Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

18. Hạ thứ 10 trong rừng Rakkhita (năm -580)

02/03/201419:09(Xem: 20375)
18. Hạ thứ 10 trong rừng Rakkhita (năm -580)
phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)


5- Hạ thứ 10 trong rừng Rakkhita (năm -580)

Phật an cư một mình trong rừng Rakkhita[1]

Rời núi Pàcìnavamsa ở Ràjagaha, đức Phật đến ở một mình trong rừng Rakkhita, thuộc làng Pàrileyyaka và an cư luôn tại đây. Khu rừng này rất vắng vẻ thanh tịnh, cây lá xinh tươi, có đồi, có suối lại có hồ. Sống một mình, Phật thấy rất thoải mái và dễ chịu trong cảnh thanh nhàn. Phật thường tĩnh tọa dưới gốc cây sàla to lớn bên bờ suối. Nơi đây thường có một con voi chúa dẫn một đàn voi vừa lớn vừa nhỏ đến suối uống nước và tắm rửa, và cũng có một bầy khỉ thường đến nơi nô đùa nhảy nhót trên cành cây và trên những tảng đá bên bờ suối. Bầy voi và bầy khỉ lần hồi đến làm quen với Phật. Được Phật chăm sóc và dạy dỗ, chúng lại càng quý mến, mang trái cây đến cúng dường Phật. Có lần Phật bắt chước tiếng con voi chúa rú lên, cả đàn voi lớn nhỏ đều chạy tới nằm mọp trước mặt Phật.

Sau mùa an cư, Phật từ giã đàn voi, bầy khỉ và khu rừng xinh đẹp. Ngài đi về hướng bắc. Nửa tháng sau ngài tới tinh xá Jetavana ở thủ đô Sàvatthi.

Phật dạy xử sự đúng Chánh Pháp[2]

Đức Phật vừa về tới tinh xá Jetavana. Các đại đệ tử có mặt xúm xít đến chào mừng và rước Phật về am thất của ngài. Các đại đức Sàriputta, Moggallàna, Mahà Kassapa, Mahà Kaccàna, Upàli, Mahà Kotthita, Mahà Kappina, Mahà Cunda, Revata và Devadatta đều có mặt. Các đại đức Anuruddha, Kimbila và Nandiya từ công viên Pàcìnavamsa cũng đã về tới. Ni sư Gotamì và Ràhula cũng có mặt.

Đại đức Ànanda đang quét dọn am thất của Phật, thấy Phật về tới, thầy vui mừng buông chổi, bước tới đảnh lễ Phật. Phật hỏi :

Này Ànanda, sau khi Như Lai đi rồi, tình trạng ở tinh xá Ghosita như thế nào?

Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn đi rồi, một số huynh đệ đến tìm con và nói "Này sư huynh, Thế Tôn đã bỏ đi rồi. Ngài đi một mình. Sao sư huynh và thầy thị giả Nagita không đi theo Thế Tôn để chăm sóc cho ngài. Nếu hai sư huynh không đi thì chúng tôi đi vậy". Con đáp "Nếu Thế Tôn đi mà không cho ai biết là vì ngài muốn đi một mình. Chúng ta không nên quấy rầy ngài". Sau đó khoảng sáu tháng, một số huynh đệ lại tới nói với con "Này sư huynh, lâu nay chúng mình không được nghe Thế Tôn dạy bảo, không được nghe Giáo Pháp trực tiếp từ kim khẩu của bậc giác ngộ. Chúng ta nên đi tìm ngài". Chúng con đã lên đường đi tìm Thế Tôn nhưng không được gặp. Không ai biết Thế Tôn ở đâu. Cuối cùng chúng con tìm về Sàvatthi để báo tin cho các sư huynh lớn. Chúng con nghĩ rằng thế nào Thế Tôn cũng về đây.

Khi thầy rời Kosambi, các vị khất sĩ còn cãi cọ nhau nhiều không ?

