Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Ngọc & ước nguyện hòa bình

10/04/201316:11(Xem: 7352)
Phật Ngọc & ước nguyện hòa bình


Phật Ngọc & Ước Nguyện Hòa Bình

Phật Ngọc & Ước Nguyện Hòa Bình Thế Giới

 

Thích Nguyên Tạngvà Diễn đọc:Thy Mai

Nguồn: www.quangduc.com



(download file MP3)

phatngoc-tnt



Đôi Lời Giới Thiệu

Nhân Kỳ Tái Bản năm 2011


Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một Đức Phật lịch sử, Ngài sinh ra tại Ấn Độ; cho nên cách phục sức cũng giống như người Ấn Độ thuở bấy giờ cách đây hơn 2.500 năm về trước. Khi Đức Phật còn tại thế, Vua Ưu Điền đã được các thợ giỏi từ cõi trời Ma Hê Thủ La đến tạc một tượng Phật, giống như Đức Bổn Sư để cho Vua chiêm ngưỡng khi Đức Phật còn ở trên cung trời Đao Lợi. Đây là tượng đức Phật đầu tiên có trên cõi đời này.

Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, mỗi nước theo Phật Giáo có cách thờ Ngài khác nhau. Ví dụ như người Phật Tử Tích Lan cung kính cây Bồ Đề và đảnh lễ cây Bồ Đề giống như đảnh lễ Phật. Người Thái Lan, người Lào, người Miên, tạo những tượng Phật vĩ đại bằng vàng, bằng ngọc thạch xanh, đỏ để tôn thờ. Các dân tộc khác tại Á Châu như: Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam, Tây Tạng v.v… cung kính Đức Phật bằng cách xây dựng những ngôi chùa thật lớn và ở giữa Đại điện tôn trí nhiều tượng Phật và Bồ Tát để lễ bái nguyện cầu.

Nếu trước đây 2.500 năm Đức Phật sinh ra tại Âu Châu thì mọi người Âu Châu đã là những người Phật Tử, nhưng vì Ngài thị hiện ở Á Châu cho nên đa phần người Á Châu theo Đạo Phật. Cách đây chừng 200 năm, những nhà học Phật Âu Mỹ đã tìm đến Á Châu để học Phật và rất nhiều người hiểu giáo lý Đức Phật một cách tận tường. Có rất nhiều người Đức, người Pháp, người Anh, người Mỹ, người Úc, người Nga…đã lập Chùa và Thiền đường để thờ Phật và những tượng Phật được thờ ở những nơi ấy đa phần giống như người địa phương khi họ tạo ra những tượng Phật như thế. Điều này hẳn quý vì Đức Phật hiện thân ở nhiều địa phương và hoàn cảnh khác nhau, không nhất thiết phải hoàn toàn như người Ấn Độ thuở trước.
Tại Úc vùng Bendigo thuộc Tiểu Bang Victoria có Ông Bà Ian Green và Judy, đã phát tâm tạo thành một pho tượng Phật ngọc vô giá để thờ tại chùa Tây Tạng, nhưng nhờ nhiều nhân duyên hy hữu khác nhau, Đức Phật này đã chu du đi nhiều nước trên Thế Giới như: Thái Lan, Việt Nam, Úc, Hoa Kỳ, Canada, Đức, Anh…và đã có khoảng trên 5 triệu người đến chiêm bái, đảnh lễ Ngài. Đây là công đức không nhỏ của người làm chủ tượng Phật Ngọc này và cả cho những người Phật Tử khác ở tại các châu lục.

Từ ngày 16 đến ngày 26 tháng 6 năm 2011 tôn tượng Phật Ngọc này sẽ được thỉnh về và tôn trí trong khuôn viên Chùa Viên Giác Hannover để các Phật Tử Việt Nam cũng như Đức đến lễ bái nguyện cầu. Thứ b ảy ngày 16 tháng 6 sẽ có lễ khai mạc và suốt trong 10 ngày ấy mỗi ngày đều có tụng kinh, lễ bái, nguyện cầu cũng như sự phụ diễn văn nghệ của 2 Ca Sĩ Phật Tử đến từ Hoa Kỳ là Nguyên Lê và Quang Lê. Tối ngày 25 tháng 6 là đêm Lễ Hội Hoa Đăng và sáng ngày 26 tháng 6 năm 2011 là lễ bế mạc. Chúng tôi mong rằng quý Phật Tử tại Đức và Âu Châu cố gắng thu xếp thời gian về Chùa Viên Giác để chiêm bái nguyện cầu...

Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, Phó Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức tại Melbourne, Victoria, Úc Châu phát tâm biên soạn và ấn hành quyển: “Phật Ngọc và ước nguyện Hoà Bình Thế Giới” gởi đến quý Phật Tử xa gần để quý vị đọc cũng như cầu nguyện trong sự tỉnh thức, nhằm tạo niềm tin cao thượng nơi bậc Đại Giác Thế Tôn qua sự chiêm bái này.
Ngưỡng nguyện Tam Bảo từ bi gia hộ cho Thế Giới hoà bình, nhân sinh an lạc.

Thành tâm giới thiệu.
HT Thích Như Điển
Phương Trượng Chùa Viên Giác Hannover- Đức Quốc


phatngoc-tnt_5

Lời giới thiệu của TT Thích Tâm Phương


Trong Kinh A Hàm có ghi nhận rằng vào mùa An Cư thứ 7 (năm 583 trước TL) Đức Phật Thích Ca vận thần thông đến cung trời Đao Lợi để giảng pháp độ mẫu thân, chính vì thế mà Đức Phật đãvắng mặt tại Ấn Độ ba tháng, không gặp được Phật trong một thời gian dài như thế, nên Vua Ưu Điền (Udayana) trị vì kinh đôKosambi, thương nhớ buồn khổ mà sinh bệnh. Các quan đại thầntriệu tập các điêu khắc gia lừng danh đương thời, dùng gỗ chiên đàn ở núi Ngưu-đầu khắc một pho tượng thật giống như Phật, cao năm thước, dâng lên đức vua. Vua nhìn thấy pho tượng Phật, tưởng như gặp lại Phật, liền đảnh lễ chiêm bái, lập tức đức vua liền khỏi bệnh.

