Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

22. Lời ngỏ (Trần Trung Đạo)

14/04/201412:17(Xem: 9702)
22. Lời ngỏ (Trần Trung Đạo)
blank


Lời ngỏ

blankTháng trước đứng nhìn những người dân Ấn sùng đạo tắm gội trên sông Hằng để xóa đi những vết trần tục hôm qua và làm trong sạch đời sống mới hôm nay, tôi chợt nghĩ, nếu được như vậy thì có lẽ rất nhiều người trong đó có tôi sẽ đến sông Hằng mỗi năm để làm mới cuộc đời mình.

Thật ra không dễ dàng như thế. Quá khứ vẫn còn trong tâm tưởng. Vui buồn, vinh nhục, đúng sai, thăng trầm đã đóng lại thành những ngăn có thứ tự, có tên gọi trong ký ức. Đây là thầy cô cũ, đó là bạn bè xưa, bên kia là chia ly, bên này là hạnh ngộ. Thời gian như lớp sương phủ mỗi ngày một dày thêm trong trí nhớ, nhưng một ngày trời quang mây tạnh, ký ức lại trở về, mang niềm vui đến nhưng cũng có khi hành hạ mình.


Trần Trung Đạo khi học lớp đệ nhất TH Trần Quý Cáp, 1972)



Không biết là duyên hay nghiệp, nhưng đời tôi gắn liền với những ngôi chùa. Chùa Ba Phong ở làng Mã Châu, chùa Viên Giác ở Hội An, chùa Phổ Hiền ở Ngã Tư Bảy Hiền. Ngay thành phố Boston tôi đang sống, trước nhà tôi bây giờ cũng là một thiền viện.

Tôi dọn về đây đã 11 năm. Không bao lâu sau khi ổn định chỗ ở, ngày nọ nhìn ra đường, một tu sĩ Phật Giáo còn khá trẻ đang đứng ngắm căn nhà đang treo bảng bán.Vợ tôi nhìn tôi “Anh đến đâu là có chùa theo đó.”Thật vậy, vài tháng sau, căn nhà của người láng giềng bên kia đường trở thành ngôi thiền viện. Thiền viện Bồ Đề như tên chùa được khắc vào viên đá trước cổng ra vào. Ngoại trừ những ngày lễ lớn ghé qua thăm và chúc sức khỏe các thầy, tôi ít khi đến chùa và cũng không nhớ hết pháp hiệu các thầy. Những buổi sáng mùa thu trời không mưa, tôi ngồi nghe tiếng chổi vọng qua từ ngôi chùa nhỏ bên kia đường. Các thầy trong thiền viện thức dậy rất sớm. Thay vì dùng chiếc máy thổi lá như nhiều người ở xứ này, các thầy vẫn quét lá bằng chổi như những ngày còn ở Việt Nam. Thật lạ, giữa thị trấn sầm uất của phía nam thành phố Boston lại có một khoảng đất nhỏ mang trọn vẹn một khung cảnh, một nếp sống Việt Nam. Thiền viện với mái ngói cong, với tiếng chuông ngân dài hòa trong tiếng lá rơi xào xạc buối sáng cuối thu. Một không khí êm dịu khó có thể tìm đâu trong thành phố kỹ nghệ này.

Tiếng chổi của các thầy vang vọng trong tâm hồn tôi một âm thanh quen thuộc, nhắc nhở tôi về một ngôi chùa ở Hội An, chùa Viên Giác. Vâng, cũng ngôi chùa nhỏ, cũng quét lá trong sân chùa vào mỗi sáng. Nhất là những sáng mùa thu, lá rụng đầy.

Mới đó mà đã hơn 40 năm rồi. Bốn mươi năm mà như mới hôm qua. Cậu bé trong tâm hồn tôi cũng chẳng lớn hơn chút nào từ những mùa thu cũ. Ngày đó, năm giờ sáng, khi phần đông người trong chùa còn ngủ, cậu bé thức dậy bắt đầu công việc mỗi ngày của mình. Cậu bé phải quét lá sớm để bảy giờ thì đi bộ đến trường. Sân chùa rộng, nhiều khi vừa quét xong nhìn lại phía đầu sân bên kia, lá rơi đầy như trước, lại phải quét thêm lần nữa, nếu không thầy trụ trì thức dậy sẽ trách vì nghĩ là cậu bé chưa quét. Cậu bé đó chẳng ai khác mà chính là tôi.