Bạch Thế Tôn, lúc ấy tình trạng còn căng thẳng lắm, còn hơn lúc Thế Tôn chưa ra đi. Không có mặt Thế Tôn, hai bên không còn e dè gì nữa, càng cãi nhau dữ dội. Không khí thật là ngột ngạt khó thở. Mỗi lần vào thành phố khất thực, chúng con lại bị giới cư sĩ hỏi han về vụ tranh chấp. Chúng con nói “Có nhiều vị khất sĩ đứng ngoài vụ tranh chấp. Xin quý vị biết cho điều đó”. Đó là điều duy nhất mà chúng con có thể làm. Dần dần giới cư sĩ bắt đầu phản ứng. Họ tìm tới tinh xá nói với các vị khất sĩ trong vụ tranh chấp "Quý thầy đã không nghe lời Phật dạy, để cho Phật phải buồn lòng mà bỏ đi. Quý thầy có trách nhiệm rất lớn. Quý thầy phải mau đi tìm Phật để xin sám hối". Ban đầu thì các thầy không chú ý tới lời cảnh cáo của giới tại gia. Nhưng sau đó giới tại gia cương quyết bảo nhau không cúng dường cho các vị có mặt trong cuộc tranh chấp. Bạch Thế Tôn, giới cư sĩ ở Kosambi có vẻ cương quyết lắm. Ngày rời Kosambi, con nghe nói là hai bên đã định ngày họp nhau lại để đi tới sự hòa giải. Con nghĩ là họ sẽ hòa giải được và sớm muộn gì họ cũng tìm về đây để xin sám hối với đức Thế Tôn.

Đức Phật quay sang các vị đại đệ tử nói :

Này các thầy, chúng ta phải tìm cách nào để từ rày về sau không còn những cuộc cãi cọ vô nghĩa lý như thế tại các trung tâm tu học nữa.

Vài ngày sau, đại đức Sàriputta được báo tin các thầy ở Kosambi đang lục tục kéo về Sàvatthi. Họ đông tới cả mấy trăm người, hiện còn ở ngoài phố. Đại đức đến trình Phật :

Bạch Thế Tôn, con nghe nói các huynh đệ ở Kosambi đã về đến phố rồi, có lẽ không bao lâu họ sẽ đến tinh xá. Bạch Thế Tôn , chúng con phải đối xử với các huynh đệ đó như thế nào ?

Thì các thầy cứ đối xử đúng theo Chánh Pháp.

Bạch Thế Tôn, đúng theo Chánh Pháp nghĩa là sao ? Xin Thế Tôn chỉ dạy cho.

Này Sàriputta, thầy mà cũng còn hỏi một câu như thế sao ?

Đại đức Sàriputta im lặng. Vào lúc đó các thầy Moggallàna, Mahàkassapa, Kaccàna, Kotthita, Kappina và Anuruddha cũng vừa tới tịnh thất của Phật. Các thầy hỏi :

Bạch Thế Tôn, các huynh đệ ở Kosambi sắp về tới. Chúng con phải đối xử với các huynh đệ đó như thế nào ?

Thì các thầy cứ đối xử đúng theo Chánh Pháp.

Các thầy đưa mắt nhìn đại đức Sàriputta. Đại đức chỉ mỉm cười. Phật nhìn các vị đại đệ tử, rồi chẫm rãi nói:

Các thầy không nên có thành kiến đối với bất cứ ai, đối với bất cứ bên nào. Các thầy nên bình tĩnh lắng tai nghe cả hai bên. Thấy điều nào đúng với Chánh Pháp thì nên khen ngợi, khuyến khích. Thấy điều nào không đúng với Chánh Pháp thì nên tìm cách giải thích cái tai hại của nó và khuyên nên sửa đổi. Hành động đúng với Chánh Pháp là thân hành, khẩu hành, ý hành đều thể hiện tâm từ bi dù trước mặt hay sau lưng, cùng chia sẽ với nhau thức ăn và vật dụng, cùng tôn trọng các giới luật chung, diệt trừ năm triền cái, ly dục, ly bất thiện pháp, nương theo Bát Chánh Đạo để thành tựu các Thánh hạnh. Những tư tưởng, lời nói, hành động đúng với Chánh Pháp luôn luôn đem lại sự an lạc, thanh tịnh, giải thoát. Những tư tưởng, lời nói, hành động do tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, kiến thủ ... xúi giục, thường mang đến sự bất hòa, tranh cãi, buồn khổ, sân hận, là những điều không đúng với Chánh Pháp, nên xa lánh, diệt trừ. Điều quan trọng là phải khéo léo nói thế nào cho mỗi bên nhìn nhận chỗ sai của họ cần phải sửa đổi thì mới mong hòa giải được.

Vừa lúc ấy, các vị thí chủ lớn của tinh xá cùng đi với cư sĩ Sudattà Anàthapindika cũng vừa tới nơi. Ông Sudattà hỏi :

Bạch Thế Tôn, những vị khất sĩ ở Kosambi sắp tới. Chúng con phải đối xử với các vị ấy như thế nào ? Chúng con nên cúng dường hay không nên cúng dường ? Nếu cúng dường thì nên cúng dường bên nào ?

