Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 03

19/10/201319:50(Xem: 7599)
Phần 03

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 5
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần 03



Chàng nhạc sĩ và ông vua trời
Phật tích chùa Hương
Hai thằng đệ tử
Không ham sắc được quyền cao
Người yêu muôn thuở

Chàng nhạc sĩ và ông vua Trời

Khi chàng nhạc sĩ ôm cây đàn VìNà đến khu rừng MiMăng thì chim không còn dám cất tiếng hót.

Chàng gảy khúc đàn đầu tiên, gió ngưng thổi, bao nhiêu hoa rừng đều nghiêng cánh lắng nghe.

Chàng gảy khúc đàn thứ hai, sương mù lặng giữa ngàn lá xanh đang bốc hương.

Chàng gảy khúc đàn thứ ba, chim muôn phương tụ về phô rực rỡ ngàn hồng vạn tía.

Chàng gảy khúc đàn thứ tư, hoa lá chim đong đưa nhịp nhàng trong một điệu múa tuyệt vời.

Chàng gảy khúc đàn thứ năm, hằng sa vị tiên lấp ló chòm mây trắng.

Chàng gảy khúc đàn thứ sáu, thiên nữ đứng đầy đặc cả không gian.

Chàng gảy khúc đàn thứ bảy, Ðế Thích Thiên Vương ngồi đứng không yên, vén may dòm hạ giới:

- Kỳ diệu thay là những khúc đàn của chàng thanh niên Khúc Chi La! Tiếng đàn có mãnh lực làm cho cung điện chí tôn của ta trở nên trống không và buồn bã.

Ðế Thích Thiên Vương bước xuống trên đám mây ngũ sắc, với tầm cao hai mươi cây thốt nốt, hỏi người nhạc sĩ:

- Này chàng trẻ tuổi tài hoa, vị vua của âm nhạc! Người dụ dỗ chúng Chư Thiên của ta. Ngươi đã làm cho mười muôn triệu Thiên nữ chợt trống không ở Thiên đình. Người làm cho ta buồn bã, ngươi biết đấy!

Thanh niên Khúc Chi La ngưng đàn - trái đất không còn linh hồn - ngước mắt lên, chàng nói:

- Này ông vua Trời, ta không có ý ấy, xin Ngài hoan hỷ xá tội.

Thiên Vương Ðế Thích với những sợi râu xanh long lanh màu ngọc bích, dựng ngược lên làm cho chấn động địa cầu bằng tiếng hét của thần sấm:

- Ta không có hoan hỷ xá tội. Thiên nữ trống không ở thiên đình không phải là điều dễ dàng hoan hỷ xá tội!

- Vậy ngài muốn gì?

- Muốn ngươi đập bể cái đàn ma quái ấy đi. Nó không những quyến rũ hoa lá chim, thiện nam thiện nữ mà còn quyến rũ cả ta nữa.

- Không thể được, vua Trời ạ!

- Sao vậy? Ngươi biết ta có thể biến ngươi thành cây đàn, cây đàn thành ngươi. Khi ấy thì đàn sẽ gảy ngươi hay ngươi sẽ gảy đàn? Hãy biết lấy!

- Vậy thì ghê gớm quá, đàn thành ta và ta thành đàn! Vậy thì ghê gớm quá. Nhưng không thể được, vua Trời ạ!

- Sao vậy! Ra là ngươi không sợ oai lực của ta đấy!

- Sợ chứ! Nhưng thưa vuaTrời chiếc đàn này đã cho tôi cơm áo. Và chiếc đàn này cũng giúp tôi phụng dưỡng cha mẹ mù lòa.

- Thật thế à?

- Áo cơm và cha mẹ mù lòa? Lành thay! Vậy thì không có gì chân chánh hơn thế nữa! Này người nhạc sĩ hiền lương và chí hiếu, ngươi làm ta cảm động, ngươi làm ta khó xử.

Từ trời cao, vừng mây như úa màu, không còn trong sáng long lanh màu ngũ sắc nữa. Một làn gió màu xám, màu đen thổi qua, dường như có sương hay nước mắt rơi xuống từ hư không.

Thanh niên Khúc Chi La giọng xúc động:

- Này vua Trời, này vì Thiên Tử đáng kính trọng. Vĩnh viễn tôi sẽ không đàn những khúc nhạc ấy nữa vì tấm lòng của Thiên Tử đối với tôi. Vì tấm lòng ấy, tôi sẵn sang hủy bỏ khúc nhạc dẫu cho có thiếu cơm thiếu áo!

- Lành thay! Bạn thân mến! Bạn đã giúp ta thoát khỏi sự khó xử. Ðổi lại, ta sẽ dạy bạn một khúc nhạc của cõi trời.

Thanh niên Khúc Chi La im lặng giây lát.

- Thôi, thưa Thiên Chủ, cảm ơn Thiên Chủ lắm. Nhưng tôi là gì mà dám học tiếng đàn của cõi trời? Do nghiệp quá khứ làm người keo kiệt, bỏn xẻn, không chịu xả tâm bố thí nên kiếp này phải chịu nghèo hèn. Do đam mê đàn địch hát xướng nên tôi phải bị sanh ra trong gia đình Càn Thát Bà hạ liệt. Do sự phỉ báng kinh pháp và các bậc trí tuệ nên kiếp này tôi ngu si, không được học hành đến nơi đến chốn. Thân phận này không xứng là hạt bụi dính trên gót chân của các bậc Ðạo Sư, các vị ẩn sĩ thanh tịnh. Tôi là dòng dõi thấp kém, nghiệp dày phước mỏng thì làm sao tấu khúc nhạc Chư Thiên, các bậc xán lán được sinh ra do phần phước đã tạo ra trong quá khứ của mình.

Không gian chợt như lặng ngắt. Ðế Thích yên lặng rất lâu rồi nói:

- Cả 33 tầng trời sẽ không trụ vững nếu không được nghe lời nói chí thiện này. Hỡi thanh niên Khúc Chi La! Ngươi là Thầy của ta. Này chàng thanh niên trẻ tuổi! Ngươi là Thầy của ta.

Thốt thế xong, đám mây sa xuống thấp, Ðế Thích đến bên thanh niên Khúc Chi La nghiêng vai cung kính. Thanh niên Khúc Chi La cũng nghiêng vai cung kính.

Chàng nhạc sĩ nói:

- Thôi! Ngài có việc của Ngài, tôi có việc của tôi! Thiên đình thiếu Ngài như nóc nhà thiếu cột chống. Cha mẹ tôi thiếu tôi, như chiều khói sẽ không tỏa ra từ bếp. Chúng ta hãy quay lưng lại với nhau, rồi đi!

Ðế Thích Vương bịn rịn. Thanh niên Khúc Chi La lầm lũi ôm đàn đi men theo lối nhỏ về xóm.

- Này người thanh niên chí thiện!

Ðế Thích gọi giật lại.

- Ðừng gọi như thế! Thanh niên nhạc sĩ quay lại. Tôi không xứng đáng để Ngài gọi là chí thiện đâu. Ngài còn muốn chỉ dạy tôi điều gì?

- Không dám vậy đâu. Ta chỉ muốn hỏi một điều, là từ trước đến nay ngươi sống như thế nào?

- Với tiếng đàn bảy khúc, từ trước đến nay tôi là nhạc sĩ trưởng của đức Vua. Nhưng vì hứa hủy bỏ khúc nhạc đã làm tôi nổi danh, nên bắt đầu từ nay tôi sẽ đi hát dạo.

- Tài hoa như ngươi quả là số một châu Diêm Phù Ðề?

- Tôi nghe các nhạc sư trong thiên hạ có nói như thế! Nhưng trong xứ mù, kẻ chột làm vua thì chẳng có gì để hãnh diện.

Ðế Thích ngạc nhiên:

- Thế có kẻ mắt sáng ư? Có kẻ có tiếng đàn tối thượng hơn tiếng đàn của ngươi ư? Họ ở đâu? Họ là ai?

- Phải! Thanh niên gật đầu, vì ham muốn danh vọng, ham muốn lợi dưỡng nên tâm tôi bị chi phối. Vì tâm bị chi phối nên tâm không chuyên nhất. Do không chuyên nhất, tiếng đàn của tôi còn thô tháo và tục lụy không đạt được chỗ cuối cùng này là chỗ cao vời của hào quang, chí thiện, khinh khoái, vô phiền và an lạc. Vậy thì thưa Thiên Chủ! Có những nhạc sĩ tài hoa thật sự, họ đã ngồi trên đỉnh vinh quang vô danh ấy, họ đã bước ra khỏi cõi đời này, họ đã giải thoát danh vọng và lợi dưỡng nên chẳng ai biết, chẳng ai hay, ví như huynh trưởng của tôi và thầy tôi. Còn tôi chỉ là tên học trò đầy bụi bẩn và phàm phu.

