Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Truyện Cổ phần 11

18/10/201319:40(Xem: 3821)
Truyện Cổ phần 11

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 1
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần 11


51/ Truyện con chó đói
52/ Vua A Dục trở về với Phật giáo
53/ Hoa sen trong người
54/ Vui trong Ðau khổ

Truyện Con Chó Ðói

Thuở Ðức Phật còn tại thế, có một ông vua rất hung ác, nghe Phật đến thuyết pháp trong nước mình, ông liền ngự giá đến chỗ Phật ở và xin Ngài kể một câu chuyện gì đã vui lại hữu ích nữa.

Ðức Phật liền kể chuyện con “Con Chó Ðói” như sau:

“Thuở xưa, có một vị quốc vương rất bạo ngược, hà khắc với dân lành, nhân dân đều oán trách. Ông Ðế Thích thấy vậy liền hiện xuống trần dắt theo một con quỷ rất dữ. Ông Ðế Thích hóa mình thành một người thợ săn, còn con quỉ thì biến thành một con chó cao lớn.

Người thợ săn dẫn con chó vào cung của vị quốc vương để yết kiến. Bỗng con chó vùng tru lên dữ dộI, làm cho lâu đài cung điện đều rung rinh… Vị quốc vương thất kinh, liền đòi người thợ săn đến trước ngai vàng mà hỏi rằng:

- “Gã kia, vì cớ gì mà con chó tru lên dữ vậy?”.

Người thợ săn thưa:

- Tâu Bệ hạ, vì đói nên nó tru.

Vị quốc vương liền ra lệnh đem cơm cho chó ăn. Nhưng một điều không ngờ là đem bao nhiêu thì con chó ăn hết bấy nhiêu, tất cả thực vật trong kho đã hết sạch mà nó vẫn chưa no, nên nó càng tru lên dữ dội hơn nữa, mà ác hại thay, mỗi lần nó tru thì cung điện đền đài của quốc vương lung lay hình như muốn sụp đổ…

Vị quốc vương không biết tính thế nào, mới hỏi người thợ săn:

- Lấy cái gì cho nó ăn để nó nín?

Người thợ săn đáp:

- Tâu Bệ hạ, lấy thịt của người nó ghét cho nó ăn nó hết tru.

Quốc vương hỏi:

- Nó ghét kẻ nào?

Người thợ săn tâu:

- Nó ghét những kẻ bất công hãm hại dân nghèo. Ngày nào trong nước không có dân đói khó nữa, ngày đó nó mới nín…

Vị quốc vương liền nhớ tới những việc ác của mình làm thì hết sức hối hận, từ đó mới ăn năn chừa cải, chịu nghe những lời công bình chánh trực”.

Ðức Phật kể dứt câu chuyện này thì mặt vua tái ngắt.

Ðức Phật dịu dàng dặn với nhà vua rằng: “Ngày nào bệ hạ nghe tiếng chó tru thì bệ hạ hãy nhớ đến câu chuyện ta kể. Bệ hạ có thể làm cho con chó nín được”.

Hoàng Minh

Ðạo Phật đã cảm hóa những ông vua hung bạo như vua A Dục xứ Ấn Ðộ, thành những kẻ thương dân mến nước.

Vua A Dục Trở Về Với Phật Giáo

Lúc Ðức Phật còn tại thế, Ngài đã đem Chánh pháp phú chúc cho các vị quốc vương và đại thần, để sự truyền bá Phật pháp mau phổ biến.

Từ ngày Ðức Phật diệt độ, nếu quan sát trong lịch sử Phật giáo, thì thấy có hai vị quốc vương thật hết lòng lo hộ trì Phật pháp. Tại xứ Ấn Ðộ, thì có vua A Dục. Ở Trung Hoa thì có đến mười ông vua có nhiệt tâm với đạo, nhưng chỉ có ông Lương Võ Ðế hết lòng vì đạo hơn cả.

