Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 11

19/10/201309:01(Xem: 8244)
Phần 11

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 3
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần Mười Một

50/ Pothila ông sư rỗng
51/ Dưới gốc mai vàng
52/ Ngọc báu trong túi áo
53/ Tam nghiệp hằng thanh tịnh
54/ Phạm chí ngạo mạn

Pothila ông sư rỗng

Vào thời Phật tại thế có vị trưởng lão tên Pothila. Vị sư này lão thông Tam tạng và vẫn thường tuyên đọc giáo lý cho một nhóm 500 vị Tỳ kheo nghe. Chỉ hiềm có một điều là sư chưa chứng được quả Thánh nào cả. Ðể giúp sư, Ðức Thế Tôn thường gọi sư là “Pothila rỗng” mỗi khi tiện dịp. Chẳng hạn như mỗi lần sư đến bên Ðức Phật. Ngài bảo:

- Hãy đến đây Pothila rỗng!

- Ngồi xuống đi Pothila rỗng!

- Hãy đi đi Pothila rỗng ! v.v…

Và khi trưởng lão Pothila đã rời khỏi ghế, đi ra, Ngài nói:

- Pothila rỗng đã đi.

Trưởng lão Pothila thầm nghĩ: “Ta đọc tụng thông thuộc cả Tam tạng và chú giải cũng rành mạch không kém, ta là thầy giáo thọ cho 500 Tỳ kheo và 18 hội chúng, vậy mà Ðức Thế Tôn vẫn gọi là “Pothila rỗng” chắc vì ta chưa phát triển chánh định nên Ngài gọi như thế”. Cảm thấy bị kích động, Sư tự nhủ: “Ta sẽ vào rừng để thiền định”.

Chiều hôm ấy sau khi giảng kinh xong, đợi lúc trời nhen tối, trưởng lão mang y bát, nối gót theo nhóm thính chúng cuối cùng ra khỏi pháp đường. Các thầy Tỳ kheo ngồi trong phòng học kinh nhưng chẳng hề hay biết gì về vị pháp sư của mình.

Sau khi đi khoảng 120 dặm đường trưởng lão Pothila gặp một cụm rừng là nơi ẩn cư của 30 vị Tỳ kheo. Sư đến chào vị trưởng chúng thưa:

- Bạch trưởng lão, xin Ngài hãy chỉ dạy cho con.

- Này Tôn giả, Ngài là một vị giảng sư chúng tôi còn phải học với Ngài, sao Ngài nói thế?

- Thưa trưởng lão, Ngài đừng từ chối, xin hãy chỉ dạy cho con.

Tất cả vị Tỳ kheo ngụ tại rừng cây này đều đã đắc quả A La Hán. Vị trưởng chúng nghĩ thầm: “Ông sư này là người học rộng, có lẽ ông đầy lòng kiêu hãnh” nên thầy từ chối chỉ dạy và gởi Pothila xuống cho đệ nhị tòa. Pothila cũng cung kính xin học hỏi với vị sư này, nhưng vị đệ nhị tòa lại đẩy sang đệ tam tòa. Và cứ như thế, cho đến người nhỏ nhất trong chúng: một chú tiểu 7 tuổi đang ngồi khâu áo. Kiêu khí của Pothila cũng tụt dần cho đến mức thấp nhất .

Trưởng lão Pothila đến bên chú tiểu, chắp tay cung kính:

- Thưa Tôn giả, xin Ngài hãy chỉ dạy cho con.

- Ồ! Pháp sư! Ngài nói gì thế? Ngài lớn hơn tôi về tuổi tác cũng như học thức tôi còn phải học thêm ở Ngài nữa mà?

- Bạch Tôn giả, xin Ngài đừng từ chối: Hãy chỉ dạy cho con!

- Thưa Tôn giả, nếu Ngài có đủ kiên nhẫn làm theo lời tôi, tôi sẽ hướng dẫn Ngài.

- Con sẽ kham nhẫn tất cả, nếu Ngài dạy con nhảy vào lửa, con cũng nhảy theo.

Nhìn bộ y phục đắt giá của Pothila, chú tiểu chỉ một cái ao gần đó:

- Xin Ngài hãy để nguyên y phục và nhảy xuống ao.

Thấy y phục của vị trưởng lão này ướt đẫm, chú tiểu bảo:

- Hãy leo lên.

Trưởng lão Pothila liền leo lên đứng cung kính trước mặt chú tiểu. Chú giảng dạy:

Này Tôn giả, như một cái hang có sáu cửa ngõ. Một con dế chun vào hang. Ai muốn bắt nó phải bịt năm cửa, chỉ chừa một cửa là tóm được nó ngay. Tôn giả hãy quan sát sáu căn của mình. Ðóng năm căn lại và tập trung trọng tâm vào ý căn.

Nghe những lời nói của chú tiểu, Trưởng lão hốt nhiên tỉnh ngộ, nói:

- Bấy nhiêu cũng đủ rồi.

