Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 12

18/03/201201:08(Xem: 9903)
Chương 12

BỤI ĐƯỜNG

tức Phương Trời Cao Rộng 2

truyện dài của Vĩnh Hảo

Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1995, tái bản năm 1996

oOo

CHƯƠNG MƯỜI HAI

Được một ngày rảnh rỗi, tôi xin phép thầy Trừng Hùng qua viện. Trở về phòng riêng nơi cái gác trống hiu quạnh bên cạnh ngôi chánh điện, tôi ngồi thừ một lúc chẳng biết làm gì. Tôi nhớ đã có lúc tôi mong muốn có được một người bạn không phải là thiện hữu tri thức thường gặp hằng ngày trong cửa chùa. Các ước muốn đó, trong giây phút bình lặng này, tôi nhận ra rằng, chẳng qua cũng chỉ do sự thúc giục của một cái bản ngã cô đơn trong tuổi mới lớn. Bây giờ tôi đã có Như Như. Có thể coi nàng như một người bạn. Nhưng chính sự hiện hữu của nàng trong tâm tư, trong cuộc sống, lại khiến tôi cảm thấy cô đơn và hãi sợ hơn bao giờ hết. Tiếng nói, giọng cười, đôi mắt long lanh và đôi khi thật buồn của nàng vừa làm tim tôi hân hoan mở rộng, và đồng thời cũng khiến tôi băn khoăn, bỡ ngỡ, không dám tin nàng là một cái gì có thật. Nhìn sâu vào mắt nàng, tim tôi rung động biết bao, nhưng đôi khi, tôi lại có cảm tưởng như thể chính nàng là hiện thân của cả thế giới huyễn hoặc phù du, trong đó, mọi ý niệm mọi hành động, lời nói của hai kẻ trao nhau, đều là những chuyện vờ vĩnh. Người ta giả đò yêu nhau, chiếm hữu nhau; mà thực ra, chỉ là để khỏa lấp, để xóa tan cái giới hạn nhỏ bé và mông muội của bản ngã mà thôi.

Tôi khóa cửa bước ra khỏi phòng, lang thang quanh sân chùa rồi hướng vê phía dãy “nhà mới”. Trong những bước buồn bã cô tịch đó, tôi lại nhận thức được thêm điều này: khi một người đã có cảm thức sâu đậm rằng thế gian như một giấc mộng thì kẻ ấy sẽ không thể nào hiện hữu và hành xử trong thế gian đó một cách chân thực được nữa. Và điều khổ nhất cho kẻ ấy là mặc dù hắn đã có cái tiền niệm về sự chối bỏ trần gian mà lại không đủ quả cảm để phủ nhận những giấc mộng êm đềm xinh đẹp. Tôi chỉ có thể điểm mặt và thắng được những cái tham, sân, si rất đáng ghét vẫn thường nẩy sinh trong tôi mỗi ngày; những lúc ấy, tôi oai hùng, hiên ngang lắm. Nhưng rõ ràng là khi đối diện với Như Như, tôi không còn tự chủ được nữa. Nàng là hiện thân của huyễn hoặc, của chiêm bao, nhưng là thứ huyễn hoặc chiêm bao dễ thương mà trái tim u mê của tôi không có khả năng, hoặc không muốn chối bỏ.

Dãy “nhà mới” trên đỉnh đồi Trại Thủy đã được mấy anh bộ đội hoàn trả lại cho viện. Nhưng ở viện không ai muốn quay trở lại các phòng đó. Nhà mớicoi như bỏ hoang. Dù sao, sự hoàn trả dãy tăng phòng này cũng khiến tăng chúng ở viện thoải mái hơn. Con đường từ viện lên tháp sắt (cái khung tháp bằng sắt, hình ngòi bút, xây trên đỉnh cao nhất của ngọn đồi) đã được khai thông, và tăng chúng ở viện đã có thể dạo chơi bình thường trở lại bằng con đường rộng thênh thang trên đỉnh đồi dẫn đến Phật đài (Kim Thân Phật Tổ). Tôi ngồi ở chân ngọn tháp, nhìn về hướng biển Nha Trang. Màu biển xanh ấy, từ xa chỉ kéo ngang một vạch thẳng, êm mát, tưởng chừng bất động trước sự đẩy xô và trêu ghẹo bất tận của những đoàn quân gió chướng. Ôi thiên nhiên, bao giờ cũng đẹp một cách cao cả. Ngồi nhìn trời biển tịch lặng như thế một lúc lâu, lòng tôi lắng xuống, và tôi nghe một nỗi buồn nhẹ dâng lên, dâng lên, ngập cả lòng.

Nhớ lại những ngày êm đềm mới xuất gia. Đâu có lâu xa gì. Chỉ mới bảy, tám năm thôi. Nhưng con người tôi lúc ấy và con người tôi hôm nay, sao mà khác! Một thiên thần và một ác quỉ! Một chú tiểu ngoan và một thầy tăng lãng mạn! Ôi, phải chi tôi đừng trưởng thành, đừng lớn lên, đừng đánh mất cái hồn nhiên của chú tiểu Khang ngày ấy. Tôi chưa phá giới hay làm việc lỗi gì nghiêm trọng mà bỗng dưng lại thấy mình bây giờ giống như một trang giấy trắng bị bôi mực, bị vò nát. Có lẽ tôi sẽ thua cuộc. Tôi không đủ sức chống đỡ được nữa. Ôi những đôi uyên ương tình tứ của thế gian, có phải các ngươi chỉ có một con đường, một lối thoát duy nhất là tìm đến nhau, gắn chặt vào nhau và quấn quít lấy nhau suốt đời? Ôi những thầy tăng trẻ trung từng cất lời ca tụng lý tưởng xuất trần và trí giác vô thượng của đức Phật, phải chăng tất cả chúng ta, đến một lúc nào đó trên đời tu hành, đều phải đối diện với những chướng nạn êm đẹp xinh tươi như chướng nạn tình yêu, để rồi cùng gục ngã một cách đau thương oan uổng sao! Không, không thể nào như vậy. Chỉ tại tôi yếu lòng mà thôi. Tôi cần phải có một vị thầy trong sạch cởi bỏ cho tôi cái gánh nặng tâm tư này. Nhưng trước hết, tôi phải đủ can đảm để thổ lộ cùng vị thầy ấy những gì đã xảy ra cho tôi.

Ở Nha Trang, có khá nhiều vị cao tăng đạo hạnh. Hòa thượng Từ Quang, Hòa thượng Trí Nghiêm, Thượng tọa Thiện Siêu, Thượng tọa Đỗng Minh, Thượng tọa Chí Tín… Nhưng dù sao, khi nghĩ đến thầy bổn sư, tôi vẫn thấy có cái gì gần gũi, dễ chịu cho việc bộc bạch chuyện riêng của tôi hơn. Như các vị cao tăng kể trên, thầy tôi xuất gia từ thuở bé, một đời phạm hạnh thanh cao, xứng đáng làm gương cho những tăng sĩ trẻ. Chắc chắn thầy sẽ có cách. Tôi rời tháp sắt, xuống dãy nhà khách và tổ đường. Phòng thầy tôi ở bên hông dãy tổ đường đó.

Ô

“Mô Phật, bạch thầy,” tôi chắp tay chào thầy.

Thầy tôi ngồi xem kinh. Nghe tiếng tôi, thầy ngưng lại, ngược lên:

“À, mới về hả?”

“Dạ, hôm nay bên đó rảnh, con qua…” tôi nói đến đó thì ngưng, chẳng biết nói gì nữa. Tự dưng tôi thấy run bấn cả người. Từ hồi xuất gia đến giờ, chưa lúc nào tôi có ý bộc bạch chuyện riêng tư của mình với thầy bổn sư.

“Có việc gì vậy? Bệnh hả? Sao có vẻ ốm xanh vậy?” thầy tôi hỏi.

