Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Du xuân vùng Miệt Dưới

13/04/201707:04(Xem: 3683)
Du xuân vùng Miệt Dưới


Du Xuan Uc Chau_Hoa Lan (1)

Du xuân vùng Miệt Dưới

Không biết các nhà khai phá cái xứ sở hoang vu, hẻo lánh ở mãi tận cực Nam quả địa cầu, cỡ như thủy thủ người Anh James Cook sống dậy, có giật mình cho sức sống mãnh liệt của mảnh đất mà trước đây hơn 200 năm mình đã miệt thị gọi là xứ Down Under. Nghĩa là vùng Miệt Dưới, cỡ như loại miệt vườn của quê hương ta.

Lúc ấy gọi như thế cũng phải, đất thì khô cằn sỏi đá tìm mãi không ra một bóng người, chỉ thấy cái con gì là lạ, hai chân sau dài hơn hai chân trước nhảy tưng tưng, bèn hỏi các thổ dân to lớn khác thường ở đó, con gì thế? Liền được câu trả lời: “Kangaroo“, theo ngôn ngữ của họ nghĩa là “I don´t know“. Thế là từ đấy con vật “Tôi không biết“ tượng trưng cho xứ liên bang Úc Châu bị cháy tên một cách đáng yêu và đáng nhớ!

Cái xứ sở gì đâu mà đất rộng người thưa đến phát sợ, chỉ có 24 triệu dân sống tập trung ở các thành phố lớn, trong khi đó diện tích đất lớn gấp 23 lần Việt Nam và 21 lần xứ Đức mến yêu của tôi (nói thế cho tử tế với đất nước đã cưu mang mình). Thật ra từ lâu tôi đã ngưỡng mộ xứ Úc lắm rồi! Muốn sinh sống ở đó lắm, nhưng không có nhân duyên đã trượt tới hai lần, lần đầu nộp đơn xin học bổng đi Úc thời xa xưa bị rớt ngay vòng khảo thí tiếng Anh, lần sau khoảng đầu những năm 80, nộp đơn xin di dân cả gia đình, đã được chấp thuận rồi cũng không đi. Thôi đành ngậm ngùi tặng xứ Úc hai câu thơ nhặt được trên mạng:

Đôi khi lỡ hẹn một giờ.

Lần sau muốn gặp phải chờ trăm năm.

Nhưng đời tôi vẫn còn hên, chưa phải chờ đến kiếp sau mới được nhìn thấy Nhà hát Con Sò - Opera House - tận mắt tại Sydney.

Khi nhân duyên chín muồi là cứ việc thu xếp hành trang đi thôi, tôi “bám càng“ cô cháu đồng điệu trong văn đàn Bút Nữ, mang tên Thi Thi Hồng Ngọc, có cậu em sống tại Sydney mời chị và cô sang ăn Tết và còn hứa sẽ đưa đi thăm viếng cảnh Chùa ít nhất 10 nơi trong ngày mùng một Tết. Đối với tôi, chỉ cần đi hai Chùa đặc biệt mà thôi, Pháp Bảo ở Sydney và Tu viện Quảng Đức ở Melbourne là đã mãn nguyện lắm rồi. Không cần phải đến Grafton của bang New South Wales, cách Sydney 635 km để xem lễ Hội Mùa Hoa Phượng Tím - Jacaranda Festival chỉ tổ chức vào tháng 10 hàng năm, mong tìm đến một Chân trời Tím nào đó.

Các bạn cũng biết cảnh hãi hùng khi phải ngồi máy bay một lèo từ Đức sang Úc cả ngày lẫn đêm. Tôi chọn kế sách khả thi hơn, ghé bến Sài Gòn đúng ngày ông Táo chầu trời dạo chơi chợ hoa một tí, tưởng được thưởng thức chợ hoa Nguyễn Huệ nhưng đến 27 tết, các hình tượng con gà vẫn còn bọc giấy ni lông chưa chui ra khỏi vỏ, tôi đã leo lên máy bay nhắm hướng Sydney với hãng hàng không đang bị “tai tiếng“ vì chuyến bay định mệnh MH 370, một đi không trở lại. Lý do đơn giản là rẻ nhất trong thời điểm du xuân mà thiên hạ hay bị dị ứng sợ sệt khi nghe tới tên.

Từ phi trường Sydney chúng tôi gồm hai cô cháu và cậu em của Thi Thi với mỹ danh “Chuột Sydney“ cùng cậu con trai “Chuột anh“ khoảng 6 tuổi, đẹp ngời ngợi ra đón về vùng Cabramatta. Dân Việt Nam xành điệu khi nghe đến địa danh “Cáp Ràm“ nằm ở đường John Street là hết ý! Đây là một nơi tạm gọi “Thiên đường của hạ giới“ cho những người Việt tỵ nạn cộng sản, đã gây dựng nên trong nhiều năm qua, với tượng anh lính Việt Nam Cộng Hòa cầm súng ngồi bên cạnh anh lính Úc cùng chiến đấu chung trên một giới tuyến năm xưa. Nhưng trong những năm gần đây, các du học sinh lắm tiền nhiều thế trong nước đã tràn sang Úc như nước vỡ. Nhận diện rất dễ, chỉ cần nghe giọng nói, cách dùng chữ và dáng vẻ là biết ngay thuộc thành phần con cháu bác, không lầm lẫn một tí nào!

Địa phương thứ hai cũng nổi tiếng đó là Bankstown với tượng đài thuyền nhân và trống đồng dựng ngay ngoài phố, thức ăn ẩm thực có Phở An lẫy lừng một thời do ông chủ xuất thân từ lò của cụ Petrus Ký chế biến. Huyền thoại về nồi phở của ông ấy nhiều lắm, chỉ ghi được một tin “vịt giời“ là đám cưới con gái ông ta được tổ chức tại nhà hàng Nhà Hát Con Sò nổi, sang quá đi thôi!

