Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Có Một Thế Giới Lạ

09/09/201320:57(Xem: 5216)
Có Một Thế Giới Lạ

mot_the_gioi_la_1

● Trần Thị Nhật Hưng

Đối với những ai đã từng ghé Ấn Độ, nghe ngóng, tìm hiểu, quan sát, hẳn không xa lạ gì với thế giới của lực lượng Tăng Ni sinh viên Việt Nam đang du học tại đó. Nhưng với riêng tôi, cho mãi năm 2011 trong chuyến hành hương Tích Lan, tôi mới thực sự biết được bằng mắt thấy tai nghe thế giới lạ đó qua sự giới thiệu của Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác về bốn sinh viên tu sĩ, học tăng từ Ấn Độ.

Nếu đạo Phật cho rằng tất cả mọi sự trên đời đều do nhân duyên từ điều này sinh ra việc kia, thì sự quen biết của tôi với bốn học tăng không có gì lạ. Vâng, tất cả đều do nhân duyên. Từ đó, tôi khám phá ra “Có Một Thế Giới Lạ” mà bao lâu tôi chưa hề quan tâm biết đến.

Tôi lại hân hạnh được mời tham dự lễ lãnh bằng của 5 tân Tiến sĩ tại trường Đại Học Delhi, trong đó có 2 vị tôi từng gặp tại Tích Lan, Đại Đức Thích Như Tú và Đại Đức Thích Nguyên Tân. Với tư cách tường thuật viên báo Viên Giác, tôi không ngại ngùng gì từ chối, dù trước đó vài tháng, tôi mới vừa hành hương xứ Phật.

Đặc biệt buổi lễ có sự hiện diện của Hòa Thượng Phương Trượng Chùa Viên Giác, ngài không chỉ là vị sáng lập chủ nhiệm báo Viên Giác mà còn là một vị ĐẠI ÂN NHÂN của các Tăng Ni sinh đã và đang du học tại Ấn Độ nói riêng và một số các nước khác nói chung.

Nếu nói về nhân duyên, tôi cũng có nhiều nhân duyên với Hòa Thượng, không riêng chuyến đi này, mà trước đó vài tháng, tình cờ tôi gặp Thầy tại Bồ Đề Đạo Tràng, chỉ một ngày thôi, nhưng đủ cho tôi cũng nhận ra sự tận tụy hết lòng của Thầy vì tiền đồ của Phật Giáo qua sự quan tâm đến đàn hậu học. Hôm đó, Thầy triệu tập hầu hết những Tăng Ni sinh nhận học bổng (có một số mới cũng đến xin học bổng) để Thầy thăm hỏi, khích lệ, khảo sát việc học hành của sinh viên. Rất tiếc tôi đến trễ không được tham dự, nhưng chỉ đọc chương trình buổi thảo luận còn dán ở cửa phòng, mà đề tài Hòa Thượng đưa ra cho Tăng Ni sinh nghiên cứu để thuyết trình, tôi vẫn nhìn ra sự chu đáo của Hòa Thượng đã sử dụng đúng đắn và cẩn trọng số tiền ủng hộ của đàn na tín thí cho quỹ học bổng tăng ni. Tôi còn biết thêm rằng, đây là thông lệ hằng năm của Hòa Thượng nữa.

Hôm nay trong chuyến đi này, lót tót đi sau lưng Thầy tại phi trường Delhi. Suốt đoạn đường dài từ phi cơ ra tới chỗ lấy hành lý khá xa, lại một lần nữa, nhìn chân tóc bạc của Thầy lấp lánh như sao, cùng oằn vai xách túi hành lý nặng (hành lý xách tay), không xe kéo, thỉnh thoảng Thầy thả xuống khi đi qua đường điện lăn, lòng tôi dấy lên một niềm cảm kích vô biên. Dù tôi... liễu yếu đào tơ, dù trong ba lô, Schocola cũng làm oằn vai tôi, nhưng tôi vẫn lên tiếng: “Thầy để con xách cho!”. Nhưng Thầy nào nỡ!

