Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

27. Tội Ác Cuối Đời Của Đức Vua Pāsenadi

19/03/201408:01(Xem: 31797)
27. Tội Ác Cuối Đời Của Đức Vua Pāsenadi
blank

Tội Ác Cuối Đời
Của Đức Vua Pāsenadi


Từ khi hoàng hậu Mallikā mất, đức vua Pāsenadi cảm thấy cô đơn, hiu quạnh. Bà hậu Ubbīrī, tuy hiếm muộn cũng cho vua cô con gái Vajirī (Vajirakumarī) rồi xuất gia theo ni đoàn đã lâu. Hai bà hậu Somā, Sakulā, vốn là hai chị em, đều là chị của đức vua Bimbisāra, cũng tu theo Phật cả, sống đời giới hạnh rất nghiêm túc. Chỉ còn bà Vāsabhakkhattiyā, công chúa dòng dõi Sākya còn ấm áp chăn gối nhưng không phải là mẫu người để đức vua tâm sự hoặc chia vui, sẻ buồn. Điều đó cũng dễ hiểu vì hoàng hậu Mallikā là người luôn làm cho tâm hồn ông bình an và mát mẻ. Trong quá khứ, bà còn là ngọn đèn sáng những khi ông tối tăm, si ám. Thiếu vắng bà, tâm tánh của đức vua chợt trở nên hỷ nộ thất thường, đôi khi đánh mất luôn sự định tĩnh và sáng suốt thường ngày. Và cái sai lầm, ác độc nhất trong cuộc đời của ông mà không ai có thể thông cảm, tha thứ được - đấy là mật lệnh giết chết đại nguyên soái Bandhula cùng với ba mươi hai vị tướng trẻ là con và cháu của ông ta!

Tướng quân đại nguyên soái Bandhula là ai kia chứ? Là người bạn thân của đức vua từ hồi còn học ở đại học quốc độ Takkasilā. Là người đã từ bỏ quê hương bản quán của mình, từ bỏ cả ngôi vua ở quốc độ Mallā, kinh thành Kusinārā, cùng vợ và con đến ở với ông, làm thuộc hạ của ông. Từ khi có tay thanh gươm hộ quốc của vị tướng quân này, đức vua gối cao nằm ngủ. Lãnh thổ của đế quốc Kosala từ kinh thành đến ngàn dặm biên cương luôn được vị tướng quân Bandhula chu đáo bảo vệ an ninh, an toàn...

Thế mà... thế mà... Đức vua nhớ lại. Trong trận chiến với đứa cháu Ajātasattu ngỗ nghịch bất trị của mình, ông đã thất bại thê thảm! Nhưng sau nhờ kinh đô Kosala với chiến lược phòng thủ như tường đồng, vách sắt cùng với những đội quân thiện chiến của tướng quân Bandhula mà ông vua cháu phải cởi giáo quy hàng. Quả thật, ba mươi hai con và cháu của vị tướng quân này đều là những viên hổ tướng, xuất hiện thần tốc và đúng lúc, vô hiệu hóa tất thảy mũi nhọn xung kích nào của quân đội Ajātasattu. Cuộc chiến thắng này rõ ràng là nhờ vào đại gia đình của tướng quân Bandhula!

Thế nếu họ “làm phản” thì sao? Câu hỏi ấy, hằng đêm đi sâu vào giấc ngủ của đức vua và biến thành những cơn mộng dữ. Ông thấy mình bị chặt đầu, bị róc thây, bị bốn con ngựa kéo, xác đứt thành bốn mảnh, bị lột áo mão trần truồng, bị quăng vào đống lửa, bị thảy vào chảo dầu sôi... Sự ám ảnh này làm cho đức vua bất an, lo lắng. Thêm một nguyên nhân nữa như giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Một số quan võ tướng bất tài, có dòng máu hoàng gia, thấy mọi quyền thế, quyền lực binh bị trong và ngoài triều đều nằm ở trong tay gia đình tướng quân Bandhula; vì mất quyền lợi và địa vị nên họ sanh tâm ganh ghét, đố kỵ, cho người phao tin đây đó là “tướng quân Bandhula làm phản”. Chuyện rồi cũng đến tai đức vua. Còn nữa, đêm này và đêm khác, ỷ mình cùng huyết thống hoàng tộc nên người này, người kia thay nhau vào cung thì thào to nhỏ với đức vua “bí mật động trời” ấy.

