Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

08. Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên

01/03/201420:28(Xem: 22458)
08. Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên
phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)


F- ĐỨC PHẬT THUYẾT PHÁP LẦN ĐẦU TIÊN

Sau khi chấp nhận lời thỉnh cầu của vị Phạm Thiên Sahampati về việc truyền bá Giáo Pháp, Đức Phật suy nghĩ :

Ai là người đầu tiên sẽ được thọ hưởng Giáo Pháp ? Ai là người có thể lãnh hội Giáo Pháp mau chóng nhất ? (Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 1: 10).

“Àlàra Kàlàma (vị đạo sư đầu tiên của thái tử Siddhattha) là người có học vấn, thông minh, là bậc thiện tri thức, đã lâu rồi không còn bao nhiêu cát bụi trong mắt. Hay là Như Lai sẽ truyền Giáo Pháp cho vị này trước nhứt ?

Một vị trời liền hiện ra trước mặt Đức Phật, đảnh lễ ngài và bạch rằng :

Bạch đức Thế Tôn, đạo sư Àlàra Kàlàma đã từ trần một tuần nay rồi.

Đức Phật dùng thiên nhãn kiểm nhận điều này. Rồi ngài nghĩ đến vị đạo sư thứ nhì của ngài là Uddaka Ràmaputta. Vị trời lại xuất hiện bạch rằng đạo sư Uddaka Ràmaputta vừa mới qua đời đêm hôm trước. Một lần nữa Đức Phật lại dùng thiên nhãn kiểm nhận. Rồi ngài nghĩ đến năm vị đạo sĩ rất tinh tấn, đã từng tận tâm phục vụ ngài trong sáu năm dài tu khổ hạnh. Ngài dùng thiên nhãn quan sát, nhận thấy năm vị này là Kondanna, Bhaddiya, Vappa, Mahànàma Kulika và Assajihiện đang ở tại Lộc Uyển (Vườn Nai, Migadaya), trong làng Isipatana (hiện nay là Sarnath), cách thành phố Benares (hiện nay là Varanasi) 10km về phía bắc.

1- Lên đường đi Lộc Uyển[1]

Đức Phật định dùng con đường lớn để đi từ thành phố Gayà đến thành phố Benares. Trên đoạn đường từ Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgayà) đến thành phố Gayà, có một đạo sĩ khổ hạnh tên Upaka[2]gặp Phật, hỏi :

Này đạo hữu, ngũ quan của đạo hữu thật thanh tịnh, nước da của đạo hữu thật tươi sáng. Đạo hữu xuất gia với ai ? Thầy của đạo hữu là ai ? Đạo hữu truyền bá Giáo Pháp của ai ?

Đức Phật đáp bằng bài kệ :

– “Như Lai đã vượt qua tất cả, đã thông suốt tất cả.

“Đã thoát ly tất cả mọi ràng buộc,

“Từ bỏ tất cả, không còn ái nhiễm,

“Tự mình thấu hiểu tất cả, còn gọi ai là thầy ?(Kinh Pháp Cú, bài 353)

Như Lai không có thầy,

“Không ai bằng Như Lai.

“Trên thế gian và kể cả chư thiên,

“Không ai có thể sánh với Như Lai.

“Như Lai là một vị A-la-hán trên thế gian này,

“Là một vô thượng sư;

“Tự mình thành bậc Toàn Giác,

“Tâm vắng lặng và thanh tịnh.

“Như Lai đang trên đường đến xứ Kasi

“Để chuyển bánh xe Pháp;

“Và giữa thế giới người mù,

“Như Lai sẽ gióng trống Vô Sanh.[3]

Này đạo hữu, đạo sĩ Upaka hỏi vặn, vậy phải chăng đạo hữu đã tự nhận mình là A-la-hán, là bậc quyền lực siêu phàm ?

– “Các bậc siêu phàm đều giống Như Lai,

“Đều đã tận diệt mọi ô nhiễm,

“Khắc phục tất cả những điều xấu xa tội lỗi.

“Thế nên, này Upaka, Như Lai là bậc siêu phàm.

Có thể như vậy được sao ? Có thể như vậy được sao ? Upaka cúi đầu lẩm bẩm, rồi đi rẽ sang đường tắt đến Vankahara trong khi đức Phật tiếp tục đi về hướng bắc.

Đức Phật vẫn bình thản lên đường đi Gayà, rồi đi từ Gayà đến Benares, từ Benares đến Isipatana, rồi tìm đến Lộc Uyển (Migadaya).

Theo Trưởng Lão Ni Kệ (kinh 68: Càpà) thì Upaka về sau cưới vợ là Càpà, ông rất thương yêu vợ nhưng bị vợ tiêu hết gia sãn rồi chế diễu chọc tức, ông tìm đến Phật xin xuất gia và được Phật độ, về sau đắc quả A na hàm.

2- Ông Kondanna và 4 người bạn xuất gia[4]

Đức Phật đến Lộc Uyển, thuộc làng Isipatana (hiện nay là Sarnath), vào đầu tháng ba dương lịch năm 589 trước tây lịch. Thấy Đức Phật đang từ đàng xa đi đến, năm vị đạo sĩ nhóm ông Kondanna bàn tính với nhau sẽ không đảnh lễ ngài với lòng tôn kính như xưa. Các vị ấy hiểu lầm ngài khi ngài từ bỏ lối tu khổ hạnh để thực hành lối tu trung đạo. Các vị ấy nói với nhau :

Này các đạo hữu, sa môn Gotama đang đi đến chúng ta kia. Sa môn ấy đã không bền chí cố gắng tu khổ hạnh, đã trở lại đời sống lợi dưỡng xa hoa. Sa môn ấy không đáng cho chúng ta niềm nở đón tiếp và cung kính phục vụ. Ta không nên rước bát và rửa chân y. Nhưng dầu sao ông ta cũng thuộc dòng vua chúa, chúng ta cũng nên dọn một chỗ ngồi để sẵn, nếu ông ta muốn ngồi thì cứ ngồi.

