Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Dây oan

18/03/201519:43(Xem: 6360)
Dây oan
co-lai-do-4




Tôi sinh ra ở miền sông nước Nam Bộ của xứ Việt. Nhưng thật lạ, phải gần nửa đời tôi mới bắt đầu nhận ra mình vốn yêu sông nước. Tôi yêu quê từ những miền đất lạ mà mình đi qua, và tệ nhất khi đôi lúc chỉ là những nơi chốn xa ngái mịt mù chỉ nhìn thấy trong sách vở, phim ảnh. 

 

Và kỳ chưa, đó cũng là cách tôi yêu đạo Phật. Ăn cơm chùa từ bé, nhưng phải đợi đến những giây khắc nghiệt ngã, khốc liệt nhất bình sinh, tôi mới nhìn thấy được rõ ràng nụ cười vô lượng của đức Phật bất chợt hiện lên đâu đó cuối trời thống lụy.

Tôi đã bao lần bất chợt nghe ra lời Phật từ những nhân duyên tình cờ không ngờ nổi. Một câu thơ thiệt ngộ trong bài thơ dở tệ nào đó, câu nói bâng quơ của một người – thậm chí không biết Phật là ai, một câu hát huê tình đem tán gái quê chưa chắc đã xong... Vậy mà trùng trùng một cõi pháp nghĩa. 

 

Đạo diễn Kim Cơ Đức của Hàn Quốc lại tình cờ có khá nhiều những cách trò chuyện lạ lùng, để qua ông, tôi có không ít cơ hội nhìn lại Phật giáo từ những góc cạnh bất ngờ nhất. Có thể nói, tôi đã yêu đạo Phật qua ông theo cách đã từng yêu quê với ông Sơn Nam ngày trước và Nguyễn Ngọc Tư bây giờ.

Lần đầu tôi biết đến ông qua cuốn phim Bốn Mùa Đắp Đổi (Spring-Summer-Autumn... Winter And Spring Again). Lần hai, một cuốn phim rất dễ gây hiểu lầm với một nội dung tục lụy và dăm ba cảnh quay khá bạo. Tôi muốn nói phim The Isle mà nghe đâu bên Việt Nam bây giờ đã có bản dịch tiếng Việt với cái tên hiền khô là Cô Lái Đò.

Ngẫm đến kỳ cùng, nếu chỉ lấy cái nhục cảm đơn sơ để xem phim, với hi vọng được sướng mắt gì đó, thì vài ba hình ảnh chập chờn trong phim xem chừng cũng chẳng nên cơm cháo gì. Còn nếu chỉ xem qua chỉ để mục kích một cảnh đời tăm tối, thì hình như hơi ác, và cũng chẳng có gì lạ lùng hơn cuộc đời thực bên ngoài. 

 

Thế giới bây giờ ở đâu lại chẳng có những mảnh đời kiểu đó. Vậy thì cái nội dung thật sự mà cuốn phim nhắm đến hẳn là, phải cần đến phép đọc giữa hai hàng chữ. Có thể thâm ý của đạo diễn không giống với cách nghĩ của từng người xem phim, nhưng một cách đào xới và ngắm nghía tích cực của mỗi cá nhân, cũng là một thái độ chẳng phụ lòng người viết kịch bản.

Tôi đã bắt đầu bài viết này với một nhắn gửi xa gần về sông nước quê hương, cũng chỉ vì ngay từ lúc gõ tay vào bàn phím, đã thấy trước mắt mình một mặt nước mênh mông, đang mờ nhạt trong màn mưa phủ, có một con đò nát đang trôi, với phận gái trầm luân của một cô lái câm thương mấy cho vừa. 

 

Trên hồ, quanh cô, là những căn chòi có kiến trúc thật lạ, khó thấy ở đâu. Vài chiếc thùng phuy được hàn kín để giữ hơi, ngó như những cái phao lớn, và trên đó gắn chặt một căn chòi bằng gỗ ghép đơn sơ. Nếu trên đất bằng, có lẽ khó ai hình dung mình có thể ăn ngủ được trong cái chuồng chật chội đó. Nhưng trên mặt hồ mênh mông, chúng xinh xắn và độc đáo quá chừng.

Hee Jin, tên của cô gái lái đò, có một dáng cách thật lạ. Ấn tượng đầu tiên của tôi về cô là một con mèo rừng tuyệt đẹp. Chút gì hoang dã, man rợ lẫn khuất bên cạnh thứ duyên ngầm chẳng rõ đến từ đâu. Thú thật, tôi yêu cô mà vẫn cứ nghe gai người. Cá tính cô mạnh mẽ như truyền thụ từ loài beo gấm, nhưng lúc bất ngờ nào đó, lại nữ tính và trẻ con đến dại khờ. Cô có thể mềm lòng chỉ vì một món đồ chơi thủ công rẻ tiền từ tay một kẻ lạ, rồi thầm yêu người ta đến sông cạn đá mòn. 

