Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 4

15/03/201208:53(Xem: 8870)
Chương 4

NÚI XANH MÂY HỒNG

truyện vừa của Vĩnh Hảo

Khởi viết tại Sài Gòn 1980, hoàn tất tại Long Thành 1982

Alpha xuất bản 1991 tại Virginia, Hoa Kỳ

____________

CHƯƠNG 4

Tiếng chuông khuya đầu tiên đánh thức tôi dậy với một nỗi buồn da diết không thể gọi tên.

Tôi không hiểu sao mình lại có thể buồn một cách dễ dàng như vậy. Dường như bao giờ thức dậy sau một giấc ngủ, dù dài hay ngắn, tôi đều cảm nghe một cái gì buồn buồn. Có lúc tôi tự trả lời với mình rằng có lẽ trong giấc ngủ tôi đã mơ thấy những giấc mơ đẹp nên khi bừng giấc là thấy buồn vì nuối tiếc. Nhưng chắc là không đúng hẳn. Bởi tôi rất ít mộng mị trong giấc ngủ. Và nếu như người ta nói, những sinh hoạt thường nhật gây ấn tượng mạnh mẽ có thể tác động vào tiềm thức để tạo nên những giấc mộng khi ngủ, thì lối sống kinh viện khép kín của tôi trong cửa chùa cũng đã bảo vệ tôi, không để một ấn tượng nào không tốt và bất lợi cho người học đạo được nẩy sinh trong vườn tâm tôi. Tu sĩ thì đâu có mơ mộng gì--cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng--và có biết gì đâu để mà mơ mộng! Do đó, có thể nói, giấc ngủ của tôi thường êm đềm và vắng lặng như một cõi không. Vậy thì buồn cái gì? Tôi lại tự trả lời rằng, có lẽ vì thực tế bao giờ cũng phũ phàng và cuộc đời quá nhiều đau thương đến nỗi buông mình ra khỏi giấc ngủ là người ta rơi ngay vào một cái buồn kinh khiếp, tàn bạo – cái buồn của một kẻ ý thức rằng mình lại phải tiếp tục đối diện với cuộc sống đầy phiền tạp và đau khổ. Nhưng đó cũng chỉ là câu trả lời có tính cách suy luận, không làm tôi vừa ý. Bởi cuộc đời tôi chẳng có gì đáng gọi là thương đau khổ sở; và thực tế đời tôi hãy còn là một trang giấy trinh nguyên, giả như có nhàu đi chút đỉnh vì một va chạm nào đó thì cũng chưa đến nỗi nào so với những trầm thống mà người đời phải gánh chịu.

Thực sự trong tôi, tôi chỉ có thể thừa nhận rằng nỗi buồn cơ hồ vô cớ kia có lẽ là do tôi quá nhạy cảm, dễ xúc động. Tôi có thể buồn một cách tầm phào và vô lý. Nhưng tôi biết tôi buồn thực sự, có điều, không thể giải thích được mà thôi. Đây cũng không phải cái buồn mà một nhà thơ tiền chiến mắc phải – “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”– mà là một nỗi buồn mang mang khó chữa trị và quái lạ nhất là tôi vẫn thích đắm mình trong đó như muốn hân thưởng một cái gì sâu nhiệm, huyền bí.

Tôi ngồi lặng tại chỗ một lúc thì tiếng chuông chùa đã tới hồi giục giã. Chuông càng đổ nhanh, lòng tôi càng nghe rộn rã.

Rất ít khi tiếng chuông khuya có ý nghĩa đối với tôi như lúc này. Bình thường, khi còn ở chùa, tiếng chuông khuya chỉ có ý nghĩa đánh thức và lay tỉnh. Khi nghe chuông, tôi sẽ ngồi dậy đọc một bài pháp kệ (nói nôm na là một bài nguyện được viết theo thể văn vần):

“Nghe chuông rơi

Ưu phiền vơi

Trí tuệ phát

Lòng thương khơi

Lìa thống khổ

Xóa đau thương

Nguyện thành Phật

Cứu muôn phương.”

