Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hồi ấy một Thầy tu.

10/04/201313:01(Xem: 4052)
Hồi ấy một Thầy tu.


HỒI ẤY
MỘT THẦY TU

Giác Đạo Dương Kinh Thành

- - -o0o- - -

*Chiến thắng ba vạn quân giặc không bằng tự chiến thắng mình.

THÍCH CA MÂU NI

Kính tặng:

Những vị Tỳ Kheo trang nghiêm khả kính, đã dâng trọn đời mình cho sự nghiệp hoằng hoá chánh pháp và bền bỉ đi suốt lộ trình giải thoát bản thân, nghiệp lực.

Đồng riêng tặng Ni Sư T.N.P.T.

Trong đời tôi, rất nhiều lần được ngủ lại chùa, đặc biệt là những ngôi chùa có nghi thức hành lễ theo Bắc-Tông. Theo từng giai đoạn lớn lên, tri thức Phật Pháp cũng theo đà tăng trưởng. Mỗi lần như thế, trước khi thời công phu khuya râm rang là ba hồi bê bảng như xé toạc màn đêm thanh vắng; tiếp theo đó là tiếng Đại hồng chung gióng giã (đôi khi những thời hô chuông khuya đó lại do chính vị trụ trì hô), không chần chừ, tôi phải ngồi bật dậy, dù là ngay trong mùng và cho dù xa Chánh điện hoặc có khi phải trải chiếu ngủ ngay tại chỗ đó. Ban đầu vì sợ tội; lớn hơn chút nữa vì sợ phải đoạ làm kiếp bò-sát, và sau này khi ý thức tương đối, vẫn phải như vậy, nhưng là tâm niệm “tập mình vào khuôn khổ” để phần nào cảm nhận được sự bền bỉ, đúng luật, đúng thời khoá của các vị tu hành! Cho dù ngồi một chút rồi nằm xuống trở lại cũng chẳng sao! Tuy vậy không làm sao ngủ trở lại, nhất là đến thời công phu (Lăng-Nghiêm Thập chú…) của chư Tăng. Nhờ đó, những lời xướng đảnh lễ về công ơn Thuỷ Thổ, công ơn Đất nước, Tín thí, Tây thiên Đông Độ truyền giáo truyền giới, Phụ mẫu ân; cho đến vị Pháp vong thân, vị quốc vong xu Quảng-Đức Bồ Tát.v.v…Giữa đêm khuya những điều đó đã ít thì nhiều ghi vào tâm khảm tôi biết bao suy nghĩ tốt lành. Và cũng nhờ đó tôi đã sống theo, thực hành, không biết là có trọn vẹn lắm không, nhưng dù trong hoàn cảnh nào, tôi vẫn nhớ mãi hoài những điều đó tưởng cũng “an tâm” với chính mình và không hổ thẹn mỗi khi đối diện với tượng Phật.

Phải chăng, dù có ba vạn tám ngàn Pháp môn để đến được với Đạo, với Phật, chỉ ngần ấy ân (Tứ Ân) tiêu biểu đã làm nên nét đẹp, đẹp tuyệt vời nơi công hạnh của các bậc xuất gia, từ đó tô điểm thêm màu Đạo vàng rực rỡ đầy vẹn nghĩa ân mà không phải tôn giáo nào cũng có được? Tôi “thương” Đức Phật và kính trọng chư Tăng từ đó. Nhờ đó tôi luôn hãnh tiến là người con Phật, cũng nguyện trọn đời làm theo những điều Phật dạy. Sau này lớn lên, có chức phận nghề nghiệp an ổn, tôi lại đem những lợi lạc bản thân trở về phục vụ cho Chánh pháp. Với tư cách người cư sĩ Phật tử, cộng vào nghề nghiệp bản thân, tôi có rất nhiều thuận duyên tiếp xúc với rất nhiều giới tu sĩ và đến được rất nhiều nơi. Dĩ nhiên là không phải đến chùa cầu phúc rồi! Do đó tôi tự đề ra phong cách tu cho mình là “Báo đáp Hồng ân Thầy Tổ để cúng dường Tam Bảo”. Bạn bè có người cho rằng tôi hơi tự cường điệu. Cũng chẳng sao, bởi Phước báu và nghiệp lực mỗi người đâu ai cũng giống ai, làm sao nắm bắt, rờ mó được mà trưng ra bằng cớ để xác tín. Thôi thì đành vậy, thời gian sẽ được mời làm chứng nhân vậy.

Hồi đó, tôi những tưởng gặp đạo đức là biết tu, biết tin Phật và cái lòng phái quy y là điểm cuối cùng xác minh cho sự “gặp” đó. Vậy mà, hởi ơi! Làm sao cảm thấu hết những lời dạy của đức Phật, cho dù Ngài cho rằng những lời Ngài chỉ dạy là…nắm lá trong tay? Có người rẽ ngoặc giữa đường; có người ngã gục đau thương do vấp ngã, mặc dù riêng các vị Tỳ Kheo có “diễm phúc” hơn Tỳ Kheo Ni là sau mỗi lần vấp ngã ấy có quyền đứng dậy…những 3 lần! Vậy mà nghiệp lực con người quá nặng hay sao ấy, vẫn có kẻ ngã, ngã và ngã liên tục. Thậm chí có vị đi gần trọn tuổi đời tu hành, sắp trút hơi tàn lại bỗng hoá tiêu tan! Hoá ra gặp Phật khó lắm thay!

Cũng…hồi đó! Bọn chúng tôi gồm có bốn đứa, chơi với nhau rất thân trong tình Đạo bạn. Thường hay tự nhủ rằng: Mình không có được cái diễm phúc sanh nhằm thời có Phật, nhưng được nghe Pháp Phật; được gặp người bạn đồng tu và được làm thân người. Như vậy so với kẻ khác mình đã vượt trội hơn họ ba điều khó (được làm thân người, được nghe Pháp Phật và được gặp bạn đồng tu) chỉ còn một điều khó là không sanh nhằm thời có Phật. Còn họ, chỉ có một điều là làm thân người mà thôi! Ấy vậy cái điều duy nhất đó muốn trọn vẹn ý nghĩa cũng đâu là điều đơn giản. Khi mà: Phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, xiểm, hại, kiêu, vô tàm, vô quí, hôn trầm, giải đãi, vô ký, trạo cử, bất tín, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri, vẫn còn thì chưa thể gọi là con người thật sự. Khó khăn vô vàn! Con người đây có 100 pháp, nhưng trong đó chỉ có 11 tâm sở thôi. Chia ra 26 tâm sở xấu, 4 tâm sở bất định, ngoài ra các tâm sở còn lại hoàn toàn vô ký! Ôi! Xét ra tường tận như vậy mới thấy phần nào để gọi là nghiệp lực nặng nề, cũng như cách gọi “biển khổ sông mê” rõ ràng được hiểu theo nghĩa chính xác nhất. Ngược lại làm sao tin được khi mọi thứ vui, lạc dục, hưởng thụ.v.v…là mục đích sống của không biết bao người. Nhưng nó lại chính là nguồn cội sinh ra luân hồi sinh tử không dừng. Còn những người tu đây, phạm trù “giải thoát” là điều căn bản nhất. Người tu sĩ thì hạnh nguyện xa rộng, dứt lìa sanh tử, tạo quả giải thoát. Phật tử cư sĩ như mình thì thấp hơn; ít ra tu để giải thoát một giai đoạn, một kiếp thọ nghiệp. Cả hai, Tu sĩ và Cư sĩ đều có mỗi trách nhiệm và luôn luôn là mắc xích hỗ tương lẫn nhau theo công thức Trên-Dưới Bên phải-Bên trái-Trong ngoài và chính giữa. Đó là nhận thức chính yếu bọn chúng tôi cảm nhận được trong quá trình tu học. Từ đó, những thâm ân nơi nguồn sáng Đạo vàng luôn luôn bọn chúng tôi khắc ghi vào tâm khảm, hằng mong sẽ đền đáp bằng bất cứ giá nào.