 

Trong lúc anh chỉ là một người chồng giết vợ để rửa cái nhục bị cắm sừng, rồi sau đó, tiếc thương suốt phần đời còn lại, của một kiếp đời dạt xô bạt mạng. Sự dại khờ của cô là bản sao trung thực của bao sự dại khờ trên đời, của muôn người thiên hạ: Yêu cái làm khổ mình, bán mạng cho kẻ hại mình, chung thân cho những thứ phù du nhất, và cứ luôn ảo vọng về những Trăm Năm, Nghìn Kiếp, Thiên Thu của những lời thề non hẹn biển nào đó, khi mà đến tuổi non trăm, nếu chưa kịp phụ nhau thì cũng cùng nhau đãng trí quên sạch.

Anh tên Hyun Sik, đã tìm đến hồ nước bao la mà cũng hoang sơ tịch liêu này như một chọn lựa cuối cùng. Ở đó, một ngày mấy bận, có cô gái câm Hee Jin dong con đò máy nhỏ xíu cũ nát đưa khách tới lui những căn chòi nổi bồng bềnh trên hồ. Thiên hạ tới đây đại khái chỉ gồm vài hạng: Giới hắc đạo trốn tránh pháp luật, đàn ông trốn vợ nhà để tìm chỗ du hí riêng tư. 

 

Cạnh đó, đôi khi là những người nhàn hạ muốn có riêng một vùng trời nước xa vời. Ai đến đây cũng đều là khách. Họ muốn gì, cô lái câm chiều đón hết mình. Cô cho ra cái mình có: Chai rượu, tách cà phê, gói thuốc lá, kể cả tấm thân con gái – mà hình như từ ngày dậy thì chưa có ai nói cho cô biết cái giá thật của nó. Cô hồn nhiên không mặc cả. 

 

Mua bao nhiêu cũng bán, nhưng nhớ đừng giở thói ăn quịt. Hoa héo từ lâu, nhưng cái con mèo rừng trong nàng vẫn luôn thừa sức thua đủ với người không biết luật chơi đơn giản ở đây. Trong cuốn phim ngắn ngủi xem chưa kịp thỏa đã hết này, cô lái câm đã mấy lần chứng tỏ cái bản lãnh làm luật của mình.

Một trong những nét riêng xuất sắc của đạo diễn Kim Cơ Đức, là hạn chế tối đa ngôn ngữ và tình tiết của câu chuyện ông muốn kể trong phim. Sau khi chọn đúng diễn viên, ông giao phó hết cho họ cái nội dung thâm hậu của phim. Còn ăn, hết nhịn. Họ phải phơi tim trải lòng thế nào đó để những hình ảnh trong phim tự bật ra được thứ tiếng nói vô ngôn. Không cần nghe nói vẫn hiểu. Không cần nhìn cũng thấy. 

 

Diễn viên lúc này thành ra một thứ kịch bản sống. Họ được dặn dò một ít, dĩ nhiên, rồi ngay khi máy quay bắt đầu làm việc thì tự đưa kịch bản vào máu mình và đẩy nó trở ra trước ống kính.

Phim có nhiều cái để thấy, nhưng có một thứ tôi không sao tháo gỡ khỏi lòng mình ngay từ lúc nhìn thấy lần đầu. Đó là những sợi dây câu được sử dụng như sợi chỉ xâu chuỗi, xuyên suốt toàn bộ nội dung qua mọi tình tiết trong phim. Hình ảnh đó bỗng dưng mở ra một phương trời triết lý vời vợi sâu thẳm. 

 

Vạn hữu trong đời nương cậy lẫn nhau qua những ràng buộc thần kỳ: Tưởng như to tát đồ sộ mà hóa ra chỉ là một tí nhân duyên bé tẹo, và cái ngó như mong manh mờ nhạt kia, chẳng ngờ, lại bền chặt dai dẳng đến vô cùng. Lớn nhỏ, ngắn dài, mềm cứng, gần xa ở đây chỉ là những chữ đồng nghĩa.

Giữa một vùng trời nước bao la, nhìn đâu cũng thấy nước, mọi công cụ trên cạn hầu như không có chỗ dùng. Ở đây gì cũng phải gọn nhẹ, thiết yếu. Chiếc cần câu lúc này bỗng dưng đắc dụng không kể xiết. Xô đẩy, níu kéo, ràng buộc, tháo gỡ đều có thể dùng nó. Ân oán tình thù, sát nhân, cứu mạng, lại cũng dùng nó. Những sợi dây câu mong manh tưởng chừng muốn đứt tung lúc nào cũng được ấy lại bền bỉ, ngoan cường và đắc dụng quá chừng. Xét kỹ, vấn đề là ai đã dùng nó, nó được vận dụng ra sao và để làm gì.

