Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Con Bông

10/04/201313:09(Xem: 4922)
Con Bông

Con Bông

Vương Văn Quang



Nhà tôi cố bốn anh em. Trong bốn anh em, cái Giang được bố mẹ tôi cưng chiều nhất. Mà chả cứ bố mẹ, cả ba anh em tôi đều quí và chiều nó. Như thế là phải, bởi nó là út lại là con gái. Hơn nữa, cái Giang còn rất xinh đẹp, nó đẹp như một con búp-bê. Nếu như ù ra đời muộn đi chừng một giáp thì bây giờ khéo nó đã là một hoa hậu nổi tiếng chứ chả bỡn. Không chỉ đẹp bề ngoài, tâm hồn nó cũng đẹp lẫm liệt, văn thơ còn lai láng nữa chứ. Gớm thế. Dạo còn học phổ thông, năm nào nó cũng đi thi học sinh giỏi văn. Nhưng các cụ chả hay bảo “học tài thi phận”, cho nên dù đi thi liên tục, nhưng chưa bao giờ nó đoạt giải gì. Học xong phổ thông, nó thi và trúng tuyển vào Tổng hợp, khoa ngữ văn. Sau năm năm học, ra trường nó lấy chồng ngay. Chồng nó là con nhà phú nông có bề dầy truyền thống ở ngoại thành Hà nội, thuộc thành phần đất rộng ao sâu, ruộng liền trâu nái. Đặc biệt nhà chồng nó có nghề mổ lợn, làm giò chả gia truyền, nên chồng nó cũng là một tay đồ tể cự phách. Nói chung, cả nhà chồng lẫn chồng nó đều không liên quan và không ưa gì văn chương thơ phú. Thế mà chúng nó lấy nhau mới lạ. Qủa thật là con tim luôn có lý lẽ riêng của nó. Trường hợp này, chúng ta lí giải bằng câu “duyên số” là vô cùng hợp lí. Được cái thằng chồng nó cao to trắng trẻo và rất yêu thương vợ.

Dạo này, tôi hay sang chơi với vợ chồng cái Giang, gần như ngày nào tôi cũng sang. Cái Giang mới có đứa thứ hai, con trai, thằng bé kháu khỉnh đáng yêu lắm. Tôi rất mê thằng bé, nên cứ rình rình có thời gian là sang chơi với chaú ngay. Cái Giang ở chung với bố mẹ chồng. Nhà chồng nó rộng rãi, chỉ riêng cái sân gạch cũng đã tới hơn hai trăm mét vuông. Nhà nó nuôi một bầy bốn con chó, tôi hỏi sao nuôi nhiều, chúng nó bảo, nuôi để giữ nhà và làm vệ sinh cho mấy đứa trẻ con (thời buổi “@” mà nhà nó vẫn giữ lối vệ sinh truyền thống như thế).

Trong bốn con chó, có một con tên Bông. Con này tinh khôn và có biệt tài bắt chuột rất giỏi. Có lần, tôi được chứng kiến nó bắt chuột. Nó đuổi con chuột từ trong gầm giường, con chuột chạy ra sân, bị nó dí sát con chuột chui tọt ngay vào một đoạn ống nước cũ vẫn vứt ngoài sân. Đoạn ống nước này dài chừng hai mét, đường kính khoảng năm phân. Con chuột chui vào đó và không chịu chạy ra, thế là con Bông, cứ ghé mồm vào đầu này của ống nước sủa lên một tiếng, rồi lại chạy ngay ra đầu kia. Nó cứ làm như thế liên hồi. Tôi nhìn mà không hiểu ra sao, chỉ thấy buồn cười cái điệu bộ của nó. Bất chợt, con chuột lao vút ra ở đầu kia ống nước, thế là nó bị mắc mưu con Bông, con chuột lao ra đúng vào tầm đớp của con Bông. Lúc này tôi mới hiểu, té ra con Bông đánh đòn vu hồi.