Đáp cùng chuyến bay với Hòa Thượng, tôi được hưởng ké nhiều phước duyên của Thầy. Một đoàn Tăng Ni sinh có đến 20 người cung nghinh tại phi trường dù lúc đó đã gần 2 giờ sáng. Một tràng hoa lan Thái chào mừng màu cánh sen được choàng vào cổ Thầy như vinh danh sự chiến thắng nỗi nhọc nhằn Thầy vừa trải qua suốt đoạn đường dài và nhất là nỗi vất vả khó khăn trước đó một ngày, Thầy đã phải đích thân từ Hannover đến Hamburg quyết tâm “chiến đấu tới giây phút cuối cùng với tòa Đại sứ ” để đạt được visa Ấn Độ.

Trời đêm Delhi se se lạnh. Cái lạnh dễ chịu của tiết cuối Xuân như hòa nhập trong nỗi vui của bao người. Chiếc xe Bus chở chúng tôi êm ái lao mình trong đêm. Trong cái mờ mờ tối của những ngọn đèn đường, tôi vẫn nhận ra những hàng cây rợp lá hai bên đường và cả dưới thung lũng sâu và vài chiếc xe tải hàng bọc vải bít bùng qua lại trong đêm. Trong xe, không ai nói lời nào nữa. Mọi ngôn ngữ đã trao nhau lúc đón ở phi trường, giờ chỉ còn ánh mắt nhìn nhau và những nụ cười vẫn mỉm trên môi như nói lên tất cả niềm vui đang chất chứa trong lòng.

Ấn Độ không có hàng quán Á châu. Hoặc nếu có cũng rất xa. Gia vị chính của Ấn Độ nặng mùi cà ri khó nuốt, nên Ban tổ chức đã chu đáo sắp xếp thức ăn hợp khẩu vị để cúng dường suốt thời gian Hòa Thượng ở đó.

Có hai nhóm cúng dường. Ngày đầu nhóm tu sĩ Bắc tông. Ngày sau nhóm Khất sĩ.

Khất sĩ là hệ phái phát xuất từ Việt Nam vào thập niên 1940 giữa thế kỷ 20 do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập với chủ trương cầu giải thoát. Cũng ăn chay như Bắc tông nhưng không là Bắc tông và càng không là Nam tông, hay nói cho rõ hơn, Khất sĩ phối hợp và hài hòa giữa Bắc và Nam tông.

Sau buổi điểm tâm, Hòa Thượng cùng các tân Tiến sĩ đến thăm và biếu quà vị Khoa trưởng và Thầy, Cô, không chỉ để riêng các tân khoa từ biệt và tỏ lòng biết ơn đã hết lòng giảng dạy mà còn chứng tỏ truyền thống của người Việt Nam luôn biết tri ân, tôn kính Thầy, Cô.

Chiều đó, sau bữa cơm trưa, may mắn lại có buổi thuyết giảng của Đức Dalai Lama ngay sảnh đường của trường đại học. Hằng ngàn người tham dự dành cho khách mời quan trọng, Giáo sư Đại Học và sinh viên. Ngài Dalai nói về Đạo Đức Học: Giáo Dục Tâm và Ý. Mục đích ngài muốn truyền đạt đến những người đang và sẽ gánh vác xã hội trong tương lai một thông điệp nhấn mạnh về cái Tâm và đề cao Đạo Đức trong xã hội, đó mới là nền tảng đem lại sự an vui thiết thực cho con người và mọi loài chúng sanh.