Ðế Thích Thiên Vương thở ra. Ngài bối rối và ngơ ngác như bước vào một thế giới nào. Hy hữu thay là những điều chưa từng được nghe. Hy hữu thay là buổi gặp gỡ đầy lợi ích. Lâu lắm Thiên Vương lại hỏi:

- Bây giờ, nếu ngươi từ bỏ khúc đàn nổi danh thì tiếng tăm và lợi dưỡng của ngươi phải bị tổn giảm?

- Phải rồi! Nhưng ấy là cơ hội tốt cho tôi, tôi và cha mẹ tôi có thể tập sống đời vô danh với áo cơm vừa phải.

- Thật lòng quá thiệt thòi cho ngươi. Này người thanh niên! Ta là Thiên Chủ của 33 cõi trời và bốn châu thiên hạ, ngươi biết chứ?

- Dạ biết!

- Ta có thể biến đất thành vàng ròng óng ả. Ta có thể, trong cái nhấc tay, xây cho ngươi một cung điện cao sang gấp bảy lần cung điện của đức vua Diêm Phù Ðề, ngươi biết chứ?

- Dạ biết!

Thiên Vương Ðế Thích chợt tức giận:

- Vậy thì sao ngươi không đòi hỏi ta điều gì? Tại sao ngươi không yêu cầu để ta được đền đáp?

Thanh niên Khúc Chi La nín lặng, rồi hỏi:

- Mà tôi có công đức gì?

- Tại sao không công đức? Ðấy là những công đức tối thượng. Ngươi đã nói cho ta nghe nhân và quả, phước và tội. Ngươi lại dẫn cho ta đến chỗ phàm phu và ô uế. Lại nữa, ngươi là kẻ không màng danh vọng và lợi ích nhỏ mọn của ta! Ta không biết ai là nhạc sĩ hiền trí, ta chỉ biết ngươi là nhạc sĩ hiền triết. Ta không dám biết đến huynh trưởng và Thầy của ngươi đều là bậc ẩn sĩ thanh tịnh. Tại sao ngươi không tạo cơ hội cho ta cúng dường bậc đại ẩn sĩ thanh tịnh? Ngươi đã cắt đứt con đường bố thí xán lạn của ta!

Thanh niên suy nghĩ: Cắt đứt của người chính là tự cắt đứt chính mình. Ta không gợi ý mà do y tự nguyện. Vậy hãy xem thử y muốn làm gì, bèn nói:

- Thôi được rồi! Vậy thì Ngài muốn làm gì thì làm. Nhưng thưa Thiên Chủ! Tôi xin nói trước, tôi chỉ nhận những gì mà tôi dùng được.

- Nói vậy nghe được! - Thiên Vương hãy chấp hành Thiên lệnh! Hôm nay ta cúng dường đến bậc hiền trí, đến bậc đại ẩn sĩ thanh tịnh. Ta cúng dường toàn cõi Diêm Phù Ðề này cho chàng thanh niên nhạc sĩ tài hoa. Ba chục ngàn quốc độ sẽ ở dưới quyền cai quản của người. Khúc Chi La đại vương! Ngài sẽ là bậc đại vương tối thắng nhất trong thiên hạ mà danh thơm của Ngài sẽ làm cho ta được thơm lây. Ôi! Huy hoàng thay là triều đại này, triều đại của đức vua chí hiếu, hiền triết và hiền thiện!

Thanh niên Khúc Chi La hét tướng lên:

- Vậy là ngài hại ta! Than ôi! Vậy là ngài hại ta!

- Sao vậy? Ðế Thích ngạc nhiên, thất vọng hỏi.

- Trông coi toàn cõi châu Diêm Phù Ðề, đem hạnh phúc, thanh bình cho 30.000 quốc độ không phải là việc dễ làm. Thưa Thiên Chủ! Chỉ có bậc hiền triết mới làm nổi. Tôi là kẻ thiếu trí, tôi chịu thôi.

Ðế Thích Thiên Vương tự nghĩ: Y là kẻ yêu chuộng hòa bình, nhưng dễ gì làm cho 30.000 quốc độ được hòa bình? Thế gian này chúng lấy việc đánh nhau làm lẽ sống. Chúng nó đầy tham vọng tối tăm và cứng đầu, chàng thanh niên này không thích là phải. Nghĩ vậy, Ðế Thích nói:

- Vậy thì để ta chọn cho nhà ngươi một quốc độ thanh bình và giàu mạnh nhất, là đức vua thành Ba La Nại, được chăng? Ở đây có bốn vị Sư Trưởng hộ pháp cũng là người tài đức.

- Không được đâu, vua Trời ạ! Ðức vua thành Ba La Nại là người ân của tôi. Lại nữa, Ngài cai trị quốc độ theo mười phương pháp. Tôi là ai, phước đức gì, trí tuệ gì mà dám thế vào chỗ người ấy?

- Ðành rằng có thể như vậy - Ðế Thích phân trần – nhưng tuổi thọ của đức vua sẽ không còn bao lâu nữa!

- Thế Thái tử con vua? Khúc Chi La đáp - Ðấy là bậc trí tuệ, Thái tử bỏ ba tập Phệ Ðà ở trong ruột và nắm nơi cánh tay trái mười tám môn học uy hệ. Còn tôi dầu mười lần hoa Mạn Ðà nở vẫn không thuộc được ba câu chú Mạn Ðà!

Ðức vua Trời cau mặt thở ra:

- Vậy thì hãy làm một ông triệu phú, đại đại triệu phú, ở trong tòa lâu đài bằng vàng ròng thành quách bằng pha lê, lối đi bằng các loại ngọc của vua Rồng, đồ dùng tiện nghi bằng bạc, hổ phách, xa cừ, mã não…

Khúc Chi La giẫy nẫy:

- Vậy là Ngài giết tôi. Tôi là con nhà nghèo hèn, bỗng dưng ở lâu đài vàng, thành quách pha lê, lối đi bằng các loại ngọc vua Rồng, tiện nghi xa cừ, hổ phách… Dẫu một vị vua nhân từ và sáng suốt nhất cũng bắt tôi bỏ tù vì tội quỷ ma! Xin Ngài hãy thương cho, tôi còn cha mẹ mù lòa cần phải phụng dưỡng!

Ðế Thích cũng hét ngược:

- Cái gì ngươi cũng la lên! Là không được đâu! Là Ngài hại tôi! Là Ngài giết tôi! Bây giờ không được chối từ nữa. Ngươi phải làm một tiểu triệu phú, ở lâu đài bảy tầng, tài sản một trăm kho, gia nô ba ngàn đứa, tỳ thiếp một ngàn cô con gái cực đẹp. Phải như vậy!

- Chết rồi! Thanh niên Khúc Chi La không nóng mà toát mồ hôi hột - Tài sản một trăm kho sẽ làm cho óc tôi rối loạn - Ba ngàn đứa gia nô lui tới sẽ làm cho tôi chóng mặt. Còn một ngàn mỹ nhân! Ối trời! Ngài muốn giết tôi không một lưỡi dao vấy máu, không một lưỡi kiếm xuyên tim đấy mà! Trời đất ôi! Cha mẹ ôi!

Thanh niên nói thế xong, đứng vò tai, bứt đầu.

- Vậy thì sao đây? Vậy thì sao đây? Thiên Vương Ðế Thích cũng đứng vò tai bứt đầu, đi tới đi lui. Một hồi, Ngài nói:

- Thôi, bây giờ một lời tối hậu, ngươi muốn gì ta cho nấy. Thôi, nói đi, ngươi muốn gì nào?

Khúc Chi La thở ra một hơi dài nhẹ nhõm. Vậy là thoát nạn, chàng tự nghĩ. Muốn gì? Ừ, ta muốn gì nhỉ? Thế là chàng tự nghĩ. Muốn gì? Ừ, ta muốn gì nhỉ? Thế là chàng suy nghĩ miên man. Nơi vừng trán phẳng lặng dường như toát ra một làn sương mờ. Một triệu kiếp tư duy như đọng lại, Chàng cất giọng chậm rãi:

- Xin Thiên Vương cho tôi thấy rõ con đường vĩnh viễn chấm dứt phiền não, hoặc là giúp tôi có ánh sáng trí tuệ chân thực để đi theo chân lý đạo mà không lầm lẫn?

- Chết tôi rồi! Ðức vua Trời thất thanh hoảng hốt – Chư Thiên 33 cõi Trời có nghe không? Ðấy, chấm dứt phiền não và con đường trí tuệ? Chư Thiên 33 cõi trời có nghe không? Ðầu óc ta đã vỡ chưa? Lâu đài của ta đã bốc cháy chưa? Các người còn ngồi yên trong lúc tam thiên thế giới đang rung động?