Trưởng lão liền nhập định. Ðức Thế Tôn cách đó 120 dặm, biết rằng Tôn giả sẽ đắc quả, Ngài liền hóa thân đến trước mặt Pothila, đọc kệ. Bài kệ này trở thành câu pháp cú 282, và được lưu truyền cho đến ngày hôm nay:

“Thật vật do thiền định trí tuệ phát sinh, không hành thiền trí tuệ phai dần, thông suốt những điều lợi hại này, hãy tự mình làm thế nào để trí tuệ phát sinh”.

Thích Nữ Như Thủy-Như Ðức

“Dù tuổi cao mày bạc

Không tịnh hạnh tu trì

Tôn xưng là hòa thượng

Danh suông chớ ích chi”

Dưới gốc mai vàng

Ngày xưa, có đôi vợ chồng Rùa sống rất êm đềm trong một động đá bên dòng sông thơ mộng.

Một hôm, Rùa vợ mắc phải chứng bệnh ăn không tiêu. Rùa chồng cho mời tất cả lương y thủy giới đến chữa, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm mà có phần trầm trọng hơn.

Một buổi chiều nước lớn, Tôm có dịp đi qua động Rùa, nghe có tiếng rên liền hỏi:

- Anh rùa ơi! Bộ trong nhà có ai đau sao tôi nghe có tiếng rên? Rùa chồng bước ra trả lời:

- Mấy hôm nay vợ tôi bị bịnh vì ăn không tiêu.

- Chị đau mấy hôm rồi?

- Ba hôm rồi, đúng hôm kỷ niệm ngày chúng tôi gặp lần đầu, vợ tôi vì sung sướng nên ăn nhiều hơn thường ngày.

Tôm ân cần hỏi:

- Anh có mời ai đến chữa bịnh cho chị chưa?

- Ðủ cả rồi, nhưng sao không thấy thuyên giảm tí nào, tôi lo quá anh ơi.

- Tôi biết một thứ thuốc hay lắm, có thể làm chị lành bịnh tức thời, nhưng không biết anh dám tin kinh nghiệm của tôi không?

- Anh biết làm ơn chỉ giùm, ơn này tôi không dám quên.

- Ơn nghĩa gì, biết chỉ giùm cho nhau, tôi chỉ thuốc sợ khó tìm. Bây giờ, nếu anh muốn chị chóng lành bịnh thì anh phải mau mau đi tìm gan khỉ đem về phơi khô, rồi cho chị ăn từng miếng nhỏ.

Nói xong Tôm theo dòng nước lội đi. Rùa chồng trở vào nói với vợ:

- Thuốc của anh Tôm chỉ có vẻ hay, nhưng biết làm sao tìm ra được gan khỉ mà phơi khô.

- Em cũng không biết nữa.

Rùa chồng tìm trong óc mãi lúc lâu mới nhớ ở cách đó khá xa có một hòn đảo có rất nhiều khỉ thường hay nhảy nhót, đùa giởn bên dòng sông. Con khỉ chúa đàn thường hay nhăn nhó mặt mày trêu chọc mỗi khi thấy Rùa lội qua.

- Anh nhất định chữa bịnh cho em bằng thứ thuốc anh Tôm vừa chỉ. Bây giờ anh đi tìm thuốc đây, em ở nhà nằm yên một chỗ chờ anh, nhớ đừng đi đâu hết nghe không. Anh ráng đi mau về sớm với em.

Dặn dò xong Rùa chồng hăng hái ra đi. Vừa bơi, Rùa vừa suy nghĩ phải ăn nói làm sao cho thật hay để Khỉ chịu theo về động của mình. Rùa bơi đến đảo thì đã quá nữa đêm. Vầng trăng mười sáu nghiêng mình tỏa xuống đảo một màu vàng nhạt, làm cảnh vật trở nên mờ ảo trông thật đẹp mắt.

Vừa bước lên bờ, Rùa đã lên tiếng gọi. Khỉ nghe tiếng gọi liền hỏi:

- Ai gọi tôi đó?

- Tôi, Rùa đây.

- À, té ra anh mà tôi tưởng ai đâu xa lạ. Anh đến đây chơi hay tìm tôi có việc gì?

- Không có việc gì cả. Hôm nay trăng đẹp tôi thả đi chơi, thấy anh tôi có cảm tình, nên ghé hỏi thăm vài lời thế thôi.

- Nếu thế thì còn gì bằng, tôi cũng đang buồn, không biết nói chuyện với ai. Anh nói chuyện nghe có vẻ hiền lành vui vẻ, thế mà ngày trước tới giờ thấy anh xa lạ tôi cứ tưởng là anh dữ dằn và khó chịu.

- Ồ, sao anh lại nghĩ thế, tôi mới là hiền lành, dễ chịu nhất thế gian. Thôi anh xuống gần đây nói chuyện cho vui, anh ở trên cây tôi ngó lên hoài mỏi mắt quá.

Khỉ liền chuyền cây xuống ngồi gần Rùa .

- Anh chuyền cây giỏi quá, tôi thật phục tài anh.

-Tôi thì được cái sung sướng là chạy nhảy, chuyền cành không ai bằng, nhất là những đêm trăng đẹp như thế này, ít khi tôi chịu đi ngủ sớm lắm, tôi thích ngồi ngắm trăng một mình bên bờ sông.