Cách nay hơn hai ngàn năm, khi nghe hai vị tỷ-kheo tranh luận nhau xem, chính sáu căn hay sáu trần đã xô người vào cõi trầm luân, một người cư sĩ tóc trắng đã nhẹ nhàng góp lời bằng một hình ảnh dân dã mà thâm hậu. Ông nói không phải con bò trắng ràng buộc con bò đen hay ngược lại, mà chính sợi dây đã giữ chúng lại với nhau. Sợi dây được giải quyết thì sự ràng buộc kia tự mất. Chính thái độ tâm lý của mỗi người trước trần cảnh mới quyết định có sự ràng buộc nào giữa hai món căn trần hay không. Người cư sĩ đó chính là bá hộ Citta trong kinh điển Pāḷi, cũng trứ danh chẳng kém cư sĩ Duy-ma bên nhánh Bắc truyền. Có thể nói bài viết này đã lập cước trên câu nói đó của người cư sĩ Cổ Ấn.

Ta lại quay về với cuốn phim. Anh Hyun Sik đã tìm đến hồ nước hoang liêu này để sống bạt mạng đôi hôm, rồi tự sát trước khi có thể bị bắt về tội giết người. Một chi tiết nhỏ như sợi tóc đã cứu mạng anh. Ngay sau lần đầu nhìn thấy cô lái đò có vẻ lập dị nhưng lại tốt bụng kia, anh đã có chút cảm kích rồi hồn nhiên cư xử với cô như một người bạn nhỏ. 

 

Anh lấy một khúc dây đồng ngay trên căn chòi mình ở để làm tặng cô một cái xích đu nhỏ xíu, xinh xắn, có thể cầm chơi trên tay. Món đồ chơi được lấy cảm hứng từ hình ảnh cô lái câm ngồi lặng lẽ trước căn nhà nhỏ bé của cô bên bờ hồ hiu quạnh. Anh đã nhìn thấy và bỗng dưng quên mất chuyện vì sao mình có mặt ở đây. 

 

Hình ảnh nhẹ nhàng của cô lái đã là một sợi dây câu nhỏ xíu níu giữ Hyun Sik với cuộc đời mà anh đang toan tính lìa bỏ. Và cái xích đu chẳng đáng gì ấy lại là sợi dây câu ràng buộc trái tim lạnh lẽo của một con mèo rừng – vốn đã bị cuộc đời chà đạp tàn nhẫn kia – với một kẻ trọng phạm tay vừa lấm máu giết người.

Cô lái đã vô tình gắn chặt lòng mình với người khách có nếp sống khép kín kỳ lạ kia. Cô dõi theo anh bằng sự nồng nàn của một người con gái mới yêu và cả sự sắc sảo tinh quái của loài thú ăn đêm. Cô đã kịp nhìn thấy anh khởi sự tự sát. Như với một cao thủ chuyên dùng ám khí, sợi dây câu mỏng mảnh trên tay cô đã được sử dụng thành thục. Cô lái đã kịp thời làm vô hiệu khẩu súng chết người kia. Thế là Hyun Sik được sống. 

 

Lần thứ hai, để sớm chấm dứt hoàn cảnh trốn chạy với những truy xét ngày một ráo riết của cảnh sát, anh lại cuồng điên chọn lấy một kiểu tự sát rợn người với mớ lưỡi câu có sẵn trên chòi. Anh ngửa cổ nuốt từng lưỡi câu còn lòng thòng dây nhợ. Bao ngư dân trên đời đã dùng mấy thứ đó để kiếm sống, anh bây giờ dùng chúng để tìm đến cái chết. Anh muốn chúng xoắn chặt vào ruột mình để anh có cớ rời bỏ sự sống.

Hee Jin lại kịp lúc xuất hiện giữa lúc cảnh sát bủa vây trên hồ và giấu anh xuống lòng hồ qua lỗ xí của căn chòi, với một cổ họng đầy máu đang tuôn xối xả từ mấy lưỡi câu vừa nuốt. Ngay sau đó, cô lái câm đã kéo anh lên chòi, cũng bằng một cần câu, như với một con cá. Anh nuốt vào, cô gỡ ra, từng lưỡi câu một. Anh lại được cứu sống lần nữa. Cứ cho là anh đã hiểu ra lòng cô lái, nhưng trời ơi, cõi trầm luân vốn không thể nhẹ nhàng đơn giản thế.

Ngoài việc đưa đón khách đến thuê chòi trên hồ, Hee-Jin còn kiêm nhiệm cả việc đưa đón mấy cô gái ăn sương lui tới với khách trọ ở đây. Và chuyện trớ trêu đau lòng, là có một ngày, chính cô đã vô tình đưa một cô bé kiểu đó đến cho Hyun Sik. Ả trẻ đẹp, và xem chừng sạch sẽ, sành điệu hơn cô lái câm rất nhiều. 

