Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đường về Tây Trúc

27/05/201621:40(Xem: 6648)
Đường về Tây Trúc

Duong Ve Tay Truc (7)

ĐƯỜNG VỀ TÂY TRÚC


Hàn Long Ẩn

Bao nhiêu năm ao ước cho đến hôm nay tôi mới có duyên lành được hành hương về Tây Trúc - Tây Trúc hay Thiên Trúc là tên gọi trước đây của xứ Ấn Độ. Trong phái đoàn tôi đi có nhóm Sợi Nắng và các Phật tử đến từ Canada cũng như Hoa Kỳ. Về chư Tăng thì có thầy Tánh Tuệ - nhà thơ Như Nhiên. Thầy là người từng sống và học tập ở Ấn Độ suốt bảy năm nên thầy nắm rất rõ về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán... của người Ấn Độ. Cũng chính vì thâm niên như vậy nên nước da thầy rám nắng và người ta thường gọi thầy với cái tên rất gần gũi là "thầy cà-ri". Ngoài ra, phái đoàn còn có thêm sư cô An Phụng và sư cô Huệ Lạc đang theo học tiến sĩ ở New Delhi tình nguyện dẫn phái đoàn gồm 30 người đi Tứ Động Tâm và những thắng tích ở Ấn Độ. Chuyến bay đáp xuống phi trường New Delhi là chúng tôi được 2 sư cô và hai người của company Siddhartha International chào đón bằng những vòng hoa rất là Ấn Độ. Tôi cùng phái đoàn hân hoan lên xe bus về khách sạn và check in vào lúc 2 giờ sáng.

Ngủ được chừng 2 tiếng, mọi người đã lục đục thức dậy vì ngủ không được, bởi múi giờ Ấn Độ khác với giờ Mỹ - Mỹ ban ngày, Ấn Độ ban đêm. Tôi tắm rửa, đánh răng và xuống nhà ăn thì đã thấy mọi người hơn một nửa phái đoàn đã ở đó. Ăn sáng xong, 7 giờ là lên xe đi thăm viện bảo tàng lớn nhất ở New Delhi, nơi có Xá-lợi xương vai, ngực và hông của đức Phật được các nhà khảo cổ học đã tìm ra và đã thử DNA xác nhận đây là xương của đức Phật Thích Ca. Vua Thái Lan vì cung kính đức Phật nên đã đúc một bảo tháp bằng vàng thật nguyên khối cao khoảng nửa mét tặng cho viện bảo tàng để an trí Xá-lợi của Phật vào trong đó. Tôi cùng quý thầy, quý sư cô nhiễu quanh chiêm ngưỡng Xá-lợi 3 vòng, sau đó có buổi tụng kinh và ngồi thiền ngay trước tháp vàng thờ Xá-lợi Phật. Tôi cảm giác mình được may mắn như đứa con đã bao năm lưu lạc nay được trở về nhà và gặp lại bóng dáng người cha thân thương của mình. Quỳ trước Xá-lợi của Phật tôi đã để cảm xúc tuôn tràn qua mấy câu thơ sau:

Con quỳ đảnh lễ Từ-ân
Thế Tôn Xá-lợi kim thân của ngài
Dù cho nắng gió vàng phai
Dù cho mưa bão miệt mài tháng năm
Chúng con son sắc một lòng
Niềm tin bất diệt vào dòng pháp âm
Như Lai ơi, con về thăm
Nghe hương giác ngộ chảy quanh tế bào.

Sau khi đảnh lễ Xá-lợi Phật, chúng tôi đến một ngôi đền lớn nhất ở đây của đạo Hindu, đó là đền Asadam. Ngôi đền này chỉ mới xây khoảng 1 thập niên trở lại đây nhưng rất nguy nga tráng lệ, kinh phí lên tới hàng tỷ Mỹ kim. Cái hay của họ là những hoạt cảnh được dàn dựng một cách sống động bằng tượng sáp dựa trên lịch sử văn hoá, tôn giáo của đất nước Ấn Độ mấy nghìn năm qua, trong đó có lịch sử của đức Phật Thích Ca. Chúng tôi thật ngạc nhiên và khâm phục sự thông minh của họ. Thông minh là bởi, hễ ai đến Ấn Độ và đi vào ngôi đền này là đã biết căn bản về nền văn hóa lịch sử đáng tự hào của họ.