Nay xin thuật sơ lịch sử của vua A Dục:

Nguyên vua A Dục là dòng dõi của A Xà Thế vương, thân phụ của Ngài tên là Tần Ðầu Sa, thân mẫu thuộc phái Bà La Môn.

Khi Ngài còn nhỏ thì thân thể rất thô kịch xấu xa, nên vua cha chẳng thương yêu. Ðến lúc Ngài thành nhân, thì oai võng hơn người và võ nghệ xuất chúng.

Sau nhân có việc nội loạn tại thành Hưu Thị La, vua cha mới sai Ngài đi chinh phục. Khi đâu đó được bình yên, vua cha thấy Ngài có công lao nên phong làm Thái tử.

Cách ít lâu, vua Tần Ðầu Sa thăng hà, thì Ngài kế vị, song tánh rất bạo tàn vô đạo, đến nổi giết hết mất trăm người tôi đại thần và kẻ thân thuộc.

Mùa xuân năm ấy… trăm hoa đua nở, cảnh vật vui tươi, Ngài mới dẫn bọn cung nữ đi dạo khắp vườn hoa mà thưởng ngoạn. Khi ra ngắm cảnh vườn xuân, bọn cung nữ chỉ lo chơi giỡn và trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, chớ chẳng quây quần bên Ngài như lúc ở tại nội điện. Vua nổi giận, truyền bắt giết tất cả, rồi tức thì trở về cung, chứ không đi thưởng ngoạn nữa. Lúc ấy, toàn dân trong nước đều ta thán cho Ngài là một ông vua đại gian ác.

Ðã vậy mà Ngài còn lập ra một chỗ gọi là: “Ðịa ngục ở trần gian”, đặt tên là vườn “Ái lạc” ngoài thì sắp đặt cực kỳ tốt đẹp, nào là ao sen non bộ, cỏ quý hoa thơm, cũng như công viên, để cho nhân dân mặc tình đến đó mà thưởng thức giải trí…

Nhưng trong, thì có non đao rừng kiếm, lò lửa vạt dầu, và đủ các món khí cụ để hành hình người một cách ghê gớm.

Hễ người nào vào trong vườn Ái lạc đó, thì ngục tốt bắt giam, rồi cứ hành hình. Còn những thế nữ ở trong cung mà cãi cọ xung đột với nhau, thì bắt đem vào cho chủ ngục phân xử. Thiệt là một cái thảm trạng thống khổ của nhân gian không kể xiết. Khi ấy có một vị Tỳ kheo, nhân đi khất thực nơi thành Hoa Thị, vì chẳng thông thuộc đường xá nên lạc vào vườn “Ái lạc”, nhìn thấy cảnh tượng bên ngoài thì tốt đẹp lạ lùng, còn phía trong quả là một chốn địa ngục.

Thầy Tỳ khoe hoảng kinh, toan kiếm đường trở ra, ai ngờ bị ngục tốt đón bắt lại. Thầy hết sức yêu cầu mà bọn ấy không dung thứ, nên thầy bèn khóc òa.

Chủ ngục thấy vậy liền hỏi: Thầy là người tu hành, sao mà sợ chết đến đỗi khóc như con nít vậy?

Thầy Tỳ kheo đáp:

- Tôi chẳng phải sợ chết mà khóc, vì sợ mất sự lợi ích cả một đời người của tôi, nên mới ai bi như thế?

- Sự lợi ích làm sao, Thầy bày tỏ cho tôi nghe thử?

- Số là tôi mới xuất gia, chưa chứng đặng đạo quả. Tôi nghỉ lại thân người khó đặng, Phật pháp khó gặp, nay rủi sa vào chỗ ác địa này, thế nào cũng phải hủy mạng, thì còn đâu mà tu học nữa nên tôi mới khóc, chứ tôi đâu có sợ chết.

Thấy Tỳ kheo nói rồi, mới khẩn cầu với chủ ngục xin dung thứ cho Thầy sống sót trong bảy ngày, rồi sẽ hành hình chẳng muộn.

