Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bản tình ca duy nhất trong Kinh Điển Pali

14/08/201409:35(Xem: 5830)
Bản tình ca duy nhất trong Kinh Điển Pali
Buddha
Mãi đến tận giờ, có lẽ ít người ngờ rằng Hòa thượng Thích Minh Châu ngoài phong cách một học giả có văn phong cổ kính, nghiêm túc và khô khan nhất trong làng Phật giáo Việt Nam, còn là một ngòi bút tân kỳ và thơ mộng đáng bậc thầy của không riêng Phật giáo. Tác phẩm Trước Sự Nô Lệ Của Con Người, xuất bản giữa thập niên 1960 đã chứng minh điều đó. Nhưng vẫn chưa hết, cái duyên ngầm trong chữ nghĩa của Hòa thượng càng kinh người hơn khi ta có dịp so sánh các bài kệ trong bản dịch Kinh Tạng với nguyên tác Pāḷi hay qua bản dịch tiếng Anh.
Từng chữ trong lời Việt của Hòa thượng cứ như một hòn giả sơn tái hiện tận lực cái không khí cổ phong của một thứ ngôn ngữ của ngàn năm trước. Giữ lại cái hồn của một tiếng nói thiên cổ đã khó, trung thành được với ngôn phong ngữ khí của một bậc đại thánh như đức Phật lại càng thiên nan vạn nan. Dĩ nhiên không phải ai cũng làm được việc đó.

Có bản dịch kinh văn cố tự chuốt cái phong vận bác học, đọc xong cứ tưởng đó là lời thuyết giảng của một giáo sư Tây phương vừa mới phát biểu trong một giảng đường đại học ngày hôm qua. Có bản dịch gượng gạo, tàn khuyết như lời lảm nhảm của ông đạo khoai, đạo chuối nào đó. Và dường như chỉ có bản dịch tài hoa và tâm huyết như của Hòa thượng Thích Minh Châu mới đủ khiến người đọc có được cùng lúc hai cảm giác thành kính và mát ruột.
Thành kính vì qua đó cứ như nghe được cả giọng nói Phạm Âm của đức Phật và mát ruột vì độc giả cứ mơ hồ thấy ra một phương trời Cổ Ấn thái bình thạnh trị có bầy nai hiền tung tăng giữa một cánh rừng trụ xứ của các bậc Sa-môn hiền thánh. Từng trang kinh lúc này đã ra một đạo tràng tinh khiết chẳng nặng mùi khói nhang tín ngưỡng của đời mạt pháp.

Nói quẩn quanh chỉ để thưa rằng tôi đã yêu mê lời dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu qua các bộ Kinh Tạng tiếng Việt. Và nếu ngay bây giờ phải trưng dẫn vài ba trong vô số lời dịch trác tuyệt kia, tôi có thể kể ngay ba bài kệ mà tôi đã thuộc nằm lòng. Đó là kệ Nhất Dạ Hiền Giả trong Trung Bộ tập 3, kệ kết thúc bài kinh Ratthapāla trong Trung Bộ II và bản tình ca duy nhất của kinh điển Pāḷi trong bài kinh Đế Thích Sở Vấn của Trường Bộ III (đều là các bản in trước 1975).

Chuyện bắt đầu từ một ngày thiên vương Đế Thích chợt nhận ra mình không còn sống được bao lâu nữa. Ngài cảm thấy bất an và người đầu tiên ngài nghĩ đến chính là đức Phật, lúc đó đang tại thế. Thiên vương xuống trần hầu Phật và cùng đi với ngài là một vị tiên ngoan đồng tên Pañcasikhā. Gọi là ngoan đồng vì vị này có ngoại hình như một tiên đồng kháu khỉnh, trên đầu có năm chỏm tóc đào, lý do của ngoại hiệu Pañcasikhā. Sớ ghi dưới thời Phật Ca-diếp vị này từng là một cậu bé chăn bò có lòng kính tin Tam Bảo, độ trì chúng tăng.
Nhờ công đức đó mà cậu bé kia được sanh thiên, nhưng vẫn chưa bỏ tính ham chơi. Tập khí trẻ con đã tạo cho vị tiên cái nhân dáng đúng như ý thích. Điều trớ trêu là lòng phàm trước sau gì cũng vướng lụy, chàng đã trộm yêu một tiên nữ tên Suriyavacasā, con gái của một đại lực tiên ông tên Timbaru, người chưởng quản làng ca vũ nhạc kịch của Đạo Lợi Thiên. Oái oăm thay, người trong mộng của Suriyavacasā không phải là chàng Pañcasikhā giống hệt trẻ con. Nàng đã phải lòng cậu con trai của tiên ông Mātali, người đánh xe cho thiên vương Đế Thích.