 

Ngoài những phút giây xơ cứng lạnh lùng làm món đồ chơi cho thiên hạ giày vò, cô cứ như con mèo rừng chưa từng biết qua cái gì là yêu với hận, cùng những góc kín tâm tư thường tình trong cõi nhân gian. Nhưng hôm nay, con mèo rừng ấy bỗng dưng nhận ra mình còn là một người đàn bà. Và nếu đã vậy, đàn bà phải đáng mặt đàn bà.

Cô gái ăn sương kia ai ngờ đã quay lại. Hee Jin đau đến se lòng. Thế đã quá quắt lắm rồi. Đã đi sao còn quay lại chứ. Và kể từ hôm nay, ngoài cô, anh ấy vĩnh viễn không thuộc về bất cứ ai trên trần gian này nữa. Giằng co, toan tính, sau cùng Hee Jin bước xuống con đò nát để đưa cô gái kia ra hồ. 

 

Nhưng cô dĩ nhiên không đưa khách đến căn chòi nổi của Hyun Sik. Hee Jin đưa cô gái tới một căn chòi vắng, trói chặt tay chân rồi bỏ mặc ở đó. Đêm khuya, cô gái đói lạnh và sợ hãi, vùng vẫy thế nào rồi bị rơi tõm xuống hồ giữa đêm đen. Hôm sau biết ra, cô lái tìm cách phi tang xác chết tình địch, và yên bụng là kể từ giờ đã có thể mãn kiếp với kẻ mình yêu. 

 

Hai người đã đưa nhau bồng bềnh khắp hồ, ghé từng cồn cỏ, bờ lau, nồng thắm như hai kẻ tình nhân đẹp đôi. Như nàng là một sơn nữ trong trắng có mảnh đời đơn sơ, như anh không có nổi đời truân chuyên. Cô cứ tưởng mình đã ít nhiều hiểu về đàn ông: Có thương nhớ bao nhiêu rồi cũng dễ xa mặt cách lòng, cô bé kia chết rồi, anh coi như chung thân ở đây. 

 

Nhưng buồn thay, đó chỉ là một góc nhỏ của đàn ông. Ngăn không cho họ rời khỏi chỉ là một nửa hành trình, một nửa còn lại là cái gì để giữ họ lại. Nhưng con mèo rừng của chúng ta quá thơ ngây để chỉ có thể rút cầu mà không biết làm rào.

Vết thương vừa tạm lành, như vừa trở lại từ một cõi khác trong một hình hài hoàn toàn mới, Hyun Sik rõ ràng có vẻ muốn yên phận với chiếc lồng đời mình, hệt như con chim bé nhỏ mà anh đã mang theo để bầu bạn trong những ngày cuối đời. Ai ngờ, một anh chàng ma cô có lẽ là tình nhân của cô gái ăn sương vừa chết tức tửi kia đã tìm đến vùng hồ nước để kiếm cô bạn gái đi đã lâu mà không thấy về. 

 

Lại xảy ra một trận xô xát, hắn bị Hyun Sik đánh ngã xuống hồ và Hee Jin lại xuất hiện. Cô không muốn chuyện lại sanh chuyện, nên đã cố ý để gã ma cô chết đuối, rồi lại cũng tìm cách phi tang tử thi theo cách trước đó là cột vào vật nặng rồi dìm sâu dưới hồ. Tự dưng Hyun Sik lại dây vào một án mạng. Anh ngao ngán cho mình và nhìn lại Hee Jin, anh chợt thấy lạnh người. Cô càng lúc càng giống hệt một con beo cái, một con mèo rừng.

Sáng nay, hai người ra ngồi cạnh nhau trước chòi để câu cá. Trời xui thế nào, Hyun Sik câu lên một con cá lớn chỉ còn trơ xương. Thịt hai bên lườn của nó trước đó vài giờ đã bị một ông khách tàn nhẫn dùng dao lóc gọn để ăn sống theo cách của người Nhật. Sau đó ông ta thả nó trở lại mặt nước để nhìn cho vui mắt.

Hyun Sik bỗng dưng tự thấy mình giống hệt con cá đáng thương đó: Cũng nuốt nhầm lưỡi câu và sống không bằng chết. Rõ ràng anh đang bị tù đày đến ngạt thở trong một hồ nước không lối thoát. Trước đó vài hôm, lúc chưa bắt gặp vợ mình trong tay kẻ lạ, anh vẫn là một người đàn ông tràn đầy hi vọng và sức sống. 

