Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương hai

14/10/201310:20(Xem: 13223)
Chương hai

coitroi1


Chương hai

Nàng say sưa nghe tôi kể chuyện, mắt nhìn tôi không rời. Bằng một thứ nhạy cảm rất vô minh của mình, tôi biết nàng gởi theo đôi mắt ấy một cái gì nồng nàn, tha thiết lắm. Tôi sợ. Không phải sợ nàng, mà sợ chính tôi. Sau hai năm tù, vừa được tự do đã nghe hung tin từ gia đình, tôi thực sự là muốn ngã quị, muốn sà vào lòng của bất kỳ một người bao dung và thông cảm nào. Nàng có hai đức tính ấy. Vẻ bao dung của người mẹ và sự thông cảm hiểu biết của người bạn thân. Nàng có vẻ như sẵn sàng dang đôi tay để chờ đón tôi ngã vào. Tôi đưa mắt tìm kiếm một điểm nào đó trên tường để tránh nhìn nàng. Nàng cũng lúng túng thế nào đó, rồi đứng dậy, đến cái bàn gần đó, lấy chai nước lạnh rót thêm vào cái ly sắp cạn của tôi. Nàng hỏi tôi muốn dùng trà không. Tôi gật đầu. Nàng nấu nước sôi và tráng cái bình tích chế trà. Trong khi chờ đợi nước sôi, nàng giục tôi kể tiếp.

***

Tôi nhập trại chiều thứ bảy, nghi ngơi được ngày chủ nhật. Qua thứ hai, một cán bộ mặc đồng phục công an đến phòng giam. Có tiếng vỗ tay lốp bốp của những anh tù ngồi gần cửa khi phát hiện sự xuất hiện của cán bộ. Cả phòng đang vui chơi, ồn ào, nghe tiếng vỗ tay thì phải ngưng lại, im lặng, và ngồi xuống, không ai được đứng khi cán bộ bước vào cái lồng khung hình chữ U thẳng góc đó. Anh công an này tên là Hón, dáng cao ráo, vạm vỡ, nhưng vẻ mặt thì hơi nhăn nhó khó chịu. Trên tay anh có cầm tờ giấy. Mọi người đều biết là anh đến gọi tên một người tù nào đó ra văn phòng trại để “làm việc,” tức là đi khai cung. Cán bộ gọi tên ai, người đó phải hô “có” thật lớn, rồi đứng dậy, lấy áo quần, giày giép, bước ra ngoài lập tức. Nếu lấy đồ không kịp thì cứ ra ngoài, để cán bộ khóa cửa xong, nhờ bạn tù khác đưa ra giùm qua cửa sổ hay qua chấn song sắt ở lồng khung. Không được để cán bộ chờ đợi, đó là qui luật về sự lễ phép của tù nhân.

Hình như cán bộ Hón phải đánh vần một lúc rồi mới bật được ra lời với một ít nghi ngại, không mấy tin tưởng là mình đúng:

“Tu sĩ.”

Cả phòng giam im lặng không có tiếng đáp lại, cũng chẳng ai đứng dậy lấy áo quần bước ra. Tu sĩ đâu phải là cái tên. Chắc cán bộ đọc lộn hàng rồi. Cái hàng đó là hàng nói về nghề nghiệp. Thấy chẳng ai rục rịch gì, cán bộ nhìn lại vào tờ giấy, khá lâu, rồi bật thêm mấy chữ khác:

“Thít Tam Quan.”

“Có,” tôi hô lên rồi đứng dậy, lấy áo quần bước ra.

Trong khi tôi đang mặc áo quần, Hón nhìn tôi, hỏi:

“Tên anh là Thít Tam Quan à?”

“Không, Thích Tâm Quang.”

“Thích Tâm Quang, à, ra là anh ấy! Anh còn có tên cha mẹ đặt nữa là Vĩnh gì đấy mà, phải thế không?”

“Vĩnh Khang,” tôi đáp,

Tôi mặc xong áo quần, xỏ chân vào giày. Anh ngó tôi một lúc rồi hỏi tiếp:

“Anh đi tu được bao năm rồi?”

“Mười lăm năm,” tôi đáp.

Anh lắc đầu, nguýt tôi một cái:

“Trong Nam này thật lộn xộn, sao lại cho những người trẻ đi tu thế này! Ngoài Bắc chỉ có sư cụ thôi, làm gì có sư mà tuổi thanh niên! Thanh niên thì phải lo lao động sản xuất xây dựng đất nước chứ! Mà đã đi tu thì phải lo tụng niệm, quét dọn chùa chiền, chứ sao lại làm chuyện phản động thế kia! Thôi, đi!”

Tôi bước theo anh băng ngang sân chơi, đi vòng vo một lúc rồi ra lại khu vực văn phòng gần cổng trại. Đến thềm văn phòng, anh bảo tôi bước lên mấy bậc cấp rồi đứng chờ ngoài hiên. Anh vào trong, nói với ai đó:

“Tôi giao tên phản động cho đồng chí làm việc nhé, tôi vào à.”

Có tiếng một giọng nữ nào đó ngồi khuất sau vách, nói lại với anh, một chập, anh cùng người ấy bước ra. Tôi không nhìn họ. Chỉ thấy cán bộ Hón quay trở vào trong, và tiếng guốc gỗ khua nhè nhẹ đến gần tôi:

“Ô, tưởng ai, té ra là anh Khang. Sao, ở dưới phòng thế nào?”

Tôi quay lại thì nhận ra cô công an cận thị mà tôi và Thiện Đắc đã gặp lúc mới nhập trại. Cô tỏ vẻ thân thiện với tôi một cách khó hiểu. Cô muốn gì đây? Phải chăng cô có ý đồ thực hiện một công tác nào đó trong ngành công an của cô bằng mỹ nhân kế? Nhưng mỹ nhân kế làm sao có thể áp dụng với tù nhân được! Mà mỹ nhân kế cũng đâu cần thiết áp dụng để đối phó với tù nhân. Tù nhân là kẻ đã vào tròng, vào bẫy rồi, cần gì phải bẫy nữa chứ! Huống gì qua con mắt của một đạo nhân chưa đắc quả và khá nhạy cảm về vấn đề phân biệt giới tính, tôi thấy cô đâu phải là mỹ nhân!

Tôi cười không đáp. Cô chỉ cái ghế ở gần chỗ tôi đứng, nói:

“Anh Khang ngồi đó đi. Chờ một chút sẽ có người đến lấy anh.”

“Lấy tôi?” tôi ngạc nhiên hỏi.

Cô bật cười lên một tràng, rồi nói giả lả:

“Đừng có lo, chẳng phải lấy chồng lấy vợ gì đâu. Lấy là lấy người đi làm việc đó mà. Hi hi, anh Khang ngồi đi. Để coi nào, hôm nay ai lấy anh, à, ông phó trại.”

Cô bước vài bước đến cái bàn lớn đặt khoảng giữa thềm hiên, rót một tách trà, đem đến cho tôi.

“Anh uống trà đi. Một chặp là ông ấy tới liền. Anh Khang nè, sao anh lại đi làm thầy tu vậy hả?”

Tôi đón tách trà của cô, đặt lên lan can. Tù nhân mà được cán bộ rót trà mời uống như tôi hình như là một trường hợp ưu đãi đặc biệt. Tôi nghĩ, có thể họ cố tình đối xử với tôi như vậy để tỏ rằng họ cũng biết tôn trọng tu sĩ.