Nghe Khỉ nói, Rùa ganh tức lắm nhưng cũng cố lấy giọng bình thản nói:

- Nghe anh nghe nói tôi ham quá, anh biết thưởng thức vẻ đẹp của đêm trăng, nếu nghe được cá hòa nhạc chắc anh hẳn hài lòng lắm.

- Cá hòa nhạc làm sao? Anh nói rõ tôi nghe với.

- Ở chỗ động tôi ở, buổi s áng nào lúc mặt trời vừa mọc, cá cũng hòa nhạc để đón chào bình minh. Tiếng nhạc của từng loài cá hòa cùng tiếng nước chảy trên động đá, trên rong rêu nghe tuyệt diệu làm sao, không kém gì nhạc ở thiên thai.

- Nghe anh nói tôi ham quá, nhưng tôi là giống trời sanh ở trên bờ, nên đành phải thua anh ở điểm đó chớ biết làm sao.

- Nếu chuyện không biết lội làm cản trở ước muốn của anh thì có gì khó đâu. Anh cứ việc lên lưng tôi, tôi sẽ đưa anh đi xem hòa nhạc, tôi hứa chắc cho anh khỏi lo là anh sẽ được an toàn, không ướt một sợi lông.

- Tôi cảm ơn l òng tốt của anh, nhưng tôi nặng quá, tôi sợ làm anh mệt nhọc.

- Chỗ anh em mà, anh đừng lo ngại gì cả. Anh lên mau, chúng ta cùng đi cho kịp giờ. Ðoạn khởi đầu bao giờ cũng hay hơn hết…

Không đợi Rùa nói thêm, Khỉ vội leo lên lưng Rùa.

Rùa vội bò xuống sông bơi thật nhanh, lòng cảm thấy sung sướng vì đã gạt được Khỉ một cách quá dễ dàng. Ði được nữa đường thì trời đã hừng sáng.

- Tôi nghe dường như có tiếng hòa nhạc phải không anh Rùa?

Rùa không nhịn được phá lên cười làm Khỉ ngạc nhiên hỏi:

- Chuyện gì làm anh cười có vẻ thích thú thế?

- Tôi cười anh, cười sự ngây ngô khờ dại của anh. Khỉ từ xưa tới nay vốn khôn ngoan mà lại thua trí Rùa.

- Anh nói gì lạ vậy? Không có hòa nhạc sao?

- Anh là con vật kém thông minh nhất mới đi tin chuyện cá hòa nhạc.

- Nếu không có chuyện hòa nhạc thì tại sao anh lại chở tôi đi làm gì cho nặng?

- Tại tôi cần lá gan của anh để chữa bệnh cho vợ tôi.

- À, té ra anh đến tìm tôi để lấy lá gan về làm thuốc cho vợ anh uống?

- Ðúng vậy!

- Nếu thế thì anh lầm to rồi. Anh đem tôi về mổ bụng, tìm khắp chỗ cũng không làm sao thấy được gan tôi.

- Tại sao lạ vậy?

- Anh không biết sao, tôi thì có tính cẩn thận, nên trước khi nhảy chỗ nào nguy hiểm, tôi thường treo lá gan lên một cành cây. Như thế sẽ chắc ý hơn và khỏi mất công tìm. Anh không biết sao, loài khỉ chúng tôi, con nào cũng làm như thế cả. Treo gan rồi chạy nhảy tự do dễ dàng hơn. Hồi nãy, anh hối đi gấp quá nên tôi quên đem gan theo rồi.

Rùa ngạc nhiên ngừng bơi chờ nghe Khỉ nói.

- Phải anh đừng tính gạt tôi mà nói tử tế: “Vợ tôi đau nặng, tôi cần lá gan của anh để chữa bệnh cho vợ tôi”, thì tôi không bao giờ từ chối. Anh cũng thừa biết là tôi có cảm tình với anh rất nhiều. Lá gan của tôi để treo nhánh cây hay ở trong bụng chị thì cũng thế thôi. Không có thiệt hại gì cho tôi cả kia mà. Nếu anh nói thật thì tôi sẳn s àng tặng chị lá gan và sung sướng đã làm được một điều thiện.

Rùa cảm thấy gượng ngùng không biết làm sao. Dáng điệu bình thản của Khỉ càng làm cho Rùa mắc cở hơn.

- Thật tôi không biết làm sao, tôi lấy làm xấu hổ vì đã đi lường gạt một người bạn tốt như anh. Anh không có đem gan theo thì tôi chở anh về cũng vô ích.

- Tôi hiểu tình cảnh của anh, nên không nở giận anh làm gì. Tôi bằng lòng cho lá gan của tôi. Thôi anh chở tôi về đảo mau để lấy lá gan làm thuốc cho chị.

Rùa cảm ơn rối rít quay đầu bơi trở lại. Vừa đến đảo. Khỉ vội nhảy lên bờ, leo lên cây chuyền cành này sanh cành khác. Chờ một lúc lâu, Rùa sốt ruột hỏi:

- Lá gan của anh đâu?