Những lời của thầy làm tôi muốn ứa nước mắt. Cả một gánh nặng trong lòng chưa biết tỏ cùng ai, nay được thầy hỏi tới, tôi muốn quỳ ngay dưới chân thầy để trình bày hết nỗi niềm. Nhưng một cái gì ngang ngạnh trong tôi bỗng vùng dậy, ngăn cản. Hình như con ma dục vọng vẫn còn muốn chiếm lĩnh và kiểm soát trận đồ do nó bày ra; nó chưa muốn buông bỏ; nó bắt tôi phải tiếp tục cưu mang cái gánh nặng ấy. Tôi mím môi một lúc, rồi thưa:

“Dạ con chỉ cảm thấy trong người không được khỏe chứ chẳng bệnh hoạn gì.”

“Bệnh bao tử còn tái phát không?” thầy tôi hỏi.

“Thưa, hết rồi.”

Ngưng một lúc, thầy hỏi tiếp:

“Dạo này bên đó sinh hoạt ra sao? Nghe nói tối ngày đi cúng hoài hả?”

“Dạ, phải vậy thôi.”

Thầy tôi thở dài rồi nói:

“Sa môn ở chùa thời nay phải gánh hết tất cả mọi thứ. Đôi khi chẳng còn thì giờ để tu tập. Phải chi mình chứng Thánh thành Phật rồi mới lo làm các phật sự thì bận bịu mấy cũng chẳng sao. Đàng này, mình dù sao vẫn còn là phàm phu, cần có thì giờ tu tập chứ không phải tối ngày lo tiếp đón, phục vụ khách thập phương… Mà tiếp xúc nhiều với thiện nam tín nữ thì tâm chắc chắn phải động. Cho nên, hễ có trụ là có vướng mắc.”

“Ý thầy dạy là không trụ thì sẽ không vướng mắc?” tôi hỏi.

“Đó là do thầy nghĩ đến sự liên hệ giữa chữ vô trụ trong kinh Kim Cangvới chữ trụ trìthông dụng của nhà chùa mà thôi. Nếu chỉ dựa theo nghĩa đen thì hai từ ngữ đó trái ngược nhau: một bên là không trụ, không chấp trước; một bên là bám trụ và giữ gìn. Nhưng thực ra, trong ý nghĩa rốt ráo của hai từ đó, trụ trìcũng chính là vô trụmà thôi. Con nghĩ sao? Con thường đọc tụng kinh Kim Cang phải không? Con hiểu gì về chữ vô trụđó?”

“Dạ con chưa bao giờ liên kết hai từ ngữ đó lại để thấy chỗ tương đồng của chúng. Nay nghe thầy dạy con hiểu rằng: nếu trụ trìlà trụ trong nhà Như Lai thì trụ đó cũng chính là vô trụ, vì nhà Như Lai là nhà Không. Liễu ngộ Tánh Không tức tâm không chỗ trụ…”

“Không phải là tâm không chỗ trụ, mà là tâm không trụ vào đâu. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. Có thầy dịch là nên ở chỗ vô trụ mà sanh tâm. Con thấy sao, dịch như vậy có phải không? Con dịch thử thầy nghe xem?”

Tôi lúng túng một lúc rồi thưa:

“Lâu nay con cứ đọc và tự hiểu theo nguyên văn bản chữ Hán chứ không dịch ra. Vì bản kinh ấy rõ ràng quá rồi. Nhưng nếu dịch thử thật rõ theo tiếng Việt, con sẽ dịch như vầy: không sanh tâm bám víu hay đắm trước vào bất cứ cái gì.”

“Khá lắm. Hiểu được, dịch được như vậy là đạt lý lắm rồi. Không sanh tâm đắm trước, bám víu, chứ không phải là sanh cái tâm ở chỗ vô trụ, vô trước. Vì tâm còn sanh là còn có chỗ trụ. Phải hiểu như vậy. Cho nên, thầy trở lại câu nói khi nãy: hễ còn trụ là còn vướng mắc. Theo kinh nghiệm của thầy–kinh nghiệm cảu một người từng làm trụ trì ba, bốn cảnh chùa và trụ ở mái viện này mấy chục năm–thầy thấy rằng ở mặt nghĩa lý lẫn thực tế hàng ngày, nếu đứng dừng một chỗ thì thế nào cũng có vướng mắc. Vậy, một khi trụ trìchỉ là trụ trì trong nghĩa đen, tức là không vào, không trụ được trong nhà Không, thì chắc chắn là hỏng cả đời. Phải không? Con có nhận thấy như vậy không?”

Tôi gật đầu nhẹ mà mồ hôi đổ khắp người. Thầy đã dạy đủ, tôi không cần phải bộc bạch gì nữa. Thầy trò tôi im lặng một lúc. Thấy không còn gì để nói, tôi cáo từ thầy để về lại chùa Linh Phong. Nhưng đi được một đoạn đường, tôi bỗng nhớ ra một vài điều muốn hỏi ý thầy. Tôi quay trở lại.

“Mô Phật, bạch thầy,” tôi thưa.

“Gì đó?” thầy tôi hỏi.

“Con muốn về lại viện.”

“Cứ về, con thuộc về tăng chúng của viện mà. Nhưng chuyện hộ khẩu bên đó thế nào?”

“Thầy nói với thầy Trừng Hùng giùm con một tiếng. Con không muốn ở bên đó nữa. Con cần về đây. Con cần tịnh dưỡng… Còn hộ khẩu thì chẳng qua thầy Trừng Hùng làm khó vậy thôi chứ ít khi nào công an lên chùa Linh Phong để xét hỏi. Bên đó ít người, công an đâu có để ý như ở đây. Mà nếu công an có hỏi đến thì nói con đang dưỡng bệnh bên này, họ có qua đây cũng thấy đúng là con đang ở đây, có sao đâu. Không lý họ bắt thầy Trừng Hùng hay bắt con vì chuyện đó!”

“Ừ, để hôm nào thầy nói với thầy Trừng Hung.”

“Con muốn về đây sớm chừng nào tốt chừng đó.”

“Gì mà phải vội. Bên đó bên này có khác gì nhau đâu mà.”

“Dạ thì cũng là chùa thôi, nhưng… có khác chứ ạ. Ở bên đó, tâm con động. Tâm con lăng xăng tưởng nghĩ đến thế tục nhiều quá… Nhân đây con muốn thỉnh ý thầy… xin dạy con phải làm sao để đối trị cái tâm lăng xăng, tán loạn?”

“Bỏ các pháp quán tưởng, tập trung thiền định.”

“Nếu đã thực hành mà vẫn không định tâm được thì sao?”

“Vô trụ,” thầy tôi đáp gọn hai chữ đó.

Tôi bái lĩnh lời dạy của thầy, trở về chùa Linh Phong. Cảm thấy gánh nặng trong lòng được cất đi hơn một nửa.

Ô

Như Như đứng lảng vảng ngoài bờ rào gần tam quan, không dám vào hỏi tôi, sợ gặp những người trong chùa. Tôi đang rửa tay sau giờ thọ trai, thấy được nàng, tự dưng quên mất những cố gắng phấn đấu của mình mấy ngày trước, mừng rỡ bước ra:

“Ồ, Như Như hả? Bữa nay nghỉ học sao?”

“Không, em đến chơi một chút rồi về đi học ngay. Còn sớm mà. Khang ơi… làm sao đây?”

“Làm sao nghĩa là sao? Làm cái gì?”

Mắt nàng như chực ứa lệ. Lòng tôi chùng xuống ngay, tôi hỏi:

“Sao vậy? Như Như muốn làm cái gì?”

“Không gặp Khang… em chẳng làm gì được… Không lẽ tình trạng này kéo dài mãi sao? Khang có cách gì không? Em muốn gặp Khang mỗi ngày. Nếu Khang không đến nhà em được thì… em đến đây, buổi trưa trước giờ học, em đến dưới chân núi, Khang chờ em ở đó nghe. Ở ngã tam cấp bên phải có cái bục xi măng, mình ngồi nói chuyện chút xíu rồi em đi học.”