Mỗi buổi sáng tôi một mình ôm chổi
Quét lá vàng như quét nỗi cô đơn
Lá vẫn rụng khi mỗi mùa thu tới
Như đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn.

Ngày đó, nhiều buổi sáng khi quét lá xong, trời còn sớm tôi ngồi trên bệ đá trước giảng đường học bài. Nhìn những chiếc lá đang nhẹ nhàng rơi xuống, tôi nghĩ về mình và những đứa bé cùng cảnh ngộ. Số phận của chúng cũng mang nỗi cô đơn sâu thẳm và mong manh như chiếc lá đang rơi.

Thế hệ tôi là thế hệ của những chiếc lá bị cuốn đi trong mùa bão lửa. Lá rơi trên đường phố Đà Nẵng. Lá rơi dọc bến xe đò Hùng Vương. Lá rơi vào những hố rác hôi thối ở Hòa Cầm. Lá rơi bên ngoài các căn cứ lính Mỹ. Mỗi sáng, bên ngoài các hãng kem, hàng trăm chiếc lá tuổi mười hai, mười ba sắp hàng chờ nhận kem đi bán. “Trường học”, “mái ấm gia đình”, “tình thương cha mẹ”, “một bữa cơm ngon”, hình như lâu lắm rồi không ai nhắc với chúng những chữ gần như xa lạ đó nữa. Cuộc hành trình chúng tôi đi không có bóng mát. Những bàn chân nhỏ nhoi trên con đường Việt Nam đầy hố đạn.

Tôi thường nghĩ, nếu không có chùa Viên Giác, nếu không có tiếng chuông chùa nhẹ đưa, không có lời kinh khuya ru tuổi thơ nhiều mất mát, cuộc đời tôi, như hàng triệu chiếc lá chiến tranh khác lang thang khắp ba miền đất nước, không biết giờ này về đâu. Cám ơn Đức Phật và những lời dạy của ngài. Tình thương, bao dung và tha thứ như những giọt nước mát rót vào tâm hồn cháy bỏng của tôi thời thơ ấu.

Năm năm sau, vào một buổi sáng mùa thu, tôi đã trở thành một thanh niên 18 tuổi. Hôm đó là ngày tôi lạy Phật ra đi. Lá chưa rơi nhiều nhưng tiếng xào xạc hòa trong cơn gió lớn như cùng tấu lên khúc nhạc tiễn đưa tôi. Tạm biệt chiếc đại hồng chung và những tiếng ngân dài, tạm biệt chiếc giường gỗ và bầy rệp đỏ, tạm biệt chiếc mùng ngăn muỗi nhiều chỗ vá. Không giọt nước mắt nào nhỏ xuống trong giờ chia tay người đi kẻ ở. Tôi tự tay mở cánh cửa sắt nhỏ ngăn hai thế giới và ra đi âm thầm như ngày mới đến chùa.

Nhiều khi ngồi nhớ lại mình và những đứa bé bất hạnh thời chiến tranh, tôi tự hỏi, những chiếc lá vàng trên hè phố Đà Nẵng, trên bến xe đò Nam Lộc, trong hố rác Hòa Cầm ngày xưa đã bay về đâu.

Thời gian âm thầm trôi như dòng sông bất tận. Bỗng dưng tôi thấy thương mình trong thời ở chùa Viên Giác hơn bao giờ. Bỗng dưng tôi thèm được về bên sân chùa cũ ngồi dưới ánh trăng thu để lắng nghe tiếng lá ru như tiếng mẹ vỗ về. Bỗng dưng tôi thèm được hát, bài hát của một thời hoa niên đầy nước mắt.

Tôi sẽ về. Dù bay bao xa, một ngày, chiếc lá cũng sẽ trở về chùa Viên Giác như sư phụ tôi dặn dò trong lần cuối gặp nhau năm 1981. Sư phụ tôi đã viên tịch, cây đa già thân yêu của tôi cũng đã chết nhưng tinh thần Viên Giác vẫn còn sống trong từng hơi thở, từng đoạn văn, từng bài thơ tôi viết hôm qua, hôm nay và mãi mãi sau này.

