Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Truyện ngắn: Con Nuôi

20/04/202020:35(Xem: 2790)
Truyện ngắn: Con Nuôi

         
co gai que va hoa sen
Truyện ngắn

 CON NUÔI

 

          Thắp xong mấy nén hương trầm, lâm râm khấn vái, dâng lên bàn thờ Phật, rồi bàn thờ gia tiên, dì Thêm thở dài, bước từng bước năng nề xuống bậc cấp cầu thang lát đá nhám màu đen sậm, mắt dõi theo hai bàn chân của mình đổi phiên nhau đặt từng bước xuống lần bên dưới. Cũng là những bước đó trước giờ, nhưng sao tối nay tự dưng dì cảm thấy như mình đang bước dần xuống hố sâu u ám đang chứa đầy nỗi thất vọng, buồn tênh… Hết bậc cấp, dì lê gót đến ngồi phịch xuống ghế sofa êm ái, nhìn bâng quơ qua cửa kính ra ngoài sân, cổng trước… Dì Thêm đang nghĩ về đứa con gái của mình.

        Nó tên Nuôi, vì nó là con nuôi, không phải  là đứa con mà dì phải mang nặng đẻ đau. Trong một chuyến hành hương vào Nam cùng chồng cách đây mười năm, dì đã hữu duyên gặp được nó trong một ngôi chùa sư nữ ở miền Tây sông nước. Chùa nhỏ vùng nông thôn vắng lặng, từ một tịnh thất tu niệm được kiến tạo nhiều đợt để trở thành ngôi thờ phụng Tam Bảo khang trang rộng rãi hơn, mang tên Phước Điền. Chùa chỉ có bốn sư cô tu học, cùng vị trú trì là Ni sư Viên Nguyên, Khi dì Thêm cùng ông Hiên, chồng của dì, theo tiếng đồn mà dò dẫm đến chùa, thì ở đó đã có nuôi dạy bảy đứa trẻ mồ côi, chúng đều là những hài nhi bị cha mẹ bỏ rơi, lén lút đem đặt trước cổng hoặc dưới gốc cây bồ đề trong sân chùa. Từ khi nhận cưu mang đùm bọc đứa trẻ đầu tiên, ni chúng ngoài giờ tu học tụng niệm, còn mang thêm thiên chức giáo dưỡng thay cho những người mẹ, người cha vì hoàn cảnh, vì lý do nào đó đã không thể nuôi dạy đứa con máu mủ của mình. Nhà chùa dẫn dà hóa thành nhà nuôi trẻ, với sự giúp sức hợp lực của chính quyền thôn xã và bà con Phật tử quanh vùng, để từng đứa trẻ lớn lên theo năm tháng trong vòng tay ấm áp tình thương yêu của những người xuất gia bất ly thế gian.

         Dì Thêm nhớ như in, ngày đến chùa lần đầu tiên, cũng là lần đầu tiên gặp gỡ đứa bé gái mồ côi đã tám tuổi, nó cứ lẽo đẽo đi theo dì từ ngoài sân, đến thềm hiên, dọc hành lang, vào phòng khách, rồi cứ đứng giương đôi mắt tròn xoe nhìn dì khi dì đã ngồi hầu chuyện với Ni sư trú trì… Dì cảm nhận được một luồng điện râm ran khó tả chạy khắp người mình, chừng như có một sợi dây vô hình ràng buộc dì với đứa bé, một mối lương duyên kết nối tình cảm thiêng liêng, mà dì chợt hiểu ra đó là “duyên nợ oan gia từ kiếp trước”, khiến cho dì phải thấy nao nao trong lòng, xốn xang trong tim… Vậy nên, dì đã hỏi thăm cặn kẽ về thân nhân đứa bé, được Ni sư cho hay nó đã được nhà chùa nuôi dạy tám năm, từ lúc còn đỏ hỏn nằm gọn trong chiếc khăn lông đặt dưới gốc bồ đề ngoài sân trước. Nó là đứa bé thứ hai bị bỏ rơi được nhà chùa nhận nuôi. Ni sư đã đặt tên cho từng đứa, tục danh thì dùng họ của Ni sư là Lê Thị, tên thì theo thứ tự Diệu Nhất, Nhị, Tam,,, đến đứa cuối cùng là Diệu Thất. Nó là Lê Thị Diệu Nhị, mà Diệu Nhị cũng chính là pháp danh ghi trong phái quy y Tam Bảo. Ngay ngày hôm đó, vợ chồng dì Thêm đã bàn bạc với nhau trên ghế đá ngoài sân cạnh chánh điện, đồng lòng muốn nhận đứa gái tên Diệu Nhị đó về làm con nuôi, thay thế bù lấp vào chỗ bỏ trống của đứa con gái ruột đã qua đời vì bệnh từ mười năm trước, rồi trình thưa ước nguyện với Ni sư trú trì. Thấy hai vợ chồng chân thành tha thiết quá, Ni sư không thể khước từ, nhưng cũng không thể quyết định vội vàng ngay lúc đó, vì còn phải xin ý kiến của nhiều người khác, nên Ni sư đã hẹn một tháng sau sẽ báo tin. Rồi đúng một tháng sau, Ni sư báo tin đã chấp thuận để Diệu Nhị rời khỏi chùa, để về làm con trong một gia đình khá giả ngoài miền Trung xa xôi… Hai vợ chồng dì Thêm đã tức tốc vào lại miền Tây, để rồi khi trở về họ có thêm một đứa con nuôi dễ thương và lễ phép. Ông Hiên đã lo hết thủ tục hộ tịch, làm lại khai sanh mới, đặt tên mới cho đứa bé theo họ của ông là Trần Thị Nuôi, pháp danh vẫn là Diệu Nhị.

