Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lời giới thiệu và Lời mở đầu

18/07/201509:29(Xem: 3082)
Lời giới thiệu và Lời mở đầu
TỰ TRUYỆN MỘT NGƯỜI TU 
Thích Hạnh Nguyện 
Nhà xuất bản Hồng Đức 2015

LỜI GIỚI THIỆU

Trong mùa An cư kiết hạ năm nay (1997) tôi đang viết tác phẩm thứ 23 về sự sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam tại Âu châu qua khóa giáo lý kỳ 9 tổ chức tại Dallenholen, gần Munchen, miền Nam nước Đức. Lại nhận được bài và thư của Hạnh Nguyện gởi về từ Ấn Độ. Hạnh Nguyện là đệ tử xuất gia của tôi cách đây mười năm về trước và nay đang ở tại Ấn Độ, tu học tại tu viện Sera theo trường phái Tây Tạng.

Cha mẹ nào không vui khi thấy con cái mình khôn lớn, và thầy cô nào lại không mừng khi thấy đệ tử của mình đã bắt đầu những bước đi vững chãivào trong nền tảng giáo lý của đức Như Lai? Vì vậy cầm tập bản thảo trên tay, tôi cố mở từng trang và đọc lại thật kỹ mấy chương sách này. Đẩu tiên tôi lưu ý đến ý tứ và câu văn, sau đó đến lỗi chính tả, các dấu hỏi, ngã, t, c....

Thầy Hạnh Nguyện xa quê từ nhỏ, nên cách cấu tạo câu văn, viết gồm nhiều mệnh đề phụ, dài lê thê, đọc muốn đứt hơi luôn. Do đó, tôi phải chấm, phẩy thêm nhiều đoạn để chia câu văn ra cho có ý tứ hẳn hoi, để người đọc khỏi mỏi mắt.

Đọc mấy chương nói về mình, thực sự tôi cảm động. Vì những gì mình đã làm cho đệ tử lúc ban đầu, không ngờ trong cái dạy tận tụy ấy, lại kèm theo một sự bất mãn. Nhưng tiếp theo đó, là những sự tìm tòi học hỏi và khi quay lại với chính mình, hóa ra những lời dạy ấy không có thừa và bây giờ đã giúp cho Hạnh Nguyện một hành trang nho nhỏ đi vào đời và muốn mang ý Đạo truyền vào mạch sống tâm linh ấy.

Người xưa thường nói: “Thơ trung hữu ngọc”. Nghĩa là trong sách có chưa nhiều món quý. Món quý đây là giá trị tinh thần mà người viết muốn gửi gắm đến mọi người đọc sách. Khi đọc một quyển sách, chúng ta sẽ tìm ra được nhiều điều hay ẩn tàng nơi đó, nên gọi là ngọc. Những món đồ quý giá thường không nằm khơi khơi trên mặt đất, mà phải đào sâu vào lòng đất mới tìm được. Cũng như thế đó, chúng ta đi tìm đạo giải thoát đâu phải chỉ cần thời gian một ngày, một năm, mười năm hay một đời người mà được, nhiều khi còn đổi cả sinh mạng này, nhưng vẫn chưa tìm ra đạo kia mà! Vì lẽ ấy, người đọc sách và kẻ viết sách là hai tâm hồn giao thoa với nhau, để đôi bên cùng có lợi cho sự hiểu biết của mình,thì quyển sách ấy mới có giá trị.

Đây là quyển sách mà tác giả đã gởi hết tâm tư tình cảm của mình vào đó. Nhất là đã giới thiệu cho những từng lớp trẻ sinh ra và lớn lên tại hải ngoại, một cái nhìn rất thực tế về cuộc đời và môi trường sống; nhất là khi đã có ý định đi xuất gia, thì tập sách cũng chưa phải là kim chỉ nam; nhưng nó sẽ mang lại cho những ai muốn tìm hiểu về cuộc sống của người tu hành trong thế giới vật chất ngày nay cũng có được vài một hiểu biết cần thiết.
Tôi không có dịp đọc được hết quyển sách, vì thầy Hạnh Nguyện chỉ gởi về cho tôi mấy chương đầu. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng với lối hành văn sáng sủa ấy, các chương sau cũng sẽ gởi đến quý độc giả những điều hữu ích hơn.

