Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Truyện Cổ phần 07

18/10/201319:24(Xem: 2598)
Truyện Cổ phần 07

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 1
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần 07



31/ Những người mù rờ voi
32/ Hoàng hậu Vi Ðề với pháp môn Tịnh Ðộ
33/ Nhân nào quả nấy
34/ Ðâu là sự thật
35/ Tình thương

Những Người Mù Rờ Voi

Thuở xưa, có một vị quốc vương tên là Cảnh Diện, tánh tình thuần hậu, nhân đức ít ai bằng. Về phương diện chánh trị thì Ngài thi hành những điều lợi ích cho dân chúng, và Ngài thường đem Phật pháp để giáo hóa nhân dân, nên trong thời kỳ ấy trình độ đạo đức của mọi người lên mức khá cao; vì thế từ trong triều cho đến ngoài dân sự đều đặng thái bình an lạc.

Nhưng trong thời kỳ ấy, trong triền còn một vài vị đại thần, tôn thời ngoại đạo, tin tưởng theo bọn tà sư do đó thường tranh luận với nhau; rốt cuộc ai cũng chấp thủ cho sự kiến giải của tôn giáo mình thờ, lý thuyết chủ nghĩa mình theo là đúng cả. Muốn chấm dứt tình trạng đó, nên vua thường suy tính và tìm tòi một mưu chước gì, để cảm hóa những vị đại thần kia trở về đạo giác ngộ cứu cánh của chư Phật, và nhận thấy những sự kiến giảIicủa mình lâu nay là sai lầm.

Thì một hôm, các vị cận thần được lệnh phải đi tìm những kẻ mù từ thuở lọt lòng, đem về cho vua. Ðược tin ấy, các quan trong triều cũng như dân chúng, ai nấy đều sanh nghi: vua sẽ thi hành những điều gì mới lạ chăng?

Sau hai ba ngày tìm kiếm, các vị đại thần dẫn về một tốp người mù. Người nầy vịn người kia, người kia nắm kẻ nọ đi vào sân rồng, trong lòng anh nào cũng hồi hộp, không biết việc sắp xảy đến phước hay họa.

Sau khi nhìn qua tốp người mù, vua liền lớn tiếng truyền cho quần thần hay rằng: “Bổn ý của Trẫm là muốn thử xem mấy người mù này có biết mình dáng con voi ra sao không? Vậy các người sai thị vệ dẫn họ đến chuồng voi, ra lệnh quản tượng kềm voi cho chắc chắn, đặng mỗi người lại gần rờ xem cho kỹ lưỡng, rồi dắt tất cả về đây để phúc tấu. - Nếu kẻ nào tả đúng hình dáng con voi, thì Trẫm sẽ trọng thưởng”.

Tốp người mù nghe thế, đều lộ vẻ vui mừng – lòng tự hẹn với lòng sẽ rờ xem thật kỹ càng, và hy vọng phen này chắc chắn sẽ được nhiều tiền bạc! Anh nào cũng tự hào xúc giác của mình rất tinh tế, ý phân biệt của mình rất tinh vi, xưa nay có hề sai khi nào đâu!

Vì thế, khi dắt đến chuồng voi anh nào cũng giành rờ trước; anh thì rờ đụng cái vòi, anh thì rờ nhằm cặp ngà, anh thì rờ đụng cái tai, anh thì rờ nhằm hông, anh thì trúng chân, anh thì rờ đụng đuôi – Anh nào cũng rờ đi rờ lại thật kỹ lưỡng và trong lòng đinh ninh rằng mình đã biết đúng hình dáng con voi.

Xem xong, các vị cận thần dẫn tốp người mù trở lại trước vua để Ngài thẩm xét. Vua thấy vẻ mặt anh nào cũng lộ vẻ hân hoan, liền phán rằng: “Trẫm thấy các ngươi con mắt bóng quáng, vì mù từ thuở lọt lòng mẹ, chỉ nghe người ta nói đi nói lại, chớ chẳng biết hình dáng con voi ra thế nào. Nay tất cả tuy là không thấy, nhưng đã đến tận nơi mà rờ rẫm con voi rồi; vậy bây giờ mỗi người phải tả hình dáng con thú ấy ra sao? Nếu đúng, Trẫm sẽ ban cho nhiều tiền bạc để hộ thân.

Không đợi hỏi lần thứ hai, anh rờ đụng cái vòi mau mắn trả lời:

- Thưa Bệ hạ, con voi hình như chiếc chiếu cuốn tròn!

Anh rờ cặp ngà vội cãi:

- Thế nào? Con voi giống chiếc chiếu cuốn tròn à? Thôi sai rồi chính tôi đã rờ xem kỷ lưỡng. Con voi như cặp sừng trâu!

Anh rờ đụng lỗ tai voi phát cáu:

- Sao? Con voi lại giống cặp sừng trâu? Cũng sai bét! Con voi giống cái quạt! Chính lúc tôi xem nó quạt vào mặt mát rượi mà!

Anh rờ nhằm hông voi không thể nhịn được nữa:

- Các anh mù thật! Con voi mà bé nhỏ giống chiếc chiếu cuốn tròn, giống sừng trâu, giống cái quạt ư? Chính tôi đã ôm sát lấy nó. Con voi như một bức tường bằng phẳng dài đến hai ba thước tây!

Anh rờ trúng chân voi, quơ tay lia lịa phân bua:

- Trật hết! Trật hết! Thôi nín đi, để tôi nói cho mà nghe. Con voi như cái cột nhà mời đúng! Chính tôi ôm thử giở lên không nổi đây nè! Con voi như cái cột nhà mới đúng! Thôi đừng cãi nhau nữa!

Anh rờ nhằm đuôi voi nãy giờ lặng thinh, nhưng bây giờ anh thấy đã đến giờ phút mình cần phải cải chính.

- Thôi các anh ơi, nín đi! Ðể tôi nói cho mà nghe. Nãy giờ các anh nói sai hết. Con voi hình như cây chổi. Chính tôi đã mân mê vuốt ve nó một hồi lâu.