Sáng hôm sau là ngày 29 tết ta nhưng trúng ngày 26 tháng 1, ngày trọng đại của xứ Úc: Quốc Khánh, ngày này cả nước nghỉ làm đóng cửa đi chơi. Nhưng toàn khu Việt Nam vẫn mở cửa tưng bừng náo nhiệt, kể cả các phòng mạch bác sĩ siêng năng, ngày này mới phục vụ bà con đồng hương viết giấy khai bệnh giả vờ để bắt cầu nghỉ ba ngày Tết. Tội vạ gì đi làm ngày thứ sáu hắc ám chắn ngang. Ấy, nói thế mang tội, nếu phòng mạch đóng cửa thì ai chữa cho tôi cái chân bị nhiễm độc sưng vù. Cậu Chuột định dẫn cô Hoa Lan đi chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm sức khỏe của mình, để cô khỏi phải trả 50 Đô La Úc mỗi lần vào Hello bác sĩ. Nhưng cô đã có bảo hiểm riêng rồi, trong trường hợp cần thiết chỉ việc ứng tiền mặt trước rồi làm hồ sơ giấy tờ về nhà tính sau. Vị bác sĩ còn có lương tâm không tính tiền, chỉ bảo sang nhà thuốc tây bên cạnh mua thuốc sát trùng bôi và còn dọa thêm, nếu tối không khỏi đưa vào nhà thương “xử lý“. Nhà thuốc tây bên cạnh phòng mạch vừa bán thuốc vừa kiêm luôn tiệm chạp phô bán hầm bà làng đủ thứ. Chàng dược sĩ tử tế và tốt bụng chỉ bán thuốc sát trùng và nhất định không chịu bán trụ sinh cho tôi khi không có toa bác sĩ. Cậu Chuột còn dọa thêm, chắc cô bị con nhện độc xứ Úc cắn. Nghĩ thân phận mình suốt đời làm phước, chẳng lẽ lại bỏ xác một cách lảng nhách ngay ngày đầu bước chân đến xứ Kangaroo này hay sao? Tôi biết bệnh của tôi, chỉ vì đôi giày cao có khoen sắt ở giữa bàn chân, ngồi máy bay lâu sưng chân, khoen sắt cứa một lỗ như vết cắn làm độc thế thôi! Chỉ cần hạ thổ đi đôi dép Nhật là xong.

Qua sự việc này tôi mới biết tại sao giới trẻ học giỏi ở Úc cứ phải lấy điểm cao trên 98 để được học ngành Y khoa, giấc mơ của bao gia đình định hướng cho việc học hành của con cái. Nghề Luật sư lo vấn đề di dân cũng “hot“ không kém gì bác sĩ, giá cả cho mỗi trường hợp gia giảm tùy theo độ khó khăn đối với luật pháp xứ Úc. Chỉ có nghề kỹ sư là tạm đủ ăn và trả nổi tiền thuê nhà trong khu đô hội là may lắm rồi, đừng mơ chi mua được căn nhà ngoại ô nào đó!

Sau khi lo xong sức khỏe cho cô Hoa Lan, cậu Chuột lên kế hoạch chở cô và chị lên núi trước khi trời đổ cơn mưa. Ngọn núi cao và đẹp, có tên là Blue Mountaine dĩ nhiên rất nổi tiếng, mùa đông thỉnh thoảng vẫn thấy tuyết rơi. Trên đỉnh bình yên có ba hòn núi đá đứng cạnh nhau nhìn xuống vực sâu, như truyền thuyết ba nàng con gái đứng chờ cha trở về chờ hoài chờ mãi đến hóa đá. Tương tự như Hòn vọng phu của quê hương ta. Tôi và Thi Thi đứng trên đỉnh núi cứ dõi mắt nhìn về xa xa tìm một hình bóng của Tu Viện Đa Bảo xa xưa, chỗ nào Sư phụ mình nhập thất ngồi viết sách, chỗ nào Người lạy Phật tụng kinh…

Ngày ba mươi tết, trong nhà cậu Chuột ồn ào náo nhiệt sửa soạn đón một cái Tết truyền thống, có bàn thờ ông bà tổ tiên lư hương nhang khói, dưa hấu bánh chưng và một ít vàng bạc, đô la của ngân hàng âm phủ do yêu cầu của ông em năn nỉ bà chị mang từ Việt Nam sang. Bà chị tuy mắng yêu em, đã biết Phật pháp rồi còn tin chi ba thứ dị đoan ấy, nhưng vẫn chiều em vì thấy em chưa bị mất gốc giữa chốn phồn hoa xứ người. Các cậu “Chuột anh“ và “Chuột em“ liếng thoắng mặc áo dài khăn đóng, kẻ xanh người đỏ thật đẹp mắt, ra nhận phong bì “lì xì“ để quay video trực tuyến qua Viber gửi về Sài Gòn cho ông bà nội xem.

Bên Úc đón giao thừa sớm nhất, trước Việt Nam đến bốn tiếng. Trời Úc vào mùa hè nóng kinh khủng, nhiệt độ trên 40 độ C là chuyện thường. Tôi và Thi Thi đã nhận chỉ thị của cậu Chuột từ trước, phải mang ít nhất hai chiếc áo dài đi lễ Chùa để chụp hình lưu niệm. Cô nàng kia chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh nên có được những tà áo dài tha thướt, phần cô Hoa Lan lười biếng nghĩ mình dù sao cũng về Việt Nam may áo mới nên khỏi vác theo lệ bộ. Ra đến chợ Bến Thành, thấy họ mời chào mấy chiếc áo dài cách tân ngắn cũn gọn gàng, thử vừa cái nào chọn nấy trông cũng không đến nỗi nào, lại vừa túi tiền nữa. Ai dè khi lên hình gửi về cho bạn bè ở nhà khoe áo mới, bị giũa te tua, nào là xúc phạm tới tà áo dài thướt tha truyền thống của Việt Nam, bị Trung Quốc đồng hóa từ từ với tà áo xẩm ngoại lai. Sợ quá! Không ngờ chỉ chút sơ xẩy mà suýt mang tội diệt vong, về đến Việt Nam tôi vội vàng ra tiệm đặt may luôn hai chiếc áo dài truyền thống quốc hồn quốc túy.

Tối ba mươi cả nhà khăn áo chỉnh tề đi lễ Chùa, các ngôi chùa mới xây tại khu phố chính của thành phố Cabramatta khá gần nhau có thể đi bộ từ chùa này sang chùa kia, nhưng chúng tôi vẫn dùng xe để di chuyển thật nhanh cho đủ số 10 Chùa lấy phước. Từ Thiền viện Minh Quang sang đến Vĩnh Nghiêm, rồi Ni viện Thiện Hòa đến Hưng Long, Viên Giác… Miễn sao đến giờ đón giao thừa phải có mặt tại ngôi chùa lớn Phước Huệ nghe đốt pháo đì đùng và xem bắn pháo bông sáng rực một trời hoa. Pháo nổ phải đốt đến ba phong nghe mới đã, chưa bao giờ tôi được nghe và xem đốt pháo nhiều ấn tượng đến thế, mũi còn được ngửi mùi pháo nồng nàn và sặc sụa đến phát ho. Trong khi ấy ở quê nhà Việt Nam từ mấy năm nay cấm đốt pháo dưới mọi thể loại, khiến ngày tết buồn như chấu cắn.