Ấn Độ có 80% người theo đạo Hindu, một tôn giáo xưa nhất của Ấn Độ. Chủ yếu lấy kinh Vệ Đà (Phệ Đà) làm nội dung cơ bản và sùng bái Phạm Thiên (Brahma), chủ trương mỗi một sinh vật (bao gồm cả con người) đều có cuộc sống, đều có linh hồn nên cũng cầu thoát khỏi luân hồi. Hoàn toàn ăn chay, và cho sự ăn chay là thể hiện lòng nhân đối với chúng sinh do đó rất gần gũi với đạo Phật. Ấn Độ rất nhiều cây xanh, trông vừa mát mắt vừa làm giảm cái nóng nực vào mùa hạ. Chim chóc, sóc, khỉ tha hồ tung bay hay chạy nhảy thoải mái tự do trong rừng thưa và con người nhìn chung nét mặt rất hiền hòa. Dù nghèo vẫn có vẻ an nhiên tự tại chấp nhận cái nghèo, đời sống không xô bồ chụp giựt hối hả như nhiều nơi tôi thường thấy. Ban đầu đi trên phố Delhi, thủ đô Ấn Độ, tôi luôn mang tâm trạng sợ hãi của cảnh giựt xách đầm, dây chuyền, trộm cắp…; nhất là sợ mất xe Honda của ni cô, người đưa tôi đi đổi tiền và sắm sửa, khi thấy cô chỉ khóa xe rồi để xe khơi khơi giữa đường. Cô luôn trấn an tôi, Ấn Độ tuy nghèo nhưng hiền hòa lắm, không sao đâu. Xe Honda không bao giờ bị mất cắp vì có mang số. Chính quyền kiểm soát chặt chẽ lắm vấn đề này. Đàn bà tại Ấn Độ phải đem của hồi môn “cưới“ chồng; nhưng bù lại, sau khi được “gả“ về nhà vợ, người chồng có bổn phận phải làm việc nuôi vợ con; vợ chỉ ở nhà lo việc nội trợ và trông con, nên các cửa tiệm hàng quán chỉ thấy đàn ông gánh vác.

Rồi ngày trọng đại đã đến, mục đích của chuyến đi: tham dự lễ phát bằng Tiến sĩ. Một ngày thật đẹp trời. Nắng ấm rực sáng như chào đón, lung linh thủy tinh rải đều khắp vạn vật. Gió nhẹ hiu hiu thổi. Gió nhẹ lắm, vừa đủ lay được những chiếc lá bên kia đường. Nhiệt độ dễ chịu nằm ở 20 độ C. Trong chiếc áo dài thướt tha Việt Nam màu kem, cổ đeo kiềng vàng; tôi khoan khoái bước ra khỏi khách sạn trước cái nhìn tò mò của người Ấn Độ.

Sân trường đại học Delhi hôm nay như rộng mở tươi tắn hơn ngày thường. Đa số là thân nhân, bạn bè của các tân khoa Việt Nam cũng như Ấn Độ, Thái Lan và một số nước khác thật tươm tất với những bộ quần áo trang trọng, nét mặt hân hoan. Ngày vui mà. Đặc biệt nhất, nổi bật nhất vẫn là “Có Một Thế Giới Lạ“ của các Tăng Ni sinh viên gần non trăm người đang tụ tập một nhóm nơi sân trường với những bó hoa muôn màu, muôn vẻ để chuẩn bị chào đón và chúc mừng thầy, cô bạn.

Trên bãi cỏ xanh mượt mà với không gian mênh mông, hàng cây tỏa bóng râm mát, thời gian như ngưng đọng để lắng nghe lời dịu dàng của Hòa Thượng cùng lời trò chuyện râm rang của chúng tôi, sau khi chúng tôi tham dự qua màn hình lễ lãnh bằng của 5 tân Tiến Sĩ trong hội trường. Lòng rộng mở trong niềm hân hoan của tất cả mọi người, chưa bao giờ tôi thấy Hòa Thượng Phương Trượng vui và cởi mở như hôm đó. Những chuyện vui nổ giòn trong khi chờ đợi các tân khoa.

Có Thầy hỏi tôi:

“Ở đây mình chị là cư sĩ, chị có cảm thấy lẻ loi không?”

