Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

07. Con đường học vấn

26/10/201309:07(Xem: 24830)
07. Con đường học vấn


Mot_Cuoc_Doi_01
07. Con Đường Học Vấn




Hôm kia, đức vua Suddhodana nói chuyện với hoàng hậu Mahā Pajāpati Gotamī:

- Hậu có thấy không! Trẫm cảm thấy rất lo ngại vì trẻ Siddhattha không giống với mọi trẻ con khác. Nó lúc nào cũng lặng lẽ, ít nói. Giữa cuộc vui không bao giờ nó cười nói quá lớn tiếng. Nó thích ngồi một mình. Khó ai có thể biết được trong đầu óc nhỏ bé, xinh xắn ấy đang suy nghĩ chuyện gì?

Hoàng hậu Gotamī góp ý:

- Siddhattha đã tám tuổi mà hoàng thượng vẫn không cho nó gặp gỡ, chơi đùa với bọn trẻ con các vị hoàng thân. Nó cô độc, nó buồn là phải.

Đức vua Suddhodana lắc đầu:

- Ta lại nghĩ khác. Giữa bọn trẻ cùng lứa, nó như là một con phượng hoàng. Cốt cách của nó quí phái và cao sang quá. Nó sau này xứng đáng làm một vị Chuyển luân Thánh vương; và đấy cũng là mơ ước của các vì tiên đế dòng Sākya hùng mạnh.

Hoàng hậu Gotamī cất giọng nhu thuận:

- Siddhattha đã đến tuổi học vỡ lòng.

- Đúng vậy! Đức vua gật đầu - Ta đang nghĩ đến một sự giáo dục riêng biệt, độc lập! Nó phải được một sự giáo dục đặc biệt để chuyển hóa nhân cách, thăng hoa phẩm chất. Giáo dục cũng có thể thay tâm đổi tánh, thay đổi cả định mạng con người, hà huống một vài cá tính lặng lẽ, trầm mặc không đáng kể?

Hẳn nhiên, khi nói như vậy là đức vua đang bị ám ảnh bởi lời tiên tri của đạo sĩ Asita và bà-la-môn Koṇḍañña. Nền giáo dục mà theo đức vua nghĩ, là làm sao cho thái tử biết mến trọng ngôi cao, biết yêu quý sơn hà xã tắc để từ bỏ ý định ngông cuồng xuất gia tìm đạo. Bà Gotamī lại nghĩ khác. Thái tử còn thơ nên phải cho sống như tuổi thơ. Phải cho thái tử cùng đi chơi đùa với bọn trẻ, cho thái tử được sống đời hồn nhiên nô đùa, chạy nhảy, ca hát, cười reo. Chính ghép mình vào đời sống không giao tiếp với ai thì Siddhattha càng hun đúc thêm cá tính trầm mặc, càng thu rút mình lại; vừa đánh mất sự hồn nhiên của tuổi thơ, vừa đẩy Siddhattha xa rời ngai vàng hơn nữa. Nhưng bà không dám nói. Ý của vua là vô thượng chí tôn!

Sáng ngày, trong buổi thiết triều, đức vua Suddhodana nói với bá quan:

- Nay Siddhattha đã lên tám, quả nhân muốn chọn một vị phụ đạo để chăm lo giáo dục cho thái tử, vậy chư khanh hãy tiến cử cho quả nhân một vị bác học hiền tài.

Sau một hồi thảo luận, bá quan đồng thanh kết luận:

- Tâu đại vương! Trong quốc độ chỉ có bà-la-môn Svāmitta mới xứng đáng nhận lãnh trọng trách này. Vị ấy tài cao bác học, văn võ tinh thông, kinh điển nằm lòng, còn là nhà ngôn ngữ, đo lường, thiên văn, địa lý, y thuật... nữa. Điều đáng quí hơn, vị ấy đạo đức nghiêm minh, sống đời không nhiễm thế tục, khiêm nhu, hiền thiện... mà danh thơm, tiếng tốt như hoa mạn-đà-la dịu dàng lan tỏa ra khắp muôn phương.

Đức vua Suddhodana gật đầu hài lòng:

- Được rồi, thật là quí báu. Hoàng nhi của trẫm phải có được bậc thầy lỗi lạc như vậy. Cả đức và tài phải bao trùm thiên hạ như vậy.

Một vị lão thần chợt đứng dậy tâu:

- Bà-la-môn Svāmitta là bác học của những nhà bác học. Nhưng giáo dục cho thái tử tôn quí sau này trở thành một đấng Minh vương thì phải cần có một hội đồng giáo sư, đại vương mới yên tâm được.

