Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nước Úc Trong Tâm Tôi

06/07/201608:38(Xem: 6677)
Nước Úc Trong Tâm Tôi

Cover_Nuoc Uc Trong Tam Toi_HT Nhu Dien-1

LỜI NÓI ĐẦU

 

 

          Hôm nay là ngày 10 tháng 6 năm 2015, tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc, tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 65 của mình với tựa đề là “Nước Úc trong tâm tôi” để sang năm 2016 sẽ xuất bản và ấn tống. Tác phẩm nầy được viết trong mùa An Cư Kiết Hạ lần thứ 31 của năm Ất Mùi, nghĩa là từ năm 1984 đến nay (2015) cứ mỗi năm ba tháng như vậy, Thầy trò chúng tôi có trọn vẹn 3 tháng an cư tại chùa Viên Giác thật là an lạc.

Chương trình mỗi ngày được bắt đầu từ 5 giờ 45 sáng. Đại Chúng vân tập nơi Tổ Đường để xá Tổ, sau đó lên Chánh Điện, hô canh và tọa thiền 15 phút. Sau khi xả thiền, Đại Chúng bắt đầu trì tụng Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm, phần giữa của thời khóa có kinh hành niệm Phật ba vòng, tiếp đó lạy danh hiệu của chư Phật, Bồ Tát và Thánh Chúng độ 35 lạy. Sau thời công phu khuya ai về phòng nấy để nghỉ ngơi hay hành trì tiếp, hoặc tập thể dục. Đúng 8 giờ sáng là giờ điểm tâm của Đại Chúng, ai nấy đều tỉnh thức trong lúc dùng sáng, không nói chuyện, mà câu chuyện hằng ngày chỉ được bắt đầu khi mọi người đã điểm tâm xong. Từ 9 đến 11 giờ sáng là giờ tu tập riêng của mỗi người. Vào lúc 11 giờ trưa là giờ quá đường, kinh hành nhiễu Phật và tụng kinh. Độ 12 giờ trưa thì nghi thức cúng quá đường xong, mọi người về phòng mình để nghỉ trưa.

Từ 2 giờ 30 đến 5 giờ chiều theo thông lệ hằng năm là giờ học Kinh Bộ của Đại Chúng; nhưng năm nay tôi chủ trương san định lại toàn bộ quyển số 32 thuộc Luận Tập Bộ Toàn của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh mà tôi có nhân duyên đã dịch bộ nầy từ năm 2004 tại Úc, nhân những lần tịnh tu nhập thất tại đó. Nguyên văn bằng chữ Hán cổ và tôi đã dịch sang Việt ngữ, nhưng câu văn và ý tứ chưa rõ ràng lắm; nên năm nay (2015) Thầy Hạnh Bổn có đề nghị tôi nên thỉnh Thầy Trí Học từ Đài Loan qua chùa Viên Giác trú tại đây 3 tháng để giúp cho việc hiệu đính nhanh hơn. Vì lẽ Thầy ấy là người Hoa nên sẽ dễ hiểu ý nghĩa tiếng Hoa hơn chúng ta là người Việt. Ngoài ra Thầy còn giỏi tiếng Nhật và tiếng Anh nữa; nên tôi đã an tâm để bắt đầu công việc nầy vào mùa hạ năm nay. Ngày đầu có Thầy Hạnh Bảo tham gia và sau đó thường xuyên hơn thì có tôi, Thầy Trí Học, Thầy Hạnh Giới, Thầy Hạnh Nhẫn và Thầy Hạnh Bổn lo công việc san định mỗi ngày 2 tiếng đồng hồ như vậy.

