ngọn đèn, nên ngọn đèn chủ đã bị luồng gió của Nguỵ Diên chạy vào làm tắt[xxii].Điều đó không có nghĩa là Ngụy Diên làm cho Khổng Minh mất sớm mà chính là điềm báo cho sự cầu nguyện bất thành. Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng, thọ mạng con người theo Phật dạy chính là do hành nghiệp chúng ta tạo ra chớ không phải là do sự cầu nguyện mà đựợc vậy. Trong chính sử cho biết Khổng Minh làm việc quá sức, từ trần lúc 54 tuổi tại đồi Ngũ Trượng.[xxiii]

Như để cho người đọc cảm thấy nhẹ nhàng hơn và như một sự báo trước về tuổi thọ của Khổng Minh. La Quán Trung đề cập đến trận chiến Khổng Minh với Man Vương Mạnh Hoạch. Mặc dù Man Vương đã được Khổng Minh tha chết đến sáu lần nhưng vẫn cố thủ. Trong lần Man vương đến gia nhập với Ngột-đột-cốt, đây là một đội binh mạnh và khó phá, vì binh sĩ đều được mặc những bộ giáp bằng mây có tẩm dầu, dù cho cung bắn hoặc đao chém, thương đâm cũng đều không thể thủng. Vì vậy lần này Khổng Minh dùng kế hỏa công, Gia Cát dụ dẫn quân binh vào trong hang Bàn Xà rồi thiêu rụi. Vì đây là một hang sâu, trơ trụi, với hai vách chắn chọc trời. Hơn nữa, vì quân của Ngột-đột-cốtmặc giáp bằng mây có tẩm dầu nên khi lửa bốc cháy rất nhanh và dữ dội.Hàng chục vạn quân của Ngột-đột-cốt bị thiêu trong biển lửa. Trước cảnh đó, Khổng minh than rằng: “Ta tuy có công với xã tắc nhưng thế nào cũng bị giảm thọ”.

Trong chính sử, theo sự tìm hiểu của người viết thì Tào Tháo là gian thần mà người  đa tài ở nhiều phương diện khác nhau. Từ quân sự chính trị, thông hiểu binh pháp, thậm chí còn là tác giả của chú thích binh pháp Tôn Ngô.Chẳng những thế, Ông còn là nhà thơ và cả Ba Cha con Ông đều có tiếng trong thi đàn đương thời.[xxiv]Một Tào Tháo vô cùng tài năng, vượt trội hơn cả Khổng Minh, nhưng do chủ đích của Lan Quán Trung và tính hư cấu của tiểu thuyết nên trong Tam Quốc Diễn Nghĩa ta dễ dàng nhận thấy một Tào Tháo mưu mô giảo quyệt, không có khí chất của bậc quân tử, bất trung bất nghĩa hoàn toàn. Không đáng được xem như một người đạo đức bình thườnghuống gì là bậc quân vương.La Quán Trung tạo nên một hình ảnh của Tào thật đáng sợ khi gần kề với cái chết, Tào bị nghiệp của chính mình gây nên. Khi Tháo bệnh, đầu óc choáng váng, tinh thần bàng hoàng.Bỗng nghe ở trong điện, có tiếng sàn sạt như xé vải. Tháo sợ trông xem thì thấy Phục Hoàng hậu, Đổng quý nhân cùng bọn Đổng Thừa, Phục Hoàn, hơn hai mươi người, mình mẩy máu me, đứng thập thò trong đám mây đen, văng vẳng có tiếng đòi mạng. Tháo giật mình, vội vàng rút gươm quăng lên, thì thấy nổ ầm một tiếng, sạt mất một góc điện mé tây nam. Tháo khiếp quá ngã sấp xuống đất quân hầu cận vào cứu, vực sang cung khác dưỡng bệnh. Đêm hôm sau, Tháo lại nghe ở ngoài điện, tiếng trai gái kêu khóc như ri. Thấy những điềm bất thường xảy ra, các quan tâu với Tào Tháo nên mời đạo sĩ đến bày đàn cầu đảo nhưng Tào Tháo nói rằng: “Thánh nhân có câu: Mắc tội với Trời còn cầu đảo nơi nào? Nay số Cô[xxv]đã hết thì còn gỡ sao được?[xxvi]”.

Một con người với chủ trương phương châm trong cuộc sống là “Thà ta phụ lòng người trong thiên hạ, chứ không để người trong thiên hạ phụ ta”, gần như không có chút đạo nghĩa gì đáng kể khi còn sống nhưng vẫn còn ý thức được hành vi của mình thì thật là hiếm có. Tác giả muốn đưa con người trở về với thực tế của cuộc sống đời mình, ai cũng phải chịu bất lực trước cái chết, cũng phải run sợ trước hành vi tội ác của chính mình đã gây tạo. Và điều hiển nhiên là phải chấp nhận với chính những hành vi đó chứ không thể chối cãi. Tào Tháo sợ Trời ư?Đành rằngthuyết Thiên Mệnh là điểm quan trọng trong học thuyết Khổng Mạnh, mọi vấn đề như do trời sắp đặt. Trời có đức hiếu sinh với vạn vật, vậy tại sao lúc giết người hàng loạt Tào Tháo không sợ Trời?Tào Tháo chết ở Lạc Dương, thọ 66 tuổi.Tào Tháo chấp nhận cái chết không cần cầu thọ giống như những người đương thời thường làm như một sự chấp nhận trước những nghiệp ác của chính mình gây tạo.Nếu nhìn ở khía cạnh Phật giáo thì Trời của Tào Tháo nói đâychính là Nghiệp, chính mình tạo thì phải chịu trách nhiệm với những hành nghiệp của mình.Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng nhấn mạnh: “Hễ mang lấy nghiệp vào thân, thì đừng trách lẫn Trời gần trời xa”. Cái cùng cực của sự tinh tế, tác giả đưa ra hai hình ảnh của hai nhân vật tương phản nhau ở mọi góc cạnh của cuộc sống, nhưng điểm chung kết là ai cũng phải chấp nhận với chính mình.

