Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đường Lên Trại 6

12/05/201819:29(Xem: 3707)
Đường Lên Trại 6


duong len trai 6
Đường Lên Trại 6
Trần Thị Nhật Hưng



  Khi nhận lá thư của Hữu từ trại cải tạo miền Bắc, tôi chết sững như nhận tin tử trận của chàng.

"Hoàng Liên Sơn, ngày …tháng… năm…

Em yêu,

  Anh đã ra Bắc từ 3 tháng nay. Hiện nơi đây trời đã chuyển sang đông, khá lạnh. Nhưng em yên tâm, anh đủ ấm nhờ người bạn ở trại Suối Máu, Biên Hòa, đã cho anh một chiếc mền cũ, một áo len dày trước khi đi.

  Trại mới, chưa có lệnh thăm nuôi, khi nào có phiếu gửi quà, gửi cho anh ít mứt gừng thật cay và hủ mắm ruốc xào sả ớt là đủ. Ngoài ra còn tùy khả năng của gia đình gửi thêm các thứ khác…

  Nơi xa, anh chỉ mong mỏi một điều là em hãy cố gắng chờ anh, chu toàn mọi trách nhiệm và bổn phận trong gia đình, săn sóc Bố thay anh. Đó là thể hiện tình em yêu anh vậy.

  Vắn tắt vài hàng thăm Bố và em, mong Bố và em luôn vui mạnh.

Anh Hữu“

  Đọc xong, nước mắt tôi ràn rụa, tôi trao ngay bức thư cho cụ Định, bố chồng tôi, rồi vào giường lăn đùng ra khóc.

  Cụ Định đang ngồi trên ghế salon vẻ ung dung, miệng phì phà ống điếu thuốc lào hút kêu “bịch…bịch”. Cụ chưa biết ất giáp gì, ngơ ngác mở thư ra đọc, đọc xong, cụ cũng òa ra khóc lớn. Tiếng khóc như nhà có tang ma.

  Ba năm tù cải tạo ở miền Nam, tôi và cụ Định cứ ngỡ Hữu cũng sắp về theo tin tức báo “Sài Gòn giải phóng“ đăng tải: “Các sĩ quan cải tạo sẽ được cứu xét cho về sau 3 năm học tập tốt, lao động tốt…”. Thế mà…

  Nỗi tuyệt vọng ngút ngàn dày vò thân xác tôi, tôi nằm chết lịm với nỗi đau cùng cực. Đi ra Bắc kể như là chết, chết chậm, chết dần mòn với thời tiết giá lạnh của xứ Bắc, sẽ chết với cơn đói lòng, bệnh tật, sẽ chết vì rừng thiêng nước độc và chắc chắn sẽ chết vì chế độ bạo tàn khắc nghiệt của cộng sản. Mấy tháng trước, lúc Hữu còn ở trại Biên Hòa, tôi luôn được thăm chàng, quà tiếp tế đầy đủ, tôi thật vui khi thấy Hữu lại sức. Chàng không còn ốm yếu gầy gò xanh xao như lần đầu tiên tôi lên thăm. Tôi hân hoan hy vọng ngày chàng về. Nỗi vui sướng ánh lên trong mắt tôi, mắt chàng. Tôi đã nghĩ chỉ tháng tới, tuần tới, ngày tới nữa thôi, tôi sẽ hết những ngày đợi mong, sẽ hết những nỗi ưu phiền, sẽ sống lại những ngày hạnh phúc cũ và tôi đợi…

  Hôm nay thư Hữu đến, tôi bàng hoàng như người vợ hay tin chồng hy sinh ngoài trận tuyến. Tôi khóc như mưa, lịm người bỏ ăn, bỏ uống. “Lao động là vinh quang“ (danh từ của nhà nước cộng sản ra rả suốt ngày khi mới chiếm miền Nam), tôi đã từng là “kiện tướng“ tham gia mọi công tác địa phương, từ thủy lợi ra khỏi thành phố đào mương, đến quét đường trong phố... không việc nào tôi từ nan, chỉ mong Hữu được cứu xét cho về theo lời hô hào của chính quyền. Đã đúng ba năm rồi, họ phĩnh tôi, đưa tôi lên đỉnh cao hy vọng để rồi cuối cùng thẳng tay xô tôi xuống vực sâu. Niềm hy vọng cuối cùng đã mất, tôi đau đớn vật vã trên giường, úp mặt vào lòng gối nức nở:

- Anh Hữu ơi! Anh bị đày ra Bắc, coi như chúng ta sẽ không có ngày gặp lại!


duong len trai 6-a

                                     ***

  Một năm trôi qua, một năm tưởng chừng như cơn ác mộng. Thời gian chẳng chờ đợi ai mà tôi thì mãi sống trong cảnh đợi chờ. Ngày lại ngày qua, ngày nào cũng thế, sau hai buổi cơm nước cho cụ Định, tôi chỉ ra ngẩn vào ngơ tựa cửa ngóng trông người ra đi chẳng biết bao giờ trở lại. Nụ cười đã tắt trên môi, tôi cảm thấy cõi lòng trống trải như một bãi sa mạc quạnh hiu. Đôi khi nghĩ tới tương lai, thành phần “vợ ngụy“ như tôi, không có chỗ đứng trong xã hội này, tôi đã không được phép đến trường, xin việc làm cũng không ai nhận, trước mắt tôi, toàn một màu đen nghịt, đen như đêm đen của Sài Gòn không đèn, và đen như bầu trời chẳng trăng sao. Tôi vẫn sống và cố sống trong nỗi tuyệt vọng hay niềm hy vọng mong manh, hy vọng thời cuộc đổi thay hay hy vọng một cái gì đó mà tôi cũng không biết được để đưa Hữu trở về sum họp gia đình.

