Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

33. Tổ Huệ Năng

11/03/201409:57(Xem: 12657)
33. Tổ Huệ Năng
33. -Lục Tổ Huệ-Năng (638 – 713 T.L.)

Sư họ Lư, Tổ tiên quê ở Phạm-Dương, cha tên Hành-Thao, mẹ là Lý-Thị. Đời Võ-Đức (618-627 T.L.) nhà Đường cha Sư làm quan ở Nam-Hải, sau dời về Tân Châu. Sư sanh tại Tân-Châu. Sư được ba tuổi, cha mang bệnh rồi mất, mẹ thủ chí nuôi con. Sư lớn lên trong gia đình rất nghèo túng. Mỗi ngày, Sư phải vào rừng đốn củi đem ra chợ đổi gạo nuôi mẹ.

Một hôm, nhơn gánh củi ra chợ bán, có người mua bảo gánh đến nhà. Sư gánh ngang qua một căn nhà, bỗng nghe người trong nhà tụng kinh, âm ba vang ra, Sư vừa nghe, chợt tỉnh ngộ, Sư hỏi khách:

-Tụng đó là kinh gì ? Phát xuất từ đâu ? 

-Khách đáp:

-Kinh Kim-Cang. Phát xuất từ Ngũ Tổ Hoằng-Nhẫn ở chùa Đông-Sơn, tại huyện Huỳnh-Mai.

Nghe nói xong, Sư tỏ chí muốn tìm đến đó học đạo, song gia cảnh còn mẹ già không ai nuôi ! Có người khách hàng quen xin đài thọ số tiền để Sư cung cấp mẹ già. Gặp cơ hội tốt, Sư về xin phép mẹ cho xuất gia, mẹ Sư hoan hỉ cho xuất gia.

Sư khăn gói lên đường, trải hơn một tháng mới đến huyện Huỳnh-Mai, Sư vào yết kiến Tổ, Tổ hỏi:

-Ngươi từ đâu đến ?

Sư thưa:

-Từ Lãnh-Nam đến.

-Đến đây để cầu việc gì ?

-Đến đây chỉ cầu làm Phật, không cầu việc gì khác.

-Người Lãnh-Nam không có Phật tánh, làm sao cầu làm Phật được ?

-Người thì có Nam Bắc, chớ Phật tánh không chia Nam Bắc.

Tổ biết Sư là hàng pháp khí, bèn bảo xuống nhà trù làm công quả.

Ở đây, Sư chuyên bửa củi, giã gạo. Cối gạo to, chày đạp lớn, người Sư ốm, không đủ sức nặng cất được chày đạp, Sư phải cột thêm cục đá vào lưng để đủ sức giã gạo. Sư làm công việc nặng nhọc như vậy gần ngót sáu tháng, mà chưa khi nào trễ nải, thối chí. Một hôm, Tổ xuống nhà trù, đi ngay chỗ Sư giã gạo, thấy Sư mang đá giã gạo, Tổ bảo:

-Ngươi vì đạo quên mình như thế ư ? Ta biết ngươi căn tánh lanh lợi, nhưng ngại kẻ khác hại ngươi nên ta không nói chuyện với ngươi, ngươi có biết chăng ?

Sư thưa:

-Con đã biết thế.

Tổ biết thời cơ truyền pháp đã đến, liền ra lệnh cho toàn chúng trình kệ. Trong số chúng bảy trăm người đều suy nhường Thượng tọa Thần-Tú. Sư nghe bài kệ của Thần-Tú, biết là chưa thấy tánh, nên hòa lại một bài kệ. Đọc kệ của Sư, Tổ biết Sư đã thấy tánh. Mấy hôm sau, Tổ tìm cơ hội xuống nhà trù, đến chỗ Sư giã gạo hỏi:

-Gạo trắng chưa ?

Sư thưa:

-Đã trắng mà chưa có sàng.

Tổ bèn cầm gậy gõ trên tay cối ba cái, rồi đi lên. Canh ba đêm ấy Sư vào thất Tổ. Tổ truyền pháp và trao luôn y bát cho Sư, dạy đi về phương Nam.

Sư mang y bát đi được mấy hôm vừa đến Dưu-Lãnh bị một người hiệu Huệ-Minh đuổi theo. Sư để y bát trên tảng đá, vào rừng ẩn. Huệ-Minh đến dỡ y bát lên không nổi, đành phải kêu:

-Hành giả ! Tôi đến đây vì pháp, chớ không vì y bát.