Rời New Delhi, chúng tôi đáp chuyến bay về Varanasi (Ba-la-nại), nơi đức Phật chuyển đẩy bánh xe chánh pháp lần đầu tiên cho 5 anh em Kiều Trần Như với bài pháp được xem như nền tảng của Phật giáo: Tứ Diệu Đế trong vườn Nai (Sarnath - Lộc Uyển). Một trong Tứ Động Tâm này đã khiến cho phái đoàn cảm thấy chấn động tâm hồn thực sự, mặc dù ở đây chỉ còn 1 trụ đá của vua A Dục được tu bổ và lác đác những chứng tích rêu phong. Ăn trưa xong, chúng tôi đến thăm Tinh Xá Kỳ Hoàn thuộc nước Xá Vệ (Sravasti - Thành Xá Vệ), Tinh Xá này do ông Cấp-cô-độc và thái tử Kỳ-đà hiến cúng. Đức Phật đã lưu trú và thuyết pháp ở đây suốt 27 năm và độ rất nhiều vị tăng sĩ cũng như cư sĩ. Chúng tôi đã tụng lại bài kinh năm xưa mà đức Phật đã thuyết cho các đệ tử của ngài tại đây, đó là bài kinh "Thực Tập Vô Ngã". Tụng kinh xong, tôi ngồi thiền và quán tưởng về hình ảnh của đức Thế Tôn. Đang suy tư dưới cội Bồ-đề thì bỗng 1 hạt Bồ-đề rơi xuống trước mặt tôi. Chắc là đức Phật nhắc nhở tôi là cần phát huy hơn nữa hạt giống Bồ-đề trong tâm!? Tôi nhặt lấy hạt Bồ-đề và thầm cảm ơn đức Phật. Mọi người xả thiền tiến về Hương Thất đức Phật, nơi đây chỉ còn lại nền nhà bằng gạch đỏ đã ngả màu. Những giọt nước mắt xúc động đã rơi khi quỳ nơi Hương Thất đức Phật. Một số người đã nói trong thổn thức, sụt sùi “Phật ơi, giá như Ngài đang còn ở đây để độ cho con!”.

Tạm chia tay Xá Vệ Thành, chúng tôi lên xe hướng về Nepal, vườn Lâm Tì Ni (Lumbini), nơi đức Thế Tôn giáng trần đã làm rung chuyển Tam Thiên Đại Thiên thế giới từ năm 623 trước công nguyên cho đến tận bây giờ. Chỗ đức Phật đản sanh nay được xây một ngôi đền bao bọc xung quanh, bên ngoài là một khu vườn rất đẹp có hồ nước, có trụ đá của vua A Dục xây vào khoảng 250 năm sau khi đức Phật nhập diệt và có cây Bồ-đề rất lớn làm nơi toạ thiền hoặc tụng kinh cho các phái đoàn hành hương. Tôi chọn một góc xa xa trong khu vườn để nhìn tổng quát về nơi đã đánh dấu sự ra đời của một bậc toàn tri diệu giác "vô tiền khoáng hậu", bất chợt có một luồn cảm giác rất lạ chảy qua dòng tâm thức. Tôi bỗng nghe văng vẳng tiếng hát mở đầu trong tác phẩm “Ánh Đạo Vàng” của Võ Đình Cường vọng lại, rất gần:

“Nhân loại ơi! Có hay chăng một vị Giác Ngộ mới ra đời?
Chúng sanh ơi! Một đấng Đại từ, Đại bi, Đại trí, Đại đức vừa xuất hiện ở dưới trần!
Ôi hân hoan, hân hoan cho toàn cả mấy tầng trời, vì chúng sanh ơi, một đóa hoa Đàm nở, một ánh sáng lạ chói ngời!
Này ai ơi! Hãy đi về phía nam dãy núi Hy-mã-lạp-sơn, vì chính ở đấy đã ra đời một đức Phật”.