Đau đớn quá, Pañcasikhā âm thầm một cõi đi về và sáng tác một nhạc khúc để hát cho riêng mình nghe. Do căn khí tu hành nhiều kiếp, những chồi non Bồ-đề cứ vô tình nảy lộc trong từng lời hát của chàng. Pañcasikhā từng học đạo, nên trong nỗi riêng xé lòng vẫn không quên được lối về bến giác, dù rất mờ nhạt và liên tục bị chàng phung phá với những tục niệm đan xen:

“Như gió cho kẻ mệt
Như nước cho kẻ khát
Nàng là tình của ta
Như pháp với Ứng Cúng”.

Đem cái tình của mình so sánh với tất cả những gì là thiết yếu sinh tử của nhân gian, rồi thì cả gan so sánh với cả đạo nghiệp giải thoát của một vị La-Hán đã thoát vòng tục lụy – thì quả là độc đáo và “thấm thía tương chao” lắm thay!

Tôi trộm nghĩ đến cả Hòa thượng dịch giả khả kính của chúng ta, có lẽ cũng phải se lòng khi dịch đến chỗ này của bài kinh Đế Thích Sở Vấn. Rõ ràng, Hòa thượng đã ít nhiều đem cái tình riêng mà cùng tham dự vào nguyên tác, để chia sẻ nỗi đau thất tình của người bạn đồng tu lãng mạn đó. Dĩ nhiên Pañcasikhā cũng là bạn tu của tất cả chúng ta.

Tôi chưa hề có ý học thuộc bài hát này của Pañcasikhā, nhưng chuyện đời thiệt lạ: Hữu ý bồi hoa, hoa bất phát. Vô tâm tháp liễu, liễu thành âm. Cố tình vun vén thì cây tàn hoa lụi, nhưng hạt ném bên đường nhiều khi lại ra cây xanh tốt xum xuê.

“Thiện nữ! Ta van nàng
ôi hiền nữ suối tóc
ái dục ta có bao
nhưng nay đã tăng bội
như đồ chúng La-hán

mọi công đức ta làm
dâng lên bậc La-hán
ôi kiều nữ toàn thiện
nàng là quả cho ta...”

Bài hát đó không ít lần đã như câu thần chú giúp tôi vùng thoát cái mặc cảm phàm tình chất ngất của mình. Ừ thì tục lụy thì đâu đã sao, gì cũng chỉ là hoa bướm trên đường vạn lý cả thôi. Cái cốt lõi là phút cuối quay đầu thấy bờ, phóng hạ đồ đao lập địa thành Phật. Mà nói cho cùng, đâu phải ai đọc bài hát đó cũng phải yếu đuối điên mê. Xin đọc kỹ một lần đi. Thương lắm. Chàng nhận mình là một Phật tử, biết vui khi nhìn ngắm thánh chúng của đức Phật ngày một đông đảo. Nhưng yêu nàng quá, chàng tạm thời chỉ mong bao kiếp tu hành của mình hãy giúp mình gần được người đó.
Vậy mà cũng chẳng xong. Quả Bồ-đề cao vợi là thế mà công đức hữu lậu còn dẫn tới được, thì sá gì một phút ghé bến trầm luân chứ. Con xin phát thệ chân thành, rong chơi đôi hôm rồi cũng sẽ quay về với Phật. Sinh tử ai lại không sợ, nhưng đột ngột dứt áo ra đi lúc này thì kể cũng có phần khe khắt. Mai mốt đã Niết-bàn thì làm sao có buổi quay về lần nữa.