Tôi cười, trả lời:

“Bạch Thầy, một mình thì lẻ loi, nhưng con không cảm thấy lạc lõng. Con đã 60 tuổi rồi, thích mon men vào cửa Phật, thế nào kiếp sau con cũng là tu sĩ!“.

Mọi người cười xòa. Khi nói câu này, thực sự đó là tiếng lòng tha thiết của tôi. Chỉ có mái tóc đen còn vương vấn trên đầu tôi, là sự ngăn cách của tôi với tu sĩ, nhưng nếu cùng TÂM PHẬT và nghĩ đều là con của Phật, thì sẽ gần gũi nhau thôi. Trái tim không có khoảng cách thì mọi hình thức bên ngoài không còn là vấn đề!

Gần trưa, có tiếng xôn xao nhốn nháo ở một khoảng khuôn viên trường. Sự xuất hiện của các tân khoa tu sĩ Việt, Ấn Độ cũng như các nước khác khiến mọi người túa ra. Tăng Ni phe ta, mỗi người với một, không, với năm bó hoa để dành tặng từng năm Tiến Sĩ. Tôi cũng đứng dậy, túa theo. Trước mắt tôi bấy giờ, như một cái chợ hoa tưng bừng náo nhiệt. Các tân khoa chìm hẳn trong rừng hoa, tôi chẳng còn nhận ra ai nữa. Xung quanh chỉ toàn hoa và hoa. Rồi không rõ bằng cách nào, tôi cũng có một bó thật lớn ôm trong người. Nhiều hoa quá, phải chia đều ra như chia niềm vui đến mọi người, cuối cùng chả biết hoa nào của người nào tặng!

mot_the_gioi_la_2

Sau những màn tưng bừng chụp ảnh lưu niệm, tất cả đều về một nhà hàng ăn trưa do 5 tân khoa thết đãi.

Nhưng buổi tiệc ban tối mới long trọng hơn, thân thiện hơn của Hòa Thượng tạo ấn tượng nhớ đời.Hòa Thượng tới Delhi với mục đích chung vui với niềm vui của đàn hậu học. Muốn chứng kiến thành quả mà bao năm Thầy cũng như bao Phật tử trên thế giới vun trồng chắt chiu vào quỹ học bổng tăng ni. Thầy luôn tuyên bố, không có gì quý và lâu dài bằng đầu tư vào ngành giáo dục, nhất là đầu tư đào tạo tăng tài. Ngoài vấn đề phát huy uy tín truyền thống vẽ vang của Phật Giáo trong lịch sử dân tộc, còn đáp ứng hữu hiệu nhu cầu tinh thần của quần chúng Phật tử trong thời đại văn minh hiện nay. Vâng, đó là lý do mà suốt 20 năm qua, Thầy đã bỏ bao công sức quan tâm và dấn thân lo cho các Học Tăng từ Đức, Đài Loan, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Việt Nam… không phân biệt người Trung, Nam hay Bắc. Đã có 132 Tiến sĩ ra trường. Và hôm nay thêm 5 Tiến sĩ nữa. Trong buổi tiệc, Thầy Nguyên Tân và Như Tú đại diện các tân khoa phát biểu cảm tưởng. Thầy Nguyên Tân bày tỏ lòng tri ân khi đang chới với vì sư phụ tại Việt Nam viên tịch, đã được Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác kịp thời đưa tay nâng đỡ. Thầy Như Tú trình bày nỗi ưu tư trong tương lai, làm thế nào để xứng đáng với học vị hôm nay, vì sự học không thể mang lại giải thoát, nhưng muốn giải thoát không thể thiếu Tuvà thiếu Học. Tu và Học cần bổ sung cho nhau. Nhưng “Tu Học“ vẫn chưa đủ trong suốt 10 năm qua tại Ấn Độ, mà khi ra trường, vào đời “Tu Hành“ mới thiết thực hơn.

mot_the_gioi_la_3

Năm luận án dâng lên Hòa Thượng như món quà tinh thần tỏ lòng tri ân vô hạn của các tân khoa.

