Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 16: Tạm biệt Sài Gòn

24/03/201420:24(Xem: 9402)
Phần 16: Tạm biệt Sài Gòn
blank
Phần 16: Tạm biệt Sài Gòn

HT Thích Như Điển

B

ao nhiêu chờ đợi, bấy nhiêu ngóng trông, rồi ngày ấy cũng phải đến. Có nhiều việc đến bất chợt, có nhiều khi đến một cách hững hờ, mà cũng có lắm việc dự định sẵn sàng; nhưng lại không đến. Người xưa nói: „Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên“ là vậy. Con người có thể vạch ra mọi phương cách, đường hướng, chủ đích; nhưng sự thành tựu ấy không phải chỉ riêng có con người quyết định được, mà phải qua yếu tố thứ ba. Đó là tha lực, là phước đức, là hậu báo, dư báo của mỗi người.

Khoảng thời gian nầy gần Tết Nhâm Tý nên các hãng máy bay lúc nào cũng đầy khách; cho nên tôi chọn qua Tết hãy đi. Lúc ấy thảnh thơi hơn, vả lại xa quê chưa biết bao lâu, ở lại Việt Nam ăn thêm một cái Tết nữa để vui vẻ với các bạn đồng đạo. Tiền vé máy bay thì Thầy Bảo Lạc cho. Tiền túi đã có quý Phật Tử lo, chỉ có tiền học, đang chờ đợi Sư Phụ từ quê vào; nếu Sư Phụ không vào được, sẽ đến nhờ Thầy Tâm Thanh ở chùa Phổ Hiền tại Ngã Tư Bảy Hiền giúp đỡ. Lúc ấy Air Vietnam có đường bay dài nhất cũng chỉ mới đến Tokyo, hầu hết là bay quanh Đông Nam Á, chứ chưa vươn ra khắp ngoại quốc. Từ ngoại quốc đến có hãng PANAM của Mỹ; ngoài ra rất ít thấy máy bay Âu Mỹ đáp tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc bấy giờ. Muốn đi từ Sàigòn đến Tokyo phải dừng hai nơi để đón khách. Đó là Hồng Kông và Đài Bắc. Từ Sàigòn bay đến phi


trường Haneda độ 8 tiếng đồng hồ, kể cả 2 lần nghỉ ở hai phi trường trên.

Tối ngày 21 tháng 2 năm 1972 có một số bạn học cũ như Nguyễn Thông, Ngô Lương Kim, Lương Văn Bé, Thạch Quân C. đến chùa ở lại và đến sáng ngày hôm sau 22 tháng 2 năm 1972 nhằm ngày mồng 8 tháng giêng năm Nhâm Tý có Hòa Thượng Bảo Lạc, Hòa Thượng Như Tín, Thầy Quảng Hạo, Thầy Ngộ Hạnh cùng một số quý Thầy và quý Phật Tử từ Lưu Học Xá Huyền Trang đến chùa Hưng Long để đưa đi. Bên chư Ni thì có Ni Sư Như Viên, Ni Sư Huệ An và một vài Ni Sư quen biết khác. Phía gia đình thì có anh Hồ Đấu cũng như anh em bên ngoại và bên bạn học Đời có thêm Hiếu, Phúc, Hùng cũng đã đến sân bay Tân Sơn Nhất để tiễn đưa. Vì Thầy tôi vào không được; cho nên Sư Huynh Thích Tâm Thanh đến thay thế tiễn biệt tôi lên đường và cũng mang sứ mệnh của Sư Phụ đến. Ngày ấy Thầy Tâm Thanh tặng cho tôi một tờ giấy bạc 20 đồng của Việt Nam Cộng Hòa còn mới tinh; nay Thầy Tâm Thanh đã quá vãng; nhưng tờ giấy bạc ấy tôi vẫn còn trân quý gìn giữ bên mình. Rõ ràng tôi là con người sống nhiều với kỷ niệm, dầu cho kỷ niệm ấy lớn hay nhỏ, trước sau gì tôi cũng ghi vào lòng hay giữ lại đâu đó để lâu lâu nhìn lại món đồ, biết là ai đã tặng cho mình và người ấy bây giờ có còn không ? Ở đâu và đi đâu ? v.v...

Ngày xưa tôi hay tích tụ cả hàng ngàn lá thư như vậy; nhưng 2 năm rồi (2011) khi Thầy Hạnh Giới cho dọn phòng của tôi cho gọn gàng hơn, thì những thư từ ấy và những đồ vật không cần thiết tôi đã cho hỏa thiêu tất cả. Bây giờ những gì của đất trời, xin trả lại cho trời đất. Ngoài ra thỉnh thoảng tôi cũng có làm lễ huân tăng, đem tặng lại cho chư Tăng Ni cả hằng trăm món đồ mà tôi đã nhận được từ khắp nơi nhân ngày sinh nhật của mình.

Kỷ niệm bao giờ cũng đẹp; nhưng nó cũng sẽ tàn phai. Điều quan trọng là mình nên xếp lại những kỷ niệm ấy để vào nơi đâu của cõi lòng mình thì mỗi người tự an bài cho kỷ niệm ấy một chỗ xứng đáng. Nhiều khi kỷ niệm xưa sẽ hiện về bất chợt trong giấc mơ, hay lắm lúc trong khi chuẩn bị đi ngủ, có nhiều hình ảnh thân thương lại hiện về trong trí nhớ. Thế rồi trí óc lại có cơ hội để mở tung không gian và thời gian quá khứ ấy để cho tâm thức có cơ hội lắng chìm sâu vào dĩ vãng. Nhiều khi cũng có thể là kỷ niệm xấu, ta muốn xua đuổi đi cho nhanh; nhưng lắm lúc cũng có những kỷ niệm ta muốn quên mà quên chẳng được. Có ai đó khóc thầm trong đêm để tưởng nhớ một người thân đã nằm xuống và thỉnh thoảng vẫn có những giọt nước mắt, ngậm ngùi nhỏ lệ trong đêm đen nhằm hồi tưởng về một quãng đời dĩ vãng. Với tôi, những kỷ niệm đau thương hầu như ít hiện về, đa phần là những giấc ngủ an lạc, ít mộng mị.

Một đoàn người áo nâu đứng xếp hàng để chụp hình tại phi trường Tân Sơn Nhất, khiến cho ai đó dầu vô tình cũng phải lưu tâm đến sự hiện diện quá đông của chúng tôi. Hôm đó có cả Thầy Chánh Phó trụ trì chùa Hưng Long cũng đi đưa tiễn nữa. Nay thì Thầy không còn trên dương thế; nhưng có hai điều lúc nào tôi cũng nhớ mãi bên lòng.