 

4-     Quan Công Cầu Pháp với Thiền Sư Phổ Tĩnh- Điểm Son Đạo Lý Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa

 

Một điều rất đáng được quan tâm đó là sau khi chết Quan Công cầu pháp với Thiền Sư Phổ Tĩnh, bởi lẽ Khổng Giáo, Đạo giáo và nhiều tập tục khác cũng đã và đang thịnh hành thời bấy giờ nhưng không được tác giả đề cập mà nhân vật Quan Công được xây dựng như một tượng đài của sự trung nghĩa lại đi cầu pháp với một Thiền Sư Phật Giáo. Điều đó một phần nào nói lên tầm ảnh hưởng rất lớn của Phật giáo với quần chúng xã hội thời Tam Quốc hay có thể thời sinh tiền của tác giả. Một Quan Công khí khái Hiếu Trung Nghĩa như vậy được xem như một phần tư tưởng chủ đạo của Khổng Mạnh lại quy y, nương tựa với Tam Bảo.

 

Có nhiều người cho rằng Quan Công chỉ là hạng võ biền, bị chém chết như bao nhiêu người bình thường khác, điều này đúng chứ không sai, vì thời đó đa phần xuất thân là nông dân, thành phần đa số của xã hội nông nghiệp. Thế nhưng con người điểm xuất phát không phải là điều quan trọng, điều quan trọng chính là Đạo đức, nhân cách, tư cách và sự cống hiến của người đó cho cuộc đời. Dù hình ảnh Quan Công có bị người đời sau hiểu sai lệch, tô vẽ khác đi cũng do chính những sự ích kỷ, tham lam của con người, thế nhưng điểm khởi đầu và mong muốn của tác giả đáng được trân quý.

Liên quan đến Quan Công được tác giả xây dựng rất công phu và biểu hiện qua nhiều phương diện khác nhau. Đoạn kết thật là bi tráng: Sau khi bị Lã Mông và Lục Tốn bắt được. Khi về Đông Ngô, Tôn Quyền dùng lời dịu ngọt để dụ dỗ, nhưng Quan Công nhất định một mực trung thành với Lưu Bị. Và đành phải mất mạng, năm đó ông được 58 tuổi[xxvii]. Mặc dù chết nhưng thần thức Quan Công vẫn luôn cảm thấy oan ức.Ông cứ phiêu diêu từ nơi này đến nơi khác, đòi trả đầu. Một đêm ông bay đến núi Ngọc Tuyền, huyện Đương Dương. Lúc ấy có Thiền Sư Phổ Tĩnh, vốn xưa trụ trì tại chùa Trấn Quốc gần Nghi Thủy Quan. Sau này, nhân đi vân du Thiên hạ qua nơi này, thấy non xanh nước biết, cảnh trí u nhàn, mới dừng lại,kết tranh lợp cỏ, dựng một cái am, rồi ngày ngày tham thiền nhập đạo. Đêm ấy, trời quang mây tạnh, gió mát trăng trong. Phổ Tĩnh thiền sư ngồi tĩnh tọa trong am thanh vắng…đến cuối canh ba, chợt nghe trên không trung có tiếng người văng vẳng gọi xuống rằng:

-         Trả đầu ta đây! Trả đầu ta đây!

Ngài bước ra cửa am, nhìn lên, thấy trên không trung có một người mặt đỏ, râu dài, cưỡi con ngựa đỏ như lửa, tay cầm Thanh long đao, bên tả có một tướng mặt trắng khôi ngô (Quan Bình), bên hữu có một tướng mặt đen râu quai nón đi kèm (Châu Thương)[xxviii], cả ba người cùng cưỡi một đám mây từ từ hạ xuống đỉnh núi Ngọc Tuyền. Thiền Sư Phổ Tĩnh bèn nhận rõ Quan Công, tay đang sẵn cầm cây phất trần, bèn gõ vào cạnh cửa gọi lên rằng:

-         Vân Trường ở đâu?

Thần thức Quan Công sực tỉnh, lập tức xuống ngựa, theo luồng gió xa, xuống trước am, chắp tay thưa: Nay tôi đã bị họa thác thân rồi, xin Thiền sư ban lời giáo huấn, chỉ dẫn cho thoát nẻo tối đường mê…

Ngài Phổ Tĩnh huấn thị:

-Xưa trái nay phải, chẳng luận làm gì “Nhân” trước “Quả sau” không sai một mảy. Nay tướng quân đã bị Lã Mông hại, mà lớn tiếng kêu “trả đầu ta đây” thế thì đầu Nhan Lương, Văn Xú, đầu sáu tướng ở 5 cửa ải, và còn bao nhiêu cái đầu khác nữa họ sẽ đòi ai?

Thế là thần thức Quan Công bừng tỉnh ngộ, bèn khấu đầu quy y rồi biến mất đi.

Cái thích thú là tác giả tạo nên một Quan Công rất thật của một con người, dù cho bình thường có những đặc điểm Trung Nghĩa vượt trội. Hình ảnh thần thức Quan Công bị vướng mắc trong tâm tham ái thân khi bị người khác chặt đầu và nhanh chóng ý thức buông bỏ khi được Thiền sư chứng đắc khai thị. Dù vòng vây báo ứng nhân quả hiện đời giết nhiều người phải đền mạng, nhưng bên cạnh đó những đức tính nhân duyên thiện lành… sống tốt của Quan Công như một sự bù đắp khi giải thoát được những hệ lụy của cố chấp mà quy y hướng Phật. Hình ảnh một Quan Công oai phong được tôn trí làm Thần Hộ Pháp ở một số chùa như một điểm tương đồng và biểu lộ ân tình trong cuộc sống. Con người dù cao thấp sang hèn như thế nào đều được có phần trách nhiệm trong công việc giữ gìn truyền trì và phát triển Phật pháp, tùy theo tâm nguyện, hạnh nguyện của chính mình.