Pañcasikhā làm riêng bài hát này cho mình, nhưng thật ly kỳ khi Thế Tôn lại là người đầu tiên nghe chàng độc tấu bài hát này. Lúc đó ngài vừa thành Phật không bao lâu. Thì ra chuyện thất tình của Pañcasikhā đã có từ ngày ấy. Chàng như đứa bé, chơi thua bạn thì chạy về mách mẹ. Nhiều năm sau, tôi nghĩ lời hát đã được Pañcasikhā thay đổi ít nhiều. Chàng xuống trần học đạo để tìm quên và dù chưa quên được, nhưng lời kinh đã đi vào lời hát như một chuẩn bị cho chủng tử giải thoát ngày sau.

Đêm nay, theo chân thiên vương Đế Thích xuống trần hầu Phật lần nữa, Pañcasikhā lại ôm đàn hát lại nhạc khúc đó như một cách cúng dường. Lễ phẩm chàng có được lúc này cũng chỉ là một nỗi đau thất tình được phổ vào bài hát đem dâng lên bậc Điều Ngự, người dạy chúng sinh giải thoát tình trần. Có lẽ chỉ có phàm phu mới nghĩ ra được kiểu cúng dường nghịch thiên bội địa này thôi.

Vậy mà Thế Tôn cũng lặng lẽ ngồi nghe với một niềm bi mẫn vô bờ, như người mẹ hiền kiên nhẫn ngồi dỗ đứa bé khóc nhè. Với đôi mắt nhìn khắp muôn cõi và tấm lòng nghĩ thấu ngàn đời, đức Phật đã lắng nghe rồi ngỏ lời khen Pañcasikhā bằng một câu hỏi: Ngươi đã học ở đâu lời hát pha trộn cả hai thứ giải thoát và tục lụy đó? Một câu hỏi hàm ý cùng lúc nhiều vấn đề quan trọng. Giải thoát và tục lụy là hai cực đối lập, không thể song hành. Một câu hỏi chứa đựng cả bốn Thánh Đế và gợi ý cả Giáo Lý Duyên Khởi trùng điệp.

Pañcasikhā đã thưa lại với Thế Tôn chuyện lòng tan nát của mình, và nhắc lại chuyện cũ dưới gốc Bồ-đề ngày trước khi chàng lần đầu hầu Phật và hát cúng dường Ngài nhạc khúc não lòng đó.

Kinh nói sau khi vào hầu Phật, thiên vương Đế Thích được nghe Pháp và chứng quả Dự Lưu. Ngay lúc đó tuổi trời đã mãn, thiên vương mạng chung trước mặt Thế Tôn và lập tức tái sanh trở lại với ngôi vị thiên vương của mình. Sự việc chớp nhoáng này chỉ có đức Phật và thiên vương biết được mà thôi.

Để cảm tạ Pañcasikhā, thiên vương Đế Thích hứa với chàng là sẽ tìm cách dàn xếp để Pañcasikhā cưới được Suriyavacasā trong giải pháp thỏa đáng nhất.

Lời hứa của thiên vương đã khép lại một chuyện tình thơ mộng bậc nhất của kinh điển Phật giáo, và chúng ta có lẽ cũng nên cảm ơn cô nàng Suriyavacasā đã là nguồn cảm hứng cho một bản tình ca quán tuyệt cổ kim, có âm vang xông thấu đôi miền tiên tục và đã từng là một lễ phẩm cúng dường một bậc đại thánh như đức Phật. Và vẫn chưa hết, bản tình ca đó của Pañcasikhā còn có tác dụng của một lời khuyến tu thú vị: Có rong chơi đến bao xa xin cũng nhớ quay về. Vì tục lụy muôn đời chỉ là một cội cây sống bằng nước mắt kẻ trầm luân...

