Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Truyện ngắn: Chỉ cần một cái gật đầu

09/11/201820:34(Xem: 3982)
Truyện ngắn: Chỉ cần một cái gật đầu
bantiecgiadinh_vinhhưu

TRUYỆN NGẮN

 CHỈ CẦN MỘT CÁI GẬT ĐẦU

         

          Như một cơn lốc bất thường giữa thời tiết êm ả, người phụ nữ  ấy sộc vào cái giang sơn tiêu điều của tôi vào một buổi tối oi bức. Chị ta mang theo cả một trời hương hoa sực nức, loại mùi thơm trưởng giả chưa từng xuất hiện trong căn nhà đơn sơ mà mẹ và chị em chúng tôi đang trú ẩn với tinh thần sống thiểu dục tri túc. Vì vậy, cảm giác đầu tiên của tôi là sự khó chịu. Y như mình đang thả hồn thưởng thức những cái giai điệu réo rắt ngọt ngào của đàn tranh, sáo trúc, mà lại có người khác bật máy móc hiện đại cho ầm vang lên những âm thanh cuồng nộ của loại nhạc tân thời rock, rap bên tai.

Người phụ nữ ấy, chính là một đồng nghiệp cũ của tôi, cũng là người đàn chị thường động viên tôi cố gắng theo đuổi sự nghiệp trồng người mỗi khi tôi yếu lòng nãn chí, Chính chị ta đã làm một tấm gương trong sáng cho tôi soi ngắm để rèn luyện, cũng như học hỏi nâng cao nghiệp vụ, nên tôi luôn xem chị ta như một người thầy của mình. Vậy mà vào lần gặp lại sau gần ba năm mỗi người mỗi ngã, tôi đã cố hết sức vẫn không tìm được ra nơi chị ta một chút gì của những ngày xưa năm cũ. Chị ta đã hoàn toàn đổi khác từ lọn tóc đến móng chân, và dường như đổi luôn cả hơi thở!

Tôi thận trọng hỏi:

“Có phải là … chị Kim Khuê đó không?”

Chị ta bật lên một tràng cười đầy tự tin tự mãn mà xưa kia chưa hề nghe chị ta cất lên bao giờ, rồi vỗ vào vai tôi một phát, giọng sang sảng pha chút điệu đàng:

“Chứ còn ai vào đây nữa! Kim Khuê đây, có đăng ký kiểu dáng chất lượng độc quyền sử dụng rồi đó!”

Tôi trố mắt nhìn ngắm người đồng nghiệp cũ. Đúng là một truyện cổ được tân trang, kiểu như mấy tay viết trào phúng  biến cho các truyện trong cổ học tinh hoa thành những câu chuyện châm biếm hiện đại, nửa tân nửa cựu, đọc phải buồn cười với nỗi xót xa vô lý.

Chị ta tấn công bằng một số quà giá trị đã chuẩn bị trước, mang theo trong chiếc giỏ xách lớn.  Quà đủ thứ. Quà cho mẹ tôi, cho tôi và hai đứa em của tôi, toàn những thứ lạ lẫm đối với một gia đình nghèo. Những thứ quà giá trị ấy, có nằm mơ tôi cũng chưa dám cho phép mình được nghĩ đến khi đồng lương giáo viên của tôi quá khiêm tốn đối với cả những thứ hàng hóa nội địa thông thường, nói chi đằng này chị ta tặng những thứ mà chính miệng chị ta xác nhận là hàng xịn chính gốc Mỹ do người thân bên ấy mang về nước. Mẹ tôi vui, hai đứa em tôi mừng rỡ nhảy cẫng lên, cảm ơn rối rít liên hồi. Tôi chẳng phải thần thánh gì mà không vui mừng. Nhưng tôi thận trọng, không dám vồn vã, cũng như không dám thốt lên những lời khách sáo đãi bôi, bởi tôi chưa biết rõ mục đích chuyến đến thăm tặng quà của Kim Khuê.