- Đúng thế! Đức Suddhodana tỏ lời khen ngợi - khanh thật là chu đáo, quả là kiến thức của một bề tôi lương đống. Thôi, các khanh hãy cứ thế mà làm!

Sớm mai kia, một bà-la-môn quắc thước, tinh anh, tóc bồng như mây, ăn mặc giản dị, tươm tất xuất hiện trước vương cung. Đức vua Suddhodana cho người cung đón vào triều, nói rõ mục đích của học vấn và những yêu cầu nghiêm túc khác. Bà-la-môn kính cẩn lắng nghe rồi khẽ cúi đầu khiêm tốn:

- Hạ thần sẽ cố gắng hết sức mình, tâu đại vương!

- Còn việc bổng lộc thì khanh chớ lo. Trẫm cũng khá chu đáo và rộng rãi về điều ấy, miễn là thái tử trở nên người xuất chúng về mọi lãnh vực.

- Hạ thần không dám!

Ngay lúc ấy, thân vương Amitodana dẫn vào ra mắt tám thầy bà-la-môn khác, trình với đức vua đây là những phụ tá, mỗi vị uyên bác, sở trường từng môn học khác nhau.

Ngắm nhìn các thầy bà-la-môn, vị nào trán cũng rộng phẳng, mắt sáng có thần, phong thái, cử chỉ đều thanh nhã, cái nhìn vững chắc và trầm lặng, biểu hiện một học vấn uyên thâm; đức vua vô cùng đẹp dạ. Ngài phán lệnh truyền cho làm ngay một bữa tiệc nhẹ để thết đãi hội đồng giáo sư rồi phó thác thái tử Siddhattha cho các thầy trông nom. Đức vua gọi thị nữ thỉnh lệnh bà Gotamī mang thái tử ra mắt các thầy dạy học.

Svāmitta và tám thầy bà-la-môn mấy năm gần đây đã nghe tin đồn như sấm dội bên tai về vị thái tử này, họ đã nắm những thông tin rất đầy đủ về sự xuất hiện của một nhân cách phi phàm nhưng chưa được diện kiến. Bây giờ tha hồ cho họ chiêm ngưỡng dung nhan vị thái tử nhỏ bé. Đây là lần thứ nhất trong đời, họ thấy được một người, như là một cái gì toàn bích, chí thiện và chí mỹ mà tạo hóa đã dày công kiến tạo nên! Dường như là mọi tinh hoa cao quý, mọi phẩm chất tối thượng của vũ trụ đều đã được chắt lọc để kết dệt nên một con người!

Svāmitta thấy rõ điều ấy mà tám thầy bà-la-môn cũng thấy được điều ấy, nên sau buổi ra mắt, họ đã cùng ngồi với nhau soạn thảo một chương trình giáo dục không phải để cho những đứa trẻ thông minh, lanh lợi - mà chỉ để dành cho những trẻ thần đồng, thiên tài bẩm sinh!

Đức vua Suddhodana, các vị thân vương như đức Dhotodana, đức Sakkedana, đức Sakkodana, đức Amitodana, đều là anh em ruột của vua, sau khi xem chương trình giáo dục mà các thầy bà-la-môn đệ trình, họ thảng thốt kêu lên rồi nói:

- Chưa một đứa trẻ nào trên thế gian này mà có thể theo đuổi được một chương trình nặng nề như vậy.

Svāmitta kính cẩn tâu:

- Xin đại vương hãy an tâm, chúng hạ thần đã được hân hạnh xem tướng mạo thái tử, đúng là một nhân cách ưu việt, muôn triệu năm mới có được một người! Chương trình này được soạn thảo sau khi chúng hạ thần đã thảo luận, bàn bạc, nghiên cứu rất kỹ càng. Trong buổi khai giảng đầu tiên, xin mời đức vua, các đức thân vương cùng các vị lão thần đến chứng minh ngày khai giảng buổi học.

Đức vua vô cùng hồ hởi chọn ngày lành tháng tốt để thái tử học lớp khai tâm.

Sáng hôm ấy, thái tử áo mão chỉnh tề, ngồi ngay ngắn, trước mặt là tấm bảng gỗ hồng đàn hương cẩn ngọc quý trên rải lớp cát trắng mịn. Thái tử tay cầm cây cọ nhỏ ngước mắt ngây thơ, thản nhiên nhìn mọi người xung quanh.

Svāmitta cung bẩm đức vua là giờ học bắt đầu. Ông ta ngắm nghía thái tử như ước lượng sự thông minh của ngài rồi trầm ngâm, lặng lẽ. Đức vua và mọi người hồi hộp chờ đợi.

