Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 02

18/10/201320:09(Xem: 11754)
Phần 02

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 2
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần 02:

6/ Ðiều đáng lo nhất
7/ Nước mắt mẹ hiền
8/ Tai hại của tham ái
9/ Vua Ưu Ðiền với pháp ly dục
10/ Sáu giác quan tranh công


Ðiều đáng lo nhất

Hoàng Thái Hậu vua Ba Tư Nặc mất, y tục lệ cổ truyền của xứ Ấn Ðộ, nhà vua và quần thần lo cử hành lễ an táng rất long trọng. Sau khi công việc xong xuôi, nhà vua cùng Hoàng tộc mang cả áo vải sô gai, đi chân đến nước Xá Vệ nơi tịnh xá Kỳ Hoàn đảnh lễ Ðức Phật.

Lấy làm lạ Ðức Phật bảo vua Ba Tư Nặc ngồi rồi hỏi rằng:

- Hôm nay sao Ðại vương mặc y phục như vậy?

- Kính bạch Ðức Phật Thế Tôn! Mẹ con năm nay tuổi ngoài chín mươi, bà vừa mới mất sau một cơn bệnh nặng. Con an táng xong lòng cảm thấy buồn bởi thân thuộc biệt ly, nên đến đây chiêm ngưỡng Ðức Thế Tôn, may đâu nhờ Ngài để vơi được đôi phần đau xót.

- Này Ðại Vương! Từ xưa đến nay điều đáng lo nhất cho nhân loại: “Sống thì thiếu thốn, già thì héo khô, bệnh thì đau đớn, và chết thì biệt ly…”Bốn thứ ấy không bao giờ hẹn với người cả.

- Bạch Thế Tôn! Thế thì bấy lâu nay con quá mê lầm: Buồn những điều không đánh buồn… nhất là lo những điều không đáng lo!...

Vua Ba Tư Nặc vừa dứt lời, thì Ðức Thế Tôn dạy:

- Ðại vương này! Vạn vật vô thường chuyển biến, di dịch không đứng yên: Sự sống của con người cũng y như vậy, chả khác gì nước sông xuôi dòng chảy suốt ngày đêm.

- Ðại vương hãy chú ý nghe, tất cả các ý ấy ta sẽ tóm tắt trong bài kệ sau đây:

“Như nước chảy xuôi dòng, Chẳng bao giờ trở lại.

Mạng người cũng như vậy, Không khác một mảy may”.

Im lặng một hồi lâu để cho vua Ba Tư Nặc được thấm nhuần chân lý ấy rồi Ðức Phật lại tiếp thêm:

- Này đại vương! Ðời người ai cũng già, cũng bệnh, cũng chết, chứ không ai là kẻ trường sanh, thoát ly ngoài định luật ấy, dù là vua chúa. Vậy nhà vua buồn rầu một cách vô nghĩa trước cái chết thì chỉ hao tổn xác thân và tinh thần mềm yếu mà thôi. Là người con hiếu thảo, Ðại vương làm tất cả phước thiện như: bố thí, trì giới, nhẫn nhục… để hồi hướng công đức ấy cho người quá cố. Nếu làm được như vậy thì không những ảnh hưởng đến người chết, mà hiện tại người còn sẽ được nhiều phước lạc và tương lai sẽ đi lần đến nơi giải thoát.

Những lời Phật dạy làm cho bao nhiêu sầu muộn của Ba Tư Nặc và Hoàng Hậu tiêu tan và những niềm hoan hỷ hiện bày trên nét mặt.

Trên đường về vua Ba Tư Nặc luôn luôn nói với mọi người:

- Hôm nay chúng ta mới bắt đầu thấy được dấu Ðạo. Ta hy vọng có thể làm cho Mẫu hậu ta được siêu thoát ly được bốn điều đáng lo nhất của nhân loại mà Ðức Phật đã dạy nếu thật hành theo Ngài.

Tuyền Minh

“Không có vật gì thường trụ, vật gì cũng biến đổi, người ta không thể tắm hai lần trong một dòng nước, vì từ giây phút này đến giây phút khác, dòng nước ấy không còn y như cũ, nó đã biến đổi và trở thành dòng nước khác.”

Nước mắt mẹ hiền

Nắng chiều ẩn vàng những căn nhà mới dựng trên bãi biển của thành Ba La Nại. Ðó là nhà của một người lái buôn giàu có. Hơn mười năm nay, anh ta đã bao lần lên đênh trên biển cả, tìm đến những bến bờ xa lạ của các nước Ả Rập, tiếp xúc với những dân tộc hiền lành cũng như hung dữ. Sau mỗi chuyến đi anh ta lời rất lớn. Rồi anh trở thành một trong những người nhiều của cải nhất.

Vợ anh là một người đảm đang. Mắt nàng luôn ẩn vẻ lo buồn. Và ngày về của chồng với bao đồ quí giá vẫn không làm cho nàng vui, vì cái viễn ảnh của ngày ra đi, của cuộc chia ly sắp đến.

Hai vợ chồng sanh được một đứa con trai. Nàng đặt cho nó cái tên thật dài Métracanyaca. Ðứa bé đem lại cho nàng những nỗi khuây khỏa trong lúc xa chồng.