Nepal là một đất nước nhỏ giáp ranh Ấn Độ, tuy nghèo nhưng đi đâu chúng tôi cũng thấy có những cái cỗng cao ở giữa đường, phía trên đều có tượng Phật Thích Ca. Trước khi rời Nepal, chúng tôi đã phát quà cho hơn 500 người lớn cũng như em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở đây. Nhìn những em nhỏ nước da đen nhẻm với bộ áo quần xộc xệch cầm trên tay phần quà miệng mỉm cười làm chúng tôi cũng cảm thấy thương họ hơn bao giờ hết.

Bỏ lại Lumbini, chuyến xe đưa chúng tôi đến Kushinagar , nơi đức Phật đã nhập vào vô dư Niết Bàn dưới cây Ta La song thọ. Thầy Tánh Tuệ và quý sư cô đã chuẩn bị sẵn một tấm y màu vàng rất lớn và những cành hoa để dâng lên cúng Phật. Chúng tôi cầm mỗi người mỗi góc theo hình chữ nhật của tấm y vừa đi vừa niệm Phật từ ngoài vào trong Bảo tháp. Khi nhìn thấy hình ảnh đức Phật nhập Niết Bàn thì hầu như tất cả mọi người trong phái đoàn đều không cầm được nước mắt. Tôi phóng tâm về quá khứ và tưởng tượng thời điểm khi đức Phật nhập diệt, chắc hàng đệ tử của ngài cũng ngậm ngùi gấp trăm ngàn lần bây giờ.

Gạt dòng nước mắt ngậm ngùi, đoàn hành hương hướng về Vệ Xá Ly (Vaishali), nơi có giảng đường Trùng Cát mà ngày xưa đức Phật tiếp nhận phụ nữ vào hàng ngũ xuất gia của Phật. Ở đây, quý thầy giao cho quý sư cô hướng dẫn tụng kinh, ngồi thiền để nhớ về sự đóng lớn lao một thời của bà di mẫu Kiều Đàm Di và Ni chúng. Theo như lời chia sẻ của thầy Tánh Tuệ là, với văn hoá "trọng nam khinh nữ" thời bấy giờ mà đức Phật nhận nữ giới vào hàng Chúng Trung Tôn là một sự kiện chấn động toàn đất nước Ấn Độ. Chính đức Phật đã 3 lần từ chối, nhưng nhờ A Nan cầu thỉnh nhiều lần nên đức Thế Tôn mới thâu nhận sau khi đưa ra Bát Kỉnh Pháp. Và cũng chính nhờ Bát Kỉnh Pháp mà Ni giới có được đức hạnh trang nghiêm, giới quy nghiêm mật, được chư Tăng che chở từ thời đức Phật cho đến thời nay.

Vẫy tay chào Vaishali, chúng tôi hướng về Kỳ Xà Quật khi trời vừa nhá nhem tối, mọi người cơm nước xong là ngủ để chuẩn bị cho sáng ngày mai lên Núi Linh Thứu. Phái đoàn được đánh thức vào lúc 5 giờ sáng để chuẩn bị leo núi, vì nếu đi trễ sau khi mặt trời lên cao thì rất nóng. Tưởng rằng chúng tôi đi vậy là sớm, ai dè lên đó còn phải xếp hàng sau hai ba phái đoàn từ nước khác nữa. Theo như lời kể của mấy người trên đó thì mỗi ngày từ sáng tới tối có cả mấy chục phái đoàn chứ không riêng gì những phái đoàn buổi sáng như chúng tôi. Tôi có thầy bạn hiệu là Pháp Tịnh học ở Ấn Độ, mỗi khi được nghỉ lễ thầy đều về đây tụng kinh Pháp hoa hằng đêm. Tôi hỏi: "Tối như vậy sao thấy đường mà tụng?". Thầy trả lời: "Dùng đèn bin!". Nói vậy để thấy được tấm lòng của người xuất gia cũng như tại gia lúc nào cũng hướng về Đức Phật với niềm tin bất diệt. Phái đoàn Miến Điện xong là đến phái đoàn chúng tôi, mọi người thỉnh 1 tượng Phật nho nhỏ ra cùng với hoa trái và chúng tôi bắt đầu thời kinh sáng. Sau khi tụng kinh xong, chúng tôi ngồi thiền khoảng 15 phút. Mặt trời trên đỉnh Linh Thứu màu đỏ xẩm, không như những nơi khác mà chúng tôi đã từng thấy. Ánh nắng xuyên qua làn mây toả ánh sáng rực rỡ xuống đỉnh Linh Thứu, kết hợp lời kinh tiếng mõ trong cảnh rừng u tịch, chúng tôi cảm giác như có sự hiện diện của đức Phật cùng với hàng trăm đệ tử thánh chúng của Ngài trên đỉnh Linh Thứu. Một luồn cảm xúc dâng tràn trong tim tôi, tôi cảm tác:

Ta chống gậy về Linh Sơn một bận
Nghe âm vang lời Phật dạy năm nào
Kinh Diệu Pháp, kinh Kim Cang, Bát Nhã
Mặt trời lên vắng bặt dấu chiêm bao!

Trưa hôm đó, sau khi ăn cơm xong là chúng tôi lên xe hướng về Bodh Gaya - Bồ Đề Đạo Tràng. Tại đây, chúng tôi đã đi thăm Khổ Hạnh Lâm. Chuyến xe đưa chúng tôi đến chân núi. Từ chân núi lên đến hang đá khoảng chừng 1 cây số, ai muốn đi bộ thì đi, ai muốn đi xe ôm cũng có luôn. Đặt biệt, có loại dịch vụ mà tôi chưa từng thấy trên thế giới, tôi tạm gọi đó là dịch vụ “đẩy lưng”, tức là có một người đi phía sau dùng tay đẩy ở sau lưng khi lên dốc, mà đa số là các em nhỏ làm dịch vụ này. Tôi trẻ, nên chọn phương pháp đi bộ, nhưng cũng bị một “anh dịch vụ” khoảng 8 tuổi tự nguyện đẩy lên tận hang đá, nơi đức Phật tu khổ hạnh, tất nhiên tôi cũng không nỡ để “anh dịch vụ” thiệt thòi.
Hiện ra trước mắt tôi là vách đá cheo leo, dựng đứng, nhưng người ta đã làm một bậc cấp để đi lên cái hang nhỏ rộng khoảng chừng 4 mét vuông. Chính nơi này, đức Phật đã tu mấy năm và chỉ ăn mỗi ngày 1 hạt mè. Nghĩ đến đó, đôi chân tôi bất chợt quỳ xuống, hai tay chắp tại, cúi đầu đảnh lễ sát đất.

Rời Khổ Hạnh Lâm, chúng tôi trở về thăm ngôi làng có nàng Sujata đã dâng bát cháo sữa cho đức Phật, khi ngài đuối sức bên dòng sông Ni Liên Thuyền. Dòng sông Ni Liên Thuyền không biết hồi còn đức Phật nó có nước quanh năm hay không, nhưng bây giờ dòng sông đó chỉ có nước mấy tháng mùa đông mưa lũ, còn những tháng khác thì không có nước, chỉ có cát bồi.

Về Bồ Đề Đạo Tràng, cả phái đoàn bắt đầu lễ dâng y cúng dường tôn tượng đức Phật ở ngay chính giữa tháp Giác Ngộ. Sau phần dâng y là các Khóa lễ như tụng kinh sáng, thuyết pháp, ngồi thiền suốt cả ngày cùng với hàng ngàn người đến từ khắp nơi trên thế giới.
Ngoài ra, chúng tôi có phát khoảng 600 phần quà gồm: Bột, đường, gạo, dầu, áo sari…cho một ngôi làng gần Bồ Đề Đạo Tràng. Để thực hiện buổi từ thiện này cũng mất rất nhiều công sức, thời gian và phải nhờ thêm 2 người Ấn Độ bên đó vào tận ngôi làng từ ngày hôm qua để phát 600 phiếu trước cho người nghèo khó thực sự. Hôm đó cả phái đoàn toát cả mồ hôi hột, phần vì trời nắng, phần vì sự chen lấn của cả hơn 600 người.