Khỉ lượm một hòn đá to liệng xuống lưng Rùa và nói:

- Gan của tôi đó, đem về mà làm thuốc cho khôn thêm tí nữa.

Hòn đá to của Khỉ liệng trúng lưng tuy không làm tổn thương thể xác, nhưng làm xao động tinh thần của Rùa rất nhiều. Vẻ mặt giận dữ của Khỉ không làm cho Rùa tức giận, mà trái lại làm Rùa hối hận vô cùng. Rùa nghĩ thầm: “Chỉ tại mình có lòng hiểm ác định giết hại bạn để cứu mạng vợ mình. Cũng may Khỉ lanh trí, nếu không thì đã tán mạng rồi. Khỉ oán giận mình là phải. Mà anh Tôm cũng độc, bày chi phương thức ác quá, mà mình thì cũng không hiền gì. Không biết thuốc làm bằng lá gan có trị bịnh được không mà dù là thần dược đi nữa cũng chẳng nên dùng. Ai nở giết oan một mạng người để cứu một người. Dù kẻ được cứu là người thân, mà kẻ bị giết là người thù...”

Chỉ trong giây phút mà trong trí Rùa thoáng qua không biết bao ý nghĩ. Rùa ngước nhìn Khỉ với đôi mắt lành, đầy vẻ hối hận:

- Tôi rất ân hận về hành động gian ác của tôi vừa rồi, xin anh từ bi hỷ xả cho tôi.

Nãy giờ Khỉ cũng ngạc nhiên không thấy Rùa có phản ứng gì, khi liệng đá trúng lưng, mà trái lại có vẻ trầm ngâm suy nghĩ. Bao nhiêu hờn giận đã theo viên đá đổ trút xuống lưng Rùa rồi, nên khi Rùa tỏ vẻ hối hận. Khỉ cảm thấy hả dạ ngay, vì bản tánh của Khỉ cởi mở, không hiểm ác.

- Tôi xin anh tha lỗi về cử chỉ tàn bạo của tôi vừa rồi. Anh có sao không? Lên đây tôi xem, tôi sẽ đi hái thuốc chữa trị cho anh.

- Cám ơn lòng tốt của anh, tôi không sao cả. Viên đá tuy to, nhưng lưng tôi cũng khá cứng. Lòng tốt của anh làm tôi cảm động và thẹn thùng vô cùng.

Rùa từ từ bò lên khỏi mặt nước.

Khỉ cũng tuột xuống khỏi cây. Khỉ đến gần Rùa thân mật hỏi:

- Anh thật không sao cả phải không?

Quan sát Rùa thật kỹ lưỡng rồi Khỉ cười nói:

- Thấy anh an lành tôi mới an tâm. À mà chị nhà đau ra sao? Bịnh gì vậy anh?

Rùa kể rõ căn bịnh của vợ mình, nghe xong Khỉ nói:

- Không sao đâu, anh đừng lo, tôi biết có thứ lá cây này trị bịnh đó hay lắm để tôi hái, rồi anh chở tôi đi trị bịnh cho chị. Anh chờ tôi một tí. Khỉ chuyền cây một lúc trở lại với một nắm lá.

Nào chúng ta cùng đi.

Lại cái màn Rùa chở Khỉ, nhưng lần này lòng dạ hai đàng khác hẳn, không còn rắp tâm hại nhau, mà lại thông cảm thích giúp đỡ nhau. Với lòng chân thật và mến thương vô hạn. Thật khác xa tâm địa xấu xa lúc ban đầu. Mỗi đàng đều im lặng đeo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Một lúc Khỉ bỗng nói:

- Trong rừng của chúng ta dạo này có một vị Tăng đến ở tu. Những đêm trăng sáng Ngài thường hay thuyết pháp, anh có đi nghe không?

- Tôi thường hay đi nghe lắm, nhưng buồn quá anh ơi! Nghe giảng hoài mà sao tâm tánh vẫn còn mê mờ, chưa sửa đổi được gì nhiều cả. Cũng vẫn ích kỷ, nhỏ nhen, cũng vẫn hẹp hòi đố kỵ, thấy ai hơn thì ganh tỵ, thấy ai thua thì khinh khi. Chúng ta đối với Thầy thì tỏ ra kính mến còn đối với nhau thì chẳng ra gì. Trước mặt Thầy chúng ta chào hỏi nhau xem như chừng lưu luyến lắm, còn sau lưng Thầy thì ghét nhau như chó với mèo.

Tôi cũng nhận thấy như anh, chúng ta còn xa đạo không biết bao nhiêu cây số. Anh biết bây giờ tôi nghĩ gì không? Tôi nghĩ đến câu Thầy giảng hôm rằm: “Tâm dục vọng chỉ để dối gạt, trái nghịch với đạo. Người vào đạo phải dùng tâm đoan chánh, ngay thẳng làm gốc”. (Kinh Di Giáo). Vậy mà chúng ta làm trái ngược, dùng tâm dối trá, gian ác để đối xử nhau, nên mới sanh chuyện. Mà cũng lỗi tại tôi có tâm khinh người, thấy anh chậm chạp, nên nhăn nhó trêu chọc.