“Không được đâu. Vậy sao học được. Hơn nữa… coi chừng thầy Trừng Hùng biết sẽ mét lại với ba mẹ Như Như đó.”

“Vậy Khang nghĩ cách nào đi.”

Tôi ngập ngừng rồi nói:

“Đâu biết làm sao. Ở nhà thì Như Như bị gia đình cấm đoán… còn ở đây… là chùa, dù không ai cấm nhưng tự mình cũng biết là không được rồi. Như Như à… muốn nói với Như Như điều này, Như Như đừng buồn nha.”

“Có gì thì cứ nói đi. À, Khang còn mắc nợ em ba chữ gì đó đến nay vẫn chưa nói ra đó nha. Em không có quên đâu. Bây giờ muốn nói hở, không, cho mắc nợ tiếp đó. Ủa mà ba chữ đó em đoán là đâu có làm em buồn, sao Khang lại rào trước đón sau chi. Khang muốn nói điều gì khác hở?”

Thấy nàng vô tư như vậy, tôi không cam lòng nói thẳng ra những gì mình suy nghĩ. Nhưng nàng cứ thúc dục, tôi bèn nói:

“Có lẽ hai đứa mình bồng bột… chứ thực ra, chẳng có gì với nhau đâu… Vả lại, không thể có chuyện người tu mà thương yêu như những người đời. Điều đó không đúng chút nào, và cũng chẳng ai có thể chấp nhận được.”

“Nhưng… Khang nói là nếu không tu nữa thì cũng đâu có tội gì, hoàn tục cũng tu được mà, phải không?”

“Đúng, nếu hoàn tục thì cũng tu được trong hình thức một người tại gia cư sĩ, lúc đó muốn làm sao cũng được. Đàng này, còn tu, còn ở chùa, dứt khoát là không được.”

“Vậy… vậy sao Khang không hoàn tục đi. Nếu Khang về đời, sẽ không ai ngăn cấm mình gặp nhau nữa. Ba mẹ em cũng sẽ chấp nhận chuyện hai đứa mình gặp nhau mà. Như vậy dễ dàng cho em hơn.”

Tôi buồn bã nhìn sâu vào mắt nàng, nói:

“Không được.”

“Tại sao? Khang không thương em hở?”

Tôi không đáp. Nàng giận dỗi, quay mặt nơi khác, dợm chân muốn về. Tôi lại xiêu lòng, không dứt khoát với nàng được, vội níu nàng lại, nói:

“Chỉ vì chưa bao giờ nghĩ đến chuyện hoàn tục chứ đâu phải là không thương.”

Nghe tôi nói vậy, nàng vui ngay, quay lại nói:

“Có là được rồi. Thôi thì Khang không về đời cũng không sao. Với lại em quen nhìn Khang như vầy rồi, mỗi lần nghĩ đến Khang, em cũng nghĩ đến Khang như vầy,” nàng đưa bàn tay ra, làm một cử chỉ như kiểu người ta giới thiệu một món hàng, trỏ vào tôi, mắt nàng nhìn tôi thật nhanh từ đầu đến chân, “nếu Khang thay đổi… để tóc, mặc áo sơ mi, quần tây… chắc em không thích nhiều đâu!”

Lạy Phật! Nàng nói vậy mà nói được đó! Nàng cũng muốn tôi giữ hình thức tu sĩ đầu tròn áo vuông chứ đâu phải không. Hình như trong mắt nàng, tăng phục sẽ sẽ thích hợp với dáng dấp tôi hơn và nàng chỉ quý mến, thương yêu tôi trong hình thức tăng sĩ. Vậy là trở lại y nguyên vấn đề, chẳng có gì thay đổi. Tôi phải đặt lại lần nữa:

“Nhưng người tu thì không được thương yêu kiểu như người đời. Cả hai đứa mình đều biết điều đó là không nên mà.”

“Mình đâu có thương nhau kiểu người đời,” nàng nói.

“Chứ kiểu gì?” tôi hỏi lại.

Nàng cười một lúc, rồi nói:

“Kiểu gì cũng không biết nữa, nhưng khác với người ta chứ đâu có giống. Người ta thương nhau thì đưa nhau đi phố, đi xi nê, xuống biển… rồi người ta cưới nhau, thành vợ thành chồng, có con với nhau… còn mình đâu phải vậy. Mình chỉ muốn gặp nhau để nói chuyện cho vui thôi. Không gặp nhau thì buồn, thì nhớ, chẳng làm được chuyện gì.”

Tôi bật cười. Nàng rõ đúng là hồn nhiên như con nít. Thử hỏi tôi còn biết nói gì thêm. Có ai đi chấp nê những ý nghĩ ngộ nghĩnh của một cô bé có tình yêu và ước muốn trong trắng như vậy! Thôi thì chỉ biết cười. Tuy nhiên, trong thâm tâm, tôi tự hỏi: liệu sự giao tiếp như vậy có giữ mãi được sự trong sạch không, hay là theo thời gian, tình yêu sẽ nẩy nở theo những chiều hướng khác, cái chiều hướng phàm tục muôn thuở của mọi chúng sanh hiện hữu trên đời? Vả lại, tôi đây chỉ hơn nàng hai tuổi mà tình yêu của tôi đâu có đơn giản như kiểu nàng nói. Sách vở nói phái nữ còn trưởng thành sớm hơn phái nam trong tình yêu đôi lứa nữa mà! Có thể do ảnh hưởng nào đó từ gia đình, nàng hãy còn hồn nhiên đến tuổi mười bảy như bây giờ, nhưng không chóng thì chày, nàng cũng sẽ hết hồn nhiên, cũng như tôi đã hết hồn nhiên từ lúc gặp nàng. Mà một khi đã mất đi tính hồn nhiên, hệ lụy trần gian rùng rùng kéo đến vây phủ, dìm đắm… không còn gì là mộng mơ nữa.

“Thôi Như Như phải đi học, nhớ nha, ngày mai Như Như cũng đến vào giờ này,” nàng nói rồi đứng ngập ngừng một lúc như muốn tìm kiếm một cử chỉ giã từ thích hợp hoặc chờ đợi tôi nói một lời gì trước khi nàng quay đi.

Tôi quên luôn chuyện từ chối giờ hẹn và điểm hẹn của nàng. Tôi quên luôn chuyện tôi muốn nói dối với nàng rằng tôi sẽ đi xa, không thể gặp nàng nữa. Tôi đưa tay vuốt mái tóc óng mượt của nàng. Nàng cúi mặt xuống. Cảm giác thật lạ chuyền trên tay tôi. Đã lâu lắm rồi, từ khi xuất gia đến giờ, tôi mới sờ đến những sợi tóc. Nhà chùa coi râu tóc là biểu tượng của phiền não nên mọi người xuất gia đều cạo nhẵn, vừa là để có hình thức phân biệt với người thế tục. Thỉnh thoảng tự răn nhắc, cảnh tỉnh mình, tôi vẫn thường theo lời Phật dạy trong kinh Di Giáo, đưa tay lên sờ hoặc xoa cái đầu trọc của mình. Tóc ngắn nằm sát da đầu châm chích bàn tay tôi càng nhắc nhở tôi ý thức tôi là ai. Nay bàn tay tôi chạm đến những sợi tóc thật dài và đen tuyền của nàng, tôi có cảm tưởng như sờ vào một giấc mộng huyền ảo nào của tiền kiếp xa xăm… Ôi những sợi phiền não sao mà êm mát, óng ả!

Bất chợt có tiếng của mở của từ dãy nhà Đông. Tôi giật mình rút tay lại, giục Như Như:

“Thôi Như Như đi học kẻo trễ.”

Nàng xuống núi. Tôi đứng nhìn theo nàng một lúc rồi nói lầm bầm một mình: “Tình yêu không đơn giản như em nói đâu, em ạ.”