Chủ ngục thấy người tu, thì cũng động tâm, nên y theo lời của Thầy xin mà đình lại bảy ngày mới toan hạ thủ.

Ngày đầu, thầy Tỳ kheo nhìn thấy cách hành phạt rất độc ác, nào là người phụ nữ thân hình tốt đẹp mà bị bỏ vào cối quết người thì xương tan thịt nát, xem rất ghê sợ; nào là bọn ca nhi nhan sắc tuyệt vời mà cũng bị quăng vào lò lửa, đứa thì rút tay co cổ, đứa thì hả miệng nhăn răng.

Thầy Tỳ kheo thấy cảnh tượng ấy thì sanh lòng nhàm chán, mới nhớ lời Phật dạy rằng: “Sắc lịch dịu dàng dường như bọt nhóm, dung y đẹp đẽ mà đâu còn hoài”. Nhờ chỗ dẫn chứng lời của Phật dạy đó mà Thầy tỏ ngộ, dứt hết các đều tạp nhiễm, liền chứng đặng quả A La Há.

Ðến ngày thứ tám, ngục tốt bèn bắt Thầy đem bỏ vào chảo dầu, rồi chất củi mà đốt. Song khi lửa hạ và củi thành tro mà dầu trong chảo vẫn tự nhiên không nóng.

Chủ ngục thấy vậy nổi giận, đánh đập bọn ngục tốt, rồi hối đem củi cho nhiều và chụm thêm vào mãi mãi, nhưng đến khi xem lại trong chảo dầu thì thấy Thần Tỳ kheo ngồi kiết già trên hoa sen, xem bộ tự nhiên chẳng hề lay động chút nào cả. Chủ ngục hoảng kinh, lật đật đến tâu tự sự cho vua A Dục rõ.

Vua tánh nóng như lửa, khi nghe tin ấy liền tức tốc đi thẳng đến vườn Ái lạc.

Vua vào đến nơi, thì thấy Thầy Tỳ kheo hiện thân lên hư không, biên đủ 18 phép thần thông, trên mình thì nước tràn lênh láng, phía dưới thì lửa cháy rần rần, thí như một hòn núi lớn ở giữa không gian vậy.

Vua A Dục đứng nhìn sửng sốt một hồi, rồi tự nghĩ: “Mình với Thầy Tỳ kheo này cũng đồng là loài người, cớ sao Thầy lại đặng phép thần thông tự tại như thế, còn mình thì lo việc sát hại nhân dân, làm việc đại ác!”.

Vua nghĩ như thế nên vội vàng quỳ xuống bạch với vị Tỳ kheo ấy rằng: “Ngửa mong Thánh giả chiếu cố đến tôi, xin hạ xuống nơi đây, tôi nguyện từ rày về sau bỏ dữ làm lành mà quy với Ngài”.

Thầy Tỳ kheo đáp:

- “Hay thay! Hay thay! Nay đại vương đã tự hối mà quy đầu Tam bảo, thì sẽ đặng phước đức vô cùng và hân hạnh cho dân chúng biết bao”.

Thầy Tỳ kheo nói xong, liền dùng thần lực của mình mà trở về tịnh xá.

Khi vua A Dục đã quy y theo Phật rồi, thì trong lòng hân hoan vô cùng, định sửa soạn trở về cung. Bỗng người chủ ngục đến tâu: “Khi Ðại vương lập ra cảnh “Nhân gian địa ngục” này, có ra lệnh hễ ai vào đây thì không cho ra. Tôi đã thọ mạng rồi, nên không dám cãi. Còn Ðại vương là bực thiên tử cũng phải nhất ngôn mới được”.

Nghe chủ ngục nói như thế, vua A Dục mới hỏi: “Cứ theo lời của nhà ngươi nói đó, thì bây giờ nhà ngươi muốn giết ta hay sao?”.

Chủ ngục đáp: “Quả như lời của Ðại Vương đó, thì mới đúng với quân lệnh”.