“Không có lửa thì làm sao có khói?” Đức vua vô cùng sợ hãi. Phải ra tay trước thôi! Vậy là ông bèn cho năm trăm quân cấm vệ ngày đêm đi đến những vùng đất giáp ranh biên cương phía bắc, giả vờ làm loạn, đánh chiếm một vài thị trấn rồi cho phi mã, từng toán, từng toán cấp báo về triều đình.

Thế là trong buổi lâm triều hôm ấy, đức vua nói về tình hình nội loạn nguy kịch ở biên cương, sau đó cử đại nguyên soái Bandhula mang đại binh đi dẹp loạn.

Tướng quân Bandhula mỉm cười:

- Xin bệ hạ an tâm! Không cần thiết phải mang theo đại quân đâu. Chỉ mình hạ thần, ba mươi hai tướng trẻ cùng vài trăm quân là đủ dẹp yên lũ giặc cỏ ấy rồi.

Đến biên cương, thấy một vài căn nhà bị đốt cháy, đâu đó bị cướp phá sơ sài; và do nghe tin quân triều đình của vị tướng quân bách chiến, bách thắng đến - nên “bọn giặc” đã chạy trốn như chuột, không còn tăm bóng. Một dấu hỏi lớn khởi lên trong tâm trí của vị lão tướng: “Chỉ là giặc cỏ thôi mà, đâu cần phải đích thân ông dẫn đại binh? Chỉ cần một đứa con trai út của ông và một trăm quân là có thể đánh thắng một ngàn quân chính quy kia mà?” Tuy thế, ông chỉ thở dài, lệnh cho đội quân ở lại năm bảy hôm, sửa sang, ủy lạo nơi này nơi kia rồi dẫn quân trở về. Qua một hẽm núi hiểm trở, đội quân mấy trăm người bị phục kích bởi một ngàn tay cung nỏ có tẩm thuốc độc, đồng thời một trận mưa lửa bởi hằng ngàn, hằng ngàn mũi tên lửa có tẩm dầu, thiêu cháy người, ngựa và cả rừng cây. Trong một hốc đá chỉ bị lửa nung bên ngoài, tướng quân Bandhula biết rõ đức vua giết mình, không còn là nghi vấn nữa. Trong khi thuốc độc chưa ngấm sâu, ông thảo vội vài hàng chữ, với đại ý khuyên vợ và những con dâu trở lại quê nhà. Còn ông, mười sáu con trai lớn và mười sáu đứa cháu thanh niên đã đền nợ nước rồi. Lá thư viết bằng máu trên mảnh chiến bào, sau đó được một mã binh chưa bị tên độc, quyết tử vượt vòng vây, bất kể ngày đêm, lao về kinh thành. Ba mươi hai con và cháu của lão tướng quân, ai cũng bị dính độc và lửa đốt - nguyền cùng chết với cha cùng ông nội.

Tên mã binh quyết tử về đến kinh thành Sāvatthi, vào biệt phủ của tướng quân Bandhula – thì nơi đây, bà Mallikā (trùng tên với hoàng hậu Mallikā) phu nhân của lão tướng quân đang chuẩn bị vật thực để cúng dường năm trăm vị tỳ-khưu có trưởng lão Sāriputta là người dẫn đầu.

Nhận được thư khi đang xào nấu một món ăn bên bếp lửa, đọc xong hung tin trăn trối của chồng, bà Mallikā đứng sững giây lát, sau đó, cất thư vào túi rồi tiếp tục công việc của mình như không có gì xảy ra. Sau đó, khi bà bưng một bình sanh tô đi sớt vào bát cho trưởng lão Sāriputta, vì vấp một chướng ngại dưới chân nên bình sanh tô vốn bằng gốm sứ rơi xuống nền bị vỡ nát. Một vị tỳ-khưu thấy vậy nên thuận miệng giáo giới:

- Vật vốn vô thường, có sinh có diệt, mong thí chủ đừng buồn, đừng tiếc nữa.