Buổi chiều đó, thầy tôi từ viện qua chùa Linh Phong. Thầy Trừng Hùng tiếp thầy tôi ở dãy nhà Tây. Bên nhà Tây là Tổ đường, phòng khách và phòng ngủ của thầy Trừng Hùng. Tôi và chú Thể ở dãy nhà Đông. Hai thầy nói chuyện với nhau khá lâu. Một chặp, thầy tôi về. Tôi đoán có lẽ thầy tôi qua để nói chuyện trở về viện của tôi. Quả nhiên, sau khi thầy tôi xuống núi, thầy Trừng Hùng quay lại gọi tôi, nói xiên nói xỏ:

“Thầy mi dạy là mi muốn xin về lại viện để tịnh dưỡng một thời gian. Ừ thì lớn rồi, muốn sao cũng được, tùy ý, đâu có ai ngăn được. Như thằng Đức đó, không muốn ở đây nữa, chạy theo người ta làm rẫy, ở tịnh thất cho sướng, khỏi bận rộn chi chuyện chùa! Còn mi, hồi xưa một bận, nay một bận, có khi nào chịu nổi đâu. Quen tu sướng rồi lại được thầy bổn sư chiều chuộng, đòi gì được nấy. Ở đây cực khổ quá mà. Qua bên viện rộng rãi, có phòng riêng, cơm ăn thức uống có người nấu cho, ăn rồi có người rửa chén bát, cầu tiêu nhà tắm sạch sẽ, điện nước xài thoải mái chẳng lo thiếu hụt, giải trí thì có thư viện, tha hồ lấy sách lấy truyện mà đọc, lại có cả truyền hình, máy chiếu phim, sân bóng chuyền, bàn ping pong, đâu có thiếu thứ chi. Qua đó tu cho sướng chứ ở đây sao chịu nổi.”

Tôi lễ phép thưa:

“Vấn đề không phải là sướng hay khổ…”

Thầy Trừng Hùng cắt ngang:

“Thôi, khỏi nói chi cho nhiều lời. Mắt tao nhìn người đâu có sai. Đứa mô ở đây mà chịu không nổi thì mai sau cũng chẳng ra gì. Cứ ham chạy theo chỗ sướng đi rồi biết. Đứng đó chi nữa, lo sửa soạn đồ đạc mà qua viện cho rồi. À, tao nói trước, nể tình thầy Hải Tuệ, tao để mi qua đó một thời gian, sau này tình hình có lộn xộn, công an làm khó thì cả mi lẫn thằng Đức phải về đây lại, bằng không tao gạch tên khỏi hộ khẩu.”

Tôi không thể nói gì nữa, lẳng lặng rút qua nhà Đông, thu xếp đồ đạc. Chú Thể thấy tôi sửa soạn ra đi thì đến gần nắm lấy tay tôi, nói giọng cảm động:

“Chú qua đó giữ gìn sức khỏe nha. Nói thiệt, tôi cảm ơn chú nhiều lắm đó. Có thể nói là thời gian chú ở đây, tôi học được nhiều điều bổ ích. Sách chú lén đem về cho đọc cũng mở mang cho tôi rất nhiều… Bây giờ, chú đi…”

Chú nói đến đó thì nghẹn. Tôi không ngờ một chú tiểu ăn to nói lớn, hay đùa giỡn, đôi lúc chọc ghẹo tôi, lại tình cảm như vậy. Mà chú càng bịn rịn, tôi càng ray rứt, có cảm tưởng như mình hèn nhát trốn chạy, để chú ở lại chịu đựng tất cả gánh nặng và không khí u trầm của ngôi chùa Linh Phong này. Nhưng, tôi không còn cách nào khác. Tôi cần phải đi. Tôi nói:

“Thôi, chú ở lại đây tu học. Giữ lấy một chữ Nhẫnlàm pháp môn. Có chuyện gì không ổn, chú qua viện tìm tôi xem tôi có giúp được gì không. Nhớ nha.”

Tôi qua bái thầy Trừng Hùng rồi xuống núi. Chú Thể tiễn tôi ra tam quan. Nơi tam quan, tôi bỗng nhớ sực đến Như Như, nhớ chỗ hẹn và giờ hẹn mà nàng nói hồi trưa. Tôi khựng người đứng lại một lúc, chưa biết tính sao. Ngày mai và có thể liên tiếp vài ngày kế đó nữa, nàng sẽ đến đây, đứng chờ tôi giữa trưa nắng gắt… Chẳng ai có thể cam tâm để cho một thiếu nữ mới lớn đứng chờ đợi mãi mà không hiểu lý do gì người mình chờ đợi lại thất hứa. Con người tôi lại có thể đành đoạn thất hứa với nàng ư? Mặc dù khi nàng đưa ra giờ hẹn và điểm hẹn, tôi đã không lên tiếng đồng ý, nhưng im lặng, chẳng bào chữa thì xem như đã hứa rồi. Chú Thể thấy tôi đứng hồi lâu như đang có việc khó xử, bèn nói:

“Chú có cần nhắn gửi ai điều gì không?”

Tôi giật mình quay lại nhìn chú. Cái chú này thật là thông minh! Chẳng gì có thể che giấu được chú.

Tôi cười thẹn, nói:

“Nếu người nhà tôi thì nói tôi qua viện. Còn bất cứ ai khác đến hỏi tôi, chú nói dùm là tôi đã đi xa, ra Huế hay Hội An chi đó, không bao giờ về lại, cũng chẳng biết địa chỉ ở đâu. Nói giùm vậy nghe, được không?”

Chú Thể cười đáp:

“Chú yên tâm. Chuyện đó dễ thôi mà. Nhưng không phải như vậy là xong đâu chú ơi.”

Tôi lườm chú ấy một cái, rồi cười dài, bước xuống núi. Không phải như vậy là xong, tôi cũng biết vậy; nhưng biết làm cách nào khác hơn! Càng gặp Như Như, tâm tôi càng tán loạn, khó tập trung. Đôi lúc, tôi cảm thấy mình không còn là mình, không còn là một tăng sĩ tốt nữa. Tôi đang cần bồi đắp lại những gì đã mất. Hướng đi, định lực… và nhất cái tâm trong trắng không vướng bận tình cảm và ái dục.

Ô

Như người bị rơi tuột dốc núi cao với tốc lực kinh khủng, không ai khác có thể ngăn cản hay kềm giữ nổi và chính hắn chũng không kịp bám víu vào đâu để dừng lại được. Sự phóng tâm của tôi trong vấn đề tình cảm cũng như thế. Dù tránh mặt ở viện để không gặp Như Như, tôi vẫn thấy mình yếu đuối, không tự kiềm chế được nữa. Trong lúc tọa thiền, tụng kinh, niệm Phật, tâm tôi vẫn cứ tán loạn; và đã nhiều lần, tôi mơ thấy Như Như trong những giấc ngủ vô mình của mình. Trong trận chiến nội tâm, không kiểm soát được tâm lý này thì các tâm lý khác lần lượt ngã đổ theo. Tự tìm hiểu tâm mình, tôi giật mình nhớ lại rằng, tôi đã bắt đầu tuột xuống con dốc ghê tởm ấy từ ngày mang bệnh ở Hội An, về Nha Trang với tâm lý tiêu cực của một người dưỡng bệnh, để rồi dễ duôi chạy theo cảm tính, yêu thơ văn, thích nhạc, phí thời giờ để ca hát nhạc tình, hăng say tập thể thao để tăng trưởng bắp thịt… cái dễ duôi này kéo theo cái dễ duôi khác, để cuối cùng, khi đối diện với nữ sắc, với tình cảm tự nhiên của trai gái, tôi không còn đủ năng lực để kháng cự được nữa. Tôi rơi. Phải, tôi rơi theo dòng cuốn của sự buông lung, biếng nhác. Tôi chưa biết những gì sẽ xảy đến cho đường tu của mình trong những ngày kế tiếp; chỉ cảm thấy rằng niềm tin vào ý chí sắt đá đã lung lay. Tôi từng khinh ngạo một số tăng sĩ đi trước mình đã dễ dàng sa ngã vào tình cảm tầm thường. Bây giờ, tôi tự xấu hổ với cái khinh ngạo đáng ghét đó. Dù rằng tình cảm giữa tôi và Như Như hãy còn trong trắng, nhưng tôi biết, nếu có điều kiện thuận lợi, sẽ không sức gì ngăn cản được sự bùng vỡ của hai trái tim nhiệt thành và lãng mạn ấy.