Sáng mùng một lại thay một kiểu áo dài mới đi hái lộc đầu xuân, nói thế cho đúng văn chương bài bản chứ đến chùa Pháp Bảo của HT Bảo Lạc mà hái lộc vặt hết lá của các cây hoa Anh Đào, loại lai giống của Nhật Bản, Thầy nâng niu trồng tỉa trong sân Chùa, là hết phước! Chùa Thầy hơi xa nên mãi đến xế chiều mới tìm ra, máy “navy“ không có đường tu nên chỉ hướng Casino đối diện Chùa Thầy, làm cậu Chuột quay tới quay lui đến ba lần định bỏ cuộc. Nhưng nghiệp lực của cô Hoa Lan và chị Thi Thi quá mạnh đã bắt cậu ta đậu xe trong bãi đậu của Casino, rồi băng qua mấy cái đèn đỏ trước mặt mới vào được cổng Chùa với nhiệt độ bên ngoài khoảng 43 độ C .

Trong Chánh Điện giờ đó đã vắng lặng, làm sao tìm được Thầy đây? Tôi hỏi Sư Cô ngồi bên bàn giấy, liền được câu trả lời rất đạo pháp:

-         Giờ này Hòa Thượng nghỉ ngơi rồi, khó gặp lắm! Có duyên sẽ gặp thôi!

Tôi vui vẻ ra ghế đá dưới bóng cây ngồi chờ duyên đến, trong khi cả nhóm dẫn nhau vào nhà bếp tìm nước uống. Chỉ chừng năm phút thôi, tôi đã thấy bóng Thầy thấp thoáng bên chậu hoa cúc trước thềm. Nhanh như cắt, tôi chạy lại chắp tay A Di Đà Phật chào Thầy, rồi vẫy gọi Thi Thi cùng vào chánh điện chụp hình với Thầy để gửi về Đức Quốc. Thầy vẫn quý cái nhóm Bút Nữ hay viết bài tường thuật khóa tu. Sau phần chụp ảnh là đến phần trao sách lưu niệm, tác phẩm mới nhất của Thầy “Pháp vị cam lồ“ được mang về hai cuốn, một tặng Ni Sư Linh Thứu một phần tôi. Rồi thêm báo xuân chùa Pháp Bảo, Văn hóa Phật giáo mừng xuân Đinh Dậu, tiện tay Thầy đưa luôn cuốn “Nước Úc trong tâm tôi“ của HT Như Điển với lời nhắn nhủ, sách in tại Úc. Ban đầu tôi cứ tưởng phải chở củi về rừng, bên đó Sư phụ tôi thiếu gì, nhưng khi nghe Hương Cau tha thiết đòi xin cuốn sách đó nếu ai đọc xong, tôi mới biết rằng bên Đức “rừng đã hết củi“. Và cũng chính nhờ cuốn sách này tôi mới có đủ tài liệu về nước Úc để viết bài này. Mô Phật!

Du Xuan Uc Chau_Hoa Lan (2)

Tác giả Hoa Lan, HT Bảo Lạc & Thi Thi

Phap Vi Cam Lo_HT Thich Bao Lac

(xem nội dung)



Chưa hết, Hòa Thượng còn dẫn đi giới thiệu toàn ban biên tập, từ Thầy Phổ Huân trụ trì chùa tới Sư Cô Giác Anh, một tay viết đắc lực. Dĩ nhiên tôi còn được tặng thêm cuốn “Thức biến hiện“ Một trăm pháp duy thức của Thầy Phổ Huân dày gần năm trăm trang. Ở hải ngoại, chuyên gia về Duy Thức học có HT Thắng Hoan ở Hoa Kỳ, Người tôi hay gặp tại các khóa Tu học Phật pháp Âu Châu. Lần này sang Úc châu được gặp thêm một chuyên gia nữa, tôi hứa sẽ về nghiền ngẫm chương “Học Duy Thức để chuyển nghiệp“ xem nghiệp của tôi sẽ chuyển về đâu?

Nếu khi thu xếp hành trang, tôi có lỡ than phiền là nặng quá kéo muốn trẹo cả tay, thì đừng ai chê tôi tham lam nhé! Chuyến đi này tôi đã mang về khá nhiều “Pháp Bảo“ của Sydney.

Trước khi giã từ ngôi chùa “trong mộng“ của tôi, cả bọn kéo nhau xuống phòng trai đường xếp hàng xin cơm. Ngày Tết mà! Đến chùa nào cũng phải ăn bữa cơm lộc đầu năm, từ sáng đến giờ hết phở rồi bánh mì, hủ tiếu các chùa bụng đã đầy căng. Nhưng sao cơm chay của chùa Pháp Bảo lại nấu ngon đến thế, món nào cũng tuyệt vời khiến cả bọn ai cũng tấm tắc khen lớn chứ không phải khen thầm. Nước uống cũng được phục vụ chu đáo, hoặc nước đá hột Chia giống như hột É hay nước cam vắt pha loãng. Xứ Úc nổi tiếng cam ngon, chẳng biết thưởng thức uổng lắm!

Ngày mùng hai tết trúng vào ngày chủ nhật nên cô bạn có tên của một nàng tiên trong Bích Câu kỳ ngộ, Giáng Kiều của Thi Thi, tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch cho hai người khách phương xa đi “Tour Sydney“ trọn ngày với giá xe điện ngầm hai đồng rưỡi Úc. Gần như cho không rồi còn gì, khiến ai nấy đều hí hửng hưởng trọn một ngày vui. Hai tuần sau cậu Chuột lên mạng truy ra một tin chấn động, giá đó chỉ dành cho dân bản xứ chứ người nước ngoài nếu soát vé sẽ bị phạt tới 400 Đô la Úc. Cậu ấy còn dọa thêm, nếu không có tiền trả sẽ bị dẫn độ ra phi trường tống về nước. Đúng là chuyên gia “Dọa“ và cũng là kinh nghiệm cho các du khách viếng Sydney.