Bốn người bạn, rất may là trong chúng tôi không đứa nào dưới trình độ tú tài đôi (tương đương lớp 12/12 hiện nay). Do vậy, con đường của mỗi đứa được vạch ra khá mạch lạc. Tuy vậy, diễm phúc sống với tình Đạo bạn phải đâu ai cũng vẹn toàn, hai đứa đã xuất cảnh, hiện đang ở nước ngoài, đang là những ông chủ chễm chệ, đường bệ. Bặt giao. Còn lại với quê hương này chỉ có tôi và Hoà. Hoà thì sau khi tan đàn rẽ nghé, nó may mắn được xuất gia với một vị thầy có đầy đủ điều kiện để tiến thủ. Còn lại một mình tôi và là người lận đận nhất trong cuộc sống đời thường với biết bao nhiêu lớp sóng trào đến nghiệt ngã. Hai kẻ còn lại này từ ấy cũng bặt tin nhau. Một mất mát rất to lớn, càng thấy nó to lớn hơn khi chen chúc giữa xã hội với rất nhiều vai tuồng, vỏ bọc khác nhau, tôi đã chạm phải, gặp phải, thậm chí phải giao kết phải những thứ tình người có điều kiện và có gian ngoa xảo trá. Do lòng tự trọng quá mức đã biến con người tôi trở thành kẻ luôn mặc cảm và…tự ái. Thế nên, manh áo chén cơm tôi kiếm được để tự nuôi sống mình, nuôi sống tâm Đạo rất là gian khổ, cơ hàn. Cùng thời gian này Hoà đang là một vị Tỳ Kheo đang được sủng ái nhất nhờ khả năng Phật học và tri thức sẳn có, lại gặp môi trường thuận duyên tác động nên tiếng tăm của Hoà thêm vang dội, tôi thầm mừng cho Hoà, dù có không biết bao nhiêu lần tìm tôi, nhưng tôi lánh mặt…

Những đoản khúc “Hồi Đó” này bây giờ đã trở nên xa xưa, mà nếu có lặp lặp nữa phải gọi là “Hồi Xưa”, để nhường cái “Hồi Đó” để nói về giai đoạn cách trở giữa hai chúng tôi. Và như vậy, chuyện bọn chúng tôi bây giờ chỉ còn là chuyện…hai chúng tôi. Câu chuyện sẽ được kết thúc nơi đây nếu ngay thơ cho rằng tình bạn, kỷ niệm và đặc biệt nhất là những tinh hoa Phật Đà sẽ cũ mòn theo thời gian. Vâng! Mãi mãi vẫn luôn ngời sáng. Và như thế, cái “Hồi Đó” này lại được kéo sang giai đoạn hôm qua của tôi và Hoà. Hoà là điểm tựa cuối cùng, hy vọng cuối cùng qua cuộc đời tôi, của tình bạn “rớt lại” của chúng tôi mà những trang đời qua đầy nước mắt, gian khổ giữa trường đời của tôi không đáng phải đưa vào câu chuyện này. Tôi đang muốn nói về niềm tự hào cho Hoà.

“Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu…” Vâng, gặp Đạo khó lắm thay, những lúc trôi lênh đênh giữa dòng đời nghiệt ngã, lúc đói lòng, khi thiếu áo mà tôi vẫn bền bỉ giữ gìn tâm không xa Đạo như thế, bởi mất thân này, thoát kiếp nghiệp trần hay mất bất cứ vật báu nào cũng có thể tìm lại được không sớm thì chầy. Nhưng còn để mất Đạo, xa tâm thì liệu kiếp sau mình có còn đủ nhân duyên để gặp được? Mà dẫu ai đó có đặt mình vào hoàn cảnh mất Đạo như thế thì cho là đã đành, thế nhưng còn những nguồn thâm ân (Tứ ân) ơn Thầy Tổ, ơn Tam Bảo và đặc biệt là ơn Đàn na tín thí, mình mang đến tận bao lâu. Đó chính là lực cản to tát để kiếp sau dù tái sanh trở lại thân người vì mang những ân nợ ấy làm sao gặp được Đạo! Do đó, dù mang danh nghĩa bạn bè nhưng tôi làm sao không kính phục Hoà cho được.

Hiện giờ, ngồi đối diện với tôi là một thanh niên chưa ngoài ba mươi nhưng nét phong trần đã biểu lộ trên khuôn mặt khắc khổ. Căn nhà lá, nói đúng hơn là cái chòi lá, chưa đầy sáu mét vuông, nhưng nắng mưa có thể lọt vào một cách dễ dàng. Không có lấy một chỗ ngồi, có chăng chỉ là phiến đá ong đỏ nằm sát vách, chứng tỏ nó được dựng lên ngay trên ngôi mộ lâu đời nào đó, vật dụng trong nhà không có gì ngoài hai cái nồi và soong nhỏ móp méo cộng với đôi cái chén mẻ… Sau lưng có lẻ là ba đứa con của anh, trông nhớp nhúa đến tội nghiệp. Cái nghèo khổ đã được báo trước bằng những cảm quan đó của tôi đối với gia đình anh. Và cái nghèo khổ đã mua đi nét trẻ trung, sự bặt thiệp xả giao và ngay cả sự giáo dục đối với những đứa trẻ vô tội kia! Bất giác tôi thở dài ngao ngán. Anh nhìn tôi ái ngại không kém. Điều đó chứng tỏ anh có suy nghĩ và có thể trong anh còn một nỗi ưu uất nào đó. Anh tiếp tôi miễn cưỡng, với tôi chỉ là giây lát dừng chân trú nắng, chờ tài xế xe khách thay lốp xe ngoài đường cái. Tôi gợi chuyện và mời thuốc nhưng anh không biết hút.

-Nhà anh cách thị trấn không xa nhưng anh đào chi cái ao lớn như thế này? Tôi hỏi.

-Nuôi cá trắm cỏ, ba trăm con và để thả đàn vịt hơn hai trăm con cho nó mau lớn…

Anh trả lời hờ hửng như thế và tầm mắt nhìn ra trước mặt cái ao hơn 50 mét vuông đầy nước. Tôi hỏi tiếp:

-Chà! Đất đỏ ba dan liệu có phèn không anh, và cá trám cỏ sống phát triển chứ?

Anh lắc đầu ngao ngán.

-Tôi nào có biết kinh nghiệm nuôi trồng gì đâu. Mọi việc đều do vợ tôi quyết định cả.

Tôi móc trong túi ra 20 ngàn xin phép anh cho ba đứa nhỏ. Cả ba đứa đều lắm lét nhìn anh, anh hiểu ý gật đầu, thế nhưng chúng cũng không dám đưa tay ra cầm tờ giấy bạc. Một kiểu xác minh lời anh vừa nói ban nảy. Tôi vội đứng lên tiến đến gần chúng ngồi xuống đưa và nói: - Chú cho các con! Cứ lấy đi, mẹ về chú nói lại cho!

Chúng cầm tờ giấy bạc lật qua lật lại rồi bỗng chạy ùa ra cửa mất hút. Thông thường với số bạc như thế so với hoàn cảnh gia đình như anh, là cha mẹ ai chẳng dặn dò con cái đừng ăn hàng bậy bạ hoặc là để dành đó… Nhưng ở anh hình như có một sự chai cứng đến thảm hại. Tôi hiểu điều đó và để phá bớt hàng rào ái ngại tội tiến lại gần vỗ vai anh:

-Bây giờ phần mình, xin phép được mời anh ra quán nước…

Anh vừa trả lời vừa gỡ tay tôi ra:

-Cảm ơn anh, tôi còn phải…hơn nữa tôi không biết nhậu…

-Nhậu nhẹt gì, mình chỉ uống nước thôi. – Tôi cười xoà trả lời.

