Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hai Lần Mất Cha

19/01/201918:50(Xem: 3672)
Hai Lần Mất Cha

hoa_sen (4)

Truyện ngắn

 

HAI LẦN MẤT CHA

 

 

        Ông ngoại nuôi tôi từ nhỏ, từ khi tôi mới bỏ bú mẹ, đến năm lên lớp 12 thì ông không còn sức lực để làm những công việc đồng áng nặng nhọc đòi hỏi phải có lòng nhẫn nại, tính cần cù và sức dẻo dai. Ông ngoại đã vắt kiệt sức mình ra suốt hai mươi năm hơn, để rồi bị quật ngã một đòn trí mạng phải nằm dính chặt trên chiếc giường ọp ẹp.

Vào một buổi tối của mùa hè nóng hầm hập, bên ngoài ánh trăng rằm tỏa sáng khắp vùng quê quạnh quẽ, ông ngoại thều thào gọi tôi lại ngồi một bên giường, nắm lấy bàn tay tôi bằng bàn tay xương xẩu khô héo đang rung run từng hồi. Ông dường như dùng hết tàn hơi để nói rõ từng lời cho tôi nghe:

“Chắc ngoại không qua khỏi keo này rồi, cháu ơi! Cháu phải hết sức bình tĩnh, hãy hứa với ngoại là vâng lời, thực hiện những điều ngoại căn dặn, yêu cầu đi!”

Tôi rúng động cả tâm can, ôm lấy cánh tay ông, giữ bình tĩnh hơn bao giờ hết để hứa chắc từng tiếng một:

“Cháu xin hứa vâng lời ông, làm theo lời ông dạy bảo dù trong bất cứ tình huống nào!”

Ông ngoại mỉm cười, gật đầu mấy cái tỏ vẻ ưng ý, giọng khàn khàn nhưng rất thiết tha:

“Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cháu cũng đừng nên bỏ học nửa chừng. Hãy học cho đến nơi, sự học hành sẽ mang lại cho cháu chỗ đứng vững vàng trong xã hội, nó giúp cháu thoát khỏi vòng vây của ngu dốt, đói nghèo và tội lỗi…”

“Cháu xin hứa. Cháu sẽ tiếp tục học, bằng mọi cách.”

“Mọi cách à? Phải trừ những cách xấu xa ra chứ. Chỉ bằng những cách theo hướng thiện lương, tránh xa xấu ác!”

“Dạ… dạ. Cháu sẽ tiếp tục học bằng mọi cách chính đáng và lương thiện.”

“Ừ, phải nói vậy thì ngoại mới yên tâm. Ông ngoại cho phép cháu bán đi ruộng, bán bớt vườn, bán bớt đất để lấy tiền mà ăn học dài lâu nếu cháu thật sự thấy cần phải bán. Nhưng cháu nhớ tuyệt đối không được bán căn nhà này, dù là giá trị của nó chẳng đáng xá gì, vì cháu cần phải có chỗ để nương thân  ít ra trong thời gian đầu sau khi ngoại ra đi…”

“Cháu xin hứa. Cháu sẽ không bao giờ để căn nhà này thuộc quyền sở hữu của người khác!”

Nghe tôi hứa chắc nịch, ông ngoại lắc đầu:

“Không. Ngoại không phải muốn cháu hứa điều đó. Vì ngoại còn phải lường trước mọi việc sẽ thay đổi sau khi cháu tìm gặp được cha của cháu…”

Tôi bàng hoàng. Tôi há hốc. Tôi trừng đôi mắt lên:

“Tìm gặp cha của cháu sao?”

