Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giọt lệ của Phật

10/04/201313:05(Xem: 4723)
Giọt lệ của Phật

giotnuocmat_botatquanam

Giọt lệ của Phật

Nhất Thanh Thích Nguyên Hiền

----o0o---

Có bao giờ bạn nghe nói Phật khóc chưa?

- Phật là Đấng giác ngộ, Ngài đã vượt qua mọi tình thức tầm thường của thế gian, không còn buồn vui, giận hờn, thương ghét nữa, làm gì có chuyện Phật khóc?

- Bạn quên rồi đấy! Trong Kinh Báo Hiếu có câu: "Thế Tôn bèn vội đến nơi, lạy liền ba lạy rồi rơi giọt hồng", chả phải là Phật khóc đó sao?

- Vì sao Phật lại khóc?

- À, trong Kinh Báo Đáp Công Ơn Cha Mẹ, Đức Phật cùng đoàn đệ tử đi về phương Nam, thấy núi xương khô lâu đời chồng chất, Đức Phật đảnh lễ đống xương rồi rơi nước mắt. Ngài A-nan không hiểu bèn thưa hỏi, Phật dạy: "Trong đống xương ấy, biết bao cốt hài nhiều đời nhiều kiếp, có ông bà, cha mẹ, kẻ sanh ta hoặc chính thân ta, luân hồi sanh tử trong nhiều kiếp số..."

"Ta lễ bái những người tiền bối

Và ngậm ngùi vì nhớ kiếp xưa..."

Từ nhỏ theo mẹ đến chùa lễ Phật, tôi vẫn thích ngồi bên mẹ tụng Kinh Báo Hiếu vào những dịp Vu Lan. Có lẽ do kinh được Hòa thượng Huệ Đăng dịch theo thể văn vần (song thất lục bát), dễ đọc, dễ tụng, nên tôi thuộc làu kinh này mà không cần học. Thuở ấy, đối với tôi, Phật cũng là một nhà đạo đức, dạy bổn phận làm con phải có hiếu với cha mẹ. Chuyện thế gian ấy mà! Khổng giáo còn dạy hiếu nghĩa nhiều hơn, Nhị Thập Tứ Hiếu mà thầy cô giảng ở trường đôi lúc còn thiết thực và cao siêu hơn cả Mục Liên Tôn giả – tôi nghĩ vậy. Còn nói Mục Kiền Liên là Đại hiếu, ừ thì đại hiếu; kẻ đại, người tiểu cũng hiếu tất, miễn là làm cho cha mẹ vui lòng, hết lòng phụng dưỡng cha mẹ, khuyên cha mẹ lánh dữ làm lành, quy y Tam bảo.

Bây giờ, mỗi lần đọc Kinh Vu Lan Báo Hiếu, toàn thân tôi rúng động, tâm thức bàng hoàng. Thường thì cùng tụng với đại chúng, tụng được vài câu thì tôi không còn tụng nữa, hồn lạc vào một thế giới khác.

Vì sao Phật lại khóc? Đó là câu hỏi lớn nhất, câu hỏi ấy đã cùng tôi đi suốt bao năm trời học hỏi kinh điển.

Hơn một ngàn năm trước, thi sĩ Trần Tử Ngang có lần lên chơi trên đài Ô Châu, nghĩ đến cái man mác vô cùng của thời gian, tự dưng để cho hai hàng lệ lăn dài xuống má:

"Tiền bất kiến cổ nhân

Hậu bất kiến lai giả

Niệm thiên địa chi du du

Độc thương nhiên nhi lệ hạ".

Tạm dịch:

(Bao người kim cổ nay đâu

Ngàn xưa cho đến ngàn sau bẽ bàng

Mênh mang trời đất mênh mang

Một mình bất chợt hai hàng lệ sa).

Hơn một ngàn năm sau, nhà thơ Huy Cận, cũng một lần một mình rong chơi vào cõi mênh mang vô tận của thời gian, bất giác rùng mình khi nhác thấy con người nhỏ bé quá giữa vũ trụ đại ngàn, giữa không thời gian vô tận. Thi sĩ viết:

"Một mảnh linh hồn nhỏ

Mênh mang thiên cổ sầu".

