Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 05: Tuệ Trung Thượng Sĩ

15/04/201911:50(Xem: 2979)
Chương 05: Tuệ Trung Thượng Sĩ

moi to vuong cua huyen tran cong chua
Hòa Thượng
 THÍCH NHƯ ĐIỂN
 
Mối Tơ Vương của
Huyền Trân Công Chúa
(Phóng tác lịch sử tiểu thuyết 
vào cuối đời Lý đầu đời Trần)
 
Phật lịch 2.562 – Mậu Tuất 2018
Xuất bản năm 2018



Chương  V

TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ

 

Ông sinh năm 1230 và viên tịch năm 1291. Tên thật là Trần Tung hay Trần Quốc Tung, là một thành viên trong Hoàng tộc Nhà Trần với tước hiệu là Hưng Ninh Vương và là một Thiền sư Việt Nam. Ông là người hướng dẫn Vua Trần Nhân Tông vào cửa Thiền và có nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng của vị vua sáng lập ra Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử.

Ông là người Tức Mặc, phủ Thiên Trường, nay thuộc tỉnh Nam Định. Ông là con trưởng của An Sinh Vương Trần Liễu, anh ruột của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm húy Thiều, vợ của Vua Trần Thánh Tông. Nhìn lại Tộc Phả của họ Trần thì ta thấy Trần Thừa tuy không làm vua, nhưng sau khi con là Trần Cảnh lên làm vua (Trần Thái Tông) đã phong cho ông là Thái Tổ, ông có được 2 người con trai, đó là Trần Liễu vàTrần Cảnh.

 Trần Liễu là anh và nhánh của ông sau nầy chỉ sinh ra những tướng tài như Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn hay Hoàng hậu như Thiên Cảm (vợ của vua Thánh Tông). Đến đời cháu nội của Trần Liễu (con của Hưng Đạo Vương) thì có đến 4 tướng tài. Đó là Hưng Vũ Vương Quốc Nghiễn sau khi đánh thắng quânNguyên Mông hai lần vào năm 1285 và 1288 được Vua Trần Nhân Tông phong đến chức Khai Quốc Công Thần; rồi Hưng Hiển Vương Quốc Uy; Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng và Hưng Trí Vương Quốc Hiện. Cũng có một Hoàng hậu, đó là Khâm Từ Hoàng hậu (vợ Vua Trần Nhân Tông.)

Còn bên phía Trần Cảnh thì làm vua suốt cả nhiều đời trong triều đại Nhà Trần. Từ Trần Thái Tông, đến Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông v.v… nhưng có một điểm đặc biệt trong Triều Trần là anh em nhà Chú lấy anh em nhà Bác hay ngược lại. Nếu đánh giá về huyết thống và gia phong thì nó quá gần gũi, đôi khi trở thành “loạn luân” với nhau, mà chuyện nầy không phải là không có, sau nầy có cảnh em ruột thông dâm với chị mình theo lời khuyên của một lão phù thủy. Việc nầy thực khó chấp nhận trên hành vi đạo đức, nhưng nếu đứng về phương diện luân hồi nhân quả thì có thể hiểu được. Trần Thánh Tông lấy Thiên Cảm làm vợ, tức là con nhà Chú lấy con nhà Bác và sinh ra Trần Nhân Tông. Còn Tuệ Trung Thượng Sĩ là anh ruột của Hưng Đạo Vương, Vũ Thành Vương Doãn và Thiên Cảm Hoàng hậu, như vậy Thánh Tông phải gọi Tuệ Trung Thượng Sĩ là Sư huynh và Nhân Tông phải gọi Tuệ Trung là Cậu. Cậu cháu chắc chắn gặp nhau rất thường nơi cung nội cũng như những nơi tiêu dao ở Thượng Uyển. Có lẽ vì vậy mà Tuệ Trung có nhiều cơ hội để nói cho cháu mình nghe về đạo lý của nhà Phật. Từ đó Nhân Tông mới thấm nhuần giáo lýnầy. Vậy thì vai trò của ông cũng rất quan trọng, nhưng trong lịch sử nước nhà ít được nhắc đến, nếu có chăng chỉ đề cập Trần Quốc Tung anh ruột Trần Hưng Đạo. Thêm nữa, trong 2 lần chiến thắng quân Nguyên Mông năm 1285 và 1288 đều có sự góp sức của ông, nhưng lịch sử cũng thờ ơ không ít. Ở đây người biên tập bộ “Tiểu thuyết phóng tác về lịch sử cuối Lý đầu Trần” nầy muốn trả lại những giá trị lịch sử đích thực cho những người làm nên lịch sử về lại với chỗ đứng của họ trong lòng dân tộc Việt, nên chỉ ghi thêm đậm nét đặc biệt của những vị vua, quan, tướng, Hoàng hậu, Công chúa dưới thời Lý cũng như Trần để sau nầy nếu ai đó đọc đến lịch sử Việt Nam thì có thể hiểu rõ ràng cho một thời đại như thế. Nếu không có những bậc nhân tài hiền đức như vậy xuất thân, thì Việt Nam chúng ta sẽ xoay qua một hướng khác, có thể không độc lập tự chủ được một thời gian dài trong 400 năm như thế đâu.