Đại học Delhi được thành lập vào năm 1922, đứng hàng thứ 371 trên thế giới, với nhiều phân khoa: Nhân Văn, Khoa học Xã hội, Công Nghệ Thông Tin, Quản Trị Kinh Doanh, Giáo Dục v.v… Riêng phân khoa Phật Học hiện nay có gần 100 Tăng Ni sinh Việt Nam. Và một số trường Đại Học khác ngoài thủ đô Delhi như Mumbai, Pune, Varanasi, Punjab, Maghadi, Nalanda v.v…

Điều kiện để có bằng Tiến Sĩ của trường Đại Học Delhi là phải trải qua các lớp Thạc sĩ 2 năm, Master of Philosophy 2 năm và Tiến sĩ từ 2 đến 4 năm tùy theo thời gian trình luận án. Cũng nhờ học phí ở Ấn Độ rẻ hơn so với các nước khác, mọi sinh hoạt cho một sinh viên chỉ cần 300 US đô la. Phần nữa vì Việt nam chưa có chương trình đào tạo Tiến sĩ Phật học, nên Tăng Ni sinh Việt Nam hầu như đều du học ở đây.

Buổi tiệc thân tình do Hòa Thượng khoản đãi tiếp nối bằng bao lời ca tiếng hát đầy tình đạo, ý đời sau muôn lời chúc tụng công đức của Hòa Thượng của quý Thầy, Cô.

Có tiếng mời tôi lên“sân khấu“. Sân khấu chỉ là khoảng trống kế bên bàn Hòa Thượng. Chà, tôi chỉ chờ có thế, tôi thèm… hát lắm rồi!

Trong không khí rất thân thiện, cởi mở như trong gia đình, vui vẻ thoải mái tôi cố vận dụng hết mười thành công lực lấy hơi để cất tiếng hát, thế mà giọng vẫn yếu xìu. Dù vậy tôi vẫn cố để dâng lên Hòa Thượng Phương Trượng bài hát “Ơn Thầy“ (Được Thầy dìu dắt dẫn bước con đi, chơn như Bát Nhã cứu vớt sanh linh. Tích tâm rộng lớn như biển. Dáng đi lời nói oai nghi, giúp con thoát khỏi não nề. Chùa Phật oai nghi sớm hôm rộng mở). Vâng, con biết, lòng của Thầy cũng vậy, như biển rộng sông dài đã mở ra cứu giúp bao người, trong đó có đàn hậu học gặp khó khăn cơ nhỡ nơi xứ lạ quê người. Một lời thăm hỏi, một chút quà, một ít tịnh tài giúp đỡ cũng an ủi làm ấm lòng kẻ tha hương…

Hát xong bài một, được sự…rộng lòng, khuyến khích tinh thần của Thầy Hạnh Chánh, tôi được phép… hát bài thứ hai! Bài hai ngâm thơ thì đúng hơn. Bài thơ của Ngài Huỳnh Phú Sổ, Giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo, nội dung nhắn gởi các vị sư hãy… vỗ về an ủi mấy cô… Thị Mầu nếu lỡ đem lòng yêu sư, thì hãy đem „tình riêng“ nhập vào “tình chung“ lo cho Đời, Đạo lẫn non sông… may ra mới gặp khối yêucủa quý Thầy trong đó (Nếu khách má hồng muốn được yêu, thì tình yêu đó phải xoay chiều, hướng về phụng sự cho nhân loại, sẽ gặp tình ta trong khối yêu). Vĩ đại như vậy đó! Và tôi đã ngâm để riêng tặng quý chư Tăng! Món quà tinh thần của tôi để tặng cho các Ni là phần trích đoạn tuồng cải lương “Tình Lan và Điệp“ và cố chọn câu đặc biệt sau đây để nhắc nhở: “Tôi đã mang thân gởi cửa Thiền. Sao lòng vương vấn chuyện thế gian. Kể từ bây giờ, tôi quên hết chuyện xưa. Xác bướm cành lan đã vùi chôn nơi đáy mộ, là quên đi bao nỗi u buồn…“.