Métracanyaca đã lên sáu. Một đêm về mùa đông nàng thao thức không ngủ được vì sắp đến ngày cha Métra về. Ðến gần sáng, trời bỗng trở gió, gió càng lúc càng mạnh. Tiếng gió bể ầm ầm. Những nối lo ngại như nhiều lần trước trỗi dậy. Mãi đến chiều đoàn thuyền vẫn chưa thấy về. Người ta ra bãi ngóng trông.

Ðến gần tối, một chiếc thuyền buồm xuất hiện. Trong số hàng chục chiếc ra đi chỉ có một chiếc trở về, và chiếc đó không phải là thuyền của chồng nàng. Người ta báo cho nàng cái tin hung dữ. Thuyền của chồng nàng bị đánh đắm. Nàng ngất đi, sự đau đớn lớn lao nhất của đời nàng ghi mãi nét buồn trên gương mặt nàng. Và tất cả hi vọng của mình còn lại, nàng đã trút vào cuộc đời của Métra.

Métra lớn lên khoẻ mạnh hơn người. Mắt hắn long lanh đen nháy, luôn luôn nhìn thẳng ra xa mơ ước một cuộc đời phiêu bạc. Nàng đã đoán trước được điều ấy nên tìm hết cách khuyên bảo con. Ðôi lúc hắn hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Cha con thuở trước làm nghề gì?”. Câu hỏi đó đã làm nàng nhiều đêm không ngủ yên. Nàng thấy lại nỗi đau xót của mình trong buổi chiều đông năm xưa. Nàng nói dối hắn: “Cha con hồi trước làm nghề đi buôn trong nước”. Hắn liền nuôi mộng đi buôn trong nước.

Năm năm sau, Métra trở thành một thanh niên cứng cỏi, và hắn đi buôn trong nước. Trong chuyến đi buôn đầu, hắn lời được bốn đồng. Ðó là một thành công lớn đối với kẻ còn thiếu kinh nghiệm như hắn. Hắn đem cả bốn đồng về giao cho mẹ hắn và yêu cầu mẹ cúng dường giúp đỡ các vị Sa môn, Ba La môn, các người nghèo khổ và ăn xin. Mẹ hắn tưởng hắn an phận thích nghề ấy rồi.

Nhưng một hôm hắn trở về buồn rười rượi. Hắn muốn đổi nghề vì nghe người ta nói cha hắn làm nghề bán dầu thơm. Mẹ hắn đành chiều hắn. Ngày hôm sau hắn lập quán trong thành phố. Lần này hắn lời được tám đồng khá hơn lần trước. Nhưng cái nghề bán dầu thơm tầm thường nọ không làm hắn hứng thú chút nào. Lại thêm có người bảo cha hắn trước kia làm nghề bán nữ trang. Thế là lần sao, hắn đem tám đồng về cho mẹ nó với cả ý định bỏ nghề bán dầu thơm.

Nó chuyển sang nghề bán nữ trang. Nó bán chạy và cạnh tranh với những tiệm vàng lớn trong thành phố. Nó lời tháng đầu mười sáu đồng. Tháng sau ba mươi hai đồng. Thật là những món tiền to lớn. Hắn đem về cho mẹ và cũng yêu cầu mẹ làm các việc công đức như những lần trước. Nhưng cái nghề này giữ chân hắn một chỗ và hắn thấy bực bội. Sự hoạt động của hắn bị bó hẹp, tầm mắt hắn bị chặn lại. Rồi có một chủ tiệm vàng đến nói với hắn: “Sau chàng không làm nghề hàng hải như ông thân chàng mà lại đi làm nghề bán nữ trang hèn mọn tù túng này”. Hắn bị kích thích đúng chỗ… Vậy là hôm sau, Métra bán tất cả số vàng còn lại dồn được một số vốn lớn. Bể khơi với sóng gió ngàn trùng, với các bến bờ xa lạ kêu gọi hắn. Hắn nhất quyết rồi, hắn về nói với mẹ: “Thưa mẹ có phải cha con trước kia làm nghề hàng hải không? Mẹ cho con theo nghiệp cha con đi buôn ngoài bể cả”.

Mẹ hắn sửng sốt. Bà đã cảm thấy trước điều mong muốn của con. Bà đã để ý đến cái nhìn đăm đăm của hắn ra tận bể khơi như cố tìm đến bên kia bờ đại dương. Bà đã để ý con say sưa thèm thuồng cuộc đời của những thủy thủ trên các thuyền buồm từ xa đến. Bà cũng muốn cho con thỏa nguyện, nhưng hình ảnh của cuộc ra đi không ngày về của cha Métra đã làm cho nàng tìm hết cách ngăn con: “Phải, Métra ạ! Cha con trước đây làm nghề hàng hải nhưng bị nạn chết đánh từ ngoài bể khơi. Mẹ đã đau khổ lắm rồi. Nay mẹ chỉ có mình con, con nỡ nào bỏ mẹ đi ra góc bể chân trời, mẹ sẽ khô héo mà chết”.