-Nhưng anh còn phải đi, xe chắc họ đã chữa xong…

Tôi khoát tay dứt khoát:

-Không cần, Tôi sẵn sàng bỏ nó, đón chuyến khác. Hơn nữa nơi tôi đến chắc không cần nữa đâu.

Anh miễn cưỡng đi theo tôi. Anh chọn cái quán nước nơi đầu hẻm. Khi ngồi nơi một góc bàn rồi vẫn ngó quanh quẩn chi đó, chỉ một đoạn đường ngắn từ trong nhà ra đến quán này anh vẫn luôn có thái độ như vậy cho đến khi tiếng ông chủ quán cất lên mới giựt mình bối rối:

- Chà, dữ ác hôn, quán tôi hôm nay mới được chú Hoà ghé vô. Bảy tám năm trời dìa đây sống với cô Lành…

Ông chủ còn nói gì nữa đó nhưng tai tôi lùng bùng khi nghe nói tên Hoà, nếu không kềm chế có lẽ tôi đã giật thót người. Chả lẽ người bạn tôi đây sao? Chả lẽ tôi đã quen nhìn mọi thứ tốt đẹp đến nỗi không còn khả năng nhận ra dù nét khắc khổ nào ngự trị đi nữa? Không! Nhất định đây không phải là Hoà của tôi, Hoà của tôi hiện nay là một vị Tăng sĩ có đầy đủ đức hạnh lẫn tri thức, được mọi người biết đến và cũng có lẽ đang trụ trì một ngôi chùa nào đó… Sao lại là anh chàng này? Không! Khốn khổ thay, khi ly cà phê được chủ quán bưng ra chưa kịp đặt xuống bàn và nỗi xao động trong tôi chưa dứt thì anh ta vụt đứng dậy với tiếng la hét của người phụ nữ đứng ngoài cửa:

- Mẹ bà nó, nhà cửa, heo, vịt, ruộng rẫy, con cái không lo, bữa nay bày đặt la cà quán xá! gối rơm không lo phận gối rơm. May nhà cửa chui rúc trong xó xỉnh, xập xệ, vậy mà bữa “Ông thầy chùa này” kiếm, mai “ông thầy chùa kia” khác tới tìm… Anh liệu không ở được với mẹ con tui thì đi dìa nhà anh đi, hay đi trở lại nơi đã ra đi ấy…tưởng…là…

Tai tôi không còn muốn nghe những lời đay nghiến đó nữa. Anh ta ngoan ngoãn bước ra khỏi quán lầm lũi đi theo cô ta trở lại nhà. Tôi đoán không sai và hiểu vì sao tự nảy giờ anh hay nhìn ngoáy về phía sau…

- Tội nghiệp! - Vị chủ quán buồn bã ngồi xuống cạnh tôi, cắt đứt lòng suy tư – Chú ấy về đây được bên vợ cho mảnh đất để trồng tỉa và dựng căn nhà nhỏ để hai vợ chồng sinh sống. Nhưng nghề nghiệp và tiền bạc không có nên cứ đào đất lên bán cho những lò làm gạch, lu, chén, riết rồi thành cái ao tành hoành đó đó, sâu lắm!

Ông chủ quán nói đến đó kèm theo hơi thở ra dại thượt. Tôi nhân đó hỏi thêm:

- Ông à, ảnh là người như thế nào mà hồi nảy nghe vợ ảnh nói “thầy chùa” tới tìm hoài là sao ạ?

- Tui cũng hổng rành lai lịch lắm. Chú ấy sống sao coi có vẻ khép kín qua thành khó mà biết được. Có điều chú ấy ít nói, lại hiền lành, bảy tám năm trời dìa đây chưa bao giờ thấy la cà quán xá hay làm mếch lòng ai. Cho nên tôi nghĩ người hiền lành vậy thầy bà người ta thương, tìm hoài. Mình đây còn thương nữa huống là mấy ông thầy, phải không chú? Mà con Lành, vợ chú ấy chanh chua lắm, ăn nói bất kể quân thần. Nghĩ ông trời sao bất công quá xa, thương chi vậy mà thương…

Tôi tin những lời ông cụ chủ quán ấy nói, bởi ông cụ trông có vẻ thật thà. Những thông tin ít ỏi đó chứng tỏ ông cụ không phải hạng thài lai, chuyên dòm ngó chuyện người. Cộng vào đó, tôi thấy căn nhà phía trong nơi phòng khách, ông có thờ bàn Phật rất trang nghiêm. Chi tiết này khiến tôi càng tin và quý trọng ông chủ quán hơn và cũng nhờ đó tôi mạnh dạn hỏi thêm:

- Cụ à, cụ có nghĩ ảnh trước đây là một thầy tu không?

Ông cụ nhanh nhẹn trả lời:

- Hông à! Tui hổng nghĩ vậy đâu, làm gì có chuyện một vị thầy tu mà ra đời dễ dàng, lại còn ăn ở với bà vợ trời thần đất lở như vậy. Mà nếu có vậy thiệt đi nữa chắc tui cũng chẳng thèm dòm mặt chú ấy nữa.

Như để cũng cố thêm lời khẳng định ấy, ông cụ nói tiếp:

- Đây nè, có một vài lần, có một vài vị thầy đến tìm chú ấy, cũng bị miệng con Lành làm như vậy đó, nên hết hồn nhanh nhẹn trở ra. Tui có thỉnh thoảng vô phòng khách ngồi nghỉ và tiếp chuyện. Chú biết hôn, mấy thầy ấy hay tìm đến là để cho tiền bạc, giúp đỡ kẻ nghèo khó. Lòng từ bi của người ta chớ…có phải…

Thì ra là vậy, đến lúc này thì tôi quả quyết đúng anh ta là một vị thầy đã hoàn tục, còn việc có phải là Hoà bạn tôi hay không để hạ hồi phân giải. Còn hiện tại, hãy để cho ông cụ chủ quán này giữ vẹn những điều suy nghĩ tốt lành ấy, cũng như giúp cho anh này hoàn thành mục đích “khép kín” với chung quanh. Trong tôi chỉ còn sự thỉnh cầu với cô Lành, với các vị Tăng nào đó hay đến tìm anh, tiếp tục giúp cho anh bằng thái độ cũng khép kín ấy. Có những quan niệm ấy, bởi trong tôi vẫn còn một thắc mắc chưa có lời giải.

Tôi trả tiền và cúi đầu chào vị chủ quán ra đi. Ông chủ quán tiễn tôi ra vệ đường cái, bỗng chợt vỗ vai tôi nói:

Nếu tôi đoán không nhầm thì chú đây cũng là một Phật tử?

Tôi vội không chế:

- Dạ điều đó đâu có gì liên quan đến chuyện anh Hoà ạ. Tình cờ bị ban xe cháu ghé vô chồi anh ấy, vì thấy hồ nước lớn, gió mát…

Vậy hả? Tưởng chú là Phật tử mà còn dùng từ gọi quý Thầy là “Thầy chùa” là không ổn.

- Dạ cái đó cháu dựa theo, lặp lại của cô Lành đó mà.

- Không được, cô Lành khác. Còn mình, đó là những cụm từ nghe chói tai. Chỉ dành cho hạng vô Đạo thôi.

&

& &

Lại thêm một lần trong đời tôi được ngủ tại chùa. Ngôi chùa thuộc dạng chùa làng nằm không xa vùng dân cư và là ngôi chùa duy nhất, cho nên hầu hết nơi đây đều là Phật tử, lại rất thuần đạo. Trụ trì ngôi chùa này lại là một vị Ni Sư thuộc dòng phái Khất sĩ, nhưng điều đáng quý nơi vị Sư này là một người có đầy đủ nhận thức cơ bản nhất không chỉ riêng với đạo mà ngay cả cuộc đời, rất phóng khoáng nhưng rất an nhiên tự tại. Công hạnh của Ni Sư là thực thi công tác từ thiện cao cả, chính điều đó đã giúp cho Ni Sư hoằng hoá Phật sự một cách hanh thông, được các cấp chính quyền ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi. Ni Sư rất thích làm thơ và nghệ thuật. Vì vậy nếu ai đến được nơi đây vẫn không cảm thấy gò bó từ quan điểm cho đến phong cách.