Chị ta ném ra trên bàn trước mặt tôi một xấp ảnh, bảo tôi cứ xem ngắm cho kỹ. Tôi xem từng tấm ảnh một. Toàn là ảnh chân dung của chỉ mỗi người phụ nữ mà tôi thấy lạ lạ, nhưng lại quen quen, cố nhớ thử mà vẫn không biết được là ai. Kim Khuê cười toe toét, bảo tôi đem vài bức ảnh của chính tôi ra xem để so sánh. Khi so bức ảnh của chính mình với những bức ảnh của người phụ nữ xa lạ kia, tôi mới kinh ngạc khi nhận thấy hai nhân vật na ná giống nhau. Vâng, tôi và người phụ nữ xa lạ trong ảnh có nhiều nét giống nhau, phải nói là một bảy một mười. Tôi tò mò:

“Ai vậy?”

“Đó là con nhỏ Thương Loan, người yêu của anh Hai chị!”

… Anh Hai của Kim Khuê có một người yêu nhỏ hơn mình đến mười tuổi, chính là Thương Loan, cô gái trong ảnh. Hai người đã thề non hẹn biển, khắng khít với nhau trong những năm đói khổ, nên không dám tiến đến hôn nhân. Đến khi chàng quyết định đi tìm tương lai xán lạn ở phương Tây xa thẳm, vượt biên vào năm 1983, với lời hứa sẽ đoàn tụ có cặp có đôi trên miền đất hứa. Ra đi, chia tay ngậm ngùi, chàng bặt vô âm tín, nàng đợi chờ mòn mỏi. Qua ba năm dài, vẫn không nhận được tin tức thư từ của người yêu, nàng buộc lòng bước lên xe hoa với một thương gia, rồi theo chồng, không còn để lại một dấu tích gì nữa nơi chôn rau cắt rốn của mình. Đến năm 2002, chàng đột ngột trở về cố hương với danh nghĩa một doanh nhân Việt Kiều sang trọng, tìm hỏi người yêu thì đã quá muộn màng… Chàng mang tiền của về, làm thay da đổi thịt các đứa em của mình, mua đất xây nhà, đảo lộn sinh hoạt, biến những đứa em khổ cực thành những người cao sang. Chính cô giáo Kim Khuê mới ngày nào thề sống chết với bục giảng, với nghề nghiệp cao quý, mà chỉ trong thoáng chốc đã hóa ra một mệnh phụ phu nhân có tiếng tăm giữa chốn thương trường nhộn nhịp. Người yêu đi lấy chồng biệt xứ, nỗi đau buồn không gì lấp nổi, chàng Việt Kiều bốn mươi lăm tuổi mang một nỗi cô đơn khủng khiếp, nhưng vẫn ngoan cố gìn giữ một mối tình chung thuỷ trong tim, nhất quyết không cưới vợ mặc dù có rất nhiều bóng hồng kiều diễm sẵn sàng chờ nghe một câu hỏi là gật đầu ngay.

Nhưng khi những người em gợi ý “Anh Hai nên cưới vợ để có người bầu bạn, có con bế bồng, tội dại gì? Anh cứ đặc điều kiện: người vợ của anh có nét hao hao giống Thường Loan, cỡ năm mươi phần trăm cũng được, để cho anh đỡ nhớ thương về một hình bóng đã thuộc quyền sở hữu của người khác!”. Mỗi người một câu làm cho anh chàng Việt Kiều xiêu lòng và chấp nhận đó là ý kiến hay. Vậy là cuộc tìm kiếm bắt đầu. Những người em đã vì xót xa lo lắng cho anh Hai nên đã dốc công tìm kiếm cho anh ra một hồng nhan hao hao giống người yêu cũ của anh mình. Muốn, đâu phải dễ. Cả mấy người em phải tìm kiếm suốt hai năm, nhưng chưa có ai bắt chộp được hình bóng nào để cho anh Hai vừa ý yên lòng. Trong một lúc bất chợt, xem lại những bức ảnh trong album, Kim Khuê nhận ra và nhớ ra một người đồng nghiệp cũ của mình giống Thương Loan đến lạ lùng, đó chính là tôi. Và đó là một điều Kim Khuê đã cảm thấy từ lâu, nhưng không tài nào nhớ ra nổi, vì trong thời gian đó chị ta đã giải nghệ, xa lánh cái thế giới trường lớp - học trò, không hề có ý nghĩ đặt gót trở lại nơi mà mình gắn bó thương yêu. Xem ảnh, ai cũng công nhận tôi là một Thương Loan. Ngay cả người anh Việt Kiều cũng trố mắt  ngẩn ngơ khi nhìn ngắm dung nhan diện mạo của một người xa lạ nhưng lại giống người yêu mình như tạc. Còn tôi, tôi cũng không dám dối lòng, phải thấy biết và nhìn nhận đây là một biệt duyên dành cho mình ở kiếp này. Chắc chắn ở tiền kiếp, tôi và Thương Loan đã từng có mối quan hệ huyết thống, sinh đôi chung một bọc, hay tình thân như thủ túc gì gì đó, theo quan niệm luân hồi của nhà Phật.