Đầu tiên Thầy Hạnh Bổn đọc lên câu văn tiếng Việt mà tôi đã dịch sang Việt ngữ từ máy computer, sau đó Thầy Hạnh Nhẫn đọc âm Hán Việt cũng như dịch lại ý câu văn một lần nữa, trong khi Thầy Hạnh Giới vẫn theo dõi cách chấm câu bên bản tiếng Hán của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, thì Thầy Trí Học nghe tiếng Việt và chỗ nào chúng tôi không rõ nghĩa thì nhờ Thầy ấy cắt nghĩa bằng tiếng Phổ Thông qua cách hành văn của Càn Long Đại Tạng. Từ đó chúng tôi có một điểm chung và Thầy Hạnh Bổn sửa vào bản điện tử tiếng Việt mà tôi đã dịch sẵn rồi. Làm việc thận trọng từ câu văn dịch chữ Hán sang tiếng Việt và cuối cùng cả 5 người, trong đó có cả tôi là người chịu trách nhiệm chính cho công việc nầy cũng có mặt để sửa đổi lần cuối. Hy vọng là anh Nguyễn Minh Tiến chủ biên trang nhà “Rộng mở tâm hồn” và các trang điện tử khác có thể xử dụng những bản dịch của chúng tôi mà độ tin cậy có thể nhiều hơn của lần dịch trước. Thầy trò cặm cụi làm việc, thời gian 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày qua rất nhanh trong ba tháng hạ, nhiều lúc cũng rất căng thẳng vì “tánh không” của Ngài Long Thọ chủ trương trong luận nầy, khi chúng tôi chưa rõ hết ý của Ngài. Tuy nhiên mọi việc rồi cũng đã qua đi với sự kiên nhẫn, trì chí của những người làm văn hóa miệt mài trong vấn đề dịch thuật nầy.

Đến 5 giờ chiều là thời khóa công phu tại Chánh Điện do Thầy Hạnh Lý hướng dẫn, đôi khi có quý Sư Cô và các Phật Tử đi cùng Thầy ấy để tụng kinh A Di Đà cùng nghi Mông Sơn Thí Thực. Vào lúc 6 giờ 30 chiều là giờ Tiểu Thực. Trong mùa An Cư Kiết Hạ tôi hay dùng cháo, vì lẽ để dễ tiêu hóa và tối đó còn lễ Phật cũng như tọa thiền mà không ảnh hưởng.

Trước 8 giờ tối các Thầy có phiên lạy Phật cũng như những vị khác vân tập nơi Tổ Đường để đảnh lễ Tổ, tiếp đến lên chánh điện và bắt đầu lễ Phật mỗi chữ mỗi lạy trong kinh Đại Bát Niết Bàn. Thông thường mỗi tối chúng tôi lạy được 300 đến 350 lạy tùy theo Thầy Duy Na thủ khánh nhanh hay chậm. Tiếp đến ngồi Thiền và xả Thiền sau 15 phút. Nhìn đồng hồ, bây giờ là 10 giờ kém, tức gần 22 giờ đêm. Chúng tôi về lại phòng nghỉ ngơi cho đến sáng hôm sau. Trong 90 ngày an cư kiết hạ của mỗi năm đều như vậy, chỉ trừ tối chủ nhật, hay những lần tôi đi Phật sự ra ngoài thì không lạy; nhưng Đại Chúng ở chùa vẫn trì tụng các bộ kinh khác.

Tiện đây cũng xin bày tỏ một vài nỗi niềm và những điều cần hiểu biết để quý độc giả lãm tường. Trong luật dạy rằng: “Ngũ hạ dĩ hậu thị A Xà Lê vị, Thập hạ dĩ thượng thị Hòa Thượng vị”. Nghĩa là: “Năm Hạ trở đi, ở ngôi vị A Xà Lê;  Mười hạ hay hơn, ở ngôi vị Hòa Thượng”. Thông thường ở những Đàn Giới hay có những phẩm vị nầy để cung an chức sự vào ngôi vị của Tam Sư Thất Chứng. Đó là vị Hòa Thượng Đàn Đầu ngồi ở giữa, hai vị Yết Ma và Giáo Thọ A Xà Lê ngồi hai bên, kế tiếp là 7 vị Tôn Chứng. Do vậy một giới đàn đầy đủ theo luật, gọi là “Tam Sư Thất Chứng”.  Từ đó mà nhìn, vị Hòa Thượng khi truyền giới, nếu không an cư kiết hạ mỗi năm 3 tháng, thì dẫu cho tuổi đời có 50, 60 hay 70 đi nữa, mà tuổi đạo chưa có ngày nào, thì ít được cung thỉnh vào ngôi vị Đàn Đầu và A Xà Lê nầy. Ngược lại có những vị tuổi trẻ, sau 20 tuổi thọ Tỳ Kheo và An cư liên tục trong 5 hay 10 năm thì cũng có lắm giới đàn cung thỉnh những vị ấy làm Đàn Đầu Hòa Thượng hay A Xà Lê cũng là chuyện bình thường.