Việc thứ nhất là ngày mai tôi lên đường sang Nhật; nhưng tối hôm đó Hòa Thượng đưa cho tôi một cọc tiền Việt Nam bảo rằng: Ông mang tiền nầy qua bên ấy xài. Tôi cảm ơn Ngài và thưa rằng: Bên đó không xài tiền nầy mà chỉ xài đô-la hay tiền Yen mà thôi. Thế là Ngài cất vào túi.

Việc thứ hai tôi vẫn còn nhớ rõ. Đó là ngày đã có Passport và Visa Tòa Đại Sứ Nhật cấp rồi, tôi đến Tổ đường y áo sẵn sàng xin đảnh lễ Hòa Thượng và xin Hòa Thượng cho tôi sang Nhật Bản du học. Hòa Thượng không nói gì; nhưng Ngài quay qua tôi dạy rằng:

„Ông biết không! Có những người tôi muốn họ đi khỏi chùa nầy mà họ không đi. Còn ông, tôi đâu có muốn ông đi mà ông bỏ chùa nầy và bỏ tôi để ra đi“.

Nghe mà ngậm đắng trong lòng được. Có lẽ Hòa Thượng thấy tôi đi tụng kinh Lăng Nghiêm đều đặn và cả 3 năm trời ở tại đây tôi chỉ chuyên tu niệm và học hành, chưa bao giờ làm phiền Thầy và phiền Chúng một điều gì cả. Do vậy mà Hòa Thượng đã nói lên điều nhận định ấy chăng? Dẫu sao đi nữa, con cũng cảm ơn Thầy. Vì chính Thầy là bóng cây che mát cho chúng con trong những ngày lưu trú tại đây.

Tôi chọn ngày 22 tháng 2 năm 1972 là sự chọn lựa tình cờ thôi. Thế mà ngày nầy trở nên quan trọng. Đó chỉ là một sự trùng hợp. Ngày nầy chính là ngày mà Tổng Thống Nixon đi thăm Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh, đánh dấu một thời gian chiến tranh lạnh giữa hai chủ nghĩa đã qua, họ bắt tay nhau và một trang sử mới đã được bắt đầu từ đó. Thật sự ra việc nầy cả thế giới cũng chẳng ai ngờ. Thế mà việc đã đến.

Khi vào trong lòng máy bay Air Vietnam rồi và phi cơ chuẩn bị ra phi đạo để cất cánh, tôi ngoái nhìn lại quê hương và bầu trời Việt Nam một lần cuối cùng trước khi giã từ quê mẹ thân yêu. Sau khi máy bay cất cánh được mấy phút, từ trong buồng lái phát ra âm thanh bài hát: „Xuân Nầy Con Không Về“ qua giọng ca của Duy Khánh làm tôi tan nát cả cõi lòng. Khi chưa xa quê thì muốn từ bỏ cho nhanh, để đi tìm một cái gì đó mà mình đã mong đợi lâu nay; nhưng nay mọi điều kiện đã đầy đủ, lúc ấy tôi lại muốn quay trở lại quê hương mình, trong khi máy bay vẫn trực chỉ hướng Hồng Kông.

Phi hành đoàn thông báo cho biết là „máy bay sắp đáp xuống Hương Cảng, hành khách hãy nịt dây an toàn và chờ cho máy bay dừng hẳn mới được di chuyển và quý khách có 2 tiếng đồng hồ để nghỉ ngơi. Nếu quý khách muốn rời khỏi máy bay thì hãy mang những vật tùy thân theo và trở lại máy bay đúng giờ“. Tôi theo đoàn người rời khỏi ghế ngồi và đi xuống khỏi máy bay. Đầu tiên thấy Hồng Kông văn minh quá; thuở ấy đã có máy rà chung quanh người để kiểm soát vũ khí và kim loại, trong khi đó Việt Nam mình vẫn chưa có những loại máy ấy. Ở phi trường họ buôn bán đủ mặt hàng. Tôi đến chỉ để xem cho biết, đâu có dám mua một vật gì, vì là người tu, tôi không đua đòi mấy. Vả lại trong túi cũng chẳng có bao nhiêu tiền và đâu biết được rằng chuyện gì sẽ xảy ra cho mình khi mình còn chân ướt chân ráo tại xứ người; nên đành thúc thủ lên máy bay vào chỗ cũ ngồi lại.

Phi trường Đài Bắc thuở đó chưa bằng phi trường Tân Sơn Nhất, thế mà mấy chục năm sau, phi trường Đài Bắc bây giờ phát triển to lớn gấp mấy mươi lần thời đó và dĩ nhiên Việt Nam trong hiện tại không thể lấy gì để sánh nổi. Họ phát triển còn mình thì giậm chân tại chỗ hằng hai ba chục năm. Bây giờ ta có chạy theo, cũng khó mà kịp họ. Ngay như các nước Thái Lan, Singapore, Miến Điện... Việt Nam cũng khó sánh bằng. Vì Việt Nam phát triển quá chậm.

Ở Nhật mùa ấy là mùa rét; nhưng tôi chỉ mang sandale và đầu đội nón lá, thân mặc chiếc áo Nhựt Bình nâu để cho Thầy Như Tạng dễ nhận diện. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, tôi vào nơi lấy hành lý thấy một hình ảnh thật là lạ lùng và đẹp mắt. Đó là hành lý của mình tự động chạy đến trước mắt của mình và hành lý của ai người ấy tự kéo khỏi đai quay kia. Đây là hình ảnh văn minh đầu tiên của xứ Nhật đập vào mắt tôi và gây ấn tượng tốt. Vì những cầu chuyên chở hành lý như vậy, thuở ấy ở Sàigòn chưa có.

Sau khi ra khỏi cổng quan thuế nhìn khắp nơi chẳng thấy Thầy nào đi đón, vì người Nhật với người Việt Nam hình dáng đâu có khác nhau bao nhiêu, chỉ có họ ăn mặc lịch sự hơn, trong khi miền Nam Việt Nam mình thuở đó về kinh tế vẫn còn kém thua họ. Tôi cố ý tìm một chiếc áo nâu hay màu lam nhưng chẳng thấy. Bỗng đâu trong đám người đầu đen đó, có ai gọi tên tôi: „Thầy Như Điển“. Tôi mừng quá, nhìn qua hướng ngoắc tay kia. Đó chính là Thầy Như Tạng. Hai bên chào hỏi nhau và Thầy đón Taxi cho chúng tôi đi về hướng khu phố Shinagawa. Thấy bên Nhật xe chạy bên tay trái, tôi cũng hơi ngạc nhiên và quan sát nhà cửa hai bên đường cũng ít có cao ốc, đa phần là những nhà gỗ. Thầy Như Tạng giải thích vì động đất nên Tokyo không xây nhà lầu cao tầng như New York. Trên xe Taxi Thầy nói sao tôi nghe vậy và Thầy hướng dẫn như thế nào thì tôi chỉ có dạ dạ vâng vâng mà thôi.

