- 01. Xuất gia tu học (HT Như Điển)
- 02. Chùa Phước Lâm
- 03. Làm nhang
- 04. Học tập
- 05. Về lại chùa Viên Giác
- 06. Ngày mất mẹ
- 07. Làm đậu hủ
- 08. Pháp nạn năm 1966
- 09. Học tán tụng
- 10. Về Cẩm Nam
- 11. Hội An ngày ấy
- 12. Hồi Ký
- 13. Tết năm Mậu Thân
- 14. Thầy Tôi
- 15. Di Tích
- 16. Chiếc nón bài thơ
- 17. Xa Hội An
- 18. Cách học cho giỏi
- 19. Lời cuối
- 20. Gặp lại nhau
- 21. Ba thế hệ đậu Tiến sĩ (Bác sĩ văn học)
- 22. Lời ngỏ (Trần Trung Đạo)
- 23. Vài nét về chùa Viên Giác
- 24. Thời thơ ấu ở Duy Xuyên
- 25. Đến chùa Viên Giác lần đầu
- 26. Rời chùa Viên Giác đến Vĩnh Điện
- 27. Trở lại chùa Viên Giác
- 28. Tưởng nhớ sư phụ, cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Long Trí
- 29. Thầy tôi - Để tưởng nhớ bổn sư Thích Như Vạn
- 30. Tưởng nhớ Hòa Thượng Thích Tâm Thanh
- 31. Phố cổ Hội An và những ngôi trường cũ
- 32. Hãy Ngủ Yên Đà Nẵng Của Tôi Ơi !
- 33. Vu Lan nghĩ về Mẹ và Quê Hương
Tưởng nhớ
Hòa Thượng Thích Tâm Thanh
Tôi đến với đạo Phật khi còn rất nhỏ qua ngưỡng cửa của Gia Đình Phật Tử.
Buổi sáng mùng tám tháng Chạp, nhân ngày lễ Đức Phật Thích Ca Thành Đạo, tôi hồi hộp theo cha đến chùa Ba Phong, ngôi chùa làng nho nhỏ nằm bên bờ sông Thu êm đềm chảy ra Cửa Đại, để ghi tên vào Gia Đình Phật Tử Ba Phong. Tôi không nhớ chính xác năm nào nhưng những hình ảnh còn lại trong ký ức, tôi biết hôm đó là một trong những ngày trọng đại của đời tôi.
Ảnh: Chùa Ba Phong, ở làng Mã Châu, quận Duy Xuyên, Quảng Nam, nơi Hòa Thượng Thích Tâm Thanh thành lập Gia Đình Phật Tử đầu tiên và nơi tôi gia nhập Gia Đình Phật Tử.
Nhà tôi nghèo, cha tôi tính may cho tôi một bộ đồ đoàn GĐPT, nhưng thật ra chỉ may nỗi một chiếc áo lam, thiếu đi chiếc quần ngắn màu xanh có hai dây treo chéo nhau mà một đoàn viên nào cũng có. Tôi không có. Ngày đi chùa phát nguyện vào đoàn, tôi phải mượn quần của người anh họ. Mãi một thời gian sau cha tôi mới dành dụm tiền may được chiếc quần, không biết bây giờ gọi là gì nhưng trước đây gọi là quần sọt. Anh họ tôi cao lớn hơn tôi nhiều nên quần sọt ngắn mà mặc dài quá gối. Các bạn trong đoàn chọc tôi mặc đồ bính (khín).
Như một đứa bé mồ côi mẹ, tôi đến với đạo Phật chưa hẳn vì đặc tính huyền bí linh thiêng tôn giáo; nhưng đơn giản vì đạo Phật đem lại cho tôi món ăn tinh thần mà tôi cần từ thuở chào đời: tình thương.
Tôi kính yêu Đức Phật vì biết Ngài bắt đầu hành trình giải thoát như một con người, gần gũi với tôi và thông cảm với những khổ đau của đứa trẻ mồ côi như tôi.
Ngài đã từ chối cuộc sống cao sang, để lại sau lưng cung vàng điện ngọc, mang chiếc bình bát đựng đầy ắp tình thương đi vào thế giới khổ đau của nhân loại trong một chiếc áo vàng và đôi chân đất.
