Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Truyện Ngắn: Thoát Khỏi Bóng

21/02/202022:21(Xem: 3336)
Truyện Ngắn: Thoát Khỏi Bóng

shadow_Buddhism
 Truyện ngắn: Thoát Khỏi Bóng

                                                    

            Vầng dương đã lên cao.

            Nắng đổ nung nóng đều cát đá. Cây lá cũng đã cùng nhau trở mình, lớn thì uốn éo, nhỏ thì oằn oại, thì thầm than vãn với nhau khi những hạt sương long lanh cuối cùng đã tan biến vào cõi không khôi khôi với sắc trạng mới mẻ...

            Lối mòn lởm chởm sỏi sạn trườn bò trên thế dốc thoai thoải dẫn lên tiểu am của Sư Chơn Thông đang niềm nở đón những bước chân dè dặt của cặp thiện nam tín nữ từ dưới phố thị lao xao xô bồ lên núi vãng cảnh bái tăng.

            Ba tiếng chuông liền nhau ngân lên giữa thời không im ắng như lời chào hân hoan đón khách lạ phương xa vừa đặt chân đến chốn quạnh hiu thường thường thanh tịnh của bậc hành giả xa rời thế gian ô trọc.

           Khách được mời uống ly lá vối nước xanh âm ấm để giải khát sau chặng đường vượt dốc lên non không ít chướng ngại.

          Từng cơn gió đi qua, mang theo điệu ru êm dịu và hương vị thanh khiết của đất trời luồn thốc vào ngôi tiểu am như muốn thổi cho mát mẻ, quat cho mau khô hai lưng áo ướt đẫm mồ hôi của hai ngươì khách lần đầu tiên có mặt ở chốn tĩnh lặng đơn sơ này…

          Chờ hai vị khách vừa đặt ly xuống chiếc bàn nhỏ chân thấp một gang tay sau khi hớp xong mấy ngụm trà lá vối, Sư mỉm cười, nhìn ngươi nam rồi nhìn sang người nữ, hỏi nhỏ nhẹ:

          “Hai vị là gì với nhau?”

          “Bạch thầy, là đạo hữu ạ!” Tín nữ mau miệng thưa.

           “À. Vậy ngọn gió nào trong bát phong đẩy đưa hai vị lên đến tận đây?”

          “Chúng con lên đây bái lễ thầy để cầu pháp ạ!” Thiện nam trịnh trọng đáp.

           Sư tủm tỉm, vừa rót châm nước lá vối vào ly cho khách, vừa ngâm:

“Phật pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác
Ly thế gian mịch bồ đề

Kháp như cầu thố giác!”

           “Bạch thầy, nghĩa là sao ạ?” Tín nữ trố mắt lên, hỏi ngay vì nôn nóng.

            “Đó là bài kệ của ngài Lục Tổ Huệ Năng, có nghĩa là…”Sư từ tốn “Phật pháp ở ngay trên thế gian, ta không thể rời thế gian mà giác ngộ, nếu rời thế gian để cầu tìm giác ngộ thì giống như đi tìm sừng thỏ. Thỏ làm gì có sừng, còn ở đây cũng đâu có nuôi thỏ mà tìm?”

             Dứt lời, Sư bật cười khanh khách. Cả hai người khách cũng cười theo, nhưng đều là cười gượng gạo, cười mà miệng méo xẹo, còn đôi mắt thì tràn đầy hoang mang  ngơ ngác. Thấy biết vậy, nên Sư hạ giọng xuống thật mềm mại dịu êm:

             “Phật pháp không phải là một thế giới khác, hay là một sản phẩm, một kỳ vật trong cảnh giới tách rời khỏi xã hội thế tục phàm trần. Hai vị ở ngay phố thị đông đúc chộn rộn thì đã được thuận duyên tiếp cận với pháp hằng ngày, vì dưới đó có biết bao nhiêu là bậc trí giả, cao tăng thạc đức sẽ chỉ giáo giải mở những khúc mắc rối răm cho mình. Vậy, chuyện chi phải nhọc công mất sức lặn lội lên tận núi cao đìu hiu, đến tận tịnh thất nhỏ bé này để cầu pháp?”

           Thiện nam chắp tay kính cẩn:

           “Dạ, đúng là con có được phước duyên kề cần, giao tiếp được với chư tăng ni giáo thọ, con đã tham vấn, cầu pháp, trình bày khúc mắc của con rõ ràng rồi, nhưng con vẫn chưa được thông thoáng đầu óc mê muội này. Chính thầy bổn sư của con chỉ đường cho con lên đến đây ạ!”