Mỗi lần từ suối Đổ về, chú Đức đến thăm tôi ở viện. Chú ấy có vẻ không còn vướng bận gì về Uyên em gái tôi nữa. Tôi cũng thực tình kể chú nghe về chuyện tôi lánh mặt Như Như.

“Nhưng rồi một ngày nào đó, Như Như sẽ phát giác ra chú ở đây chứ không phải là đi xa,” chú Đức nói.

“Lúc ấy thi… có lẽ đã nguội lạnh rồi, “ tôi nói.

“Hy vọng chuyện sẽ đơn giản như vậy,” Đức vừa cười vừa nói.

Tôi ngồi im một lúc, rồi bỗng hứng cảm nói luôn một mạch:

“Điều cần làm bây giờ là củng cố nội lực. Nội lực chưa đủ thì đụng chuyện là rớt ngay. Đôi lúc tôi còn tự nghi ngờ rằng sở dĩ trước đây tôi có vẻ nghiêm túc, hay có thể tạm gọi là giới hạnh, chẳng qua là vì được bảo vệ trong một môi trường nghiêm khắc. Thực ra, nội lực làm gì có được nơi một người chỉ biết ẩn núp và được che chở bởi giới luật hay hoàn cảnh! Lâu nay tôi cứ tưởng tôi vững lắm. Tôi đã lầm. Nếu vững thì gặp Như Như tôi đâu có rung động, đâu có… tán loạn tâm ý như bây giờ. Mà chú có thấy không, tăng sĩ trẻ như chúng ta trên đường tu thường đụng phải cái mâu thuẫn này: nếu không tiếp cận cuộc đời thì không thể độ sanh, mà tiếp cận đời thì bị nhiễm đời vì nội lực chưa đủ. Chưa hết, muốn có nội lực không phải chỉ cần nỗ lực thiền định mà còn phải qua sự thử thách với thực tế cuộc đời. Không gian khổ, không chướng nạn thì làm sao kiên cường được nội lực. Nội lực ấy chỉ được chứng minh qua những hoàn cảnh trở ngại. Cho nên Luận Bảo Vương Tam Muộinói là người học đạo phải tự dấn mình vào chướng ngại. Điều này có vẻ mâu thuẫn, phải không? Trước đây tôi nghĩ điều đó có lý lắm, nhưng bây giờ tôi cũng nghi ngờ. Vì trên thực tế, hễ không có nội lực mà dấn vào là chìm ngay. Mình đâu phải thứ bèo bọt giạt trôi vô định! Có lý tưởng, có mục tiêu đàng hoàng, lại có môi trường để trau luyện nội tâm nữa, vậy mà cũng không vững được. Cho nên, có thể nói là Luận Bảo Vươngấy chỉ nói cho hàng Bồ-tát, không thể áp dụng được cho Thanh văn. Ý tôi muốn nói: chuyện dấn thân vào chướng ngại để trau dồi đạo lực và độ sanh là chuyện của những hành giả tu theo Bồ-tát hạnh; còn những tăng sĩ truyền thống, chăm chút giữ gìn giới luật và thể diện của tăng đoàn thì không bao giờ có thể dấn thân một cách trọn vẹn được. Một Bồ-tát khi dấn thân, đặt vấn đề độ sanh trên hết, nếu nội lực chưa đủ mà bị vấp ngã thì cũng không ngại, có thể học được những kinh nghiệm đau khổ từ cuộc đời, và có thể gượng đứng dậy để tiếp tục bước đi, hình thức tăng sĩ có mất cũng không ngại, vì chỉ là bề ngoài. Vị ấy biết rằng chuyện giải thoát giác ngộ không phải chỉ dành riêng cho các người xuất gia hay các thầy tỳ kheo giữ 250 giới. Đã là con người, là chúng sanh có tính Phật, thì dù mang hình thức nào, ở trong môi trường nào, cũng có khả năng giác ngộ; thế nên, chỉ kẻ nào tu Bồ-tát hạnh mới có thể mạnh dạn dấn thân. Trong khi đó, các thầy tỳ-kheo, hay nói chung là những người xuất gia, lúc nào cũng ca tụng Bồ-tát hạnh mà chí nguyện và hành xử thì cứ lừng khừng, khập khựng, không dứt khoát mặt nào. Độ sanh là đại nguyện mang canh cánh trong lòng, nhưng dấn thân thì không dám, sợ nhiễm trần, sợ mất giới hạnh; còn đóng cửa nhập thất để hạ thủ công phu, quyết tâm thành Phật trong hiện kiếp thì lại thấy bất an, sợ không viên thành sự nghiệp lợi tha…”

Đức chen vào:

“Vì vậy hàng tỳ-kheo bên Bắc tông mình mới có vấn đề thọ thêm Bồ-tát giới đó.”

“Thọ thì thọ vậy thôi. Có vẻ như để được quân bình tâm lý chứ không phải để mở đường dấn thân thực sự vào cuộc đời đau khổ. Chú thấy một thầy tỳ-kheo không thọ Bồ-tát giới có khác gì với một thầy có thọ không? Không. Cũng vậy thôi. Vấn đề thọ Bồ-tát giới theo tôi thấy, hình như là chỉ tăng thêm giới, tăng thêm một vòng đai cố thủ cho cuộc sống phạm hạnh, chứ không phải là để nới rộng cho bước chân độ người. Những vị thọ Bồ-tát giới chỉ có tăng thêm giới chứ không tăng thêm hạnh. Ý tôi muốn nói chữ hạnh nguyệnchứ không phải là chữ đức hạnh. Hình thức tăng sĩ vẫn là cái quan thiết mà chúng ta phải trân trọng giữ gìn. Mất đi hình thức ấy thì đời tăng sĩ không còn gì để nói nữa, cho dù có mang đại nguyện bao la như trời biển hoặc đang thực hiện việc cứu đời một cách tha thiết, vô tư…”

“Nhưng… nãy giờ chú nói để dẫn chứng hay biện hộ cho cái gì vậy?” Đức vừa cười vừa hỏi.

“Đâu có biện hộ cho cái gì đâu. Tôi chỉ cảm thấy rằng, thực ra… đôi khi chúng ta né tránh cuộc đời thì sự né tránh ấy cũng chỉ vì chiếc áo tu sĩ này thôi, chứ không phải vì hạnh nguyện nào hết. Chúng ta coi trọng hình thức xuất gia hơn là chí nguyện xuất trần. Cho nên, tăng sĩ chúng ta học hạnh Bồ-tát, muốn dấn thân độ đời, vậy mà cứ khư khư giữ lấy chiếc áo, mà cố giữ chiếc áo này thì chỉ độ được người bằng sự thuyết giảng, tụng kinh, cúng đám, hay dạy học hoặc làm các công tác từ thiện xã hội như một số quý thầy, quý sư cô, hoặc các nữ tu bên Thiên Chúa giáo là cùng. Chú nghĩ ngoài những Phật sự kể trên, tăng sĩ có việc nào tích cực hơn nữa không. Những kẻ tích cực hơn, thì đã hòa nhập vào đời thực sự, không còn vết tích gì nữa. Và vì họ không còn giữ hình thức tăng sĩ, chúng ta coi như không có họ. Người đời cũng vậy, chỉ nhìn chúng ta nơi hình thức tăng sĩ. Thầy nào còn cạo đầu, còn mặc ca-sa, còn tụng kinh, thuyết pháp, thì còn tin tưởng, kính trọng; thiếu đi những sinh hoạt ấy thì coi như chẳng ra gì rồi. Mà Bồ-tát vào đời thì không câu nệ hình thức, phải không? Còn câu nệ hình thức thì sẽ không làm được cái gì to lớn, không làm được cái gì thực sự ích lợi.”