Tuy nhiên, khi Đức Phật đến gần, vẻ trang nghiêm và oai nghi của ngài tự nhiên cảm hóa năm vị đạo sĩ. Không ai bảo ai, người đến rước bát, người dọn chỗ ngồi, người đi lấy nước cho ngài rửa chân, và gọi ngài bằng "đạo hữu" (avuso, hiền giả), lối xưng hô thường dùng giữa những người bạn đạo, hoặc để người bề trên xưng hô với kẻ dưới. (Hiện nay có tháp Chaukhandi kỷ niệm nơi đức Phật gặp lại năm anh em ông Kondanna. Tháp này là một ụ đất lớn, trên đỉnh có một tháp canh xây bằng gạch).

Đức Phật mở lời khuyên dạy :

Này các Tỳ kheo (Bhikkhu, Bhiksu), không nên gọi Như Lai bằng tên hay bằng “đạo hữu”. Này các Tỳ kheo, Như Lai là bậc Thế Tôn, là đấng Toàn Giác. Này các Tỳ kheo, hãy nghe đây, Như Lai đã thành đạo quả Vô Sanh Bất Diệt. Như Lai sẽ giảng dạy Giáo Pháp giác ngộ và giải thoát. Nếu thực hành đúng theo lời chỉ dạy của Như Lai thì chẳng bao lâu các thầy cũng sẽ chứng ngộ do chính trí tuệ trực giác của quý thầy, và trong kiếp sống này quý thầy sẽ đạt được một đời sống vô cùng thiêng liêng cao cả. Chính vì muốn đi tìm đời sống cao thượng ấy mà nhiều con nhà quyền quý đã rời bỏ gia đình, sự nghiệp để sống đời không nhà cửa.

Này đạo hữu Gotama, trước kia, với bao nhiêu kỷ luật nghiêm khắc và khổ hạnh mà đạo hữu còn chưa đạt được kiến thức siêu phàm nào hoặc chứng ngộ nào xứng đáng với một vị Phật. Bây giờ đạo hữu đã từ bỏ sự cố gắng, trở về đời sống xa hoa lợi dưỡng thì làm sao đạt được một kiến thức đặc biệt siêu phàm hoặc một chứng ngộ xứng đáng với một vị Phật?

Này các Tỳ kheo, Như Lai không hề xa hoa, không hề ngưng cố gắng, và không hề trở lại đời sống lợi dưỡng. Như Lai là đức Thế Tôn, là đấng Toàn Giác. Này các Tỳ kheo, hãy nghe đây, Như Lai đã thành đạt đạo quả Vô Sanh Bất Diệt và sẽ giảng dạy Giáo Pháp giác ngộ và giải thoát. Nếu thực hành đúng theo lời chỉ dạy của Như Lai thì chẳng bao lâu các thầy cũng sẽ chứng ngộ do chính trí tuệ trực giác của quý thầy, và trong kiếp sống này quý thầy sẽ đạt được một đời sống vô cùng thiêng liêng cao cả. Chính vì muốn đi tìm đời sống cao thượng ấy mà nhiều con nhà quyền quý đã rời bỏ gia đình, sự nghiệp để sống đời không nhà cửa.

Lần thứ nhì năm đạo sĩ vẫn giữ nguyên thành kiến và tỏ ý thất vọng. Đến lần thứ ba, sau khi Đức Phật lập lại lời xác nhận, năm đạo sĩ vẫn giữ vững lập trường, tỏ ý hoài nghi. Đức Phật hỏi lại :

Này các Tỳ kheo, Các thầy có biết một lần nào trước đây Như Lai đã nói với các thầy như thế không ?

Quả thật không.

Đức Phật lập lại một lần nữa rằng ngài là đấng Toàn Giác, và chính năm đạo sĩ cũng có thể chứng ngộ nếu thực hành đúng theo lời chỉ dạy của ngài.

Đó là những lời nói chân thành do chính Đức Phật thốt ra. Năm vị đạo sĩ là bậc thiện trí, mặc dù đã có thành kiến không tốt, khi nghe Đức Phật lập lại nhiều lần như vậy, cũng đã nhận định rằng Đức Phật đã thật sự thành tựu đạo quả vô thượng và có đầy đủ khả năng để hướng dẫn mình. Năm thầy bấy giờ đã tin lời Đức Phật, bèn thỉnh Đức Phật đến một nơi thanh nhàn mát mẻ, trong vườn nai, cách nơi gặp gỡ độ trên một cây số, ngồi xuống, yên lặng lắng nghe Đức Phật thuyết kinh Chuyển Pháp Luân (Dhamma cakka Pàvàttàna)[5].

3- Đức Phật thuyết kinh Chuyển Pháp Luân[6](năm -589)

Đến canh ba đêm đó, dưới ánh trăng rằm vằng vặc, Đức Phật nói :

Này các Tỳ kheo, có hai cực đoan (antà) mà hàng xuất gia (pabbajitena) phải tránh :

1- Sự xu hướng theo dục lạc các căn (Kàmasukkhallikànuyoga), vì như thế là phàm tục, thấp hèn, thô bỉ và tai hại;

2- Sự nghiêm khắc trong lối tu khổ hạnh (Attakilamathànuyoga), vì như thế là đau đớn, không xứng thánh hạnh và vô ích.