Ðám người mù ấy, ai cũng cho sự hiểu biết của mình về hình dáng con voi là đúng, nên cứ nhao nhao cãi vã nhau mãi, có anh tức giận quá muốn trở gậy phan nhau. Thấy cảnh đó, từ vua cho chí quần thần không ai có thể nhịn cười được, có người cười đến tức bụng, có người cười đến chảy nước mắt…

Vua cười ngất bảo các quần thần: “Các khanh có thấy không? Trong bọn người này, kẻ nào cũng cho sự hiểu biết của mình về hình dáng con voi là đúng. Nhưng thật ra, không kẻ nào nói đúng đặng sự thật của toàn thể con voi. Các ngươi đây cũng vậy, người nào cũng cho tôn giáo, học thuyết, chủ nghĩa mình đã đúng với chân lý; nhưng sự thật chưa có người nào hiểu đặng toàn diện chân lý. Mà chỉ có đức Phật, mới là người sáng suốt giác ngộ được hoàn toàn sự thật vậy…

Các vị quần thần đều tỏ vẻ hổ thẹn cúi đầu.

Nhà vua Cảnh Diệp lập chước mà phá được sự kiến chấp sai lầm của các vị đại thần, và từ đó họ đều một lòng chánh tín Tam Bảo, bỏ hẳn các thứ kinh sách của ngoại đạo tà sư chỉ lo nghiên cứu nội điển của Phật để tu hành, mong thoát kiếp trầm luân sanh tử.

Thuật giả: Hoàng Minh

Các lối tuyên truyền xảo trá làm sao lung lạc được kiến thức loài người, một khi mọi người đã biết đem Chánh Pháp giác ngộ nhau.

Hoàng hậu Vi Ðề với Pháp môn Tịnh độ

Trong lúc Ðức Thích Tôn còn tại thế, ở Ấn Ðộ có vua Tần Bà Ta La, nước giàu dân mạnh, tiếng oai hùng khắp cả bốn phương chư hầu thảy đều quy phục.

Song không bao lâu ông bị nghịch tử là A Xà Thế, sanh lòng ác muốn hại để đoạt ngôi. A Xà Thế bắt phụ hoàng giam vào ngục tối và cấm không cho ai được vãng lai. Hoàng hậu Vi Ðề mật lo với ngục tối lén đến thăm, khi vào bà thấy vua ngồi trong ngục tối, nhan sắc tiều tụy tinh thần bạc nhược sắp chết vì đói! Hoàng hậu vật mình chết ngất, sau khi tỉnh dậy về cung, bà tìm phương cứu chồng. Hoàng hậu mới hòa bột cùng mật làm chuỗi anh lạc mỗi khi vào thăm bà đổ ra cho vua dùng, nhờ vậy mà vua Tần Bà Sa La sống cầm chừng khỏi chết. Nhưng rủi thay, cơ mưu bại lộ, A Xà Thế biết được, ông giận quá xách gươm tìm mẹ để giết, may có vị đại thần can, bà mới thoát khỏi. Song bị giam vào lãnh cung. Từ đó Hoàng hậu không thể đem thức ăn cho vua được nữa. Ôi! Còn chi đau đớn bằng mình bị tù ngục và cảnh tượng chồng đói sắp chết hiện ra trước mắt! Bà kêu gào than khóc đến nỗi hai mắt gần mờ; nhân đó bà nhận thấy cuộc đời giả dối, ngai vàng là lao ngục, danh lợi là gông cùm, ân ái là hổ lang, địa vị như rắn độc.

Khi ấy bà liền nhớ đến Phật, nhờ sự cảm thông Ðức Thế Tôn ở trong Kỳ Hoàn Tịnh xá, vận thần thông trên hư không cùng các đệ tử hiện vào trong lãnh cung. Trong khi bà đang quỳ gối chấp tay hướng về đấng Ðại giác bỗng thấy hào quang chói khắp, bốn bức tường lạnh lẽo trở nên ấm áp. Ngẩng đầu lên bà thấy Phật; bà tủi mình khóc lóc đảnh lễ đức Phật và các vị Thánh chúng mà bạch Phật: Bạch Ðức Thế Tôn không biết con đã gây nên tội gì mà nay sanh đứa con đại ngỗ nghịch đến nỗi toan giết cha giam mẹ để đoạt ngôi? Nay con được may mắn gặp Phật, nguyện Ðức Như Lai cứu độ cho con xả báo thân này để được sanh vào thế giới nào đừng gặp nghịch tử và chịu những điều oan khổ như ngày nay.

Ðức Thế Tôn dịu lời an ủi: Hoàng hậu hãy bình tĩnh để nhớ lại chuyện xưa. Khi Hoàng hậu chưa sanh Thái tử thì Ðại vương và Hoàng hậu đêm ngày lo buồn, cầu các vị thần linh để mong sanh con quý.

Vì lòng quá tin tưởng nên một đêm kia Ðại vương chiêm bao thấy thần mách bảo: “Trên núi cao cách thành mấy dặm có vị tiên nhân đương tu trên ấy, khi xả báo thân sẽ đầu thai vào làm con bệ hạ”. Lúc tỉnh lại Vua thuật lại cho Hoàng hậu nghe và truyền xa giá đưa đi, đến nơi quản nhiên thấy vị tiên nhân đang tỉnh tọa dưới gốc cây, vua quỳ làm lễ, và đem việc mình cầu tự cùng điềm chiêm bao mà thưa với đạo sĩ. Vị đạo sĩ nghe xong, nhập định một lúc lâu, rồi bảo: “Quả có như vậy, song tôi còn ba năm nữa mới ly khai được xác thân này, vậy bệ hạ hãy chờ”. Vua nghe xong, buồn rầu thưa lại: “Mạng người vô thường đâu có hẹn được, xin ngài từ bi cho tôi mau mau được như nguyện, nếu chờ ba năm lâu quá, biết tôi còn sống mà đợi được chăng?” Vua nằn nì rất lâu mà không được; phần quỳ đã mỏi gối, ông liền nổi sùng bảo sẵng: “Trẫm làm vua trong một nước, chủ trị cả giang sơn, Ngài tuy tu hành song cũng ở trong đất nước của Trẫm, nay Trẫm đã hết lời yêu cầu, nếu Ngài không nghe chắc không được”. Ðạo sĩ ngậm ngùi sẽ bảo: “Mạng tôi chưa chết Bệ hạ lấy thế lực áp bức tôi nếu tôi không nghe chắc sẽ nguy hại, song tôi nghe thì khi vào làm con bệ hạ tôi sẽ hại bệ hạ mà đoạt ngôi thật là đáng tiếc”. Ðạo sĩ nói xong tự giận mà chết; và bắt đầu Hoàng hậu có thai, nhưng vua rất buồn vì câu nói và cái chết của Ðạo sĩ vẫn ám ảnh trong lòng.

