Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 06

19/10/201308:47(Xem: 8391)
Phần 06

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 3
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần sáu


25/ Hồ ly vượt bể mót vàng
26/ Trư hòa thượng
27/ Sự tích con muỗi
28/ Phước Huệ song tu
29/ Quạ cú thù nhau


Hồ ly vượt bể mót vàng

Ngày trước, bên sườn núi có một khu sơn trang, trong đó, một ngôi chùa thờ Phật được dựng lên từ lâu lắm rồi.

Trong chùa, trừ vị sư già cỡ chừng 70 tuổi ra, không còn có ai nữa. Năm đó, Người đã trắng xóa đôi lông mài, và chòm râu phất phơ trước ngực tựa hồ chùm cước trắng. tuy nhiên, Người vẫn mạnh khoẻ. Các công việc trrong chùa như khóa tụng sớm chiều, thổi cơm, quét đất, nhặt cỏ, giặt áo, lên đèn nhang. . . nhất nhất đều do hai bàn tay Người đảm đương cả.

Các người trong sơn trang, ngày ngày đi qua sân chùa thấy Người làm lụng cực khổ đều ra ý ái ngại hỏi:

- Thưa Hòa thượng! Hòa thượng tuổi già sức yếu mà còn làm việc cực nhọc. Vậy không cảm thấy sự mệt mỏi sao? Bà con chúng tôi xin lại giúp Người giặt giũ đây! Hoặc có việc gì khác xin cứ dạy bảo, chúng tôi nguyện tận tâm làm thay.

-Cảm tạ tấm lòng quý hóa của quí vị: hiện bần Tăng còn có 1sức công tác, khi nào sức ấy kiệt quệ, quí vị có lòng giúp đỡ, lúc đó bần tăng đâu dám từ chối. Vả chăng, sức còn khoẻ mà được phục vục công tác, cũng là một đều khoái hoạt cho tinh thần.

Hòa thượng nói xong, để hở hai hàng lợi móm phát lên một hồi cười giòn giã: Khách . . . khách. . .

Ðại khái cuộc sinh hoạt hằng ngày của Hoà thượng rất là hồn nhiên vui sướng, không bợn chút phiền não ưu tư chi hết. Các người trong thôn trang gặp sự gì khó giải quyết, hoặc không thông hiểu đều ra hỏi Hòa thượng và được Hòa thượng giải đáp một cách rành rẽ, đầy lòng từ bi hỷ xả, có khi thuận miệng, Hòa thượng còn giảng them kinh kệ và Ðạo Phật cho nghe nên hầu hết gia đình ở thôn trang này đều tỏ ra cung kính tôn sùng Hòa thượng.

Ðể biểu lộ tấm lòng ấy, họ thường mang gạo, rau tương ra chùa cúng dường. Khi nào trời mưa to, gió lớn, họ ra chùa hỏi Hòa thượng xem chùa có bị hư hoại gì không, và mái chùa có chỗ nào lủng dột?

Hòa thượng trả lời mọi người với giọng vui vẻ:

- Cảm tạ quí vị! Cảm ơn quí vị! Ðêm qua nước dỏ giọt lên trên đầu bần Tăng, lên giường bần Tăng, đại khái, trời mưa luôn ít ngày như thế này thì nhất định gìường lên nấm và lúc đó tha hồ làm ăn.

Thế là mọi người cùng xúm lại lên mái chữa dột, thay chiếc rui mục nát đi và lấp các chỗ trống lại. Nhân vị Hòa thượng là vị đạo đức, nên dù là chùa nhỏ, cảnh nghèo, mà nhân dân hết sức ủng hộ, lại kính trọng phi thường vị Hoà thượng trụ trì. Còn vị Hòa thượng trụ trì này tuyệt đối không cảm thấy sự nghèo khổ là gì. Trái lại, lúc nào cũng hồn nhiên, vô tư lự, đến nổi gian chùa nhỏ này, giường của sư nằm, nấm cứ tự do mọc, tường chái và sân chùa, cỏ cứ tự do lên. Hòa thượng vẫn giữ nếp sống vui vẻ, từ bi tự tại.

Một năm qua, mùa đông heo hút đã đến.

Hôm đó, tuyết trắng phau nphau, chất đầy cổng mái, sân chùa, càng về chiều khí lạnh càng toát, thấu đến xương tủy. Bỗng có tiếng gõ cửa: Cách cách cách. . .

- Ai? Hòa thượng lớn tiếng hỏi:

- Lão Hòa thượng! Lão Hòa thượng! Ở ngoài có tiếng trả lời.

Hòa thượng lấy làm kỳ dị, tự nghĩ: “quái lạ! Ðêm đông lạnh lẽo như cắt ruột thế này mà có ai đến gọi ta?” Tuy nhiên, chân Hòa thượng đã như chiếc máy tiến sát tới cửa.

Chiếc cửa mở ra, ngờ đâu chú hồ ly đang ngồi thu hình vào khe tường, ngoài trời, những tràng gió bấc vù vù thổi tới, đập vào cánh cổng ầm ầm. Khí lạnh thấu xương, chú hồ này toàn thân rung lên lẩy bẩy, thật là run như cầy sấy!