 

Gây án xong, suy sụp tinh thần, anh quên mất bản lãnh tự nhiên của một thằng phái mạnh để sống chui rúc lưu đày và cúi mặt thọ ơn một người đàn bà quái dị. Sau những dông tố vừa qua, đúng là anh đang thả trôi đời mình trên mặt hồ hiu quạnh này. Anh tuyệt không tưởng nổi một cuộc đời thăm thẳm trước mặt bên cạnh một người câm có tính khí quái lạ kiểu đó. Ít nhiều Hyun Sik đã mơ hồ nhận ra phần nào cá tính bạo liệt dám yêu dám hận của Hee Jin. Cứ cho là nàng có chút nhan sắc, nhưng rõ ràng đó là một cái hoa độc. Thôi thì, nếu còn có một kiếp sau vậy...

Hyun Sik quyết định ra đi. Nhưng chuyện đó bây giờ không còn đơn giản nữa. Hee Jin không nói được, nàng bị câm, nhưng đã bằng cách thế của một con mèo rừng ngầm mách cho Hyun Sik hiểu rằng chuyện đó là bất khả. Và trước mắt, nàng giành lấy con đò, phương tiện duy nhất để rời chòi, và trở về túp lều trong bờ. Lại bỏ mặc anh như từng bỏ mặc cô gái ăn sương hôm trước. Nhìn cô lúc này khó nói là đáng thương hay đáng giận, nhưng phải nhận rằng đây là lúc nàng trông giống con mèo rừng hơn bao giờ hết. Nó đã lên cơn và chỉ đang nằm phục bên hang chờ đợi đối thủ.

Đêm xuống, vẫn không thấy Hee Jin, Hyun Sik đoán ra phần nào hoàn cảnh hiện tại của mình. Không thể làm gì khác, anh tháo lấy một thùng phuy dưới sàn chòi và lội vào bờ. Hồ rộng quá, anh bắt đầu đuối sức. Trong lúc rã rời tay chân, Hyun Sik nhìn thấy Hee Jin đang đứng trên con thuyền cách mình vài thước. Trên mặt cô là một sự mãn nguyện và kiêu ngạo của kẻ thắng trận. 

 

Dĩ nhiên rồi cũng phải cứu nhau thôi. Nhưng cái mà anh nắm được lúc đó để khỏi chết đuối lại không phải là một bàn tay hay cây chèo. Đó là một sợi dây câu. Cái lưỡi thép của nó ghim sâu vào bàn tay anh. Nhưng mặc kệ, anh phải sống. Đến tận giây phút này, cái lưỡi câu oan nghiệt vẫn cứ gắn chặt vào đời Hyun Sik. Sao lạ thế. 

 

Anh có chuyện là lại thấy nó. Vẫn sợi dây câu và cái lưỡi câu. Bé nhỏ mong manh mà dai dẳng, lì lợm, tàn độc. Có lẽ chỉ có hành giả tu thiền quán mới là người thấm thía tận tuyệt cái huyền nghĩa này. Thích là khổ, càng khổ càng tìm đến cái thích. Ghim sâu, cắm chặt, đan xen, hòa quyện. Vừa sợ vừa thương, vừa ghét vừa thích. Tương phản nhưng níu giữ lấy nhau.

Đỡ Hyun Sik lên chòi, Hee Jin lặng lẽ lấy kềm tháo lưỡi câu khỏi bàn tay anh. Nàng chăm chú cần mẫn làm việc, thản nhiên như đang gỡ cá mắc câu. Anh đã không thể chịu đựng được nữa. Đến mức này núi cũng phải nổ. Anh ra tay với nàng như với kẻ tử thù. Chà đạp thô bạo và bất chấp như đối với một ả điếm, một con thú. Phần hạ thể của nàng cũng không được bỏ sót.

Tôi xót xa mà cũng rùng mình với nét mặt cô lái lúc đó. Cô bình tĩnh chịu đựng như đã biết trước. Cô lúc này như một con beo cái trọng thương bị đàn con bu quanh rúc sữa. Đau đớn mà không lẩn tránh, không biểu lộ cảm xúc. Hận mà thương. Thương sâu thẳm mà cũng hận ngất trời. Xem đến đây tôi ngờ rằng, đạo diễn phải là một người am hiểu Phật học mới có thể nặn ra một bức tranh hoàn hảo như vậy về nỗi đau trầm thống bất khả diễn dịch của cõi nhân sinh.

Vậy rồi Hyun Sik thua cuộc ngon ơ. Dáng nằm biển rộng sông dài của Hee Jin lúc đó khơi gợi ở hắn tất cả cảm xúc phải có của một gã đàn ông. Đấm đá đến mỏi mệt, anh đổ gục xuống và chìm hẳn vào cô qua con đường nguồn cội nhất.

 

Hôm sau, gì cũng tàn cuộc, ngó ra con đò đang cột bên chòi, anh thấy ra con đường giải thoát cho đời mình. Anh bước xuống, mắt không nhìn lại.