Thiên Vương Ðế Thích thở hổn hển. Mặt trời như mờ đi ở phía bên sau. Khu rừng không mùa thu mà lá vàng rơi lả tả. Ðế Thích cất giọng buồn buồn:

- Ngươi bảo ta giết ngươi không kiếm không đao. Còn ngươi thì giết ta bằng những lời những chữ hóc búa! Những lời những chữ ấy vạch trần cho ta thấy rõ sự bất lực, sự ngu si lẫn quyền năng giới hạn của ta mà từ lâu ta muốn che giấu. Từ lâu, tất cả sự an lạc của ta đều được ngụy trang. Từ lâu, tất cả sự vinh quang của ta đều được bao bọc bởi thứ ánh sáng phù du huyễn hoặc. Nay thì ngươi đã bóc trần tất cả các lớp vỏ. Ôi! Còn đâu hạnh phúc và bất tử của một Ðức Thiên Vương Chí Tôn?

Nói xong, vị vua Trời tư lự, vừng trán cau một lớp bụi xám. Dung sắc thù thắng của Ngài phút chốc như một đóa hoa tàn úa, một đóa hoa ố sắc và rữa hương.

Cơ hội đã đến, chàng nhạc sĩ trẻ tuổi đẹp trai, nghĩ thầm: hãy tấu một khúc nhạc, khúc nhạc thứ tám, khúc nhạc không phải ai cũng nghe được, khúc nhạc sẽ nâng y dậy, đặt y vào đường bay của ánh sáng, dẫu thế nào, ánh sáng ẩy vẫn cứ xuyên qua, vút thẳng đến mặt trời của chân lý!

- Này Ðức vua Trời khả kính! Chớ có buồn bã, chớ có tư lự. Ðừng làm một đóa hoa ô sắc tàn hương! Ðừng làm một cánh chim tuyệt vọng giữa biển sương mù đầy đặc. Hãy lắng nghe ta nói đây!

Ðức Thiên Vương phấn chấn trở lại:

- Ta đang hồi hộp lắng nghe ngươi nói đây.

- Con đường ấy, ánh sáng ấy chưa có một chúng hữu tình nào tìm được ngoài các bậc thượng trí. Con đường ấy, ánh sáng ấy luôn luôn vi vút xuyên thẳng qua không gian thời gian, không chờ đợi người, không vị tình ai. Hãy bước vào lộ trình. Hãy tự nâng bổng mình lên. Lộ trình ấy là gì? Sự nâng bổng ấy là gì? Hãy nghe đây!

Nói thế xong, thanh niên Khúc Chi La nâng cây đàn Vì Nà, khu rừng, Mi Măng vút phút chốc im bặt.

- Ðây là khúc đàn thứ tám, - chàng nói – Khúc đàn uyển chuyển tiếp từ tục nên thanh, từ bờ này qua bờ kia. Thiên Vương đã có tai thì chắc chắn sẽ lĩnh ý!

Và rồi, chàng gảy. Và rồi, vua Trời đã nghe được những lời nhắn nhủ sau đây:

“Ta là ánh sáng vĩnh cửu, có mặt muôn đời nơi quả đất tối tăm. Ta làm cho thế gian xấu xa thành đẹp đẽ. Ta làm cho thanh âm dâm ô tục lụy thành cái cao vời. Ta làm cho xú khí muôn nơi thành hương thơm thanh khiết. Ta làm cho vật chất vô tri thành cơm bánh ngon lành. Ta làm cho ý tưởng tối tăm thành tri thức trong sáng. Hãy nghe, hãy bắt chước mà làm với trọn vẹn thiên ý. Ðổi cái ác ý thành cái thiên lương, thành tâm hồn pha lê rỗng suốt tinh anh, thì ngươi sẽ là ánh sáng, biến thành ánh sáng. Rồi ta và ngươi sẽ làm một cuộc du hành an lạc từ vô thỉ đến vô chung!”.

Gảy xong khúc đàn, chàng Nhạc sĩ ôm cây đàn VÌNÀ, từ giã vị vua Trời rồi đi về trú xứ của mình.

Minh Ðức

Tự do là ung dung trong ràng buộc.

Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau.

Phật tích Chùa Hương

Ðời xửa đời xưa, có một nước tên gọi là Hưng Lâm hiệu là Diệu Trang, Hoàng đế là Bà Già, tất cả mọi người đều gọi ông là Diệu Trang Vương.

Diệu Trang Vương có ba người con gái: Công chúa lớn là Diệu Thủ, công chúa thứ hai là Diệu Âm, Công chúa thứ ba là Diệu Thiện. Hai người chị thì điểm trang xanh đỏ lòe loẹt, ăn uống chơi bời, suốt ngày nói cười hỉ hả. Diệu Thiện thì ngược lại, chẳng giống hai chị chút nào, suốt ngày nàng chỉ biết mải mê đọc sách.

Diệu Trang Vương tuổi tác ngày một cao, lại thấy mình chẳng có con trai, trong tương lai ngôi vua biết truyền cho ai? Người đã cùng các quan đại thần thương nghị là phải tìm phò mã. Tức thì liền gọi ba công chúa bước lên cung điện.

Công chúa cả nói:

- Nữ nhi con sẽ tìm người văn tài, bụng đầy kinh luận, trong tương lai nhất định sẽ phò tá phụ vương trị vì thiên hạ.

- Còn nữ nhi con sẽ tìm người có tài võ nghệ, đánh nam dẹp bắc, an bang định quốc, làm cánh tay trợ thủ đắc lực giúp phụ vương.

Diệu Trang gật đầu lòng tràn đầy niềm sung sướng. Người cảm thấy hai con gái rất hiếu thuận, rất có lòng tốt. Người lại hỏi con gái thứ ba là Diệu Thiện:

- Thế còn tam Công chúa! Con sẽ chọn một người như thế nào để làm phò mã?

Diệu Thiện lắc đầu nói:

- Hài nhi nguyện thờ phụng phụ vương suốt đời chứ không đi lấy chồng.

Trên mặt Diệu Trang tức thời như có đám mây đen che khuất, người nói như sắt đóng đinh:

- Không được! Trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng, Çó là chuyện thiên kinh định nghĩa, làm sao có thể đi ngược lại được? Con hãy nói đi, cuối cùng con sẽ ưng lấy một người như thế nào?

- Thưa phụ vương, con sẽ tìm một danh y có thể chữa bệnh cho đời, cho đất, cho người, làm cho khắp bàn dân thiên hạ đâu đâu cũng được sung sướng. Nếu phụ vương có thể tìm được một người như vậy, thì con sẽ lấy làm chồng.

Úi chà chà! Ðây chẳng phải là sư tử mở rộng miệng Çó ư? Trên thế gian này tìm đâu được một vị thần y có vạn năng như thế được? Diệu Trang Vương càng nghĩ càng buồn. Nên biết trong ba nàng con gái thì Diệu Thiện là người thông minh nhất, hiền từ nhất, Diệu Trang Vương vẫn có lòng muốn truyền vương vị cho nàng. Bây giờ đã bị nàng cự tuyệt như vậy, hoàn toàn bị đảo lộn, Diệu Trang Vương lập tức đập bàn, lệnh cho tay chân đem Diệu Thiện nhốt chặt vào vườn hoa sau, để nàng được thưởng thức mùi vị của cái đói và cái rét.

Nào ngờ Diệu Thiện là người chí khí quật cường. Ðến vườn hoa sau, hàng ngày nàng vẫn đọc sách của mình. Nàng mặc quần áo vải thô, nàng ăn cơm nguội rau thừa, bữa được ăn bửa chẳng được ăn. Nàng chẳng tỏ ra chán nản, mà vẫn coi như chẳng có chuyện gì xảy ra. Vương hậu, công chúa cả, công chúa hai và các phi tử cung nga ở trong cung đều lần lượt đến khuyên nàng hồi tâm chuyển ý, nhưng nàng vẫn kiên trì chủ trương của mình.

Một buổi tối nàng dứt khoát trốn khỏi vườn hoa sau đến chùa Bạch Tước, huyện Long Thụ xuất gia làm ni cô.

Diệu Trang Vương được tin, bí mật cử người tới cho sư trụ trì Bạch Tước một đạo mật chỉ, ra lệnh phải làm cho Diệu Thiện nghe lời khuyên giải mà hồi tâm chuyển ý không đi tu nữa. Nếu không thành thì nhà chùa sẽ bị lính đến đốt cháy, rồi cho tất cả năm trăm Tăng Ni chùa Bạch Tước lên Tây Thiên.

Phương trương tới khuyên Diệu Thiện, cũng chẳng có ích gì, đành phải bắt nàng vào nhà bếp làm việc nặng nhọc như gánh nước, bổ củi để cho nàng biết được làm người xuất gia cũng chẳng dễ gì.

Ai ngờ Diệu Thiện vẫn không một lời oán giận, nàng xắn quần vén áo lên rồi đi làm việc. Mọi cư dân ở trong núi đều yêu mến nàng, bách thú đem đến cho nàng rất nhiều củi, ngàn chim cắp đến rất nhiều rau, làm cho tất cả các Tăng Ni trong chùa Bạch Tước đều kinh ngạc, đành phải tớI bẩm báo cho Diệu Trang Vương biết.

