Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hoàng Cô tình sử

03/11/201506:38(Xem: 4099)
Hoàng Cô tình sử


chuyen_tinh_lien_hoa_hoa_thuong

Hoàng Cô tình sử

  

Đã lỡ hứa với lòng là từ đây nhất định sẽ không viết chuyện tình nữa, nhưng có lẽ “mối dây ràng buộc của nghiệp trần duyên“ của tôi vẫn còn nên phải đành viết tiếp câu chuyện tình của Liên Hoa Hòa Thượng và nàng công nương em gái vua Gia Long. Thiên tình sử kéo dài đến 40 năm với một tình yêu độc đạo, nghĩa là đường yêu chỉ có một chiều. Nàng yêu đắng, yêu cay trong tuyệt vọng vị Hòa Thượng làm Tăng Cang chùa Thiên Mụ ở kinh đô Huế và cũng là sư phụ truyền Bồ Tát giới cho nàng. Để tránh mối tình ngang trái chỉ làm cản trở đường tu và sự trong sáng của mình, vị Hòa Thượng khả kính đã tìm cách trở về chùa xưa, Sắc Tứ Từ Ân ở Gia Định để tỵ nạn tình duyên. Nhưng Hoàng Cô - cô của vua Minh Mạng vẫn bám theo kiểu, cho dù chàng có đi đến chân trời góc biển nào, thiếp cũng khăn gói theo chàng.

Thế rồi đoạn cuối một chuyện tình đã kết thúc một cách thật bi ai, lửa và độc dược đã mang đi hai mạng người, nhưng Lửa Tam Muội của Hòa Thượng chỉ thiêu được xác thân phàm của ngài chứ không dập tắt được ngọn Lửa Tình cháy ào ào như thác đổ triều dâng của Hoàng Cô. Vì sau khi chết không siêu thoát thần thức luyến ái của Bà quá mạnh đã gây xáo trộn trong chùa để đòi yêu sách, được thờ chung với long vị của Hòa Thượng Liên Hoa cho đúng với câu:

 

Tu đâu cho Thiếp tu cùng.

Sau khi thành Phật ngồi chung một bàn.

 

Tưởng rằng bụi thời gian đã xóa nhòa đi tất cả, câu chuyện tình chỉ còn lưu lại trong sử sách mà thôi. Nhưng hơn 200 năm sau một vị Hòa Thượng đã khơi lại câu chuyện này bằng một phóng tác dài trên sáu trăm trang giấy, với những diễn biến lịch sử thời Trịnh Nguyễn phân tranh lấy sông Gianh làm ranh giới, đến thời nhà Tây Sơn nổi lên làm Chúa Nguyễn Ánh phải lánh nạn tại các chùa, từ đấy mới sinh ra câu chuyện tình đầy dấu chấm hỏi, chỉ có nhân vật trong cuộc mới thấu rõ nguồn cơn. Kẻ hậu bối này có vài điều không rõ, xin mạn phép viết cho Hòa Thượng Liên Hoa một lá thơ để mong ngài làm sáng tỏ vấn đề:

 

Berlin, ngày ….. tháng …. năm Nhâm Thìn (2012)

A Di Đà Phật.

Kính thưa Hòa Thượng Liên Hoa,

Con là một Phật tử của chùa Linh Thứu Đức Quốc, pháp danh Thiện Giới, bút hiệu Hoa Lan. Là đệ tử hàng tép riu của Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác (người đã nhập vai Hoàng Cô viết cho ngài 15 bức thơ tình đấy!).

Nhân duyên nào đã xui khiến cho con biết chuyện tình của ngài và Hoàng Cô? Đấy là thời thuyết pháp của Hòa Thượng Sư phụ con trong khóa Huân Tu Tịnh Độ tại chùa Núi Thứu, người đang giảng về Tịnh Độ Tông thao thao bất tuyệt bỗng thấy chúng con hơi lim dim bay bổng. Người bèn đổi đề tài hỏi chúng con muốn nghe tiếp hay nghe chuyện tình của Hòa Thượng Liên Hoa. Cả chánh điện im phăng phắt đồng ý với lời đề nghị như có lực hút của nhựa tình, chỉ một tiếng kêu yếu ớt đòi vãng sanh từ bên dưới vang lên mà thôi.

Sau khi nghe xong nội dung câu chuyện do một giọng đọc khá truyền cảm trình bày, chúng con thật xúc động và gần như quên bẵng Phật A Di Đà trong giây lát để chỉ nghĩ đến ngài và Hoàng Cô. Tại sao ngài phải đốt thân và tịnh thất sau khi Hoàng Cô ôm hôn tay ngài? Vì pháp thiêu thân? Vì quốc vong thân? Hay vì tình mà thiêu? Không ai hiểu được ngoài ngài!