Như Lai đã từ bỏ cả hai cực đoan ấy, theo con đường Trung đạo (Majjhimà Patipadà) để phát triển nhãn quan(cakkhu), tri kiến(nàna), và tiến đến an tịnh[7](vupasamàya), trí tuệ cao siêu(abhinnàya), giác ngộ(sambodhàya), và niết bàn(nibbàna, nirvana).

Này các Tỳ kheo, thế nào là con đường Trung đạo mà Như Lai đã áp dụng để phát triển nhãn quan, tri kiến và tiến đến an tịnh, trí tuệ cao siêu, giác ngộ và niết bàn?

Đó là Bát Chánh Đạo[8], gồm có :

1- Chánh kiến(sammà-ditthi, là thấy biết sự vật đúng theo thật tướng vô thường, thật thể vô ngã, và thật tánh không của chúng; không lầm theo biên kiến, tà kiến; người có Chánh kiến là người thông hiểu Tứ Diệu Đế, biết đời là khổ nên không tham luyến, biết nguyên nhân của khổ để trừ nên không sợ chìm đắm trong sanh tử luân hồi, biết tâm tịch diệt (Niết bàn) là an lạc thanh tịnh, biết Bát Chánh Đạo là con đường giải thoát đưa đến hạnh phúc chân thật vĩnh cửu), 

2- Chánh tư duy(sammà-sankappa, là suy nghĩ đúng theo Chánh Pháp, đúng theo lý nhân duyên, để có thể mang đến an vui, hạnh phúc cho tất cả mọi người),

3- Chánh ngữ(sammà-vaca, là nói lời hòa nhã, chân chính, hợp đạo lý, hữu ích cho người nghe, hoằng pháp lợi sanh), 

4- Chánh nghiệp(sammà-kammantà, là hành động chơn chánh về thân khẩu ý, lợi mình, lợi người, giúp người hết khổ được vui),

5- Chánh mạng(sammà-ajiva, là sinh sống bằng nghề chơn chánh không xúc phạm đến thân mạng, tài sản kẻ khác), 

6- Chánh tinh tấn(sammà-vàyàma, là siêng làm điều lành, năng tránh điều ác),

7- Chánh niệm(sammà-sati, là luôn luôn nhớ các điều lành nên làm, nhớ các điều ác nên tránh, nhớ pháp môn tu tập; Chánh niệm tối cao là Vô niệm),

8- Chánh định(sammà-samàdhi, là luôn luôn giữ tâm thanh tịnh, sáng suốt, không tán loạn).

Đến đây Đức Phật giảng về Tứ Diệu Đếnhư sau :

1- Này các Tỳ kheo, đây là sự thật về Khổ(dukkha ariya sacca, Khổ đế)! Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, không ưa thích mà gặp là khổ, yêu thương mà phải xa lìa là khổ, mong cầu mà không được là khổ. Tóm lại, bám víu vào thân ngũ uẩn[9]này là khổ.

2- Này các Tỳ kheo, đây là sự thật về Khổ Tập Khởi(dukkha samudaya ariya sacca, Tập đế). Chính tham ái (tanhà) là tập khởi của khổ, là sanh khởi của khổ, là nguyên nhân của tái sanh (ponobhavika), với sự hợp tác của lòng thiết tha khao khát mong được cái này, cái kia trong cuộc sống. Chính tâm tham cầu dục lạc (kàmatanhà), tham cầu hiện sinh (bhavatanhà) và tham cầu vô sinh (vibhavatanhà) là nguyên nhân của tái sanh và đau khổ.

3- Này các Tỳ kheo, đây là sự thật về Khổ Đoạn Diệt(dukkha nirodha ariya sacca, Diệt đế). Chính là khi tâm đã hoàn toàn xa lìa và tận diệt tham ái, không còn ham muốn lợi danh, không còn chạy theo dục vọng các căn. Đó là tâm rời bỏ, từ khước, thoát ly và không luyến tiếc, không vướng mắc.

4- Này các Tỳ kheo, đây là sự thật về Con Đường Đưa Đến Hết Khổ(dukkha nirodha gamini patipada ariya sacca, Đạo đế). Chính là Bát Chánh Đạo, gồm có Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.

Đến đây đức Phật bắt đầu thực hiện Tam Chuyển Pháp Luân[10]như sau:

1.1- Đây là Khổ đế(tức là sự thật về các phiền não, đau khổ trong vòng sanh tử luân hồi, như đã giải thích ở phần Sự Thật Về Khổ).

Này các Tỳ kheo, Khổ đế này là pháp chưa từng được nghe trước đây. Chính Như Lai đã thấy, biết, hiểu, chứng nghiệm và sáng tỏ.

1.2- Đây là Khổ đế các thầy nên nhận biết(parinneyya).

Này các Tỳ kheo, Khổ đế này là pháp chưa từng được nghe trước đây. Chính Như Lai đã thấy, biết, hiểu, chứng nghiệm và sáng tỏ.

1.3- Đây là Khổ đế Như Lai đã nhận biết(parinnata).

Này các Tỳ kheo, Khổ đế này là pháp chưa từng được nghe trước đây. Chính Như Lai đã thấy, biết, hiểu, chứng nghiệm và sáng tỏ.

2.1- Đây là Tập đế(tức là sự thật về sự sanh khởi, về các nguyên nhân của phiền não, đau khổ và sanh tử luân hồi, như đã giải thích ở phần Sự Thật Về Khổ Tập Khởi).

Này các Tỳ kheo, Tập đế này là pháp chưa từng được nghe trước đây. Chính Như Lai đã thấy, biết, hiểu, chứng nghiệm và sáng tỏ.

2.2- Đây là Tập đế các thầy nên tận diệt(pahatabba).