- Té ra là mi, tội nghiệp! Ðêm hôm giá lạnh tới đây làm gì? Hay là có chi cần đến bần Tăng này chăng? (Hòa thượng xúc cảnh sanh tình mà phát lên lời này, chứ ai chẳng biết rằng loài vật đâu có biết nghe tiếng người)

Nhưng thật lạ lùng! Hồ ly này biết nghe và nói tiếng người nữa. Nó nghe Hòa thượng nói xong, liền quỳ xuống sát đất thưa với Hòa thượng:

- Lão Hòa thượng! Hòa thượng không nhận con ra sao? Con ở ngay phía sau núi này, hiện nay tuổi mỗi năm mỗi già, thân thể gầy ốm, không chịu nổi được sức rét của trời đông này ở trong hang, nên con đến đây trông ơn Hòa thượng từ bi cứu khổ, cho con được vào trú tạm thời đêm nay và đốt lửa hông cho đỡ rét, phỏng có được không?

- Ðược, được. Vào đi!

Vị Hòa thượng từ bi này đưa hồ ly vào bếp, lấy luôn củi nhóm lửa cho hồ ly sưởi, và bảo hồ ly:

- Củi này của đồng bào thôn trang đem ra cho bần Tăng chuẩn bị mùa đông ngay từ khi trời thu mới bắt đầu. Nhưng bần Tăng nghĩ rằng sưởi một mình thì phí quá, nếu là hai người thì số củi cũng chỉ tốn như thế mà thôi. Vậy hồ ly đừng e ngại, lần sau cứ lại đây sưởi chung với bần Tăng nhé!

Hồ ly nghe câu này, cũng cảm tạ lòng thương người của Hòa thượng, thì gật đầu lia liạ.

Hòa thượng lại hỏi hồ ly:

- Xưa nay bụng đói làm tăng cơn rét. Chắc rằng hồ ly đói lắm phải không? Ðây bần Tăng còn cơm, bần Tăng đem ra cho hồ ly ăn, nghe không? Nói rồi, Hòa thượng lấy ra một bát cơm lớn đưa hồ ly.

Hồ ly đỡ lấy cơm nét hoan hỷ lộ ra ngoài mắt, làm chiếc đuôi ngoe ngoảy lên trời, và chỉ nháy mắt, bát cơm to lớn đã trút hết vào bụng chỉ còn trơ lại chiếc bát.

Cơm no, sưởi ấm, hồ ly dần dần trở lại trạng thái bình thường, tưởng đến giấc ngủ ngon liền từ biệt Hòa thượng mà về hang của mình.

Hòa thượng tươi nét mặt đáp:

- Hồ ly có tánh quen ngủ trong hang, bần Tăng cũng chẳng cần giữ lại ở đây. Duy tiết trời kỳ này lạnh lắm, vậy thường lại đây mà sưởi ấm nhé!

Từ hôm đó trở đi, chiều nào hồ ly cũng lại chùa sưởi ấm với Hòa thượng. Có một chiều nọ, hồ ly lụm cụm vác một cây củi lớn trên lưng đem lại đưa Hòa thượng.

Hòa thượng cười, khuyên:

- Hồ ly! Bần Tăng khen trí thức hồ ly mỗi ngày một mở mang, đã biết nhặt cây khô đem lại sưởi ấm, bần tăng rất cảm ơn. Tuy nhiên, hồ ly nên để ý chớ bẻ bậy cây cối của người. Người ta đánh chết đấy!

Chẳng bao lâu xuân tàn xuân tới, những mảng tuyết trắng phau chất đầy ngọn núi đã tan hết, để lộ cành cây trơ trụi đã bắt đầu lú nhú mầm non. Khí tiết cũng đổi thay với một ôn độ ấm áp như trả về bình thườnh cho vạn vật.

Một buổi chiều nọ, hồ ly gập mình xuống đất nói với Hòa thượng:

- Lão Hòa thượng! Con được bóng từ bi che chở, nếu không thì đã chết rét ngay từ đêm mùa đông vừa rồi! Cái ân ấy to tát lắm thay, con chưa biết gì báo đáp. Vậy xin Hòa thượng có cần chi, nói cho con biết, để con tận lực làm theo ý muốn của Hòa thượng.

- Không, không, hồ ly không cần để tâm điều đó làm gì! bần tăng hiện nay, không cần chi hết.

- Hồ ly từ tạ trở ra, nhưng trong lòng vẫn thắc mắc phải có dịp báo đáp được ân tình của Hòa thượng đã ban cho mới thôi, mặc dầu Hòa thượng có nói là không cần đến.

- Qua mấy hôm sau, hồ ly lại đến. Trong lúc vui chuyện, Hòa thượng bất gíác buột miệng than thở với Hồ Ly:

- Bần Tăng trụ trì ở ngôi nhà nhỏ bé này đã 60 năm nay, đội ơn từ bi của Phật Tổ, và nhờ sự thôn trang ủng hộ. Nhưng 60 năm, ngôi chùa đã dần dần hư hoại, cần phải sửa chữa, tượng Phật cũng cần phải thếp vàng. Bần Tăng nghĩ rằng, trong đời bần Tăng còn sống đây, thế nào cũng phải lo sửa chùa, tô tượng, và mời thôn trang lại thọ trai một bữa để tỏ tình cảm tạ mới hả lòng này.