Một mảnh hồn Đường, một mảnh hồn Việt, cũng như muôn vạn tâm hồn phù du cõi mộng sẽ phải bật khóc khi cảm thấy buốt lạnh tồn sinh một chút thân bèo bọt, sẽ phải rờn lạnh kiếp người giữa cùng thẳm hư vô. Ta hoa đốm giữa thái hư ngát lạnh. Ta bọt bèo trên đại dương chơi vơi. Ta làm gì? Ta là gì? Tuệ Trung Thượng Sĩ đã có lần viết:

"Trường không túng sử song phi cốc

Cự hải hà phân nhất biển âu".

Trường không giả sử đôi vành chuyển, thì xá gì một điểm trắng giữa trùng khơi bát ngát. Ta ở đâu? Ta có hay không? Nhìn phía trước chẳng thấy người xưa, nhìn phía sau thì chưa ai đến. Có phải người trước là ta bây giờ? Hay là cha ta, mẹ ta, anh em, bầu bạn của ta? Ai giải đáp được câu hỏi này? Có ai không? Có ai không?

"Cổ nhân bất kiến kim thời nguyệt

Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân".

Người xưa không thấy được mặt trăng ngày nay, nhưng trăng ngày nay đã từng chiếu đến người xưa đấy. Ta hụp lặn trong vòng sanh tử luân hồi, bao nhiêu kiếp số rồi? Hằng hà sa số ư? Ổ! Ít quá!

Đức Phật dạy: "Không có một tất đất nào trên thế gian này mà không có thân ta đã từng bỏ mạng ở đó. Không có một người nào, một loài vật nào ta gặp trên thế gian này mà chưa từng là cha mẹ, anh em, vợ chồng, bầu bạn của ta".

Mất cha mẹ, ta khóc; mất người yêu, ta khóc... "Nước mắt của chúng sanh nhiều hơn nước bốn biển". Nhưng ta chỉ biết khóc trước nỗi mất mát hiện tại, nước mắt của ta là nước mắt của thất tình lục dục. Còn Đức Phật – người đã chứng được Lậu tận minh, Ngài thấy hết nghiệp thức của chúng sanh trong suốt quá khứ, hiện tại, vị lai rõ ràng như thấy kẻ chỉ ở bàn tay. Thế thì trước đống xương khô lâu đời, Ngài trực nhận ra tất cả cha mẹ, anh em, vợ chồng, bầu bạn, lục thân quyến thuộc và chính thân xác của mình bao lần để lại trên đống xương này, rõ ràng như chỉ mới hôm qua. Nói như cách nói của Vũ Hoàng Chương: "Nghìn thu nửa chớp bốn bề một phương", làm sao không cảm động? Thương nghĩ về sự luân hồi sanh tử của tất cả muôn loài, tìm phương hóa độ, đó mới là Đại hiếu.

Đọc một câu kinh, nếu biết tư duy thì một chữ trong kinh Phật cũng hàm chứa tất cả ba ngàn đại thiên thế giới. Trần Tử Ngang rơi lệ khi nhác thấy cái vô tận của thời gian, nhưng thời gian của nhà thơ nghĩ đến vẫn là hữu hạn, cái hạn định ở điểm cuối cùng của dòng tâm thức. Còn cái thấy của Phật thì vượt ra khỏi tình thức, tuyệt đối đãi, siêu nhị biên. Giọt lệ ấy mới là giọt lệ của bậc đại trí, giọt lệ chứa đựng tất cả lòng chân từ bình đẳng, kết quả của sự quán tưởng triệt để chân tướng của các pháp. VU LAN BỔN KINH TÂN SỚ của ngài Trí Húc đời Minh trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (trang 573, quyển 16 ) có đoạn viết: "Từ hiếu có ba thứ:, một là Sanh duyên từ, hai là Pháp duyên từ, ba là Vô duyên từ".