Này các Tỳ kheo, Tập đế này là pháp chưa từng được nghe trước đây. Chính Như Lai đã thấy, biết, hiểu, chứng nghiệm và sáng tỏ.

2.3- Đây là Tập đế Như Lai đã tận diệt(pahinam).

Này các Tỳ kheo, Tập đế này là pháp chưa từng được nghe trước đây. Chính Như Lai đã thấy, biết, hiểu, chứng nghiệm và sáng tỏ.

3.1- Đây là Diệt[11]đế(tức là sự thật về khổ chấm dứt, về niết bàn an lạc thanh tịnh, là chân hạnh phúc, như đã giải thích ở phần Sự Thật Về Khổ Đoạn Diệt).

Này các Tỳ kheo, Diệt đế này là pháp chưa từng được nghe trước đây. Chính Như Lai đã thấy, biết, hiểu, chứng nghiệm và sáng tỏ.

3.2- Đây là Diệt đế các thầy nên chứng ngộ(sacchikatabba).

Này các Tỳ kheo, Diệt đế này là pháp chưa từng được nghe trước đây. Chính Như Lai đã thấy, biết, hiểu, chứng nghiệm và sáng tỏ.

3.3- Đây là Diệt đế Như Lai đã chứng ngộ(sacchikatam).

Này các Tỳ kheo, Diệt đế này là pháp chưa từng được nghe trước đây. Chính Như Lai đã thấy, biết, hiểu, chứng nghiệm và sáng tỏ.

4.1- Đây là Đạo đế(tức là Bát Chánh Đạo, như đã giảng ở phần đầu kinh này).

Này các Tỳ kheo, Đạo đế này là pháp chưa từng được nghe trước đây. Chính Như Lai đã thấy, biết, hiểu, chứng nghiệm và sáng tỏ.

4.2- Đây là Đạo đế các thầy nên thực hành(bhavetabba).

Này các Tỳ kheo, Đạo đế này là pháp chưa từng được nghe trước đây. Chính Như Lai đã thấy, biết, hiểu, chứng nghiệm và sáng tỏ.

4.3- Đây là Đạo đế Như Lai đã thực hành(bhavitam).

Này các Tỳ kheo, Đạo đế này là pháp chưa từng được nghe trước đây. Chính Như Lai đã thấy, biết, hiểu, chứng nghiệm và sáng tỏ.

Rồi để kết thúc phần “Tam Chuyển Pháp Luân”, Đức Phật nói :

Này các Tỳ kheo, nếu Như Lai chưa hoàn toàn thấu triệt Bốn Thánh Đế này về ba phương diện[12]và mười hai phương thức[13]một cách hoàn toàn sáng tỏ thì Như Lai đã không xác nhận trước thế gian này gồm cả chư thiên, Ma Vương, Phạm Thiên, đạo sĩ, giáo sĩ, trời và người rằng Như Lai đã đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác(Anuttara Sammà Sambodhi).

“Này các Tỳ kheo, đến khi Như Lai đã hoàn toàn thấu triệt Bốn Thánh Đế này về ba phương diện và mười hai phương thức một cách hoàn toàn sáng tỏ thì Như Lai mới xác nhận trước thế gian này gồm cả chư thiên, Ma Vương, Phạm Thiên, đạo sĩ, giáo sĩ, trời và người rằng Như Lai đã đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác .

Và lúc ấy tri kiến và tuệ giác (nànadassana) phát sanh : Tâm Như Lai được giải thoát một cách vững chắc, không còn lay chuyển. Đây là lần giáng sanh cuối cùng của Như Lai, Như Lai sẽ không bao giờ tái sanh nữa.

Đức Phật giảng xong, năm vị Tỳ kheo vui mừng tán dương lời dạy của đức Thế Tôn. Ngài Kondanna liền chứng được pháp nhãn thanh tịnh[14](dhammacakkhu) và ngài thấy rằng “Cái gì có sanh tất phải có diệt[15].

Lúc Đức Phật chuyển Pháp Luân, chư thiên trên quả địa cầu hoan hô : “Pháp Luân này quả thật tuyệt diệu ! Không có đạo sĩ, giáo sĩ, chư thiên, Ma Vương hoặc Phạm Thiên nào trên thế gian có thể giảng được như đức Thế Tôn đã giảng tại Lộc Uyển trong làng Isipatana, gần Benares”.

Nghe như vậy, chư thiên ở các cung trời Tứ Đại Thiên Vương (Càtum Mahà Ràjika), Đao Lợi (Tàvatimsa), Dạ Ma (Yama), Đâu Suất Đà (Tusita), Hóa Lạc (Nimmanarati), Tha Hóa Tự Tại (Paranimmitavàsavatti), và chư Phạm Thiên ở các cõi trời Phạm Chúng thiên (Brahmà Parisajja), Phạm Phụ thiên (Brahmà Purohita), Đại Phạm thiên (Mahà Brahmà), Thiểu Quang thiên (Parittabha), Vô Lượng Quang thiên (Appamanabha), Quang Âm thiên (Abhassara), Thiểu Tịnh thiên (Parittasubha), Vô Lượng Tịnh thiên (Appamanasubha), Biến Tịnh thiên (Subhakinha), Quảng Quả thiên (Vehapphala), Vô Tưởng thiên (Asanna), Vô Phiền thiên (Aviha), Vô Nhiệt thiên (Atapa), Thiện Kiến thiên (Sudassana), Thiện Hiện thiên (Sudassa) và Sắc Cứu Kính thiên (Akanittha) cũng đồng thanh hoan hô.