         Mười năm, gia đình có thêm thành viên nên đỡ trống vắng, nhưng ông Hiên đã từ trần sau cơn đột quỵ ba năm trước, Nuôi được sống trong vòng tay thương yêu bảo bọc của người cha chỉ bảy năm.  Mười năm trôi qua, Nuôi đã được cho ăn học đầy đủ đến cuối cấp trung học, đã là một thiếu nữ tuổi mười tám tươi xanh, nhưng nó đã xin thôi học, để ở nhà đỡ đần và phụng dưỡng mẹ trong những tháng năm trong nhà đã vắng bóng người đàn ông trụ cột, cũng như phụ giúp mẹ trông coi quán tạp hóa. Nhà của dì Thêm là ngôi nhà đúc rộng rãi, trên diện tích hơn trăm mét vuông, có gian lửng làm phòng thờ riêng biệt, nằm ở khu vực ven thành yên tĩnh. Nói là nhà phố cũng không đúng, mà nhà quê cũng không đúng, lưng chừng phố quê, nên quán tạp hóa mở phía trước sân nhà và một phần diện tích của phòng khách đã trở thành địa điểm quen thuộc của cư dân các xóm cận kề từ năm năm về trước, là nguồn thu nhập đáng kể của dì Thêm để có đồng ra đồng vào nuôi đứa con gái ăn học, và giết bớt thời gian nhàn rỗi dễ sinh chán chường khi tuổi tác của cả hai vợ chồng ngày càng cao. Đến khi Nuôi lấy được bằng tốt nghiệp rồi nghỉ học, dì Thêm đã giao phó hết công việc nhà, cũng như trông coi mua bán của quán tạp hóa cho đứa con gái, mà không một mảy may nghi ngại. Dì Thêm vui lắm, rất an tâm tin tưởng khi thấy Nuôi đảm nhận rồi quán xuyến mọi việc rất chu toàn và thuần thục…

          Nhưng, sau cái Têt Canh Tý vừa rồi, khi đại dịch viêm phổi do virus Corona xuất hiện gây điên đảo tang thương khắp đó đây, tiếp đến là chỉ thị của chính phủ về cách ly xã hội để phòng chống lây nhiễm virus, cuộc sống đã bị xáo trộn, ngưng trệ, đầy thấp thỏm lo âu, cũng là lúc đứa con gái nuôi của dì Thêm lộ mặt thật gian manh dối trá.

       Thất vọng. Hụt hẫng. Cả một tòa lâu đài niềm tin sụp đổ. Đợt cách ly xã hội đầu tiên với mười lăm ngày, thì mới chỉ một tuần là dì Thêm đã phát hiện, nhận biết sự gian dối làm dì lòng đau như cắt, đau đến nỗi dì đã không dám gọi con gái đến để hạch hỏi, truy vấn những biểu hiện mà dì đã thấy được, đếm được… Dì nuốt nghẹn, im lặng, làm bộ ngu ngơ như chưa hề biêt gì để âm thầm theo dõi tiếp thêm năm ngày nữa, như muốn tìm thấy thêm chứng cứ cho chắc chắn để kẻ phạm tội không còn lý lẽ chối cãi…