  Biến động giữa Trung Cộng và Việt Nam ở vùng biên giới Lào Cai, Yên Bái năm 1979…cho tôi một điểm sáng tìm thấy từ trong nỗi tuyệt vọng. Hữu đã chuyển về Vinh. Dù sự cách xa vẫn còn xa cách nhưng tôi vẫn thấy an lòng hơn, tôi cảm tưởng như Hữu đang xích lại gần tôi.

   Một hôm, khi biết được có xe cơ quan của người em họ Hữu đi công tác ra Bắc, tôi nảy ra một ý định và đến thưa với cụ Định:

- Thưa Bố, con muốn ra Bắc thăm nhà con.

 Cụ Định đưa tay vuốt chòm râu bạc, thong thả nhìn tôi hỏi:

- Con đi bằng cách nào?

- Con đi quá giang xe quen với tư cách công nhân viên đi công tác ra Bắc.

 Và không đợi cụ Định hỏi thêm, tôi tiếp luôn:

- Giấy tờ đi đường họ lo cho con cả, con chỉ việc tới Vinh là xuống.

- Nhưng còn giấy tờ vào trại, nhà nước đâu có lịnh cho thăm nuôi?

 Tôi trả lời ngay như đã sắp đặt từ trước:

- Con đã có cách, ra công an phường khóm xin xác nhận có chồng cải tạo tại hòm thư số..., nhưng chưa ghi rõ tên địa phương, chỉ nói rằng mình muốn gửi quà rồi sau đó về điền thêm ý mình muốn viết.

Cụ Định vẫn lo ngại:

- Nhưng con chưa biết rõ đường sá nơi nhà con bị nhốt ở đâu? Lại nữa đã chắc gì chúng nó cho phép thăm?

  Tôi hơi một thoáng lo âu, nhưng rồi cũng đáp:

- Con nghĩ đường ở nơi miệng mình, rồi tùy cơ ứng biến. Còn việc vào thăm, đã ra đến nơi lẽ nào lại không được.

  Cụ Định vẫn lắc đầu, giọng nhỏ nhẹ bùi ngùi:

- Thôi con ạ, nhà chỉ có ba bố con, một đứa đi tù đã khốn khổ rồi, còn một đứa bố chẳng muốn khổ thêm. Con cứ ở nhà cho bố an tâm. Chứ thân gái dặm trường ở thời thế loạn ly, một thân một mình ra Bắc biết bao là nguy hiểm. Bố làm sao ngồi nhà an lòng khi thấy con đi. 

   Nghe cụ Định nói, động mối thương tâm, tôi nghẹn ngào quay mặt để giấu những giọt nước mắt rưng rưng đang từ từ lăn dài xuống má:

- Bố nghĩ xem, con sống như thế này cũng như chết rồi, còn gì nữa đâu để mà sợ nguy hiểm. Con nhất định con đi. Bố đừng cản con nữa.

  Nói rồi, tôi chạy vào trong òa khóc. Cụ Định chỉ biết nhìn theo, buông một tiếng thở dài não nuột.

                                  ** *

duong len trai 6-b
Tác giả và phu quân
(hình chụp ngày về thăm quê nhà ở Thái Bình, tháng 3-2018)


 

   Chiếc xe tải đi công tác ra Bắc từ từ chuyển bánh lúc trời còn mờ sáng tinh sương bỏ lại sau lưng thành phố Sài Gòn còn đang say sưa trong giấc ngủ sau những giờ làm việc mệt nhọc lăn lộn với cuộc sống. Càng xa dần thành phố lòng tôi càng cảm thấy thanh thản nhẹ nhàng như trút bỏ bao nỗi ưu tư phiền muộn của tháng ngày buồn chán. Chiếc xe vun vút trong màn đêm êm ái nhẹ nhàng như con tàu lượn sóng. Thỉnh thoảng xe lọt trọn ổ gà nện thật mạnh như muốn nhào lộn những người trong xe. Tôi bắt đầu thấy choáng váng chóng mặt. Đây là lần đầu tiên tôi được...vinh dự tháp tùng theo xe tải hàng với một chỗ ngồi tùy ý chọn lựa. Tôi gắng gượng với cơn xây xẩm, đưa tay vào túi tìm vội lọ dầu, tôi hít một hơi dài để chống chọi với cơn nôn mửa. Mặt trời cũng bắt đầu ló dạng ở phương xa chiếu ánh sáng óng vàng vào đoàn người trong xe, xua đuổi dần dần gió đêm lạnh buốt của ban đầu để giành lại sự ấm áp, cơn mát lành của núi rừng đồng nội. Tôi cởi vội chiếc áo len bỏ vào trong xách để lộ chiếc áo bà ba bó sát thân hình. Ngồi tựa lưng vào chiếc ghế đặt gần cuối xe tôi dõi mắt xa xăm nhìn về chân trời vô định, bâng quơ thấy khung cảnh bên ngoài, núi đồi ruộng đồng bát ngát lần lượt đua nhau chạy trốn mắt tôi. Trong khoảnh khắc mơ màng mộng tưởng tôi hình dung đến lúc gặp lại được Hữu sau bao ngày xa cách hẳn là vui như mở hội trong lòng. Tôi khép nhẹ mắt lại sống với hạnh phúc bé nhỏ để quên đi nỗi nhọc nhằn của đoạn đường còn xa.