Vua A Dục liền hỏi lại chủ ngục: “Vậy khi ban sơ tạo vườn Ái lạc này, nhà ngươi với quả nhân ai vào đây trước?”.

Chủ ngục thưa: “Tâu Ðại vương! Tôi vào đây trước”.

Vua nghe đáp như vậy, tức thì truyền cho ngục tốt áp lại bắt chủ ngục bỏ vào chảo dầu, đồng thời ra lệnh phóng hỏa đốt hết cả vườn Ái lạc.

Từ đấy về sau, vua bỏ hẳn các điều dữ mà làm những việc lành, và tâm tánh hết sức từ bi nên kẻ thời nhơn đồng ca tụng là Ðạt Ma A Dục Vương (ông vua hiền lành).

Sau lại nhờ đức Ưu Ba Cúc Ða (Tổ thứ tư) giáo hóa thêm, nên vua càng tín ngưỡng Phật pháp hơn nữa, chính vua đã phái 256 vị Cao tăng đi khắp trong xứ để truyền bá Phật giáo…

Thiện Dụng

Hoa Sen Trong Người

Mai hôm ấy, kinh thành Xá Vệ rộn rịp trong cảnh phố phường buổi sáng. Trên các đường lớn ngựa xe tấp nập; từng đoàn người qua lại trong những bộ áo màu sặc sỡ. Các cửa hàng đông nghẹt những người mua. Tiếng guốc giày của những người quí phái liên tiếp vang lên tạo thành những âm thanh ồn ào náo nhiệt. Nhưng đi sâu vào các đường hẻm thì những cảnh sống hình như vui tươi, giàu mạnh của số đông người trong hai giai cấp Sát Ðế Lợi và Bà La Môn ấy không còn nữa, mà những cảnh bần cùng, đen tối của hai hạng người Tỳ Xá và Chiên Ðà La hiện ra quá rõ rệt: những chiếc nhà lá thấp lè tè, chật hẹp, đóng cửa từ sáng sớm… Những đứa trẻ đang đùa giỡn chọc ghẹo nhau trên vệ đường. Những người tàn tật nghèo khổ lũ lượt đi từ nhà này sang nhà nọ xin nhờ sự bố thí một cách khó khăn…

Như lệ thường, sáng nay Ðức Thế Tôn vào thành để giáo hóa. Bình đẳng, không phân biệt nghèo, giàu, sang, hèn; Ngài đi hết phố này đến xóm khác.

Ni Ðề, một thanh niên thuộc giai cấp Chiên Ðà La, giai cấp thấp nhất ở Ấn Ðộ, đang gánh một gánh phân chạy lon bon trên con đường xóm, thấy Ðức Phật, chàng bối rối, sợ sệt, vội rẽ qua đường khác và tự thanh trách; chàng nghĩ rằng mình đã sinh vào nơi thấp kém mà còn phải làm những việc đê hèn như thế này nữa, thật là vô phước quá, đồng là người thì tại sao người ta lại dìm nhau trong cuộc sống? Tuy rẽ qua đường khác nhưng đôi mắt chàng vẫn đăm đăm hướng về hình ảnh trang nghiêm; sáng rực hào quang của Ðức Phật. Một sự ước ao trào dậy trong lòng chàng: Ôi! Biết bao giờ ta được trực tiếp gặp Ðức sáng suốt kia. Càng nhìn lòng chàng càng cảm mộ. Tuy chưa gặp Ðức Phật lần nào, song đức hạnh hoàn toàn của Ngài, chàng được nghe nhiều người kể lại.

Hiểu tâm niệm Ni Ðề qua những cử chỉ rụt rè và đôi mắt đăm chiêu, Ðức Phật bước nhanh về phía Ni Ðề. Thấy Phật đến, Ni Ðề hoảng hốt: Vì tự thấy mình nhớp nhúa không đáng gần Phật, phần sợ người bắt tội nên chàng nhanh chân lẩn tránh.

- Con ôi! Như Lai đến với con đây! Sao con lại tránh? Ðức Phật ở xa nói lại với một giọng trong thanh, êm ái.