Diệu Trang Vương càng giận dữ, lập tức phái một đội binh mã, tới bao vây chùa Bạch Tước, phóng một mồi lửa to, muốn thiêu chết hết cả Diệu Thiện và năm trăm Tăng Ni. Lại chính lúc đó trời đổ một trận mưa như trút nước xuống, nước chảy lênh láng khắp nơi, dập tắt ngọn lửa đang cháy rừng rực. Họ đành phải lấy dây thông trói chặt Diệu Thiện lại, áp giải về kinh thành. Trên đường về có một con hổ xông tới. Bọn chúng phải vứt Diệu Thiện lại, rồi mạnh ai người ấy chạy thoát thân.

Diệu Thiện đã từ trong cõi chết được cứu sống. Nàng phải đi ăn xin ở trên đường. Về sau nàng ở lại trên một ngọn núi hoang, dựng lều cỏ, làm bạn cùng chim thú, rồi lại tiếp tục đọc kinh tu hành. Ngọn núi này tên là Hương Sơn.

Lại nói tới Diêu Trang Vương, vì việc của con gái thứ ba là Diệu Thiện, suốt ngày bực tức giãn dữ, tất cả mọi việc đều không bằng lòng, lâu dần NgườI đã mắc một quái bệnh, khắp thân thể trên dưới mọc rất nhiều mụn nhọt, vừa ngứa lại vừa đau. Người đi khắp nơi tìm thầy chạy thuốc mà chẳng có cách nào chửa khỏi. Về sau, mụn nhọt vỡ loét, mủ chảy toàn thân, rồi da thịt sinh ra giòi bọ, mùi hôi thối xông đầy trời. Lúc này có một cụ già bước tới, bốc cho Diệu Trang Vương một thang thuốc, nói rằng cần phải tìm một người tâm bình khí hòa, không biết cáu giận, dùng tay và mắt của người ấy cho vào thang thuốc thì mới có thể chửa khỏi được bệnh này.

- Tìm người này ở đâu? - Diệu Trang Vương hỏi.

- Bệ hạ hãy cử người tới Hưong Sơn tìm xem - Cụ già trả lời.

Sự việc đã đến nước này, cũng chẳng còn cách khác, đành nhắm mắt liều chữa ngựa chết thành ngựa sống vậy. Diệu Trang Vương đã cử một tên khâm sai đại thần tới Hương Sơn. Lên tới đỉnh núi, quả nhiên nhìn thấy một cô gái tâm bình khí hòa, thân mặc áo trắng, ngồi yên tịnh đọc sách ở đó. Khâm sai đại thần đem chuyện Diệu Trang Vương mắc bệnh, trước sau kể hết một lượt, đã thấy nước mắt chảy tràn trên mặt cô gái.

Cô gái đó chính là công chúa thứ ba Diệu Thiện! Chỉ tại vì xa cách đã lâu năm nên khâm sai đại thần đã không nhận ra nàng nữa.

Diệu Thiện nghị: Phụ Vương sinh bệnh, ta là con gái của người, theo lý là phải nên cứu ngay. Giả dụ có thể chửa được khỏe bệnh của phụ vương, ta có hiến đôi mắt đôi tay cũng là điều nên làm. Nghĩ tới đây nàng trẫm tĩnh nói với viên khâm sai:

- Những thứ ngài cần, xin ngài cứ lấy đi!

Tức thì khâm sai khoét đôi mắt của nàng, chặt đứt đôi bàn tay của nàng đem về làm thang dẫn thuốc, để cho Diệu Trang Vương uống. Quả nhiên bệnh của Trang Vương khỏi hẳn.

Việc Diệu Thiện xả thân cứu cha đã làm cảm động đến Thiên đế. Chính lúc đó ở trên thân nàng đã mọc ra vô số những cánh tay. Ở giữa lòng mỗi bàn tay đều có một con mắt. Ðó chính là lai lịch của Quan Âm ngàn tay ngàn mắt.

Lại nói đến Diệu Trang Vương sau khi khỏi bệnh liền trèo lên Hương Sơn để cảm tạ. Ðến nơi vừa nhìn người đã biết đó vốn là con gái thứ ba của mình. Người vô cùng cảm động, từ đó cũng bắt đầu tu hành. Không biết đã trải qua bao nhiêu năm, Diêu Trang Vương cũng đã tu hành đắc quả. Tây Phương Phật Tổ muốn chiêu gọi người, đã bày một tòa thứ ở trong đội ngủ Bồ Tát. Diệu Trang Vương tới Tây Thiên, tự nhiên trong tâm nảy ra một ý nghĩ: nhớ tới cửa lớn của kho vàng ở trong vương cung đã từ lâu không được tu sửa có lẽ ta cũng nên tu sửa mới phải! Ý nghĩ này tuy chỉ thoáng qua, nhưng Tây Thiên Phật Tổ đã hiểu rõ, liền nói:

Ngươi đã tham tài như thế, hãy nên đi tìm một nơi an thân ở bên đường cạnh Lãnh Ðình núi Phổ Ðà, để xin bố thí của các hương khách.

Từ đó về sau, bên cạnh núi Phổ Ðà có một am Phật nhỏ, bên trong thờ một vị “Bồ Tát xin ăn”. Truyền thuyết nói rằng ấy là Diệu Trang Vương năm xưa.

Trích Truyện Bồ Tát

Nhà xuất bản Văn Hóa

Quan Thế Âm mẹ hiền muôn thuở

Là sao Mai rạng rỡ lúc bình minh

Cho con xin được đắm mình

Trong Phật Pháp cao minh huyền diệu.

Hai thằng đệ tử

Xưa, có một thầy đồ già không có con cái thân quyến, chỉ có hai chú đệ tử nhỏ mà ông thương yêu như ruột thịt.

Hai chú bé chưa được dạy dỗ nên người thì cụ đồ lâm bệnh nặng, phải nằm liệt giường. Hai chú đệ tử tuy xung khắc, chẳng ưa nhau nhưng đều kính yêu thầy, lúc nào cũng túc trực bên giường bệnh.

Bệnh cụ đồ ngày càng một nặng, đôi chân cứng đờ, nhức nhối khôn tả, cụ phải nhờ hai chú nhỏ đấm bóp xuốt ngày đêm. Trò Tý săn sóc chân mặt, còn trò Tèo thì săn sóc chân trái của thầy.

Kề cận bên nhau cùng lo một việc nhưng hai chú bé lúc nào cũng hiềm khích, ghét bỏ nhau. Một hôm Tý được cụ đồ sai đi chợ, Tèo ở nhà hầu thầy. Thừa dịp Tý đi vắng, Tèo ở nhà dùng búa đập gãy chiếc chân mặt nghĩ bụng rằng: “Để cho thằng Tý về thấy cái chân mặt của nó săn sóc bị gãy sẽ tức bể bụng cho mà coi!”.

Tèo đoán không lầm, Tý về thấy cớ sự giận vô kể. Có lẽ sợ để cơn giận sục sôi làm bể bụng, Tý dùng búa nện gãy luôn chiếc chân cái của cụ đồ. Kết cuộc là cả hai Tý lẫn Tèo đều hả dạ, duy có cụ đồ là gãy hết hai chân.

Như Thủy

Chú thích: Đây là câu chuyện ví dụ trong kinh Bách Dụ. Cụ Đồ= Đức Phật, Tý, Tèo = các đệ tử của Phật. Mỗi đứa săn sóc một chân = mỗi giáo phái tu theo một pháp môn của Phật. Lấy búa đập chân cụ đồ: bài xích chê bai lẫn nhau. Cụ đồ bị gãy cả hai chân: Kết cuộc chỉ đem lại tai hại cho Đức Phật – cho Đạo Phật

Từ Phương Đông lạy đến phương Tây

Nghìn dặm xa xôi vẫn miệt mài

Bắc phương quỳ lạy đến phương Nam

Đầu đường, xó chợ, bến đò ghe

Hội trường, nhà giảng nơi nào có

Bồ Tát thuyết thiền…quỳ lạy nghe.

Không ham sắc, được quyền cao

Hồi đời vua Vạn Lịch, triều nhà Minh, thuộc về nước Tàu, tại trường Quốc Tử Giám, có hai người học trò mới lớp nhứt, đều là trang mạo khôi ngô, hình dung tuấn nhã, lại sanh đồng niên, đều được mười bảy tuổi.

Một người tên là Phan Tái An, con của quan Thượng Thơ Lại Bộ, tánh tình quái xảo, lẹ miệng lanh lợi; hễ thấy gái xinh thì như ruồi thấy mật, không nỡ xa rời.

Còn một người nữa tên là Lưu Đức Tú, con của một người đàn bà góa ở trong thành, tánh tình chất phát, ít ăn ít nói; dầu gặp gái đẹp thì như nước dội tường, không hề sao động.

Hai người học trò này tuy bề trong, tánh ý vẫn không giống nhau mà bề ngoài, cách ăn vận và sự liên lạc nhau chẳng khác nào một cặp bài trùng vậy.

