TÔI LÀM GIẢNG SƯ
Sen Thương
Vợ chồng người em gái tôi ở tận Gành Đỏ, Sông Cầu, điện thoại tha thiết mời tôi đến nhà thăm chơi. Từ ngày hai vợ chồng em đến đó lập nghiệp, tôi chưa đến thăm lần nào. Tôi lưỡng lự chưa muốn đi nhưng em gái tôi quả quyết rằng tôi sẽ rất thích: "Ở đó, chị mặc sức mà nghe biển hát, rừng thùy dương reo vi vu, cồn cát trắng mịn ngập ánh trăng níu giữ đôi chân của chị; nếu chị thích, em sẽ cất cho chị một cái am tranh nhìn ra biển để chị thiền định, sau giờ thiền định chị sẽ vẫy vùng bơi lội dưới biển, bảo đảm hoàn toàn yên tịnh, hơn chùa chị đó!". Nghe hấp dẫn quá, tôi vội khăn gói lên đường. Khi chiếc xe thồ dừng bánh trước một ngôi nhà nhỏ đơn sơ vách ván, vợ chồng người em tôi mừng rỡ đón tiếp tôi ân cần nồng hậu. Sau một hồi chị em hàn huyên tâm sự, em tôi kéo tôi ra nói nhỏ:
- Chị à! Có lẽ chốc nữa các cụ và Phật tử sẽ đến đây đón chị về chùa để tối nay chị thuyết pháp cho họ nghe, bởi vì nơi đây từ ngày thầy tịch, chẳng có bóng dáng Tăng Ni nào đến đây để thuyết pháp cả! Hồi sáng em có nói với Ban hộ tự là bữa nay chị đến nên họ đi chợ và chuẩn bị đón tiếp, họ mừng và muốn được gặp mặt chị, nhất là nghe em nói nhiều về chị, chị biết không? Từ ngày họ biết em có người chị đi xuất gia, họ tốt với em và giúp đỡ em rất nhiều, ở đây dân biển rất sùng đạo và rất tin tưởng, có nhiều người ăn chay trường nữa đấy!
- Phải đấy chị ạ! Chị nên giảng đạo ở đây vài ngày, họ có vẻ khao khát được giảng sư tưới cho vài cây mưa pháp. - Thấy tôi im lặng, em rể tôi lại bồi thêm.
- Trời ơi! Các em sao không nói trước, chị có biết thuyết pháp bao giờ đâu, mà cho dù biết thuyết pháp đi nữa cũng chẳng phải biết trước để chuẩn bị bài giảng nữa, đằng này các em làm chị bất ngờ quá, bây giờ tính sao đây?
Đến lượt các em tôi ngạc nhiên:
- Ủa, vậy mà em cứ tưởng đi tu là phải biết thuyết pháp chứ! Nghe đâu sau thời thuyết pháp họ sẽ tham vấn chị rất nhiều để học hỏi, em lỡ "nổ" về chị nhiều quá rồi, thôi cố gắng đi chị, thuyết đại đi mà!
- Khoảng bao nhiêu Phật tử?
- Thiện nam khoảng 40, tín nữ khoảng 30, vị chi dưới 100 người, bữa nay biết có chị nên họ về đông.
Tôi than thầm, cũng chỉ vì tính lãng mạn mà ra, nghe đâu phong cảnh đẹp là ham, từ hồi giờ chưa từng đứng trước bục giảng, hay trước thính chúng đông đảo để thuyết pháp bài bản bao giờ. Từ ngày làm trụ trì ở chùa quê đến nay, đã gần 20 năm, mỗi lần cúng hội, đông thì khoảng 20, 30 vị Phật tử quen thân, ít thì thưa thớt khoảng dăm bảy người, tôi cứ tự nhiên nói, không cần bài bản gì cả. Phật tử đến với tôi kẻ thì than về chồng con không biết lo, chỉ biết ăn, đánh đập, người thì rầu con bất hiếu, kẻ thì than túng thiếu, con đi học không có tiền đóng tiền trường, người thì than vợ phản bội, hư hèn, mùa màng thất bát, mưa gió bệnh hoạn, bị giật hụt v.v... đủ thứ chuyện trên đời, trong cái khổ đế của con người. Tôi chỉ biết lắng nghe và thật thông cảm trong nỗi khổ của họ, nói dăm ba lời an ủi, và chỉ rõ nguyên nhân vì sao khổ đang hiện hữu với chúng ta. Cuối cùng tôi khuyên họ cố gắng tu trong ba nghiệp thân, khẩu, ý, sám hối, tụng kinh, giữ năm giới, tạo phước bằng cách làm việc thiện, bố thí cúng dường, rồi nghiệp xấu tiêu mòn, phước đức tăng trưởng, sẽ thấy vui và hạnh phúc. Đã gần 20 năm tôi hướng dẫn tu như vậy đó, xuề xòa, dễ chịu, tu sao cũng được; có người lại khen tôi tu bình dân dễ hiểu, nhưng thú thật vì trình độ tôi chỉ có bấy nhiêu thôi, chẳng được học hành trường lớp bài bản thì làm sao có thể đứng trước đông đảo quần chúng thuyết pháp cho được. Bây giờ đây khi đứng trước một sự việc như thế này, rút lui không được mà đến cũng không xong, cũng không thể trách móc người em gái bép xép của tôi vì chính nó cũng nói người tu thì phải biết thuyết pháp, chỉ vì tôi bất tài, dốt nát mới nên ra cớ sự như vậy. Lòng tôi hãi hùng, mồ hôi toát ra như tắm, nếu tối nay mà tôi không xong việc thuyết pháp, bể dĩa thì có mà độn thổ như Tôn Ngộ Không, hoặc xách gói đi mất xứ vì hổ thẹn, đừng nói đến việc về chùa nữa.