Ông ngoại gật đầu, bóp lấy tay tôi chặt hơn:

“Ngoại muốn cháu hãy tìm đến cha đẻ của mình, sau khi ngoại đi xa. Có vậy thì ngoại mới yên lòng mà đi…”

Tôi lặng người, bần thần không hé môi. Thật ra chuyện tôi còn một người cha không phải là chuyện bí mật, chuyện bất ngờ. Từ thuở còn thơ tôi đã nghe phong thanh chuyện ấy, nhưng bao lần theo hỏi ngoại, ông đều im lặng. Đến năm tôi học lớp 5 thì ông dời nhà qua xã khác, ở đó không ai biết rõ gốc gác lai lịch của hai ông cháu tôi. Tôi chỉ biết đến đơn giản rằng tôi là một đứa con bị cha lẫn mẹ bỏ rơi khi mới non một tuổi. Tôi là kết quả của một cuộc tình duyên miễn cưỡng, oan gia tương báo. Cha tôi chưa hề biết mặt giọt máu rơi rớt của mình. Mẹ tôi đã bỏ con đầu lòng lại, cuốn gói ra đi biền biệt, vì  sợ hãi dư luận. Ông ngoại đã phải cưu mang nuôi nấng đứa cháu với sự trợ giúp của những người láng giềng tốt bụng. Những chuyện ấy tôi chỉ được nghe lỏm bỏm, lờ mờ, không liền lạc với nhau, từ miệng của những người sống cùng thôn. Ông ngoại chưa hề giải đáp tường tận cho tôi hay mỗi khi tôi thắc mắc. Không ngờ đến giờ phút lâm chung ông lại nêu lên một đề nghị quá sức tưởng tượng của tôi. Ông chậm rãi:

“Giờ là lúc ngoại không còn giấu diếm gì với cháu nữa. Ngoại muốn ra đi thanh thản, muốn cháu được đoàn tụ với người cha đẻ mà cháu đã mất một lần trong đời. Mất, thì nay cháu phải tìm lấy lại cho được. Ngoại tin rằng cha của cháu, dù là một kẻ bạc tình vô tâm, hay một kẻ ích kỷ, hay một kẻ hung ác đi nữa cũng không nỡ từ chối, không đành quay lưng với đứa con mang dòng máu của mình đâu!”

Tôi thật sự xúc động, bồn chồn và lo lắng, hỏi:

“Ngoại tin như vậy sao? Vì sao ngoại tin vậy?”

“Ngoại tin điều đó, vì cháu giống cha như đúc như in!”

Và rồi, bằng một giọng trầm khàn yếu ớt, ông ngoại lôi tôi trở lại với quá khứ đầy những tình tiết bất ngờ mà tôi chưa một lần được ai kể cho nghe…

Hồi ấy, ông bà ngoại mở sòng bạc ngay tại nhà. Sòng nho nhỏ thôi. Nhà ở gần đồn lính địa phương quân Việt Nam Cộng Hòa, nên các con bạc thường là lính, rất ít có những bác thằng bần thường dân vào ngồi chiếu. Ông bà ngoại nhờ lấy tiền xâu mà sống dư dả, khỏi phải ra đồng lội ruộng cho nắng cháy da, cho mưa ướt áo. Mẹ tôi khi ấy còn là thiếu nữ hai mươi ba, cũng chỉ ở nhà phụ giúp cha mẹ lo cơm nước cung phụng cho đám con bạc. Những bữa ăn khuya, nhậu nhẹt sau canh bạc của đám lính máu me đen đỏ đã đem lại một số lợi lộc cho ông bà ngoại tôi. Rồi ông bà ngoại cũng nhảy vào chiếu bạc. Lửa gần rơm thì tránh sao khỏi bốc cháy. Ông bà ngoại bắt đầu thua cháy túi, cháy rương tủ, cầm đất bán ruộng, nợ nần càng chất cao lên. Càng thua càng mạt cả từ đường. Chủ nợ của ông bà ngoại rất đông, nhưng người chủ lớn nhất là ông sĩ quan đại úy Đại đội trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông đại úy tên Từ, khét tiếng hung hãn, không như tên gọi của ông, là thượng khách của sòng bạc từ những ngày đầu mới mở. Ông đã có một gia đình êm ấm ở thôn bên kia bờ sông, nhưng lại thấy cô con gái duy nhất của ông bà chủ sòng bạc thì ông đã mê mẫn, buông lời trêu ghẹo, ngõ lời ông bướm ỡm ờ … Với quyền uy đủ làm cho mọi người khiếp đảm kinh hồn, ông đại úy đã đòi nợ ông bà chủ sòng bạc bằng sự chiếm đoạt cái trinh nguyên trong trắng của một người con gái. Ông bà ngoại tôi đã cắn răng nhắm mắt mà giao con gái cho ông Đại úy để cầm được trên tay tờ giấy cam kết xí xóa nợ nần. Sau khi chiếm đoạt được thứ quý báu mà bao thằng sĩ quan cũng như lính lác khác thèm khát, ông đại úy lui tới thường xuyên hơn để hưởng lạc thú trần gian bằng sự dọa dẫm hung hăng. Một số nợ nhỏ của ông bà ngoại cũng được ông đại úy xóa trắng giùm trong thời gian ấy… Khi mẹ tôi mang thai, ông Đại úy được tin với thái độ dửng dưng, vô cảm. Thế rồi, đến ngày chuyển quân dời đồn, ông Đại úy cuốn gói lên đường hành quân ra nơi trận tuyến mịt mù khói lửa. Ông bỏ đi không bao giờ quay trở lại cái thôn nhỏ bé có sòng bạc nhỏ, có người thiếu nữ mặt đẫm lệ ngày ngày ngồi xoa nắn cái bụng mỗi lúc mỗi to dần lên… Ông Đại úy là cha tôi đó. Tôi chính là đứa bé nằm trong bụng của người thiếu nữ con ông chủ sòng bạc nho nhỏ đó.