Không những nó khôn, mà bề ngoài của nó cũng rất đặc biệt, có một vẻ gì đó rất ngoại quốc, mặc dù bố mẹ nó là giống chó ta trăm phần trăm. Con Bông có một bộ lông trắng muotá và xoăn tít như lông cừu, nhưng không xù mà bám sát vào thân , nom rất lạ. Hai tai nó to và rủ xuống giống như chó Nhật, nhưng mõm nó lại không ngắn như chó Nhật mà dài và nhọn, đặc trưng của giống chó săn. Có một nhà văn nổi tiếng, khi tả một nhân vật của mình đã viết “răng vẩu mà vàng như răng chó”. Bác nhà văn kia nói thế thì oan cho con Bông quá. Sự thật hàm răng con Bông đều tăm tắp và trắng muốt, nếu loại trừ đi hai cặp răng nanh, đặc trưng của giống loài ăn thịt, thì hàm răng con Bông đẹp chẳng kém gì mấy pha quảng cáo của các hãng Oral-B, Colgate hay P/S… Đặc biệt, nó có một cặp mắt đẹp và truyền cảm vô cùng, nhiều khi tôi nhìn vào mắt nó và thấy nó như muốn nói với tôi, rằng nó rất yêu quí tôi, rằng nó rất hãnh diện được làm thân chó má trong gia đình này. Con Bông rất quấn tôi, nó quấn tôi còn hơn với chủ thật của nó. Mỗi khi tôi tới, chưa cần đến cổng, chỉ nghe thấy tiếng xe tôi từ xa là trong nhà con Bông đã mừng rỡ rên lên ư ử. Ở loài chó, chúng cũng biết ai thực sự tình cảm với chúng. Và nó không nhầm, tôi thực sự yêu quí nó. Thật là vớ vẩn khi đi so sánh tình cảm của tôi đối với con Bông và tình cảm của tôi đối với thằng cháu mình, nhưng thật sự tôi hay sang nhà cái Giang một phần là muốn chơi với con Bông.

Một hôm, ở nhà cái Giang ra về, khi vừa dắt xe ra thì cái Giang bảo tôi: “À, mai là đầy năm cu Tùng, bác nhớ sang nhé. Bác nhắn hộ cả bác Thịnh bác Hùng nữa. Nhà em mai làm thịt con Bông”. Tôi hết hồn, mặc dù vẫn biết nhà nó có thói quen thịt chó khi có việc. Tôi bảo:

- “Sao lại thịt con Bông? Thế con Mực , con Vện, con Vàng to béo, ngu đần thế sao không thịt?”.

- “Thịt nó là có lý do đấy, tội nó nặng lắm” .

- “Nó tinh khôn nhất trong bốn con. Nó có tội gì?”. Tôi gay gắt.

- “Tội chê cứt. Em cũng biết nó khôn, nên hồi đầu cũng quí nó lắm chứ. Nhưng có hôm xi cu Tùng ỉa xong, em ưu tiên gọi nó vào dọn. Nó vào, ngửi ngửi rồi quay ra, mặc dù vẫn còn nóng hôi hổi. Trong khi mấy con kia tranh nhau liếm láp rất sạch. Không phải một lần như thế mà lần nào nó cũng thế, đâm ra em phát ghét”.

Tôi thôi không tranh luận với cái Giang nữa, bây giờ thằng chồng nó không có nhà, tôi sẽ chờ chồng nó về nói chuyện, thuyết phục nó thay đổi ý định. Tôi biết quyền quyết định việc này không phải ở cái Giang. Tôi lại dắt xe quay vào. Chừng một tiếng sau thì thằng chồng cái Giang về. Tôi đem tâm sự của tôi ra giãi bày, ra sức bênh vực con Bông. Không ngờ, thằng chồng cái Giang còn phẫn nộ về con Bông hơn cả vợ nó. Sau nửa tiếng đồng hồ đàm phán, thằng chồng cái Giang lạnh lùng phán:

- “Nếu bác muốn, thì bác mang nó về bên nhà mà nuôi, còn không dứt khoát em thịt. Chó mà chê cứt. Vô lí! Ghét thế!”.

Nó nói thế thì khác gì thách đố, nhà tôi đã chật lại ở tuốt trên tầng tư, nuôi chó làm sao được.

Tối hôm đó tôi cứ trằn trọc mãi, không sao ngủ được . Tôi còn nhớ, khi bà nội tôi còn sống, bà rất hay dùng ca dao, tục ngữ. Trong cái kho tục ngữ của bà có câu, tôi không nhớ rõ lắm, đại khái là “Chó có từ cứt, thì người từ của”. Ngẫm ra, tôi không thấy đúng. Tôi chưa thấy ai từ của, nhưng con Bông lại từ cứt. Kể ra con Bông này cũng hơi … khác người. Mà tại sao vợ chồng cái Giang lại phẫn nộ về hành vi ấy của con Bông nhỉ? Có thể là bởi xưa nay người ta vẫn quan niệm: chó là ăn cứt. Vậy mà con Bông lại làm sai lệch cái quan niệm, qui ước ấy, nên nó phải trả giá. Sao khốn nạn thế hở giời? Ôi, những qui ước. Để duy trì trật tự bầy đàn, người ta cần những qui ước, nhưng trong số những qui ước ấy, đôi khi có những qui ước vô cùng khốn kiếp. Tôi vẫn trằn trọc không sao ngủ được. Tôi nhất định phải nghĩ cách gì để cứu con Bông.