Miên man với hàng trăm nỗi lo không tên, chợt vang lên tiếng em gái tôi đầy khích lệ:
- Tối nay em sẽ về chùa nghe chị thuyết pháp.
Tới nước này thì tôi chỉ biết cầu Thầy Tổ nhiều đời nhiều kiếp thương xót gia hộ cho tôi làm tròn bổn phận sứ giả Như Lai.
Sau khi cơm nước, nghỉ ngơi ở nhà ông Trưởng ban hộ tự cùng các bô lão, khoảng 18g30 họ đưa tôi đến chùa. Vừa bước vào sân thì chuông trống Bát nhã nổi lên chào mừng, trái tim bé nhỏ của tôi cũng đánh lô tô theo nhịp trống, thiếu điều muốn nhảy ra ngoài lồng ngực. Tôi nhủ thầm: "Em gái ơi là em gái! Em bày chi cảnh khổ cho chị như vậy, đang ở chùa bình an không muốn, cớ sao lại vào nơi chỗ dầu sôi lửa bỏng như vầy hả trời. Trăm lạy Thầy Tổ, ngàn lạy Thầy Tổ, hãy cứu vớt con tai qua nạn khỏi". Biển hát đâu không thấy, thùy dương reo đâu không thấy, mà giờ đây chỉ thấy trái tim mình đang réo gọi kêu cứu! Trong ánh hoàng hôn nhá nhem, ẩn sau khóm trúc, tượng của Mẹ hiền Quán Thế Âm sừng sững đoan nghiêm, với nụ cười hiền diệu bên hồ sen thoang thoảng hương thơm, tôi dừng lại kính cẩn chắp tay đảnh lễ, cầu Người gia bị. Quả nhiên lòng tôi cảm thấy an tịnh, tràn ngập sự huyền diệu nhiệm mầu của niềm tin vô bờ bến.
Tôi chậm rãi bước vào chánh điện đảnh lễ tôn tượng Đức Bổn Sư uy nghi, giữa hàng trăm con mắt đang đổ dồn về phía mình.
Sau khi đảnh lễ Phật và Thầy Tổ xong, tôi quay xuống nhìn hai hàng tín đồ, cố gắng mỉm nụ cười thật tươi, thật trìu mến, như để lấy lại sự tự tin. Sau khi tất cả hội chúng đã an tọa, tôi bắt đầu tán thán:
- Thật hiếm có, chùa không có thầy trụ trì, mà Phật tử tề tựu đông đủ để tụng kinh, bái sám như thế này thật hiếm có! Ni cô thành thật tán dương, khen ngợi quý đạo hữu.
Những nụ cười sung sướng nở trên gương mặt mọi người, sau đó ông Trưởng ban hộ tự giới thiệu vài lời về tôi. Sau khi mọi người cùng nhau niệm Phật cầu gia bị, tôi thong thả nói:
- Kính thưa chư Phật tử thân mến! Hôm nay Ni cô xin được nói về đề tài tu Lục độ hoặc là sáu pháp Ba la mật, đó là: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Ở đây có Phật tử nào đã từng bố thí bao giờ chưa? Bố thí như thế nào? Tại sao gọi là bố thí không cầu danh và cầu danh? Bố thí gồm có tài thí, vô úy thí... công đức của sự bố thí, chia sẻ vì lòng thương vì từ bi, vì thấy thiếu, thấy cần mà chia sớt giúp đỡ, miếng khi đói bằng gói khi no, chứ không phải nghe được phước, được lời mà bố thí...
Thế rồi tôi dẫn chứng, ví dụ, kể những mẩu chuyện đời xưa đời nay, tôi say sưa thao thao bất tuyệt, rồi công đức của pháp thí lớn lao như thế nào, vô úy thí ra sao... Giọng tôi trầm bổng lên xuống, hết phần bố thí đến phần trì giới, công đức của người trì giới, giữ phẩm hạnh, quỷ kinh ma sợ, thánh thần ngưỡng mộ, loài người quý kính, là thành rào ngăn chặn tội lỗi cho mình v.v..., công đức của sự nhẫn nhịn, nhẫn nhục, một điều nhịn chín điều lành, nếu đi chùa tụng kinh bái sám, cúng dường bố thí mà không nhẫn nhịn, sân si ngợp trời thì coi như chưa tu chút nào, mà làm cho thế gian chê cười đạo Phật, và lợi ích thiết thực lớn lao của sự siêng năng tinh tấn, chẳng những giúp cho mình thành tựu trong việc tu hành mà còn sẽ thành công rất nhiều ở đời. Tôi hùng hồn như nhà biện sư, lòng run sợ biến mất tiêu, thỉnh thoảng thấy hai vợ chồng người em tôi gật gù mỉm cười, cử tọa im phăng phắc chăm chú nghe...
Thế là tôi đã làm giảng sư bất đắc dĩ tại một ốc đảo xa xôi ở Gành Đỏ được vài ngày, rồi lại trở về trú xứ quen thuộc. Nhưng mỗi khi nghĩ đến việc đã từng được làm giảng sư dù chỉ vài ngày, trong tôi chan chứa một niềm vui. Ở đó, dù ít dù nhiều, tôi cũng đã gieo xuống mảnh đất cát mặn của biển, của những tấm lòng thôn dân chân chất những hạt giống nhiệm mầu. Thỉnh thoảng, em tôi lại gọi điện ra mời tôi vô thăm "vì Phật tử cứ nhắc chị hoài", nghe thật hạnh phúc!.
--- o0o ---