- Cũng lỗi tại tôi thấy anh nhanh nhẹn khôn ngoan nên tôi sanh tâm đố kỵ, thấy anh trêu chọc sanh tâm thù ghét, cố chấp mong có dịp trả thù. May là là chúng ta đã dừng lại kịp thời, nếu không thì “Ác do tâm sanh, trở lại hại tâm, như sắt hay sanh sét, sétlại tiêu sắt”(Kinh Bột). Khỉ gật đầu nói:

- Thật đúng: “Nói ác, mắng chửi, kiêu căng, khinh người. Các điều ác ấy khởi ra là ganh ghét, oán hận sanh ngay. Nói lời khiêm tốn, tôn kính, bỏ oán, nhẫn ác là ganh ghét, oán hận tự dứt. Là người sanh ở đời, cái búa tại trong miệng sở dĩ giết thân cũng như lời nói dữ”.(Kinh Pháp Cú). Mãi bàn luận, mấy chốc cả hai về đến hang Rùa. Khỉ trổ tài làm lương y. Uống thuốc Khỉ cho chẳng bao lâu chị Rùa cảm thấy khoẻ khoắn và từ từ khỏi bịnh. Trước khi ra về Khỉ căn dặn:

- Anh chị nhớ tối hôm nay đi nghe giảng nghe. Chúng ta cố đi nghe để sửa đổi tâm tánh, theo thiện, bỏ ác. “Công đức nghe pháp được ra khỏi sanh tử” đó anh ơi! Anh chị nhớ đi đúng giờ, đừng đi trễ có lỗi, nhớ chờ tôi dưới gốc mai vàng nhé!

Nói xong Khỉ nghiêng mình chào chị Rùa, vị chủ nhà chậm chạp trả lễ và không quên cảm tạ ơn chữa bịnh của khách. Xong đâu đấy. Rùa chở Khỉ thong thả bơi đi. Ðến mé rừng, Khỉ nhảy vội lên bờ, hái một cành mai nhỏ thật đẹp đưa cho Rùa và nói:

- Nhân dịp xuân về tôi xin biếu chị ở nhà và cầu chúc anh chị một mùa xuân hạnh phúc.

Rùa ngậm cành mai vàng, chào anh bạn quý rồi sung sướng bơi đi…

Bảo Liên

Lấy từ bi thắng nóng giận

Lấy hiền lành thắng hung dữ

Lấy bố thí thắng xan tham

Lấy chân thật thắng ngoa ngụy.

Ngọc báu trong túi áo

Có một thanh niên háo khách, ưa tiếp bạn bè, tính hòa hiệp, dễ sống chung với mọi người. Anh có rất nhiều bạn ở khắp nơi xa gần trong nước. Anh vốn là con của một đại phú ông, của cải trong nhà vô số, không cần mua bán kinh doanh. Cả ngày ngoài việc tiếp khách đãi bạn, người ta không thấy anh làm gì vất vả. Tuy nhiên, “mùa xuân nào rồi cũng phải hết”, điều bất hạnh đã xảy đến cho anh. Khi anh vừa đúng 20 tuổi thì phụ thân anh qua đời. Từ đây anh phải sống những ngày cô độc của tuổi trẻ.

Vốn là người chỉ giỏi về sự giao du rộng với bạn hữu, không thạo về buôn bán làm ăn, anh dần dần tiêu sạch bao nhiêu tài sản của phú ông để lại. Khi tất cả không còn gì, anh cô thân chích bóng lưu lạc xứ người, một ngày một đồng cũng không có, với ý tưởng quay gót thăm lại cố hương. Vì trước kia anh từng giao tiếp rộng, anh bước chân đến đâu đều có bạn bè tiếp đón. Lần lượt anh đến thăm những người bạn củ năm xưa.

Anh không chịu làm một thực khách lâu ngày của ai. Tính khẳng khái và tự tôn của tuổi trẻ, bảo anh làm thế. Tiền trong mình hết hẳn. Ðã có lúc qua hai ba ngày liên tiếp mà không có hạt cơm nào trong bụng. Tuy thế anh vẫn không dám đến cầu sự giúp đỡ lần nữa của bạn bè. Cuối cùng khi mà sức lực đã kiệt như không chịu nổi nữa, anh mới chịu lần đến nhà một người bạn tri kỷ của thuở nào. Lâu ngày được gặp lại tình bạn hữu tha thiết bội phần. Anh muốn cố giữ không để cho bạn biết sự nghèo khó của mình, mặc dầu cái dáng vẻ bần cùng của anh rất dễ bị khám phá.