Những người thân của tôi một thời dưới mái chùa Viên Giác ở hải ngoại không có ai ngoài Hòa Thượng Thích Như Điển.

Nhớ lại, cách đây ba năm, một buổi chiều rất nhớ Hội An, tôi chợt nảy ra một ý kiến viết chung với Hòa Thượng Như Điển một tác phẩm. Thầy viết rất nhiều sách và tôi cũng viết khá nhiều thể loại nhưng chưa có dịp viết chung một tác phẩm để kỷ niệm. Một lần gặp nhau ở Chicago trong dịp tham dự lễ khánh thành Chùa Trúc Lâm do Thượng Tọa Thích Hạnh Tuấn trụ trì, tôi bạch với Hòa Thượng ý định đó. Thầy rất vui, đồng ý và đón nhận ý kiến với thái độ có vẻ còn nhiệt tình hơn cả tôi.

Trong nghi lễ Phật Giáo, Hòa thượng Thích Như Điển là một bậc tôn túc cao của hệ phái Lâm Tế Chúc Thánh và một trong những vị lãnh đạo giáo hội, nhưng trong chỗ riêng tư thầy cho phép tôi vẫn xem thầy như người anh lớn như những ngày tôi còn nhỏ ở Hội An. Mỗi lần điện thoại thăm nhau, thầy vẫn một giọng nhỏ nhẹ như ngày nào hoàn toàn khác với cá tính ồn ào sôi nổi của tôi.

Chúng tôi đã sống với nhau một thời gian, tuy không dài nhưng đầy kỷ niệm. Mấy chục năm qua nhưng những năm tháng đó sẽ không bao giờ quên khi trí nhớ tôi còn làm việc. Thầy nghiêm khắc nhưng rất thương yêu và hy sinh cho các thế hệ sau. Niềm vui của thầy là sự thành công của huynh đệ cùng tông môn, của các đệ tử thầy kỳ vọng. Tính của thầy nói là làm, khác với tính của tôi chuyện này cứ xen vào chuyện khác.

Sau mấy chục năm xa cách, chúng tôi gặp nhau lại lần đầu tại đại học Harvard, nơi Thượng Tọa Hạnh Tuấn đang theo học bậc Cao Học Phật Học. Thời gian trôi qua. Thầy không còn là “Chú Điển” và tôi cũng không là “thằng Nhơn quét lá” như xưa. Những sợi tóc ngã màu trên mái tóc tôi và nhiều nếp nhăn trên vầng trán của thầy. Nhưng quá khứ vẫn còn nguyên vẹn. Quá khứ của một ngôi chùa mang nhiều duyên và nghiệp vẫn sống âm thầm trong ký ức chúng tôi. Cuộc đời chỉ là một sân ga trong hành trình sa số kiếp của mỗi con người. Đúng hay sai phân tích cho cùng chỉ là những phán xét chủ quan, giới hạn trong đời sống này. Còn bao nhiêu đời sống khác, còn bao nhiêu điều chúng ta chưa biết hết, chưa hiểu hết.

Như đã hứa với nhau, chúng tôi sẽ viết về thời chúng tôi còn xách nước, quét lá đa, làm tương chao ở chùa Viên Giác. Nếu một người cầm bút mà không viết về nơi mình lớn lên thì còn viết về nơi nào khác nữa.

Hai tháng sau, trong thời gian hoằng dương Phật pháp ở Úc, thầy viết xong phần thầy nhưng tôi thì chưa.

Tôi quá nhiều việc phải làm và việc nào cũng có thời hạn phải hoàn thành, trong gia đình, đời sống, sáng tác, cộng đồng và xã hội. Nhưng lý do chính, những năm tháng tôi ở chùa Viên Giác là những năm tháng buồn nhất đời mình. Tôi viết được ba chương thì dừng lại. Thầy Như Điển nhắc nhở nhiều lần nhưng tôi không viết tiếp được.