Sáng hôm sau, tới cơ quan mà tôi không sao tập trung được vào công việc, trong đầu cứ luẩn quẩn những ý nghĩ về con Bông. Trong cơ quan tôi có một anh bạn, nhà anh ta ở ngoại thành, có sân vườn rộng, và anh ta cũng có vẻ thích động vật. Tôi chợt nẩy ra ý nghĩ , sẽ mang con Bông tới gửi ở nhà anh ta. Phải rồi, đây là một giải pháp tình thế rất hay. Tôi mang việc này ra nói với anh bạn, anh ta nhất trí liền. Mừng quýnh, tôi vội nhờ người làm nốt mấy việc của mình rồi hộc tốc lao về nhà cái Giang. Hôm qua, thấy chúng nó bảo tổ chức đánh chén vào tầm tối, bây giờ mới 11 giờ trưa, về vẫn kịp chán. Trên đường về, tôi còn kịp tạt qua chợ mua mấy bộ quần áo trẻ con về làm quà thôi nôi cho thằng cu Tùng.

Tôi về tới nhà cái Giang thì mới chỉ 11 giờ rưỡi. Trong sân rất nhiều xe máy, không thấy con Bông chạy ra đón tôi như mọi khi. Tôi dựng xe rồi đi vội vào trong nhà. Một đám “tá lả” ngồi trên sa-lông, một đám “chắn cạ” rải chiếu dưới nền nhà. Ra không khí hội hè, đình đám lắm. Thằng chồng cái Giang ngồi uống trà với mấy thằng bạn, nó rít một phát thuốc lào rõ kêu rồi hùng hồn: “Muốn có tiết canh chó ngon thì cắt tiết vô cùng quan trọng, không à uôm như cắt tiết lợn được đâu. Phải tìm đúng dây đỏ, tiết sẽ tươi và thơm. Nếu cắt nhầm dây đen là bát tiết thâm sì sì, tanh lắm…”. Tôi hết hồn hỏi nó: “ Con Bông đâu?”. Nó ngẩng đầu nhìn tôi hồ hởi: “ A! Bác đã tới, đủ chân rồi, ta làm hội chắn nữa đi. Con Bông dưới nhà bếp ấy”. Tôi đặt hộp quà lên bàn rồi lao vút xuống nhà bếp. Tôi nghĩ, chắc nó mới trói con Bông lại, chứ giờ này còn sớm lắm mà. Nhưng không phải như tôi nghĩ, con Bông nằm giữa nền nhà bếp, mắt nhắm nghiền, hai chân trước bị trói giật cánh khuỷu ra sau lưng; mõm và hai chân sau cũng bị trói. Ở cổ nó máu ri rỉ loang đỏ loét đám lông ngực trắng muốt, máu chảy ra từ một vết cắt rất nhỏ, đúng hơn là một nhát rạch rất khéo, chỉ vừa đủ để cắt trúng động mạch chủ. Một đám ruồi bâu đen vào đó. Thằng chồng cái Giang thật khéo, đúng như nó nói, có lẽ tiết canh sẽ rất thơm ngon. Con Bông chưa chết, nó mới chỉ lịm đi. Tôi vừa bước vào, cái đuôi bông của nó khẽ vẫy vẫy. Tôi ngồi xuống cạnh nó; nó mở cặp mắt đen rất đẹp của nó nhìn tôi đau đớn, vẻ thắc mắc. Khoé mắt nó ướt nhoè. Nó khóc. Tôi cởi trói cho nó, nó khẽ liếm bàn tay tôi và thở rất nặng nhọc. Mặc dù nó chưa chết hẳn, nhưng tôi cũng chẳng hy vọng cứu được nó. Nó gần như đã hết máu. Nó liếm tay tôi mấy cái, rồi lại nhắm mắt nghiền mắt. Tôi thẫn thờ đứng dậy rồi quay lên nhà. Thằng chồng cái Giang, đã kiếm được đủ chân nên thành lập một hội “chắn” nữa. Tôi ngồi xuống bàn uống nước, rót cho mình một chén trà. Trà rất đậm, nhưng tôi không cảm thấy mùi vị gì. Uống xong chèn trà, tôi đang ngồi bần thần thì cái Giang chỉ ra cửa hét lên thất thanh :“ Con Bông…” Tất cả mọi người trong nhà đều quay ra. Con Bông, với cái cổ vẫn đang rỉ máu đỏ loét của nó, bước loạng choạng ngoài cửa. Hoá ra nó đi theo tôi mà tôi không biết. Thằng chồng cái Giang quát: “Thằng ranh nào nghịch ngu thế, tao đã cố tình cắt tiết cho nó đừng chết hẳn, để mềm thịt, chốc làm lông cho dễ. Cởi trói, nó chạy mẹ nó mất là xong. Bực quá!” Nói rồi nó lao ra định vồ con Bông, nhưng hụt. Con Bông không hiểu sao vẫn lanh lẹ thế, tránh được cú vồ, nó chạy chui tọt vào gầm giường. Một thằng, trong đám bạn chồng cái Giang, vớ lấy cái chổi cán dài chọc chọc vào gầm giường. Con Bông cứ đứng dúi trong góc gầm giường, rên ư ử, không chịu chạy ra. Thế là thằng kia tức mình, nó cứ nhè đầu con Bông phang thật lực, rồi nó lại chọc, một cú chọc của nó rõ mạnh, trúng ngay vào vết thương trên cổ họng con Bông. Con Bông rú lên rồi chạy vọt ra sân. Thằng chồng cái Giang, đang đứng ngoài sân, thấy con Bông chạy nhanh ra cổng, sợ con Bông chạy mất nên nó vớ ngay cái cuốc chim, bổ một nhát lên lưng con Bông. Cú bổ rất chính xác và mạnh, trúng ngay giữa sống lưng, xuyên qua thân, còn găm cả mũi cuốc xuống nền sân gạch tầu. Con Bông oằn người, giẫy giẫy mấy cái và không thấy kêu la gì cả. Nó đã bị găm chặt xuống sân, giống như một tội đồ bị đóng đinh câu rút. Cái đầu nó ngắc ngắc về phía sau, cặp mắt lơ láo thất thần. Hình như nó có ý muốn nhìn thấy tôi. Thằng chồng cái Giang xoa xoa tay vẻ hả hê: “ Đứa nào đi đun nước đi, còn làm lông luôn. Để là chốc nữa cứng đơ lại, khó làm”. Tất cả sự việc trên chỉ diễn ra trong vòng ba phút, từ lúc con Bông xuất hiện ở cửa, tôi đã đứng lên, cho tới khi con Bông bị ghim chặt xuống sân, tôi vẫn đứng như trời chồng. Tôi không có một phản ứng gì, chỉ cảm thấy cổ họng mình khô đắng.