- Thế sao Hòa thượng không khởi sự ngay đi? Hồ ly ngây thơ hỏi:

- Cái đó phải đợi lúc nào trong tay có được vài lượng vàng mới nói chuyện khởi sự được. Còn bây giờ, dù có nghĩ, cũng chỉ là không tưởng mà thôi!

Hòa thượng nói đây, chỉ là rổi rãi bàn chơi, không ngờ hồ ly cúi đầu trầm trầm tỉnh tỉnh nghe Hòa thượng nói hầu như ngây ra không còn cử động, khiến cho Hòa thượng rất hối hận cho lời nói của mình, muốn đánh lảng sang chuyện khác, nhưng hồ ly vội vàng cáo biệt.

- Hòa thượng! Con cần phải về, xin hẹn một buổi khác sẽ lại. Kính chào Hòa thượng.

Mấy ngày sau, không thấy hồ ly tới chùa. Hòa thượng trong lòng nghĩ: có lẽ trời đã ấm, không cần sưởi nữa, nên hắn không lại, nhưng nếu quả vì đó mà hắn không lại thì cũng là thường, chuyện vài lượng vàng mà ta vô tình buột miệng nói ra, khiến hắn không kiếm được mà mắc cỡ không dám lại thì đó cũng là thường không đáng quan tâm. Ta chỉ sợ, hắn đi ăn trộm ăn cắp vàng của người khác, rồi bị đánh chết thì mới là tội nghiệp quá.

Vị Hòa thượng từ bi này nghĩ như thế thì trong lòng nổi lên hối hận, yên trí hồ ly không còn sống ở cõi đời này nữa, nên cứ sớm chiều hai buổi gắng sức tụng kinh, niệm Phật cầu cho Hồ ly kiếp sau không phải đọa vào loài súc sinh, mà được chuyển sang làm người.

Thời gian thấm thoát như nước chảy dưới cầu. Chớp mắt trôi qua đã ba năm có lẽ. Vị Hòa thượng cũng đã tám, chín mươi tuổi và vẫn trụ trì ở chùa này.

Một buổi mùa hạ, vào khoảng đêm lặng canh tàn, vừng trăng ngà treo lơ lửng trên không tỏa ánh êm dịu xuống khắp khu chùa. Trong bờ lau, bụi cỏ, các côn trùng đang cùng nhau hòa khúc nhạc du dương, Hòa thượng toan đi nằm, thì ngoài cổng bỗng có tiếng gõ và tiếng gọi:

- Lão Hòa thượng! Lão Hòa thượng!

Hòa thượng lắng nghe, trong đêm im lặng, rõ là tiếng hồ ly, liền mau ra mở cửa.

- À! Hòa thượng như trút được mối ưu tư trong mấy năm trường, quả nhiên là hồ ly! Thế ra hồ ly vẫn còn sống? Mừng quá! Mừng quá! Mau vào đây!

Hòa thượng vuốt đầu hồ ly, cả hai cùng rươm rướm mắt cảm động về sự lâu ngày cách biệt, nay bỗng trùng phùng.

Hồ ly cầm tay Hoa thượng rồi đặt vào lòng bàn tay một thỏi vàng.

Hòa thượng ngac nhiên, hỏi Hồ ly:

- Cái gì đây? Làm ao mà có được của này? Hồ ly đem ngay đi nơi khác, đâu trả về đấy, chớ có tham lam phải tội!

Hồ ly đặt thoi vàng xuống giường từ tốn giải bày:

- Ba năm trước đây, Hòa thượng có còn nhớ câu chuyện cần vài lượng vàng để sửa chùa, tô tượng, cùng thiết cơm chay không? Từ đó đệ tử vốn có ý niệm đi lấy trộm của người đem về cúng dường, nhưng nghĩ rằng Lão Hòa thượng là một vị cao Tăng đạo đức, đâu chịu nhận như thế, nên con phải rút lui ý đó mà theo người ta vượt qua bể sang đảo Kim Sa, ở đấy có mỏ vàng nhân dân đang khai mỏ lấy vàng, nhưng dù sao vẫn còn tí chút vàng rơi vải lẫn vào cát, con liền cố công nhặt kỹ luôn trong ba năm, được một số ngần này đây, con đốt củi nung cho vàng chảy liền với nhau và đem về cúng dường Hòa thượng để khởi sự sửa chùa, tô tượng, thiết trai như ý Hòa thượng mong mỏi.

Hồ ly nói xong, nhặt thoi vàng đặt vào lòng bàn tay Hòa thượng.

Hòa thượng quá cảm động, bất giác ứa lệ, không phải ứa lệ vì mừng được vàng, mà ứa lệ thấy hồ ly có tín tâm, không quản ngàn dặm, vượt bể mót vàng luôn trong ba năm biết bao là lao khổ, biết bao là bền gan nhẫn chí, thật là cái tinh thần ấy, cái nghị lực ấy, cái tín ngưỡng sắt đá ấy mới khiến cho Hòa thượng nhỏ lệ và cứ để thoi vàng đặt trên lòng bàn tay run run như thế mãi hàng giờ không hạ xuống.

