Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Diễm Xưa

28/10/201806:44(Xem: 3729)
Diễm Xưa
diem xua_tran thi nhat tan
Diễm xưa
 Trần thị Nhật Hưng
 
Diễm và Liễn lấy nhau được đúng 5 năm, chưa có con, biến cố 30-04-75 đến, chồng Diễm khăn gói vào tù, lúc đó nàng vừa 23 tuổi. Ở nhà chỉ còn nàng và cụ Định 70 tuổi, thân phụ Liễn.

Trước đây, cả nhà ba người chỉ sinh sống bằng đồng lương hạn hẹp, ít ỏi của Liễn. Nhờ Diễm biết tằn tiện, quán xuyến, lại không phải hạng người ham vật chất, đua đòi nên cuộc sống gia đình nàng tạm đủ. Đủ theo cái nghĩa biết đủ thì nó đủ. Nhờ thế, mái ấm gia đình nàng êm đềm hạnh phúc dù vắng bóng tiếng trẻ thơ.

Sau 75, bất ngờ không còn đồng lương, chồng vắng nhà, Diễm thật chới với. Nhưng rồi vốn quen với nếp sống thanh đạm“ngày hai bữa vỗ bụng rau bình bịch„ giỏi chịu đựng, mọi sự phải tập quen, cho nên, cũng như bao người miền Nam khác, ăn tiêu, Diễm bán dần đồ đạc và cần kiệm cho qua ngày. Nhà chỉ còn hai người cũng dễ. Lại thêm bố mẹ ruột của Diễm khá giả, thỉnh thoảng từ miền Trung tiếp tế vào Sài Gòn cho con gái, nên về đời sống vật chất tạm thời không đến nỗi âu lo quá đáng. Thế nhưng,“phước bất trùng lai, hoạ vô đơn chí„ độ chừng vài tháng sau, khi cụ Định liên lạc được với bà con họ hàng gia đình ngoài Bắc (cụ di cư vào Nam chỉ hai bố con), Diễm mới vỡ lẽ, trước năm 54 di cư vào Nam, Liễn, chồng nàng từng có một đời vợ và một đứa con trai ngoài đó. Điều này khi kết hôn với Diễm, năm nàng mới 18 tuổi, Diễm không hề nghe tới.

Người vợ đó cho đến năm 75, vẫn ở vậy chờ chồng, chắt chiu với đứa con trai chỉ thua Diễm 2 tuổi.
Biết được điều này, Diễm như tiếng sét đánh ngang đầu, đánh nát cả trái tim nàng. Nước mắt lúc đó không đủ xoa dịu nổi cơn đau xé ruột, xé gan. Diễm chết điếng với nỗi bàng hoàng không sao giải quyết được. Đêm đêm, Diễm chỉ còn biết khóc...và khóc...
 
Nỗi đau khổ này, tuyệt nhiên, Diễm không hề than thở với chồng. Liễn đang ở tù, chẳng giải quyết được gì. Trách móc, than thở chỉ làm nát lòng nhau. Nhưng Diễm muốn biết đầu đuôi câu chuyện. Diễm hỏi cụ Định:
  • Bố có thể kể cho con nghe cuộc hôn nhân đó như thế nào không?
    Bằng giọng bùi ngùi, cụ Định dõi hồn về quá khứ, cụ kể:
  • Khi nhà con 17 tuổi, bố và nhà con rời quê lên thị xã thuê một căn nhà nhỏ ở tạm. Nhà con còn đi học. Bố thì trốn lánh vùng mất an ninh, vì ở quê lúc đó, tối Việt Minh về quấy rối, ngày thì Tây bố ráp. Ở thị xã bố chả làm gì. Hai bố con sinh sống bằng tiền ở quê tiếp tế. Ngày ngày có các cụ, bạn bố qua đánh chắn (đánh tổ tôm, một loại bài bạc của người miền Bắc). Các cụ ấy cũng đều ở quê lên cả, nhà rất giàu. Nhìn cảnh hai bố con đơn chiếc, nhà lại thiếu đàn bà, các cụ khuyên bố lấy vợ hai.
    Nói đến đây, cụ Định “chậc” một tiếng, lắc đầu:
  • Vợ hai, vợ ba, rắc rối lắm con ạ. Bố từ chối, thế là các cụ bàn nhau lấy vợ cho Liễn.
    Có một con bé, con người bạn, xinh xắn, ngoan hiền, nhưng mới 14 tuổi, bé quá, biết gì. Lấy về lại phải “hầu” nó. Thế là cụ Chánh Hàn giới thiệu ngay cháu gái cụ 20 tuổi.
    Vợ Liễn ngoài đó và nhà con, chúng nó chỉ ”thấy” nhau một lần thế thôi, rồi tháng sau đám cưới. Một đám cưới chạy tang đơn giản. Phần loạn lạc nên cũng chỉ đại khái theo nghi lễ.
    Vợ Liễn về nhà bố, hai tháng sau có thai. Ngày ngày nó lo cơm nước, quét dọn, giặt giũ và buôn bán lặt vặt. Nhà có đàn bà, mọi sự ngăn nắp tươm tất hơn.
    Ngày vợ Liễn gần sanh, nhà con đưa nó về quê, cùng lúc đất nước biến động, hiệp định Genève ra đời chia đôi đất nước. Thành phần địa chủ như bố, ở lại chỉ có nước chết. Bố đành phải chạy vào Nam. Gia đình không muốn để bố ở Nam một mình, cử nhà con đi, khi đó thằng Thịnh, con của Liễn, mới sanh được 5 tháng.
  • Tại sao không dắt mẹ con Thịnh theo? Diễm hỏi.
  • Bấy giờ ở quê đã rơi vào tay Việt Minh. Muốn đi, phải lén lút trốn tránh. Đùm đề vợ con làm sao trốn được. Lại nữa, mẹ Thịnh vừa mới sanh.
    Nói đến đây, cụ Định lại thở dài, “chậc” lên một tiếng bi ai:
  • Bố đâu muốn nhà con đi, bỏ vợ con trong hoàn cảnh như thế. Nhưng rồi nó cứ đi, trốn ra được Hải Phòng theo con tàu “há mồm” di cư vào Nam với Bố. Lúc đó ai cũng tưởng rằng, hai năm sau tổng tuyển cử đất nước thống nhất, gia đình có cơ đoàn tụ, nào ngờ kéo dài mãi đến hôm nay.
    Cụ Định kể với ánh mắt xa xăm, quá khứ đau thương từ vực sâu ký ức như trỗi dậy đè nặng lòng cụ. Giọng cụ bỗng lạc hẳn đi, chất chứa bao chua xót, uất hờn:
  • Ngày bố và nhà con đi rồi, gia đình ta ngoài đó bị ghép vào thành phần địa chủ phản động, bị đấu tố. Toàn bộ tài sản ruộng đất bị tịch thu, một cái chén cũng không còn để mà dùng. Mẹ con Thịnh chỉ còn được tá túc nơi xó bếp. Còn mẹ con và thằng em mới 15 tuổi của Liễn, bị đày đi Lào Cai nơi rừng thiêng nước độc. Hiện giờ Thịnh, sau khi học hết phổ thông, thành phần này không bao giờ ngoi đầu lên được trong xã hội Cộng sản, cuối  cùng cũng lên Lào Cai với chú. Còn mẹ nó vẫn ở quê làm ruộng với hợp tác xã cho tới bây giờ.
     