Bữa nọ, bóng chiều vừa xuống, nhân bữa ăn, chủ khách hai người đã than thở với nhau về sự thay đổi vô thường của nhân tình thế thái. Những sầu muộn tích tụ trong lòng anh trong những năm qua, hôm nay được khơi dậy nhân sự tiếp xúc với bạn. Anh vừa tâm sự vừa ăn uống. Nói thật nhiều và uống thật nhiều, bất chấp tính toán so đo. Kết quả anh đã say mèn “bất tri nhân sự”. Bây giờ người bạn đưa anh qua phòng ngủ, để anh nằm trên chiếc “giường an lạc” và ngồi bên cạnh trông nom. Người bạn nhìn chăm vào dung nhan của anh trong khi ngủ, và khi đã cùng đường mới tìm đến người bạn này để nhận sự giúp đỡ. Hôm nay ta giàu có như thế này-Ý tưởng của người bạn mà bạn ta bần cùng khốn khổ. Xem qua hình dạng nhất định anh đã chịu hết mọi thống khổ của cảnh “thương hải tang điền”. Tuy nhiên anh không đề cập một câu nào về điều ấy. Khí sắc của anh không còn chút nào giống như ngày trước. Bao nhiêu của cải ta có hôm nay đều là của anh cho cả. Giá như phải đem tất cả tặng lại cho anh, ta cũng phải làm. Nhưng ta biết tính khí của anh tâm tự tôn rất cao, anh nhất định không nhận sự bố thí của người đâu… Nghĩ đoạn người bạn rời khỏi giường, để anh tiếp tục ngủ, vào phòng mở tủ lấy một viên ngọc báu vừa sáng lớn, rồi một cách kín đáo nhét viên ngọc vào túi áo của anh. Ðây là viên ngọc vô giá, có thể giúp anh nuôi sống trọn đời không hết.

Qua hôm sau, người thanh niên từ cõi mộng trở dậy. Mở mắt ra, anh thấy mình đã ngủ một giấc dài trên chiếc giường lớn lộng lẫy. Anh cảm thấy xấu hổ khi nghĩ về cuộc say sưa chiều hôm qua. Anh hối hận vô cùng, biết rằng mình làm một người khách ở nhà bạn sao lại có thể quá tùy tiện như vậy. Người bạn đến, tiếp theo là một nữ bộc bưng thau nước. Sau khi lau chải sơ sài, anh theo bạn vào phòng ăn. Bữa ăn sáng hôm ấy quá thịnh soạn.

Mặc dù bạn ân cần thế nào, anh vẫn thấy bất an. Sau khi ăn xong từ biệt bạn để ra đi. Một lần nữa bạn mời ở lại, nhưng anh nhất quyết ra đi. Cuối cùng không biết làm sao hơn nữa, người bạn chỉ còn cách đưa anh ra cửa. Từ đấy, anh lại sống qua những ngày của một người vô gia cư lưu lạc. Từ thôn này qua thôn khác, thành này qua thành khác, thời gian cũng theo bước chân anh, đi mau như dòng nước chảy. Bị sự thúc bách của sinh hoạt anh mất hết thần khí, cúi đầu lặng đi. Cuối cùng, anh đã làm việc hết sức khổ nhọc hoặc phải đến từng nhà xin ăn. Chỉ cần một bữa cơm, khổ bao nhiêu anh cũng ráng chịu, không một biểu tượng từ nan. Anh đã biết: Sức sống và sự sống của chính mình quan hệ lẫn nhau.

Anh xa cách người bạn trên đã hai năm, không hề có một ý tưởng mong được gặp lại. Nhưng việc đời làm sao ta có thể ngờ trước. Vì vậy trong một lúc tình cờ, anh gặp lại người bạn đó. Anh đã bị bạn phát hiện trong lúc hì hục làm công cho một nhà giàu. Người bạn rất đỗi ngạc nhiên hỏi:

- “Bạn, trong khi chúng ta xa cách nhau, sao anh lại nghèo như thế này? Nhớ lại ngày sau bữa rượu anh đã say tại nhà tôi, dìu anh lên giường, rồi lấy một viên ngọc quý đặt vào túi áo của anh. Ðó là viên ngọc vô giá, dùng trọn đời không hết, anh đã bỏ mất rồi sao?”.

Qua lời chỉ dạy của bạn, anh mới bắt đầu đưa tay mò túi áo của mình, và viên ngọc quý sáng rỡ đã được anh moi ra, lúc ấy mới cảm động than rằng:

- “Ngu si quá chừng! Ngu si quá chừng! Trong người mang ngọc quý, lại chịu khốn khổ trong cảnh bần cùng. Vì sự sinh kế mà phải vất vả, lo buồn, quả tôi là một thằng khùng nhất trong đời vậy”.

Thích Tâm Thiện

“Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật. Ta là Phật đã thành. Chúng sanh là Phật sẽ thành”.

Tam nghiệp hằng thanh tịnh

Một vị thiền sư đi hành cước ngang thôn ấp nọ, tìm tới nghỉ tại một ngôi chùa bỏ vắng lâu năm. Dân làng kéo đến khuyên thầy đi chỗ khác, thầy hỏi duyên cớ, họ kể:

- Bạch thầy, ngôi chùa này có con quỷ xuất hiện vào lúc nửa đêm, khóc than thảm thiết rùng rợn, khiến chúng con phải dời nhà đi chỗ khác không dám ở gần. Nguyên do là ngày xưa nghe đâu có vị trụ trì ở đây chết hóa thành quỷ.

- Tại sao chết?