Trong khoảnh khắc ấy tiếng hoan hô vang dội, làm cho cả mười ngàn thế giới thuộc cõi Phạm Thiên đều rung chuyển mạnh mẽ. Một hào quang rực rỡ chiếu sáng thế gian. Đức Thế Tôn liền nói: “Kondanna quả đã giác ngộ ! Kondanna quả đã giác ngộ !”. Do đó ngài Kondanna có tên là Anna Kondanna (A Nhã Kiều Trần Như), có nghiã là “Kondanna là người đã giác ngộ”. (Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 1: 17).

Qua ngày hôm sau, lúc đức Phật thuyết pháp cho hai vị Tỳ kheo thì ba vị kia đi khất thực, rồi đến giờ ngọ chia ra cho sáu người ăn. Ngày kế thay phiên nhau, hai vị đi khất thực, ba vị ngồi nghe Phật thuyết pháp.

4- Đức Phật thuyết kinh Vô ngã tướng[16]

Năm ngày sau, cũng tại Lộc Uyển, đức Thế Tôn giảng kinh Vô ngã tướng (Anattà lakkhana sutta) cho năm vị Tỳ kheo đầu tiên như sau :

Này các Tỳ kheo, sắc thân (rùpa) không có ngã tướng (vô ngã, anattà). Này các Tỳ kheo, nếu sắc thân có ngã tướng thì sắc thân không phải chịu đau khổ, bệnh hoạn, già nua, hoại diệt. “Thân ta có thể như thế này, thân ta cũng có thể không phải như thế này”, cả hai trường hợp đều có thể được. Nhưng vì sắc không có ngã, nên sắc phải chịu khổ, và không thể xác định “Thân ta là thế này, thân ta không phải thế này”.

Cũng vậy, này các tỳ kheo, thọ (vedanà), tưởng (sanna), hành (Samskhàrà) và thức (vinnàna) cũng đều vô ngã, không có thật thể. Cả năm uẩn đều luôn luôn biến đổi không ngừng.

“Vậy, này các Tỳ kheo, các thầy nghĩ thế nào ? Thân này là thường hay vô thường ?

Bạch đức Thế Tôn, là vô thường (anicca).

Cái gì vô thường là hạnh phúc hay đau khổ ?

Bạch đức Thế Tôn, là đau khổ.

Vậy, có hợp lý chăng, nếu nghĩ đến cái gì vô thường, đau khổ và tạm bợ với ý tưởng : "Cái này của tôi; cái này là tôi; cái này là bản ngã của tôi" ?

Bạch đức Thế Tôn, chắc chắn là không hợp lý.

Cũng vậy, này các Tỳ kheo, thọ, tưởng, hành và thức đều là vô thường và đau khổ. Có hợp lý chăng, nếu nghĩ rằng những cái vô thường, đau khổ và tạm bợ đó là "của tôi, chính tôi, bản ngã của tôi" ?

Bạch đức Thế Tôn, chắc chắn là không hợp lý.

Như vậy, này các Tỳ kheo, đối với tất cả sắc thân, dù ở quá khứ, hiện tại hay vị lai, dù ở trong hay ở ngoài, thô kệch hay vi tế, thấp hay cao, xa hay gần, các thầy đều nên nhận thức đúng với thực thể của nó : “Thân này không phải của tôi(n'etam mama),thân này không phải là tôi(n'eso h'amasmi), thân này không phải là bản thể của tôi(na me so attà).”

“Tất cả thọ, tưởng, hành, thức, dù ở quá khứ, hiện tại hay vị lai, dù ở trong hay ở ngoài, thô kệch hay vi tế, thấp hay cao, xa hay gần, các thầy đều nên nhận thức đúng với thực thể của chúng : “Những thứ này không phải của tôi, những thứ này không phải là tôi, những thứ này không phải là bản thể của tôi.”

“Bậc thánh đệ tử nhận thức được như vậy sẽ nhàm chán sắc thân, thọ, tưởng, hành, thức; xa lìa năm uẩn nhơ nhớp, và được giải thoát khỏi mọi ràng buộc. Vị ấy sẽ tự biết rõ ràng "Ta đã được giải thoát, không còn tái sanh nữa, đời sống phạm hạnh đã được thành tựu, những điều phải làm đã làm xong, không còn trở lại trạng thái này nữa”.

Trong lúc đức Phật giảng kinh này, hai ông Vappa và Bhaddiya giác ngộ trước, kế đến hai ông Mahànàma Kulika và Assaji. Lúc giảng xong, năm vị Tỳ kheo hân hoan tán dương lời dạy của ngài. Tất cả năm vị đều được pháp nhãn thanh tịnh, giải thoát khỏi mọi ràng buộc, đắc quả A-la-hán. Đức Phật bèn làm lễ xuất gia cho năm vị như sau : “Hãy đến đây, này các Tỳ kheo ! Giáo Pháp đã được giảng dạy đầy đủ, các thầy hãy sống đời tu hành thánh thiện để chấm dứt mọi đau khổ.” (Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 1: 18,19).

5- Ông Yasa và 4 người bạn xuất gia[17]

Tại thành phố Benares (hiện nay là Varanasi), có một thanh niên tên Yasa, con nhà giàu sang danh giá. Chàng sống trong cảnh xa hoa phung phí. Một buổi sáng, chàng dậy sớm hơn mọi khi, nhìn thấy các nàng hầu thiếp nằm ngủ ngổn ngang bừa bãi thì lấy làm nhờm chán. Ấn tượng ghê tởm này luôn luôn ám ảnh chàng. Toàn thể đền đài nguy nga tráng lệ bây giờ đối với chàng chỉ còn là một nơi tối tăm buồn bã đầy dẫy những hình ảnh thô kịch xấu xa. Nhận thức tánh cách tạm bợ của đời sống phàm tục, Yasa bỏ nhà ra đi, mong tìm được ánh sáng của một đời sống cao thượng. Chàng vừa đi vừa than thở “Thống khổ thay cho tôi ! Đọa đày thay cho tôi !”. Vô tình chàng vượt qua sông Varuna[18](nay là sông Barna), đi lần đến Isipatana, nơi Đức Phật tạm ngụ sau khi độ năm vị Tỳ kheo đắc quả A-la-hán.

