Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

[321 - 333]

13/02/201217:42(Xem: 8629)
[321 - 333]

DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN

(333 Câu Chuyện Thiền)

Đỗ Đình Đồng góp nhặt

 

321. BÀNG CƯ SĨ CÙNG VỢ VÀ CON GÁI

Một hôm Bàng cư sĩ đang ngồi trong túp lều tranh, bỗng nhiên ông nói:

- Khó, khó, khó, mười tạ dầu mè vuốt trên cây.

Bàng bà liền ứng tiếng tiếp:

- Dễ, dễ, dễ, tựa như bỏ chân xuống đất, ra khỏi giường.

Cô con gái Linh Chiếu bèn hòa vào:

- Chẳng khó cũng chẳng dễ, trên đầu trăm cỏ ý Tổ sư.

Cũng một hôm đang ngồi, Bàng cư sĩ hỏi Linh Chiếu:
- Sáng, sáng, đầu trăm cỏ. Sáng, sáng, ý Tổ sư. Con hiểu thế nào?

Linh Chiếu trách:

- Cha già rồi nói chuyện như thế làm gì.

Cư sĩ hỏi:

- Vậy, con nói thế nào?

Linh Chiếu đáp:

- Sáng, sáng, đầu trăm cỏ. Sáng, sáng, ý Tổ sư.

Cư sĩ cười.

Một hôm cư sĩ đi bán giỏ tre. Lúc đi xuống cầu, ông bị vấp té. Linh Chiếu thấy vậy, liền chạy đến bên cha, gieo mình xuống đất.

Cư sĩ kêu lên:

- Con làm gì vậy?

Linh Chiếu đáp:

- Thấy Bố té, con đến giúp vậy mà.

Cư sĩ nói:

- May là chẳng ai thấy.

(Bàng Cư Sĩ Ngữ Lục)

322. KẺ KHÔNG HIỂU LÀ AI?

Một hôm Bàng cư sĩ đang bán giỏ tre ở chợ Hàng Châu. Thấy một ông tăng đang xin bố thí, cư sĩ lấy một tiền ra, hỏi:

- Thầy nói được làm sao cảm ơn của bố thí chăng? Nếu thầy nói được, tôi sẽ cho thầy cái này.

Ông tăng không nói gì được.

Cư sĩ bảo;

- Thầy hỏi đi, tôi nói cho.

Ông tăng hỏi:

- Làm thế nào cảm ơn của bố thí?

Cư sĩ nói:

- Người hiếm khi nghe.

Lại nói thêm:

- Thầy hiểu không?

Ông tăng đáp:

- Tôi không hiểu.

Cư sĩ hỏi:

- Kẻ không hiểu ấy là ai?

(Bàng Cư Sĩ Ngữ Lục)

323. BỞI VÌ TÔI COI ĐÓ LÀ KẺ THÙ

Trong Dị Văn Ký, Thiền sư Đạo Nguyên Hy Huyền, người khai sáng tông Tào Động Nhật bản, nói về Bàng cư sĩ như sau:

Bàng, dù là một cư sĩ, không thua kém tăng nhân. Trong Thiền người ta nhớ đến tên ông bởi vì đầu tiên khi ông bắt đầu tham học với một Đại sư, ông gôm hết của cải có trong nhà với mục đích ném xuống biển. Có người khuyên ông: “Ông nên đem chúng cho người ta hay dùng vào Phật sự cần thiết.”

Bàng đáp: “Tôi ném những thứ ấy đi bởi vì tôi xem chúng là kẻ thù. Làm sao tôi có thể cho người khác những vật như thế? Giàu sang là kẻ địch chỉ mang lại buồn phiền cho thân và tâm.” Cuối cùng, ông đã ném cả kho tàng của mình xuống biển và từ đấy về sau ông sống bằng cách đan giỏ tre đem bán. Dù là cư sĩ, ông nổi tiếng là người tốt bởi vì ông đã đổ bỏ sự giàu sang theo cách này. Vậy thì đối với tăng nhân, sự đổ bỏ đi kho tàng của mình còn cần thiết hơn biết bao nhiêu?