Mẹ tôi sinh ra tôi với sự căm hận oán hờn. Mẹ xem tôi như một của nợ đáng ghét, nhưng vẫn phải nâng niu nuôi nấng, vẫn phải vuốt ve cho bú mớm, dù rằng nước mắt không ngừng chảy tuôn. Gia cang suy sụp, không khí gia đình căng thẳng buồn hiu, bà ngoại tôi buồn bệnh rồi qua đời trước khi nói lời xin lỗi với con gái. Mẹ tôi lẳng lặng bỏ đi vào nữa khuya, để lại cho tôi nằm chơ vơ trên chiếc giường tre trống trơn và lạnh lẽo, cùng với lá thư đầy lời oán trách gửi cho người cha vốn đang bị khủng hoảng tinh thần. Ông ngoại ban đầu định mang tôi giao vào viện trẻ mồ côi, nhưng ông nhờ bà con chòm xóm đến an ủi, chia sẻ, giúp đỡ vật chất nên ông quyết định nuôi đứa cháu ngoại với mong muốn chuộc lại tội lỗi của mình gây ra.

Mẹ tôi bỏ đi bặt vô âm tính cho đến năm tôi lên bốn mới liên lạc với ông ngoại chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi. Ông ngoại chỉ biết được một điều ngắn gọn rằng mẹ đã lên rừng, đi theo Cách Mạng, và đã nên nghĩa vợ chồng với một “anh Việt cộng” hiền lành. Sau ngày đất nước Thống Nhất, ông ngoại ngóng trông ngày đêm với hi vọng đứa con gái duy nhất của mình trở về đoàn tụ, nhận lại đứa con rứt ruột đẻ đau mà vui sống với cảnh mẹ con trùng phùng. Nhưng người con gái ấy mãi mãi không xuất hiện một lần nào nữa, chết rồi hay vẫn sống không sao biết chắc được. Niềm hi vọng nguội tắt, hóa ra vô vọng thực thụ, ông ngoại tôi bắt đầu dồn hết tâm sức ra để lo cho cháu ngoại ăn học nên người. Ông xem tôi là mục đích duy nhất, quyết định duy nhất của quãng đời còn lại của mình. Nhưng ông ngoại đã không đi theo hết tận cùng con đường mà ông vạch sẵn cho thằng cháu ông đi. Ông đang muốn tôi đi tiếp cho đến đích dù ông không còn được đứng bên lề để làm một cổ động viên nhiệt tình và kiên nhẫn…

“Cháu hãy tìm đến với cha đi!”