Du Xuan Uc Chau_Hoa Lan (6)Du Xuan Uc Chau_Hoa Lan (7)Du Xuan Uc Chau_Hoa Lan (8)Du Xuan Uc Chau_Hoa Lan (9)

Giáng Kiều thật là tay chuyên nghiệp, trước khi leo lên xe lửa từ Cabramatta nhắm hướng trung tâm Sydney, nàng đã mua sẵn cho chúng tôi mỗi người một ổ bánh mì thập cẩm để trưa lót dạ và một chai nước suối. Sợ lên City giá cả đắt đỏ rồi tình nguyện tuyệt thực sẽ mất vui. Đến chân cầu Sydney Habour Bridge xuống bến leo lên cầu đi dọc từ đầu nọ tới đầu kia khoảng hơn một cây số, từ đó mới có tia nhìn toàn thể khu vực từ Nhà Hát Con Sò đến các cao ốc sừng sững nguy nga nằm bên ven biển. Bầu trời nắng xanh trong vắt chiếu xuống vùng nước biển xanh lơ, cảnh thế làm sao không đẹp cho được. Những tay có máu mạo hiểm sẽ mua vé vào nhóm thám hiểm leo lơ lửng trên thành cầu, được cột dây và trang bị quần áo đặc biệt để đong đưa cho khỏi té và giá cả cũng không rẻ gì.

Với vé tàu hai đồng rưỡi kể trên, chúng tôi được quyền leo lên các thuyền Taxi chạy từ bến cảng này sang đến bến cảng kia như Darling Habour, ngắm trời trăng mây nước chụp hình thỏa thích. Chẳng hạn ghé bãi biển Manly, cát mịn, biển xanh, nước trong và dĩ nhiên không có cá mập, nhưng chẳng ai muốn xuống tắm vì nước biển ở Nam Cực tương đối hơi lạnh đối với người Việt Nam. Khu trung tâm của Sydney cũng có nhiều ngôi nhà cổ xây theo kiểu Âu Châu khá đẹp, nằm khoe sắc trên những con đường nhỏ hẹp đầy các cửa tiệm bán kỷ vật cho du khách. Sang Úc muốn tìm thổ dân thứ thiệt hơi khó, nhưng loại “Thổ dân kiểng“ da ngăm vẽ trắng khắp mình mẩy ngồi thổi tù-và trên bến cảng bán các đĩa CD cho du khách là thấy đầy ra đấy! City của Sydney nhiều cảnh đẹp quá đi một ngày không đủ, nhưng không thể bỏ qua Queen Victoria Building, một tòa nhà thương mại lừng danh với các cửa hiệu trang trí theo lối cổ của Anh quốc ngày xưa, bán hàng hiếm quý và đắt tiền. Phía ngoài tòa nhà có bức tượng bằng đồng đen của Nữ Hoàng Victoria ngồi đăm chiêu nhìn xuống.

Sáng thứ hai mùng ba tết phải ra phố “Cáp-Ràm” gần nhà xem múa Lân và đốt pháo. Các cửa hiệu hoặc mới khai trương hay đầu xuân rước Lân vào đem may mắn kiểu tiền vào như nước, còn tiền ra thì nhỏ giọt, buôn may bán đắt một vốn bốn lời. Tôi và Thi Thi ngồi xem đã mắt nhưng tiền nước mía và rau má uống cho giải nhiệt thì hao tài tốn của đến phát sợ. Nước mía trung bình tùy theo cho đá ít hay nhiều từ ba đến bốn Đô, còn nước rau má quyệt thêm đậu xanh vào nữa cũng phải giá một tờ năm Đô có hình Nữ Hoàng Elisabeth đệ nhị.

Đến đây chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch viếng thăm Melbourne, ban đầu định thuê xe cho cả nhà đi, khoảng cách từ Sydney đến thành phố được tuyển chọn là thành phố đáng sống trong “Top Ten“ của thế giới là 876,1 km và cần khoảng 8 tiếng 46 phút chạy xe (tài liệu do bác Google cung cấp nên chính xác từng cự ly). Nhưng sau cô vợ của cậu Chuột có việc làm không nghỉ được, nên chỉ bốn người kiếm vé máy bay rẻ đi cho mau và đỡ mệt. Thành phố này một ngày có bốn mùa thay đổi, ban trưa nóng cỡ nào mặc kệ miễn sao buổi tối mát lạnh để khỏi vặn máy lạnh vừa tốn điện vừa khô mũi và cổ thật khó chịu. Nhà cửa với lối kiến trúc hơi giống Âu Châu, xây kiểu cọ khá cầu kỳ nên mang đến cho du khách một ấn tượng hình như đẹp hơn nhà ở Sydney. Và cuối cùng sau bốn ngày thăm viếng, du khách dù khó tính đến đâu cũng phải gật gù khen ngợi thành phố này đáng sống thật!

Ngay ngày hôm sau chúng tôi đã liên lạc với Thầy Nguyên Tạng để đến thăm Tu Viện Quảng Đức, mục tiêu chính khi đến thành phố Melbourne. Thầy cho giờ hẹn sau hai giờ trưa, vì buổi sáng có cuộc họp đầu năm của các vị Tăng Già. Chị Thanh Phi, người tôi hay phong cho chức “Ma Ma tổng quản“ trong Chùa, được Thầy giao cho nhiệm vụ tiếp đón “phái đoàn“ từ Đức sang, cũng nhiêu khê lắm chứ! Này nhé! Chị được thiên hạ tặng cho câu vè “Một nhà, hai chùa, ba chợ“, nghĩa là ngoài ba nơi ấy chị vô tình hay cố ý không biết nơi nào khác nữa. Đã thế lại ăn chay trường làm sao biết được chỗ nào bán phở ngon để đãi khách đây? Nhưng không sao, khi dẫn đến khu thương xá Little Sàigòn vừa bị cháy hôm hăm mấy tết, chỉ đi ngang thôi mùi thịt cá bị cháy rụi cả tuần rồi vẫn bay hơi nồng nặc. Cũng chẳng nên ảo não làm gì, thiên hạ đang sửa soạn xây khu mới tối tân và hiện đại hơn nhiều! Trở lại chuyện chị Thanh Phi dẫn chúng tôi đi tìm tiệm phở, vừa đi chị vừa lẩm bẩm:

-         Con trai mình chỉ hiệu phở gia đình hay ăn khá ngon, ở gần đâu đây?