(Dị Văn Ký)

324. VƯỚNG MẮC THÂN TÂM

Thiền sư Đạo Nguyên dạy:

Những người học đạo, có một điểm quan trọngcần phải xét kỹ khi quí vị gạt sang một bên các quan hệ thế gian. Quí vị phải từ bỏ cái thế gian mà chư vị quen biết, gia đình của quí vị, thân và tâm của quí vị. Hãy xem xét điều này thật kỹ.

Mặc dù họ đã chạy trốn thế gian và dấu mình trong núi sâu rừng thẳm, có một số người không thể dứt được mối quan hệ gia đình đã liên tục qua nhiều thế hệ; họ cũng không thể giữ mình không nghĩ đến những người trong gia đình và thân nhân của họ. Có những người khác đã thoát ly được thế gian, gia đình và ảnh hưởng của thân nhân, song vẫn còn quan tâm đến thân họ và tránh bất cứ cái gì đem lại sự đau đớn. Họ do dự nhận lấy bất cứ sự tu luyện nào có thể đem lại nguy hiểm cho sức khỏe của họ. Những người như thế là chưa xả bỏ thân. Rồi có những người chấp nhận sự tu luyện khó khăn chẳng màng đến thân họ, nhưng đối với Phật giáo họ lại giữ tâm họ lại. Họ từ chối bất cứ hình thái Phật giáo nào không hợp với những khái niệm có sẵn của họ. Những người như thế là chưa xả bỏ tâm.

(Dị Văn Ký)

325. THOÁT LẠC THÂN TÂM

Thiền sư Đạo Nguyên dạy:

Các hành giả, trước hết nếu quí vị điều hòa được tâm, thì việc xả bỏ cả thân và thế gian sẽ dễ dàng. Nếu quí vị lo người khác sẽ phản ứng như thế nào đối với lời nói và cách hành xử của mình, nếu quí vị chùn bước không làm điều gì đó bởi vì người khác sẽ cho là xấu, hoặc quí vị nghĩ rằng người khác sẽ ngưỡng mộ vì đó là một Phật sự, là quí vị còn chấp vào thế gian qui định. Mặt khác, những người tùy ý hành động có dụng tâm thực sự là những kẻ xấu. Chỉ quên đi những ý định xấu, quên đi thân mình, và chỉ vì Phật Pháp mà làm. Hãy ý thức mỗi sự việc khi nó phát khởi.

Những người mới bắt đầu với Phật Pháp có thể phân biệt và suy nghĩ theo cách thế tục. Sự cố gắng tránh điều xấu làm điều tốt với thân, khiến họ thân tâm thoát lạc.

(Dị Văn Ký)

326. ĐỌC NGỮ LỤC THIỀN ĐỂ LÀM GÌ?

Một hôm Thiền sư Đạo Nguyên dạy chúng:

Khi tôi ở một Thiền viện ở Trung quốc, trong lúc tôi đang đọc ngữ lục của các Thiền sư xưa thì một ông tăng người Tứ xuyên hỏi:

- Đọc những ngữ lục Thiền này để làm gì?

Tôi đáp:

- Để hiểu hành trạng của các sư xưa.

Ông tăng ấy nói:

- Dùng cái đó làm gì?

Tôi đáp:

- Tôi muốn có thể hướng dẫn người khác khi tôi trở về Nhật bản.

Ông tăng ấy hỏi:

- Dùng cái đó làm gì?

Tôi nói:

- Lợi ích mọi người.

Rồi ông tăng ấy hỏi:

- Nhưng về lâu về dài dùng cái gì?