Métra tuy cảm động nhưng hắn đã quyết. Chiều hôm ấy hắn cho người đánh chuông rao khắp kinh thành Ba La Nại: “Hỡi các thương gia đáng tôn kính! Métra sắp đi buôn xa, vậy ai muốn đem hàng ra hải ngoại thì cứ đi chung với người”.

Mẹ Métra khuyên răng hắn rất nhiều. Hắn vẫn không đổi ý định. Ðến ngày ra đi, năm trăm lái buôn cùng đi chuyến này với hắn, bà mẹ quá thương con. Cái cảnh ra đi giống hệt như cảnh ra đi của cha con ngày trước, làm bà quá đau xót. Bà ngã xuống ôm lấy chân con mà khóc. Mọi người đều cảm động, Métra ngồi xuống một lát, nhưng hắn bỗng đứng dậy, rút mặt chân ra, bước qua đầu mẹ hắn. Hắn đi thẳng xuống thuyền không ngoái nhìn lại. Bà mẹ chậm chạp ngồi dậy và trong nước mắt mà niệm nho nhỏ: “Con ơi! Mẹ cầu cho con tai qua nạn khỏi. Mẹ cầu cho con khỏi bị quả báo đã bước ngang đầu mẹ con ơi”.

Ðoàn thuyền vượt sóng đã ba ngày trường, đến ngày thứ tư trời bỗng đổi biến đột ngột rồi có gió mạnh. Gió cuốn từng hồi báo trước một cơn bão lớn. Mọi người lo ngại và cố sức chống chọi. Nhưng chuyện phải đến đã đến. Bão to đã đánh tan cả đoàn thuyền.

Métra đeo trên một tấm ván và may mắn trôi dạt vào bờ xa lạ. Hắn lần lần hồi tưởng lại và đi đến một thành phố. Ðây là thành Ramana. Anh chàng thanh niên của kinh thành Ba La Nại được người ta niềm nở tiếp đón. Có bốn nàng tiên đẹp đẽ đến chào hắn, trước ngực mỗi nàng đều lấp lánh một đồng tiền vàng giống như đồng vàng hắn đã trao cho mẹ ngày trước đây. Các nàng tiên nói với hắn: “Chào chàng Métra, đây là đền đài của các em. Ðây là tất cả sự khoái lạc ở đời. Chàng vào đây chung vui với chúng em”. Métra nhận lời. Hắn sống đầy đủ về vật chất hình như được hưởng những phước đức đã làm nên ngày trước, nhưng hình như có một nguyên do vô hình thúc đẩy hắn: Hắn buồn ý và ra đi, xuống miền Nam. Hắn đến thành Sadamaham. Có tám nàng tiên trẻ đẹp đến chào hắn. Trước ngực mỗi nàng lấp lánh một đồng tiền vàng giống như đồng tiền vàng của hắn đã trao cho mẹ ngày trước đây. Các nàng tiên cũng nói với hắn những lời dịu dàng như những nàng trước. Hắn cũng nhận lời ở lại đây và hắn cũng đã sống đầy đủ về vật chất như được thừa hưởng những phước đức đã làm nên ngày trước. Sau, buồn ý lại ra đi, xuống miền Nam.

Hắn đến thành Nandana. Mười sáu nàng tiên đẹp đẽ đến chào hắn. Trước ngực mỗi nàng lấp lánh một đồng tiền vàng giống như đồng tiền vàng hắn đã trao cho mẹ hắn ngày trước. Các nàng dịu dàng mời hắn ở lại và chăm sóc như những nàng trước. Hắn đã sống đầy đủ về vật chất như được thừa hưởng những phước đức đã làm nên ngày trước. Nhưng rồi hắn cũng lại ra đi về phía Nam.

Hắn đến thành Brahmottora. Ba mươi hai nàng tiên đẹp đẽ chào hắn. Trước ngực mỗi nàng lấp lánh một đồng tiền vàng giống như đồng tiền vàng hắn đã trao cho mẹ hắn ngày trước. Hắn được mời ở lại hưởng khoái lạc trong thành. Ðến đây nhiều điều đã làm cho hắn suy nghĩ: Tại sao hắn, một kẻ có tội với mẹ, hắn đã hưởng những sung sướng đã qua. Phải chăng đó là do ngày trước hắn đã trao những món tiền bốn đồng, tám đồng, mười sáu đồng, và ba mươi hai đồng cho mẹ hắn để làm việc thi ân. Nhưng sự sung sướng được hưởng đối với hắn quá nhiều rồi. Hắn không thể ở lại đây nữa. Hắn lại muốn ra đi xuống miền Nam, mặc dù các nàng tiên hết sức khuyên can.

Lần này hắn đi thật xa. Hắn đến một bức thành bằng sắt. Hắn đi vào thành thì cửa thành đóng lại. Hắn cứ đi nữa và không mấy chốc hắn gặp một người to lớn trên đầu đội một vành sắc cháy đỏ. Lửa phun rừng rực máu mủ trên đầu người ấy chảy tràn xuống miệng, người ấy liếm tất cả. Hắn đến gần và hỏi:

- Nhà ngươi là ai? Tại sao lại bị hình phạt đau đớn khổ sở như vậy?