Riêng tôi, thọ Tỳ Kheo từ năm 1971 tại Tu Viện Quảng Đức ở Thủ Đức Việt Nam, khi cố Hòa Thượng Thích Quảng Liên còn trụ thế, mãi cho đến năm 1984, trong khoảng thời gian hơn 10 năm ấy tôi miệt mài học tập tại Nhật Bản cho đến năm 1977 và khi qua Đức mãi cho đến năm 1984 túc số Tăng mới đủ 4 vị Tỳ Kheo, nên bắt đầu kiết giới an cư từ đó đến nay, thế mà đã 31 năm liên tục như thế rồi. Do vậy, ở các Đàn Giới quan trọng tại Hoa Kỳ, Úc Châu hay Âu Châu tôi vẫn được cung thỉnh vào ngôi vị Tuyên Luật Sư, hay Đàn Đầu Hòa Thượng (cho những giới đàn Sa Di và Bồ Tát) cũng như Yết Ma, Giáo Thọ và Tôn Chứng trong nhiều nơi khác nhau.

Năm 1984, tôi ở tuổi 35, lúc ấy còn mạnh khỏe, khi thấy các Cụ Bà, Cụ Ông đi chùa muốn lễ Phật, nhưng rất khó khăn, khi đứng lên ngồi xuống. Do vậy tôi phát nguyện rằng: Cứ mỗi năm nhân mùa An Cư Kiết Hạ con xin phát nguyện lạy kinh, cho đến khi nào không còn đứng lên ngồi xuống được nữa để lạy Phật mới thôi và lời phát nguyện chân thành ấy đã trải qua 31 năm tròn rồi. Nếu lúc ấy không phát nguyện thì thời gian trong 31 năm rồi cũng sẽ trôi qua một cách nhanh chóng mà thôi. Đầu tiên tôi phát nguyện lạy 500 danh hiệu của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát cùng Đại Chúng, mỗi lần chỉ lạy 100 lạy thôi. Sau đó tiến lên Tam Thiên Phật Danh. Nghĩa là lạy trong quá khứ, hiện tại và vị lai mỗi một khoảng thời gian như thế 1.000 lạy. Cộng lại 3 thời thành 3.000 lạy. Tiếp những mùa An Cư Kiết Hạ sau, chúng tôi lạy kinh Vạn Phật (trên 11.000 lạy) và sau khi lạy kinh Vạn Phật, tôi thấy sức khỏe còn cho phép; nên tiếp tục phát nguyện lạy Kinh Pháp Hoa (mỗi chữ mỗi lạy). Tuy trong kinh chữ Hán nói rằng: “Kinh nầy có trên 6.000 lời, do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói ra”; nhưng Hòa Thượng Trí Tịnh dịch ra tiếng Việt có tới 75.802 chữ tất cả và chúng tôi từ năm 1990 đến năm 1995 lạy xong bộ kinh nầy. Tiếp đó tôi cảm thấy vẫn còn có khả năng để lạy kinh bộ tiếp, nên tôi phát nguyện lạy Kinh Đại Bát Niết Bàn cũng mỗi chữ mỗi lạy gồm 2 quyển dày, mỗi quyển hơn 700 trang. Mới đầu ai nghe cũng kinh hồn khiếp vía, vì lâu nay chưa có vị nào thực hiện việc nầy ở ngoại quốc. Bởi thời gian không có nhiều cho việc tu tập như thế; nhưng tôi đã bắt đầu hạ thủ công phu từ đó. Nghĩa là ngày 10 tháng 6 năm 1995 chúng tôi đã bắt đầu lạy quyển một, đến ngày 17 tháng 8 năm 2005 là xong gồm 776 trang và tổng cộng trong 11 năm ấy là 158.777 chữ. Có năm lạy 38 ngày (1998) và hầu hết 10 năm còn lại đều lạy từ 47 ngày đến 52 ngày. Điều ầy cũng đúng với luật An Cư Kiền Độ, nghĩa là các hành giả an cư phải ở ít nhất trong giới trường là 45 ngày. Dưới 45 ngày thì pháp an cư ấy không trọn vẹn. Ngày nay ở ngoại quốc nhiều nơi chỉ tổ chức An Cư Kiết Hạ trong 10 ngày hay 1 tháng. Như vậy theo tinh thần luật tạng vẫn chưa đúng; nhưng ngoài ra quý Ngài vẫn còn có An Cư Kiết Đông nữa. Nếu tổng cộng số ngày an cư trên 45 ngày của một hành giả thì khi mãn hạ tự tứ mới nhận được Kathina y; nghĩa là y áo cho người có tuổi hạ.