Phạm ngọc khuê

“Con người không phải là một vị Thánh, cũng không phải là một con thú, nhưng là cả hai.Vậy thì con thú cũng có thể là Người, cũng có thể là Thánh”

Trư hòa thượng

Ngày xưa, ở một ngôi chùa nọ, vị thiền sư trụ trì nuôi một con heo lâu năm. Tuổi heo xấp xỉ tuổi đạo của nhà sư, và cả đại chúng kể từ vị tri sự tăng trở xuống đều phải nhường heo về phía cạnh thâm niên nọ. Do đó vị trụ trì đặc cho heo một biệt danh là Trư hòa thượng.

Trư hòa thượng chỉ việc ăn, nằm và bài tiết (để lấy phân bón cho vườn chùa) nên rất mập mạp đến không ngồi dậy nổi. Tuy nhiên mỗi khi tiếng hồng chung của nhà chùa vang lên vào chiều tối hoặc canh khuya, Trư hòa thượng đều cố ngốc đầu dậy một cách mệt mỏi. Nhân đấy mà thiền sư rất yêu mến Trư hòa thượng chỉ cho chúng xem, bảo:

- Các con thấy đó, loài súc sanh cũng có Phật tánh, chớ khinh thường.

Một hôm thiền sư có việc phải đi xa vài hôm. Ngài cho hợp chúng căn dặn:

- Trong khi tôi đi vắng, lỡ Trư hòa thượng có viên tịch, thì các ông hãy cắt thịt, chia cho láng giềng mỗi nhà một miếng. Hãy nhớ làm theo lời dặn của tôi.

Ðại chúng lấy làm quái dị về lời dặn của Thầy, nhưng không dám hỏi, cứ vâng dạ lãnh tôn ý. Có lẽ họ nghĩ rằng Thầy quá lo xa, Trư hòa thượng không bệnh hoạn gì chưa chắc đến nổi chết. Nhưng ngờ đâu Thầy vừa đi vắng một hôm thì Trư hòa thượng ngã lăn ra chết. Ðại chúng bây giờ thật khó xử nếu làm theo lời Thầy dặn thì sợ đời dị nghị, nhất là trong khi vắng Thầy. Lỡ người ta nghi chúng Tăng nhân Thầy không có nhà đã làm thịt con heo, rồi ăn không hết mà đem biếu thì sao? Thầy tri sự sau khi hội ý toàn thể đại chúng, quyết định đem mai tang Trư hòa thượng sau vườn chùa, rồi Thầy về sẽ sám hối sau.

Khi thiền sư trở về, hỏi ra mới biết chúng không làm theo lời Ngài dạy:

- Thế là các ông làm lỡ việc của ta rồi.

Khi đại chúng thưa hỏi, Ngài kể:

- Trư hòa thượng chỉ còn một kiếp cuối cùng là được giải thoát. Trong kiếp cuối ấy, Trư hòa thượng phải chết vì nạn “loạn đao phân thây”. Nhờ có túc duyên mà Trư hòa thượng được thoát nghiệp ấy trong lúc sống, nhưng định nghiệp không thể không trả. Do đó mà ta muốn giúp Trư hòa thượng trả xong định nghiệp bằng cách phân thây ông ta sau khi chết. Ðược vậy khỏi thọ sanh kiếp khác. Nhưng bây giờ gì các ông không làm theo lời ta, Trư hòa thượng sẽ phải luân hồi trở lại để trả cho xong định nghiệp.

Ðại chúng nghe lời Thầy dạy đều lấy làm hối hận. Ðại sư an ủi:

- Không hề gì, rồi đây các ông còn duyên gặp lại Trư hòa thượng.

Thời gian trôi qua nhanh chóng. Thấm thoát đã hơn 20 năm kể từ ngày Trư hòa thượng viên tịch. Một hôm, vị trụ trì mới, đệ tử trưởng kế vị thiền sư sau khi Ngài viên tịch tiếp đón vị quan huyện trẻ tuổi vừa tới nhậm chức tại địa phận chùa nhà. Quan đi quanh chùa thăm viếng tỏ ý lưu luyến như một vị cố nhân. Quan có cảm tình đặc biệt với tất cả đại chúng, và từ đấy mỗi lúc rảnh rỗi việc quan, ông lại tới chùa đàm đạo với chư Tăng,

Mối đạo tình đã đằm thắm ấy kéo dài thời gian cho tới một ngày. . .

Tin đồn quan huyện bị triệu về kinh đô vì một vụ án phản nghịch, và ngay sau đó đem ra giữa chợ phân thây, được loan đi rất nhanh đến chùa. Chư Tăng bàng hoàng sửng sốt, thương cho số phận quan huyện nhân từ, người bạn chí thiết của đại chúng. Tại sao một người tốt như quan huyện lại phải chịu một cái chết thê thảm như kia? Chư Tăng ngậm ngùi tự hỏi. Nhất là vị trụ trì người kỳ cựu nhất ở chùa, người ngày xưa đã từng săn sóc Trư hòa thượng chết, và bây giờ là người bạn thân của tri huyuện, vị trụ trì buồn bã mất mấy ngày.