Dĩ nhiên chúng con cũng đặt nhiều câu hỏi với Hòa Thượng viết chuyện tình của ngài. Một chị bên Thụy Sĩ đã hỏi, nếu trường hợp của Hòa Thượng rơi vào tình trạng như thế, Thầy giải quyết làm sao?

 

Hòa Thượng cười thật tươi, trả lời rằng, đời tôi không bao giờ có chữ Nếu! Thật ra trong đời tu của tôi cũng có rất nhiều người yêu tôi. Nhưng quý vị thấy đó! Giờ này tôi vẫn còn ngồi nơi đây.

 

Vâng, Hòa Thượng này sẽ tồn tại mãi mãi vì người đã giữ giới và hành trì kinh Lăng Nghiêm một cách nghiêm mật, không một kẽ hở nào cho sóng tình chui lọt vào trong. Nói thế không có nghĩa là con muốn ám chỉ ngài không trì tụng kinh Lăng Nghiêm rốt ráo. Chẳng qua ngài không tránh được mối dây ràng buộc của nghiệp trần duyên như lời Đại Lão Hòa Thượng Phật Ý chùa Từ Ân đã tiên đoán trước từ lâu.

 

Sau đó dư âm câu chuyện tình thê thảm của ngài vẫn len lỏi vào từng cá nhân, nhiều ít tùy theo nồng độ cảm xúc của mỗi người. Cho đến khi một chị ở Hòa Lan đến rỉ tai con nói nhỏ, có chị nào đó bỏ ăn tối, ngồi khóc vì thương cảm cho cuộc tình của ngài và Hoàng Cô, tại sao ngài phải tự thiêu, có phải tâm ngài bị động không? Vì con là chuyên viên gỡ rối tơ lòng, chuyên hàn gắn những cung đàn lỡ nhịp, nên vội vã xuống hiện trường xem xét tình hình. Chúng con tụ nhau lại thành một diễn đàn, đem hết các kinh điển đã thu thập được trong các khóa tu ra mổ xẻ đề tài của ngài. Chị nào đeo bảng hiệu “Tịnh khẩu” thì xoay mặt chữ vào trong để tranh cãi cho thoải mái.

Một chị bên Đan Mạch cho việc ngài giơ bàn tay ra ngoài theo lời yêu cầu tha thiết của Hoàng Cô là phạm giới. Ngài đã để sáu căn tiếp xúc với sáu trần, nên chiếu theo nhân quả Hoàng Cô phải ôm lấy tay ngài hôn, không thể nào khác hơn được. Cách hay nhất là án binh bất động đừng trả lời gì cả.

Chị khác ở Đông Bá Linh, chuyên luyện phim bộ đã đem chuyện Quốc sư Ngọc Lâm trong Thoát Vòng Tục Lụy ra dẫn chứng. Một giải pháp tuyệt vời để bắt cô thiên kim quận chúa phải tỉnh ngộ, trong đêm động phòng hoa chúc Cát Cát phải mặc áo cưới nặng nề đi kinh hành theo chú rể đến mệt nhoài, để thấy được sự vô thường của dung nhan. Cô Cát Cát này còn ngang ngược gấp mấy lần Hoàng Cô mà Quốc sư Ngọc Lâm vẫn trị được. Từ đó suy ra, gặp khổ đau ta phải nhận diện nó, ôm ấp rồi tìm cách nghiền nát ra thành tro bụi chứ không được lẩn tránh.

 

Một chị ở Tây Bá Linh nghĩ sự việc rất đơn giản, nếu Hòa Thượng Liên Hoa đã giảng kinh Kim Cang Bát Nhã Tâm Kinh cho hậu cung nghe thì khi bị Hoàng Cô hôn tay, ngài chỉ cần đọc câu “không dơ cũng không sạch” rồi cười ha hả là mọi việc đâu lại hoàn đấy, cần gì phải tự thiêu. Chị còn kể chuyện nhà thơ Bùi Giáng chẳng điên tí nào, khi ở trong Đại học Vạn Hạnh đã thử đường tu của một vị Hòa Thượng chuyên giảng kinh Kim Cang. Hôm đó Hòa Thượng vừa mua một đôi dép mới rất đẹp, nhà thơ Bùi Giáng đem giấu một chiếc dép trên tay và một cảnh tượng ngoạn mục là Hòa Thượng đuổi theo chạy vòng vòng trong sân trường đòi dép. Lúc ấy Bùi Giáng mới quay lại trả dép và nói với người, Hòa thượng giảng kinh Kim Cang cái gì cũng không, tại sao chỉ mất một chiếc dép đã la toáng lên rồi.

