Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Khung trời Thụy Sĩ

10/10/201320:20(Xem: 5394)
Khung trời Thụy Sĩ
Zurich_City
Khung Trời Thụy Sĩ
“Nhỏ mà ngon”
Trần thị Nhật Hưng.

Khi tôi biết sẽ định cư tại Thụy Sĩ, cái xứ nhỏ xíu, diện tích chỉ 41.300 cây số vuông, dân số khoảng hơn 7 triệu người, trong đó đã có gần hai triệu người ngoại quốc, tôi thật nản.

Đặt chân đến, tôi càng nản hơn muốn oà khóc được. Phố xá vắng hoe cứ như thành phố chết hay đang trong tình trạng giới nghiêm như ở xứ ta thời chiến tranh vậy.

Tôi đem nỗi lòng này than thở cùng thầy tôi, vị giáo sư đầu tiên dạy tiếng Đức cho người tị nạn. Ông chả nói chả rằng kênh kênh hinh hỉnh cái mặt thấy ghét, đưa ngón tay cái chỉ lên trời, buông thỏng một câu: “Klein aber Oho !” ( Nhỏ mà ngon !).

Mới đến, tôi chưa biết “ngon” chỗ nào. Nay, sau hơn 24 năm định cư, tôi nhận thấy Thụy Sĩ cũng…ngon thật.Vậy bây giờ, xin mời quí bạn theo tôi để thưởng thức cái ngon của Thụy Sĩ nhé.

Trước tiên, tôi đưa quí bạn “nếm” cái lạnh của Thụy Sĩ .“Ngon” lắm!

Tuy Thụy Sĩ có bốn mùa rõ rệt: xuân, hạ, thu, đông. Xuân bắt đầu cuối tháng ba; hạ cuối tháng sáu; thu cuối tháng chín và đông cuối tháng mười hai, nhưng vì chịu ảnh hưởng của bốn vùng khí hậu lục địa Âu Châu nên thời tiết thay đổi thất thường. Có khi buổi sáng trời nắng chang chang ấm áp, chiều đổ mưa rồi tuyết rơi. Dù mùa hè, về đêm vẫn se se lạnh. Nhiệt độ đột ngột thay đổi từ 25 – 30 độ C xuống 15- 18 độ C. Nếu quí bạn không phòng sẵn một áo len, áo khoác mỏng lúc đi chơi và ngủ không chăn mền, không vớ tất thì đêm đó người đẹp…phong thấp làm nhức buốt xương khớp sẽ đến thăm quí bạn ( hù quí bạn một tí cho…sợ vậy thôi), phong thấp chỉ xuất hiện khi quí bạn ở lâu mà không giữ gìn sức khỏe. Nhưng cảm cúm, ho hen thì bất ngờ đến đó. Các bạn nên thủ sẵn một lọ dầu cạo gió nhé.

Khung_troi_thuy_si_tran_thi_nhat_hung

Nói đến ho hen, cái bịnh thông thường dễ ợt do hàn khí nhập phổi. Mà hàn khí tại Thụy Sĩ thì có thừa từ các khe núi tiết ra (nhưng các bạn yên tâm đi, nó chỉ nhập vào dân Việt không quen lạnh và định cư lâu tại Thụy Sĩ mà thôi). Chỉ cần đến thầy châm cứu dùng một điếu ngải như điếu xì gà hơ vào các huyệt Phế du, Chiên trung, Ngư tế là dứt hẳn vậy mà bác sĩ tại đây có ông mò mẫm mãi không chữa được. Không phải họ dở đâu nhé. Giỏi lắm đấy. Đôi khi, thường những người giỏi quá, tài vá trời lấp biển, họ chỉ để ý hoặc nhìn thấy những gì ở biển sâu hay những điều ở tuốt trên trời đâu ngó tới mấy cái lẻ tẻ nhưng rất thực tế ở tầm mắt của bàng dân thiên hạ như…tôi. Ho riết, họ nghi lao. Nghi dân Á Châu ở dơ, đầy bịnh truyền nhiễm. Chả thế mà lúc dân tị nạn đặt chân đến Thụy Sĩ, họ è cổ dân mình trần truồng như nhộng rồi xịt nước tắm rửa kỳ cọ rất là chu đáo. Chả ai hiểu hành động chăm sóc nhiệt tình đó phát xuất từ tấm lòng nhân đạo yêu thương dân nghèo hay họ xịt cho chết vi trùng để khỏi lây vào dân họ?! Người hiểu theo ý tốt thì cám ơn, khen lấy khen để. Kẻ méo mó nghề nghiệp thì tự ái cao bằng trời, trách móc đủ thứ. Ôi, đầu óc dân Việt phức tạp quá chừng!

Khi nghi lao, chụp hình phổi, thử máu, phân, nước tiểu không chưa đủ, họ è cổ bịnh nhân nhét ống rút nước từ dạ dày, từ phổi ra thí nghiệm nữa. Nếu lao thực, bịnh nhân sẽ được đưa đi nghỉ mát 6 tháng tại một nhà thương đặc biệt trên núi, không khí mát mẻ trong lành, ngày ba bữa cơm bưng nước rót; chăn mền y tá rủ thay hai lần. Nếu bịnh nhân là người Á Châu không thưởng thức nổi các món ăn chuyên nấu từ bơ, sữa, phó mát..v.v..có thể ỏng ẹo đòi hỏi một sự chăm sóc đặc biệt và sự chi phí thanh toán sau đó thường từ 10%- 20% không đáng vào đâu so với mức phải trả, vì trước đó đã đóng bảo hiểm sức khỏe hằng tháng (bắt buộc) cũng không nhiều lắm so với mức lương nhận được.

Có thể nói, nền y tế Thụy Sĩ thật đáng ca ngợi, còn hơn cả danh xưng người mình vẫn nói “lương y như từ mẫu”.