Cô bước qua bước lại trước mặt tôi mà thấy tôi cứ nhìn xuống đất, có vẻ như chẳng lưu ý gì, bèn đến tựa nơi lan can, nói bâng quơ:

“Trời nóng quá hả.”

“…”

“Khi nào anh về lại chùa, rảnh rảnh tôi ghé thăm anh được chứ hả? Ở Long Thành phải không? Chỗ đó dễ kiếm không vậy? Ồ, nhớ rồi, mấy ngày trong Tết, công an tỉnh phối hợp cả bộ đội nữa, được huy động tảo thanh vùng đó mà. Hờ, cũng buồn chứ. Đi kiếm anh Khang mà lại đem lực lượng võ trang kiểu đó thì có vui gì. À, anh Khang, nhà tôi cũng có thờ Phật đó. Hồi nhỏ tôi cũng có đi chùa, bây giờ thì bận công tác quá, chẳng biết chùa chiền gì nữa. Ô, ông phó đến rồi kìa,” cô xuống thấp giọng, hơi cúi nghiêng về hướng tôi một chút, “ông này khó tính lắm, anh làm việc với ông phải cẩn thận từng lời chứ không ổng xì nẹt lớn tiếng, mệt lắm!”

Tôi nhìn về hướng cổng trại, thấy một cán bộ mang mắt kiếng lão, đứng tuổi, khoảng gần sáu mươi, mặc sơ mi trắng ngắn tay thả ra ngoài cái quần dài màu cà phê sữa, bước vội đến, gọi tôi theo ông vào văn phòng riêng của ông nằm sát cổng trại.

Bàn làm việc của ông đầy hồ sơ, giấy tờ. Ông bảo tôi ngồi vào cái ghế dựa trước mặt, rồi dọn sơ một khoảng trống trên bàn, ngay chỗ tôi, vừa rót trà vào hai tách, vừa nói với giọng Bắc:

“Biên bản kết cung có chữ ký của anh do Sở Công an thành phố Hồ Chí Minh chuyển đến đã nói rõ hành vi phạm tội của anh.” Ngưng một lúc để đưa tách trà qua phía tôi, ông tiếp, “nhưng đấy là phần việc của bộ phận thành phố HCM. Chúng tôi ở đây cũng phải theo thủ tục của tỉnh Đồng Nai, lấy cung lại từ đầu. Vả lại, anh vẫn có quyền phản cung, tức là chối bỏ biên bản của công an thành phố HCM nếu xét thấy rằng vì lý do nào đó, biên bản ấy không phản ánh đúng lời khai của anh. Có thể cách làm việc của cán bộ thành phố HCM khác với chúng tôi nên biên bản cũng chưa phải là hoàn chỉnh lắm. Thôi thì chúng ta làm việc lại từ đầu. Chủ trương nhân đạo khoan dung của nhà nước xã hội chủ nghĩa là xử nhẹ hoặc giảm mức án tối đa cho những bị can thành khẩn cung khai sự thật. Tôi nhắc lại để anh biết mà chọn lựa thái độ khai cung thích đáng.”

“Tôi không nhớ biên bản đó như thế nào, nhưng tôi nghĩ rằng tôi đã ký tên vào đó rồi, chắc là không cần phân cung gì đâu. Còn việc tôi đã khai sự thật với cán bộ Sài Gòn, và cũng sẽ khai sự thật với cán bộ ở đây, đó là vì tôi vốn tôn trọng sự thật, chẳng muốn che giấu gì cái việc tôi đã làm, chứ không phải tôi khai sự thật để được giảm án.”

Ông đặt tách trà xuống, ngó tôi một lúc:

“Tôi chả cần biết là tự anh thành thật hay thành thật theo yêu cầu, đàng nào thì khai sự thật vẫn là con đường tốt nhất để được tự do sớm mà về với gia đình. Anh còn trẻ mà, nên tôi nghĩ những gì anh làm chỉ là sự bồng bột nhất thời thôi. Anh có biết là trong cái đám Phục quốc, anh là người trẻ tuổi nhất không? Họ là những người lớn tuổi, có liên can đến chế độ ngụy nên chống lại chế độ ta; còn anh là thanh niên trưởng thành trong chế độ mới, sao lại đi theo họ chứ! Anh bị họ dụ dỗ mà không biết, có phải thế không! Ừ thì lầm lỡ đi vào con đường tội lỗi, nay chúng tôi nhắc anh khai mọi sự thật, khẩn trương hối cải để còn trở về với xã hội mà làm người công dân tốt chứ! Hừ, tôi thật chẳng hiểu sao một người ở chùa, có ăn học như anh mà lại đi theo cái bọn phản động đó! Mà kể cũng lạ nhỉ, đa phần họ là người theo đạo Thiên Chúa, thế sao lại lọt anh vào? Ai giới thiệu anh, ai móc nối anh thế?”

“Ai móc nối đâu! Chúng tôi ở chung một ấp, một xã, bước ra bước vào thì gặp nhau, quen nhau, hiểu nhau, vậy thôi.”

Ông gở mắt kiếng xuống, nâng tách trà lên nhấp một ngụm rồi tiếp:

“Anh gặp ông Trần Văn Lương lần cuối cùng vào lúc nào, gặp ở đâu?”

“Ngày 22 hay 23 tháng 12 năm ngoài, gần lễ Giáng Sinh. Gặp tại chùa tôi.”

“Sau đó thì sao?”

“Không còn gặp nữa.”

“Thế anh có biết ông ấy đang ở đâu không?”

“Không.”

“Đồng bọn Phục quốc của anh đều khai rằng anh là cố vấn của ông Lương, vậy mà anh với ông ấy lại chẳng gặp nhau nữa à?”

“Không.”

“Vì sao?”

“Vì sao? Vì không nữa chứ sao ạ.”

“Trong khi những người khác bị bắt gần hết mà anh và ông ấy lại cùng trốn thoát, vậy chẳng phải là anh với ông ấy đi chung, hoặc dược thuộc hạ thông báo, bảo vệ, che giấu để trốn tránh sự lùng bắt của chúng tôi hay sao?”

“Tôi chẳng được ai trong lực lượng Phục quốc thông báo hay hướng dẫn đi trốn cả. Ông Lương rời Long Thành trước Giáng Sinh, còn tôi rời Long Thành sau Tết nửa tháng. Tự tôi bỏ Long Thành đi Sài gòn… rồi cuối cùng bị bắt chứ chẳng có ai thông báo hay che giấu gì cả.”

Tôi nói vậy và tự biết rằng trong câu nói ấy, đã có phần không thật, vì vào sáng ba mươi Tết, tôi đã được thông báo để đi trốn. Tôi thoáng nhớ lại những ngày cuối cùng của tôi ở chùa Long Quang trên kinh tế mới.

Ó

Lúc đó tôi đang cạo tóc ở sân chùa. Một thanh niên Phật tử thân cận của chùa, bước vào, nói:

“Thầy ơi, không biết chuyện gì mà công an du kích vào nhà ông Bản, lục xét rồi bắt ông ấy đi rồi. Bây giờ họ lại kéo vô nhà ông An nữa. Nghe nói họ bắt nhiều người khác nữa đó thầy.”

“Vậy sao?”

Tôi nhìn ra đường, thấy có nhiều tốp công an và du kích cầm súng chạy qua chạy lại. Chừng mười lăm phút sau, một người con ông Bản đến chùa gặp riêng tôi, nói:

“Bạch thầy, má con bảo con đến trình thầy biết là ba con bị bắt rồi, thầy tính xem nếu chuyện đó có ảnh hưởng đến thầy thật thì thầy nên đi lánh gấp kẻo không kịp.”