- Dạ bạch, vị sư ấy đã già khi ốm nặng, các đệ tử theo lời y sĩ, đỗ súp gà cho thầy lai tỉnh. Lúc tỉnh dậy thầy hỏi đã cho thầy uống thuốc gì và khi được biết họ đã đổ súp gà, thầy giận đến ngất đi và chết luôn. Từ đó đêm nào cũng có quỷ xuất hiện ngâm lên hai câu:

Lâm bênh ngọa tại sàng

Nhất dạ ẩm kê thang

(Liệt giường bệnh hành ta

Nên uống phải súp gà)

Rồi khóc lên tru tréo rất thê thảm.

Vị thiền sư nghe qua câu chuyện quyết định ở lại ngôi chùa hoang đêm ấy. Ngài thức chờ khi quỷ xuất hiện ngâm hai câu:

Lâm bệnh ngọa tại sàng

Nhất dạ ẩm kê thang

Ngài bèn ngâm tiếp:

Tam nghiệp hằng thanh tịnh

Ðồng Phật vãng Tây phương.

(Ý nói dù uống lỡ súp gà, nhưng ba nghiệp thân khẩu ý thường thanh tịnh, thì vẫn có thể sanh Tây phương gặp Phật).

Quỷ nghe xong, biến mất, từ đấy không xuất hiện nữa.

Thích Nữ Trí Hải

“Ðoạn trừ phiền não trùng tâm bệnh

Xu hướng chân như tổng thị tà

Tùy thuận chúng sanh vô quái ngại

Niết bàn sanh tử thị không hoa”.

Phạm Chí ngạo mạn

Ngày xưa, tại Ấn Ðộ có một Phạm Chí học vấn uyên thâm, biện tài vô ngại. Ông thường dùng xảo ngôn để lập thuyết, lấy hư làm thực, lấy thực làm hư, chưa một ai địch lại, ông rất lấy làm tự đắc.

Một hôm ông đến thành Xá Vệ, giữa ban ngày ông đốt đuốc cầm đi, mọi người thấy lạ chạy theo coi, có người trong đám hỏi ông:

- Này đạo sĩ, giữa thanh niên bạch nhật như thế này sao đạo sĩ lại đốt đuốc mà đi?

- Trong nước tối tăm, không có ánh sáng, nên ta phải đốt đuốc mà đi.

Câu chuyện được đồn đến tai vua, nhà vua rất lấy làm hổ thẹn, nghĩ cả nước chẳng có người tài giỏi, để phải bị kẻ xảo ngôn nhục mạ. Nhà vua liền sắc các quan quân mang trống lệnh treo trên cửa thành dóng lên từng hồi vang vọng để cầu các bậc biện tài vô ngại, hàng phục kẻ ngông cuồng, xảo ngôn ấy.

Bấy giờ có một vị Sa môn tài cao đức lớn, đi ngang qua thành, thấy trống lệnh dóng lên liên hồi, liền kêu quân giữ thành hỏi:

- Nhà vua cầu việc gì mà đánh trống lệnh liên hồi vậy?

- Thưa Sa môn, vua muốn cầu bậc hiền tài để tranh luận với Phạm Chí xảo ngôn kia.

Nghe vậy, vị Sa môn vào thành yết kiến nhà vua. Nhà vua lấy làm mừng rỡ, cho lập đàn tranh luận và báo cho Phạm Chí cùng dân chúng biết.

Ngày khai đàn tranh luận được quy định, vị Sa môn đến thật sớm, lên ngồi nơi tòa cao nhất. Phạm Chí đến sau nên ngồi dưới thấp. Vị Sa môn nói:

- Này Phạm Chí, ai ngồi trên thì được nói trước, ông bằng lòng chăng?

Phạm Chí tự nghĩ: “Ta là bậc biện tài xưa nay chưa hề có ai địch lại, vậy sợ gì. Hãy cho Sa môn này nói trước”.

- Này Sa môn, ông cứ nói trước rồi đến phiên ta.

- Lành thay, này Phạm Chí ông là kẻ trí tuệ, minh đạt, là bậc chơn nhơn đạo cốt, chứ chẳng phải kẻ đầy tớ, tôi đòi, binh lính, xe ngựa hay kẻ vác xác chết ngoài bãi tha ma.

Khi ấy Phạm Chí suy nghĩ mông lung chẳng biết trả lời sao cho được. Nhà vua thấy Phạm Chí cúi đầu làm thinh, không đối đáp, rất lấy làm mừng rỡ, dọn tiệc thiết đãi, rồi ra lệnh cho Phạm Chí hốt phân đội trên đầu mà đi và đuổi ra khỏi nước.