Những trường hợp nằm bịnh viện như đàn bà sanh, bình thường đúng một tuần, hoặc như các bịnh nhân thông thường khác, tất cả đều được chăm sóc một cách cẩn thận, kỹ lưỡng đồng đều như nhau từ thu dọn chăn mền, cơm bưng nước rót, tiểu tiện và cả tắm rửa nếu bịnh nhân không có sức tự chủ. Và tùy theo mức đóng tiền bảo hiểm: Đặc biệt, phân nửa đặc biệt, tổng quát; chế độ cư xử lẽ đương nhiên có khác, song sự chênh lệch không đáng kể. Chẳng hạn trung bình một phòng cho bịnh nhân tối đa sáu giường. Người đóng đặc biệt (tiền đóng cũng không chênh lệch quá đáng) được một mình một phòng, hằng ngày có giám đốc bịnh viện thăm hỏi. Người đóng nửa đặc biệt một phòng có hai giường. Ngoài ra là phần dành cho người đóng tổng quát. Tuy nhiên việc chăm sóc ăn uống, ngủ nghỉ đều như nhau.

Riêng các sản phụ về nhà còn nhận thêm một tí tiền còm từ ba tháng tiền sữa của baby sau khi trả 10% tiền sanh cùng một tuần nằm bịnh viện. Đó chưa kể ba tháng nghỉ việc vẫn có lương đối với người còn đi làm.

Đặc biệt đối với những người tàn tật, Thụy Sĩ ưu ái giúp đỡ họ tận tình trong việc chữa trị, luyện tập tay chân, phí tổn các dụng cụ ..v.v..rồi tùy theo phần trăm của sự bất lực sau khi được khám nghiệm và cứu xét hồ sơ của hội đồng y khoa, phế nhân sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng rất đầy đủ vĩnh viễn suốt đời từ tiền nhà, ăn , mặc, người chăm sóc và thậm chí cả tiền du lịch..v.v.. để họ vui sống và cảm thấy không bị xã hội bỏ rơi.

Có nhà ba, bốn người tàn tật, tiền trợ cấp sau mười, mười lăm năm nếu khéo chi dùng có thể để dành tậu được một căn nhà nho nhỏ (mà nhà tại Thụy Sĩ không rẻ đâu. Tối thiểu một căn hộ bốn phòng đã 350 ngàn quan, tương đương 350 ngàn đô la Mỹ). Trong tinh thần nhân đạo và điều kiện tốt như vậy đã là lý do hồi ở đảo ưu tiên cho tất cả những người bịnh tật, tàn phế được định cư tại Thụy Sĩ.

Từ nãy giờ, tôi đưa quí bạn lạc vào bịnh viện hít mùi thuốc men không hứng thú tí nào. Mình trở ra rồi lên núi thưởng ngoạn phong cảnh Thụy Sĩ nhé.

Thụy Sĩ rất nhiều đồi núi. Giữa hai dãy núi Alpen ở phía Nam có đỉnh cao hơn 4000 mét và dãy núi Jura ở phía Tây và Bắc là cao nguyên với nhiều sông hồ. Bốn con sông lớn phát nguồn từ Thụy Sĩ là sông Rhein, sông Inn, sông Rhône, sông Ticino. Nơi đây, phần lớn rất nhiều quận xã, thành phố với đầy dân cư sinh sống .

Khi bước vào ranh giới Thụy Sĩ, một sự khác biệt nổi bật so với các nước láng giềng xung quanh như phía Bắc giáp với Tây Đức, phía Nam với Ý, phía Tây với Pháp và phía Đông với nước Áo là bất cứ đâu ngay cả trong thành phố, đồi núi với nhà cửa chập chùng luôn chắn ngang trong tầm nhìn của chúng ta. Những ngọn đồi với thảm cỏ xanh mượt mà vào mùa xuân, mùa hè còn trổ lốm đốm những bông hoa dạng cúc vàng, trắng trông vô cùng mát mắt. Xa xa những ngọn núi đá đen xì lãng đãng sương khói rất giống cảnh tiên.

Hoa_Thien_Nhien

Nếu quí vị thực sự muốn thưởng thức vài giờ trong cảm giác sống cảnh bồng lai, hãy theo tôi lên núi Jungfraujoch (núi thiếu phụ) còn mệnh danh “đỉnh của Âu Châu”, trạm dừng chân cao nhất với 3454 mét so với mặt biển. Jungfraujoch là một trong những ngọn núi nổi tiếng thuộc vùng Jungfrau của thành phố Interlaken hằng năm thu hút nhiều du khách (đa số Nhật Bản) vào mùa hè đến đây thưởng ngoạn

Có hai cách lên núi: Lối bộ (chắc chắn dân Mít ta không quen và cũng không đủ thể lực để leo nổi đâu); cách thứ hai: Dùng tàu treo. Con tàu được kéo lên núi bằng những sợi dây cáp. Người trong tàu luôn ở vị trí lơ lửng giữa lưng chừng trời cho tới khi tới đích. Và con tàu có khi nào bị đứt dây không? Đó là câu hỏi và cảm giác hồi hộp của người trong tàu. Không đâu. Về kỹ thuật của các tàu treo tại Thụy Sĩ rất bảo đảm. Hằng năm được kiểm soát cẩn thận bởi một đội chuyên viên. Tuy nhiên cuộc đời vô thường, tôi đâu dám quả quyết không có chuyện xui xẻo xảy ra nếu vận số của người nào đó đã đến hồi kết thúc và khi trời đã gọi thì cũng đành dạ chứ.

Giá vé dùng tàu treo khứ hồi trung bình từ 15 đô la Mỹ đến 100 đô tùy theo từng độ cao, từng trạm của ngọn núi. Một ngọn núi thường có nhiều trạm. Nhưng đã đến đây, tiếc gì, không lên tới đỉnh chứ!

Trên đỉnh núi thường rất lạnh, tuyết phủ quanh năm. Đứng tựa vào lan can trên đỉnh Jung- fraujoch, chúng ta có thể nhìn thấy đỉnh núi Vogesen (Voges) của nước Pháp và khu rừng đen Schwarzwaldhohen ( Forêt- Noire) của nước Đức. Gần hơn, về phía Tây, bên cạnh trùng trùng điệp điệp những dãy núi, dù mùa hè, tuyết vẫn chưa kịp tan trên đỉnh ngọn còn lớt phớt một màu trắng xóa, là đỉnh núi Schilthorn có độ cao 2971 mét, nơi mà bước chân của tài tử nổi tiếng James Bond đã có lần cho chúng ta nín thở qua các pha hồi hộp quanh nhà hàng ăn “ Piz Gloria” và quanh trên 200 ngọn núi cao gần đó.