Chẳng bao lâu Hoàng hậu sanh Thái tử, vua đem việc ấy bàn với Hoàng hậu cả hai đồng tìm quẳng con từ lầu cao rơi xuống, cố cho Thái tử chết, nhưng Thái tử chỉ gãy một ngón tay mà lại lớn rất mau, diện mạo càng lớn càng đẹp đẽ oai nghiêm, tư chất lại thông minh khác thường, làm cho vua và Hoàng hậu yêu quý như ngọc minh châu mà quên lần câu chuyện cũ.

Tiếng Phật êm dịu như tơ đàn la miên, Vi Ðề Hoàng hậu vừa nghe vừa nhớ lại việc ác của mình, nên dịu lòng đau khổ và ăn năn tội lỗi, bà liền đảnh lễ Phật, cầu Phật dạy cho phương pháp tu hành để diệt tội và khi xả thân được sanh về thế giới thanh tịnh bất sanh bất diệt.

Ðức Thế Tôn phóng hào quang sáng chói hiện ra tất cả thế giới trong mười phương, trong đó có một thế giới Hoàng hậu nguyện sanh tức là thế giới Cực Lạc của Ðức Phật A Di Ðà, cõi ấy an vui, không thấy khổ. Nhân đó Ðức Phật dạy cho bà pháp môn Tịnh Ðộ là chuyên niệm danh hiệu đức Phật A Di Ðà để cầu vãng sanh theo chí nguyện. Bà chí tâm chuyên niệm đêm ngày không hở, nhờ vậy mà bà hết sự buồn khổ và chuyển được lòng ngỗ nghịch của Thái tử. Nên từ khi giam mẹ vào lãnh cung một thời gian ngắn, một hôm A Xà Thế thấy lòng bâng khuâng và nhớ lại mẹ, nhớ tội ác của mình ông bèn tự thân vào lãnh cung thăm mẹ.

Khi ngục tốt tận lực đẩy cánh cửa sắt nặng nề, A Xà Thế bước vào, bỗng ông dừng lại, ông đã thấy gì? Ông thấy mẫu hoàng tĩnh tọa trên tấm đá lớn hai tay chấp trước ngực mắt hơi nhắm, nét mặt điềm đạm hiền từ mặc dù trời lạnh ở trong cung lạnh mà bà vẫn thản nhiên, dừng vài phút, ông rón rén đến bên và như một cái máy ông quỳ sụp xuống chân mẹ. Hoàng hậu giật mình mở mắt thấy A Xà Thế, bà nhẹ nhàng để hai bàn tay lạnh trên đầu con…

Chúng ta ngày nay biết pháp môn niệm Phật là khởi nguyên từ đó.

Thuật giả: Thể Quán

Dương gian là cảnh

Tịnh Ðộ là quê

Sống thì ta ở

Chết ta trở về

Nhân Nào Quả Nấy

Thuở nước Vua Lưu Ly vì thù hiềm dòng họ Thích Ca mới cử binh mà sang đánh nước Ca Tỳ La Vệ. Bắt được một nhóm thiếu nữ quyến thuộc của Phật, quân lính vua Lưu Ly toan hãm hiếp. Các người này cương quyết thà chịu chết chớ không để mất trinh tiết. Không được thỏa mãn thú tánh của mình, quân giặc liền đuổi xua tất cả thiếu nữ ra đồng đánh đập một cách tàn ác, đến khi các người ấy ngã gục mới chịu bỏ đi. Sau khi tỉnh hồn lại, các cô thiếu nữ đồng nhau một chí hướng tìm chỗ ẩn tu. Trong lúc đi lang thang giữa đồng hoang, bỗng đâu các cô gặp bà Hoa Sắc Tỳ kheo ni đi khất thực về. Các cô mừng rỡ đón chào bà và kể hết nỗi khổ đau để cầu xin theo bà xuất gia học đạo.

Ðộng lòng từ bi, bà Hoa Sắc Tỳ khoe ni thâu nhận các cô làm đệ tử. Từ ấy các cô tuy được nơi tu tập mà người nào cũng thường than thân tủi phận. Sư bà thương tình khuyên dỗ: Các con mới gặp bao nhiêu tai nạn, vừa qua đã cho là khổ. Nếu các con biết rõ đời ta, thì các con phiền não đến bậc nào! Các con ôi! Khi ta còn ngoài đời, thì ta cũng có đôi bạn như ai. Theo phong tục nước ta, hễ mỗi khi gần sanh thì các cô gái có chồng được đưa về nhà cha mẹ ruột. Cũng như hai lần trước lần thứ ba, lúc cận ngày khai hoa nở nhụy, cả gia đình ta: Chồng vợ con cái cùng kẻ ăn người ở trong nhà đều kéo nhau về mái hiên cha mẹ ta cả. Trong khi đi đường xa vất vả, bữa nọ, vừa băng ngang cánh đồng vắng cách xa làng mạc, đến con sông thì trời sắp tối. Rủi gặp con nước rồng lại không thuyền, chẳng biết làm sao qua sông, gia quyến ta phải tìm gò nổng tạm nghỉ một đêm, đợi sáng ngày nước cạn sẽ đi qua, mới gặp chỗ cao ráo sạch sẽ thì bụng ta quặn đau. Một chặp sau ta sanh một đứa con trai thứ ba giống hệt hai anh nó. Chồng ta và kẻ tùy tùng lập tức kiếm cây lá làm tạm cái sàn gác cho mẹ con ta nằm đó.