“Vậy chứ theo chú, tăng sĩ còn làm cái gì khác hơn những sinh hoạt truyền thống? Và hình thức tăng sĩ chú thấy không còn cần thiết nữa sao?”

“Không, không phải vậy. Chú hiểu lầm rồi. Hình thức cần thiết chứ, nhưng không cần thiết đến độ coi nó là cái trên hết, trên cả đại nguyện lợi sanh. Tôi chỉ muốn nói rằng, đa phần tăng sĩ chúng ta chưa thực sự dấn thân cũng chỉ vì quá coi trọng hình thức mà thôi.”

“Vậy theo chú thì phải làm thế nào mới gọi là thực sự dấn thân? Và làm thế nào là dấn thân mà vẫn giữ được hình thức tăng sĩ?”

“Hiện thời, tôi quan tâm đến hạnh nguyện hơn là hình thức. Và nếu tự đặt nghi vấn cho chính mình, tôi không nói như chú: làm thế nào để dấn thân mà vẫn giữ được hình thức tăng sĩ. Tôi chỉ tự hỏi rằng, làm thế nào dấn thân mà không đánh mất đi chí nguyện xuất trần và hạnh nguyện lợi sanh của mình. Còn dấn thân làm chuyện gì thì tôi chưa nhìn rõ được thực ra tôi muốn gì và con đường nào thực sự thích hợp cho tôi. Hơn nữa, chuyện dấn thân cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh và thời đại mà có thay đổi. Mỗi thời mỗi khác, mỗi nơi mỗi khác.”

“Chú nói vậy là tôi biết chú có thay đổi khá nhiều trong quan niệm tu và hành đạo rồi đó. Trước đây tôi thấy chú…”

“Có vẻ bảo thủ, phải không?”

“Gần gần như vậy. Không phải đã có lần chú nói rằng tăng sĩ chỉ cần ở chùa, nỗ lực tu hành thôi, vậy là đủ rồi, không cần phải làm gì khác hơn! Chú cũng từng phê phán những người đòi cải cách hay thay đổi sinh hoạt Phật giáo hoặc muốn Phật giáo phải tích cực dấn thân, kiện toàn tổ chức này nọ…”

“Ừ, tôi đã từng nghĩ vậy.”

“Bây giờ thì khác rồi, sao vậy?”

Tôi hớp một ngụm trà nóng, không trả lời ngay. Ngoài khung cửa lưới, cành hoa hậu với mấy cái hoa tím đong đưa. Có con chim sẻ hiền lành đang chuyền trên cành. Tự dưng tôi nghĩ đến Như Như. Tôi tự hỏi, có sự can dự nào của hình bóng Như Như trong sự thay đổi quan niệm tu tập và hành đạo của tôi chăng? Tôi vẫn thường tra vấn, nghi ngờ chính mình như vậy. Và tự đáy lòng tôi trả lời: có. Nhưng ý hướng dấn thân mới nẩy sinh trong tôi không phải là để nhắm vào chuyện hoàn tục để rồi lập gia đình với một thiếu nữ nào đó (chẳng hạn Như Như) để sống một đời sống thế tục. Hình bóng Như Như, con người Như Như, có can dự vào sự thay đổi quan niệm của tôi, có xuất hiện một cách lãng mạn trong đời tôi, cũng chỉ là để đánh thức tôi ra khỏi tâm lý ù lì, bảo thủ lâu nay tôi hằng có mà thôi. Nàng đã gián tiếp dạy tôi rằng, thực ra tôi chẳng có chút nội lực đáng kể nào để có thể tự hào, kiêu hãnh, khinh ngạo những kẻ vấp ngã tình cảm trước đây mà tôi biết. Và điều này cũng đã khiến tôi thức tỉnh, thấy rằng có đọc nghìn lần đại nguyện độ sanh, tôi vẫn chỉ là bàng quan, đứng ngoài cuộc đời, ôm giữ hình thức xuất gia, để mặc cho sinh linh thống khổ… Cho nên, không phải chỉ cần ca tụng việc dấn thân độ đời thì hạnh lợi tha sẽ viên mãn. Phải dấn thân thực sự. Tôi nghĩ vậy.

Và khi nghĩ đến việc dấn thân, tôi không nghĩ đến những chương trình cứu tế xã hội, cho quà cho tiền… mà những tổ chức từ thiện từng làm. Đối với tôi, việc làm đó vẫn chỉ là ngoài da, chưa thực sự được gọi là dấn thân và nó cũng chỉ làm được nghĩa cử xoa dịu chứ không phải là giải quyết được điều gì hệ trọng của đời sống nhân quần. Dấn thân đâu phải chỉ là đi băng bó vết thương mà không biết chặn đứng những nguyên do tạo nên vết thương đó. Dấn thân cũng đâu phải là nhảy vào đời để chìm lỉm trong cuộc sống dung tục tầm thường hoặc để cho các thế lực thế tục kiểm soát, sai sử. Nghĩ đến việc dấn thân, tôi có ngay trong trí tưởng hình ảnh của những thiền sư anh hùng, mà tiêu biểu là Tuệ Trung Thượng Sĩ, và gần gũi nhất là thầy Tuệ Sỹ. Dấn thân là đem cả sinh mệnh, tính mệnh và cả bản thể của mình để thể nghiệm tính Phật trong cuộc đời huyễn mộng, chuyển hóa cái vô minh vọng tưởng của các thế lực bạo tàn, biến trần gian khổ lụy thành tịnh độ niết bàn, phụng sự những con người đau khổ trên thế gian với niềm cung kính, trân trọng và đầy yêu thương. Lý do nào con người thơ mộng hiền lành như thầy Tuệ Sỹ lại dấn thân để rồi lâm vào cảnh tù đày? Tất cả đều vì lòng thương yêu đối với cuộc đời. Lòng thương yêu ấy vượt khỏi hình thức xuất gia khiến cho các tăng sĩ có thể tạm cởi ca-sa, khoác chiến bào, như từng thấy trong lịch sử. Các thiền sư Việt Nam đã từng góp mặt với đời như thế trong những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước. Khi quốc gia suy vong hoặc bị nạn ngoại xâm, các ngài không từ chối trách nhiệm công dân, sẵn sàng có mặt, ngay cả trên trận tuyến; khi đất nước yên bình, các ngài lại quay trở về với thảo am, với ngôi chùa xiêu vẹo dột nát ẩn mình dưới những tàng cây rậm bóng. Phải chăng lý tưởng dấn thân ấy được un đúc lâu đời để trở thành sinh hoạt truyền thống của tăng sĩ Phật giáo Việt Nam, ăn sâu trong huyết quản của những nhà sư áo vải chay tịnh? Đâu phải chỉ có thầy Tuệ Sỹ và bốn tăng sĩ khác cùng một tổ chức ở Sài-gòn là bị cầm tù vì tội đấu tranh cho quyền sống của dân tộc. Trước đó ba năm, ngay khi cộng sản vừa mới chiếm miền Nam, đã có 12 tu sĩ Phật giáo tự thiêu ở miền Hậu Giang. Thầy Phước Viên ở Hải Đức cũng về Huế tham gia một phong trào đấu tranh do Thượng tọa Thiện Tấn lãnh đạo, cùng bị tù với một số tăng ni ngoài đó. Thượng tọa Thiện Minh cũng vừa bị bắt giam năm nay vì tội lãnh đạo một lực lượng chống cộng. Những sự kiện trên không những nói lên bi nguyện lợi sanh của những nhà sư Việt Nam mà còn chứng minh rằng quốc gia đang lâm vào một thảm họa kinh khiếp đến nỗi những thiền sư áo vải, vốn không mong cầu bất cứ thứ lợi dưỡng, quyền lực hay danh vọng nào của thế gian, phải tạm gác chuông mõ kinh kệ để dấn mình hành đạo bằng những con đường thế tục.