Viết lời tựa cho một quyển sách, mà quyển sách ấy lại do đệ tử của mình viết, tôi không nghĩ rằng “mèo lại tự khen mèo dài đuôi”, mà ở đây quý độc giả nên lãnh ý quên lời, dầu cho lời giới thiệu có hay ho, bóng bẩy đi chăng nữa.

Không điều gì quan trọng bằng nội dung của quyển sách mà tác giả muốn gởi đến quý vị và mong muốn rằng sau khi đọc sách xong, gấp sách lại, còn lại cái gì đó nơi cõi lòng  của quý vị, điều mà tác giả muốn gửi đến.

Mong lắm thay.
Viết vào ngày sinh nhật 28.06.1997
Tại thư phòng chùa Viên Giác – Đức quốc.
Thích Như Điển
 
LỜI MỞ ĐẦU

Tôi có ý nghĩ viết thành tập sách này vào đầu năm nay (1997), nhân kỷ niệm mười năm tôi được xuất gia học đạo. Mười năm thường là cái mốc thời gian đáng nhớ cho những sự cố gì xảy ra trong một đời người. Sự cố ấy mang ý nghĩa của đổi thay dù sự đổi thay đó mang tính cách thế tục hay xuất thế. Trong đạo thầy đã dạy tôi rằng: "Sau một thời gian tu tập con cần nên cứu xét lấy mình, ngắn thì mỗi năm, dài thì năm năm, mười năm. Sau khoảng một thời gian dài ấy mà con thấy có niềm tin hơn, ý chí hơn trong sự tu tập thì đó là con đã tiến bộ. Giảm niềm tin, thiếu tinh tấn chính là con đã lui sụt. Tu tập mà không tiến bộ tức là thua sút, yếu hèn, phụ bạc công ơn thầy tổ nuôi nấng và sự thọ nhận cúng dường của đàn na thí chủ".

Ngẫm nghĩ lại tôi cũng thấy mình phải cần nên viết một cuốn sách như thế này dù rằng đời tu tôi chẳng có gì đặc biệt. Viết đây không phải để trình bày cái mình và khoe mình mà viết đây là tôi muốn trình bày tâm trạng và kinh nghiệm của một người trẻ xuất gia ở hải ngoại đã trải qua những chặng đường thử thách của mười năm. Mười năm nếu chỉ tu suốt cùng với thầy trong một ngôi chùa thì chắc cũng chẳng có nhiều để nói, nhưng mười năm qua của tôi là mười năm của một kẻ lãng tử giang hồ lấy phi cơ làm bạn, lấy xứ này chốn kia làm nhà nên người than phiền cũng lắm mà kẻ chê trách cũng nhiều; thế nên viết cũng là một cách nói và kể lại một đoạn đời đã qua. Sách viết về đời tu của một người tăng sĩ tu ở Việt Nam thì cũng đã có một vài cuốn như: Cuộc đời của người tăng sĩ, thầy tôi viết; một vài tập truyện khác: Núi xanh mây hồng, Phương trời cao rộng, Bụi đường, Ngõ thoát v.v... của Vĩnh Hảo, cuốn Như dòng ý thức của Thượng tọa Bảo Lạc bên Úc v.v... Nhưng thật ra chưa có một cuốn nào được viết bởi những tăng sĩ trẻ được xuất gia tu học ở hải ngoại cả.

Họ vì sao xuất gia? Muốn những gì nơi đời sống tu hành? Sống ra sao và có những thử thách thế nào trong đạo cũng như ngoài đời đối với họ? Họ quan niệm thế nào đối với những cám dỗ của cuộc đời? Có phương pháp và cách tu gì để đối trị với những phiền não và vô minh bên trong? Sự khước từ hưởng thụ cuộc đời để đi tu sẽ dẫn đến đâu? Có ích lợi gì.v.v... Đó là những điểm mà tôi muốn viết về mình như là một ví dụ thay cho những người trẻ khác khi có tâm chí xuất trần.