Sau đó tôi suy nghĩ về vấn đề này. Đọc ngữ lục và công án Thiền, hiểu hành trạng của các Thiền sư xưa để dạy người mê, rốt ráo là hoàn toàn vô dụng, dù là để tự mình tu tập hay là để hướng dẫn người khác. Nếu chư huynh đệ tự mình minh bạch Yếu Lý trong tọa thiền thì sẽ có vô số cách để hướng dẫn người khác, dù cho chư huynh đệ có thể chẳng biết một chữ. Đây là lý do tại sao ông tăng ấy nói “dùng về lâu về dài”. Chấp nhận rằng lời của ông tăng ấy là lý lẽ chơn chánh, sau đó tôi thôi đọc ngữ lục Thiền và các sách khác. Nhờ thế mà tôi lãnh hội được Yếu Lý.

(Dị Văn Ký)

327. TÌM NGỘ

Một hôm Thiền sư Bàn Khuê Vĩnh Trác dạy:

Tận lực tự tu tập theo tôn giáo, cố gắng tạo ra ngộ bằng các phép tu tôn giáo và tọa thiền, cũng là hoàn toàn sai lầm. Tâm của chư Phật và Tâm Phật của mỗi người trong quí vị chẳng có gì khác nhau hết. Nhưng vì muốn chứng ngộ, quí vị tạo ra sự chia đôi giũa người chứng ngộ và cái được chứng ngộ. Khi quí vị ấp ủ ngay cả một khát vọng dù nhỏ bé nhất về chứng ngộ là quí vị đã bỏ cõi Bất Sinh lại phía sau và đi ngược lại với Tâm Bất Sinh. Tâm Phật Bất Sinh này quí vị có từ lúc cha sinh mẹ đẻ thì chỉ là một - không hai, không ba.

(Tâm Phật Bất Sinh)

328. NGỘ LÀ GÌ?

Một ông tăng hỏi Thiền sư Bàn Khuê:

- Ngộ là gì?

Sư đáp:

- Chẳng có cái gì là ngộ hết. Ấy là sự theo đuổi chẳng có gì liên quan. Kết cuộc, nhận ra rằng Tâm Phật ông vốn có từ khi cha mẹ sinh đẻ là bất sinh và diệu chiếu - đó là ngộ. Không nhận ra Tâm Phật này khiến ông mê hoặc. Vì Tâm Phật Bổn Lai là bất sinh, nó vận hành không có những ý nghĩ như mê hoặc hay muốn ngộ. Ngay khi ông nghĩ đến muốn ngộ là ông lìa bỏ chỗ của Bất Sinh và đi ngược lại nó. Bởi vì Phật Tâm là bất sinh, nó chẳng có ý nghĩ ngộ gì hết. Ý nghĩ là nguồn của mê hoặc. Khi ý nghĩ không còn, mê hoặc cũng biến mất. Một khi ông không còn mê hoặc, nói về muốn đạt ‘ngộ’ chắc chắn sẽ vô dụng, ông không đồng ý sao?

(Tâm Phật Bất Sinh)

329. BẰNG CHỨNG

Một hôm Dật Sơn Tổ Nhân, đệ tử kế thừa Bàn Khuê Vĩnh Trác, hỏi sư:

- Đọc kinh Phật và ngữ lục của các sư xưa có giúp ích gì cho việc học Đạo?

Sư đáp:

- Tất cả là tùy. Khi đọc kinh và ngữ lục, nếu ông dựa vào những đạo lý chứa trong ấy, ông sẽ bị mù mắt. Mặt khác, đến lúc ông có thể bác bỏ đạo lý, nếu đọc, ông sẽ tìm thấy bằng chứng về cái ngộ của ông.

(Tâm Phật Bất Sinh)

330. HÃY Ở TRONG TÂM PHẬT BẤT SINH

Một ông tăng hỏi Thiền sư Bàn Khuê:

- Cách tu tập chính của con là đọc kinh và ngồi thiền. Con cảm thấy làm những việc này là công đức và luôn luôn làm như vậy. Bây giờ con có nên bỏ những việc ấy đi vì vô dụng không?