Đứng dậy, xá chào trưởng lão Sāriputta rồi bà đưa “lá thư máu” cho ngài xem xong rồi nói:

- Trưởng lão thấy đó, phu quân cùng ba mươi hai đứa con trai và cháu của tôi đều đã bị chết thảm. Tuy nhiên, nghe xong hung tin, tôi vẫn bình tĩnh xào nấu món ăn như thường. Cái bình gốm sứ quý báu kia, dù quý báu thế nào cũng không thể quý bằng sinh mạng phu quân và con và cháu của tôi được. Nó chỉ là hạt bụi so với núi Tu Di. Núi Tu Di mất đi, tôi chưa buồn, chưa tiếc huống hồ là cái bình gốm sứ là vật ngoại thân, vô tri vô giác kia!

Trưởng lão Sāriputta cất tiếng hỏi nhỏ nhẹ:

- Có lý do gì, có sự thấy biết nào mà phu nhân không buồn, không tiếc trước một thảm nạn kinh hoàng của người thân như vậy?

- Thưa trưởng lão! Nhờ học được giáo pháp của đức Tôn Sư và chư vị trưởng lão, nhờ chiêm nghiệm khổ và nguyên nhân khổ, nhờ thấy biết chút ít về sự rỗng không của ngã và ngã sở hữu, nhờ quán sự chết không chừa một chúng hữu tình nào – nên tôi mới có được sự định tĩnh, an nhiên như vậy.

Trưởng lão nhè nhẹ gật đầu:

- Sādhu, lành thay!

Rồi sau khi độ thực, buổi pháp thoại đặc biệt, trưởng lão nói về sự bất định của sự chết; tuổi thọ của đời người ở trong đám sương mù hỗn mang, gió nghiệp thổi qua là tắt, không biết lúc nào. Xúc động chánh pháp, tôn giả đã tóm tắt điều ấy bằng một câu kệ ngôn:

“- Tử sinh không có hạn kỳ

Tuổi thọ ai biết ra đi lúc nào

Cuộc trần bất trắc xiết bao

Đau thương, hoạn nạn, khổ lao nghìn trùng”.(1)

Sau lễ đặt bát cúng dường, bà Mallikā cho họp mặt toàn thể đại gia đình, đưa lá thư máu ra cho mọi người cùng xem, rồi đưa mắt nhìn mười sáu bà con dâu, mười sáu cô cháu dâu đang còn xuân sắc, giáo giới rằng:

- Phu quân của các con, các cháu đã tử trận vì nước. Các con các cháu không nên đặt câu hỏi là chết do ai và vì ai? Tại sao vậy? Vì cái chết của tất cả chúng sanh không do lỗi của ai cả mà chúng là thừa tự của nghiệp, con sanh của nghiệp! Trong vòng nhân quả trả vay, định luật ấy rất lạnh lùng, nó không thiên vị một ai cả. Phu quân của các con các cháu bị trả quả tiền khiên do một ác nghiệp nào đó trong quá khứ, vậy là công bằng, vậy là phù hợp với chân lý, với nhân quả. Do vậy, các con, các cháu không nên sầu buồn khóc lóc mà làm gì, cũng không nên trách trời trách đất, oán hận người này người kia. Sự việc đã xảy ra rồi, hãy xả buông nó đi, đừng tự làm tổn thương mình nữa!

Nạn nhân bị hại thì xả buông, rỗng không do trí tuệ học hỏi giáo pháp như thực của đức đạo sư, nhưng kẻ hại người - đức vua Psenadi - do si mê hôn ám, do sợ hãi bị phản nghịch, do đám vô tài bất tướng xung quanh nịnh hót: Ngày thì ruột nóng như lửa đốt, đi tới đi lui bất an, đêm thì trăn trở, thao thức, nằm thấy mộng dữ.