  Hai ngày sau, xe đến Quảng Trị, Đông Hà, Gio Linh, địa hạt của vĩ tuyến 17 và sông Bến Hải, cầu Hiền Lương là ranh giới phân chia hai miền Nam, Bắc. Tôi ngồi thẳng dậy chồm đầu thật cao qua thành bững cuối xe, chú ý ngắm chiếc cầu lịch sử… 

  Cầu Hiền Lương nhỏ và dài, thành cầu là những thanh sắt được sơn đen. Nơi đây vắng vẻ tiêu điều chẳng có người qua lại. Nhìn chiếc cầu hiện ra dưới ánh chiều tà, chiếc cầu có nhiệm vụ phân ly hai miền nước Việt, tự nhiên tôi thấy lòng xót xa, một nỗi buồn từ đâu len lỏi xâm chiếm tâm hồn. Được mang tên là “Hiền Lương” nhưng chiếc cầu kia có biết đã mang đến bao đau thương cho nước nhà dân tộc và là biến cố của bao mối tình đầy nước mắt khi nhận cảnh chia ly? Thấm thía với nỗi buồn vu vơ, tôi thấy lòng thổn thức.

  Qua khỏi cầu Hiền Lương tức là xe đã qua bên kia vĩ tuyến 17 bắt đầu vào địa phận Bắc Trung phần. Nơi đây đường sá nhỏ và hẹp hơn. Mặt nhựa có vẻ khiêm nhường trước đám sỏi đất gồ ghề, lầy lội. Xe càng lúc càng dồng hơn, đôi khi xốc dữ dội như muốn đổ nhào.Tôi dựa vào thành xe mà nghe hồn như cũng muốn đảo lộn. Cuối cùng rồi cũng đến Vinh sau hơn 3 ngày đường gian nan vất vả…

  Chiếc xe tải tiếp tục cuộc hành trình, bỏ lại sau lưng hình ảnh tôi bé nhỏ giữa thành phố xa lạ buổi chiều đông, nơi mà 20 năm trước cũng như hiện tại bây giờ tôi không ngờ có ngày mình đặt chân đến. Đứng thẩn thờ đưa mắt nhìn xung quanh, phố sá vắng vẻ người qua lại. Thỉnh thoảng mới có dăm người đạp xe đạp đi qua hay dăm đứa trẻ tan học về đi lại. Cuộc sống nơi đây pha lẫn nửa tỉnh nửa quê. Nhà cửa lác đác rải rác xen kẽ nhà ngói, nhà tôn lẫn nhà tranh. Dù cố gắng phục sức cho hòa đồng để mọi người đừng phân biệt tôi là người miền Nam hay Bắc, nhưng mái tóc “xì tôn” ngắn cao và gọn khác hẳn với mái tóc dài bện tít và kẹp túm của “mốt” gái Bắc, không chối bỏ được tôi là người miền Nam vừa đến.

- A, chào cô con gái Sài Gòn!

  Tiếng những đứa trẻ reo vang rồi đứng lấm lét nhìn tôi soi mói với đôi mắt dị thường. Cũng là người Việt Nam nhưng sau bao năm ngăn cách cùng chịu ảnh hưởng của hai chế độ khác biệt nên cuộc sống hai miền như hai nước khác nhau. Từ tập quán, ngôn từ và phục sức không còn giống nhau nữa.

  Lần đầu tiên đến đây, đứng chơ vơ giữa chốn này, tôi có cảm tưởng như tôi là người ngoại quốc đang lạc lõng bơ vơ trên đất khách quê người. Tôi không có một người thân ngoài chiếc xe đã chạy khuất. Một nỗi cô đơn trơ trọi len lén tâm tư, tôi đưa mắt mơ buồn nhìn xuống hành lý của tôi. Chiếc ba lô bằng vải đã lấm tấm ướt từ lúc nào đang nằm lặng yên để chờ đợi đôi tay tôi chiếu cố. Rờ tay lên đầu, đến lúc này tôi mới biết là trời đang mưa. Những cơn mưa bụi lất phất nhỏ trên áo len tôi những hạt trân châu óng ánh. Dù cơn gió lạnh làm buốt đến thịt xương, nhưng cái giá rét bên ngoài không làm cho tôi cảm thấy giá lạnh bằng cái giá lạnh của tâm hồn tôi lúc đó. Xót xa cho thân phận lạc loài, tôi cảm thấy thương tôi hơn bao giờ hết. Tôi chả nói chả rằng, mặc cho gió rét mưa bay, mặc cho những đôi mắt ném về tôi những cái nhìn xa lạ, tôi lửng thửng đeo ba lô lên vai, tay mang túi xách lủi thủi đi tìm nhà ông bà Minh. 

   Ông bà Minh là thân nhân của người bạn trong gia đình. Trước khi tôi lên đường, người bạn có viết vài chữ giới thiệu tôi với ông bà nhờ giúp đỡ. Sau khi đọc thư, ông bà Minh không chỉ ân cần đón tiếp tôi chu đáo, cho tôi tá túc, còn thăm dò hướng dẫn tìm trại 6 cho tôi.

   Trại 6 nằm tại huyện Thanh Chương Nghệ Tĩnh, thành phố Vinh. May mắn cho tôi, ông bà Minh có người bạn thân tên Tùng sinh sống tại Thanh Chương. Trước khi mua vé giúp tôi tới đó, ông bà đã viết một "ủy nhiệm thư" giới thiệu tôi với ông Tùng.    