       Đến chạng vạng hôm nay thì dì Thêm đã không còn nhẫn nhịn được rồi, dì thắp hương lạy Phật, vái hương linh chồng, rồi ngồi chờ con Nuôi về, nhất định tối nay sẽ làm cho ra lẽ, không dung thứ nữa. Và rồi, nó đã về. Nó bước qua cổng qua sân vào nhà bằng những bước nhí nhảnh, và vẻ mặt rạng rỡ… Dì Thêm ngồi nơi ghế sofa với mặt lạnh như băng giá, mắt long lên sòng sọc nhìn con gái, khiến nó khựng người lại, mặt mày tối sầm rồi chuyển sang xanh tái thật thảm hại. Dì nghiêm nghị chỉ ghế đối diện, hằn học lệnh cho nó ngồi xuống, rồi dì nói luôn không chần chừ:

        “Ngồi đó dỏng tai lên mà nghe hỏi thôi, khi nào tao biểu trả lời mới được mở miệng. Câu hỏi thứ nhất: tiền lãi từ 100 triệu giao cho mày, năm phần trăm hằng tháng, vị chi là năm triệu đồng, cho nhóm thợ xây dựng của thằng Kiệt vay với tinh thần hỗ trợ gần hai năm qua, trước giờ mày đều mang về đầy đủ đúng hẹn giao cho tao, rồi tao cũng cho mày đó thôi chứ đâu giữ đồng xu nào, sao hai tháng rồi không thấy?”

      “Dạ… thưa mẹ… mẹ bớt giận… mẹ đừng xưng mày tao… con nghe đau xót quá!”

       Nuôi nghẹn ngào, mới ấp úng nhiêu đó thì dì Thêm đã đập bàn, quát nạt:

      “Im. Tao đã biểu là không mở miệng mà. Chờ tao hỏi xong  đã. Câu hỏi thứ hai: Hàng hóa trong quán trước ngày cách ly xã hội, đang đầy chồng chồng đống đống, tự dưng hai ngày rồi bay hơi, biến mất tăm, để lại nhiều khoảng trống trên kệ, trên tủ… Tao kiểm tra sơ qua mà đã thấy mất đi rất nhiều mắm muối,  xì dầu, bột ngọt, đường, sữa, dầu ăn, và cả chục thùng mì gói nữa. Số hàng đó mày mang đi bán ở đâu rồi? Nếu đã bán được thì phải báo cáo thu chi cho tao như bao năm qua chứ, sao hai ngày rồi mày vẫn im thin thít, tự ý tự quyền làm như tao đã chết mất rồi vậy?!”

       “Mẹ…”

        “Im! Chưa được phép trả lời. Còn câu cuối nữa: ngoài kia dịch bệnh hoành hành, lệnh cách ly đưa ra thì phải ở nhà, ai ở yên đó, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết, vậy mà mày vẫn cứ lén lút đi đâu đó khi tao đang ngủ nghỉ. Rồi tao mà hỏi mày đi đâu, mày cứ nói là qua chùa, chùa cũng đóng cửa cổng thời gian này chứ đâu mở toang như trước mà mày qua với đến? Mày đi đâu, làm gì, giao tiếp với ai?”

         Dì Thêm nghiêm sắc mặt, hơi thở rất nặng nề và dồn dập, nhìn con gái bằng đôi mắt đỏ ngầu đầy giận dữ. Nuôi  ngồi bất động, mím môi, chờ đợi. Dì Thêm buông mấy tiếng  cộc cằn:

        “Trả lời đi, Tuần tự, rõ ràng và đúng sự thật đi. Tao nghe đây!”

        Bấy giờ, Nuôi mới dám đứng dậy, chồm đến bộ bình ly nơi đầu bàn, rót nước đầy ly, hai tay bưng mời mẹ, giọng nhẹ nhàng:

        “Mẹ uống miếng nước cho hạ cơn giận cái đã, rồi con xin thưa chuyện ạ!”