Tôi nói lời cám ơn, nhưng tôi không đi lánh. Tôi ở lại.

Suốt ngày ba mươi Tết ấy, có tiếng loa phóng thanh ở khắp nơi, kêu gọi những người có liên quan đến lực lượng Phục quốc ra đầu thú. Các loa phóng thanh di động trên xe lam, xe bò, xe đạp. Loa cầm tay, loa gắn các nơi tập trung đông người. Làm rộn cả làng xã.

Buổi tối, khoảng bảy giờ, Hiền, anh ruột tôi, đến chùa. Tôi thúc anh trốn về Nha Trang. Anh nói:

“Hai anh em đi trốn chung luôn, chứ Khang ở lại làm gì!”

Lúc đó, phần vì có ý niệm chấp nhận bị bắt, phần vì thấy ngày Tết đến mà Phật tử địa phương không có thầy hướng dẫn, nên tôi không muốn rời chùa. Thực ra chùa tôi lúc đó còn có một vài thầy khác nhưng họ đã về Sài Gòn trước đó vài ngày cả rồi.

“Thôi, anh đi trước đi. Tôi cần lo một ít việc cho chùa nữa. Mấy ngày Tết mà chùa không có thầy, tội nghiệp đồng bào ở đây lắm.”

“Bỏ quách cho rồi. Không có Khang, Phật tử buồn một thời gian ngắn, nhưng rồi cũng có thầy khác đến thay thế, hoặc khi tình hình thấy êm, Khang có thể trở lại; chứ bây giờ ở nán, tụi nó bắt bỏ tù làm sao!”

Dù anh cố gắng thuyết phục, tôi vẫn không đổi ý:

“Anh đi trước, có thể mai mốt gì tôi cũng rời Long Thành.”

Nghe tôi hứa là sẽ trốn sau, anh mới chịu từ giã. Giây phút chia tay lúc ấy, tôi không bao giờ quên. Đêm ba mươi trời tối mịt. Trước sân chùa, người qua kẻ lại nườm nượp. Tôi bắt tay anh lần cuối dưới gốc cây bạch dương mé phải của chánh điện.

Nhà tôi khá đông anh chị em nhưng tôi đi tu từ nhỏ nên tình cảm giữa tôi với người trong gia đình không được gắn bó lắm. Lúc tôi đi tu, anh tôi vào lính. Người khoác quân phục, người mặc tăng bào. Ai cũng có hoài bão đóng góp gì đó cho xã hội, cho con người. Thế rồi, chính quyền miền Nam sụp đổ, sụp đổ luôn tất cả ước vọng tuổi trẻ của thanh niên miền Nam. Anh đi học tập sơ sơ rồi được trả về với đời mà làm cu li bốc vác, thợ lò đường… thay vì làm thơ, viết văn như giấc mơ từ nhỏ của anh. Tôi thì như người câm không điếc, không mù; thấy nghe tất cả mà chẳng nói được với ai. Nhìn đất nước đổi thay, nhân tâm ly tán, bao tang thương tủi nhục chụp xuống đầu cổ dân hèn, lòng uất lên, đôi khi sôi sục cả máu, và cả lệ, nhưng cổ họng cứ tắc nghẽn, miệng lưỡi cứ đớ ra, không biết tỏ cùng ai. Cuối cùng, tôi và Hiền, hai anh em ruột, hai đứa bé trai ở chung một nhà hồi đó, một anh lính và một thầy tu, trở thành chiến hữu. Anh ở Nha Trang, tôi rủ anh vào Sài Gòn. Thầy Tuệ Sỹ cũng biết khả năng của anh, bảo tôi giới thiệu anh cho lực lượng của thầy. Nhưng anh không hợp với Tuệ Sỹ. Rồi tôi kéo anh lên Long Thành. Hai anh em trao đổi quan điểm và phương thức làm việc. Hợp nhau quá. Bèn vận động thành lập lực lượng. Hội Lạc Long có mặt từ đó, làm khởi điểm cho những hoạt động dấn thân về sau. Đang khi Lạc Long vừa mới hình thành, lực lượng Phục quốc phát động mạnh tại Long Thành. Lực lượng này do ông Trần Văn Lương cầm đầu. Ông này trước năm 1975 là một sĩ quan Cảnh sát đặc biệt, con một ông trùm giáo xứ Tân Cang, một ấp thuộc Hố Nai. Ông nhờ ông Bản (một đạo hữu của chùa tôi, cũng là một sĩ quan Cảnh sát đặc biệt của chế độ Cộng hòa, bây giờ là cánh tay phải của ông Lương trong lực lượng Phục quốc) giới thiệu đường hướng và chủ trương của lực lượng, mời tôi tham gia. Tôi không nhận lời nhưng hứa đóng góp, giúp đỡ bất cứ điều gì có thể làm được để ủng hộ lực lượng ấy.

Nhân sự cốt lõi của Lạc Long bấy giờ gồm bảy anh em kết nghĩa mà chỉ có hai người có mặt tại Long Thành là hai anh em tôi mà thôi. Khi ông Lương và ông Bản ba lần bảy lượt kêu gọi tôi trực tiếp tham gia Phục quốc, tôi liền đi Sài Gòn để bàn hỏi với anh em khác của Lạc Long, nhưng tình hình lúc ấy căng thẳng quá, ai cũng đồng ý việc tôi cộng tác hoặc hỗ trợ cho lực lượng Phục quốc mà chẳng thấy ai thực sự hưởng ứng. Cuối cùng, chỉ có Hân hứa sẽ theo tôi về Long Thành để tìm hiểu thêm về Phục quốc. Hân ở lại chùa tôi một thời gian, cùng anh tôi và tôi tiếp xúc với ông Lương. Hân cho là lực lượng Phục quốc khá tốt, nên cộng tác; nhưng theo đề nghị của anh tôi và một số bạn bè khác, tôi không nên dính vào. Có hai lý do họ khuyên can tôi: thứ nhất, lỡ Phục quốc có đổ bể hoặc chỉ là một tổ chức cò mồi của cộng sản để gài bẫy thành phần đối lập thì chỉ có anh tôi và Hân liên can, giữ được an toàn cho tôi để còn tiếp tục phát triển Lạc Long; thứ hai, hình thức một tu sĩ đang chịu trách nhiệm trụ trì một ngôi chùa của tôi không thích hợp để góp mặt công khai vào một lực lượng đấu tranh có tính cách võ trang nhằm lật đổ chính quyền hiện tại như tổ chức Phục quốc. Anh tôi và Hân đã thay tôi, hỗ trợ nhiều việc cho ông Lương. Nhưng vào cuối tháng 11 năm 1984, ông Bản đến gặp tôi, cho biết lực lượng Phục quốc dự tính tung truyền đơn kêu gọi toàn dân đồng loạt nổi dậy hưởng ứng công cuộc đấu tranh chống lại chế độ cộng sản và vì tính cách quan trọng đó, ông Lương cần trực tiếp gặp tôi để thảo luận vài việc trước khi quyết định. Ông Bản nài nỉ mãi, tôi nhận lời.