Lưu Đức Tú hiềm nỗi ở nhà rộn rực, nên ra ngoài thành tìm nhà người mẹ vú nuôi chàng lúc còn nhỏ, mà xin ngụ tại một cái nhà mái lợp tranh ở phía sau, đặng nhờ sự thanh tịnh mà đọc sách.

Còn việc ăn uống tắm giặt thì do người mẹ vú sắm sửa, chàng cứ đến tháng trả tiền mà thôi; vì vậy nên chàng không dùng tiểu đồng. Từ khi Đức Tú ở riêng ngoài thành, thì Tái An có hơi hiu quạnh, thường tìm đến nhà mát ấy mà viếng thăm chành như vậy trọn tháng sáu tháng trường.

Mẹ vú của chàng Đức Tú, tên là Vương Mạ Mạ, có một người con gái nuôi tên Xuân Thơ, tánh nết khôn lanh, hình dung đẹp đẽ, mới mười sáu tuổi mà nổi tiếng tài hoa.

Lúc đó chàng Đức Tú đến ngụ, thì nàng hằng liếc xem diện mạo, nghe sẵn tiếng tăm, trai tài gái sắc xứng đôi, cội ái nguồn ân xúc động.

Tuy lòng của chàng Đức Tú chỉ chăm trên mặt quyển sách, mà lòng của nàng Xuân Thơ thì chăm chỗ Đức Tú ở, dầu bà Vương Mạ Mạ không sai biểu, mà nàng cũng cứ lệ lo làm.

Bà thấy vậy tưởng con biết thay nhọc cho già, nên không để ý tới.

Một ngày kia, chàng Đức Tú về nhà thăm mẹ ruột, bèn thuật lại hết các việc mẹ vú nuôi dưỡng ân cần và nàng Xuân Thơ hầu hạ sốt sắng.

Bà mẹ ruột của chàng bèn nói rằng: “Người ta đã có lòng như thế, thì mình phải cho chi chút đỉnh, đặng tỏ tình mến. Vậy mẹ có một gói trà này rất ngon, con đem dâng cho mẹ vú uống chơi. Còn cái khăn này cũng tốt, vậy con đem thưởng cho Xuân Thơ”.

Chàng Đức Tú vâng lời đem hai vật ấy dâng cho bà Vương Mạ Mạ, thì bà tỏ lời cảm tạ rồi lấy cái khăn trao lại cho người con gái nuôi của bà.

Việc ấy là lễ thù tạc thành thật, mà nàng Xuân Thơ lại tưởng là tình, nên đến buổi chiều nàng qua phòng học của chàng Đức Tú mà tạ rằng: “Em rất cám ơn quý nhơn thưởng cho em vật tốt đó”.

Chàng Đức Tú đáp lại rằng: “Ấy là của mẹ ta cho, chớ không phải của ta đâu mà tạ”.

Nàng Xuân Thơ nói: “Nếu quý nhơn không khoe việc phải của em, thì thái thái biết đâu mà thưởng; như vậy lại càng quý nhơn hơn nữa”.

Đêm đó chàng Đức Tú thức mà học đến mười một giờ khuya. Còn nàng Xuân Thơ, cũng không ngủ, một lát đem trà mời uống, một chập đem bánh mời ăn, hoặc đến lau bàn ghế, hoặc đến dọn giường mùng.

Chàng Đức Tú thấy vậy cũng cho là thường, chớ không hề nghi ngại cho nàng có tình ý chi cả.

Đúng 12 giờ khuya, chàng bèn đóng cửa và tắt đèn đi ngủ. Khi chàng mới vừa thiu thiu, lại nghe có người ở ngoài gõ cửa; chàng liền lên tiếng hỏi ai khua, thì nghe nàng Xuân Thơ đáp lại rằng là: “Tôi đem trà tới cho quý nhơn uống”.

Chàng Đức Tú nói: “Tới giờ ta đi ngủ, nên ta không uống trà nữa”.

Nàng nói: “Tôi có một ít lời muốn thưa với quý nhơn, xin chớ phụ lòng kẻ thành thật.”

Chàng đáp lại: “Đêm khuya tăm tối, mà nàng là gái không chồng, còn ta là trai chưa vợ, nếu chuyện vãn thì sợ thiên hạ nghi nan”.

Nàng nói: “Xin quý nhơn hãy mở cửa ra, chỉ có hai ta, chớ ai đâu mà sợ nghi!”.

Chàng đáp lại: “Tuy người phàm không trông thấy chớ Phật trời thấy! Quỷ thần thấy! Ta không dám đâu!”.

Chàng nói đến đó lại giả vờ ngủ mà nín luôn; nàng hỏi việc gì, thì chàng không trả lời lại nữa.

Nàng Xuân Thơ thua buồn trở về đóng cửa, chong đèn ngồi nghĩ rằng trong đời sao có người ngu ngốc như thế.

Nàng nằm xuống giường càng nghĩ càng buồn, càng buồn càng khổ, lăn qua lộn lại, trót đêm không an giấc đến chừng rạng đông mệt mỏi mới ngủ quên.

Sáng ngày, chàng Đức Tú dậy, không thấy nàng Xuân Thơ đem nước như mọi khi, nên chàng phải xuống nhà dưới kiếm nước rửa mặt và uống, rồi thưa với bà Vương Mạ Mạ rằng: “Bữa nay trong mình tôi không an, nên tôi tính về nhà nghỉ ít tháng; như chiều có người nhà của tôi đến nhờ vú giao đồ đạc của tôi cho nó đem về”.

Bà Vương Mạ Mạ nói: “Đó là vì công tử gắng công học nên mới sanh yếu trong mình, vậy cũng nên về nghỉ mà dưỡng sức lại”.

Khi Đức Tú ra về rồi cách một chặp lâu, thì nàng Xuân Thơ thức dậy, chạy đến phòng học không thấy hình dung của chàng, bèn trở lại hỏi mẹ, mới hay chàng đã về rồi.

Nàng càng xốn xang trong lòng, sợ chàng về thuật việc mình cho mẹ chàng hay rồi đồn đãi lần ra, thì còn mặt mũi nào mà thấy người được nữa. Ngờ đâu Đức Tứ đáng bực quân tử, chẳng nói đến việc xấu của người, chỉ thưa với mẹ rằng chàng về nghỉ mà thôi.

Đây nói qua Tái An, từ khi đến lui thăm viếng Đức Tú, thấy bộ nàng Xuân Thơ đẹp đẽ, thì chàng đã mơ mơ ước ước, nhưng ngại vì trước mắt Đức Tú, nên chàng chưa dám thả giọng bướm ong, chỉ lấy nhãn thần trừng qua liếc lại đôi chút mà thôi.

Còn nàng Xuân Thơ lúc đó nặng tình với chàng Đức Tú nơi lòng, nên thấy Tái An cũng như không thấy.

Ngày nay Tái An đến viếng, không gặp Đức Tú, bèn hỏi thăm bà Vương Mạ Mạ, thì mới biết Đức Tú đã về nghỉ, không còn ở nơi nhà mát nữa.

Chàng rất đỗi mừng, liền nói với bà Vương Mạ Mạ rằng: “Đức Tú đã về rồi, thì cái nhà mát bỏ không; vậy bà cho tôi ở đó đặng đọc sách, vì tôi ưa nhà ấy thanh tịnh và khoảng khoát. Xin bà cũng sửa soạn cho tôi ăn dùng như Đức Tú vậy, tiền bạc tôi xin trả gấp hai cho bà”.

Bà Vương Mạ Mạ có tính tham, nghe nói trả tiền bằng hai, thì chịu liền.

Tái An bèn thưa với cha mẹ, chỉ nói tìm chốn thanh tịnh đặng đọc sách chung với chàng Đức Tú mà thôi, rồi dọn quần áo, sách vở và rương tráp đến ở.

Đây nói đến nàng Xuân Thơ từ khi có chàng Đức Tú ở nhà mát ấy, thì nàng không để ý đến chàng chàng Tái An. –Nay không có Đức Tú nữa, nàng xem Tái An kỹ lưỡng rồi tự nghĩ rằng: “Đức Tú bất quá là con của một người bà góa, mà tánh lại chần chờ phách lối, không biết ơn nghĩa là gì! Còn Tái An này là con của quan lớn đương triều, học giỏi có danh; chi bằng mình mơn trớn cùng chàng, họa may được thỏa lòng mong ước.”

Nàng nghĩ vậy rồi, bèn bưng trà đến phòng học, mời chàng uống và khiêu khích rằng: “Đức Tú ở đây sợ lạnh nên về mất, còn công tử không sợ lạnh sao?”

Chàng Tái An nói: “Đức Tú ỷ tài tự phụ không biết dùng người, nên mới sợ lạnh, còn tôi mền mùng rất kỹ, quần áo dinh dư, lại biết dùng người nữa, mà làm sao lạnh được”.

Chàng Thái An tuy miệng nói như vậy mà mắt liếc đưa tình, làm cho nàng Xuân Thơ mê man hồn phách, liếc trả cười duyên.

