Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Truyện Ngắn: Lời Ru Của Trái Tim

14/10/201806:22(Xem: 4049)
Truyện Ngắn: Lời Ru Của Trái Tim

loirutraitim_manduonghong

TRUYỆN NGẮN

 LỜI RU CỦA TRÁI TIM

 

Sức chịu đựng của tôi thuộc loại ghê gớm lắm. Tôi có được, luyện được sức chịu đựng ấy là nhờ học từ chữ Nhẫn của đạo Phật. Nhẫn là chiến thắng. Nhẫn là thành công. Nhịn nhường là bản lĩnh, là dũng cảm. Nhịn nhường là cao thượng, là bao dung. Tôi đã từng ngồi im cả tiếng đồng hồ để lắng nghe bà chị Hai chửi vì cái tội coi lén nhật ký của bả. Tôi đã từng nín thinh, để nghe chị Ba chửi về chuyện bả ngờ tôi lấy tiền của bả để dưới gối đầu giường, mà thực sự thì chính thằng Út em tôi nó chôm để mua mấy cuốn sách mảng đề tài “tâm hồn cao thượng”. Tôi cũng đã từng trừng mắt lên, đứng bất động như pho tượng gỗ, khi bị thằng Út hỗn láo mắng nhiếc vì tôi đã tố cáo nó cái tội “trốn đi học thêm để vào quán Net chơi game online” trước ba mẹ và các chị…

Vậy mà chẳng hiểu sao, tôi lại không chịu đựng nổi sự quấy rầy của Nhạc, bạn cùng lớp 12A4, ngồi ngay sau lưng tôi. Có lẽ trời xui đất xúi, sắp đặt cho tôi phải ngồi trước mặt một kẻ quấy rối để có dịp thử thách tính Nhẫn Nhục mà tôi từng tự hào có được dồi dào. Rõ ràng là Nhạc đã cố tình muốn chọc cho tôi phải quay đầu lại, để hắn nhìn cho rõ dung nhan diện mạo của tôi trong cự ly thật gần. Muốn làm quen kiểu ấy chỉ làm cho tôi thêm ghét. Hắn hết hỏi cái này, lại nhờ cái khác, mượn cái nọ khoe cái kia, đủ thứ chuyện trong trường ngoài phố…

Sáng hôm ấy nhằm tiết Toán, Nhạc hết mượn thước, lại mượn compa, rồi bút đỏ. Đến khi hắn chồm lên lần nữa để mượn thướ\c êke, tay khoèo khoèo vào vai tôi mấy cái, tôi chịu hết nổi, gằn giọng:

“Thôi dẹp đi. Mượn, mượn, mượn hoài. Mệt quá!”

Hắn tấn công ngay:

“Ích kỷ dữ vậy, Hồng?”

Tôi sùng gan, cộc cằn:

“Đi học mà không sắm. Lớp 12 rồi chớ bộ lớp 1 à?”

Cô giáo nghe xì xào, nhìn xuống hỏi:

“Gì đó, Hồng?”

Tôi đứng phắt dậy, làm mặt chùng bùng:

“Thưa cô, cho em đổi chổ ngồi. Em không thể ngồi chỗ này lâu được ạ!”

 “Lý do?”, cô giáo nghiêm giọng.

  Tôi thưa:

 “Bạn Nhạc ngồi sau thường quấy rầy em trong giờ học, thưa cô!”

 Cô bước xuống bên tôi nhỏ nhẹ:

 “Nhạc quấy rối thế nào?”

  Tôi thành thật:

  “Bạn ấy … mượn dụng cụ hoài, hết thứ này đến thứ khác. Lại còn hay khoèo vào mình em nữa ạ!”

“Phải vậy không Nhạc?”, cô trợn mắt hỏi hắn.

Tôi không nhìn, nhưng nghe được hắn trả lời:

“Em không có, nên phải mượn. Khi mượn phải khoèo, khoèo ở vai, vì sợ lên tiếng sẽ ồn, cô la ạ!”