Khi lo xong cho bốn mẹ con ta có chỗ nằm kín đáo, ấm áp, chồng ta với bạn bè mới lên một cái nồng gần bên nghỉ ngơi, một sự bất ngờ rùng rợn đã xảy ra trong giữa đêm trường canh vắng là: nhiều con rắn độc to tướng đánh hơi người bèn bò đến nuốt cả chồng ta với các tôi tớ, mẹ con ta nhờ nằm trên sàn cao, dưới có bếp lửa đỏ, loài mảng xà không dám lại gần, sáng ngày thừa dịp nước ròng sát, ta định lội qua sông về quê quán chớ không còn phương nào hay hơn nữa. Ta bèn cõng con đầu lòng đưa sang qua bờ sông bên kia trước. Ta lội trở lại bên này, đai đứa con thứ hai trên lưng, còn đứa mới sanh thì để vào cái đãy vải ngậm ở miệng và đi từng bước dưới dòng nước. Ðến giữa sông ta nghe bên kia bờ tiếng con ta rú lên bài hãi. Thì khốn thay! một con hổ vồ lấy nó, rồi tha tuốt vào rừng, trước cảnh đau thương bất ngờ ta không còn tỉnh trí, hả miệng kêu to, đứa bé trong đãy rơi ngay xuống nước. Bấm loạn tâm thần tay chân run rẩy, ta cứ lặn hụp dưới đáy sông, mò đứa bé mới nở, quên lững đứa con thứ hai đai trên lưng mà ta đã vô tình giết nó chết ngộp. Thảm thiết thay! Chỉ trong một ngày đêm, tới sáng mà cả gia quyết ta: chồng, con, tôi, bạn đều chết không kịp trối. Ta đành rơi lệ, nuốt sầu gắng gượng lội tới mé lên bờ, kiệt sức quá, ta ngã xỉu ngất đi, không còn biết sự gì nữa.

Trong lúc đó có một lũ ăn cướp đi qua gặp ta bắt đem về nhà nuôi rồi ép ta làm vợ. Chẳng bao lâu tên tướng cướp làm chồng sau của ta bị bắt và lãnh án tử hình. Ta cũng bị chôn sống theo chồng do phong tục. Sau mấy tiếng đồng hồ bị lấp đất, có bọn cướp khác đến đào mả định lấy của quý. Thấy ta còn thoi thóp, chúng bèn cứu ta đem về săn sóc lành mạnh rồi cũng bắt buộc ta lấy tên chánh đảng làm chồng.

Ăn ở với nhau được ít lâu, ta có thai. Tối nào, trước khi đi làm việc bất lương, chồng ta cũng dặn phải chực chờ mở cửa cho nó vào mau mau khi có tai nạn xảy đến. Một hôm, nó vừa ra khỏi nhà thì ta đau bụng, cách một chập sau, ta sanh một đứa con gái. Ðồng thời chồng ta bị người đánh đuổi chạy về rất gấp. Ta mắc bận bịu vì đứa con nên không kịp mở cửa. Nó giận dữ tung cửa vào định giết ta? Ta chỉ đứa con mới nở hy vọng nó nghĩ tình máu thịt mà bớt cơn thịnh nộ đi chăng. Sau ta thất vọng: nó gắt gỏng, chỉ mặt đứa nhỏ bảo rằng: nó là nghịch tử báo đời. Rồi nó liền giết ngay. Nó kề gươm vào cổ ta, bắt buộc ta phải ăn thịt đứa nhỏ ấy thì nó mới tha.

Cách ít hôm sau, tướng cướp này bị sa vào lưới pháp luật chịu án tử hình. Ta cũng bị chôn sống một phen nữa gần bên mé rừng. Ít phút sau có một con cọp đến moi mả tha xác người chết ăn thịt. Thân ta chôn ở dưới thây chồng ta khỏi bị cọp ăn. Ðược thoát nạn này, ta ngẫm nghĩ cuộc đời của ta vào sanh ra tử, khốn khổ vô cùng, nên ta không còn tiếc những ngày sống thừa nữa, ta mới quyết chí xuất gia đầu Phật.

Các cô thiếu nữ nghe nói hết sức kinh nghi mới bạch rằng: “Nay sư bà đã tu hành đắc đạo, sư bà có thể cho chúng con rõ nguyên nhân nào sư bà gặp lắm nỗi gian nan rùng rợn như thế không?”.

Bà Hoa Sắc Tỳ kheo ni thong thả đáp: “Các con ơi! Có chi lạ đâu, đó là quả báo như muôn ngàn quả báo khác của tiền nhân kiếp trước mà thôi. Ðây các con hãy nghe: Nguyên kiếp trước của ta, một thuở nọ, ta có chồng có con. Chồng ta có vợ lẽ cũng có con như ta. Vì ghen tương mà nhất là tham của, ta sợ gia tài của chồng ta phải chia cho con vợ bé thì mẹ con ta chẳng được phần nhiều, nên thừa dịp chồng ta với người thiếp đi vắng, ở nhà ta giết con chúng nó hết. Chuyện sát nhân đem đến cửa quan, tra khảo cách nào ta cũng chối mãi và ta lại thề dối rằng: “Nếu tôi có giết con chồng tôi, thì tôi sẽ bị khổ sở vô cùng, cả nhà tôi tan nát, các con tôi sẽ bị cọp tha, chết chìm, tôi sẽ bị chôn sống, chết ngộp v.v… Nếu tôi có ác tâm giết con vợ lẽ chồng tôi, thì ngày kia tôi sẽ bị người ta bắt buộc tôi phải ăn thịt người con tôi.”

Ðó các con có thấy không, một lời nói ra thì va lấy, một tiếng thề dối mà mắc ngay, một hành động ác thì bị quả báo dữ không sai. Biết được lý nhân quả như bóng theo hình, tợ vang theo tiếng, thì các con không còn thắc mắc gì với những tai nạn của các con ngày nay cũng như của bà ngày xưa. Cho hay nhân nào quả nấy, chớ khá than van; vì không bao giờ một việc xảy ra mà không có duyên cớ. Vậy khuyên các con phải tin nhân quả mà lo tu hành.

Thuật giả: Trường Lạc

Trước khi làm một việc gì

Phải nghĩ đến kết quả của nó.

Ðâu Là Sự Thật?

Sáng nay, trời mùa xuân quang đảng quá, những mầm non đầy nhựa đang e ấp dưới những nách thân yêu của các kẻ lá, cành cây, muôn chim đang hòa vui, reo hót những bản nhạc mừng xuân, líu lo lãnh lót. Gió xuân lùa nhẹ những làn hương trong sạch của muôn hoa, làm giảm bớt một ít u buồn của những khách trần gian tục lụy, đồng thời gạt vỡ những giọt sương còn bám chặt, đè nặng trên mình hoa lá.