Tối lại, chàng còn đọc sách, thấy nàng đem trà đến pha rồi mời uống, thì liền xếp sách dẹp cất, không cần xem đọc chi nữa, để trò chuyện cho thỏa tình. Lạ gì mèo đà gặp mỡ, bí sẵn chờ ong, nói năng sơ sịa ít câu, rồi đóng cửa tắt đèn nhập cuộc.

Lúc ấy nhằm tiết tháng tám, khí thu đã mát, nắng hạ vừa qua, ấp yêu một cặp uyên ương, trăng chiếu hai trăng thỏ ác.

Hai đàng cùng nhau ân ái trót luôn hai tháng, nghĩa nặng tình nồng, nên chàng Tái An đâu còn kể tới sự đọc sách chi nữa.

Đến tháng mười, gặp khoa Đại Thi, cha của chàng là quan Thượng thơ kêu chàng về đặng sửa soạn vào thi, vì ngài biết tài học của con, chắc thế nào cũng chiếm đặng bảng vàng.

Gần ngày thi, nửa đêm quan Thượng thơ nằm chiêm bao thấy một vị thần, cân đai tề chỉnh, đến mách bảo rằng: “Con của ngài vì làm nhiều chuyện khuy tâm, tổn hao âm đức nên kỳ thi này không thế gì đậu được.”

Quan Thượng thơ giựt mình thức dậy, ngồi nghĩ rằng: Con mình còn nhỏ, có làm chi đến nỗi thất đức, nên ngài chẳng đem lòng tin niềm mộng ấy.

Đây nói đến kỳ thi, tuy chàng Tái An học hành giỏi hơn chàng Đức Tú bội phần, nhưng vì chàng thường gần gũi nàng Xuân Thơ, bỏ sách đã lâu, lại tinh thần dã dượi, nhớ trước quên sau nên vào đủ bốn trường mà văn lý của chàng tầm thường, không có chi xuất sắc.

Còn chàng Đức Tú cũng vào thi, mà văn lý thật như phun châu nhả ngọc, gấm trải thêu giăng, ai xem cũng đều khen ngợi, nên đến kỳ yết bảng, thấy đề tên chàng đậu Cử nhân thứ nhì, còn tên Tái An không thấy ở nơi khoản nào cả.

Chừng ấy, quan Thượng thơ mới biết rằng điềm chiêm bao rất linh và kêu Tái An đến hỏi cho biết chàng có làm điều chi thất đức hay không, thì chàng cứ cãi chối hoài.

Quan Thượng thơ nổi giận, liền bắt chàng nhốt trong một cái phòng kín, không cho ra ngoài thành, nên từ ấy chàng với nàng Xuân Thơ cách biệt hai phương, mặc sức đêm trông ngày nhớ.

Đây nói đến chàng Đức Tú khi thi đậu Cử nhân, rồi trở về nhà lạy yết ông bà cha mẹ và yến đãi bà con bậu bạn trót chín mười ngày, thì có kẻ kêu đưa cháu, người mời gả con, nhưng chàng chỉ đợi nơi nào vừa ý mẹ mới vâng lời.

Qua tháng hai năm sau, nhằm kỳ thi Hội, Đức Tú thưa với mẹ xin phép đến ngụ tại chùa Từ Quang ở trong thành mà lo việc sách đèn cho yên lặng, đặng chờ ngày giựt bảng giành cờ.

Khi chàng đến, thì thấy có một vị cử nhân, tên là Phùng Nhựt Thăng hai mươi tuổi, đại danh lừng lẫy, hình tướng tốt tươi, đã ngụ trước tại đó mà chờ kỳ thi Hội.

Hòa thượng chùa này bèn dọn một cái phòng cho Đức Tú ở khít bên phòng Nhựt Thăng, nên hai người được gần gũi mà tương đắc nhau lắm.

Ngày nọ, có một ông đạo sĩ đến chùa, tay cầm tấm chiêu bài có đề bốn chữ lớn rằng: “Chiếm nhơn danh phận”.

Nhựt Thăng xem thấy, bèn nói với Đức Tú rằng: “Sẵn có thầy bói đến đây, hai đứa ta cũng nên coi một người một quẻ, cho biết kỳ thi Hội này ra sao và cậy người xem tướng nữa, đừng bỏ qua rất uổng”.

Đức Tú đáp lại rằng: “Không phải em sợ tốn tiền, duy em tự nghĩ ở đời ta sao mình vậy, mà kỳ thiệt công danh, phú quý, học vấn, chánh sự, triều đình, gia đường, cả thảy các việc trong thế gian, kể luôn đến cái thân người nữa, đều là vật giả dối hết, chỉ có cái tâm là thật thôi. Nên kinh Phật có câu rằng: “Nhứt thiết duy tâm đạo” (Nghĩa là việc gì cũng bởi tại nơi tâm sanh ra). Vậy làm người chỉ nên giữ gìn cái tâm cho được chánh là đủ rồi, cần gì phải bỏ cái thật mà hỏi thăm cái giả làm gì!”

Đức Tú nói mấy lời ấy tuy là chánh lý, mà mới nghe qua như châm chích người bạn ở kế cận, nên chi Nhựt Thăng tuy ngoài miệng ngợi khen mà trong lòng hờn giận, rồi đi coi quẻ một mình.

Ông đạo sĩ gieo quẻ vừa xong, bèn nói với Phùng Nhựt Thăng rằng: “Quẻ này hào văn chương của cậu vượng lắm, không có ai sánh bằng; nhưng bị hào tài phát động, khắc hào thê. Tài là thê, thê là mình, mình bị thê khắc, lại hóa hồi đầu khắc, mà hai bên đều lâm chơn không.

Cứ y trong quẻ mà đoán ngay, thì qua cuối mùa xuân cậu và hào thê đều phải phòng lo về tánh mạng.

Còn cái tướng của cậu, tại cung Ly là nơi quan lộc, hiện đương hưng vượng, đáng lẽ khoa này cậu đậu đầu. Tướng ấy cũng hiệp với quẻ kia, văn chương vượng tướng đó!

Còn tại cung Đoài là nơi thê thiếp, nó phát một cái gân sát khí mà đâm thẳng vào cung Khảm, là nơi tổ nghiệp và bổn thân của mình. Tướng ấy cũng hiệp với quẻ kia, nghĩa là tài động khắc thê”.

Phùng Nhựt Thăng nghe ông đạo sĩ đoán rằng: thê hào phát động, thì tưởng vợ ở nhà có điều chi, cứ năm bảy ngày sai tiểu đồng về thăm một lần, nhưng vẫn nghe nói bình an luôn luôn, nên chàng cho ông đạo sĩ nói quàng.

- Thuở đó, quan thừa tướng trào Minh có một người con gái, tên là Lan Hương, mới mười bảy tuổi, sắc nước hương trời, cầm kỳ thi họa đều giỏi, mà trót năm Mậu Tý nàng cứ đau ốm hoài, hết bệnh này sang bệnh khác, thuốc thang không hiệu, bùa chú không linh.

Qua tháng chạp, vợ chồng quan thừa tướng bàn rằng: “Mình có một đứa con, cưng như trứng mỏng, nhưng nó đau ốm mãi, chạy thuốc đủ phương mà không bớt; vậy phải đem nó vào chùa Từ Quang ngụ đỡ ít tháng, đặng cầu kinh kệ tụng trì, họa may nhờ ân đức của Phật mà nó mạng đặng chăng?”.

Bà Đổng Nương là mẹ vú của nàng Lan Hương nghe hai vợ chồng quan Thừa tướng tính như thế, bà thưa rằng: “Bẩm quan lớn! Chùa Từ Quang linh lắm; hễ ai có bệnh hoạn đến đó cầu khẩn thì chắc mạnh; nhưng có một điều gay gắt là người bệnh nếu có tà niệm, thì phải thác ngay. Vì đã thấy có nhiều người bị như vậy rồi, nên phải cho cẩn thận”.

Quan Thừa tướng đáp lại rằng: “Con ta tuy gái mà văn tài không kém trai và tự biết trọng về danh giá; huống lại con nhà đài các ai dám xâm khuy! Người chớ lo xa mà nhọc trí!”.

Quả nhiên nàng Lan Hương đến chùa Từ Quang ở cầu kinh mới được vài ngày, thì thấy bệnh đã bớt nhiều. Nàng thường khi ra vào thấy chàng Nhựt Thăng cũng ở đó, thì trai tài gái sắc, xướng họa phú thi, ban đầu nét chữ câu văn, sau lại thả ong quyến bướm.

Nàng Lan Hương hỏi thăm mới biết Nhựt Thăng đã có vợ nên nàng nói rằng: “Khoa hội này cha của thiếp làm chánh chủ khảo, nếu chàng bằng lòng bỏ vợ mà kết duyên cùng thiếp thì, lo chi chức Trạng nguyên về tay người khác!”.