Yasa đến nơi vào sáng sớm, lúc Đức Phật đang đi kinh hành. Hôm ấy nhằm ngày thứ sáu sau khi Đức Phật chuyển pháp luân. Thấy chàng từ xa đến, Đức Phật bước ra ngoài đường kinh hành và ngồi lại một nơi đã dọn sẵn. Yasa đi đến nơi, miệng vẫn than “Thống khổ thay cho tôi ! Đọa đày thay cho tôi !”. Đức Phật lên tiếng :

Nơi đây không có thống khổ, nơi đây không có đọa đày. Này Yasa ! Hãy đến đây ! Hãy ngồi xuống đây, Như Lai sẽ giảng Giáo Pháp cho ông.

Yasa ngạc nhiên nghe có người gọi tên mình; nhìn lại thấy Đức Phật đang ngồi trang nghiêm tĩnh tọa, liền cúi xuống tháo đôi giày trang trí bằng vàng ra, đến trước Phật, cung kính đảnh lễ rồi ngồi lại một bên, thưa :

Kính thưa đạo sư, con khổ quá ! Kính mong đạo sư giải khổ cho con !

Sau vài lời thăm hỏi, Đức Phật bắt đầu giảng về hạnh bố thí (dana), giới hạnh (sìla), những cảnh trời (sagga), những tai hại của nhục dục ngũ trần (kàmadinava), phước báo của đời sống xuất gia (nekkhamma nisamsa). Đến khi nhận thấy tâm của Yasa bắt đầu thuần thục và sẵn sàng lãnh hội giáo lý cao siêu, ngài giảng về Bốn Thánh Đế. Sau khi nghe Đức Phật giảng xong, ông Yasa liền đắc quả Tu-đà-hoàn (Sotàpatti).

Mẹ của Yasa là người đầu tiên phát giác sự vắng mặt của con. Bà báo cho chồng. Nhà triệu phú liền ra lịnh cho người nhà cỡi ngựa đi tìm khắp nơi, riêng ông đi về hướng Isipatana. Khi nhận ra dấu giày của con in trên đất, ông dò lần đến nơi. Thấy ông từ xa đến, Đức Phật dùng thần thông không cho ông nhận thấy con. Nhà triệu phú đến gần Đức Phật, cung kính hỏi thăm ngài có thấy con ông là Yasa không. Đức Phật bảo :

Này ông ! Hãy ngồi lại đây ! Ông sẽ được gặp mặt con của ông.

Nhà triệu phú lấy làm mừng rỡ, vâng lời ngồi xuống. Đức Phật giảng cho ông một thời pháp đơn giản theo thứ lớp như đã giảng cho Yasa. Ông rất hoan hỉ thưa rằng :

Lành thay ! Lành thay ! Bạch đức Thế Tôn, cũng tựa hồ như người kia dựng lại ngay ngắn một vật nghiêng ngã, hay khám phá ra một vật được dấu kín, hay chỉ đúng đường cho người đi lạc, hay cầm đèn soi sáng trong đêm tối cho người có mắt trông thấy ! Đức Thế Tôn dùng nhiều phương thức thuyết giảng Giáo Pháp cũng như thế. Bạch đức Thế Tôn, con xin quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng. Xin đức Thế Tôn thâu nhận con vào hàng thiện tín cư sĩ. Xin ngài cho phép con nương tựa nơi Tam Bảo từ nay cho đến giờ phút cuối cùng của đời con.

Đức Phật hoan hỉ chấp thuận và truyền ban năm giới. Cha ông Yasa là người thiện nam cư sĩ (upàsaka) đầu tiên thọ lễ quy y với đầy đủ ba ngôi Tam Bảo. Khi nghe Đức Phật thuyết pháp cho cha xong, ông Yasa đắc quả A-la-hán. Vừa lúc ấy Đức Phật thâu thần thông để cho nhà triệu phú nhìn thấy con. Ông lấy làm vui mừng, thỉnh Đức Phật cùng các vị đệ tử về nhà trai tăng ngày hôm sau. Đức Phật nhận lời bằng cách làm thinh.

Sau khi ông triệu phú ra về, ông Yasa xin Đức Phật cho thọ lễ xuất gia. Đức Phật làm lễ xuất gia cho ông Yasa với những lời sau đây :

Hãy đến đây, này Tỳ kheo ! Giáo Pháp đã được Như Lai truyền dạy đầy đủ. Từ nay thầy hãy sống đời phạm hạnh thiêng liêng của bậc xuất gia để chấm dứt mọi đau khổ.

Với đại đức Yasa, tổng số các vị đệ tử xuất gia vào ngày thứ sáu sau khi Phật chuyển pháp luân là sáu vị : Kondanna (Kiều Trần Như), Bhaddiya (Bạt Đề), Vappa (Bà Phạm) còn gọi là Dasabala Kassapa (Thập Lực Ca Diếp), Mahànàma Kulika (Ma Ha Nam Câu Lỵ), Assaji (Át Bệ) và Yasa (Da Xá). Tất cả đều đắc quả A-la-hán (Arahattà).