Bất đồ, Svāmitta cất giọng ngâm lớn:

“- Án,

Nhập định tham thiền quán thái dương

Linh quang rỡ rỡ chiếu muôn phương

Thành tâm khẩn nguyện ơn trên xuống

Mở thức, nghe kinh hiểu tỏ tường”. (1)

Rồi ông ta đột ngột nói:

- Tâu thái tử! Xin ngài hãy đọc lại bốn câu kệ ấy xem thử thế nào?

Đức vua và mọi người đưa mắt nhìn thái tử ra chiều lo lắng. Thái tử khẽ đứng dậy, vòng tay kính cẩn nói:

- Thưa vâng, bạch thầy A-đồ-lê! (2)

Rồi thái tử đọc bốn câu kệ ấy một cách lưu loát, dễ dàng. Bất giác mọi người vỗ tay hoan hô, tán thán vui mừng.

Svāmitta dáng điệu nghiêm cẩn, thò tay cầm cây cọ viết rất nhanh và đẹp bốn câu ấy lên bảng cát trắng, rồi khẽ cúi đầu:

- Điện hạ hãy xem qua cho kỹ, sau đó hạ thần sẽ xóa đi. Và bốn câu kệ ấy, hy vọng rằng điện hạ sẽ viết lại được!

- Thưa vâng! Bạch thầy A-đồ-lê! Xin thầy hãy an tâm, đệ tử sẽ tuân lệnh và cố gắng làm như vậy.

Xong, thái tử mỉm cười, cây cọ chợt bay loang loáng trên bảng cát đã bị xóa, nét chữ vui tươi, nhí nhảnh, nhảy nhót rất linh động, thoáng là xong ngay.

Đức vua và mọi người tròn mắt, sững sờ trước trí nhớ phi thường của thái tử. Riêng Svāmitta không có vẻ ngạc nhiên gì lắm, ông khải tấu:

- Tâu đại vương! Đấy là điều mà hạ thần tiên lường được khi trông thấy dung mạo của thái tử. Vậy thì chương trình học như vậy, xin đại vương hãy chuẩn y cho!

Đức Suddhodana mỉm cười:

- Ta đồng ý. Vậy xin các khanh hãy chăm lo phận sự của mình, đừng phụ lòng trẫm.

Svāmitta và tám vị bà-la-môn đồng đứng dậy, cúi đầu. Đức vua, các vị thân vương, các vị lão thần rời phòng học với sự hân hoan chưa từng có: rằng là đất nước Sākya anh hùng đúng là vừa sanh ra được một đấng minh quân. Trong tương lai không xa, hy vọng rằng, Kapilavatthu sẽ thoát khỏi thân phận của một nước chư hầu, biết bao đời nay đã chịu lệ thuộc đế quốc Kosala hùng mạnh ở bên cạnh.

Thái tử Siddhattha thế là bắt đầu ghép mình vào một chương trình học vấn đầy khó khăn và nghiêm túc. Bà-la-môn Svāmitta phân chia môn học cho tám thầy bà-la-môn đảm trách, còn mình thì phụ trách tổng quát, theo dõi, hướng dẫn và hầu hạ thái tử trong sinh hoạt hằng ngày.

Mỗi ngày, khi trống hoàng thành vừa báo hiệu hết canh ba là thái tử đã được Svāmitta lễ độ đứng bên cửa rung chuông thức dậy. Việc đầu tiên là Svāmitta hướng dẫn nghi thức làm vệ sinh buổi sớm theo cung cách của một “tiểu hoàng đế”. Svāmitta hướng dẫn cách ngồi, cách chà răng và lưỡi, súc miệng bằng nước thơm soma. Hai thị nữ được lệnh bà Gotamī khiêng thùng nước ấm tẩm hương tắm cho thái tử, lau sạch thân thể, rỏ thuốc vào mắt. Thái tử được thay áo mới, hài và mũ mới, trang điểm bằng trân bảo và những đóa hoa tươi. Bà-la-môn Svāmitta thỉnh thái tử sang phòng tĩnh tâm, học cách điều tâm điều tức, học hattha-yoga...