Sư nghe nói, bước ra ngồi trên tảng đá bảo:

-Nếu ông vì pháp, hãy bình tâm lại nghe tôi nói.

Huệ-Minh đứng lặng yên giây lâu. Sư bảo:

-Khi không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?

Huệ-Minh nghe câu nầy liền đại ngộ. Sư thường tàng ẩn nơi hai ấp Hoài và Hội. Có lúc gặp phải cuộc sống khó khăn, Sư lại gia nhập vào đoàn thợ săn. Đến bửa ăn, Sư hái rau luộc nhờ trong nồi thịt, rồi chỉ ăn rau, không ăn thịt. Như vậy, Sư với hình thức cư sĩ, thường tùy nghi nói pháp cho họ nghe. Có lần Sư đến Thiều-Châu, gặp ông cư sĩ Lưu-Chí-Lược kết bạn. Chí-Lược có người cô làm Ni hiệu Vô-Tận-Tạng, thường tụng kinh Niết-Bàn. Sư vừa nghe tụng qua đã hiểu được thâm ý, vì bà giải nói nghĩa thú. Sư cô đem quyển kinh ra hỏi chữ, Sư bảo:

-Chữ thì tôi không biết, nghĩa tùy cô cứ hỏi.

Sư cô bảo:

-Chữ còn không biết, nghĩa làm sao hiểu nổi ?

Sư bảo:

-Diệu lý của chư Phật, chẳng quan hệ gì đến văn tự.

Sư cô nghe nói kinh ngạc, liền báo tin cho các bậc kỳ lão trong làng hay rằng:

-Có bậc đạo sĩ đáng cúng dường.

Dân chúng trong làng nghe tin, đua nhau đến chiêm lễ Sư. Gần đó có ngôi chùa cổ hiệu Bửu-Lâm, lâu đời bị đổ nát, dân chúng trong làng hợp sức tu bổ lại, thỉnh Sư về trụ trì. Hằng ngày tứ chúng bốn phương tụ hội về đông đảo, không bao lâu ngôi chùa Bửu-Lâm biến thành một đạo tràng xinh đẹp. Chẳng bao lâu có người theo dõi, Sư lại tìm nơi ẩn tránh.

Ngót mười sáu năm ẩn tránh. Sư biết cơ duyên hoằng pháp đã đến, bèn đến Quản-Châu, nhằm ngày mùng tám tháng giêng năm Bính-Tý, niên hiệu Nghi-Phụng năm đầu (676 T.L) nhà Đường. Sư vào nghỉ nhờ ngoài hiên chùa Pháp-Tánh.

Hôm ấy, pháp sư Ấn-Tông đang giảng kinh Niết-Bàn. Trước chùa treo lá phướng dài, gió thổi lá phướng phất phơ qua lại. Hai ông đạo lấy đó làm đề tài tranh luận. Người nói: "phướng động".người bảo "gió động"; bàn qua cải lại mà không ngã lẽ. Sư đến thưa:

-Có thể cho khách cư sĩ nầy lạm bàn chăng ?

Hai ông đồng ý, Sư bảo:

-Không phải phướng động, không phải gió động, mà tâm nhơn giả động.

Mọi người nghe qua đều ngạc nhiên. Họ vào báo cho Ấn-Tông biết lời bàn kỳ diệu ấy. 

Hôm sau, Ấn-Tông mời Sư vào hỏi về lý "Tâm động". Sư giải rõ thâm lý cực diệu. Ấn-Tông bất giác đứng dậy thưa:

-Ngài không phải là người thường. Nghe nói y pháp của Ngũ Tổ Huỳnh-Mai đã về phương Nam, vậy có phải Ngài chăng ?

Sư đáp:

-Chẳng dám.

Ấn-Tông bèn tập hợp bốn chúng, cầu xin Sư trình bày y bát của Tổ. Sư bèn đem y bát cho đại chúng chiêm bái. Ấn-Tông xin làm đệ tử, đồng thời cầu chỉ dạy thiền yếu.