Cô giáo nhìn chăm chăm Nhạc, rất lâu mới nhìn tôi, nói:

 “Em hơi khó tính đó, Hồng à. Bạn không có nên mới mượn chứ!”

Tôi đỏ mặt, nói ngay:

“Không phải chỉ bữa nay, những buổi học khác đều xảy ra chuyện mượn, chuyện khoèo này ạ. Bạn ấy cố tình quấy rối em. Tại sao không mượn bạn khác, mà cứ mượn em nhỉ?”

Cô giáo mím môi hỏi Nhạc:

“Tại sao vậy nhỉ?”

“Tại em thích. Hơn nữa, các bạn kia cũng thiếu như em, chỉ có bạn Hồng là đầy đủ, nếu không muốn nói là dư ạ!”

Cô giáo phì cười, đặt tay lên vai tôi, nói:

“Thôi, em hãy thông cảm cho bạn. Chuyện này không nên ồn ào, giúp đỡ nhau trong học tập mà, mượn qua mượn lại chứ mất mát gì. Lúc này, em chưa mượn Nhạc thứ gì, nhưng biết đâu sau này sẽ đến phiên em phải mượn bạn thứ gì đó!”

Lời cô giáo như một đoạn triết lý về “nhân quả vay mượn” đã bất ngờ ập vào tâm trí đang nhảy nhót lung tung của tôi.    Tôi hơi lúng túng, nhưng rồi tôi lấy lại được bình tĩnh:

“Em sẽ không mượn bạn Nhạc thứ gì hết, thưa cô!”, tôi dứt khoát, rồi bồi thêm, “Mà nếu có mượn thì sẽ mượn một bạn nào khác, chớ nhất định không chịu mượn của bạn Nhạc!”

“Đừng nên nói vậy. Lời nói bay ra chụp lại không kịp, em ơi!”, cô giáo nghiêm sắc mặt.

Tôi vẫn khăng khăng:

“Cô cho em đổi chổ ngồi ngay ạ!”

Cô cười nửa miệng, giọng vẫn nghiêm:

“Điều quan trọng không phải đổi chỗ ngồi, mà là đổi tâm tính của con người. Em có đổi đi nơi khác, đi bất cứ nơi nào, mà vẫn mang tính tình ấy, thì luôn luôn gặp những người bạn quấy rầy em. Em hiểu ý cô chứ?”

Lại là một bài học mang tính minh triết. Tôi mím môi, gục đầu. Cô giáo tiếp:

 “Hết giờ học em hãy đến gặp cô. Cô sẽ nói chuyện này cho em nghe, vì là chuyện tế nhị nên không thể nói ra ở đây được!’.

Tan học. Tôi gặp cô giáo. Cô cười cười, nói:

“Em phải thông cảm cho bạn Nhạc, đừng khó khăn như vậy kỳ lắm!”

  Tôi nủng nịu:

“Cô cứ bênh vực cho các bạn trai, nữ sinh tụi em bị ăn hiếp hoài!”

 Giọng cô giáo bỗng chùng xuống:

“Em không hiểu. Cô biết rõ về gia cảnh của Nhạc. Nhà Nhạc bi đát lắm. Nói gọn là rất nghèo. Đi học được đã là một chuyện phi thường đối với Nhạc rồi. Dụng cụ học tập thiếu là lẽ đương nhiên. Muốn có đủ thứ như em, chắc Nhạc phải nhịn đói nhiều ngày. Em nên giúp đỡ, đừng so đo tính toán, và không chỉ giúp bạn Nhạc, mà còn nhiều bạn khác cũng cần những sự giúp đỡ tuy nhỏ nhoi, nhưng lại rất to tát, đầy ý nghĩa đối với một người bạn nghèo!”

Tôi nghe lời cô giáo, vì cô là một người nhân hậu, là một Phật tử thuần thành, đã từng sáng tác nhiều truyện ngắn được đăng trên các tờ tạp chí của Phật giáo trong nước. Nhưng tôi vẫn mang ác cảm với hắn, tên Nhạc ngồi phía sau lưng tôi ở lớp.