Ngồi thêm một lát, rồi tôi ra về. Cả hai vợ chồng cái Giang cùng giãy nẩy: “Ô hay, sao bác lại về? Chốc nữa bác Thịnh , bác Hùng sang cả đây bây giờ…”. Mặc dù vợ chồng nó ra sức giữ tôi ở lại, nhưng tôi kiên quyết chối từ. Tôi bảo có việc phải đi, không thể ở lại. Không giữ được tôi, cái Giang cười nhăn nhở bảo: “Hay là tối em bảo đứa nào mang sang cho bác, khi nào về bác xơi. Bác thích dồi hay chả? Hấp hay rựa mận? Thích thứ nào thì em đơm nhiều thứ đó… Em thì em thích nhất tiết canh với rựa mận”. Tôi không trả lời. Nhìn nó tôi thoáng rùng mình khi chợt nghĩ có thể nó đã là một hoa hậu, nếu sinh muộn đi một giáp.

Tối hôm đó, tôi không thể nuốt nổi cơm . Hồi xẩm tối, thằng cu em chồng cái Giang mang sang một làn, đủ món. Phải cố gắng lắm tôi mới không nôn ngay trước mặt nó. Chờ nó về tôi lao ngay vào toa-lét…, sau đó sang gọi ông hàng xóm. Giờ này bên nhà bác hàng xóm vẫn đang nhậu nhẹt, cười nói râm ran.

Từ hồi đó tới giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn mơ thấy con Bông. Hàm răng nó vẫn trắng và đẹp. Nó có vẻ vui. Có lẽ, ở thế giới bên kia, nó không bị hắt hủi hay giết thịt vì tội chê cứt.