Ngoài ông Bản tháp tùng ông Lương đến gặp tôi còn có cả anh tôi nữa. Tôi tiếp họ tại thư viện nhỏ của chùa tôi. Hai việc ông Lương cần tôi giúp là: thứ nhất, hướng dẫn làm máy quay roméo bằng tay; thứ hai, góp ý vào bản cương lĩnh và đường hướng hoạt động của lực lượng Phục quốc cũng như chính sách xây dựng kiến thiết xứ sở trong tương lai. Công việc thứ nhất, tôi bày ông Bản chế tạo cái máy in truyền đơn thô sơ bằng khung gỗ căng lụa với trục quay là ống nước bằng sắt; khi tiến hành việc quay truyền đơn, tôi sẽ có mặt để hướng dẫn kỹ thuật trong vài chục bản in thử. Công việc thứ hai, ông Lương chỉ ngồi tại thư viện chùa tôi, hỏi ý kiến tôi từng vấn đề về việc xây dựng và kiến thiết đất nước trong thời kỳ hậu cộng sản; ông hỏi tới đâu, tôi góp ý đến đó. Anh tôi đúc kết, và cuối cùng, anh soạn viết các tài liệu. Tài liệu viết xong, ông Lương đích thân đến gặp tôi, yêu cầu tôi xem lại, góp ý hiệu đính. Và cuối cùng, tài liệu được in ra hàng mấy chục nghìn bản, Cách thực hiện in truyền đơn cũng như kỹ thuật in khá đơn giản nên ông Lương và các thuộc cấp của ông đều tự làm được sau khi tôi hướng dẫn qua một lần; và thay vì tập trung in truyền đơn tại Long Thành, lực lượng Phục quốc dã cho in truyền đơn tại nhiều địa điểm ở các tỉnh khác để tránh việc vận chuyển truyền đơn ngoài đường. Lo xong việc in truyền đơn, ông Lương rời Long Thành vào những ngày trước Giáng sinh để về miền Tây Nam bộ hướng dẫn các cơ sở Phục quốc dưới đó. Hân thì đến ngày hai mươi ba Tết từ Sài Gòn lên Long Thành, dụng ý là để gặp ông Lương nhưng chỉ gặp được ông Bản. Không biết ông Bản nhờ Hân hay tự ý Hân đề nghị, giao anh ấy một số truyền đơn để mang về rải ở Sài Gòn. Vậy là từ khoảng sau Giáng sinh đến gần Tết Nguyên Đán, lực lượng Phục quốc đã cho tung truyền đơn khắp các tỉnh. Nhưng đến sáng sớm ngày ba mươi Tết thì cơ sở Phục quốc tại Long Thành, chẳng rõ vì lí do gì, bị đổ vỡ. Công an tình Đồng Nai, phối hợp cả bộ đội, vây kín vùng kinh tế mới Long Phước và Bàu Cạn. Ông Lương không bị bắt vì đã rời Long Thành trước. Ông Bản và hầu hết các nhân sự Phục quốc tại Long Thành đều bị bắt.

Hai anh em tôi vì chỉ làm việc trực tiếp với ông Lương và ông Bản, nên cho đến tối giao thừa vẫn không bị công an phát hiện. Dù vậy, tôi cũng lo cho anh tôi, bèn thúc giục anh đi. Anh rời khỏi Long Thành ngay tối hôm đó, và cũng từ đó, anh em tôi mỗi người mỗi ngả, không có dịp gặp lại nhau lần nào.

Ó

Ông Văn cầm cây bút, ghi vài dòng vào tờ giấy trắng trước mặt. Ông thở dài một cái, thả cây bút xuống, một tay chống cằm, một tay vỗ nhẹ trên trán mấy cái. Trán ông nhíu lại tạo từng rãnh sâu chạy ngang trên đôi lông mày giống như nét ký họa về một con sông nhỏ. Ông hỏi:

“Tại sao ngày ba mươi Tết, công an và bộ đội Đồng Nai bố ráp bắt những phần tử Phục quốc phản động rồi cho hạn kỳ mười ngày để những người chưa bị bắt tự ra trình diện, đầu thú, anh không chịu ra đầu thú, lại trốn về thành phố HCM để đầu thú công an dưới đó?”

“Cái gì? Tôi đầu thú công an Sài Gòn à? Làm gì có chuyện đó. Họ chận bắt tôi ngoài đường mà.”

“Bắt ngoài đường à? Ở đâu?”

“Gần ga xe lửa Bình Triệu, trên đường đi Thủ Đức.”

“Lạ thế! Không phải anh ra đầu thú à?”

“Tuyệt đối không.”

“Nhưng đầu thú thì cũng tốt thôi, như vậy nhẹ tội hơn là anh trốn chạy. Có điều, tôi chỉ thắc mắc là sao anh phạm tội ở tỉnh này, lại không đầu thú công an tỉnh này mà vào thành phố HCM…”

“Tôi không hề đầu thú công an Sài Gòn, cũng không hề có ý đầu thú gì công an Đồng Nai cả. Lúc công an Đồng Nai phóng loa kêu gọi những người Phục quốc ra đầu thú khắp các huyện, tôi đang có mặt tại chùa, chẳng trốn tránh, cũng chẳng muốn trình diện. Tôi ở đó suốt nửa tháng đầu năm để chờ các ông vào bắt mà. Các ông không bắt thì tôi đi, vậy thôi.”

Nói đến đó, tôi chợt hiểu là tốp công an Sài Gòn vì lý do nào đó, đã nói với công an tỉnh Đồng Nai rằng tôi ra trình diện đầu thú tại Sài Gòn. Tôi chẳng rõ công an Sài Gòn nói vậy thì có lợi gì cho họ. Phải chăng họ muốn tránh khơi chuyện ông thầy Tư và Hân đã sắp đặt cho họ bắt tôi để rồi sinh rầy rà với công an Đồng Nai? – Vì nếu tôi khai ra chuyện bị ông thầy Tư và Hân lừa gạt, không chừng công an Đồng nai sẽ bắt hai người đó sau khi truy thêm lý do rõ ràng để rồi xì ra chuyện Hân có liên can đến Phục quốc, còn ông thầy Tư thì khoe khoang có mật khu của Mặt trận Hữu thần… Hay chuyện ấy là do Hân muốn tôi được nhẹ tội hơn nên yêu cầu công an Sài Gòn nói rằng tôi đã ra đầu thú? Mà thôi, dù sao, tôi cũng chẳng cần phải có ý kiến gì về chuyện ấy. Tôi đã bị bắt rồi. Bị bắt bởi công an Sài Gòn hay công an Đồng Nai thì cũng vậy thôi, có khác gì đâu. Họ đều là cán bộ nhà nước cả mà. Chỉ có danh tính và hành tung của ông thầy Tư và Hân là còn mập mờ đối với công an tỉnh Đồng Nai thôi. Hai người này là đặc tình của công an Sài Gòn, chẳng có gì bảo đảm là họ khỏi bị công an Đồng Nai bắt nếu tôi thành thật khai rằng ông Tư khoe khoang có mật khu chống cộng để gạt tôi ra đường. Hân thì cùng hoạt động với tôi trọng lực lượng Phục quốc cũng như Hội Lạc Long… Nhưng thôi, tôi đâu cần phải phản cung đánh ngược lại để trả thù hai người ấy. Họ có vợ con, có nỗi khổ riêng, và hãy còn là những chúng sinh yếu hèn… nên họ có hại tôi thì cũng là điều dễ hiểu, có thể chấp nhận, có thể thông cảm và tha thứ; còn tôi, tôi không có lý do nào để biện minh bào chữa cho mình nếu tôi đáp lại họ bằng một tâm địa hèn hạ y hệt. Tôi có quyền khai thật về những gì tôi làm, không cần phải khai thật về những gì kẻ khác làm.