Viết về những ngày buồn chẳng khác nào gặm nhấm nỗi đau lần nữa. Thuở tuổi mười ba vô tư, trong trắng, chuyện buồn như nắng và mưa, đến và đi nhiều khi không để lại một nhiều băn khoăn, thao thức trong tâm hồn. Bây giờ thì khác, viết lại thời khốn khó, buồn nhiều hơn vui, không phải dễ dàng. Đại sư Chagdud Tulku từng giảng “sống phải biết buông xả như người đang bơi giữa sông dù gì đi nữa cũng phải tiếp tục bơi”. Biết thế, nhưng không phải nghĩ đúng rồi sẽ luôn làm đúng. Hành trang giúp cho ta có nhiều phương tiện để hoàn thành một chuyến đi nhưng chính hành trang đôi khi cũng là một gánh nặng làm chậm bước đi của mình.

Tuy nhiên, vì đã có duyên với nhau nên trước hay sau gì cũng đến cùng điểm hẹn. Hôm nay, sau nhiều lần được thầy nhắc nhở, tôi cũng viết xong phần mình. Đây không hẳn là một hồi ký đúng với thứ tự thời gian các biến cố xảy ra theo từng năm, từng tháng và cũng không phải là tất cả, mà chỉ là những suy nghĩ còn nhớ được từ những ngày còn nhỏ ở Xuyên Châu, Duy Xuyên, cho đến Vĩnh Điện và cuối cùng là Hội An.

Nhiều chương vừa hoàn tất nhưng một số chương đã viết xong khá lâu, một số chương được chọn từ những bài viết riêng đã lưu hành trên mạng lưới internet và cũng có thể trùng lập trong vài tác phẩm. Dù mới hay cũ vẫn là của tôi, cùng dòng mực và cùng những giọt nước mắt đọng lại sau một hành trình bi tráng.

Mời quý vị đọc và xem đây như món quà tinh thần gởi đến độc giả nhân mùa Vu Lan năm nay.