Nếu chúng ta quan niệm tướng pháp thần sắc bên ngoài ảnh hưởng lớn với sự nghiệp và cuộc đời của con người, thì vẻ tươi mát từ đồng cỏ, sông hồ, rừng cây, nhà cửa, gia súc…dưới chân núi Jungfraujoch đã nói lên được cảnh thanh bình, êm ả, hạnh phúc của dân Thụy Sĩ. Không riêng gì vùng Jungfrau thuộc thành phố Interlaken nơi có núi Jungfraujoch, mà khắp Thụy Sĩ nhìn chung, không có dấu vết của chiến tranh, không có những căn nhà nghèo nàn xiêu vẹo và không có cả những khoảnh đất khô cằn cày lên sỏi đá. Cỏ đã đóng vai trò quan trọng luôn được chăm sóc cắt xén như một tấm thảm nhung xanh trải trên “nền nhà” Thụy Sĩ; phần làm tăng vẻ đẹp thiên nhiên, phần để dành vào mùa đông làm thực phẩm cho gia súc.Và trên tấm thảm đó, tạo hóa đã ưu ái tô điểm thêm bằng những khu rừng xanh thẫm thoai thoải viền theo triền đồi bao quanh từng khu phố, làng mạc.

Một trong những khu rừng xinh đẹp đã làm rung động tâm hồn thi sĩ Joseph V Eichendorff người Đức, khi ông có dịp dừng chân tại thành phố du lịch Interlaken, ngắm lên khu rừng Harden Kulm ở độ cao 1322 mét ngạo nghễ giữa hai bờ hồ thơ mộng Brienzersee và Thunersee với màu nước quanh năm xanh như ngọc bích.

Wer hat dich, du Schoner Wald, aufgebaut.

So hoch da droben? „

Tạm dịch:

Hỡi ai đã tạo nên rừng.

Sao xinh đẹp thế,

Tận từng mây xanh.”

Ngày nay, bằng phương tiện đường sắt, ta có thể lên tận “từng mây xanh”, nơi tọa lạc một nhà hàng duy nhất được cất theo lối kiến trúc nhan nhác một ngôi chùa tháp nhọn, từ đó, để ngắm lại thành phố Interlaken lọt thỏm dưới thung lũng sâu giữa hai hồ Thunersee phía Tây và Brienzersee phía Đông vừa thơ mộng hữu tình nhờ núi non hùng vĩ, vừa sinh động với những tiếng xe hơi, tiếng lóc cóc của những chiếc xe ngựa chạy loanh quanh trong phố.

Cũng như Bonigen, Appenzell, và vương quốc Lichtenstien v.v..., Interlaken là một trong những thành phố du lịch của Thụy Sĩ. Nhà cửa có một lối kiến trúc đặc biệt từ ba, bốn trăm năm về trước. Không phải những ngôi nhà cổ với thành trì kiên cố, hay cao ngất ngưỡng đồ sộ

như các lâu đài mà là những căn nhà gỗ, toàn gỗ, thấp lè tè hoặc không cao quá ba tầng lầu thường sơn nâu (đa số màu nâu), gụ, kem, trắng và đôi khi tô đủ màu xanh đỏ tím vàng, còn trạm trỗ hoa lá cành, hình người (kiểu cải lương) nhưng nét vẽ vô cùng tinh xảo, đẹp mắt. Thêm vào đó, vào mùa hè, mùa xuân, những lẵng hoa thả thòng từ ban công, từ các khung cửa sổ tô điểm cho thành phố rực rỡ lên như cô gái đôi mươi làm dáng vậy.

Bây giờ, hẳn quí bạn leo núi, đi dạo cũng đã mỏi chân, đói bụng, khát nước, xin mời quí bạn vào nhà hàng nghỉ ngơi, thưởng thức các món ăn đặc thù của Thụy Sĩ.

Không hẳn trong phố, ngay tại các đỉnh núi cao, đồi, nơi nào du khách đến được, nơi đó đều có nhà hàng ăn, khách sạn.

Nếu Ý nổi tiếng với Pizza, Spagetty…, Hoa Kỳ với Hamburger, Hotdog…, thì Thụy Sĩ có Wurst (xúc xích), món bình dân thông dụng được dùng trong mọi trường hợp Picnic, sinh nhật, các buổi lễ hay khai trương cửa tiệm v.v…

Wurst nướng chín cháy xém dùng với bánh mì. Đơn giản, tiện lợi. Giá bình dân khoảng ba, bốn đô la Mỹ một phần.

Nhưng món quốc hồn quốc túy của Thụy Sĩ rất độc đáo phải kể Fondue hay Raclette. Một hình thức như thịt bò nhúng dấm hay nướng ngói của ta vậy. Nhưng Fondue đơn giản hơn. Một nồi rượu vang trắng đun riu riu với tí tỏi, tiêu, phó mát, gia vị đặc biệt của Fondue, một ít rượu chát, đun cho pho mát chảy ra, sền sệt rồi cứ thế nhúng từng khoanh nhỏ bánh mì vào là xong bữa.

Để tránh sự khó tiêu của phó mát, ăn Fondue người ta thường uống rượu, trà nóng pha mật ong hay đường.