Từ năm 2006 đến nay (2015) cũng đã 10 năm rồi chúng tôi lạy quyển 2 của kinh Đại Bát Niết Bàn; cho đến nay vẫn còn gần 200 trang nữa. Có lẽ cần phải gần 4 năm Hạ như thế mới xong và lúc ấy tôi cũng đã hoàn nguyện của mình trong cuộc đời tu học và hành Phật sự tại xứ người. Nên nay theo tuổi ta, tôi đã 67; đến khi lạy xong bộ kinh nầy tuổi cũng sẽ trên 70 rồi. Lúc ấy tôi sẽ thực hành pháp môn niệm Phật miên mật hơn là lạy bộ kinh mỗi chữ mỗi lạy như thế nầy. Đó là chưa kể đến sự vô thường; nhưng trong tâm mình, tôi mãi mong mỏi rằng: Có gì đó, sau khi lạy xong bộ Kinh nầy, có ra sao cũng đã mãn nguyện rồi. “Ngưỡng mong chư Phật và chư vị Bồ Tát chứng minh cho lời phát nguyện của con vậy”. Quyển 2 chưa tính tổng số chữ, tuy mỗi đêm sau khi lễ Phật tôi đã đếm lại và có chú thích bên bìa của trang kinh để sau nầy quý Thầy đệ tử dễ thống kê hơn. Đây không phải là sự khoe khoang, mà là công hạnh của tôi đã lập nguyện. Tôi mong đời sau sẽ có những người nhớ nghĩ về sự hành trì của người đi trước mà noi theo, để Phật Pháp còn mãi trụ lại nơi thế gian nầy.

Ngoài ra việc hành trì Lăng Nghiêm của tôi cũng miên mật từ khi đi xuất gia cho đến bây giờ, hơn 50 năm (1964-2015) hầu như không bao giờ gián đoạn trong suốt một chặng đường dài hơn nửa thế kỷ như thế. Nghĩa là bất cứ khi nào, tôi hiện diện tại chùa Viên Giác, Viên Đức hay các chùa khác nơi tôi đến, hoặc tại tư gia, tôi vẫn thường hay trì kinh Lăng Nghiêm vào mỗi buổi sáng như thế. Nếu đi trên máy bay hay xe lửa, trên những chuyến du hành xa thì tôi chỉ tụng Đại Bi Thập Chú; hoặc giả ngắn lắm thì cũng tụng thầm câu: “Án A Na Lệ… Ung Phấn Ta Bà Ha” ba lần. Ai hành trì ra sao tôi không rõ, nhưng với riêng tôi suốt cả một dặm đăng trình như thế, Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm và phương pháp lễ bái đã giúp tôi có thể tự làm chủ mình trong sinh hoạt hằng ngày đối với nội tâm cũng như ngoại cảnh. Giỏi, dở, tốt, xấu chưa nói ở đây. Vì trên đời nầy nếu có ai giỏi về phương diện nầy thì người kia lại giỏi về phương diện khác. Cho nên chúng ta chỉ nên tự nhìn vào mình là “đã làm được gì cho chính mình” thì đó mới là điều quan trọng.