           Tín nữ chờ người bạn đồng hành vừa ngưng tiếng thì thưa ngay:

          “ Bạch thầy, trường hợp của con cũng tương tự như vậy đó ạ. Sư phụ của con cũng bày cho con nên tìm lên đến đây để nhờ thầy chỉ giáo… ”

          Sư lắc đầu cười:

          “Mấy vị dưới núi vậy là không chịu buông tha cho tôi rồi. Thôi được, cho hỏi, hai vị có băn khoăn khắc khoải tương tự nhau, nhưng bệnh có giống nhau không? Hay là mỗi người một bệnh?”

           Thiện nam sáng rỡ mặt mày, thưa:

          “Dạ, chính vì đồng bệnh tương lân mà chúng con mới hẹn đi cùng nhau lên đây cầu cứu thầy gia ân điểm đạo đó thầy!”

           Sư gục gặt:

          “Ô, cùng một bệnh thì toa thuốc sẽ giống nhau, vậy thì tiện lắm… Đã cất công lên đến đây rồi thì tôi không dám khước từ, tôi sẽ lắng nghe!”

           Hai người khách nhìn nhau hội ý. Sư buông một câu ngay lúc ấy:
           “Bệnh gì?”

           “Bạch thầy, con bị một cái bóng trùm che ạ!” Thiện nam đáp liền rõ to.

           “Dạ, con cũng bị trùm che bởi một cái bóng ạ!” Tín nữ nối tiếp lời thưa.

            Sư nhướng măt lên, nhìn từng người, rồi bật cười:

            “A ha… Bóng trùm, bóng che.”

            “Bạch thầy, đúng vậy ạ!” Hai vị khách đồng thanh.

             Sư thân mật, giọng pha chút hài hước:

             “Tưởng bị bóng đè chứ. Nếu bị bóng đè thì xin mời quay gót hạ sơn tìm bác sĩ, lương y mà xin thuốc an thần để có giấc ngủ ngon…”

            Rồi không đợi khách nói, Sư hỏi:

            “Bóng là bóng gì?Trùm che chỗ nào?”

            Thiện nam trải bày khúc mắc:

            “Con quy y Tam Bảo, đi nhiều chùa lễ Phật, thành tâm thành tín cúng dường, tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện… đã được gần mười năm qua, gặt hái được nhiều lợi lạc, tâm ý được giải thoát khỏi nhiều khổ đau lo lắng. Thế nhưng, có một điều đã làm con cứ cảm thấy vướng víu, không khó chịu cũng không dễ chịu, đó là đi đến đâu cũng thấy cái bóng của người cha quá cố của con bao trùm phủ che. Chư tôn đức trưởng lão, quý sư thầy sư cô, và cả những bậc huynh trưởng cao niên, đạo hữu thâm niên ở các tự viện chùa chiền mà con đến, con có mặt, con sinh hoạt… đều thương quý, cảm mến, dành nhiều ưu ái, đối xử có phần đặc biệt, và cứ gọi con là con trai của ông Tâm Thiện, chứ chẳng hề chịu gọi tục danh hay pháp danh của con, mặc dù ai cũng biết rõ. Cái bóng của cha con thiệt quá rộng lớn, con muốn thoát ra khỏi cái bóng đó. Con muốn mọi người nhìn thấy con là con, chứ đừng nhìn con mà chỉ thấy hình bóng cha của con.”

           Đến phiên tín nữ thổ lộ:

           “Con là Phật tử thuần thành, đi chùa thường xuyên, thuộc kinh thuộc chú làu làu, tham gia các hoạt động từ thiện, các khoa tu Phật thất, và nhất là hoạt động hăng say ở lĩnh vực văn hóa thông tin Phật giáo. Con làm thơ, chụp ảnh đưa tin bài, cộng tác với các báo, tạp chí, đặc san, nội san của giáo hội, và các tỉnh hội từ năm năm qua. Bút danh, bút hiệu của con trở nên quen thuộc do đã xuất hiện rất nhiều với mật độ dầy, đều đặn trên các trang truyền bá chánh pháp, nên con đã trở thành một hoằng pháp viên nhiệt thành. Vậy mà, chư tôn đức tăng ni, quý thầy cô, cũng như các bậc huynh trưởng, đạo hữu, thi hữu văn hữu cứ gọi con, kêu con là vợ của nhà văn Nguyên Y. Quý thầy trong các Ban Biên Tập cũng thường khen ngợi, tán thán những tác phẩm của vợ cư sĩ Nguyên Y, Con nhận ra cái bóng của chồng mình sao mà rộng lớn quá, phủ che hết mọi nẻo đường con đi qua, mọi nơi chốn con đặt chân đến. Con muốn thoát ra khỏi cái bóng khổng lồ đó, để hành cước, phụng đạo một cách độc lập, ung dung tự tại.”