Chúng tôi về khách sạn cũng là lúc trời nhá nhem tối. Mọi người ăn tối xong và đi ngủ để ngày mai tiếp tục ngày tu tập dưới cội Bồ đề, nơi đức Phật đã thành đạo gần 3 nghìn năm trước. Sáng sớm chúng tôi đã có mặt ở Bồ Đề Đạo Tràng lúc 5 giờ. Những tưởng vậy là sớm nhưng chúng tôi còn trễ hơn loài chim ở đây. Không biết là chúng nó có tụng kinh theo nghi thức của nó hay không mà mỗi ngày chúng bay đến cả hàng triệu con rồi hót vang những âm thanh rất du dương, trầm bỗng. Điều tôi rất lấy làm lạ là chúng bay đến rất đúng giờ, sáng khoảng từ 4 giờ đến 6 giờ, chiều từ 5 giờ đến 7 giờ. Cũng vì nhiều chim quá nên có anh Phật tử trong phái đoàn gặp "tai nạn". Chuyện là anh ấy đang lim dim mắt ngồi thiền thì bỗng một "vật thể lạ" rơi từ một chú chim đang đau bụng nào đó xuống chân anh, anh mừng thầm vì nghĩ rằng chắc là mình ngồi thiền thành tâm quá Phật thương nên cho hạt giống Bồ đề. Đang lâng lâng mỉm cười hạnh phúc với thành quả của mình thì chị vợ ngồi kế bên la lớn: "Anh ơi, chim nó ị trên chân anh kìa!".

Sau thời kinh sáng là thời thuyết pháp. Tôi đang say sưa giảng về bài kinh "Ba Dấu Ấn Thực Tại" thì bỗng một chú chó từ đâu tiến lại gần chỗ tôi ngồi rồi sà vào lòng tôi như đã quen nhau từ kiếp trước. Quý Phật tử đang nghe pháp bỗng ồ lên 1 tiếng rồi đem điện thoại ra chụp hình. Có người nói: "Chắc kiếp trước nó là đệ tử thầy!". Tôi để yên vậy và giảng hết bài pháp. Sau khi giảng xong, tôi quy y gieo duyên cho nó và đặt pháp danh là "Tu Đi", ý là mong nó tu đi để tái sanh làm người gặp Phật pháp mà tu tiếp. Đừng có tu...hú là được, vì vừa tu mà vừa hú thì lâu làm người lắm!
Sáng hôm sau tôi và mọi người chọn một nơi khác để hành lễ, nhưng Tu Đi vẫn tìm ra tôi và lại sà vào lòng. Mọi người được thêm một phen ngạc nhiên nữa.

Ở Bồ Đề Đạo Tràng hàng ngày có cả mấy nghìn người gồm cả tu sĩ lẫn cư sĩ lễ bái và tu tập. Mỗi người tụng kinh mỗi kiểu, hành thiền mỗi kiểu, lạy mỗi kiểu, nhưng rất trang nghiêm và không ai làm phiền ai cả. Tôi rất kính phục họ. Bốn ngày ở Bồ Đề Đạo Tràng tôi cảm thấy thật hạnh phúc và an lạc, tuy mình tu chỉ như hạt cát so với những người họ tu như đá, như núi ở đó. Họ lạy mỗi ngày cả mấy nghìn lạy mà vẫn tỉnh queo. Tôi thực sự ngưỡng mộ họ!
Ấn tượng về Bồ Đề Đạo Tràng, tôi cảm tác:

Sáng nay bên cội Bồ đề
Trời, người hoan hỉ chim về đọc kinh
Ba nghìn năm, một bóng hình
Như Lai còn đó, ân tình còn đây.
Tử sinh cuộc mộng đoạ đầy
Trầm luân kiếp nọ kiếp này từ đâu
Chắp tay con chỉ nguyện cầu
Muôn đời được gặp pháp mầu Thế Tôn.

Mọi người rời Bồ Đề Đạo Tràng trong lưu luyến để đón chuyến tàu đêm về lại New Dehli. Đi ga tàu Ấn Độ, chúng tôi cũng trải nghiệm được nhiều điều thú vị, trong đó có cả điều thú vị không thể nói bằng lời, mà chỉ cảm nhận bằng lỗ mũi!