Chỉ cần một cái gật đầu khẽ khàng là tôi có thể làm biến đổi hết mọi chuyện. Mẹ tôi sẽ được đi bệnh viện để cứu chữa chứng bệnh tai ác. Các em tôi ăn học đến nơi đến chốn. Tôi cũng thoát được cái nghiệp giáo chức đồng lương ít ỏi, sẽ trở thành một phu nhân của một doanh nhân Việt Kiều đầy giá trị.

Chỉ cần một cái gật đầu nhẹ nhàng là tôi sẽ bỏ lại sau lưng cả một trời gian nan vất vả, cùng với những khung cảnh thân yêu khắn khít với đời mình: mái trường, bảng đen, phấn trắng, bục giảng, những mái đầu xanh, những gương mặt ngây thơ non choẹt…

Và nặng nề nhất, là chỉ cần một cái gật đầu là tôi phủi hết, xóa hết những lời hứa, câu thề với người cha yêu kính của mình khi ông đang nằm trên giường bệnh thoi thóp từng hơi thở  đương đầu với cái chết bằng những câu trì niệm “Dược Sư quán đảnh chơn ngôn” chí thành chí tín. Tôi đã hứa là sẽ chăm lo hầu hạ báo hiếu cho mẹ an vui, đã thề là sẽ đùm bọc dạy dỗ cho mấy đứa em ăn học nên người, đã nguyện là luôn “tránh làm điều ác dữ, chỉ làm việc thiện lành” y theo lời khuyên dạy của cha truyền đạt lại từ pháp giáo nhà Phật. Hứa thề, thệ nguyện hằng ngày bên tai cha cho đến khi ông mỉm cười trút hơi thở cuối cùng ra đi nhẹ nhàng thanh thoát…

Chỉ cần một cái gật đầu là tôi có tất cả. Với điều kiện phải gạt bỏ những cái tất cả khác, những cái tất cả mà tôi hằng quý trọng, ôm ấp nâng niu, ve vuốt qua nhiều tháng năm vượt qua khó khăn để mà sống cho ra sống, để mà bước ra đường với niềm tự hào ngước mắt nhìn đời.

Nhưng tôi chưa dám gật đầu. Tôi còn chọn lựa. Kim Khuê đã gợi ý cho tôi đến tham dự một bữa tiệc của gia đình chị ta, ở tiệc này tôi sẽ gặp gỡ anh chị em của người đồng nghiệp cũ, quan trọng nhất là được tiếp xúc với Ngài doanh nhân Việt Kiều đang có ý cưới tôi làm vợ, nếu tôi đồng ý. Kim Khuê ba hoa không ngừng, vẽ ra trước mắt tôi, nhét nhồi vào đầu óc tôi những niềm vui sướng, những viễn cảnh cao sang nhàn hạ. Và chị ta cũng không quên nặng lời khi chê bai, phê phán sự nghèo túng của gia đình tôi, cũng như chửi rủa cái nghiệp “giáo chức dứt cháo”, và cái lũ học trò nghịch ngợm… mà chị đã một thời yêu quý. Chị ta chứng minh điều mình nói bằng cách khoe khoang cái mã hào nhoáng với vàng vòng phù phiếm, tiền đô-la mới keng, rồi chỉ thẳng vào những gì tồi tàn rách rưới, cũ kỹ bệnh hoạn có nơi tôi, nơi mẹ tôi, các em tôi, và nơi ngồi nhà tôi đang trú ngụ. Tôi cho rằng Kim Khuê đúng. Nhưng không vì vậy mà tôi hối hả, hăm hở nhận lời ngay. Tôi cần có mặt trong bữa tiệc kia, vào ngày hôm sau …