Hôm đó Thầy Chơn Thành vẫn đi làm; khi chúng tôi về nhà thì đã có bà chủ nhà người Nhật mở cửa sẵn rồi. Tôi quan sát từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, thấy nhà cửa người Nhật khác với mình rất xa. Nói chung là sạch sẽ; nhưng chật chội và không đầy đủ tiện nghi. Sau đó Thầy Chơn Thành về và Thầy Như Tạng giới thiệu tôi cũng như gởi tôi nơi nhà trọ của Thầy Chơn Thành một thời gian.

Rõ ràng là trước khi rời xa khỏi đất nước, chỉ biết đi được là tốt rồi. Còn con đường tương lai trước mắt chẳng biết ra sao cả. Câu „trời sanh voi, sanh cỏ“ rất đúng với người Việt Nam; nhưng người Nhật hay người Âu Châu họ tính toán rất kỹ trước khi đi đâu hay làm bất cứ vấn đề gì. Đêm hôm đó tôi nằm trên những chiếc Tatami Nhật Bản cảm thấy xa lạ và nhớ quê hương thật nhiều. Thật ra tôi không hối hận việc chọn lựa của mình khi xa Sàigòn để hội nhập vào một xã hội mới khác. Ngược lại tôi phải cảm ơn tất cả mọi người và mọi việc đã xảy ra trực hoặc gián tiếp đối với đời mình. Trong đó ơn nghĩa của Thầy Như Tạng và Thầy Chơn Thành là một.

Đa phần quý Thầy qua đây vừa đi học, vừa đi làm; nếu không như vậy thì sẽ không có tiền để đóng học phí và trả tiền nhà hằng tháng. Học phí Đại Học thuở ấy mỗi năm các sinh viên phải đóng ít nhất là 2.000 đến 5.000 US$ tùy theo từng phân khoa một. Ngày ấy 100 đô-la đổi ra được 30.000 Yen; thế mà 40 năm sau, khi tôi trở lại Tokyo lần nầy 100 đô-la chỉ còn 8.000 Yen thôi. Cầm chừng ấy tiền, chỉ đi xe chung quanh Tokyo trong vòng một ngày vẫn không đủ. Đây là lý do chính mà quý Thầy phải đi làm. Công việc có đủ loại, từ nhà hàng cho đến làm đường sá, cầu cống, nhà cửa, tiệm bán rau quả v.v... nghĩa là ai cần gì thì quý Thầy đều có thể đi làm cả.

Tôi quan sát mọi việc xảy ra chung quanh mình, cái gì không hiểu thì hỏi trực tiếp Thầy Chơn Thành hoặc điện thoại cho Thầy Như Tạng. Tôi không cô đơn, vì trước tôi đã có nhiều Thầy đang học tại đây, tôi chỉ lắng nghe những lời khuyên và sau đó tự quyết định cho công việc của mình. Điều tôi quyết định là sẽ không đi làm trong năm đầu để lo học Nhật ngữ thật ráo riết. Khi Nhật ngữ giỏi thì việc đi tìm ra công việc làm không khó. Vả lại tôi đem tiền theo do Sư Phụ và các Phật Tử cho vẫn đủ cho ít nhất là 6 tháng đầu. Việc gì xảy ra sau đó sẽ lo tiếp theo.

Tôi ghi danh học Nhật ngữ tại trường Nhật ngữ ở Yottsuya. Mỗi ngày học 4 tiếng và mỗi tuần học 5 ngày. Trường nầy dạy theo cách đào tạo chính quy để sau một năm là sinh viên ngoại quốc có thể thi đậu vào các Đại Học Nhật Bản. Mỗi khóa học như vậy có 3 tháng. Nếu ai học giỏi, cuối khóa thi được trên 90 điểm thì sẽ lên khóa 3, không cần học khóa 2 nữa. Chữ Nhật thật ra rất xa lạ với tôi, mặc dầu trước đó ở Việt Nam tôi đã theo học gần 3 tháng; nhưng bây giờ chữ nghĩa nó đi đâu hết rồi. Tất cả đều phải bắt đầu lại từ đầu. Quyển sách màu đỏ viết bằng mẫu tự La Tinh có nhan đề là Nihongo no Hanashikata (cách nói tiếng Nhật). Quyển nầy học cho đến nửa năm thì đổi qua học loại chữ Hiragana có kèm theo một ít Hán tự. Vì lẽ chữ La Tinh chỉ học lúc ban đầu; khi đi sâu vào văn học Nhật Bản không thể chỉ dùng chữ nầy. Bởi cách phát âm thì giống nhau; nhưng ý nghĩa lại khác nhau. Nếu không viết thành chữ thì không rõ nghĩa. Ví dụ câu: Kore wa Hana desu. Chữ Hana có nghĩa là cành hoa mà đồng thời cũng có nghĩa là lỗ mũi nữa. Do vậy không viết chữ Hán là không xong; nhưng chữ Hán đối với tôi không ngại, khi nhỏ ở trong chùa đã học rồi. Ở đây chỉ cần học cách phát âm mà thôi. Ngoài ra chúng tôi phải học thuộc lòng quyển Toyokanji (Đương dụng Hán tự) cả cách viết và cách phát âm nữa. Nói gì thì nói; nhưng cách học thuộc lòng vẫn ứng dụng trong mọi trường hợp và mọi hoàn cảnh được. Với tôi, chuyện học thuộc lòng không có gì trở ngại cả. Vì là dân „gạo bài“ mà.

Học xong khóa I tôi dư điểm nhảy lên khóa III; học xong khóa III tôi bỏ khóa IV và chỉ học khóa V là khóa cuối cùng cho học trình ấy. Ngày ấy trong lớp có nhiều học sinh và sinh viên đến từ Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan thỉnh thoảng thấy có một vài người Tây Phương cũng đến học; nhưng với người Mỹ, người Đức khó nhất với họ là chữ Hán; chứ không phải tiền bạc bị khó khăn như chúng tôi. Lâu lâu có giờ tranh luận khi đã học lên lớp cao. Thế là chúng tôi có cơ hội để trau giồi kiến thức Nhật ngữ của mình.