       Chỉ một cử chỉ đó của con gái thôi, chưa uống hớp nước nào mà dì Thêm đã bỗng thấy gió mát lùa vào nhà, những cộc cằn hung hăng mới rồi trong thoáng chốc bỗng tan biến đâu mất. Nó, con Nuôi, xưa nay vốn là vậy rồi. Lễ phép, hiếu thảo như cô tiên nữ trong nhà đã từng làm cho người mẹ xua tan đi được phiền não, mệt nhọc, và nguôi ngay những lo lắng, dỗi hờn… Dì Thêm nhận ly nước, nhìn thấy đôi mắt con gái đang rưng rưng, liền hớp liền một hơi hết ly nước khoáng tinh khiết. Chờ mẹ đặt ly xuống bàn, Nuôi mới thưa với giọng nghèn nghẹn:

       “Thưa mẹ, trước tiên con xin cúi đầu nhận lỗi với mẹ, con xin mẹ bao dung tha thứ, lỗi của con là trễ nãi chậm chạp, không báo trình sớm rõ ràng sự việc, để mẹ phải lo lắng buồn bực. Con vì muốn dành bất ngờ đến phút cuối, và nhất là con cứ chủ quan, nghĩ rằng mẹ luôn hiểu con, tin tưởng con, biết hết lòng dạ của con gái mẹ sẽ không bao giờ thay đổi, nên con mới chểnh mảng…”

       Nuôi nhìn mẹ đăm đăm với đôi mắt tròn xoe, thấy được sắc diện của mẹ đã không còn nét giận dữ. Dì Thêm ngồi như bất động, lòng lắng dịu, lắng nghe.

      “Thưa mẹ, về khoản tiền lãi hằng tháng nhận về từ nhóm của anh Kiệt, đúng là năm triệu mỗi tháng, hai tháng là mười triệu, đó là khoản tiền mẹ đã cho vay hỗ trợ giúp đỡ những người lao động nghèo, họ đã đến kể lễ than van về nạn cho vay nóng với lãi suất cao của giới xã hội đen, họ năn nỉ van xin nhiều lần nên mẹ mới giao việc đó cho con đảm trách… Từ sau Tết, nhóm thợ xây dựng này gồm thợ hồ, thợ sơn, thợ sắt, thợ điện nước đều thất nghiệp, lại dính thêm cây dịch viêm phổi, mọi người phải cách ly, lâm cảnh nghèo ngặt khốn khó. Ờ khắp nơi, nhiều chủ nhà trọ đã không nhận tiền trọ, miễn phí cho người lao động nghèo đến hai, ba tháng, hoặc giảm bớt tiền thuê mấy mươi phần trăm rồi tặng thêm gạo mì mắm muối… Con vì hiểu lòng mẹ xưa nay vốn nhân từ, rộng lượng, nên đã thay mặt mẹ mà miễn nhận tiền lãi cho nhóm thợ xây dựng tạm thời trong hai tháng, chờ tình hình đại dịch diễn biến ra sao rồi tính tiếp!”

        “Ồ… con đã làm được việc đó sao?” Dì Thêm sáng rỡ mặt mày hỏi.

        “Dạ, con đã thay mặt mẹ mà chia sẻ để vơi bớt gánh nặng cho họ rồi. Lỗi của con là làm trước báo sau, đúng phép thì phải hỏi ý mẹ trước rồi mới được làm. Mẹ có đồng ý không?”

        Dì Thêm vui ra mặt, vỗ nhẹ đùi một cái, cao giọng:

        “Dĩ nhiên là đồng ý cả hai tay rồi. Con hiểu lòng mẹ, vậy là tốt rồi. Mẹ cũng muốn làm những việc từ thiện nho nhỏ như vậy, định hỏi ý con, mà cứ chần chừ… Thôi ổn rồi, chuyện đó cho qua. Còn chuyện hàng hóa trong quán vơi mất thì sao?”

       Thấy mẹ đang vui, thái độ khác hẳn, Nuôi liền rời chỗ ngồi, sà qua ngồi bên dì Thêm, giọng nủng nịu:

        “Con mang đi một số nhu yếu phẩm qua nộp bên chùa rồi ạ. Chùa có vận động quyên góp của Phật tử, lá lành đùm lá rách, để phát chẩn hỗ trợ cho người già yếu, tàn tật, và người nghèo khó trong thời gian cách ly xã hội không kiếm ra tiền. Quán nhà mình không có gạo, nên sẵn có món gì thì con gom để đóng góp… Mới chiều nay con vừa chuyển qua chùa thêm một đợt, hồi nãy định về đến nhà là báo cho mẹ hay…”

       “Ui trời… cái con bé này…” Dì Thêm nhướng mắt lên, xoa đầu con gái “Con thiệt bậy, bậy là làm mà không hỏi, không bàn trước cho mẹ biết…”

       Nuôi định mở lời thì ngay lúc đó có người đứng ngoài cổng gọi vọng vào:

        “Chị Diệu Nhị ơi… chị Diệu Nhị…”