Người ấy nén đau xót, ngẩn nhìn hắn một lát rồi trả lời:

- Tôi là người đã làm cho mẹ tôi đau khổ, nên tôi phải gánh lấy quả báo như thế này. Tôi sẽ chịu quả báo mãi cho đến khi một người khác đã tạo nghiệp ác làm mẹ đau khổ đi ngang qua đây sẽ thay thế cho tôi.

Cái quá khứ tội lỗi của Métra hiện lên rõ ràng trong tâm trí. Métra đã bước ngang đầu mẹ, đứa con bất hiếu đó đang đứng đây và đáng nhận những hình phạt nặng nề nhất. Métra vừa nghĩ như thế thì vành lữa nóng bay qua chụp lên đầu chàng. Métra nhìn người kia bây giờ đã khỏe mạnh, vết thương trên đầu bấy giờ đã lành hẳn và hỏi:

- Tôi phải chịu vòng lửa này trong bao lâu?

Người kia đáp:

- Chàng phải chịu hình phạt này đời đời kiếp kiếp cho đến khi có người phạm tội đã làm mẹ đau khổ như chàng, đến thay thế cho chàng. Métra đau khổ vô cùng. Lửa cháy xèo từng mảnh thịt, mặt như bị cắt từng mảnh thịt, mặt như bị cắt đi từng đường gân máu và tê liệt từng chỗ. Tuy vậy Métra vẫn bằng lòng với hình phạt mình đã chịu. Chàng nghĩ rằng: “Lại sẽ có người phạm tội đối với mẹ để đến chịu thay ta? Không nên như thế! Chúng sanh ơi! Hãy đừng ai sanh tâm làm mẹ mình đau khổ. Hãy đừng ai làm cho nước mắt mẹ mình tuôn chảy vì mình”.

Rồi Métracanyana phát nguyện rằng: “Tôi xin nguyện đội vành này mãi mãi, xin thay chịu đau khổ cho tất cả chúng sanh”.

Lời phát nguyện của Métracanyaca thật là vô cùng chứa chan tình yêu thương rộng lớn. Lời phát nguyện chân thành ấy đã dải thoát Métra khỏi vòng tội lỗi và vòng lửa bỗng rời khỏi đầu Métra bay lên hư không trả lại cho Métra đời sống an lành.

Quảng Huệ

“Xin mẹ hiền nhận lạy này con bất hiếu

Ðã bao lần làm mẹ khổ ngày xưa

Ðã bao lần làm mẹ khóc như mưa

Bao nhiêu lạy cũng chẳng vừa ân mẹ.”

Tai hại của tham ái

Ngày xưa, có một chàng thanh niên phạm tội loạn luân với chị dâu của mình, và mối tình thầm lén này, đã khiến họ yêu nhau tha thiết, mặc dù đó là một tình yêu đầy tội lỗi. Người chị dâu lang chạ đã nhiều lần xúi em chồng giết chồng đi, để hai người tự do hưởng hạnh phúc bên nhau.

Thoạt nhiên người em không mù quáng nghe lời xúi dục thâm độc ấy, nhưng người chị dâu không nản lòng, cứ khuyến khích mãi, và cuối cùng người em đáng thương hại kia đã giết anh mình.

Vì tình thương vợ còn quá nặng, nên sau khi chết, người chồng đáng thương ấy lại đầu thai làm con thằn lằn ở trong nhà, và con thằn lằn này thường khi buông tay cho mình rớt xuống ngay mình người vợ.

Người đàn bà tội ác này biết con thằn lằn là chồng mình đầu thai, nên chỉ hai ba lần sau là thằn lằn bị giết chết.

Sau khi chết, con thằn lằn vẫn còn thương vợ, nên đầu thai làm con chó trong nhà. Lúc khôn lớn hễ mỗi khi người đàn bà ngoại tình đê tiện ấy đi đâu, thì chó ta chạy theo một bên như bóng theo hình. Bị các thanh niên trong xóm chọc ghẹo nhiều lần, họ kêu là cô thợ săn… Lòng tự ái bị tổn thương, cô ta lại giết con chó.

Nợ tình chưa dứt nên chó ta chuyển kiếp làm con bò đực trong nhà vợ. Lớn lên bò ta cứ đi theo một bên người đàn bà thâm độc ấy mãi. Lần này cũng bị các cậu trai chọc ghẹo họ kêu cô là cô chăn bò. Chịu đựng không nổi với lời bỡn cợt, có tính cách phỉ nhổ ấy, cô ta lần thứ ba giết chồng đang sống kiếp mang lông đội sừng.

Màn tình chót sắp hạ, mặc dù vợ giết ba phen, nhưng tình thương vợ vẫn còn vương vấn, nên sau khi bị giết, bò ta bèn đầu thai vào thai bào của người vợ. Nghĩa là hết làm chồng trở lại làm con.

Sau khi sanh ra, đứa nhỏ nhớ được kiếp trước của mình biết rằng: Chính tay người mẹ này đã giết mình trong bốn kiếp qua, từ khi mình còn là chồng nàng.