Mỗi khuya đọc bài pháp kệ đó, tôi thấy tâm mình tỉnh thức và lòng thương mở rộng. Nhưng lần này, tiếng chuông mang một tác dụng khác. Nó gõ từng nhịp vào nỗi buồn đang bàng bạc trong tôi, gõ thật đúng lúc và hiệu quả. Nó vừa lay động tâm hồn tôi, vừa như thôi thúc tôi làm gấp một cái gì. Tôi cảm thấy nóng nảy muốn đứng dậy lập tức, muốn ra đi lập tức, muốn thực hiện một cái gì đó lập tức. Nhưng sự thôi thúc này là một tác động mơ hồ, vì nó không đẩy tôi đến một quyết định nào rõ rệt. Vội vàng xếp tấm cà sa bỏ vào túi xách xong tôi mới thấy rằng không có gì phải vội vã, hấp tấp và lo sợ. Tôi nhớ đến xác người nằm chết trơ vơ đêm kia. Tôi có lý và tiếng chuông cũng có lý. Cuộc đời sẽ có thể gãy đổ tan tành trong chớp nhoáng. Thời giờ không thể chờ đợi. Tôi phải làm gấp một cái gì. Tôi phải tranh thủ đạt đến mục đích tột cùng của cuộc sống. Tôi phải nhanh chóng thành tựu lý tưởng của tôi. Vì, thời gian sẽ qua đi… Nhưng có phải rằng khi tôi bạt mạng a đầu vào một nỗ lực nào đó để vươn tới cùng đích cũng có nghĩa là tôi vô tình chìm lỉm trong một khát vọng mới, một sự lãng quên mới? Và trong vội vã, hấp tấp, bộp chộp, liệu người ta có thể tìm ra được một cái gì siêu việt chăng? Tôi nhớ có vị Thiền sư nói: “Bình thường tâm thị đạo”(Giữ tâm bình thường, ấy chính là Đạo). Nỗ lực vươn lên nhưng thực không có gì đáng để nỗ lực cả. Không có gì xảy ra một cách quan trọng.

Tôi bình thản đứng dậy nhìn trời đêm bao la. Trăng vẫn im lặng và mặc nhiên ngả về Tây. Dưới chân núi là quốc lộ. Thỉnh thoảng, vài chiếc xe lam rồ máy ồn ào chạy qua. Khi tiếng động cơ lắng dần ở xa, người ta có thể nghe rõ tiếng vó ngựa gõ lóc cóc trên đường nhựa. Người phu xa thường im lặng vào giấc khuya chứ không hò hét gì; chỉ có tiếng roi của ông chốc chốc lại vung lên vun vút. Một vài phụ nữ ngồi quây quần bên gánh hàng của họ, nói chuyện và chờ xe xuôi về phố. Ông lão bán thuốc lá ngồi khom như ngủ gật bên cạnh chiếc đèn dầu nhỏ đặt trên tủ kính. Tiếng trống của khóa lễ khuya trong chùa đỗ ba hồi chậm rãi. Tôi lặng lẽ xuống núi. Sương lành lạnh hắt trên vai tôi theo làn gió sớm. Ngay trong lúc từng bước một bước xuống, tôi nghe trong tôi một cái gì miên man dâng lên, sảng khoái và rung động. Ước chừng chính lúc này, tôi, như một nhà sư xuống núi, mới thực sự dấn những bước đầu tiên vào dòng đời phiền lụy, mới thực sự gieo mình vào một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Tôi khẽ đọc một bài thơ của một vị thiền sư nào đó và cảm thấy cõi lòng hân hoan mở ra:

Bình bát cơm ngàn nhà

Thân chơi muôn dặm xa

Mắt xanh xem người thế

Mây trắng hỏi đường qua.”

Dừng lại ở chân núi, tôi nhìn về phía trăng lặn. Những ngọn núi cao ngất phủ đầy mây trắng. Trăng như vén mây để về chân trời. Bóng trăng càng mờ ảo hơn sau những cụm mây thưa. Một lúc lâu thì trăng khuất hẳn; bấy giờ, các đầu núi ngập mây cơ hồ biến mất, chỉ có khoảng chân núi là lúc ẩn lúc hiện.

Tôi chợt nhớ đến Đức. Trong một bài trường ca của tôi viết về cuộc đời đức Phật, không hiểu sao Đức thích nhất câu “Núi xanh còn đó, mây hồng nhẹ bay”. Đức đề nghị tôi phóng câu đó làm đề cho một phụ bản của tập đặc san mà chúng tôi thực hiện. Và khi chia tay, tôi nhớ Đức cũng đã tự ví chú như là núi và tôi là mây. Tôi mỉm cười đón nhận cái ý nghĩ hay hay đó của chú, và có lẽ tôi cũng thích tự nhận mình như là một cụm mây: cụm mây Phiêu Bồng(bút hiệu làm thơ của tôi lúc ấy). Tuy nhiên, làm sao tôi có thể ngăn cản được mình trong cùng lúc với nụ cười đó một nỗi buồn nhè nhẹ lướt nhanh qua tâm hồn.