   Hôm sau, đáp chuyến xe đò lên huyện Thanh Chương khởi hành từ sáng sớm, trưa trưa mới đến nơi, tôi tìm ông Tùng không mấy khó vì nhà ông nằm ngay gần bến xe. Cũng như ông bà Minh, sau khi đọc thư, ông Tùng cũng ân cần lo lắng cho tôi chu đáo từ ăn uống, ngủ nghỉ cũng như thăm dò kỹ càng đường vào trại 6.

   Vì đường sá vào trại không có phương tiện xe cộ đi qua, ông cho tôi mượn chiếc xe đạp, một trong những tài sản quí giá của gia đình ông, tôi ứa nước mắt cảm động lẳng lặng nhận sự giúp đỡ của mọi người mà nghẹn ngào không thốt được một câu.

   

  Đúng 7 giờ sáng hôm sau, ông Tùng cẩn thận buộc chiếc ba lô vào xe cho tôi, căn dặn đủ điều. Tôi từ giã ông lên đường thẳng tiến vào trại 6, nơi mà Hữu đang bị giam giữ.

  Tà tà đạp xe vào trại, tôi miên man nghĩ đến cuộc đời: “Sông có khúc, người có lúc, lẽ đâu mãi thế này. Rồi một mai có hoàn cảnh khá hơn, tôi nguyện đáp đền đến các ân nhân”. Đến đây xe bắt đầu đổ dốc để qua sông. Tôi xuống xe dắt bộ để tránh những tảng đá to. Con sông trước mặt thì không có cầu mà phà thì ít hoạt động vì vắng xe lớn đi qua. Tôi phải vất vả lắm mới khiêng nổi chiếc xe chở nặng lên đò.

  Ngồi trên chiếc thuyền nan lênh đênh trên mặt nước, tôi thả hồn mơ tưởng đến những chuyến vượt biên, đến chân trời mới lạ, nơi đó tôi có thể đổi đời, xa hẳn cái xã hội tôi đang sống.

  Thuyền đã đến bến đánh thức tôi trở về thực tế, lại một lần nữa, tôi lại vất vả để vác xe ra. Con dốc trước mắt nhầy nhụa gồ ghề như thách thức tôi và dù đã cố gắng đem hết sức mình, bánh xe sau vẫn luôn bám chặt dưới sình không cách nào lay chuyển nổi.

  Những người đàn bà đi chợ ngang đấy đứng trố mắt nhìn tôi hì hục với chiếc xe, cười xòa cất giọng:

- Ối giời, con gái miền Nam! Cứ yếu như sên, để tôi giúp sức cho này.

 Và chiếc xe được nhấc bổng lên vượt khỏi u đất lớn. Tôi quay lại mỉm cười nhìn người đàn bà, thỏ thẻ:

- Cháu xin cảm ơn bác. Rồi tôi cúi đầu chào, tiếp tục lên đường.

  Mặt trời cũng bắt đầu xuyên qua kẽ lá, chiếu ánh sáng dịu dàng xuống những vũng nước mưa, làm khô dần những con đường nhầy nhụa bởi những trận mưa phùn dai dẳng suốt mấy tháng qua. Tuy vậy vẫn còn những con đường trơn như mỡ tôi phải xuống xe dắt bộ, phải cởi dép đi chân không để bấu từng bước một, và dù cẩn thận đến thế nào, vì vướng chiếc xe chở nặng, tôi cũng bị trượt một đường dài như đi trên tuyết. Đường càng lúc càng vắng vẻ, không một bóng người. Tôi đưa mắt quan sát xung quanh, bốn bề đều vắng lặng, thấp thoáng xa xa ẩn hiện lác đác vài túp lều tranh sau các rặng tre già. Tôi không nghĩ ngợi gì nữa chúi đầu đạp nhanh. Bỗng tôi khựng lại khi gặp một thanh niên theo đường mòn trong xóm quẹo ra, lững thững đạp cùng phía với tôi. Tôi tiến nhanh đưa mắt dò xét người thanh niên, thấy không có gì đáng ngại, tôi dịu dàng cất tiếng:

- Thưa anh, cho tôi được hỏi thăm, đường từ đây lên trại 6 còn bao xa nữa ạ?

  Nghe hỏi, người lạ cũng đưa mắt nhìn tôi, rồi đáp:

- Còn 18 cây số nữa.

- Thế anh có tiện đường lên đấy không, làm ơn chỉ giúp.

- Tôi chỉ đi dăm bảy cây số là dừng thôi.

- Thế anh đợi tôi đi cùng với nhé, đi một mình tôi sợ.

- Cô sợ gì?

- Tôi sợ cướp!

  Người thanh niên cười xòa:

- Cướp đâu có sẵn mà cô sợ?

- Tôi sợ bâng quơ…

  Thanh niên mỉm cười thông cảm ý nghĩ vẩn vơ của tôi, một lát lâu lại hỏi:

- Thế cô không sợ tôi à?

  Tôi lắc đầu:

- Không, với anh tôi không sợ.

- Tại sao?

- Vì tôi nhắm tướng thấy anh hiền.

  Anh cười, tôi cũng cười. Một cơn gió nhẹ thổi đến mang theo chút nắng ấm của buổi ban mai, tôi cảm thấy an tâm.

  Khi chàng trai cáo biệt quẹo vào xóm, tôi cũng gật đầu chào rồi từ đó một mình đi nốt quãng đường còn lại.

  Lầm lũi đạp xe đã mỏi nhừ mà đường vẫn còn xa, xa mãi. Những con dốc dẫn vào trại cao như những ngọn đồi, trông xa giống rồng uốn khúc. Khi đi lên tôi không sao đạp nổi, nhưng lúc xuống, không đạp mà vun vút phóng như một mũi tên làm một lần tôi chúi nhũi rơi tõm xuống sình vội chụp cái ba lô phía sau đỡ cho khỏi ướt mặc cho quần áo lấm lem, xe gãy một cái thắng. Tôi lò dò đứng dậy, cứ thế đạp xe tiếp…

   Cuối cùng, bóng dáng các công an trong sắc phục vàng thấp thoáng báo hiệu tôi đã đến trại.