Quá đau khổ, đứa nhỏ bắt đầu làm khó mẹ nó, nhất định không cho người mẹ đụng đến mình nó. Mỗi khi người mẹ ẵm bồng, thì nó la khóc giẫy giụa như mình sắp chết.

Thế là chỉ có ông nội và bà bội cực khổ nuôi nấng đứa bé.

Khi đứa nhỏ biết ăn biết nói, một hôm ông nội hỏi cháu:

“Tại sao cháu không cho mẹ cháu động tới mình”. Ðược dịp đứa bé thuật lại hết đầu đuôi và kết luận: “Nó đâu phải là má của con, nó là người thù của con đấy nội”.

Nghe qua câu chuyện tình đẫm máu, và thấy rõ lòng dạ người đời, ông nội bèn ôm cháu vào lòng và nói: “Thôi! Cháu đừng buồn nữa, ông cháu mình sẽ đem nhau đi tu”. Mủi lòng ông cháu ôm nhau khóc. Ông nội thì khóc cho mối tình ngang trái của cháu, mà mới hôm nào là đứa con trai của mình. Còn đứa cháu cũng khóc, nó khóc cho ông nội mà trước đây là cha của mình phải cực khổ vì mình, khóc cho số kiếp của mình sao chóng thay đổi.

Và mấy ngày sau, trong một ngôi chùa người ta thấy một vị Tăng già và một em bé sống an lành dưới bóng Phật đài. Họ trầm ngâm trong vẻ mặt thảm buồn, và dường như họ cố gắng lắm. Phải! Họ cố gắng để quên đi mối tình sa đọa, mà trong đó họ chính là những nạn nhân đáng thương nhất…

Thông Kham

“Lòng tham ái không nặng không sanh cõi Ta bà. Tâm niệm Phật không chuyên nhất không sanh Tịnh độ.”

Vua Ưu Ðiền với pháp ly dục

Khi Phật còn tại thế, có một nước tên là Câu Lâm, vua nước ấy hiệu là Ưu Ðiền. Trong nước có ông triệu phú tên là Mai Hồi Ðề, sinh hạ một gái nhan ssắc tuyệt vời, trên đời không ai sánh kịp, vì thế song thân tặng cho cô gái cái tên Vô Tỷ. Vua các nước lân bang và các nhà hào phú đều đến cầu thân. Ông triệu phú trả lời: Nếu có người quân tử nào dung mạo xinh đẹp bằng con ông, thì ông mới nhận lời.

Bỗng, một ngày Phật đi qua nhà ông triệu phú, ông thấy Phật với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, thân thể sáng chói như vàng, oai nghi trang nghiêm, tâm ông hoan hỉ và nói rằng: “Con ta có người sánh đôi rồi, ông liền trở vào bảo bà, tôi đã nhận thấy con người cho con mình làm bạn, bà nên sắm sửa cho nó và mình cũng sửa sang cùng nhau đem con đi”. Bà triệu phú vội vàng lấy chuỗi ngọc kim cương đeo cho con và trang sức từ đầu đến chân trông như tiên nữ giáng thế. Cả ba cùng nhau đến chỗ Phật.

Bà triệu phú đi gần đến chỗ Phật, thấy dấu chân Phật đoán biết không phải người thường, nói với ông rằng: Dấu chân này không phải người phàm, chính là người thanh tịnh ly dục, không nên đem con mình đến mà bị nhục. Ông không nghe, mắng bà biết chi mà nói. Bà can không đắc lời, bực mình lui về, ông triệu phú một mình đem con đi.

Ðến nơi ông đảnh lễ Phật thưa rằng:

- Ngài khó nhọc đi khắp nơi giáo hóa, thân tôi không thể cúng dường, tôi xin cúng dường người con gái tôi để Ngài sai khiến.

Phật bảo:

- Con gái ông đẹp lắm phải không?

Ông thưa:

- Thưa Ngài, tôi chỉ sanh một gái duy nhất dung mạo thật thế gian không ai sánh kịp, các vị vương giả và các nhà hào phú đều ao ước mà tôi không nhận lời. Tôi thấy Ngài dung nghi tốt đẹp, trên đời không ai bằng, lòng tôi tham cúng dường nên đem đến Ngài để hầu Ngài.

Phật bảo:

- Ông bị mắt thịt mê hoặc, ta xem từ đầu đến chân người con gái ông không có gì là đẹp. Trên đầu có tóc không khác gì lông đuôi ngựa, dưới tóc có đầu lâu, giống như đầu heo ở hàng thịt, bề trong có não không khác gì não heo, hai mắt thường chảy ghèn nước mắt, hai lỗ mũi, miệng, hỉ nhổ mũi dãi, trong bụng có tim gan, phèo, phổi, ruỗt già ruột non, đầy dẫy hôi thối nhơ nhớp, không thể tả hết, chỉ như cái đẫy da đựng đầy vật ô uế, bốn chân tay do các lóng xương nối lại mà thành, nhờ chút hơi thở mà sống. Nếu đem chia ra đầu một nơi, chân tay thân thể mỗi nơi mỗi cái, thế thì lấy cái gì gọi là đẹp, mà nói không ai sánh kịp? Trước kia khi tôi mới thành Ðạo dưới gốc cây Bồ Ðề, có ba nàng ma nữ ở cõi trời, hình dung nhan sắc, không ai sánh bằng, họ đến gần tôi chực phá đạo chánh, tôi khi ấy nói pháp quán thân bất tịnh, như vầy, ba người kia bỗng nhiên thành già, tóc bạc, mặt nhăn, lấy làm hổ thẹn, bỏ đi mất. Ông thử nhìn xem thân người là vật ô uế có gì đáng gọi là đẹp. Ông nên đem con về, tôi không nhận lời ông đâu!