Buổi sáng ngày hôm ấy, tôi vẫn đến trường, vẫn dạy học bình thường, nhưng quả thật tôi đã bị phân tâm vì chuyện vừa ập đến đời mình. Tôi nôn nóng đến chiều tối để dự tiệc, để thăm dò tìm hiểu người anh Hai của Kim Khuê, nếu là một đấng trượng phu thực thụ, thì tôi sẽ không ngần ngại đính hôn. Khi nào làm xong thủ tục bảo lãnh cho tôi được qua Mỹ, tôi sẽ chính thức làm người vợ nâng khăn sửa túi cho Ngài doanh nhân sang trọng. Tôi hy vọng, rất có thể nhờ cuộc hôn nhân kỳ sự này mà mẹ tôi sẽ mạnh khoẻ hết bệnh, các em tôi sẽ được đi học đầy đủ, nhất là con Mai em kề tôi đang bước đến ngưỡng cửa đại học sư phạm. Tôi có thể sẽ hy sinh, sẽ đau đứt ruột khi từ bỏ nghề giáo, nhưng tôi sẽ từ chỗ từ bỏ mà tạo dựng cho em gái tôi nối bước mình, thay thế chỗ trống mà mình để lại trên cái nền giáo dục cao quý của tôi…

Chiều đến, Kim Khuê chạy chiếc xe Vespa đời mới bóng mướt lại nhà rước tôi đi. Lên xe, bắt đầu tiến vào thế giới lạ lùng của những người trưởng giả, để một là hòa nhập vào chốn ấy, và hai là ngoảnh mặt quay lưng rời xa không thương tiếc. Tôi chưa biết mình phải chọn con đường nào, ngay cả khi ngồi bàn tiệc có hơn mười người trong gia đình thân quyến của Kim Khuê. Người ta đã cố tình sắp xếp cho tôi ngồi cạnh ghế của Ngài doanh nhân đạo mạo, để tôi có điều kiện tìm hiểu chuyện trò. Phía bên trái tôi là Kim Khuê rực rỡ trong bộ váy đầm đính kim tuyến. Còn có cặp vợ chồng Tư Hộ, em của Kim Khuê, trước chạy mánh chợ trời, nay đang là chủ nhân của một shop thời trang Hip Hop, trông ra vẻ dân chơi sành điệu, vợ thì cố tình mang trên người một kiểu cách đài cát. Tay Năm Hiếu thì ồn ào suốt buổi, khui bia lon bong bóc, văng tục chửi thề như hồi còn làm cò nhà đất, có phu nhân ngồi bên ỏng ả ỏng ẹo như con gái mới lớn, dường như cô ta đã quên rằng mới ngày nào cô còn ngày hai buổi đi khắp các sạp trong chợ để cho thuê những cuốn truyện tình cảm ba xu bốn cắc sướt mướt éo le. Cặp vợ chồng Sáu Hân đã không giả dối khi cùng nhau chứng tỏ mình là những người ham ăn háu uống, phàm phù tục tử. Còn lại những cô những cậu chưa có gia đình, cô nào cũng chưng diện hết cỡ, cậu nào cũng ra người bảnh choẹ tân thời, nói cười hô hố, kể chuyện tiếu lâm vô duyên thái thậm, khoe khoang những kiểu cách tiêu tiền rất ư là trưởng giả. Các cô cậu cũng đã cố tình quên đi quá khứ mới vừa trôi qua hôm nào, cái thời mà các cô các cậu đã phải đứa bán báo dạo, đứa vé số lang thang, đứa phụ bốc vác ngoài bến xe ba gác ở chợ đời nắng mưa. Tất cả dường như quên hết cả rồi. Người tranh nói, kẻ tranh ăn, kẻ giành kể, người giành khoe. Tôi cảm thấy khó chịu, bực mình, nhưng kịp nhớ ra những con người hợm hĩnh đó không phải là đối tượng chính để cho mình tìm hiểu trong bữa tiệc này. Người đang ngồi kề tôi phía bên phải kia, Ngài doanh nhân đang làm bộ nghiêm trang, chỉ cười khề khà khi nghe một đứa em kể một câu chuyện hài hước, hoặc lắc đầu ngao ngán mỗi khi một đứa em buông một câu không được lịch sự cho lắm. Ngài tỏ ra là một người đàn ông biết nịnh đầm, thường xuyên gắp thức ăn, châm nước uống cho tôi, và thỉnh thoảng mới hỏi một câu nhỏ nhẹ như sợ làm thối tai tôi vậy! Kim Khuê thì ngồi không yên một chỗ, hết chạy đi múc thức ăn thêm, lại chạy đi mở đĩa DVD ca nhạc cổ điển, đon đả suốt buổi, cả mắt miệng đều cười liên tục không chịu tắt nghỉ chút nào …