Tháng 2 năm 2012, tôi có dịp viếng thăm Vườn Lộc Uyển (Sarnath) và xúc động đứng trước nền gạch cũ, nơi đức Bổn Sư đã từng ngồi nhập định.
Khu vực Sarnath quá nghèo. Tôi chợt nghĩ, bây giờ còn như vậy, hai ngàn năm trăm năm trước, khi đức Phật đến đây giảng pháp lần đầu, xứ này còn nghèo nàn đến mức nào. Ngày đó, vài tuần sau khi Thành Đạo, chưa có tăng đoàn, chưa có một đệ tử nào, đức Phật phải vừa khất thực để sống, đêm ngủ dọc đường, ngày một mình đi bộ trên đoạn đường đầy gai góc dài hơn hai trăm cây số từ Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) ở Gaya đến Vườn Lộc Uyển (Sarnath) gần Varanasi.
Tại sao đức Phật đến khu vực này mà không đi nơi khác?
Nhiều người đặt ra câu hỏi đó nhưng không có câu trả lời nào thỏa đáng ngoài việc vào năm trăm năm trước công nguyên Varanasi đã là một trung tâm văn hóa lớn của Ấn Độ.
Trong mảnh da thịt mong manh của đức Cồ Đàm chứa đựng một trí tuệ vượt không gian và thời gian, để lại cho muôn đời những lời khuyên nhẹ nhàng như lời ru nhưng cần thiết như hơi thở.
Đối với tôi, đức Phật trước hết là một nhà đại giáo dục. Tôi đọc những bài kinh, những bài pháp không phải để giải thích niềm tin tôn giáo huyền bí, không phải để cầu ơn phước và sau khi chết sẽ được sinh ở cõi an lạc nào; nhưng để lắng nghe những lời dặn dò từ một bậc thầy lớn của nhân loại và cố gắng áp dụng những lời dạy của Ngài vào đời sống hôm nay, ngay tại cõi ta bà ô trược này.
Câu “Thắp đuốc lên mà đi”đức Phật giảng trong những ngày cuối của hành trình Ngài đi trên thế gian, không chỉ đúng với một Phật tử nhưng với tất cả, từ mỗi con người cho đến toàn dân tộc. Không một người nào khác có thể cứu mình nếu chính mình không tự cứu.
Ai cũng có thể ít nhất một lần nghe lời khuyên đó của đức Phật, vâng, nhưng giá trị đích thực của lời khuyên không phải ở nội dung thâm thúy, triết lý cao siêu nhưng là sự chứng nghiệm từ chính cuộc sống, từ chính bản thân. Tôi đã sống những tháng ngày rất khổ và trong những lúc gần như tuyệt vọng, tôi nhớ đến lời khuyên của đức Phật, lại cố đứng lên và đi giữa cuộc đời.
Đêm tháng Hai ở Varanasi, tôi hồi hộp khi nghĩ đến ngày mai, sẽ đến thăm Sarnath, nơi nền tảng của đạo Phật với Chuyển Pháp Luân, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo được xây dựng lần đầu, nơi năm anh em ông Kiều Trần Như gặp lại người bạn tu đã là Như Lai.
Ngày mới phát nguyện vào Gia Đình Phật Tử, nghe các anh chị trưởng kể chuyện Vườn Lộc Uyển, tưởng chừng như chuyện cổ tích thuộc vào một cõi nào đó xa xôi, không nằm trong thế giới này và sẽ không bao giờ đến được. Đêm tháng Hai bên bờ sông Hằng, tôi hẹn với chính mình như hẹn với cậu bé mồ côi một dạo quét lá đa ở chùa Viên Giác “Ngày mai tôi sẽ đưa em đến thăm Vườn Lộc Uyển”.Tôi nói với chính mình mà nghe lòng hồi hộp như ngày xưa cha tôi bảo tôi đi ngủ sớm để sáng mai đi chùa gia nhập Gia Đình Phật Tử.