Ở với Thầy Chơn Thành được một vài tháng tôi dọn ra ở riêng. Vì ở chung nhà chật chội cũng như khó ôn bài. Từ đó tự nấu ăn, tự đi chợ và tự đi học. Nhiều lúc tôi tiện tặn không dám tiêu xài gì nhiều, đã có mấy lần ăn cháo thay cơm. Thầy Như Tạng hỏi tại sao thì tôi bảo là để dành tiền đóng học phí của trường. Nhưng cuối cùng rồi cũng được quý nhơn phò hộ. Đó là việc gặp lại được Phan Đức Lợi; người bạn học cũ thời trường Tiểu Học Xuyên Mỹ thuở nào; nay ở xứ lạ quê người, qua sự giới thiệu của Nguyễn Thông, tôi đã không ngại ngùng gì để hỏi mượn tiền của cậu ta. Lợi cho mượn mấy chục vạn ngay và sau nầy tôi đã hoàn lại cho Lợi. Bây giờ cả Lợi và Thông không còn nữa. Hai bạn đã ra đi quá sớm, khi tuổi đời mới trên dưới 60. Quả thật trên đời nầy có rất nhiều loại tình, mà tình bạn người ta thường đặt lên cao nhất. Nó không màu mè, không tính toán, chỉ thuần một ý nghĩa của sự trong trắng vị tha mà thôi.

Bước tiếp theo tôi dọn nhà một lần nữa để ở chung với Diệp Vân Sơn và Tôn Thất Hoàng. Ở chung như vậy để chia tiền mướn nhà với nhau cho đỡ nặng và cũng trong thời gian nầy tôi tập đi làm thêm ngắn hạn ở giữa khóa Nhật ngữ, đồng thời tôi cũng liên lạc về quê hương báo tin cho Sư Phụ tôi về việc học của mình. Thuở đó chị Tô Thị Ngọc Yến con ông Tô Văn Tám trước khi đi về nước có để lại một số tiền tại Nhật và Thầy tôi đã nhờ chị Yến chuyển cho tôi mượn. Sau nầy tôi có hỏi ông Tô Văn Tám tại Mỹ là Thầy tôi có hoàn lại số tiền ấy chưa thì bác ấy bảo rằng: „Chuyện ấy đã xưa rồi, giữa Bác ấy và Thầy tôi đã giải quyết xong“. Như vậy tôi an tâm, nếu không, tôi áy náy vô cùng.

Bây giờ số tiền học cho đến cuối năm đã đủ. Tôi dốc chí vào việc học và việc thi cử vào Đại Học sắp đến. Người thì đi chọn trường công lập để thi; kẻ thì chọn trường tư thục. Chẳng biết sao khi tôi đọc đến tên trường Đại Học Đế Kinh (Teikyo) tôi có cảm tình ngay và đưa đơn vào Đại Học nầy để thi ngành Giáo Dục học; trong khi đó Đại Học Phật Giáo Risso (Lập Chánh) cũng nằm không xa mấy chỗ tôi tạm trú; nhưng trường nầy vẫn chưa có duyên với tôi thuở bấy giờ.

Nếu tôi nhớ không lầm, các thí sinh từ người Nhật cho đến ngoại quốc, đề thi đều giống nhau và chỉ thi có 3 môn. Đó là Nhật ngữ, Anh ngữ và Lịch sử. Ba môn nầy đối với tôi không khó mấy, vì lẽ đây là những môn „gạo“ của tôi. Nếu có ngại thì ngại cho tiếng Nhật và tiếng Anh. Vì vốn liếng tiếng Anh của tôi chỉ mới học ở Trung Học Đệ Nhị Cấp có 3 năm, trong khi đó Pháp văn tôi vững hơn. Vì đã học 7 năm liên tục tại trường; nhưng ở Nhật, Pháp văn ít có Đại Học nào lấy làm sinh ngữ chính; nên phải đành „nhắm mắt đưa chân“ là vậy. Sau khi thi độ một tuần, có giấy báo gởi về là tôi đã đậu; Tôn Thất Hoàng thì đậu Đại Học Kagoshima, Sơn thì ở Tokyo. Thế là 3 đứa chúng tôi chuẩn bị trả nhà và mỗi người sẽ đi mỗi ngã để lo cho chuyện tương lai học hành của mình.

Trong giấy báo thi đậu của tôi có ghi là học phí năm đầu 30 vạn Yen, thuở ấy tương đương với gần 1.000 US$. Nếu trong vòng một tháng không nộp đủ tiền, xem như kết quả của kỳ thi nầy không còn giá trị nữa. Lúc ấy tôi biết nói cùng ai đây ! Thầy thì ở xa quá, mà bạn bè thì chẳng có ai; trong khi chung quanh mình ai cũng cần tiền để đóng học phí cho niên học mới. Tôi đành phải gọi cho Thầy Như Tạng để báo tin vui, đồng thời tôi nhờ Thầy ấy giúp đỡ cho mượn hoặc mượn giùm ai đó để giải quyết cho vấn đề nầy. Sau một vài phút suy nghĩ, Thầy ấy bảo rằng: Tôi thì chẳng còn bao nhiêu; nhưng tôi sẽ giới thiệu Thầy với ông Lê Quang Tuấn. Hai ông bà nầy chắc chắn là có tiền, để tôi liên lạc thử xem. Thầy hỏi tôi cần thêm bao nhiêu nữa ? Tôi bảo rằng: Chỉ cần 10 vạn nữa thôi và Như Điển đã có đây gần 20 vạn rồi. Thầy ấy bảo cứ yên tâm và chờ điện thoại hồi báo trong tuần sau.

Thời gian chờ đợi nó dài vô tận. Vừa sốt ruột vừa lo toan; không biết là mình sẽ có kết quả gì không ? Đi thi không sợ hỏng mà giờ đây đậu xong sợ không đủ tiền đóng học phí, quả là điều khó coi vô cùng. Tôi lúc ấy cũng có gọi điện thoại cho Hòa Thượng Minh Tâm và Hòa Thượng Chơn Thành cũng như Hòa Thượng Nguyên Đạt; nhưng cuối cùng cũng chỉ nhận được những lời khuyên là nên như thế nầy, nên như thế kia; chứ trên thực tế vẫn chưa có kết quả cụ thể nào.

Thế rồi vào một chiều đông giá lạnh của Đông Kinh vào cuối năm 1972 ấy, Thầy Như Tạng hẹn tôi gặp nhau ở nhà gare Shibuya và cùng nhau đi đến nhà ông Lê Quang Tuấn pháp danh Quảng Phụng. Sau khi trình bày sự việc, ông bà đồng ý cho tôi mượn 10 vạn Yen và trả lại sau thời gian 6 tháng. Tôi mừng như được quà đặc biệt và một giấy nợ đã viết sẵn, tôi chỉ cần ký tên vào đó để nhận số tiền kia. Dẫu sao đi nữa tôi cũng xin cảm ơn hai ông bà. Nếu lúc ấy không có hai ông bà là những Việt kiều duy nhất đang sinh sống tại Tokyo có tấm lòng từ tâm như vậy thì tôi không biết là đời mình sẽ trôi theo định hướng nào đây. Năm 1975 ông bà sang Pháp và sau đó định cư ở Hoa Kỳ. Cuối cùng ông xuất gia đầu Phật với Cố Hòa Thượng Thích Huyền Vi, Tăng Thống hệ phái Linh Sơn trên quốc tế; còn bà cũng xuất gia đầu Phật ở Mỹ; nhưng sau một thời gian làm Trụ trì chùa Linh Sơn ở Paris; Ông Quảng Phụng ngày ấy bây giờ với Pháp tự là Thầy Thích Trí Nguyên; Thầy gặp tôi với thái độ khác và tôi cũng đã nhắc lại chuyện xưa để cảm niệm ân đức của Thầy. Còn bà thì sau khi xuất gia cũng đã qua đời vì tuổi lớn. Bây giờ cả hai vị đều không có mặt trên cuộc đời nầy nữa; nhưng một lời cảm ơn với giấy trắng mực đen như thế nầy vẫn không có trễ. Điều nầy thể hiện tấm lòng giữa con người và con người với nhau, khi gặp khó khăn trong cuộc sống mà biết giúp đỡ nhau là điều quá tuyệt vời rồi.