Có bao giờ đặt chân tới đâu, nên chị lộn tới lộn lui bước vào tiệm rồi thấy không phải lại đi ra. Cuối cùng kiếm ra được tiệm phở Hùng Vương, chị vui sướng ra mặt tự thưởng cho mình một tô bún chả giò chay, nhưng chắc không ngon bằng chị nấu ở nhà nên đành bỏ dở, trong khi chúng tôi thi nhau chiến đấu đến cọng phở cuối cùng vì bị bỏ đói từ hôm qua. Lý do lúc nào cũng đơn giản, vì đi hãng máy bay Jetstair của Úc thuộc loại “bình dân học vụ“ không cho ăn lẫn uống. Bấm bụng lắm mới gọi mỗi người một tô phở Úc giá 7 Đô, viết hẳn hòi chữ Phở bằng tiếng Việt trên thực đơn. Cả bọn hãnh diện cho cộng đồng người Việt tại Úc đã đem văn hóa ẩm thực lên tận chín tầng mây, nhưng khi bưng ra cũng chỉ là tô phở gói chế nước sôi mà thôi. Tuy được quảng cáo trên thực đơn, với thịt bò đặc biệt của xứ Tân Tây Lan thật hấp dẫn.

Trở lại chuyện chính cho buổi gặp gỡ Thầy Nguyên Tạng tại Tu Viện Quảng Đức, Người mà những cây bút nữ nào đã gửi bài đến đăng trên Trang nhà Quảng Đức đều phải nhớ ơn! Thầy gặp phái đoàn chúng tôi rất vui, mời tất cả lên hội trường có cây mai vàng chụp ảnh. Mỗi người được cầm một bút pháp của Thầy viết chữ Phật trên giấy đỏ và tặng chúng tôi cuốn Kỷ yếu Đại hội khoáng đại kỳ V - 2016 với nhiều hình ảnh sống động in rất đẹp. Thầy có việc phải đi ngay, giao chúng tôi lại cho chị Thanh Phi rồi lên xe cười thật tươi chào tạm biệt. Lúc ấy Ôn Viện Chủ Tâm Phương bước vào hội trường bên dưới chánh điện, chị Thanh Phi kéo tay chúng tôi đến xin chụp ảnh lưu niệm với Ôn vì đây là dịp may hiếm có, ít khi nào được gặp Ôn.


Du Xuan Uc Chau_Hoa Lan (3)
Thi Thi, TT Nguyên Tạng, tác giả Hoa Lan & Thanh Phi

Du Xuan Uc Chau_Hoa Lan (4)
Thi Thi, Ôn Viện Chủ Thích Tâm Phương, tác giả Hoa Lan & Thanh Phi


Sau khi chia tay chị Thanh Phi, bịn rịn hồi lâu vì không biết đến bao giờ mới gặp lại. Chị dễ thương quá! Người đâu trông nhu mì, đoan trang đến thế thì thôi, chẳng bù với hai cô cháu tôi không biết dùng từ nào để diễn tả cho đúng đây! Chúng tôi phải nhắm hướng trung tâm của Melbourne đi khám phá cái thành phố đáng sống này. Dĩ nhiên chúng tôi đi theo nghiệp lực dẫn dắt, cô và chị đã đến Chùa nhiều rồi, lần này phải để Chuột dẫn vào Casino Crown rửa mắt cho choáng váng với cái hào nhoáng và tráng lệ của các sòng bài. Chẳng con ma cờ bạc nào mời chào nổi tôi, đi cho biết đó biết đây thế thôi! Buổi tối thăm viếng China Town xem tôm cua và bào ngư sống bám trên thành hồ nuôi chưng ngay trước cửa tiệm để quyến rũ khách hàng. Xứ Úc nổi tiếng là nơi cung cấp bào ngư ngon nhất nhì thế giới, đụng vào món này trong nhà hàng Tàu chỉ có nước cháy túi. Nước Úc có khoảng mười mấy loại bào ngư khác nhau tùy theo hình dáng và màu sắc. Nghe nói món cháo bào ngư chỉ dành cho nhà giàu, nên có lần Thi Thi mua rẻ được ngoài chợ bèn trổ tài nấu, thái dầy quá nên dai như quai guốc. Tôi phải ngừng tả chân các món về bào ngư kẻo Thi Thi bảo, viết cho báo Chùa mà kích động lòng trần của người ta nhiều quá!

Ngày thứ ba trong bốn ngày ghé Melbourne, chúng tôi dự tính buổi sáng đi thăm các khu chợ Việt ở vùng Springvale, ăn cơm phần được chỉ ba món và uống nước mía nhãn hiệu Bio. Sau khi no nê rã rời xong buổi chiều mới lái xe hơn một trăm cây số đến đảo Chim Cánh Cụt - Penguin Island, xem hàng hàng lớp lớp các sinh vật dễ thương này đi diễn hành về chỗ ngủ. Đến nơi đã năm giờ chiều tưởng trễ nhưng mặt trời vẫn còn chiếu, các con Chim Cánh Cụt vẫn chưa chịu đi ngủ, vẫn vùi đầu vào cát che phủ cả toàn thân. Tôi vì tiếc hai mươi lăm Đô cái vé vào cửa nên chấp nhận đứng ngoài chờ, loại chim này tôi đã thấy khá nhiều rồi đâu cần phải phí phạm nữa. Cũng vì quyết định này tôi đã trải qua một thử thách trong vòng năm tiếng đồng hồ, từ năm giờ chiều đến mười giờ đêm về con đường tu của tôi, xem tới điểm nào!

Giờ đầu tiên thật thoải mái, ngồi bên ghế đá hong nắng gió thổi hiu hiu, xem hình ảnh thơ từ trong máy điện thoại, thấy cảnh đẹp chung quanh bấm vài tấm. Ôi! Thần tiên chi lạ! Thỉnh thoảng lại đứng dậy đi Thiền hành, nghĩa là đi tới đi lui trong chánh niệm, miệng niệm thêm vài câu A Di Đà Phật. Có phải tôi đang ở trên cõi tiên hay không? Có lẽ mình đã tu thập thiện rồi. Chắc thế! Nhưng cũng hơi sai một tí, cõi tiên chỉ biết hưởng phước chứ đâu có trí mà biết niệm Phật!