 

Ngài thấy đó, diễn đàn của chúng con toàn những tay một bụng Đại thừa, họ giật Mix tranh nhau phát biểu. Một chị ở gần Potsdam đã đem câu chuyện Ma Bà đậu phụ đốt thảo am ra kể, chẳng là sau 20 năm nuôi cơm cho Thầy tu học, bà lão họ Ma bán đậu phụ đã thử đường tu của Thầy bằng cách gửi cô cháu gái xinh đẹp đem cơm lên cho Thầy và dò hỏi lòng dạ của Thầy trước nữ sắc. Cô gái cho biết Thầy đã nhắm mắt lại không dám nhìn cô gái rồi đọc bài thơ ví mình như cành cây khô trơ trơ trước gió xuân. Bà lão tức giận đuổi Thầy đi rồi đốt thảo am vì thấy mình uổng công nuôi mà tâm Thầy vẫn chưa chuyển.

 

Một chị khác phụ họa theo kể chuyện hai sư huynh đệ sang sông gặp cô gái ngồi khóc vì sợ lội qua sông sẽ ướt hết áo. Sư huynh thương tình cõng cô gái qua sông, trên đường về sư đệ trách sư huynh mình đã phạm sắc giới. Vị sư huynh bảo, qua sông ta đã buông cô gái xuống rồi, chỉ có đệ mới còn vướng mắc mà thôi. May quá, cuộc hội thảo đến đây phải tạm ngừng vì tiếng chuông thỉnh chúng gọi chúng con lên chánh điện Niệm Phật và đi kinh hành.

 

Thưa ngài, vì lỡ hứa với chị bỏ buổi ăn tối ngồi khóc thương cho cuộc tình của ngài, sẽ viết thơ hỏi ngài một số điểm, con phải bỏ ra 2 buổi tối đọc cho hết 600 trang chuyện tình của ngài cùng 15 bức thơ tình của Hoàng Cô gửi cho ngài, để phản biện lại cái nhìn của một cư sĩ Phật Giáo đã bị Lửa Tình thiêu đốt gần 40 năm nay. May nhờ ánh sáng nhiệm màu của Phật Pháp soi sáng con mới tỉnh táo ngồi đây viết thơ cho ngài.

 

Hòa Thượng Liên Hoa ơi, nếu đời của vị Hòa Thượng viết chuyện tình của ngài không có chữ Nếu, đời con ngược lại chỉ toàn chữ nếu mà thôi. Xin cho phép con được dùng 2 chữ nếu với ngài:

 

  1. 1.     Nếu con được nhập vai ngài, con sẽ không trốn tránh Hoàng Cô. Cứ nhìn thẳng vào mắt Bà rồi nghiêm khắc cho một bài Pháp thật hay, dĩ nhiên lúc nào cũng có sự hiện diện của các thị giả Mật Đĩnh hay Mật Hạnh để sự việc được trong suốt. Ngài không hiểu được câu “Khi yêu mới biết tình yêu là gì?” trong một bài hát nào đó, nên đã trốn chạy tình yêu của Hoàng Cô. Bà ta đã tốn bao nhiêu công sức và gian nguy đi từ Huế ra đến Gia Định tìm ngài, thế mà ngài chỉ gắng gượng theo lời khuyên của Hòa Thượng Viên Quang chùa Giác Lâm ở Phú Thọ tiếp kiến và hầu chuyện với Hoàng Cô được 2 buổi. Đến ngày thứ ba chắc không chịu nổi sự tấn công như vũ bão bằng những lá thư tình ghép chữ đối câu: “Liên Hoa Hòa Thượng” đối với “Hoàng Cô Cô Nương” rất chỉnh, nên ngài đã trốn đi nhập thất ở xa. Ngài không biết rằng tình yêu được ví như hình với bóng một trò đuổi bắt mà thôi, cái bóng Hoàng Cô sẽ không đuổi theo ngài nữa nếu ngài đừng tạo dáng tượng hình. Tình yêu đấy sẽ tiêu tan khi đối tượng là một cái không to tướng. Con nghĩ Phật pháp rất nhiệm màu, cái gì cũng giải được chỉ sợ ta không quyết tâm đấy thôi.
  2. 2.     Nếu con được nhập vai ngài, khi Hoàng Cô quỳ lạy khóc lóc trước tịnh thất của ngài đòi xin gặp mặt không được, sau hạ xuống chỉ đòi nhìn thấy bàn tay ngài. Con sẽ khoan thai mở cửa thất đi ra an ủi vỗ về một chúng sanh đang đau khổ vì mình. Nếu cần sẽ cho mượn bờ vai để Hoàng Cô dựa vào khóc mùi mẫn trước sự chứng kiến của các cung nữ và thị giả của ngài. Theo tinh thần Đại thừa ta chỉ xét cái Tâm chứ không để ý tiểu tiết cảnh một vị Hòa Thượng trên 60 cho một Hoàng Cô 65 tuổi mượn bờ vai khóc cho vơi tình sầu. Có thể đáp án của con đưa ra quá thời đại, không thích hợp với 200 năm về trước trong chốn thiền môn của cung đình.