Ðể đôi thùng xuống, run rẩy Ni Ðề quỳ thưa:

- Bạch Ngài con không dám… Có điều chi dạy bảo xin Ngài ban cho, xin Ngài đừng đến gần con…

Ðức Phật bước thêm và đến sát Ni Ðề. Ni Ðề cúi xuống và sắc mặt biến xanh, ra vẻ sợ sệt lắm. Nở một nụ cười chan chứa tình thương Ðức Phật nói:

- Con ơi! Không ai có quyền bắt tội con đâu, vì chính Như Lai đến với con, chứ không phải con đến với Như Lai. Hơn nữa Như Lai nay không phải là người trong giai cấp vua chúa như Thái tử Tất Ðạt Ða ngày xưa, mà là người của tất cả chúng sanh, nhất là hạng người đau khổ như con. Như Lai muốn nói với con một vài câu chuyện… Nghe qua những lời nói dịu hiền và có lý của Ðức Phật, Ni Ðề bớt lo sợ và nhìn Ðức Phật một cách kính mến, chàng thưa:

- Chẳng hay Ðức Thế Tôn vẫn đoái hoài đến người cùng khổ này sao? Và con đây cũng được Như Lai dạy bảo và được thật hành theo đạo của Như Lai nữa sao?

Một cách nghiêm nghị Ðức Phật hỏi: Ai đã làm cho các con thắc mắc những điều ấy?

- Bạch Thế Tôn: những đạo sĩ Bà La Môn thường nói chỉ có giai cấp họ và người trong dòng Sát Ðế Lợi mới có quyền thờ kính Hiền Thánh và có quyền giao thiệp với người đồng giai cấp, chứ bọn con thuộc dòng hạ tiện không có phép làm những việc của họ làm và phải trọn đời phục dịch họ…

Ni Ðề muốn nói nhiều nữa song Ðức Phật ngắt lời và hỏi:

- Vậy con không biết Như Lai ra đời để cứu khổ cho chúng sanh bằng cách phá tan những sự mê tín dị đoan, ỷ lại thần quyền và đưa chúng sanh đến cuộc sống bình đẳng và an vui sao?

Thôi, giờ đây, con có muốn sống một đời sống tươi đẹp và rộng rãi không? Và con muốn sống gần Như Lai không?

Sung sướng muốn chảy nước mắt, Ni Ðề đáp: - Ðó là điều mà con tưởng không bao giờ thực hiện được; nếu được Như Lai cứu độ thì đó là một phước lành của con vậy.

Dịu dàng Ðức Phật cầm tay Ni Ðề dắt đến bờ sông gần đấy… Tắm rửa xong, Ni Ðề theo Ðức Phật trở về Tịnh xá Kỳ Hoàn được Phật và Giáo Hội thâu nạp cho là Tỳ kheo, qua một thời gian tinh tấn tu luyện vị Tỳ kheo mới nhập đạo này đắc quả Tu Ðà Hoàn rồi lần chứng quả A La Hán.

Bấy lâu Ba Tư Nặc vương bất bình và không hiểu tại sao Ðức Phật là người của dòng hào thế Thích Ca mà lại độ đệ tử phần nhiều là những người ở hai giai cấp dưới. Nay lại được nghe Ðức Phật vừa độ cho Ni Ðề, ông càng bất bình hơn nữa. “Ðảnh lễ - ai chứ ta không đảnh lễ anh chàng Ni Ðề được…!”. Ba Tư Nặc vương lẩm bẩm như vậy. Càng nghĩ càng tức giận, Ba Tư Nặc vương liền cùng với các vị cận thần đi đến Tịnh xá Kỳ Hoàn để xin Phật đừng độ cho Ni Ðề là Tỳ kheo và từ rày về sau đừng cho những người thuộc cấp hạ tiện (theo quan niệm của ông và những người trong hai giai cấp trên) xuất gia.