         … Hết tiết, tôi theo các bạn ùa ra sân chơi, đang thơ thẩn, chợt tôi nghe những tiếng cười khúc khích phía sau, nhìn lại, thấy các bạn nhìn mình, chỉ chỏ, bụm miệng cười khoái trá. Con nhỏ Thuý Vi đằng sau sấn tới, níu tôi lại, nói:

        “Đứa nào ghi gì trên tà áo mi kìa!”

       Tôi tái mặt, nắm tà áo lên xem. “ I love you”, chữ mực đỏ bút nguyên tử. Tôi giận run lên, nghĩ ngay đến hắn. Không còn ai khác, chính hắn ngồi sau lưng tôi mới viết được. Tôi không chần chừ, đi thẳng đến phòng giám hiệu. Gặp thầy giám thị, tôi cáo trình sự việc. Nhạc được ban trật tự mời lên phòng giám hiệu ngay sau đó. Ban đầu hắn chối leo lẻo. Sau, khi thầy giám thị hăm:

         “Nếu em không nhận, tôi sẽ bắt cả lớp quỳ suốt cho đến khi tìm ra thủ phạm!”

         Hắn phải gục đầu nhận tội. Thầy giám thị ra lệnh:

        “Hai em theo tôi ra giếng nước!”

        Thầy nắm vành tai hắn, vặn một cái, kéo hắn đi. Tôi lẽo đẽo theo sau, ra đến giếng nước. Thầy gằn giọng:

         “Tẩy cho sạch, làm cho khô trước giờ vào lớp. Không thì quỳ luôn ở đây cho đến … hết ngày!”

         Thầy bước đi ngay. Còn lại hai đứa bên giếng nước. Hắn nhìn tôi. Tôi nhìn hắn. Hắn phì cười, lấy gàu múc nước. Múc xong, hắn nói:

        “Đứng chờ chút nha!”

       Hắn chạy ù một hơi vào nhà bác cai trường gần đó. Một lát sau, hắn đã chạy ra với bụm xà phòng bột trong tay. Hắn cười:

        “Xà phòng thứ xịn đây, tẩy sạch mọi vết bẩn, chuyên gia hàng đầu!”

         Rồi hắn nắm tà áo của tôi hất nước cho ướt, chà xà phòng, bắt đầu vò. Tôi quá tức … cười, nhưng ráng nghiến răng bậm miệng mà nín, nhìn hắn đang thản nhiên vừa vò áo của mình, vừa khẽ hát bài “Ngậm ngùi” của nhà thơ Huy Cận, do Phạm Duy phổ nhạc:

         “Nắng chia nửa bài chiều rồi… Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá sầu …

        Những chữ “I love you” đã được tẩy nhòe đi. Hắn vẫn vò tà áo của tôi, miệng khe khẽ hát tiếp đến đoạn: “Ngủ đi mộng vẫn bình thương… À ơi có tiếng thùy dương mấy bờ …”

        Xong, hắn đứng thẳng lên, nói: “Chờ chút!”, rồi lại chạy vào nhà bác cai, chạy trở lại với chiếc quạt giấy trên tay, mặt hí hửng lắm. Tôi hỏi:

       “Bày cái trò gì nữa đây?”

         Hắn cười khoe hàm răng trắng muốt:

         “Quạt cho khô để kịp giờ vào lớp chớ. Chịu khó đứng mà chờ nghen!”

          Hắn bắt đầu vừa quạt vừa hát tỉnh bơ: “Ngủ đi mộng vẫn bình thường… À ơi có tiếng thùy dương mấy bờ…”. Tôi nhịn không nổi, bật cười khanh khách. Đến lúc ấy, bạn Tấn chạy tới với vẻ mặt lấm lét. Nhạc trợn mắt nói:

           “Tới bây giờ mới chịu chường mặt ra, xong xuôi hết rồi. Mầy đến quạt thay tao cho khô tà áo dài thướt tha của người ta đi chớ, đồ quỹ báo!”