Sanh duyên từ tức là nghĩ đến tất cả chúng sanh như là cha mẹ, ta đời đời không có kiếp nào là không thọ sanh từ cha mẹ. Khi quán tưởng như thế, tất cả kẻ oán người thân đều bình đẳnh, lấy đó để điều phục sự sân hận, san tham và tật đố, cho đến chứng đắc Từ Tâm Tam-muội. Phàm người nào có duyên với ta, ta đều đem niềm vui đến cho họ, vớt cái khổ não của họ. Cha mẹ đối với ta thâm ân trời biển nên ta phải báo đáp trước.

Pháp duyên từ tức quán tưởng tất cả các pháp đều là duyên sanh, cho nên Kinh Phạm Võng nói tất cả đất, nước đều là thân ta, tất cả gió, lửa đều là thân ta. Tất cả chúng sanh đều do Tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hợp thành, cho nên không có sự khác nhau giữa ta và người, không có sự khác nhau giữa thọ mạng và kiếp số. Tứ đại đã không hai, cho nên từ tâm duyên đến tất cả cũng bất nhị. Khi quán tưởng như thế thì chứng đắc được Từ Tâm Tam-muội, năng lực cứu khổ còn thù thắng hơn Sanh duyên từ nhiều lần nữa.

Vô duyên từ tức là biết rõ Tâm, Phật và Chúng sanh, cả ba chẳng có gì sai khác. Cả pháp giới là nhất tướng, chân thật bình đẳng, không trụ ở tướng của các pháp và tướng của chúng sanh, quán Bồ-đề tức là phiền não, Niết-bàn tức là sanh tử, khởi thệ nguyện vô tác, cứu bạt hết cái gốc của khổ. Quán phiền não tức Bồ-đề, sanh tử tức Niết-bàn, khởi thệ nguyện vô tác, ban cho tất cả niềm an lạc. Từ ở đây chính là Bi, Bi ở đây chính là Từ, thuận theo tính chất của pháp tánh mà tu tất cả pháp... Đó chính là Đại Từ Đại Bi.

Giọt lệ của Phật chính là giọt lệ Đại Từ Bi.

Mùa Vu Lan lại đến trong lòng mỗi người con Phật. Ta đọc tụng kinh điển Đại thừa, ta có đủ sức tin những điều Phật dạy không? Nếu tin được lời Phật thì ta không bao giờ rắp tâm làm hại một ai cả. Ngay cả Nho giáo còn dạy: "Vô cố nhi thương nhất côn trùng, phi hiếu dã; Vô cố nhi tổn nhất thảo mộc, phi hiếu dã" (Vô cớ mà làm thương tổn một loài sâu kiến thì không phải là người có hiếu; vô cớ mà làm tổn hại đến một loài cây cỏ cũng không phải là người có hiếu). Huống hồ mưu hại một ai. Nếu hiểu và tin lời Phật dạy thì tự nhiên mọi người sẽ yêu thương nhau, thế gian này sẽ bình yên và hạnh phúc biết mấy.

Dòng sông Ái vẫn chảy trôi mãi hoài không dứt, ta lang thang, vất vưởng nẻo luân hồi bao kiếp số. Ta yêu, ta ghét, ta hận thù, ta chém giết... Tất cả bởi vô minh, tất cả do mê mờ không biết. Duyên khởi trùng trùng đã may mắn cho chúng ta một lần được ngồi đọc tụng kinh Phật, nghiền ngẫm một câu kinh là chiêm nghiệm một chân lý, là thắp sáng hiện hữu nhiệm mầu lung linh qua một giọt lệ của Đấng Đại Từ Bi. Xin đảnh lễ A-nan Tôn giả cho con lời kinh vàng ngọc, xin đảnh lễ Mục Liên Tôn giả cho con niềm tin hiếu hạnh, xin đảnh lễ nụ cười, giọt lệ, hạnh phúc và khổ đau, cho con một lần biết yêu thương thắm thiết trần gian điên dại này.