Đến ngày rằm tháng giêng, Ấn-Tông thỉnh các bậc danh đức đến làm lễ thế phát cho Sư. Ngày mùng tám tháng hai, làm lễ truyền giới cụ túc cho Sư tại chùa Pháp-Tánh. Luật sư Trí-Quang làm Tuyên-luật-sư. Giới đàn nầy, đời Tống,Tam Tạng Cầu Na Bạt-Đà-La đã dự ký trước rằng:

-Sau sẽ có nhục thân Bồ Tát thọ giới tại đây.

Lại, thời Lương mạc, Tam Tạng Chân-Đế, đích thân trồng hai cây Bồ Đề tại giới đàn nầy và bảo chúng rằng:

-Sau khoảng một trăm hai chục năm, sẽ có bậc đại sĩ ở dưới cội Bồ Đề nầy khai diễn pháp vô thượng thừa, độ chúng sanh vô lượng.

-Sau đó có quan Thích Sử Thiều Châu tên Vi Cừ thỉnh Sư đến chùa Đại Phạm thuyết pháp môn vi diệu và thọ giới vô tướng tâm địa. Quan liêu, sĩ thứ và kẻ tại gia, người xuất gia đến dự nghe pháp trên ngàn người. Những thời thuyết pháp tại đây, được đệ tử Sư ghi lại đầy đủ trong kinh Pháp Bảo Đàn.

Năm sau, Sư muốn trở về chùa Bửu Lâm ở Tào Khê là chỗ ẩn xưa kia. Ấn Tông cùng quan liêu sĩ thứ đạo tục tiển đưa có hơn ngàn người. Sư an trú ở đây, tăng chúng xa gần đua nhau đến tham vấn. Trung bình chư tăng thường có mặt tại chùa không dưới một ngàn. Sư đã dựng lên cây cờ Đại pháp, bốn phương trông thấy đều hướng về.

Niên hiệu Thần Long năm đầu (705 T.L) Vua Trung Tông xuống chiếu sai sứ là Tiết Giảm đi thỉnh Sư về triều. Sư từ chối vì lý do bệnh. Trong lời từ chối của Sư có câu: "Tôi nguyện được trọn đời ở chốn núi rừng". Tiết Giảm thưa:

-Các bậc thiền đức nơi kinh thành đều nói "muốn được hội đạo cần phải tọa thiền tập định, nếu không nhơn thiền định mà được giải thoát, là việc chưa từng thấy". Chưa biết Thầy thường nói pháp dạy người thế nào ?

Sư đáp:

-Đạo do tâm ngộ, đâu phải ở ngồi. Kinh nói: "Nếu nói Như-Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc nằm là người ấy không hiểu nghĩa ta nói. Vì sao ? Vì Như-Lai không từ đâu đến cũng không đi đâu". Vì không từ đâu đến, nên không sanh, vì không đi đâu nên không diệt. Nếu không sanh diệt là Như-Lai thanh tịnh thiền, các pháp không tịch là Như-Lai thanh tịnh tọa. Tột cùng không được, cũng không có chỗ chứng, huống là ngồi ư ? 

Tiết Giảm thưa:

-Đệ tử trở về kinh đô ắt Chúa Thượng có hỏi. Cúi xin Hòa Thượng từ bi chỉ cho chỗ tâm yếu, ngõ hầu đối cảnh giải rành, khiến cho những kẻ học giả ở kinh đô hiểu biết tu hành. Ví như thấp một ngọn đèn, mồi được trăm ngàn ngọn đèn, khiến cho chỗ tối tăm được sáng, sáng mãi không cùng.

Sư bảo:

-Đạo không có tối sáng, tối sáng là nghĩa đối đãi nhau; dù sáng mãi không cùng, cũng là có cùng. Bởi vì đối đãi mà lập danh tự cho nên Kinh nói: "Pháp không có so sánh vì không có đối đãi".

–Sáng thí dụ trí huệ, tối thí dụ phiền não. Người tu hành nếu không dùng trí huệ chiếu phá phiền não, thì cái sanh tử từ vô thủy do đâu được ra khỏi ?

Sư bảo:

-Nếu dùng trí huệ chiếu phá phiền não, đây là kẻ tiểu căn Nhị thừa, là xe dê, xe nai, người đại căn thượng trí không như vậy.

Tiết Giảm hỏi:

-Thế nào là chỗ kiến giải của Đại thừa ?