    Kể xong, cụ ngồi yên thầm lặng. Vẻ u uẩn hằn lên khuôn mặt gầy gò. Cụ đưa mắt xót xa nhìn sang Diễm. Diễm vẫn ngồi đó, hai tay chắp vào nhau, mặt cúi gầm tư lự. Mọi biến chuyển nội tâm đang xáo trộn tâm tư nàng. Diễm thấy thương số phận mình, thương luôn hoàn cảnh trớ trêu của mẹ con Thịnh. Nàng biết trách ai đây? Cụ Định ư? Liễn ư? Hay trách  cho số phận, định mệnh đã an bài?
     
    Khi Diễm ngẩng mặt lên, ánh mắt nàng mang theo bao nỗi đau khổ. Từ nơi đó, những giọt lệ long lanh tròn như hạt sương mai, trong như pha lê đang thi nhau lăn dài trên má. Diễm nấc lên trong tiếng khóc nghẹn ngào. Nàng đưa tay quẹt nhẹ nước mắt nhạt nhòe trên mặt, rồi hỏi:
  • Câu chuyện thương tâm, quan trọng như vậy, tại sao trước ngày cưới của con cũng như 5 năm qua, không ai nói cho con biết?
    Cụ Định vẫn ngồi yên lặng, trầm ngâm. Lòng cụ cũng đang xốn xang trước nỗi buồn của cô con dâu trẻ. Một lúc thật lâu, vẫn giọng bùi ngùi, cụ nói như vỗ về, an ủi:
  • Lúc đó con còn nhỏ quá. Nói ra chả có ích lợi gì. Bố chỉ nói với ông bà thân sinh của con. Ai cũng nghĩ, chuyện xưa nhiều năm rồi chắc không hy vọng có ngày tái hợp.
    Diễm nói, giọng nghẹn ngào:
  • Con lấy chồng chứ đâu phải bố mẹ con lấy chồng. Ít ra mọi người cũng nên nói với con. Tại sao tất cả người lớn dối gạt con. Bố cũng biết hồi đó, dù có thương nhà con, nhưng con vẫn chưa muốn lấy chồng. Con còn đi học, ham học, hiếu học và học giỏi. Bây giờ mọi sự đã lở dở cả rồi. Con mất hết tất cả rồi. Mất hết. Con sẽ trả lại chồng cho mẹ con Thịnh. Rồi con sẽ rời đây!
    Nói xong, Diễm khóc oà, chạy vội vào nhà trong úp mặt vào giữa hai lòng bàn tay nức nở. Cụ Định chẳng biết nói sao hơn, chỉ đưa mắt nhìn theo buông một tiếng thở dài não nuột.
     