Vừa đến tam quan Tịnh xá Kỳ Hoàn, thấy một vị Tỳ kheo đang ngồi trên một hòn đá lớn khâu vá chiếc áo cũ, Ba Tư Nặc vương liền đến nhờ vị Tỳ kheo ấy vào bạch Phật xin cho ông yết kiến. Nhận lời, vị Tỳ kheo liền xuyên qua hòn đá và ẩn mình đâu mất, làm cho Ba Tư Nặc vương và các cận thần hoảng sợ nhưng vô cùng khâm phục!

Một lát sau, cũng từ hòn đá ấy hiện ra, vị Tỳ kheo khi nãy trả lời cho Ba Tư Nặc vượng:

- Ðại vương cứ vào, Ðức Thế Tôn đã hứa cho.

Ba Tư Nặc vương bái chào rồi đi ngay vào tịnh xá.

Ðảnh lễ Ðức Phật xong, Ba Tư Nặc vương liền hỏi:

- Bạch Thế Tôn! Thầy Tỳ kheo vừa xin cho con vào yết kiến là ai và tên là gì mà có thần thông quảng đại như vậy? Thầy đã xuyên qua đá cứng một cách nhẹ nhàng, tự tại…

- Ðại vương! Ấy là Ni Ðề, người gánh phân ở thành Xá Vệ mà ta đã độ cách đây hơn một tháng, nay đã chứng quả A La Hán nên đã có những thần lực như vậy.

Thấy Ba Tư Nặc vương im lặng và ra chiều suy nghĩ, Ðức Phật ôn tồn nói thêm:

- Này Ðại vương! Trong đất bùn nhơ nhớp nở lên những cánh sen đầy hương thơm tinh khiết. Ðại vương có thích và có ưa hái khống?

- Bạch Thế Tôn! nếu là hoa đẹp hương thơm thì không ai không quý và không muốn hái để ngắm nghía và trang hoàng cả.

- Ðại vương! Cũng vậy tuy là người ở trong các giai cấp dưới (ấy là do con người phân chia), nhưng nhờ sự trau dồi đức hạnh, rèn luyện trí tuệ mà trở thành Thánh Hiền thì người trí tuệ có nên cung kính cúng dường không?

- Bạch Thế Tôn! Ðã là Thánh Hiền thì rất đáng cho phàm phu chúng con cung kính cúng dường lắm!

- Lành thay! Ðại vương quả là người sáng suốt biết quý trọng “giá trị chân thật” của con người.

Mặt trời làm tan mây mù ra sao thì những lời của Ðức Phật cũng làm tan những ý niệm khinh rẻ chán ghét Ni Ðề và các người trong hai giai cấp dưới của Ba Tư Nặc vương thế ấy… Bắt đầu từ đó ông vô cùng kính phục tài năng và đức hạnh của Ni Ðề, vị Tỳ kheo mà ông đã gặp ở tam quan.

Ba Tư Nặc vương lại xin Phật cho thỉnh A La Hán Ni Ðề ngày mai vào nội thành để giáo hóa cho hoàng tộc và nhân dân và cũng để ông cúng dường luôn thể. Phật hứa cho, Ba Tư Nặc và các vị cận thần đảnh lễ và trở ra tam quan để trực tiếp cung thỉnh vị A La Hán thần thông tự tại khi nãy.

Ðược vị A La Hán này chấp nhận, Ba Tư Nặc vương vô cùng sung sướng. Trên đường về ông không ngớt tán thán Ðức Phật, đấng hiện thân của bình đẳng và Giáo Hội của Ngài là một đoàn thể đầy đủ tài năng và đức độ.

Thiện Châu

Không có giai cấp khi trong máu người cùng đỏ.

Không có giai cấp khi trong nước mắt người cùng mặn.

Vui Trong Ðau Khổ

Một hôm, Ðức Phật cùng đệ tử vào thuyết pháp trong thành La Duyệt Kỳ, lúc ra về gặp chành thanh niên đang lùa một bầy bò vừa ăn no, chúng nhảy vọt vào húc nhau. Thấy vậy, Ðức Phật nói mấy bài tụng sau đây:

“Người đi chăn đưa roi chăn, lùa bầy bò; Cũng như thế già chết chăn nuôi và lùa kéo sinh mạng đi mà nào ai có biết!