Qua bài kệ Niết Bàn của ngài viết bằng mực đen trên vách chánh điện:

 

Thiệt đức rèn kinh vẹn kiếp trần.

Thành không vẫn đục, vẫn trong ngần.

Liễu tri mộng huyễn, chơn như huyễn.

Đạt đạo minh vui, đạo mấy lần.”

 

Phía dưới có đề: Sa Môn Thiệt Thành - Liễu Đạt.

 

 Con tin là ngài đã liễu đạo, việc ra đi của ngài là do ngài đã mãn nguyện ở kiếp này rồi; không vì một vấn đề gì của sự sanh tử có thể chi phối ngài được cả.

Ai muốn cho ngài là cố chấp hay xử sự không phải kẻ trí, mà ngài là Tăng Cang trụ trì chùa Linh Mụ gần như Quốc sư của triều đình. Làm sao có thể kết liễu cuộc đời một cách nhanh chóng như thế ?… Hỏi là hỏi thế thôi … Ngài ơi!

 

Phần Hoàng Cô, con đành á khẩu không dám nói nửa lời. Nếu xét về nghiệp duyên tình ái Bà là cao thủ đáng mặt thượng thừa, nhưng là Phật tử thì than ôi chính ngài cũng phải bó tay với người đệ tử quá đặc biệt này. Nói cho cùng cũng nên thương cảm cho bà Hoàng Cô suốt đời bị nhốt kín trong lầu son gác tía, tình cảm bị đè nén đến tột cùng. Nhưng có điều con vẫn thắc mắc là trong 40 năm quy y tam bảo, nghe bao nhiêu Pháp, Hoàng Cô không ngấm được một tí gì Pháp nhũ hay sao? Nếu Bà lọt vào đạo tràng tu học của chúng con, bảo đảm với ngài chúng con sẽ cùng nhau giáo hóa Bà ấy bỏ cái tính Ma Đăng Già đó ngay. Nhưng cũng còn một khả năng khác, Hoàng Cô biết đâu lại chẳng si tình Hòa Thượng của chúng con! Cái hạt giống Ma Đăng Già đi đâu, ở môi trường nào cũng có thể nảy mầm.

 

Hiện nay chuyện tình của ngài đang được lưu hành trên internet, họ dàn dựng thành những bộ phim ngắn dưới dạng  pps dùng photoshop để ghép hình ngài dưới ngọn lửa thiêu. Dĩ nhiên họ cũng không quên ghép hình Hoàng Cô lúc còn trẻ với nét đẹp tuyệt vời. Nhưng tất cả chỉ là biểu tượng vẽ vời, làm gì có ảnh thật mà chưng.

 

Thơ bất tận ngôn, con xin ngừng bút và kính  mong ngài thứ lỗi cho những lời sai trái của một người trần mắt thịt cỡ như con. Không biết bây giờ hóa thân của ngài ở đâu? Ngài có trở về lại cõi Ta Bà này để độ chúng sanh không? Nếu có xin ngài hãy trả lời thơ cho con dưới địa chỉ mail:

 

hoalan@vãngsanh.com

  

A Di Đà Phật.

Ký tên: Thiện Giới - Hoa Lan.