Chuyến tàu đưa chúng tôi về khách sạn ở New Dehli vào buổi trưa hôm sau. Chúng tôi về Khách sạn và chuẩn bị cho buổi tiệc trà chia tay tối hôm đó. Thầy Tánh Tuệ chủ trì buổi trà đàm đã mở đầu bằng "bài diễn văn" làm mọi người cười nghiêng ngả với những câu nói dí dỏm của thầy. Tôi cũng góp mấy lời thơ vui. Hôm đó ai cũng được chia sẻ, tâm tình những gì mình chứng kiến, đi qua, cảm nhận về quê hương đất Phật. Sau tiếng cười là những dòng lệ sụt sùi luyến tiếc. Hầu như mọi người trong phái đoàn đều có một suy nghĩ chung là: Ấn Độ ơi, hẹn ngày ta trở lại!

 

New Dehli, ngày 30 tháng 10 năm 2015


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/10/2014(Xem: 43891)
Uống trà là một nét đẹp văn hóa truyền thống của Á Đông theo phương châm“Bình minh nhất trản trà". Cách đây hàng ngàn năm, con người đã biết đến trà như một loại nước uống mang lại sự sảng khoái, thanh khiết cho tinh thần, là cách để khai tâm mở trí. Người ta xem chén trà là đầu câu chuyện, là gợi mở tâm linh, là giao thoa văn hóa và kết nối lòng người.
10/10/2014(Xem: 4461)
Từ lâu, người ta tin rằng có một cái “bản ngã” thường hằng, bất biến, tồn tại độc lập trong vạn pháp. Trước sự nhầm lẫn tai hại đó, Phật Thích Ca bèn nói thuyết “Vô ngã” để chúng sinh phá chấp. “Vô ngã” không phải không có gì hết mà là không có tự tánh, không có tự thể riêng biệt. Đây là một trong ba Pháp ấn trong hệ thống giáo lý của Phật giáo (hai pháp ấn kia là Khổ và Vô thường). Gọi là Pháp ấn có nghĩa là trong tám mươi bốn ngàn pháp môn của đạo Phật nếu có pháp môn nào không có một trong ba khái niệm Khổ, Vô thường và Vô ngã thì không phải giáo lý đạo Phật.
03/10/2014(Xem: 4400)
Học sinh thường cho rằng, các thầy cô chỉ nhớ tên học sinh giỏi, học sinh đẹp hoặc hoạt động hiệu đoàn... Cho nên mỗi lần nếu tôi gặp lại một em học sinh không có gì xuất sắc ngày xưa mà tôi còn nhớ tên, thì đó là một niềm vui to lớn của em là được thầy cô còn nhớ mặt và nhớ tên của mình. Sau khi cuộc chiến lan tràn trên quê hương thầy trò phân tán, tôi đi cùng nam cực bắc, đi xa nửa trái địa cầu, rải rác khắp nơi, tôi vẫn gặp lại những em học sinh Đồng Khánh cũ. Và nhờ cố gắng nhớ mặt, nhớ tên các em, nên hầu như ở đâu tôi cũng gieo được chút niềm vui cho những người đang phập phồng chờ được gọi đích danh sau một câu mở đầu công thức: „Cô còn nhớ em không?“. Những con người ấy, những học sinh Đồng Khánh tha phương - xa trường, xa thầy bạn cũ đã xưa rất xưa, mà chính bản thân khi soi gương cũng không còn bắt được hình bóng mình ngày ấy..., bất giác còn được gọi tên, còn được nhớ, còn được nhắc nhở đến bao kỷ niệm của một thời. Ôi! Vui biết bao nhiêu, ấm áp ngọt ngào biết bao nhiêu
02/10/2014(Xem: 4318)