Đến giờ điểm tâm, hai người thị nữ khác mời thái tử sang phòng ăn được trang trí vui tươi, mát mẻ. Những thức ăn thượng vị bày trên những đĩa vàng, đĩa bạc, hương thơm ngát và màu sắc rất gợi cảm. Svāmitta vừa định hướng dẫn cách ngồi, cách ăn của bậc vương giả thì thái tử đã chậm rãi ngồi xuống thảm, xếp bằng thế liên hoa, hai tay chắp lại. Rồi với cử chỉ từ tốn, chậm rãi, thái tử ăn từng chút một, ăn cẩn trọng, nhai nuốt cũng rất cẩn trọng. Svāmitta cảm phục quá, thốt lên:

- Cách ngồi, cách ăn của điện hạ còn linh động hơn, nghiêm túc hơn cả kinh sách từ ngàn xưa để lại!

Hoàng hậu Gotamī mỉm cười, hãnh diện:

- Tất cả đều như có sẵn từ bẩm sinh, hoàng nhi dường như không cần ai chỉ dạy điều gì cả, từ việc ngủ nghỉ, nằm, ngồi, đi, đứng...

Svāmitta nói:

- Đúng thế, thưa lệnh bà! Ngay chính những nghi thức được hướng dẫn sáng nay, thái tử cũng nắm rất rõ, thực hành rất thuần thục. Vậy, từ nay, chỉ xin lệnh bà cho thị nữ rung chuông nhắc nhở về giờ giấc mà thôi. Đúng giờ, các thầy bà-la-môn sẽ gặp thái tử ở phòng học.

Svāmitta cung kính chào lệnh bà Gotamī và thái tử rồi lui ra.

Khi ánh bình minh vừa ló dạng ở chân trời là thái tử bước vào phòng học, theo một chương trình học vấn rất nặng nề. Thời gian đầu, thái tử được học về văn chương, ngôn ngữ cùng văn phạm, cú pháp. Xen kẽ giữa chúng là các bộ môn về nghệ thuật: Thi ca, hội họa, cách sử dụng các loại đàn, xướng âm, thẩm âm... Nhưng nhận thấy sự tiếp thu dễ dàng của thái tử, Svāmitta mở rộng một chương trình thăm dò thiên tài bẩm sinh của thái tử, bằng cách cho học thêm, khái quát về các bộ môn lịch sử, tư tưởng triết học Vệ-đà, thiên văn, địa lý, y thuật, toán học, đo lường, võ học...

Thấy thầy dạy như thế nào, thái tử học chừng đó, rất thoải mái, không quên điều gì, không hỏi điều gì; lạ lùng quá, bà-la-môn Svāmitta bèn hỏi:

- Điện hạ có thấy khó khăn không?

- Dạ không, thưa thầy A-đồ-lê!

- Đêm về, điện hạ có học lại bài không?

- Dạ không, thưa thầy A-đồ-lê!

Nhăn mày khó hiểu, Svāmitta hỏi tiếp:

- Vậy thì điện hạ học xong là thuộc ngay ư?

- Thưa đúng vậy!

Svāmitta nhìn người học trò bé nhỏ lúc nào trả lời cũng vòng tay, cúi đầu, thưa gởi rất lễ độ - mà không hiểu ra làm sao cả!

Chợt thái tử hỏi:

- Tại sao các thầy A-đồ-lê lại dạy một chương trình quá ít ỏi mà không dạy cho nhiều hơn?

- Ý điện hạ muốn nói về môn học nào?

- Dạ thưa, về tất cả các môn! Dường như các thầy còn muốn giấu tài, không muốn dạy hết cho đệ tử!

- Điện hạ có thể lấy ví dụ được không?

- Dạ được! Thái tử gật đầu rồi nói tiếp - Ngay bài kệ đầu tiên mà thầy A-đồ-lê đọc, thầy A-đồ-lê chỉ đọc một bài, trong khi đó, còn không biết bao nhiêu bài kệ nổi tiếng khác ở trong cổ thư, cổ kinh... tại sao các thầy không đọc hết cho đệ tử nghe?

Nói xong, trước đôi mắt kinh dị của Svāmitta, thái tử cầm cọ viết lên bảng cát từ bài kệ này sang bài kệ khác. Viết xong lại xóa, xóa xong lại viết, liên miên bất tận trước đôi mắt càng ngày càng mở lớn của Svāmitta. Chừng năm bảy bài đầu tiên, Svāmitta còn biết, còn nhớ... nhưng càng về sau, Svāmitta càng mơ hồ và mù tịt.

Svāmitta đứng sững như trời trồng. Thái tử Siddhattha hồn nhiên nói tiếp:

- Ngay chữ viết cũng vậy, các thầy A-đồ-lê cũng giấu tài! Còn nhiều thứ chữ, cách viết rất lạ lùng nữa kia, sao các thầy không dạy?