Khi câu chuyện chuyển sang đề tài khoa học hiện đại, những bộ mặt trước mắt tôi, quanh tôi cùng nhau chăm chú giả tạo khi người anh Hai lên tiếng ca ngợi những kỹ thuật của công nghệ tin học. Tôi liếc mắt nhìn quanh một vòng, tức cười trong bụng, nhưng không dám cười, cũng giả bộ lắng nghe như rất quan tâm đến tin học mà thật sự chính mình cũng mù tịt. Sau một tràng thuyết giảng huyên thiên, Ngài doanh nhân bất ngờ nhìn tôi hỏi:

“Hương thấy có ghê gớm không?”

Tôi giật mình, vì đâu có nghe anh ta nói gì trước khi ấy, lúng búng hỏi lại:

“Cái gì ghê gớm ạ? Anh nói cái gì ghê gớm?”

Vẻ mặt Ngài doanh nhân hơi thất vọng:

“Chuyện vi tính, công nghệ thông tin đó mà. Hương thấy sao?”

“Ừ, ghê gớm thật. Ở bên này, nước mình tuy đã có chạy theo ráo riết nhưng vẫn còn kém lắm … Còn em thì không biết gì về vi tính, về công nghệ tin học, thấy đám học trò đua nhau đi học thêm, thấy các cơ quan xí nghiệp tuyển nhân viên với điều kiện phải biết vi tính, em nóng ruột, thèm thuồng, nhưng đành chịu thua thôi!”

Ngài doanh nhân bật cười, quàng cánh tay qua vai tôi thân mật, nói oang oang:

“Em ngu thật!”

Tôi nhíu mày, không tin nổi vào tai mình, hỏi lại ngay:

“Sao? Anh vừa nói gì?”

“Em ngu lắm!”

Tôi chưng hửng. Nhưng mặt Ngài doanh nhân vẫn điềm nhiên, chừng như Ngài cho câu phán xét ấy là bình thường. Những gương mặt chung quanh cũng đều đang ngạc nhiên. Im lặng. Ngài doanh nhân cười gằn:

“Ủa? Sao im lặng vậy? Có gì là lạ mà phải ngạc nhiên? Một cô giáo ngu, không hiểu biết gì về vi tính, về tin học, thì sẽ tạo ra một đám học trò ngu xuẩn!”

Ngưng một lát, nhìn tôi, Ngài doanh nhân thản nhiên nói tiếp:

“Nước mình còn quá lạc hậu. Bây giờ có là giỏi ở bên này, mà khi bỏ sang Mỹ, cũng chỉ còn là đứa khờ khạo thôi. Nhưng Hương đừng lo, nếu qua được bên Mỹ, tôi sẽ lo chu tất để Hương theo học mọi ngành, nhất là tin học, rồi Hương sẽ được đào tạo thành một người kiệt xuất đối với cái quê hương nghèo nàn chậm tiến này!”

Cả đám kia cười ồ lên, có người còn tấm tắc khen “anh Hai nhận xét chính xác và trung thực quá!”. Tôi thì lặng người đi. Tôi đang cố kìm nén cơn nghẹn tức. Anh ta nói đúng, chính xác. Tôi cũng cho là vậy. Nhưng, tôi nghĩ nước mình còn nghèo chứ không phải là mãi nghèo, còn lạc hậu chứ không phải là không bao giờ tiến bộ văn minh. Còn tôi, tôi ngu thật, nhưng không phải suốt đời phải chịu ngu, có cái khác, lĩnh vực khác tôi sẽ khôn hơn những người khôn hơn tôi ở lĩnh vực này. Từ nghèo nàn lạc hậu mà vươn lên, vượt lên bằng chính ý chí, sức mạnh, niềm tin yêu cuộc sống của chính mình, không nhờ vả, cậy bám và những vật chất phương tiện của người khác bố thí ban ơn, hoặc cho vay mượn với mục đích đen tối hắc ám.

Hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy thương nhớ đến đám học trò của mình, tôi thương nhớ ngôi trường hiền hòa, thương nhớ tấm bảng đen òm om tượng trưng cho sự dốt nát vô minh, thương nhớ những viên phấn tượng trưng cho những thanh bảo kiếm - kiếm của trí tuệ - đâm vào màn đêm u tối, phạt ngang quét dọc xua đuổi dốt nát mê muội. Và tôi cũng thương nhớ đến mẹ, đến các em mình, tôi đang khát khao đến bỏng cổ, thèm được ôm những cảnh vật, những người, mà tôi vừa chợt thương nhớ quay quắt như đang và đã xa cách từ hàng nghìn năm nay rồi, chứ không phải chỉ mới một sớm một chiều.

 Tôi nén cơn tức giận xuống. Nó lại chực trào lên. Tôi nuốt nó một cách khổ sở. Tôi biết nếu để cho nó trào lên, tôi sẽ bật khóc giữa bàn tiệc. Tôi thầm nhắc nhở mình: tôi là một giáo viên, một một người mang thiên chức trồng người, tôi phải luôn luôn là một người kiến tạo, xây dựng, ươm bón trồng trọt, chứ không làm điều phá đổ, hư hại ở bất cứ tình huống nào. Vây mà tôi rất muốn phá hoại, lật đổ, dù đó là điều cuối cùng làm được trong cuộc đời mình.

Tôi đứng bật dậy. Bật dậy ngay giữa bàn tiệc, khi mọi người đang còn ngồi đưa ra những bộ mặt kinh ngạc, ngơ ngác.

“Nam mô Phật!”

Tôi buột miệng bật lên ba tiếng rõ to, ngay trong chớp nhoáng không biết đúng sai phải quấy dở hay trúng trật gì nữa.

Hai bàn tay tôi run lên đặt dưới cạnh bàn, và cùng hất lên bằng hết cả sức bình sinh. Chiếc bàn nẩy chồm lên. Bàn tiệc với ly chén và những món sơn hào hải vị tung lên phía trước mặt tôi. Tiếng la hoảng ý ới, chửi thề độc địa cùng hòa âm với tiếng đổ vỡ của thuỷ tinh sành sứ… Tôi nhắm mắt lại, vùng người bỏ chạy ra khỏi cái thế giới kinh khủng đối với mình. Tôi băng ra ngoài đường với tâm trạng vô thức, nhưng trong lòng lại cảm nhận được sự sung sướng hả hê, bỏ lại đằng sau lưng mình những tiếng chửi rủa, gọi réo của những kẻ trưởng giả. Tôi băng đi, băng đi hết tốc lực, không biết phải đi đâu, chỉ biết rằng càng tránh xa nơi mình vừa rời khỏi càng tốt …

Một tiếng xe thắng “kít” kéo dài thật ghê rợn, rồi những tiếng la ó vang lên … Tôi cảm thấy đau nhói trong một khoảnh khắc quá nhanh, rồi không còn biết gì nữa…

Tỉnh dậy. Tôi nhìn thấy quanh mình là những gương mặt thân quen của đám học trò. Tôi đang nằm trên giường. Giường bệnh viện. Đau buốt. Nhìn thử, chân trái của tôi đang cứng đờ vô cảm. Chân phải đang bó bột. Tôi đã hiểu chuyện gì đã xảy ra đến với mình. Đó là cái giá phải trả. Đó là cái quả phải gặt hái từ cái nhân dữ dẵn dữ tợn của chính mình gieo sạ. Thật sòng phẳng. Tôi chấp nhận. Chấp nhận bằng sự hân hoan, cho dù mai sau cuộc đời mình có tàn phế, miễn là tôi được trở về với thế giới của riêng mình. Ôi, cái thế giới thật dễ thương với bảng đen phấn trắng, với những đồng nghiệp tận tuỵ khiêm nhường, và những đứa học trò ngây ngô… tôi đã hòa nhập vào đó không thể nào rời.