Từ năm 2003, khi tôi đã về ngôi Phương Trượng của chùa Viên Giác, việc Trụ Trì đã có Thầy Hạnh Tấn lo, đến năm 2008 thì Thầy Hạnh Giới lo; nên mỗi năm 3 tháng như thế vào mùa Đông, tôi đã rời nước Đức đi về Á Châu (Thái Lan và Ấn Độ) một tháng. Còn lại 2 tháng tôi đã đến Sydney Úc Châu thăm chùa Pháp Bảo của bào huynh tôi, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, rồi lên núi đồi Đa Bảo để tĩnh tu nhập thất trong suốt 2 tháng liền, cho đến 2012 là đúng 10 năm. Trong 10 năm ấy, những lần ở trên vùng núi đồi Đa Bảo tại Campbelltown hay Blue Moutain, đều là những ngày tháng an lạc lạ thường. Nhờ vậy tôi đã hoàn thành trong 10 năm ấy đến 20 tác phẩm cũng như dịch phẩm và cũng đã trì tụng kinh Kim Cang hằng đêm trong suốt thời gian 10 năm ấy (mỗi năm 2 tháng). Có một điều tôi phải niệm ân Thầy Tổ, Cha Mẹ, Huynh Đệ, Bạn bè, Đệ Tử. Vì nếu không có họ thì tôi sẽ không thành tựu được những việc nầy. Tôi vốn sinh ra từ miền quê của xứ Quảng Nam, cái gì cũng chẳng có, ngoài nắng cháy vào Hè và lụt lội vào Đông. Nhưng có được một tấm lòng quả cảm, biết chịu khó để vươn lên và chính ý chí cũng như nghị lực nầy đã giúp cho tôi con đường tu học có được thăng tiến như ngày hôm nay. Thân phụ tôi sinh năm 1898; nghĩa là vào cuối thế kỷ thứ 19. Tôi sinh ra vào tiền bán thế kỷ thứ 20 (1949) và từ đó đến nay 67 năm dài, trải qua thế kỷ thứ 21. Cả một thời gian dài, nhưng sức khỏe rất tốt, hầu như chưa có khi nào tôi cảm hay bịnh mà phải nằm trên giường bịnh từ 3 cho đến 7 ngày; nhiều lắm là một hai ngày; nhưng những thời gian bịnh ấy rất hiếm. Thân phụ tôi mất năm 1986, thọ đến 89 tuổi. Do vậy tôi phải cảm ơn cha mẹ đã cho mình một tấm thân hoàn hảo nầy với đầy đủ sáu căn, minh mẫn, không bịnh tật, là một hạnh phúc quá tuyệt vời rồi.

Thầy tôi là người nghiêm nghị, đa tài; nhưng Thầy cũng chỉ sống được đến 73 tuổi, chưa thi thố hết tài năng để giúp đời giúp đạo; nhưng tôi cũng đã học được từ người rất nhiều ở mọi lãnh vực, mặc dầu thời gian tôi ở với người tại chùa Viên Giác Hội An không lâu, chỉ 2 năm hơn thôi (1966-1969); thế mà những quyết định và tư tưởng mà tôi có được của ngày hôm nay, không phải là ít. Từ 1964 đến 1966 tôi tu học tại Tổ Đình Phước Lâm Hội An. Từ 1969 đến 1971 tu học tại chùa Hưng Long ở Sàigòn. Năm 1972 đến 1977 tu học tại Nhật Bản. Từ 1977 đến 2015, gần 40 năm tôi đã có nhân duyên ở tại xứ Đức nầy. Nơi không hẹn mà đến, không mong mà được cư trú vĩnh viễn tại đây. Quả là “nhân duyên” khó tính trước được. Cha mẹ, con cái, Thầy trò, huynh đệ, vợ chồng, bè bạn v.v… Tất cả cũng đều do nhân duyên mà thành tựu và cũng do nhân duyên mà tan vỡ. Hãy hiểu như vậy chúng ta mới có thể can đảm hơn lên để cuộc sống nầy có nhiều ý nghĩa hơn. Thật ra cuộc đời nầy chẳng có ý nghĩa gì, ngoài cái “Không” to tướng; nhưng ở trong cuộc đời tương đối, chúng ta phải thể hiện trọn vẹn vai trò của một con người trên cõi thế khi ta còn hiện hữu mà thôi. Khi tứ đại giả hợp không còn tồn tại nữa, thì nghiệp lực sẽ làm chủ chúng ta và lúc ấy đi đâu hay về đâu, ấy chỉ là kết quả; còn cái nhân của quá khứ ấy sẽ quyết định tất cả tương lai của mỗi người trên  hành tinh nầy.

Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, bào huynh của tôi, năm nay đã ở tuổi 74 và gần 60 năm sống nơi cửa Thiền và vừa rồi nhân Đại Hội Khoáng Đại lần thứ V tại Úc Châu, Đại Hội đã cung thỉnh Thầy làm Hội Chủ, một vai trò hàng đầu của Phật Giáo Việt Nam tại Úc Châu. Tôi mừng cho Thầy, nhưng vai Thầy cũng thêm nhiều gánh nặng hơn nữa. Cầu mong Thầy có đủ nghị lực để lèo lái con thuyền của Giáo Hội lướt sóng của Đại Dương để có thể đưa mọi hành giả trên chiếc thuyền Bát Nhã đến được bến bờ an vui, giải thoát.

Giờ đây ngồi làm việc chung với các Thầy Đệ Tử, thấy họ khá trưởng thành, nên tôi rất vui và niềm vui nầy ít ai chia xẻ được với mình. Chỉ có cái niệm an nhiên tự tại, khiến tôi chỉ nhớ đến hai chữ “như thị” để mà tự an lòng mình rằng: “Hãy đừng vui mà cũng chẳng phải buồn, khi việc được, mất, hơn, thua trong cuộc đời nầy vốn chỉ là những giả tướng huyễn mộng mà thôi”.

Với muôn người và muôn loài, tôi xin niệm ân tất cả. Chính quý vị đã trợ duyên cho tôi trong mọi cuộc hành trình của nội tâm cũng như ngoại cảnh và vẫn luôn mong rằng quý vị sẽ là những thiện hữu tri thức, dẫu cho ở cõi nầy hay cõi khác, dẫu cho có xa hay gần trong muôn vạn dặm đi nữa, thì tâm nầy cũng như vậy mà thôi.