Nói xong, thái tử thò tay lên bảng cát. Rồi lần lượt các thứ chữ Nāgari, Daksina, Nī, Maṅgola, Parusā, Yava, Tirthi, Ūka, Tarat, Sikhayanī, Manā, Madhayācārā... lần lượt hiện ra... Không dừng tay lại được, thái tử còn viết các thứ chữ như ký hiệu, chữ của cổ nhân còn lưu trong các thạch động; chữ của thổ dân miền duyên hải, miền núi; thứ chữ của những người thờ thần lửa, thần rắn, thần mặt trời; chữ của những chiêm tinh gia ở những lâu đài cổ kính trên sa mạc...

Như trên đà hưng phấn, tiếp nối được kiến thức uyên thâm từ nhiều đời kiếp, thái tử lần lượt viết lên bảng cát tất cả cổ ngữ, ngâm nga các mật kệ của rất nhiều chân sư trên toàn cõi châu Diêm-phù-đề!

Svāmitta quỳ mọp xuống, chắp tay kính cẩn thốt lên:

- Kính lạy thái tử! Ngài chính là vị Thánh Tổ của ngôn ngữ và văn học. Hạ thần dù có thụ giáo suốt đời cũng chưa hết, thì đâu còn dám dạy thái tử về môn học này?

Thái tử Siddhattha nâng vị thầy già đứng dậy:

- Nhưng mà các ngôn ngữ hiện nay của các nước, của các bộ tộc, các thổ dân thì đệ tử đâu có biết? Xin thầy A-đồ-lê đừng tự hạ mình như thế. Đệ tử còn phải học nhiều mà!

Kinh nghiệm về môn ngôn ngữ và văn học, tức tốc, Svāmitta cho triệu tập ngay hội đồng giáo sư, nói rằng:

- Trong thời gian các ngài phụ trách về môn học của mình, có ai phát hiện điều gì lạ lùng về sở học của thái tử không?

Tất cả như đồng thanh đáp: “Thưa có”. Rồi một vị bà-la-môn đứng dậy nói:

- Tôi phụ trách toán học và đo lường. Mới đây tôi mới phát hiện được rằng, về môn học này, thái tử đúng là một vị Thánh Tổ!

Hồi hộp, Svāmitta bèn nhướng mắt hỏi:

- Ngài hãy kể lại những chi tiết cụ thể để hội đồng cùng thẩm định.

- Đầu tiên, tôi dạy thái tử cách đếm từ một, hai, ba. Tôi đếm trước, thái tử đếm sau. Tôi đếm đến mười ngàn, thái tử đọc lại một cách vanh vách. Tôi dừng lại ngang đó rồi bảo rằng, phải đọc đi đọc lại mãi cho thuộc chớ đừng ỷ y trí nhớ phi thường của mình. Thái tử vâng dạ rất lễ độ. Những giờ tiếp theo tôi dò bài rồi học tiếp, cũng là cách đếm, cho đến một trăm ngàn (một lakh).

Hôm kia, chợt thái tử nói:

-“Sao thầy A-đồ-lê không dạy cách đếm đến một koti (một triệu), mười koti, trăm koti, ngàn koti, trăm ngàn koti, triệu koti, triệu triệu koti?”

Ngạc nhiên quá, tôi hỏi:

-“Vậy thái tử đếm được chừng nào?”

Thái tử nói:

- “Đệ tử sẽ đếm, nhưng có chỗ nào sai, xin thầy A-đồ-lê chỉ giáo cho!”

Vị giáo sư bà-la-môn toán học và đo lường ngưng nói, mọi người đổ dồn đôi mắt, chăm chú... Ông chậm rãi tiếp:

- Thật là không thể tưởng tượng được. Thái tử đếm. Thái tử đã tự đếm đến con số tỷ tỷ. Thái tử đếm tới con số dùng tính các phân tử của quả địa cầu, đếm đến các con số dùng tính các vì sao, đếm đến các con số dùng tính những giọt nước trong biển cả, đếm đến các con số dùng tính các loại vòng, đếm các con số để tính những hạt cát sông Gaṅgā, đếm đến con số mười triệu hạt cát sông Gaṅgā làm một đơn vị để từ đó tính đếm con số a-tăng-kỳ (asaṅkheyya), lấy con số a-tăng-kỳ làm đơn vị để tính những giọt mưa trên thế giới rơi luôn luôn đêm ngày không ngớt trong mười ngàn năm! Sau cùng là tính đếm con số một đại kiếp (mahākappa), đếm đến con số của các vì linh thần dùng để tính quá khứ, vị lai...