“Anh thật không biết hiện giờ ông Lương ở đâu hết à?” ông Văn lấy tay đẩy gọng kiếng lão cho nhích lên sát với cặp lông mày rậm bạc, ngoan cố hỏi lại.

“Không,” tôi đáp dứt khoát.

“Anh có biết tại sao ông Lương rời Long Thành trước ngày Giáng sinh không?”

“Không,” tôi đáp.

Trả lời không rồi, tôi lại đâm nghi. Không rõ câu hỏi của cán bộ Văn có ngầm ly gián tôi với ông Lương chăng! Hình như ông Văn muốn tôi nghĩ rằng ông Lương là một gián điệp của công an, đã vờ lập ra lực lượng Phục quốc, bày ra đủ chuyện để lôi kéo những người yêu nước nhẹ dạ đi theo, cuối cùng ông ấy tránh mặt, báo công an đến vây bắt… Điều này cũng đáng nghi thật. Nhưng mối nghi này vừa nẩy ra, tôi liền xua ngay. Tôi tin ông Lương không phải đặc tình hay một thứ cò mồi nào đó của cộng sản. Nỗ lực của công an Sài Gòn lẫn Đồng Nai từ những lần hỏi cung tôi, đều nhắm vào chuyện điều tra tông tích và nơi ẩn náu của ông Lương. Cách họ điều tra và nhắc đến ông Lương có vẻ khẩn trương, nóng ruột lắm. Vả lại, từ nhiều tháng nay, từ lúc chưa bị bắt cho đến khi vào tù, tôi vẫn cứ nghe tin đồn là truyền đơn của Phục quốc tiếp tục tung rải ở nhiều tỉnh khác. Ông Lương đến đâu, nơi đó có truyền đơn. Ông chưa bị bắt thì công an chưa ăn ngon ngủ yên. Những người tù mới bị bắt vào sau cũng cho tôi biết về những tờ truyền đơn Phục quốc mà chính họ lượm được, hoặc được người khác chuyền tay cho đọc. Tôi không thể nghi ngờ gì ông Lương được. Cho nên, mối nghi về ông Lương bất chợt chuyển hướng, dẫn tôi đến một đối tượng khác–đối tượng này, cả công an Sài Gòn lẫn Đồng Nai đều cố ý tránh nhắc đến, hoặc không hề biết đến, nhưng đối với tôi, lại vô cùng rõ ràng, nhất là từ lúc ông Văn nhắc đến chuyện ông Lương rời Long Thành trước Giáng Sinh. Đối tượng đó là Hân. Không phải đến lúc này tôi mới nghi ngờ Hân, mà là xác định rõ hơn về hành tung của Hấn đối với việc đổ vỡ của Phục quốc tại Long Thành cũng như việc công an Sài Gòn bắt tôi ngoài đường ngay khi tôi vừa rời khỏi chỗ của Hân. Cứ tuần tự theo thời gian, tôi thử phác vẽ bước đi của Hân trong vai trò một đặc tình của công an Sài Gòn như sau:

- từ khi hai thầy Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát bị bắt vào cuối tháng 3 năm 1984, rồi Hòa thượng Trí Thủ viên tịch đột ngột một tuần sau đó trong bệnh viện của nhà nước. Hân biết trước sau gì tôi cũng có phản ứng, bèn tìm gặp tôi tại Long Thành, kết chặt thêm tình thân, tạo thêm niềm tin nơi tôi, để rồi xâm nhập vào các hoạt động của tôi về sau;

- tháng 8 năm 1984, khi tôi vận động các bằng hữu để thành lập một lực lượng đấu tranh đòi tự do dân chủ cho Việt Nam, Hân xâm nhập vào ngay từ những bước đầu phôi thai;

- trong cuộc họp đầu tiên thảo luận về cương lĩnh và danh xưng của một lực lượng mới này, Hân đề nghị lấy danh xưng Lực Lượng Việt Nam Tự Do cũng như cương lĩnh có sẵn của lực lượng đó (lực lượng này do Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát chủ trương); điều này có nghĩa rằng Hân muốn chúng tôi trở thành một nhóm tiếp nối lực lượng đấu tranh của Tuệ Sỹ, như vậy, chúng tôi sẽ bị cộng sản kết tội dễ dàng và nhanh chóng hơn, vì chúng tôi chỉ cần sử dụng danh xưng đó là trở thành tội phạm ngay, không cần phải chờ đợi hành động mới có tang chứng để công an bắt; (nhưng thay vì lấy danh xưng Lực Lượng Việt Nam Tự Do của Tuệ Sỹ, chúng tôi đã lấy tên là Hội Lạc Long);

- khi lực lượng Phục quốc mời tôi tham gia, Hân biết được bèn khuyến khích tôi cộng tác đồng thời giới thiệu Hân với Phục quốc–khuyến khích tôi cộng tác để tôi dễ bị kết tội, nhưng tôi đã không tham gia trực tiếp, chỉ đứng ngoài hỗ trợ và giới thiệu Hân cộng tác;

- sáng ngày 23 Tết, nhân dịp về Sài Gòn mua sắm đồ Tết cho chùa, tôi có đến gặp Hân, cho Hân biết về chuyện truyền đơn của Phục quốc sẽ bắt đầu rải từ những ngày cận Tết, và có thể sớm hơn tùy theo địa phương; nghe vậy, thay vì đi chợ Tết với tôi như đã hứa, Hân lại nói rằng có việc khác phải làm, rồi một mình Hân đi Long Thành mà không cho tôi biết;

- ngày 24 Tết tôi trở lại Long Thành thì được ông Bản cho biết về sự có mặt bất ngờ của Hân hôm qua; ông Bản cho biết Hân hỏi gặp ông Lương nhưng ông Lương đã rời Long Thành từ những ngày trước Giáng sinh; Hân nài nỉ ông Bản cho biết chỗ ở của ông Lương hoặc bằng cách nào đó để gặp ông Lương; không được ông Bản tiết lộ những điều đó, Hân nhờ ông Bản nhắn với ông Lương rằng Hân muốn gặp gấp ông Lương tại nhà Hân ở Sài Gòn; cũng theo lời ông Bản, Hân có mang theo một số truyền đơn về Sài Gòn;

- ngày 30 Tết, công an và bộ đội bố ráp khu vực xã Long Phước và Bàu Cạn, nơi phát xuất truyền đơn, bắt trọn lực lượng Phục quốc cơ sở Long Thành; chỉ có ông Lương, anh tôi, tôi và Hân là không bị can hệ gì vào đợt đó;

- ngày 14 tháng giêng âm lịch, tức sau Tết gần nửa tháng, Hân nhờ một người học trò tôi từ Sài Gòn lên Long Thành, nhắn tôi về Sài Gòn gấp; tại Sài Gòn, tôi hỏi Hân tại sao nhắn tôi về gấp, Hân nói Thượng tọa Đức Nhân không muốn tôi bị bắt nên nhờ Hân nhắn tôi đến gặp Thượng tọa; Thượng tọa nói ngài không nhắn, chỉ có hỏi thăm về tình hình an nguy của tôi mà thôi; vài ngày sau thì tôi được người thân tín ở Long Thành về Sài Gòn báo tin cho biết rằng công an Đồng Nai vào chùa tìm bắt tôi ngay buổi tối 14, đúng cái ngày mà tôi rời bỏ Long Thành;