Ba ngày liền tôi được phép trò chuyện với Ni Sư trong mọi vấn đề. Những lúc như thế tôi cảm thấy như mình là một người thân lâu ngày gặp lại. Do đó mặc dù Ni Sư không đồng ý nhưng tôi vẫn gọi Ni Sư bằng thầy và xưng bằng con.

- Bạch thầy! Thầy cho phép con được chép bài thơ này.

Ni Sư nhìn vào quyển tập thơ để trên bàn theo dấu tay chỉ của tôi. Và như chợt thầm mong mỏi nơi tôi một kỳ vọng nào đó Ni Sư bèn nhanh nhẹn nói:

- Đây không phải là thơ. Nhưng con muốn chép thầy cũng sẵn long hoan hỷ. Con cũng cần phải đọc và học thuộc nó nữa nhé? Đây:

“Thôi con nhé, đừng màng chi chữ sắc

Thân bảy báu con dằn lòng cho chặt

Hàng nữ lưu phải cúi mặt kính thờ.

Thái tử xưa gương còn mãi đến giờ

Đừng hạ liệt mộng mơ hình bóng nữ

Đem thân ngọc hy sinh cho thú dữ

Còn danh thơm hơn ma nữ khiến sai

Trí hụê con rộng lớn với tài trai

Nhiều lợi ích muôn loài đang chờ đợi…”

Với rất nhiều bài thơ, không bỗng dưng tôi tâm đắc với những dòng này. Với Ni Sư cũng tương tự. Bởi đó mới chính là tấm lòng thật sự ưu ái của Ni Sư dành cho các đệ tử và cho những ai Ni Sư cho rằng đang sống và cống hiến đời mình cho chánh Pháp đó là điều đáng quý nhất nơi Ni Sư. Ni Sư đứng trên thực niệm. Đức Phật chỉ nơi hàng nữ giới nghiệp lực nặng nề mà “Bát kỉnh pháp” đâu phải là phương thuốc thần dược duy nhất để chặn đứng hay hạn chế. Cho nên Ni Sư đã ý thức trọn vẹn và gởi gấm bao nhiêu kỳ vọng cho hàng đệ tử nam giới bằng tất cả tấm lòng hy sinh tất cả. Bởi vậy, câu chuyện “Anh Hoà” tôi đã kể Ni Sư nghe và Ni Sư cũng đưa ra câu chuyện về một người đệ tử cũng không kém. Và bài thơ đó được ra đời từ sự tím bầm, đau xót giành cho vị đệ tử kia. Người ta luôn đồng cảm khi bắt gặp một vấn đề mang nặng sự trầm lặng, đôi lúc trở nên ưu tư với riêng mình. Trên quảng đường trần đầy ngắn ngủi nhưng lại có không ít dấu mòn dẫn người ta rẽ sang nhiều ngỏ hẹp. Vì vậy mà gặp nhau ngay giữa con lộ chính, dễ dàng cùng người song hướng nhìn chung một tầm nhìn, tưởng đó không là duyên may bất kỳ ai cũng có được. Thế cho nên, Ni Sư bắt đầu câu chuyện cũng bằng hai từ…hồi đó!

Vâng! Hồi Đó Ni Sư độ xuất gia cho anh Hoà khi vừa tròn 18 tuổi, tôi tự đặt tên cho nhân vật đó cũng là Hoà để sau này đúc kết nên một cuộc đời – cùng lứa với Hoà còn có hai người nam nữa, đã trở nên tình huynh đệ đồng sư, và cả ba đều tiến bộ như nhau trong tu học, nhận thức và nghiêm trì giới hạnh rất nghiêm mật. Ở đây tôi chẳng hề có một dấu hỏi, Ni Sư có đệ tử Tỳ Kheo mặc dù với hệ phái này tôi chưa đạt nhiều thông suốt. Tôi chỉ biết rằng Ni Sư đã xây riêng một tịnh xá để ba người ở cách đó khá xa. Cách xưng hô với ba vị này Ni Sư cũng thi hành đúng giới luật, cho dù ba vị rất kính cẩn, trọng thị và gọi bằng thầy. Bài thơ đã dẫn ở trên; Ni Sư là hàng Ni giới… Tất cả đã đủ sức mạnh đánh tan câu hỏi đó mà có thể với người giáo điều khô khan sẽ trở thành sự thắc mắc…

Với điều kiện sẵn có, bên dưới giáo luật Phật Đà, Ni Sư còn đùm bọc, lo lắng cho các vị này như một người mẹ đảm đang hết mực. Ba người, mỗi người đều có một tính và trí huệ khác nhau, sự ưu ái của Ni Sư cũng nương đó đặt để những quan tâm cần thiết. Với anh Hoà, Ni Sư đặc biệt chú ý chỉ vì anh rất cần cù nhẫn nại trong mọi công việc và hầu như chưa lần nào dám làm trái ý Ni Sư. Hoàn cảnh lúc này hãy còn khó khăn về mọi mặt nên Ni Sư nhìn những đệ tử xuất gia của mình bằng nhiều điều quí trọng. Làm rẫy, se nhan là điều kiện kinh tế không nhỏ đối với chùa lúc này, ba vị sư trai hổ trợ Ni Sư rất lớn với những sự nặng nhọc. Dù vậy, việc nâng cao trình độ trí thức lẫn Phật học luôn được Ni Sư khuyến cáo sách tấn. Bởi thế cho nên ba vị chỉ bước vào tuổi 20 đã đủ điều kiện tham dự khoá hạ đầu tiên tại trường hạ Tỉnh hội, mọi công việc phải dừng lại dù có đổ dồn lên đôi vai Ni chúng, để dành cho các vị bước ngoặc quan trọng này và là điều khẳng định to lớn; các vị từ đây đã thực thụ trở thành một Tỳ Kheo vẹn toàn ý nghĩa.

Được Ni Sư sớm trang bị cho các vị tinh thần tiến thủ, cầu tiến, nhất là phương châm lục hoà triệt để, nên ba vị luôn được lòng mọi người, không mặc cảm tự ti. Trong mọi sự ma sát, các vị luôn nhớ lời thầy mình dạy: “Trên dưới phải biết kính nhường dù phận mình quần lồng đèn, áo ống thụt vẫn phải luôn gìn giữ và cố gắng học hỏi, vì giáo Pháp Đức Phật là trên hết…” Trước ngày khai mạc khoá hạ, Ni Sư buộc các vị đệ tử của mình phải đến sớm hơn mọi người để phụ giúp các công việc từ nhẹ đến nặng như quét dọn trong ngoài, đào thêm giếng nước, đóng bàn ghế…hầu cung ứng cho hơn 400 người trong suốt ba tháng trường vân tập. Khi đã mãn hạ, các vị cũng là người về sau cùng. Công lao vun bồi ấy của Ni Sư được đền bù thoả đáng khi những tiếng thơm về các vị đệ tử của mình từ trường hạ đưa về tới tấp. Nhất là hai trong ba bài thuyết Pháp được đưa lên lịch trình thử giảng trước đại chúng. Người được chú ý nhất là Sư Hoà (cách gọi của Ni Sư) với bài thuyết giảng “Tứ Diệu Đế” có mặt hầu hết Chư Tôn Hoà Thượng trách nhiệm của trường hạ Sư Hoà đang thuyết giảng tới hồi lý giải phương pháp Đạo Đế thì Hoà Thượng Thiền chủ bước lên ngay bụt giảng trước sự ngạc nhiên của đại chúng và sự lo ngại của Sư Hoà! Nhưng không, Hoà Thượng nắm lấy vai sư tay cầm micro cắt ngang bài giảng và từ tốn nói: “Các thầy thấy đó, Sư Hoà còn trẻ, lại chịu khó trau dồi. Y áo dù vá chằng vá đụp như vầy mà có đâu nghĩ riêng cho mình. Tôi rất cảm động và đặt mọi tương lai Phật Giáo khi có những vị như vầy. Hồi sáng này trường hạ có trai tăng, thế mà món quà của riêng phần sư đây đang nằm trong phòng của tôi. Còn bì thư thì lại đang nằm trong thùng phước sương trong chánh điện. Tôi tán thán công lao dạy dỗ của những vị thầy đang un đúc nên những người như thế. Ở đây, điều tôi cảm động nhất là thầy của Sư Hoà đây là một Ni Sư, hiện giờ đang dốc hết mọi nỗ lực để cho các đệ tử mình an tâm tu học. Đường từ đây về chùa xa lắm, vậy mà cứ ba bốn ngày sau khi nghi lễ buổi tối xong, Sư xin phép được về để chở bột nhang cho thầy rồi trở lại vừa đúng mười giờ đêm…”