Câu chuyện bà Mallikā nhận được hung tin từ lá thư máu của lão tướng quân khi đang xào nấu thức ăn, sau đó vẫn an nhiên định tĩnh đặt bát cúng dường một cách chu đáo đến tôn giả Sāriputta cùng năm trăm vị tỳ-khưu – không mấy chốc, được lan truyền khắp mọi nơi, mọi chỗ. Cả kinh thành rúng động. Cả triều đình nhỏ to bàn tán xì xào. Rồi chuyện bà xử lý việc gia đình, nội dung bà nói chuyện với con dâu, cháu dâu... làm cho ai ai cũng cung kính, ngưỡng mộ...

Đức vua Pāsenadi được tả hữu tâu trình mọi chuyện, ông lặng người rồi chìm đắm trong nỗi đau, trái tim tê buốt. “Ôi! Đấy là cả một đại gia đình hiền thiện được tẩm mát, nuôi dưỡng bởi giáo pháp hiền thiện của đức Tôn Sư. Không biết giờ này đức Đạo Sư đang vân du hành hóa ở đâu mà bỏ lại ta trong kinh đô vắng lạnh này!(1)Nếu có(giá như) ngài có mặt ở Kỳ Viên thì có lẽ ta không đến nỗi si ám, ác độc và ngu ngốc tạo nên ác nghiệp tày trời! Cả đại gia đình bị ta ám hại, họ đã không oán hận ta, lại cùng âm thầm tha thứ cho ta do có một bà mẹ đại hiền được sinh ra trong giáo pháp. Còn ta, ta có thể nào tha thứ cho mình được không? Thật không thể vậy!”

Nghĩ đến đức Phật, đức vua yên ổn được chút ít, như có một năng lượng mát mẻ thoảng qua tâm hồn, ông suy nghĩ tiếp: “Bậc trí nhân ở đời, mình làm mình chịu, không đổ lỗi cho ai. Ta phải đích thân đến đại gia đình ấy, nhận tội về mình rồi sau đó hãy để cho nhân duyên nó làm việc. Hãy can đảm lên nhé!”.

Cả đại gia đình đang phát lễ tang thì đức vua ngự giá đến. Bên trong đại sảnh đường đã thiết lập ba mươi hai bài vị, có trầm, có hoa, có cờ rủ, có khăn tang... nhưng lại rất yên bình, lặng lẽ, không nghe “mùi” tang tóc!

Cả nhà cung đón đức vua rất phải phép. Ông kinh cảm trong lòng, bước đến trước ba mươi hai bài vị, cung kính cúi đầu, mặc niệm. Thât ra là ông đang thú tội trước những vong linh mà ông đã sát hại một cách rất tàn độc.

“Sám hối” xong, đức vua nói với cả nhà:

- Suốt bao đêm bao ngày, ta hối hận, ăn năn, ray rứt không yên. Lòng ta như bị lửa địa ngục thiêu đốt sau khi ám hại vị lão thần lương đống cùng những dũng tướng oai hùng. Ta là tên thủ phạm hèn hạ và bỉ ổi nhất! Ta không thể tha thứ cho ta được – nhưng than ôi! Cả đại gia đình hiền thiện này lại tha thứ cho ta! Đúng là tâm địa của những bậc thánh!

Đức vua rưng rưng nước mắt.

Phu nhân Mallikā lấy khăn lau lệ rồi nói:

- Xin bệ hạ hãy bình tâm. Bệ hạ không có lỗi mà chỉ có nghiệp là có lỗi!

- Cảm ơn phu nhân với tâm đại lượng - đức vua nói – Ta được xin tạ tội một cách chân tình nhất, là hãy cho ta đáp trả một đặc ân. Phu nhân có ước nguyện gì thì ta sẽ hoàn thành ước nguyện ấy cho phu nhân, ngay từ hôm nay!