Khi đứng bên Phật tích, tôi chợt hiểu ra một điều vô cùng hệ trọng, tôi không đến thăm mà là tôi vừa trở về. Chiếc lá đa chùa Viên Giác Hội An, chiếc lá bồ đề ở Vườn Lộc Uyển Sarnath hay giọt nước sông Hằng Varanasi cũng chỉ là một, một tâm hồn, còn và mất, ra đi và lại trở về.
Khi chuyến xe rời Sarnath để ra phi trường đi New Delhi, tôi ngoái đầu nhìn lại Tháp Dhamekha và âm thầm thưa nhỏ như chỉ để mỗi đức Phật nghe thôi “Con cám ơn đức Bổn Sư”.
Hôm đó, tôi có viết bài thơ, xin trích ra đây một đoạn:
Như đã viết, tôi đến với đạo Phật qua cánh cửa của Gia Đình Phật Tử, tổ chức hướng dẫn thanh thiếu niên tu học theo tinh thần Phật Giáo. Gia Đình Phật Tử thắp lên trong hồn tôi ngọn lửa tin yêu để đời tôi không còn lạnh lùng, không còn cô đơn và không còn sợ hãi. Tôi có anh, có chị, có em. Gia đình tôi không còn heo hút dưới rặng tre già hiu quạnh mà đã đông vui, nhộn nhịp hẳn lên.
Tôi cảm nhận được rằng tình thương không phải nằm trong lời rao giảng suông nhưng là một điều có thật. Tôi được dạy để thương yêu nhân loại và chúng sinh như thương yêu chính bản thân mình.
Gia Đình Phật Tử dạy tôi cách sống hòa mình vào tập thể, cho tôi thấy được sự quan trọng và trách nhiệm của một con người trong cộng đồng xã hội, biết sống cho mình và sống cho người khác.
Tôi học cách mở mang sự hiểu biết trong tinh thần Phật Giáo khoa học, khai phóng và dung hợp. Gia Đình Phật Tử không những dạy tôi làm người phải sống cho một mục đích hướng thiện và nhân bản nhưng cũng can đảm chấp nhận những khó khăn để đạt tới mục đích tốt đẹp đó.
Một vị thầy có nhiều liên hệ với tôi, cùng lớn lên ở làng Mã Châu tơ lụa, cùng sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử Ba Phong, cùng là đệ tử của sư phụ trụ trì Viên Giác, đó là Hòa Thượng Thích Tâm Thanh.
Hòa Thượng thế danh là Lê Thanh Hải, sinh năm 1932 tại làng Mã Châu, quận Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Hòa Thượng là một trong những cấp Huynh trưởng đầu tiên của Gia Đình Phật Tử chùa Ba Phong chúng tôi.
Trong nhiều câu chuyện về lịch sử Gia Đình Phật Tử, các anh chị cấp trưởng ở Quảng Nam vẫn còn giữ truyền thống của Gia Đình và gọi Hòa Thượng là Trưởng Lê Thanh Hải.
Tôi không biết chính xác mối liên hệ họ hàng giữa chúng tôi nhưng cha tôi luôn nhắc tôi phải gọi thân phụ của Hòa Thượng, cụ Lê Nghiêm, bằng ông. Cha tôi gọi cụ bằng ông bác.
Nhà của cụ Lê Nghiêm cách nhà tôi một đoạn đường ngắn. Cụ Lê Nghiêm trước đây là Chánh Tổng và thông thái Nho học. Bà con trong làng ai cũng kính trọng cụ và có chuyện gì quan trọng đều đến thỉnh ý kiến cụ. Tôi theo cha đến thăm cụ rất nhiều lần. Nhà cụ là một ngôi chùa nhỏ, có đủ ba gian thờ. Mỗi tháng hai lần, chúng tôi đến tụng kinh. Cụ Lê Nghiêm dạy chúng tôi đánh chuông, đánh mõ và học thuộc các kinh nhật tụng.
Tôi may mắn có nhiều duyên với Hòa Thượng Thích Tâm Thanh trong đời sống này.