Quý vị nên cúng dường cả hai bên. Và nên tỏ ý yểm trợ và tán thán mỗi khi có người nói lên những điều đúng với Chánh Pháp.

Ngay lúc ấy, đại đức Ànanda bước vào báo tin các thầy ở Kosambi đã đến cổng tinh xá đầy đủ, nhưng còn chưa dám vào. Đại đức Sàriputta nói :

Bạch Thế Tôn, con có nên mở cửa cho họ vào không ?

Nên mở cửa cho họ vào.

Rồi con giải quyết thế nào về nơi ăn chốn ở của họ ?

Thầy nên sắp xếp cho hai phe ở riêng ra hai bên.

Theo lệnh của đại đức Sàriputta, các thầy tri khách mở cửa đón tiếp các vị khất sĩ từ Kosambi tới. Các vị được sắp xếp chỗ ở và các tiện nghi đồng đều như tất cả mọi người. Tất cả mọi việc đều được diễn tiến trong im lặng.

Sáng ngày hôm sau, tất cả các vị mới đến đều được đại đức Sàriputta phân chia thành từng nhóm và chỉ định họ đi khất thực ở từng địa phương khác nhau để hai phe đối nghịch khỏi đụng độ nhau. Buổi chiều, các thầy ngỏ ý xin đại đức Sàriputta dàn xếp cho họ được làm lễ sám hối với Phật. Đại đức nói :

Theo tôi nghĩ, việc sám hối với đức Thế Tôn không phải là điều tiên quyết. Việc quan trọng nhất là các huynh đệ nên dàn xếp với nhau để đi đến hòa giải. Khi các huynh đệ đã hòa giải với nhau xong rồi thì lễ sám hối mới có ý nghĩa và mới có tánh cách chân thật. Tôi đề nghị hai bên huynh đệ nên có phiên họp hòa giải với nhau trước. Nên xem hòa khí giữa các khất sĩ trong giáo đoàn và việc tu học để đạt đến giải thoát là chuyện sinh tử tối quan trọng. Còn những việc nhỏ nhặt khác, các huynh đệ nên hỷ xả để tâm ý được nhẹ nhàng thanh tịnh, dễ dàng cho việc thực hành thiền quán.

Tối hôm ấy, vị kinh sư chủ chốt trong cuộc tranh cãi tìm tới vị luật sư hay cố chấp. Thầy chắp tay đảnh lễ rồi quỳ xuống tác bạch :

Bạch đại đức, tôi xin công nhận là tôi đã phạm giới, và sự kết tội của đại đức vào mùa hè năm ngoái là đúng luật. Tôi xin thành tâm sám hối trước đại chúng để được trở lại tình trạng giới thể thanh tịnh.

Vị kinh sư làm được như vậy vì thầy không thấy có lối thoát nào khác. Thầy sẵn sàng hy sinh tự ái để đem lại hòa khí cho giáo đoàn. Biết thế, vị luật sư liền phản ứng một cách mau lẹ. Thầy cũng quỳ xuống trước vị kinh sư và nói :

Tôi cũng xin sám hối với đại đức là tôi đã thiếu khiêm nhượng và khéo léo trong vụ này. Xin đại đức từ bi chứng minh cho tấm lòng thành khẩn của tôi.

Ngay sau đó đại đức Sàriputta triệu tập đại chúng đến giảng đường, rồi đại đức thỉnh Phật đến chứng minh lễ phát lồ sám hối. Hai đại đức kinh sư và luật sư đồng bước ra đảnh lễ Phật và cầu sám hối trước đại chúng. Phật nói :

Này hai thầy, hôm nay cả hai thầy đều tự nhận thấy lỗi mình, đồng làm lễ phát lồ sám hối trước Như Lai và đại chúng, là một điều rất tốt. Như Lai hoan hỉ chứng minh cho hai thầy được phục hồi giới thể thanh tịnh. Này các vị khất sĩ, việc không hay vừa xảy ra cũng là một kinh nghiệm quý báu cho toàn thể quý vị, từ nay về sau các thầy nên cố tránh đừng để xảy ra một chuyện đáng tiếc như thế nữa.

Ngay sau đó lễ Uposattha được tiến hành và Giới Bổn (Pàtimokkha) được đọc tụng trong khung cảnh trang nghiêm thường lệ.