Tôi rót thêm trà vào tách cho Đức, nói:

“Tôi chẳng biết nói sao để trả lời câu hỏi của chú. Thường thường thì sự đổi thay quan niệm sống của một người tùy thuộc vào nhiều nguyên do. Có khi vì tuổi tác và kinh nghiệm. Có khi vì hoàn cảnh xã hội. Có khi chỉ vì một chút tâm tình riêng tư nào đó. Nhưng tôi hỏi chú một câu nhé, khi nhge quý thầy bị cộng sản bắt bỏ tù… chú cảm thấy trong lòng thế nào?”

“Thấy tội nghiệp quý thầy chứ thấy sao nữa,” Đức nói rồi bật cười.

“Không, ý tôi… à điều này khó nói thật. Tôi cũng chẳng biết tôi thực sự muốn hỏi chú điều gì. Để coi nào… à, ý tôi muốn hỏi là chuyện quý thầy thấy chuyện bất bình mà đứng dậy đấu tranh… chú thấy sao?”

“Hết sức cảm động. Hết lòng kính phục,” Đức nói, giọng chân thật.

Tôi hỏi tiếp:

“Ngoài ra còn gì nữa?”

Đức lặng thinh, suy nghĩ một lúc:

“Tôi cũng muốn noi gương, muốn làm theo. Có điều… cảm thấy mình bất tài, chẳng làm gì được.”

“Tôi không hỏi chuyện chú có kính phục hay noi gương làm theo. Tôi chỉ muốn biết, nếu có thể dấn thân như quý thầy ấy, có phải là có cái gì thôi thúc trong lòng chú, phải không?” tôi lại hỏi dồn. Đức cười, đáp:

“Có gì đâu. Chỉ là sự bất bình trước cái gì trái tai gai mắt, bất bình trước áp chế của bạo lực, hay là cái ước vọng đem lại an vui hạnh phúc cho số đông…”

“Đúng, đó chính là nguyên do. Nhưng tôi còn cảm thấy có một cái gì đó đầy hấp lực ở đàng sau, hay ở bên cạnh cái đại nguyện độ sanh nữa kia. Chú không cảm thấy cái hấp lực đó hở?”

Đức suy nghĩ một lúc, rồi lắc đầu. Tôi nói:

“Không lý nào nó chỉ là tâm lý riêng của tôi. Để tôi nói chú nghe thử xem nhé…”

Tôi đứng dậy, chống hai tay lên cạnh bàn, nhìn ra khung cửa sổ, nói tiếp, và trong khi nói, tôi cũng cảm nghe một nỗi xao động kỳ lạ cuộn lên trong lòng:

“Bên cạnh đại nguyện lợi sanh cứu đời, muốn tất cả mọi người đều được hạnh phúc, dường như kẻ dấn thân còn có cái khát khao được gánh thay tất cả nỗi khổ đau cùng cực của con người nữa. Điều này chúng ta đã đọc nghìn lần trong điều giác ngộ thứ tám của kinh Bát Đại Nhân Giác. Nhưng mới đây, khi tưởng nghĩ đến chuyện ở tù của quý thầy, tôi mới cảm thấy được cái hấp lực của khổ đau và chướng nạn… Dường như chỉ có chúng mới đánh động được toàn diện cái trường cửu bất biến của thể tính mà thôi. Phải chăng vì vậy mà một kẻ chưa hoàn toàn giác ngộ cũng có thể có được tâm vô úy? Từ suy nghĩ này, tôi lại có nghi vấn về lòng từ bi mà thầy Nhất Hạnh hay một số thầy khác đã viết. Lòng từ bi, theo quý thầy, chỉ được nuôi dưỡng và được lớn mạnh thêm lên nhờ sự trực nhận thường xuyên cái đau khổ của con người, của cuộc đời. Nói vậy thì lòng từ bi ấy đã có giới hạn vì nó cần điều kiện đau khổ để tồn tại. Nếu con người không còn đau khổ thì không có lòng từ bi sao? Và nếu lòng từ bi cũng mất còn theo sự đau khổ của thế gian thì lòng từ bi đó có thể vô biên, vô hạn, vô lượng được sao? Cho nên, chú đừng nói tôi điên khùng nếu tôi nói ra cái ý nghĩ này: thực ra, ngoại trừ những vị Phật và Bồ-tát đã hoàn toàn giải thoát giác ngộ, cái động lực chính thu hút hành giả dấn thân vào việc tế độ là khát vọng thể nghiệm chân như Phật tính ngay trong chính cái đau khổ cùng tột mà bản thân mình gánh chịu chứ không phải là để cứu hết cái khổ cho mọi chúng sinh.”

“Nói như chú thì lòng từ bi còn có nghĩa lý gì nữa,” Đức nói.

“Sao không nghĩa lý. Chú tưởng khát vọng thể nghiệm chân như và hành vi cứu khổ là hai cái khác nhau sao? Tôi đâu có phủ nhận lòng từ bi. Tôi thấy chỉ là một. Nhưng thôi, cứ cho là hai như chú cũng được. Nếu là hai, tôi cho rằng, lòng từ bi làm khởi phát hạnh nguyện cứu đời; còn cái khát vọng thể nghiệm chân như thì đẩy xô hành giả thực hiện hạnh nguyện ấy. Thế nên, cái khổ của chúng sinh, chúng ta biết là không bao giờ hết mà vẫn cứ dấn mình vào con đường tế độ với thệ nguyện phải cứu cho hết mới chịu thành Phật! Nghĩa là sao? Biết là đã làm, đang làm và sẽ làm một việc chẳng bao giờ có kết cục, vậy mà cứ làm! Là sao? Là vì khổ đau và mê vọng của con người, của chúng sinh, chỉ là giả tạo mà thôi; trong khi đó, chân như mới là cái thường tại. Như vậy, dấn thân cứu đời, thực ra là để trực nghiệm cái trường cửu bất biến chứ đâu phải mục đích chính chỉ là để chỉnh đốn hay cứu độ những cái chiêm bao mộng huyễn!”

“Mô Phật… chú nói nghe cũng có lý lắm. Nhưng như vậy thì việc dấn thân cứu khổ sẽ mang một ý nghĩa khác, phải vậy không?”

“Đối với thế gian, hay nói cho đúng hơn, về mặt dụng,việc dấn thân ấy rõ ràng vẫn mang hạnh nguyên và hành vi cứu đời; chỉ trong cái bề sâu thẳm của tâm thức, hay về mặt thể,người ta biết rằng nó còn mang cả ý nghĩa truy cầu Phật tính nữa. Cho nên, bao vị cao tăng trên đất nước này, qua nhiều triều đại, đã nối bước nhau dấn mình vào cứu quốc, hộ dân, bảo vệ đạo pháp. Đâu phải vị nào cũng thành công trong hạnh nguyện cứu đời. Thành công thì tốt, đất nước yên vui, nhân dân thái bình. Nhưng thất bại cũng chẳng sao. Khổ đau nào cũng sẵn sàng gánh chịu. Trước mắt, chúng ta có thầy Thiện Minh, thầy Tuệ Sỹ… các thầy ấy đã thất bại rồi đó. Nhưng họ đang an lạc trong ngục thất, đưa thân mình ra gánh lấy tủi nhục của quê hương, lấy đại nguyện của mình ra mà rửa nghiệp cho dân tộc…”

Tôi nói ngang đó thì nghẹn. Chúng tôi im lặng một lúc. Đức nói:

“Nếu một ngày nào đó, chú lên đường… nhớ gọi tôi nhé.”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/08/2021(Xem: 7722)
Thật là một điều kỳ diệu và lý thú khi được tin báo trên Viber là Tuyển Tập pháp Thoại vừa hoàn thành và đã sẵn sàng đến tay Phật Tử khi đến dự Lễ Vu Lan tại Tu Viện Quảng Đức (nếu không bị lockdown). Vì sao gọi là kỳ diệu? Chỉ sau khi tôi được học xong 10 duyên mà Đức Phật cho là quan trọng nhất theo thứ tự của 24 duyên, mà chúng ta ai cũng phải gặp trong thời gian còn làm người phàm, và nếu hiểu rõ tường tận thì mình có thể sẽ không bao giờ thốt lên câu “Học muôn ngàn chữ nghĩa nhưng không ai học được chữ Ngờ” của bộ Đại Phát Thú / Vi Diệu Pháp, do Giảng Sư Thích Sán Nhiên đã thuyết giảng qua 61 video, mỗi video kéo dài từ 3: 00 đến 3:50 giờ. Chính vì thế, nhờ đó tôi chợt nhận ra nhân duyên gì đã làm trưởng duyên và đẳng vô gián duyên, để tôi đến với Đại Gia Đình Quảng Đức Đạo tràng nói chung, và tiếp xúc liên hệ với TT Trụ trì Tu viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng và được cộng tác với Ngài trên trang website Phật Giáo, Trang Nhà Quảng Đức, để rồi hôm nay lại có duyên
17/08/2021(Xem: 6972)
Bà Thanh Đề là mẹ của ngài Mục Kiền Liên (cũng gọi là Mục Liên). Bà tính tình tham lam, độc ác, không tin Tam Bảo, tạo ra nhiều tội lỗi nặng nề, gây ra nhiều “nhân” xấu nên khi chết đi chịu “quả” ác, bị đày vào ác đạo, sinh làm loài ngạ quỷ, đói khát triền miên trong đại địa ngục.
14/08/2021(Xem: 23050)
Chủ đề: Thiền sư Thuần Chân (Đời thứ 12, Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 272 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Bảy, 14/08/2021 (07/07/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 01:45pm (giờ Cali, USA) - 04:45pm (giờ Montreal, Canada) - 11:45pm (giờ Paris, France) - 03:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/
10/08/2021(Xem: 25264)
Con kính lễ Thiền sư Bảo Tánh và Thiền sư Minh Tâm (? - 1034) (Đời thứ 7, Thiền Phái Vô Ngôn Thông, hai vị Thiền Sư chuyên thọ trì Kinh Pháp Hoa)🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️
07/08/2021(Xem: 28939)
Chủ đề: Thiền Sư Từ Đạo Hạnh (1072-1116) (Đời thứ 12, Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vị Thiền Sư sau khi viên tịch tái sanh trở lại làm Vua vào triều đại nhà Lý VN) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 269 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Bảy, 07/08/2021 (29/06/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 04:45pm (giờ Montreal, Canada) - 10:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/
06/08/2021(Xem: 9879)
Cũng như chuông, trống cũng được coi như là một loại pháp khí không thể thiếu trong văn hóa tín ngưỡng của đa số dân tộc theo Phật giáo. Phật tử Việt Nam chúng ta rất gần gũi với thanh âm ngân vang thâm trầm của tiếng chuông; tiếng trống thì lại dồn dập như thôi thúc lòng người...Tại các ngôi chùa, trống Bát Nhã được đánh lên là để cung thỉnh Chư Phật, Chư Bồ Tát quang giáng đạo tràng chứng tri buổi lễ. Thông thường trống Bát Nhã được đánh lên vào ngày lễ Sám hối và trong những ngày Đại lễ. Ba hồi chuông trống Bát Nhã trổi lên để cung thỉnh Chư Phật và cung đón Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni quang giáng đạo tràng, đồng thời cũng nhắc nhở mọi người nên lắng lòng, buông bỏ mọi tạp niệm. Bà kệ trống Bát Nhã được đọc như sau: Bát Nhã hội Bát Nhã hội Bát Nhã hội Thỉnh Phật thượng đường Đại chúng đồng văn Bát Nhã âm Phổ nguyện pháp giới Đẳng hữu tình Nhập Bát Nhã Ba La Mật môn Ba La Mật môn Ba La Mật môn.
06/08/2021(Xem: 5230)
Dấu chân xưa du hóa, một mảnh trời bao dung, gởi những lời vàng ngọc hương xưa bay khắp cả cung trời. Từ xứ Ấn, nơi thánh tích niềm tâm linh Tôn Giáo Phật Đà, Bậc Cha Hiền Đấng Như Lai Thích Ca truyền giáo, khai sáng nguồn tâm nuôi dưỡng chủng tánh cho chư vị Thánh giả Tỳ Kheo Tăng, Tỳ Kheo Ni, hay chư vị Thiên thần Long vương, Trời người quy kính, nghe Đấng Như Lai thuyết giảng, từ gốc nhìn sâu lắng, từ pháp tu thực hành, nên Vua Quan, dân chúng ở xứ Ma Kiệt Đà, xứ Kiều Tất La, vang khắp dòng suối chảy Hưng Long Chánh Pháp nơi xứ Ấn. Có chư vị Thập đại đệ tử lớn, các vị Thánh Tăng tu tập chứng nghiệm, đạt thánh quả A-La- Hán. Tôn Giả A- Nan nối truyền Kinh Tạng nghe thông thuộc ghi nhớ không sót một câu, Tôn Giả Đại Ca Diếp nối truyền Y bát tâm tông Phật trao, làm đệ nhất Tổ sư truyền thừa, vị Luật sư Tôn giả Ưu Ba Ly, và 500 vị A- La-Hán, kết tập Kinh điển Giáo lý mà Đấng Như Lai thuyết trình qua 49 năm hành hóa độ sinh, Tôn Giả A- Nan là vị trùng tuyên Kinh Tạng, Tôn Giả Ưu-Ba-
05/08/2021(Xem: 23185)
Chủ đề: Thiền Sư Cứu Chỉ (Đời thứ 7, dòng Vô Ngôn Thông) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 268 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Năm, 05/08/2021 (27/06/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 04:45pm (giờ Montreal, Canada) - 10:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/ https://www.facebook.com/quangducwebsite Website: https://quangduc.com Tel: 03. 9357 3544 Email: [email protected]
04/08/2021(Xem: 6817)
Sông Thạch Hãn, Ngân Thiền Tâm Mộ Phật. Chốn Trà Trì, Gương Học Hạnh Xuất Gia. Nhỏ Tầm Chơn, Quyết Chí Xa Thế Tục. Khoác Áo Nâu Sòng, Học Lối Thích Ca. Chào Song Thân, Xứ Bảo Lộc Quê Nhà. Nương Thầy Tổ, Giữ Gìn Tâm Hướng Đạo. Mùi Kinh Kệ, Tháng Ngày Xông Cõi Tịnh. Thuộc Luật Nghi, Từ Góc Hạnh Trăng Sao.
02/08/2021(Xem: 19339)
Tiếng chuông chùa vang lên để xoa dịu, vỗ về những tâm hồn lạc lõng, bơ vơ. Hồi chuông Thiên Mụ, mái chùa Vĩnh Nghiêm một thời chứa chan kỷ niệm. Đó là lời mở đầu trong băng nhạc Tiếng Chuông Chùa do Ca sĩ Thanh Thúy trình bày và ấn hành tại hải ngoại vào đầu thập niên 80. Thanh Thúy là ca sĩ hát nhạc vàng, đứng hàng đầu tại VN trước năm 1975. Cô là đệ tử của HT Nguyên Trí ở chùa Bát Nhã, California. Khi Thầy còn ở VN cuối thập niên 80 có đệ tử ở bên Mỹ đã gởi tặng Thầy băng nhạc Tiếng Chuông Chùa này. Hôm nay Thầy nói về chủ đề Tiếng Chuông Chùa, hay tiếng Chuông Đại Hồng Chung. Đại Hồng Chung là một cái chuông lớn được treo lên một cái giá gỗ đặt trong khuôn viên chùa hay trong Chánh điện. Hồng Chung là một pháp khí linh thiêng, là một biểu tượng đầy ý nghĩa của Phật giáo, nên chùa nào cũng phải có, lớn hay nhỏ tùy theo tầm cỡ của mỗi chùa. Hàng ngày Đại Hồng Chung được thỉnh lên vào buổi chiều tối, báo hiệu ngày
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]