Ra đến bến xe trời hãy còn khuya khoắt, trông cảnh nhộn nhịp ì xèo rộn lên từ những gian hàng ăn uống ở một góc gần bên, và tiếng nói cười lăng xăng của hành khách đi lại lẫn với tiếng những người bán hàng rong mời mọc. Nhìn sang quầy bán vé bây giờ không giống như những ngày tháng sau năm 1975, bề mặt thoáng mát rộng rãi trang trí bởi những bảng quảng cáo, những hoa văn sắc màu, những hàng ghế để khách ngồi chờ trông lịch sự. Khách mua vé rất nhanh khỏe hơn xưa, không còn cảnh chen lấn xếp hàng cả buổi trời như trước đây, lại có thêm nhiều loại xe phục vụ trên các tuyến, việc nầy còn tùy thuộc vào túi tiền của hành khách, ai có tiền nhiều thì đi loại xe chất lượng cao, còn ai ít tiền thì đi loại xe bình dân hơn. Nói vậy chứ còn khá hơn trước Đây, bởi ba chiếc xe car cũ kỹ hoặc xe chạy bằng than đá trên những tuyến Miền Đông, Miền Tây vào những năm 1975 - 1990.
24/09/2014(Xem: 6433)
Xưa có một người quyết tâm học đạo, theo một vị thiền sư sống trong một cái cốc nhỏ, sống đạm bạc, quyết chí tu hành. Một này kia, có công việc, vị thiền sư phải đi xa, dặn đệ tử ở lại phải lo chăm chỉ tu hành, luôn luôn giữ lối sống đạm bạc và tâm hồn thanh tịnh. Người đệ tử này chỉ có một chiếc khố che thân. Đêm tới khi ngủ, máng khố trên vách, thường bị chuột chui ra cắn rách, phải xin bá tánh chút vải thừa thay khố nhiều lần.
03/09/2014(Xem: 4728)
Lúc đó tôi được 13 tuổi. Trước đó một năm gia đình tôi đã chuyển từ Bắc Florida đến miền Nam California. Tôi dễ hận thù khi vừa đến tuổi vị thành niên. Tôi rất nóng nảy và hay cãi lại đối với bất cứ chuyện gì dù nhỏ mà ba mẹ đề cập tới, đặc biệt là nếu nó liên quan đến tôi. Cũng giống như nhiều đứa trẻ lứa tuổi thiếu niên, tôi khó chấp nhận bất cứ điều gì đi ngược lại với quan điểm của mình về thế giới chung quanh. Một đứa bé “thông minh không cần dạy bảo”. Tôi phản đối bất cứ biểu lộ nào của tình thương. Thật sự, tôi dễ giận dữ khi đề cập đến cái từ “thương yêu”.
26/08/2014(Xem: 4135)
Ở ven bờ bể Mễ Tây Cơ, có một làng nhỏ chuyên sống nghề đánh cá, một chiếc thuyền con lướt sóng nhẹ vào bờ, đem về vài con cá khá to. Một ông khách Mỹ đứng trên bờ, khen ngợi nghề đánh cá tài giỏi của anh chàng Mễ Tây Cơ và hỏi anh ta mất bao nhiêu thì giờ mới được chừng đó cá. _ “ Không lâu lắm đâu !” anh Mễ Tây Cơ trả lời.
17/08/2014(Xem: 25532)
Đại Sư tên là Huệ Năng, cha họ Lư, tên húy là Hành Thao. Người mẹ họ Lý, sinh ra ngài nhằm giờ tý, ngày mùng tám tháng hai, năm Mậu Tuất, niên hiệu Trinh Quán thứ 12. Khi ấy, hào quang từ nhà ngài chiếu sáng lên không trung, mùi hương lạ tỏa lan khắp nhà. Đến tảng sáng, có hai vị tăng lạ mặt đến thăm, bảo cha ngài rằng: “Khuya nay ông vừa sinh quý tử, chúng tôi đến đây là để đặt tên cho cháu bé. Ông nên đặt trước là chữ Huệ, sau là chữ Năng.”
17/08/2014(Xem: 24365)
Nhân quả báo ứng là một tập truyện của Trung Quốc, có vẽ tranh minh họa rất sinh động. Tập truyện này trước do ngài Văn Xương Đế Quân đời nhà Tấn sưu tập những truyện nói về nhân quả và sự báo ứng qua nhiều triều đại ở Trung Quốc.
17/08/2014(Xem: 21526)
Nhân quả là định luật căn bản xuyên suốt quá trình thành trụ hoại diệt của tất cả chúng sinh từ đời này sang đời khác, cho đến vũ trụ, vạn vật cũng không phải tuần hành, biến dịch một cách ngẫu nhiên, vô lí, mà luôn tuân theo định luật nhân quả. Định luật này không do một đấng thần linh nào, xã hội nào đặt ra cả, mà là luật tự nhiên, âm thầm, lặng lẽ, nhưng luôn đúng đắn, chính xác, hiệu quả vô cùng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]