Nhựt Thăng thấy nhan sắc của Lan Hương xinh đẹp và nghe nàng nói như thế rất vui mừng, bèn thề rằng: Như chàng thi đậu, thì sẽ về đuổi vợ mà cưới nàng.

Hai đàng bèn ân ái với nhau, tình nặng nghĩa nồng mà trong chùa không ai biết cả.

Nàng Lan Hương thật là một người con gái rất đa tình lãng mạn, bánh men đã muốn, chả cuốn càng ham. Bởi thế nên khi thấy chàng Lưu Đức Tú cũng đến ngụ tại chùa đặng chờ khoa thi, và biết chàng là Cử nhân tân khoa, lại thêm trai tơ chưa vợ, thì nàng lừa lúc thanh vắng đến thả đủ lời hoa tiếng nguyệt.

Nhưng trăm lần như một, mỗi khi nàng buông lời trêu ghẹo, thì chàng Đức Tú chỉ đáp lại hai chữ “mô Phật” mà thôi.

Đây nói đến khoa thi Hội nơi trường thứ năm đã tới, mà trong bốn trường thi trước đã lựa chọn mười hai người được vào thi trước mặt vua.

Khi thi và khảo duyệt rồi, thì thấy Phùng Nhựt Thăng đậu Trạng nguyên và Lưu Đức Tú cùng bốn người khác đậu Tấn sĩ, bảng đính đã xong, chỉ đợi sang ngày mai yết.

Đêm ấy lối canh ba, vua Vạn Lịch nằm chiêm bao thấy một vị Hòa Thượng y bát trang nghiêm, đến trước bệ rồng mà yết kiến.

Vua phán hỏi: “Hòa Thượng ở đâu mà đến đây viếng quả nhơn”.

Hòa Thượng đáp: “Bần tăng ở chùa Từ Quang, có việc cần kíp, nên đến hỏi thăm bệ hạ một điều. Vậy khoa thi Hội này, Bệ hạ muốn chọn nhân tài mà kinh ban tế thế chăng?”.

Vua đáp: “Chính như thế đó!”.

Hoà Thượng nói: “Nếu vậy sao Bệ hạ cho quỷ đậu Trạng nguyên, còn Phật thì không cho đậu chức ấy? Sách có chữ rằng: Phật năng cứu thế, quỷ đa nhiễu nhơn (Phật hằng cứu đời, quỷ thường quấy chúng), vậy Bệ hạ nên đổi lại cho Phật đậu Trạng nguyên, thì tốt hơn là để cho quỷ”.

Vua hỏi: “Cứ như lời ngài nói, thì Phùng Nhựt Thăng là quỷ hay sao?”.

Hòa Thượng tâu: “Sách có chữ rằng: nhơn tử vi quỷ (người thác hóa ma). Nó đã thác rồi. Vậy không phải là ma hay sao?”.

Vua lại hỏi: “Còn ngài bảo quả nhơn đổi lại để cho Phật đậu Trạng Nguyên, thì biết ai là Phật mà đổi?”.

Hòa Thượng lại tâu: Người ấy đức vang rất lớn, mỗi khi niệm câu: “Mô Phật” thì đều động đến thiên đình; người ấy ngày sau giúp nước phò vua, công nghiệp ngày thêm to tát. Xin bệ hạ xem lại những quyển thi của cái vị Tấn sĩ mà thấy quyển nào có ửng lộ chữ “Phật”, thì quyển của người ấy”.

Hòa Thượng nói rồi, liền cưỡi mây lành bay mất. 

Vua Vạn Lịch giật mình tỉnh giấc, thì mồ hôi đã ướt dầm, bèn ngồi dậy suy nghĩ điềm mộng rất nên kinh tâm, rồi sang ngày truyền quan cận thị soạn những quyển thi của các vị Tấn sĩ đem đến long án, đặng kiểm duyệt lại.

Nguyên khoa Hội này đậu đặng Trạng nguyên và bốn vị Tấn sĩ, cộng lại là năm người.

Vua xem mấy quyển thi của bốn vị Tấn sĩ, thấy quyển của Lưu Đức Tú mỗi chương đều có ửng hai chữ “Mô Phật”, nét vàng rất lớn, và xem lại bài vở quả là hàng gấm trải, chữ chữ ngọc đeo, thì muốn đổi bỏ tên Phùng Nhựt Thăng mà lấy tên Lưu Đức Tú cho đậu Trạng nguyên liền khi đó.

Nhưng vua suy nghĩ thầm rằng: Trong điềm mộng thấy Hòa Thượng nói Phùng Nhựt Thăng đã thác rồi, nên đợi hỏi lại như quả thiệt, thì sẽ đổi tên cũng chẳng muộn chi.

Vua tự nghĩ vậy, bèn xuống chiếu dạy đòi Phùng Nhựt Thăng và yết kiến.

Quan Hoàng Môn lãnh chiếu ra đi rồi trở về tâu rằng: “Muông tâu bệ hạ! Phùng Nhựt Thăng mới thác tại chùa Từ Quang ở trong thành, lại có con gái của quan Thừa tướng cũng mới thác tại chùa đó nữa. Hai người phát bệnh một lượt, giây lát đều từ trần cả.

Vua nghe tâu rất kinh hãi, liền phê vào quyển thi của Lưu Đức Tú bốn chữ: “Trạng nguyên cập đệ” rồi truyền đem bản ra yết tại ngọ môn.

Thuở ấy vua Vạn Lịch có một nàng công chúa, tên là Nguyệt Chiếu, đã được mười sáu tuổi, hình dung yểu điệu diện mạo đoan trang, cá lặn chim sa, hoa nhường nguyệt thẹn.

Vua thấy quan Trạng tài cao tuổi trẻ, bèn đòi vào bệ rồng mà hứa gả công chúa và hỏi rằng: “Quan Trạng có tu hay không?”.

- Muôn tâu bệ hạ! Tôi không có tu.

- Quan trạng không tu mà có niệm Phật hay không?

- Muôn tâu Bệ hạ! Tôi cũng không có niệm Phật.

- Muôn tâu Bệ hạ! Tôi có ở tạm ở nơi chùa Từ Quang.

Vua Vạn Lịch nghe Đức Tú trả lời rằng có ở tại chùa Từ Quang, thì gật đầu luôn đôi ba lần và hỏi tiếp rằng: “Quan trạng nói rằng không tu mà ở chùa làm gì?”

Lưu Đức Tú đáp: “Muôn tâu Bệ hạ! Trước khi thi Hội, tôi có đến chùa ấy tìm nơi thanh tịnh mà đọc sách”.

Vua bèn hỏi tiếp: “Trong khi ở chùa, quan trạng có lúc nào niệm hai chữ “Mô Phật” hay không?”.

Khi nghe vua hỏi đến điều đó, thì Lưu Đức Tú mới nhớ lại lúc ở chùa Từ Quang, mỗi lần nàng Lan Hương trêu ghẹo nguyệt, thì Ngài đáp lại hai tiếng “Mô Phật”, nên ngài bèn đem việc ấy tỏ hết đầu đuôi tự sự, thì vua nghe rất khen ngợi.

Ngày thứ, Lưu Đức Tú vào triều lạy dưới bệ rồng mà lãnh chức Phò mã, vua truyền cho quan Khâm Thiên Giám coi ngày tốt đặng cho Trạng nguyên và Công chúa động phòng hoa chúc.

Vua lại đem việc chiêm bao thấy Phật và sự đổi Trạng thay tên mà thuật hết cho các quan trong lục viện, quốc thích, hoàng thân, bách liêu, văn võ, mọi người đều đem lễ vật chúc mừng.

Khi hoa chúc trọn ba ngày ba đêm rồi, thì vua đòi Phò mã vào triều và phong chức Tham Tri trong viện Cơ Mật, lại phong hàm tứ phẩm cho ông bà cha mẹ của ngài.

Một hôm nọ, quan Trạng nguyên đến dự yến tại dinh quan Thượng thơ, thấy có bọn quan kỹ ra ca xướng. –Trong bọn có một nàng hình dung yểu điệu, sắc diện xinh đẹp hơn mấy nàng kia, bưng rượu dâng đến trước mặt quan Trạng, rồi khoanh tay cúi đầu mà thưa rằng: “Hai ba tháng mà không biết Ngài. Bẩm Ngài! Tôi có hầu Ngài còn nhớ hay không?”.

Trạng nguyên nghe nói như vậy, ngó nhìn nàng ấy một hồi mà chẳng biết là ai.

Các quan đương dự yến, thấy vậy bèn vỗ tay cười mà nói rằng: “Nếu quan Trạng không gần sắc sao mà lại có cô chiêu đãi hầu mấy tháng trời?”.

Trạng nguyên hỏi nàng ấy: “Nàng nói rằng có hầu ta hai ba tháng, vậy nàng hầu lúc nào, tên nàng là chi, và ở tại đâu?”.

- Nàng đáp: “Tôi tên là Xuân Thơ, lúc quan Trạng còn ngụ học tại nhà mẹ tôi, thì tôi có hầu hạ Ngài hai tháng”.