            Nghe xong, Sư tủm tỉm cười, Rồi ba người ngồi im lặng. Mặt trời đã lên cao. Nắng hung bạo hơn. Và gió vẫn từng cơn đi qua ào ạt, mát rượi…

           Thật chậm rãi, Sư  Chơn Thông cầm lấy dùi, gõ vào chiếc chuông nhỏ màu đen xỉn, hai tiếng liền tiếp, ngưng ba giây rồi đến tiếng thứ ba, âm thanh của chuông đồng xứ Huế ngân vang theo gió mát đi vào thinh không mênh mông hun hút…

            Sư khoan thai mời hai vị khách bước ra ngoài trời đang nắng gắt, cùng bước lên đứng trên một mặt phẳng rộng chừng hai mét vuông của tảng đá lớn nằm phía bên hông trái tiểu am. Sư cúi nhìn và chỉ phía dưới chân, hỏi:

           “Đó có phải là bóng của chính mình không?”

           “Dạ phải ạ!” Thiện nam tín nữ đồng thanh đáp.

           “Nếu đứng đây cho đến khi mặt trời nằm trên đỉnh đầu, thì bóng nằm ngay sát, gọn gàng dưới chân ta, nên mới gọi là trưa đứng bóng. Bóng ngã hay đứng đều là bóng của hình tướng, của thân xác này. Có đúng vậy không?”

           “Bạch thầy, đúng vậy ạ!”

           “Chỉ khi hình tướng này, sắc tướng này, thân thể này, xác phàm này trả về cho tứ đại phong hỏa địa thủy, thì cái bóng này mới chịu tan biến mất đi, nên mới gọi cái chết với ngôn từ hoa mỹ là khuất bóng đó. Có phải là vậy không?”

           “Dạ đúng ạ!”

           Ba người vẫn còn đứng dang dưới nắng chát chúa, và đứng trên tảng đá đang hắt xông lên hơi nóng hầm hập, Sư thản nhiên:

            “Đây là bóng của ta hiển hiện từ thân xác của ta. Còn cái bóng mà hai vị thấy to đùng, khổng lồ đã trùm che phủ lấp mình chỉ là cái bóng của Tưởng. Vì cứ hoài Tưởng mà bóng đó cứ còn, đi đâu bóng cũng đi theo. Bóng đó to rộng cỡ nào, hình thù ra sao, thì chỉ có người đã Tưởng ra, hình dung, mường tượng ra nó đo đong thấy biết rõ mà thôi. Đó là bóng ảo. Ảo giữa cuộc đời vốn cũng là ảo. Ảo trong ảo. Không thật. Nhưng cũng không không thật!”

            Thiện nam tín nữ đứng lặng người như trời trồng, miệng há hốc, mắt sáng trưng lên. Sư vẫn bắt khách đứng phơi nắng, giọng trầm trầm rót nhè nhẹ êm ái:

            “Phước cho hai vị là được cái bóng trùm che phủ lấp mình là cái bóng mát, chứ mà bóng đó là bóng đen hắc ám, phủ chụp hơi nóng ác nghiệt thì coi như khốn khổ cực cùng, ngột ngạt oi bức sao mà chịu nổi, đương đầu nổi, sống nổi?”

           Không rủ nhau mà hai vị khách vội quỳ xuống, không thốt nên lời, chắp tay bái Sư liên hồi trong niềm xúc động. Sư đỡ khách đứng dậy, kết thúc luôn buổi pháp thoại:

           “Không cần phải thoát đi đâu hết. Vì thật ra mình đâu có bị phủ che lấp đè. Tự mình chui ra chui vào cái bóng tưởng tượng đó, chứ không ai bắt ép, không ai đùn đẩy, thúc giục mình chui vào hay thoát ra hết. Hãy tự ta bước đi, tự tại vô ngại, ta là ta, ta làm việc bằng tâm ý của ta, ta phụng đạo bằng tâm nguyện của ta… thì tự khắc chỉ còn ta với cái bóng của ta cho đến ngày khuất bóng trần gian thôi. Vậy đó!”