Ông ngoại lập lại lời yêu cầu một cách thiết tha. Tôi im lặng, tâm tư chao nghiêng đảo xéo, ruột gan nóng lạnh vui buồn. Giọng ông yếu ớt dần sau những giờ phút cố gắng trối trăn:

“Cháu tìm qua giáo xứ Hà Linh, hỏi ông Hai Từ thì ai cũng biết. Cách đây 3 năm, ngoại đã có thăm dò, biết được cha cháu bị đưa đi tập trung học tập cải tạo ngoài Bắc, và đã trở về địa phương làm vườn, làm rẫy… Ngoại không phải mong cháu được người cha giàu có, khá giả đùm bọc đâu.Ngoại chỉ muốn cháu được đoàn tụ với cha, có một mái ấm gia đình, có nơi để nương tựa khi đau yếu,  dù ăn cháo gặm khoai. Thiếu tình thương, tình cảm thì sẽ khó đi đứng vững vàng trên dòng đời nhiêu khê khăn khó này, cháu ơi!”

… Một tuần lễ sau, ông ngoại tôi trút hơi thở cuối cùng, khi ấy tôi còn đang lân la dò tìm tin tức của cha mình. Ngay sau khi lo xong phần hậu sự cho ông ngoại tươm tất, tôi mạng dạn tìm đến ngôi nhà mà nhiều người đã chỉ vẽ khi tôi hỏi thăm. Một ngôi nhà rêu phong mang dáng cổ xưa, nằm giữa khu vườn cây lá sum suê xanh rì, với sân gạch đỏ nhạt, với nền cao cấp dài, đã cuốn hút tôi với một lực từ trường mạnh mẽ. Tôi đứng ngắm nhìn toàn cảnh trước mắt thật lâu, hít thở thật sâu để tìm được sự bình thản, rồi ung dung tự tại đi thẳng vào trong. Nhà vắng hoe. Từ nhà trước ra vườn sau không vang một tiếng động. Tôi cất tiếng:

“Có ai ở nhà không?”

Hỏi đến ba lần, tôi mới nghe tiếng sột soạt, tiếng dép lẹt xẹt, và một phụ nữ xuất hiện. Tôi lễ phép cúi đầu chào. Chị ta nhíu mắt nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi đôi mắt dừng lại đột ngột chiếu thẳng vào mặt tôi mà không hề chớp nháy.

“Em … em hỏi ai vậy?”

“Có phải đây là nhà ông Hai Từ không chị?”

        “Đúng rồi. Chị là con ổng đây.”

         “Vậy à? Chị là … chị thứ mấy?”

“Chị đầu. Em hỏi ba chị có chuyện gì?”

“Chị Hai… chị Hai không thấy nơi em có gì đặc biệt hay sao? Em vừa mới xem ảnh của gia đình treo trên vách kia… Em biết chắc mình đã tìm đúng nơi cần tìm, vì em nhận ra … nhận ra dường như có hình bóng của em, của chính em trên đó đó!”

Tôi chỉ khung ảnh trên tường. Rồi nói ngay:

“Em là con riêng của ba đây!”

Tôi nhấn mạnh từng tiếng. Người phụ nữ đứng trước tôi trố mắt, bàng hoàng nhìn tôi. Tôi cười thật thân thiện:

“Chị không thấy em giống ba sao? Không giống mấy anh em trai ở trong ảnh kia sao?”

Chị ta ấp úng, lúng túng:

“Có … có chớ. Giống … y khuông. Mới nhìn … cứ tưởng thằng An, tưởng thằng Long em chị. Có phải em là con của dì Loan bên thôn Đại Lạc không?”

“Ủa?”  Tôi thốt lên kinh ngạc “Vậy ra …?”

Chị ta bước lại kéo cánh tay tôi, lôi tôi lại ngồi ghế, nói:

“Trời đất ơi… thôi đúng chắc rồi. Đúng là con của ông già rồi. Xưa giờ có nghe ba nhắc đến dì Loan, đến một đứa con riêng mà ổng không thừa nhận… Ổng chỉ kể sơ sơ cho nghe thôi…”

Tôi tủi thân, rưng rưng nước mắt. Tôi bắt đầu ngồi thuật lại mọi chuyện cho người chị cùng cha khác mẹ nghe, kể không thiếu chuyện gì, kể cho đến đoạn cuối là giờ phút lâm chung trăn trối của ông ngoại mình. Chị Hai của tôi khóc sụt sùi, tôi không rõ chị ta khóc vì mừng được gặp đứa con rơi của cha mình, hay vì thương hại cho cuộc đời long đong, số phận hẩm hiu của tôi?