- Hân không muốn tôi bị bắt trên Long Thành không phải vì bảo vệ tôi, mà vì muốn nộp tôi cho công an Sài Gòn, nơi mà Hân nhận công tác làm đặc tình, để được thưởng công; Hân tìm gặp ông Lương cũng cùng một mục đích trên, tức là Hân muốn cả tôi và ông Lương đều bị bắt bởi công an Sài Gòn chứ không phải công an Đồng Nai…

Lúc còn ở trại T20 chưa chuyển đến trại này, với sự “điểm nhãn” của người bạn tù là ông Trung, tôi đã hiểu ra là Hân gạt tôi, nhưng bây giờ suy lại theo thứ lớp thời gian một lần nữa, tôi thấy sự việc tường tận hơn. Rõ ràng là tôi đã bị Hân gạt. Hân hoàn toàn đóng kịch với tôi. Nhưng thôi, giận trách làm gì ở nước này! Vào tù rồi mới nhận hiểu thì đã quá muộn. Thực ra, tôi ngu dại không nhận biết gì hết thì hay hơn. Thà mình vô tư, nhẹ dạ, chẳng hiểu chẳng biết gì, cứ bị gạt, bị nạn, để lúc nào cũng còn thấy có bạn tốt trên đời, còn hơn hiểu ra tất cả, nghi ngờ tất cả, để rồi sống trong đau khổ, buồn rầu, thất vọng… Tôi nhớ mang máng Voltaire có nói rằng “ngờ vực tức là làm cho người khác phản bội mình.” Có thể đối với Hân, tôi đã không hết lòng tin anh ngay từ lúc đầu. Hành tung của anh lạ lắm: anh đến với ai, người đó cũng đâm nghi ngờ anh–ngay cả một người cả tin nhẹ dạ như tôi mà còn vậy nói chi người khác! Như vậy, Hân gạt tôi, phản bội tôi, cũng đáng đời tôi lắm rồi!

Kể từ hôm nay, tôi tự rút ra một bài học nghìn vàng để sống giữa xã hội này: tin tưởng và thương yêu mọi người thì sẽ chết, mà nghi ngờ và thù ghét hết mọi người thì cũng chết! Vậy thì, mắc gì phải sống bằng cái tâm lý phủ định rất ư cùn mằn nhỏ mọn kia! Cứ hết lòng mà tin tưởng và thương yêu đi chứ, vì đằng nào cũng chết mà!

Ồ, nói vậy hóa ra cái nhẹ dạ lầm lỡ của tôi lâu nay cũng hợp lý với bài học trên một cách không cần tính toán! Cứ tiếp tục nhẹ dạ, dễ tin, thương yêu mọi người mà sống, dù cho họ sẽ hại mình, xô đẩy mình vào hỏa ngục…

Ông Văn lên tiếng, làm tôi hơi giật mình trở về với thực tại là đang ngồi khai cung:

“Này anh Khang, thôi tôi cho anh về phòng, khi nào có gì cần, chúng tôi sẽ hỏi lại anh nhé!”

Tôi hơi ngạc nhiên vì khi nãy ông nói sẽ không tính kể biên bản kết cung của công an Sài Gòn và sẽ lập biên bản khác của Đồng Nai, nhưng bây giờ rõ ràng là ông chẳng lập biên bản gì cả. Có lẽ ông chỉ muốn điều tra về ông Lương, chỗ ẩn náu của ông Lương, mà các chi tiết đó, dù tôi có muốn thành thật tối đa hơn hoặc trời phú thêm cho tôi tính hèn nhát đi nữa, cũng chẳng biết gì để khai thật.

Ông Văn trả tôi về lại chỗ văn phòng chính của trại, nơi có cô công an ngồi trực thường xuyên.

“Anh Khang à, nếu ở dưới phòng có gì rắc rối, lộn xộn, hoặc anh có bệnh gì, cứ xin quản giáo cho gặp tôi nghe. Tôi là Phương, cán bộ thụ lý hồ sơ nhân sự, cũng đặc trách về y tế của trại này,” cô nữ công an hình như đã dự trù sẽ nói với tôi những điều ấy nên ông Văn vừa rời đi, cô đã nói luôn một hơi không vấp váp.

Tôi gật đầu.

Trở về phòng giam, tôi gặp ngay phản ứng khác lạ từ đám tù chung phòng. Khi sáng cán bộ Hón vặn hỏi tôi mấy câu trước mặt mọi người và đã vô tình tiết lộ cái tông tích thầy tu của tôi. Bạn tù vây quanh tôi, người câu này, người câu kia, rộn lên:

“Nè, anh là tu sĩ hả?”

“Ổng là thầy tu mà, phải gọi ổng là thầy.”

“Thầy chùa đó mà!”

“Tu mười lăm năm rồi, khiếp, sao mà chịu nổi ta ơi!”

“Thít Tam Quan! Thích Tâm Quang!”

“Ông thầy, ông thầy!”

Tôi chẳng nói gì, lẳng lặng trở về chỗ của mình, ăn trưa. Phần cơm của tôi, anh Vận lãnh giúp khi tôi vắng mặt. Tôi chẳng có thức ăn gì ngoài gói đường cát Thiện Đắc chia. Ừ thì ăn cơm với đường, cũng sang quá cỡ–đường cát là thứ thức ăn xa xỉ và quí nhất của tù! Cơm tù có đạm bạc gì đâu!

Ăn xong chén cơm đầy thóc (phải lựa trước khi ăn, nhưng tôi ăn trễ, chẳng có thời gian lựa thóc) thì kẻng báo giờ nghỉ trưa. Mọi người im lặng ai về chỗ nấy, kẻ trải chiếu, người giăng mùng (để tránh ruồi), không ngủ cũng phải nằm yên một chỗ, không được ồn ào. Tôi cũng nằm xuống chỗ tôi, bên cạnh cái nhà cầu khai ngấy mùi nước tiểu. Một nỗi buồn nhỏ kéo đến đúng lúc sự im lặng lấp đầy phòng giam.