Đời sống của một người xuất gia là một đời sống cao đẹp nhưng rất đầy rẫy những thử thách và cám dỗ. Người xuất gia ở Việt Nam phải chịu đựng sự thử thách với cái khó khăn và nhiều khổ cực trong chùa. Người xuất gia ở hải ngoại thì lại chịu đựng nhiều cái quá tiện nghi và bề bộn công việc trong chùa. Ở hai mặt đều có những tính chất tiêu cực của nó, vì theo tôi đời sống của người xuất gia là đời sống của văn, tư và tu. Văn là sự học hỏi Phật pháp, tư là sự tư duy và chiêm nghiệm những điều đã nghe và học và tu là thường xuyên quán tưởng và đem áp dụng những điều mình đã tư duy chiêm nghiệm ấy vào sự tu tập hành trì của mình trong đời sống hàng ngày. Ba pháp văn tư và tu ấy đòi hỏi bên cạnh một thời gian thư thái, quang cảnh nhẹ nhàng và một vị thầy đầy lòng bi mẫn, thương xót khuyên nhấc đệ tử gắng công tu học. Người ta có thể cho rằng tu thì trong trường hợp nào tu cũng được, dù cực khổ, khó khăn hay bận rộn đến đâu. Nhưng dẫu biết rằng chịu khổ cực cũng là tu, khó khăn cũng là tu, bề bộn công việc cũng là tu, cái gì cũng là tu hết nhưng biết cách tu hơn một chút, có thời gian tư hơn một chút, sống nhẹ nhàng thánh thoát hơn một chút, được nghe Phật pháp, được dạy bảo, khuyên răn nhiều hơn một chút thì sự tu hành sẽ có lẽ tốt đẹp hơn, đỡ nhàm chán hơn và người đó sẽ đủ vững niềm tin hơn để có thể đi suốt đoạn đường tu hành của họ.

Rồi bên cạnh là trăm thứ cám dỗ khác mà người tu phải giáp mặt trong đời sống hàng ngày giữa một xã hội vật chất Tây phương. Cám dỗ thì vô vàn, nhưng đại loại không ngoài những cái chính như: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghĩ tình yêu, tình dục.v.v... Đây là những thứ làm ngươi tu sa ngã và thất bại nhiều nhất trong đời sống tu hành của họ dù người đó có chính thức hoàn tục hay không, nhưng nếu bị đắm nhiễm và vướng vào thì cũng xem như là thất bại rồi.

Những thứ cám dỗ mà tôi viết ra trong sách này không phải là những chỉ trích: chê bai khi mà tất cả con người chúng ta đang sống và đắm nhiễm trong đó. Tôi chỉ viết với những nhận định và cảm tưởng cá nhân của một người tu khi nhìn về nó. Đây là cách nhìn và quán chiêu để tu tập, giữ tâm hầu tránh sự việc là bị đắm nhiễm và vướng mắc vào. Dĩ nhiên trong sự tu hành của một người tu tôi cần phải nhìn những thứ cám dỗ ấy càng tiêu cực, càng xấu xa càng không che mắt được tôi và quyến rũ tôi dưới bất cứ hình thức nào. Vậy nên cái nhìn và sự quán chiếu những thứ cám dỗ ấy là xấu xa, tội lỗi sẽ không phải cái nhìn, quán chiếu và xem những người đang vướng vào những cám dỗ ấy là xấu xa, tội lỗi và đáng khinh thường. Một khi biết rằng tôi đã và đang tróc vây trầy da khi cố gắng vượt thoát những cám dỗ ấy và bao nhiêu người chưa thể vượt thoát được, thì tôi sẽ có lòng cảm thông để tìm cách chia sẻ, khuyên lơn và ban bố những kinh nghiệm khó khăn mà tôi đã vượt qua. Lời thầy Nhất Hạnh nói: "có hiểu mới thương" có lẽ rất đúng trong trường hợp này.

Mục tiêu tối hậu của đời sống xuất gia là sự giải thoát, giải thoát ngay trong đời này chứ không phải là chỉ qua những lời cầu nguyện giải thoát và nghĩ rằng giải thoát chỉ có thể đến với mình vào những kiếp sống tới. Một người xuất gia mà không tin mình có khả năng giải thoát và có thể giải thoát ngay trong đời này là một người xuất gia đáng bị la rầy và khiển trách. Nhưng đối với mục tiêu tối hậu là giải thoát của người xuất gia thì trên con đường đi đến mục tiêu ấy, những công việc mình làm mình nói, mình suy tưởng cũng phải mang những ý nghĩa, giá trị và lợi ích cho mục tiêu giải thoát của mình. Không hàm mang tất cả những điều này thì có thể là ta đã đi chệch hướng mà ta từng phát nguyện lúc ban đầu.