  • diem xua_tran thi nhat tan-2
  • Từ sau hôm nghe câu chuyện cụ Định kể, Diễm tự coi như nàng đã chết. Đúng ra, Diễm đã muốn quyên sinh ngay từ hôm đó. Đã nhiều lần, Diễm ngồi hằng giờ trên căn gác nhỏ nhìn từng đống thuốc ký ninh, dầu nóng, dầu xanh, thuốc cảm, thuốc đau bụng…nàng đã lôi hết ra từ tủ thuốc gia đình, chỉ cần nốc một hơi với ly nước nhỏ, nửa tiếng hay một tiếng sau nàng kết thúc cuộc đời và kết thúc luôn nỗi khổ đau nàng đang gánh chịu. Nhưng trong cơn tuyệt vọng cùng cực, nhập nhòa trong trí Diễm, hình ảnh ông bà Chí, bố mẹ nàng hiện ra. Hai mái đầu bạc thất thểu lặn lội từ miền Trung vô Sài Gòn gục trên chiếc quan tài của nàng khóc thảm thiết. Nàng nằm trong đó không biết gì. Giữa bao tiếng khóc, tiếng cầu kinh, trống kèn ò e tiễn biệt cùng lời xầm xì thương tiếc, tò mò của bà con lối xóm, nàng sẽ không còn nghe gì, thấy gì. Mãi mãi Diễm được yên giấc ngàn thu. Sẽ không bao giờ còn đớn đau gì nữa cả, nhưng thay vào đó, sẽ là nỗi đớn đau của chính bố mẹ nàng. Hai ông bà cụ sẽ đau khổ triền miên suốt quãng đời còn lại. Còn cụ Định và Liễn ư, đương nhiên phải buồn rồi. Họ cũng sẽ ráy rứt khôn nguôi với tháng ngày. Vì chính cụ Định và Liễn đã là người trực tiếp gây nên cái chết của nàng. Không, không thể được. Diễm không thể để người khác phải đau khổ vì mình.Thế thì nàng phải sống, can đảm mà sống, chịu đựng để sống, sống cho bao người thân được cười, trong khi chỉ mình nàng thì khóc. Nghĩ vậy, Diễm cố giữ lại cái xác của nàng. Một cái xác không hồn, vất vưởng như bóng ma cả ngày lẫn đêm, nhất là những lúc Sài Gòn không đèn, ngọn đèn dầu le lói soi bóng nàng vào ra, héo hắt trong căn nhà nhỏ với cụ Định.
  • Diễm quyết không than trách với Liễn. Nàng cũng không thư từ bắt bẻ, kể khổ với bố mẹ. Diễm cũng không muốn tâm sự với bất cứ ai, mà xung quanh nàng còn có ai để tâm sự ngoài cụ Định. Bạn bè, kể từ ngày nàng đến với Liễn, cuộc sống rồi việc học, thêm biến cố 75, tản mác kẻ ở người đi, chả còn người bạn nào có thời gian liên lạc với nàng. Diễm sống khép kín, đóng khung trong cuộc đời của Liễn và cụ Định. Bây giờ nàng ngồi đây một mình, cô đơn khủng khiếp trên căn gác vắng, không còn cách nào hơn, Diễm bắt đầu trút niềm đau qua những trang nhật ký. Diễm viết về Liễn, về nàng, nhắc nhớ lại những kỷ niệm êm đềm ngày chàng và nàng gặp và quen nhau. Ôi định mệnh. Diễm không ngờ định mệnh khiến xui đưa đẩy cuộc đời Diễm sang một lối rẽ, giữa khi cô bé Diễm ngày nào còn quá ngây thơ, thánh thiện của tuổi học trò.
    Diễm lên xe hoa về nhà Liễn năm nàng 18 tuổi. Hành trang mang theo về nhà chồng một valy toàn sách vở và vài chiếc áo dài trắng nữ sinh. Đám cưới nhằm ngày chủ nhật. Sáng hôm sau thứ hai, Diễm vẫn cắp sách đến trường để hai tháng kế chuẩn bị cuộc thi tú tài phần một, rồi tiếp tục phần hai, rồi đại học như ước mơ Diễm hằng ấp ủ. Diễm ham học, hiếu học hơn là ham lấy chồng trong lúc đó. Nhưng Diễm không cưỡng được số phận, không cưỡng nổi ước mong quyết thực hiện câu ca dao “cưới vợ phải cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha”của cụ Định và ông bà Chí, hai gia đình vốn thân nhau qua hội những người Bắc di cư khi cụ Định còn ở miền Trung - Cụ Định là Hội trưởng còn ông Chí là Thủ quỹ - và nhất là tình chàng. Liễn đến. Đến như cơn gió nhẹ, như dòng suối ngọt ngào, nhẹ nhàng chảy thấm dần vào lòng đất. Tuổi tác chênh lệch như chú cháu, cả Liễn và Diễm không có “tiếng sét ái tình”, nhưng thời gian suốt hai năm “nằm vùng” tại gia đình ông bà Chí - đêm đêm, cụ Định, thỉnh thoảng cả Liễn đến ngủ nhờ nhà nàng để tránh những cuộc tấn công kế tiếp của cộng quân sau vụ tết Mậu Thân - thời gian vừa đủ để Liễn và Diễm tuy không quan tâm để ý nhau vẫn “thấy” ra nhiều điểm tương đồng của nhau. Diễm kính Liễn như một người… chú, một người anh cả. Ngược lại, Liễn cũng mến nàng như cô em gái ngoan. Rồi, điều gì đến đã đến. Một đám cưới “thần tốc” không ai ngờ được, thật đơn giản nhưng không kém phần trang trọng với đầy đủ lễ nghi đã diễn ra chỉ sau một tháng khi Liễn ngỏ lời muốn cưới nàng: “Đừng gọi anh bằng chú nữa. Anh muốn cưới em làm vợ, em bằng lòng không?” Diễm cười: “Cháu… ơ … ơ… e…m … em bằng lòng. Nhưng, nhưng… đợi… em... học xong đại học đã.” Đã chẳng ai chịu đợi nàng. Và Diễm thì nhất quyết không muốn bỏ học.
    Các cụ nhà ta vẫn bảo, tình yêu thường đến sau hôn nhân. Quan niệm đó không hoàn toàn đúng trong mọi trường hợp, nhưng với Liễn và Diễm thì rõ ràng như vậy. Những ngày sống bên nhau, tình yêu của cả hai đã tăng theo cấp số nhân tỉ lệ thuận với lòng tương kính. Càng ngày hai người càng thấy “ý hợp tâm đầu”. Cả hai có cùng một ước mơ, một sở thích, một suy nghĩ và nhất là cùng một chí hướng, một hoài bão phụng sự con người, xã hội, dân tộc hơn là đeo đuổi vật chất để phục vụ đời sống bản thân. Với lý tưởng đó, cho nên, dù nắm giữ những chức vụ chỉ huy quan trọng, Liễn đã chọn cho chàng một đời sống trong sạch, thanh liêm. Và Diễm vui vẻ lẫn cả hãnh diện để chấp nhận cái nghèo của chàng. Ngày ngày, ngoài phận làm dâu, làm vợ, quán xuyến mọi việc trong gia đình, Diễm vẫn nỗ lực tiếp tục học hành với hy vọng sau này đem khả năng hỗ trợ cùng chàng thực hiện những ước mơ.
    Nhiều lần, ôm Diễm trong vòng tay, Liễn đã thủ thỉ với nàng: “Em là vợ anh, là em gái của anh, và không chỉ là bạn đời của anh, mà còn là bạn tri kỷ của anh nữa.” Diễm đã sung sướng ngả đầu vào vai chàng, gật đầu.
    Biến cố 30-04-75 đến, như cơn bão tố quét sạch mọi ước mơ, mộng đẹp của bao người. Cơn bão lửa ấy đã tàn nhẫn cướp luôn của Diễm trái tim, linh hồn, tình yêu, tương lai và niềm hy vọng. Bây giờ thì nàng mất hết cả rồi. Mất hết. Tất cả đối với Diễm chỉ còn lại kỷ niệm, để tiếc, để thương, và để nhớ….
    Một ngày, bà Chí từ miền Trung vào Sài Gòn thăm nàng. Bà hỏi thăm cụ Định về vợ con Liễn ngoài Bắc. Khi rõ chuyện, bà tìm riêng nàng, ngậm ngùi nhìn con gái, rồi nói:
  • Con nên về với mẹ. Mẹ gả chồng khác cho con. Cũng may, con và Liễn chưa có con cái ràng buộc, cũng dễ. Hãy trả chồng lại cho người ta, con ạ!
    Diễm nén tiếng khóc trong lòng, thẳng thắn trả lời bà Chí:
  • Mẹ à, vợ chồng đâu phải là quần áo nay thay mai đổi. Mẹ đã gả con đi lấy chồng, chấp kinh tòng quyền, mẹ hãy để cho con tùy cơ ứng biến, tự định đoạt đời con. Con muốn đợi Liễn về, giáp mặt một lời, rồi tuyên bố trả chồng cho người ta cũng không muộn. Sau đó, con sẽ ra đi. Con chưa biết đi đâu, nhưng chắc chắn một điều con không về với mẹ.
    Nói xong, Diễm lẳng lặng bỏ xuống nhà bếp để dấu những dòng lệ đang lã chã tuôn rơi.
     