Kinh nghiệm bản thân của mình khi tu học tại ngoại quốc như vậy; nên sau nầy khi ra hành đạo tại Đức quốc, thỉnh thoảng tôi có nhận được những thư từ cầu cứu từ quê hương trong những năm vật chất còn khó khăn; hay sau nầy quý Thầy Cô đi du học tại Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Đức, Hoa Kỳ v.v… tôi đã không nỡ nào làm ngơ cho đành mà cố gắng giúp đỡ trong khả năng của mình bắt đầu chính thức từ năm 1994 đến năm 2012 nầy. Trong suốt 19 năm trường ấy tôi và chùa Viên Giác tại Hannover Đức quốc đã giúp đỡ cho gần 170 Tăng Ni tại Ấn Độ; hằng trăm Tăng Ni sinh tại Quảng Nam và Học Viện Phật Giáo Việt Nam và cũng gần 300 Tăng Ni đã và đang du học tại khắp nơi trên thế giới. Cho đến cuối năm 2012 nầy đã có 132 vị Tăng Ni đã ra trường với cấp bằng Tiến Sĩ và còn một số quý vị khác nữa sẽ tiếp tục ra trường; nhưng đến cuối năm 2012 nầy tôi quyết định ngưng tất cả những trợ cấp nầy vì lý do không còn khả năng để tiếp tục được nữa, cũng như tình hình kinh tế Việt Nam đã thay đổi; nên quý Thầy, quý Cô có thể tìm nguồn tài chánh khác để lo cho việc học. Vì bây giờ dễ dàng hơn ngày xưa cách đây 20 năm về trước.

Cuộc sống của mỗi người trong chúng ta đều có nhiều khúc quanh như vậy. Hãy tự cố gắng vượt qua. Hãy tự chiêm nghiệm khả năng có thể của mình và hãy vững tin rằng mình sẽ làm được điều đó và hãy đừng bỏ cuộc bất cứ một việc gì, khi chúng ta chưa trải qua thử thách. Do vậy tôi vẫn thường hay nói rằng: Hãy đừng tự cao, đừng tự mãn, đừng tự đại, đừng tự hào… mà hãy tự tin vào chính mình. Vì mình là nhân vật chính để quyết định rất nhiều công việc trọng đại của đời mình. Và chỉ có chính mình mới có thể tự quyết định cho lối đi của mình mà thôi.

Khi chưa xa quê, tôi và có lẽ trong đó cũng có nhiều người, muốn rời bỏ quê hương sớm chừng nào hay chừng ấy và đến Nhật hay ra ngoại quốc mình sẽ tìm hiểu, học hỏi những điều tốt đẹp hơn để mình làm hành trang cho cuộc sống của mình; nhưng điều ấy tôi đã lầm. Quê hương mình không phải cái gì cũng xấu xa hết, mà quê người không phải cái gì cũng đẹp hết. Ví dụ Phật Giáo ở Nhật có nhiều điểm trội hơn Việt Nam chúng ta cần phải học; nhưng không phải là tất cả mọi phương diện. Ví dụ như đời sống thanh tịnh độc thân của một Tăng Sĩ Việt Nam vẫn có một giá trị tinh thần thanh tịnh và cao khiết; trong khi ở Nhật Bản họ đã bỏ quên đi giá trị nầy từ lâu rồi. Do đó khi ở ngoại quốc mình lại càng có nhiều cơ hội để thẩm định cho giá trị tâm linh hơn.

Sau khi lo việc đóng học phí xong xuôi yên ổn đâu đó rồi tôi mới lo đến chỗ ở. Đây là một đề tài không nhỏ đối với mình thuở ấy. Người ta thường nói: „cái khó nó bó cái khôn“ rất đúng trong mọi trường hợp và hoàn cảnh; nhất là hoàn cảnh của tôi trong hiện tại. Dầu cho tôi có khôn lanh, giỏi giang bao nhiêu đi chăng nữa, nó cũng sẽ chẳng giúp được gì cho mình trong hoàn cảnh nầy. Thôi thì „một liều ba bảy cũng liều“, tôi điện thoại cho Thầy Như Tạng hỏi thăm ý kiến của Thầy ấy và riêng tôi chỉ muốn vào chùa Nhật ở để sinh hoạt với họ nhằm trau giồi Nhật ngữ và tìm hiểu đời sống của Thiền Môn. Thầy ấy nói rằng: „Việc nầy chỉ có thể Thầy Minh Tâm giúp được. Vì trước đây Thầy Minh Tâm có ở trong chùa Joenji (Thường Viện Tự) ở Shinjuku, để nhờ Thầy ấy hỏi xem thử sao“. Sau mấy ngày chờ đợi tôi được báo tin rằng: „Ông Thầy ở Shinjuku có người con đang Trụ trì chùa Honryuji (Bổn Lập) ở Hachioji (Bát Vương Tử) sẵn sàng đón nhận tôi về chùa ấy ở. Từ đó đi học Đại Học Teikyo gần hơn“. Tôi nghe mà như nhẹ cả tấm lòng. Vì ít ra mình khỏi phải đóng tiền nhà và tiền sinh hoạt phí hằng ngày là được rồi.