Vào một thời tọa thiền, Ngài bỗng thấy quan huyện mỉm cười hòa nhã và một âm thanh nhẹ như hơi gió thoảng bên tai Ngài:

- Tôi là Trư hòa thượng ngày xưa, xin đến vĩnh biệt Thầy và tạ ơn tri ngộ.

Vị trụ trì bàng hòang dụi mắt nhớ lại tất cả chuyện xưa nay.

Thích nữ Trí Hải

“Ðừng mất thì giờ để sửa lại cho thẳng cái bóng của một cây cong”.

Sự tích con muỗi

Có hai vợ chồng nhà nọ yêu nhau rất mực. Ngày mới lấy nhau, họ đã từng ăn thề hẹn không bỏ nhau,. Nếu không may một trong hai người chết đi thì người kia sẽ chết theo để xuống âm ty cho có bạn.

Sau đó không lâu, người vợ trẻ tự cái chết mang đi một cách đột ngột. Người ta không thể tả được cảnh đau thương của người chồng. Anh chàng đã mấy lần toan tự tử, nhưng bị người nhà ngăn trở và canh phòng ráo riết. Hôm sắp sửa cất đám bỗng có một đạo sĩ đến bày cho chàng phép cải tử hoàn sinh mà theo lời ông ta, đã từng có nhiều người dùng phép đó cứu người chết sống lại. Phép của ông ta rất giản dị, chỉ cần người sống gan dạ và kiên trì một chút là được. Nghĩa là người sống mỗi lần ba lần ôm ấp và truyền hơi ấm của mình cho tử thi. Làm luôn như thế không nghỉ ngày nào, chỉ trong khoảng ba tháng mười ngày là người chết sống lại.

Người chồng cảm ơn đạo sĩ và làm đúng như lời dặn, hy vọng đưa người yêu trở lại cõi thế. Anh ta ngày ngày ôm ấp vợ, truyền sức nóng, hơi thở của mình vào cái xác đã lạnh toát.

Nhưng sau đó ba ngày, mùi thối của tử thi bay ra khắp xóm làm cho mọi người không chịu được. Họ kéo nhau đến nhà bắt anh phải chôn lập tức.

Bất đắc dĩ, người chồng nhờ xóm giềng chặt nứa làm giúp một cái bè để mình đưa xác vợ đi một nơi khác. Nhiều người vui lòng giúp anh chàng trong việc này. Chỉ trong nửa ngày, hắn đã chở người yêu đi biệt.

Chiếc bè theo dòng nước trôi mãi. Người chồng vẫn ngày ngày ấp ủ vợ. Cái tử thi đó trông vẫn như người nằm ngủ. Lòng anh chàng tràn trề hy vọng. Ðến một nơi kia, anh ta cấm bè lại kề một bãi cỏ rộng, lên bộ nấu ăn.

Tình cờ trong khi đi nhặt củi anh ta gặp một ông cụ già. Nhìn thấy ông cụ chống gậy đi một mình giữa cảnh trời nước hoang vu, lại râu tóc trắng xóa, hình dung không có gì lam lũ, chàng trẻ tuổi lấy làm ngạc nhiên. Hắn đang suy nghĩ thì thoáng một cái ông cụ đã đứng trước mặt. Hiểu ngay đó là bậc Tiên Phật, hắn vội phục xuống chân cụ già rồi kể lể sự tình, cuối cùng không quên cầu khẩn ông cụ xin làm cho vợ mình sống lại.Thấy hắn nài nỉ hết sức, đức Phật – vì chính cụ già đó là đức Phật – theo xuống bè, bảo hắn chích máu ngón tay nhỏ ba giọt vào miệng vợ. Tự nhiên người đàn bà mấp máy môi rồi từ từ ngồi dậy như vừa tỉnh một giấc mơ. Ðức Phật trước khi ra về có hỏi người vợ:

- Anh chàng này cho vay ba giọt máu để ngươi được hồi sinh. Vậy nhà ngươi có yêu anh ta chăng?

Trước câu thề bội nặng nề của người đàn bà, Ðức Phật bảo:

- Không can gì. Nếu không yêu nữa thì chỉ có việc trả lại ba giọt máu cho anh ta thôi.

Thấy bọn họ nóng lòng trở về quê hương, Ðức Phật gọi một con cá sấu khổng lồ từ dưới nước lên bảo chở họ đi.

Cá sấu vượt sông được nữa ngày đường thì bụng đã đói. Nó bảo hai vợ chồng lên bộ để nghỉ ngơi để nó đi tìm cái ăn. Hai vợ chồng dắt nhau vào quán cơm. Trong quán hôm đó có một người khách thương sang trọng. Hắn ta thấy nhan sắc người vợ diễm lệ ít có ai sánh bằng thì bỗng nảy âm mưu chiếm đoạt. hắn lân la lại gần, đưa các mẫu hàng tơ lụa và đồ trang sức ra chào khách. Tuy chào khách nhưng kỳ thực là để tán tỉnh người đàn bà đẹp. Hắn nói trong thuyền hắn đậu ở gần đấy còn có nhiều món hàng nữa rất quý giá và rất rẻ, hắn mời họ xuống xem.