Giờ thứ hai, máy điện thoại của tôi nhắn tín hiệu sắp hết pin, trời càng về chiều càng trở gió, vùng biển mà! May là tôi còn mang theo một cái áo len cho vùng trời một ngày có bốn mùa này và một chai dầu gió lúc nào cũng ở trong túi. Từ từ tôi cảm nhận, mình đã tiêu gần hết phước đức tích trữ từ lâu trong mấy tuần nay, đã đến lúc bị đá về lại cõi Ta Bà cho tu tiếp, không sẽ đi thẳng từ cõi tiên xuống địa ngục chẳng “quá cảnh“ ghé Ta Bà.

Giờ thứ ba dài đằng đẳng, các xe buýt chở khách du lịch đa số là Trung Quốc ào ạt tiến vào, sao chẳng thấy họ hàng nhà Chuột bước ra? Tôi rơi tõm vào địa ngục trần gian mất rồi! Vừa lạnh, vừa đói, vừa mỏi lưng, vừa buồn ngủ… không còn nỗi thống khổ nào hơn nữa. Nhưng phần tâm linh của tôi thì vẫn Ok, tôi không trách móc gì cái gia đình nhà Chuột này, tại tôi quyết định mà! Tôi cầu mong cho họ vui chơi, xem cho đáng đồng tiền bát gạo, vé vào cửa quá đắt đi thôi. Rồi thời gian còn lại tôi tập trung vào việc niệm Phật và đi kinh hành như những tập quán quen thuộc trong các khóa tu tịnh độ của Chùa nhà. Vừa đi tôi vừa ngắm Sao Hôm với vầng trăng lưỡi liềm thật sáng trên nền trời Nam Cực, rồi nhớ đến câu ca dao bà nội tôi hay đọc ngày xưa:

          Có Hôm thì chẳng có Mai.

          Kìa như Sao Vượt đợi ai giữa trời.

Từ đó tôi bay thẳng lên cõi tiên trở lại, tâm hồn rất thư thái không cần nhìn đồng hồ xem bao giờ vở tuồng “Chim Cánh Cụt - Diễn hành“ (Penguin Parade) chấm dứt.

Gần mười một giờ đêm chúng tôi mới lên xe trở về Melbourne, chưa ra khỏi đường lớn đã thấy ba con Kangaroo từ trong bụi phóng ra theo hướng của đèn ô-tô, nhảy tưng tưng trước mặt. Thi Thi thích quá la lớn bắt cậu em dừng lại để chiêm ngưỡng hình ảnh sống động lần đầu tiên được nhìn thấy trong đời.

Sáng hôm sau được ngủ bù thỏa thích trước khi trả phòng về lại Sydney. Chuyến bay sau 19 giờ nên chúng tôi còn được dự Hội chợ Tết Melbourne vùng Ascotvale, một cái Tết truyền thống mang nhiều nền văn hóa Việt được phủ rợp bóng cờ vàng. Bà Thị Trưởng người Úc, mặc váy đầm đội nón lá lên đọc diễn văn. Đại diện tôn giáo có hình ảnh bộ Y vàng phước điền của Thầy Nguyên Tạng, với nụ cười rạng rỡ lúc nào cũng xuất hiện trên khuôn mặt đã được nhận diện từ đằng xa. Thầy hân hoan khoe thành tích cô Phật tử trẻ của Tu Viện Quảng Đức được vinh danh trong số mười mấy cô cậu, đã đạt được số điểm trên 98 trước ngưỡng cửa của Đại học.

Du Xuan Uc Chau_Hoa Lan (5)
TT Nguyên Tạng và đệ tử Tracey Diệu Hoàng (học sinh VCE đạt điểm 99.45)
được vinh danh tại Hội Chợ Tết  người Việt Tự Do Úc Châu tại Melbourne Showground
(xem thêm hình ảnh về sự kiện này)




Tình cờ tôi gặp chị Thảo, ngày xưa làm việc ở Quảng Ngãi nên thân với Nhật Hưng, chị ngồi trên quầy “Xin chữ ký lập kiến nghị gởi Hội đồng thành phố Yarra xin hỗ trợ cờ vàng“, một gian hàng của Cựu Quân Nhân. Khăn quàng cổ của chị cũng màu cờ vàng bên cạnh một chiếc dù cũng màu vàng ba sọc đỏ. Lập trường của chị đã kiên cố như lập trường của người em trai chị, đã bao năm tranh đấu cho cộng đồng người Việt tỵ nạn CS tại Úc Châu.

Thôi thế cũng đủ cho một buổi du xuân Tết Festival 2017 tại Melbourne, chúng tôi phải đi trả xe tại phi trường và lo thủ tục lên máy bay. Luyến tiếc cái thành phố này chỉ nên để trong tim cho thổn thức một tí tẹo thôi, đừng để câu vè “Xứ Úc đi dễ khó về“ lôi cuốn mà khổ thân.

Sáng hôm sau chủ nhật cả nhà lại rủ nhau đi hội chợ Tết tại Sydney, trời nóng như đổ lửa chỉ cần dội nước mía đá lạnh vào ruột là mát ngay. Ngoài những mục truyền thống như làng xuân đầy các hoa lá cành ngày tết, ban tổ chức làm một màn đếm số người đội nón lá cột quai hình cờ vàng thật ngoạn mục. Họ cần trên một ngàn người để đi vào kỷ lục, dĩ nhiên cả nhà Chuột chúng tôi cũng bị lùa vào góp phần cho ban tổ chức đạt được kỷ lục “Người Việt đội nón lá nhiều nhất thế giới“, chẳng biết có được ghi vào Guiness Book hay không?

Thế hệ trẻ thứ hai của người Việt di dân tại Úc rất thành công, không cần tìm kiếm đâu xa. Cậu MC điều khiển chương trình văn nghệ được giới thiệu là bác sĩ, người ca sĩ cao lớn điển trai hát bài “Đón xuân“ là luật sư. Họ đa tài và đa dạng lắm!

Trước gian hàng Hội Thương Phế Binh QLVNCH / NSW có trưng bày một chiếc xe Jeep mới toanh láng cón, đằng sau treo bộ quần áo binh chủng Dù hay Thủy Quân Lục Chiến, cho khách du xuân mặc thử ngồi xe chụp ảnh.