       Cả hai mẹ con đều giật mình, cùng chồm người hướng nhìn ra phía cổng ngoài sân, nhìn thấy đó là một chú sa di bên chùa Thiền Quang. Dì Thêm liền đẩy thúc con gái chạy ra cổng, rồi ngồi đó dõi mắt nhìn với tâm trạng khác lạ. Một hồi, chú sa di đã rời khỏi nơi cổng ngõ, Nuôi quay vào nhà với nét mặt tươi tắn, tay cầm một mảnh giấy màu vàng, trình cho mẹ. Dì Thêm nhận mảnh giấy, trố mắt lên đọc từng chữ từng hàng. Đó chỉ là một tờ biên nhận “tán dương công đức” của nhà chùa, trên đó ghi rõ “Đã nhận của bà Nguyễn Thị Thêm một số nhu yếu phẩm với tổng trị giá năm triệu bảy trăm năm mươi nghìn đồng, đóng góp phát quà từ thiện cho người nghèo trong thời điểm cách ly xã hội phóng chống đại dịch COVID-19”. Mắt dì Thêm nhòa đi, dì đang xúc động như đang mới đọc xong kết quả trúng thưởng giải đặc biệt của xổ số kiến thiết. Nuôi ngồi một bên, tay xoa lưng mẹ:

       “Nãy con vội vàng chạy về, chưa kịp lấy giấy biên nhận, nên Thầy mới sai chú Quảng Long qua đưa, và nhắn là nhà chùa đang thiếu nhân sự phân chia, gói từng gói quà để kịp sáng mai phát kèm với gạo cho người nghèo. Thầy nói nếu con rãnh được thì chạy qua, còn không thì thôi, mẹ ạ!”

         “Vậy sao?”  Dì Thêm ngồi thẳng lưng lên, đẩy con gái “Con mau qua chùa phụ giúp Thầy đi. Mỗi người một tay mới xong việc, chứ phân chia gói ghém lâu lắm đó! Đi liền đi con!”

        Nuôi  hí hửng đứng dậy, chạy vào trong để rửa ráy thay đồ. Dì Thêm ngồi nơi ghế sofa bần thần, nhìn lên phòng thờ trên gian lửng, nước mắt chưa được phép của dì mà đã chảy ròng ròng hai hàng không kềm nén lại được… Một chặp, dì đứng dậy, bước từng bước khoan  thai nhẹ nhàng lên từng bậc cấp cầu thang. Khi dì mới lên được lưng chừng cầu thang, thì Nuôi từ nhà trong đi ra. Dì dừng chân. Nuôi đứng lại. Hai mẹ con nhìn nhau, Nuôi lên tiếng:

      “Thưa mẹ, con qua chùa đây ạ!”

       “Ừm, con đi đi. Đóng bớt cửa sắt, cổng ngoài cho cẩn thận nghen con.”

        Nuôi mới bước được mấy bước ra đến thềm cửa, chợt nghe tiếng mẹ gọi giật ngược:

        “À nè, con gái…”

        “Dạ, mẹ dạy gì ạ?”

         “Không, không dạy gì dặn gì nữa đâu. Mẹ chỉ muốn nói lời…”

        “Sao ạ?”

        “Mẹ xin lỗi. Và, cảm ơn con. Cảm ơn con!”

 

                                                              Tâm Không – Vĩnh Hữu 

  