   Trại là một khu đất rộng, xung quanh có núi đồi và rừng cây. Nơi đây biệt lập hẳn với cuộc sống bên ngoài. Tôi đưa mắt nhìn hai bên, lố nhố từng nhóm người mặc đồng phục đang hì hục với công việc của mình, nào lợp nhà, cưa gỗ, kéo xe…Cứ mỗi nhóm có hai công an cầm súng canh giữ. Tôi đoán chắc đó là những sĩ quan cải tạo đang giờ lao động. Thấy tôi đến, ai cũng ngưng làm việc, ngước mắt ngạc nhiên nhìn tôi:

- Chào chị, chị từ Sài Gòn mới ra đấy hả?

- Sài Gòn bây giờ ra sao hả chị?

- Chị thăm ai thế chị?

  Những câu hỏi tíu tít làm tôi hân hoan, cảm thấy gần gũi như gặp được người thân. Tôi đưa mắt dáo dác tìm Hữu thì một anh công an chạy ra hỏi:

- Chị đi đâu? Thăm ai đang cải tạo?

- Tôi đi thăm chồng.

- Anh ấy tên gì?

- Tên Hữu.

- Thế không có ở đây, chị vào kia căn nhà tiếp tân trình giấy.

 Theo hướng tay chỉ, tôi dắt xe đi vào. Đó là một căn nhà nhỏ lợp tranh, xung quanh được lợp bằng hàng cây thưa lá. Trước cổng có đề một hàng chữ xinh xinh: “Nhà tiếp đón gia đình trại viên”. Với lòng lâng lâng sung sướng, tôi bước vào phòng khách, tôi gặp một nữ công an đang quát tháo một người tù:

- Mày là thằng ăn cắp, phải viết bản tự kiểm mau.

  Người tù là một thanh niên trạc dưới 30 tuổi khép nép nhìn nữ công an đồng trang lứa.

- Bẩm bà, con không làm điều đó. Mong bà tha cho!

  Tôi ngạc nhiên châu mày trước lối xưng hô đó. “Bà lớn” ngồi đó sao?.”Chễm chệ” trên ghế gỗ trong bộ bà ba quần đen áo cánh trắng. “Bà” đang cơn phẫn nộ, mắt trợn ngược trợn xuôi nhìn người tù ra lệnh:

- Thôi về chỗ mau, chiều nộp cho tao bản tự kiểm.

  Quát xong, bà quét mắt nhìn sang tôi, nét mặt lạnh lùng hất hàm lên hỏi:

- Chị thăm ai? Cho xem giấy tờ.

  Tôi không trả lời lẳng lặng lấy giấy tờ xác nhận của công an phường, khóm đưa cho bà. Bà lớn thoáng nhìn qua to tiếng:

- Giấy tờ này không hợp lệ, sai nguyên tắc. Chị không được phép thăm.

  Tôi bàng hoàng trước lời nói ấy, chưa kịp bảo sao đã nghe bà xẵng giọng:

- Chị có biết chồng các chị là những người theo giặc, tay sai của Mỹ phá hoại cách mạng, phá hoại nhân dân không? Còn các chị là những người tiếp tay cho chồng để chồng đốt nhà cướp của nhân dân. Nhân dân đang căm thù những người như chồng chị. Nay cách mạng nhân đạo khoan hồng cho học tập cải tạo, chị ra thăm theo nguyên tắc phải có thẻ vàng do công an thành phố cấp mới được thăm.

  Tôi sững sờ mở tròn xoe mắt, niềm uất hận sôi sục trong lòng, nước mắt chực trào ra, tôi chớp nhanh nén bao cay đắng tủi hờn để mong đạt được mục đích nên nhã nhặn trả lời:

- Thưa chị, mong chị thông cảm, vì theo thư chồng tôi gửi về bảo tôi đừng ra thăm nên không nói thủ tục thăm nuôi như thế nào. Tôi cứ tưởng giấy tờ như thế là đủ. Nay lỡ đến đây rồi, dù biết rằng đã sai nguyên tắc song mong chị xét qua vấn đề tình cảm mà cho tôi được thăm nuôi.

   Bà công an vẫn lớn tiếng:

- Nguyên tắc là nguyên tắc. Không có xét vấn đề tình cảm gì cả.

   Rồi lặng yên một lát, không hiểu nghĩ sao bà bỗng hạ giọng:

- Thôi được, chị ra ao ngoài kia tắm thay quần áo và chuẩn bị nấu cơm đợi tôi trình thủ trưởng cơ quan quyết định.

  Nói rồi, bà ngoe nguẩy cầm giấy tờ của tôi đi mất. 

  Còn lại một mình uất ức với những lời như tát nước vào mặt, tôi tha hồ để nước mắt tuôn rơi. Đang khóc, tôi nghe sau lưng có tiếng chân người đi lại, tôi vội lau nước mắt rồi đứng yên. Giọng quen thuộc của anh công an mà tôi gặp ban đầu chỗ lao động lên tiếng hỏi tôi:

- Chị đã trình xong giấy chưa ạ?