           Thiện nam tín nữ đều rơm rớm nước mắt, vâng dạ lí nhí trong miệng… Sư bỗng dưng trầm lặng, không nói gì nữa, khẽ khàng đưa tay ra hiệu mời vào lại trong tiểu am, rồi rót nước vối đầy ly mời khách uống.

           Ba tiếng chuông báo hết giờ tiếp khách ngân vang…

           Đã gần trưa đứng bóng.

          Sư Chơn Thông đứng nơi cửa tiểu am tiễn khách. Khi cặp thiện nam tín nữ đã bái lễ cáo từ, vừa quay lưng lại để xuống núi, giọng của Sư đuổi vọng theo:

           “Đừng tìm cách thoát. Nếu vẫn cứ thấy, thì hay hơn hết, tốt hơn hết là hãy nhập vào, hòa vào cái bóng đó mà sống thật, sống với Bi Trí Dũng, rồi có ngày sẽ không còn cái bóng của Ta hay của Ai Đó nữa! Nam mô Phật!”

        

          … Một năm trôi qua với biết bao xáo động của dòng đời vạn biến.

           Thiện nam lên lại trên núi, khum lưng cúi mình trước tiểu am, muốn báo tin vui cho Sư biết: “Bây giờ mọi người đều gọi con bằng tên tục, hoặc  pháp danh của con, chứ hết còn nghe gọi con trai của ông nào nữa!”

           Tín nữ đồng hành thì muốn thưa với ân sư: “Thời gian qua, ai cũng gọi con là nữ sĩ Diệu Hồng, chứ không còn gọi là vợ nhà văn, vợ cư sĩ nào nữa ạ!”

            Nhưng ngôi tiểu am đã cài then khép cửa, cỏ dại mọc đầy chung quanh, và dây leo rủ nhau bò vào phía bên trong đang tịch liêu vắng lặng. Sư không còn ở đó nữa. Hỏi thăm mấy nhà dân  ở gần khu vực dưới chân núi thì chỉ biết rằng Sư đã vắng bóng gấn cả năm qua rồi. Không ai biết Sư đi đâu, về đâu.

            Sư đã lưu lại trên ngọn núi vô danh một cái bóng lồng lộng bao trùm xuống cả hồng trần sơn hạ…

 