Buổi tiệc dù vui, rất vui, ngày họp mặt dù ấm cúng, cũng phải tới hồi kết thúc. Giờ chia tay trong niềm luyến tiếc bịn rịn, nghe như có tiếng thổn thức ở trong lòng, tôi ngập ngừng không muốn rời xa, nhưng cũng phải xa…!

Bây giờ, những kỷ niệm như còn mới nguyên in dấu trong tâm hồn… Hình ảnh cũ hiển hiện trước mắt và tai tôi vẫn như đang nghe giọng ngâm thơ bùi ngùi “Về thăm xứ Quảng“ của Hòa Thượng nói lên niềm nhung nhớ quê nhà, nhưng chưa biết bao giờ trở lại. Tôi còn nhớ bao khuôn mặt thân quen cùng lời ca tiếng hát hôm đó, nhớ hết, nhớ chi li đến cả những bao lì xì đo đỏ trên bàn, những chai xì dầu Hòa Thượng mang từ Đức sang Ấn Độ làm quà tặng Tăng Ni, nhớ luôn những món ăn giao duyên pha lẫn mùi vị Việt Nam, Ấn Độ và nhớ cả hình ảnh quý Ni tẩn mẩn ngồi đóng từng thùng trái cây, rau quả Á Châu để Hòa Thượng mang về Đức sáng hôm sau làm quà cho Phật tử, và đặc biệt nhớ nhất Đại Đức Thích Thiện Nghiêm, cây văn nghệ của Delhi, người hôm đó “cạnh tranh“ ca hát với tôi, cũng đăng ký hát tới… ba bài (tân, cổ giao duyên và ngâm thơ nữa). Trước giọng ca điêu luyện ngọt ngào, truyền cảm của Đại Đức, “gánh hát“ tôi đành đóng cửa chịu thua để… bay ngay về Thụy Sĩ!

Vâng, cũng nhờ vài hôm còn lưu lại tại Delhi, tôi mới có dịp thăm viếng, tìm hiểu sinh hoạt của một số Tăng Ni. Đúng là đời sống tu sĩ đơn giản, đạm bạc. Tất cả tạm ổn trong cái “tri túc“biết đủ thì nó đủ! Một căn phòng nhỏ với một vài đồ đạc cần thiết cho sinh hoạt thường nhật. Vật chất chỉ là phương tiện, tuy nhiên, nếu cỗ xe vận hành hoàn hảo cũng nhờ tấm lòng của Hòa Thượng cùng bao Phật tử khắp thế giới quan tâm chu cấp phụ tùng, nhiên liệu... cũng đỡ đần phần nào nỗi vất vả cho người giong ruổi cuộc hành trình dài nếu không muốn nói có thể bị đình chỉ. Đó là lý do, quý Thầy, Cô tại đây khi nhắc đến Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác Đức Quốc cũng như quí Phật tử khắp năm châu với lời trân trọng tri ân ngưỡng mộ vô vàn.

Để kết thúc bài này, lời tạ từ hôm nào, xin một lần nữa trân trọng gởi đến quí Thầy, Cô lời cám ơn sâu xa đã dành cho con niềm ưu ái tại Ấn Độ. Những ngày vui sẽ là kỷ niệm khó quên, biết đâu còn là nhân duyên để hy vọng sau này gặp lại đâu đó trên quãng đường trần. Con xin kính chúc tất cả vạn an với niềm hy vọng sự đoàn kết của lực lượng Tăng tài hiệp lực cùng Phật tử sẽ giúp cho Phật Giáo trường tồn như dãy Hy Mã Lạp sơn hùng vĩ và như những chiếc lá Bồ Đề chi chít cùng thân, cành, nhánh tạo nên thánh thụ Bồ đề của đất Phật nhiệm mầu tại Ấn Độ.