Hội đồng giáo sư ngồi im phăng phắc. Tiếng con thằn lằn chắt lưỡi thở dài ở đâu đó. Mọi người đều lạnh mình.

Vị giáo sư nói tiếp:

- Chưa hết. Về đo lường, thái tử có thể có những con số tính toán lạ lùng như sau: mười pa-ra-ma-nút bằng một pa-ra-xúc-ma. Mười pa-ra-xúc-ma bằng một tờ-ra-xa-ren. Bảy tờ-ra-xa-ren bằng một vi trần trôi theo ánh sáng mặt trời. Bảy vi trần bằng một lông mép của con chuột nhắt. Mười sợi lông mép của con chuột nhắt bằng một li-khi-a. Mười li-khi-a bằng một duka. Mười duka bằng một ngòi của hột lúa mạch. Bảy ngòi của hột lúa mạch bằng một hạt mè. Mười hột mè bằng một đốt tay. Chín đốt tay bằng một gang tay. Hai gang tay bằng một thước mộc. Năm thước mộc bằng chiều dài ngọn giáo. Mười chiều dài ngọn giáo bằng một hơi thở. Bốn mươi hơi thở bằng một “gao”. Bốn mươi “gao” bằng một do-tuần (yojana).

Ngoài ra, thái tử còn tính được tổng số vi trần trong một do-tuần vuông vức!

Vị giáo sư nói xong, lẳng lặng ngồi xuống. Thế rồi, sau đó, các thầy bà-la-môn khác cũng đứng dậy trình bày kiến thức bẩm sinh của thái tử về các bộ môn Lịch sử dân tộc, Lịch sử châu Diêm-phù-đề, các tư tưởng triết học tiền Vệ-đà và Vệ-đà, Thiên văn, Địa lý, Y thuật, Võ học, Binh pháp, Hội họa, Thi ca, Tự nhiên học... Có môn thì thái tử hiểu biết rất sâu rộng. Có môn thì thái tử học một mà biết mười.

Bà-la-môn Svāmitta cũng trình bày cho cả hội đồng nghe về khả năng văn chương, ngôn ngữ của thái tử. Đến đây thì họ đồng một quan điểm: “Chỉ những môn học nào hiện đang có mặt trên thế gian, có tính hiện đại, hoặc kế thừa quá khứ với những phát kiến mới mẻ thì may ra thái tử chưa biết mà thôi”. Thế rồi, họ cùng bàn bạc để thảo luận một chương trình học khác, vừa ôn lại kiến thức quá khứ, vừa kịp thời bổ sung kiến thức hiện đại.

Hội đồng A-đồ-lê, một lần nữa, đến gặp đức vua Suddhodana, trình bày tự sự cho ngài nghe rồi nói:

- Thái tử là một thần đồng bác học. Không có môn học nào mà thái tử không tỏ ra ưu việt và thông thái, là bậc thầy của những bậc thầy; sợ rằng chúng hạ thần chưa xứng đáng làm học trò của thái tử nữa. Sở học thì như vậy nhưng chính đức hạnh, nết khiêm cung của thái tử càng làm cho chúng hạ thần kính trọng và ngưỡng mộ hơn. Thái tử chính là hiện thân cho cái gì cao quý và tốt đẹp nhất trên đời này.

Đức Suddhodana vốn đã biết thái tử là một người khác thường nhưng ngài cũng không ngờ thái tử còn hơn cái gọi là khác thường kia nữa. Quả đúng là một siêu nhân vô tiền khoáng hậu trên đời này. Thái tử phải là chân mệnh của một vị Chuyển luân Thánh vương mà đức vua chỉ mới được nghe qua sử sách, qua những lời truyền thuyết. Vậy qua lời của các thầy bà-la-môn uyên bác này thì thái tử chỉ thiếu sót về những kiến thức hiện đại. Thái tử chỉ “bác cổ” chứ chưa “thông kim”. Chương trình mà các vị bà-la-môn vừa đệ trình đúng là đã đáp ứng yêu cầu ấy.

Nghĩ thế, đức Suddhodana phủ dụ, trấn an:

- Các khanh vậy là đã suy nghĩ thật chu đáo và đã làm việc hết mình. Trẫm sẽ trọng thưởng. Sở học của thái tử còn thiếu sót nhiều, mong các khanh đừng tự hạ mình nữa, hãy tiếp tục công việc theo chương trình mà các khanh đã vạch. Trẫm hoàn toàn tin tưởng vào sự nghiêm túc và lỗi lạc của chư khanh!