Suốt bảy ngày sau đó, phu nhân Mallikā, ba mươi hai góa phụ cùng gia nhân tổ chức đặt bát cúng dường cho chư tăng năm trăm vị mỗi ngày ở tư gia có tôn giả Sāriputta và một số vị trưởng lão khác. Tôn giả Sāriputta biết rõ nhân quả câu chuyện thương tâm và biết rõ nỗi đau lặng lẽ bên trong của lão phu nhân cũng như tất cả góa phụ nên ngài đã thuyết những thời pháp thích hợp. Ngài nói về nỗi đau bi thống của kiếp người. Ngài nói về nỗi đau kinh khiếp hơn nữa là ở trong các cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la. Ngài nói trong ba cõi sáu đường, nước mắt của chúng sanh khóc chồng, khóc cha, khóc vợ, khóc con, khóc khi tử biệt sinh ly, khóc khi xa rời người mình thương, khóc khi bị hành hạ, trấn bức xác thân, khóc khi bị nghịch cảnh, tội tù, khóc khi bị vu oan, giá họa... có thể đổ đầy bốn đại dương... Vậy thì hãy thấy rõ “sự thật khổ” của đời người, kiếp người... Nó là sự thật, là chân lý hiển nhiên. Hãy mở con mắt pháp mà thấy, đừng nên sống bởi ám thị, ảo tưởng, vọng tưởng mơ hồ nữa. Có thấy khổ mới tìm ra nguyên nhân khổ, căn nguyên khổ. Đức Tôn Sư là bậc Toàn Giác, ngài cũng chỉ là người thấy rõ sự khổ nên thóat khổ đó thôi!

Những bài pháp của tôn giả quả là liều thần dược làm cho tất thảy các cô con dâu như chạm tay được vào ly nước cam lồ bất tử. Những nỗi đau lặng lẽ bên trong của họ, quả thật là đã được xoa dịu một phần nào!

Hôm kia, cả đại gia đình vào triều yết kiến đức vua và xin nhận đặc ân của hoàng triều. Bà Mallikā nói:

- Tâu đại vương! Danh vọng, địa vị, tài sản... cho chí chồng con... tất thảy chúng đều tạm bợ, duyên sanh duyên diệt. Chẳng có gì chắc thật, vững bền trên thế gian này! Đại vương đã mở rộng tấm lòng cho những góa phụ chúng tôi thỏa nguyện một đặc ân – thì đặc ân ấy là cùng được trở về quê hương xứ sở để sống những ngày còn lại!

Đức vua nhíu mày:

- Đấy đâu phải là đặc ân!

- Đấy đúng là đặc ân, tâu đại vương! Vì đấy cũng chính là ước nguyện cuối cùng của tệ phu quân trong lá thư viết bằng máu trên mảnh chiến bào!

Thẫn thờ giây lâu, đức vua thở dài:

- Châu báu, của cải, tài sản... phu nhân muốn bao nhiêu ta cũng đáp ứng được kia mà! Hay là tự ta làm vậy...

Nói thế xong, đức vua quát gọi quan thủ khố... nhưng phu nhân Mallikā đã từ chối:

- Cảm ơn tấm lòng của đại vương! Nhưng chúng tôi chỉ xin được về quê thôi!

Chẳng biết sao hơn, đức vua đành phải gật đầu ưng thuận.

Về lại biệt phủ, bà Mallikā cho mở kho vàng bạc, châu báu, tư trang làm ba mươi hai phần rồi chia đều cho con dâu và cháu dâu rồi khuyên họ trở về gia đình cha mẹ mà sinh sống và được tự do lấy chồng, lập gia thất mới. Riêng bà thì trở về quốc độ Mallā, kinh thành Kusinārā để di dưỡng tuổi già, tinh cần tu tập để tìm chỗ nương tựa thực sự cho đời mình.

Câu chuyện của gia đình bất hạnh này, khắp cả kinh thành Kosala cùng miền phụ cận không ai là không biết, và mọi người ai cũng tán dương, tôn trọng và quý mến cái tuệ sáng và cái tâm đại lượng của bà Mallikā.



(1)Phỏng dịch từ câu kệ Pāḷi: “Animittamanaññātaṃ. Maccānaṃ idha jīvitaṃ. Kasirañca parittañca. Tañca dukkhena saṃyuttanti”.