Buổi trưa nắng cháy. Bên ngoài không một bóng cây. Thỉnh thoảng, gió nhè nhẹ đưa vào, lung lay cái mùng treo gần cửa sổ và chỗ lồng khung. Mới đó đã có người ngáy pho pho. Những dạng người mình trần trùng trục, nằm xếp thành hàng lớp như những con mực dang được phơi khô trên vĩ. Đội 1 và đội 2 đưa đầu ra ngoài, đưa chân vào phía trong; đội 3 và đội 4, đưa đầu vào trong, đưa chân ra ngoài. Chân đối chân, chỉ cách nhau cái khoảng đường ở giữa để qua lại (trong tù gọi là phi đạo). Đầu thì xa nhau bằng khoảng cách chiều ngang của phòng giam. Xã hội chủ nghĩa này cũng xây dựng một xã hội người ngợm tiếp xử với nhau cùng một cách thế ấy: miễn là có lập trường cách mạng như nhau (hay ít nhất cũng gần nhau) là đủ; còn tư tưởng, có xa cách nhau bao nhiêu lại chẳng được, đừng biểu lộ chúng ra ngoài là yên ổn rồi. Không phải tôi học theo đường hướng tiếp xử đó. Tôi chỉ theo cảm tính tự nhiên của mình, không muốn biểu lộ bất cứ hình thái tư duy hay hình thức lý tưởng nào của mình cho những người bạn tù. Như đã nói, ngay từ lúc bị bắt vào trại T20, sống bên cạnh một người bạn tù duy nhất là ông Trọng, tôi còn không muốn tự giới thiệu, tự phơi bày tông tích của mình, huống gì cả một đám tù trên sáu mươi người, phức tạp như ở đây! Tôi muốn hòa nhập trọn vẹn với họ trong sinh hoạt, nhưng rồi cũng bị đẩy dội ra. Rõ ràng là khi những bạn tù trong phòng giam này phát giác ra rằng tôi là tu sĩ, tự dưng tôi lại thấy mất tự nhiên. Quả là tôi có chấp nhận việc đi tu thật, nhưng không phải trong cách thế một nhà tu mà ai nhìn vào cũng phải nẩy ra một thứ định kiến (tốt hoặc xấu) nào đó. Tôi muốn là giọt nước tan vào chậu nước bẩn, hạt bụi rớt vào đống cát sạn, chứ đâu muốn làm ông thầy tu lủi vào đám tù! Có thể do bản tính cố chấp, cực đoan, muốn cái gì thì rõ ràng cái đó, nên tôi chỉ có thể tự tại trong cửa thiền khi tôi là một nhà tu, còn muốn tự tại trong cuộc đời thì tôi phải là người thế tục! Mà có thể vì một lý do dễ hiểu hơn: tôi chưa đắc đạo; tôi hãy còn là một ông thầy tu dở, kém đạo hạnh. Một kẻ tu hành còn chấp trước, còn lăng xăng thụt thò trước những cám dỗ của ái dục, còn đặt nặng hình thức, còn coi trọng dư luận tha nhân, còn bảo vệ cả một cái bản ngã to tướng, thì làm gì có được cái tâm tự tại vô ngại! Bởi nếu có được cái tâm tự tại ấy thì sống ở đâu, hoản cảnh nào lại chẳng thấy an lạc!

Trở ngại rõ ràng trước mắt là mang hình thức thế tục, hình thức một tù nhân mà phải sống như một tu sĩ, tôi cảm thấy gượng gạo, lúng túng. Không phải tôi muốn che giấu tông tích thầy tu để được tự tung tự tác, đánh mất tư cách hay những oai nghi tế hạnh mà lâu nay tập luyện ở chùa đâu! Những thứ ấy, một khi đã tập luyện thuần thục rồi, trở thành một thứ bản năng thứ hai, làm sao mà đánh mất được! Dù có đi đứng nằm ngồi một cách tự nhiên, không thèm để ý đến tư cách đi nữa, người khác vẫn cứ thấy ông thầy tu có tư cách như thường! Nhưng tôi thực sự muốn được người khác nhìn mình như là một con người rất bình thường, không có bất cứ nhãn hiệu đạo đức hay tư cách gì để dán phủ lên mình hết! Đạo đức, tác phong, thực ra chẳng là cái gì cả. Cũng chỉ là hình thức bề ngoài thôi, chẳng dính nhập gì đến đạo quả giải thoát. Đạo quả giải thoát có thể đẻ ra muôn vàn thứ đạo hạnh nhưng muôn vàn thứ đạo hạnh thì vô phương vói đến đạo quả giải thoát. Cho nên, tại sao trong hoàn cảnh những con người cởi trần mặc quần xà-lỏn sống theo sinh hoạt nội qui trại giam một cách bình đẳng suốt ngày đêm ở dây, tôi lại phải đón nhận thêm làm gì cái trách nhiệm thể hiện đạo đức tác phong, giữ gìn thể diện của chiếc áo tăng sĩ! Tôi chỉ muốn thể nghiệm cái tính Phật và giữ gìn cái tính Phật sẵn có trong tôi mà thôi. Tôi thực sự là không cần và không thích phải đóng vai một thầy tu trong nhà tù. Tôi chỉ muốn làm một tù nhân bình thường, làm một anh nông dân, một anh công nhân viên, một nhà buôn, hay một nghệ sĩ… Tôi có bình thường được như những người đồng tù chung quanh thì họ mới sống thực được với tôi. Tôi quá ngán ngẫm cái cuộc sống giả tạo mà trong đó, tín đồ cứ đòi hỏi thầy tu phải như thế này, như thế kia, còn thầy tu thì dù biết rằng những thứ đòi hỏi trên chỉ là hình thức bề ngoài nhưng vẫn cứ phải giữ gìn từng li từng tí để chiều lòng tín đồ. Càng đáp ứng những đòi hỏi của tín đồ nhiều chừng nào, ông thầy tu càng nổi tiếng đạo hạnh chừng đó; mà đạo hạnh càng cao, càng xa cách tín đồ. Một khi những bạn tù biết tôi là thầy tu, họ sẽ xa cách tôi. Họ sẽ đề phòng, thủ thế, giữ ý tứ, không sáp gần đến tôi được. Tôi giữ gìn được cái tư cách và hình thức của tôi thì cũng đồng thời mặc nhiên yêu cầu họ tôn trọng cái tư cách và hình thức đó. Tôi bị hình thức bao bọc thì họ cũng bị hình thức ảnh hưởng. Rốt cuộc, cả tôi và họ chỉ sống cho cái hình thức, không bao giờ sống thực với nhau cả. Tôi phải làm sao đây? Bao giờ tôi mới được thực sự là tôi, bao giờ thì người ta mới nhìn nhận tôi như một con người bình thường, gần gũi với họ? Làm sao tôi có thể xoay chuyển được con người và xã hội chung quanh mà không cần đến sự trợ giúp của các thứ nhãn hiệu đạo đức, tác phong…? Phải chăng chỉ bằng cách từ chính tôi, tự do chọn lựa đường bay và ngõ thoát của riêng mình? Vâng, có lẽ phải như vậy. Tôi muốn lột hết những nhãn hiệu thầy tu, đạo đức, tư cách, tác phong… ra khỏi con người mình để được gần gũi với con người hơn. Và cơ hội ở tù, cũng như những bạn tù chung quanh, chính là mảnh đất thiêng liêng để tôi thí nghiệm con đường dấn thân tìm cầu ngõ thoát của tôi.

Không. Không thể được. Bây giờ không thể làm như vậy được. Tôi đã mất cơ hội để chọn lựa rồi. Cán bộ Hón đã cho mọi người biết tôi là tu sĩ Phật giáo. Và kể từ hôm nay, mọi người trong phòng giam này bắt đầu chú ý tôi, nhìn tôi như là một biểu tượng của Phật giáo. Người ta bắt đầu đánh giá Phật giáo hay tăng sĩ Phật giáo qua con người và cách sống của tôi. Tôi hãy còn cái trách nhiệm bảo vệ chiếc áo nhà tu của mình. Như vậy, điều trước mắt, dù thế nào đi nữa, dù nhân danh một thứ an lạc tự tâm, một thứ lý tưởng siêu việt trên mọi hình thức, tôi vẫn phải tiếp tục đóng vai một ông thầy tu có đạo đức, có tư cách riêng–mà cái tư cách đạo đức của thầy tu theo nhận xét thiển cận của quần chúng Việt Nam thì ngoài tác phong đạo đức, có hai yếu tố quan trọng là phải ăn chay và không lấy vợ.