Ông Hồi Ðề nghe Phật dạy thế, không còn biết nói gì, lấy làm hối hận, lủi thủi đem con về.

Ngày khác ông đem con gái đẹp dâng cho vua Ưu Ðiền. Vua được người đẹp, bằng lòng, liền phong tước lộc cho ông Hồi Ðề, vua rước nàng vào cung, phong làm thứ phi, cấp cho một ngàn người hầu hạ múa hát, ngày đêm vui thú.

Hoàng hậu vua Ưu Ðiền quy y theo Phật đã lâu, bà tu hành chứng quả Tu Ðà Hoàn.

Thứ phi thường tâu vua Hoàng hậu chứng quả, vua đem tâm nghi hoặc, lấy cung tên ra bắn Hoàng hậu. Hoàng hậu thấy tên không chút sợ hãi, cũng không giận hờn, chỉ nhất tâm niệm Phật, lại khởi từ tâm, hướng trước mặt vua. Những mũi tên vua bắn ra, đều lượn quanh Hoàng hâu ba vòng, trở lại rơi trước vua. Vua thấy thế lấy làm sợ hãi, liền lên xe bạch tượng đi thẳng đến chỗ Phật, gần tới nơi vua vội xuống xe, đi bộ vào cúi đầu lễ sát chân Phật, quỳ mà bạch:

- Thưa Thế Tôn, tôi có lỗi với Tam Bảo, vì tôi nghe lời tà siểm của người yêu nên tôi lầm sanh niệm ác đối với Phật và Thánh chúng, tôi đem trăm mũi tên bắn Hoàng hậu là đệ tử Phật.

Thế rồi ông trình bày những cử động tàn ác của ông đối với Hoàng hậu, ông lo sợ hối hận, ông tin rằng chỉ có Ðức Phật mới đầy lòng từ bi vô lượng, đến như người thường làm đệ tử Phật, cũng biết phát từ tâm đến thế, chính Phật là đấng Chánh Chân Vô Thượng, nên ông xin xám hối tội lỗi và quy y Tam Bảo.

Phật thấy ông thành thật trải bày tâm sự sám hối quy y, Ngài nhận lời và an ủi:

- Ðại vương là người thông minh, mau biết tỉnh ngộ thật đáng quí.

Vua cảm mến lễ Phật.

- Thưa Thế Tôn, tôi từ trước đến nay theo thói dữ tợn ngu muội không biết nhẫn nhục, ba độc nó sai khiến tôi làm nhiều tội ác, nghe lời tà vạy không biết phải trái, nếu không gặp Phật, chắc tội lỗi càng sâu dày. Cúi xin Ngài thương xót nói rõ những tội lỗi tin nghe lời xiểm nịnh, để tôi nhớ mà giữ gìn, cũng để làm gương cho người đời sau.

Phật dạy:

- Hay lắm! Ông phải chăm nghe và gìn giữ. Ở đời có bốn điều người nam nữ, phải biết mà dè dặt:

+ Một là người dâm phu tầm thường mơ tưởng nữ sắc, bỏ quên Chánh Pháp nghe theo tà tín mờ tối, làm tôi tớ cho dục vọng, đem cả tâm trí chú trọng vào đó, ngoài ra không thấy gì hơn nữa.

+ Hai là khi có con mang nặng đẻ dau, tận tụy nuôi cho trưởng thành, tìm người xứng đôi vừa lứa, không kể xa gần, lặn lội cho được, chú ý nuôi dài mối dâm dục cho con. Khi có dâu rồi, nó quí vợ như của báu, riêng vui thú với nhau, chỉ nghe lời vợ, quên hẳn công lao cha mẹ, sinh thành dưỡng dục, trở thành bất hiếu.

+ Ba là người đời làm lụng khó nhọc dành dụm tiền tài mà không nghe làm phước, bố thí, cúng dưòng, vì không hiểu cuộc đời vô thường, chỉ có phước đức là lâu dài đáng quí. Thế nên khi có vợ rồi, tâm tình mê man, quên hết việc phải, chăm chú vào nữ sắc, tuy có muốn bố thí, làm các việc phước thiện khi nói ra bị vợ ngăn cản thì thôi, đành chịu thành kẻ tiểu nhân, vì vậy mà quên lời răn dạy trong kinh điển, không biết tội phước, bị ma nữ sắc ám ảnh, khốn khổ suốt đời.