Đó là pho tượng Phật Thích-Ca Mâu-Ni đầu tiên trong lịch sử của Phật Giáo thế giới, từ hơn hai ngàn năm trăm qua, hàng đệ tử Phật trên khắp năm châu bốn biển đã tôn tạo không biết bao nhiêu pho tượng để tôn vinh, chiêm ngưỡng, cung kính và lễ bái Ngài trong quá trình tu tập của mình. Nhưng giờ đây, Phật Ngọc vẫn là pho tượng đầu tiên trên thế giới được tạc bằng ngọc quý hiếm, pho tượng này được ông bà Đạo Hữu Ian Green và Judy thuộc Chùa Tây Tạng ở vùng Bendigo (Victoria, Úc Châu) tôn tạo từ một tảng ngọc thạch hơn 3000 năm tuổi, được khai quật tại mỏ ngọc ở miền Bắc Canada, khối ngọc này được trả với giá tượng trưng là một triệu Mỹ Kim, sau đó được đưa về Thái Lan để điêu khắc trong thời gian 5 năm, đầu năm 2009 này, pho tượng đã hoàn thành và được xem là pho tượng lớn nhất và trang nghiêm nhất trên thế giới hiện nay được điêu khắc từ ngọc thạch quý hiếm. Tượng Phật (kể cả pháp tòa và đài sen) có chiều cao 4m85, nặng 5 tấn. Với chiều kích và vẻ đẹp của tôn tượng, Phật Ngọc này được vinh danh là kỳ quan của thế giới hiện nay. Được chiêm bái và đảnh lễ tượng Phật được tạo ra từ một loại ngọc quý hiếm là một duyên lành khó có được trong cuộc đời này.

Bao nhiêu ước mơ của đồng hương Phật tử tại Victoria nay đã trở thành sự thật, Phật Ngọc đã về đến thành phố Melbourne và được triển lãm tại Tu Viện Quảng Đức. Đây là nhân duyên thù thắng cho đồng hương Phật tử tại tiểu bang Victoria có cơ hội để chiêm báiPhật Ngọc. Tôn tượng này đã được triển lãm tại 6 thành phố tại Việt Nam và 4 tiểu bang tại Úc Châu, với hơn bốn triệu người đến chiêm ngưỡng trong tinh thần cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Tu Viện Quảng Đức trân trọng kính mời quý Đồng Hương Phật Tử xa gần hoan hỷ về tham dự: Lễ Khai Mạc Triển Lãm Phật Ngọc và Xá Lợi Phật, lúc 5 giờ chiều ngày 5-12-2009, và Lễ bế mạc lúc 8 giờ tối 20-12-2009 ngay trong khuôn viên Tu Viện Quảng Đức: 105 Lynch Rd, Fawkner, VIC 3060. Melway 17 J4, chi tiết xin liên lạc: 03. 9357 3544.

Tập sách nhỏ này với bài viết tóm gọn của Thầy Phó Trụ Trì Thích Nguyên Tạng, sẽ giúp cho người chiêm bái biết rõ phần nào về lịch sử hình thành pho tượng Ngọc Thạch này. Nguyện đem công đức trưng bày tôn tượng Phật Ngọc tại Tu Viện Quảng Đức cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh được an lạc. Chúng con cũng xin hồi hướng công đức này cho công trình xây dựng Bảo Tháp Tứ Ân sớm hoàn tất viên mãn.

Thành tâm tán dương công đức của ông bà Ian Green và Judy đã phát tâm tôn tạo pho tượng Phật Ngọc vô giá này cho Phật tử thế giới có cơ hội chiêm bái. Thành kính cảm tạ tất cả chư Tôn Đức Tăng Ni, quý Phật tử thuộc Đạo Tràng Tu Viện Quảng Đức và Đồng Hương Phật tử trong và ngoài tiểu bang Victoria đã đóng góp tài công vật lực cũng như sự gia tâm cầu nguyện, để hai tuần lễ chiêm bái Phật Ngọc tại Tu Viện Quảng Đức được thành tựu như ước nguyện.

Thành kính chúc nguyện chư Tôn Đức Tăng Ni và quý Đồng Hương Phật Tử xa gần có được những phút giây thanh thoát an lạc khi chiêm bái Phật Ngọc.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Melbourne, cuối mùa đông 2009
Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức
Tỳ Kheo Thích Tâm Phương



phatngoc-tnt_2

Phật Ngọc
và ước nguyện hòa bình thế giới
Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Biên soạn



Pho tượng Phật Ngọc đang triển lãm vòng quanh thế giới được xem là pho tượng lớn nhất và trang nghiêm nhất trên thế giới hiện nay được điêu khắc từ ngọc thạch quý hiếm. Tượng Phật này, tính luôn pháp tòa và đài sen, có chiều cao 4 mét 85. Với chiều kích và vẻ đẹp của tôn tượng, pho tượng với tên gọi “Phật Ngọc cho nền hòa bình thế giới” này được vinh danh là kỳ quan của thế giới trong thời hiện đại.