                                                                             ***
     
    Một năm, hai năm rồi ba năm. Thời gian lặng lẽ trôi, thấm thoát đã ba năm trời. Ba năm đối với Diễm, biết bao mỏi mòn trong nhớ thương, phiền muộn. Và ba năm qua, thời gian vừa đủ để Diễm rùng mình lột xác, rời bỏ bản chất ngây thơ hồn nhiên, để mở thật to mắt nhận diện rõ cuộc đời. À, thì ra, cuộc đời không phải là những trang giấy trắng trinh nguyên học trò mà Diễm từng vẽ lên đó bao hoa bướm với nắng hồng. Cũng không phải là những áng văn, thơ trữ tình lãng mạn như mây bay, suối ngàn, gió thoảng. Mà cuộc đời còn đầy dẫy chông gai, thú dữ, thác ghềnh, bão tố…. Chỉ cần sơ hở, con người  sẽ bị nuốt trộng, cuốn trôi, ngã quị…
    “Học tập cấp úy mang theo lương thực mười ngày, cấp tá một tháng.” Đó là lời khuyến dụ của nhà nước Cộng sản nói với đồng bào miền Nam. Nhưng, mười ngày đã trôi qua, một tháng đã trôi qua, và vài tháng, vài năm rồi cũng trôi qua, Liễn vẫn biền biệt, không thấy trở về.
    “Thân nhân gia đình cải tạo phải chấp hành tốt đường lối chính sách của cách mạng. Cách mạng sẽ nhân đạo khoan hồng, cứu xét cho người thân sớm đoàn tụ”. Một lần nữa, Diễm lại ngây thơ nghe theo một cách ngoan ngoãn. Công tác phường, khóm, thủy lợi đào mương, nàng năng nổ như một...kiện tướng! Cuối cùng, cái tin Liễn bị đưa ra Bắc, bị đày tận Lào Cai như cú đấm…đảng giáng, đẩy Diễm xuống tận cùng của hố thẳm tuyệt vọng. Nhưng chính vào lúc cùng cực của khổ đau, bị ép vào chân tường, trong nàng lại bừng lên sức phản kháng mãnh liệt. Phản ứng tâm lý ấy, một phần là uất ức cá nhân, một phần không thể chấp nhận được chính sách của chính quyền cộng sản. Nhưng làm gì bây giờ? Diễm lắc đầu, bó tay, chịu trận. Dù sao, nàng cũng vẫn là một phụ nữ chân yếu tay mềm. Lúc đầu, nàng chỉ biết bày tỏ lòng phản kháng bằng những giọt nước mắt đắng cay, tự thương cho thân mình, cũng như thương toàn thể nhân dân Việt Nam bị lừa gạt bởi một chính sách mị dân, dối trá.
    Nhưng thời gian sau, trong những đêm khuya thanh vắng, thầm lặng bên khung cửa sổ, Diễm đẵm mình vào dòng suy tưởng đến nhân sinh, xã hội, đất nước. Khi niềm đau chung của dân tộc quá bao la to lớn, nỗi niềm ray rứt riêng tư của nàng dường như nguôi ngoai được phần nào. Lắng nghe từ nội tâm, Diễm cảm nhận được niềm thôi thúc mãnh liệt. Cảm giác thôi thúc đó càng lúc càng lớn dần chiếm hữu tâm tư nàng. Phải chăng tiếng gọi của non sông? Phải chăng tiếng thở dài của dân tộc? Tâm thức Việt Nam từ thuở Hồng Hoang dựng nước của cha ông, giờ đây nẩy nở trong tâm hồn nàng, kêu gọi, đánh thức khả năng phân tích nhận định của nàng về xu hướng phát triển của đất nước trong tương lai. Một đất nước làm sao có được thanh bình, thịnh vượng, đạo đức xã hội cao, khi những đứa trẻ ngây thơ trong trắng hôm nay, là rường cột của quốc gia mai sau, không được giáo dục các bài học yêu thương, mà chỉ nhồi nhét vào tâm hồn chúng thù hận ngút ngàn:

“Giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ.

Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong.
Cho đảng bền lâu cùng rập bước chung lòng.
Thờ Mao Chủ Tịch, thờ Xít Ta Lin bất diệt”.
(Thơ Tố Hữu)
      
                                      “ Người đứng lên, một thân hình ngã gục.
Mắt người đưa, một thác máu rung rinh.”
                                                                (Thơ Tố Hữu)
 Người ta không dạy cho các em thượng tôn ý thức dân tộc, trao truyền cho thế hệ mai sau nền văn hoá bản địa (hoặc đã bản địa hoá lâu đời) và những tư tưởng nhân bản, từ bi, bác ái của tiền nhân Đại Việt, mà đầu độc các em bằng chủ nghĩa ngoại lai, bằng tư tưởng nô lệ quốc tế. Những danh từ “anh cả Liên Xô” hay “chị hiền Trung Quốc” đã cho con dân Việt Nam thấy sự quái thai của chính sách vọng ngoại kỳ quái. Thương thay cho mẹ hiền Việt Nam đã bị những đứa con bất hiếu, vong bản “trả ơn, báo hiếu” bằng những lời thơ nô dịch, mà từ cổ chí kim chưa bao giờ có:
“Thương biết mấy khi con tập nói.

Tiếng đầu đời con gọi Stalin”.

Hay là:
“Thương cha, thương mẹ, thương chồng.
Thương mình thương một, thương ông (Stalin) thương mười”.
(Thơ Tố Hữu)
 
Một đất nước không thể phát triển đúng mức khi sơ yếu lý lịch không là khuôn vàng thước ngọc để đo đếm tài năng mà chỉ để phân biệt thù hay bạn. Chính sách “hồng hơn chuyên” hay “lý lịch trao quyền” đã đưa những kẻ vô tài, vô đức vào những địa vị quan trọng. Còn những người con ưu tú của dân tộc, nhưng nếu ông, cha  họ khác chính kiến với chính quyền, thì chắc chắn không bao giờ ngóc đầu lên nổi.
 
Diễm hình dung guồng máy điều hành quốc gia như một cỗ xe. Cỗ xe ấy chỉ có thể vận hành, khi từng bộ phận được đặt đúng vị trí của nó. Không thể đặt chiếc bánh xe vào vị trí tay lái, và tay lái vào vị trí bánh xe. Không thể thay cái cuốc, cái cày vào bàn tay người cầm bút, và cũng không thể đặt bàn tay của người đồ tể giết heo vào cán cân công lý, hoặc bàn tay của một người chỉ có khả năng làm thơ tô hồng chế độ vào vị thế chỉ đạo kinh tế quốc dân. Nhưng hiện tại, cả miền Nam đều đảo ngược, bao nhiêu tài hoa trí thức bị đẩy vào lao tù, đi đày ở vùng kinh tế mới. Một sự phí phạm, lãng phí tiềm năng chất xám không thể nghĩ bàn!
Rồi Diễm lại nghĩ đến Liễn. Giờ này ở Lào Cai rừng thiêng nước độc, chắc chàng đang đói rét, cực khổ trăm chiều, mạng sống thật mong manh, ngày về diệu vợi. Chàng tội gì nhỉ? Diễm tự hỏi. Từng sống bên chàng và là tri kỷ của chàng, Diễm thấy rõ cái chính nghĩa nơi chàng. Một người yêu nước, trong sạch, thanh liêm. Chàng vượt lên trên mọi quyến rũ của vật chất tầm thường, để sống cuộc đời thanh đạm, ôm hoài bão phụng sự một đất nước tự do, dân chủ thật sự. Chàng khẳng định rằng những thế lực quốc tế chắc chắn chẳng thương yêu gì dân tộc, đất nước Việt Nam. Nhiều lần, chàng tâm sự với Diễm: “Đất nước ta chưa độc lập, luôn nằm trong sự tranh chấp của hai phe, ba phái. Những người yêu nước chân chính, không Cộng sản, không Tư bản, chưa có chỗ đứng trên đất nước này, em ạ”.  Càng nghĩ, Diễm càng thấy thương chàng, kính chàng. Diễm cũng nghĩ đến mẹ con Thịnh. Họ đều là những nạn nhân của thời cuộc. Họ tội tình gì, mà phải chịu đựng bao điều đau khổ, con thiếu cha, vợ thiếu chồng? Rồi Diễm thương luôn cả mẹ con Thịnh. Nghĩ như vậy, Diễm dẹp tình riêng, quên đi niềm đau để nghĩ đến những điều cao cả, to tát hơn là những tình cảm vụn vặt đời thường. Diễm quyết chờ Liễn về, không phải để “trả lại chồng cho người ta, rồi bỏ đi” vì  như thế Liễn sẽ đau lòng không ít, mà Diễm sẽ cùng chàng, sát cánh bên chàng để thực hiện những ước mơ, hoài bão mà cả hai hằng ấp ủ. “Sát cánh bên chàng” tức là đồng nghĩa với sự chấp nhận cuộc sống chung và sự hiện diện của mẹ con Thịnh. Và như thế, sự chờ đợi của nàng, cuối cùng, chỉ còn…nửa ông chồng! Nhưng mà, “chết cho tri kỷ còn không đáng tiếc”, sá gì hy sinh một nửa ông chồng?!
 