Ai nấy đều thở phào, nhẹ nhỏm, nhất là các vị khất sĩ từ Kosambi đến, trong số đó có nhiều thầy chưa bao giờ dính líu đến cuộc tranh chấp. Tuy vậy, phải cần một thời gian nữa thì vết thương mới có thể lành hẳn.

Thất Diệt Tránh Pháp (Saptadhikarana samatha)[3]

Theo đề nghị của đại đức Mahàkassapa, một cuộc hội họp được tổ chức tại giảng đường Kùtàgàra. Mục đích của buổi họp là để rút tỉa kinh nghiệm và đề ra những nguyên tắc để ngăn ngừa và giải quyết những cuộc tranh chấp có thể xảy ra trong giáo đoàn. Đại đức Mahàkassapa làm chủ tọa buổi họp.

Mở đầu buổi họp, đại đức Mahàkassapa yêu cầu thầy Anuruddha trùng tuyên pháp chế Lục Hòa mà đức Thế Tôn đã dạy tại công viên Pàcìnavamsa. Đó là sáu nguyên tắc sống chung hòa hợp của giới khất sĩ. Đại đức Moggallàna rất vui mừng sau khi được nghe pháp chế này. Thầy đề nghị :

Pháp chế Lục Hòa này cần được học thuộc lòng để đem phổ biến tới các trung tâm tu học khác.

Sau một thời gian dài thảo luận, các thầy đã thiết lập được bảy phương pháp để dập tắt các cuộc tranh chấp trong chúng, gọi là Thất Diệt Tránh Pháp(Sapta dhikarana samatha), như sau :

1- Hiện Tiền Tỳ Ni(sammukha vinaya): Tất cả những phát biểu về cuộc tranh chấp phải được nói ra trước đại chúng, với sự có mặt của hai bên tranh chấp.

2- Ức Niệm Tỳ Ni(sati vinaya): Trong buổi họp mặt có sự hiện diện của cả hai bên tranh chấp, các đương sự phải hồi tưởng lại những gì đã thực sự xảy ra và tuần tự trình bày tất cả những điều đó theo trí nhớ của mình, với tất cả những chi tiết, và nếu có thể thì đưa ra những bằng chứng xác thực. Đại chúng phải im lặng lắng nghe cả hai bên để có đủ dữ kiện nhận xét một cách đúng đắn và vô tư.

3- Bất Si Tỳ Ni(amudha vinaya): Hai bên đương sự phải có thiện chí hòa giải, không nên có thái độ ngoan cố. Trường hợp có đương sự nêu lên lý do là vì mình ngu dốt không biết hoặc vì vô tình phạm vào quy luật thì đại chúng phải nương vào đó mà luận án cho hai bên đều được đẹp lòng.

4- Tự Ngôn Tỳ Ni(tatsvabhaisya vinaya): Hai bên đương sự nên có thiện chí tự nhận lỗi mình để cuộc hòa giải được thực hiện dễ dàng.

5- Đa Ngử Tỳ Ni(pratijnakaraka vinaya): Sau khi đã nghe hết tất cả lời tường thuật và chứng kiến thiện chí của hai bên, đại chúng sẽ biểu quyết bằng đa số.

6- Tội Xứ Sở Tỳ Ni(yadbhuyasikiya vinaya): Án lệnh tối hậu về tội tướng và cách thức hối cải được đưa ra để đại chúng quyết định bằng phương pháp bạch tứ yết ma (jnapticaturbin karmavacana), nghĩa là đọc lớn bản án lên và đọc ba lần. Nếu sau ba lần đọc mà tất cả đều im lặng, không ai lên tiếng phản đối thì bản án lệnh có hiệu lực. Dĩ nhiên là các đương sự không có quyền phản đối, vì từ đầu đã phát nguyện tin tưởng vào phán quyết của đại chúng.

7- Thảo Phú Địa Tỳ Ni(tranastaraka vinaya): Trong buổi họp mặt hòa giải, hai vị trưởng lão đức độ được chỉ định để bảo trợ cho hai bên tranh chấp. Các vị này thường được đại chúng tôn kính và nghe lời. Các ngài thường ngồi chăm chú lắng nghe, rất ít nói, nhưng mỗi khi nói là có ảnh hưởng rất lớn. Tiếng nói của các vị trưởng lão này nhằm hàn gắn những vết thương, kêu gọi thiện chí hòa giải và tha thứ, cũng như phủ rơm cỏ lên mặt đất sình lầy để mọi người bước lên khỏi bị lấm chân.