Trong cuộc kháng chiến quân Nam Tống vào năm 1258 Tuệ Trung Thượng Sĩ đã 28 tuổi (ông sinh năm 1230), nhưng không thấy sử sách ghi công trạng của ông và ông đã làm gì trong thời gian nầy, đến năm 1285 và 1288 trong hai lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông nầy ông đều trực tiếp tham gia. Sử chép rằng ngày 10 tháng 6 năm 1285 ông cùng với Hưng Đạo Vương đem hơn 20.000 quân giao chiến với tướng nhà Nguyên là Lưu Thế Anh và đuổi Thoát Hoan chạy dài đến sông Như Nguyệt (sông Cầu) và trong cuộc kháng chiến lần thứ 3 năm 1288, ông còn được giao những nhiệm vụ ngoại giao quan trọng, từng đến đồn trại đối phương vờ ước hẹn trá hàng, làm cho họ mất cảnh giác, sau đó cho quân đến đánh phá.

Chỉ xem một đoạn sử ngắn như bên trên chúng ta cũng thấy vị trí của Tuệ Trung Thượng Sĩ là gì. Ông đã cùng Trần Hưng Đạo, tức là em ruột của mình chiến đấu với tướng của nhà Nguyên và đuổi Thoát Hoan thua chạy đến sông Như Nguyệt. Với 20.000 quân tinh nhuệ dưới sự cầm đầu của ông và Trần Hưng Đạo, các tướng sĩ của Nguyên và ngay cả Thoát Hoan cũng phải liều mình chạy trối chết, thì thử hỏi ông không phải là một người cầm quân đại tài sao? Nhưng tại sao sử sách ta chỉ thấy nhắc nhở đến Trần Hưng Đạo mà ít đề cập đến ông? Có lẽ vì ông đã đi xuất giađầu Phật. Khi thấy quê hương đất nước lầm than chinh chiến bởi quân Nguyên Mông, ông đã cởi bỏ áo cà sa lại chùa, sát cánh cùng em mình chống giặc mãnh liệt, khiến cho Thoát Hoan phải chạy trối chết. Sau khi chiến trậnthành công, ông cũng chẳng màng lợi danh gì cả nên không cần cháu mình là Nhân Tông phong vương hay phong tướng. Vả lại những chức vụ ấy chỉ là hư danh nơi chốn triều đình, chứ có  ý nghĩa gì đâu so với một bậc xuất trầnlàm Thượng Sĩ !!!

Đến lần thứ 3 năm 1288 thì ông lại được giao cho việc ngoại giao, có nhiệm vụ đến đồn trại của đối phương vờ ước hẹn trá hàng, làm cho họ mất cảnh giác và sau đó cho quân đến đánh phá. Như vậy lúc nầy ông mặc đồ tu hay đồ trận? Trong luật Phật chế thì “người xuất gia không được ở lại nơi quân trận quá 3 đêm”, có lẽ nơi đó là chốn đấu tranh kiên cố, thưởng phạt kẻ có công cũng như người có tội, cho nên Phật không cho phép người xuất gia hiện diện. Nhưng ở đây Tuệ Trung Thượng Sĩ cùng với Nhân Tông hay Hưng Đạo Vương vốn là người nhà, mà đất nước đanglâm nguy thì người trong một nhà không thể làm ngơ ngồi đó mà tu hành được, nên ông phải phương tiện giúp đời dưới hình thức là một tướng sĩ, nhưng  với tâm thức và hành động của một nhà tulời nói dịu dàngvăn chương bút đàm linh hoạt, đượm vẻ từ bitrí tuệ nên quân giặc tin chăng? Và cuối cùng ở những buổi bút đàm ấy làm cho quân giặc mất cảnh giác và họ đã bị thua qua tài trí, mưu lược của một Tuệ Trung Thượng Sĩ. Nếu ông không phải là một người tài thì chắc rằng ông không được tin dùng, để làm một gạch nối giữa đôi bên như vậy.