Raclette cầu kỳ rắc rối hơn dù cũng từ phó mát. Phó mát thái từng khoanh nhỏ độ chừng hai đốt ngón tay đặt trên những vĩ nhỏ của bếp lò (loại bếp đặc biệt dành cho Raclette), lò nóng làm phó mát chảy ra trát lên bánh mì, hoặc ăn cùng khoai tây luộc, ô liêu, thơm, ớt ngọt v.v…

Sau bữa ăn, người Thụy Sĩ có thói quen uống cà phê. Dường như cà phê là thức uống chính của họ. Ngày bốn cử: Sáng, trưa, chiều, tối. Một tách cà phê trong quán sơ sơ tối thiểu khoảng 3 đô la Mỹ, cộng với một phần ăn trung bình từ 10 đô tới 25 đô, chưa kể các món đặc biệt có giá riêng. Mắc quá phải không quí bạn? Nhưng với vật giá đắt đỏ: Thịt ba rọi khoảng trên 10 đô la một ký, nạc thăn 27 US một ký, Koteletts 15 đô la một ký, thịt bò giá rẻ nhất đã 12 đô la mắc nhất tới 70 đô la một ký. Riêng gà (không kể gà chạy rong, vườn nhà 15 US một ký, phi lê thì 17 US), thông thường thịt gà tương đối rẻ nhất tính con chỉ 6 đô một ký. Rau cỏ chung chung từ 2 đô tới 20 đô một ký, tùy loại. Đặc biệt rau Á Châu như rau muống, cải, khổ qua, bầu bí, mồng tơi, tần ô v.v…đổ đồng trên 10 đô một ký. Thử hỏi các tiệm ăn, ngoài trang trải tiền nhà, nhân công, thuế má…làm sao bán rẻ hơn được. Nhiều du khách đến Thụy Sĩ giật mình chóng mặt trước giá sinh hoạt quá cao. Nhưng tương đương với đời sống cao, đồng lương tại Thụy Sĩ cũng cao. Tính trung bình cộng cho một đầu người làm việc 100%, tuần 42 tiếng rưỡi, năm có bốn tuần hè (từ 50 tuổi trở lên có 5 tuần hè) có lương tháng mười ba, có nơi thêm lương thứ mười bốn, khoảng 3000 US một tháng.

Mức lương tại Thụy Sĩ không chênh lệch quá đáng giữa công nhân và trí thức, giữa người giàu và người nghèo. Kẻ tám lạng, người cũng nửa cân. Mức lương này, chính quyền dựa vào giá sinh hoạt, bằng cấp, khả năng, công việc để ấn định nấc thang lương, bảo vệ đời sống của người dân, ổn định xã hội, tránh tình trạng bóc lột. Lẽ dĩ nhiên, các chủ nhân ông, các viên chức cao cấp nhà nước, ngoại lệ. Nhờ vậy mức sống tiện nghi tối thiểu của mọi người dân gần như đồng đều nhau.

Đối với vấn đề thất nghiệp cũng có qui chế riêng, được hưởng trợ cấp một hay hai năm, 70% hay 80% lương tùy theo thu nhập, tuổi tác, thời gian làm việc. Suốt thời gian kiếm việc làm, những người thất nghiệp được gởi theo học các khóa chuyên môn, học ngoại ngữ, vi tính (nếu muốn).... tất cả đều miễn phí, chẳng những thế còn cấp thêm tiền tàu xe và tiền ăn uống trong ngày suốt thời gian đi học. Nhưng vấn đề được đề cao ở đây để thấy tính nhân bản, chu đáo “thương dân như thể thương con” của chính sách nhà nước Thụy Sĩ. Người thất nghiệp khi gần hết hạn qui định lãnh tiền (đừng lo lắng) vì sẽ nhận được thư thông báo, nhắc nhở, quan tâm hướng dẫn sang cơ quan xã hội để được cứu xét nhận tiền tiếp. Như vậy vẫn chưa đâu, sau đó, giám đốc sở thất nghiệp còn gởi thư thăm hỏi suốt thời gian liên hệ với sở thất nghiệp nhận xét thái độ cách đối xử của từng nhân viên trong từng bộ phận qua bản đánh giá với 3 cột điểm: Rất tốt, tốt hay không tốt để họ...?! Tuyệt vời quá. Đúng là “của cho không bằng cách cho”!

Còn đối với quá phụ thì sao? Cũng khỏi lo lắng. Nếu người vợ không đi làm, không con hay đông con vẫn tiếp tục nhận lương của người mất, nhà nước sẽ tính sao cho...dư sống thì thôi. Dư sống tôi muốn nói ở đây là kể thêm tiền du lịch!

Là trái tim của Âu Châu, với nếp sống thung dung, thanh bình, đồng lương cao, phong cảnh đẹp, ướt át, thơ mộng, Thụy Sĩ được mệnh danh “thiên đường hạ giới” của rơi không ai buồn lấy (?) (điều này không bảo đảm 100% nhưng thực tế có thật), ít trộm cắp, không có ăn mày, cửa ngỏ có nhà không thèm khóa (?) (nói rõ hơn, quên khóa vẫn không sao) đã là nguyên do thu hút nhiều nhân công từ các nước lân cận. Có khoảng non một triệu công nhân ngoại quốc. Ý chiếm 50%, phần còn lại Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Tư và ngày nay thêm tị nạn Việt Nam, Lào và Campuchia…Ngoài ra, còn một số “công nhân mùa” làm việc , sống 9 tháng tại Thụy Sĩ, và một loại “công nhân biên giới” như Đức, Áo, Pháp sống sát biên giới sang Thụy Sĩ làm việc.

Một câu hỏi đặt ra, Thụy Sĩ nhỏ, nhiều đồi núi, không tài nguyên thiên nhiên, thử hỏi nền kinh tế bắt nguồn từ đâu ra để thu hút nhân công nước ngoài?

Trong quá khứ, cho đến giữa thế kỷ 19, Thụy Sĩ vẫn còn là một nước nghèo. Dân chúng lang thang bỏ xứ đi làm công hoặc làm lính đánh thuê cho những trận chiến ở Âu Châu. Nhưng từ năm 1948 công cuộc xây dựng đất nước cũng như lợi điểm không bị tàn phá bởi hai cuộc thế chiến 1914 - 1918 và 1939 - 1945 mang lại cho Thụy Sĩ một nền kinh tế phồn thịnh, thành trung tâm sản xuất và tài chánh quan trọng hàng đầu trên thế giới.