----o0o---
Nguồn: www.vnthuquan.net

Trình bày: Nhị Tường


----o0o---

Trình bày: Vĩnh Thái - Linh Thoại

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/02/2012(Xem: 14254)
Phần 01 1/ Tấm gương đạo hạnh muôn đời còn ghi 2/ Hương Trinh công chúa 3/ Tôn giả Bạt Ðà Lợi 4/ Mở mắt chiêm bao 5/ Ðại bố thí Phần 02 6/ Người làm mặt nạ 7/ Người chăn bò 8/ Chồn và sư tử 9/ Chim bồ câu và chàng đặt bẫy 10/ Quả cam oan nghiệt
18/02/2012(Xem: 12647)
Thiếu CHÁNH KIẾN trong sự tu hành chẳng khác gì một kẻ đi đường không có BẢN ĐỒ, không có ÁNH SÁNG rất dễ bị dẫn dụ đi theo đom đóm, ma trơi.
17/02/2012(Xem: 3836)
Truyền thuyết “Niêm hoa vi tiếu” không biết có từ lúc nào, chỉ thấy ghi chép thành văn vào đời Tống (960-1127) trong “Tông môn tạp lục” mục “Nhơn thiên nhãn”...
16/02/2012(Xem: 16007)
Những lúc vô sự, người góp nhặt thường dạo chơi trong các vườn Thiền cổ kim đông tây. Tiêu biểu là các vườn Thiền Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
11/02/2012(Xem: 3141)
Nhìn lịch treo trên tường làm tôi nhớ lại chỉ còn đúng 60 ngày nữa là đến 30 tháng 4, tròn 40 năm ngày lịch sử Việt Nam sang một trang sử khác. Trang sử ghi lại hàng triệu kẻ vỗ tay reo mừng chiến thắng, tước đoạt được đất đai, tài sản của cải người miền Nam. Trong lúc đó cũng có hàng chục triệu người mắt lệ đổ thành sông; và cũng có hàng chục ngàn người bị giam cầm trong lao tù cải tạo; cũng có đến hàng vạn thây người đã nằm sâu dưới lòng đại dương. Chưa kể vài triệu người đang sống lưu vong ở hải ngoại cũng bị chính quyền cộng sản Việt Nam hồi đó xếp vào thành phần phản động, du đảng, đĩ điếm, cướp giựt, lười biếng lao động… nên phải trốn đi. Cộng sản đâu biết rằng, hàng triệu người muốn đi tìm hai chữ Tự Do bằng mọi giá mà thôi.
01/02/2012(Xem: 7284)
Video phim: Lục Tổ Huệ Năng, Đạo diễn: Lý Tác Nam. Thuyết minh: Huy Hồ, Chiếu Thành, Dũng, Nguyễn Vinh.
26/01/2012(Xem: 9652)
Người Việt vốn ít thương súc vật. Khi nuôi một con vật nào thường có mục đích: Như chó để giữ nhà, mèo bắt chuột, gà vịt heo... để ăn thịt. Tuy nhiên cũng có người nuôi chúng lâu ngày tình cảm nảy sinh, trong số đó có tôi. Nhưng tôi không cưng chiều chúng quá độ như người Âu, Mỹ mặc dù tình cảm đều như nhau.
21/01/2012(Xem: 17312)
Tập sách này, đa phần ghi lại những mẫu chuyện Phật đã dạy qua các kinh, phụthêm phần lý giải để chúng ta có thể rút ra được những bài học cho bản thân. Những gì ghi trong đây có thể sẽ làm ta khó chịu và bất an vì nó không giốngvới những gì ta đang suy nghĩ và hành động. Nó khiến ta hay có thái độ tránh né.Dù thế, qui luật Duyên khởi vẫn đang vận hành chi phối tất cả. Ta gieo một cáinhân, đủ duyên ta có một cái quả. Cuộc đời cứ thế mà trôi. Ta, thì gieo và gặt.Luật nhân quả, cứ thế mà xoay vần. Không chờ đợi, không cảm thương... Biết Phật pháp, ứng dụng được Phật pháp vào đời sống của mình, đó là phước báu lớn nhất mà mình nhận được trong cuộc đời này. Bởi nhờ đó, mình đi không lầm lẫn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]