 

Mùa xuân 2012.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4850)
Thuở ấy khi vừa bước vào Thiên Đường, Bích Thảo đến đứng trước một cây kỳ lạ, cây vừa là đàn ông vừa là đàn bà. Bích Thảo cúi chào cây một cách kính cẩn và hỏi : "Chào cây, cây có phải là cây của sự sống không?" Nhưng khi có con rắn muốn thay cây trả lời cho chàng thì Bích Thảo quay lưng bỏ đi.
10/04/2013(Xem: 4403)
Làng Mã Châu của tôi là một ngôi làng nổi tiếng về nghề nuôi tằm, ươm tơ và dệt lụa. Những ngày còn nhỏ, tôi thích đứng xem người lớn nuôi tằm. Nhìn những con tằm nhỏ li ti, bám vào những chiếc lá dâu xanh, nhả những sợi tơ trắng mong manh, cho đến khi trở thành những con nhộng cuộn tròn trong cái kén. Qua đó, tôi cảm nhận sự kỳ diệu của một quá trình sinh diệt không cùng của vạn vật.
10/04/2013(Xem: 15827)
Quý vị đang cầm trên tay quyển "Đại Đường Tây Vức Ký" được chuyển dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt là do kết quả của sự miệt mài dịch thuật của chúng tôi từ ngày 24 tháng 10 năm 2003 đến ngày 10 tháng 12 năm 2003 tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi nhân mùa nhập thất lần đầu tại đây.
10/04/2013(Xem: 3013)
Đúng vào hôm tôi vừa ở Phật Học Đường Báo Quốc về thì Vĩnh đến thăm. Anh đến mang cho tôi một chồng sách Phật viết bằng tiếng Pháp mà anh mới gởi mua ở tận xứ xa. Anh cũng không quên mang tặng chú Tâm Mãn một cuốn tự điển Pháp Việt mới xuất bản, bởi vì anh biết chú Mãn đang cần cuốn này để học thêm Pháp văn.
10/04/2013(Xem: 14631)
Tập truyện Phật giáo này, gồm trên 70 câu truyện, rút từ các kinh, luật và luận, hoặc những chuyện mắt thấy tai nghe, có liên quan đến Phật giáo, cũng đem vào. Tập truyện này viết theo ký ức, nên không nhớ nhân danh, địa danh và thời gian. Mong chự vị độc giả thông cảm cho.
10/04/2013(Xem: 16596)
Tác phẩm “ Life and Teaching of the Masters of the Far East » (1935) ”, hồi ký của Dr. Blair T. Spalding (1857 – 1953) Một phần của hồi ký đã được Nguyên Phong chuyển ngữ với tựa đề “Hành Trình Về Phương Đông”
10/04/2013(Xem: 13054)
Ngôi chùa Sắc Tứ Hưng Phước Tự nằm trên một triền đồi thoai thoải, mặt chùa quay ra hướng đông nam hướng về phía biển đông. Lưng chùa tựa sát vào vách núi. Chung quanh là những điện đường ngang dọc, xây theo lối cổ tự ngày xưa. Đây là một chùa bề thế được bao đời chúa Nguyễn sắc phong cho các vị trụ trì tiền nhiệm tại đó. Nên trong lòng ai cũng cung kính nể vì. Lý do là chùa xây dựng rất đúng với thuật phong thuỷ.
10/04/2013(Xem: 4334)
Trong mùa xuân của thời thơ dại Anselm thường thơ thẩn chạy khắp khu vườn xanh lá cây. Cậu bé yêu đặc biệt một loài hoa trong các hoa của mẹ : Hoa Huệ Kiếm
10/04/2013(Xem: 12180)
Ngay từ khi tôi còn thơ ấu, Ba vẫn thường kể câu chuyện về Kim Các Tự cho tôi nghe. Tôi ra đời trên một mũi biển hiu quạnh nhô ra ra biển Nhật Bản ở phía đông bắc Maizuru. Tuy nhiên, nguyên quán của Ba không ở đây mà ở Shiraku, miền ngoại ô phía đông thành phố Maizuru. Ba được thúc đẩy gia nhập giáo hội và trở nên tu sĩ trụ trì một ngôi chùa tên một mỏm đất xa xôi. Ba lập gia đình ở nơi này và sinh ra một đứa con trai, ấy chính là tôi vậy.
10/04/2013(Xem: 16608)
Ðạo vốn vô ngôn; do ngôn mà hiển đạo, thế nên có mạn lục, có bảo huấn, có bút ngữ, có võ khố. Nay đây, có Hòa thượng Văn Thủ, tự Nhất Ty (1607 – 1648) người nước Nhật Bản, lúc đầu ở ẩn nơi Tây Cương thuộc đất Lạc Tây, về sau Ngài về núi Ðan mai danh ẩn tích. Nhưng các hàng xuất gia khắp chốn hải hồ tìm đến bên Ngài kết am tranh tu học số đông không kể xiết.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]