 

5-     Quan Vân Trường: Biểu Tượng của Trung Nghĩa, Không Tham Danh Vọng.

 

Sau khi cướp trại Tào Tháo không thành, Lưu Bị, Trương Phi đều bị quân Tào đuổi gấp quá, nên cố thoát thân. Lúc ấy Quan Vân Trường cố thủ thành Hạ Bì, ngoài chuyện đánh giặc, Quan Vân Trường còn có trách nhiệm bảo vệ gia quyến của Lưu Huyền Đức. Sau đó, Quan Vân Trường lại trúng hiểm kế của Trình Dục, bị vây ép chặt ở Thổ Sơn không thể nào thoát được. Trong lúc ấy, Tào Tháo thì muốn thu nạp Quan Vân Trường để làm thuộc tướng của mình nên mới sai Trương Liêu đi thuyết dụ. Trương Liêu dùng lời phải trái để phân tích cho Quan Vân Trường nghe.Kết cuộc Vân Trường quyết định tạm thời về với Tháo nhưng bắt buộc Tháo phải hứa thực hành ba điều kiện. Vân Trường nói: Điều thứ nhất: Tôi đã cùng Hoàng Thúc (tức Lưu Bị) nguyện thề nhà Hán. Vậy nay tôi chỉ hàng Hán đế chứ không hàng Tào công. Điều thứ hai: Đối với hai chị tôi, xin đem bổng lộc của Hoàng thúc mà cấp dưỡng cho đầy đủ. Điều thứ ba: Nếu như tôi biết Hoàng thúc ở nơi nào thì không kể ngàn dặm, vạn dặm phải cho tôi tới theo ngay.

Tào Tháo đã chấp nhận ba điều kiện của Vân Trường. Khi ở với Tào, Vân Trường luôn được Tào Tháo lấy lòng. Nào may cho túi gấm để đựng râu, tặng ngựa xích thố, ba ngày đãi một tiệc nhỏ, bảy ngày đãi tiệc lớn, lên ngựa thưởng vàng, xuống ngựa thưởng bạc, mỹ nhân… nhưng tất cả những thứ đó không thể nào làm phai mờ được tấm lòng trung trinh ngút ngàn nghĩa khí ấy. Đến khi hay tin Huyền Đức còn sống, ông đã đưa hai chị dâu đi, biết bao gian nguy. Tào Tháo vì không chịu cho ông đi, nên không cho ông bất cứ tờ giấy thông hành nào.Qua 6 cửa ải, ông đã chém 5 tướng của Tào Tháo để về lại với Lưu Bị.

Như đã có một trình tự nhất quán, ngay từ Hồi đầu tiên tác giả đã đưa đọc giả bằng hình ảnh thề nguyện dưới vườn đào đầy linh thiêng và ấm áp. Lời thề đó như sự gắn kết keo sơn: “Chúng tôi là Lưu Bị, Quan Vü, Trương Phi, dẫu rằng khác họ, song đã kết làm anh em, thì phải cùng lòng hợp sức, cứu khốn phù nguy, trên báo đền nợ nước, dưới yên định muôn dân. Chúng tôi không cần sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, chỉ muốn chết cùng năm, cùng ngày, cùng tháng.Hoàng thiên hậu thổ soi xét lòng này.Nếu ai bội nghĩa quên ơn thì trời người cùng giết”.Có lẽ đây chỉ có trong Tiểu Thuyết chăng? Vì tâm thức con người vô thường thay đổi với thời gian và dòng đời sanh diệt. Thế nhưng cái gì có thể kết lại được đó là chút tâm nguyện son sắt với đời.Dù đây chỉ có trong bộ Kỳ Thư này thì cũng làm cho người đời suy ngẫm và học hỏi.Thông thường công danh, địa vị, phú quý luôn là những món mồi ngon mà thường con người phàm ai cũng muốn có. Và đa phần ai trong lúc giàu sang cũng rất dễ dàng thay đổi đạo nghĩa. Con người càng tham đắm trong danh vọng thì càng xa rời cuộc sống nghĩa tình đó là điều xảy ra trong xã hội. Từ xưa đến nay, con người đều lẩn quẩn trong vòng chi phối của ngũ dục: Sắc, tài, danh, thực, thùy. Khi còn cơ hàn thì dễ giữ sự liêm khiết, thủy chung gắn bó, nhưng khi giàu sang rồi có mấy ai còn nhớ đến đạo nghĩa ở đời.

Chính vì vậy, để không bị ngũ dục lôi kéo, làm bấn loạn tâm tư, mất đi cuộc sống thanh cao thì chính mỗi con người cần có nội lực sống của chính mình. Nội lực ấy vun đắp tưới tẵm thân tâm làm cho cuộc sống này tươi đẹp chứ không phải bằng cuộc sống hưởng thụ của ngũ giác quan. Chính vì sống với nội tại phong phú, nên Thái Tử Tất Đạt Đa dễ dàng từ bỏ hoàng cung với bao nhiêu thú vui, dục lạc cao nhất giữa cuộc đời bằng cuộc sống thanh đạm nơi rừng sâu núi thẳm, áo đủ che thân, cơm ngày một bữa tạm đủ nuôi thân tứ đại. Trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam cũng có những vị minh quân như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, mặc dù cuộc sống vinh hoa tột đỉnh vương quyền nhưng rồi cũng dễ dàng ngai vàng như bỏ chiếc dép rách bên đường.