         Tấn cười gượng gạo, nhận lấy quạt giấy, định quạt cho tôi, tôi bước tránh qua một bên, hỏi:

        “Mắc mớ gì ông phải gánh cái khổ thay người khác?”

         Vò đầu bứt tóc, Tấn lúng búng:

         “Không phải nó viết lên áo của Hồng, mà thủ phạm chính là… tui. Nó bị oan, còn tui thì sợ bị phạt!”

         Tôi sửng sốt. Chỉ còn có nước là la trời.
 

… Xe của đoàn cứu trợ đã vào đến sân Ủy ban nhân dân Xã. Thời tiết xấu, chung quanh là cảnh vật tiêu điều, ướt ẩm. Đám học trò của chúng tôi sắp hàng khiêng những thùng hàng cứu trợ đi theo các thầy cô. Người ôm thùng hàng to và có lẽ nặng nhất là Nhạc. Hắn đi sau lưng tôi, cứ giục:

 “Đi lẹ lẹ chút đi, tiểu thư đài cát! Cứu nạn mà sao chậm như rùa vậy?”

 Tôi đã hết giận, hết ác cảm với hắn từ dạo giặt áo bên giếng, liền quay lại nói:

 “Đổi chỗ. Muốn mau thì đi trước đi!”

 Hắn cười:

“Không, tui thích đi sau để được ngắm mái tóc thề. Đi trước, ngắm cái đầu húi cua của thằng Tấn chán ngắt!”

Tôi bật cười, kể ra hắn cũng có duyên lắm. Và dường như hắn không biết mỏi mệt, lại hát bản tình ca cũ mèm: “Ngủ đi mộng vẫn bình thường…”. Đi bộ một khoảng đường dài, nghe hắn hát quả là bớt mệt. Đến địa điểm tập trung, hắn thả thùng hàng xuống cái phịch, ngồi phịch ra đất thở phào. Tôi nhìn hắn với lòng xốn xang khó hiểu, hỏi: “Mệt lắm hở?”. Hắn cười: “Mệt nhưng vui!”. Tôi rút khăn tay ra, đưa cho hắn. Hắn trố mắt nhìn tôi, có lẽ hắn không tin, hắn sợ bị tôi chơi xỏ, nên lưỡng lự thoáng chốc, mới từ từ nhận lấy khăn lâu mồ hôi trán. Tôi cũng hết thấy mệt.

… Tin có người chết đuối làm náo động cả trụ sở Ủy ban nhân dân Xã, nơi đoàn cứu trợ bão lụt tạm trú, mọi người nhao nhao chạy đi xem. Tôi cùng lũ bạn cũng chạy theo. Hỏi thầy trưởng đoàn cứu trợ, mới hay: một em bé trượt chân xuống cầu ván, lọt tủm xuống dòng nước đang trôi cuồn cuộn. Thời may, đã có một nam sinh nhảy xuống theo để cứu em bé. Nhờ các bạn khác kêu cứu kịp thời, nên đã có người đem thuyền thúng đến cứu hộ, phụ vớt em bé lên thuyền an toàn. Nhưng, bạn nam sinh kia đã đuối sức, đã bị chìm ngay sau khi vừa giao em bé cho những người trên thuyền. Bọn nữ sinh chúng tôi vừa nghe vừa chạy ra phía cầu xảy ra tai nạn. Dọc đường lại nghe tin “Vớt được rồi, vớt được thằng nhỏ cứu em bé rồi!”. Ai nấy đều mừng trong bụng. Chạy một đoạn nữa lại nghe: “Thằng nhỏ gan thiệt, đã vớt được nó, nhưng nó bất tỉnh mê man rồi!”. Đến nơi tôi cố gắng chen vào đám đông đang xì xầm bàn tán bên cầu ván. Tôi gần bật ngửa ra sau khi nhận ra ngay bạn nam sinh gan dạ và nghĩa hiệp kia chính là … Nhạc. Nhạc đang được hô hấp nhân tạo, xoa dầu nóng khắp mình. Tôi trào hai dòng nước mắt khi nào không hay. Người ta khiêng Nhạc vào một nhà dân gần đó để làm mọi cách hồi sức cho con người dũng cảm.