+ Bốn là ở đời, không mấy người nghĩ ơn sanh thành, làm ra tiền của, ít người hiếu dưỡng song thân. Phần nhiều rong ruổi tìm tòi các việc cho vừa lòng dục vọng, đem hết tâm lực của cải đổi lấy một người cho vừa ý, khi được rồi vui mừng mê man, phải tìm bao nhiêu kế hoạch để kéo dài cái vui ấy, gây ra những sự ham cầu tiền của, vơ vét cho đầy túi tham, không kể phải trái liêm sĩ, quý hồ vợ con nhà mình đầy đủ sung sướng, ai đói khổ thiệt thòi mặc kệ ai, không khác chi con voi điên chạy rong theo dục vọng mà cho là khoái lạc.

Bốn thói xấu này, người Nam tử phải cẩn thận tránh xa, nếu mắc vào thì hiện tại rất tai hại cho bản thân, gia đình, xã hội. Mai sau sẽ đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, đền trả tội lỗi đã gây ra.

Vua Ưu Ðiền nghe Phật dạy, hoan hỷ cúi đầu lễ Phật, bạch rằng:

- Từ trước đến nay tôi chưa được nghe lời dạy bảo quí báo như hôm nay, nên tôi trót làm bao nhiêu tội ác. Từ nay về sau, trọn đời tôi xin sám hối, quy y ngôi Tam Bảo không dám phạm nữa, xin Thế Tôn chứng minh cho tôi.Vua lùi ra trở về Hoàng Cung.

Từ đó về sau vua chăm chỉ học Ðạo, ủng hộ Chánh Pháp, đem Chánh Pháp dạy bảo nhân dân. Kính trọng Hoàng hậu, coi như Ðạo bạn vua lại truyền các cung phi phải vâng theo lời dạy của Hoàng hậu. Không bao lâu trong cung nội, ngoài nhân dân, đều quy y Tam Bảo, thọ trì năm giới, nước Câu Lâm biến thành cảnh an lạc hiện tại ở trần gian.

Ðàm Minh

“Sự tham lam nó làm cho con người chìm đắm mãi trong biển luân hồi, mà nhất là cái tham về sắc dục nó đầy đọa và vùi lấp con người một cách ghê gớm.”

Sáu giác quan tranh công

Ngày xưa, xưa lắm… Có một nhà vua nọ góa vợ chỉ có một nàng Công chúa mà thôi, nên bao nhiêu tình thương nhà vua đều dồn cả cho nàng.

Một hôm Công chúa đau nặng. Bao nhiêu ngự y chăm sóc thuốc thang đều thất thủ trước căn bệnh kỳ lạ của nàng Công chúa. Sau cùng nhà vua phải triệu tập một “Ðại hội” thầy thuốc trong toàn quốc để mổ xẻ bệnh trạng hầu tìm ra phương pháp trị bệnh cho Công chúa. Sau khi đúc hết ý kiến, một bản quyết nghị dâng lên vua, đại ý cho rằng Công chúa bị chứng nội thương, phải có sữa sư tử mới trị khỏi…

Nhưng tìm đâu cho ra sữa sư tử?

Nhà vua bèn truyền khắp thần dân, hễ ai tìm được sữa sư tử để trị bệnh cho Công chúa sẽ được thưởng quan tước và tiền bạc.

Có một chàng trai trẻ nọ được tin, mộng công hầu thúc đẩy nên anh ta không quản hiểm nguy, lặn lội vào rừng sâu để tìm cho được sữa sư tử.

Qua bao ngày tìm kiếm dò xét, chàng trai nọ biết được chổ ở của một bầy sư tử mấy trăm con, chàng bèn trộn thuốc ngủ vào nước uống để nhử. Khi sư tử ngủ dậy, thấy nước ngon quá bèn uống no. Thế là cả trăm con lại gục xuống ngủ mê man. Chàng trai nọ tha hồ tìm sư tử cái để nặn sữa.

Trên đường về kinh đô, một hôm chàng trai nằm nghỉ dưới gốc cây. Lúc ấy một vị A La Hán đi ngang qua bỗng nghe các giác quan của chàng trai nọ tranh công với nhau rất kích liệt.

Lỗ tai nói: Nếu tôi không nghe lệnh của nhà vua thì làm sao hiểu được đi tìm sữa? Công tôi to nhất.

Chân đáp: Này này, đừng có hỗn, tai anh nghe chân tôi không bước thì anh có đến được chỗ sư tử ở không? Công to là tôi đây.

Mắt phát biểu: Các anh sai hết. Chỉ có tôi đây là quan trọng. Tai nghe, chân bước nhưng mắt tôi nhắm lại thì các anh có gãy giò không? Tôi mới đúng thưởng công to.

Tay xen vào: Cãi nhau làm chi vô ích. Nếu đi đến nơi, thấy chỗ của sư tử, mà không có mười ngón và hai cánh tay này thì các chú có lấy được sữa mang về không? Công lao là ta.

Lưỡi bỗng nổi giận: Ðược! Tôi đây đồ bỏ chắc. Các anh khoe khoang tranh giành nhau, rồi đây sẽ biết tay tôi.

Quả nhiên, khi chàng trai nọ về triều, hai tay trịnh trọng dâng sữa lên nhà vua, bắt ngờ, lưỡi mách lẻo:

- Tâu bệ hạ, đây là sữa lừa chứ không phải sữa sư tử.