Ngồi lại một mình trong chòi, Hee Jin đổ lệ nhìn theo, không một động tác phản ứng. Cô như người vừa thua trắng một canh bạc. Cô thẫn thờ. Tôi đã vì anh trao ra mọi thứ. Cứ cho là tôi đã mồi chài anh, nhưng những dây câu ấy là sự sống của tôi. Tôi tưởng đã giữ được anh lại bằng sợi dây chắt mót sau cùng, nhưng anh cũng bỏ mà đi. Được lắm, anh không cần đến nó. 

 

Anh đi rồi tôi cũng không cần đến cái lưỡi mồi đó nữa, tôi hủy cho anh thấy, cho anh hận suốt đời. Hee Jin nhoài người nắm lấy chùm lưỡi câu ngời ánh thép và bắt chước anh ngày đó. Nhưng không phải nuốt vào cổ họng. Cô mím môi lùa mấy ngón tay. Càng sâu càng tốt. Anh từ đó mà thương tôi, quấn quít quỳ lụy tôi, giờ tôi phá nát. Một lưỡi câu, hai lưỡi câu, cứ thế không sót một cái. Và động tác sau cùng mới ghê người. Nắm lấy các mối dây câu giật mạnh xem sao. Chẳng có gì lạ. Chỉ một cái nhói buốt lên đến cao hoang. Thế thôi.

Con đò chở Hyun Sik đã rời chòi khá xa. Bỗng một tiếng rú rợn người thóc mạnh vào màng nhĩ của anh. Anh không suy nghĩ gì thêm, chỉ biết quay thuyền. Bế lấy cô mang vào chòi, anh phục xuống cứu thương, chăm sóc thành kính như đang quỳ trước thần tượng. Anh lại cứu cô theo cách cô đã cứu anh.

Lần này, Hyun Sik tự nguyện làm tù nhân mãn kiếp ở đây, ngay dưới chân cô lái. Lạ chưa, cô vẫn một nét mặt và dáng cách kiêu ngạo như tự bao giờ. Trông anh lúc này cơ hồ bé nhỏ hẳn lại. Bên vai trò một tình nhân, anh còn như một thằng bé bên vú mẹ. Một bà mẹ khốc liệt và cũng cao cả không ngờ. Anh phung phá hung hăng mà cô vẫn bao dung đón nhận. Không ngả nón chào thua thì đúng là nghịch thiên bội địa.

Họ như quên hết mọi sự vừa diễn ra mấy ngày qua. Hạnh phúc, đầm ấm. Sơn sửa lại căn chòi, họ đón gió sớm ngóng mây chiều và chờ đợi biển dâu.

Đạo diễn xem ra còn khó tính hơn trời hay ham hố đa tham chẳng rõ, khi kết thúc cuốn phim bằng một dấu chấm nảy lửa mới thôi.

Bằng một sự tình cờ không sao ngờ trước được, ông khách thuê chòi của Hee Jin làm rớt cái đồng hồ bằng vàng xuống hồ và đã thuê thợ lặn xuống hồ. Cái đầu tiên toán thợ tìm thấy chính là xác chết của một cô gái bị cột chặt vào chiếc xe gắn máy do ai đó cố ý đẩy xuống hồ.

Trong làn sương buổi sớm trên hồ, Hee Jin đã từ xa thấy ra sự việc. Cô biết mình phải làm gì lúc này. Cô lặng lẽ tháo lấy cái máy ghe từ con đò nát của mình đem gắn vào căn chòi, và cặp tình nhân đã vào tận chỗ xa khuất nhất của vùng hồ. Họ đi mà không có ý quay về. Họ không có lý do và ý định trở lui nhân gian. Họ bây giờ giống hệt nhau rồi. Hai con mèo rừng quạnh quẽ giữa một vùng trời nước đìu hiu. Họ trở lại cái cồn cỏ vắng ngắt mà hai người từng ghé đến hôm nào. Như hai con thú rừng về hang.

Ảnh cuối của phim là một bức tranh trừu tượng có thể hiểu sao cũng xong. Nhưng tôi vẫn cứ trộm nghĩ đó mới chính là toàn bộ nội dung cốt tủy của cuốn phim. Mọi chuyện khép lại với hình ảnh Hyun Sik tung tăng lặn hụp trong làn nước trong xanh, bỗng dưng, như một thằng bé thiếu mẹ, anh vùng trồi lên và nhìn quanh, tìm kiếm. Không ai cả. Hee Jin không dưng biến mất. 