Vâng! Đường từ đây về chùa mình xa lắm! Với chiếc xe đạp cọc cạch cũ kỷ, Sư Hoà giữa đêm hôm như thế phải đạp theo lộ trình hình chứ T (nơi xưởng mộc để mua mạt cưa) rồi mới đạp ngược trở xuống, rẽ sang hướng chùa mà về, chưa tính con đường quay trở lại trường hạ. Những khi như thế, có ai thấy cảnh thầy trò dặn dò hay chỉ dạy…mới cảm nhận hết những nỗ lực to lớn của Sư Hoà. Đường về chùa lúc này hãy còn ngắn, ngắn vì tấm lòng trời biển của thầy mình, ngắn vì nỗi cơ cực của thầy mình mà với bệnh đau cột sống, giữa mưa hay trời mưa nắng hạ vẫn phải ngồi se từng cọng nhang…! Cứ như thế qua ba mùa kiết hạ, như ung đúc thêm ý chí sắt đá nơi các đệ tử mình và với Ni Sư đó còn là khối bê tông rắn chắc được đổ móng bền chặt, sẽ chẳng còn gì lo ngại trước huỷ diệt vô thường.

Rồi một mùa an cư nữa trôi qua, lần này sau khi mãn hạ mười ngày, thời gian đó là Sư Hoà lo phụ giúp dọn dẹp mọi thứ mới được trở về theo lời dạy của Ni Sư hằng năm. Sư khép nép bạch với thầy mình về yêu cầu của vị Hoà Thượng ở chùa tỉnh bạn có nhiều dịp về trường hạ này giảng dạy hằng năm và biết được công hạnh cũng như tính cần cù nhẫn nại, muốn Sư về ở phụ giúp một thời gian. Ni Sư cầm là thư của vị Hoà Thượng ấy đọc xong, nhìn vị đệ tử thân thương nhất của mình bằng cả niềm tự hào khôn tả, hoan hỷ chấp thuận. Nhân đó Ni Sư khuyến khích Sư Hoà tranh thủ thời gian này để học thêm chữ nho nơi Hoà Thượng. Sư Hoà vẫn tuân thủ mọi quyết định dạy răn của thầy, nhưng lần này có hơi ái ngại bởi sức khoẻ Ni Sư có phần sa sút hơn trước kia do lao tâm lao lực để cho mình tu học. Hiểu được điều đó Ni Sư bèn phải nói theo cách dựa Giáo luật:

- Sư chẳng có gì phải ái ngại cho tôi cả. Đó là phước báu rất lớn trong đời Sư đó, phải cố gắng mà thọ lãnh. Hơn nữa, lệnh của bề trên, phận thầy không dám cãi, phục dịch các Ngài cũng đâu có khác ý nghĩa lo cho tôi. Sư cứ hãnh tiến mà an tâm.

Sư Hoà vẫn còn e ngại dùng dằng:

- Bạch thầy! Nếu con lên trển ở, Hoà Thượng bắt con đắp y thì phải làm sao ạ?

Ni Sư mỉm cười như để đệ tử mình hiểu rộng xa hơn:

- Vấn đề là Sư có tinh tấn bằng tất cả chí nguyện hay không, chứ còn biểu đắp cái gì thì cũng chẳng sao, Sư ạ. Huống đây là biểu tượng của nhà phật mình, có phải là gì đâu mà Sư lo ngại.

Rồi có một đêm mưa bão tơi bời, thân mình ướt sủng, Sư Hoà về thăm lại thầy sau ba tháng trời kể từ ngày ấy mang lời dạy ra đi. Sư nói rằng có lẽ do phước báu mình còn mỏng manh nên thời gian ấy về hầu Hoà Thượng lại chính là lục bắt đầu Hoà Thượng lâm trọng bệnh. Đệ tử, Tăng chúng của Ngài nhiều, lại ở khắp mọi nơi, việc coi sóc chùa đều nằm dưới quyền một nữ cư sĩ vốn là con cháu của những vị mà trước kia đã hiến cúng đất và chùa cho Hoà Thượng. Vì vậy Sư cũng không nằm ngoài sự phân công của vị nữ cư sĩ này. Tuy vậy, mong mỏi của Ni Sư cũng phần nào toại ý bởi dù bị nghịch cảnh như vậy, Sư vẫn bền bỉ học và viết được chữ Nho không ít.

Ni Sư vẫn không có vẻ ưu phiền hỏi: - Vậy chắc hôm nay Sư về vì đã chu toàn mọi việc, mà về có xin phép Hoà Thượng hay cô Phật tử đó không?

Thoáng một chút chua chát dù đã cố tình ém nhẹm, Sư nói:

- Bạch thầy! Không đâu ạ. Hôm nay con chỉ về thăm thầy đôi chút rồi lại đi tiếp. Lần này vắng có thể hơi lâu vì con phải về làm lúa và coi sóc việc chuyên chở lúa gặt về cho chùa Hoà Thượng.

Ni Sư có hơi bất ngờ:

- Ủa! Vậy là…! – Ni Sư chợt giữ lại phong thái muôn thửơ, vội hạ giọng trầm tĩnh, hỏi tiếp việc này do Sư quyết định hay Hoà Thượng bắt buộc phải làm như vậy?

Sư Hoà vẫn điềm tĩnh:

- Dạ do chính con quyết định!

Ni Sư như thở phào nhẹ nhỏm vì có mỗi Ni Sư hiểu hơn ai hết đệ tử của mình. Công việc nặng nhọc kia chẳng nghĩa lý gì so với đại chí nguyện, ai lại chẳng vượt lên được lại chẳng qua lửa hồng thử thách. Khi những suy nghĩ chưa được nối tiếp bằng những huấn thị tiếp theo, làm hành trang cho đệ tử mình cất bước vào cuộc gian nan thử thách thì tiếng Sư Hoà nghe chừng ri rí bên tai:

- Hoà Thượng thì Ngài chẳng hề hay biết gì những diễn biến sắp xếp điều hành trong chùa lúc này đều do vị nữ đại thí chủ kia chủ động. Bà ta đã không ít lần tạo điều kiện cho nữ giới Phật tử đến gần con để gọi là săn sóc hay giúp đỡ con bởi lao động cực nhọc. Bà ta tỏ vẻ không mấy hài lòng mỗi khi con tìm cách lánh xa các sự gần gũi ấy, cho nên bằng mọi cách bà ta muốn thử thách con, nếu không muốn nói là rắp tâm gài bẫy chi đó, con có cảm giác như vậy. Vì vậy, sau một ngày rằm lớn, bà khui thùng phước sương ra mà miệng cứ lẩm bẩm nghi nan ai đó lấy bớt tiền. Bà kêu con lên và phân công từ nay con phải có trách nhiệm giữ két bác của chùa cũng như của miếu Ngũ Hành bên cạnh. Con thưa rằng: - Thầy tôi hằng dạy, tuổi trẻ cần phải học, học và mọi cách phải học, phải tinh tấn, những vấn đề tính toán lợi hại phải tránh xa, nhất là tiền bạc, dù bất cứ của ai. Bà ta liền đưa ra điều kiện nếu không chịu thì phải qua chùa A bên tỉnh X hay xuống chùa B làm ruộng. Vậy là con chọn công việc nặng nhất, làm ruộng…

Ni Sư thế là đã hiểu ra mọi lẽ, dù đệ tử mình có chút không hài lòng về vị nữ Phật tử kia, nhưng lớn hơn hết nhận thấy Sư Hoà không có tâm phân biệt. Bởi vì hầu hết các đệ tử của Hoà Thượng đều đã trưởng thành và mỗi người đang trụ trì các ngôi chùa lớn rải rác khắp trong và ngoài tỉnh, dưới các vị ấy còn có các đệ tử và Phật tử nữa. Trong khi đó hai năm nay ngoài cơ sở làm nhang của Ni Sư, Tổ hợp gia công Mây tre lá xuất khẩu do chính Ni Sư làm chủ nhiệm đang trên đà phát triển, tạo điều kiện giúp chánh quyền địa phương giải quyết lao động nhàn rỗi rất lớn. Dù đệ tử mình không dám nêu lên ước mong xin phép trở về để phụ giúp một cánh tay, nhưng Ni Sư vẫn bầm gan tím ruột, đè nén lại để chỉ khuyên một đôi câu lấy lệ. Nhưng có một câu hoàn toàn không phải lấy lệ trước khi nhìn vị Sư trẻ này giã từ mình trở gót ra đi đêm mưa gió:

- Sư Hoà ơi! Dù trong hoàn cảnh nào hãy cố gắng. Tôi nguyện xả thân này để hộ trợ Sư vững vàng tiến bước trên lộ trình giải thoát. Đường về chùa từ đây sẽ càng xa hơn, mong Sư cố gắng nhớ ghi những lời tôi nhắn nhủ. Tôi mong ngày Sư trở về, sẽ mang theo bề dày công hạnh được tự tay Sư tác tạo cũng như tiếng thơm cho cả thầy trò. Nếu khó khăn đi lại hoặc đường xa dịu vợi, cần gì Sư cứ nhắn tôi sẽ cho người đến tận nơi…

- Sư Hoà từ chối số tiền và đôi y áo mới Ni Sư may dành cho và bước ra đi. Trước khi xụp tấm phên cửa xuống để chắn gió tạt, qua ánh chớp lật, Ni Sư còn kịp thấy đệ tử mình trượt ngã trên con lộ đất đỏ nhầy nhụa.

Ruộng lúa chùa H thuộc vùng nhiễm phèn, ngập nước nên mỗi năm chỉ có thể trồng trọt một vụ lúa mùa, giống địa phương. Do đó sau khi xong mùa vụ, vận chuyển lúa thóc chia đều cho các chùa đệ tử của Hoà Thượng và đôi khi bất kể khuya khoắc, còn phải chở chút ít về nhà riêng cho cha nữ thí chủ kia ở tít triền đồi phía bên kia, Sư Hoà phải nhanh chóng thu xếp để đến chùa A phụ lên giồng tỉa ngô đậu và cột rừng cây ăn trái. Có thể nói đất ruộng rẫy khắp mọi nơi có chùa đệ tử Hoà Thượng đều là đất hương quả của sự phước báu tự bao đời.

Ngôi Tịnh Xá Ni Sư cất riêng dành cho các Sư, lâu nay không được chăm sóc nên cỏ mọc um tùm che khuất cả lối đi, Hai vị Sư huynh đệ kia vẫn thương xuyên ở đó sau khi mãn các khoá hạ. Nhưng việc tu học luôn bận rộn ở trường cơ bản, mỗi tuần mới về một lần hoặc các ngày Bố Tát, tụng giới. Đêm nay mùa đông, gió đông bắc thổi về từ cánh rừng bên cạnh làm se buốt nỗi cô đơn trống trải của những ai ly hương cách trở. Nhưng với khung cửa sổ ngôi Tịnh Xá này đêm nay ánh đèn vàng vọt thường khi như sáng hơn, bề ngoài trong có vẻ như một sự đoàn tụ ấm cúng. Thời gian này, dù trời đông lạnh lẽo, nhưng oái oăm làm sao mọi người thế tục lại đang rộn rịp để đón mừng năm mới! Vì thế ít ai chú ý việc ai, thế mà trong ánh sáng ấm áp kia, người ta thấy Ni Sư ngồi giữa, trước mặt là Sư Hoà và sau lưng nữa là hai vị huynh đệ của Sư. Ni Sư ít khi đến Tịnh Xá này, có lẽ do hôm nay Sư Hoà, vị đệ tử mình đặt để nhiều tin tưởng nhất đã về sau bao nhiêu năm dài xa cách, nên Ni Sư quên đi lẽ ra họ phải đến vái chào, lại phải thân hành đến đây? Nhưng kìa! Ngày đoàn tụ mà sao không ai hân hoan, Ni Sư lại ngồi bất động, còn Sư Hoà thì y áo chỉnh tề quỳ trước mặt? Chẳng làm sao nghe được những lời họ nói với nhau, nét mặt Ni Sư vẫn không có chút gì thay đổi ngoài dáng ngồi khó thấy. Còn hai vị kia, một tỏ ra giận dữ! Một tỏ ra thành khẩn chi đó, tất cả đều dồn hướng về Sư Hoà mà từ nảy giờ vẫn không có một lần ngẩng mặt lên…

- Bạch thầy! Con không thể nào quên được cô ấy!...

Đấy, có thể Sư Hoà không phải luỵ vì những cử chỉ chăm sóc mỗi lúc lao động nặng nhọc về, hoặc những nếp ly áo được ủi thẳng tắp và những chiếc khăn ấm có mùi nước hoa được để sẵn mỗi khi rửa mặt, sau bữa ăn.v.v… Mà là do Bị-Tại-Bởi-Thì-Là … Nên … Chỉ có mỗi mình Sư hiểu và giải đáp điều đó đầy đủ hơn ai hết. Những lá thư ngọt lịm lời êm ái được Sư trình bày cặn kẽ và bộc bạch hết trước thầy và các sư huynh và sám hối lần cuối cùng một cách dõng mãnh, chứng tỏ Sư không phải người hèn nhát của trí huệ mà bao nhiêu năm trời được un đúc dưới mái chùa. Sau đó, Sư Hoà đem đốt tất cả những lá thư đó. Ni Sư nhìn ánh lửa hỗn hào ngoạm lấy những lá thư như chính mình bị thiêu đốt đến tan nát nỗi lòng. Ước chi đó là thứ lửa…làm sao ước được khi con nhà Phật phải hiểu đó là thứ lửa gì rồi! Là một vị Tỳ Kheo Ni, có đệ tử và với ngần ấy tuổi đời là cũng chừng ấy tuổi Đạo, Ni Sư thừa hiểu nghiệp lực không phải chuyện đùa, hơn nữa những gì đáng nói, Ni Sư đã nói. Ni Sư lặng lẽ trở về…

Những đồng bào dân tộc ít người, phần lớn là người Ba-na và Ê-đê chung quanh đó, buổi sáng sớm ấy, lên rừng chứng kiến cảnh đuổi bắt giữa ba người và một người bị tát tay để rồi cả ba sau đó cùng ôm nhau khóc nức nở! Họ còn nói sau khi ông mặt trời vừa nhú đầu núi có một người rẽ ngang đường rồi đi hoài mà không hề quay lại với hai người còn đứng cuối đoạn bìa rừng. Ít ra họ cũng biết đó là một cuộc chia ly!