Tượng Phật Thích Ca được tôn thờ bên trong Bảo Tháp Đại Giác Ngộ ở Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) được chọn làm khuôn mẫu cho Phật Ngọc Hòa Bình Thế Giới này, đơn giản vì pho tượng ở Bồ Đề Đạo Tràng là hình ảnh quen thuộc của hàng triệu đệ tử Phật trên khắp thế giới. Hiệp Hội Đại Bồ Đề đã cho phép nghiên cứu chụp hình một cách chi tiết tỉ mỉ pho tượng. Các nhà điêu khắc và tạc tượng ở Thái Lan đã dựa vào các hình ảnh chụp ấy để tôn tạo Phật Ngọc này.

Phật Ngọc cho Hòa Bình Thế Giới được xem là pho tượng lớn nhất và trang nghiêm nhất trên thế giới hiện nay được điêu khắc từ tảng ngọc thạch. Tượng Phật (kể cả pháp tòa và đài sen) có chiều cao 3 mét 5. Với chiều kích và vẻ đẹp của tôn tượng, Phật Ngọc này được vinh danh là kỳ quan của thế giới hiện nay.

Tượng Phật Thích Ca được tôn thờ bên trong Bảo Tháp Đại Giác Ngộ ở Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) được chọn làm khuôn mẫu cho Phật Ngọc Hòa Bình Thế Giới này, đơn giản vì pho tượng ở Bồ Đề Đạo Tràng là hình ảnh quen thuộc của hàng triệu đệ tử Phật trên khắp thế giới. Hiệp Hội Đại Bồ Đề đã cho phép nghiên cứu chụp hình một cách chi tiết tỉ mỉ pho tượng. Các nhà điêu khắc và tạc tượng ở Thái Lan đã dựa vào các hình ảnh chụp ấy để tôn tạo Phật Ngọc này.

Giá trị của pho tượng Phật Ngọc: Được chiêm bái và đảnh lễ tượng Phật được tạo ra từ một loại ngọc quý hiếm là một duyên lành khó có được trong cuộc đời này. Đức Phật đã từng đề cập điều này trong Kinh Thủ Ấn Tăng Tín Lực rằng: “ Chỉ một phút giây ngắn ngủi chiêm ngưỡng Phật tượng, hành giả ấy đã được vô lượng công đức rồi, huống chi người ấy được đối trước Phật tượng mà lễ bái, cúng dường, thì công đức còn nhiều hơn gấp bội”.

Hành Trình của Tượng Phật Ngọc: Tháng 12, 2006 Vận chuyển khối ngọc Polar Pride từ Vancouver đến Bangkok; Tháng 05, 2007 Mô hình đầu tiên được Lama Zopa Rinpoche điều chỉnh; Cuối 2007 Mô hình thứ hai được Lama Zopa Rinpoche điều chỉnh; Cuối 2007 Mô hình thứ ba được Jonathon Partridge điều chỉnh; Đầu 2008 Mô hình thứ tư được chấp thuận; Đầu 2008 Jade Thongtavee bắt đầu khắc tượng; Tháng 06, 2008 Hoàn tất công trình khắc tượng; Tháng 07, 2008 Hoàn tất công trình đánh bóng tượng; Tháng 12, 2008 Hoàn tất nghi lễ chú nguyện; Đầu năm 2009 Chương trình triển lãm bắt đầu.


phatngoc-tnt_3


Phật Ngọc Cho Hòa Bình Thế Giới: Tượng Phật trong Bảo Tháp Đại Bồ Đề (Mahabodhi Stupa), ở Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) được chọn làm mẫu tượng cho Phật Ngọc. Tượng Phật rất uy nghi với tư thế “xúc địa ấn”.

Trên thế giới  chỉ có tôn tượng Phật Thích Ca thành đạo tại Bồ Đề Đạo Tràng là có tướng bàn tay “xúc địa ấn”, đây là nét đặc trưng so với nhiều pho tượng khác. Trong đêm Phật thành đạo, khi Ngài chuẩn bị  đạt đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì Ma Vương bỗng ở đâu xuất hiện và chất vấn Ngài: “Điều gì sẽ làm chứng cho việc Ngài đạt được giác ngộ ?”. Lúc đó Đức Thế Tôn liền chạm tay xuống đất (theo thế ấn “Xúc Địa”) và nói rằng: “chính mặt đất này là chứng nhân, đã chứng kiến qua nhiều kiếp, ta đã viên thành hạnh nguyện Bố thí ba-la-mật, Trì giới ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật , Thiền định ba-la-mật, Trí tuệ ba-la-mật , Chơn thật ba-la-mật, Nguyện lực ba-la-mật , Từ ba-la-mật và Xả ba-la-mật ” Ngay lúc đó, mặt đất rung chuyển, với âm thanh vang dội khắp vũ trụ. Ma vương run sợ, thất bại, và rút lui.


jadebuddha-6
Đức Thế Tôn liền chạm tay xuống đất (theo thế ấn “Xúc Địa”)



Lạt Ma Zopa Rinpoche chọn mẫu tượng này vì đây là hình ảnh quen thuộc của đức Phật trong lòng Phật tử ở khắp mọi nơi. Ban điều hành chùa Bồ Đề Đạo Tràng đặc biệt cho phép chụp nhiều hình ảnh ghi lại mọi chi tiết tỉ mỉ của tượng Phật để mang về cho các nhà khắc ngọc tạo dựng mẫu tượng. Tôn tượng này được tạc từ khối ngọc thạch vĩ đại mang tên “Polar Pride”. Lạt Ma Zopa Rinpoche nói rằng, “Phật Ngọc sẽ thắp sáng toàn cõi thế gian này, Phật Ngọc sẽ mang niềm an lạc, hạnh phúc không thể nghĩ bàn đến cho chúng sanh, sự ảnh hưởng của Phật Ngọc sẽ góp phần ngăn chận những cuộc chiến tranh, những hủy hoại tàn phá đang xảy ra khắp nơi trên thế giới”.