Tự tìm ra được lối thoát hợp lý giải quyết vấn đề nội tâm, ổn định nội bộ gia đình, Diễm thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản. Nàng không xem chuyện rắc rối vợ nọ, con kia giữa Liễn và nàng là điều quan trọng nữa. Chấp nhận sống chung trong tình thương yêu chân thành sẽ là nhịp cầu thông cảm để mọi người xích lại gần nhau, cùng xây dựng mái ấm gia đình.
 
Nhưng, Diễm lầm. Hạnh phúc không thể xây dựng từ một phía, mà đòi hỏi sự đồng lòng, thiện chí quyết thực hiện từ hai bên. Cho nên, một ngày, khi mẹ Thịnh vào Nam thăm cụ Định và nàng, mặc dù Diễm đã đối xử với…bà vô cùng thân thiện, trân trọng, chân tình…song nhìn Diễm tươi trẻ, gần gũi, mẹ Thịnh lại có suy nghĩ khác. Bà nói:
  • Tôi hết sức ngạc nhiên. Cô trẻ thế, anh Liễn thì già thế, thế mà lấy nhau được? Chắc cô nhí nha, nhí nhảnh…quyến rũ anh Liễn chứ gì?
    Diễm đã tròn xoe mắt ngạc nhiên, không nói lên lời. Nàng nhìn sững mẹ Thịnh, người đàn bà đáng thương, đáng tuổi mẹ nàng. Chiến tranh đã cướp của bà trọn tuổi thanh xuân. Phong kiến và Cộng sản đã tạo nên bà thành người cam phận trước số mạng, chấp nhận nó một cách đương nhiên không hề biết hay có biết nhưng ý chí và sức phấn đấu đã bị thui chột, tê liệt trước sự tàn bạo của cuộc đời. Như Thịnh, con bà, Thịnh giống mẹ nhiều hơn giống Liễn. Giống mẹ từ hình hài lẫn suy nghĩ. Ngày Thịnh vào Nam, khi chuyện trò, Diễm có nói với Thịnh: “Con trai lấy sự nghiệp làm chính. Thành phần chúng ta không thể ngoi đầu trong xã hội này.Thịnh ở lại trong Nam cùng tôi tìm cách vượt biên. Sau này, Thịnh bảo lãnh cho mẹ Thịnh, còn tôi bảo lãnh cho Liễn”. Nhưng sau khi trở về Bắc, Diễm không ngờ, vài tháng sau, Thịnh lập gia đình khi sự nghiệp chỉ trơ hai bàn tay trắng. Diễm đã hoàn toàn thất vọng về Thịnh, và bây giờ thất vọng thêm về mẹ Thịnh. Nhưng Diễm hoàn toàn không trách bà, trách  Thịnh. Nàng chỉ buồn thôi, buồn riêng số phận mình.
    Diễm sa sầm nét mặt, cảm nhận điều gì đó đang đổ vỡ trong lòng. Nàng buồn rười rượi, lặng
    thinh, bâng quơ nhìn nắng lung linh rực sáng ngoài hiên cửa, song lòng nàng ảm đạm, héo hắt tựa mùa Đông.
  • Chắc cô ham công danh, địa vị, xúi anh Liễn đi lính để anh bị tù tội ngày hôm nay? Mẹ Thịnh giáng thêm câu kế tiếp.
    Diễm vẫn không trả lời. Nàng đứng dậy, thất vọng, lẳng lặng đi xuống bếp.
     Kể từ hôm đó, không khí trong nhà trở nên nặng nề ngột ngạt. Diễm biếng nói, biếng cười. Lòng héo úa, cô đơn như bãi sa mạc quạnh hiu. Hằng ngày, vẫn bổn phận thường nhật, Diễm lo cơm nước cho gia đình. Dạo này, bà con họ hàng, con cháu cụ Định ngoài Bắc liên tục vào Nam. Kinh tế gia đình vốn đã khó khăn càng thêm kiệt quệ. Những món tiền bố mẹ Diễm thỉnh thoảng tiếp tế, những đồ đạc, nữ trang trong ngày cưới thi nhau ra chợ trời, Diễm cũng tập tành bươn chải tìm kế sinh nhai, cụ Định vay nợ để chi phí trong nhà càng lúc càng chồng chất, mặc dù chỉ khi riêng cụ Định và Diễm, những bữa ăn đạm bạc vỏn vẹn một đĩa rau… vẫn không đủ trang trải tiền thăm nuôi, tiếp tế Liễn và nhất là quà cáp, tàu xe cho con cháu cụ Định.
    Trước cuộc sống bế tắc, chế độ khắc nghiệt, tương lai mịt mờ, ý tưởng vượt biển tìm tự do lại nung nấu trong lòng Diễm.
    Một lần nấu cơm, ngồi quạt những viên than đá trong lò, khói đen mù mịt, trong nỗi chán chường dâng dầy, Diễm thốt:
  • Ở đây, khó sống quá. Chắc phải vượt biên thôi!
    Câu nói trống không, vô thưởng, vô phạt lại có tác dụng mạnh mẽ trong suy nghĩ của mẹ Thịnh. Bà đùng đùng nổi giận, gắt lớn:
  • Cô có đi vượt biên thì nên đi một mình. Tôi không giữ anh Liễn cho tôi, nhưng anh ấy phải ở lại để có trách nhiệm với con anh ấy.
    Diễm lại tròn xoe mắt ngạc nhiên, nhìn thẳng vào đôi mắt mẹ Thịnh rồi nhẹ nhàng gật đầu:
  • Được, chị an tâm. Em sẽ đi một mình!
                                                                             * * *
     