Mặt rồng đang tươi vui, bỗng sa sầm xuống, nhà vua nổi giận vì rõ ràng nghe nói sữa lừa chứ không phải sữa sư tử, bèn truyền lệnh chém đầu chàng trai nọ vì tội khi quân.

Chàng trai hết sức biện bạch nhưng nhà vua không tin. Sau có một vị đại thần đề nghị vua hãy lấy sữa trị bệnh cho Công chúa thử, nếu lành là sữa sư tử, bằng trái lại thì chém đầu cũng không muộn.

Vua y lời, và nàng Công chúa nhờ được uống sữa nên khỏi bệnh.

Tiếp theo vị La Hán vào triều thuật lại việc Ngài nghe các giác quan của chàng trai nọ tranh công với nhau. Và việc làm sàm tấu kia chính là cái lưỡi không xương nên nhiều đường lắt léo.

Nhà vua hiểu rõ nội vụ, bèn trọng thưởng cho chàng trai nọ.

Nguyên Cao

“Này các Tỳ kheo! Hãy hoà hợp nhau lại, như nước với sữa, ánh sáng với không gian!...”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/10/2010(Xem: 2968)
Năm Tiết Đào lên tám, một hôm vào mùa thu, Tiết Đào đứng chơi bên cạnh cha, gần một cây ngô đồng. Cây đã già, cành lá sum sê đứng sừng sững trước nhà...
05/10/2010(Xem: 3940)
Kiều bào hơn 30 quốc gia trên thế giới đã về Thủ đô nhân mùa lễ hội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà nội. Ngày 30/9, tất cả đã có mặt, và được đón về khách sạn Kim Liên. Ngày mồng 1 và mồng 2 tháng 10, tất cả các đoàn Kiều bào được tập dợt tại đường Bắc Sơn, sơ duyệt diễu hành tại Quảng trường Ba Đình. Và những ngày sau đó được Ban Tổ chức đưa đi thăm viếng thắng cảnh, các khu di tích có liên quan đến triều đại Thánh Vương Lý Thái Tổ.
04/10/2010(Xem: 2747)
Thôi Hộ, một danh sĩ đời nhà Đường (618-907), nhân dự hội Đạp Thanh đến Đào Hoa Trang, gõ cửa một nhà xin được giải khát. Một thiếu nữ đứng thập thò bên cửa...
02/10/2010(Xem: 3055)
Một đêm nọ, sư cụ nằm mộng thấy một người đàn bà dắt năm đứa con nhỏ đến trước mặt mình rồi vái lấy vái để, miệng nói: "Xin cứu mạng! Xin cứu mạng!". Sư hỏi người đàn bà...
30/09/2010(Xem: 10267)
Chúng sanh bị đọa địa ngục, đó là chúng sanh tâm bị đọa lạc vào địa ngục tham, sân, si phiền não. Muốn giải phóng chúng sanh tâm, phải dùng tự tánh Địa Tạng của chính mình.
27/09/2010(Xem: 6910)
Đức Địa Tạng là một vị đã chứng bực Đẳng Giác trải đến vô lượng A Tăng Kỳ kiếp rồi. Ngài có lời đại nguyện rằng: Nếu Ngài chưa độ hết chúng sanh, thì Ngài không chứng quả Bồ Đề, và nếu sự thọ khổ trong địa ngục hãy còn, thì Ngài thề không chịu thành Phật. Do cái bổn nguyện ấy, nên Ngài phân thân nhiều phen, đặng độ thoát hằng hà sa số chúng sanh đương tội khổ, trải đã không biết bao nhiêu kiếp rồi, mà Ngài cũng còn làm một vị Bồ Tát như vậy. Còn như nói đến tiền thân của Ngài từ khi chưa chứng quả vị, có kiếp Ngài làm con gái, có kiếp thì Ngài làm con trai, và cũng có kiếp Ngài làm vua nữa.
25/09/2010(Xem: 9829)
Nan-In, một thiền sư Nhật vào thời Minh - Trị (1868- 1912), tiếp một vị giáo sư đại học đến tham vấn về Thiền. Nan-In đãi trà. Ngài chế một cốc đầy và vẫn tiếp tục rót.
10/09/2010(Xem: 59829)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (quyển 3) Vào thời không có đức Phật Chánh Đẳng Giác ra đời, tại vùng Allakappa bị dịch bệnh hoành hành, lây lan từ người này sang người khác, nhà này sang nhà khác làm cho rất nhiều người chết, đói kém xảy ra khắp nơi. Những người còn mạnh khỏe, chưa bị lây nhiễm
02/09/2010(Xem: 7187)
Sơ lược về Thiền Sư Nguyễn Minh Không, Ông tên là Nguyễn Chí Thành sinh ngày 14/8 năm Bính Thìn (1076) tại Điềm Xá, Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Thiếu thời ngài chuyên làm nghề chài lưới của ông cha. Năm 29 tuổi ngài xuất gia đầu Phật. Ngài đã cùng Thiền sư Giác Hải và Thiền sư Từ Đạo Hạnh làm bạn thân sang Thiên Trúc học đạo với thầy Samôn được phép: Lục Trí Thần.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]