Bảy phương pháp dập tắt tranh chấp được các vị đệ tử lớn đem trình lên Phật. Đức Phật đã hoan hỉ chấp thuận, tỏ lời khen ngợi các thầy và đồng ý đưa Thất Diệt Tránh Pháp vào giới luật.

Phật độ bà Abhirùpa Nandà[4]

Công nương Abhirùpa Nandà, dòng Sàkya, là một phụ nữ rất đẹp và rất tự hào về sắc đẹp của mình. Nhưng vừa mới đính hôn với Carabhùta không bao lâu thì vị này qua đời. Cha nàng là hoàng thân Khemaka và mẹ nàng ép nàng xuất gia. Sau khi xuất gia, bà nghe Phật giảng sắc đẹp là vô thường, là vô ngã, là nguồn gốc của đau khổ cũng như 4 uẩn (ấm) khác là thọ, tưởng, hành và thức. Bà không đồng ý. Bà thầm nghĩ "Sắc đẹp của ta ai cũng nhìn ngắm, trầm trồ, khen ngợi mà bảo là nguồn gốc của đau khổ thì không hợp lý chút nào!" Do đó bà luôn luôn tránh gặp mặt Phật và không muốn nghe pháp.

Một hôm ni trưởng Mahàpajàpati, do sự yêu cầu của Đức Phật, ra lệnh cho Abhirùpa Nandà đến giảng đường nghe Phật thuyết pháp. Bà buộc lòng phải đi theo nhưng ngồi lẫn ở phía sau cho Phật không thấy. Đức Phật muốn độ bà nên trong lúc thuyết pháp dùng thần thông cho bà thấy một thiên nữ tuyệt đẹp lối 16 tuổi ăn mặc và trang sức lộng lẫy, đẹp hơn bà rất nhiều, sắc đẹp của thiên nữ từ từ biến đổi từ 16 tuổi đến 30 tuổi, 40 tuổi, 50 tuổi, 60 tuổi, rồi lần lần đến da nhăn, má hóp, răng tóc lưa thưa, lưng còng, tay chân run rẩy, bệnh hoạn, rên siết, chết cứng, thân thể thúi rữa ... Bà Abhirùpa Nandà nhìn thấy từng giai đoạn già nua của người thiên nữ liền nghĩ đến thân mình rồi đây cũng thế. Bà cảm thấy chán chê, ghê tởm thân mình, không còn hãnh diện về sắc đẹp của mình nữa. Bỗng nghe Phật nói kệ :

“Này Rùpa Nandà,

“Thân do xương thịt máu,

“Bệnh hoạn và hôi thúi,

“Có gì gọi là đẹp ?

“Có gì đáng ngợi khen ?

“Biết thân này vô thường

“Biết thân này không sạch

“Bỏ đi không luyến tiếc

“Sống cuộc đời an lành.

Nghe xong, bà Abhirùpa Nandà liền đắc quả Tu-đà-hoàn. Ngưng một lát, đức Phật nói tiếp :

“Này Rùpa Nandà,

“Thân này không thật có,

“Là thành phố dựng lên

“Bằng thịt, gân, máu, mủ,

“Và ba trăm miếng xương,

“Chứa già nua bệnh tật.

“Kiêu hãnh và thất vọng. (Kinh Pháp Cú, bài 150)

Nghe xong, bà Abhirùpa Nandà đắc quả A-la-hán.



[1]Xem Buddhist Legends, quyển I, trang 179-180, và quyển III trang 211-213; Tiểu Bộ, Udàna IV.5; Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 2: 249; Đường Xưa Mây Trắng, trang 302-303.

[2]Xem Trung Bộ 48, 128; Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 2: 252-258; Đường Xưa Mây Trắng, trang 303-307.

[3]Xem Trung Bộ 104; Đường Xưa Mây Trắng, trang 308-310.