Xưa nay, hàng trăm hàng ngàn người chứ không phải một, chứa chất của cải cho lắm, cung dưỡng thân thể cho nhiều, nhưng rồi không ai khỏi điêu tàn chết chóc.

Sống nghĩa là ngày đêm sinh mạng bị công kích, bị tước dần, cho nên sự sống bị tiêu mòn đi in như bờ đất bị nước soi lở”.

Lúc về Tịnh xá, tôn giả A Nan bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vừa rồi trên đường về Ðức Phật có nói ba bài tụng nhưng chúng con không hiểu hết ý nghĩa, xin Thế Tôn từ bi chỉ giáo cho.

- A Nan! Trên đường về vừa rồi ông có thấy người lùa bầy bò không?

- Bạch có.

- Người ấy là người thợ thịt. Bò của anh ta có đến ba ngàn con, cứ ngày lùa ra ngoài thành tìm nơi cỏ tốt cho ăn rồi lựa con nào to béo thì làm thịt để bán. Giết hơn một nữa rồi mà bầy bò ấy không con nào biết số phận của mình ra sao cả. Chúng vẫn thản nhiên vui vẻ, húc nhau, nhảy vọt, kêu rống, ăn chơi… Ta cảm thương chúng nó nên mới nói mấy bài tụng vừa rồi.

Nhưng A Nan nầy! Có phải riêng chỉ người chăn bò và bầy bò ấy mới như thế đâu, nhân loại cũng có lắm người vùi mình trong hoàn cảnh tương tợ như thế. Họ chấp trước “Bản Ngã”, không biết bản ngã chỉ là sự chuyển biến liên tiếp, vì thế, họ tham lam dục lạc cung dưỡng thân xác, rồi sung sướng khoái chí họ sát hại lẫn nhau, húc chết sự sống của nhau mà không biết là mình đang húc nhau với cái chết! Trong khi đó, bên cạnh sự sống, vô thường chết chóc lanh lẹ tiến đến, thế mà họ vẫn ngang nhiên không hay không biết, có khác gì bầy bò kia?

Phật dạy như thế, trong số được nghe có những người xưa nay cung dưỡng thân thế quá đáng liền tỉnh ngộ, tự cố gắng khuyến khích mình sống theo sự thật. Nhờ thế, nên không bao lâu họ đều chứng được vô sanh.