(1)Chuyện xảy ra khoảng chừng hạ 40, 41 của đức Phật; lúc này có lẽ ngài đang vân du hành hóa ở Vesāli và Rājagaha.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/01/2022(Xem: 7435)
Dân tộc Việt Nam học và hành theo giáo lý Phật thuyết trên dưới hai nghìn năm trước khi Pháp sư Huyền Trang quy Phật cũng trên sáu thế kỷ, tuy vậy cho đến nay chúng đệ tử Phật, xuất gia cũng như tại gia, biết đến công hạnh của Ngài rất ít, và cũng biết rất ít di sản Kinh Luận của Ngài cho Phật tử Việt nam học và hiểu giáo pháp của Đức Thế Tôn một cách chân chính để hành trì chân chính. Bản dịch Đại Đường Tây vực ký của Hòa Thượng Như Điển với sự đóng góp của Cư sĩ Nguyễn Minh Tiến bổ túc cho sự thiếu sót này. Từ những hiểu biết để thán phục, kính ngưỡng một Con Người vĩ đại, hãn hữu, trong lịch sử văn minh tiến bộ của nhân loại, một vị Cao Tăng thạc đức, với nghị lực phi thường, tín tâm bất hoại nơi giáo lý giải thoát, một thân đơn độc quyết vượt qua sa mạc nóng cháy mênh mông để tìm đến tận nguồn suối Thánh ngôn rồi thỉnh về cho dân tộc mình cùng thừa hưởng nguồn pháp lạc. Không chỉ cho dân tộc mình mà cho tất cả những ai mong cầu giải thoát chân chính.
04/01/2022(Xem: 8358)
Không hiểu sao mỗi khi nhớ về những sự kiện của năm 1963 lòng con bổng chùng lại, bồi hồi xúc động về quá khứ những năm đen tối xảy đến gia đình con và một niềm cảm xúc khó tả dâng lên...nhất là với giọng đọc của Thầy khi trình bày sơ lược tiểu sử Đức Ngài HT Thích Trí Quang ( một sưu tầm tài liệu tuyệt vời của Giảng Sư dựa trên “ Trí Quang tự truyện “ đã được đọc tại chùa Pháp Bảo ngày 12/11/2019 nhân buổi lễ tưởng niệm sự ra đi của bậc đại danh tăng HT Thích Trí Quang và khi online cho đến nay đã có hơn 45000 lượt xem). Và trước khi trình pháp lại những gì đã đươc nghe và đi sâu vào chi tiết bài giới thiệu Bộ Pháp Ảnh Lục cùng lời cáo bạch của chính Đức Ngài HT Thích Trí Quang về bộ sách này, kính trich đoạn vài dòng trong tiểu sử sơ lược của HT Thích Trí Quang do Thầy soạn thảo mà con tâm đắc nhất về;
04/01/2022(Xem: 7129)
Trên đất nước ta, rừng núi nào cũng có cọp, nhưng không phải vô cớ mà đâu đâu cũng truyền tụng CỌP KHÁNH HÒA, MA BÌNH THUẬN. Tỉnh Bình Thuận có nhiều ma hay không thì không rõ, nhưng tại tỉnh Khánh Hòa, xưa kia cọp rất nhiều. Điều đó, người xưa, nay đều có ghi chép lại. Trong sách Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí (1) của Thượng Thư Bộ Binh Lê Quang Định soạn xong vào năm 1806 và dâng lên vua Gia Long (1802-1820), tổng cộng 10 quyển chép tay, trong đó quyển II, III và IV có tên là Phần Dịch Lộ, chép phần đường trạm, đường chính từ Kinh đô Huế đến các dinh trấn, gồm cả đường bộ lẫn đường thủy. Đoạn đường ghi chép về ĐƯỜNG TRẠM DINH BÌNH HÒA (2) phải qua 11 trạm dịch với đoạn đường bộ đo được 71.506 tầm (gần 132 km)
04/01/2022(Xem: 6016)