Thích Như Điển



muc luc nuoc uc trong tam toi-2

pdf-icon
Nước Úc Trong Tâm Tôi_HT Thích Như Điển 2016






Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/09/2010(Xem: 5559)
Sơ lược về Thiền Sư Nguyễn Minh Không, Ông tên là Nguyễn Chí Thành sinh ngày 14/8 năm Bính Thìn (1076) tại Điềm Xá, Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Thiếu thời ngài chuyên làm nghề chài lưới của ông cha. Năm 29 tuổi ngài xuất gia đầu Phật. Ngài đã cùng Thiền sư Giác Hải và Thiền sư Từ Đạo Hạnh làm bạn thân sang Thiên Trúc học đạo với thầy Samôn được phép: Lục Trí Thần.
02/09/2010(Xem: 2513)
Tha phương sinh sống xứ người, tuy thâm tâm lúc nào cũng hướng về quê hương mến yêu, thế nhưng phải chờ đợi đến hơn hai mươi năm trời, sau bao ngày khắc khoải suy tư Thanh mới đột ngột quyết định về nước nghỉ hè hai tháng. Chàng về Saigon viếng thăm họ hàng vài ngày, rồi lang thang du ngoạn khắp các vùng biển từ Sầm Sơn đến Vũng Tàu, sau cùng quay lại Nha Trang, chiều chiều thơ thẩn đi dài dài trên bãi, mắt lơ láo nhìn biển khơi xa xăm với nỗi buồn vời vợi.
02/09/2010(Xem: 2425)
“Khác hơn thường lệ, đôi bạn thân Hiển và Phước, đối ẩm trong lặng lẽ, chẳng ai chịu mở lời. Hiển nâng chung trà hớp từng ngụm, rồi dường như đang bâng khuâng thả hồn theo những chiếc lá phong đỏ thẩm từng chiếc, từng chiếc rụt rè buông rời cành theo làn gió chiều mơn man. Còn Phước thì cầm chung trà, đi tới lui đăm chiêu suy nghĩ, mấy lần định lên tiếng mà cố đè nén chưa chịu hở môi.
02/09/2010(Xem: 2322)
Nghĩa háo hức theo mẹ về Việt Nam thăm viếng quê hương. Sau mấy ngày vui nhộn làm sống lại những kỹ niệm ấu thơ tại Thủ Đức với bà con họ nội xa gần, chàng theo mẹ về quê ngoại, tạm trú tại nhà cậu Út ở thành phố Phan Rang, Ninh Thuận. Vì thuở nhỏ chàng không có cơ hội liên lạc với họ ngoại, nên dù được cậu tiếp đón rình rang, nhưng chàng muốn thân thiết với hai đứa em cô cậu thật khó.
01/09/2010(Xem: 4372)
Dù dòng thời gian đã xoá nhòa những hình ảnh quý gíá xa xưa, dù dấu chân của các Ngài đã rêu phong phủ kín. Nhưng những dấu chân ấy đã đi vào lịch sử nhân gian, dù tiếng nói các Ngài đã hòa vào không gian tĩnh lặng. Nhưng đâu đây vẫn còn vang vọng pháp âm của các Ngài, làm chấn động tâm tư huyết mạch của bao người con Phật. Trong quyển “Những Vị Phật ở Miền Tây Nam Việt Nam” này. Chúng tôi sưu tầm, nghiên cứu và ghi chép trung thực theo lời thuật của các vị Trưởng Lão uy tín; hay các vị trí thức trung hậu; hoặc trích trong các tài liệu giá tri được mọi người tin tưởng.
28/08/2010(Xem: 52144)
Quyển 6 • Buổi Pháp Thoại Trên Đỉnh Cao Linh Thứu (Gijjhakūṭa) • Ruộng Phước • Tuệ Phân Tích Của Tôn Giả Sāriputta • MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI CHÍN (Năm 569 trước TL)- Mỹ Nhân Giá Mấy Xu? • Chuyện Cô Sirimā • Móc Cho Con Mắt Đẹp • Ngạ Quỷ Mình Trăn • Cùng Một Nguyên Lý • “Hớt” Phước Của Người Nghèo! • Ghi chú đặc biệt về hạ thứ 19: • MÙA AN CƯ THỨ HAI MƯƠI (Năm 568 trước TL)-Phước Cho Quả Hiện Tại • Bảy Thánh Sản • Chuyện Kể Về Cõi Trời • Hóa Độ Gia Đình Thợ Săn • Nhân Duyên Quá Khứ
28/08/2010(Xem: 3512)
Tết Mậu Thân 1968, một cái Tết mà Việt Cộng tràn về quá bất ngờ, tôi không thể tin rằng đó là sự thật. Mồng Một Tết vẫn ăn Tết sắm sửa bình thường. Nhà tôi ở lầu 2 trường Đồng Khánh vì tôi làm Giám Học tại trường này, bên hông là Tòa Hành Chánh và Lao xá Thừa Thiên - nơi giam giữ nhiều tù binh Việt Cộng. Cả ngày vẫn tấp nập bà con tới lui thắm viếng, chiều lại còn có con của các nhân viên trong trường đến thăm chuyện trò hàn huyên vui như ngày hội. Tối đến cả nhà còn bàn nhau nên đi ngủ sớm để ngày mai xuống phi trường đón gia đình người anh chồng về Huế ăn Tết.
28/08/2010(Xem: 51575)
Sau khi sinh hoạt của hội chúng đã tạm thời đi vào quy củ, nền nếp; đức Phật thấy thời tiết có nắng nhẹ, trời không lạnh lắm, thuận lợi cho việc du hành nên quyết định rời Gayāsīsa, đến kinh đô Rājagaha, đường xa chừng sáu do-tuần. Thấy đoàn sa-môn quá đông, khó khăn cho việc khất thực, đức Phật gợi ý với ba anh em Kassapa cho chúng đệ tử phân thành từng nhóm,
19/08/2010(Xem: 7016)
Tại Keelung, Đài Loan có một cửa hàng với cái tên là “Ngộ Duyên Hào”. Ông chủ Lâm vốn là một người rất tử tế, xung quanh khu vực ông sống có rất nhiều những cư dân đánh cá hay kiếm sống quanh đó.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567