Chuỗi ngày kế tiếp được xâu bằng từng hạt nước mắt đã khô nhưng không bao giờ để rơi rớt trên mảnh đất trần tục. Đó còn là những cố gắng trong mọi cố gắng để chỉ mong làm sao giành lại từ vũng lầy đứa đệ tử yêu quý của mình, kể cả đi chuộc bùa, giải ngãi. Một hành động mà đã đến hôm nay, mỗi lần nhớ lại Ni Sư vẫn còn cười cho chính mình. Nhưng có ai nỡ trách hay bới lông tìm vết khi biết rằng đó còn mang ý nghĩa của sự cố gắng nhằm cứu lấy một con người. Không có thứ bùa ngãi nào có thể mê hoặc được con người để dễ dàng sa ngã, hoặc cứu lấy một kẻ u mê. Có lẽ nếu ngay từ đầu Ni Sư ý thức được rằng mọi sự cố gắng, đấu tranh với “Ma nữ” cám dỗ nơi Sư Hoà để đến nỗi như một kẻ chạy trốn, lánh xa những nơi mà Sư đến vừa để tránh, vừa để thực thi công hạnh bằng các việc làm lao động ruộng rẫy kia chỉ là cái vòng lẫn quẫn được bố trí như những vệ tinh xoay quanh nhau bằng một thứ định luật vật lý. Làm sao thoát ra khỏi quỹ đạo ấy, nếu có chăng thì khác nào Sư Hoà đã phụ bạc và làm nhơ danh cả mình lẫn thầy. Và như thế Sư như con tàu vũ trụ đang làm công việc dò tìm, thám hiểm những hành tinh xa xôi, mang về những dữ kiện bằng các phương tiện tinh vi tiên tiến nhất cho các nhà “Bác học” đang hằng ngày chực chờ đón nhận với nụ cười hả hê! Để rồi khi hoàn thành sứ mạng, nó sẽ tự huỷ hoại giữa lòng không gian vô tận, chẳng bao giờ trở về nữa. Nguyên liệu để nuôi sống con tàu là gì? Với Sư Hoà đó là 250 Tỳ Kheo giới cộng với Bồ Tát giới, nó sẽ có được sự phân định bằng 10 giới trọng, và 48 giới khinh. Tiếc rằng những nguồn nguyên liệu quý hơn vàng này Sư đã tiêu thụ trước khi bước ra khỏi tầng khí quyển chẳng còn chịu ảnh hưởng của sức hút của trái đất.

Càng văn minh tiến bộ, trí não con người càng ngày càng tỏ ra tinh xảo hơn. Chỉ một cái ấn nút, biểu hiện bằng những màu xanh, đỏ, là đạt đến những kết quả mong muốn. Thế mà mong muốn được thấy chính mình hoặc chung quanh không phải ai cũng đạt được. Chỉ với những cái nút xanh, đỏ, những tiếng kêu tít tít còn biểu hiện được cho kết quả thời vi tính. Còn nỗi niềm nào của Ni Sư được thể hiện qua các bài thơ rút ra từ gan ruột, sao lại chẳng có tên? Phải chăng vì vậy mà Ni Sư đã để lạc mất tín hiệu phản hồi từ con tàu vệ tinh mình phóng lên, qua tay người khác? Để nó trở thành vật hy sinh sau khi đem lại lợi ích lẽ ra từ nơi được phóng lên, để rồi tự huỷ hoại.

Với thầy mình, Sư Hoà thừa hiểu rằng kết quả trưởng thành không ngoài tham vọng chỉ muốn đệ tử mình bay ngay trong tầng khí quyển, để vừa đủ thấy và kiểm soát được mình. Với độ bay đó vừa đủ để thấy những con đường dẫn về các mái chùa hiện hữu trên mảnh đất Việt Nam thân thương này và với bề dày lịch sử 20 thế kỷ có được do biết bao công lao chư liệt vị Tổ Sư khó nhọc gầy dựng để lại đến hôm nay. Ngôi chùa Phật giáo chung. Nhờ đó đệ tử mình sẽ không lầm lẫn màu mái ngói rêu phong của thời gian lịch sử khác sự rêu phong của định kiến Tông phái, hàng rào đố kỵ, mới có thể xoá tan vị kỷ “đệ tử thầy, đệ tử tôi” từng làm suy yếu tiềm năng tinh hoa Phật Giáo. Tinh thần to lớn ấy được thầy mình thể hiện trong cộng đồng Giáo Hội hôm nay, là đệ tử lẽ ra Sư Hoà là người tự hào trước nhất. Tiếc thay!

&

& &

Hai vị Sư huynh của Sư Hoà còn lại với Ni Sư hiện đang vững bền ý chí. Đó cũng chính là hai ông “thầy chùa” thường xuyên đến với anh Hoà (bạn của tôi - được kể ở phần đầu) cốt ý là để giúp đỡ anh trước hoàn cảnh túng quẩn theo chỉ thị của Ni Sư. Và cũng chính Ni Sư đã một lần đến đây theo lời chỉ dẫn của một vài Phật tử người dân tộc, với hy vọng nhìn lại cuộc sống đời thường của vị đệ tử mình kể từ ngày cởi bỏ lớp áo Thiền gia. Nhưng anh Hoà không dám tiếp và Ni Sư không có kiên nhẫn ngồi chờ khi hình ảnh tang thương cuộc sống đó luôn làm lòng người xuất gia đau xót, và tôi là người sau đó nữa đã tìm có đến được với anh. Tất cả đều phủ nhận đó là Sư Hoà, lại chẳng phải Hoà bạn của tôi, nhưng chắc chắn anh là một người đã từng là một vị xuất gia. Tất cả mọi lý giải để khẳng định “không phải” đều có lý: Sư Hoà (đệ tử của Ni Sư) thường được đồng bào thiểu số gọi đùa là “người Việt gốc Sư” trước đó đã gặp hai người sống bằng nghề đốn củi rừng phía bên kia sườn đồi, và người con gái ấy là cháu gọi bằng bà cô của vị nữ đại thí chủ kia, lúc này cả hai còn ở chính trong căn nhà của vị nữ thí chủ ấy. Còn Hoà, bạn của tôi? Tôi không dám chắc rằng hiện giờ ra sao và như thế nào. Tôi chỉ muốn tin rằng vẫn đang là một thầy tu đang thời hoá Đạo hanh thông, được thầy Tổ thương yêu, mọi người kính nể.

Chúng ta ai cũng có quyền tin những điều tốt lành cho mình cho cả người thân của mình. Mới đồng cảm được nỗi đau của những mất mát mà sự thật phủ phàng đổ ập vào ai đó. Bởi vậy, đã gọi đời là bể khổ chơi vơi cho nên có ai chúc nhau những lời lẽ không hay đâu! Toàn là tốt lành, hoa mỹ cả. Những nhân vật còn lại trong truyện ngắn này có quyền hy vọng và tin tưởng như thế, không chấp nhận những cái xấu, không hay cho mình, cho những người thân mình; âu đó cũng là chuyện thường tình của thế gian vốn sớm nắng chiều mưa này.

Gặp Đạo khó lắm thay! Vì vậy hãy tha thứ và hoan hỷ cho những người đã vắng mặt. Vả lại “đường về chùa xa lắm”, chắc rồi đây vào một ngày đẹp trời nào đó, họ cũng về tới thôi!

Tất cả những thương-yêu buồn-vui giận-hờn phản-trắc lọc-lừa vốn đều không thực có, và ngược lại. Trong truyện ngắn này cũng không nằm ngoài quy luật đó./.