Sư đáp:

- Ngồi thiền và đọc kinh đều tốt. Ngồi thiền là điều mà tất cả tăng nhân tìm múc nước từ dòng Thích Ca, phải tu tập và không nên khinh chê. Đạt Ma nhìn vách, Đức Sơn đốt sách, Câu Chi giơ một ngón tay, Lâm Tế hét--dù cho những cái này có biến đổi tùy theo hoàn cảnh khác nhau vào lúc ấy và cách thức kỳ đặc của mỗi sư lâm cảnh, tất cả các ngài phải làm thế vì muốn ông kinh nghiệm Tâm Phật Bất Sinh Duy Nhất này mà thôi. Ông không lầm cho tiếng chuông là tiếng trống, tiếng quạ là tiếng chim sẻ, tiếng chim sẻ là tiếng quạ--tất cả các thứ tiếng ông nghe mỗi mỗi đều được nhận ra và phân biệt không sót một tiếng nào. Ấy chính là Tâm Phật Bất Sinh diệu chiếu đang nghe, Tâm Phật ấy bất sinh. Những lời trong Lâm Tế Lục và những gì tôi đang nói với ông hoàn toàn giống nhau, chẳng có gì khác biệt. Từ đây, vấn đề duy nhất là ông có tin hay không thôi. Nếu ông không thể ở trong Tâm Phật Bất Sinh như là Tâm Phật Bất Sinh và khởi dậy những ý nghĩ khác nhau, tiếc nuối quá khứ, lo âu tương lai, thì chỉ trong một ngày, dù không biết nó chuyển biến, ông cũng sẽ đổi Tâm Phật ấy để lấy những ý nghĩ diễn qua, và ông sẽ không bao giờ có được giây phút bình yên!

Bây giờ, ông có thể ngồi thiền đọc kinh, nhưng hãy ở trong Tâm Phật Bất Sinh mà ông vốn có từ cha mẹ ông, y nhiên như vậy, và hãy nhận ra cái Bất Sinh ấy. Nếu ông ngồi thiền và đọc kinh với một mục đích suy tính trong tâm, hy vọng tích lũy công đức, hoặc bất cứ thứ gì, thì ông sẽ chỉ là đánh đổi Tâm Phật Bất Sinh để lấy công đức, hoặc đánh đổi nó để lấy ngồi thiền và đọc kinh! Nó là như vậy đó. Vậy thì tất cả những gì ông phải làm là thừa nhận với niềm tin sâu xa và nhận ra rằng tất cả sự vật mỗi mỗi được nhận thức và phân biệt như chính nó, mà không nảy sinh một ý nghĩ nào hay trông cậy vào bất cứ sự thông minh hay lanh lợi nào. Tất cả bởi vì Tâm Phật diệu chiếu này bất sinh và điều lý mỗi và mọi sự vật một cách hài hòa.

(Tâm Phật Bất Sinh)

331. CÒN GÌ ĐỂ TRUYỀN

Một hôm Thiền sư Bàn Khuê dạy chúng bằng bài kệ sau đây:

Đuổi chữ, theo câu bao giờ mới dứt,

Tự mình cuồng chạy góp nhặt kiến tri.

Tự tánh chơn không, chiếu sáng diệu kỳ,

Để vật tự lo, còn gì truyền đạt.

(Tâm Phật Bất Sinh)

332. ÔNG NÚI

Linh Phong Thiền Tự, tục gọi là chùa Ông Núi, là tên một ngôi chùa trên núi Bà, mặt phía nam, thuộc thôn Phương Phi, quận Phù Cát, tỉnh Bình Định. Chùa có từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh.

Người sáng lập chùa Linh Phong là một nhà sư Trung Hoa, tên gì không ai biết đích xác. Có người bảo là Lê Bang, nhưng không lấy gì làm chắc. Người địa phương gọi nôm na là Ông Núi, vì thấy nhà sư ở trên núi suốt năm.