Sư đáp:

-Sáng cùng không sáng tánh nó chẳng hai, tánh không hai tức là tánh thật. Tánh thật thì ở phàm phu chẳng bớt, ở hiền thánh chẳng thêm, dừng nơi phiền não mà chẳng loạn, đứng nơi thiền định mà chẳng lặng, chẳng đoạn chẳng thường, chẳng đến, chẳng đi, chẳng ở giữa và hai bên, chẳng sanh, chẳng diệt, tánh tướng như như, thường trụ không dời đổi, gọi đó là Đạo.

Tiết Giảm thưa:

-Hòa thượng nói chẳng sanh chẳng diệt, có khác gì chúng ngoại đạo nói ?

Sư bảo:

-Ngoại đạo nói chẳng sanh chẳng diệt là đem cái diệt chận cái sanh, lấy cái sanh để bày cái diệt. Diệt vẫn chẳng diệt, sanh nói không sanh. Ta nói không sanh diệt là xưa tự không sanh, nay cũng không diệt, đâu có thể đồng với ngoại đạo ư ? Ông muốn rõ được tâm yếu thì, đối tất cả việc thiện ác đều chớ suy nghĩ, tự nhiên được vào.Tâm thể trong trẻo thường lặng lẽ diệu dụng như hằng sa.

Tiết Giảm nghe qua liền đại ngộ, lễ bái Sư trở về triều. Về triều ông tâu hết tự sự cho vua nghe. Vua càng thêm cung kính và ngợi khen. Vua lại ban chiếu và cúng dường ca-sa, tích trượng bảo câu. Sắc đổi tên chùa Bửu-Lâm là Trung-Hưng.

Năm sau, vua lại sắc thích sử Thiều-Châu kiến thiết ngôi chùa Trung-Hưng lại và đổi tên là Pháp-Tuyền. Chùa của Sư ở trước, tại Tân-Châu đổi tên là Quốc-Ân. Một hôm Sư bảo chúng:

-Thiện tri thức ! Các ngươi mỗi người tịnh tâm nghe ta nói pháp, hết thảy các ngươi tâm mình là Phật, chớ có hồ nghi. Ngoài không có một pháp có thể dựng lập, đều là tâm mình sanh ra muôn pháp. Kinh nói: "Tâm sanh thì các thứ pháp sanh, tâm diệt thì các thứ pháp diệt". Nếu muốn thành tựu chủng trí phải đạt nhất tướng tam muội và nhất hạnh tam muội. 

Nếu ở tất cả chỗ mà không trụ tướng, ở trong tướng ấy mà không sanh yêu ghét, chẳng lấy, chẳng bỏ, chẳng nghĩ việc lợi ích, thành hoại,v.v…an ổn thanh tịnh gọi là nhất tướng tam muội. Nếu ở tất cả chỗ đi đứng ngồi nằm, ròng một trực tâm, không dời khỏi đạo tràng, liền thành tịnh độ, gọi là nhất hạnh tam muội.Nếu người đủ hai tam muội nầy, như đất có giống hay chứa đựng, nuôi dưỡng thành tựu được bông trái của nó. Nhất tướng, nhất hạnh cũng lại như vậy. Nay ta nói pháp, ví như khi mưa thấm ướt cả đất, Phật tánh của các ngươi ví như các hột giống, vừa gặp thấm ướt, liền nảy mầm. Giữ đúng lời ta quyết được Bồ-Đề, đúng theo ta dạy mà thực hành nhất định chứng quả Phật.

Niên hiệu Tiên-Thiên năm đầu (712 T.L) một hôm Sư chợt gọi đồ chúng đến bảo:

-Ta ở chỗ Tổ Hoằng-Nhẫn thọ pháp yếu cùng y bát. Nay tuy nói pháp mà không truyền y bát, bởi vì các ngươi lòng tin đã thuần thục, không còn nghi ngờ, nên chẳng truyền. Nghe ta nói kệ:

Tâm địa hàm chư chủng,
Phổ vũ tất giai manh.
Đốn ngộ hoa tình dĩ,
Bồ-Đề quả tự thành.

Dịch:

Đất tâm chứa các giống,
Mưa khắp ắt nẩy mầm.
Hoa tình vừa đốn ngộ,
Trái bồ-đề tự thành.

Sư lại bảo:

-Pháp ấy không hai, tâm ấy cũng vậy. Đạo kia thanh tịnh cũng không các tướng. Các ngươi dè dặt chớ quán tịnh và tâm kia không.Tâm nầy sẵn tịnh, không lấy bỏ, mỗi người tự nỗ lực tùy duyên đi an lành.