Vầng thái dương đã bắt đầu lên, nhả những tia nắng vàng chiếu tỏa khắp không gian, đem lại loài người nguồn sinh lực vô biên, đánh tan sự đen tối của đêm dài đầy sợ hãi.

Thành Xá Vệ đã trở về với những sự náo nhiệt của một đô thị lớn.

Khắp các nẻo đường, người đi, kẻ lại lăng xăng nhứt là con đường lớn vô ra cửa thành.

Ô kìa! Sao những người đi đường họ đứng dừng lại và nép qua một bên đường hết thế kia? Họ còn đứng im ra dáng cung kính nữa! À, thì ra có Ðức Phật từ vườn Cấp Cô Ðộc vào thành hóa trai, đi gần đến họ. Phải, ai thấy Phật mà không cung kính cuối đầu cho được. Bước đi khoan thai, tướng người oai nghiêm, hùng dũng sức sáng của trí huệ cao siêu, dường như không thể tiềm tàng hết trong người phải tung phát ra ngoài, thành muôn ngàn tia hòa quang rực rỡ. Ðứng xa trông cũng đủ khiếp; lựa là phải đứng gần; càng ngắm lâu, càng nép phục.

Ðức Phật vào thành, theo đường phố, tuần tự hết nhà nầy sang nhà khác để hóa trai. Ði như thế ngót một tiếng đồng hồ. Rồi bỗng nhiên Ngài đứng lại trước cổng một ngôi nhà khá sang trọng. Chẳng nói chẳng rằng, Ngài đứng im đấy thật lâu. Cửa cổng vẫn đóng kín và bên trong lặng lẽ tiếng người. Nếu nom kỹ, ta có thể thấy được bên trong vợ chồng chủ nhà và đứa con đang xúm quanh mâm ăn thì phải.

Ðức Phật bèn thâu hào quang và dùng thần lực bay vào.

Tại thành Xá Vệ này, có một ông trưởng giả giàu có vô số thế mà thảm ông lại là người keo kiết nhất đời, không ưa làm việc bố thí, cũng không giúp đỡ ai bao giờ. Mỗi khi ăn ông sai vợ đóng chặt cửa cổng, không tiếp bất cứ một ai. Hơn nữa, cửa cổng nhà ông ít khi mở; ông rất sợ những vị Sa môn đến hóa trai và nhất là những người ăn mày. Ông keo kiết đến có tiếng khắp đô thành, thì phải biết! Ngày hôm nay, ông nghe sao thèm thịt gà lạ thường, lại thêm thằng con cũng đồng một ao ước như ông. Sao một hồi tranh chấp trong cõi lòng, ông bèn quyết định bạo dạn bảo vợ làm thịt con gà trống tơ.

Khi món ăn làm xong, dọn lên mâm, lên bát, vợ chồng và con đồng nhau hỷ hả.

Ðang thích thú khen miếng ngon, miếng béo, ép con, mời vợ, ông trưởng giả bỗng giật nẩy mình, tiếng động chân của Ðức Phật đã đến tận thềm.

- Ðàn việt! Ông bà nên cúng dường cho các thầy Sa môn, được phước báo vô lượng, đức Phật lên tiếng.

Bị quấy rầy, lại thêm keo kiết, trưởng giả nhà ta đổ cáu:

- Quái trong lúc vợ chồng người ta đang ăn uống, ông lại đến kỳ kèo xin xỏ? Nếu biết sự xấu hổ xin mời ông ra ngay cho.

- Trưởng giả là kẻ còn mê muội, tự mình không biết xấu hổ, chớ ta là nhà tu hóa trai có gì mà phải hổ thẹn.

- Tôi và vợ tôi, con tôi đang ăn uống ngon lành như thế này, vui sướng như thế này, mà ông bảo là xấu hổ à?

- Trưởng giả giết cha để ăn, lấy mẹ làm vợ, nuôi nấng cung cấp cho kẻ oán thù, đã không tự xấu hổ, còn lên mặt trở lại chê ta là nhà tu hành không biết thẹn à?

- Ðạo sĩ nói thế nào? Nhà tu hành sao ăn nói kỳ cào thế, tôi giết cha, lấy mẹ hồi nào?

- À, thì ra trưởng giả chưa hiểu gì cả. Con gà trống tơ đang dọn ăn trên mâm kia là cha của ông. Hồi trước vì bản tánh tham lam, keo kiết, nên nhiều đời phải sanh làm loài gà, để ăn bẩn cối xay để trả nghiệp. Vì nghiệp quả của ông ngày nay chấm dứt, nên khiến ông thèm, con ông lại đốc thúc. Vợ ông tuy phải buộc lòng bắt gà làm thịt, chớ khi giết bà ta vẫn đau khổ hung lắm, bởi dây oan nghiệp nhiều đời còn vương vấn. Ðứa con của ông hiện đây, đời trước nó là quỷ La Sát.

Còn vợ ông bây giờ, là mẹ ông hồi nhiều đời trước. Vì ái ân sâu nặng chưa dứt, nên ngày nay phải làm vợ ông để trả cho hết tình yêu thương tiền kiếp.

Ông vì si mê không thấu biết căn nguyên, nên đành giết cha nuôi kẻ oán cừu, lấy mẹ làm vợ, thật là điên đảo luân thường.

Chúng sinh vì nghiệp chướng che ngăn, tạo nghiệp, thọ quả, quay cuồng mãi mãi, sanh tử trôi lăn trong ba nẻo, sáu đường không ngày nào cùng tận. Thật đáng hổ thẹn, đáng thương tiếc biết bao!

- Bạch Ngài phải làm thế nào để có thể hiểu rõ được và bậc người nào mới có thể thoát khỏi vòng khổ lụy của sanh tử, luân hồi, xin Ngài từ bi bảo cho chúng tôi thật muôn phần cảm tạ.

- Nầy thiện nam tử! Những sự oan oan tương báo, tử khứ sanh lai, lặn hụp nổi chìm như thế, chỉ những bậc tu hành đã dứt trừ tất cả phiền não mê lầm, chứng đặng ngũ nhãn lục thông mới mong thoát khỏi. Còn ngoài ra đều khó tránh được sự trả vay của nhiều đời nhân quả. Ta này đã quan sát kỹ, thấy trưởng giả nhân tiền căn có gieo hột giống Phật vào thức điền, dù trải bao nhiêu kiếp luân hồi đền trả oan khiên, nhưng phước báo vẫn không mất.