Với một nền kỹ nghệ mạnh, kỹ thuật tối tân, công nhân lành nghề, Thụy Sĩ sản xuất ra nước ngoài quan trọng nhất là những hàng hóa thuộc kỹ nghệ kim khí, máy móc, dược hóa, đồng hồ, ngành vải thêu, quần áo, sô cô la.. v.v…

Hầu hết các hàng xuất khẩu đòi hỏi kỹ thuật cao, phẩm chất tốt. Sô cô la được đánh giá ngon nhất thế giới và đồng hồ với các nhãn hiệu Omega, Rolex, Longine…cũng là một trong những sản phẩm của Thụy Sĩ bất hủ với thời gian. Dù sản xuất từ gốc, giá thành các loại đồng hồ hiệu này cũng không rẻ. Sơ sơ từ 350 đô la trở lên tới năm, mười ngàn đô (nếu có trạm kim cương), hoặc còn mắc hơn nữa, có khi tới cả 100 ngàn. Ngành vải thêu, quần áo sản xuất tại thành phố St. Gallen, nơi tôi cư ngụ, cũng nổi tiếng không ít. Hầu hết cung cấp cho các ông hoàng bà chúa, mệnh phụ phu nhân, công tử tiểu thơ, giới thượng lưu, giàu có…trên khắp thế giới. Một mét vải có khi tới bốn, năm ngàn đô la. Chuyện khó tin nhưng có thật ! Như hãng Akris, hãng cung cấp quần áo thời trang cho giới thượng lưu, nơi tôi làm việc từ hơn 10 năm nay, nếu quí vị có dịp du lịch đến các thành phố lớn trên thế giới như New York, Tokyo, Paris, Berlin, Hamburg, Genève, Zürich, London v.v… quí vị thử ghé vào cửa hàng bán quần áo có nhãn hiệu Akris, quí vị sẽ chóng mặt với giá thành của nó. Một chiếc áo sơ mi , một quần tây, một chiếc khăn quàng tối thiểu từ 500 U.S. trở lên. Đó chưa kể những chiếc áo đầm, áo khoác, áo veste có khi tới trên 3000 đô la hay trên 3000 Euro. Còn áo dạ hội trên 10 ngàn đô la là chuyện thường. Nhật là nước chiếu cố quần áo của hãng Akris nói riêng và của Thụy Sĩ nói chung nhiều nhất. Vì ai cũng biết, đời sống Nhật cao nhất thế giới mới “cự” lại vật giá đắt đỏ của Thụy Sĩ.

Nhưng những hàng đem lại nhiều ngoại tệ cho Thụy Sĩ là máy móc công xưỡng, dụng cụ tinh vi. Người ta tính được cứ ba quan Thụy Sĩ kiếm được có một quan từ nước ngoài.

Kỹ nghệ và nông nghiệp tại Thụy Sĩ phần lớn nằm trong tay tư nhân. Trừ công ty hỏa xa, còn các tổ chức giáo dục, ngoại giao, thông tin, quân sự, tiền tệ, dân luật, quan thuế, công pháp, luật thương mại, bưu điện đều do chính phủ Liên Bang (chính quyền trung ương trụ sở đặt tại thủ đô Bern) điều hành kiểm soát. Tuy vậy, dù không hô hào, dùng những danh từ hoa mỹ “đao to búa lớn”, Thụy Sĩ thật sự là một nước thực thi theo hình thức chủ nghĩa xã hội nhân bản, lấy con người làm gốc, tôn trọng quyền lợi và ý kiến của dân. Chính quyền và quốc hội chỉ ở vai trò hướng dẫn đề nghị, mọi quyền quyết định tuyệt đối đều do dân, thể hiện qua các cuộc bầu phiếu.

Với nền kinh tế thị trường, kỹ nghệ hóa tối đa về thương mại mậu dịch, giá cả theo luật cung ứng và nhu cầu của nền kinh tế, thêm vào đó, về phương diện chính trị, Thụy Sĩ trung lập, quân đội chỉ có nhiệm vụ bảo vệ nền độc lập quốc gia, không tham dự trong hai cuộc thế chiến, không can thiệp vào nội bộ quốc gia khác; đối với Liên Hiệp quốc chỉ mới gia nhập làm hội viên từ vài năm nay, nhưng Thụy Sĩ chỉ chủ trương tham dự vào các tổ chức nhân đạo và gần như là trung gian cho các cuộc tranh cãi của thế giới trụ sở đặt tại thành phố Genève; nhờ vậy, Thụy Sĩ thanh bình, yên ổn làm ăn từ gần 200 năm nay càng làm cho Thụy Sĩ, tuy nhỏ, nhưng được đánh giá một trong những nước giàu có hạng trên thế giới đã khiến cho người Thụy Sĩ luôn tự hào về dân tộc họ “nhỏ mà ngon” bấy lâu.Và cũng vì niềm tự hào đó, Thụy Sĩ không gia nhập liên hiệp Âu Châu, tự biến mình như một ốc đảo nằm chơi vơi giữa biển khơi. Nhưng, một vài miếng ngon vật lạ đó có còn ngon mãi, hay với thời gian sẽ làm ta ngán, đó là câu hỏi, xin dành cho người thưởng thức.

Thưa quí bạn,

Một điều thật thiếu sót nếu tôi quên nói đến phương tiện giao thông tại Thụy Sĩ. Là một nước nhỏ như cái lỗ mũi, lái chiếc xe vòng vòng một ngày là có thể đi hết nước, do đó phương tiện giao thông chính của Thụy Sĩ là xe lửa. Xe lửa nối liền các thành phố, tỉnh lỵ, làng mạc và cả các nước trên khắp Âu Châu.

Bên cạnh đó, xe Bus cũng thông dụng, là phương tiện công cộng chính cùng với xe lửa giúp người dân phương tiện đi lại, đi làm. Xe hơi có tính cách tư nhân.

Nhưng, cũng như các vật giá khác, vé xe lửa cũng không rẻ. Một chuyến vừa đi vừa về từ St. Gallen đến Genève 4 tiếng là 190 quan ( khoảng 190 U.S. ). Vé Bus cho một lần đi trong thành phố khoảng 3 U.S. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp đặc biệt dành cho dân định cư với vé hằng năm rẻ hơn, hoặc nửa giá tùy loại. Đối với du khách cũng có những khoản ưu đãi đặc biệt để mua vé rẻ như người bản xứ, xin quí bạn chịu khó hỏi thăm ở quày vé để được hướng dẫn chu đáo.