Giới Ðức

“Không biết mà nói là ngu,

Biết mà không nói là hiểm”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/12/2013(Xem: 35143)
Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác là con nhà họ Đới ở Châu Ôn . Thuở nhỏ học tập kinh, luận và chuyên ròng về phép Chỉ quán của phái Thiên Thai. Kế, do xem kinh Duy Ma mà tâm địa phát sáng. Tình cờ có học trò của sư Huệ Năng là thầy Huyền Sách hỏi thăm tìm đến. Hai người trò chuyện hăng say.
09/12/2013(Xem: 7220)
Vào khoảng năm 1978, chùa chúng tôi xảy ra một biến cố làm cho tất cả mọi người có thêm kinh nghiệm rùng rợn về tái sinh và nghiệp báo. Nếu biến cố này xảy ra trước 75 thì chắc chắn những tờ nhật báo tha hồ khai thác
07/12/2013(Xem: 21900)
Phật Ngọc, ước nguyện hòa bình thế giới
27/11/2013(Xem: 50005)
"Đức Đạt Lai Lạt Ma, Con Trai Của Tôi" là một tập tự truyện của Mẫu Thân Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đây là một tập sách hấp dẫn do Cụ bà Diki Tsering, Mẹ của Đức Đạt Lai Lạt Ma kể lại những chi tiết sinh động trong cuộc đời của mình, từ một phụ nữ nông thôn bình thường, bỗng chốc đã trở thành một người đàn bà có địa vị cao nhất trong xã hội, làm Mẹ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, người lãnh đạo quốc gia Tây Tạng.
16/11/2013(Xem: 27476)
Tên tục của tôi là Trai. Dòng họ xuất thân từ Lan Lăng là hậu duệ của vua Lương Võ Đế. Gia tộc cư ngụ tại tỉnh Hồ Nam, huyện Tương Lương. Cha tên Ngọc Đường, mẹ tên Nhan Thị. Năm đầu đời nhà Thanh, cha làm quan tại tỉnh Phú Kiến. Năm mậu tuất và kỷ hợi làm quan tại châu Vĩnh Xuân. Cha mẹ đã ngoài bốn mươi mà chưa có mụn con. Mẹ ra ngoài thành nơi chùa Quán Âm mà cầu tự. Bà thấy nóc chùa bị tàn phá hư hoại, lại thấy cầu Đông Quan nơi thành không ai sửa chữa nên phát nguyện trùng hưng kiến lập lại. Đêm nọ, cả cha lẫn mẹ đều nằm mơ thấy một vị mặc áo xanh, tóc dài, trên đỉnh đầu có tượng Bồ Tát Quán Thế Ấm, cưỡi hổ mà đến, nhảy lên trên giường. Mẹ kinh sợ, giật mình thức dậy, liền thọ thai. Cuối năm đó cha đi nhậm chức tại phủ Nguyên Châu.
10/11/2013(Xem: 43306)
9780975783085, Cách phi trường quốc tế Melbourne 15 phút lái xe, theo Western Ring Road và exit vào Hume High Way, sau đó quẹo trái từ đường Sydney road, đi vào con đường Lynch thân thương, khách hành hương sẽ nhìn thấy một quần thể kiến trúc nổi bật trong vùng cư dân này, đó là Bảo Tháp Tứ Ân và cổ lầu của chánh điện Tu Viện Quảng Đức, tọa lạc tại số 105 Lynch Road, vùng Fawkner
09/11/2013(Xem: 14543)
Chọn cách ẩn tu trong một hang động hẻo lánh trên rặng núi Ky Mã Lạp Sơn, cách biệt với thế giới bên ngoài bởi những rặng núi tuyết phủ, ni sư Tenzin Palmo đã tu luyện tại đây trong suốt 12 năm. Ở đó ni sư đã phải chiến đấu với cái lạnh cắt da cắt thịt, với những thú hoang dã, với sự khan hiếm thực phẩm và tuyết lở.
05/11/2013(Xem: 5690)
Mẹ tôi là hình ảnh lớn nhất, là nhân vật vĩ đại nhất, là người đàn bà số một trong cuộc đời tôi. Ấy chết! Hãy thận trọng nếu là con trai, vì người đàn bà khác bên cạnh sẽ bắt bẻ ngay. Thật ra người con nào cũng có thể viết về mẹ của mình những dòng chữ ấy, chẳng thấy sai một tí nào. Nhất là khi người mẹ của họ đã không còn có mặt trên thế gian này nữa.
26/10/2013(Xem: 62693)
Cuộc đời đức Phật là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều sử gia, triết gia, học giả, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cổ, nhạc sĩ, họa sĩ, những nhà điêu khắc, nhà viết kịch, phim ảnh, sân khấu… Và hàng ngàn năm nay đã có vô số tác phẩm về cuộc đời đức Phật, hoặc mang tính lịch sử, khoa học hoặc phát xuất từ cảm hứng nghệ thuật, hoặc từ sự tôn kính thuần tín ngưỡng tôn giáo, đủ thể loại, nhiều tầm cỡ, đã có ảnh hưởng sâu xa trong tâm khảm biết bao độc giả, khán giả, khách hành hương chiêm bái và những người yêu thích thưởng ngoạn nghệ thuật.
14/10/2013(Xem: 19253)
Nàng thở ra một hơi thật dài, mặt sáng lên, vui mừng nói: “Bây giờ em mới thực sự hết lo về chuyện cô cán bộ ấy. Nhưng không biết cô ấy và ông thầy kia có thoát được thật không hay là cuối cùng lại bị bắt? Em lo cho họ quá.” “Hy vọng họ thoát, vì từ đó về sau, không nghe cán bộ hay tù nhân trong trại đá động gì tới họ nữa.”
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]