---o0o---
Vi tính: THÍCH ĐỨC TUẤN.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/10/2014(Xem: 4674)
Hai kẻ thù đã lâu đời, hai chàng trai trẻ nhất thuộc hai dòng tộc võ sĩ đạo lâm chiến, đang rình rập nhau trong vùng hẻm núi dưới mé sông trong lúc bà con dòng họ đôi bên đang chém giết lẫn nhau trên phía đồng bằng. Mối hận thù nẩy sinh giữa hai chàng sâu đậm đến độ như muốn lộn mửa, và khi trông thấy nhau, mỗi chàng đều nguyện cầu: “Lạy Trời nếu con phải chết, xin cho con gây ra tử thương cho kẻ oán thù trước khi con lìa đời.”
18/10/2014(Xem: 43795)
Uống trà là một nét đẹp văn hóa truyền thống của Á Đông theo phương châm“Bình minh nhất trản trà". Cách đây hàng ngàn năm, con người đã biết đến trà như một loại nước uống mang lại sự sảng khoái, thanh khiết cho tinh thần, là cách để khai tâm mở trí. Người ta xem chén trà là đầu câu chuyện, là gợi mở tâm linh, là giao thoa văn hóa và kết nối lòng người.
10/10/2014(Xem: 4389)
Từ lâu, người ta tin rằng có một cái “bản ngã” thường hằng, bất biến, tồn tại độc lập trong vạn pháp. Trước sự nhầm lẫn tai hại đó, Phật Thích Ca bèn nói thuyết “Vô ngã” để chúng sinh phá chấp. “Vô ngã” không phải không có gì hết mà là không có tự tánh, không có tự thể riêng biệt. Đây là một trong ba Pháp ấn trong hệ thống giáo lý của Phật giáo (hai pháp ấn kia là Khổ và Vô thường). Gọi là Pháp ấn có nghĩa là trong tám mươi bốn ngàn pháp môn của đạo Phật nếu có pháp môn nào không có một trong ba khái niệm Khổ, Vô thường và Vô ngã thì không phải giáo lý đạo Phật.
03/10/2014(Xem: 4337)
Học sinh thường cho rằng, các thầy cô chỉ nhớ tên học sinh giỏi, học sinh đẹp hoặc hoạt động hiệu đoàn... Cho nên mỗi lần nếu tôi gặp lại một em học sinh không có gì xuất sắc ngày xưa mà tôi còn nhớ tên, thì đó là một niềm vui to lớn của em là được thầy cô còn nhớ mặt và nhớ tên của mình. Sau khi cuộc chiến lan tràn trên quê hương thầy trò phân tán, tôi đi cùng nam cực bắc, đi xa nửa trái địa cầu, rải rác khắp nơi, tôi vẫn gặp lại những em học sinh Đồng Khánh cũ. Và nhờ cố gắng nhớ mặt, nhớ tên các em, nên hầu như ở đâu tôi cũng gieo được chút niềm vui cho những người đang phập phồng chờ được gọi đích danh sau một câu mở đầu công thức: „Cô còn nhớ em không?“. Những con người ấy, những học sinh Đồng Khánh tha phương - xa trường, xa thầy bạn cũ đã xưa rất xưa, mà chính bản thân khi soi gương cũng không còn bắt được hình bóng mình ngày ấy..., bất giác còn được gọi tên, còn được nhớ, còn được nhắc nhở đến bao kỷ niệm của một thời. Ôi! Vui biết bao nhiêu, ấm áp ngọt ngào biết bao nhiêu
02/10/2014(Xem: 4245)
Ra đến bến xe trời hãy còn khuya khoắt, trông cảnh nhộn nhịp ì xèo rộn lên từ những gian hàng ăn uống ở một góc gần bên, và tiếng nói cười lăng xăng của hành khách đi lại lẫn với tiếng những người bán hàng rong mời mọc. Nhìn sang quầy bán vé bây giờ không giống như những ngày tháng sau năm 1975, bề mặt thoáng mát rộng rãi trang trí bởi những bảng quảng cáo, những hoa văn sắc màu, những hàng ghế để khách ngồi chờ trông lịch sự. Khách mua vé rất nhanh khỏe hơn xưa, không còn cảnh chen lấn xếp hàng cả buổi trời như trước đây, lại có thêm nhiều loại xe phục vụ trên các tuyến, việc nầy còn tùy thuộc vào túi tiền của hành khách, ai có tiền nhiều thì đi loại xe chất lượng cao, còn ai ít tiền thì đi loại xe bình dân hơn. Nói vậy chứ còn khá hơn trước Đây, bởi ba chiếc xe car cũ kỹ hoặc xe chạy bằng than đá trên những tuyến Miền Đông, Miền Tây vào những năm 1975 - 1990.
24/09/2014(Xem: 6354)
Xưa có một người quyết tâm học đạo, theo một vị thiền sư sống trong một cái cốc nhỏ, sống đạm bạc, quyết chí tu hành. Một này kia, có công việc, vị thiền sư phải đi xa, dặn đệ tử ở lại phải lo chăm chỉ tu hành, luôn luôn giữ lối sống đạm bạc và tâm hồn thanh tịnh. Người đệ tử này chỉ có một chiếc khố che thân. Đêm tới khi ngủ, máng khố trên vách, thường bị chuột chui ra cắn rách, phải xin bá tánh chút vải thừa thay khố nhiều lần.
03/09/2014(Xem: 4631)
Lúc đó tôi được 13 tuổi. Trước đó một năm gia đình tôi đã chuyển từ Bắc Florida đến miền Nam California. Tôi dễ hận thù khi vừa đến tuổi vị thành niên. Tôi rất nóng nảy và hay cãi lại đối với bất cứ chuyện gì dù nhỏ mà ba mẹ đề cập tới, đặc biệt là nếu nó liên quan đến tôi. Cũng giống như nhiều đứa trẻ lứa tuổi thiếu niên, tôi khó chấp nhận bất cứ điều gì đi ngược lại với quan điểm của mình về thế giới chung quanh. Một đứa bé “thông minh không cần dạy bảo”. Tôi phản đối bất cứ biểu lộ nào của tình thương. Thật sự, tôi dễ giận dữ khi đề cập đến cái từ “thương yêu”.
26/08/2014(Xem: 4049)
Ở ven bờ bể Mễ Tây Cơ, có một làng nhỏ chuyên sống nghề đánh cá, một chiếc thuyền con lướt sóng nhẹ vào bờ, đem về vài con cá khá to. Một ông khách Mỹ đứng trên bờ, khen ngợi nghề đánh cá tài giỏi của anh chàng Mễ Tây Cơ và hỏi anh ta mất bao nhiêu thì giờ mới được chừng đó cá. _ “ Không lâu lắm đâu !” anh Mễ Tây Cơ trả lời.
17/08/2014(Xem: 24950)
Đại Sư tên là Huệ Năng, cha họ Lư, tên húy là Hành Thao. Người mẹ họ Lý, sinh ra ngài nhằm giờ tý, ngày mùng tám tháng hai, năm Mậu Tuất, niên hiệu Trinh Quán thứ 12. Khi ấy, hào quang từ nhà ngài chiếu sáng lên không trung, mùi hương lạ tỏa lan khắp nhà. Đến tảng sáng, có hai vị tăng lạ mặt đến thăm, bảo cha ngài rằng: “Khuya nay ông vừa sinh quý tử, chúng tôi đến đây là để đặt tên cho cháu bé. Ông nên đặt trước là chữ Huệ, sau là chữ Năng.”
17/08/2014(Xem: 24040)
Nhân quả báo ứng là một tập truyện của Trung Quốc, có vẽ tranh minh họa rất sinh động. Tập truyện này trước do ngài Văn Xương Đế Quân đời nhà Tấn sưu tập những truyện nói về nhân quả và sự báo ứng qua nhiều triều đại ở Trung Quốc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]