Ngoài tên “thường gọi” là Cọp, là Hổ, tiếng Hán Việt là Dần, cọp còn có tên là Khái, là Kễnh, Ba Cụt (cọp ba chân), Ba Ngoe (cọp ba móng), Ông Chằng hay Ông Kẹ, Ông Dài, Ông Thầy (cọp thành tinh). Dựa vào tiếng gầm của cọp, cọp còn có tên gọi là Hầm, là Hùm, dựa vào sắc màu của da là Gấm, là Mun ... Ở Nam Bộ cò gọi cọp là Ông Cả, vì sợ cọp quấy phá, lập miếu thờ, tôn cọp lên hàng Hương Cả là chức cao nhất trong Ban Hội Tề của làng xã Nam Bộ thời xưa. Cọp cũng được con người gọi lệch đi là Ông Ba Mươi. Con số ba mươi này có nhiều cách giải thích: - Cọp sống trung bình trong khoảng ba mươi năm. - Cọp đi ba mươi bước là quên hết mọi thù oán. - Xưa, triều đình đặt giải, ai giết được cọp thì được thưởng ba mươi đồng, một món tiền thưởng khá lớn hồi đó. - Tuy nhiên, cũng có thời, ai bắt, giết cọp phải bị phạt ba mươi roi, vì cho rằng cọp là tướng nhà Trời, sao dám xúc phạm (?). Ngày nay, cọp là loài vật quý hiếm, có trong sách Đỏ, ai giết, bắt loài thú này không những bị phạt tiền mà còn ở
30/12/2021(Xem: 6958)
Tối ngày 11/02 âm lịch (03/03/2012), vào lúc 10 giờ tối, lúc đó tôi niệm Phật ở dưới hai cái thất mà phía trên là phòng của Sư Ông. Khi khóa lễ vừa xong, bỗng nghe (thấy) tiếng của đầu gậy dọng xuống nền phát ra từ phòng của Sư Ông. Lúc đó tôi vội vàng chạy lên, vừa thấy tôi, Ông liền bảo: “Lấy cái đồng hồ để lên đầu giường cho Sư Ông và lấy cái bảng có bài Kệ Niệm Phật xuống” (trong phòng Sư Ông có treo cái bảng bài Kệ Niệm Phật). Khi lấy xuống Sư Ông liền chỉ vào hai câu: Niệm lực được tương tục, đúng nghĩa chấp trì danh, rồi Sư Ông liền chỉ vào mình mà ra hiệu, ý Sư Ông nói đã được đến đây, sau khi ngồi hồi lâu Sư Ông lên giường nghỉ tiếp.
25/12/2021(Xem: 5267)
Cảo San đường Tuệ Nguyên Đại Tông sư (고산당 혜원대종사, 杲山堂 慧元大宗師) sinh ngày 8 tháng 12 năm 1933 tại huyện Ulju, Ulsan, một thành phố nằm ở phía đông nam Hàn Quốc, giáp với biển Nhật Bản. Ngài vốn sinh trưởng trong tộc phả danh gia vọng tộc, phụ thân Họ Ngô (해주오씨, 海州吳氏), Haeju, Bắc Triều Tiên và tộc phả của mẫu thân họ Park (밀양박씨, 密陽朴氏), Miryang, Gyeongsangnam-do, Hàn Quốc. Năm lên 7 tuổi, Ngài được sự giáo huấn của người cha kính yêu tuyệt vời, cụ đã dạy các bộ sách Luận ngữ, Mạnh Tử, Thích Độ, Đại Học, Tứ Thư và học trường tiểu học phổ thông. Vào tháng 3 năm Ất Dậu (1945), khi được 13 tuổi, Bồ đề tâm khai phát để làm tiền đề cho Bát Nhã đơm bông, Ngài đảnh lễ Đại Thiền sư Đông San Tuệ Nhật (동산혜일대선사, 東山慧日大禪師, 1890-1965) cầu xin xuất gia tu học Phật pháp. Thật là “Đàm hoa nhất hiện” khi những sợi tóc não phiền rơi rụng theo từng nhát kéo đong đưa. Tháng 3 năm 1948, Ngài được Hòa thượng Bản sư truyền thụ giới Sa di tại Tổ đình Phạm Ngư Tự (범어사, 梵魚寺), Geumjeong-gu, Busan, Hàn Qu
23/12/2021(Xem: 3954)