“Bây giờ, em đến đây để xin được gặp ba, được gặp anh chị em của em, theo nguyện vọng của ông ngoại…”

Chị Hai lại khóc dữ hơn, rồi nghẹn ngào:

“Muộn mất rồi … em ơi!”

Trời vừa sụp đổ xuống đầu tôi. Tôi gào lên:

“Sao lại muộn?”

“Ba đã đi Mỹ… Ba đi theo diện HO… từ năm 1995, sang bên đó được 6 năm thì … do nhớ quê nhà, thèm mắm nêm, ba ăn nhiều mắm quá, nên bị tăng huyết áp, rồi mất vì tai biến mạch máu não!”

Đất vừa sụp lỡ dưới nơi tôi đang ngồi. Tôi đã mất cha lần thứ hai. Tôi không một lần được ôm lấy cha mình. Và chưa một lần được gọi tên.

May tôi còn có hai anh trai cùng cha khác mẹ đang ở bên xứ người xa xăm, và một người chị lớn đang sống gần mình với một tổ ấm hạnh phúc. Chính chị Hai đã an ủi tôi trong lúc tôi cảm thấy chơ vơ tủi phận. Chị đã mở rộng cửa nhà từ đường của ông nội để lại cho cha, đón tôi về bằng tình thương dào dạt. Chồng của chị là một nhà giáo tri thức cũng niềm nở chân tình mời tôi đến chung sống dưới một mái nhà rêu xanh, và là người động viên tôi ráo riết nhất trong việc học hành.

 Tôi thi đỗ vào đại học sư phạm. Rồi tôi ra trường, trở về thôn cũ, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, đem hết tâm sức ra để thực hiện lời hứa với ông ngoại, làm tròn thiên chức của một người chèo đò mang những đứa trẻ ngây ngô luôn bị thiệt thòi qua sông, và mơ ước đến một ngày mai quê hương mình rộn rã tiếng cười vui, tiếng nô đùa của con trẻ. Tôi mơ ước đừng có trẻ em nào bị mang lấy hoàn cảnh giống như mình, mà em nào cũng được hưởng diễm phúc, đủ cha mẹ để học hành khôn lớn… Tôi sẽ chèo không mệt mỏi, nhờ tôi nhớ mãi lời khuyên của người anh rễ, người thầy giáo đàn anh gần gũi tốt nhất, đã rót vào tai tôi khi biết tôi đau buồn vì hai lần mất cha:

“Đừng vì mất cha hai lần mà quỳ gối quy hàng. Cho dù có còn đến hai người cha, mà đôi chân mình chùn mỏi hèn nhát thì cũng dậm tại chỗ, hoặc bước lùi lại thôi!”

 

 