 

Trước mắt anh mặt hồ vẫn mênh mông hoang vắng. Lùm cỏ trước mặt là chỗ hi vọng sau cuối để tìm cô. Anh tiến sâu vào. Từ cận cảnh, ống kính thu nhỏ và đẩy mọi thứ ra xa. Hyun Sik đã chìm khuất trong lùm cỏ đó, chỗ xuất phát của mọi phiền lụy đời anh. Anh từ đó ra đi và cuối cùng lại cũng trở về. Chỉ vì anh vẫn chưa có một lối thoát.

Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức,... Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không. Cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt. Và bỗng dưng tôi lại nhớ đến một quy tắc nhỏ trên computer: Start chỗ nào thì cũng Exit chỗ đó.

TOẠI KHANH

Ý kiến bạn đọc
31/05/201914:47
Khách
Thưa Sư,
Con cám ơn bài giảng nầy của Sư, nhứt là câu "Và bỗng dưng tôi lại nhớ đến một quy tắc nhỏ trên computer: Start chỗ nào thì cũng Exit chỗ đó.".
Bài giảng nầy sâu sắc vô cùng.. Cám ơn Sư, một hành giả Tứ Niệm Xứ thượng thừa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/08/2021(Xem: 7740)
Thật là một điều kỳ diệu và lý thú khi được tin báo trên Viber là Tuyển Tập pháp Thoại vừa hoàn thành và đã sẵn sàng đến tay Phật Tử khi đến dự Lễ Vu Lan tại Tu Viện Quảng Đức (nếu không bị lockdown). Vì sao gọi là kỳ diệu? Chỉ sau khi tôi được học xong 10 duyên mà Đức Phật cho là quan trọng nhất theo thứ tự của 24 duyên, mà chúng ta ai cũng phải gặp trong thời gian còn làm người phàm, và nếu hiểu rõ tường tận thì mình có thể sẽ không bao giờ thốt lên câu “Học muôn ngàn chữ nghĩa nhưng không ai học được chữ Ngờ” của bộ Đại Phát Thú / Vi Diệu Pháp, do Giảng Sư Thích Sán Nhiên đã thuyết giảng qua 61 video, mỗi video kéo dài từ 3: 00 đến 3:50 giờ. Chính vì thế, nhờ đó tôi chợt nhận ra nhân duyên gì đã làm trưởng duyên và đẳng vô gián duyên, để tôi đến với Đại Gia Đình Quảng Đức Đạo tràng nói chung, và tiếp xúc liên hệ với TT Trụ trì Tu viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng và được cộng tác với Ngài trên trang website Phật Giáo, Trang Nhà Quảng Đức, để rồi hôm nay lại có duyên
17/08/2021(Xem: 6979)
Bà Thanh Đề là mẹ của ngài Mục Kiền Liên (cũng gọi là Mục Liên). Bà tính tình tham lam, độc ác, không tin Tam Bảo, tạo ra nhiều tội lỗi nặng nề, gây ra nhiều “nhân” xấu nên khi chết đi chịu “quả” ác, bị đày vào ác đạo, sinh làm loài ngạ quỷ, đói khát triền miên trong đại địa ngục.
14/08/2021(Xem: 23082)
Chủ đề: Thiền sư Thuần Chân (Đời thứ 12, Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 272 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Bảy, 14/08/2021 (07/07/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 01:45pm (giờ Cali, USA) - 04:45pm (giờ Montreal, Canada) - 11:45pm (giờ Paris, France) - 03:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/
10/08/2021(Xem: 25339)
Con kính lễ Thiền sư Bảo Tánh và Thiền sư Minh Tâm (? - 1034) (Đời thứ 7, Thiền Phái Vô Ngôn Thông, hai vị Thiền Sư chuyên thọ trì Kinh Pháp Hoa)🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️
07/08/2021(Xem: 29022)
Chủ đề: Thiền Sư Từ Đạo Hạnh (1072-1116) (Đời thứ 12, Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vị Thiền Sư sau khi viên tịch tái sanh trở lại làm Vua vào triều đại nhà Lý VN) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 269 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Bảy, 07/08/2021 (29/06/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 04:45pm (giờ Montreal, Canada) - 10:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/
06/08/2021(Xem: 9902)