----o0o---

Trình bày: Vĩnh Thái - Linh Thoại

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/02/2019(Xem: 3770)
Sau thời gian dài hơn nửa đời người mon men đến chùa thân cận với thiện hữu tri thức và nghe Pháp, tôi quen thuộc đến hai chữ “Nhân Duyên, Nhân Quả“ rồi nhìn lại cuộc sống, chiêm nghiệm, mới nhận rõ rằng hai điều đó luôn hiện hữu trong đời sống chúng ta.
01/02/2019(Xem: 3258)
"Sinh Tử Sự Đại Vô Thường Tấn Tốc" Năm cùng tháng tận Tống cựu nghinh tân Nói chuyện chữ Sinh Đón chuyện mới tinh Cho mình phơi phới! Vậy là bước qua năm mới, ngay trong "tháng Giêng là tháng ăn chơi", tôi sẽ được... lên chức. Nam mô Phật! Lên chức.
28/01/2019(Xem: 3430)
Trong ngôi thiền viện thuở xưa Đứng đầu là một thiền sư lâu đời Lìa trần tuổi chín mươi hai Danh ngài viện chủ khó ai sánh cùng, Ngài gìn giữ để không vương Không hề mắc chuyện tầm thường thế nhân.
19/01/2019(Xem: 3656)
Ông ngoại nuôi tôi từ nhỏ, từ khi tôi mới bỏ bú mẹ, đến năm lên lớp 12 thì ông không còn sức lực để làm những công việc đồng áng nặng nhọc đòi hỏi phải có lòng nhẫn nại, tính cần cù và sức dẻo dai. Ông ngoại đã vắt kiệt sức mình ra suốt hai mươi năm hơn, để rồi bị quật ngã một đòn trí mạng phải nằm dính chặt trên chiếc giường ọp ẹp.
06/01/2019(Xem: 3456)
Mỗi năm vào khoảng cuối tháng 10 âm lịch, con thường hay buồn. Vì sao mạ có biết không? Đặc biệt là năm nay con buồn hơn mọi năm khác vì con về nước mà không về làng Đơn Duệ tận ngoài miền Trung khô cằn của mình để được đến thắp nén hương trên mộ mạ.
03/01/2019(Xem: 4513)
Tosui là một thiền sư nổi danh vào thời của ông. Ông đã sống trong nhiều thiền viện và giảng dạy tại các tỉnh khác nhau. Ngôi thiền viện sau cùng ông ghé thăm tụ họp quá nhiều môn sinh cho nên ông nói với họ rằng ông sẽ hoàn toàn từ bỏ hẳn công tác giảng thuyết . Ông khuyên họ nên phân tán ra và đi tới bất cứ nơi nào mà họ mong muốn. Sau đó không một ai còn thấy được chút dấu tích nào của ông nữa.
27/12/2018(Xem: 5716)
Dường như, không ai nghĩ, ngọn lửa mùa thu 1989, được đốt lên từ sinh viên, từ nhà thờ (Nikolaikirche) Leipzig đã thiêu cháy bức tường Berlin nhanh đến như vậy. Tuy vui mừng, nhưng cái bất ngờ ấy, cũng mang đến sự hoang mang không ít cho người Việt chúng tôi đang sống, và làm việc ở miền Đông nước Đức. Bởi, hầu hết các nhà máy, công xưởng phải đóng cửa. Không riêng chúng tôi, mà kể cả những nghiên cứu sinh, sinh viên đại học cũng chạy loạn xí ngầu. Có lẽ, chỉ có ai đã từng sống qua cái thời khắc đó,
27/12/2018(Xem: 4208)
"Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng. Được mất bại thành bỗng chốc hóa hư không", hai câu thơ của vị thiền sư nào đó đã ngấm sâu vào huyết mạch của tôi, một người con gái tươi đẹp của tuổi mười chín, vừa biết tin mình vướng phải một khối u ác tính trong đầu. Trời đất như quay cuồng phải không các bạn?
22/12/2018(Xem: 3626)
Tôi đưa mắt nhìn quanh hết ngoài sân rồi lại trong nhà, có ý tìm người trong nhóm tỵ nạn đang đứng, nằm, ngồi la liệt vẫn không thấy vợ chồng anh chị Phi đâu cả. Tôi cẩn thận đi một vòng nữa, len lỏi vào những dãy giường tầng kê san sát nhau. Lỗ tai tôi như muốn ù đi bởi tiếng ồn ào như đàn ong vỡ tổ của mọi tiếng động hỗn hợp từ sinh hoạt của hàng trăm người tỵ nạn phát ra.
08/12/2018(Xem: 3728)
Hễ gặp mặt lớp trưởng bất kỳ đâu, dù đang ở trong sân trường hay ngoài đường phố quán xá, băng “Ngũ Quỷ” bọn tôi đều đồng thanh tương ứng mở năm cái loa được mở hết công suất ghẹo: “Thịnh Mái ơi… Chị đi đâu đó?”
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]