Thế là từ tám tuổi đến mười lăm tuổi, thái tử lo trau dồi con đường học vấn mà từ cổ chí kim chưa có ai học nổi: Tóm thâu sở học của thiên hạ về tất cả các bộ môn, từ xưa đến nay, mà không có một môn học nào không là bậc thầy của loài người!





(1)Bài kệ này ở đâu, soạn giả không nhớ.

(2)Ācariya: Đọc âm là A-xà-lê hay A-đồ-lê - thầy giáo, giáo thọ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/03/2020(Xem: 3111)
Truyện ngắn "Trong cốp xe" của TK Vĩnh Hữu được đăng trên Thư Viện Hoa Sen vào ngày 16/02/2020, có đoạn: ... "Anh chú tâm niệm Phật, đúng ra là niệm Chuẩn Đề đà-la-ni, chỉ để thêm đạo lực, thêm ý chí mà vượt qua thời khắc khó khăn thử thách, quên đi mệt nhọc thân xác..."
01/03/2020(Xem: 4455)
Thưa các bạn, nội dung câu chuyện này nói về một anh bộ đội, hay nói rõ ra ca ngợi và ngưỡng mộ hết lòng của tôi về anh bộ đội giữa khi lòng hận thù của các bạn về cuộc chiến, về người bên kia còn đang ngùn ngụt, chắc chắn sẽ có người chụp cho tôi cái nón cối, rồi tôi bị tẩy chay, ghét bỏ. Nên tôi ngại chứ. Còn bây giờ sau hơn 40 năm, chuyện chụp mũ xưa như trái đất, xưa quá rồi Diễm, xưa quá đi Tám, có chụp lên đầu tôi cái nón cối là tôi...đội luôn vì nó rất model không đụng hàng, không giống ai bây giờ nữa.
29/02/2020(Xem: 3588)
Đọc câu văn trên bằng chữ Hán, có nhiều người sẽ hiểu đại khái là: Vô thường già bịnh không hẹn một ai. Sớm còn tối mất, trong khoảng sát na đã qua đời khác…. Dĩ nhiên là bài văn Cảnh Sách nầy còn nhiều đoạn ở trước và sau đó nữa, chứ không phải chỉ có hai câu nầy. Đây là sách gối đầu giường của những Chú và Cô Sa Di, Sa Di Ni lúc mới thọ giới xong, cần phải học thuộc lòng. Thế nhưng, đây cũng không phải chỉ hoàn toàn dành cho người mới vào cửa Đạo, mà những vị thâm niên ở chùa năm, bảy chục năm khi đọc lại những đoạn văn Cảnh Sách như thế nầy ngẫm ra thấy cũng thấm thía vô cùng. Trong giới tu hành không ai phủ nhận điều nầy cả, mà ngay cả người Phật tử hay người khác Đạo, khi nhận chân ra được sự vô thường của mọi vật thể trên thế gian nầy, thì cũng đều công nhận lời dạy của Tổ Quy Sơn chẳng sai một mảy may nào.
21/02/2020(Xem: 3308)
Vầng dương đã lên cao. Nắng đổ nung nóng đều cát đá. Cây lá cũng đã cùng nhau trở mình, lớn thì uốn éo, nhỏ thì oằn oại, thì thầm than vãn với nhau khi những hạt sương long lanh cuối cùng đã tan biến vào cõi không khôi khôi với sắc trạng mới mẻ...
16/02/2020(Xem: 7445)
Người xưa thường nói rằng: Nhân sanh thất thập cổ lai hy. Điều nầy có nghĩa là:Đời người 70 tuổi xưa nay hy hữu. Đó là sự thật và đó cũng chỉ là tương đối mà thôi. Bởi lẽ có nhiều người sống thọ đến 80, 90, 100 hay hơn 100 tuổi. Âu đó cũng là do nhân duyên của nhiều kiếp ta vốn đã làm việc trưởng dưỡng lòng từ bi, tôn trọng sự sống của kẻ khác, nên mới được như vậy. Dĩ nhiên là cũng có nhiều người sống chỉ được có 5 năm, mười năm, 20, 30, 40, 50 hay 60 tuổ
15/02/2020(Xem: 8250)
Sau 4 ngày tham dự đại lễ tại chùa Viên Giác tại Hannover, Đức Quốc, chúng tôi được Thầy Thông Triển đưa ra nhà ga bằng xe ca của chùa để trở về lại trú xứ của mình. Trên xe có một nữ Phật tử chùa Trúc Lâm ở Paris, Pháp Quốc tâm sự. „Bác ơi, đây là lần đầu tiên cháu đến thăm chùa Viên Giác. Cháu đọc báo thấy có tin về 4 ngày lễ hội 40 năm từ 27 đến 30 tháng 6.2019 về thành lập chùa Viên Giác, thành lập Hội Phật Tử Việt Nam TNCS, thành lập Chi Bộ Chi Bộ Phật Giáo VNTN tại Đức và 40 năm kỷ niệm báo Viên Giác. Ngoài ra còn 3 lễ khác là Khánh thọ 70 tuổi của Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác, Đại Giới Đàn Pháp Chuyên và lễ tấn phong lên các hàng giáo phẩm Hòa Thượng, Thượng Tọa, Ni Sư.