Ô hô! Pañcasikhā tiên ông thượng hưởng!

TOẠI KHANH
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/08/2013(Xem: 7642)
Vào một buồi chiều tịnh mịch ở Kỳ viên tinh xá, sau khi giảng pháp cho chư tăng và cư sĩ khắp nơi tụ về, Ðức Thế tôn vào hương thất an nghỉ. Vừa đặt lưng xuống, Ngài bỗng nghe tiếng đập cửa thình thình và tiếng khè khè của một gã say rượu thừa lúc cổng mở, đã lẻn vào tinh xá. Hắn vừa đập cửa vừa gọi:
16/08/2013(Xem: 6527)
Sư thượng đường kể: Ngày xưa, có một con chó bị bệnh ghẻ lác, nên bị chủ quăng bỏ ra ngoài bờ sông. Cạnh bờ sông có một vị sư già sống trong một am cốc nghèo nàn, ngày ngày đi khất thực để sống.
14/08/2013(Xem: 33267)
Muốn ngồi thiền, trước chúng ta phải biết lý thuyết, sau mới thực hành được. Tại sao chúng ta phải ngồi thiền? Phật dạy trong bốn oai nghi chúng ta đều tu được hết. Bốn oai nghi là đi, đứng, nằm và ngồi.
13/07/2013(Xem: 5630)
Em như cô gái hãy còn xuân. Trong trắng thân chưa lấm bụi trần. Xuân đến xuân đi trên mái tóc. Cô gái đương xuân mơ chuyện ... vợ chồng.
08/07/2013(Xem: 6200)
Trong cuộc đời đã bao lần bực dọc, hờn giận vì những việc thật nhỏ nhoi mà hư đi những chuyện quan trọng, làm mất lòng bạn bè, người thân, mà tâm cũng chẳng vui. Cuộc sống ngắn quá nên một lần nghe cô bạn kể chuyện này, ngẫm nghĩ và ngồi viết lại để mong lúc nào mình cũng sẽ làm được như thế. Bỏ hết những âu lo cho nhẹ nhõm trong lòng
02/07/2013(Xem: 18811)
Tập truyện này không nhắm dẫn chúng ta đi vào chỗ huyền bí không tưởng. Chỉ cần trở lại với tâm bình thường, một tâm bình thường mà thấy đất trời cao rộng vô cùng.
28/06/2013(Xem: 6482)
Liên hệ giữa con người và Thiên Nhiên thấm nhuần cả nền văn hoá, vì ai cũng thấy rõ rằng mình hoàn toàn lệ thuộc vào môi trường. Ở Ấn Độ cũng như các nước theo đạo đa thần thời đó, các vị Thần là chân dung của các sức mạnh Thiên Nhiên.
28/06/2013(Xem: 6555)
Năm lên mười hai, gặp thời loạn ly, cha mẹ đều bị giặc giết, Sinh sầu thảm mấy tháng liền, mất ăn mất ngủ lại thêm căn tạng yếu đuối nên lâm bệnh nặng, thần kinh hốt hoảng luôn luôn giật mình, nằm mơ thấy toàn máu lửa, sọ xương.
27/06/2013(Xem: 3562)
Kho tàng kinh điển, thi kệ của Đạo Phật truyền lại cho nhân gian biết bao châu ngọc để suy ngẫm, tu tập, thưởng thức, mài giũa … tùy căn cơ, nhu cầu và cảm quan nhận thức của mỗi người.
18/06/2013(Xem: 11216)
Tôi về chùa Viên Giác tham dự lễ Phật Đản lần này không rõ là lần thứ mấy. Mặc dù nhằm cơn sốt bóng đá tổ chức ngay tại Đức, số lượng Phật tử về chùa vẫn không thay đổi. Vẫn người qua lại tấp nập. Vẫn khói hương nghi ngút trong lẫn ngoài sân chùa. Vẫn các hàng quán bốc lên mùi thơm của bún „bò“ Huế chay, bắp luộc, bún riêu, phở, chè, cháo v.v.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]