Niềm kiêu hãnh của Bắc Cực : nằm sâu thẳm trong lòng đất miền Bắc Canada, dưới rặng núi British Columbian là nền ngọc thạch. Ở đây, giữa những đồi cỏ xanh tươi đầy hoa dại, ngọc thạch nằm ớ đó với trọn vẻ trang nghiêm. Được khám phá đầu tiên vào thập niên 60 và 70, mỏ ngọc này được xem là nền ngọc lớn nhất trên thế giới. Vào cuối năm thập niên 90 xảy ra ở đây một điều bất ngờ. Người ta tìm thấy ở phía Nam biên giới Yokon một nền ngọc thạch với màu xanh rực rỡ sáng đẹp chưa từng thấy trước đây. Lấy bối cảnh đặt tên, tảng ngọc này được gọi là "Ngọc Bắc Cực" (Polar Jade). Các nhà nghiên cứu khoa học cho biết loại ngọc này cứng chắc hơn bất cứ loại ngọc thạch Nephrite nào khác. Màu ngọc sáng bóng, chất lượng được đánh giá là loại ngọc quí dùng làm nữ trang. Trong thế giới tâm linh, người ta thường tin rằng ngọc thạch chứa đựng nguồn năng lực linh thiêng phi thường, có thể giúp chữa lành bệnh và khiến cho tà ma yêu quái lánh xa. Những tác phẩm điêu khắc bằng ngọc thạch thường được thế giới đánh giá cao. Thật sự Ngọc Bắc Cực đã thay đổi cách nhìn của cả thế giới về ngọc thạch Nephrite.

Rồi đến năm 2000, người ta tìm thấy một khối ngọc khiến cho toàn thế giới một lần nữa kinh ngạc. Khối ngọc này vĩ đại chưa từng thấy, hoàn toàn không tì vết, phẩm lượng đá quí Ngọc Bắc Cực. Khối ngọc có trọng lượng 18 tấn được gọi tên là “Polar Pride”, nghĩa là "niềm Kiêu Hãnh của Bắc Cực". Khối ngọc này được một nhà nghiên cứu đá quí lừng danh thế giới, ông Fred Ward, đánh giá là một "khám phá mới của thiên niên kỷ".

Sau khi khối ngọc “Polar Pride” được tìm thấy, người ta hỏi ông Kirk Makepeace, giám đốc công ty khai thác ngọc rằng ông sẽ làm gì với khối ngọc này? Ông cho biết “Tôi sẽ để thế giới quyết định, tôi gọi khối ngọc này là Polar Pride, và tôi sẽ không xẻ thêm chút nào vào khối ngọc này. Tôi sẽ để nguyên như vậy mà đấu giá, vì đây là một kỳ quan của thiên nhiên. Tôi mong muốn khối ngọc này sẽ trở thành một món vật vô giá được tôn trí trong viện bảo tàng, một công trình lớn hay một biểu tượng nào đó; quả thật đây là khối ngọc thạch nephrite với màu xanh sáng đẹp chưa từng thấy trước đây trên toàn thế giới”.

Một đêm nọ từ miền núi tại thung lũng Kathmandu thuộc Nepal, Lạt Ma Zopa, vị Thầy lãnh đạo tối cao của Hội Bảo Tồn Phật Giáo Đại Thừa (fpmt.org) đã nằm mộng nhìn thấy khối ngọc tại Canada, giật mình thức giấc, Ngài đã gọi điện cho đệ tử Ian Green và khuyến khích ông nên tìm đến nơi để thỉnh cho được khối ngọc ấy và tạo dựng tượng Phật, với nguyện ước ánh sáng của Phật ngọc sẽ mang niềm an lạc, hạnh phúc đến cho chúng sanh và cũng là mục đích ngăn chận những hiểm họa tàn phá của ô nhiễm môi trường và chiến tranh. Ông Ian Green lúc đó đang bận rộn công việc xây dựng Bảo Tháp Đại Từ Bi nhưng đã bỏ ngang để lên đường tìm đến Canada và cuối cùng đã thương lượng cùng với Kirk Makepeace để thỉnh được khối ngọc này. Khối ngọc đã bắt đầu một cuộc hành trình vận chuyển từ hải cảng Vancouver đến thủ đô Bangkok vào tháng 12 năm 2006. Sau nhiều tháng phân vân và chọn lựa, cuối cùng tượng Phật tại bảo tháp Đại Giác Ngộ ở Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Phật thành đạo tại Ấn độ được chọn làm kiểu mẫu, vì hàng vạn đệ tử Phật đã quen với dáng ngồi, nét mặt, nụ cười của pho tượng này.

Phật Ngọc Quanh Thế Giới : Trên thế giới trước đây đã có một vài tượng Phật bằng ngọc, danh tiếng nhất là Phật Ngọc ở Chùa Shwedagon, Miến Điện (hình bên dưới), "Phật Ngọc Lục Bảo" ở Thái Lan, và Phật Ngọc ở Chùa Phật Ngọc, Thượng Hải. Phật Ngọc khắc từ khối ngọc thạch Polar Pride nhất định cũng sẽ tràn đầy ý nghĩa như các tượng Phật Ngọc nói trên.

phatngoc-tnt_1


Điêu khắc Phật Ngọc tại Thái Lan:

Công trình khắc tượng Phật Ngọc do công ty Jade Thongtavee đảm nhận. Đây là một công ty Thái Lan làm việc lâu năm và uy tín trong giới khắc ngọc, cơ sở tọa lạc gần Chiangrai phía Bắc Thái Lan. Công Ty Jade Thongtavee do ông Boonthong Yotharvut thành lập. Sau nhiều năm kinh nghiệm khắc ngọc ở Thái, ông Yotharvut đã sang Trung Hoa tu học kỹ thuật chạm ngọc trên hơn một năm. Khi trở lại Thái Lan, ông thành lập công ty Jade Thongtavee vào năm 1973.