 

6-Các Pháp Từ Nhân Duyên Sanh Cũng Theo Nhân Duyên Diệt:

 

Tam Quốc Diễn Nghĩa khởi đầu cho đọc giả thấy tưởng chừng như chỉ có Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Quyền, nhưng sự tinh tế đã xâu kết thành một tràng lưới trùng trùng từ quá khứ đến hiện tại và ngầm ý đến tương lai. Mỗi nhân vật có những cá tính khác nhau, quyến thuộc khác nhau.Lưu Bị được xem hậu duệ Hán Thất thì có trung cang nghĩa khía như Quan, Trương, Khổng phò tá. Tào Tháo được xem như tiếm vị thì có Trình Dục, Tuân Húc, Trương Liêu…. Tôn Quyền theo cơ thời thì có Châu Du, Lục Tốn… Rồi sau đó mỗi nhân vật lại có hàng lớp tướng sỹ… Theo nhận định của  Mao Tôn Cương và Thánh Thán thì Tam Quốc Diễn Nghĩa ngoài “Tam Tuyệt” Khổng Minh, Tào Tháo, Quan Công thì có hàng trăm kỳ tài như: “Ngồi trong trướng bầy mưu tuyệt luân như Từ-Thứ, Bàng-Thống được có mấy ai? Hành quân dụng binh như Chu Du, Lục-Tốn, Tư-mã-Ý... đã được bao người?Giỏi liệu người liệu việc như Quách-Gia, Trình-Dục, Tuân-Húc, Giả-Hủ, Bộ-Chất, Ngu-Phiên, Cố-Ung, Trương-Chiêu... đâu dễ có nhiều? Võ công oanh-liệt, dũng-mãnh tuyệt-luân như Trương-Phi, Triệu-Vân, Hoàng-Trung, Nghiêm-Nhan, Trương-Liêu, Từ-Hoảng, Từ-Thịnh, Chu-Hoàn... đã có bao người”….  và còn biết bao nhiêu trung-thần nghĩa-sĩ tài tuấn khác thường nữa, tính không thể tính kể.

Thế nhưng đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa nhiều người cảm thấy làm tiếc, Khổng Minh được đưa lên trên tuyệt đỉnh của tinh hoa, thần cơ diệu toán tinh thông tất cả những việc binh thư kỳ môn độn giáp, thiên văn địa lý dịch số, âm dương ngũ hành… hầu hết mọi vấn đề cũng đều nằm trong dự định của vị Quân Sư thiên tài này. Thế nhưng không biết vô tình hay chủ ý mà tác giả lại để cho vị Quân Sư thiên tài này đành bất lực trước thời cuộc, dù đủ kỳ tài thao lược nhưng cũng không thể cứu vãn Thục là hậu duệ triều Hán huy hoàng sụp đổ trong đau thương.Ôngkhông thể nào đưa Thục vượt lên trên Ngụy và Ngô để bình định thiên lấy đại cuộc về hoàn toàn cho Hán. Lưu Bị không đủ hùng tài, Lưu Thiền con Lưu Bị chẳng những bất tài lại còn thất đức, cuồng ngược, tham mê tửu sắc quá độ, tinh thần bạc nhược, chỉ nghe lời nịnh hót của Hoàng Hạo là tên hoạn quan, tên này lại đưa một người đồng cốt vào cung để đoán vận nước. Vì nghe lời xúc xiểm và cuồng vọng như vậy để trở thành kẻ không ra gì.Đến độ Tư Mã Chiêu phải khinh thậm tệ "Lưu Thiền hèn hạ tới mức này, thì dù Gia Cát Lượng còn sống, e cũng không thể giữ nổi Thục Hán, nói gì đến Khương Duy"[xxix] (Khương Duy là học trò của Gia Cát Lượng).

Tào Tháo, tặc thần, gian xảo, trong đời rẫy đầy tội ác, Thần với người đều giận. Nào kẻ truyền hịch kết tội Tháo, nào người chửi rủa Tháo, nào đâm chém, nào phục độc, nào đánh phá, nào đốt lửa, nào bắn tên, Tháo đã từng cụt râu, gẫy răng, từng sa hầm, ngã ngựa... hụt chết bao nhiêu lần, mà cuối cùng vẫn thoát chết. Nhưng rốt cuộc cũng không thể nào thoát được vô thường và sự nghiệp bao năm tranh dành cũng chỉ trong phút chốc mất đi.Một điều như khẳng định Nhân Nào Quả nấy răn đe người trong thiên hạ: Tháo triệt nhà Hán để rồi Tư Mã triệt Tào.

Ở Đông Ngô cũng tương tự, lúc sinh tiền Ngô Tôn Quyền xây chùa, thỉnh Tăng thì đến đời Ngô Mạt Đế (Ngô Tôn Hạo, 264-280)  hoàng đế cuối cùng của Đông Ngô là một bạo quân nổi tiếng, ngoài việc xây dựng cung thất, hưởng lạc xa xỉ, ông ta còn dùng những hình phạt tàn khốc vô nhân đạo như lột da, móc mắt để trấn áp nhân dân, nên trên từ quan lại, dưới tới dân đen đều căm ghét. Lại mê tín không nghe lời trung thần, bỏ việc triều chính.Cuối cùng thảm bại đầu hàng một cách ô nhục.Đây cũng là dấu chấm hết thời kỳ 3 nước phân lập tính từ khi Tào Phi xưng đế (năm 220).Triều Tấn đã thống nhất toàn Trung Quốc[xxx].