Vị Sư trụ trì chùa Thường Viên ở Shinjuku là thân phụ của Thầy Oikawa Shinkai (Cập Xuyên Chơn Giới) tại Hachioji. Ngài một thuở đã làm Viện Trưởng Viện Đại Học Lập Chánh của phái Nhật Liên Chánh Tông và trường nầy nằm tại nhà gare Gotanda. Mới đầu tôi nghĩ rằng đây là trường lấy tên của Jean Jacque Rousseau nhưng không phải. Chữ Risso ở đây có nghĩa là Lập Chánh. Hai chữ nầy lấy từ Lập Chánh An Quốc Luận mà Ngài Nhật Liên đã viết tấu trạng tâu lên triều đình vào thế kỷ thứ 13 khi quân Mông Cổ sang xâm chiếm Nhật Bản thuở bấy giờ. Ông Cụ Hòa Thượng nầy gọi là Oikawa Shingabku, Ngài rất có từ tâm với người Việt Nam. Mỗi khi Phật Giáo Việt Nam tổ chức lễ Phật Đản hay Vu Lan đến mượn chùa Ngài làm lễ, Ngài đều hoan hỷ. Đây là một ngôi chùa bề thế, giàu có tại trung tâm phố thị gần nhà gare Shinjuku. Thuở ấy Hòa Thượng Minh Tâm đã ở đây một thời gian, nhờ vậy mà Thầy Minh Tâm mới giới thiệu giùm cho tôi đến ở Hachioji được. Đó là thời điểm đầu năm 1973.

Thầy Oikawa Shinkai rất hiền từ. Thầy là một học giả tiếng Pali. Đã có mấy năm du học tại Tích Lan; nên hiểu tâm trạng và hoàn cảnh của sinh viên ngoại quốc rất nhiều. Tiếng Anh Thầy rất giỏi và tên tuổi của Thầy bây giờ vẫn còn lưu lại nơi Đại Học Risso cũng như trên văn đàn Nhật Bản. Thầy dạy cho sinh viên cao học tại Đại Học Risso tiếng Pali mỗi tuần 2 giờ thôi. Bao nhiêu thì giờ còn lại Thầy ở tại chùa, dành thì giờ để viết lách, nghiên cứu và chủ trì những lễ nghi quan trọng.

Chùa Honryuji vốn là chùa cổ đã có mặt tại thành phố Hachioji độ 600 năm; nên Đàn Gia, Tín Đồ và mả mồ trong vườn chùa cũng khá đông đúc. Chùa xây về hướng đông và cách nhà gare Hachioji độ 15 phút đi bộ. Nóc chùa lợp ngói bằng đồng; nhưng toàn thể nội tự đều được xây dựng bằng gỗ. Đặc biệt người Nhật họ không sơn phết nhiều màu sắc ở trong hay ngoài chùa như người Hoa hay người Việt; nếu có, chỉ một màu vàng trang nhã sơn phết các tượng Phật và tràng phan bảo cái mà thôi. Trước chùa có một nhà thờ Tứ Thiên Vương và rất nhiều tượng Địa Tạng. Từ cổng Tam Quan nối dài vào sân chùa là hai hàng cây Ginko; cây nầy có hạt, mùi rất nồng; nhưng lá cây Ginko y dược Trung Quốc chế ra được nhiều loại thuốc nhằm chữa bệnh mắt và gan. Phía sau vườn chùa là mả mồ của Đàn Na, Tín Đồ. Thuở tôi mới đến, từ văn phòng cho đến chánh điện, khu lưu trú của chư Tăng, nhà bếp, nhà tắm v.v… đều còn giữ lại dáng cũ xưa. Sau nầy khi tôi về thăm lại chùa cũ thì đã hoàn toàn đổi mới. Chùa nầy theo phái Nhật Liên; ở giữa chánh điện thờ một câu viết theo chữ cổ: Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh và tượng của Ngài Nhật Liên ngồi trong khám thờ. Ngoài ra tôi không thấy thờ Phật Thích Ca hay Di Đà gì cả.

Hoa viên của chùa rất đẹp. Giữa chánh điện và khu văn phòng cũng như phòng khách có một khoảng đất trống vuông vức; ở giữa có một cái ao nuôi cá KOI, sáng nào Thầy trụ trì cũng ra đây cho cá ăn và nhìn ngắm mây trời thong dong bay lượn, thỉnh thoảng mây lướt qua và sà xuống tận đáy hồ, làm như giữa cá, nước và mây là một vậy. Thuở tôi đến, gia đình của Thầy ở trong chùa nầy gồm có bà vợ và bốn đứa con, gồm 2 trai và 2 gái. Nay tất cả đều đã trưởng thành và đã trở thành Trụ trì hai ngôi chùa Joenji cũng như Honryuji nầy để thay thế cho Ông Nội và Ba của mình.

Thầy gặp tôi một cách tự nhiên và nói vài câu xã giao bằng tiếng Nhật, đoạn nói người nhà dẫn ra phía sau để chỉ cho chỗ nghỉ và người ấy nhắc nhở cho tôi những công việc hằng ngày, hằng tuần và những công việc mà tôi phải đảm trách. Người ấy sau nầy tôi được biết là Thầy Sakai, trước đây cũng ở chùa nầy làm nhiệm vụ ấy và nay đã lập gia đình nên đã lãnh chùa riêng và thuở ấy Thầy làm Chánh Văn Phòng của Đại Học Risso tại Gotanda. Công việc của tôi là chùi dọn, lau quét chánh điện, phòng khách, thư phòng, nhà ngủ mỗi ngày 2 lần và mỗi buổi chiều thay nước nhà tắm Ofuro, sau đó đổ nước mới vào để đun sôi lên và những ngày kế tiếp đều phải làm như vậy. Mới đầu nghe chữ được chữ mất; nhưng dần dà rồi mọi việc cũng quen đi. Bấy giờ tiếng Nhật của tôi đã thành thạo rồi.

Mỗi buổi sáng tôi có nhiệm vụ lấy nước còn ấm trong Ofuro đem lên hành lang chánh điện. Sau khi quét dọn, phủi bụi xong, tôi mới lấy khăn nhúng vào trong thùng nước, đoạn cúi rạp mình xuống và bắt đầu lau chùa. Khi lau phải lau thụt lùi để cho mình khỏi bị dính nước và những vết dơ không hiện lên. Những năm học ở Đại Học sau nầy tôi vẫn làm như vậy; chờ cho có Nakatomi, Matsugawa và Shimizu cũng như Thầy Như Mẫn An Thiên vào ở chung, thì tôi mới ngưng nhiệm vụ nầy. Vì đã có họ thay thế tôi làm những công việc kia.

Một hôm tôi thưa với Thầy trụ trì rằng:

- Thưa Thầy! Chùa vốn đã sạch, tại sao mỗi ngày phải lau chùi 2 lần vậy ?

Thầy bảo:

- Nếu người tu hành như ông mà lau cái chùa không sạch thì làm sao lau cái tâm cho sạch được.

Tôi nghe câu nầy như choáng váng cả mặt mày. Kể từ đó tôi luôn luôn lau cho thật sạch chùa để cố gắng lau tâm mình nữa và tôi sợ cái dơ bẩn của thân lẫn tâm từ ngày nghe được câu pháp ngữ ấy.