Jade Thongtavee nay có hơn 30 tay thợ khắc ngọc lão luyện, tạo ra nhiều sản phẩm mỹ thuật nổi tiếng có giá trị nghệ thuật cao, được các nhà sưu tập và chùa chiền ở khắp nơi ưa chuộng. Công trình điêu khắc Phật Ngọc này là do ông Vanit Yotharvut, con trai của nhà sáng lập công ty và cũng là giám đốc đương thời của công ty Thongtavee, trực tiếp giám sát và theo dõi từ lúc khởi công cho đến lúc hoàn mãn. Ông Vanit đã được mời đến tham dự Lễ Khai Mạc Triển Lãm Phật Ngọc tại địa điểm đầu tiên ở VN, Chùa Quán Thế Âm, Đà Nẵng, vào đầu tháng 3 năm 2009 vừa qua.

Công ty này đã thực hiện hai mô hình trước khi bắt đầu khắc tượng, một mô hình thu nhỏ và một mô hình đúng kích thước. Các mô hình khắc tượng được lãnh đạo tinh thần của công trình khắc tượng này là Lạt Ma Zopa Rinpoche đích thân kiểm soát và phê chuẩn.

Phật ngọc đã khắc xong
Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới triển lãm Phật Ngọc Hoà Bình: Lần đầu tiên Việt Nam triển lãm một tượng Phật bằng đá quý vĩ đại này và cũng là nước đầu tiên trên thế giới có thắng duyên được triển lãm Phật Ngọc. Sau khi kết thúc chương trình triển lãm ở Việt Nam, Phật Ngọc này sẽ được thỉnh đến triển lãm ở các thành phố lớn của Úc Đại Lợi như Brisbane, Sydney, Perth, Adelaide và Melbourne, trước khi đến Hoa Kỳ, Canada và Châu Âu.

Lịch trình triển lãm tượng Phật Ngọc ở Việt Nam
Từ ngày 13/3 -15/3: Chùa Quán Thế Âm (Non Nước, Đà Nẵng)
Từ ngày 21/3 - 26/3: Chùa Đại Tùng Lâm (Bà Rịa Vũng Tàu)
Từ ngày 29/3 – 5/4: Chùa Phổ Quang (Quận Tân Bình, Sài Gòn)
Từ ngày 9/4 – 24/4: Chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, Sài Gòn)
Từ ngày 1/5 – 10/5: Chùa Vạn An (Châu Thành, Đồng Tháp)
Từ ngày 16/5– 22/5: Chùa Phật Tích (Bắc Ninh, Việt Nam)

Tại Úc Châu lịch trình triển lãm như sau:
- June 19-23 : Reddacliff Place (Queensland)
- June 24-July 5: Wat Thai Buddharam (Queensland)
- July 10- August 9: Chinese Gardens, Darling Harbour (Sydney)
- August 07-16 : Van An Temple (Sydney)
- August 22- September 20: Minh Quang Temple (Sydney)
- October 3-18: Pháp Hoa Temple (Adelaide)
- October 30-November 15: Venue TBC ( Perth)
- December 1-2: Sydney Entertainment Centre ( Sydney)
- December 5-20, 2009: Quang Duc Monastery (Melbourne)

Lịch trình triển lãm tại Hoa Kỳ và Canada như sau:

- Jan and Feb 2010: Phat Da Temple (California)
- Feb 2010: Bao An Temple (Florida)
- Mar 2010: Kim Cang Monastery (Georgia)
- Mar 2010: Minh Dang Quang Nunnery (Florida)
- Mar 2010: Vietnam Temple (Texas)
- Apr 2010: Wat Buddharangsi (Florida)
- May 2010: Linh Son Temple (Massachusetts)
- Jun 12-20, 2010: Phap Van Temple (Ontario, Canada)
- July 25 – July 18, 2010: Tuong Van Monastery (Virgina, USA)
- July 24 – August 01, 2010: Truc Lam Monastery (Edmonton, Canada)
- August 20-September 01, 2010: Bat Nha Temple (Santa Ana, USA)
- September 04-12, 2010: Compassionate Eyes (Santa Ana, USA)
- October 14-24, 2010: Maitreya Buddhist Cultural Center (Santa Jose, USA)
- December 23-January 2, 2011: Phat To Temple (Long Beach, USA)

Lịch trình triển lãm tại Châu Âu như sau:
- June 4-12, 2011: Phat Hue Temple (Frankfurt, Germany)
- June 18-26, 2011: Vien Giac Temple (Hannover, Germany)
- July 02-10, 2011: Linh Thuu Temple (Berlin, Germany)
- July 16-24, 2011: Tam Giac Temple (Munich, Germany)
- July 30-August 07, 2011: Tu Dam Temple (Birmingham, UK)


jadebuddha-5

Tượng Phật với bàn tay xúc địa ấn




Mục đích của việc triển lãm: Mục đích của việc triển lãm tượng Phật Ngọc & Xá lợi Phật là tạo cơ duyên cho nhiều người đến chiêm bái và đảnh lễ, không phân biệt tôn giáo, tất cả đều có thể tới tham dự miễn là chúng ta dành một chút thời gian để khi chiêm bái, ta có dịp thấy rõ hơn về giá trị của hòa bình, để cầu nguyện Phật Ngọc và Xá lợi Phật sẽ đem lại hòa bình cho thế giới, bình an cho các mối quan hệ, bình an cho gia đình và bè bạn, bình an trong công sở, và sự thanh thản trong tâm hồn. Chúng tôi kỳ vọng rằng với niềm khát khao mãnh liệt ấy sẽ mang đến niềm hoan hỷ và khích lệ lớn lao cho những ai có cơ hội được chiêm ngưỡng tượng Phật Ngọc, đặc biệt trong thời điểm thế giới của chúng ta đang bị bao vây bởi những bóng đen của chiến tranh và thiên tai.