Cũng như chuông, trống cũng được coi như là một loại pháp khí không thể thiếu trong văn hóa tín ngưỡng của đa số dân tộc theo Phật giáo. Phật tử Việt Nam chúng ta rất gần gũi với thanh âm ngân vang thâm trầm của tiếng chuông; tiếng trống thì lại dồn dập như thôi thúc lòng người...Tại các ngôi chùa, trống Bát Nhã được đánh lên là để cung thỉnh Chư Phật, Chư Bồ Tát quang giáng đạo tràng chứng tri buổi lễ. Thông thường trống Bát Nhã được đánh lên vào ngày lễ Sám hối và trong những ngày Đại lễ. Ba hồi chuông trống Bát Nhã trổi lên để cung thỉnh Chư Phật và cung đón Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni quang giáng đạo tràng, đồng thời cũng nhắc nhở mọi người nên lắng lòng, buông bỏ mọi tạp niệm. Bà kệ trống Bát Nhã được đọc như sau: Bát Nhã hội Bát Nhã hội Bát Nhã hội Thỉnh Phật thượng đường Đại chúng đồng văn Bát Nhã âm Phổ nguyện pháp giới Đẳng hữu tình Nhập Bát Nhã Ba La Mật môn Ba La Mật môn Ba La Mật môn.
06/08/2021(Xem: 5259)
Dấu chân xưa du hóa, một mảnh trời bao dung, gởi những lời vàng ngọc hương xưa bay khắp cả cung trời. Từ xứ Ấn, nơi thánh tích niềm tâm linh Tôn Giáo Phật Đà, Bậc Cha Hiền Đấng Như Lai Thích Ca truyền giáo, khai sáng nguồn tâm nuôi dưỡng chủng tánh cho chư vị Thánh giả Tỳ Kheo Tăng, Tỳ Kheo Ni, hay chư vị Thiên thần Long vương, Trời người quy kính, nghe Đấng Như Lai thuyết giảng, từ gốc nhìn sâu lắng, từ pháp tu thực hành, nên Vua Quan, dân chúng ở xứ Ma Kiệt Đà, xứ Kiều Tất La, vang khắp dòng suối chảy Hưng Long Chánh Pháp nơi xứ Ấn. Có chư vị Thập đại đệ tử lớn, các vị Thánh Tăng tu tập chứng nghiệm, đạt thánh quả A-La- Hán. Tôn Giả A- Nan nối truyền Kinh Tạng nghe thông thuộc ghi nhớ không sót một câu, Tôn Giả Đại Ca Diếp nối truyền Y bát tâm tông Phật trao, làm đệ nhất Tổ sư truyền thừa, vị Luật sư Tôn giả Ưu Ba Ly, và 500 vị A- La-Hán, kết tập Kinh điển Giáo lý mà Đấng Như Lai thuyết trình qua 49 năm hành hóa độ sinh, Tôn Giả A- Nan là vị trùng tuyên Kinh Tạng, Tôn Giả Ưu-Ba-
05/08/2021(Xem: 23242)
Chủ đề: Thiền Sư Cứu Chỉ (Đời thứ 7, dòng Vô Ngôn Thông) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 268 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Năm, 05/08/2021 (27/06/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 04:45pm (giờ Montreal, Canada) - 10:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/ https://www.facebook.com/quangducwebsite Website: https://quangduc.com Tel: 03. 9357 3544 Email: [email protected]
04/08/2021(Xem: 6826)
Sông Thạch Hãn, Ngân Thiền Tâm Mộ Phật. Chốn Trà Trì, Gương Học Hạnh Xuất Gia. Nhỏ Tầm Chơn, Quyết Chí Xa Thế Tục. Khoác Áo Nâu Sòng, Học Lối Thích Ca. Chào Song Thân, Xứ Bảo Lộc Quê Nhà. Nương Thầy Tổ, Giữ Gìn Tâm Hướng Đạo. Mùi Kinh Kệ, Tháng Ngày Xông Cõi Tịnh. Thuộc Luật Nghi, Từ Góc Hạnh Trăng Sao.
02/08/2021(Xem: 19375)
Tiếng chuông chùa vang lên để xoa dịu, vỗ về những tâm hồn lạc lõng, bơ vơ. Hồi chuông Thiên Mụ, mái chùa Vĩnh Nghiêm một thời chứa chan kỷ niệm. Đó là lời mở đầu trong băng nhạc Tiếng Chuông Chùa do Ca sĩ Thanh Thúy trình bày và ấn hành tại hải ngoại vào đầu thập niên 80. Thanh Thúy là ca sĩ hát nhạc vàng, đứng hàng đầu tại VN trước năm 1975. Cô là đệ tử của HT Nguyên Trí ở chùa Bát Nhã, California. Khi Thầy còn ở VN cuối thập niên 80 có đệ tử ở bên Mỹ đã gởi tặng Thầy băng nhạc Tiếng Chuông Chùa này. Hôm nay Thầy nói về chủ đề Tiếng Chuông Chùa, hay tiếng Chuông Đại Hồng Chung. Đại Hồng Chung là một cái chuông lớn được treo lên một cái giá gỗ đặt trong khuôn viên chùa hay trong Chánh điện. Hồng Chung là một pháp khí linh thiêng, là một biểu tượng đầy ý nghĩa của Phật giáo, nên chùa nào cũng phải có, lớn hay nhỏ tùy theo tầm cỡ của mỗi chùa. Hàng ngày Đại Hồng Chung được thỉnh lên vào buổi chiều tối, báo hiệu ngày
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]