Ngày nay nghiệp quả trả xong, căn lành thuần thục, nên ta khuyên trưởng giả hãy phát tâm cho mạnh mẽ tinh tấn tu hành kẻo ngày sau khó thoát.

Kỳ diệu thay! Lời của Ðức Phật vừa thốt xong như liều thuốc trị bệnh, ông trưởng giả sợ tháo mồ hôi, tóc lông đều dựng đứng. Phật liền hiện oai thần cho ông nhớ lại những tội khiên tiền kiếp.

Bấy giờ ông trưởng giả hết sức ăn năn lạy Phật để sám hối những tội khiên ông đã tạo và phát nguyện tu hành, mong thoát khỏi những tội nghiệp do ngu muội tạo ra, tánh bỏn sẻn bỗng nhiên tiên tan mất.

- Lạy Ngài, nhờ thần lực của Ngài phá tan những lớp mây mờ trong đầu óc của con, ngày nay con mới thấy rõ đâu là sự thật. Bấy lâu nay, con tưởng những cái gì xung quanh con, nào vợ, nào con, nào của cải, đều là chân thật của con, nên con mới lẫn tiếc từ đồng. Xét ra con vì nghiệp chướng ngăn che, càng nhận thấy càng chìm, nên càng mê muội, lấy giả làm chơn, cho hư là thật. Ngày nay con đã rõ ra thì sự đã rồi, mong nhờ ơn Ngài giải thoát giùm con. Con thật muôn phần cảm tạ.

Ðức Phật nhận lời thâu ông vào hàng đệ tử. Ông xin thọ 5 giới của Phật, tu hành chứng đặng quả Tu Ðà Hoàn.

Tình Thương

Hoàng hôn về, đem theo một ít u buồn vơ vẩn. Theo gió nam, chim nhạn bay từng đàn lẽ tẻ, đàn chim nhạn bay về trong khói sương chiều ảm đạm cánh mõi chưa tìm được chỗ trú chân trong một ngày gió bạt mưa ngàn. Mưa đã tạnh, gió đã yên, những lá rụng đầy đường đang than thở với ánh dương tà còn sót lại. Cảnh tượng đượm màu hoang tàn và thê thảm.

Ngồi bên song cửa, nàng Liên Hoa bâng khuâng nhìn trời với một mối u buồn khôn xiết. Ðôi mắt nàng chạm phải cảnh tượng thê lương của buổi chiều vàng, cũng như lòng nàng chạm phải một cảnh đời oan trái.

Vâng, cảnh đời oan trái quá! Bao nhiêu là phỉnh phờ và bao nhiêu là dối gạt! Lòng nàng còn tươi thắm được không, khi đã bị gió mây u sầu bao phủ. Lòng người sâu độc và phũ phàng. Sắc nước hương trời mà làm chi, lâu đài vàng bạc có giá trị gì, khi lòng người phụ bạc! Ngón đàn tuyệt diệu của nàng không còn khêu gợi được những mãnh tình tan vỡ. Người mà nàng chắc chắn sẽ ngàn năm sum hợp, thì nay đã ghét bỏ nàng. Ðã bao nhiêu lần như thế, và cũng đã bao nhiêu lần những buổi chiều vàng tan tác về trên cảnh vật. Tình thương trời ơi! Tình thương chỉ là man trá nhất thời. Tình thương là gì? Nếu không phải là những cánh nhạn bay qua, chỉ để lại trên mặt hồ, trên trái tim nàng, những u buồn thất vọng? Tình thương mong manh quá! Trái tim nàng hình như thắt lại. Ðời còn có nghĩa gì với một kiếp hồng nhan bạc phận như nàng?

Cảnh vật đã nhuộm màu đen tối. Ðêm xuống giữa cảnh vật và xuống giữa tâm hồn nàng. Nàng cảm thấy bơ vơ trống trải. Nàng mến tiếc thời xưa, thời mà nàng còn bé bỏng, sống trong tình thương không giới hạn của mẹ nàng. Tình mẹ thương con, nàng thấy rõ là một tình yêu chân thật, vững bền. Ôi, mẹ nàng còn đâu nữa để an ủi nàng trong phút đau đớn này. Tìm đâu ra tình thương cao cả và đằm thắm như tình mẹ yêu con.

Nhưng mắt nàng vừa chạm phải một ánh sáng xa xăm. Ừ, trăng đã lên ánh sáng dịu hiền đã lan tràn trên cảnh vật. Nàng cố tìm trong trí nhớ và chắc rằng một tình thương bao la như ánh trăng hiền hậu vẫn còn có ở đời này. Ðâu đó, người ta ca ngợi tình thương. Phải rồi, tình thương của bực giác ngộ ra đời, thấm nhuần muôn vật. Mắt nàng sáng lên, như nhìn thấy ngôi sao cứu tinh hiện lên ở chân trời rực rỡ. Người đang gieo rắc tình thương cao rộng bao la, chính là bực giác ngộ, là Phật đà. Tình thương nhân thế mong manh, nhưng tình bác ái của đạo Vàng vẫn trường cửu và bao la cao rộng. Nụ cười thế nhân mong manh quá, nhưng nụ cười Ðức Phật còn mãi hiền hậu với tất cả mọi loài. Nụ cười ấy có một cái gì giống với nụ cười mẹ yêu con tha thiết. Nàng thấy rõ: trú địa an tịnh là dưới ánh đạo Vàng mà Ðức Phật còn đang gieo rắc quanh Ngài. Nàng sẽ đến dưới tình thương Ðức Phật.

Tìm được nơi nương dựa cho tâm hồ, nàng thấy lòng nàng êm tịnh. Ngày mai, nàng sẽ đến với tình thương cao cả của Ngài, và như đứa con thơ, nàng sẽ được an lành dưới nụ cười êm dịu của người mẹ hiền.