Trần Thị Nhật Hưng

(Tháng 5.2012)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/10/2014(Xem: 4698)
Hai kẻ thù đã lâu đời, hai chàng trai trẻ nhất thuộc hai dòng tộc võ sĩ đạo lâm chiến, đang rình rập nhau trong vùng hẻm núi dưới mé sông trong lúc bà con dòng họ đôi bên đang chém giết lẫn nhau trên phía đồng bằng. Mối hận thù nẩy sinh giữa hai chàng sâu đậm đến độ như muốn lộn mửa, và khi trông thấy nhau, mỗi chàng đều nguyện cầu: “Lạy Trời nếu con phải chết, xin cho con gây ra tử thương cho kẻ oán thù trước khi con lìa đời.”
18/10/2014(Xem: 43817)
Uống trà là một nét đẹp văn hóa truyền thống của Á Đông theo phương châm“Bình minh nhất trản trà". Cách đây hàng ngàn năm, con người đã biết đến trà như một loại nước uống mang lại sự sảng khoái, thanh khiết cho tinh thần, là cách để khai tâm mở trí. Người ta xem chén trà là đầu câu chuyện, là gợi mở tâm linh, là giao thoa văn hóa và kết nối lòng người.
10/10/2014(Xem: 4397)
Từ lâu, người ta tin rằng có một cái “bản ngã” thường hằng, bất biến, tồn tại độc lập trong vạn pháp. Trước sự nhầm lẫn tai hại đó, Phật Thích Ca bèn nói thuyết “Vô ngã” để chúng sinh phá chấp. “Vô ngã” không phải không có gì hết mà là không có tự tánh, không có tự thể riêng biệt. Đây là một trong ba Pháp ấn trong hệ thống giáo lý của Phật giáo (hai pháp ấn kia là Khổ và Vô thường). Gọi là Pháp ấn có nghĩa là trong tám mươi bốn ngàn pháp môn của đạo Phật nếu có pháp môn nào không có một trong ba khái niệm Khổ, Vô thường và Vô ngã thì không phải giáo lý đạo Phật.
03/10/2014(Xem: 4345)
Học sinh thường cho rằng, các thầy cô chỉ nhớ tên học sinh giỏi, học sinh đẹp hoặc hoạt động hiệu đoàn... Cho nên mỗi lần nếu tôi gặp lại một em học sinh không có gì xuất sắc ngày xưa mà tôi còn nhớ tên, thì đó là một niềm vui to lớn của em là được thầy cô còn nhớ mặt và nhớ tên của mình. Sau khi cuộc chiến lan tràn trên quê hương thầy trò phân tán, tôi đi cùng nam cực bắc, đi xa nửa trái địa cầu, rải rác khắp nơi, tôi vẫn gặp lại những em học sinh Đồng Khánh cũ. Và nhờ cố gắng nhớ mặt, nhớ tên các em, nên hầu như ở đâu tôi cũng gieo được chút niềm vui cho những người đang phập phồng chờ được gọi đích danh sau một câu mở đầu công thức: „Cô còn nhớ em không?“. Những con người ấy, những học sinh Đồng Khánh tha phương - xa trường, xa thầy bạn cũ đã xưa rất xưa, mà chính bản thân khi soi gương cũng không còn bắt được hình bóng mình ngày ấy..., bất giác còn được gọi tên, còn được nhớ, còn được nhắc nhở đến bao kỷ niệm của một thời. Ôi! Vui biết bao nhiêu, ấm áp ngọt ngào biết bao nhiêu
02/10/2014(Xem: 4259)