Sau khi kháng chiến tuy ông cũng được phong cho chức Tiết Độ Sứ cai quản phủ Thái Bình, nhưng không lâu sau ông lại lui về ấp Tịnh Bang (nay là huyện Vĩnh Bảo), ngoại thành Hải Phòng) lập Dũng Chân Trang để nuôi dưỡngnghiệp Thiền. Như vậy cả hai bên chính quyền của Vua Trần Nhân Tông vẫn không quên công cán của ông, nhưng với ông việc được phong chức tước Tiết Độ Sứ ấy nó khôngcần thiết, nên ông về lại Tịnh Bang để an dưỡng nơi Dưỡng Chân Trang để tìm lại chính mình. Đây là hành động thật cao cả của những bậc Chân Tăng xưa nay trongthiên hạ vậy. Không nhất thiết chỉ là Việt Nam mới có những bậc Cao Tăngthạc đứchữu học như vậy, mà đa phần những vị vua hay tướng của Trung Hoa, Triều TiênNhật BảnViệt NamMông Cổ, Thái Lan, Miến Điện v.v…đều làm như vậy cả. Vì vinh hoa phú quý đối với họ giờ đây không có ý nghĩa gì. Suốt một cuộc đời làm vua, làm tướng haycông hầu nơi chốn triều ca, cuối cùng rồi cũng chỉ là một bã hư danh rỗng tuếch và tất cả đều bị luật vô thường chi phối. Họ đã hiểu được điều nầy, nên mới xử sự như vậy.

Năm 1291, Tuệ Trung Thượng Sĩ viên tịch, thọ 69 tuổi và suốt một cuộc đời dài hơn 60 năm ấy, lịch sử cho ta thấy ngay khi ông còn trẻ, ông cũng không thích công danh, có lẽ do ông sinh ra trong một gia đình có quá nhiều nghịch cảnh về vấn đề hôn nhân cận huyết giữa bên nội lẫn bên ngoại nên ông chẳng tha thiết gì với đời sống gia đình, ông đã tìm đến Thiền sư Tiêu Dao để học đạo rất sớm. Ông vừa học Thiền, thực hành giải thoát tâm trong đời sống gia đình theo hình thức cư sĩ, vừa đảm trách các công việc xã hội mà triều đình giao phó. Ông  đã trực tiếp tham dự vào những thời khắc quyết định của lịch sử về vận mệnh đất nước, do đó ông đã nhận định rất rõ về chân tính cuộc đời và chọn lối sống hòa ái, tự tạiTư tưởng chính của Tuệ Trung Thượng Sĩ thể hiện qua lời đáp: “Hãy quay về tự thân mà tìm lấy tông chỉ ấy, không thể đạt được từ ai khác” cho câu hỏi của Vua Trần Nhân Tông: “Tông chỉ của Thiền là gì?”

Ông được Vua Trần Thánh Tông nể vì, do kiến thức uyên bác về nội ngoại điển, được Vua tôn làm Đạo huynh. Ôngsáng tác nhiều thi, kệ, một số được kết tập trong “Thượng Sĩ Ngữ Lục” rất nổi tiếng.

Hiện thơ ông còn tất cả 49 bài, được xếp trong bộ Thượng Sĩ Ngữ Lục và ở đây xin trích dẫn 4 bài để nắm bắt được phần nào tư tưởng của ông.

Dưỡng Chân

Suy táp hình hài khởi túc vân,

Phi quan lão hạc tị kê quần,

Thiên thanh vạn thúy mê hươngquốc,

Hải giác thiên đầu thị dưỡng chân.

 

Nuôi dưỡng chân tính

Thân xác đau gầy há đáng than,

Phải đâu hạc cả lánh gà đàn,

Nghìn xanh muôn thúy mờ non nước,

Góc biển lưng trời, nơi dưỡng chân.

Sau khi đọc 4 câu thơ nầy ta thấy ý tứ của Thượng Sĩ rất thoát tục, dầu cho có ở góc biển hay chân trời nào đi chăng nữa thì non xanh nước biếc, vốn là chốn bồng lai tiên cảnh, đâu phải nệ hà gì là chỗ nọ, chỗ kia. Cho nên đừng phân biệt bỉ thử nữa làm gì cho hao gầy thân xác. Hãy quán cảnh ấy và thân nầy là một, vì Phật tánh không ngoài chân tâmmà có, chân tâm ấy không thể tìm cầu bên ngoài được, mà mỗi người hãy tự trở về bởi chính mình thì mới nên.