Đôi nét về người phát tâm tôn tạo pho tượng Ngọc Phật này

Như đã nói, với lời khuyến khích của Lạt Ma Zopa, Đạo hữu Ian Green đã phát tâm tôn tạo pho tượng Ngọc Phật này. Đạo hữu Ian Green đã là một Phật tử hơn 35 năm qua. Năm 1970, sau khi tốt nghiệp Đại Học, ông Ian đã lên đường hành hương sang Ấn Độ. Tại đây, giống như nhiều Phật tử Tây Phương khác, ông đã xúc động thật sự khi phát hiện ra nền đạo học Đông phương huyền bí, ông cho biết “ tôi thích thú khi hiểu rằng đời sống tâm linh đóng vai trò rất quan trọng trong nền văn hoá Á Đông, điều đó đã giúp tôi thấy rõ xã hội phương Tây quả là thiên về vật chất”. Đạo hữu Ian Green đã đến chiêm bái thành Ba La Nại, nằm dọc theo sông Hằng và đến tận gần vườn Lộc Uyển, nơi Đức Phật Thích Ca lăn chuyển bánh xe Pháp đầu tiên. Ông vẫn còn nhớ mãi vẻ tĩnh lặng không cùng ở nơi này, trái ngược với cả những gì náo nhiệt, ồn ào ở các thành phố khác của xứ Ấn. Ian cũng thấy tâm của ông hoàn toàn an tịnh tại vườn Lộc Uyển, như thể là ông đã về đến nhà của mình. Ông cũng ngập tràn cảm xúc khi chiêm ngưỡng những bức phù điêu trạm trổ tại Thánh tích này, vì đây một công trình tạc khắc từ đá ở vườn Lộc Uyển mà theo ông “dường như có một năng lực khó tin tỏa ngời từ bên trong”.

Đạo hữu Ian Green đã chiêm ngưỡng Đại Tháp ở vườn Lộc Uyển nơi được đánh dấu là Đức Phật giảng bài pháp đầu tiên sau khi Ngài chứng ngộ, cũng là một trong bốn Thánh tích quan trọng của Phật giáo. Sau khi viếng thăm vườn Lộc Uyển, ông mua một cuốn sách, đề tài “Phật giáo là gì?” để tìm hiểu những ý niệm của Phật giáo như Nhân Quả, Nghiệp Báo, Tái Sanh….. Ông nói “Tôi có cảm tưởng tôi đã biết tất cả những điều này, dù rằng chưa từng thấy những lời dạy này trước đó”. Ian Green bây giờ cũng cảm nhận rằng bản thân của mình đã có cơ duyên tiếp cận với Phật giáo từ những kiếp quá khứ…. Và cố nhiên ông đã “không có một chọn lựa nào khác hơn mà tự xem mình là một Phật tử”. Tiếp đó, ông có duyên gặp được hai vị Lạt Ma Tây Tạng tại Tu Viện Kopan nằm trong thung lũng Kathmandu ở Nepal vào năm 1975 và khi đó ông tham dự khóa tu một tháng cùng với nhiều bạn trẻ người Tây Phương khác, dưới sự dẫn dắt của hai vị Thầy, đó là Lạt Ma Yeshe và Lạt Ma Zopa.

Năm 1981, Ian Green đã cung thỉnh hai vị Thầy đến thăm gia đình ông ở Bendigo. Trong dịp này, thân phụ của ông đã phát tâm cúng dường 50 mẫu đất cho Lạt Ma Yeshe để kiến lập một trung tâm Phật giáo. Lạt Ma Yeshe sau đó đã đích thân phát họa sơ đồ chính trên khu đất mênh mông này, ngài quyết định khu nào xây dựng cái gì, ví dụ khu đất cao nhất, ngài cho xây dựng Bảo Tháp Đại Bi và xung quanh khu đất này là Chánh Điện Atisha, Thiền Đường Thubten Shredrup Ling, Thư Viện…. Rất tiếc Lạt Ma Yeshe đã không nhìn thấy được những thành quả như ngày hôm nay, vì Ngài đã viên tịch vào năm 1984, và mọi công trình Phật sự dang dở của Hội đã được Lạt Ma Zopa thừa kế cho đến tận ngày hôm nay.

phatngoc-tnt_8

TT. Nguyên Tạng & Ông bà Đạo Hữu Ian Green (bên phải)
(hình chụp tại tuần lễ chiêm bái Xá Lợi Phật tại Tu Viện Quảng Đức, tháng 10-2008)