Sư thuyết pháp độ sanh đã được bốn chục năm. Trước đây, Sư đã sai người về chùa Quốc-Ân ở Tân-Châu xây tháp. Đến ngày mùng 6 tháng 6 năm nầy, Sư lại sai người đến đốc suất làm nhanh.

Đến ngày mùng 1 tháng 7, niên hiệu Tiên-Thiên thứ hai (713 T.L),Sư gọi môn nhân bảo:

-Ta muốn trở về Tân-Châu, các ngươi lo sửa soạn thuyền.

Lúc ấy, đại chúng đều buồn bã, thỉnh Sư ở nán lại. Sư bảo:

-Chư Phật ra đời vẫn thị hiện vào Niết-Bàn. Có đến ắt có đi, lẽ đó là việc thường vậy. Thân hình hài của ta về ắt có chỗ.

Chúng hỏi:

-Hôm nay thầy đi bao giờ trở lại ?

Sư bảo:

-Lá rụng về cội, trở lại không hẹn.

Chúng hỏi:

-Pháp nhãn tạng, thầy sẽ trao cho người nào ?

Sư bảo:

-Có đạo thì được, vô tâm thì thông.

Chúng thưa:

-Thầy để lời di chúc xem có nạn không ?

Sư bảo:

-Ta diệt độ khoảng năm, sáu năm ắt có người đến lấy đầu ta. Nghe ta nói kệ:

Đầu thượng dưỡng thân,
Khẩu lý tu xan.
Ngộ Mãn chi nạn,
Dương Liễu vi quan.

Dịch:

Trên đầu nuôi thân,
Trong miệng để ăn.
Gặp Mãn gây nạn,
Dương Liễu làm quan.

Sư nói tiếp:

-Sau khi ta diệt độ khoảng bảy chục năm, có hai vị Bồ-Tát từ phương Đông đến, một tại gia, một xuất gia chung hưng hóa Phật pháp, sửa lại các ngôi già lam nâng đỡ tông chỉ của ta.

Sư về đến Tân-Châu, vào chùa Quốc-Ân, tắm gội xong, ngồi kiết già, an nhiên thị tịch. Khi ấy có mùi hương lạ xông ra, móng trắng vòng chí đất. Sư tịch ngày mùng hai tháng tám năm Quý Sửu, niên hiệu Tiên-Thiên thứ hai (713 T.L), đời Đường, thọ 76 tuổi.

Bấy giờ môn đồ hai châu Thiều và Tân muốn đem hài cốt Sư về châu mình an táng. Bàn nhau không ngã lẽ, phải thấp hương cầu nguyện ý Sư; nếu khói hương bay về đâu, thì vâng theo ý đó. Khói hương bay thẳng hướng Tào-Khê. Thế là môn đồ ở Thiều Châu sửa soạn đưa linh cữu Sư về nhập tháp. Ngày 13 tháng 11 đưa linh cữu về nhập tháp tại bên bờ khe Tào-Hầu, nay là chùa Nam-Hoa.

Vua Đường Hiến-Tông truy phong Sư là Đại Giám thiền sư, tháp hiệu Nguyên Hòa Linh Chiếu. Môn đệ của Sư đắc pháp và hoằng hóa sau nầy có cả thảy bốn mươi ba vị:

1-Hành-Tư ở núi Thanh Nguyên.

2-Hoài-Nhượng ở Nam Nhạc. 

3-Pháp-Hải.

4-Huệ-Trung.

5-Bổn-Tịnh.

6-Thần-Hội.

7-Huyền-Giác.

8-Huyền-Sách.