Tâm Không – Vĩnh Hữu

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/01/2011(Xem: 21488)
Trong Đường Xưa Mây Trắng chúng ta khám phá ra Bụt là một con người chứ không phải là một vị thần linh. Đó là chủ tâm của tác giả...
09/01/2011(Xem: 11566)
Milarepa là Thánh St. Francis của Tây Tạng. Chúng ta không thể nhầm lẫn âm điệu của những ca khúc này với âm điệu của những ca khúc Fioretti...
07/01/2011(Xem: 8313)
Ngày nay, Buddhagay là nơi thu hút giới Phật giáo và các phái đoàn hành hương đến viếng thăm quanh năm. Như một điều kỳ diệu, Buddhagay , một ngôi làng tầm thường, cổ xưa đã được chuyển hoá trong chốc lát. Giờ đây, Buddhgay đang hoạt động mạnh mẽ trong đời sống, và một lần nữa, Buddhagay có triển vọng sẽ là một trung tâm của Phật giáo thế giới. Thánh tích "Bồ-đề Đạo Tràng" (Buddhagay hay còn gọi là Bodhgay ) là địa danh chỉ cho nơi Đức Phật đạt được quả vị giác ngộ tối thượng (Sambodhi). Buddhagay cách thị trấn Gay cũ sáu dặm về phía Bắc, ngày nay cũng được biết với tên Brahmagay , nơi chiêm bái của tín đồ Ấn giáo (Hinduism). Có lẽ tín đồ Ấn giáo đã thêm thuật ngữ ‘Brahma’ vào địa danh của thánh tích này để phân biệt với Buddhagay , thánh tích của Phật giáo. Buddhagaya bây giờ là một thị trấn thịnh vượng, phía bắc giáp với Haripur, phía đông giáp với Mastipur, Dhondowa, Bhalua and Turi, phía nam giáp với Rampur và phía đông giáp với dòng sông Lilajan. Đây là một hình thức
06/01/2011(Xem: 6492)
Tôi và chị chưa hề một lần gây thù chuốc oán với nhau. Vậy mà không hiểu sao ngay từ ngày chạm mặt đầu tiên ở trụ sở Hội Văn Học Nghệ Thuật Tỉnh, bỗng dưng tôi thấy ghét chị thậm tệ. Và nhìn ánh mắt, vầng trán nhăn nhíu, điệu bộ của chị khi đứng gần tôi vào lúc cuộc họp chuẩn bị khai mạc, tôi cảm nhận, thấy biết được chắc chắn rằng chị cũng chẳng ưa gì tôi, có thể là ghét cay ghét đắng tôi, còn hơn cái mức mà tôi ghét chị. Sao kỳ vậy? Đố kỵ tài năng sao? Không phải.
06/01/2011(Xem: 3965)
Sắp Tết đến nơi rồi. Ngồi bên vỉa hè ngập nắng trước ngôi chùa suốt ngày đóng cổng tam quan im ỉm tịch lặng, dì Thanh rơm rớm nước mắt nhìn dòng người ngược xuôi tấp nập trên đường, ai nấy cũng lăng xăng sắm sửa chuẩn bị tống tiễn năm cũ, còn dì thì cứ như bất động, muốn động đậy cũng không còn sinh lực để nhấc cử tay chân. Bây giờ có muốn lo toan đèo bòng cùng thiên hạ, sắm thứ này thứ nọ, thì dì cũng chẳng có tiền để mà đứng dậy đi ra chỗ chợ búa xôn xao trăm hàng khoe sắc. Dì cúi xuống nhìn bé Trang đang nằm ngủ thật vô tư trên manh chiếu rách nát
06/01/2011(Xem: 7194)
Sau kỳ nghỉ hè, trở vào hãng làm việc, không thấy Goga mang theo chó, tôi hỏi : - Ủa , chó của bạn đâu ? Goga, con nhỏ bạn người Nam Tư trả lời : - Chó của tôi còn bé quá, phải một tháng sau, tôi mới mang qua được. - Bạn gởi nó bằng bưu điện ? -Không, tôi sẽ trở về rước.
05/01/2011(Xem: 2926)
Nguyên Nguyễn Tịch, người đời nhà Tấn, là người rất ưa rượu và đàn. Làm quan rồi cáo bịnh về nhà, kết bạn cùng Kê Khang, Lưu Linh, Nguyễn Hàn...
05/01/2011(Xem: 3143)
Thắng trận, Sở Trang vương đời Xuân Thu truyền bày tiệc liên hoan, gọi là "Thái bình yến". Phàm các quan văn võ bất cứ cấp nào đều được tham dự.
04/01/2011(Xem: 52188)
QUYỂN 5 MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI BỐN (Năm 574 trước TL) 91 CÁC LOẠI CỎ Đầu Xuân, khi trời mát mẻ, đức Phật tính chuyện lên đường trở về Sāvatthi. Thấy hội chúng quá đông, đức Phật bảo chư vị trưởng lão mỗi vị dẫn mỗi nhóm, mỗi chúng phân phối theo nhiều lộ trình, qua nhiều thôn làng để tiện việc khất thực. Hôm kia, trời chiều, cạnh một khu rừng, với đại chúng vây quanh, đức Phật ngắm nhìn một bọn trẻ đang quây quần vui chơi bên một đám bò đang ăn cỏ; và xa xa bên kia, lại có một đám trẻ khác dường như đang lựa tìm để cắt những đám cỏ xanh non hơn; ngài chợt mỉm cười cất tiếng gọi:
04/01/2011(Xem: 2980)
Quỳnh Lộc là bạn học cùng lớp với chị cả của tôi, nhà chị cách đó chỉ vài căn. Cùng lớp cùng hàng xóm nên hai chị rất thân nhau. Đã vậy, nhà tôi có năm chị em gái, đủ chuyện, lắm trò càng thu hút chị Quỳnh Lộc chạy sang chơi. Dường như mỗi ngày chị đều ghé đến, sáng, trưa, chiều, tối...bất cứ lúc nào chị rảnh. Ba má tôi cũng dễ dãi, không ngăn cấm gì sự hiện diện của chị. Trái lại, còn coi chị thân thiện như con cháu trong nhà.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]