Nếu những người tu sĩ ở Việt Nam trước khi đi xuất gia, họ có những thao thức, băn khoăn về nổi thống khổ, cơ cực của kiếp người, của chúng sinh trong vòng luân hồi, thì những người trẻ ở hải ngoại khi đi xuất gia, họ  cũng có những thao thức và băn khoăn về nỗi quá sung sướng, hưởng thụ đến sa đọa đời sống vật chất tiện nghi và biết rằng đây chỉ là mầm của những sự tái sinh thấp kém sau này, thì chúng ta những người xuất gia ở hai phương trời đã có cùng chung một ý thức hướng thượng như nhau. Đó là hướng về sự giải thoát khổ đau, dứt bỏ luân hồi ngay trong kiếp sống này của mình và sẽ tìm cách dứt bỏ luân hồi cho những chúng sanh khác trong tương lai. Dĩ nhiên trong những hoàn cảnh và môi trường nào cũng có những điểm ưu và khó khăn riêng của nó, nhưng cái khó khăn của người xuất gia và tu ở hải ngoại là cái khó khăn giáp mặt và phải đi vào cuộc đời. Họ phải học, phải biết, phải hiểu và cảm nhận nhiều hơn là cái học, hiểu, biết thường tình của thế gian kìa, còn không thì họ không thể sống, tu, làm việc và độ những con người thời đại chỉ tin vào những cái gì mà họ nghe, thấy biết qua chính bản thân họ và phần lớn tin vào đời sống vật chất và sức mạnh của đồng tiền. Người tu ở hải ngoại nếu không có sự biết, hiểu và cảm nhận rõ hơn thế thường thì chính họ cũng sẽ bị xã hội chung quanh, con người và vật chất chung quanh nhận chìm sau khoảng một thời gian tu hành. Cái khó là mình biết mọi sự nhưng không đắm nhiễm, có thể hưởng mọi sự nhưng lại khước từ, có thể và được quyền sống cho mình nhưng hy sinh để sống cho người. Tất cả những việc làm cao quý đây mà mình đang làm không ngoài việc gây nhân cho quả giải thoát giác ngộ sớm được trổ trái và khi nó được trổ trái rồi thì mình sẽ có được lợi lạc và người người cũng sẽ được hưởng phần.

Tôi muốn trình bày nơi đây trong tập sách này một chặng đường đã đi qua với bao thử thách cam go, mà tôi nếu không nhờ có sự hộ trì của chư Phật, của những nhân duyên lành trong quá khứ thì tôi đã sa ngã tự bao giờ. Sa ngã để trở về đời sống phàm tục như xưa thật ra cũng chẳng xấu; nó chỉ nói lên sự thất bại của mình đối với con đường thánh thiện mà mình một thời đã nhất quyết chọn cho được. Kinh nghiệm là một bài học cho ta học hỏi nhất là kinh nghiệm của nhiều sự sai lầm. Nhưng không hiểu sao cuộc đời tu của chính tôi lại có quá nhiều kinh nghiệm sai lầm. Thế nhưng trong nhiều cái sai ấy, tôi được đạo, được các bậc thầy soi sáng để nhìn lại, thấy mình hơn và trong sự nhận chân qua những ăn năn hối cải đó, tôi quyết chí muốn trở thành một con người lương thiện hơn, chân chánh và có phạm hạnh hơn trong đời sống xuất gia tu học của mình. 