Cũng xin nói thêm, người Thụy Sĩ rất lịch sự, làm việc nghiêm túc, đàng hoàng. Tuy họ vốn không cởi mở, nhưng nghề nghiệp chuyên môn đòi hỏi họ ân cần nở nụ cười, thực thi một cách chuẩn xác câu “khách hàng là thượng đế ”. Do đó, quí bạn đừng ngại ngùng khi quấy rầy họ, để khỏi mua vé mắc như kể trên.

Xe gắn máy tại Thụy Sĩ không thông dụng lắm. Phần đường dốc vì nhiều đồi núi, phần khí hậu lạnh hầu như quanh năm. Không kể mùa đông tuyết rơi, đường xá trơn trợt vô cùng nguy hiểm, dù mùa hè, nhiệt độ trên dưới 30 độ C, khí lạnh từ các hốc núi vẫn tiết ra, bắt buộc người dùng xe gắn máy, ngoài chiếc nón an toàn, nếu không bố trí thêm bộ quần áo bít bùng bó sát thân hình thoáng trông như người nhái dưới đáy biển, hoặc từ cung trăng rơi xuống cũng phải áo khoác, vớ, găng tay chống lạnh vô cùng phiền phức. Tuy vậy, chín người mười ý, vẫn có kẻ thích sử dụng xe gắn máy, nhưng không nhiều.

Xe đạp cũng vậy, chỉ dùng vào mùa khô ráo ấm áp. Nhất là vào hè, từng đoàn học sinh, sinh viên, nhóm, hội, cả người già..v.v…sử dụng xe đạp với tính cách thể thao hơn là coi như phương tiện đi lại.

Riêng máy bay càng ít thông dụng hơn, không thiết thực trong một nước nhỏ. Cho nên máy bay chỉ sử dụng vào những trường hợp rất đặc biệt hoặc bay xa đến các lục địa.

Thưa quí bạn,

Chuyện về nước Thụy Sĩ đại để như vậy đó. Còn con người Thụy Sĩ thì sao? Xin thưa, với bản chất hiền hậu, thật thà, dễ tin người, tâm hồn người Thụy Sĩ thánh thiện như những vị tiên sống trên tiên cảnh. Họ yêu hòa bình, thích cảnh thiên nhiên, tĩnh lặng. Một tiếng động nhẹ cũng có thể làm họ giật mình, thắc mắc.

Vốn sạch sẽ, người Thụy Sĩ rất chịu khó bỏ thời gian cuối tuần lau chùi nhà cửa, xe cộ và có tinh thần giữ vệ sinh chung. Ngoài phố, khó mà tìm thấy một chiếc xe hơi móp méo, dơ bẩn hoặc phân chó, rác rưởi bừa bãi trên đường. Cây cảnh hoa trái cũng được chăm sóc một cách đặc biệt. Ngoài ra, nhờ dân trí cao, có ý thức dân tộc, họ biết tôn trọng quyền lợi chung và có trách nhiệm cao khi làm việc.

Trong xã hội, nếu người Việt Nam trước đây hấp thụ tư tưởng Khổng Nho tôn vinh ba thành phần “quân, sư, phụ” ( vua, thầy, cha mẹ) thì người Thụy Sĩ thực tế hơn, tuy không đưa ra một thang giá trị xã hội nào, nhưng họ ngấm ngầm quí trọng “sư, y, cảnh ” (thầy cô, bác sĩ, cảnh sát) vì ba thành phần này gần gũi với họ, phục vụ họ tận tình đem cho họ những lợi ích thiết thực: Có trí tuệ, có sức khỏe, được bảo vệ an ninh để an cư lạc nghiệp.

Ngày nay, sau bao nhiêu năm cuộc sống ổn định, vào nề nếp, người dân Thụy Sĩ tin tưởng tuyệt đối vào pháp luật và dựa vào đó làm nền tảng vững chắc để có trật tự xã hội.

Bây giờ, tiện dịp, tôi cũng xin sơ luợc về hiện tình cộng đồng người Việt sinh sống tại Thụy Sĩ để quí bạn biết thêm.

Hẳn các bạn cũng rõ, trong thực tế, làm con nuôi nhà giàu, nhất lại cha mẹ nuôi đầy lòng nhân ái như người Thụy Sĩ vẫn ấm thân tuy có buồn tủi nhưng không đau khổ, buồn tủi bằng con ruột có bố mẹ ruột thiếu trách nhiệm.

Những người “con nuôi”( tị nạn) của Thụy Sĩ thỉnh thoảng ngồi bên nhau vẫn thì thầm “mình tu nhiều đời, phúc đức nhiều đời mới lọt được vào đây”. Đó là niềm an ủi của người Việt tha hương định cư tại Thụy Sĩ. Thật vậy, không kể một vài trường hợp đặc biệt hoặc những người tàn tật, bệnh hoạn ưu tiên được bốc nhân đạo, hầu hết thân phận của đồng bào Việt tị nạn ở đây, hồi ở đảo vì những lý do nào đó trục trặc hồ sơ không nước nào nhận, không diện ưu tiên được định cư những nước mà đồng bào hồi đó thường mơ ước: Hoa Kỳ, Canada, Úc…để xém làm chúa đảo, lơ ngơ không rõ thân phận trôi về đâu, chẳng khác nào:

Thân con như tấm lụa đào,

Phất phơ trước gió biết vào tay ai

Hoặc

Thân ...tị nạn mười hai bến nước

Trong nhờ, đục chịu

Thì may sao tất cả đã lọt vào vùng nước trong do phái đoàn Thụy Sĩ “hốt”. Sau một thời gian khoảng hai đến sáu tháng “tập trung” nhưng không “cải tạo” để thiết lập hồ sơ; ngày ngày chỉ ăn, ngủ, học sinh ngữ và nhận một tí tiền còm tiêu vặt, người tị nạn được phân tán mỏng khắp nơi trên nước Thụy Sĩ với sự hướng dẫn tận tình của bảo trợ và sự tài trợ rất chu đáo của các cơ quan từ thiện Caritas, Heks, Hồng Thập Tự, Quốc Tế Xã Hội ( ISD) v.v…Sau thời hạn 5 năm, người tị nạn dù chưa hay đã ổn định nơi ăn chốn ở, công việc làm, học hành, sự trách nhiệm đều chuyển qua ty xã hội của chính phủ tại từng địa phương. Ngoài các mục chi tiêu cần thiết: tiền nhà, tiền sinh sống (ăn, mặc, tiêu vặt… ), tiền đóng bảo hiểm bịnh tật, cả du lịch nữa ...v.v…nếu bạn là sinh viên có khả năng theo đuổi các trường đại học, bạn sẽ nhận được quĩ học bổng tại thành phố nơi bạn có “hộ khẩu” . Thời hạn du di tùy theo khả năng và môn học của bạn thường trung bình khoảng 5 năm kể từ khi nhập học. Ngoài ra, nếu bạn ba lém khéo léo biết mánh mung, bạn có thể lợi dụng danh nghĩa “sinh viên nghèo” (dù đã có học bổng) viết thư đến các hãng xưởng sản xuất thực phẩm xin vài ký kẹo sô cô la ăn chơi, hoặc các cơ quan từ thiện tư nhân, nhất là thuộc các tôn giáo v.v…xin vài …ngàn tiêu vặt ( Thụy Sĩ giàu mà, nhằm nhò gì vài ngàn lẻ tẻ đó!). Thật ra, cũng bởi số sinh viên Việt Nam tại Thụy Sĩ đếm trên đầu ngón tay, sinh viên bản xứ cũng chỉ chiếm 6% toàn quốc, nên mới được “cưng” như vậy. Hầu hết sau lớp 9 đều theo ngành nghề chuyên môn học hai, ba hay bốn năm nắm phần ăn chắc mà lương căn bản cũng suýt soát không thua mấy tốt nghiệp đại học.

Ngày nay, sau thời gian dài định cư, cuộc sống của người tị nạn Việt Nam đã được ổn định. Nhờ sự chăm chỉ cần cù khéo tay sẵn có, tạo một điểm son, ấn tượng đẹp trong lòng người Thụy Sĩ, thêm mức lương cao, người tị nạn Việt Nam nhìn chung dễ dàng tạo một “bước tiến nhảy vọt” sang giai đoạn mới, giàu có, rủng rỉnh tậu nhà, sắm xe v.v… Chỉ tiếc là món ăn thể chất càng cao, món ăn tinh thần càng thấp. Một phần, nếu như ông Đỗ Thông Minh trong báo Diễn Đàn Phụ Nữ số 157 mục “Thư Đông Kinh” ví von Little Sài Gòn là Sài Gòn thu hẹp trước 75, Mạc Tư Khoa là Hà Nội, Úc như Cần Thơ, Gia Nã Đại như Đà Nẵng, Nhật như Hội An thì Thụy Sĩ thân mến của tôi, tôi ví là vùng cao nguyên thượng du với đồng bào thiểu số ,vì trên tôi có thưa, Thụy Sĩ toàn đồi núi, dân cư thưa thớt, người tị nạn Việt Nam cũng không nhiều; đã thế, còn bị phân tán mỏng khắp nơi trên toàn quốc, không qui tụ đông đảo ở một thành phố nào, nhân tài bị xé lẻ rất khó làm việc, lại thêm người Việt Nam vốn có thói quen đã thành truyền thống “một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại chẳng nên cây gì”, nên sinh hoạt cộng đồng Việt Nam tại Thụy Sĩ về mặt văn hóa, chính trị… không có nét nổi bật, nhộn nhịp như các nước khác. Đa số hoạt động có tính cách địa phương. Ngày nay, sau một thời gian dài “gối mỏi, chân mòn”, cuối cùng chỉ còn một thực lực bền bỉ, đáng kể có nếp sinh hoạt qui củ lâu dài nhất đó là tôn giáo. Hầu hết hoạt động xôn xao vào các dịp lễ chính, nhất là Tết Nguyên Đán…tạo cơ hội để cộng đồng người Việt gặp gỡ nhau.

Thưa quí bạn,

Chuyện Thụy Sĩ đến đây tôi xin tạm ngưng. Qua bài viết như tôi vừa kể, Thụy sĩ đối với quí bạn như thế là ngon hay ngán???

Thân chào quí bạn. Chúc quí bạn những ngày vui.