Thật ra người Nhật sống và làm việc rất nghiêm túc. Việc nào ra việc đó; chuyện nào ra chuyện đó, không có nhập nhằng. Đúng giờ, sạch sẽ và tin tưởng lẫn nhau là những yếu tố căn bản để xây dựng nên nước Nhật kể từ thời Minh Trị Duy Tân cho đến nay (1868-2012). Trước đó họ vẫn còn theo lề lối của Á Châu; nhưng kể từ ngày duy tân trở đi họ học theo nền văn minh Âu Mỹ như trọn vẹn và họ đã xay nhuyễn nền văn minh nầy trở thành nền văn hóa của Nhật. Thật là tuyệt vời. Ngày nay nếu có ai đó đi thăm viếng nước Nhật sẽ thấy được những điều của tôi vừa nêu trên; nghĩa là những nơi công cộng ít thấy những rác rưới vô tình nằm đâu đó, mà tất cả đều được bỏ vào giỏ rác cận kề do sự ý thức của người dân bất kể là con trẻ hay người già. Tinh thần trách nhiệm của họ đối với bản thân, gia đình và xã hội rất tích cực. Không đòi hỏi người khác phải làm gì, mà tự đòi hỏi nơi khả năng thực tại của mỗi người. Người Nhật dạy con họ rằng: „Quê hương ta chẳng có gì ngoại trừ sông và núi, khi các con lớn lên, các con phải tự lực đem sức mình học hỏi, làm việc để tạo dựng cho quê hương, đất nước của chúng ta giàu mạnh hơn“. Họ dạy con họ từ tấm bé như vậy. Cho nên những điều như thế, chúng ta cần phải học hỏi thêm.

Còn giờ giấc đối với họ hầu như không sai giây phút nào; nghĩa là đúng giờ theo tiếng Việt, be on times theo tiếng Anh, Pünktlich sein theo tiếng Đức và Chuẩn thời (chunsu) theo tiếng Trung Hoa. Nếu có trễ nhiều lắm là 3 đến 5 phút; không bao giờ họ đến trễ hằng 30 phút đến một giờ đồng hồ như người Việt Nam mình. Điều nầy chúng ta cũng cần phải học nơi họ. Đây là những điều căn bản mà học giả Đỗ Thông Minh đi đâu cũng thuyết trình cho người Việt mình nghe để thấy tinh thần trách nhiệm của người Nhật.

Ofuro tiếng Nhật viết là Phong Cung. Nghĩa là nơi tắm cho gia đình hay đoàn thể. Có những Ofuro lớn có thể chứa hằng trăm người và mỗi làng, mỗi khu phố có vài ba nơi như vậy. Bởi lẽ ở Nhật đất chật người đông; nên nhà tư ít có ai xây phòng tắm; chỉ có nhà chùa đất đai tương đối rộng hơn tư nhân; nên họ cho xây những Ofuro tại chùa. Đây là một loại nồi tắm bằng gan có độ chứa chừng 200 lít nước. Họ xây gắn liền bồn tắm nầy vào trong hầm và phía ngoài chừa chỗ để đun củi vô. Nhiệm vụ của tôi mỗi ngày sau khi đi học ở Đại Học về là lo cho phần vụ nầy trước khi ăn tối. Đầu tiên hốt hết than và tro ra, sau đó bỏ củi vào mồi lửa và đun sôi. Khi nào thấy hơi lên và độ nóng chừng 60°C là được. Đến tối, cả gia đình lần lượt vợ chồng, con cái, rồi sau đó đến Tăng Chúng vào đây tắm rửa. Cách tắm của họ là xối rửa thật sạch mình mẩy, đoạn nhảy vào Ofuro để ngâm, kế tiếp lên bên trên cọ xát xà-phòng, dội nước bên ngoài sạch sẽ, sau đó vào Ofuro ngâm lại một lần nữa là xong. Thời gian mỗi người tắm độ 10 đến 15 phút và hầu như người Nhật ngày nào cũng tắm như vậy cả. Đây là một thói quen, một tập tục có tự ngàn xưa.

Mỗi năm người Nhật có 4 lễ chính. Đó là Tết Nguyên Đán, Lễ Vu Lan và hai Lễ Thanh Minh vào mùa Xuân và mùa Thu. Tiếng Nhật gọi là Ohigan (Bỉ Ngạn). Cứ mỗi lần như thế, Tăng Chúng chúng tôi phải giúp chùa bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ như những Thầy người Nhật thì đi đến những nhà của Đàn Gia hay Tín Đồ cúng cho họ; ai không rành tiếng Nhật như tôi và Thầy Vipassi người Tích Lan thì đi làm mộ cỏ của chùa. Lúc ấy có cả Thường cũng xin vào đây ở trọ nữa; nên chúng tôi có cả 3 người đảm nhận việc nầy thay thế cho hai ông bà cụ già vốn đã giúp việc nầy cho chùa kể từ mấy chục năm qua. Khi tiếng Nhật của tôi đủ để giao tiếp và nhất là đã thuộc lòng phẩm thứ 2 là Phẩm Phương Tiện trong kinh Pháp Hoa và phẩm thứ 16 Như Lai Thọ Lượng Phẩm bằng tiếng Nhật thì tôi không còn phải đi làm mộ cỏ nữa mà mặc áo đắp y Tăng sĩ Nhật Bản đi đến các nhà Đàn Gia, Tín Đồ để cúng.