Giờ này có lẽ Đức đang đọc sách trong thiền thất. Thiền thất của Đức cũng nằm trên đồi Trại Thủy như chùa Núi (tức chùa Linh Phong) mà tôi vừa rời khỏi. Nhưng không có lối băng ngang, vì vậy, muốn tìm đến nhau từ hai địa điểm này, người ta phải xuống núi, rồi lại lên núi.

Tôi bỗng muốn đến thăm Đức. Chắc là vui lắm, dù chỉ mới xa nhau một tháng. Tôi liên tưởng đến sự ấm cúng nếu tôi có thể gặp lại Đức trong lúc này: sự ấm cúng trong căn thiền thất đơn sơ, với một bữa ăn đạm bạc và trong tình bạn chân thành, đạo vị. Tôi thích lắm, nhưng khi bước đến chân đồi, tôi đổi ý. Tôi quay đi. Tôi không tự hiểu được mình lúc đó. Nhìn lại một lần nữa căn thiền thất thoáng hiện trên đỉnh đồi qua màn sương khuya mờ phủ, tôi lặng lẽ giã từ và bước nhanh về bến xe. Tự dưng tôi linh tính rằng có một cuộc chia xa vĩnh viễn, hoặc sẽ không có dịp nào trở về nữa, nếu có chăng, cũng lâu xa lắm. Cái linh tính này hầu như không nẩy sinh lúc tôi chia tay Đức ở ga xe lửa hơn một tháng trước. Tôi chẳng hiểu vì sao.

Phố Nha Trang hiền hòa, vắng tiếng xe cộ. Vài chiếc xích lô đạp đi một cách buồn tẻ và im lặng trong khuya. Xa xa, có tiếng chó nhà ai sủa rân lên.

Tôi có mặt tại bến xe khi phòng vé bắt đầu làm việc. Những hành khách cùng chuyến xe với tôi hôm ấy đều có mặt quanh phòng vé, và phòng vé đã dành ưu tiên cho chúng tôi chuyến xe đầu tiên (tài một) để bù lại sự không may của chúng tôi hai ngày trước.

Chúng tôi cũng không phải xếp hàng hay chầu chực gì nữa. Sự kiện này làm cho người ta, những người được ưu tiên, có ảo giác như đươc ban một ân huệ lớn lao. Quả vậy, từ sau năm 1975, mua vé xe mà không xếp hàng thì thật là hạnh phúc! Đó là một ưu đãi mà trừ những cán bộ ra, người dân khó có cơ hội được hưởng. Trên nét mặt của những người đã cầm vé trên tay, tôi nhìn rõ những hân hoan không bến bờ của họ. Họ rất thỏa mãn với một cái vé. Họ nói và cười lớn tiếng hơn. Họ có thể cười vào những câu chuyện mà tôi thấy chẳng có gì đáng phải cười cả.