Trạng nguyên nghe nói như vậy, liền nhớ đến lúc Ngài ngụ học tại một cái nhà mát lợp bằng lá của bà Vương Mạ Mạ, rồi nửa đêm vì nàng ấy đến phòng trêu hoa ghẹo nguyệt, nên Ngài buộc lòng thôi ở chỗ đó.

Trạng nguyên thấy nàng Xuân Thơ nhập vào bọn quan kỷ như thế, bèn hỏi rằng: “Vì sao nàng đến nỗi này?”.

Nàng nghe hỏi đến sự ấy, thì hai hàng nước mắt tuôn rơi mà đáp lại rằng: “Bẩm quan Trạng! Từ khi Ngài thôi ngụ nơi nhà mẹ tôi thì có Pham Tái An đến xin ở. Phận tôi thì tới lui hầu hạ chàng cũng như tôi hầu hạ ngài thuở ấy vậy. Ngờ đâu chàng có lòng lang dạ thú, trở lại trêu ghẹo làm cho tôi phải xiêu theo ý muốn của chàng mà ân ái nhau trọn hai tháng.

Sau chàng về thi hương, nghe đồn đi thi một lượt với Ngài, mà Ngài đậu Cử nhân, còn chàng thì rớt, nên quan Thừa tướng là cha chàng bắt về giam cấm, làm cho tôi với chàng từ ấy phải cách biệt nhau.

Sau tôi có tiếp được một phong thơ của chàng gởi bảo tôi vào trong cửa thành, thì có người của chàng sai đến rước về hội hiệp, té ra thơ ấy là giả, vì người đón tôi đó lại dẫn tôi đem bán cho Tào kê, nên mới ra nông nỗi này”.

Trạng nguyên nghe nàng Xuân Thơ tỏ hết cái hoàn cảnh của chàng như thế, thì Ngài xúc động lòng nhân, liền nói với các quan đương dự yến đó rằng: “Nó quả có công lao hầu hạ tôi, mà nay lại thất thân lầm người gian trá. Vậy xin các ngài vị tình tôi mà dung cho nó khỏi hầu rượu, rồi đây tôi sẽ sai người đi đòi mẹ nó đến mà cho tiền đem chuộc nó về”.

Các quan thấy vậy, đều khen ngợi quan Trạng có lòng nhân đức.

Trạng nguyên sau này được bổ qua mai thăng, lần hồi làm đến chức Thừa tướng, giúp luôn ba triều vua Minh, mưa nhơn rưới khắp trong ngoài, lửa rực cháy tiêu gian nịnh, và các việc triều chánh Ngài đều nắm chặt trong tay.

Còn Công chúa sanh được ba vị công tử, đều nối giòng khoa giáp, tiếp gót điện đình, sân rồng các phụng bia danh, sử ngựa kinh lân để tiếng.

Trích Gương Nhân Quả

Người say mê ái dục cũng như người cầm đuốc đi ngược gió, không làm sao tránh khỏi cái nạn cháy tay.

Người yêu muôn thuở

Ba Tư Nặc là đức vua trị vì vương quốc Kosala một quốc gia hùng cường ở Ấn Độ, trong thời Phật còn tại thế.

Đức vua có một vị Hoàng phi xinh đẹp tên là Mạt Lợi, mỹ nhân này là một Công chúa của dòng họ Thích Ca, được vua Ba Tư Nặc đặc biệt sủng ái.

Một hôm nhà vua hỏi nàng Mạt Lợi:

- Trên đời này ái khanh yêu ai nhất?

- Muôn tâu…dĩ nhiên là thiếp quý Bệ hạ nhất.

- Trẫm cũng đoán là khanh sẽ trả lời như vậy. Mạt Lợi mỉm cười:

- Muôn tâu, nếu Thánh thượng cho phép thần thiếp sẽ nói khác đi một tí, nhưng xác thật hơn.

- Ái khanh cứ nói!

- Muôn tâu, người mà thần thiếp yêu quý nhất chính là thần thiếp.

- Sao? Mình lại yêu mình? Trẫm không hiểu ái khanh muốn nói gì?

- Tâu Bệ hạ! Vì có ái trong tự ngã của mình nên thần thiếp mới yêu thương Bệ hạ…Vì Bệ hạ là người đem lại hạnh phúc cho cái tự ngã này.

- Trẫm đồng ý điều đó, nhưng vẫn chưa hiểu rõ ý của ái khanh.

- Muôn tâu, thần thiếp xin mạn phép nêu ra một câu hỏi: “Trên đời này Bệ hạ yêu quý ai nhất?”.

- Ái khanh chứ còn ai nữa!

- Nhưng giã sử như thần thiếp lại đi yêu thương chiều chuộng, ve vuốt một người đàn ông khác thì Bệ hạ sẽ tính sao… Muôn tâu, thần thiếp chỉ giả dụ vậy thôi!

- À… À… Trẫm sẽ, trẫm sẽ…

- Nghĩa là Bệ hạ sẽ nổi trận lôi đình và chém đầu thần thiếp ngay lập tức?

- Ái khanh rắc rối thật!

- Muôn tâu, có đúng thế không ạ?

- À…À…

- Đúng… phải không Bệ hạ!

- Ờ…Ờ…Có lẽ đúng như vậy.

- Thế thì…Bệ hạ đã hiểu rõ câu đáp của thần thiếp rồi chứ?

Nhà vua im lặng giây lâu rồi lặng lẽ gật đầu:

- Có lẽ, khanh nói đúng, mình chỉ yêu thương có mình mà thôi.

Hôm sau, đức vua xa giá đến Kỳ Viên thăm Phật và trình bày tự sự câu chuyện đối đáp giữa vua và Hoàng phi Mạt Lợi. Đức Phật đã xác nhận ý kiến của Hoàng phi Mạt Lợi kệ trong kinh Phật tự thuyết:

Tâm ta đi cùng khắp

Tất cả mọi phương trời

Cũng không tìm thấy được.

Ai thân hơn tự ngã.

Và Đức Thế Tôn cũng nhắn nhủ luôn đức vua Ba Tư Nặc cùng số thính chúng đang hiện diện:

Tự ngã đối mọi người

Quá tham ái như vậy

Vậy ai yêu tự ngã

Chớ hại tự ngã người!

Như Thủy

Vô ngã tức Niết bàn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4510)
Mini, con gái 5 tuổi của tôi không thể sống mà không huyên thiên suốt ngày. Tôi thật sự tin rằng suốt cuộc đời của nó không hề phí một phút giây ...
10/04/2013(Xem: 4700)
Có bao giờ bạn nghe nói Phật khóc chưa? - Phật là Đấng giác ngộ, Ngài đã vượt qua mọi tình thức tầm thường của ...
10/04/2013(Xem: 4833)
Thiền sư Từ Đạo Hạnh vốn là con nhà nho tên Từ Vinh. Từ Vinh có sự trái ý với Diên Thành Hầu, Hầu nhờ pháp sư Đại Điên đánh chết. Sự muốn trả ...
10/04/2013(Xem: 4442)
Những năm trước, hai gốc tùng trước sân như hai đứa trẻ, dáng điệu miệt mài trong cơn gió hiu hắt của mùa thu. Quanh năm suốt tháng, không một ...
10/04/2013(Xem: 4478)
Vào khoảng đầu năm 1996, tình cờ tôi được xem một bức tranh của họa sĩ Samyot Hananundasule, trong cuộc triển lãm dưới chủ đề "Nhìn lại quá khứ" tại Viện Nghệ thuật Quốc gia Thái Lan. Đó là một bức tranh có nhan đề là "Hài nhi của thế giới thứ ba" (Third World Baby), được vẽ vào năm 1976. Bức tranh này được in trên tờ nhật báo Bangkok Post.
10/04/2013(Xem: 5446)
Nhân dịp xuân Nhâm Ngọ, mọi người chúc nhau bằng lời hay ý tốt. Bần sư xin tặng những người thân "món quà pháp" thay lời cầu chúc... .
10/04/2013(Xem: 4183)
Tôi quen Trâm một tháng trước. Nàng là y tá viên điều dưỡng vừa ra trường chưa được một năm. Đang làm việc ở Đà Nẳng thì có giấy đổi vào Nha ...
10/04/2013(Xem: 4249)
Nhân vật Thanh Lam được cha để lại một gia tài đồ sộ. Chàng chia làm hai phần, một lànhững tài sản cố định sinh lợi hằng năm như ruộng vườn, hai ...
10/04/2013(Xem: 4264)
Một sớm mai dưới tia nắng chan hòa tại tu viện Bát Nhã, hòn sỏi gặp bước chân. Hòn sỏi lên tiếng chào: "chào các bạn, các bạn, các bạn từ đâu đến?"...
10/04/2013(Xem: 4032)
Trong đời tôi, rất nhiều lần được ngủ lại chùa, đặc biệt là những ngôi chùa có nghi thức hành lễ theo Bắc-Tông. Theo từng giai đoạn lớn lên, tri thức ...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]