Lạt Ma Thubten Yeshe (1935-1984): Ngài là một pháp sư nổi tiếng, là Sư Phu của Đạo hữu Ian Green, Ngài là người góp sức san bằng các chướng ngại địa dư và nối liền những phân cách văn hóa và chủng tộc để dòng tuệ giác mặt trời đầu nguồn Tây Tạng chảy xuống vùng đất lạ Tây phương. Ngài sinh vào tháng 5 năm 1935 tại ngoại ô thủ đô Lhasa, Tây Tạng. Lên 6 tuổi Ngài xuất gia và trải qua 20 năm tu luyện tại tu viện Sera ở Lhasa. Đây là thời gian tuyệt vời, thánh thiện và cao khiết nhất trong đời của Ngài, Ngài nhớ lại : "Tôi và khoảng 10.000 Tăng sĩ khác đã vui vẻ khép mình trong đời sống giới luật. Một bông hoa cũng không được phép nở nếu nó làm ta xao lãng việc điều tâm định ý". Năm 1959, ở tuổi 25, Ngài đến tỵ nạn tại vùng Đông Bắc Ấn Độ ; tại đây Ngài bắt đầu học Anh văn để chuẩn bị cho một cuộc sống mới. Năm 1961, Ngài thu nhận người đệ tử Tây phương đầu tiên là quận chúa Zina Rachevsky, một công nương xinh đẹp với mái tóc màu bạch kim, thuộc dòng dõi quý tộc Nga. Sau ngày đế chế Nga sụp đổ gia đình của Zina sang lánh nạn ở California, mẹ cô là người thừa hưởng một gia tài khổng lồ, và là một trong những người đàn bà giàu nhất nước Mỹ. Zina lớn lên trong sự giàu có đó và trở nên hư hỏng vì tình dục và ma túy. Đầu thập niên 60, Zina rời bỏ nước Mỹ để theo sống với nhóm nghệ sĩ ở Hy Lạp, rồi lại tìm đến vùng đất thánh Hippy Ấn Độ. Lúc cô gặp được Lama Yeshe thì cô đã tàn phai và khô cằn vì ma túy, rượu mạnh và lối sống buông thả. Qua 9 tháng học giáo lý, Zina quyết định xuất gia trở thành Sư cô. Sau đó, Zina được Lama Yeshe đưa đến Nepal để tu học. Tại đây, Zina đã mua đứt một vùng đất rộng trên ngọn đồi nhìn xuống thủ phủ Kathmadu để xây dựng tu viện Kopan. Sư cô Zina nhập thất tu học được 3 năm thì qua đời ở tuổi 42.

Vào tháng 11 năm 1971, Lama Yeshe bắt đầu mở khóa tu Lam Rim (Tiệm Đạo) cho 250 người Tây phương đến dự tu khóa này. Mặc dù vốn liếng Anh văn giới hạn nhưng Ngài giảng pháp rất hay. Ngài nói : "Tôi tin rằng Phật giáo có những điều quý giá để tặng cho người Tây phương những người thiếu hiểu biết về chức năng của tâm thức. Xuyên qua tâm thức, ta có thể đạt được những trạng thái hạnh phúc không thể ngờ được". Sau khóa tu có cô Max Mathews (người Mỹ) và ông Nick Ribush (một bác sĩ người Úc) xin xuất gia.

Năm 1974, Lama Yeshe cùng với Lama Zopa và sư cô Max Mathews đến bang Indiana (Mỹ) để thăm nhóm thiền sinh của Lois-Bod Wood, những người từng đến tu học tại Ấn Độ. Sau khi rời Mỹ đoàn đến Úc để diễn thuyết và thành lập Viện Quan Âm ở bang Queensland, đây là trung tâm Phật giáo (TTPG) đầu tiên của một chuỗi rất dài những TTPG mọc lên ở Úc, Âu và Mỹ châu sau này. Một năm sau, Lama Yeshe theo lời mời nên tổ chức chuyến hoằng pháp vòng quanh thế giới thứ hai gồm Mỹ, Úc và bốn nước khác ở châu Âu.

Đến tháng 11 năm 1975, tại bang California, Lama Yeshe tuyên bố thành lập Hội Bảo tồn Phật giáo Đại thừa (Foundation for The Preservation of The Mahayana teachings, viết tắt là FPMT), tổ chức này phát triển rất nhanh, đến nay có trên 100 chi nhánh ở 20 quốc gia khác nhau bao gồm Nepal, Ấn Độ, Anh, Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Brasil, Hy Lạp, Nhật Bản, Đài Loan... Ngoài các chi nhánh này còn có một nhà xuất bản rất thành công là Wisdom Publications ở bang Massachusetts và một Phật học viện Nalanda gần Toulouse, Pháp quốc, đã có thể cung cấp một chương trình tu học đa diện cho Tăng sĩ phương Tây mỗi ngày càng đông.

Đến ngày 3/03/1984, Ngài đau nặng vì bệnh tim, và đã viên tịch ở tuổi 49 tại Los Angeles, bang California, để lại phía sau mình một tổ chức khổng lồ do người đệ tử Lama Zopa đang gánh vác. Hai năm sau (từ ngày mất), người ta đã phát hiện ra Ngài trong một dáng hình khác, đó là Osel Hita Torres, sinh ngày 12/02/1985, Ngài đã tái sinh trở lại Bubion, Tây Ban Nha.
Lạt Ma Zopa Rinpoche sinh năm 1946 tại Khumbu, Nepal, dưới rặng núi Everest. Ngài được xem là hậu than của cố Lạt Ma Lawudo. Năm 1957, Ngài xuất gia tại Tu Viện Dungkar, sau đó theo học tại Phật Học Viện Sere cho đến năm 1959, sau đó cùng với Thầy của mình đến tỵ nạn tại Ấn Độ. Từ năm 1984, Ngài là người thừa kế và lãnh đạo Hội Bảo Tồn Phật Giáo Đại Thừa, văn phòng trung ương của Hội đặt California, Hoa Kỳ. Lạt Ma Zopa là người chỉ đạo và thẩm định mọi việc, từ lúc khởi nguyên cho đến lúc hoàn thành dự án tôn tạo Phật Ngọc này.