9-Tam Tạng Quật-Đa v.v…

Những lời Sư chỉ dạy có thể đa số được sưu tập trong quyển Pháp-Bảo-Đàn Kinh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/02/2019(Xem: 3740)
Sau thời gian dài hơn nửa đời người mon men đến chùa thân cận với thiện hữu tri thức và nghe Pháp, tôi quen thuộc đến hai chữ “Nhân Duyên, Nhân Quả“ rồi nhìn lại cuộc sống, chiêm nghiệm, mới nhận rõ rằng hai điều đó luôn hiện hữu trong đời sống chúng ta.
01/02/2019(Xem: 3245)
"Sinh Tử Sự Đại Vô Thường Tấn Tốc" Năm cùng tháng tận Tống cựu nghinh tân Nói chuyện chữ Sinh Đón chuyện mới tinh Cho mình phơi phới! Vậy là bước qua năm mới, ngay trong "tháng Giêng là tháng ăn chơi", tôi sẽ được... lên chức. Nam mô Phật! Lên chức.
28/01/2019(Xem: 3424)
Trong ngôi thiền viện thuở xưa Đứng đầu là một thiền sư lâu đời Lìa trần tuổi chín mươi hai Danh ngài viện chủ khó ai sánh cùng, Ngài gìn giữ để không vương Không hề mắc chuyện tầm thường thế nhân.
19/01/2019(Xem: 3647)
Ông ngoại nuôi tôi từ nhỏ, từ khi tôi mới bỏ bú mẹ, đến năm lên lớp 12 thì ông không còn sức lực để làm những công việc đồng áng nặng nhọc đòi hỏi phải có lòng nhẫn nại, tính cần cù và sức dẻo dai. Ông ngoại đã vắt kiệt sức mình ra suốt hai mươi năm hơn, để rồi bị quật ngã một đòn trí mạng phải nằm dính chặt trên chiếc giường ọp ẹp.
06/01/2019(Xem: 3432)
Mỗi năm vào khoảng cuối tháng 10 âm lịch, con thường hay buồn. Vì sao mạ có biết không? Đặc biệt là năm nay con buồn hơn mọi năm khác vì con về nước mà không về làng Đơn Duệ tận ngoài miền Trung khô cằn của mình để được đến thắp nén hương trên mộ mạ.
03/01/2019(Xem: 4497)
Tosui là một thiền sư nổi danh vào thời của ông. Ông đã sống trong nhiều thiền viện và giảng dạy tại các tỉnh khác nhau. Ngôi thiền viện sau cùng ông ghé thăm tụ họp quá nhiều môn sinh cho nên ông nói với họ rằng ông sẽ hoàn toàn từ bỏ hẳn công tác giảng thuyết . Ông khuyên họ nên phân tán ra và đi tới bất cứ nơi nào mà họ mong muốn. Sau đó không một ai còn thấy được chút dấu tích nào của ông nữa.
27/12/2018(Xem: 5686)
Dường như, không ai nghĩ, ngọn lửa mùa thu 1989, được đốt lên từ sinh viên, từ nhà thờ (Nikolaikirche) Leipzig đã thiêu cháy bức tường Berlin nhanh đến như vậy. Tuy vui mừng, nhưng cái bất ngờ ấy, cũng mang đến sự hoang mang không ít cho người Việt chúng tôi đang sống, và làm việc ở miền Đông nước Đức. Bởi, hầu hết các nhà máy, công xưởng phải đóng cửa. Không riêng chúng tôi, mà kể cả những nghiên cứu sinh, sinh viên đại học cũng chạy loạn xí ngầu. Có lẽ, chỉ có ai đã từng sống qua cái thời khắc đó,
27/12/2018(Xem: 4182)
"Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng. Được mất bại thành bỗng chốc hóa hư không", hai câu thơ của vị thiền sư nào đó đã ngấm sâu vào huyết mạch của tôi, một người con gái tươi đẹp của tuổi mười chín, vừa biết tin mình vướng phải một khối u ác tính trong đầu. Trời đất như quay cuồng phải không các bạn?
22/12/2018(Xem: 3591)
Tôi đưa mắt nhìn quanh hết ngoài sân rồi lại trong nhà, có ý tìm người trong nhóm tỵ nạn đang đứng, nằm, ngồi la liệt vẫn không thấy vợ chồng anh chị Phi đâu cả. Tôi cẩn thận đi một vòng nữa, len lỏi vào những dãy giường tầng kê san sát nhau. Lỗ tai tôi như muốn ù đi bởi tiếng ồn ào như đàn ong vỡ tổ của mọi tiếng động hỗn hợp từ sinh hoạt của hàng trăm người tỵ nạn phát ra.
08/12/2018(Xem: 3711)
Hễ gặp mặt lớp trưởng bất kỳ đâu, dù đang ở trong sân trường hay ngoài đường phố quán xá, băng “Ngũ Quỷ” bọn tôi đều đồng thanh tương ứng mở năm cái loa được mở hết công suất ghẹo: “Thịnh Mái ơi… Chị đi đâu đó?”
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]