- Trần Trung Đạo

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/07/2020(Xem: 8475)
Mẹ từ giã cõi đời vào những ngày cuối năm biến không khí đón tết vui tươi giờ đây càng thêm lặng lẽ. Nhìn Cha già ngồi niệm Phật, cúng lễ phẩm mỗi ngày 3 lần cho Mẹ, trông ra phía trước sân những chậu vạn thọ hoa đã nở tròn, khiến tôi càng thấy buồn và nhớ Mẹ nhiều hơn. Tôi ngồi xem mấy món đồ Mẹ để lại được đựng trong chiếc hộp gỗ đã bạc màu, lòng tôi cảm xúc dâng trào khi nhìn thấy xâu chuỗi bằng hạt bồ đề tự tay tôi làm và những lá thư tôi viết gởi về thăm Mẹ cũng như những bài thơ võ vẽ tập làm từ tuổi ấu thơ. Những bài thơ từ khi tôi viết đến khi Mẹ qua đời đã gần hai mươi năm, tưởng chừng đã hư mất thuở nào nhưng được Mẹ gói trong mấy lớp bao ni lông thì giờ đây cũng đã ố vàng. Đây là rất ít số bài thơ còn sót lại trong thời tuổi thơ của tôi. Cảm xúc nhớ Mẹ dâng trào theo từng câu chữ, những kỷ niệm thuở ấu thơ bên Mẹ hiền đầm ấm, hồn nhiên, hạnh phúc biết bao. Đặc biệt, “Đôi Gánh trên vai Mẹ” là một trong những hình ảnh thiêng liêng của cuộc đời và là nguồn động lực vô cùng lớn
10/07/2020(Xem: 8442)
Hồi tháng Giêng năm nay, ông Mohan Paswan, một tài xế xe thồ tuk-tuk, bị thương trong một tai nạn giao thông. Ông tạm trú ở Gurugram, ngoại ô thủ đô New Delhi, nơi ông suốt ngày hành nghề chở khách bằng chiếc xe cà tàng có gắn máy. Tiền kiếm được ông gửi về quê nuôi vợ con ở Bihar, tiểu bang miền đông Ấn Độ, cách xa đến 700 dặm (trên 1.100 km.) Sau tai nạn, ông Paswan không thể tiếp tục chạy xe để kiếm tiền, không những thế ông cần sự săn sóc. Cô con gái ông, Jyoti Kumari, 15 tuổi, nghe tin liền nhảy lên tàu lửa đi tìm cha rồi ở cạnh ông để chăm lo. Thế rồi cơn đại dịch xảy ra.
02/07/2020(Xem: 5458)
- Chú An ơi, chú còn pin không cho tôi xin với? - Ô, hết rồi Cụ ơi, con cũng không có tiền để mua pin mới! Thôi Cụ chịu khó nghỉ nghe tin tức vài hôm nha, có tiền con sẽ mua cho Cụ! Ông Cụ mắt nhìn vào chiếc radio buồn buồn, cúi đầu xuống rồi lại ngước lên, trông thật tội! -Thì cũng đành vậy thôi. Cám ơn Chú! Cụ có chiếc radio đã cũ lắm rồi, khổ cỡ của nó bằng cuốn vở học trò, cái cần ăng ten đã sứt từ lâu, ông tự chế lại bằng cọng căm xe đạp khiến tiếng nói nghe khàn khàn, thỉnh thoảng ông phải đập đập vào tay nó mới có âm thanh; màu sơn bây giờ cũng phai gần hết, lốm đốm, thay vào đó, mồ hôi tay, nhiều chỗ dính chút xi măng, lấm tấm đất…và thời gian đã làm chiếc radio của ông trông thật tội! Ngày nào cũng vậy, cứ hai lần sáng tối, ông nhìn chiếc đồng hồ treo trên vách đất, đến giờ đài phát thanh thời sự là ông mở radio. Thời gian đầu, mấy Chú lo lắng, vì theo sự quy định của Sư Phụ thì tất cả những chú Tiểu mới vào chùa đều không được phép sử dụng bất cứ loại máy thu
29/06/2020(Xem: 6729)
Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc còn lưu lại một câu đối đậm thiền vị tại ngôi chùa cổ Hội Khánh, nơi đặt Trụ sở Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Bình Dương: “Đại đạo quảng khai thố giác khuê đàm để nguyệt Thiền môn giáo dưỡng, qui mao thằn thụ đầu phong” Tạm dịch: Mở rộng đạo lớn như sừng thỏ như mò trăng đáy nước Nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa như cột gió đầu cây. Chùa xây dựng từ thế kỷ XVIII (1741), 1861 chùa đã bị chiến tranh tàn phá thiêu hủy. Đến năm 1868, chùa được xây dựng lại ở vị trí hiện nay với khuôn viên trên 1.200m2.
28/06/2020(Xem: 24065)
Bức tượng được sơn son thếp vàng, tạc hình ảnh một nhà vua mặc triều phục đang quỳ gập người, hai bàn tay cung kính mở rộng để trên mặt đất, còn bên trên lưng là một pho tượng Phật cao lớn ngồi trên tòa sen nằm đè lên.
25/06/2020(Xem: 5729)