[4]Xem Buddhist Legends, quyển II, trang 336-339; Tiểu Bộ, Trưởng Lão Ni Kệ, kinh 19: Abhirùpa Nandà.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4887)
Còn trong tác phẩm Và khi tro bụi của nhà văn Đoàn Minh Phượng, người đọc không bước qua một cánh cửa, không đi theo một đường thẳng mà cứ bị dẫn dắt qua bao lối rẽ. Người đàn bà đi tìm cái chết, nhưng rồi cuối cùng chính chị phải tìm cách ngăn lại một cái chết khác. Mỗi người được sinh ra không phải để đi tìm cho mình một dấu chấm hết, mà là một mắt xích tạo nên dòng đời. Cho dù cuộc đời chỉ được ghi nhận bằng dòng chữ ngắn ngủi “Tôi là một đứa trẻ mồ côi....
10/04/2013(Xem: 13208)
Trên thế giới ngày nay, những sách vở nói về các vấn đề huyền linh có rất nhiều, sau khi sưu tầm sự thật về những bậc làm cho tôi cảm thấy khích lệ tinh thần để trình bày kinh nghiệm riêng của tôi về những đấng Chân Sư của Phương Đông. Trong những chương sách này, tôi không có ý diễn tả một tín ngưỡng hay một tôn giáo nào. Tôi chỉ đưa ra một tóm lược những kinh nghiệm cá nhân của mình về các đấng Chân Sư, để trình bày những chân lý căn bản trọng đại trong giáo lý của ngài.
10/04/2013(Xem: 10069)
Người du khách cuối cùng đã về; người hướng dẫn viên cuối cùng đã lập lại đến cả ngàn lần những điều hiểu biết của mình để giới thiệu cho du khách ngoại quốc về xứ cổ Ai Cập.
10/04/2013(Xem: 15489)
Theo truyền thuyết Ấn giáo, thần Vishnu có lần hoá sinh làm một vị vương tử sống bên bờ sông Hằng. Tên ông là Ravana. Ravana có một người con trai tên Dasa. Mẹ Dasa chết sớm, vương tử cưới một người vợ khác. Sau khi người đàn bà đẹp và tham vọng này sinh được một con trai, bà đâm ra thù ghét Dasa. Bà muốn cho Nala, con mình kế vị, nên âm mưu chia rẽ cha con Dasa, và chờ cơ hội thanh toán cậu bé.
10/04/2013(Xem: 15960)
Tập: Bàn về Tây Du Ký này viết sau khi đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh trình chiếu bộ phim "Tây Du Ký". Dương Khiết đạo diễn. Tập này được soạn giả xe là Hoa Ngọc lan, tập Ba; tiếp theo Hoa Ngọc Lan, tập Một, xuất bản năm 1998. Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh; Hoa Ngọc Lan, tập Hai, xuất bản tháng 03 năm 2000, Nhà Xuất bản Tôn Giáo.
10/04/2013(Xem: 14757)
Điều nầy khiến người viết " Bàn về Tiểu Thuyết Kim Dung " đi tìm lại các cảm xúc của mình khi mải mê đọc võ hiệp Kim Dung vào thập niên 60, đặc biệt là cảm xúc về Phật học, về Văn hoá và Giáo dục. Người viết chỉ có một nguyện vọng khiêm tốn là nói lên một tiếng nói trân trọng về những gì tốt đẹp mà Kim Dung đã cống hiến cho độc giả bốn phương.
10/04/2013(Xem: 15152)
BẰNG TẤT CẢ TẤM LÒNG Thích Chân Tính Nhà Xuất Bản Thuận Hoá - Huế 1996
10/04/2013(Xem: 7935)
Quyển Hồi Ký này của tu sĩ Yogananda có một giá trị độc đáo vì nó là một trong những tác phẩm nói về các bậc thánh nhân, hiền triết Ấn Độ, không phải được viết ra bởi một ký giả hay văn sĩ ngoại quốc, mà bởi một tác giả nòi giống và cùng một nền giáo dục tâm linh với những người mà ông diễn tả. Nói tóm lại, đây là một quyển sách của một người Yogi viết về những người Yogi. Dưới hình thức một truyện trường thuật của một nhân vật tiết lộ cho chúng ta biết cuộc đời và những quyền năng lạ lùng của những bậc hiền giả của xứ Ấn. Quyển sách này có một tầm quan trọng rất lớn trong thời gian và ngoài không gian...
10/04/2013(Xem: 19201)
Ngài Triệu Châu hỏi ngài Nam Tuyền: Thế nào là đạo? Ðáp: Tâm bình thường là đạo. Một câu như thế đủ làm cửa ngỏ để chúng ta đọc tập sách này. Vì trong đây là những mẫu chuyện về các bậc cao tăng có đời sống khác lạ, . . .
10/04/2013(Xem: 14857)
Đọc “Câu chuyện dòng sông”, chúng ta sẽ thấy rằng cuộc đời đáng sống và chứa đựng muôn ngàn hương sắc tuyệt vời, mà chúng ta thường bỏ quên và đánh mất giữa đời sống thường nhật. “Câu chuyện dòng sông” là câu chuyện của mỗi người trong chúng ta; đó cũng là hình ảnh muôn thuở của trần gian và của mộng đời bất tuyệt.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]