Khi tôi vừa gia nhập Gia Đình Phật Tử, anh Liên Đoàn Trưởng Lê Thanh Hải đã được sư phụ chúng tôi xuống tóc xuất gia tại chùa Viên Giác với pháp hiệu Tâm Thanh, và năm năm sau đó, tôi cũng rời chùa Ba Phong đến trọ học tại chùa Viên Giác.
Khác nhau chính, tôi đi trong cuộc đời như một người Việt Nam đơn độc; trong lúc Liên Đoàn Trưởng Lê Thanh Hải của chúng tôi đã vượt qua mọi thường tình của cuộc sống để dấn thân cho một lý tưởng cao cả: trở thành một trưởng tử của Như Lai.
Ngày còn ở chùa Viên Giác, sư phụ chúng tôi kể, thầy Tâm Thanh đã vào Sài Gòn tu học tại Phật Học Viện Huệ Nghiêm, phân khoa Phật Học thuộc đại học Vạn Hạnh, sau đó xây dựng các cơ sở Phật giáo quận Tân Bình như xây trường Trung học Bồ Đề Hạnh Đức và chùa Phổ Hiền ở Ngã Tư Bảy Hiền.
Thầy Tâm Thanh về thăm chùa Viên Giác vài lần. Mỗi khi thầy về, chúng tôi quây quần ngồi nghe thầy kể chuyện. Sư phụ chúng tôi tổ chức những buổi thuyết pháp cho đồng bào Phật Tử đến nghe thầy giảng.
Khoảng năm 1969, thầy Tâm Thanh được giáo hội công cử làm Giảng sư Viện Hóa Đạo, một chức vị dành riêng cho các thầy có tuổi đời còn khá trẻ, có trình độ nội điển và ngoại điển cao để đi các nơi khai triển các quan điểm, các đường lối của giáo hội về đạo cũng như về đời.
Có thể nói, trong hàng lãnh đạo Phật Giáo cấp giảng sư thời đó, các Đại Đức Hộ Giác, Đại Đức Giác Đức, Đại Đức Liễu Minh, Đại Đức Tâm Thanh là những vị có khả năng thu hút đông đồng bào Phật Tử đến nghe pháp nhất. Thầy Tâm Thanh đi từ miền Nam đến miền Trung, và ở đâu cũng thế, đồng bào đến nghe pháp chật kín sân chùa.
Giống như sư phụ chúng tôi, thầy Tâm Thanh có một giọng nói rất thuyết phục và lôi cuốn. Thầy giảng kinh như đọc thơ, nhẹ nhàng, trầm bổng. Trong những buổi thuyết pháp Thầy dùng những ví dụ rất bình thường trong cuộc sống để giải thích các lời dạy rất sâu sắc của đức Phật, thích hợp với nhận thức của phần đông quần chúng nên rất được đồng bào kính mộ.
Mặc dù xuất gia khi tuổi đã ngoài ba mươi nhưng nhờ thiên tư xuất chúng và vốn sở hữu trình độ ngoại điển cao, thầy Tâm Thanh am tường một cách sâu sắc các kinh điển Phật Giáo trong thời gian rất ngắn. Thầy rất ốm và thường không được khỏe.
Trong các cuộc đấu tranh của Phật Giáo, thầy Tâm Thanh là người đứng đầu sóng gió. Những lần bị bắt, bị đánh đập, ít nhiều cũng đã ảnh hưởng đến sức khỏe của thầy.
Sau khi rời Viên Giác vào tháng 8 năm 1972, tôi vào Sài Gòn sống với người chú họ giàu có ở Ngã Tư Bảy Hiền. Nhà chú tôi ở cách chùa Phổ Hiền do thầy Tâm Thanh trụ trì một đoạn đường ngắn. Thỉnh thoảng tôi đến đảnh lễ thầy. Nhiều hôm tôi ở lại với thầy đến khuya.