  Tôi không trả lời, chỉ khẽ gật đầu rồi đi nhanh ra bờ ao vốc nước rửa mặt. Nước mát như xoa dịu niềm u uẩn của tâm hồn, tôi thấy khoan khoái dễ chịu. Tôi cởi áo len bị lấm bùn khi sáng ra giặt. Vốc nước vuốt lại những chỗ dơ của quần áo. Vừa lúc đó thủ trưởng cơ quan gọi tôi vào thông báo đúng 4 giờ chiều tôi sẽ được thăm Hữu một tiếng. Tôi vâng dạ cám ơn rồi xuống bếp nấu cơm.  

 Căn bếp chỉ là cái chòi tranh nhỏ, nằm phía sau, cách phòng khách một cái sân cỏ rộng. Bên trong để sẵn vài cái nồi gang, một ít củi, hộp quẹt và hai kiềng sắt ba chân làm bếp. Tôi nấu cho Hữu bát chè đậu, một nồi xôi lớn nắm thành viên để dành chàng ăn dần, một nồi cơm to, một con gà luộc tôi mua sống dọc đường, xong đâu vào đấy ngồi đợi giây phút gặp chàng…

  Xa xa tôi đã thấy Hữu đi lại, theo sau có... bà lớn hộ tống. Sau bao ngày xa cách, không hiểu sao, tôi thấy lòng thật tỉnh. Tôi nhận thấy Hữu gầy đi nhiều, cao lều khều như con cò hương, môi thâm đen, da vàng vọt như người đang sốt rét. Đứng trên thềm nhà nhìn xuống tôi e ấp cười, không khóc. Gặp tôi, Hữu mừng ra mặt, vội vàng xiết tay tôi và thỏ thẻ vào tai:

- Em giỏi lắm, em can đảm lắm, anh khen em đó!

  Rồi quàng tay qua vai tôi âu yếm nói:

- Cho anh hôn nhá!

 Thấy bà lớn còn đứng đó, tôi mỉm cười lắc đầu:

- Thôi kỳ lắm. Rồi thẹn thùng chạy nhanh vào phòng khách.

  Vào bàn, tôi ngồi đối diện với Hữu, tôi ngớ người ra chẳng biết nói làm sao, chỉ biết dọn cơm và nhìn Hữu ăn ngấu nghiến một cách ngon lành. Vừa ăn, Hữu vừa hỏi tôi những câu hỏi rời rạc, không đâu. Sự giao động bất ngờ làm cho tư tưởng cả hai không sao kết thành ngôn ngữ. Đôi lúc chỉ biết âu yếm nhìn nhau rồi mỉm cười không nói gì cả. Đôi lần Hữu đưa đũa gạt lên thành chén nhắc đi nhắc lại:

- Hàng ngày anh chỉ ăn được hai chén lưng bo bo.

- Biết rồi!.

- Và đôi khi anh chỉ ăn được ba củ khoai lang nhỏ hay ba khúc ngắn khoai mì.

  Tôi phì cười khi thấy Hữu nhắc đi nhắc lại thế mãi, tôi lại nói giọng nhấn mạnh:

- Em biết rồi!

  Bà lớn tự nãy giờ ngồi xa xa chứng kiến cảnh chúng tôi ngồi nói chuyện, lên tiếng như báo động:

- Anh Hữu đã hơn một tiếng đồng hồ rồi đấy. Bây giờ cho kiểm tra quà cáp và anh Hữu chuẩn bị về trại.

  Đến lúc này Hữu mới nắm lấy tay tôi, vội vàng nói một câu như sợ quên đi mất:

- Em yên tâm, anh lúc nào cũng yêu em và tình yêu còn lại anh sẽ dồn cho em hết, em sẽ được đền bù với vạn vạn lần tình yêu của anh.

  Sau khi quà cáp được kiểm xong, trước khi vào trại, Hữu nhìn tôi âu yếm:

- Mai em về, anh chúc em lên đường nhiều may mắn.

  Nói rồi theo bà lớn vào trại.

  Đứng trên thềm, nhìn bóng Hữu xa dần, tự nhiên tôi chạy theo và lót tót sau lưng Hữu. Hữu quay đầu lại thấy tôi, chàng khựng lại nét mặt thoáng buồn:

- Em về đi, cho anh gửi lời thăm bà con lối xóm.

  Tôi không nói gì, đứng nhìn theo cho đến lúc Hữu đã khuất hẳn sau một khúc quanh, tôi mới bàng hoàng ngẩn ngơ như vừa trải qua một giấc mơ thật đẹp. Bao nhiêu câu hỏi lúc này mới dội về, tôi ân hận tự trách mình sao quên đi mất. Tôi lại muốn chạy theo kéo áo Hữu để chỉ hỏi một câu: “Anh trong này có nhớ em không? Chứ còn em ở ngoài, đôi khi nhớ anh đến không còn muốn sống”. Nhưng để trả lời câu hỏi của tôi chỉ có tiếng chim kêu như gọi đàn về tổ. Thế là hết! tất cả chỉ như một giấc mơ.

  Tôi thẩn thờ với lòng buồn rười rượi, lửng thửng bước từng bước nặng nề về căn phòng nhỏ dành riêng cho người thăm nuôi. Đến lúc này tôi mới sực nhớ là suốt ngày hôm nay tôi chưa có gì vào bụng. Tôi bước vội qua chỗ phòng khách chỗ Hữu ngồi khi nãy chóp chép nhai tạm một miếng xôi do Hữu để lại phần tôi. Đang ăn, một anh tù hình sự với nhiệm vụ dọn dẹp ở đấy đến nói khẽ với tôi:

- Chị còn cơm cho tôi xin một chén!