Ngày hôm sau Đức Phật đến nhà ông triệu phú với sáu vị đệ tử A-la-hán. Mẹ và vợ của ngài Yasa đến nghe Đức Phật thuyết pháp, đắc quả Tu-đà-hoàn, xin thọ lễ quy y Tam Bảo[19]. Hai bà là hai người tín nữ cư sĩ (upàsikà) đầu tiên.

Đại đức Yasa có bốn người bạn thân tên Vimala, Subàhu, Punnaji và Gavampati. Khi bốn vị này nghe tin người bạn quý của mình đã cạo râu tóc và đắp y để sống đời không nhà cửa, không sự nghiệp, thì đến thăm và tỏ ý muốn noi theo gương lành ấy. Đại đức Yasa tiến dẫn cả bốn vị vào yết kiến Đức Phật. Sau khi nghe Phật thuyết pháp cả bốn vị đều đắc quả A-la-hán và đều xin xuất gia theo Phật. Vậy đến ngày thứ bảy, sau thời pháp đầu tiên tại Lộc Uyển, tổng số đệ tử Phật lên đến mười vị, đều đắc quả A-la-hán.



[1]Xem Đức Phật và Phật Pháp, tác giả Narada, dịch giả Phạm Kim Khánh, trang 74-77.

[2]Xem Buddhist Legends, quyển III trang 235; Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 1: 11; Trung Bộ 26, 85.

[3]Xem Trung Bộ 26: kinh Ariapariyesana; Tiểu Bộ, Trưởng Lão Ni Kệ, kinh 68: Càpà.

[4]Xem Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 1: 12; Trung Bộ 26; Tương Ưng Bộ, chương 56, kinh 11.

[5]Hiện nay ở Sarnath có tháp Chaukhandikỷ niệm nơi Phật gặp lại 5 anh em ông Kiều Trần Như, tháp Dhamekhkỷ niệm nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên, và ngôi chùa Mulagandhakuti kỷ niệm nơi thành lập Tam Bảo và nhập hạ lần đầu.

[6]Xem Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 1: 13,14,15; Lalitavistara; Buddhacarita; Trung Bộ 26; Tương Ưng Bộ, chương 42, kinh 12: Rasiya; Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 109, 112.

[7]Không còn vọng tưởng và phiền não.

[8]Xem Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 112. Tu Bát Chánh Đạo là tu Giới Định Huệ.

[9]Năm uẩnlà sắc (rùpa), thọ (vedanà), tưởng (sanna), hành (Samskhàrà), thức (vinnàna). Đó là năm yếu tố tâm lý và vật chất cấu tạo nên con người.

[10]Xem Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 1: 15,16.

[11]Chữ “Diệt” ở đây có nghiã là khổ đoạn diệt, khổ chấm dứt như thế nào.

[12]Ba phương diệnlà chính mình nhận biết, có kinh nghiệm bản thân, biết chỉ dạy cho người khác.

[13]Mỗi Thánh Đế có 3 phương diện, Bốn Thánh Đế có 12 phương thức.

[14]Pháp nhãn thanh tịnhlà một trong 3 quả vị đầu tiên (Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm). Ngài Kondanna đắc quả Tu-đà-hoàn.

[15]Pali: Yam kinci samudaya dhammam sabbam tam nirodha dhammam. (Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 1: 16).

[16]Xem The Buddha and His Teachings, trang 100-102; Tạng Luận, Đại Phẩm, tập 1: 20-24; Tương Ưng Bộ, chương 22, kinh 59: Vô Ngã Tướng (Năm Vị).

[17]Xem Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 1: 25-30; Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng kệ 117; Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 186, 187.

[18]Sông ở Ấn Độ vào mùa khô, tháng ba tháng tư dl, rất cạn, có thể đi bộ qua sông dễ dàng.

[19]Trong lễ quy y Tam Bảo, người thiện nam hay tín nữ phải đọc ba lần ba câu kinh quy y sau đây :

Buddham Saranam Gacchami (Con xin quy y Phật)

Dhammam Saranam Gacchami (Con xin quy y Pháp)