Hồng Mai

Một ngày đã qua, thế là chúng ta đã bước gần đến cái chết một bước, mạng sống cũng giảm lần. Như cá ít nước có vui gì! Ta phải siêng năng tu tập như cứu lửa cháy trên đầu. Nên nghĩ đến vô thường, cẩn thận đừng có buông lung!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 16757)
Ðạo vốn vô ngôn; do ngôn mà hiển đạo, thế nên có mạn lục, có bảo huấn, có bút ngữ, có võ khố. Nay đây, có Hòa thượng Văn Thủ, tự Nhất Ty (1607 – 1648) người nước Nhật Bản, lúc đầu ở ẩn nơi Tây Cương thuộc đất Lạc Tây, về sau Ngài về núi Ðan mai danh ẩn tích. Nhưng các hàng xuất gia khắp chốn hải hồ tìm đến bên Ngài kết am tranh tu học số đông không kể xiết.
10/04/2013(Xem: 6186)
Trước vòm cung hình bán nguyệt có những cột trụ đôi chống đỡ, lối vào tu viện Thánh Ân, một cây giẻ - đứa con độc nhất của miền Nam mà ngày xưa một thầy dòng từ La-Mã mang đến - vươn lên ngay bên vệ đường, thân mình cường tráng. Tàng cây tròn trải ra trùm trên mặt đường trong một dáng điệu trìu mến và thở nhẹ trong gió như một lồng ngực đang phập phồng. Về mùa Xuân, trong khi vạn vật quanh nó đã xanh rờn và những cây phỉ của tu viện cũng đã khoác lại bộ lá non màu hung, mùa trổ lá cây giẻ này vẫn còn phải đợi rất lâu.
10/04/2013(Xem: 10729)
.Con người là một con vật biết suy nghĩ, biết tư duy; Vì thế, dù bận rộn với bao khó khăn trở ngại trong cuộc sống; dù tin tưởng vào tôn giáo này hay tôn giáo khác, hoặc vô thần đi nữa, con người cũng phải ít nhất một lần trong đời đặt câu hỏi rằng: Tại sao mình lại sinh ra ? Tại sao con người lại đau khổ ?
10/04/2013(Xem: 4103)
Cô bé dịu dàng nhìn cha. Cô biết, cô được cha yêu quí vô cùng. Cha cô vẫn nói, cô giống mẹ từ chân tơ, kẽ tóc, vừa xinh đẹp, vừa tài hoa. Cha thương nhớ mẹ bao nhiêu là yêu quí cô bấy nhiêu. Tai nạn thảm khốc mười một năm trước đã lấy đi tiếng cười trong tòa biệt thự nguy nga này. Chiếc máy bay riêng chở mẹ cô đi thăm bà ngoại đã lao xuống vùng biển dầy đặc sương mù.
10/04/2013(Xem: 20500)
Cuộc sống của vị Thiền sư này có nhiều điều kỳ bí khác đời và cũng khác với đời sống tu hành của Tăng chúng đương thời. Tính tình ông cuồng phóng, thích rượu, thích thịt, người đời gọi ông là “Tế Ðiên”, nhưng ông lại là người rất “tỉnh”, từ bi và ưa giúp đời.
10/04/2013(Xem: 12865)
Hôm ấy trong chùa Sùng Ân các sư đang rộn rịp chuẩn bị để đón tiếp một đại thí chủ, đó là Vương tiểu thư, con quan Tể Tướng của đương triều sắp đến lễ Phật. Khắp nơi trong chùa đều được quét dọn sạch sẽ, duy có trên chính điện thì trái lại vị hương đăng trẻ tuổi Ngọc Lâm, có tiếng là chăm chỉ, hôm ấy lại để cho bề bộn, không chịu dọn dẹp.
10/04/2013(Xem: 10426)
Tập truyện Thường Ðề Bồ Tát (Bồ Tát Hay Khóc) được trích dịch trong cuốn “Vô Thanh Thoại Tập” của Pháp sư Long Căn. Ngoài những truyện kể về cuộc đời các vị Bồ Tát thời quá khứ như Thường Ðề, T hiện Tài đồng tử, . . .
10/04/2013(Xem: 3634)
Tôi ngồi lặng lẽ, nhìn những lá phong vàng sậm và đỏ ối, âm thầm rơi trong không gian tinh mơ quanh khu nhà quàn. Thấp thoáng vào, ra, là những người chít khăn tang trắng, gương mặt phờ phạc, buồn rầu. Cả một trời thu im lắng, u hoài trùm phủ quanh tôi.
10/04/2013(Xem: 4694)
He’s Leaving Home, quyển tự truyện của tác giả Kiyohiro Miura, đã được giải thưởng đặc biệt AKUTAGAMA của Nhật. Quyển sách miêu tả về sự mâu thuẫn trong tình cảm của các bậc cha mẹ có con xuất gia : Họ tự hào vì con đường cao quí con mình đã chọn, đồng thời đau khổ vì sự chia ly, vì quyết định quá sớm, quá đột ngột của con mình....
09/04/2013(Xem: 15429)
Một sự tình cờ mà cũng là một cơ duyên khiến chúng tôi được gặp Thầy Huyền Diệu hai lần tại Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2002. Thầy là người kín đáo trong giao tiếp và xem ra không muốn được người khác chú ý hay nhắc nhở tới mình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]