Nhưng người chồng thì chẳng thiết một tí nào. Cơm nước xong, chàng bỏ mặc người khách thương dắt vợ ra bến vắng, ở chỗ hẹn với cá sấu, ngồi đợi. họ ngồi dưới bóng cây trò chuyện một chốc rồi vì mệt quá, ngủ quên lúc nào không biết. Họ cũng chẳng ngờ rằng sau lưng họ, người khách thương kia vẫn theo hút không rời. Khi thấy hai người nằm ngủ, hắn đi nhè nhẹ đến thức riêng người vợ dậy, mời nàng xuống thuyền đậu kề đó để hắn biếu một món trang sức rất đẹp. “Thuyền của tôi chỉ cách đây mươi bước. bà không phải đợi lâu đâu!” Nghe nói thế, lòng người đàn chuyển động. Nàng đứng lên, đi theo người khách thương xuống thuyền, bọn thủy thủ nhổ neo và giong thuyền chạy mất.

Lại nói chuyện cá sấu lúc ngoi lên chỗ hẹn thì thấy chỉ có một mình người chồng, bấy giờ vẫn đang ngủ say. Cá sấu thức hắn dậy hỏi chuyện. Anh ta ngơ ngác không hiểu thế nào. Một mất mười ngờ, hắn đổ tội cho cá sấu đã ăn thịt mất vợ mình. Ðể giải mối ngờ, cá sấu mới bảo hắn kiếm cây luồn qua miệng mình, khua trong dạ dày xem thử cho biết. Anh chàng làm theo, chỉ thấy trong bụng cá sấu toàn là xương cá và đá cuội, mới biết mình ngờ sai. Tìm khắp mọi nơi chẳng thấy vợ, hắn trở về bến, ôm đầu kêu khóc rất thảm thiết. Cá sấu thương tình bèn bảo hắn cưỡi lên lưng để nó chở đi đuổi theo những chiếc thuyền vừa qua lại ngang đây, dò tìm tung tích. Sau mấy lần dò hỏi, người ta cho biết một chiếc thuyền buồm vừa đi qua có một người đàn bà trẻ và đẹp. Họ tả nét mặt và hình dạng thì đúng vợ chàng. Cá sấu bèn cố công đuổi riết.

Khi nhìn thấy vợ ngồi trong thuyền khách thương, người chồng nói vọt vào:

- Nàng cứ nhảy ra đây. . . tôi không thể sống xa nàng được. . . Tôi sẽ làm cho nàng sung sướng. . .

Nhưng người vợ bảo chồng:

- Chàng về đi! Em đành phụ chàng. Chàng tha thứ cho em vậy.

Rồi đưa ra cho chồng một gói vàng:

- Chàng nhận lấy cái này và coi như em đã chết từ hôm nào rồi.

Vừa bực tức vừa thất vọng, chồng ném gói vàng xuống nước nhờ cá sấu đưa mình trở lại tìm Ðức Phật. Khi Ðức Phật gặp bọn họ, liền giục cá sấu hối hả rượt theo chiếc thuyền của khách thương để cho anh chàng thất tình đòi lại ba giọt máu của mình.

Lại nói chuyện người đàn bà sau khi chích máu ở tay để lấy ra ba giọt trả nợ cho chồng thì ngã vật xuống chết ngay. Người khách thương hết sức chữa chạy nhưng vô hiệu. Rồi đó hắn ném xác nàng xuống biển. Nhưng do phép mầu của Ðức Phật, người đàn bà ấy hóa thành con muỗi. Vì thiếu máu, nên lúc nào muỗi cũng lén lút đi chích trộm của người một tí để sống.

Nguyễn Ðổng Chi

Truyện cổ Việt Nam tập II

“Luân hồi vay trả, trả vay

Có vay có trả có sai bao giờ!”

Phước Huệ song tu

Vào thời Ðức Phật Ca Diếp, tại một thôn kia có hai anh em nhà nọ đều xuất gia làm Sa môn. Hai anh em cùng xuất gia tu hành, người anh thì siêng năng thiền định, giữ giới, một lòng mong cầu giải thoát, nhưng tâm tánh bỏn xẻn không chịu bố thí. Ngược lại, người em thường thực hành hạnh bố thí, làm phước, nhưng lại giải đải không chịu tu tập thiền quán! Trải qua nhiều kiếp, đến đời Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện, người anh sanh lại làm người, gặp Phật xuất gia học đạo. Chẳng bao lâu diệt trừ lậu hoặc chứng quả A La Hán, nhưng vì kiếp trước Ngài chẳng thực hành hạnh bố thí, nên ngày nay thường hay túng thiếu.

Trong lúc đó, người em lại bị sanh vào loài voi, được nhà vua đem về cung huấn luyện, vua rất mực thương yêu, ăn uống đầy đủ, dùng đủ thứ gấm vóc, vàng bạc, ngọc ngà, trang sức cho voi, thật cực kỳ lộng lẫy.

Một hôm thầy Sa môn đi khất thực, ngang qua cung vua, nơi vườn thượng uyển, thấy con voi của vua, thầy Sa môn biết được tiền kiếp của voi chính là em mình, liền đi đến bên voi, vuốt ve rồi bảo rằng:

- Ta cùng với ngươi đều có tội!