Chánh Điện của một ngôi Chùa tại xứ Đức, cách đây hơn 40 năm về trước; nơi có ghi hai câu đối: "Viên thành đạo nghiệp Tây Âu quốc. Giác ngộ chúng sanh đạo lý truyền", bây giờ lại được trang hoàng thật trang nghiêm và rực rỡ với các loại hoa. Đặc biệt nhất vẫn là những chậu cây Trạng Nguyên nhỏ to đủ kiểu, nổi bật nhất vẫn là những chiếc lá đỏ phía trên phủ lên những chiếc lá xanh bên dưới. Ai đã có ý tưởng mang những cây Nhất Phẩm Hồng, có nguồn gốc ở miền Nam Mexico và Trung Mỹ vào đây? Và theo phong thủy, loại cây này mang đến sự thành công, đỗ đạt và may mắn.
10/12/2021(Xem: 8467)
Bản dịch này cũng đã đăng tải trong các số báo đặc san Pháp Bảo, từ số 2, tháng 5 năm 1982 và còn tiếp tục đăng tải cho đến nay. Loạt bài đăng trong báo sẽ được chấm dứt trong vài kỳ báo nữa, vì các phần sau tuy cần thiết đối với người muốn nghiên cứu, nhưng lại trở nên khô khan với người ít quan tâm tới sử liệu Phật Giáo. Đó là lý do quý vị chỉ tìm thấy bản dịch được đầy đủ chỉ có trong sách này. Trong khi dịch tác phẩm, cũng như trong khoảng thời gian còn tòng học tại Nhật Bản, chúng tôi tự nghĩ: không hiểu sao Phật giáo đã du nhập vảo Việt Nam từ thế kỷ thứ 2, thứ 3 mà mãi cho tới nay vẫn chưa có được những cuốn sách ghi đầy đủ các chi tiết như bộ “Các tông phái Phật Giáo Nhật Bản” mà quý vị đang có trong tay. Điều mong mỏi của chúng tôi là Phật Giáo Việt Nam trong tương lai cố sao tránh bớt vấp phải những thiếu sót tư liệu như trong quá khứ dài hơn 1500 năm lịch sử truyền thừa! Để có thể thực hiện được điều này, cần đòi hỏi giới Tăng Già phải đi tiên phong trong việc trước t
09/12/2021(Xem: 22757)
Cách đây vài ngày đọc trên một tờ báo tại Sydney , khi nói về chủng thể Omicron vừa phát tán và lây lan do xuất phát từ các nước Nam Phi , tôi chợt mỉm cười khi đọc được câu này " Chúng ta đã học từ nạn đại dịch một điều rằng : Đừng nên hy vọng một điều gì , vì chắc chắn điều mình hy vọng ấy sẽ chỉ là THẤT VỌNG " If there’s one thing COVID has taught us , it is to expect nothing, except disappointment . What it comes to that COVID really delivers
08/12/2021(Xem: 4600)
Già San Đường Trí Quán Đại Tông Sư, vị đại học giả, vị Luật sư, Thiền sư nổi tiếng, vị Tổng vụ trưởng xuất sắc trong việc quản lý các vấn đề hành chính Phật giáo. Ngài được ca tụng lảu thông Tam tạng giáo điển, lý sự viên dung. Già San Đường Trí Quán Đại Tông Sư (가산당 지관대종사, 伽山堂 智冠大宗師, 1932-2012) tục danh Lý Hải Bằng (이해붕, 李海鵬), theo tộc phả tên Chung Bằng (종붕, 鍾鵬), Tổng vụ Viện trưởng Thiền phái Tào Khê đời thứ 32, Phật giáo Hàn Quốc, hiệu Già Sơn đường Trí Quán Đại tông sư (가산당지관대종사, 伽山堂智冠大宗師), sinh ngày 14/6/1932 (05/11/Nhâm Thân), nguyên quán làng Cheonghae-myeon, huyện Gyeongju, tỉnh Gyeongsangbuk-do, Đại Hàn. Phụ thân của Ngài là cụ ông Lý Khuê Bạch (이규백, 李圭白) và Hiền mẫu của Ngài là cụ bà Kim Tiên Y (김선이, 金先伊). Gia đình truyền thống Phật giáo lâu đời, kính tin Tam bảo.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]