Trong Tam quốc chí diễn nghĩa, La Quán Trung cũng có đề cập đến một số giáo phái của Lão Giáo cũng gây nên những cuộc tranh đấu phi nghĩa: Điển hình như Giặc khăn vàng của anh em Trương Giốc, rồi lạm xưng những danh hiệu nào “Thái Bình đạo nhân”, “Đại Hiền lương Sư”, “Thiên Công Tướng quân”. Với những danh hiệu ấy nhằm để thỏa mãn những tham vọng của bản thân mình. Anh em ông ta đã gây ra những cuộc chém giết đẫm máu, tàn sát biết bao sinh linh vô tội

Cuộc chiến cứ tương tàn tương sát lần nhau suốt hơn nửa thế kỷ, nhân dân lầm than. Ai cũng trông chờ cảnh thái bình nhưng đành ngậm ngùi nuốt lệ.Nếu không phải là một vị minh quân, một triều đình vì bá tánh thì biết bao sinh linh đau khổ lầm than có thể chết bất cứ lúc nào dưới lưỡi đao của một hôn quân vô đạo, trong một thể chế chính trị thối nát, bất công. Mạnh Tử nói: “Vua hiền thì giữ mình khiêm cung, ăn tiêu tiết kiệm, có lễ độ với kẻ bầy tôi và lấy thuế dân có chừng mực” (Hiền quân tất cung kiệm, lễ hạ, thủ ư dân hữu chế - Mạnh Tử, Đằng Văn Công - thượng, tiết 3), chính quyền như thuyền, dân như nước, nước có thể đưa thuyền đi nhưng cũng có thể nhấn chìm thuyền. Nếu không được lòng dân thì bất cứ cơ chế chính trị nào cũng phải sụp đổ chỉ là trong thời điểm nào mà thôi

Phải chăng tác giả đã thấm nhuần tư tưởng Phật dạy trong biển dâu thay đổi, vô thường. Thế gian đều chịu sự chi phối của thành trụ hoại không, có thịnh ắt có suy, có thành có bại…Các pháp từ nhân duyên sinh và cũng từ nhân duyên mà diệt.Bao nhân vật kiệt xuất rồi cũng chỉ còn trên trang sử, vạn vật thay đổi không lường.Và hơn thế nữa, tất cả những thành bại đó đều xuất phát từ con người chứ không phải là sự cầu xin thần thánh hay dựa vào người khác, và chính bản thân của mình cũng không thể hoàn toàn giúp người khác được. Chính bản thân của mỗi người đều chịu trách nhiệm trước hành vi của chính mình. Nhưng để rồi đến kết cuộc như bài Từ mở đầu của Tam Quốc:

 

“Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông

Sóng vùi dập hết anh hùng

Được, thua, phải, trái, thoắt thành không

Non xanh nguyên vẻ cũ Mấy độ bóng tà hồng!...”

 

 

 

C-   LỜI KẾT:

 

Theo một số tài liệu  thì Tam Quốc là một trong những thời kỳ đẫm máu khủng khiếp nhất trong lịch sử Trung Quốc. Số lượng tử vong, thương vong trong chiến tranh của thời kỳ này vô số, đã chiếm gần phân nửa dân số thời bấy giờ.[xxxi]

Trong thời đại vô cùng hỗn loạn như vậy nhưng vua chúa phương Bắc vẫn không quên tham vọng tiến về phía Nam thôn tính Giao Chỉ (tên nước Việt Nam thời bấy giờ). Cuộc khởi nghĩa chống quân Đông Ngô năm 248 do Bà Triệu Thị Trinh người Quận Cửu Chân (nay là thanh Hóa), đã để lại hình ảnh vô cùng hào hùng cho dân tộc Việt.[xxxii] Kể từ khi Kinh Dương Vương khai sáng năm 2879 TTL  đến bây giờ đã 4899 năm,[xxxiii] dân tộc Việt chưa bao giờ được yên thân với anh chàng hàng xóm to người, xấu tính này.

Đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa ta thấy sự kiện như trùng trùng điệp điệp diễn ra, mưu kế, tranh chấp, giết chóc …mọi thứ cứ tưởng chừng nối kết với nhau không dứt. Tác giả như muốn cho chúng ta thấy trong thế giới tranh chấp hơn thua thì dù có tài năng giảo quyệt đến đâu cũng có kết cuộc không gì tốt đẹp,  hận thù chồng chất lên nhau mãi không có điểm dừng, chỉ có tình thương là chất liệu chữa lành mọi vết thương đau khổ cuộc đời. Đạo đức nhân nghĩa luôn tồn tại thiên thu. Ngụy- Thục- Ngô luôn cấu xé với nhau 60 năm dài rồi cũng để vào tay của triều đình nhà Tấn. Tất cả cũng chỉ là một chút hư danh nhưng đã làm cho biết bao nhiêu người vùi thân xác nơi sa trường lạnh lẽo. Chiến tranh bao giờ cũng chỉ có mục đích thắng mà bất chấp mọi thủ đoạn. Bề tôi giết vua, anh giết em, vợ giết chồng... Câu chuyện Thất Bộ Thi của Tào Thực là một trong những nỗi niềm nói lên sự tranh chấp khốc liệt đó, thậm chí tình thân ruột thịt cũng không hề có chút tình thương: “Cành đậu nấu hạt đậu, Hạt đậu trong nồi khóc, Cùng một gốc sinh ra, Đốt nhau sao quá gấp”[xxxiv]

Nhân loại hiện đang bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, nhưng chiến tranh thù hận vẫn triền miên dù nó được thay thế bằng nhiều hình thức khác nhau. Ngày xưa những vũ khí thô sơ dao kiếm…mức độ sát thương giết người ít.Ngày nay bằng những vũ khí vô cùng tối tân giết người hàng loạt. Có lẽ từ khi có con người hình thành sống tập thể đến bây giờ chưa lúc nào chưa thời nào mà không có chiến tranh xảy ra.