  Thấy thế còn lại bao nhiêu trong nồi, tôi đem biếu người đó rồi trở về buồng ngồi ngẩn ngơ ôm mặt khóc. Tôi khóc thương chồng, thương cho số phận con người trong kiếp tù đày và thương cho chính mình đang lẻ loi trong nỗi cô đơn trống vắng hiện tại. Khóc chán, tôi lại đứng lên bước ra ngoài ngắm chiều buông. Hoàng hôn ở đây thật thảm đạm u buồn, hoàng hôn của núi đồi ao hồ rừng cây càng làm cho lòng người chạnh niềm u uẩn. Tôi thất thần đứng ngắm mây bay, những đám mây trắng xóa lững lờ trôi về phương trời vô định. Lốm đốm trong bầu trời xanh lơ, những đàn chim là đà bay như rủ nhau về tổ quanh lượn dật dờ ở dãy núi xa xa. Ánh nắng óng vàng của buổi chiều tà trải tia cuối cùng xuống vạn vật như luyến tiếc vấn vương với cành cây ngọn cỏ. Tôi chợt thở dài khi nghĩ đến chồng, hiện Hữu đang ở trong kia, còn tôi thì đứng nơi này khoảng cách chỉ trong tầm tay mà sao tôi thấy thật xa xôi dịu vợi. Ước gì lúc này Hữu lại được ra, tôi sẽ tỏ lộ nỗi lòng cho thỏa dạ. Càng nghĩ tôi lại càng thấy buồn thắm thiết rồi cứ khóc liên miên…

  Màn đêm cũng bắt đầu bao phủ xuống vạn vật, tiếng ếch nhái ểnh ương ngoài ao hồ làm cho tôi sợ hãi. Tôi vội chạy đến cái giếng nơi những công an đang tắm và hỏi:

- Thưa anh, tối ở đây có điện không ạ?

- Có đấy, nhưng chỉ tới 10 giờ thôi.

- Thế ở đây đêm có gì nguy hiểm không ạ?

- Chị an tâm, khu này biệt lập hẳn với dân chúng bên ngoài, xung quanh rải rác chỉ có chúng tôi thôi.

  Nghe thế tôi an tâm trở về phòng đặt mình nằm xuống chiếc giường tre đi ngủ sớm sau khi cẩn thận xem xét cửa ngõ thật chu đáo.

  Đêm về khuya, tiết trời đông của núi rừng càng thêm lạnh, tiếng gió rít từng cơn len qua khe cửa vào phòng khiến tôi rùng mình sởn gáy. Tôi cố ru giấc ngủ nhưng không tài nào ngủ được. Mãi nằm im lìm không nhúc nhích, tôi thấy chân tay mình mẩy tê dừ, không chịu được nổi, tôi nhè nhẹ trở mình. Bỗng…trong màn đêm tịch mịch im lìm, có tiếng lào xào trên mái lá…Tôi hồi hộp nằm yên mà nghe rõ nhịp tim của chính mình. Nhưng rồi yên lặng lại trở về với màn đêm mà sao tôi vẫn thao thức trằn trọc không cách nào nhắm mắt.

  Yên lặng… vẫn… yên lặng…

  Bỗng nhiên,... trong đêm vắng tịch mịch đang chìm đắm một sự đe dọa ớn lạnh, tôi chợt nghe tiếng chân người nhẹ nhẹ đi rảo xung quanh phòng tôi rồi tiến dần về phía cửa sổ. Một luồng gió nhẹ len vào, tôi cố lấy hết sức bình tĩnh rồi cất tiếng hỏi:

- Ai đó? ? ?

  Không có tiếng trả lời. Yên lặng vẫn chìm trong màn đêm. Tôi ngạc nhiên tự nhỏ: “Ta có mơ chăng? Hay thần hồn nhát thần tính?”. Rồi tôi lại lên tiếng hỏi tiếp:

- Ai đang đứng ở cửa sổ đó?

  Vẫn không có tiếng trả lời. Gió vẫn thổi, tiếng lá cây chạm vào nhau vẫn rì rào trong đêm vắng. Một lúc thật lâu, tiếng chân người rục rịch… xa dần…xa dần... rồi im hẳn. Tôi nghĩ thầm “chắc công an đi tuần”, rồi an tâm không lo lắng gì nữa.

  Quá mệt mỏi vì thức trắng, tôi thiếp vào giấc ngủ chập chờn. Trong khoảnh khắc mơ màng đó, tôi dường như thấy Hữu đến bên giường, ngồi nhìn tôi và khóc: “Em ơi! anh bây giờ như cá nằm trên thớt, như chim trong lồng không biết thuở nào ra. Em tuy ở ngoài lồng, nhưng cũng chỉ đứng trong vòng rào kẽm gai. Với tấm thân nhỏ bé, em hãy cố chui lọt qua rào tìm cách giúp các anh hữu hiệu hơn, em nhé“. Nói rồi, Hữu quay lưng bỏ chạy, tôi vội vàng đuổi theo chới với kêu gào: “Anh Hữu, sao anh lại bỏ em? Hãy đứng lại đi, cho em nói đôi lời”. Nhưng bóng Hữu đã mất hút sau rặng tre xanh. Tôi vẫn đuổi theo và vấp ngã sóng soài bên thành giếng…

  Giật mình, tôi mới biết mình vừa trải qua một giấc mơ và tiếng chim kêu chíu chít trên đầu cành báo hiệu bình minh đã trở lại…

                              ***

  Sau lần thăm nuôi đó, tôi trở về Sài Gòn phổ biến, hướng dẫn, chỉ cách cho bạn bè ra thăm chồng tại trại 6, mở ra một phong trào thăm nuôi từ đó. Và ông Tùng, người cho tôi mượn xe đạp, bỗng nhiên trở thành như một “Giám đốc công ty chuyên chở bằng xe đạp thân nhân người tù”. Nhờ những cuộc thăm nuôi đó, đã cứu mạng sống biết bao tù cải tạo trại 6 qua cơn đói khổ, bịnh tật, đọa đày bởi chính sách khắc nghiệt, bạo tàn của cộng sản.