Voi nghe người anh nói, liền nhớ được tiền kiếp, bỗng sa nước mắt, buồn rầu bỏ cả ăn uống.

Bấy giờ lão chăn voi, thấy voi buồn rầu bỏ ăn, nên sợ hãi vào tâu với vua:

- Tâu Ðại vương, chẳng biết vì sao voi buồn rầu bỏ cả ăn uống.

- Có ai đến quấy rầy voi không?

- Chẳng có ai cả. Duy khi sáng có một vị Tỳ kheo mang bát khất thực, đi ngang qua đây, đến bên voi vuốt ve rồi đi.

Nhà vua liền hạ lệnh cho quân lính đi tìm vị Sa môn ấy. Tìm kiếm khắp nơi, đến trưa quân lính mới gặp thầy ở khu rừng, đang tọa thiền dưới gốc cây, liền bắt đem tới trước vua. Vua hỏi:

- Khi sáng Ngài có đến vuốt ve con voi của tôi?

- Thưa vâng.

- Ngài đã nói những gì với nó?

- Tôi chỉ vuốt ve rồi nói: “Ta cùng với ngươi đều có tội”.

Rồi vị Tỳ kheo thuật rõ nhân duyên kiếp trước của mình và voi cho cua nghe. . .

Giới Ðức

“Tu phước không tu huệ thì chỉ giàu sang phú quý,

tu huệ không tu phước thì thông minh nhưng nghèo túng”.

Quạ Cú thù nhau

Xưa kia có một đàn Quạ và một đàn Cú, hai bên thù oán nhau. Quạ đợi đến ban ngày, biết hẳn là Cú không thấy gì, chiêu tập tất cả đàn kéo nhau tới chỗ Cú ở, dày xéo tàn sát Cú lấy thịt ăn.

Cú cũng lại đợi đến đêm biết là Quạ không trông thấy gì, liền kéo nhau đến chỗ quạ ở đánh cả đàn moi lấy ruột ăn.

Một bên sợ đêm một bên sợ ngày, hai bên cùng nơm nớp sợ lẫn nhau không biết làm thế nào chấm dứt tình trạng khốc liệt đó được.

Bấy giờ trong đàn Quạ, có một con khôn nhất, bảo tất cả các con kia rằng: Mối thâm thù này đã gây ra, quyết không thể nào mà giải cứu được, nếu cứ kéo dài mãi tình thế này, thì có ngày phải tiêu diệt hết, không thể nào mà còn cả hai bên cùng hoàn toàn được.

Nay ta cần phải tìm cách tiêu diệt hết bọn kia, không còn mống nào, thì sau này chúng mình mới có thể hưởng những sự yên ổn được, nếu không thì thế nào cũng sẽ bị hại.

Cả đàn nghe cho là phải, nhưng chưa biết làm cách nào mà tiêu diệt hết bọn Cú, là những kẻ thù chung, không thể đội cùng một trời với nhau được.

Con Quạ khôn kia lại bảo cả đàn rằng: nay tất cả đàn hãy nghe tôi, xúm lại đánh cho tôi sây sát mình mẩy đầu óc, xơ xác lông cánh đi, làm cho máu me chảy ra, rồi tôi sẽ tìm cách tiêu diệt chúng.

Bàn xong làm đúng như thế. Khi con Quạ kia bị thương rồi coi hình thể rất tiều tụy, lân la đến trước cửa hang chỗ Cú ở, kêu ra những tiếng nghe rất rầu rỉ có lúc hình như tắt thở.

Cú nghe tiếng chạy ra hỏi, vì cớ gì mà thân thể xác xơ tiều tụy đau đớn như thế và đến đây có việc gì?

Quạ vừa rên vừa đáp: Tất cả đàn tôi nó oán ghét tôi, nó đánh đập tôi, nó đuổi tôi đi, nay tôi bị bơ vơ không biết nương tựa vào đâu, tôi đến đây ước mong các bạn sẽ thương tình mà cứu giúp cho, tôi rất cám ơn, nếu tôi sống qua được lúc này thì không bao giờ tôi dám quên.

Con Cú ra trước trông thấy thế, nghĩ tình nên thương liền bảo cho các con kia biết.

Các con kia đều nói: Ðấy là kẻ oán gia ở gần còn không được huống chi là ở chung và nuôi thì chả hóa ra là giúp sức mạnh cho quân thù đó hay sao.

Con kia nói: Nay vì bị khổ sở nên mới đến cầu cứu ta, vả lại nó có một thân mình, thì nó còn làm gì mà sợ.

Bàn xong liền cho Quạ vào ở, hằng ngày cho ăn các thức ăn còn thừa, được ít lâu thân thể lông cánh Quạ lại bình phục khỏe mạnh như cũ, Quạ liền giả cách vui mừng và lập phương kế để hành động.

Ngày ngày Quạ đi tha các cành củi và cỏ khô về chất cả chung quanh hang chỗ Cú ở tỏ ra vẻ báo ân.

Cú thấy thế hỏi thì quạ đáp rằng: ở đây toàn là hang đá lạnh, nên dùng các thứ này để ngăn gió rét.

Cú cho thế là phải cứ để mặc Quạ làm. Bấy giờ Quạ lại canh gác ở ngoài cửa để đền ơn bấy nay nuôi nấng. Quạ vẫn luôn luôn săn sóc hầu hạ canh gác ở ngoài cửa hang.