Trong suốt mấy tháng qua, từ khi đại dịch Covid-19 lan tràn khắp nơi, theo thông tin hiện tại thì nó được phát hiện từ Vũ Hán Trung Quốc[xxxv]. Con vi trùng nhỏ bé không thấy bằng mắt thường này nhưng đã tạo nên một cuộc khủng hoảng vô cùng lớn lao trên gần khắp tất cả mọi quốc gia trên thế giới. Có phải đây cũng là một cuộc chiến tranh hiện đại dưới một hình thức khác chăng?Bây giờ không phải là cuộc chiến Tam Quốc Ngụy -Thục- Ngô mà những siêu cường quốc trên thế giới.Càng đau khổ hơn nữa khi nhiều nước đang chịu đau đớn chống chọi với dịch bệnh thì có kẻ đứng sau để hưởng lợi từ những nỗi đau thương nhức nhối này. Nam Mô Phật Đà! Mong sao thế giới này bình yên, không chiến tranh cho nhân loại không còn cảnh tang thương chết chóc, ngân sáchchế tạo, mua sắm vũ khí, phương tiện cho chiến tranh đem ra xây dựng bệnh viện hoặc cứu đói xóa nghèo thì tốt đẹp biết bao. Những kẻ khơi dậy chiến tranh luôn bọc cho mình những khẩu ngữ, chủ trương thật chính nghĩa, nhưng tất cả như để thỏa mãn những tham vọng riêng tư. Chiến tranh dù bất cứ bằng h́ình thức nào rồi kết cuộc cũng để lại bao nỗi đau thương từ tinh thần đến vật chất. Biết bao gia đình mất người thân, những mảnh đời bất hạnh phải chịu sống kiếp cô quạnh, bao gia đình phiêu bạt xứ người sống tha hương nơi đất khách.

Khi người viết đang viết bài này thì đọc tin tức bao cuộc biểu tình bạo loạn, những kẻ hôi của ở Mỹ trong khi dịch bệnh còn đang lan tràn chưa phương cứu chữa…Có ai ngờ rằng con người trong xã hội ngày nay mà có những hành động thiêu vắng tình người như thế?Thật làm cho lòng người chùng xuống trước những biến động của thế giới này.

Thời đại xã hội văn minh không có nghĩa là con người sẽ hiền lương, mà đôi khi là tỷ lệ nghịch. Chỉ có sự chuyển hóa tâm thức hiền lương thì mới có thể góp phần cho xã hội bình an mà thôi. Từ xưa đến nay, con người ai cũng muốn lập công để lại cho hậu thế, ai cũng muốn chiến thắng người khác. Thế nhưng cuộc sống không bao giờ tồn tại phiến diện cục bộ, cá nhân.Cuộc sống là duyên sinh là duyên khởi, tất cả đều nương nhau mà tồn tại.Và trên hết cũng đều bắt nguồn từ tâm thức của chính mỗi người.Muốn có thế giới bình thì tâm mỗi người cần được tĩnh lặng, tâm bình thế giới bình.Đức Thế Tôn đã dạy “Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình, chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”[xxxvi].

 

Tu Viện Từ Ân, Melbounre, Mùa Đông năm 2020

Thích Hạnh Phẩm

 

 

 



 

CHÚ THÍCH

 

[i]TTL: Trước Tây Lịch

[ii]Lịch Sử Trung Quốc 5000 năm, Lâm Hán Đạt & Tào Dư Chương Tập 1, NXB Văn Hóa Thông Tin

[iii]Lịch Sử Trung Quốc 5000 năm, Lâm Hán Đạt &Tào Dư Chương Tập1, NXB Văn Hóa Thông Tin

[iv]  Sử Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê,2 tập-NXB Văn Hóa, Nguyễn Khắc Thuần, Các Đời Đế Vương Trung Quốc- NXB Giáo Dục 2002

[v]Những niên đại trước 1800 mang tính phỏng đoán không chính xác hoàn toàn vì có nhiều cách tính lịch của địa phương nên thiếu sự đồng nhất.Nhiều sử gia còn cho rằng bắt đầu triều đại của Tam Quốc có thể tính từ năm 190.

[vi]Tam quốc diễn nghĩa (giản thể: 三国演义; phồn thể: 三國演義, Pinyin: sān guó yǎn yì), nguyên tên là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, là một tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỷ 14 kể về thời kỳ hỗn loạn Tam Quốc (220280) với 120 chương hồi, theo phương pháp bảy thực ba hư (bảy phần thực ba phần hư cấu). Trong bài viết này xin được phép dùng bản dịch Việt ngữ của dịch giả Phan Kế Bính (Chia sẻ ebook : http://downloadsach.com/ Follow us on Facebook https://www.facebook.com/caphebuoitoi)

[vii]La Quán Trung (chữ Hán phồn thể: 羅貫中, Pinyin: Luó Guànzhon) ( khoảng 1330 - 1400, cuối nhà Nguyên đầu nhà Minh) là một nhà văn Trung Hoa, tác giả tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa nổi tiếng La Quán Trung tên là Bản, tự Quán Trung, hiệu là "Hồ Hải tản nhân" có thể là người Thái Nguyên (còn có thuyết cho rằng ông là người Lư Lăng, Tiền ĐườngĐông Nguyên. v. v...). Ông sinh vào cuối đời Nguyên, mất vào đầu đời Minh, ước chừng vào khoảng năm 1300 đến năm 1400 giữa thời thống trị của nhà Nguyên Thuận Đế (Thỏa Hoàn Thiếp Mộc Nhĩ) và Minh Thái Tổ (Chu Nguyên Chương). Có thuyết còn nói rõ rằng ông sinh năm 1328 và mất năm 1398.  Hiện nay La Quán Trung có phải là tác giả của Tam Quốc Diễn Nghĩa hay không vẫn là một vấn đề bàn cãi. Xin đợi tin từ những nhà nghiên cứu vậy.