Thầy tôi là Giáo Thọ về môn Lịch Sử Phật Giáo và Cổ Đại Hán Ngữ trường Cao- Trung Phật Học Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu. Thầy có trí nhớ rất tốt, ngoài lĩnh vực chuyên môn thì hầu như “bỏ túi” nhiều bộ tiểu thuyết Lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc như Đông Chu Liệt Quốc, Hán Sở Tranh Hùng, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử .v.v…Và đây là những viên kẹo tinh thần mà Thầy tôi thường thưởng cho huynh đệ chúng tôi trong lúc làm việc. Tưởng chừng những câu chuyện đó đã trôi vào dĩ vãng theo những năm tháng đầy biến động của cuộc đời, nhưng thật kỳ diệu tất cả dường như đều được sắp xếp lại gọn gàng trong ký ức của tôi như những món quà tâm linh và cùng lớn dần với dòng đời. Thời gian qua, thế giới đang oằn mình giữa cơn đại dịch Covid-19.
18/06/2020(Xem: 3975)
Phiên đại triều của Thiên Đình cứ trăm năm một lần kỳ này diễn ra trong bầu không khí thật hoang mang, mệt mỏi. Thái Bạch Kim Tinh nay đã già yếu lắm rồi. Cụ tâu trình quên trước quên sau khiến Ngọc Hoàng Thượng Đế chau mày rồi cũng phải thông cảm, khoát tay ra hiệu cho qua. Nam Tào, Bắc Đầu tai đã nghễng ngãng, gầy ốm hom hem, vầng trán nhăn nheo vì quá căng thẳng với chuyện của trần gian. Bà Lê Sơn Thánh Mẫu có lẽ nhờ Vườn Đào và biết sửa sang sắc đẹp cho nên trông vẫn trẻ. Thiên Lôi tuy còn khoẻ nhưng kể từ khi loài người chế ra cột thu lôi thì ông chỉ còn “ vớ ” được một vài người ngu ngơ chẳng may lang thang ngoài đồng ruộng trong lúc trời mưa gió. Ngoài ra uy quyền của ông còn bị sứt mẻ vì Ngọc Hoàng Thượng Đế vừa bổ
17/06/2020(Xem: 3364)
- Hai Chú đói bụng lắm phải không? Mặt mày xanh lè, tái mét hết rồi! Con có cơm của Ông Bà Chủ đem ra để chút nữa ăn. Con chia hai chú một miếng nha. Tôi quay nhìn, Dũng Đen chạy đến gần tôi nói giọng líu ríu, Nó chăn đàn vịt thuê cho Ông Bà Chín trong xóm, nghe nói nó quê Miền Tây nhưng không biết chính xác ở nơi nào, chỉ nghe nó kể nhà nghèo, anh em đông, Dũng là con trai lớn, dù thương lắm nhưng Ba Mẹ nó đành bấm bụng cho nó đi giữ vịt thuê lấy tiền để nuôi gia đình. Mỗi năm Dũng chỉ về nhà được một lần trong dịp tết. Dũng Đen nhỏ hơn tôi hai tuổi nhưng trông mạnh khỏe và lanh lợi, mọi người kêu Dũng Đen vì ngoài cặp mắt ra thì cả người nó đen nhánh. Không biết vì da nó đen hay là vì từ nhỏ đến giờ ở ngoài đồng ruộng nên mới đen như vậy?
15/06/2020(Xem: 4886)
Thuở ấy nơi thành Ca Tỳ La Vệ của xứ Ấn Độ nhiều tín ngưỡng, nhiều giai cấp và nhiều bất công, đấy là nơi lý tưởng cho họ sinh ra và gặp nhau để nối mối lương duyên kết thành vợ chồng trong kiếp cuối cùng. Chàng là Thái tử phước báu đầy người với 32 tướng tốt, sức khỏe phi thường. Nàng là công chúa nước nhỏ láng giềng, dung mạo đoan trang và diễm kiều, lúc nào cũng là đối tượng thu hút cho các vương tôn công tử con nhà quyền quý đến tuổi kén vợ. Nhưng duyên trời đã định sẵn cho họ thành vợ chồng, nên cho dù anh chàng Đề Bà Đạt Đa có ba đầu sáu tay đến đâu, có mưu mô giành giật tới đâu cũng không chiếm được trái tim nàng công chúa khả ái này. Tuy nhiên để cho công bằng và theo đúng luật lệ của hoàng gia, các chàng phải thi đấu trong tất cả các bộ môn từ cung cho tới kiếm, ai chiến thắng sẽ được làm phò mã.
04/06/2020(Xem: 4082)
- Nhanh chân lên các con, vào chòi tránh mưa thôi! Tiếng Thầy gọi, huynh đệ chúng tôi mỗi người cùng phụ nhau đem giỏ thức ăn và mấy đồ lặt vặt đi làm vào trong chòi. Gọi cái chòi chứ thật ra đây chỉ là chuồng Bò cũ của ông Sáu già gần chùa đã bỏ vài năm nay, trống trơn, chỉ còn phần mái che ở trên nhưng tranh cũng đã sắp mục rồi! Giữa bốn bề đồng ruộng trống trơn không có bóng cây thì cái chòi tranh là nơi duy nhất để tạm lánh những lúc nắng mưa.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]