    Diễm đã đi một mình vào giữa năm 1981. Hành trang nàng mang theo vỏn vẹn chiếc nhẫn cưới vàng tây mỏng mảnh, sợi dây chuyền tượng Phật, cũng vàng tây, ngày bé, mẹ đã đeo cho nàng và tập tiểu thuyết viết tay Diễm tập viết từ những ngày cô đơn, đau khổ. Diễm viết về chính cuộc đời nàng, về xã hội đương thời đầy dẫy những bất công, lọc lừa, áp bức mà nàng cũng như bao người phải cam chịu “có tai như điếc, có mắt như mù, có miệng như câm”.  Viết, đối với Diễm bấy giờ vừa là phương cách giải tỏa những u uẩn nội tâm, là sự phản kháng nhẹ nhàng, trút bao uất hờn chất chứa trong lòng, vừa đánh dấu một giai đoạn của thời cuộc mà chính nàng là nhân chứng lẫn nạn nhân.
    Diễm chép làm hai bản. Một bản mang theo, một bản dấu ở nhà phòng chuyến đi thất bại.
    Ngày ra đi, ngoài cụ Định, nàng không hề tạ từ cha mẹ và anh chị em ruột. Diễm âm thầm theo người chủ tàu, một “phu nhân” của đại tá tình báo Việt Nam Cộng Hoà (chồng đang cải tạo) từng đi lại quen biết với gia đình cụ Định, đứng ra tổ chức. Người phụ nữ đó, cũng như Diễm, trưởng thành mau trước sóng gió và những nỗi gian truân của cuộc sống. Bà giúp Diễm một chỗ với sự đóng góp tượng trưng.
     
    Chuyến vượt biên đổ người vào nửa đêm về sáng khi những công an biên phòng lơ là canh gác. Bà chủ tàu lay Diễm dậy giữa khi nàng đang trăn trở với trăm mối ngổn ngang. Nửa muốn ra đi, nửa bịn rịn quê cha đất tổ với bao người thân còn kẹt lại và bao kỷ niệm êm đềm lẫn đau thương nơi quê nhà. Ra đi, không biết bao giờ trở lại, có hy vọng gặp lại người thân hay vĩnh viễn rời xa? Diễm tự hỏi và bồi hồi xúc động khi nàng nghĩ đến Liễn, đến hình hài tiều tụy mà những lần thăm nuôi tiếp tế vẫn không thay đổi khá hơn. Nàng thầm nói với chàng: “Anh Liễn ơi, đêm nay em xuống tàu vượt biên. Em không biết nên nói với anh lời tạm biệt hay vĩnh biệt. Gia đình không dung chứa em. Tổ quốc cũng không dung chứa em, không cho em một chỗ đứng dù khiêm nhường nhất. Sáu năm qua, chịu đựng và cố gắng phấn đấu với đời, em không còn đủ sức chống chọi nổi. Em đầu hàng số mạng, tự thả đời em trôi theo dòng sống. Hãy hiểu em, đừng trách em, anh nhé.” Nói rồi, Diễm đưa tay lau nhẹ những giọt nước mắt vừa trào ra, lò dò ngồi dậy, lầm lũi theo bà chủ tàu ra bến. Diễm từ biệt bà, xuống ghe. Còn bà ở lại chờ chồng và chuẩn bị những chuyến vượt biên kế tiếp.
     
    Đêm đó, tàu ra khơi. Tàu dần dần rời xa đất tổ. Con thuyền lướt sóng, lặng lẽ như chiếc lá con giữa biển khơi, bỏ lại sau lưng quê hương, bố mẹ già, anh chị em, cụ bố chồng và… người chồng yêu dấu!
     