Thế giới ngày nay là thế giới đang đi lên với đời sống vật chất nhưng lại đi xuống với đời sống tinh thần và giá trị đạo đức, đây là một điều đáng lo ngại.  Nhưng trên cái đà tiến thoái bộ ấy, vẫn có những nền văn hóa, đạo đức, triết học, tôn giáo và giá trị sống tâm linh tồn tại và hiện hữu. Một trong những gia tài tâm linh của nhân loại, trong đó có đạo Phật đã và đang phát triển mạnh ở các nước phương Tây vì nó đáp ứng và giải quyết được những bế tắc xung đột nội tâm mà con người ở những xã hội văn minh này dầu có đủ vật chất cũng không tìm ra lối thoát được cho sự mưu cầu đời sống an vui và hạnh phúc của con người. Là một người được cơ duyên sống trong đạo Phật và được huấn luyện tu học từ cách ăn, nói, suy nghĩ cách đi đứng và làm việc, tôi thấy mình có đủ cơ hội để viết lên những kinh nghiệm đã qua, để mọi người khi nhìn vào đạo Phật, nhìn vào người tu sẽ có một sự hiểu biết đúng đắn để thông cảm hơn. Tuy trong tập sách này có thể chưa bao trọn những điều mà độc giả muốn biết về một người tu, nhưng với tôi thì đây cũng là một sự cố gắng lắm rồi khi trình bày rõ nét trong cái phạm vi hiểu biết hạn hẹp của tôi về đời sống của một người tu. Có thể phần trình bày ít nhiều mang tính chủ quan và cá nhân, nhưng ít ra khi đọc qua, độc giả cũng có cơ hội để biết và hiểu thêm về cuộc đời của một người đã đi tu. Có thông cảm và hiểu biết hơn về một người tu thì đó chính là mục tiêu mà tập sách này muốn gửi gắm.

Tôi thì do chưa từng có dịp và năng khiếu về văn chương nên khi nghĩ đến việc viết tập sách này, không khỏi phần e ngại và cùng lúc khi viết tất không tránh khỏi nhiều lỗi lầm và va chạm. Mong người đọc cảm được ý mà bỏ qua cho những sơ suất đáng tiếc.

Lời cuối con xin đê đầu đảnh lễ Thượng tọa Bổn sư thượng Như hạ Điển, người đã ban cho con sự dạy dỗ, thương yêu và tạo cho con nên người như ngày nay. Con cũng xin đê đầu đảnh lễ chư tôn đức trong giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Âu châu, các vị Hòa thượng, Thượng tọa, đại đức tăng, ni khác đã ra công dạy dỗ, khuyên bảo và sách tấn con trên bước đường tu học. Không có thầy, chư vị cao đức thì con mãi mãi sẽ không có ngày hôm nay, ngày mà con đang được mặc chiếc áo xuất gia, được ngồi yên tu học, được những sự hiểu biết của Phật pháp để rồi thấm sâu niềm tin, phát nguyện hạnh lớn và tâm tâm niệm niệm gắng công tu hành để đền đáp ơn quý thầy, chư tổ, mười phương chư Phật cùng khắp tất cả vạn loài chúng sanh. Có những công đức lành nào trong sự tu tập, trong việc viết sách này, con xin hồi hướng đến chư thầy tổ, phụ mẫu và vạn loài hữu tình. Cầu nguyện cho tất cả sớm ngộ được trí tuệ bát nhã trong mình và sớm được giải thoát giác ngộ.

Viết xong vào một ngày mùa mưa tháng 6 năm 1997, tại tu viện Sera, miền nam Ấn Độ.