Giản đề tùng

Tối ái thanh tùng chủng kỷ niên, 

Hưu ta địa thế sở cư thiên,

Đống lương vị dụng nhân hưu quái,

Dã thảo nhàn hoa mãn mục tiền.

 

Cây tùng ở đáy khe

Thương cội tùng xanh tuổi bấy niên

Đừng than thế mọc lệch cùng xiên

Cột rường chưa dụng người thôi lạ,

Cỏ dại hoa hèn trước mắt chen.

Bài nầy tả cảnh một cây tùng bị mọc chen vào giữa một khe đá. Ý nói như ông, sinh ra trong đời nầy chung quanh bị vây hãm bởi thị phi nhân nghĩa, nhưng tâm ông không ganh ghét với người tài giỏi hay kẻ kém hèn hơn ông, mà ôngquan niệm rằng nếu cây tùng ấy chửa làm được gì thì cũng miễn cho đi. Dẫu sao đi nữa ở trước đám cỏ dại và hoa hèn, thì tùng cũng đang ngẩng cao mặt lên với trời đất để vươn thẳng cành lá vào không trung đấy!

Chiếu thân

Tiêu đầu lạn ngạch bị kim bào,

Ngũ thất niên gian thị xưởng tào,

Túng dã siêu quần kiềm bạt tụy

Nhất hồi phóng hạ nhất hồi cao.

 

Soi mình

Sém đầu giập trán vận kim bào,

Ta bấy năm nay chốn xưởng tào,

Hễ đã hơn người và vượt  bậc

Vẻ vang rồi lại đến lao đao.

Sau khi chiến thắng quân Nguyên Mông hai lần vào năm 1285 và 1288 với em ruột mình là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, ông đã được chú (cậu) mình là Vua Trần Thánh Tông cùng cháu mình là Trần Nhân Tông phong cho ông làm Tiết Độ Sứ cai quản phủ Thái Bình, nhưng ông nhận thấy áo mão cân đai của quan lại sao nó không phù hợp với mình, nên ông hay tự xét mình qua hình ảnh của một ông quan trước vua chúa và triều thần bá quan văn võ phải tung hô vạn tuế và giập trán, cúi đầu dạ dạ vâng vâng. Bao nhiêu năm như thế ở chốn công đường, thấy xảy ra nhan nhảnkhông biết bao nhiêu là chuyện ganh tị, đố kỵ lẫn nhau. Nếu ai đó giỏi giang hơn người khác và trội lên về nhữngphương diện chuyên môn của văn hay võ thì việc ấy vẫn bị gièm pha dị nghị như thường. Đúng là vẻ vang đó, nhưnglao đao lận đận ở chốn quan trường cũng đó.

Cố Hòa Thượng Thượng Thủ Thích Tâm Châu cũng đã dịch nhiều bài thơ chữ Hán của Tuệ Trung Thượng Sĩ khi Ngài còn sanh tiền và sau đây là bài “Xuất trần”, cũng nói lên được cái ý thoát tục của Tuệ Trung Thượng Sĩ vậy.

 

Xuất trần

Tằng vi vật dục dịch lao khu,

Bài lạc trần hiêu thế ngoại du.

Tán thủ nó biên siêu Phật Tổ.

Nhất hồi đẩu tẩu, nhất hồi hưu.

 

Ra khỏi cảnh trần

Tấm thân vật dục cuốn lôi,

Xa rời trần cảnhrong chơi cõi ngoài.

Bên kia Phật Tổ thảnh thơi,

Một thời gột rửa, một thời an vui.

Cái đạo làm người nó quá gian nan đi chứ! Vì lẽ con người luôn bị vật dục như: Tài, sắc, danh, thực, thùy cuốn trôi, làm cho thân thể phải mệt nhọc. Muốn ra khỏi chốn trần lao não phiền ấy để rong chơi bên ngoài thị phi, nhơn nghĩa thì phải buông bỏ cảnh huyên náo của trần tìnhBuông bỏ hết để vượt qua cảnh giới của chư Phật, sau khi đã gột rửađược hết tất cả những não phiền, thì đó mới là sự an lạc miên viễn. Chỉ có nội tâm phong phúan lạc tự tại thì ta mới mong cảm hóa được người bên cạnh, nếu không phải là vậy, tất cả đều chỉ là sự thể của thế gian mà thôi.