Người ta nói rằng Ông Núi dùng vỏ cây làm y phục, và ít khi xuống đồng bằng. Thỉnh thoảng cần lương thực thì gánh một gánh củi xuống chân núi để nơi ngả ba đường rồi trở lên. Người quanh vùng đem muối gạo đến để đó rồi gánh củi về dùng. Hôm sau nhà sư đến nhận gạo muối, nhiều ít không thiết, mất còn không bận. Những khi trong hạt có bệnh tả bệnh dịch, thì tự nhiên nhà sư đem thuốc xuống cứu chữa. Chữa xong đi ngay, một cái vái cũng không nhận.

(Nước Non Bình Định)

333. ÔNG TĂNG TRÌ ĐỘN

Trong tăng chúng của Phật Thích Ca Mâu Ni có một ông tăng trì độn. Ông ta cũng muốn giác ngộ như những người khác. Vì vậy ông ta đến nói với Phật ý muốn của mình. Phật bảo:

- Được rồi. Tôi sẽ nói ông biết phải làm gì. Tôi sẽ lăn một quả bóng đến ông. Ông bắt nó rồi lăn trở lại cho tôi. Chúng ta sẽ làm như vậy ba lần, sau lần thứ ba ông sẽ giác ngộ.

Ông tăng nói:

- Ồ, thật ư?

Phật đáp:

- Thật.

Vì vậy họ ngồi ở hai góc phòng đối diện nhau và Phật Thích Ca Mâu Ni lăng quả bóng đến cho ông tăng lần thứ nhất. Ông tăng bắt lấy và lăn lại. Phật lăn quả bóng lần thứ hai. Ông tăng bắt lấy và lăn lại. Phật lăn quả bóng lần thứ ba. Ông tăng bắt lấy, liền ngộ.