Đến Sydney mà không hỏi thăm anh Quảng Trực, người hay viết bản tin thế giới trong báo Viên Giác là hơi thiếu sót. Nhờ Hương Cau cho số điện thoại bàn nên đã gọi hỏi thăm khi chúng tôi còn ở Melbourne, định bụng về lại Sydney sẽ có màn cà phê cà pháo gặp nhau trong hội chợ Tết. Nhưng gọi trễ quá, không ai có nhà trong một ngày chủ nhật đầu xuân nóng như thiêu như đốt này cả.

Các Thổ Dân Úc ít ra còn được hưởng một Ngày Xin Lỗi tức Sorry Day của chính quyền sở tại vào ngày 26 tháng 5, bắt đầu từ năm 1997. Sau khi chính phủ dùng biện pháp mạnh, lùa khoảng 35 ngàn Thổ Dân nhi đồng vào các trại tập trung để tẩy não làm mất nguồn gốc rồi nhồi nhét các nền văn hóa mới vào. Nhưng các tổ chức nhân quyền đâu để họ dễ dàng thực hiện chuyện ấy, nào là Mabo-Prozesses năm 1995 điều tra thẳng tay với những khẩu hiệu “Hãy mang những trẻ em trả lại cho cha mẹ chúng“. Từ đấy suy ra, các Thổ Dân muốn được tự do tụ tập trong ngày hóa giải này phải biết đấu tranh dành quyền sống.

Viết về xứ Úc mà quên tả trái cây hoa quả bốn mùa thì thiếu xót lắm, nhất là trái cây “sạch“ do thượng đế đãi ngộ cho vùng đất màu mỡ, nắng ấm chói chan. Cần gì phải xịt thuốc, tiêm tẩm cho mau chín như ở Việt Nam, cứ để tự nhiên sầu riêng, xoài, nhãn, vải thiều, cam, táo, đu đủ… ăn hoài không hết. Dân Âu Châu như chúng tôi vớ được món bở, tha hồ bóc vải thiều ăn đến nóng cả cổ. Nhưng hình như người dân ở đây chê trái cây trông rất hững hờ, họ nhìn chúng tôi say sưa bên rổ trái cây như những vật thể xa lạ từ hành tinh nào đến.

Đất đai xứ Úc quá rộng lớn, nhà cửa san sát chỉ tập trung ở đô thị, còn ra xa xa một tí thì mênh mông toàn rừng cây hay cỏ khô vàng cháy, thấp thoáng mới gặp một mái nhà chơ vơ đơn điệu. Tôi trộm nghĩ, ở đây yên tịnh thật nhưng nhỡ cháy rừng hay nhồi máu cơ tim thì sao nhỉ? Chẳng biết có máy bay trực thăng của nhà thương đến cứu không? Lòng thầm phục nhà văn Lệ Hằng đã bao năm ẩn mình trong rừng cây tĩnh mịch.

Bài tường thuật về chuyến du xuân xứ Úc của tôi có vẻ hơi giống như một chuyến hành hương thăm các Chùa nhiều hơn là đi khai phá xứ Úc, tôi không có khả năng đó mà! Đến Chùa nào nếu có cơ hội nói chuyện với vị Trụ trì, tôi đều giới thiệu mình là đệ tử của HT Như Điển, Sư phụ mình khá nổi tiếng ở địa bàn này từ những năm 1980, cố vấn tối cao trong việc sáng lập ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên xứ Úc: Pháp Bảo. Ngài Viện chủ đã dẫn tôi lên tận nóc Chùa chỉ tấm bảng bằng đồng thật to cho tôi chụp hình về nghiên cứu, ghi tên các vị có công gây dựng ngôi Chùa.

Du Xuan Uc Chau_Hoa Lan (10)

Ni Sư trụ trì Ni viện Thiện Hòa ở Cabramatta, vừa xếp mấy món thức ăn chay để phát hành ngày tết, vừa kể chuyện về Ôn Như Điển cho tôi nghe. Thật thích!

Về đến Việt Nam, lên Đà Lạt trọ ở nhà người bạn cũng gần Chùa Vương Xá, gặp Sư Bà Như Khánh cũng đã một lần sang Đức viếng chùa Viên Giác. Sư Bà còn tặng cho cuốn Văn hóa Phật giáo trong đó có bài của HT Như Điển và Thầy Nguyên Tạng. Chẳng lẽ lại trích Kinh Hoa Nghiêm “Tất cả là một, một là tất cả“ cho các câu chuyện tình cờ như thế này sao?

Văn Hóa Phật Giáo, số 246-a

(Kính mời xem báo Văn Hóa Phật Giáo)



Để kết thúc bài viết, tôi xin được trích dẫn một đoạn trong trang cuối của tác phẩm thứ 65 của Sư phụ tôi: “Quả thật niềm vui của người viết sách không phải hay hoặc dở, mà điều mình viết ra có ai quan tâm không? Chỉ ngần ấy thôi là tác giả cũng vui rồi“. Tôi đã làm Sư phụ vui khi đã đọc tác phẩm “Nước Úc trong tâm tôi“ từ đầu đến cuối, chẳng những một lần mà lật tới lật lui đến sờn cả gáy sách trước khi gửi đi tặng lại cho mọt sách Hương Cau.

Nam Mô Hoan Hỉ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

Hoa Lan - Thiện Giới.

Đầu Xuân Đinh Dậu 2017.

 

 

 

 

 

 

                                         