Ông là con nhà quan, nhà tướng, hoàng tộcsĩ phu và là người tiêu dao tự tại nơi cửa thiền nên khi ông còn sống cũng có nhiều giai thoại rất thiền, rất đặc biệt như sau: 

Một hôm Hoàng Thái Hậu Thiên Cảm mở tiệc trong cung điện. Trên bàn có cả thức ăn mặn và thức ăn chay. Tuệ Trung Thượng Sĩ gắp thức ăn không phân biệt chay hay mặn.

Hoàng Thái Hậu hỏi: “Anh tu Thiền mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được?”.

Ông cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh. Anh không cần thành Phật. Phật cũng không cần thành anh. Em không nghe các bậc cổ đức nói: Văn Thù là Văn Thùgiải thoát là giải thoát đó sao?”. 

Đúng là câu nói của những Thiền sư đã đạt đạo. Chỉ những người liễu đạt được tánh không thì mới trả lời được như vậy. Cái không ấy vượt lên trên tất cả cái có và cái không; nghĩa là Thiền sư khi làm động tác ấy không trụ vào có mà cũng không trụ vào không, mà ông trụ vào chỗ vô trụ; nghĩa là làm cũng như không làm, không làm nhưng mà làm. Đó là bản chất của Thiền, là sự tiêu dao tự tại của những Thiền sư lâu nay vốn vẫn là như vậy. Trong bữa tiệc nầy có cả Vua Trần Nhân Tông, Vua rất thắc mắc về việc nầy và chưa hiểu rõ ý nghĩa câu trả lời của Tuệ Trung Thượng Sĩ, nhưng chưa tiện hỏi. Vua Trần Nhân Tông gọi Tuệ Trung Thượng Sĩ là cậu. Khi ông đến với triều đình trong bữa tiệc nầy với tư cách là một Thiền sư, vì ông đã học Thiền với Thiền sư Tiêu Dao rồi. Do vậy mà Trần Nhân Tông lưu ý đếncâu nói cũng như hành động của ông qua sự tra hỏi của Hoàng Thái Hậu Thiên Cảm, mẹ của ông đối với cậu ruột của mình. Câu “Văn Thù là Văn Thùgiải thoát là giải thoát”. Có nghĩa là sự giải thoát nầy nó không liên quan gì tới Văn Thù hết. Ăn là ăn, tu là tu, Thiền là Thiền… mỗi cái đều độc lập với nhau, không xen lẫn vào nhau. Đây cũng là tư tưởng của Vua Trần Nhân Tông sau nầy khi đã trở thành Điều Ngự Giác Hoàng của Phái Trúc Lâm Yên Tử

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền

Có báu trong nhà thôi tìm kiếm

Vô tâm đối cảnh hỏi chi Thiền.

Thiền nầy là Thiền tự tại. Ví như đói thì cứ ăn, mệt thì cứ nghỉ. Khi đói không nên tìm cách cưỡng lại cái đói và khi mệt thì không cần phải cố gắng gì hơn nữa cả. Trong tâm hiện đã có Phật tánh sẵn rồi, khi đối cảnh thì tâm ấy đã là tâm Phật rồi, không cần phải tìm kiếm đâu xa xôi gì nữa cả.

Có nhiều sử gia vẫn lầm tưởng ông là Trần Quốc Tảng, cũng không phải là Trần Quốc Tuấn, mà ông là Trần Quốc Tung, anh ruột của Trần Quốc Tuấn, tức là Hưng Đạo Vương. Có lẽ lâu nay sách sử ít đề cập về cuộc đời của ông một cách chi tiết, nên mới như vậy. Trong thời gian gần đây các Sử gia Phật giáo như Thiền sư Thích Nhất HạnhHọc giả Thích Tuệ Sỹ, Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát và nhất là Thiền sư Thích Thanh Từ đã chú giải những bài thơ và viết nên lịch sử của Tuệ Trung Thượng Sĩ một cách rõ ràng, nên nhiều người mới quan tâm đến. Là Phật tử, là ngườiViệt Namchúng ta không thể quên công ơn to lớn của ông đã cùng Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Nguyên Mông, nên ngày nay chúng ta mới có cơ hội tồn tại trên dải đất hình cong như chữ S này.