(Thiền Quang)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 12238)
Ni sư Satomi Myodo (tục danh là Satomi Matsuno) sinh năm 1896, trong một gia đình nông dân nghèo tại Hokkaido. Không chấp nhận truyền thống cho rằng phụ nữ chỉ có thể là một vợ đảm, mẹ hiền; bà quyết tâm tìm thầy học đạo. Trải qua nhiều khó khăn, tham cứu nhiều pháp môn nhưng bà vẫn không tìm được điều bà muốn.
10/04/2013(Xem: 3934)
Long trút hơi thở cuối cùng vào lúc 4:15 chiều, vào thời điểm này cậu mợ của Long đang trên máy bay về Việt Nam để thăm mẹ và bà ngoại của Long. Sau bao nhiêu năm vật vã trong đau đớn vì căn bịnh AIDS, và mấy tháng sau này Long sống trong đau đớn cùng cực bởi cơn bịnh hoành hành thân xác, chỉ còn xương và da. Nhiều lần ý nghĩ tự tử đến với Long, có lần Long dùng sợi giây sắt cắm vào ổ điện để mong sao điện giựt cho cậu chết, nhưng thật là chưa hết nợ trần nên cậu bị điện giựt bắn rớt từ trên giường xuống đất,...
10/04/2013(Xem: 5148)
Trong cuộc đời, có những mối tình ngắn ngủi thoáng đến thoáng đi, hoặc kéo dài "trong một tháng trong một năm" như cách nói của nhà văn nữ F. Sagan. Cũng có những mối tình lâu dài " tưởng trong giây phút mà thành thiên thu" hay "đem xuống tuyền đài chưa tan". Nhưng tất cả không biết đáng kể hay không nếu đem đặt bên cạnh mối tình lạ lùng của vị cao tăng chùa Shiga.
10/04/2013(Xem: 12828)
Xin được viết đôi dòng cảm nghĩ của mình về tác phẩm Tu Bụi của tác giả Trần Kiêm Đoàn. Số là rất tình cờ, tôi và anh Đoàn cùng dạy lớp mùa Hè ở trường Pacific Lutheran University tại Olympia, Washington State, tháng 6 năm 2001. Hai chúng tôi được xếp chung hai phòng sát nhau trong cư xá giáo sư trường đại học PLU và cũng là hai người Việt duy nhất ở đây. Anh Đoàn dạy môn Psychotherapy (Tâm Lý Trị Liệu) và tôi dạy môn Physiotherapy (Thể Lý Trị Liệu) nên có dịp làm việc chung trong khóa học. Tôi ham thể thao, anh Đoàn ham viết lách....
10/04/2013(Xem: 3557)
Người ta có thể vương vấn mùa thu bằng những điều thật giản dị. Những ai lần đầu trở thành sinh viên sẽ có cảm giác hạnh phúc trong mùa thu trọn vẹn ý nghĩa. Những ai đã qua dốc cuộc đời, mùa thu lá rụng sẽ có dịp để nhìn lại, để chiêm nghiệm cuộc sống. Mùa thu níu giữ chân ta ở lại, níu ta sống chậm hơn và muốn ngoảnh lại phía sau xem mình đã đánh mất những gì, mình còn lại những gì… Có những phút lắng lòng như thế để bước tiếp, dù chặng đường phía trước còn cả một mùa đông.
10/04/2013(Xem: 3470)
Thỉnh thoảng con mới gọi về Việt Nam để hầu chuyện với Thầy, thế mà lần nào con cũng nhõng nhẽo than van với Thầy là mỗi khi nói chuyện với Thầy xong , thì cái hầu bao của con nó lủng đi thật nhiều. Nhưng hôm nay, cái cảm giác lủng hầu bao của con không còn nữa, mà thay thế vào đó là một nỗi đau buồn nào đó thật mơ hồ mà ngay chính con, con cũng không nhận rõ được, sau khi được Thầy cho biết cặn kẽ những khổ cực của người dân ở các tỉnh miền Trung đang phải gánh lấy, ...
10/04/2013(Xem: 3558)
Tôi hân hạnh được Thầy Pháp Siêu tức là Nguyễn Thanh Dương trình bày với tôi, Thầy đã phải trải qua nhiều năm sưu tập và dịch thuật một bộ TRUYỆN CỔ PHẬT GIÁO gồm có 62 bài Giảng Luận tóm rút các phần tinh hoa đặc sắc. Mỗi mẫu chuyện có nhiều ý nghĩa thâm thúy: xây dựng, thức tỉnh, và giác ngộ cho người đời, Thầy cũng khuyến khích tôi, nếu có phương tiện in ra để phổ biến cho mọi người được xem.
10/04/2013(Xem: 6974)
Pháp Phật rộng lớn thâm sâu, nhưng không ngoài lý Duyên Khởi và lý Nhân Quả. Duyên Khởi hay lý tánh của các pháp. Thật tướng của các pháp chính là không tướng.
10/04/2013(Xem: 4593)
Phât tử Chơn Huy ở Hoa Kỳ về có đem theo tập tự truyện dày của Tỳ Kheo Yogavacara Rahula. Cô nói truyện rất hay, khuyên tôi đọc và nhờ tôi dịch ra Việt ngữ để phổ biến trong giới Phật tử Việt Nam. Câu chuyện rất lý thú, nói về đời của một chàng trai Mỹ đi từ chỗ lang bạt giang hồ đến thiền môn. Truyện tựa đề "ONE NIGHT'S SHELTER (From Home to Homelessness)--The Autobiography of an American Buddhist Monk". Tôi đọc đi rồi muốn đọc lại để thấu đáo chi tiết trung thực của một đoạn đời,...
10/04/2013(Xem: 6122)
Cách đây hơn ba mươi năm, cũng có vài tiểu thuyết gia viết về Lý Công Uẩn. Cốt truyện tuy ly kỳ, câu văn tuy hấp dẫn thực, nhưng các tác giả thường thường đưa vào nhiều chuyện hoang đường để mô tả một nhân vật lỗi lạc với những hành động vượt quá sức tưởng tượng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]