Các vấn nạn trên không cho tôi ngủ được giấc trưa êm đềm của trại giam hôm ấy. Tôi nằm trăn trở một lúc thì một nỗi cô đơn khủng khiếp kéo đến, đè lấy ngực tôi. Một nỗi buồn nào da diết như là nhớ nhung ai, nhớ nhung một cái gì đó mơ hồ đã mất dấu trong ký ức… Hình như tôi muốn khóc. Tôi thấy tôi nhỏ bé lại như thuở lên chín, lên mười, lúc chưa xuất gia. Tôi nhớ nhà.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/04/2018(Xem: 4825)
Mẹo hay Đánh cược với hòa thượng, cậu bé thắng một gánh củi nhưng để mất thứ quý giá gấp nhiều lần
30/03/2018(Xem: 9458)
Ngày xưa có chú nai hiền Nhởn nhơ vui sống giữa miền hoang sơ Trong khu rừng rậm ven bờ Sông Hằng cuồn cuộn sóng mờ nhân gian. Dáng nai đẹp đẽ dịu dàng Sừng trong nước ngọc, thân vàng ánh châu Nhưng mắt nai lắng u sầu Thương cho trần thế nhuốm mầu bi ai, Nai nghe, nói được tiếng người Nai là Bồ Tát một thời hiện thân. Bên nai muông thú quây quần Coi nai như mẹ muôn phần yêu thương
21/03/2018(Xem: 9690)
Tu Viện Quảng Hương Già Lam, thường được công chúng gọi ngắn gọn là Chùa Già Lam, tọa lạc tại quận Gò Vấp, Thành Phố Hồ Chí Minh. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông, do Hòa thượng Thích Trí Thủ sáng lập vào năm 1960, đây chính là nơi đào tạo tăng tài (cấp đại học) để hoằng dương chánh pháp, phụng sự Phật đạo. Ban đầu, chùa có tên là Giải Hạnh Già Lam, đến năm 1964 được đổi tên là Quảng Hương Già Lam, do lấy tên của một vị học tăng pháp danh Quảng Hương đã vị pháp thiêu thân vào năm 1963 ở Sài Gòn.
16/03/2018(Xem: 15399)
Bí Mật Xứ Tạng (sách pdf) Thích Minh Thế
13/03/2018(Xem: 9992)
Đại hành giả yogi Milarepa sinh trưởng tại tỉnh Gungthang miền Tây Tây Tạng. Ngài là con trai của một chúa đất giàu có tên là Mila Sherab Gyaltsen. Nhưng năm lên bảy tuổi, cha Ngài lâm trọng bệnh và qua đời, trước đó ông đã giao phó toàn bộ gia sản và gửi gắm vợ con mình cho chú thím của Milarepa rồi dặn dò khi nào Milarepa trưởng thành thì chú thím phải trả lại tài sản cho Milarepa và cô em gái. Thế nhưng sau khi cha Ngài mất, người chú và người thím xấu xa tước đoạt toàn bộ gia tài, họ còn bắt ba mẹ con Milarepa phải làm việc như những kẻ nô bộc trên đồng ruộng mà không được trả công. Khi Milarepa lớn lên, chú thím không những không trả lại gia sản mà còn cho rằng đó là phần mà cha Ngài phải trả nợ cho họ. Tức giận và cảm thấy bị sỉ nhục, mẹ của Milarepa gửi Ngài đi học huyền thuật để trừng phạt những kẻ vong ân bội tín. Chẳng bao lâu sau, Milarepa thành thục quyền năng huyền thuật hủy diệt và trong khi trả thù chú thím, Ngài đã sát hại rất nhiều người vô tội. Vô cùng hối hận t
13/03/2018(Xem: 8663)
Tôi rất vui mừng khi được một người bạn mời đóng góp cho trang tôn giáo, tiết mục Phật giáo, trên website của Gia đình Mũ đỏ vùng Thủ đô Hoa Thịnh đốn & Phụ cận, Trước khi bắt đầu cho những bài viết sắp tới, tôi xin được nói về bản thân mình, điều mà rất hiếm khi tôi thường nói đến. Vì tôi nghĩ, nói về Nhảy dù mà bản thân chẳng có một ngày nào sống trong binh chủng này, hay nói về Tae Kwon Do mà không biết tí gì về võ thuật, hay nói về kỹ thuật nhảy toán mà chưa một ngày mang huy hiệu thám sát của Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, thì khi nói đến ai mà tin. Vì vậy tôi phải nói một ít về bản thân, tạo niềm tin cho đọc giả với những bài viết về Phật giáo sau này.
09/03/2018(Xem: 11865)
Tuy là thầy của Nhật Hoàng Thiền sư vẫn thích lang thang du hành Ngài tuy đã rất nổi danh Vẫn làm khất sĩ dạo quanh khắp vùng. Một hôm ngài chợt tạm ngừng Ghé ngôi làng nhỏ trên đường lãng du Trời chiều tăm tối âm u Mưa rơi tầm tã, gió ru lạnh lùng Thân ngài thấm ướt vô cùng Dép rơm tơi tả muốn bung đứt rồi. Tại ngôi nhà nhỏ ven đồi Thấy vài đôi dép bày nơi cửa ngoài Ngài bèn ghé lại tìm người Hỏi mua dép mới thay đôi cũ này, Một bà ở tại trong đây Biếu ngài đôi dép. Lòng đầy xót xa
01/03/2018(Xem: 9317)
Con người còn sống là còn nhiều chuyện để làm, để nói, và suy nghĩ. Ngay cả sau khi chết, sự sống vẫn tiếp tục dưới nhiều hình thức khác. Dù tu chứng đến thành Phật hay Bồ tát thì các ngài vẫn có chuyện để làm, đó là tiếp tục ra vào sinh tử độ sinh, và công việc đó không bao giờ chấm dứt. Mạng sống của con người có ngày chấm dứt nhưng sự sống và dòng đời trôi chảy bất tận.
01/03/2018(Xem: 14260)
Từ lâu Kinh Phật dạy rồi: "Những điều chứa ẩn ở nơi Tâm người Luôn luôn biểu lộ ra ngoài: Tâm như họa sĩ đại tài khéo tay Vẽ muôn hình tượng giống thay, Chúng sanh nên gắng tu ngay Tâm mình!".
04/02/2018(Xem: 5051)
Các trung tâm Bưu điện Úc ( Australia Post – Mail Centre ) có thể nói là nơi dung nạp hay nói đúng hơn là nơi lựa chọn công việc để nương thân của một số những người VN tỵ nạn trong những năm đầu tiên được định cư nơ xứ sở tốt đẹp nầy. Công việc được tuyển dụng vào các trung tâm thư tín nầy là lựa thư ( mails sorting ) và đã được hệ thống Bưu điện Úc gọi cho một cái tên tương đối cũng vui vui là “Mail Officer “ . Việc làm tương đối không có gì cực nhọc, lương bổng cũng tạm hài lòng so với những công việc hiện thời, nhiều over time nên càng có cơ hội để kiếm thêm tiền, công việc vững vàng, ổn định, vì là thuộc diện Job chính phủ, rất hợp cho hoàn cảnh của những người VN tỵ nạn nữa thầy, nữa thợ nơi đây, nói vậy chứ một số lớn người VN làm cho ngành Bưu điện Úc, ngoại trừ một số người có mưu cầu cao hơn, thì cũng ít người bỏ việc nữa chừng, họ đã từ cái job nầy mà được ăn ngon, mặc đẹp, nhà cao, của rộng, xe cộ xênh xang, đời sống khá vững vàng, đủ điều kiện lo cho con cái ăn học nê
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]