Sangham Saranam Gacchami (Con xin quy y Tăng)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/08/2014(Xem: 21204)
Nhân quả là định luật căn bản xuyên suốt quá trình thành trụ hoại diệt của tất cả chúng sinh từ đời này sang đời khác, cho đến vũ trụ, vạn vật cũng không phải tuần hành, biến dịch một cách ngẫu nhiên, vô lí, mà luôn tuân theo định luật nhân quả. Định luật này không do một đấng thần linh nào, xã hội nào đặt ra cả, mà là luật tự nhiên, âm thầm, lặng lẽ, nhưng luôn đúng đắn, chính xác, hiệu quả vô cùng.
17/08/2014(Xem: 28345)
Ngài Nam Tuyền nói: “Tâm bình thường là đạo.” Chư vị Tổ sư dùng đến vô số phương tiện cũng không ngoài việc dẫn dắt người học đạt đến tâm bình thường này. Vì thế, thiền không phải là một lãnh vực siêu nhiên vượt ngoài phạm trù ý thức thông thường như nhiều người lầm tưởng, mà trái lại chính là sự soi rọi, chiếu sáng những trạng thái tâm thức hết sức bình thường mà mỗi người chúng ta đều đã và đang trải qua trong cuộc sống thường ngày.
16/08/2014(Xem: 4448)
Đất đai phì nhiêu nhưng không ai dám khai phá do quá nhiều đỉa. Có vị sư giàu lòng thương dân đã phát nguyện dâng hiến thân xác của mình cho bầy đỉa bâu xé đổi lấy sự bình yên. Tương truyền vùng đất làng Thới Hòa (nay thuộc ấp 4, xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) vốn phì nhiêu nhưng không ai dám khai phá do quá nhiều đỉa. Có vị sư giàu lòng thương dân đã phát nguyện dâng hiến thân xác của mình cho bầy đỉa bâu xé đổi lấy sự bình yên.
15/08/2014(Xem: 9858)
Sau thời kinh, ở phương đông trời cũng vừa ửng sáng. Sa di Thiện Thiên như thói quen đi mở hết các cánh cửa sổ của chánh điện cho ánh sáng và gió sớm lùa vào. Chẳng bao lâu toàn chánh điện đã chan hòa ánh sáng báo hiệu một ngày như mọi ngày sinh hoạt của tịnh xá Ngọc Hưng. Chánh điện tịnh xá Ngọc Hưng nền tráng xi-măng, có những đường nứt thật rõ. Gần bục thờ được trải 4 chiếc chiếu nylon để tăng chúng lễ lạy hai thời công phu. Nhìn từ cuối chánh điện, tượng Đức Bổn sư Thích Ca và những đồ thờ bằng kim loại sáng bóng như mới được đánh dầu đồng trong dịp Đản Sinh vừa qua.
14/08/2014(Xem: 12220)
Thủ tướng Abe Shinzō (An Bội Tấn Tam-安倍 晋三) đã từ chức vào năm 2007, và chức Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do khi chưa làm được một năm, sau thất bại thảm hại của đảng này khi bầu cử Thượng viện. 12 tháng 9 năm 2007 : Nhiệm kỳ của ông lại bị phá hỏng vì hàng loạt cuộc từ chức của các Bộ trưởng Nội các và vụ tiết lộ về việc để mất số liệu lương hưu. Ông từ chức sau một năm tại nhiệm với lý do sức khỏe. Bảy tháng sau, Thủ tướng Abe Shinzō (An Bội Tấn Tam-安倍 晋三) bị bệnh hay quên lãng và đã thử thách mình bằng cách dùng phương pháp trị liệu "Tọa thiền" ngồi thiền tại Chùa Zenshōan (臨済宗國泰寺)một ngôi chùa thuộc Thiền phái Lâm Tế ở huyện Yanaka, Tokyo.
14/08/2014(Xem: 5770)
Mãi đến tận giờ, có lẽ ít người ngờ rằng Hòa thượng Thích Minh Châu ngoài phong cách một học giả có văn phong cổ kính, nghiêm túc và khô khan nhất trong làng Phật giáo Việt Nam, còn là một ngòi bút tân kỳ và thơ mộng đáng bậc thầy của không riêng Phật giáo. Tác phẩm Trước Sự Nô Lệ Của Con Người, xuất bản giữa thập niên 1960 đã chứng minh điều đó. Nhưng vẫn chưa hết, cái duyên ngầm trong chữ nghĩa của Hòa thượng càng kinh người hơn khi ta có dịp so sánh các bài kệ trong bản dịch Kinh Tạng với nguyên tác Pāḷi hay qua bản dịch tiếng Anh.
14/08/2014(Xem: 4455)
Vâng, tôi là một con Ma, các bạn đừng vội sợ hãi tôi không làm gì đâu! Tôi cũng giống như các bạn, chỉ khác một điều là tôi nhìn thấy được bạn nhưng bạn không có khả năng nhìn thấy được tôi. Để tiện việc xưng hô, cứ gọi tôi là Con Ma “Nửa đời chuông mõ“, cái tên cũng thánh thiện đấy chứ! Đã hết sợ tôi chưa? Nhân đọc bài “Bóng anh hùng“ của nhà văn Doãn Dũng, chuyên gia chuyển âm tư tưởng của người chết cho người sống cảm thông. Vì tôi lúc sinh thời là độc giả trung thành của tờ báo đạo Viên Giác, nên muốn tìm cô Bút Nữ Nhật Hưng để nhờ vả. Nhưng khi biết cô rất sợ ma, chỉ cần sự xuất hiện của tôi là cô đã hồn siêu phách lạc mất rồi. Do đó không còn sự lựa chọn nào khác hơn là tìm cô Hoa Lan để “chọn mặt gửi lời“, cái người dám tuyên bố câu “không sợ ma chỉ sợ người“.
12/08/2014(Xem: 7502)
Ngày nọ, một đứa trẻ hỏi cha nó : -“Thưa cha, sau này con phải sống làm sao cho được lòng khen ngợi của mọi người ?” Người cha thấy con mình còn nhỏ tuổi mà đã biết suy nghĩ như thế, trong lòng không khỏi lâng lâng vui mừng. Buổi sáng đi làm việc, ông gọi con đi theo, để cho nó có dịp được học hỏi.
25/07/2014(Xem: 12030)
Mùa An Cư Kiết Hạ lại về, đặc biệt lần này Giáo Hội Úc Châu sẽ tổ chức kỳ thứ 15 tại Tu Viện Quảng Đức của thành phố Melbourne đáng yêu, với số người Việt đông vào hạng nhất nhì của xứ Úc. Đấy cũng là mùa Vu Lan, mùa báo hiếu với một biểu tượng không thể thiếu là Ngài đại hiếu Mục Kiền Liên. Ngài là ai mà nổi tiếng đến thế! Từ già đến trẻ, ai cũng thuộc điển tích “Mục Liên vào địa ngục đưa cơm cho mẹ, nhưng than ơi cơm hóa than“, đã biết bao nhạc sĩ phổ nhạc và biết bao soạn giả dàn dựng những vở tuồng cải lương về lòng hiếu thảo của Ngài đã lấy bao nước mắt người xem.
25/07/2014(Xem: 5563)
Những con thú dữ như cọp, beo, gấu.. bình thường thì chúng cũng biểu lộ tình cảm, lòng thương đối với con chúng sinh ra, y như các loài hiền lành khác như chim, sóc, nai ...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]