Tôi mỉm cười mãn nguyện. Rốt cuộc là tôi đã không gật đầu, mà hất cằm ngước mặt hướng nhìn cao xanh để sẵn sang đón nghiệp duyên ngày mai ngày mới.  Hít một hơi thật sâu, rồi nhắm mắt lại, thiếp đi với một giấc mộng dài có cảnh giới thanh tịnh của thiền môn, có âm thanh chuông mõ ngân vang hòa cùng bài kinh câu chú, có bóng dáng ung dung thư thái của người cha yêu kính thấp thoáng sau hàng  dương liễu rũ lá xanh rì tươi mát. và cũng có tiếng ê a quen thuộc của bọn trẻ đầu xanh mà tôi mãi mãi không bao giờ quên …

  

MÃN ĐƯỜNG HỒNG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/06/2014(Xem: 4771)
Chiều nay, một chiều thật an bình, dưới bóng râm mát diệu của những tàn cây xanh, lồng lộng tiếng chim như trĩu thanh âm xuống phòng khách bên trong một ngôi đạo tràng. Bình trà đã rót nhiều lần, nhưng hương vị trà hãy còn thấm đậm theo dòng thế sự hoài niệm cổ kim.
21/06/2014(Xem: 10196)
Chúng tôi, Nhóm Học Phật chùa Quang Nghiêm, gồm một số thân hữu và những huynh trưởng Gia Đình Phật Tử trong vùng có cơ duyên gần gũi và học hỏi cùng thầy trong nhiều năm qua. Nhân đó, chúng tôi được biết, Thầy là một cây viết thường xuyên trên tập san: THEO DẤU CHÂN XƯA của Phật học viện Huệ Nghiêm, SÀI GÒN trước 1975. Nhưng sau những đợt đốt sách của chính quyền Cộng Sản, THEO DẤU CHÂN XƯA không còn nữa. Càng gần Thầy, chúng tôi nhận thấy những gì Thầy dạy và viết thật thực tế và giản dị trong việc áp dụng Đạo Phật vào đời sống hằng ngày cho chúng ta. Chúng tôi không muốn có sự thất thoát như xưa, nên mạo muội sưu tập một số bài mà Thầy đã viết trong thời gian qua. Đây là một món quà tinh thần của Thầy mà chúng tôi đã rút ra những bài học bổ ích cho cuộc sống hàng ngày. Có một điều quan trọng nữa là bài học thân giáo của Thầy: phong cách hiền hòa và đức độ lan tỏa từ Thầy êm đềm như dòng sông Thu Bồn xứ Quảng. Trong bất cứ lúc nào, nếu có dịp, Thầy thường nhắc nhở: “Học Phật có n
20/06/2014(Xem: 10633)
Thuở xưa có một con rùa, vào một buổi chiều đi kiếm mồi bên một cái đầm vắng. Một con dã can cũng đi kiếm mồi cạnh cái đầm ấy. Con rùa lanh lợi kia vừa thấy dã can từ xa đi tới thì nghĩ rằng : “Dã can nầy đã từng gây hại cho loài của ta, vậy nay ta phải thận trọng.” Nghĩ vậy con rùa bèn thâu bốn chân và thứ năm là cái cổ vào trong chiếc mai rắn chắc của mình, rồi nằm im bất động.
20/06/2014(Xem: 4774)
Gia đình là nền tảng của xã hội. Muốn tạo dựng một xã hội phồn thịnh an vui, có lẽ ta cần phải có thật nhiều mái ấm gia đình mới phải. Thế nhưng trong thực tế thì than ơi, ta chỉ gặp toàn những gia đình tiêu biểu cỡ anh chồng Nguyễn văn Đầu Vịt và chị vợ Trần thị Lá Sen như câu chuyện Mái Ấm Chợ Chiều dưới đây.
16/06/2014(Xem: 13634)