          … Tôi bước vào. Nhạc đang tỉnh, mắt sáng rực khi thấy tôi xuất hiện. Tôi ngồi xuống ghế đặt cạnh giường, hỏi khẽ:

         “Mệt không?”

          Nhạc mỉm cười:

          “Đã đỡ mệt. Nghe em bé được bình an, liền khỏe hẳn ra!”

         Tôi không biết nói gì nữa, chỉ biết lặng thinh nhìn Nhạc bằng đôi mắt đầy khâm phục, cùng trái tim đang xao xuyến xúc động…

Thật lâu, tôi nói khẽ:

“Thôi, Nhạc ngủ đi cho khỏe!”

 Nhạc gật đầu:

 “Ừ, ngủ cho khỏe!”

Tôi lấy khăn tay lau những giọt nước mắt đang ứa ra hai khoé mắt của Nhạc. Sao hắn khóc vậy ta? Biết chết liền!

Vậy rồi, ngồi bên ngắm hắn đang khép đôi mi, không hiểu sao tôi lại cất tiếng hát, hát bản “Ngậm ngùi” với ca từ được hoán đổi ngẫu hứng:

 “Nắng chia nửa bài chiều rồi… Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá sầu…  Sợi buồn con nhện giăng mau… Anh ơi hãy ngủ, em hầu quạt đây… Lòng em mở với quạt này… Trăm con chim mộng về bay đầu giường… Ngủ đi anh, mộng bình thường… Ru anh sẵn tiếng thùy dương mấy bờ…”.

Tôi hát, hát ngân nga say sưa cho đến khi Nhạc chìm vào giấc ngủ chắc chắn sẽ có nhiều mộng đẹp với tiếng ru của những hàng dương reo giữa gió trăng sương nắng, với én bay chim hót giữa mênh mang hoa khai lộc nẩy, với nhạc trời thánh thót giữa chập chùng núi xanh mây ngàn, và với tình yêu thương tràn trề đối với cuộc sống đầy hỉ nộ ái ố bi dục lạc…