Ý kiến bạn đọc
22/04/202012:35
Khách
Truyện hay quá.Đây là một trong những truyện hay của nhà văn Vĩnh Hữu. Chỉ có duyên lành bắt nguồn từ cửa chùa mới có kết quả ấm áp như vậy. Vinh danh lòng từ bi của nhà Phật.
Cám ơn nhà văn Vĩnh Hữu đã viết ra một cốt truyện thâm thuý như thế.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/02/2019(Xem: 3369)
"Sinh Tử Sự Đại Vô Thường Tấn Tốc" Năm cùng tháng tận Tống cựu nghinh tân Nói chuyện chữ Sinh Đón chuyện mới tinh Cho mình phơi phới! Vậy là bước qua năm mới, ngay trong "tháng Giêng là tháng ăn chơi", tôi sẽ được... lên chức. Nam mô Phật! Lên chức.
28/01/2019(Xem: 3535)
Trong ngôi thiền viện thuở xưa Đứng đầu là một thiền sư lâu đời Lìa trần tuổi chín mươi hai Danh ngài viện chủ khó ai sánh cùng, Ngài gìn giữ để không vương Không hề mắc chuyện tầm thường thế nhân.
19/01/2019(Xem: 3778)
Ông ngoại nuôi tôi từ nhỏ, từ khi tôi mới bỏ bú mẹ, đến năm lên lớp 12 thì ông không còn sức lực để làm những công việc đồng áng nặng nhọc đòi hỏi phải có lòng nhẫn nại, tính cần cù và sức dẻo dai. Ông ngoại đã vắt kiệt sức mình ra suốt hai mươi năm hơn, để rồi bị quật ngã một đòn trí mạng phải nằm dính chặt trên chiếc giường ọp ẹp.
06/01/2019(Xem: 3549)
Mỗi năm vào khoảng cuối tháng 10 âm lịch, con thường hay buồn. Vì sao mạ có biết không? Đặc biệt là năm nay con buồn hơn mọi năm khác vì con về nước mà không về làng Đơn Duệ tận ngoài miền Trung khô cằn của mình để được đến thắp nén hương trên mộ mạ.
03/01/2019(Xem: 4585)
Tosui là một thiền sư nổi danh vào thời của ông. Ông đã sống trong nhiều thiền viện và giảng dạy tại các tỉnh khác nhau. Ngôi thiền viện sau cùng ông ghé thăm tụ họp quá nhiều môn sinh cho nên ông nói với họ rằng ông sẽ hoàn toàn từ bỏ hẳn công tác giảng thuyết . Ông khuyên họ nên phân tán ra và đi tới bất cứ nơi nào mà họ mong muốn. Sau đó không một ai còn thấy được chút dấu tích nào của ông nữa.
27/12/2018(Xem: 5813)
Dường như, không ai nghĩ, ngọn lửa mùa thu 1989, được đốt lên từ sinh viên, từ nhà thờ (Nikolaikirche) Leipzig đã thiêu cháy bức tường Berlin nhanh đến như vậy. Tuy vui mừng, nhưng cái bất ngờ ấy, cũng mang đến sự hoang mang không ít cho người Việt chúng tôi đang sống, và làm việc ở miền Đông nước Đức. Bởi, hầu hết các nhà máy, công xưởng phải đóng cửa. Không riêng chúng tôi, mà kể cả những nghiên cứu sinh, sinh viên đại học cũng chạy loạn xí ngầu. Có lẽ, chỉ có ai đã từng sống qua cái thời khắc đó,
27/12/2018(Xem: 4306)
"Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng. Được mất bại thành bỗng chốc hóa hư không", hai câu thơ của vị thiền sư nào đó đã ngấm sâu vào huyết mạch của tôi, một người con gái tươi đẹp của tuổi mười chín, vừa biết tin mình vướng phải một khối u ác tính trong đầu. Trời đất như quay cuồng phải không các bạn?
22/12/2018(Xem: 3738)
Tôi đưa mắt nhìn quanh hết ngoài sân rồi lại trong nhà, có ý tìm người trong nhóm tỵ nạn đang đứng, nằm, ngồi la liệt vẫn không thấy vợ chồng anh chị Phi đâu cả. Tôi cẩn thận đi một vòng nữa, len lỏi vào những dãy giường tầng kê san sát nhau. Lỗ tai tôi như muốn ù đi bởi tiếng ồn ào như đàn ong vỡ tổ của mọi tiếng động hỗn hợp từ sinh hoạt của hàng trăm người tỵ nạn phát ra.
08/12/2018(Xem: 3827)
Hễ gặp mặt lớp trưởng bất kỳ đâu, dù đang ở trong sân trường hay ngoài đường phố quán xá, băng “Ngũ Quỷ” bọn tôi đều đồng thanh tương ứng mở năm cái loa được mở hết công suất ghẹo: “Thịnh Mái ơi… Chị đi đâu đó?”
05/12/2018(Xem: 3456)
Thằng Bửu nấp sau cây phượng vĩ có thân lớn một người ôm không xuể cách cổng trường chừng năm mươi thước. Trong bàn tay đang nắm chặt run rẩy vì giận tức của nó là một hòn đá xanh cứng gồ ghề những góc cạnh. Nó đang chờ, đúng ra thì nó đang rình, rình một người đã hơn nửa giờ qua... Thầy Tiên đang thong thả đạp xe từ hướng trường từ từ chạy đến. Thầy đang nghĩ ngợi nhiều về một đứa học trò ngỗ nghịch và lười biếng nhất của lớp mà thầy làm chủ nhiệm…
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]