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/01/2018(Xem: 4431)
40 Năm Ở Mỹ, sách của TT Thích Từ Lực
11/01/2018(Xem: 5082)
Vào những năm đầu của thập niên 2000, khi cây bút đang còn sung sức, tôi viết rất nhiều bài về danh lam thắng cảnh trên quê hương Nha Trang của mình để giới thiệu trên các báo và tạp chí khắp đất nước. Trong số đó, hiển nhiên là có bài viết về ngôi chùa đã lưu nhiều hình ảnh, dấu ấn kỷ niệm vào ký ức tuổi thơ của tôi với tên gọi thân quen mộc mạc: “Chùa Núi Sinh Trung”.
08/01/2018(Xem: 11173)
Hồi còn tại thế xưa kia Trên đường giáo hóa Phật đi qua làng Ngài đi cùng ông A Nan Khai tâm gieo ánh đạo vàng giúp dân. Đang đi ngài bỗng dừng chân Bước quanh lối khác có phần xa thêm Ông A Nan rất ngạc nhiên Vội lên tiếng hỏi. Phật liền giảng ra: "Này A Nan phía trước ta Có quân giặc cướp thật là hiểm nguy Sau ta ba kẻ đang đi Gặp quân giặc đó khó bề thoát qua!"
08/01/2018(Xem: 9353)
Ở bên Ấn Độ thuở xưa Nơi thành Xá Vệ, buổi trưa một ngày Gia đình kia thật duyên may Phật thương hóa độ, dừng ngay tại nhà, Tiếc thay chồng vợ tỏ ra Tham lam, độc ác, xấu xa, hung tàn. Hóa thành một vị đạo nhân Phật đi khất thực dừng chân trước thềm Ôm bình bát, đứng trang nghiêm, Anh chồng đi vắng, vợ liền nhảy ra Tay xua đuổi, miệng hét la
07/01/2018(Xem: 7746)
Sau mỗi lần có dịp viếng thăm các chứng tích như tượng đài, lăng mộ, viện bảo tàng, nhà lưu niệm, ..., của những nhân vật mà cuộc đời phần nào liên quan đến đời sống vật chất hay tinh thần, sự thịnh suy ,... của một nhóm người, một dân tộc, một vùng, một quốc gia,..., tôi ra về lòng những bâng khuâng với hai câu : Những người muôn năm cũ Hồn ở đâu bây giờ ? trong bài thơ Ông Đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên.
21/12/2017(Xem: 3767)
Anh sinh ra và lớn lên ở miền gió cát khô nóng Phan Rang. Là một Phật tử thuần thành, lại được phước báu khi có đến hai người con trai xuất gia, nên nhân duyên đưa đẩy đã trở thành đạo hữu của tôi qua nhiều lần hội ngộ lạ lùng ở các thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Kết tình đạo hữu với nhau đã gần mười năm rồi, mỗi lần gặp mặt, tôi và anh đều tay bắt mặt mừng, trò chuyện thân mật, nhưng người huyên thiên lúc đàm đạo là anh, còn tôi thì cứ chỉ biết gật gù, mỉm cười, họa hoằn lắm mới buông một đôi câu phụ họa. Anh quý mến tôi ở điểm đó.
15/12/2017(Xem: 6288)
Hương Lúa Chùa Quê" Bản Tình Ca Quê Hương của nhị vị Hòa Thượng Thích Bảo Lạc và Thích Như Điển. Sau khi đọc tác phẩm “Hương Lúa Chùa Quê” chúng con không dám mong ước giới thiệu sự nghiệp văn học, văn hóa cả đạo lẫn đời của nhị vị Hòa Thượng. Vì công trình tạo dựng sự nghiệp của các bậc xuất sĩ không nằm trong “nguồn văn chương sáng tác”. Vì xuyên qua mấy chục năm hành đạo và giúp đời, nhị vị đã xây dựng nhiều cơ sở Phật giáo đồ sộ trên nhiều quốc độ khác nhau như: chùa Pháp Bảo tại nước Úc; chùa Viên Giác và Tu viện Viên Đức tại nước Đức. Nhị vị cũng đã mang ánh Đạo vàng đến khắp muôn nơi, soi sáng cho bước chân “người cùng tử” được trở về dưới mái nhà xưa, để thấy lại “bóng hình chân nguyên”; dẫn đường cho những người chưa thể “tự mình thắp đuốc lên mà đi” được tìm lại “bản lai diện mục”. Đó mới gọi là “sự nghiệp” của bậc xuât sĩ. Điều nầy đã có lịch sử ghi nhận từ mạch nguồn công đức biểu hiện và lưu truyền.
15/12/2017(Xem: 86953)
Trải hơn 25 thế kỷ, Chánh Pháp của Phật vẫn được tuyên dương và lưu truyền bởi hàng đệ tử xuất gia lẫn tại gia, đem lại giải thoát và giác ngộ cho những ai học hỏi và thực hành đúng đắn. Chánh Pháp ấy là thuốc hay, nhưng bệnh mà không uống thì chẳng phải là lỗi của thuốc. Trong kinh Di Giáo, đức Phật cũng ân cần huấn thị lần chót bằng những lời cảm động như sau: “Thể hiện lòng đại bi, Như Lai đã nói Chánh Pháp ích lợi một cách cứu cánh. Các thầy chỉ còn nỗ lực mà thực hành… Hãy tự cố gắng một cách thường trực, tinh tiến mà tu tập, đừng để đời mình trôi qua một cách vô ích, và sau này sẽ phải lo sợ hối hận.” Báo Chánh Pháp có mặt để góp phần giới thiệu đạo Phật đến với mọi người. Ước mong giáo pháp của Phật sẽ được lưu chuyển qua những trang báo nhỏ này, mỗi người sẽ tùy theo căn tánh và nhân duyên mà tiếp nhận hương vị.
29/11/2017(Xem: 6611)
Trong loạt bài Kể Chuyện Đường Xa lần này, người viết đặt thêm tên cho mục này Vòng Quanh Thế Giới, để có cùng tên với loạt phóng sự sẽ đưa lên tvtsonline.com.au với nhạc hiệu mở đầu của bài “Vòng quanh thế giới” người viết sáng tác gần bốn thập niên trước đây. Từ năm 1990, chúng tôi đã bắt đầu viết bút ký với chuyến đi Bangkok (Thái Lan) và loạt bài cuối cùng là chuyến du lịch Âu Châu vào năm 2015.
27/11/2017(Xem: 4826)
Nếu chấp nhận thuyết nhân duyên của Đạo Phật thì có thể dễ dàng, giải thích cho mọi tình huống và mọi sự việc xảy ra trong cuộc đời nầy. Nhân duyên hay duyên sanh cũng tương tự với nhau. Đó là: „Cái nầy có cho nên cái kia có; cái nầy sanh cho nên cái kia sanh. Cái nầy diệt, cho nên cái kia cũng diệt theo“. Không ai trong chúng ta có thể biết trước được việc gì sẽ xảy đến cho mình về sau nầy cả; dầu cho chúng ta có cố gắng làm mọi việc tốt đẹp trong hiện tại; nhưng dư báo trong quá khứ, ai biết được thiện, ác còn lại bao nhiêu mà lường được. Chỉ khi nào nắp quan tài đậy lại trong kiếp nầy, thì lúc ấy ta mới biết được cái quả trong hiện tại là cái nhân như thế nào mà trong quá khứ của chúng ta đã gây ra và chính cái quả của ngày hôm nay sẽ là cái nhân cho ngày sau nữa.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]