MÃN ĐƯỜNG HỒNG

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/06/2017(Xem: 4318)
“Hôm nay con đang ngồi trong trường thi tuyển sinh ĐH khốc liệt, rất có thể đường đời dài phía trước sẽ được viết bằng hoặc có sự thay đổi ngay dưới ngòi bút của con. Con chỉ muốn mượn dịp này muốn thưa với mẹ một câu rằng: lần này mẹ hãy để con là một người của chính con thực sự…”.
01/06/2017(Xem: 4005)
Tôi quen bác Victor trong một trường hợp thật tình cờ. Cứ mỗi năm chị em chúng tôi lại họp mặt nhau một lần, năm nay lại họp nhau lại Überlingen - một thành phố có hồ Bodensee xinh đẹp, đầy thơ mộng nằm giữa biên giới ba nước Đức, Áo và Thụy sĩ. Đến tối, vào giờ coi tin tức thì cái Tivi nhà cô bạn bị trục trặc, cũng may nhà bác Victor ở gần đó nên cô bạn đã nhờ Bác sang điều chỉnh và tôi quen Bác từ đó.
22/05/2017(Xem: 53822)
Trong bước đầu học Phật, chúng tôi thường gặp nhiều trở ngại lớn về vấn đề danh từ. Vì trong kinh sách tiếng Việt thường dùng lẫn lộn các chữ Việt, chữ Hán Việt, chữ Pali, chữ Sanscrit, khi thì phiên âm, khi thì dịch nghĩa. Các nhân danh và địa danh không được đồng nhứt. Về thời gian, nơi chốn và nhiều câu chuyện trong sự tích đức Phật cũng có nhiều thuyết khác nhau làm cho người học Phật khó ghi nhận được diễn tiến cuộc đời đức Phật. Do đó chúng tôi có phát nguyện sẽ cố gắng đóng góp phần nào để giúp người học Phật có được một tài liệu đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tra cứu khi cần.
25/04/2017(Xem: 7213)
Chữ "duyên" trong đạo Phật, nghe vô cùng dễ thương nhưng cũng cực kỳ dễ ghét. Dễ thương ở chỗ nhờ duyên người ta đến với nhau, còn dễ ghét cũng vì duyên người ta đành xa nhau. Đến cũng do duyên, mà đi cũng vì duyên. Hai người yêu nhau đến với nhau, họ bảo có duyên với nhau. Rồi khi chia tay thì bảo hết duyên. Đã vậy, "hữu duyên thiên lý năng tương ngộ“. Còn „vô duyên đối diện bất tương phùng". Vô duyên cũng là duyên mà hữu duyên cũng là duyên. Cùng chữ duyên mà lắm nghĩa quá!
24/04/2017(Xem: 8852)
Dây Oan - Truyện dài của Hồ Biểu Chánh | Nghe Truyện Xưa, Tác phẩm : Dây Oan ( 1935 ) Thể loại : Truyện dài Tác giả : Hồ Biểu Chánh
19/04/2017(Xem: 4219)
Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đã làm thay đổi con người và xã hội Miền Nam! Bốn mươi hai năm qua, nhiều người đã viết về sự kiện đổi đời này. Nhưng dường như có rất ít câu chuyện được viết về những đau thương, mất mát và bi thống trong chốn thiền môn của một thời điêu linh và đen tối ấy. Đặc biệt, người viết là lại là một nhà văn, một nhà nghiên cứu Phật học, một hành giả Thiền thân cận với chư tăng, ni và nhiều cư sĩ Phật tử. Đó là nhà văn Phan Tấn Hải.
13/04/2017(Xem: 3701)
Không biết các nhà khai phá cái xứ sở hoang vu, hẻo lánh ở mãi tận cực Nam quả địa cầu, cỡ như thủy thủ người Anh James Cook sống dậy, có giật mình cho sức sống mãnh liệt của mảnh đất mà trước đây hơn 200 năm mình đã miệt thị gọi là xứ Down Under. Nghĩa là vùng Miệt Dưới, cỡ như loại miệt vườn của quê hương ta.
07/04/2017(Xem: 3319)
Ba mươi tháng Tư lại về! Những tưởng những năm tháng lưu đày nơi xứ người đã làm chúng ta khô cằn như sỏi đá, những tưởng những ngày tháng lao đao theo cuộc sống với tuổi đời càng chồng chất đã làm cho chúng ta quên dần những ngày tháng cũ. Nhưng không, những ngày lưu vong vẫn còn đậm nét u hoài trong lòng tôi mãi mãi.
29/03/2017(Xem: 10117)
Thành Ba-La-Nại thuở xưa Ở miền bắc Ấn có vua trị vì Quốc vương nhiều ngựa kể chi Nhưng riêng một ngựa kia thì tuyệt luân Ngựa nòi, giống tốt vô ngần Lớn to, mạnh mẽ thêm phần thông minh Ngựa từ nhỏ đã khôn lanh Chưa cần nghe lệnh sai mình tới lui
26/03/2017(Xem: 8201)
Mỗi sáng Chủ Nhật , quý Sư ở tu viện Santi Forest Monastery thường chuẩn bị rời chùa, đi xuống phố hoặc vào làng khất thực. Gọi là “đi khất thực”, nhưng thực sự nên gọi là “đi gieo duyên” với quần chúng địa phương thì đúng hơn, cư dân nơi đây, họ là những người Úc thuần túy, Phật giáo đối với họ là một tôn giáo hoàn toàn xa lạ, có thể họ chỉ nghe qua cái tên “ Buddhism “ mà không hề biết đó là gì ?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]