Trần thị Nhật Hưng

2007

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/10/2014(Xem: 4781)
Hai kẻ thù đã lâu đời, hai chàng trai trẻ nhất thuộc hai dòng tộc võ sĩ đạo lâm chiến, đang rình rập nhau trong vùng hẻm núi dưới mé sông trong lúc bà con dòng họ đôi bên đang chém giết lẫn nhau trên phía đồng bằng. Mối hận thù nẩy sinh giữa hai chàng sâu đậm đến độ như muốn lộn mửa, và khi trông thấy nhau, mỗi chàng đều nguyện cầu: “Lạy Trời nếu con phải chết, xin cho con gây ra tử thương cho kẻ oán thù trước khi con lìa đời.”
18/10/2014(Xem: 43886)
Uống trà là một nét đẹp văn hóa truyền thống của Á Đông theo phương châm“Bình minh nhất trản trà". Cách đây hàng ngàn năm, con người đã biết đến trà như một loại nước uống mang lại sự sảng khoái, thanh khiết cho tinh thần, là cách để khai tâm mở trí. Người ta xem chén trà là đầu câu chuyện, là gợi mở tâm linh, là giao thoa văn hóa và kết nối lòng người.
10/10/2014(Xem: 4454)
Từ lâu, người ta tin rằng có một cái “bản ngã” thường hằng, bất biến, tồn tại độc lập trong vạn pháp. Trước sự nhầm lẫn tai hại đó, Phật Thích Ca bèn nói thuyết “Vô ngã” để chúng sinh phá chấp. “Vô ngã” không phải không có gì hết mà là không có tự tánh, không có tự thể riêng biệt. Đây là một trong ba Pháp ấn trong hệ thống giáo lý của Phật giáo (hai pháp ấn kia là Khổ và Vô thường). Gọi là Pháp ấn có nghĩa là trong tám mươi bốn ngàn pháp môn của đạo Phật nếu có pháp môn nào không có một trong ba khái niệm Khổ, Vô thường và Vô ngã thì không phải giáo lý đạo Phật.
03/10/2014(Xem: 4395)
Học sinh thường cho rằng, các thầy cô chỉ nhớ tên học sinh giỏi, học sinh đẹp hoặc hoạt động hiệu đoàn... Cho nên mỗi lần nếu tôi gặp lại một em học sinh không có gì xuất sắc ngày xưa mà tôi còn nhớ tên, thì đó là một niềm vui to lớn của em là được thầy cô còn nhớ mặt và nhớ tên của mình. Sau khi cuộc chiến lan tràn trên quê hương thầy trò phân tán, tôi đi cùng nam cực bắc, đi xa nửa trái địa cầu, rải rác khắp nơi, tôi vẫn gặp lại những em học sinh Đồng Khánh cũ. Và nhờ cố gắng nhớ mặt, nhớ tên các em, nên hầu như ở đâu tôi cũng gieo được chút niềm vui cho những người đang phập phồng chờ được gọi đích danh sau một câu mở đầu công thức: „Cô còn nhớ em không?“. Những con người ấy, những học sinh Đồng Khánh tha phương - xa trường, xa thầy bạn cũ đã xưa rất xưa, mà chính bản thân khi soi gương cũng không còn bắt được hình bóng mình ngày ấy..., bất giác còn được gọi tên, còn được nhớ, còn được nhắc nhở đến bao kỷ niệm của một thời. Ôi! Vui biết bao nhiêu, ấm áp ngọt ngào biết bao nhiêu
02/10/2014(Xem: 4308)
Ra đến bến xe trời hãy còn khuya khoắt, trông cảnh nhộn nhịp ì xèo rộn lên từ những gian hàng ăn uống ở một góc gần bên, và tiếng nói cười lăng xăng của hành khách đi lại lẫn với tiếng những người bán hàng rong mời mọc. Nhìn sang quầy bán vé bây giờ không giống như những ngày tháng sau năm 1975, bề mặt thoáng mát rộng rãi trang trí bởi những bảng quảng cáo, những hoa văn sắc màu, những hàng ghế để khách ngồi chờ trông lịch sự. Khách mua vé rất nhanh khỏe hơn xưa, không còn cảnh chen lấn xếp hàng cả buổi trời như trước đây, lại có thêm nhiều loại xe phục vụ trên các tuyến, việc nầy còn tùy thuộc vào túi tiền của hành khách, ai có tiền nhiều thì đi loại xe chất lượng cao, còn ai ít tiền thì đi loại xe bình dân hơn. Nói vậy chứ còn khá hơn trước Đây, bởi ba chiếc xe car cũ kỹ hoặc xe chạy bằng than đá trên những tuyến Miền Đông, Miền Tây vào những năm 1975 - 1990.
24/09/2014(Xem: 6422)
Xưa có một người quyết tâm học đạo, theo một vị thiền sư sống trong một cái cốc nhỏ, sống đạm bạc, quyết chí tu hành. Một này kia, có công việc, vị thiền sư phải đi xa, dặn đệ tử ở lại phải lo chăm chỉ tu hành, luôn luôn giữ lối sống đạm bạc và tâm hồn thanh tịnh. Người đệ tử này chỉ có một chiếc khố che thân. Đêm tới khi ngủ, máng khố trên vách, thường bị chuột chui ra cắn rách, phải xin bá tánh chút vải thừa thay khố nhiều lần.
03/09/2014(Xem: 4716)
Lúc đó tôi được 13 tuổi. Trước đó một năm gia đình tôi đã chuyển từ Bắc Florida đến miền Nam California. Tôi dễ hận thù khi vừa đến tuổi vị thành niên. Tôi rất nóng nảy và hay cãi lại đối với bất cứ chuyện gì dù nhỏ mà ba mẹ đề cập tới, đặc biệt là nếu nó liên quan đến tôi. Cũng giống như nhiều đứa trẻ lứa tuổi thiếu niên, tôi khó chấp nhận bất cứ điều gì đi ngược lại với quan điểm của mình về thế giới chung quanh. Một đứa bé “thông minh không cần dạy bảo”. Tôi phản đối bất cứ biểu lộ nào của tình thương. Thật sự, tôi dễ giận dữ khi đề cập đến cái từ “thương yêu”.
26/08/2014(Xem: 4121)
Ở ven bờ bể Mễ Tây Cơ, có một làng nhỏ chuyên sống nghề đánh cá, một chiếc thuyền con lướt sóng nhẹ vào bờ, đem về vài con cá khá to. Một ông khách Mỹ đứng trên bờ, khen ngợi nghề đánh cá tài giỏi của anh chàng Mễ Tây Cơ và hỏi anh ta mất bao nhiêu thì giờ mới được chừng đó cá. _ “ Không lâu lắm đâu !” anh Mễ Tây Cơ trả lời.
17/08/2014(Xem: 25480)
Đại Sư tên là Huệ Năng, cha họ Lư, tên húy là Hành Thao. Người mẹ họ Lý, sinh ra ngài nhằm giờ tý, ngày mùng tám tháng hai, năm Mậu Tuất, niên hiệu Trinh Quán thứ 12. Khi ấy, hào quang từ nhà ngài chiếu sáng lên không trung, mùi hương lạ tỏa lan khắp nhà. Đến tảng sáng, có hai vị tăng lạ mặt đến thăm, bảo cha ngài rằng: “Khuya nay ông vừa sinh quý tử, chúng tôi đến đây là để đặt tên cho cháu bé. Ông nên đặt trước là chữ Huệ, sau là chữ Năng.”
17/08/2014(Xem: 24281)
Nhân quả báo ứng là một tập truyện của Trung Quốc, có vẽ tranh minh họa rất sinh động. Tập truyện này trước do ngài Văn Xương Đế Quân đời nhà Tấn sưu tập những truyện nói về nhân quả và sự báo ứng qua nhiều triều đại ở Trung Quốc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]