12/02/2020(Xem: 4709)
Vào ngày 8/2/2020, một thảm kịch đã xảy ra cho đất nước và quân đội Thái Lan. Thượng Sĩ Jakrapanth Thomma sau khi cãi cọ với thượng cấp của mình là viên đại tá đã rút súng bắn chết ông này và bà mẹ vợ của ông ta. Sau đó Jakrapanth Thomma lấy thêm súng, ăn trộm xe bọc thép Humvee (trong nước gọi là xe đặc chủng) lái ra phố, điên cuồng bắn giết rồi chạy vào một khu thương xá bắn giết thêm một số nữa, bắt giữ con tin và cố thủ ở đây suốt một đêm. Cảnh sát đặc nhiệm Thái Lan được gửi tới cùng bà mẹ của hung thủ, kêu gọi hung thủ ra đầu thú nhưng thất bại. Cuối cùng hung thủ bị bắn chết với “thành tích” kinh hoàng là đã giết chết 29 người, làm bị thương 57 người. Thảm kịch xảy ra đúng vào ngày lễ quan trọng của Phật Giáo trên đất nước Thái Lan.
30/01/2020(Xem: 7497)
Hạ Viện Hoa Kỳ hôm 28/01/2020 đã thông qua dự luật trừng phạt những quan chức Trung Quốc can thiệp vào việc chọn lựa người thay thế Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng 85 tuổi được cho là sẽ luân hồi sang kiếp khác. Chính quyền Mỹ có thể phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh tất cả các quan chức Trung Quốc nào tìm cách nhận diện và đưa lên ngôi một Đạt Lai Lạt Ma mới do chính quyền Bắc Kinh duyệt xét, sau khi thủ lãnh tinh thần Tây Tạng qua đời. Dự luật này còn phải được Thượng Viện chấp thuận, và thượng nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio - vốn nhiều ảnh hưởng ở Thượng Viện, đã từng vận động thành công luật nhân quyền Hồng Kông - hứa sẽ ủng hộ. Sau đó sẽ được trình lên tổng thống Donald Trump để phê chuẩn.
18/01/2020(Xem: 3164)
Truyện vui kể rằng, có một cửa hàng Bán Chồng 6 tầng lầu, với quy định trước cửa như sau: - Càng lên cao, khách sẽ có món hàng tốt hơn! Nhưng đã không chọn, thì không được quay trở xuống mua hàng bên dưới nữa. Tầng 1, một cô ế chồng thấy tấm bảng “Đẹp Trai”. Cô muốn lên thử tầng 2, thấy bảng “Đẹp Trai, công việc ổn định”. Cô lại muốn lên tầng 3 để xem sao, thấy bảng “Đẹp Trai, công việc ổn định, ga lăng – lãng mạn”. Lần này cô nhất định phải lên tầng 4, bảng đề “Đẹp Trai, công việc ổn định, ga lăng – lãng mạn, không tứ đổ tường”. Cô lại quyết không dừng chân, tầng 5 có bảng “Đẹp Trai, công việc ổn định, ga lăng – lãng mạn, không tứ đổ tường, đại gia – COCC (con ông cháu cha)”. Làm sao dừng chân, phải với tới “cực phẩm” mới được, lần này bảng tầng 6 là “Tại đây không có gì, chỉ là thử thách lòng tham không bao giờ dừng của quý cô!”
17/01/2020(Xem: 4646)
Những trận cháy rừng lan tràn khắp các tiểu bang Úc Đại Lợi hơn 6 tuần nay, đã làm thiệt hại hơn 2000 căn nhà, có nhiều người mất và bị thương. 6 người lính cứu hỏa đã hy sinh. Trong nạn cháy rừng này, đáng thương nhất là hơn 500 triệu thú hoang bị chết và thương tật trong trận lửa cháy. Trong số đó hơn phân nửa là kangaroo và koala, số còn lại là những động vật khác.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]