    Trần Thị Nhật Hưng
     
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/03/2013(Xem: 10685)
Truyện “Quan Âm Thị Kính” không rõ xuất hiện từ thời nào và do ai sáng tác ra. Thoạt tiên truyện là một khúc hát chèo gồm nhiều đoạn, với ngôn từ rất bình dị và tự nhiên, rõ ràng là một khúc hát của dân quê, của đại chúng. Về sau mới có truyện thơ “Quan Âm Thị Kính” xuất hiện, được viết bằng thể thơ “lục bát”, mang nhiều ý nghĩa thâm thúy của cả đạo Nho lẫn đạo Phật. Người ta phỏng đoán rằng tác giả chắc phải là một người có học thức.
29/03/2013(Xem: 16812)
Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. Trải qua một cuộc bể dâu, Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Lạ gì bỉ sắc tư phong, Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen. Cảo thơm lần giở trước đèn, Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.
29/03/2013(Xem: 9189)
Chuyến hành hương Thái Lan và Nhật Bản bắt đầu từ ngày 22 tháng 10 đến mùng năm tháng 11 năm 2012, vào một sáng mùa thu với nắng vàng ươm và se se gió lạnh. Có ai biết con số ghi tên tham dự chuyến hành hương Nhật Bản này lên đến bao nhiêu không? Trước giờ khóa sổ vào đầu tháng 10 là hơn một trăm vị, sau rút lui từ từ để dừng lại con số 85 với 14 quốc gia trên thế giới. Một con số đáng ngại trong lịch sử đi hành hương của quý Thầy.
20/03/2013(Xem: 3277)
Tác giả sinh năm 1937, 63 tuổi, hiện cư ngụ tại Worcester, Massachusetts. Công việc: Technician hãng điện tử ở Mass. Sau đây là bút ký về California lãnh Giải Thưởng do ông Luận viết. Bài đã phổ biến trong sách VVNM 2001, nhưng “mất tích” trên Việt Báo Online. Xin mời cùng đọc lại. Hình trên, từ trái: Thượng Nghị Sĩ California, Ông Joe Dunn và các viên chức dân cử khai mạc cuộc họp mặt. Phía trái là nữ nghệ sĩ Kiều Chinh. Phía mặt là cô Leyna Nguyen của truyền hình KCAL9.
19/03/2013(Xem: 10382)
Tập truyện “ Làng Cũ - Người Xưa” của Tiền Vĩnh Lạc (Australia) .Sách dầy 216 trang, bìa cứng 4 màu. Bìa trước cảnh nhóm chợ chồm hỗm ở làng quê tỉnh Trà Vinh. Bìa sau hình xe thổ mộ, ngưa kéo, tác giả gọi là “xe kiếng”? Nội dung gồm nhiều truyện ngắn, hồi ký, tài liệu quý giá...cùng nhiều kinh nghiệm sống viết ra ý chừng muốn khuyên răn con cháu, sách đọc thú vị và cần thiết để làm tài liệu nghiên cứu. Sách không bán, in để tặng . Ai cần xin gọi 618-8932- 3912
10/03/2013(Xem: 3123)
Nước Xá Vệ có cô gái nghèo tên Nan Đà, thân thế cô độc thân, sống bằng nghề ăn xin. Bấy giờ, cô thấy các vị vua chúa, quan đại thần, trưởng giả cúng dường Phật và chư Tăng, cô tự nghĩ: “Ta mắc tội báo gì mà sinh vào nhà bần tiện như thế này nên không thể cúng dường đấng phước điền?”. Cô tự hối trách lấy mình.
04/03/2013(Xem: 5615)
Theo lời Hòa Thượng trưởng lão Huyền Tôn kể rằng, những ngày Hòa Thượng còn ở quê nhà, nơi Tổ đình Thiên Ấn – miền Trung, có một chú sa di tên Diệu Mãn. Thường nhật Chú chỉ làm công việc quét chùa. Chú người hiền lành, ít nói, tánh tình ngồ ngộ. Đặc biệt trong chúng, ai nhờ việc gì đều hoan hỷ làm ngay. Cũng chính vì vậy, chú thường bị quí sư huynh đệ la rầy, sao đang làm việc này lại bỏ đi làm việc kia… Tuy vậy, nhưng lúc nào chú cũng hoan hỷ, không ai thấy chú câu chấp việc gì bao giờ.
20/02/2013(Xem: 16635)
Những Câu Chuyện Linh Ứng về Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát (trọn bộ 03 tập) do HT Thích Như Điển dịch Việt: Năm 2007 khi chúng tôi đang nhập thất tại Úc Châu thì có một Phật Tử tên là Huỳnh Hiệp từ Hoa Kỳ có liên lạc qua bằng E-mail cho Thầy Hạnh Tấn và nhờ tôi phiên dịch tác phẩm "Những mẩu chuyện linh ứng của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát tại Fuchù - Nhật Bản“ từ tiếng Nhật sang tiếng Việt. Tôi bảo cứ gởi một số chuyện tiêu biểu sang Úc, tôi dịch thử. Nếu đồng ý với cách dịch ấy thì tôi sẽ tiếp tục. Sau một tuần lễ, tôi gởi trở lại 3 chuyện đầu đã dịch của quyển một cho Phật Tử nầy và anh ta rất hoan hỷ và nhờ tôi dịch tiếp cho đến hết quyển sách. Tôi trả lời rằng: "Tôi rất sẵn sàng; nhưng tôi rất ít thì giờ; khi nào xong tôi chưa biết; nhưng tôi sẽ cố gắng. Đồng thời việc đánh máy sẽ giao cho các anh chị em thực hiện". Cầm quyển sách trên tay độ 400 trang A4 thấy cũng hơi nhiều; nhưng thôi, cứ cố gắng vậy. Ông bà mình thường nói: „Kiến tha lâu đầy tổ“ quả câu nầy chẳng sai chút nào.
01/02/2013(Xem: 8568)
Tuổi Hồng Con Gái là tác phẩm đầu đời của tôi được viết vào năm 1980 cùng thời gian với tấm ảnh ngoài bìa sách. Tuy lúc đó sống ngay trên quê hương Việt Nam với dân số đông đảo mấy chục triệu người nhưng xung quanh tôi, vì hoàn cảnh hết sức đặc biệt, tôi không có lấy một người bạn, một người thân để tâm tình những lúc vui, buồn trong cuộc sống.
26/01/2013(Xem: 10790)
Cận cảnh tượng cụ Nguyễn Du bằng gỗ gù hương khủng ở Việt Nam
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]