Sáng hôm sau, trời mới tinh sương, Liên Hoa đã vội vàng lên đường. Ðường về Cấp Cô Ðộc không xa nhưng nàng muốn đến nơi trước giờ ngọ nắng nung người. Nàng đi với một lòng tin tưởng ở Ðức Phật Từ Bi không bến hạn của Ðức Thế Tôn. Mặt trời lên cao, trời đã bắt đầu nóng nực. Nàng Liên Hoa đi nhanh hơn để mau tới đích. Ðược hơn một nửa đường, thì mồ hôi đã thấm ướt áo nàng. Ghé vào một bóng cây to che rợp một hồ sen nước trong như gương, nàng ngồi nghỉ, nước hồ trong quá, nàng đứng lên lại gần vuốt mớ tóc lại để rửa mặt. Nước hồ mát rượi, nàng thấy khỏe khoắn và an lành. Vén tà áo sang bên, nàng bỗng thấy trong gương nước hồ trong, mặt nàng duyên dáng tươi lành in trên nền trời xanh biếc, nàng còn trẻ, tóc nàng còn xanh lắm và môi nàng còn thắm như son. Nàng còn xuân quá! Rồi đây xuất gia đầu Phật, nàng đứng yên suy nghĩ - rồi mớ tóc sẽ còn đâu. Sống trong cảnh thanh đạm của người tu hành, nàng thấy còn sớm quá. Ðể năm năm sau cũng còn chưa muộn. Nàng còn trẻ và đẹp biết chừng nào? Gương mặt nàng, biết đâu sẽ đem lại cho nàng một người yêu trong mộng tưởng.

Nghĩ thế và ý muốn quay về ám ảnh đầu óc nàng. Nhừng từ xa một bóng người đi lại. Bóng một thiếu nữ tha thướt trong dáng đi đẹp của hàng quí phái.

Liên Hoa giật mình: nàng chưa bao giờ trông thấy một người đẹp như thế! Mắt thiếu nữ trong như gương nước hồ sen, tóc nàng buông xuôi, đẹp như một làn mây mờ và mỏng. Nàng nhẹ tiến về phía nàng Liên Hoa, trên môi đã nở một nụ cười tươi như hoa phù dung buổi sáng.

Liên Hoa yên lặng cúi đầu. Nhưng thiếu nữ đã đến bên. Thiếu nữ cười, tiếng nàng trong như tiếng đàn huyền dịu:

- Sao chị buồn thế? Chị đi đâu, hẳn chị về Ca Tỳ La?

Liên Hoa chợt tĩnh, nàng đáp lời thiếu nữ:

- Không, tôi về vườn Kỳ Thọ.

Thế là hai người quen nhau.

Liên Hoa bắt đầu thấy mến thiếu nữ. Ðã lâu, hai người nói chuyện tâm tình, thiếu nữ nhìn Liên Hoa cười và tiếp:

- Không, sắc đẹp chóng tàn lắm chị ạ. Chỉ có tình thương rộng rãi mới là trường cửu.Tình thương thế nhân en thấy quá mong manh.

Thiếu nữ tỏ vẻ nhọc mệt. Gối đầu lên vai Liên Hoa, nàng lặng yên nghe tiếng sáo diều đâu đây đồng vọng.

Lát lâu, khống thấy thiếu nữ nói gì, Liên Hoa tưởng nàng thiếp ngủ. Nhưng Liên Hoa kêu lên một tiếng khi nàng chạm phải cánh tay lạnh như đồng của thiếu nữ. Nàng đặt đầu thiếu nữ dậy thì, than ôi! Người đẹp đã chết rồi, thân xác nàng đã lạnh ngắt và cứng đờ như gỗ. Hoảng kinh, Liên Hoa vùng dậy mắt nàng trông rõ khuôn mặt thiếu nữ: Còn đâu bao nhiêu vẻ đẹp não nùng! Mặt thiếu nữ xám lại, mắt trắng dã, toàn thân tím lại như xác người để đã bốn năm hôm.

Liên Hoa thở dài. Nàng thoáng thấy lẽ vô thường của kiếp sống đời người. Nở rồi tàn, sắc đẹp trôi theo thời gian tàn tạ. Bao nhiêu ham muốn trở về tiêu tan mất cả. Ý chí xuất gia mạnh mẽ trở lại với nàng, Liên Hoa đặt người bạn xấu số bên bóng cây già rồi vội vã ra đi về vườn Kỳ Thọ.

Mãi bước hướng về nơi chủ đích, Liên Hoa không còn nhìn lui lại phía sau. Nàng có ngờ đâu, thiếu nữ đã đứng dậy hồi nào. Thiếu nữ đứng lên, nhìn theo Liên Hoa khuất dạng trong bóng cây rậm rạp. Hình như đã hiểu sự thay đổi trong tâm hồn Liên Hoa, nàng mĩm cười đắc chí. Nàng chép miệng:

Bao nhiêu thế nhân, khi chạm phải luật vô thường vẫn còn ham muốn không thôi!

Than ôi! Tình thương thế gian là một trò hề điên đảo! Liên Hoa sẽ được an lành dưới bóng Ðức Từ Phụ. Nàng sẽ chứng được đạo mầu.

Trong khi ấy, mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Tiếng hồng chung giờ ngọ đã từ Kỳ Viên bay lại, ngân nga trong gió…