Ra đến bến xe trời hãy còn khuya khoắt, trông cảnh nhộn nhịp ì xèo rộn lên từ những gian hàng ăn uống ở một góc gần bên, và tiếng nói cười lăng xăng của hành khách đi lại lẫn với tiếng những người bán hàng rong mời mọc. Nhìn sang quầy bán vé bây giờ không giống như những ngày tháng sau năm 1975, bề mặt thoáng mát rộng rãi trang trí bởi những bảng quảng cáo, những hoa văn sắc màu, những hàng ghế để khách ngồi chờ trông lịch sự. Khách mua vé rất nhanh khỏe hơn xưa, không còn cảnh chen lấn xếp hàng cả buổi trời như trước đây, lại có thêm nhiều loại xe phục vụ trên các tuyến, việc nầy còn tùy thuộc vào túi tiền của hành khách, ai có tiền nhiều thì đi loại xe chất lượng cao, còn ai ít tiền thì đi loại xe bình dân hơn. Nói vậy chứ còn khá hơn trước Đây, bởi ba chiếc xe car cũ kỹ hoặc xe chạy bằng than đá trên những tuyến Miền Đông, Miền Tây vào những năm 1975 - 1990.
24/09/2014(Xem: 6369)
Xưa có một người quyết tâm học đạo, theo một vị thiền sư sống trong một cái cốc nhỏ, sống đạm bạc, quyết chí tu hành. Một này kia, có công việc, vị thiền sư phải đi xa, dặn đệ tử ở lại phải lo chăm chỉ tu hành, luôn luôn giữ lối sống đạm bạc và tâm hồn thanh tịnh. Người đệ tử này chỉ có một chiếc khố che thân. Đêm tới khi ngủ, máng khố trên vách, thường bị chuột chui ra cắn rách, phải xin bá tánh chút vải thừa thay khố nhiều lần.
03/09/2014(Xem: 4661)
Lúc đó tôi được 13 tuổi. Trước đó một năm gia đình tôi đã chuyển từ Bắc Florida đến miền Nam California. Tôi dễ hận thù khi vừa đến tuổi vị thành niên. Tôi rất nóng nảy và hay cãi lại đối với bất cứ chuyện gì dù nhỏ mà ba mẹ đề cập tới, đặc biệt là nếu nó liên quan đến tôi. Cũng giống như nhiều đứa trẻ lứa tuổi thiếu niên, tôi khó chấp nhận bất cứ điều gì đi ngược lại với quan điểm của mình về thế giới chung quanh. Một đứa bé “thông minh không cần dạy bảo”. Tôi phản đối bất cứ biểu lộ nào của tình thương. Thật sự, tôi dễ giận dữ khi đề cập đến cái từ “thương yêu”.
26/08/2014(Xem: 4080)
Ở ven bờ bể Mễ Tây Cơ, có một làng nhỏ chuyên sống nghề đánh cá, một chiếc thuyền con lướt sóng nhẹ vào bờ, đem về vài con cá khá to. Một ông khách Mỹ đứng trên bờ, khen ngợi nghề đánh cá tài giỏi của anh chàng Mễ Tây Cơ và hỏi anh ta mất bao nhiêu thì giờ mới được chừng đó cá. _ “ Không lâu lắm đâu !” anh Mễ Tây Cơ trả lời.
17/08/2014(Xem: 25127)
Đại Sư tên là Huệ Năng, cha họ Lư, tên húy là Hành Thao. Người mẹ họ Lý, sinh ra ngài nhằm giờ tý, ngày mùng tám tháng hai, năm Mậu Tuất, niên hiệu Trinh Quán thứ 12. Khi ấy, hào quang từ nhà ngài chiếu sáng lên không trung, mùi hương lạ tỏa lan khắp nhà. Đến tảng sáng, có hai vị tăng lạ mặt đến thăm, bảo cha ngài rằng: “Khuya nay ông vừa sinh quý tử, chúng tôi đến đây là để đặt tên cho cháu bé. Ông nên đặt trước là chữ Huệ, sau là chữ Năng.”
17/08/2014(Xem: 24107)
Nhân quả báo ứng là một tập truyện của Trung Quốc, có vẽ tranh minh họa rất sinh động. Tập truyện này trước do ngài Văn Xương Đế Quân đời nhà Tấn sưu tập những truyện nói về nhân quả và sự báo ứng qua nhiều triều đại ở Trung Quốc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com