MÃN ĐƯỜNG HỒNG

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/01/2012(Xem: 7441)
Đại lực Độc long dùng mắt quan sát, thấy một người yếu đuối bị chết, một người mạnh khoẻ rồi cũng bị chết. Thấy vậy, Độc long bèn thọ giới một ngày xuất gia...
18/01/2012(Xem: 12581)
Theo truyền thuyết, rồng là loài vật linhthiêng, có thần thông, có khả năng làm mưa, phun ra khói, lửa, thăng, giáng,ẩn, hiện, biến hóa lớn nhỏ một cách tự tại. Kinh điển Phật giáo có nhiều huyềnthoại về Đức Phật liên quan đến rồng, chẳng hạn như: Chín rồng phun nước tắmcho thái tử khi mới đản sinh, Rồng che mưa cho Phật, Phật hàng phục hỏa long,Long vương nghe kinh Thập thiện, Long nữ thành Phật…
18/01/2012(Xem: 6686)
Phật giáo cho rằng, sự vận hành biến hóa của vũ trụ và sự lưu chuyển của sinh mạng, là do nghiệp lực của chúng sinh tạo nên, vì vậy tu là để chuyển nghiệp.
09/01/2012(Xem: 5515)
Thoáng chốc mà đã bamươi sáu năm, như ba sáu ngày nhẹ nhàng trôi trên dòng thời gian vô hình vunvút. Cũng một buổi chiều xuân với bầu trời trong vắt, ánh mặt trời rãi màu vàng lốm đốm trong vườn đào đầy thơ mộng này, và cũng dưới cội đào già này, Đông và Xuân đã gặp nhau…
06/01/2012(Xem: 7584)
Hình ảnh các chú tiểu có mặt trên nhiều quốc gia đã sống lặng lẽ chẳng cần ai nhìn tới. Nhiều chú đã rơi rụng sau những hoàn cảnh khắc nghiệt của thời thế hay của tâm tình riêng; nhiều chú đã thành đạt sau bao nỗ lực phấn đấu cam go trong cửa thiền. Thất bại trong im lặng, thành công cũng trong im lặng. Chẳng cần bút mực nào ca tụng hay thương tiếc mà dòng tiếp nối đẹp đẽ của nhiều thế hệ quét lá đó vẫn chảy mãi, trôi mãi.
24/12/2011(Xem: 5657)
Có câu hỏi như sau: "Trong lễ Hồng Danh Sám Hối, chúng tôi niệm danh hiệu "Nam mô Đấu Chiến Thắng Phật". Theo truyện Tây Du, sau khi cùng với Sư Phụ là thày Huyền Trang sang Tây Trúc thỉnh kinh, ngài Tôn Ngộ Không được phong là Đấu Chiên Thắng Phật. Vậy Đấu Chiến Thắng Phật Tôn Ngộ Không này có phải chính là vị Phật trong kinh Hồng Danh Sám Hối không?" Đây là một câu hỏi rất đặc biệt. Nhân câu hỏi này, chúng ta sẽ có dịp thảo luận về một đề tài gây nhiều hiểu lầm trải dài nhiều thế kỷ và lan rộng tại nhiều vùng địa danh trên thế giới.
13/12/2011(Xem: 10326)
Thầy bảo: “Chuyện vi tiếu nếu nghe mà không thấy thì cứ để vậy rồi một ngày kia sẽ thấy, tự khám phá mới hay chứ giải thích thì còn hứng thú gì.
29/11/2011(Xem: 6385)
Những truyện cổ Phật Giáo tuy giản dị nhưng rất thâm thúy, thường hàm chứa đầy đủ và sâu sắc về đạo đức, giáo dục, luân lý và triết học.
22/11/2011(Xem: 3628)
Một buổi chiều, khi sư Khánh Vân đang dạo bước ngắm hoa ở sân sau thì chợt nghe tiếng người ồn ào đâu phía trước. Chú tiểu Công Sơn từ ngoài đi vào lật đật lại gần sư thưa: - Bạch thầy, không biết ai đã đem một đứa bé trai bỏ trước cửa chùa. Nó đang khóc dữ quá. Cũng có một số thôn dân đang đứng quanh đấy bàn tán xôn xao, xin thầy ra xem thử. - Mô Phật, để đó thầy ra xem sao
17/11/2011(Xem: 4340)
Tôi có ý nghĩ viết thành tập sách này vào đầu năm nay 97, nhân kỷ niệm mười năm tôi được xuất gia học đạo. Mười năm thường là cái mốc thời gian đáng nhớ cho những sự cố gì xảy ra trong một đời người. Sự cố ấy mang ý nghĩa của đổi thay dù sự đổi thay đó mang tính cách thế tục hay xuất thế. Trong đạo thầy đã dạy tôi rằng: "Sau một thời gian tu tập con cần nên cứu xét lấy mình, ngắn thì mỗi năm, dài thì năm năm, mười năm. Sau khoảng một thời gian dài ấy mà con thấy có niềm tin hơn, ý chí hơn trong sự tu tập thì đó là con đã tiến bộ. Giảm niềm tin, thiếu tinh tấn chính là con đã lui sụt. Tu tập mà không tiến bộ tức là thua sút, yếu hèn, phụ bạc công ơn thầy tổ nuôi nấng và sự thọ nhận cúng dường của đàn na thí chủ".
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]