Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, lúc Kiều tiễn Thúc Sinh trở về quê cũ huyện Vô Tích, tỉnh Giang Tô với vợ cả là Hoạn Thư, có câu:
Tiễn đưa một chén quan hà,
Xuân đình thoắt đã dạo ra cao đình.
Sông Tần một dải xanh xanh,
Loi thoi bờ liễu, mấy cành Dương Quan.
"Xuân đình", "Cao đình" chưa từng tìm được nguyên ngữ, nhưng theo Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu thì tạm cho rằng đại khái "Xuân đình" là chỗ hợp vui; "Cao đình" là chỗ chia rẽ. Cổ thi có câu: "Cao đình tương biệt xứ" nghĩa là: "Chỗ ở biệt nhau ở cao đình".
Ông Hồ Đắc Hàm cho rằng: "Núi Cao đình" ở tại tỉnh Chiết Giang, phía đông bắc Hàng Châu, chính là một chỗ người ta thường qua lại nghỉ chân và làm nơi tiễn biệt nhau. Đường phú có câu: "Đình cao hề mộc diệp lạc", nghĩa là "Chốn Cao đình kia lá xanh rụng".
Thời xưa, người ta tiễn nhau thường bẻ cành liễu đưa cho người đi. Dương Quan là một cửa ải ở biên giới tỉnh Thiểm Tây. Đường thi có bài "Tống Nguyên Nhị sứ An Tây" của Vương Duy là một bài thơ tiễn biệt rất đặc sắc. Vua Đường Huyền Tông lấy vào Nhạc phủ phổ thành một bài hát gọi là "Khúc Dương Quan tam điệp" (ba dịp Dương Quan) dùng để hát khi tiễn biệt nhau.
Dưới đây là bài "Tống Nguyên Nhị sứ An Tây" (Đưa Nguyên Nhị đi sứ An Tây) của thi hào Vương Duy:
Vị thành chiêu vũ ấy khinh trần,
Khách xá thanh thanh liễu sắc tân!
Khuyến quân khánh tận nhất bôi tửu,
Tây xuất Dương Quan vô cố nhân.
Nghĩa:
Trời mai mưa ướt Vị Thành,
Xanh xanh trước quán, mấy cành liễu non.
Khuyên người hãy cạn chén son,
Dương Quan tới đó không còn ai quen.
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)
Dương Quan là tên một cửa ải nhưng dùng nghĩa bóng là chỉ nơi tiễn biệt. Trong kinh Thi cũng có câu:
Trường đoạn Dương Quan,
Chiêm vọng phất cập
Trữ lập dĩ khấp.
Nghĩa:
Dương Quan đứt ruột
Khuất bóng người đi,
Dừng chân ứa lệ.
Gửi ý kiến của bạn