Ngoài ra những ai nhận phái Trúc Lâm Yên Tử làm tông phái của mình để tu hành thì không thể không biết đến NgàiTuệ Trung Thượng Sĩ, vốn là Thầy của Vua Trần Nhân Tông, người sáng lập ra Thiền phái nầy. Sự truyền thừa củaTrúc Lâm Tam Tổ rất rõ ràng. Đó là Điều Ngự Giác HoàngPháp Loa và Huyền Quang, nhưng nếu không nhờ hình bóng của Tuệ Trung Thượng Sĩ ở chốn triều đình, thì làm sao ai có thể ảnh hưởng đến Vua Trần Nhân Tông được? Do vậy chúng ta cũng có thể kết luận rằng: Tuệ Trung Thượng Sĩ chính là người mở đường dẫn lối cho Vua Trần Nhân Tông đi vào cửa Đạo và sau nầy trở thành Sơ Tổ của Phái Trúc Lâm Yên Tử vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4622)
Lời giới thiệu : Khi nói về đạo Phật, người ta thường liên tuởng tới những triết lý thâm sâu và khô khan. Tuy nhiên, đôi khi các Thầy cũng có tính nói ...
10/04/2013(Xem: 4184)
Vinh bực mình về ông già "chùa" hết sức, lúc không cần ý kiến ổng thì ở đâu ổng nhẩy vô, lúc cần ý kiến ổng thì ổng lại thối thác: "chuyện này tôi vô ý ...
10/04/2013(Xem: 4344)
(Lời giới thiệu : Thượng tọa Tuệ Sỹ còn là một thi sĩ, một học giả, một nhà văn. Trước 1975, ông là Khoa trưởng Phật học Viện Đại Học Vạn Hạnh, tác giả nhiều cuốn sách biên thảo đặc sắc về Văn học và Triết học Trung Hoa; thơ Tô Đông Pha, một số thơ, truyện và thơ dịch đã đăng liên tiếp trên nhiều Tạp chí Văn học tại Sài Gòn, trong đó đa số đăng trên tờ Thời Tập
10/04/2013(Xem: 3709)
Ngày xửa ngày xưa, có một người trải đã nhiều kiếp, kiếp nào từ bé đến lớn cũng giữ mình đức hạnh và thành bậc chân tụ Cứ luân hồi chuyển kiếp như vậy liên tiếp đến 9 lần, nhưng chưa kiếp nào được thành Phật. Đến kiếp thứ 10, Đức Thích Ca muốn thử lòng, bắt vào đầu thai làm con gái một nhà họ Mãng ở nước Cao Lỵ
10/04/2013(Xem: 4706)
Pháp Sư Tự Lập, người huyện Thái, tỉnh Giang Tô, tốt nghiệp Phật học viện Thượng Hải, từng gần gũi với Pháp sư Từ Hàng, được pháp sư nhận làm ...
10/04/2013(Xem: 5663)
Vở kịch Dạ cổ hoài lang đã làm rung động trái tim cũng như bài hát Dạ cổ hoài lang đã làm “rụng rún” biết bao người! Tim và rún không nằm xa nhau ...
10/04/2013(Xem: 4558)
Vào khoảng trước hay sau năm 1945 gì đó, nay không nhớ rõ; phải nói thực rằng đấy là thời gian đánh dấu một chuyển hướng quan trọng trong ...
10/04/2013(Xem: 5522)
Ma Ca là bút danh của Pháp Sư Tinh Vân. Sư người Giang Đô, Tỉnh Giang Tô, tốt nghiệp Phật Học Viện Tiêu Sơn, học viện Luật Thê Hà, từng trụ trì ...
10/04/2013(Xem: 4478)
Hôm nay Chủ nhật, ngày 14 tháng 10 năm 1990 tức là ngày 26 tháng tám năm Canh ngọ; tôi trang hoàng một bàn thờ đơn giản trước chánh điện để ...
10/04/2013(Xem: 9411)
Trong các buổi lễ tụng kinh cầu an, chư Tăng cũng như những người cận sự nam - nữ không thể thiếu bài kệ "Jayamangalagàthà - Bài kệ Hạnh phúc thù thắng". Bởi vì bài kệ này tán dương, ca tụng oai lực của Ðức Phật đã cảm thắng tám trường hợp xảy ra vô cùng khó khăn. Mỗi trường hợp Ðức Phật vận dụng mỗi pháp, không những để đối trị mà còn làm cho đối phương cảm phục phát sanh đức tin xin quy y nơi Tam bảo.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]