Tôi cũng không thể quên được rằng có một thiếu phụ người miền Trung đã nhờ tôi xách hộ chiếc valise và giỏ đồ thật nặng của chị lên xe vì chị ấy mắc bế một đứa con chưa đầy tuổi và tay còn lại chị phải xách một giỏ đồ khác. Chị cảm ơn tôi rối rít khi lên được trên xe; và rồi trên suốt quãng đường vào Sài Gòn, chị kể tôi nghe tất cả những nỗi khổ nào mà chị phải gánh chịu từ khi người Cộng sản xua quân vào Nam và từ khi chị lấy chồng, có con - đứa bé chị đang ẵm trên tay. Tôi không biết chị có phóng đại hay bi thảm hóa cuộc đời chị không. Nếu là phóng đại thì không sao (tôi nghe rằng nói quá sự thật là bệnh chung của người đời mà!); nhưng nếu lời chị kể đều là sự thật thì đó quả là cơ sự bất ngờ đối với tôi: nó vẽ ra nỗi khổ triền miên, thống thiết mà một tu sĩ quê mùa, khép kín cuộc sống trên núi cao như tôi không thể nào tưởng tượng ra nổi. Đến trưa, chị than với tôi là không có tiền ăn cơm, và “Khổ lắm! Chẳng ai hiểu dùm cho!” (làm như là tôi hiểu chị lắm vậy). Nói xong, chị mắng rủa đứa con thậm tệ dù nó là đứa bé chưa biết nói. Tôi không hiểu đứa bé bị mắng vì nó khóc nhè hay tại vì nó mà mẹ nó chẳng có cơm ăn. Tôi đưa chị ấy tiền và ngồi trông đồ đạc cho chị đi ăn. Một thiếu nữ đi buôn có vẻ sành đời lắm, nãy giờ quan sát tôi, đã lén cho tôi hay rằng đừng nên tin thiếu phụ kia, và rằng tôi có thể bị gạt gẫm, lợi dụng. Tôi gật đầu cám ơn. Lúc đó tôi nghĩ, khi một sự gạt gẫm có lý do của nó, dù là lý do gì, nó trở nên một sự thực bình thường và hợp lý, ít nhất là đối với kẻ lường gạt. (Trên đời còn có những sự lường gạt qui mô và to lớn hơn nhiều nhưng đã được người ta che dấu hoặc sơn phết lên nó một lý do cao đẹp nào đó để rồi cuối cùng chính sự lường gạt lại được ca tụng!). Và nếu nó hợp lý đối với họ, cụ thể là thiếu phụ kia, tôi nghĩ tôi không cần thiết phải làm cho họ thất vọng. Hồi còn là một chú tiểu, có lần tôi gạt một chú tiểu khác, nói rằng tôi đau bụng quá không thể nấu cơm trong phiên trực của tôi được. Chú ấy tưởng thật, đi nấu thay tôi và tôi đã có được hơn một giờ đồng hồ để nằm ngủ nhân lúc thầy tôi đi vắng. Gạt được chú một lần đó tôi thấy khoái chí lắm. Càng trưởng thành, tôi càng nhận thức được những sự gạt gẫm, lợi dụng, dù là nhỏ nhặt, cũng không phải là điều tốt đẹp gì: nó tiêm nhiễm cho ta thói lừa đảo, man trá. Cho nên tôi đã quyết tâm từ bỏ. Tuy nhiên, trong cuộc sống, đôi lúc tôi cũng giả đò ngu ngơ một chút để người ta gạt gẫm mình, gọi là ban cho họ cơ hội để được khoái chí ấy mà.

Lúc trở lại, chị ấy hỏi tôi ăn uống gì chưa. Tôi nói rồi, nhưng chị ấy không để ý lắm vì chị đang lo phủi chỗ ngồi và lục soạn gì đó trong giỏ xách. Khi ấy tôi mới nghe bụng mình reo đói.

Trước khi xe đỗ vào bến Xa Cảng Miền Đông của Sài Gòn, chị ấy có nói trước với tôi rằng, nhờ tôi mang hộ hành lý của chị xuống bến vì không ai đón chị ở đây cả. Tôi vui vẻ nhận lời. Xe vào bến thì đồng thời tôi cũng nhận ra rằng tôi sẽ thất vọng nếu quả là tôi muốn tìm một thứ hạnh phúc nào đó nơi thành phố nhộn nhịp xô bồ này. Tất cả đều mới lạ nhưng không phải là thứ mới lạ mà tôi tìm kiếm. Khi tôi đặt valise và giỏ xách của thiếu phụ xuống đất như trút đi một gánh nặng (vì chúng thật là quá nặng!), thì nối liền theo đó là một nỗi cô đơn xâm chiếm tâm hồn. Tôi xa lạ và quạnh quẽ thật sự giữa phố người cuồng nhiệt hăm hở chung quanh.

Tiếng còi xe, tiếng mời gọi của các phu xích lô, tiếng rao của những người bán hàng rong, tiếng rầm rầm của một lò rèn hay một xưởng cơ khí nào đó, tất cả như muốn đua nhau làm rung lên khoảnh trời còn sót lại trên đầu. Tôi thấy buồn quá, nhưng tôi cũng mỉm cười. Vì sẽ không có gì quan trọng xảy ra hết: tất cả sẽ qua đi và quen đi.

Thiếu phụ lại hỏi xem tôi có thể giúp chị tiền xe để đi tìm nhà bà con hay không. Tôi trả lời rằng có thể, và đưa nốt khoảng tiền còn lại cho chị. Chị ấy cảm ơn rồi chào tôi, lên xe. Chị còn hỏi tôi ở chùa nào lúc bác xích lô bắt đầu đạp xe đi. Đó là câu hỏi mà cả tôi lẫn chị đều không mong đợi trả lời.