 

Trần Thị Nhật Hưng

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 15396)
Nói đến luân hồi, nhiều người quan niệm đó như là chuyện xưa tích có, nhưng thật ra vô cùng mật thiết với đời sống thăng trầm của kiếp người mà chẳng mấy ai lưu tâm. Cũng như không khí hít thở hằng ngày rất thiết yếu cho đời sống, nhưng phần đông không mấy người để ý đến.
08/04/2013(Xem: 16721)
Bộ kinh Bách Dụ gồm 98 bài thí dụ của Phật nói do Ngài Pháp Sư Tăng Gia Tư Na sao lục trong kinh tạng. Hai thí dụ rốt sau: "Thuốc hay hòa trong đường phèn", "Dùng là gói thuốc A Dà Ðà" là của Pháp Sư tự soạn, để tổng dụ cho diệu lý đủ trong những thí dụ trên.
08/04/2013(Xem: 33889)
Bởi đời đức Phật Tỳ Bà Thi (Vipasyin), sau khi Phật Niết-bàn, chúng xây tháp thờ Xá-lợi, trong tháp có an trí một pho tượng Phật phết vàng. Lâu ngày pho tượng trên mặt bị lở khuyết. Khi ấy, ngài ca-diếp là thợ đúc vàng, có cô gái nhà nghèo, vì thấy mặt Phật hư khuyết, cô còn một đồng tiền vàng đem đến nhờ Ngài ca-diếp nấu ra để phết lại tượng Phật.Thấy cô phát tâm tu bổ tượng Phật, ngài rất hoan hỷ đứng ra làm chu tất việc nầy, nhơn đó, hai người cùng nguyện đời đời sẽ làm vợ chồng, mà coi như đôi tri-kỷ, chớ không vì tình dục.
08/04/2013(Xem: 12620)
Ước mong rằng người đọc cũng như người nghe truyện sẽ ghi nhớ mãi trong tâm cái nếp sống đạo đức chân chính cùng những lời khuyên dạy quý báu của vị Bồ Tát trong truyện để cùng nhau cố gắng noi theo hầu đạt được cái Chân, Thiện, Mỹ trong cuộc sống hàng ngày.
08/04/2013(Xem: 14921)
Từ ngày Ngài xuất hiện đến nay, trên hai ngàn năm trăm năm đã trôi qua bao nhiêu lớp người trồi sụp, bãi bể nương dâu đã mấy lần thay đổi: những vết tích đã xoá nhoà trong trí nhớ của người đời, những nét chữ đã lu mờ trong sách sử. Di tích của Ngài tuy được giừ gìn trong các đền chùa tháp điện, cũng không khỏi lấm màu sắc thời gian.
08/04/2013(Xem: 16296)
Tôi viết tập truyện nhỏ này với niềm say mê thích thú chưa từng có. Một mình trên căn gác, suốt ngày tâm hồn đắm vào thế giới loài vật những cọp những beo, cáo, gấu, chìa vôi, bìm bịp, chèo bẻo... tôi tưởng như chúng đang chạy nhảy và đối thoại quanh tôi. Thật là những giờ phút kỳ diệu. Viết xong từng đoan, đọc lại, cười. Như đọc văn của ai. Thích hơn khi viết về Người, bởi nghĩ rằng viết về Người đã có nhiều ngòi bút khác viết rồi. Ðằng này do mình tưởng tượng dựng ra thì hy vọng chúng mang trọn vẹn bản sắc của tâm hồn mình.
08/04/2013(Xem: 12659)
Thuyết pháp giảng kinh, viết sách giáo lý nhà Phật hoặc in kinh sách đem phát cho mọi người xem, để họ sớm giác ngộ. Ðược như thế công đức vô lượng, đó gọi là pháp thí. Nếu không đủ điều kiện làm những việc ấy, . . .
08/04/2013(Xem: 16551)
Trong thế kỷ XX, phương Tây có hai người tìm hiểu đất nước Tây Tạng rất sâu sắc, đó là bà Alexandra David Néel và ông Anagarika Govinda. Cả hai vị này đã từng sống nhiều năm tại Tây Tạng, từng tu tập thiền định và đi khắp nơi trong xứ sở huyền bí này hơn bất cứ người nước ngoài nào khác. Có thể nói họ hiểu Tây Tạng với bất tất cả những khía cạnh tâm linh, tâm lý, địa lý nhiều hơn cả phần đông người Tây Tạng.
08/04/2013(Xem: 3803)
Tháng 10 mùa thu, đề tài muôn thuở để bao văn nhân thi sĩ trên thế gian này múa bút. Kẻ tán tụng, người than van. Nhưng tựu trung không ai phủ nhận mùa thu đẹp với những chiếc lá vàng rơi phủ đầy lối đi, đường phố. Rồi thì khách bộ hành, những cặp tình nhân tay đan tay rảo bước đạp xào xạc trên lá vàng khô. Họ kéo cao cổ áo, nép vào nhau khi một làn gió nhẹ mơn man thổi đến.
08/04/2013(Xem: 19914)
Ngày xửa, ngày xưa, có một cô công chúa Út con gái yêu của hoàng đế La Mã - một ông hoàng giàu sang độc tài và rất hung bạo.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]