Thích Hạnh Nguyện
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/11/2011(Xem: 4395)
Tôi có ý nghĩ viết thành tập sách này vào đầu năm nay 97, nhân kỷ niệm mười năm tôi được xuất gia học đạo. Mười năm thường là cái mốc thời gian đáng nhớ cho những sự cố gì xảy ra trong một đời người. Sự cố ấy mang ý nghĩa của đổi thay dù sự đổi thay đó mang tính cách thế tục hay xuất thế. Trong đạo thầy đã dạy tôi rằng: "Sau một thời gian tu tập con cần nên cứu xét lấy mình, ngắn thì mỗi năm, dài thì năm năm, mười năm. Sau khoảng một thời gian dài ấy mà con thấy có niềm tin hơn, ý chí hơn trong sự tu tập thì đó là con đã tiến bộ. Giảm niềm tin, thiếu tinh tấn chính là con đã lui sụt. Tu tập mà không tiến bộ tức là thua sút, yếu hèn, phụ bạc công ơn thầy tổ nuôi nấng và sự thọ nhận cúng dường của đàn na thí chủ".
04/11/2011(Xem: 4199)
Tiếng súng nổ từ xa, dù lớn dù nhỏ, vẫn là chuyện thông thường không thắc mắc đối với dân Quảng Ngãi trong thời chiến tranh. Nhưng đêm nay, đêm mồng một Tết, tiếng súng nổ bên tai làm cả nhà tôi bàng hoàng. Không ai bảo ai đều giật mình thức giấc rồi chạy ào xuống nhà núp dưới chân cầu thang. Tiếng súng nổ gần quá, tôi nghe cả tiếng hô hoán: “Tiến lên!” giọng Bắc rặc của một người chỉ huy nào đó. Trời! Không lẽ mặt trận đang diễn ra trong thành phố? Tim tôi đập loạn xạ, dù mồ hôi vã ra, răng tôi vẫn đánh bò cạp. Tôi rúc vào lòng năm chị em gái và ba má của tôi. Tiếng khóc thút thít vì sợ hãi muốn oà ra nhưng tôi cố dằn lòng sợ địch quân nghe thấy. Ầm! Một trái pháo kích rớt trúng nhà phía sau của tôi. Ngói bể rơi loảng xoảng, khói đạn bay mịt mù. Tôi chỉ kịp thét lên, ôm cứng lấy má tôi, hồn như bay khỏi xác. Đó là năm Mậu Thân 1968, lúc tôi 14 tuổi.
27/10/2011(Xem: 19103)
Bùi Giáng, Người viết sách với tốc độ kinh hồn
12/10/2011(Xem: 19309)
Truyện thơ Tôn giả La Hầu La - Tác giả: Tâm Minh Ngô Tằng Giao
01/10/2011(Xem: 7318)
Hàng ngũ phật tử thường được chia là phật tử tại gia và phật tử xuất gia. Các phật tử tại gia thường được gọi là cư sĩ. Trong lịch sử đạo Phật có ghi lại chuyện một số các vị cư sĩ nổi tiếng, tuy các vị ấy không xuất gia nhưng về phương diện tu hành, thấu hiểu đạo lý thì không thua kém gì các vị đã xuất gia. Có nhiều vị cư sĩ nổi tiếng nhưng bài này chỉ xin nhắc đến ông Duy Ma Cật, bà hoàng hậu Thắng Man, cư sĩ Huệ Năng lúc chưa xuất gia và sau đó đến gia đình ông Bàng Uẩn.
25/09/2011(Xem: 3828)
Lời hát ru nhẹ nhàng mà trầm buồn da diết ấy đi vào trong cả giấc mơ của Hiền. Bao lần chị giựt mình thảng thốt ngồi bật dậy… ngơ ngác nhìn quanh. Chẳng có gì khác ngoài bóng đêm lạnh giá bao trùm hai dãy xà lim hun hút. Chốc chốc vẳng lại tiếng thạch sùng chặc lưỡi, tiếng chí chóe của mấy chú tí ưa khuấy rối trong xó tối. Và cả tiếng thở dài của ai đó dội qua mấy bức tường xanh rêu im ỉm…
24/09/2011(Xem: 2844)
Ngày xưa có một chàng trai tên là Na Á. Anh mồ côi cha từ sớm, ở với mẹ già. Nhà Na Á nghèo, anh phải làm nghề đánh cá để nuôi thân, nuôi mẹ.
24/09/2011(Xem: 2877)
Một hôm em bé ngồi trong bóng cây trú nắng, gió cũng thổi mát quá, em ngủ quên, đến lúc thức dậy, thì đàn trâu đã đi mất. Em tìm khắp cánh đồng mà chẳng thấy.
21/09/2011(Xem: 2876)
Tờ Chú (có nghĩa là anh đen) nghèo nhất làng. Họ nghèo lắm, nghèo đến nỗi không có một con dao mẻ để phát nương, một cái thuổng để đào củ mài.
21/09/2011(Xem: 2750)
Ngày xưa, ở xã Đại An gần cù lao Huân tỉnh Khánh Hòa có một đôi vợ chồng già không có con cái. Ông bà ở trong một căn nhà lá dựng bên vách núi, làm nghề trồng dưa.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]