Tôi đứng lại một chốc bên đường nhìn xe qua lại rồi bắt đầu một cuộc lang thang trên hè phố. Con đường nào cũng dài nhưng không xa với kẻ không nhà. Tôi thích thú bước đi, đi mãi trong khi trời tối dần và những vì sao lác đác hiện lên giữa bầu trời tím thẫm. Tôi như một con sói hay như một loài thú rừng nào đó, lầm lũi đi qua phố thị rợp người. Tôi không ngước mắt nhìn ai; cũng không ai nhìn tôi, chắc vậy. Mọi người đều có một vấn đề gì đó để bận bịu. Nhưng tôi, một kẻ không nhà, chỉ có vỏn vẹn một tâm hồn đơn sơ, không mắc mướu, không trì trệ và dăm ba bài thơ học thuộc như là hành trang cho cuộc phiêu lưu giữa thế giới hỗn độn xoay mòng này.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/10/2010(Xem: 2861)
Năm Tiết Đào lên tám, một hôm vào mùa thu, Tiết Đào đứng chơi bên cạnh cha, gần một cây ngô đồng. Cây đã già, cành lá sum sê đứng sừng sững trước nhà...
05/10/2010(Xem: 3812)
Kiều bào hơn 30 quốc gia trên thế giới đã về Thủ đô nhân mùa lễ hội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà nội. Ngày 30/9, tất cả đã có mặt, và được đón về khách sạn Kim Liên. Ngày mồng 1 và mồng 2 tháng 10, tất cả các đoàn Kiều bào được tập dợt tại đường Bắc Sơn, sơ duyệt diễu hành tại Quảng trường Ba Đình. Và những ngày sau đó được Ban Tổ chức đưa đi thăm viếng thắng cảnh, các khu di tích có liên quan đến triều đại Thánh Vương Lý Thái Tổ.
04/10/2010(Xem: 2663)
Thôi Hộ, một danh sĩ đời nhà Đường (618-907), nhân dự hội Đạp Thanh đến Đào Hoa Trang, gõ cửa một nhà xin được giải khát. Một thiếu nữ đứng thập thò bên cửa...
02/10/2010(Xem: 2972)
Một đêm nọ, sư cụ nằm mộng thấy một người đàn bà dắt năm đứa con nhỏ đến trước mặt mình rồi vái lấy vái để, miệng nói: "Xin cứu mạng! Xin cứu mạng!". Sư hỏi người đàn bà...
30/09/2010(Xem: 10022)
Chúng sanh bị đọa địa ngục, đó là chúng sanh tâm bị đọa lạc vào địa ngục tham, sân, si phiền não. Muốn giải phóng chúng sanh tâm, phải dùng tự tánh Địa Tạng của chính mình.
27/09/2010(Xem: 6831)
Đức Địa Tạng là một vị đã chứng bực Đẳng Giác trải đến vô lượng A Tăng Kỳ kiếp rồi. Ngài có lời đại nguyện rằng: Nếu Ngài chưa độ hết chúng sanh, thì Ngài không chứng quả Bồ Đề, và nếu sự thọ khổ trong địa ngục hãy còn, thì Ngài thề không chịu thành Phật. Do cái bổn nguyện ấy, nên Ngài phân thân nhiều phen, đặng độ thoát hằng hà sa số chúng sanh đương tội khổ, trải đã không biết bao nhiêu kiếp rồi, mà Ngài cũng còn làm một vị Bồ Tát như vậy. Còn như nói đến tiền thân của Ngài từ khi chưa chứng quả vị, có kiếp Ngài làm con gái, có kiếp thì Ngài làm con trai, và cũng có kiếp Ngài làm vua nữa.
25/09/2010(Xem: 9726)
Nan-In, một thiền sư Nhật vào thời Minh - Trị (1868- 1912), tiếp một vị giáo sư đại học đến tham vấn về Thiền. Nan-In đãi trà. Ngài chế một cốc đầy và vẫn tiếp tục rót.
10/09/2010(Xem: 58648)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (quyển 3) Vào thời không có đức Phật Chánh Đẳng Giác ra đời, tại vùng Allakappa bị dịch bệnh hoành hành, lây lan từ người này sang người khác, nhà này sang nhà khác làm cho rất nhiều người chết, đói kém xảy ra khắp nơi. Những người còn mạnh khỏe, chưa bị lây nhiễm
02/09/2010(Xem: 7000)
Sơ lược về Thiền Sư Nguyễn Minh Không, Ông tên là Nguyễn Chí Thành sinh ngày 14/8 năm Bính Thìn (1076) tại Điềm Xá, Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Thiếu thời ngài chuyên làm nghề chài lưới của ông cha. Năm 29 tuổi ngài xuất gia đầu Phật. Ngài đã cùng Thiền sư Giác Hải và Thiền sư Từ Đạo Hạnh làm bạn thân sang Thiên Trúc học đạo với thầy Samôn được phép: Lục Trí Thần.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]