Chuyện Thiền Môn là những câu chuyện do chúng tôi biên soạn. Những mẫu chuyện nầy đã đăng rải rác trong các Bản Tin Đại Tòng Lâm Phật Giáo. Bắt đầu từ số 17 cho đến số 29. Mỗi Bản Tin được kèm theo trong tờ Đặc san Phước Huệ phát hành ấn tặng mỗi kỳ vào các dịp đại lễ như: Phật Đản, Vu Lan và Tết Nguyên Đán. Tuy là câu chuyện dài nhưng mỗi kỳ đều có mỗi chủ đề khác nhau. Những nhân vật trong câu chuyện không phải là những nhân vật có thật ở trong đạo, nếu có sự trùng hợp thì đó chẳng qua là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, ngoài ý muốn của bút giả. Chúng tôi dựa vào một vài nét sinh hoạt thực tế cụ thể trong thiền môn mà viết thành qua mỗi chủ đề khác nhau. Mỗi chủ đề tuy có khác, nhưng những nhân vật trong cốt chuyện trước sau đều có sự hoạt động liên tục. Qua mỗi câu chuyện, chúng tôi cố gắng diễn tả theo từng tâm trạng và hoàn cảnh của mỗi nhân vật hay thường xảy ra trong chốn thiền môn.
16/06/2014(Xem: 6894)
Tập sách nhỏ nầy chúng tôi ghi lại những ngày lang thang rày đây mai đó trên đất Mỹ. Đây là chuyến đi Mỹ lần đầu tiên của chúng tôi. Như những chuyến đi lần trước mà chúng tôi đã có dịp đi qua các nước: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, cứ mỗi chuyến đi tôi đều có ghi chép lại những gì đã xảy ra trong suốt cuộc hành trình. Lần nầy cũng vậy. Tôi cũng muốn ghi lại những việc xảy ra từng ngày. Đến đâu, ở đâu, làm gì ... tất cả, chúng tôi đều có ghi lại đầy đủ. Do đó, quyển sách nầy với hình thức giống như là một quyển nhật ký hay ký sự hơn là quyển sách mang tính chất nghiên cứu. Trong sự ghi chép đó, nơi nào có liên quan đến những địa danh mà chúng tôi tới viếng thăm, chúng tôi đều có sưu tầm một số ít tài liệu để dẫn chứng. Tôi nghĩ rằng, chuyến đi nào cũng có ít nhiều kỷ niệm vui buồn. Cuộc đời tương đối không sao tránh khỏi. Mục đích của chúng tôi là muốn lưu lại một vài hình ảnh kỷ niệm thân thương qua những nơi mà đoàn chúng tôi đã đến.
10/06/2014(Xem: 8179)
Hai dì vãi chùa tôi tuổi đời đều đã trên 70. Về sự kính Ôn, trọng thầy, thương chú và đùm bọc điệu hai dì như nhau. Về sự siêng năng, chịu khó, tiết kiệm, giữ của cho chùa hai dì bằng nhau. Về vóc hình nhỏ nhắn hai dì giống nhau. Về chiều cao khiêm tốn hai dì ngang nhau. Thời Ôn (cố) còn sống, có mụ nhà quê lâu lâu mới lên thành phố tìm đến viếng chùa rồi gặp Ôn trú trì, sau khi đảnh lễ, mụ nói một câu tỉnh rụi về hai dì vãi chùa tôi: Ôn có “cặp sanh đôi” trông vui mắt, hí.
04/05/2014(Xem: 16532)
Hằng năm tại Thụy Sĩ nói riêng, Âu Châu nói chung, nhằm vào lễ Phục Sinh được nghỉ 4 ngày liên tiếp từ thứ 6 đến thứ 2, thiên hạ thường nô nức mua sắm, du lịch hay tiệc tùng ăn nhậu..v.v..và..v.v.. để đền bù và thưởng thức cuộc sống cho bõ những ngày tháng làm việc mệt nhọc mà họ cho là "đi cày" vất vả.
15/04/2014(Xem: 5032)
Thiên tình sử Truyện Hoa Lan không biết đã cướp mất bao nhiêu thì giờ quí báu của các bạn, chứ riêng tôi bị mất nhiều công sức lắm. Chẳng là Mỗi tuổi nó đuổi xuân đi, đuổi nhanh đến độ mỗi sáng tôi phải ngồi nhổ tóc bạc đến mỏi cả tay, đến mờ con mắt mà vẫn chưa xong.
09/04/2014(Xem: 4930)
Chạy hơn trăm cây số vào thành phố, đến trạm kiểm tra của cảnh sát, Hà Tam hết sờ túi này lại nắn túi nọ, tìm mãi không thấy giấy phép lái xe đâu. Hà Tam thừ người ra: Giấy phép lái xe rõ ràng là để trong chiếc ví da lúc nào cũng mang trong người, vậy sao lại tìm không thấy? Cẩn thận nhớ lại, Hà Tam mới chắc là chiếc ví da đã bị rơi khi mình chui vào gầm xe sửa chữa. Đành phải để xe lại trạm cảnh sát, Hà Tam vội vã vẫy taxi quay lại chỗ sửa xe.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com