Thu qua đông tới, tiết trời thay đổi, tuyết bay phủ khắp mọi nơi, gió bấc thổi rất mạnh, khí lạnh buốt thấu xương, rét run không được.

Tất cả chung quanh đấy có bao nhiêu Cú đều vào hết trong hang.

Quạ gặp được dịp may hiếm có, cơ hội thuận tiện rất lấy làm mừng, ra ngay chỗ lũ trẻ chăn bò đốt lửa sưởi hãy còn cháy dở, tha ngay một thanh củi còn than cho vào đống củi và cỏ khô đã chứa sẵn, nhờ sức gió thổi mạnh chỉ trong chốc lát mà cả đàn Cú đều bị tiêu diệt hết.

Trí Hải

“Dò sông dò biển dễ dò,

Nào ai bẻ thước mà đo lòng người”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/01/2011(Xem: 2906)
Quỳnh Lộc là bạn học cùng lớp với chị cả của tôi, nhà chị cách đó chỉ vài căn. Cùng lớp cùng hàng xóm nên hai chị rất thân nhau. Đã vậy, nhà tôi có năm chị em gái, đủ chuyện, lắm trò càng thu hút chị Quỳnh Lộc chạy sang chơi. Dường như mỗi ngày chị đều ghé đến, sáng, trưa, chiều, tối...bất cứ lúc nào chị rảnh. Ba má tôi cũng dễ dãi, không ngăn cấm gì sự hiện diện của chị. Trái lại, còn coi chị thân thiện như con cháu trong nhà.
04/01/2011(Xem: 2619)
Mình biết rằng lối xưng hô này chưa được đúng lắm vì Kim Chi là bà Hiệu trưởng của mình nhưng Kim Chi vẫn thường nói hai đứa mình cùng ngang tuổi nhau nên muốn tụi mình xưng hô với nhau như vậy cho thân mật và mình đang làm theo lời yêu cầu của Kim Chi đây.
30/12/2010(Xem: 5091)
"Ngọc tỉnh liên" là "Hoa sen trong giếng ngọc". Đây là bài phú của Mạc Đĩnh Chi. Ông đỗ Trạng nguyên, khi vào bái yết nhà vua, Trần Anh Tông thấy hình dung ông xấu xí quá...
30/12/2010(Xem: 9536)
Trong đầm gì đẹp bằng Sen. Lá xanh bông trắng, lại chen nhụy vàng. Nhụy vàng bông trắng lá xanh. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
28/12/2010(Xem: 3890)
Một ông lão ở gần cửa ải Nhạn Môn, nơi giáp giới nước Tàu với Phiên Quốc (Hồ) có con ngựa. Một hôm, con ngựa đi mất. Người quen thuộc đều đến thăm hỏi, chia buồn.
28/12/2010(Xem: 2549)
Đời nhà Đường (618-907), triều Lý Thái Tông (Lý Thế Dân), niên hiệu Trinh Quán năm thứ 13, gần thành Trường An có con sông Kinh, nước trong vắt.
28/12/2010(Xem: 2541)
Thời xưa, người ta tiễn nhau thường bẻ cành liễu đưa cho người đi. Dương Quan là một cửa ải ở biên giới tỉnh Thiểm Tây. Đường thi có bài "Tống Nguyên Nhị sứ An Tây"...
25/12/2010(Xem: 2707)
Chúng ta, những người bỏ xứ ra đi, đã quay lưng với cổng trường ngày cũ, nhưng lòng vẫn còn tưởng nhớ đến những hình ảnh thân yêu của bạn bè ngày nào! Vẫn mong ước ngày trở lại để tìm kiếm ký ức thầm kín ngày xưa, để được nhìn gặp những người ở lại của thuở ấy, nhưng những người ở lại có còn gì nữa đâu? Đói khổ đã làm mòn mỏi thêm cuộc sống, tất cả chỉ còn biết đem hơi sức bám vào nhịp thở, sống cho qua chuỗi ngày còn lại. Tôi quen chị Xuân Viên khi được đổi về trường Sương Nguyệt Anh (SNA). Hình ảnh một con người tuy nhỏ bé nhưng lúc nào cũng đầy nghị lực đã đập vào mắt tôi và dần dần từ chỗ quen biết, chúng tôi đã thương mến nhau từ lúc nào cũng không hay nữa! Nói đến chị, phải nói đến một con người mẫu mực, một cô giáo hoàn toàn gương mẫu đúng phong cách một nhà giáo đầy đạo đức. Đó là người mà tôi mến phục nhất và lúc nào cũng chiếm trọn trong tôi một niềm thương yêu trìu mến và bất tận. Giao cho chị phụ trách làm giáo sư hướng dẫn một lớp nào, coi như nhà trường khỏi phải
24/12/2010(Xem: 7156)
Từ ngày định cư ở một xứ hiếm mưa, lắm lúc tôi tưởng chừng như không còn nhớ nhiều đến những cơn mưa vùng nhiệt đới; mưa quê hương, nhất là những cơn mưa dai dẳng của một xứ "mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu ăn", mưa xứ Huế!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]