[viii]Tứ đại kỳ thư (四大奇書)) chỉ bốn tác phẩm văn học cổ điển được cho là danh tiếng nhất của Trung Quốc, xếp theo thứ tự thời gian xuất hiện:1)Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, 2) Thủy hử của Thi Nại Am, 3) Tây du ký của Ngô Thừa Ân, 4) Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần

[ix] Thích Hạnh Thành, Biên Niên Sử Phật Giáo Trung Quốc, NXB Phương Đông, 2009

[x]Lịch sử Phật Giáo Trung Quốc, HT Thích Thanh Kiểm, NXB Tôn Giáo, 2001.

[xi]Từ Điển Phật Học Huệ Quang tập 1, HT Thích Minh Cảnh chủ biên 8 tập, NXb Tổng Họp 2003-2007

[xii] Thích Hạnh Thành, Biên Niên Sử Phật Giáo Trung Quốc, nhà Xuất Bản Phương Đông, 2009

[xiii]Từ Điển Phật Học Huệ Quang tập 7

[xiv]Lịch sử Phật Giáo Trung Quốc, HT Thích Thanh Kiểm, NXB Tôn Giáo 2001.

[xv]Xin xem truyện Lưu Dao (Từ Điển Phật Học Huệ Quang tập 7)

[xvi]Tam Quốc Diễn Nghĩa, Hồi 29

[xvii]Xin xem thêm: Uất- đầu-lam-phất, vị Thầy đã dẫn dắt đức Phật đến từng thiền vô sắc cao nhất, là một vị tiên nhân cùng thời với đức Phật. Ông tu tập thiền định chứng đắc Ngũ thông, nhưng kết cuộc cũng rất thê thảm.

[xviii]Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy". (Tăng Chi II)

[xix]Tam Quốc Diễn Nghĩa, Hồi 78

[xx]Trung A Hàm 143 và Tạp A Hàm 2. 20

[xxi]Không biết La Quán Trung có mô phỏng theo kinh Dược Sư chăng?

[xxii]Tam Quốc Diễn Nghĩa, Hồi 103

[xxiii]Lịch Sử Trung Quốc 5000 năm, Lâm Hán Đạt & Tào Dư Chương Tập 2, NXB Văn Hóa Thông Tin

[xxiv]Lịch Sử Trung Quốc 5000 năm, Lâm Hán Đạt & Tào Dư Chương Tập 1, NXB Văn Hóa Thông Tin

[xxv]Cô: Tào Tháo tự xưng

[xxvi]Lịch Sử Trung Quốc 5000 năm, Lâm Hán Đạt & Tào Dư Chương Tập 2, NXB Văn Hóa Thông Tin

[xxvii]Tam Quốc Diễn Nghĩa,Hồi 77

[xxviii] Đến lúc này cả ba người đều đã chết, Quan Bình thì cùng bị hại một lúc với Quan Công, còn Châu Thương thì sau khi thấy hai người bị hại rồi thi đâm cổ tự vẫn. Quan Bình chỉ là con nuôi, con của Quan Công là Quan Hưng và Quan Sách. Quan Sách thì thấy ít đề cập đến, nhưng Quan Hưng cũng là bậc dũng tướng nhưng mất sớm.

[xxix]Lịch Sử Trung Quốc 5000 năm, Lâm Hán Đạt & Tào Dư Chương Tập 2, NXB - Văn Hóa Thông Tin

[xxx]Tam Quốc Diễn Nghĩa, Hồi 120, Lịch Sử Trung Quốc 5000 năm, Lâm Hán Đạt & Tào Dư Chương Tập 2, NXB Văn Hóa Thông Tin

[xxxii]Sách Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục - bản pdf online

[xxxiii]Sách Đại Việt sử ký toàn thư

[xxxiv] Tam Quốc Diễn Nghĩa Hồi 77, Lịch Sử Trung Quốc 5000 năm, Lâm Hán Đạt & Tào Dư Chương Tập 2, NXB Văn Hóa Thông Tin

[xxxv]Tính đến ngày 19/6/ 2020 , tổng số người nhiễm bệnh trên toàn thế giới là 8,607,857, tổng số đã qua đời do bệnh:456,943, tổng số bệnh nhân được hồi phục: 4,557,804 https://www.worldometers.info/coronavirus/