Thuật giả: Thích Minh Lý

Chớ hẹn đến già mới học đạo,

Mồ hoang lắm kẻ tuổi xuân xanh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/04/2024(Xem: 823)
Có thể do một sự thần khải, thiên khải, mặc khải hoặc một phép mầu nhiệm, phép linh thiêng, phép huyền bí nào đó, hoặc do đại giác ngộ, đại ân sủng mà toàn thể loài người bỗng dưng trở thành tu sĩ! Thật đại phúc! Vui mừng khôn xiết! Mấy ngàn năm qua với bao lời rao giảng, truyền đạo, răn dạy mà con người vẫn cứ mê luyến vào cuộc sống phàm tục, sinh con đẻ cái, làm giàu, hưởng lạc thú trong cái cõi đời ô trọc này. Nay thì - đúng là ước mơ đã thành hiện thực của các giáo hội. Trong nỗi vui mừng khôn tả đó, việc đầu tiên là phải giải tán ngay phái bộ truyền giáo bởi vì mọi người đã trở thành tu sĩ rồi thì cần gì phải truyền đạo nữa? Tuyên truyền cho ai bây giờ? Còn đất đâu? Còn dân ngoại đạo nữa đâu mà tuyên truyền? Thôi thì cả triệu tấn giấy, hình ảnh, tài liệu, phim ảnh, CD, DVD, Video được đem ra đốt, bao nhiêu đài phát thanh, chương trình truyền hình, website truyền đạo cũng đều dẹp bỏ. Tuy nhiên trong nỗi hân hoan ấy việc chuyển hóa cả một cấu trúc xã hội thế tục vô cùng phức tạp qua
01/04/2024(Xem: 605)
Sáng thứ Bảy cuối tuần rảnh rang, tôi rong xe về phố, qua bên kia đầu cầu Hà Ra ghé thăm đạo huynh Duy Pháp-Đinh Hoà ở dốc Đoàn Kết. Ngồi ngoài ban-công sân thượng, huynh đệ vừa uống trà, nhâm nhi tách cà phê nóng bên mấy chậu kiểng hoa hồng, vừa trò chuyện đổi trao chuyện Đạo trong Đời, Đời có Đạo, thật thân tình và đầy hứng khởi... Đây là lần thứ ba tôi có mặt trên "tịnh thất sân thượng" của huynh Duy Pháp. Lần trước là vào dịp Tết mới rồi, khi tôi đứng phóng mắt ngắm cảnh xa gần chung quanh, thấy được bóng dáng của chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa trên núi Sinh Trung hiện ra xa xa ở góc nhìn lạ, nên lần này tôi không quên mang theo máy ảnh gắn ống kính tele để "săn cảnh già lam"...
30/10/2023(Xem: 1715)
🐄Bò làm mệt, than với chó: " Tao mệt quá ". 🐶 Chó gặp mèo tâm sự: " Bò nó kêu mệt, chắc làm quá sức, chắc nó đòi nghỉ một chút". 🐱 Mèo gặp dê tám chuyện: " Bò nó muốn nghỉ một ngày vì công việc làm nó mệt quá, có lẽ ông chủ bắt nó làm quá sức". 🐐 Dê gặp gà: " Bò nó đòi nghỉ làm, ông chủ bắt nó làm đến kiệt sức thì phải". 🐔 Gà gặp heo nói: " Biết chuyện gì chưa, bò nó định đổi chủ và bỏ việc đấy".
21/10/2023(Xem: 1892)
Từ đầu đến giữa năm 2020, con virus do Tập Cận Bình (TCB) cho tạo ra tại Viện Nghiên Cứu ở Vũ Hán, chẳng những để giết người dân Tàu ở Vũ Hán chống đối đường lối cai trị tàn ác dã man của Tập, mà còn cho con virus ác ôn này xuất ngoại với âm mưu thâm độc là gây truyền nhiễm, lây lan cho người dân lành khắp mọi nơi trên thế giới. Rồi đây đảng cộng sản Tàu do TCB dẫn dắt đã gieo cái nhân ác, sẽ nhận lãnh cái quả không thể nào lường trước được. Xin quý độc giả hãy chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra.
01/09/2023(Xem: 24045)
Bát quan trai giới Cửa Vào Tuyệt Đối Chiến tranh, tình yêu, hoài niệm và truyện ngắn Võ Hồng Dẫn vào Tâm Kinh Bát Nhã Dẫn vào thế giới văn học Phật giáo Du-già Bồ-tát giới Duy-ma-cật Với Các Đại Thanh Văn Duy tuệ thị nghiệp Đạo Phật và thanh niên
03/08/2023(Xem: 1989)
Sư Khánh Vân đang dạo bước ngắm hoa ở sân sau chùa bỗng nghe tiếng ồn ào đâu phía trước. Chú tiểu Công Sơn lật đật lại gần sư thưa: – Bạch thầy, không biết ai đã đem một đứa bé trai bỏ trước cửa chùa. Nó khóc dữ quá. Một số thôn dân đang đứng quanh đấy bàn tán xôn xao, xin thầy ra xem thử.
09/06/2023(Xem: 2684)
Hằng năm cứ vào độ đầu xuân, hoa Mai vàng rồi hoa Đỗ Quyên của Đức nở rộ, Thầy Hạnh Tấn, một vị Tu sĩ Phật giáo, người có khả năng tiếp cận và truyền đạt được những giáo lý màu nhiệm của Đức Phật đến các em thanh thiếu niên sống tại nước ngoài. Dĩ nhiên là có sự tiếp sức của Thầy Hạnh Giới, cũng cùng chung một chí nguyện, cùng khả năng về ngoại ngữ, ít nhất là hai thứ tiếng Anh và Đức mới tổ chức được một Trại Thanh Thiếu Niên toàn nước Đức, có khi lên đến trên bốn trăm em tham dự.
08/05/2023(Xem: 2238)
Bạn tôi có mỗi thằng con trai độc nhất. Hai vợ chồng thương nó lắm. Qua định cư ở Mỹ lúc tuổi đã xế chiều cho nên luôn nghĩ: ”Đời mình kể như bỏ thôi hy sinh lo cho con”. Ông làm đủ nghề lao động, bà thì lớp nào giữ trẻ, lớp nào coi sóc người già, để bù thêm vào tiền lương còm cõi của ông.
05/05/2023(Xem: 2357)
Tại cánh đồng rộng mênh mông ở Phi Châu có một con sử tử con mới lọt lòng mẹ bảy ngày. Mẹ nó trong một chuyến đi săn bị bầy linh cẩu cắn chết và không bao giờ quay trở lại. Sư tử con đói kêu la thảm thiết, chập chững đi chẳng kể phương hướng để tìm sự sống. Nó may mắn lạc vào một đàn bò. Một con bò mẹ đang nằm dài dưới đất cho bê con bú.
03/05/2023(Xem: 127047)
Chết và tái sinh. Thích Nguyên Tạng (sách, tái bản 2007) Phật giáo khắp thế giới . Thích Nguyên Tạng (sách) Pháp Sư Tịnh Không, người truyền bá giáo lý Tịnh Độ (sách) Từ bi và nhân cách . Dalai Lama. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không . T. Ng. Tạng dịch (sách) Hỏi hay đáp đúng . Ven. Dhammika. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Các Bộ Phái Phật Giáo ở Ấn Độ. Dr.Nalinaksha Dutt.T Ng. Tạng dịch (sách)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567