Trở lại với phần đóng góp của Đạo Hữu Ian Green, có thể nói Bảo Tháp Đại Từ Bi tại Bendigo đã trở thành công trình của cả cuộc đời Đạo hữu Ian Green. Lúc chưa khởi công, Ian Green chỉ dám ước mơ là mình chỉ thực hiện phần nền móng và dàn sắt, nay ước mơ đó thành tựu, ông đã hoàn tất phần nền móng và dàn sắt kiên cố với chi phí hai triệu đô la Úc, dự án còn lại là xây dựng 9 tầng, với tổng chi phí khoảng 20 triệu đô la (tính trong thời điểm 2009 này). Xin cầu nguyện và tha thiết kêu gọi quý Phật tử xa gần ủng hộ và tiếp tay giúp cho Ian Green và PG Tây Tạng sớm thành tựu công trình xây dựng này.
Bảo Tháp Đại Từ Bi này đã khởi nguồn từ niềm mơ ước của Lạt Ma Yeshe, vì Ngài muốn tái tạo lại Đại Tháp Gyantse ở bên ngoài xứ sở Tây Tạng. Do vậy mà Ian Green cố gắng thực hiện hoài bảo của Sư Phụ bằng cách cho vẽ họa đồ Bảo Tháp Đại Từ Bi ở Bendigo có cùng kích thước và kiến trúc giống như Bảo Tháp Gyantse ở Tây Tạng (xây dựng hoàn thành vào thế kỷ thứ 15, cao 48 mét, gồm có 9 tầng, 108 cửa vào, bên trong có 75 điện thờ khác nhau, và trưng bày trên 100,000 hình tượng Phật, Bồ Tát khắp nơi trong Bảo Tháp). Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói thêm về Bảo Tháp Đại Từ-Bi như sau “Ngay ở thời điểm này, khi những di sản văn hóa Tây tạng đang dần bị tiêu diệt, kiểu mẫu Tháp theo phương cách Tây Tạng mang lại nhiều ý nghĩa cho đời sống tâm linh của Phật tử và cho văn hóa Phật giáo Tây Tạng. Hỗ trợ cho dự án cao quý này là pháp hạnh tốt để tạo thiện nghiệp.”

Đạo hữu Ian Green là Trưởng Ban Điều hành công trình Pháp-Giới Từ-Bi Đại-Bảo-Tháp kiêm Giám đốc Dự án Phật Ngọc Thạch. Ông cũng là Chủ tịch của Hiệp Hội Dalai Lama in Australia Ltd, một tổ chức chuyên về những chuyến công du của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Úc. Đạo hữu Ian và phu nhân là Judy thường hợp tác trong công việc phát triển Trung Tâm Atisha và Đại-Bảo-Tháp. Ngoài ra bà Judy còn là Quản lý Dự án Phật Ngọc Thạch.

Xin chấp tay nguyện cầu cho công cuộc triển lãm Phật Ngọc tại Úc và vòng quanh thế giới được thành tựu viên mãn trước khi Ngọc Phật được thỉnh về tôn thờ tại Bảo Tháp Đại Từ Bi ở Bendigo, Victoria, Úc Đại Lợi


Nam Mô A Di Đà Phật


Thích Nguyên Tạng
(tổng hợp các tài liệu từ: www.jadebuddha.org.au)
(bài dịch tiếng Anh)



phatngoc-tnt_1
phatngoc-tnt_2

phatngoc-tnt_3

phatngoc-tnt_4
phatngoc-tnt_5

phatngoc-tnt_6
phatngoc-tnt_7

Bấm vào đây để xem hình ảnh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4704)
Có bao giờ bạn nghe nói Phật khóc chưa? - Phật là Đấng giác ngộ, Ngài đã vượt qua mọi tình thức tầm thường của ...
10/04/2013(Xem: 4835)
Thiền sư Từ Đạo Hạnh vốn là con nhà nho tên Từ Vinh. Từ Vinh có sự trái ý với Diên Thành Hầu, Hầu nhờ pháp sư Đại Điên đánh chết. Sự muốn trả ...
10/04/2013(Xem: 4444)
Những năm trước, hai gốc tùng trước sân như hai đứa trẻ, dáng điệu miệt mài trong cơn gió hiu hắt của mùa thu. Quanh năm suốt tháng, không một ...
10/04/2013(Xem: 4484)
Vào khoảng đầu năm 1996, tình cờ tôi được xem một bức tranh của họa sĩ Samyot Hananundasule, trong cuộc triển lãm dưới chủ đề "Nhìn lại quá khứ" tại Viện Nghệ thuật Quốc gia Thái Lan. Đó là một bức tranh có nhan đề là "Hài nhi của thế giới thứ ba" (Third World Baby), được vẽ vào năm 1976. Bức tranh này được in trên tờ nhật báo Bangkok Post.
10/04/2013(Xem: 5446)
Nhân dịp xuân Nhâm Ngọ, mọi người chúc nhau bằng lời hay ý tốt. Bần sư xin tặng những người thân "món quà pháp" thay lời cầu chúc... .
10/04/2013(Xem: 4183)
Tôi quen Trâm một tháng trước. Nàng là y tá viên điều dưỡng vừa ra trường chưa được một năm. Đang làm việc ở Đà Nẳng thì có giấy đổi vào Nha ...
10/04/2013(Xem: 4261)
Nhân vật Thanh Lam được cha để lại một gia tài đồ sộ. Chàng chia làm hai phần, một lànhững tài sản cố định sinh lợi hằng năm như ruộng vườn, hai ...
10/04/2013(Xem: 4269)
Một sớm mai dưới tia nắng chan hòa tại tu viện Bát Nhã, hòn sỏi gặp bước chân. Hòn sỏi lên tiếng chào: "chào các bạn, các bạn, các bạn từ đâu đến?"...
10/04/2013(Xem: 4032)
Trong đời tôi, rất nhiều lần được ngủ lại chùa, đặc biệt là những ngôi chùa có nghi thức hành lễ theo Bắc-Tông. Theo từng giai đoạn lớn lên, tri thức ...
10/04/2013(Xem: 4289)
Sau một buổi cày vất vả, Trâu được tháo ách cho đứng gặm cỏ. Nhưng mệt quá, nhai nuốt không vô, bèn cất tiếng than : - Mẹ sinh chi tuổi Sửu, làm ...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]