Vì được xây ngay giữa khu dân cư đông đúc, chùa Phổ Hiền không có đất rộng như các chùa khác ở ngoại ô. Hai bên tam cấp vào chánh điện, thầy Tâm Thanh đúc bằng xi-măng hai câu thơ nổi tiếng của cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Mãn Giác:
Tôi trưởng thành rất sớm nên dù việc đạo không biết nhiều, việc đời tôi lại rất rành. Chuyện gì cũng biết dù không chuyện gì biết rõ. Thầy trò chúng tôi ngồi trong phòng sau chùa Phổ Hiền trò chuyện, từ chuyện những ngày ở Viên Giác cho đến các chuyện thời sự nóng bỏng vừa mới xảy ra.
Ngày đó quan điểm của tôi về Phật Giáo và Dân Tộc đã có nhiều điểm không được các thầy chia sẻ. Tôi cũng nhìn về hành trình đấu tranh của Phật Giáo từ 1963 đến 1972 khác với cách nhìn của nhiều thầy. Hai thầy trò chúng tôi đều ảnh hưởng sư phụ chúng tôi về cá tính, cách diễn tả và nhất là cũng mang đậm tính Quảng Nam trong người nên những gì không đồng ý nhất định phải nói ra cho bằng được. Cũng may, tôi còn quá nhỏ để các thầy khiển trách nặng nề.
Đầu tháng 9 năm 1972, tôi vừa ghi danh học năm thứ nhất tại đại học Luật và thi vào ban Kinh Tế ở đại học Vạn Hạnh. Tôi thưa với chú cho tôi được ở trọ nhà chú để đi học. Thật ra tôi chỉ cần chỗ ngủ vì chỗ ăn không phải quá lo. Tôi có thể ăn ở quán cơm sinh viên trên lầu đại học Vạn Hạnh với giá rất rẻ. Chú tôi không trả lời, bảo phải chờ hỏi ý thiếm tôi.
Thiếm tôi suy nghĩ. Vài tuần sau, thím không đồng ý và lạnh lùng bảo tôi phải dọn đi nơi khác. Thím tôi bảo nhà toàn là thợ dệt, những người ở đây phải lo đi làm, không ai chỉ ăn rồi đi học như tôi mà chẳng làm lụng gì.
Tôi không có nơi nào khác để đi. Bà con tôi ở Sài Gòn chỉ có chú thím tôi thôi.
Tôi đến chùa Phổ Hiền bạch với thầy Tâm Thanh tôi đang cần chỗ ở. Thầy không hỏi lý do mà chỉ bảo tôi ở lại Phổ Hiền để ăn học giống như thời còn ở Viên Giác vậy. Tôi mừng lắm. Giữa lúc đang lang thang đi tìm chỗ ở nên tôi nhận lời ngay. Để giữ thể diện cho chú, tôi không bạch với thầy việc thím tôi đuổi tôi đi. Tôi biết tánh Quảng Nam của thầy, nếu biết sự thật, có thể thầy đến tận nhà trách móc chú thím tôi ngay.
Gần một tháng ở chùa Phổ Hiền, thầy Tâm Thanh quyết định rời Sài Gòn đi Đại Ninh, thuộc tỉnh Lâm Đồng xây một cái cốc nhỏ để tu. Buổi sáng trước khi ra đi thầy bảo tôi đi tìm chỗ khác ăn học vì không có thầy, ban trị sự chùa có thể sẽ không đồng ý cho tôi tiếp tục ở lại chùa Phổ Hiền nữa. Thầy nghĩ việc đi tìm một chỗ ở trong một khu toàn là người Quảng là chuyện dễ dàng nhưng với tôi lại là chuyện gian nan. Thầy Tâm Thanh cho tôi một ngàn đồng và ra đi. Mười phút sau, tôi cũng khăn gói ra đi.
Tôi bắt đầu một hành trình mới trong cuộc đời đầy sóng gió của mình cho đến khi gặp được người đàn bà có trái tim Bồ Tát và là nguồn thôi thúc để tôi viết nên bài thơ Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười hai chục năm sau, nhận làm con nuôi.
Sau năm 1975, được tin thầy Tâm Thanh về lại Ngã Tư Bảy Hiền tôi đưa một số bạn sinh viên đến đảnh lễ thầy. Thầy trò chúng tôi ngồi nói chuyện đất nước. Tôi nhớ rất rõ thầy giảng chúng tôi nghe về “tướng và dụng” trong hoàn cảnh chính trị mới.