[xxxvi] Kinh Pháp Cú, Kệ 103




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/09/2010(Xem: 2464)
Tha phương sinh sống xứ người, tuy thâm tâm lúc nào cũng hướng về quê hương mến yêu, thế nhưng phải chờ đợi đến hơn hai mươi năm trời, sau bao ngày khắc khoải suy tư Thanh mới đột ngột quyết định về nước nghỉ hè hai tháng. Chàng về Saigon viếng thăm họ hàng vài ngày, rồi lang thang du ngoạn khắp các vùng biển từ Sầm Sơn đến Vũng Tàu, sau cùng quay lại Nha Trang, chiều chiều thơ thẩn đi dài dài trên bãi, mắt lơ láo nhìn biển khơi xa xăm với nỗi buồn vời vợi.
02/09/2010(Xem: 2217)
“Khác hơn thường lệ, đôi bạn thân Hiển và Phước, đối ẩm trong lặng lẽ, chẳng ai chịu mở lời. Hiển nâng chung trà hớp từng ngụm, rồi dường như đang bâng khuâng thả hồn theo những chiếc lá phong đỏ thẩm từng chiếc, từng chiếc rụt rè buông rời cành theo làn gió chiều mơn man. Còn Phước thì cầm chung trà, đi tới lui đăm chiêu suy nghĩ, mấy lần định lên tiếng mà cố đè nén chưa chịu hở môi.
02/09/2010(Xem: 2184)
Nghĩa háo hức theo mẹ về Việt Nam thăm viếng quê hương. Sau mấy ngày vui nhộn làm sống lại những kỹ niệm ấu thơ tại Thủ Đức với bà con họ nội xa gần, chàng theo mẹ về quê ngoại, tạm trú tại nhà cậu Út ở thành phố Phan Rang, Ninh Thuận. Vì thuở nhỏ chàng không có cơ hội liên lạc với họ ngoại, nên dù được cậu tiếp đón rình rang, nhưng chàng muốn thân thiết với hai đứa em cô cậu thật khó.
01/09/2010(Xem: 4300)
Dù dòng thời gian đã xoá nhòa những hình ảnh quý gíá xa xưa, dù dấu chân của các Ngài đã rêu phong phủ kín. Nhưng những dấu chân ấy đã đi vào lịch sử nhân gian, dù tiếng nói các Ngài đã hòa vào không gian tĩnh lặng. Nhưng đâu đây vẫn còn vang vọng pháp âm của các Ngài, làm chấn động tâm tư huyết mạch của bao người con Phật. Trong quyển “Những Vị Phật ở Miền Tây Nam Việt Nam” này. Chúng tôi sưu tầm, nghiên cứu và ghi chép trung thực theo lời thuật của các vị Trưởng Lão uy tín; hay các vị trí thức trung hậu; hoặc trích trong các tài liệu giá tri được mọi người tin tưởng.
28/08/2010(Xem: 50630)
Quyển 6 • Buổi Pháp Thoại Trên Đỉnh Cao Linh Thứu (Gijjhakūṭa) • Ruộng Phước • Tuệ Phân Tích Của Tôn Giả Sāriputta • MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI CHÍN (Năm 569 trước TL)- Mỹ Nhân Giá Mấy Xu? • Chuyện Cô Sirimā • Móc Cho Con Mắt Đẹp • Ngạ Quỷ Mình Trăn • Cùng Một Nguyên Lý • “Hớt” Phước Của Người Nghèo! • Ghi chú đặc biệt về hạ thứ 19: • MÙA AN CƯ THỨ HAI MƯƠI (Năm 568 trước TL)-Phước Cho Quả Hiện Tại • Bảy Thánh Sản • Chuyện Kể Về Cõi Trời • Hóa Độ Gia Đình Thợ Săn • Nhân Duyên Quá Khứ
28/08/2010(Xem: 3423)
Tết Mậu Thân 1968, một cái Tết mà Việt Cộng tràn về quá bất ngờ, tôi không thể tin rằng đó là sự thật. Mồng Một Tết vẫn ăn Tết sắm sửa bình thường. Nhà tôi ở lầu 2 trường Đồng Khánh vì tôi làm Giám Học tại trường này, bên hông là Tòa Hành Chánh và Lao xá Thừa Thiên - nơi giam giữ nhiều tù binh Việt Cộng. Cả ngày vẫn tấp nập bà con tới lui thắm viếng, chiều lại còn có con của các nhân viên trong trường đến thăm chuyện trò hàn huyên vui như ngày hội. Tối đến cả nhà còn bàn nhau nên đi ngủ sớm để ngày mai xuống phi trường đón gia đình người anh chồng về Huế ăn Tết.
28/08/2010(Xem: 50814)
Sau khi sinh hoạt của hội chúng đã tạm thời đi vào quy củ, nền nếp; đức Phật thấy thời tiết có nắng nhẹ, trời không lạnh lắm, thuận lợi cho việc du hành nên quyết định rời Gayāsīsa, đến kinh đô Rājagaha, đường xa chừng sáu do-tuần. Thấy đoàn sa-môn quá đông, khó khăn cho việc khất thực, đức Phật gợi ý với ba anh em Kassapa cho chúng đệ tử phân thành từng nhóm,
19/08/2010(Xem: 6894)
Tại Keelung, Đài Loan có một cửa hàng với cái tên là “Ngộ Duyên Hào”. Ông chủ Lâm vốn là một người rất tử tế, xung quanh khu vực ông sống có rất nhiều những cư dân đánh cá hay kiếm sống quanh đó.
04/08/2010(Xem: 3413)
Tác-giả Thiện Xuân Malkhanova là một con người thật đặc-biệt. Còn nhớ năm 2000 khi chị Trương Anh Thụy và tôi đi sang họp Đại-hội Văn-bút Thế-giới ở Mạc-tư-khoa, chúng tôi đã để ý đến chuyện đi đường, gặp con sâu róm ở dưới đất, chị đã ân cần lấy một cái lá nâng nó lên rồi đặt nó lên một cành cây gần đó. Một con người từ-bi đến với cả cỏ cây, đất đá! Chị bảo đó là điều chị đã học được từ đạo Phật.
04/08/2010(Xem: 3073)
Không biết từ lúc nào, mà ngôi tịnh thất vô danh thấp thoáng dưới tàn cây huỳnh đàn rậm lá trên đỉnh núi Ông cheo leo mây mù đong đưa bao phủ quanh năm, đã được dân quê dưới chân núi ưu ái gọi là am Mây Ngàn thay thế cho cái tên “chòi đạo Ân” mà họ hùa nhau ám chỉ túp lều lá của sư Từ Ân ngày trước. Thuở mới đăng sơn cắm dùi khẩn đất làm chốn ẩn tu, sư lủi thủi một mình chẳng có móng đệ tử lăng xăng đón đưa phục dịch, sư tự vác cuốc, quẩy gánh... lặng lẽ lên tận đỉnh, khai phá được một khoảnh đất nhỏ làm rẫy. Sư bắt đầu trồng các loại rau đậu, khoai, bắp, cà dưa... để sớm gặt hái hoa lợi,
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567