Đẹp và xấu; đúng và sai; hay và dở v.v… là những cặp đôi đối đãi ở đời; nhưng có điều ở đây thì đúng, ở chỗ khác thì sai. Hoặc giả người nầy cho cái nầy là phải; trong khi đó người khác cho là trái. Quả là phức tạp vô cùng. Thôi thì trong trường hợp nầy phải chấp nhận câu tục ngữ của Việt Nam là: „Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài“ là được vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/06/2014(Xem: 7295)
Qua không quen Mận mà biết Đào - đứa con gái 25 tuổi của Mận - qua một số lần giao dịch mua bán nhà. Đây là việc làm thêm nhưng lại là thu nhập chính của Đào (và Mận). Qua những thương vụ làm ăn chung, Đào tỏ ra là người nhanh, nhạy, thông minh và sòng phẳng.
23/06/2014(Xem: 4810)
Chiều nay, một chiều thật an bình, dưới bóng râm mát diệu của những tàn cây xanh, lồng lộng tiếng chim như trĩu thanh âm xuống phòng khách bên trong một ngôi đạo tràng. Bình trà đã rót nhiều lần, nhưng hương vị trà hãy còn thấm đậm theo dòng thế sự hoài niệm cổ kim.
21/06/2014(Xem: 10315)
Chúng tôi, Nhóm Học Phật chùa Quang Nghiêm, gồm một số thân hữu và những huynh trưởng Gia Đình Phật Tử trong vùng có cơ duyên gần gũi và học hỏi cùng thầy trong nhiều năm qua. Nhân đó, chúng tôi được biết, Thầy là một cây viết thường xuyên trên tập san: THEO DẤU CHÂN XƯA của Phật học viện Huệ Nghiêm, SÀI GÒN trước 1975. Nhưng sau những đợt đốt sách của chính quyền Cộng Sản, THEO DẤU CHÂN XƯA không còn nữa. Càng gần Thầy, chúng tôi nhận thấy những gì Thầy dạy và viết thật thực tế và giản dị trong việc áp dụng Đạo Phật vào đời sống hằng ngày cho chúng ta. Chúng tôi không muốn có sự thất thoát như xưa, nên mạo muội sưu tập một số bài mà Thầy đã viết trong thời gian qua. Đây là một món quà tinh thần của Thầy mà chúng tôi đã rút ra những bài học bổ ích cho cuộc sống hàng ngày. Có một điều quan trọng nữa là bài học thân giáo của Thầy: phong cách hiền hòa và đức độ lan tỏa từ Thầy êm đềm như dòng sông Thu Bồn xứ Quảng. Trong bất cứ lúc nào, nếu có dịp, Thầy thường nhắc nhở: “Học Phật có n
20/06/2014(Xem: 10699)
Thuở xưa có một con rùa, vào một buổi chiều đi kiếm mồi bên một cái đầm vắng. Một con dã can cũng đi kiếm mồi cạnh cái đầm ấy. Con rùa lanh lợi kia vừa thấy dã can từ xa đi tới thì nghĩ rằng : “Dã can nầy đã từng gây hại cho loài của ta, vậy nay ta phải thận trọng.” Nghĩ vậy con rùa bèn thâu bốn chân và thứ năm là cái cổ vào trong chiếc mai rắn chắc của mình, rồi nằm im bất động.
20/06/2014(Xem: 4799)
Gia đình là nền tảng của xã hội. Muốn tạo dựng một xã hội phồn thịnh an vui, có lẽ ta cần phải có thật nhiều mái ấm gia đình mới phải. Thế nhưng trong thực tế thì than ơi, ta chỉ gặp toàn những gia đình tiêu biểu cỡ anh chồng Nguyễn văn Đầu Vịt và chị vợ Trần thị Lá Sen như câu chuyện Mái Ấm Chợ Chiều dưới đây.
16/06/2014(Xem: 13689)
Chuyện Thiền Môn là những câu chuyện do chúng tôi biên soạn. Những mẫu chuyện nầy đã đăng rải rác trong các Bản Tin Đại Tòng Lâm Phật Giáo. Bắt đầu từ số 17 cho đến số 29. Mỗi Bản Tin được kèm theo trong tờ Đặc san Phước Huệ phát hành ấn tặng mỗi kỳ vào các dịp đại lễ như: Phật Đản, Vu Lan và Tết Nguyên Đán. Tuy là câu chuyện dài nhưng mỗi kỳ đều có mỗi chủ đề khác nhau. Những nhân vật trong câu chuyện không phải là những nhân vật có thật ở trong đạo, nếu có sự trùng hợp thì đó chẳng qua là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, ngoài ý muốn của bút giả. Chúng tôi dựa vào một vài nét sinh hoạt thực tế cụ thể trong thiền môn mà viết thành qua mỗi chủ đề khác nhau. Mỗi chủ đề tuy có khác, nhưng những nhân vật trong cốt chuyện trước sau đều có sự hoạt động liên tục. Qua mỗi câu chuyện, chúng tôi cố gắng diễn tả theo từng tâm trạng và hoàn cảnh của mỗi nhân vật hay thường xảy ra trong chốn thiền môn.
16/06/2014(Xem: 6928)
Tập sách nhỏ nầy chúng tôi ghi lại những ngày lang thang rày đây mai đó trên đất Mỹ. Đây là chuyến đi Mỹ lần đầu tiên của chúng tôi. Như những chuyến đi lần trước mà chúng tôi đã có dịp đi qua các nước: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, cứ mỗi chuyến đi tôi đều có ghi chép lại những gì đã xảy ra trong suốt cuộc hành trình. Lần nầy cũng vậy. Tôi cũng muốn ghi lại những việc xảy ra từng ngày. Đến đâu, ở đâu, làm gì ... tất cả, chúng tôi đều có ghi lại đầy đủ. Do đó, quyển sách nầy với hình thức giống như là một quyển nhật ký hay ký sự hơn là quyển sách mang tính chất nghiên cứu. Trong sự ghi chép đó, nơi nào có liên quan đến những địa danh mà chúng tôi tới viếng thăm, chúng tôi đều có sưu tầm một số ít tài liệu để dẫn chứng. Tôi nghĩ rằng, chuyến đi nào cũng có ít nhiều kỷ niệm vui buồn. Cuộc đời tương đối không sao tránh khỏi. Mục đích của chúng tôi là muốn lưu lại một vài hình ảnh kỷ niệm thân thương qua những nơi mà đoàn chúng tôi đã đến.
10/06/2014(Xem: 8241)
Hai dì vãi chùa tôi tuổi đời đều đã trên 70. Về sự kính Ôn, trọng thầy, thương chú và đùm bọc điệu hai dì như nhau. Về sự siêng năng, chịu khó, tiết kiệm, giữ của cho chùa hai dì bằng nhau. Về vóc hình nhỏ nhắn hai dì giống nhau. Về chiều cao khiêm tốn hai dì ngang nhau. Thời Ôn (cố) còn sống, có mụ nhà quê lâu lâu mới lên thành phố tìm đến viếng chùa rồi gặp Ôn trú trì, sau khi đảnh lễ, mụ nói một câu tỉnh rụi về hai dì vãi chùa tôi: Ôn có “cặp sanh đôi” trông vui mắt, hí.
04/05/2014(Xem: 16737)
Hằng năm tại Thụy Sĩ nói riêng, Âu Châu nói chung, nhằm vào lễ Phục Sinh được nghỉ 4 ngày liên tiếp từ thứ 6 đến thứ 2, thiên hạ thường nô nức mua sắm, du lịch hay tiệc tùng ăn nhậu..v.v..và..v.v.. để đền bù và thưởng thức cuộc sống cho bõ những ngày tháng làm việc mệt nhọc mà họ cho là "đi cày" vất vả.
15/04/2014(Xem: 5086)
Thiên tình sử Truyện Hoa Lan không biết đã cướp mất bao nhiêu thì giờ quí báu của các bạn, chứ riêng tôi bị mất nhiều công sức lắm. Chẳng là Mỗi tuổi nó đuổi xuân đi, đuổi nhanh đến độ mỗi sáng tôi phải ngồi nhổ tóc bạc đến mỏi cả tay, đến mờ con mắt mà vẫn chưa xong.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]