Về mặt tư tưởng, thầy không đồng ý với những gì đang đổi thay ngoài xã hội dù không chống đối công khai. Thầy biết con đường dân tộc đang đi sẽ có nhiều chông gai, khó nhọc nhưng hoàn cảnh nay đã khác với thời kỳ thầy dấn thân tranh đấu vào những năm 1960.
Năm 1978, tôi về thăm quê Mã Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam và ghé chùa Ba Phong lạy Phật. Tôi thật mừng vì gặp thầy cũng vừa về thăm chùa vài hôm trước. Tôi không nói rõ ý định ra đi nhưng linh tính đó là lần gặp gỡ cuối cùng. Cũng như những ngày còn ở Ngã Tư Bảy Hiền, thầy khuyên tôi nên cố gắng và kiên nhẫn vượt qua mọi khó khăn.
Nơi đây, từ ngôi chùa làng Ba Phong đầy kỷ niệm này, chúng tôi đã bắt đầu Gia Đình Phật Tử và cũng dưới mái cong của ngôi chùa thân yêu đó chúng tôi chia tay nhau.
Khoảng 20 năm sau, trong thời gian ở Mỹ, tôi nghe nhiều người ca ngợi một bậc cao tăng Việt Nam giảng pháp rất hay và Ngài có pháp hiệu là Tâm Thanh. Tôi rất mừng, và dù không xem hình ảnh, tôi cũng biết ngay đó chính là thầy Tâm Thanh của tôi ngày nào. Không thể có một Hòa Thượng Tâm Thanh nào khác được.
Chỉ âm thanh phát từ một tâm từ bi trong sáng tựa thiên hà mới có thể vang ra khỏi đại ngàn Lâm Đồng sang tận phương tây xa xôi như thế.
Trong một dịp ghé thăm một người bạn, anh ta tặng tôi một CD những bài giảng về Phật Pháp. Anh bảo nội dung của CD là pháp âm của Hòa Thượng Tâm Thanh. Tôi nôn nóng và vừa bước lên xe là mở nghe ngay. Không phải chỉ muốn nghe kinh điển thôi nhưng thôi thúc hơn, được nghe lại giọng nói của một bậc cao tăng tôi may mắn có một thời gần gũi.
Nghe giọng thầy tôi cảm thấy ấm áp trong lòng. Giữa phố người đông đúc, hình ảnh sư phụ, thầy và quê hương chợt thức dậy. Mấy chục năm nhưng lời giảng trầm bổng, nhẹ nhàng như đọc thơ của thầy làm thức dậy trong tâm hồn tôi những lời giáo huấn chân thành của người anh cả trong gia đình Viên Giác.
Những năm sau này thầy là Cố Vấn Giáo Hạnh của Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam, bởi vì, dù là một bậc cao tăng Ngài không quên chiếc ghe Gia Đình Phật Tử đã đưa Ngài đến gần bờ Đạo Pháp, và cũng giống như sư phụ chúng tôi luôn dặn dò, chấn hưng Phật Giáo và phục hưng Dân Tộc phải bắt đầu từ tuổi trẻ.
Mục đích hoằng dương chánh pháp là tâm nguyện không thay đổi của Hòa Thượng Tâm Thanh; nhưng trong mỗi giai đoạn có những việc cụ thể để làm. Những năm sau này, thầy muốn dành hết thời gian để gầy dựng tăng tài và thuyết giảng kinh điển.
Hòa Thượng Thích Tâm Thanh xã báo thân trong an nhiên ngày 02 tháng 4 năm 2004 để lại bài thi kệ:
Được thầy Như Tịnh báo tin thầy Tâm Thanh viên tịch, tôi nhẫm tính thời gian, tưởng như vừa mới hôm qua; nhưng đã gần 30 năm tôi chưa gặp lại thầy.
Những lời dạy của thầy cho chúng tôi biết sống có nguyên tắc, có chuẩn mực, kiên nhẫn với công việc mình làm vẫn là những giọt nước đạo vị cho cây đời tôi thêm xanh lá hôm nay.